Lưu Tâm Bình
Chiều hôm ấy Vy đi dọc theo con kinh. Con nước lớn dâng lên sát bờ, dập dềnh từng đám lục bình trôi, có mấy cụm quá lơ đãng bị nhánh bần dang tay kéo lại, buồn rầu nhìn đám bạn đi xa dần... Một chiếc tam bản có mái lá hình cánh cung, khua dầm chầm chậm lướt qua. Tấm nhựa che làm vách được vén lên. Vy liếc vào thấy một đôi vợ chồng già và một con chó nhỏ, con chó vừa thấy Vy là sủa inh ỏi làm một bà lão đang ngồi sau lái nấu ăn dừng đũa trên cái nồi bốc khói ngước mắt nhìn Vy rồi hỏi:"Cô Hai ơi! có mua cá hông cô?" À thì ra đây là thuyền chài cá. Vy định từ chối nhưng nghe trong giọng nói của bà thấp thoáng môt tia hy vọng nhỏ nhoi đến tội nghiệp nên gật nhẹ đầu đáp :"Dạ mua". Ông già ngồi trước mũi cho thuyền cập vào bờ, rồi kéo cái túi treo bên hông thuyền đang nằm trong nước lên. Mấy con cá nhảy soi sói trong túi, bác trút hết vào cái bọc ni lông rồi đưa cho Vy -Bao nhiêu vậy bác? Vy hỏi. -Ba chục ngàn. Vy móc trong túi áo tờ giấy năm mươi ngàn đưa ông rồi nói: -Bác cầm hết đi bác! Chỗ nầy con mua ngoài chợ rẽ lắm thì cũng phải năm mươi ngàn đó bác! -Thôi để tui thối lại cho cô. -Dạ khỏi bác ơi ! Con không muốn mua rẽ của bác đâu. Một nụ cười rất nhẹ nở trên môi ông. Ông nói: -Cám ơn cô, ngày mai có cá tươi tôi để sẵn cho cô nghe? -Con cũng không biết chắc, nếu mai con gặp thì mua còn không thì thôi bác cứ bán hết đừng chừa cho con. Chờ thuyền ông đi khuất Vy mở túi thả mấy con cá xuống nước. Buổi chiều hôm đó đối với Vy rất đẹp. Kể từ hôm đó Vy thỉnh thoảng gặp và mua cá giùm họ và dần dà được biết cả hai đều là người AN GIANG, Vy mừng quá! Vy hỏi :" Sao hai bác không ở quê làm ruộng mà phải trôi nổi trên sông như thế nầy?" Đôi mắt bác gái gợn buồn, bác trả lời nhẹ hều: -Tại cái số tụi tui nó vậy. Rồi một, hai và cả mấy tháng sau Vy không còn gặp lại hai bác nữa. Vy nghe hơi buồn và lo không biết hai bác ra sao rồi. Mùng hai tết Vy đi chùa, ngôi chùa nầy có một nhà dưỡng lão chăm sóc những người già neo đơn. Vy đang mang quà đến cho các bác bỗng nghe một tiếng gọi quen quen: -Cô hai! Thì ra là bác gái bán cá. Vy ngạc nhiên mừng rỡ rồi lo lắng tiếp liền. Vy hỏi bác: -Bác trai đâu mà bác ở đây vậy? -Ổng mất rồi cô ơi! Bác vừa nói vừa ứa nước mắt. Vy chới với ngồi xuống rồi cầm tay bác hỏi -Bác trai đau sao mà mất vậy bác ? -Ổng bị trúng gió nặng sùi bọt mép rồi đi luôn không uống được một miếng thuốc nào hết! Vy ôm vai bác an ủi: -Bác ấy đi như vậy là nhẹ nhàng lắm đó bác! Thôi bác đừng buồn, mà bác trai chôn ở đâu vậy bác? -Đâu có chôn cất gì! Tôi bán cái xuồng được chút đỉnh mua cái hòm rồi chở ổng đi thiêu. Cũng may được nhiều người giúp đỡ chớ một mình lo đâu có xuể, rồi được đưa vô đây ở. -Bác ở đây bao lâu rồi, có vui hông bác? -Cầu cho có chỗ ăn, chỗ ở, chớ ổng mất rồi còn vui nổi gì hả cô? Vậy mà cũng hơn trăm ngày rồi đó . -Còn con chó? -Tui cho người ta rồi, nghe nói nó nhớ tụi tui bỏ ăn mấy bửa. Hai giọt nước mắt lại rưng rưng trên đôi mắt bác... -Hủ cốt của bác trai để đâu hả bác? Bác nhìn xung quanh rồi nói thật nhỏ: -Chẳng giấu gì cô, tui cất trong cái bị đồ đây nè! Đáng lẽ phải để ổng nằm trong chùa mà tui hổng đành. Tui lén để ổng nằm đây với tui, tối nào ở đây cũng tụng kinh rân trời chắc ổng cũng nghe được. Hồi còn sống ổng thèm lên bờ lắm! Ở đây có mấy đoàn từ thiện đến thăm cho tiền hoài hà, tui để dành được một mớ rồi, tính mua một thẻo đất chôn ổng rồi cất cái chòi ở kế cho ổng vui. Hồi tối nầy tui có nằm chiêm bao gặp ổng, ổng biểu tui đừng buồn, ổng ở kế bên phù hộ cho tui mỗi ngày.. Giọng nói bác nhỏ dần lại và gương mặt như đang chìm vào một cõi xa xăm nào... Vy nghe lòng dâng lên một niềm thương cảm. Hình ảnh bác gái gợi cho Vy nhớ đến câu ca dao mà chắc Vy đã nghe từ thời bú mẹ. Trời ơi sao mà bác ốm yếu bơ vơ quá đỗi! y như cái cọng rau răm còi cọc bị bỏ lại trong vườn.
LTB
|