Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 15:40
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» NẮNG CHIỀU-Long Khánh «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 5 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 3001 | Trả lời: 3)
Tiêu đề bài viết: NẮNG CHIỀU-Long Khánh
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 2 2013, 09:44
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 71
Sinh nhật: 31-12-1952
Ngày tham gia: 12 Tháng 10 2012, 23:41
Bài viết: 107
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
NẮNG CHIỀU
Long-Khánh.

(Tặng: Thầy Ba, C3,Trà Vinh, Cô Sáu, Ngọc La, DL, HM, Bảo Toàn, Thịnh, Xuân Huy…để thay cho lời chúc Tết tốt đẹp nhứt)

Trăng mùng mười vừa lên khỏi đọt tre thì trong nhà đã tối rồi. Ông năm bước lại bàn thờ sờ soạn tìm cái hộp quẹt đốt đèn. Căn nhà lá đơn sơ hửng lên một thứ ánh sáng chập chờn chỉ đủ để phân biệt lối đi.

Ông bước ra hàng ba, ngồi trên bộ vạt cũ vấn một điếu thuốc, vừa hút vừa trầm ngâm dòm ra ngõ. Đường quê vắng lặng, hàng cau in bóng, một vài tiếng chó sủa xa thêm buồn. Dưới ánh trăng lờ mờ, đồng ruông chìm trong màu nước bạc. Mới qua đầu tháng tám mà nước đã vô ruộng rồi, vài bữa nữa chắc sẽ bò tới sàn. Chà, mấy con heo biết phải làm sao? Bán thì chưa đủ lứa còn để sợ nước lênh đênh, kê kích chuồng trại cực quá, chừng nước giựt cá đồng rẻ thúi làm gì giá heo cao được?

Lâu nay thời tiết thất thường. Nắng dữ mưa nhiều, mùa gió bấc không thấy lạnh, hai ba năm liền nước chỉ tráng đồng, câu lưới thất bát. Đâu như mấy chục năm trước, cá tôm nối đuôi nhau lội, thò tay là bắt được. Mùa lũ đến rồi đi như có “lập trình”, mực nước sắp xỉ nhau, thỉnh thoảng có cao hơn cũng không đột ngột. Bây giờ, bảy tám năm liền lũ nhỏ, thì đùng một cái năm sau nước dưng kê nhà không kịp, gà vịt lên cây mà ở! Mặc dù người ta có đắp đê, nhưng lơ là không tu bổ, gặp khi lũ lớn bể đê đành phó cho trời. Nghe “ra dô” họ nói biến đổi khí hậu gì đó cũng chẳng hiểu ra làm sao. Chỉ biết giờ đã khác xưa nhiều quá!

Giá cả leo thang, nông dân chật vật. Coi truyền hình người ta nói khủng hoảng kinh tế, bên Mỹ còn tệ hơn mình. Dòm lại trong xóm, mấy người ít đất lần hồi bỏ lên thành phố làm công nhân hoặc chạy xe ôm coi bộ khá hơn. Họ có rủ ông năm, nhưng còn quyến luyến mồ mả tổ tiên không nỡ bỏ. Song cuộc sống gia đình gồm bốn miệng ăn chỉ trông cậy vào hai công đất rẫy thấy hơi hầm hinh! Ông ngao ngán bước lại gieo mình trên võng, cạnh đó bà năm đang lo cho mấy con heo của mình.Thấy ông nãy giờ cứ hút thuốc liên hồi, man mán hiểu được đôi phần những gì chồng nghĩ.

Bà lên tiếng:

- Tui lo đêm nay nước dưng cao, mấy con heo không chỗ ở nghen!

Ông ỡm ờ:

- Bây giờ đã tối. Lo cũng làm gì được? Sáng tính.

- Ngày mơi nếu thấy không ổn, kêu lái bán phứt đi?

- Sợ họ ép giá…

- Còn hơn phải lo kê chuồng hoài, tối ngủ phập phồng.

Suy nghĩ một lát, ông nói:

- Để mơi coi sao.

Quả như tiên đoán, lũ lên nhanh. Sáng ra, chuồng heo mới kê bữa trước nay lại mấp mé rồi! Ông năm phải ra sức kê cao nữa, luôn tiện đôn thêm bồ lúa hơn hai chục giạ lên vài tấc cho chắc ăn. Thằng Bon tiếp cha xong thì đi giăng câu. Con Sương không dám lội nước đi xa, quanh quẩn gần nhà với chiếc cần câu, hồi lâu cũng được năm bảy chú cá rô con, đủ làm nó mừng rơn. Ông năm nhìn đồng ruộng giờ như cái biển, tuy đã thu hoạch xong, nhưng bụng cũng lo cho những ngày sắp tới. Mấy năm nay giá lúa không cao, phân bón và thuốc trừ sâu thì lên vù vù, thu nhập bấp bênh. Ông loáng thoáng ý nghĩ thử lên thành phố một chuyến để coi thời vận, có thằng em vợ ở trển dắt lối buổi đầu chắc không sao đâu. Nhưng còn đắn đo, mồ mả cha mẹ và mấy công đất hương quả giao cho ai bây giờ? Thôi chờ nước rút, nếu có cửa sống thì ở còn không thì đi. Ông thầm nghĩ thế.

Mùa nước năm nay cá nhiều. Chỉ cần ngồi tại sàn nước với cây cần câu một lát thì con Sương có đủ cá cho một bữa cơm. Chưa kể bông điên điển, rau muống, rau dừa đầy đồng, không lối bơi xuồng. Gia đình ông năm tạm thời quên đi cái lo thiếu ăn đau đáu hổm rày. Vui chẳng bao lâu thì buồn lại tới. Bà năm bơi xuồng nhầm lúc giông mưa, dìa nhà không kịp bị lật, ôm gốc cây chịu trận. Hết sóng gió thằng Bon lội nước đi tìm, thấy má mình run cầp cập, lật đật tát nước xuồng chở dìa. Bà năm lên cơn sốt, ho mỗi lúc một nhiều. Con Sương mua thuốc tiệm cho uống không thấy giảm. Hái lá tre, lá sả xông chỉ hạ nhiệt chốc lát rồi nóng lại. Liên tiếp mấy ngày, coi bộ có tăng chớ không bớt. Ông năm hối chở đi nhà thương. Tứ bề nước giăng, ông bơi mũi thằng Bon bơi lái non một buổi mới đưa được bà năm tới nơi. Bác sĩ nói bị sưng phổi nặng, còn trách sao để muộn quá, rồi cho thở “ốc-xi” và truyền nước biển. Ông năm lòng rối như tơ vò, đang lúc thiếu trước hụt sau mà vợ lâm bệnh nặng. Giờ chỉ còn van vái trời phật phù hộ tai qua nạn khỏi, chớ hết biết đường tính.

Chẳng hiểu có phải nhờ ơn trên xem xét hay không mà bệnh bà năm lui dần. Để đủ tiền chạy chữa ông bán cặp heo mặc dù đang lúc rớt giá. Cộng thêm đứa em vợ ở thành phổ hay tin gởi cho chút đỉnh cũng tạm xoay sở được. Tuy nhiên qua cơn thập tử nhứt sanh ấy bà năm yếu hẵn, hỏng đủ sức làm lụn như xưa. Vì thế gia cảnh mỗi ngày một xuống. Bà năm buồn lắm, nhơn lúc không có mặt con mới nói với chồng:

- Hổm rày tính tới tính lui, tui thấy ông với thằng Bon nên đi thành phố kiếm việc làm, tui với con Sương ở lại chừng nào ổn thì theo. Cậu út nó ở trển quen nước quen cái rồi, lâu nay cứ nhắn dìa hoài mà mình không đi. Nay cớ sự này, ở đây chết đói có chùm. Chi bằng nghe nó một lần thử coi?

Ông nhíu mày nghĩ ngợi có vẻ lưỡng lự:

- Hồi nào tới giờ sống ở quê quen rồi. Ra thành…khó quá, mà tuổi thì lớn…

- Mới hơn năm mươi mà già cái nỗi gì? Ở ngoải có cậu út nó, dắt thằng Bon đi cho nó có nghề có ngỗng với người ta, du dú ở quê hoài biết chừng nào khá?

Đêm đó ông không chợp mắt được, chốc chốc vén mùng ra ngoài hút thuốc. Bà năm ngủ chung với con Sương ở bộ vạt phía trong dòm ra thì hiểu chồng mình đang trăn trở. Xưa nay ông hiền lành, gắn bó với ruộng vườn, chưa từng đi xa. Bây giờ biểu ổng lên thị thành lập nghiệp hỏi sao không lo? Bà giả đò ngủ, để ông tự do với cái lòng của mình. Chắc rồi cũng phải đi thôi. Ở đây lấy gì sống?

Từ ngày ông năm và thằng Bon lên thành phố. Cửa nhà hiu quạnh. Tối lửa tắt đèn chỉ hai mẹ con. Bà thì yếu, Sương mới mười sáu. Cái tuổi vừa bước qua lằn ranh con nít, giờ phải đảm đương hai công đất hương quả, tội nghiệp quá. Nhìn con oằn vai gánh từng đôi nước tưới rau lòng bà năm đau như cắt. Thương con nên chuyện bếp núc, quét dọn bà gắng gượng làm giúp. Tuy có mệt cũng ráng tươi tắn cho nó vui.

Ngày tháng dần trôi. Mới đó mà tết sắp đến, ông năm nhắn tin tới ba mươi hai cha con mới dìa quê được. Bà năm hơi lo. Hỏi lại mới biết, gần tết hãng xưởng đắt hàng, nên công nhân phải tăng ca, bù lại có tiền thưởng đủ mua bánh mứt cúng ông bà, thôi cũng được. Rồi mẹ con lui cui ngâm nếp gói bánh. Bà biết ông năm thích bánh tét nhưn đậu, còn thằng Bon thì khoái bánh ít. Ở thị thành lỡ thèm, biết đâu bán mà mua? Phen này gói nhiều nhiều để cha con nó ăn cho đã. Bà chợt thấy vui, nói với con Sương:

- Con coi lại cái trách nhà mình còn nguyên không nghen.

- Hồi sáng đem rửa rồi má. Đồ xưa tốt lắm, khó mà bể.

- Ừa…lo trước cho chắc.

Sáng ba mươi dù bận phải dọn dẹp bàn thờ, bà năm vẫn luôn để mắt ra đường, trông ngóng cha con thằng Bon. Bà muốn xem ông năm mập ốm ra sao, thần sắc có tươi tỉnh như hồi còn ở nhà? Thằng Bon vất vả nước da chắc đen thêm, hỏng biết có cô nào dòm ngó chưa? Bà lấy cớ quét lại cái sân cho thiệt sạch, cúng rước ông bà rồi thì cữ cầm chổi, để tiện trông ngóng chồng con. Sương biết ý nên không cản, mặc dù má mình yếu lắm, lọ mọ hoài không nên.

Đến trưa thì ông năm và thằng Bon dìa tới. Bà năm hối tắm rửa ăn cơm. Tự tay bà dọn mâm, nét mặt tươi tắn hẵn. Nhưng ông năm thoáng buồn. Dòm dáng dấp vợ, biết không khỏe. Còn con Sương có phần tiều tụy, chắc vất vả với mấy công rẫy lắm(?). Ông cố nén tiếng thở dài. Con gái thành thị trắng như bông bưởi, nhỏng nhảnh trên xe máy, ngó lại con mình thấy xót xa quá! Tự trách làm cha không tròn bổn phận. Thành ra cái tết năm đó ông kém vui. Hạ nêu xong ông biểu thằng Bon đi trước, trong thâm tâm còn quyến luyến làng quê. Sanh ra và lớn lên ở cái đất địa này, ít khi đi xa ở lâu, ông nhớ từng gốc cây, bờ mương…

Chuyện đời sáng nắng chiều mưa, nhiều điều bất thường nào ai biết trước. Thằng Bon lên thành phố ngày mùng tám, ông tính mùng mười sẽ đi thì sáng mùng chín bà năm đột ngột qua đời, không một lời trăn trối. Bất ngờ như sét đánh làm ông thấy sốc. Thẩn thờ nhìn vợ nằm đó mà vẫn chưa tin. Con Sương khóc tới sưng húp đôi mắt. Chòm xóm hay chuyện xúm lại mỗi người một tay lo tiếp, kẻ khiêng bàn người che rạp, rồi báo tin xa gần…Cha con ông năm chết điếng chẳng còn tâm trí cắt đặt chuyện gì, chỉ biết đợi thằng Bon dìa.

Vậy là dù muốn hay không, ông năm chỉ có một trong hai lựa chọn: đem luôn con Sương lên thành phố hoặc trở dìa quê sinh sống. Hỏi ý kiến thằng Bon thì nó nói:

- Ở trển công việc đang êm xuôi, lương cũng kha khá rồi, dìa quê chỉ hai công rẫy sống sao nỗi?

Quay ngang hởi con Sương, nó trả lời:

- Ba với anh hai ở đâu thì con theo đó, chớ làm sao sống một mình được?

Mấy ngày liền ông năm suy nghĩ nhiều, thằng Bon nói cũng phải, con Sương càng không sai. Mình già rồi, phải tính sao cho tụi nó có tương lai. Chọn cảnh sống nhàn ở quê chẳng hoá ra chỉ biết có mình? Ích kỹ quá đi thôi. Vậy là ông quyết định cùng nhau trở lên thành phố. Hai công đất giao cho thằng em út làm, chỉ yêu cầu nó trích một phần lợi nhuận lo giỗ quảy mà thôi.

Con Sương xin được một chân bán đồ may sẵn. Tuổi mười bảy, không còn dầm mưa dãi nắng nó trở nên trắng trẻo, đẹp hẵn ra. Tánh tình thật thà, được chủ yêu mến. Bữa đó có người khách lạ vào tiệm lựa đồ, ngó thấy Sương thì tỏ vẻ ngạc nhiên. Chốc chốc lại liếc dòm làm nó bối rối. Anh ta bước ra cửa hàng vài bước rồi quày lại. Đến gần Sương hỏi:

- Xin lỗi cô…có phải tên Hồng?

Cô lúng túng:

- Thưa…không phải…

Anh ta nhíu mày tuồng như ráng nhớ rồi hỏi:

- Vậy…quê cô ở đâu?

Tưởng gặp phải dê xòm, Sương hơi bực song ráng ôn tồn:

- Dạ…ở miền Tây lận!

Anh ta phân bua:

- Xin lỗi cô, tui lầm. Cô rất giống một người bạn hồi nhỏ cùng học lớp ba…

Sương hơi tò mò định hỏi thì anh tiếp:

- Nhưng ở Biên Hòa, vậy là không phải cô rồi. Thôi, tui đi. Cô đừng chấp nghen.

Sương lẹ làng, nửa đùa nửa thật:

- Không sao đâu. Có dịp ghé… lựa đồ là được rồi.

Nói xong mĩm cười. Anh ta cũng cười, gật đầu bước đi.

Thỉnh thoảng người khách ấy lại ghé tiệm. Khi thì mua chiếc áo sơ mi, khi cái “cà rơ quách”. Lần hồi hai người quen nhau, tự xưng mình tên Thành. Có lần anh tìm đến nơi trọ của cha con ông năm. Sương bối rối vô cùng. Nhà chật hẹp, không chỗ tiếp khách khiến ông phải viện cớ đi tập dưỡng sinh. Mấy tháng nay thằng Bon thấy ba mình già rồi nên kêu ở nhà, không cho đi làm nữa. Tuy chỉ gác cổng cho công ty, nhưng ngồi lâu máu huyết chạy không đều dễ sanh nhức mỏi. Coi chừng nhà cho anh em nó đi làm thì an tâm hơn. Ban đầu ông thấy bứt rứt, cứ đi vô đi ra hoài chán quá. Tụi nó biểu buồn thì đóng cửa nhà ra công viên chơi cùng mấy cụ. Nhờ vậy ông đỡ cô đơn.

Thành và Sương mỗi lúc một thân, mới hay anh có phần hùng ở một công ty da giày.

Có lần Thành đề nghị:

- Hay em sang làm bên công ty anh đi?

Sương hỏi lại:

- Anh thấy phù hợp?

- Chớ sao…em ăn nói mềm mỏng, xã giao giỏi. Có em, công ty sẽ dễ dàng ký được nhiều hợp đồng.

Sương cười:

- Dốt và quê mùa như em chỉ sợ làm hư việc của công ty…

Thành nghiêm nét mặt:

- Đừng đùa. Chịu hông nè?

Sương lưỡng lự:

- Anh cho em suy nghĩ. Còn phải hỏi lại ba nữa.

Tất nhiên ông năm không thể thọt tay quá sâu vào công việc của con cái. Chỉ biểu tính kỹ hãy trả lời người ta. Thằng Bon cũng vậy, tuy là anh nhưng ai có việc nấy, nó nói hễ thấy đâu có “tương lai” thì tới. Thấy không ai phản đối, hơn nữa cái bụng đang cảm mến Thành, nên Sương thuận theo ý chàng.

Từ đó Thành tới nhà thường xuyên hơn, tặng ông năm nhiều quà cáp đắt giá. Còn thằng Bon dạo này cũng ưa dắt bạn gái dìa nhà nói chuyện cả buổi. Khiến thời gian ở ngoài công viên của ông năm tăng lên. Con Sương thì để mắt nhiều hơn tới ăn bận và trang hoàng nhà cửa. Nghe ông hay nói: “mèn ơi!”, “nói nào ngay…”, “ coi chớp bóng”, “riết rồi”…có vẻ quê mùa, nó “chấn chỉnh” khéo, và thường đệm thêm:

- “Ăn theo thuở, ở theo thì mà ba”. Thị thành người ta “văn minh” thì mình cũng nên theo.

Thằng Bon nói ké:

- Ráng nghen ba, “ cha được trọng thì con được nhờ”.

Hỏng biết câu nầy nó học ai? Ông năm chỉ cười trừ, không phản đối, mà cũng chẳng đủ lý để phản đối. Nhớ hồi mới lên chả phải mình quê kệt, bị xung quanh đây rẻ rúng sao?

Thật tình muốn thay đổi lời ăn tiếng nói như tụi nó biểu cũng đâu dễ? Ông chọn giải pháp hễ nó tiếp khách thì mình ra công viên cho chắc. Ở đây có bà hai quét dọn tuổi chừng năm mươi, tánh tình vui vẻ nên mấy ông tới tập dưỡng sinh khoái trò truyện lắm. Hơn nữa tuổi già như nhau, xúm lại nói chuyện con cháu, chuyện nắng mưa thấy thích hơn. Anh em thằng Bon mỗi lần có bạn tới chơi đỡ phải áy náy lời ăn tiếng nói ba mình. Có lần con Sương bắt gặp ông năm thân thiện với bà hai thì hơi khó chịu. Mới đầu không nói ra, sau sợ điều tai tiếng có nhắc khéo ông. Ông cười:

- Gần xuống lổ rồi. Tụi bây lo chi cái chuyện bao đồng. Chẳng là tuổi già với nhau, xúm lại nói chuyện cho vui. Đâu phải mình tao?

Sương chưa yên bụng:

- Con sợ miệng đời dị nghị không tốt đó thôi.

Thực ra nó sợ cho nó thì đúng hơn. Thằng Thành là người có máu mặt. Cặp bồ với con Sương khiến ông càng “mất tự do”. Phải chi nó thương thằng nào thuộc loại tầm tầm thì đỡ khổ biết mấy. Ông tâm sự với thằng Bon, những mong nó thông cảm, nào dè:

- Em con nói cũng phải đó ba. Xét ra nó gặp thằng Thành là phước đức lắm, mình thì có bằng ai đâu? Nếu để bên ấy khi dễ sẽ ảnh hưởng tới tình cảm hai đứa.

Vậy là đớ lưỡi. Anh em nó một phe. Không ra công viên thì đi đâu? Ở đây đâu như dưới quê, thả lên thả xuống ghé nhà chòm xóm ngồi uống nước trà? Bất chợt ông năm cảm thấy nhớ cánh đồng trĩu hạt. Nhớ con sông nhỏ chảy qua xóm mình. Rồi ông lại nhớ người vợ hiền một nắng hai sương. Tuy do cha mẹ hai bên sắp đặt, không trải qua giai đoạn cặp bồ như sắp nhỏ ngày nay, nhưng vợ chồng ông rất hòa thuận. Bà lo cho ông từng miếng ăn, tách nước chung trà…Mỗi khi trái trời, thấy chồng nhảy mũi bà mau lo nồi xông, tự tay cạo gió. Giờ vợ mất, sống với con. Ốm đau tụi nó hối đi bác sĩ, dòm thái độ lạnh lùng gõ gõ nghe nghe của hắn sao bằng bàn tay người vợ trìu mến?

Nắng chiều trải trên công viên in hình bóng cây nghiêng nghiêng, một vài đôi tình nhân lơ đểnh nhìn người qua đường. Phố phường đông xe, cuộc sống hối hả lại làm ông năm cô đơn. Thà tụi nó có vợ có chồng phứt đi, ông sẽ dìa quê vui thú điền viên, còn hơn cù cưa thế nầy như bị tù lỏng, bứt rứt quá trời!

Bữa đó nhơn lúc gần tết, ông năm nói với hai đứa con:

- Lón này rảnh rang, tao tính dìa quê trước thăm lại mồ mả, chòm xóm…Rồi ở ăn tết tới qua cúng cơm má tụi bây luôn.

Thằng Bon hỏi:

- Chừng nào ba đi?

- Bữa nay rằm tháng chạp. Mơi mốt đi phứt cho rồi, đang ở không, vô ra hoài cũng chán.

Con Sương đồng tình:

- Cũng được…Tụi con công việc lu bu, chắc cận tết mới dìa được. Ba đi trước cho khuây khỏa.

Ông nói:

-Tao biết. Sợ mấy đứa không ở tới giỗ bả. Nếu vậy trên này tới bữa đó, trước khi ăn cơm vái má tụi bây ít câu là được rồi.

Hai đứa làm thinh. Ông năm rất hiểu công việc của con, đâu thể muốn nghỉ là nghỉ được, còn do chủ có cho hay không nữa.

Vậy là ổn thỏa. Ông lên đường như dự định, mang theo bộn bánh mứt của hai con gởi cúng ông bà. Tuy cuộc sống đã quẹo cua mà chúng vẫn hiếu hạnh, ông năm vui dạ lắm. Xe ra ngoại ô, đồng lúa xanh rì, một vài nông dân lững thững bờ ruộng thăm đồng. Bức tranh quen thuộc mà đã lâu rồi ông năm mới gặp lại. Lòng ông lân lân một niềm vui thích.

Non nửa buổi thì tới bến phà. Bốn năm xe khách xếp hàng chờ. Tài xế kêu mọi người xuống xe đi bộ. Mặt sông phẳng lì, xanh biếc. Ông năm hít một hơi dài, chỉ còn hơn hai chục cây số nữa thì tới rồi, khiến ông nôn nao. Chà, mấy công đất chú út trồng gì hử? Có khá không? Rồi ông ngó mông lung theo hướng phà chạy. Bất ngờ khựng lại, hình như cô hai quét dọn công viên đang đứng đàng mũi? Ông dụi mắt dòm kỹ. Đúng rồi. Lòng mừng chưn bước tới, kịp lúc bà ấy quay qua. Hai người chưng hửng.

Ông hỏi:

- Cô đi đâu vậy?

- Dìa thăm bà con một bận, ăn tết ở quê luôn. Còn anh?

- Cũng như cô thôi.

Bà hai cười:

- Có thăm “người xưa” không?

- Ý… già rồi. Xưa với nay cái nỗi gì? Qua tết đám giỗ má nó, sẵn đang ở không tui dìa sớm thăm vậy mà. À… Cô đi tới đâu?

Bà hai đưa tay chỉ:

- Lên phà quẹo trái chừng vài cây số.

Ông năm ngạc nhiên:

- Xe này quẹo phải mà?

- Không sao, tui đi xe ôm. Chỗ đó tréo tuyến đường. Hỏng có xe đò nào đi ngang hết, phải chịu thôi.

Bà nói sang chuyện khác:

- Lâu quá rồi, sống ở thành thị bụi bặm, ồn ào. Dìa đây thấy khỏe quá!

Ông đồng tình:

- Tui cũng bứt rứt quá cô ơi. Đợi tụi nó yên nơi yên phận rút dìa quê cho rồi…

- Sợ sắp nhỏ không cho. Một kiểng hai quê nó đâu yên bụng? Nhiều khi tui lộ ý đó ra thì con nhỏ nó la bài hải.

Im lặng một chút, ông nói:

- Cô chỉ có một gái, bỏ đi sao được?

- Rồi tới lúc nó phải lấy chồng. Mình đeo thẹo hoài biết được hông? Nghĩ tới ngày ấy tui phân vân quá, không biết tính sao cho đỡ vướng bận con cái.

Hai người làm thinh. Phà ra giữa dòng, nắng lên cao chiếu nghiêng hai cái đầu hoa râm in bóng mặt sàn, lòng họ mang cùng ý nghĩ, cùng nỗi cô đơn. Ở cái tuổi ngoài năm mươi, hình như mọi sắp đặt trong cuộc sống đều do con cái. Thậm chí phải từ bỏ cả sở thích riêng tư nếu tụi nó muốn. Châm ngôn muôn thuở của chúng là: “ Già rồi, đừng để miệng đời đàm tiếu!” nhầm ngăn cản mọi quyết định nào của cha mẹ ngược lại ý chúng. Bất giác ông thở dài, bà hai ngạc nhiên dòm, thấy vẻ mặt đăm chiêu của bạn, lờ mờ hiểu nên nói:

- Sắp nhỏ bây giờ chạy đua theo cuộc sống, muốn mình phải theo ý nó. Nhiều khi thèm tô mắm kho, biết nó không thích cũng chẳng dám nấu. Anh hỏi thử con anh xem, thanh niên bây giờ có đứa nào biết ăn mắm? Nhớ hồi mình cở tuổi nó, nhà nào không có hủ mắm?

Ông năm cười:

- Nghe cô nhắc, tui phát thèm đây…

Bà hai cũng cười.

Phà gần cập bến, ông năm nói:

- Qua giỗ mẹ nó tui tới tìm thăm cô được chớ?

Bà hai hơi ngập ngừng:

- Không…hề gì. Tui tính ở chơi hết tháng giêng. Cách đây độ hai cây số, chỗ có cây me chua lớn hỏi thăm nhà thằng Hào, ai cũng biết. Nó là cháu kêu bằng dì.

Lên bến, ông năm nói thật nhanh với bà hai:

- Nếu được, mình rút dìa quê luôn cho thảnh thơi…cô thấy sao?

Bà nhìn ông chợt hiểu, mắc cở dòm qua chỗ khác. Miệng ấp úng:

- Ý…nói…nghe kì.

L-K
(Trích tập san Quê Lụa số xuân Quý Tỵ)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Ngoc La Re: NẮNG CHIỀU-Long Khánh
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 2 2013, 16:18
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328
Ngoc La xin cảm ơn anh Long Khánh đã gởi tặng truyện ngắn để thay lời chúc tết tốt đẹp nhất. :cheer:

Truyện anh viết hay quá! Khen cũng bằng thừa vì nó đã được chọn đăng trên tập san QL rồi mà. Giọng văn giản dị "đặc sệt mùi nhà quê miền Tây" thiệt là lôi cuốn. Nội dung truyện đề cập đến những vấn đề khá là nhức nhối trong đời sống "nông thôn - nông nghiệp - nông dân", đến một vấn đề tế nhị trong mối quan hệ giữa các thế hệ... mà có lẽ ai dù chỉ có chút tầm nhìn và tâm huyết cũng đã từng thở dài ngao ngán...
Đọc truyện NL thấy như cả một vùng trời kỷ niệm sống lại mãnh liệt trong lòng. Nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những người thân, nhớ bà con chòm xóm ghê nơi luôn! :(
NL cũng học hỏi được nhiều khi đọc những truyện ngắn của anh.
Một lần nữa xin cảm ơn anh.
Chúc anh và gia đính ăn Tết thật vui, trong năm con Rắn được VẠN SỰ NHƯ Ý.
Ngọc La


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NẮNG CHIỀU-Long Khánh
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 2 2013, 05:36
Ngoại tuyến
Member I
Member I

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 11 2012, 12:51
Bài viết: 29
Quốc gia: Vietnam (vn)
"Nắng chiều", vào mùa hè thì rất oi bức, người đi đường thì cần nước mát để giải khát, người mần rẫy, ruộng, đi cày thì cũng cần mà được "nước dừa", "nước mía", thì rất hữu ích.

"Nắng chiều" vào mùa gió bấc thì ít cần, có khi không cần nước giải khát.

Ông Năm, bà Hai ơi nhóm chi lửa lòng!

Hồ Văn Tẽn


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NẮNG CHIỀU-Long Khánh
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 2 2013, 09:45
Ngoại tuyến
Member I
Member I

Tuổi: 71
Sinh nhật: 01-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 11 2012, 13:28
Bài viết: 43
NẮNG CHIỀU...CHIỀU.

Nắng chiều có vịt lội đồng,
Có người vác lưới mà lòng nhớ thương.
Đường đen chân bước vấn vương,
Chấp tay lặng ngắm chiều buông bên hè.
Tết về thấy bạn gặp bè,
Trời Tây, góc bể, xuân-hè nhớ nhau!


Tập tin đính kèm:
Chú thích tập tin: Nắng chiều có vịt lội đồng,
IMG_0541.jpg
IMG_0541.jpg [ 133.33 KB | Đã xem 3530 lần ]
Chú thích tập tin: Có người vác lưới mà lòng nhớ thương.
IMG_0546.jpg
IMG_0546.jpg [ 172.86 KB | Đã xem 3530 lần ]
Chú thích tập tin: Đường đen chân bước vấn vương,
IMG_0584.jpg
IMG_0584.jpg [ 148.1 KB | Đã xem 3532 lần ]
Chú thích tập tin: Chấp tay lặng ngắm chiều buông bên hè.
IMG_0486.jpg
IMG_0486.jpg [ 173.53 KB | Đã xem 3525 lần ]
Chú thích tập tin: Tết về thấy bạn gặp bè,
Trời Tây, góc bể, xuân-hè nhớ nhau!

IMG_0514.jpg
IMG_0514.jpg [ 157.5 KB | Đã xem 3533 lần ]
Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 5 tập tin đính kèm ]

» NẮNG CHIỀU-Long Khánh «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu