Nhơn đọc bài "nỗi buồn theo mưa" của A.T có nhắc quán cà phê "GỢI NHỚ", sao thấy lòng chôn rộn quá! Lần đó DL về nước, ở ăn tết rồi mới đi. Bữa đó cô có nhã ý mời Thầy và các bạn chưa hề biết mặt, gặp nhau uống cà phê. DL nhờ tui chọn quán, thật tình có hơi lúng túng, bởi xưa nay uống cà phê ở mấy quán bình dân trong hẻm không hà, hổng lẽ khách xa mà vô mấy chỗ ấy coi sao được? Trời độ hay sao mà trong đầu loáng thoáng nghe tiếng ai đó nhắc "GỢI NHỚ". Tui mừng húm tê-lê-phôn cho DL ngay.
Lần ấy đông đủ bá quan văn võ, DL ăn mặc đơn giản, nhỏ người nhưng đẹp lắm, cô rất vui vì gặp anh em trong cái quán thơ mộng và lịch sự này. Mọi người cười nói rôm rả, tưởng chừng thân nhau từ lâu, chớ đâu ngờ trước đó mấy phút chẳng ai biết DL ra sao! Hữu Tâm cao hứng khoe nghề trồng mai, trúng ý DL quá trời. Thế là anh ta trổ tài kinh lược, dạy DL cách lặt lá mai sao cho nở rộ đúng bon ngày tết. Nào dè....
Bài thơ của A.T làm tui nhớ lại chuyện ấy và cũng nhớ trước đây có viết một bài nói về cái đam mê trồng mai của Hữu Tâm, chưa kịp đăng thì nhiều việc quá thành quên luôn. Sáng này lục lại thấy còn lưu trên máy, xin gởi giúp vui.
NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM …ĐOẠN TRƯỜNG! Long-Khánh.
Hổng biết trên thế giới ngoài xứ ta ra còn có nơi nào trồng mai nữa? Riêng ở nước mình thì mai chỉ có ở Nam bộ mà thôi. Mấy chỗ khác chắc không hạp thổ nhưỡng và khí hậu nên chẳng thấy trồng?
Tui không rành mai lắm nhưng thích. Tết nào cũng lui tới chợ hoa, chiêm ngưỡng nhiều giống bông mới lạ, màu sắc sặc sở. Nhưng những chậu mai đầy nụ, lác đác một vài bông xòe cánh vàng tươi quyến rủ mấy chú ong bầu háo sắc mới làm tui thích thú.
Một trong những nét đặc trưng của mai là trổ ngay bon dịp tết nguyên đán. Hằng năm vào khoảng rằm tháng chạp lặt lá, tưới ít nước thì đúng như rằng bông sẽ trổ ngay chốc mùng một, tới hạ nêu mới tàn. Ngày xưa các cụ chỉ trồng mai rừng năm cánh, có lẽ do chưa có kỹ thuật lai giống như bây giờ. Loại mai nầy tiêu biểu cho sự tự nhiên, gần tết tự động rụng lá để khi sang xuân thì nở rộ, khoe hương khoe sắc. Một vài dân tộc thiểu số sống nơi rừng thẳm chỉ cần nhìn mai rụng lá là mau mau hoàn tất công việc đốn củi, nương rẫy,…để kịp dìa hú hí với vợ con.
Bông mai rừng cánh thưa, nhưng mọc rất cân đối, màu vàng nhạt, hương thơm dịu dàng thanh thoát, phân bố đều đặn ở mỗi nhánh khá đẹp mắt. Năm cánh hoa tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Chỉ riêng màu vàng của nó ám chỉ cho sư quý phái, bởi lẽ ở Á Đông trang phục của vua luôn màu vàng. Cái tên “mai” nói lên điều hên, ngày tết mai vàng nở rộ trước sân là điềm phát tài. Hoa trổ xen lộc non càng quý, vừa hên vừa có lộc, lúa thóc đầy bồ, cây trái xum xuê…Gốc mai nếu khéo tạo dáng sẽ cho ra những tác phẩm có gia trị nghệ thuật cao. Tóm lại mai quý từ rễ tới cành.
Ngày nay, nhờ kỹ thuật lai tạo, người ta cho ra đời những giống mai mới vừa đẹp vừa theo ý thích. Tỉ như muốn màu sậm hơn cũng được, muốn bông bao nhiêu cánh cũng được, muốn nhụy thắm hơn cũng được v.v…Vì thế càng quyến rủ các chàng ong bầu, ong mật, ong ruồi,…ve vãn. Đẹp thì có đẹp, nhưng nhờ “thẩm mỹ viện” sao bằng trời cho?
Anh bạn Hữa Tâm của tui mê mai lắm. Có lần tới nhà chơi, thấy ngoài sân anh ta toàn mai. Mỗi khi hỏi, anh say sưa giảng giải những thuộc tính của nó, gặp giống “khó tánh” anh phải tưới bằng nước sông, mưa thì che lại. Đám con than trời, nhà cách sông gần một cây số!
Có một cô bạn từ nước ngoài dìa chơi, thích mai nhưng chẳng biết chăm sóc mô tê gì ráo. Hữu Tâm trổ tài:
- Còn hơn nửa tháng thì tết, siêng tưới thúc, bón phân nghen!
- Dạ!
- Năm nay tháng thiếu, mười bốn lặt lá nghen!
- Dạ!
- Biết lặt lá mai hông?
- Thì…tuốt cho nó rụng trơ cành.
- Trời…Trời…đâu được?
- ??
- Phải làm như vầy: tay trái vịn cành, tay phải cầm từng lá chỗ gần cuống rồi bẻ nhẹ, nghe tiếng “rắc” khẽ như hạt mưa rơi trên ngói mới được nghen! Nghe lời anh, ngày mười bốn tháng chạp âm lịch cô ta làm y chang, nhưng có lẽ tiếng “rắc” khẽ không như tiếng mưa rơi trên ngói nên tới mùng mười tháng giêng nàng mai mới hé vài nụ!
Tập tin đính kèm: |
IMG_0489.jpg [ 205.01 KB | Đã xem 2146 lần ]
|
|