Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 25 Tháng 11 2024, 06:17
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» VÀI SUY NGHĨ VỀ LÒNG TỰ TRỌNG «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 6 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 3959 | Trả lời: 5)
Tiêu đề bài viết: VÀI SUY NGHĨ VỀ LÒNG TỰ TRỌNG
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 5 2012, 14:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
(Lúc này tôi rất bận việc công cũng như việc tư nên không viết nổi bài nào mới cho DĐ dù có rất nhiều ý tưởng và cảm xúc. Vì vậy, xin gởi chia sẻ vài bài đã viết xong. TNP)

VÀI SUY NGHĨ VỀ LÒNG TỰ TRỌNG


Nếu lần giở lại những giáo trình tâm lí học, giáo dục học, những cuốn sách giáo khoa môn Đạo đức ở Tiểu học, môn Giáo dục công dân ở Trung học, cũng như tìm hiểu các hoạt động giáo dục trong thực tiễn, ai cũng thấy được nền giáo dục của ta có chú trọng đến việc giáo dục những phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ. Những phẩm chất đạo đức đó có thể được phân chia theo các mối quan hệ: giữa cá nhân với xã hội/tập thể, giữa cá nhân với lao động, giữa cá nhân với người khác, giữa cá nhân với chính bản thân mình. Chúng rất phong phú và có liên quan nhau, đan xen nhau, thâm nhập vào nhau, qui định lẫn nhau. Nhưng dù có phong phú, đa dạng đến mức nào thì, theo thiển ý của tôi, cũng tựu trung lại ở 2 phẩm chất cơ bản là lòng nhân ái và lòng tự trọng.

Tục ngữ ta có câu “Giấy rách phải giữ lấy lề”- dù sa sút nghèo khó cũng phải giữ nền nếp, đạo đức, gia phong. Ngạn ngữ phương Tây cũng có câu “Khát thì uống nhưng không uống thuốc độc”. Đó chính là thể hiện lòng tự trọng của con người, trước tự xử sự với mình, sau xử sự với người xung quanh.

Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 7 có những đoạn: “Tự trọng là biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, biết điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội, biểu hiện ở chỗ: cư xử đàng hoàng, đúng mực, biết giữ lời hứa và luôn làm tròn nhiệm vụ của mình, không để người khác phải nhắc nhở, chê trách”; “Tự trọng là phẩm chất cao quí và cần thiết của mỗi con người. Lòng tự trọng giúp ta có nghị lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao uy tín cá nhân và nhận được sự quí trọng của mọi người xung quanh”.
Như vậy, xét cho cùng, có lòng tự trọng thì cá nhân sẽ có những phẩm chất đạo đức khác, kể cả lòng nhân ái. Ngược lại, khi một cá nhân có cư xử đúng đắn trong tất cả các mối quan hệ, ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi việc cũng chính là cá nhân đó thể hiện có lòng tự trọng. Lòng tự trọng chính là phẩm chất đạo đức trung tâm trong đạo đức của mỗi người.

Có lẽ không sai khi có ai đó cho rằng, một người nào đó có lòng tự trọng thì anh ta có tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, công bằng, trung thực trong công việc; không nịnh trên, nạt dưới; không làm ít muốn hưởng nhiều; không tham lam, sống theo kiểu “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”; biết giữ chữ tín, không đi trễ về sớm; biết tôn trọng, cư xử lịch sự tế nhị với người khác, ở nơi công cộng; không nói xấu người vắng mặt; biết xấu hổ, ăn năn, nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm; không làm điều lợi cho mình mà hại cho xã hội, cho người khác;… Bởi vì những thái độ, hành vi đó thể hiện anh ta biết nghĩ đến người khác/cộng đồng, cũng đồng thời là trân trọng giá trị của bản thân.

Trong dạy học và tiếp xúc với HSSV cũng như qua ý kiến của một số đồng nghiệp, tôi biết có những em ham học hỏi, chuyên cần, năng nổ trong học tập; có tinh thần trách nhiệm cao trong các hoạt động khác, biết nhường nhịn, hi sinh cho bạn bè, cho tập thể; sống có nghĩa có tình, có trước có sau; tự tin, nghiêm túc, trung thực khi làm bài tập, bài thi, khi đi thực tập tốt nghiệp,… Còn nhiều, nhiều nữa những biểu hiện tốt đẹp, đáng quí của các em trong các hoạt động, trong cư xử và điều đó làm cho những người có trách nhiệm giáo dục, đào tạo các em cảm thấy rất vui và yên tâm rằng các em có lòng tự trọng, từ đó các em sẽ còn vươn cao, vươn xa hơn nữa trong lập thân, lập nghiệp.

Tuy nhiên, dường như cái “nền giấy trắng” tốt đẹp đó bị che lấp đi phần nào bởi “những đốm mực đen loang lổ” không đáng có. Và “những đốm mực đen” đó dễ đập vào mắt của người ta hơn vì chúng luôn nổi bật. Đề cập đến thực trạng trên, đã có nhiều bài viết, những chuyên đề được tổ chức, thậm chí có cả những đề tài nghiên cứu khoa học. Và có lẽ mỗi người trong chúng ta ai cũng đã hơn một lần nghe ai đó than phiền về những biểu hiện thiếu văn hóa, thiếu tự trọng trong học tập, sinh hoạt của một số bạn trẻ ở nơi này, nơi khác. Ở bạn trẻ là HSSV, những biểu hiện được nhắc đến nhiều là nói chuyện riêng trong giờ học; làm ồn khi người khác đang làm việc hoặc nghỉ ngơi; xả rác bừa bãi trong lớp học cũng như ở sân trường, nơi công cộng nói chung; dựa dẫm vào người khác, không trung thực trong kiểm tra, thi cử nhưng điều quan trọng là các em ít hoặc không cảm thấy xấu hổ khi có những thái độ và hành vi đó.

Để tìm hiểu những suy nghĩ của các một số bạn trẻ liên quan đến lòng tự trọng, có lần tôi đã đề nghị các em trả lời hai câu hỏi. Câu 1. Em có quí trọng bản thân mình hay không? Câu 2. Em đã, đang và sẽ làm gì để thể hiện điều đó? Kết quả thu được: Cho câu 1, 100% bạn trẻ trả lời là ; Cho câu 2, những ý quan tâm giữ gìn, chăm sóc sức khỏe/nhan sắc và không tự hủy hoại cơ thể được 100 % bạn trẻ đề cập đến; nhưng ý phải cố gắng học tập và tu dưỡng đạo đức để tự khẳng định và nâng cao giá trị bản thân thì chỉ được 22% bạn trẻ đề cập đến. Dù cuộc khảo sát chỉ tiến hành trên 55 bạn trẻ nhưng kết quả đó cùng với một số điều thu được qua thực tiễn làm tôi không khỏi băn khoăn: phải chăng một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ chưa nhận thức được sự cần thiết phải chăm sóc bản thân về mặt tinh thần; chưa hoặc ít nghĩ đến việc tự khẳng định bản thân bằng chính công sức của mình; không ngại người khác sẽ đánh giá không hay, không tốt về mình, tức là ít-nghĩ-đến-việc-phải-có-lòng-tự-trọng?
Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên? Về nguyên nhân khách quan ở đây tôi không dám lạm bàn, chỉ xin chia sẻ những suy nghĩ của mình về nguyên nhân chủ quan.
Tôi rất đồng quan điểm với ai đó khi họ cho rằng thực trạng trên là do các bạn trẻ còn hồn nhiên, vô tư, ăn chưa no lo chưa tới. Các bài học đạo đức, về lí luận, họ tiếp thu một cách máy móc, sơ sài, hời hợt; còn về thực tiễn thì họ ít có cơ hội trải nghiệm và tự đánh giá bản thân nghiêm túc, đồng thời cũng không ý thức rõ những biểu hiện sai trái của mình sẽ bị người khác phiền hà và đánh giá thấp. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là do họ thiếu tự tin. Vì sao? - Có lòng tin vào bản thân, người ta có thể đối mặt với mọi hoàn cảnh. Ngược lại, một khi không tin vào bản thân, không đánh giá mình một cách tích cực, không cảm thấy mình có giá trị, có đủ khả năng thì người ta không phát huy hết khả năng, cũng có nghĩa là ta tự đặt những rào cản giới hạn cho mình. Do đó, nên chăng những câu “Tôi có thể và sẽ đạt được bất cứ điều gì tôi cần phải đạt được”; “Người khác làm giỏi việc đó thì ta phải cố gắng hết sức để ít nhất là cũng làm được việc đó”; “Dù ta học không xuất sắc nhưng nếu cố gắng ta sẽ đạt kết quả tốt”; “Việc này dù kết quả không cao nhưng đó là do công sức của chính ta và điều đó thật đáng tự hào";… là những câu mỗi người cần thường xuyên tự nhủ với lòng?

Sự tự tin, lòng tự trọng, sự thiếu tự tin, thiếu tự trọng đan xen nhau, chuyển hóa cho nhau. Vì thế, ai cũng có thể xây dựng cho mình lòng tự trọng bằng cách tin vào bản thân, tôn trọng mình và tôn trọng người khác.
Tin vào bản thân, tôn trọng bản thân, biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời thừa nhận bản thân mà không cần điều kiện gì, đó chính là món quà lớn nhất mà mỗi người có thể tự tặng cho mình. Mặt khác, mỗi người là một cá thể riêng biệt nên sự nhận biết về lòng tự trọng cũng khác nhau. Ngay trong mỗi người, không ai là thập toàn nên có những thời điểm ở vào trạng thái thiếu tự tin, người ta cũng có thể giảm đi lòng tự trọng, tức là dễ chấp nhận những ý kiến rẻ rúng của người khác (nếu có) đối với mình, nên sẵn sàng làm những việc gọi là “không ngại xấu hổ”.
Vì thế, không thể vội vả qui kết rằng những người có lòng tự trọng thấp là những người hoàn toàn xấu; cũng không thể cho rằng những người có vài biểu hiện chưa đúng đều là những người hoàn toàn không có lòng tự trọng. Bản thân người viết bài này cũng chưa dám tự hào mình là người giàu lòng tự trọng mà thực sự vẫn còn đang tiếp tục phấn đấu hoàn thiện bản thân về mọi mặt.

Hi vọng rằng mỗi bạn trẻ nếu nhận ra mình lúc này lúc khác đã từng có những biểu hiện không đúng với các chuẩn mực đạo đức nói chung, nội qui của nhà trường nói riêng, là đối tượng bị than phiền như đã đề cập ở trên thì trước hết sẽ vì giá trị, uy tín của bản thân, kế đến là vì lợi ích của tập thể/nhà trường/xã hội/cộng đồng mà cố gắng điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của mình.

Thiết nghĩ, để bồi dưỡng lòng tự trọng cho HSSV, những người lớn chúng ta cần soạn những “giáo án ngoài bục giảng”, lấy từ kiến thức tích lũy được qua những chuyến “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, từ chính phong cách sống của mình. Hơn nữa, khi tiếp xúc, tác động đến các em, cần phải “tôn trọng nhân phẩm, tài năng, trí tuệ, tự do tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng, thân thể của đối tượng giáo dục; tin tưởng ở thiện chí, ở khả năng sáng tạo của các em để từ đó khơi gợi lòng tự tin, lòng tự trọng, ý chí, nghị lực của các em, đồng thời luôn có những yêu cầu hợp lí đối với các em để kích thích các em phấn đấu vươn lên” vì đó là một nguyên tắc giáo dục quan trọng.
Xin thành tâm chia sẻ vài suy nghĩ, có thể là thô thiển, chưa đầy đủ, chưa hay. Do đó, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, bổ sung của mọi người.

Phan Thị Nga - Khoa Sư phạm
(Bài này đã đăng trên chuyên mục Diễn đàn KH của Tập san TTKH số 9 của trường CĐCT-tháng 5/2012 )


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: VÀI SUY NGHĨ VỀ LÒNG TỰ TRỌNG
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 5 2012, 12:16
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 52
Sinh nhật: 05-09-1972
Ngày tham gia: 22 Tháng 7 2008, 07:30
Bài viết: 1164
Quốc gia: Vietnam (vn)
Chà, mấy ngày nay bận việc không vô diển đàn nay đọc được bài viết "lòng tự trọng " của cô giáo TNP hay quá! Thanks!

Hi hi! tật tui là nhiều chuyện hay tám nên góp chút kiến cò cho vui.
"Lòng tự trọng" Thì tui hiểu là tự mình phải tôn trọng bản thân mình trước khi mong được người khác tôn trọng mình. Mà muốn "tự trọng" để được tôn trọng để nên người hửu ích thì tốt nhất thấy việc gì không phải thì đừng làm. Thấy người thế cô đừng hiếp đáp, thấy của không phải của mình thì đừng tìm cách sở hửu..v...v... Còn nhỏ đi học thì cố gắng làm bài bằng sức học của mình đừng coppy, đừng nhờ cha mẹ đút lót để lấy điểm tốt, cái tốt nhất là nên nghe lời dạy bảo của người lớn.

Ví dụ như hành vi ăn cắp, ăn trộm thì có cái bị phát hiện có cái không bị phát hiện chỉ có mình và ông trời biết thôi. Ăn trộm ăn cắp không bị phát hiện nhưng mình tự thấy xấu hổ rồi né tránh khỏi cám dổ thì có thể gọi là có chút tự trọng không? Nói chung con người thì khó mà tránh được các tật xấu, bãn thân tui thì chỉ mong rằng mình đừng làm quá nhiều điều xấu để sau nầy mắc cở với người. Hic hic! Nói thiệt từ nhỏ tới lớn chưa ai nói với tui rằng : "BQ là người có lòng tự trọng" Ai mà nói tui như vậy là tui mời đi uống cafe liền :D


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CÓ MỘT GIẢNG VIÊN NHƯ THẾ
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 6 2012, 15:02
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Cám ơn bạn BQ đã phản hồi bài. Nhưng nhận lời khen của BQ thì tôi không dám đâu nha!

TNP
----------------------------
CÓ MỘT GIẢNG VIÊN NHƯ THẾ
Phan Thị Nga

Do hoàn cảnh riêng hơi đặc biệt nên trong nghề nghiệp của mình, tôi đã công tác ở ba nhiệm sở: trường Đại học Cần Thơ, một trường THCS ở quê nhà An Giang và trường CĐCT, trong đó nhiệm sở sau cùng là nơi tôi có thời gian công tác lâu nhất – tính đến nay đã ngót 16 năm. Nhà trường, đồng nghiệp, bạn bè, học sinh – sinh viên đã để lại trong tôi biết bao là kỉ niệm đẹp.
Cùng với sự phát triển của đất nước, của sự nghiệp giáo dục, kèm theo đó là những yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy, tôi cùng các đồng nghiệp đã có động lực vươn lên không ngừng về nhiều mặt, đã học hỏi, tự trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ,,… để ngày nay có thể tự tin trong nghề nghiệp. Tôi nhớ mãi những buổi tối cùng đồng nghiệp học sử dụng các phần mềm vi tính phục vụ giảng dạy, những ngày dự tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, những buổi sinh hoạt chuyên đề ở tổ bộ môn, những lần tham gia phong trào văn thể đầy ắp những kỉ niệm thú vị, ngọt ngào,…
Nhờ những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, nhà nước quan tâm hơn đến chế độ tiền lương và phụ cấp của ngành giáo dục. Qui mô đào tạo của nhà trường được mở rộng, nhà trường được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong chi tiêu nội bộ và nâng dần các khoản phụ cấp, bồi dưỡng, khen thưởng,… Tất cả đã góp phần nâng cao dần đời sống của cán bộ – giáo viên – nhân viên. Nhờ đó, mức sống của gia đình tôi cũng ngày càng được cải thiện. Nhớ về những tháng năm cơ cực, tôi vô cùng biết ơn Nhà trường và Công đoàn trường trước đây đã xét cho tôi được hưởng những suất trợ cấp khó khăn, dù là không lớn nhưng đó là cả tấm lòng và sự quan tâm.
Những hoạt động và giao tiếp trong môi trường lành mạnh đó đã làm tôi thêm phong phú đời sống tinh thần. Tôi cố gắng học hỏi những điều hay, điều tốt của nhiều người, từ sự tận tụy trong công việc, vượt khó trong học tập, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ đến những cư xử đầy nghĩa tình với nhau mỗi khi có ai đó gặp khó khăn hay đau ốm; từ sự thẳng thắn tranh luận vì chân lí đến cách đối xử tế nhị, ân cần trong tình cảm;…
Năm học mới đã đến, ngày kỷ niệm 35 năm thành lập trường đang gần kề. Hơn bao giờ hết, vào những ngày này, những kỉ niệm đẹp đẽ đó sống lại trong tôi. Tôi nhớ như in từng sự việc, từng con người. Đặc biệt, tôi nhớ đến chị Nguyễn Thị Dư - một giáo viên của tổ Chính trị đã nghỉ hưu từ năm 2010.

Trong lễ khai giảng năm học 1995 – 1996, dù không cùng đơn vị với tôi, nhưng khi biết tôi mới về trường, chị đã làm tốt công việc của “người cũ” đối với “người mới”: chủ động tiếp xúc, hỏi han; dẫn đi thăm các phòng học, phòng thí nghiệm, các văn phòng,… nhằm giúp tôi hết bỡ ngỡ và nhanh chóng làm quen với môi trường mới. Chị đã tạo một ấn tượng ban đầu rất tốt trong lòng tôi: ẩn sau một hình thức giản dị là cả một tấm lòng nhân hậu, là thái độ ân cần quan tâm đến người khác.
Ấn tượng này không ngừng được củng cố sau đó, đặc biệt từ năm học 2001-2002, như một “cái duyên”, tôi và chị được về chung một đơn vị khi khoa Chính trị - Tâm lý được thành lập (và mấy năm sau đó là khoa Xã hội). Từ đó, tôi có nhiều cơ hội để hiểu chị nhiều hơn.

Chị là một trong những tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó để học tập vươn lên trong nghề nghiệp. Năm 1986, dù đang giảng dạy ổn định nhưng biết trường thiếu giáo viên, chị đã mạnh dạn đi học bằng hai đại học ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Tp. HCM trong điều kiện đời sống gia đình còn rất khó khăn, hai con còn nhỏ,… Rồi những năm sau đó – năm 1997 – chị đã đi học lớp sau đại học khi tuổi đời đã khá cao. Thầy Đỗ Tấn Hiệp, nguyên trưởng khoa Văn Sử (sau đó là các khoa Chính trị - Tâm lý, khoa Xã hội), hiện nay là trưởng khoa Kinh tế - Luật, đã nhận xét: “Việc phấn đấu học tập không ngừng trong mọi điều kiện của cô Dư là một tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo. Ngoài việc học để nâng cao năng lực chuyên môn, cô còn là một trong những giáo viên lớn tuổi tiên phong học tập và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học”. Thầy Trần Xuân Lạp, tổ trưởng tổ Chính trị thì nói: “Cô Dư là một trong những người về trường sớm - năm 1977, từ đó đến nay trong mọi việc cô đều rất nhiệt tình, luôn có trách nhiệm cao trong việc dìu dắt các giảng viên trẻ, vì vậy cô được mọi người thật sự yêu quí. Khi cô nghỉ hưu, chúng tôi thấy như hụt hẫng…
Về công tác đoàn thể, chị làm chủ tịch công đoàn bộ phận nhiều nhiệm kỳ và luôn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đã nhiều lần cùng chị bàn bạc cũng như đi lo công việc, cùng tham gia các hoạt động, tôi thấy rõ chị là một cán bộ công đoàn liêm khiết, hết lòng vì lợi ích chung, luôn nắm sâu sát tình hình, quan tâm giúp đỡ, động viên những công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người ở trong và ngoài đơn vị đều có cùng nhận xét đó. Cô Trần Diệu Loan, giáo viên khoa Sư phạm, bộc bạch: “Cô Dư là một người chân thành, có trách nhiệm, luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, là một cán bộ công đoàn tuyệt vời, nếu không nói là hiếm có. Lúc ở chung đơn vị với cô, tôi tích cực tham gia các phong trào trước hết là do cảm động trước sự nhiệt tình của cô”.
Với những nỗ lực trong học tập nâng cao trình độ và tay nghề, sự nhiệt tình trong mọi công tác và những nét tính cách tốt đẹp chị đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, từ chính quyền đến đoàn thể, được đồng nghiệp, bạn bè và HSSV yêu mến, kính trọng.
Nếu cái đọng lại trong lòng mỗi người về một con người không ở địa vị, tiền tài, ở hình thức bên ngoài mà ở tấm lòng, ở nhân cách của người đó thì theo tôi chị Dư quả thật là một người “đắc nhân tâm”. Với nhân cách đó, không lạ gì chuyện ngày nay chị được sống hạnh phúc, thảnh thơi với gia đình thân yêu của mình và trong sự yêu quí, ngưỡng mộ của mọi người.
Cùng với lòng biết ơn đối với Nhà trường và mọi người nói chung, tôi đặc biệt biết ơn và ngưỡng mộ chị - một trong những người đã cho chúng tôi những niềm vui trong cuộc sống, trong công tác. Chị mãi là một “tấm gương” tốt sống động và gần gũi để chúng tôi soi vào đó mà phấn đấu về các mặt.
Cần Thơ những ngày cuối tháng 8/2011

(Bài này đã được đăng trên TS TTKH số 8 - tháng 11/2011 của trường CĐCT nhân kỉ niệm 35 năm ngày thành lập trường)


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: VÀI SUY NGHĨ VỀ LÒNG TỰ TRỌNG
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 6 2012, 01:33
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 62
Sinh nhật: 01-03-1962
Ngày tham gia: 18 Tháng 1 2008, 07:00
Bài viết: 1323
Quốc gia: Vietnam (vn)
TNP {L_WROTE}:
Cám ơn bạn BQ đã phản hồi bài. Nhưng nhận lời khen của BQ thì tôi không dám đâu nha!
.

Anh BQ là người chân thật có sao nói vậy đó chị ơi. Chị viết hay thì khen sao mà không dám nhỉ?. Bài chị viết kết cấu chặc chẻ không có chổ nào để thắc mắc. Cho nên chỉ có một khen hoăc là im lặng. Im lặng cũng là một cách khen đó! Chúc chị có những bài viết hay như những bài được đăng báo.
(chị hảy làm cộng tác viên với các tòa soạn trong nước mình đi, đó cũng là một niềm vui)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CON ĐƯỜNG KHÓ LÀ CON ĐƯỜNG ĐẸP
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 6 2012, 16:06
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
thanh thảo {L_WROTE}:
TNP {L_WROTE}:
Cám ơn bạn BQ đã phản hồi bài. Nhưng nhận lời khen của BQ thì tôi không dám đâu nha!
.

Anh BQ là người chân thật...
Tất nhiên rồi! Ở đây ai cũng chân thật mà! :mozilla_tongueout:
thanh thảo {L_WROTE}:
Chúc chị có những bài viết hay như những bài được đăng báo.
(chị hãy làm cộng tác viên với các tòa soạn trong nước mình đi, đó cũng là một niềm vui)

Rất cám ơn lời chúc của TT. Viết linh tinh lang tang thì TNP rất có hứng thú, ý tưởng không thiếu, cảm xúc thì cũng tràn trề,... nhưng viết hay để được đăng báo thì không dễ đâu TT ơi, vì lực bất tòng tâm! :(

Tuy nhiên, lâu lâu cũng được đăng một bài (bổn cũ soạn lại) trên báo online, tiền nhuận bút cũng đãi gia đình được... nửa chầu cháo ong.
:mozilla_sealed: :mozilla_tongueout:

Bài CON ĐƯỜNG KHÓ LÀ CON ĐƯỜNG ĐẸP đây nè:

http://phunuonline.com.vn/clb-nu-tri-th ... 66436.html


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: QUÝ TRỌNG VÀ CẢM PHỤC CHỊ
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 12 2012, 09:21
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
QUÝ TRỌNG VÀ CẢM PHỤC CHỊ
Phan Thị Nga

Như một thói quen, một nhu cầu, mỗi khi có dịp đi ngang qua đó tôi đều hướng mắt đến nơi chị làm việc. Để nhìn chị đang miệt mài với công việc thường ngày. Để gật đầu chào chị với nụ cười thân ái nếu chị có trông ra thấy mình. Lúc đó lòng tôi rộn lên một niềm vui khó tả, có khi đến rưng rưng – cái rưng rưng rất đặc biệt; cảm giác ấy không từ những mất mát, uất ức, đau khổ của cuộc đời mình, cũng không từ lòng thương cảm đối với nỗi bất hạnh của người khác, mà từ lòng quí trọng, khâm phục đối với ai đó do nghĩa cử cao đẹp, do nghị lực và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của họ. Chị, không ai khác, chính là Vương Thị Ngọc Huệ, cán bộ văn thư của trường Cao đẳng Cần Thơ.

Từ năm lên sáu, chị đã không thể tung tăng chạy nhảy như bao đứa trẻ khác do di chứng của căn bệnh sốt bại liệt quái ác, dù đã được gia đình hết lòng chạy chữa và sau đó lại được tổ chức từ thiện “Terre des Homes” đưa sang Italia điều trị trong một năm rưỡi. Vượt qua những khó khăn do khuyết tật đôi chân, chị học hết bậc phổ thông và sau đó đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Hậu Giang (tiền thân của trường Cao đẳng Cần Thơ), học lớp Sư phạm Toán Lý. Chẳng những thế, chị còn tích cực tham gia phong trào văn nghệ của trường, đệm đàn mandolin cho các tiết mục ca diễn.

Tốt nghiệp, chị được nhà trường giữ lại công tác ở tổ Tài vụ, phòng Hành chính Quản trị. Sau đó, từ năm 1991, chị được giao phụ trách công tác văn thư cho đến nay. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị đã theo học các lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ, về tin học; luôn tự học và cải tiến phương pháp làm việc, sắp xếp khoa học các công văn, tài liệu lưu trữ;... Có lẽ cũng như tích cách của chị - không vồn vã mà chân thật, chu đáo, công việc của chị không ồn ào mà âm thầm, lặng lẽ, nhưng đã góp phần không nhỏ vào những thành tích chung của nhà trường.

Anh Quách Kim Lộc, phó trưởng phòng Tổ chức Hành chính Tuyển sinh và anh Lý Kịch, nhân viên tổ Bảo vệ, người hằng ngày giúp chị dắt chiếc xe máy ba bánh ra vào nhà xe, đều có lời ngợi khen khi nói về chị: “Cô Ngọc Huệ làm việc rất có trách nhiệm. Mỗi ngày cô đến nơi làm việc tuyệt đối đúng giờ và làm cho hết việc chứ không chỉ hết giờ. Những khi cần hoàn thành gấp công việc, cô không nề hà làm thêm giờ, kể cả những ngày thứ bảy, chủ nhật”.
Thầy Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, người gắn bó với nhà trường gần 40 năm qua, đã có nhận xét: “Cô Ngọc Huệ là người đa tài, biết “lấy sở trường để chế ngự sở đoản”, chịu khó học tập nghiên cứu cái mới và có nhiều đóng góp cho nhà trường dù ở vị trí công tác nào. Ban đầu, do cô có chuyên môn Toán và khó khăn trong đi lại nên nhà trường đã giữ cô lại công tác ở tổ Tài vụ. Lúc đó, cô chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ kế toán nhưng qua sự hướng dẫn trực tiếp của nhà trường, cô nhanh chóng tiếp thu kiến thức, tự tìm tòi, nghiên cứu thêm và từ đó cô đã làm tốt đến không ngờ công việc được giao. Khi phụ trách công tác văn thư, do có chữ viết đẹp nên khi nhà trường chưa có máy vi tính, cô là người thường xuyên được giao viết các văn bằng, giấy khen của nhà trường. Đặc biệt, cô đã thực hiện thật tốt công tác bảo mật, lưu trữ công văn, giữ gìn các con dấu của nhà trường,... Trong giao tiếp thì luôn mềm mỏng và tế nhị...”
Các cán bộ trợ lý khoa và nhiều cán bộ, giáo viên trong trường có dịp tiếp xúc với chị cũng đều nhận xét tốt và dành cho chị nhiều thiện cảm.

Có lần tôi hỏi chị về những vui buồn trong cuộc sống, công việc, chị nở nụ cười đôn hậu bộc bạch: “Buồn thì không có, ngay cả việc đôi chân không bình thường cũng không làm mình mặc cảm vì mình nghĩ bản thân vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Còn vui thì nhiều. Vui vì được sống trong vòng tay ấm áp yêu thương của gia đình. Vui vì được nhà trường, bạn bè ở phổ thông cũng như cao đẳng luôn quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi. Vui vì làm tròn trách nhiệm,... Mình nhớ ơn nhiều người lắm. Nhờ các hiệu trưởng tin dùng mình mới có công việc để làm. Nhờ các anh em trong phòng hết lòng hỗ trợ mình mới hoàn thành tốt được mọi nhiệm vụ. Nhờ cư xử tốt đẹp của mọi người mà mình có niềm vui và động lực mạnh mẽ trong công việc...
Dần dần, tôi nhận ra, ngoài một chị Ngọc Huệ cần mẫn, chịu khó, toàn tâm, toàn ý cho công việc, còn có một chị Ngọc Huệ lạc quan, khiêm tốn và coi trọng nghĩa tình.

Với những nỗ lực vượt khó để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, với cách cư xử nghĩa tình, dịu dàng, chu đáo với mọi người, không những được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến, quí trọng, mà hằng năm chị còn đạt được kết quả thi đua cao. Đặc biệt, từ năm học 2003-2004 đến nay liên tục nhận bằng khen của UBND TP Cần Thơ; từ năm học 2005-2006 đến nay mỗi năm đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; riêng năm học 2009-2010 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, nhận Bằng khen “Đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2006-2010)” của UBND TP Cần Thơ.
Chị rất xứng đáng là một tấm gương tốt gần gũi và sống động về nghị lực, về thái độ làm việc “chí công vô tư”, về tinh thần lạc quan, về cư xử chân thật, ân cần, chu đáo,... để lớp trẻ học tập và noi theo. Thành thật mong chị luôn dồi dào sức khỏe để còn tiếp tục làm việc, đóng góp cho nhà trường.

Tháng 9 năm 2012


(Bài này đã đăng trên Tập san TTKH của trường CĐCT - số 10, tháng 11/2012)


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 6 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» VÀI SUY NGHĨ VỀ LÒNG TỰ TRỌNG «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu