CẢ TIN
Từ nhỏ, tôi đã tự hào gia đình mình là tốt, là gồm những con người chân thật, thiệt thà, không biết tham lam của ai. Thật vậy, từ lúc tôi “biết”, ba má tôi luôn giáo dục chúng tôi không được nói dối (rằng nói dối là mang tội “vọng ngữ”), không được lấy cắp đồ đạc của ai và họ luôn nêu gương tốt cho chúng tôi. Chị em tôi đã tiếp thu trọn vẹn sự giáo dục đó. Chúng tôi đã sống thiệt thà, không dối trá, không lấy của người khác làm của mình, từ thứ lặt vặt cho đến thứ quí báu. Có lần đi vô đồng cùng với nhỏ bạn trong xóm, thấy nó hái trái dưa leo trong rẫy của người ta để ăn chơi, tôi đã can: “Đừng hái của người ta! Người ta trồng cực khổ, mình ăn cắp xấu lắm, tội lắm, ăn làm sao ngon được!”. Nhỏ bạn trả lời tỉnh queo: “Người ta trồng sẵn, mình hái ăn, khỏe re. Ăn vậy mới ngon!” Tôi rất ngạc nhiên và…hết ý kiến! Tôi không đủ lý lẽ để tranh luận, tôi chỉ biết như vậy là không tốt. Má tôi lượm được bọc nữ trang toàn vàng 24 (nặng khoảng mấy lượng) của người đi đường, dù nghèo nhưng không dấu đi mà ngồi đợi người đó trở lại để trả cho họ. Ba má tôi luôn nhắc nhở: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
Chúng tôi cũng biết nói dối là xấu nên không nói dối. (Những lần lỡ phạm sai lầm, chúng tôi đều thú thật chứ không chối quanh co. Cũng may mắn thay, những lần như vậy, chúng tôi được tha thứ mà không bị đòn. Chị em tôi chỉ bị đòn trong trường hợp không chịu đi học (tôi và VP không nằm trong số đó). Tuy nhiên, nói dối để chọc người khác (lí lắc) thì nhiều lắm và dĩ nhiên những trường hợp đó không có hại cho ai và cũng không nhằm mục đích vụ lợi. Tất nhiên, cũng như mọi người, từ từ tôi cũng hiểu không phải thiệt thà bao giờ cũng tốt. Có khi quá thiệt thà là không tế nhị, thậm chí có hại cho người khác.
Từ khi rời gia đình để đi học xa, tầm nhìn được mở rộng, có dịp tiếp xúc với nhiều người ở các tỉnh khác, tôi không chỉ tự hào về gia đình mà còn tự hào về huyện, về tỉnh mình. Tự hào tính thiệt thà, trung thực là nét tính cách điển hình của dân Tân Châu nói riêng, Châu Đốc nói chung. Những người quê TC-CĐ mà tôi quen biết trong lớp cũng như ở các lớp khác đều học giỏi, hiền lành, thiệt thà, tốt bụng. Đó không chỉ là nhận xét của riêng tôi mà còn là của các bạn ở tỉnh khác, vùng khác.
Nhưng, dĩ nhiên, cái tính thiệt thà đó không mâu thuẫn với tính lí lắc ngầm và hay nói giỡn của tôi. Ngay cả bây giờ, tuổi đã lên đến hàng năm, tôi cũng thường hay đùa giỡn, lí lắc với bạn bè, đồng nghiệp. Sự đùa giỡn đó không có hại cho ai, không làm ai mất công sức và thời gian mà chỉ giúp thư giãn vài phút bằng cái cười sảng khoái. Chẳng hạn, cách đây vài ngày, gặp một ông anh đồng nghiệp, tôi đã đùa: “Anh H. ơi, anh có hay gì hông? Tin sốt dẻo!” – “Tin gì?” – “Tin này em hổng nói cho ai nghe đâu nghen. Tự nào tới giờ em coi anh như anh nên mới nói” – “Ừ, thì anh hiểu mà, có ai có “thâm niên” quen biết bằng anh em mình đâu. Em yên tâm, chẳng lẽ anh hại em sao!” – “Nói nhỏ thôi nghen…còn mười một tháng rưỡi nữa là tới tết đó!” – “Ha ha ha…hết biết!”
0000000000000000000000000000000000000000000
Thiệt thà thường đi kèm với cả tin. Tin tưởng, nghĩ tốt về người khác để đối xử tốt với họ, đó cũng là niềm hạnh phúc. Những người nhân hậu quan niệm: “Thà tha lầm còn hơn là giết lầm”. Tôi đã cải biên câu này thành: “Thà tin lầm còn hơn là nghi lầm”.
Nhưng trong cuộc sống, tôi đã tin lầm rất nhiều và đã rất mất mát rất nhiều về tiền của, công sức và thời gian (nhiều chuyện lắm, nếu kể cụ thể ra đây lại tiếp tục “mất” thêm nữa-mất thời gian). Nhưng tôi vẫn không thấy buồn khổ, giận dữ vì tôi quan niệm là mình chỉ khổ sở, ray rứt vì lỗi lầm của mình chứ không thèm khổ vì lỗi lầm của người khác! Tôi chỉ mắc cười cho cái tính giả trá, điêu ngoa, thâm độc, lợi dụng lòng tốt của người khác của người đời. Và điều không tránh khỏi là, mỗi lần như vậy, niềm tin của tôi đối với con người lại giảm sút thêm một ít.
Từ đây tới ngày xuống lỗ, có lẽ tôi vẫn còn thiệt thà, cả tin và mắc cười dài dài cho cái tính cả tin đến "ngây ngô" đó của mình...
Còn bà con thì sao nhỉ???
************************************ "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"
|