Ngoc La mạn phép đưa lên Diễn Đàn bài hồi ký cũ của Ông dung Thông. Được biết, tác giả viết bài này một cách vô tư, khi chưa biết tin gì về Thầy Nhiều. Khi biết Thầy gặp chuyện rủi ro, tác giả đã rất ân hận và bảo với NL: "Nếu biết rõ về tình trạng của Thầy hiện nay thì giọng văn của anh đã khác đi". NL phải nói rõ như vậy để mong Thầy Cô và mọi người thông cảm. ================================================================= Thầy cô cũ Ông dung Thông
Đôi lời phi lộ: Vài tháng trước, tình cờ gặp trang Web tuoitreangiang.com, trong ấy có box "Hội đồng hương Tân Châu", tôi mừng như bắt được vàng, vội vàng vào đó, thả mấy bài viết ngắn, có ý tìm bạn xưa, những cô, cậu học trò tuyệt vời của một thời tuyệt vời mà lòng tôi hằng thương nhớ. Kết quả là bạn xưa đâu không thấy, chỉ thấy quanh mình một lũ ranh. Chỉ vì một vài góp ý chân thành về đôi lỗi chính tả, bọn trẻ mắng tôi te tua, phải cuốn nóp chạy dài. Nay gặp lại các bạn đây, trước hết xin gởi các bạn đọc cho vui cái bài (nguyên văn) mà tôi đã dại dột post lên trang Web vừa nói trên.
Học trò của thầy có thể quên hết những giáo huấn của thầy, quên hết những kiến thức toán học mà thầy tận tâm truyền dạy, quên cả điều tâm đắc nhứt mà thầy thường lặp đi lặp lại trong các giờ giảng luôn sôi động của thầy: "Học toán không phải để làm toán mà là học cái tinh thần toán học", nhưng em tin chắc rằng không đứa nào quên được những lời phát biểu đầu tiên trong buổi dạy đầu tiên của thầy tại trường Trung Học Công Lập Tân Châu năm xưa ấy.
Thầy đã nhìn chúng em, mĩm cười, có duyên đến lạ lùng, rồi tỉnh bơ nói:
- Tôi thật sự vui mừng khi thấy các anh chị mặc quần đi học.
Thầy giải thích rằng khi nhận sự vụ lệnh về dạy chúng em, nhìn bản đồ, thấy Tân Châu nằm sát nách Cam-Pu-Chia, thầy cứ đinh ninh chúng em mặc Xà-Rông đến trường.
Thầy Cô cũ: Cậu Tư Kiên
Không hiểu các bạn trẻ bây giờ có ai biết nhân vật cậu Tư Kiên trong tuồng cải lương Con Gái Chị Hằng không? Đây là vở tuồng một thời nổi tiếng khắp miền Nam, từ thành thị tới thôn quê. Nghệ sĩ Hửu Phước đã có một vai diễn để đời trong tuồng này, đó là vai cậu Tư Kiên.
Tư Kiên là một nông dân kiêm nghề ...lái heo, tức là thu mua heo sống dưới lục tỉnh chở lên Sài Gòn bán cho lò heo Chánh Hưng để "lò hạ thịt" này xẻ thịt, cung cấp thịt heo cho dân Sài Gòn.
Nhân vật trứ danh Tư Kiên được hai soạn giả tài hoa Hà Triều-Hoa Phượng xây dựng với một cá tính rặt Nam Bộ và có biệt tài ăn nói móc họng. Khi mà cậu Tư "chiếu tướng" người nào, thì mỗi lời, mỗi câu cậu ta tung ra sẽ làm cho kẻ bị chiếu tướng cứng họng, ngắc ngứ.
Vâng, thưa các bạn, chỉ sau tuần lễ đầu tiên học với thầy, chúng tôi đã nhận ra tính cách rất Tư Kiên trong cách thầy nói chuyện với đám học trò của thầy . Chúng tôi bị thầy nói móc họng, tức ấm ách mà không có cách gì trực diện "đánh trả" cho hả giận được. Nói cho thật đúng, nếu xét về tài nghệ... móc họng, thì thầy chúng tôi "nhỉnh" hơn cậu Tư Kiên một phần. Thật vậy, nếu như Tư Kiên nói móc họng làm người ta tức đỏ mặt, thì thầy chúng tôi có cái biệt tài là làm chúng tôi giận sôi gan ...mà lại không thể không bật cười: các câu nói móc họng của thầy nghe thì tím ruột bầm gan, mà lạ thay, lại có duyên vô cùng. Phải, có duyên đến lạ kỳ.
Sau đây là một minh họa cụ thể:
Giờ dạy đầu tiên, để kiểm tra học lực chúng tôi, thầy ra cho chúng tôi một đề toán hình học. Thầy đứng trên bục giảng, yêu cầu cả lớp mở tập bài tập ra, mắt ngước nhìn...kèo cột trên trần lớp học, tay không cầm sách, mỉm một nụ cười tươi như hoa mùa xuân, đọc:
- Cho một bàn Bi-Da...
Đám học sinh với bút trên tay, nghe thì nghe đó mà không không đứa nào nhúc nhích cục cựa, không đứa nào viết được một chữ. Thầy "quát": - Cái tụi ma đầu này, sao không viết? Cả lớp nhốn nháo, đám nam sinh ồn ào: - Cho một bàn Bi Da...thiệt hả thầy??? Lúc đó chúng tôi đứa nào cũng thầm nghĩ : " thiên địa thánh thần ơi, đề toán gì mà lạ lùng thế này? Một bàn Bi-Da..? Toán gì mà lại một bàn Bi-Da? Thầy không trả lời, chỉ tặng chúng tôi thêm một nụ hoa mùa xuân nữa, rồi khẻ gằng giọng, thầy bắt đầu đọc lại đề toán: - Cho một bàn Bi-Da hình chữ nhật ABCD...
Tiếp theo là kích thước cái bàn, vị trí các quả banh đỏ, đen và trắng trên bàn. Banh trắng đánh trúng vào banh đỏ tại một góc tới bao nhiêu độ, xoáy ép phê, vòng qua trúng banh đém sao sao đó, bây giờ tôi không thể nhớ chính xác đựơc. Chỉ nhớ yêu cầu đề bài là tìm quỷ tích của một trong ba trái banh.
Bài toán này là một "sự kiện lịch sử" đối với chúng tôi. Chúng tôi, đặc biệt là tốp học trò nam, vô cùng "khoái chí" với bài toán rất ư là thú vị của thầy.
Bài toán này giải tại lớp. Sau khi lướt một vòng cả lớp, liếc nhìn lời giải của chúng tôi, thầy trở về bục giảng, nhìn chằm chằm vào mặt chúng tôi một lúc, rồi "khen":
- Tôi vui mừng thấy rằng tất cả các anh chị lớp Đệ Ngũ (lớp Tám) này đều giỏi hơn mấy đứa Đệ Thất (lớp 6) và Đệ Lục (lớp 7) của trường ta. Lại một nụ hoa xuân nữa.
Cả lớp im lặng như tờ. Chúng tôi vừa thẹn, vừa đau còn hơn bị bò đá, lại vừa không thể nín cười trước lời bình phẩm cay độc mà hết sức có duyên của thầy. Đột nhiên, một bạn nam nào đó nhỏ giọng:
- Tụi mình gặp Cậu Tư Kiên rồi!
Thầy "chết tên" Cậu Tư Kiên từ lúc đó.
Biệt danh cậu Tư Kiên từ lớp chúng tôi nhanh chóng lan ra khắp trường.
Biệt danh này duy trì suốt một năm, cho tới khi thầy nhận một biệt danh mới: " Lệnh Hồ Đại Ca".
Chuyện Lệnh Hồ Đại Ca sẽ kể trong bài tới. ================================================================= Anh Ông Dung Thông ơi! Anh gởi tiếp bài "Lệnh Hồ Đại Ca" đi. NL không có bài này trong máy (vì lưu trong cái USB rồi sau đó cái này bị cháy)
************************************ "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"
|