Năm Tỵ, giải oan cho Rắn Thái Lý Năm Rồng trôi qua thiệt là nhanh, nối đuôi theo là năm Rắn. Đêm 30 tháng Chạp, Rồng nằm phơi râu… lướt web trong cái bể cạn nước. Thiệt là xúi quẩy, chuyện cúp nước xưa như trái đất rồi, chắc tại bà con lo tích trữ nước đầy bồn bể đêm giao thừa nên mới sanh chuyện. Báo cáo tổng kết Rồng đã gửi i-meo về trời, còn hội nghị tổng kết năm Ngọc Hoàng cho họp online, khỏi về chầu trời, thời đại in-tẹc-nét thiệt là đã. Đang phê nhạc trữ tình trên “Nhạc của tui” tự nhiên Rồng giật nẩy người, ái chà, quên bàn giao cho thằng Rắn, nhỡ xảy ra chuyện gì thì… bỏ mẹ. Nhà Rắn sát vách, đêm giao thừa trời tối thui, Rồng mang dép… Lào lẹp kẹp gỏ cửa kêu Rắn hồi lâu không thấy trả lời trả vốn. Thằng này láo, đàn anh tới mà nó chẳng thèm đón tiếp gì cả. Xô cửa bước vào tìm mới thấy con nhà Rắn đang núp trong kẹt tủ. Rồng vừa mắc cười, vừa tội nghiệp nhưng vẫn lên giọng đàn anh: - Chú em mày biết đêm nay là đêm gì không ? Rắn ngẩng đầu, lễ phép: - Dạ thưa đàn anh kính mến, đêm nay là đêm giao thừa ạ! Rồng tấn công phủ đầu: - Năm tới là của chú, tui bàn giao ca, rán làm cho xong mấy cái vụ còn tồn đọng nghe ! Nói xong Rồng làm một hơi về “Phương hướng nhiệm vụ năm Quý Tỵ”, tội nghiệp con nhà Rắn nằm im re nghe đàn anh “huấn thị”. Đợi Rồng nói cho đã, Rắn cười nịnh: - Năm rồi đàn anh làm được nhiều việc quá, năm nay nhờ đại huynh “truyền đạt kinh nghiệm”, hỗ trợ đàn em hoàn thành nhiệm vụ, dầu gì mình cũng là bà con dòng họ. Rồng nghe Rắn nhìn bà con, cười hả hả: - Chú em mày ốm nhách, nhỏ con lại không chân, hình dáng có giống anh tí nào mà bảo bà con dòng họ ? Trong 12 con giáp, có lẽ chú mày là con vật có tính cách… phức tạp nhứt, lại có tật thù dai, thiện ác lẫn lộn, không biết đâu mà lần. - Báo cáo anh, cuốn gia phả nhà em có ghi rõ: Rắn thuộc loài bò sát, có bà con dòng họ với giao long, thuồng luồng, trăn, lươn, thằn lằn, tắc kè, rắn mối… và có dây mơ rể má với dòng họ nhà Rồng. Bởi vậy người ta hay cho Rồng Rắn cặp kè chẳn hạn như: Rồng rắn lên mây, vẽ rồng vẽ rắn, vẽ rắn thêm chân (cho giống rồng)… Tại anh không biết thôi, hồi xưa em cũng có chân như anh, tại em lỡ dại xúi thằng cha, con mẹ Edam, Eva ăn trái cấm nên Thượng đế bẻ giò em (*), bây giờ mới ra nông nỗi, đi đâu cũng phải lăn lê, bò toài, mệt bở hơi tai. Em chính là “tác nhân” cực kỳ quan trọng tạo ra cái “tội tổ tông”. Nhưng công hay tội, rõ ràng em công nhiều hơn tội. Tính cách em có hơi phức tạp một chút nhưng là con vật có thiệt, em hiện diện khắp nơi trên trái đất này, không mang tính… trừu tượng như đàn anh. Em còn nghe nói từ hình dáng của em mà người ta... hư cấu ra anh đấy ạ! Bằng chứng hùng hồn là các di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long ở Hà Nội, hình tượng Rồng thời nhà Lý có cái mình ốm nhách y hệt Rắn... He he ! Rồng nghe nói gãi đầu phản công: - Ờ, ờ ! Cứ cho là vậy đi, nhưng nhà Rồng ta có công giúp con người làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màn sung túc, ai cũng khoái chọn ta làm biểu tượng cho sự quý phái, may mắn, thành công và… bay bổng. Còn Rắn nhà mi chả được cái tích sự gì, lâu lâu còn cắn người ta một phát, gặp phải rắn độc chết như chơi, dân gian mình có câu “Miệng hùm, nọc rắn”, "Mái gầm tại chỗ, rắn hổ về nhà"… Rắn thường hiện thân cho cái ác, nhân vật phản diện trong các câu truyện cổ, trong truyền thuyết. Dân gian có mấy câu về Rắn ta nghe không được đẹp lắm, kiểu như: “Thao láo như mắt rắn ráo; Oai oái như rắn bắt nhái; Bạnh như cổ hổ mang; Cõng rắn cắn gà nhà; Len lén như rắn mồng năm; Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra; Khẩu phật tâm xà; Đuôi ong lưỡi rắn; Sư hổ mang…” - Dạ thưa anh, có lẽ không có con vật nào có ý nghĩa biểu trưng phong phú, có khi đối lập nhau như loài Rắn chúng em. Tuy vậy, rất nhiều nước trên thế giới lấy Rắn làm thần bảo hộ, Rắn có thể là phúc thần hoặc ác thần, Rắn biểu trưng cho cả giới tính nam và nữ, tượng trưng cho điều tốt lẫn cái xấu, sự bất tử và cái chết, hủy diệt và tái sinh, tình yêu, nhục dục và tội lỗi... Nhưng nói chung, thiện hay ác là do con người suy diễn ra thôi chứ tụi em có biết gì đâu. Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp rắn là con trai của thần A-Pô-Lô có biệt tài chữa cho người chết sống lại, là biểu tượng của sự khôn ngoan. Sách tử vi cụ Huỳnh Liên còn phán rằng người tuổi Rắn thường có tính vô tư, không tham vọng, ít bon chen, thích sống ẩn mình nên dân gian mới có câu: Tuổi Tỵ rắn ở ngọn cây Nằm khoanh trong bộng có hay việc gì! Còn anh nói cái vụ cắn người, thiệt là oan cho em quá xá, em chỉ cắn vì đấu tranh sinh tồn thôi, chớ món khoái khẩu của tụi em là chuột, ếch, nhái, ểnh ương… Tuy em không thuộc nhóm “Lục súc tranh công” nhưng chúng em âm thầm ngày đêm giúp nông gia giải quyết nạn… chuột mãn trên đồng ruộng. Dòng họ nhà em có hung dữ gì cho cam mà mỗi khi đàn bà, con nít gặp em sợ... chạy mất dép, còn cánh đàn ông gặp em thì truy sát tới cùng, nhứt là cánh bợm nhậu. Dân số tụi em bây giờ đang giảm theo cấp số nhân, một số anh em nhà Rắn sắp tuyệt chủng vì cái chứng... cuồng săn rắn của con người. Hồi xửa, hồi xưa, dòng tộc nhà Rắn tụi em con đàn cháu đống, đủ các họ, các chi. Hồi nhỏ tụi em hay hát bài vè về Rắn, đến nay còn thuộc lòng: Mái gầm, chàm quạp, hổ lác, hổ hèo Ri cốc, liu điu, ri voi, hổ lửa Hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, rắn râu Quỷ khóc thần sầu: hổ mang, hổ sậy Thấy đà run rẩy: cạp nia, cạp nong Lặn lội dưới sông: là con rắn nước Rắn rồng, rắn lục, ri cá, rắn trung Nghe đến hãi hùng: hổ mây, hổ bướm Ớn đà quá ớn... chẳng dám kể thêm... Đàn anh cứ tìm đọc truyện ngắn “Con rắn ri voi” trong quyển Hương rừng Cà Mau của bác Sơn Nam sẽ thấy dòng họ nhà em ngày xưa nhiều tới cỡ nào. Chuyện kể rằng, hồi trào Tây, rắn ở rừng U Minh nhiều vô kể, đặc biệt là rắn ri voi. Rắn ri voi có vảy mịn, bám sát vào da, nổi hột sáng ngời. Dân nhậu hồi đó chê thịt ăn dai nhách, lạt lẽo, không ngon bằng rắn hổ đất. Một ngày nọ, ông Cò Tây Lơ- Hia giới thiệu cho chú Biện Tống đứng ra thâu mua đến 4 ngàn bộ da rắn ri voi bán cho xì thẩu Má chín Sìn Phóc để xuất cảng sang tận xứ Sanh-Ga-Bo. Má chín Sìn Phóc bị ghạt do sáng kiến độc đáo của bà con xứ U Minh: buộc lỗ đít rắn rồi bơm phồng để tăng chiều ngang da rắn bán cho có giá, da rắn mỏng tang không làm bóp đầm được khiến Má chín Sìn Phóc lỗ một trận tơi bời. Bác Sơn Nam kể chuyện thiệt là có duyên, đọc xong vừa thấy tức cười vừa tuổi thân cho phận… Rắn. Bây giờ rắn ri voi, hổ đất ngày càng hiếm, muốn… nhậu mấy món này đại ca phải đặt hàng trước mới có. Rồng nghe Rắn tả oán cũng động lòng: - Trời đất! Hà cớ gì mà con người cứ đè dòng họ nhà mi mà săn bắt rứa ? Như gãi đúng chổ ngứa, Rắn liền hát bài ca con… rắn: - Nói thiệt với anh, em mới chính là người phục vụ đắc lực nhứt cho con người, từ thuở con người còn ăn lông ở lổ đã có mặt em. Dân gian có câu: “Xà tửu vô ưu / Đông y hữu lý”. Rắn không những có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, nhứt là nọc rắn, còn thịt rắn vừa ngon vừa bổ khỏi chổ chê, rượu Tam xà, Ngũ xà uống vào “trên bảo dưới nghe”, mật rắn trị bá bệnh (?), tiết rắn hổ nghe đâu trị được ung thư (?), mỡ rắn làm thuốc dán trị phỏng lửa, trị ghẻ lở, nọc rắn còn dùng trong y học, bởi vậy ngành y mới lấy hình con Rắn leo làm biểu tượng. Nói về món ăn chế biến từ rắn, báo cáo đàn anh, chắc phải tổ chức một cuộc “hội thảo” chuyên đề mới tổng kết nổi. Không phải tự nhiên mà các bợm nhậu nơi thôn dã phát biểu xanh rờn: Cần chi cá lóc, cá trê Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều Xin kể cho đàn anh nghe mấy món ăn chơi: từ đơn giản như rắn nướng lèo, rắn hầm sã, rắn xé phai trộn gỏi, rắn nấu cháo đậu xanh, rắn xào củ hành, rắn nấu càri, rắn bằm xúc bánh đa… cho tới phức tạp như: xôi mỡ rắn, miến rắn, rắn xào bánh đa, rắn xào miến, da rắn chiên dòn; gan rắn bao trứng, thịt rắn bao lá lốt, rắn tẩm bột, rắn nhồi thịt, chả rắn, rắn rán khúc, sườn rắn rang dòn, rắn nướng ngũ vị hương, gan rắn nướng ngũ vị, rắn nướng lá chanh, rắn hầm mía sả, rắn om, rắn tiềm thuốc bắc, rắn hấp lá bưởi… Dân chơi thượng thừa rất khoái làm món rắn nấu chung với thịt mèo gọi là món “Long hổ hội”, nấu chung với thịt gà thì gọi là “Long phụng phối” nghe biết đã, hội đủ tứ linh “Long Lân Quy Phụng” có món rắn, mèo, rùa, gà tiềm thuốc bắc ông nhậu bà khen. Nói Long cho oai chứ làm gì có thịt rồng mà xơi, chỉ toàn thịt rắn. Hãy nghe bác Kha Tiệm Ly quê ở Mỹ Tho diễn tả mấy món rắn truyền thống trong bài phú "Rắn tâm sự": Xào lăn bầm nhuyễn, cuốn bánh tráng lá thơm, Chặt khúc hầm nhừ, ngấm xả gừng ngũ vị. Mặc cho nào bê thui, bê tái… món ngon sa số hàng hà. Sánh sao với rắn nướng, rắn nhồi…đặc sản độc chiêu vô nhị? Đàn anh có dịp ra Hà Nội nhớ ghé làng Lệ Mật, bảo đảm đại huynh sẽ thấy… choáng khi xem thực đơn chuyên về rắn của mấy nhà hàng tại đây. Rồng nghe nói phát thèm, chịu không nổi bèn sì tốp: - Thôi đủ rồi, đã tới giờ giao thừa ta về cúng ông bà đây! Sáng mai Mồng 1 nhậu khai trương, nhớ dắt ta tới cái làng Lệ Mật, Lệ Miết gì đó làm vài món rắn ăn chơi cho biết. Rắn nghe nói trợn mắt kêu trời rồi… xỉu.
(*) Chương 3, sách Khải huyền kể về một biến cố xảy ra trong vườn địa đàng. Đó là sự xuất hiện của con Rắn, một con vật mà theo Kinh Thánh là: Quỷ quyệt hơn mọi loài thú trên cánh đồng. Con Rắn đã xúi Eva ăn trái của cây nhận thức và đưa cho Adam cùng ăn. Sau khi ăn, cả hai mở mắt nhìn nhau và bắt đầu cảm thấy xấu hổ. Họ lấy lá sung để che đi sự trần truồng của mình và trốn khỏi cái nhìn của chúa. Chúa Trời rất tức giận khi biết chuyện này đã nguyền rủa con Rắn: Mày sẽ đi bằng bụng, và mày sẽ ăn bụi trong suốt những ngày của cuộc đời mày. Riêng Adam và Eva, Chúa nguyền rủa họ sẽ phải lao động cực nhọc và chịu đau đớn khi sinh em bé. Ngoài ra, Chúa trời còn đuổi họ đi khỏi vườn Địa Đàng và đặt một tiểu thiên sứ canh giữ không cho họ đến gần cây Nhận thức. (Nguồn Wikipedia).
|