Xin copy về đây bài phóng sự của ký giả Lâm Điền đăng ngày 19/06/2013 trên báo Lao Động online. BĐH
Thổn thức bên mộ “chủ bút” Nguyễn Chánh Sắt Lâm Điền
Tôi không kiềm được tức giận và bức xúc, khi chứng kiến những phũ phàng bủa vây cuộc đời “nhà văn, dịch giả, nhà báo tiên phong” Nguyễn Chánh Sắt.
Hơn 20 năm gặt hái thành công trên nhiều “địa hạt” văn xuôi, được nhiều đồng nghiệp, nhân sĩ trí thức yêu nước đương thời và nhà nghiên cứu khoa học xã hội hiện đại ghi nhận là cây bút lớn, đa dạng trong buổi đầu chữ quốc ngữ… nhưng, ông lại bị “im lặng đáng sợ” trên quê nhà. Không chỉ bị xoá tên đường, tên trường, người ta còn bỏ mặc nơi an nghỉ của ông nằm dưới trũng nước thải, đen ngòm, nồng nặc mùi xú uế trong suốt nhiều năm chỉ vì “nghi án” vu vơ…
“Chủ bút” đáng kính
Lâu nay tôi hay tự hào vì cái tên Nguyễn Chánh Sắt. Ngày còn ngồi ghế giảng đường, trong những lần bàn chuyện thơ văn, tôi hả hê với bạn bè khi giới thiệu mình là đồng hương với tác giả tiểu thuyết “Nghĩa hiệp kỳ duyên”. Ấy vậy mà mới đây trong lần về thị xã Tân Châu (An Giang) thăm lại bối cảnh thực tế của quyển tiểu thuyết nổi danh này, có dịp trò chuyện với tiến sĩ sử học Nguyễn Thành Phương - giảng viên Đại học An Giang - tôi đã xấu hổ khi biết rằng những tài liệu của thời bao cấp chỉ mới cho phép mình chạm vào hạt cát trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của cụ. TS Phương đã dành nhiều thời gian, tâm huyết với nhà văn Nguyễn Chánh Sắt.
Trong căn nhà nằm bên bờ kênh Vĩnh An - con kênh mà cụ Sắt từng đặt làm bút danh “Vĩnh An Hà” - TS Phương mở đầu câu chuyện đầy tự hào: “Khác với các cây bút đương thời, phần lớn sinh ra trong “danh gia, vọng tộc” học hành, đỗ đạt cao, cụ Nguyễn Chánh Sắt xuất thân trong gia đình nghèo ở làng Long Phú, nay là phường Long Hưng, và chỉ mới học xong sơ học tiếng Pháp, nhưng với tinh thần kiên trì tự học và lao động nghiêm túc ông đã để lại văn nghiệp với dấu ấn đặc biệt so với người cùng thời”.
([i]Hình:Nếu không được TS Phương dẫn đường, tôi không tài nào hình dung phía sau cây cỏ rậm rạp và sũng nước thải sinh hoạt này là khu mộ của “chủ bút” Nguyễn Chánh Sắt)[/i]
Theo TS Phương, bên cạnh những sáng tác đồ sộ và đa dạng, ông còn đóng góp lớn cho nền văn xuôi nước nhà trong buổi đầu chữ quốc ngữ. Nếu như ở thể loại tiểu thuyết, ông là người có công thúc đẩy thể loại sáng tác đang ở thời kỳ phôi thai tiến lên một bước mới, hay là một trong những người đi đầu trong việc dịch thuật truyện TQ, thì ở lĩnh vực báo chí, ông là nhà báo tiên phong. “Không chỉ dành hơn một nửa trong số hàng trăm bài báo của mình tập trung cho các chủ đề mà đến nay vẫn còn nóng bỏng, như: Nông nghiệp, thương mại... với tư cách là chủ bút của tờ “Nông cổ mín đàm” (NCMĐ), ông còn dấn thân đột phá vào “thành trì phong kiến”, đi đầu trong vấn đề nữ quyền”.
Theo TS Phương, tên gọi báo “Nữ giới chung” (tiếng chuông của nữ giới, xuất bản lần đầu vào năm 1918) thực chất là nhan đề một mục trên NCMĐ mà ông dành riêng để bàn về vấn đề phụ nữ”. Ông còn dành nhiều bài viết phân tích, tranh đấu quyền lợi cho nữ giới. Trong bài “Nữ tử phục quyền” (NCMĐ số 3.1917), ông viết: “Hiện nay là thế kỷ thứ 20, công lý tiệm minh, nữ quyền lược chấn, việc cưới gả cũng đã gần được tự do, song cái tục quen để cho đờn bà lo bề trị nội cũng vẫn còn hoài, chưa hề buông đặng. Đồng bào ta hãy xét lấy mà coi, vả chăng đờn bà con gái nước nào cũng vậy, tuy là phận liễu bồ nhược chất mặc dầu, song sánh việc thông minh tài lực, thì nào có kém chi trai”.
Có lẽ vì vậy mà ông là một trong số ít nhà văn đương thời, vừa được giới cầm bút đánh giá cao vừa được các nhân sĩ, trí thức, người làm công tác giáo dục mến mộ. Tên ông được đặt tên đường, được đặt cho ngôi trường cấp III đầu tiên trên vùng đầu nguồn sông Tiền từ năm 1974, dưới chế độ cũ.
“Chết” vì… lời đồn
Chúng tôi về thị xã Tân Châu vào thời điểm cụ Nguyễn Chánh Sắt từ giã cõi đời được 67 năm. Thị xã trẻ căng tràn sức sống, nhưng cách mà hậu thế hành xử với cụ thì ngược lại. Chẳng những không hề có một hoạt động mang tính kỷ niệm, mà ông còn bị “bạc đãi” ngay nơi “chôn nhau cắt rốn”. Sau thời gian bị xoá ra khỏi danh sách tên đường và tên ngôi trường cấp III, giờ đến lượt nơi an nghỉ của ông rơi vào thảm cảnh... Tôi đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến phần đất trũng thấp, đầy cỏ dại nằm lọt thỏm giữa rừng nhà cao tầng tại khu vực Đường Chùa giữa trung tâm thị xã Tân Châu, chính là nơi an nghỉ của cụ Nguyễn Chánh Sắt. Sau khi vẹt cỏ, tôi đã không kiềm được tức giận khi chứng kiến cảnh tượng nhớp nháp đang bủa vây nơi an nghỉ của cụ và vị hiền thê Văng Thị Yên. Khi đến gần mộ phần, mùi nồng nặc từ dòng nước đen ngòm, lấp xấp dưới chân xộc lên.
Theo tìm hiểu của TS Phương, khu mộ phần này vốn là đất thuộc sở hữu của cụ, nhưng theo biến động thời gian, sau ngày thống nhất đất nước, nhiều nhà kiên cố, cao tầng mọc lên sát khu mộ. Và do ít được quan tâm nên tất cả đều xả nước thải xuống nơi cụ gửi thân xác trước sự bất lực của người thân và chính quyền địa phương. Ông Trịnh Bửu Hoài - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang - cho biết: “Trước năm 2008, khi phát hiện sự việc, con cháu ông định cải táng đi nơi khác, nhưng lãnh đạo Tân Châu đã can thiệp với ý định sẽ xây dựng nơi đây thành di tích to, đẹp. Tuy nhiên sau đó mọi chuyện lại rơi vào im lặng. Lòng tôi chợt nhói đau khi nghĩ đến nghịch cảnh: Sau khi gặt hái nhiều thành tựu trên văn đàn cả nước, được nhiều nhà nghiên cứu đương đại đánh giá cao, thì ngay tại quê nhà, ông đã bị “hạ bệ”, bị “giam” trong làn nước xú uế...
(Hình: Thầy giáo Nguyễn Trọng Phúc (người có công đầu trong việc lấy tên nhà văn Nguyễn Chánh Sắt đặt tên cho trường cấp III đầu tiên vùng đầu nguồn sông Tiền, gồm cả An Giang và Đồng Tháp) ngậm ngùi trước cảnh nhớp nháp đang bủa vây mộ chủ bút Nguyễn Chánh Sắt)
Theo nhiều người am tường, tất cả xuất phát từ “nghi án” mang tên “thân Tây”. Người thì cho là do thân Tây nên ông mới được thiếu tá De Colbert mời làm thông ngôn. Thậm chí có người còn đặt nghi vấn cụ đã “chỉ điểm” cho Tây đàn áp phong trào Đông Du... Tuy nhiên có dịp tiếp cận nhiều nguồn tài liệu đã gợi cho chúng tôi suy nghĩ: Đó chỉ là những lời đồn vu vơ và đi ngược lại sự thật lịch sử. Bởi khi chúng tôi truy vấn thì không một ai có thể đưa ra chứng cứ... chứng minh cho sự “phản quốc” này. Trong khi đó, theo tài liệu mà TS Phương có được đã chứng minh ngược lại.
“Không ai phủ nhận việc cụ Sắt làm việc với Tây, nhưng việc cụ được các nhà nho yêu nước bị giam cầm ở CônLôn tận tâm dạy chữ Nho để sau này dịch thuật truyện chương hồi, cho thấy cụ không “vấy bùn” - TS Phương nhấn mạnh thêm - Cụ là người yêu quê hương rất đặc biệt. Không chỉ lấy địa danh quê hương làm bút danh, như: Tân Châu, Vĩnh An Hà... sau 20 năm cầm bút, cụ trở về Tân Châu, và đóng góp trên nhiều lĩnh vực phát triển quê hương đến ngày cuối đời. Với một người như thế thì liệu có quá bất công khi chụp lên cái mũ “bán nước”? Thế nhưng không phải ai cũng nghĩ được vậy.
Cách nay mấy năm, các ngành chuyên môn ở An Giang định mượn cớ phối hợp với Trường ĐH KHXH NV TPHCM tổ chức hội thảo để xoá cái “dớp” cho cụ. Nhưng khi các khâu chuẩn bị sắp hoàn tất thì hội thảo bị đình lại với lý do không thực sự thuyết phục từ lãnh đạo tỉnh. Thế là đâu lại vào đấy. Xót, con cháu ông chỉ biết bỏ tiền ra chống xuống cấp cho ngôi mộ.
Chuyện ông “chủ bút” Nguyễn Chánh Sắt bị bạc đãi, bị “giam” trong nước thải nhớp nháp ngay trên quê nhà chỉ vì những nghi vấn vu vơ, cứ ám ảnh tôi suốt chuyến đi. Nhưng điều khiến tôi âu lo hơn là sẽ còn bao nhiêu Nguyễn Chánh Sắt thời hiện đại sẽ phải tiếp tục sa chân vào cái vòng nghiệt ngã ấy nếu việc đánh giá con người cứ loay hoay trên cái nền của vết xe đổ: Chỉ vì những nghi vấn vu vơ xuất phát từ định kiến của một giai đoạn lịch sử nào đó mà sẵn sàng gạt bỏ, phủ nhận một con người, bất chấp những năng lực và kết quả mà người đó đã cống hiến?
Theo nhiều tài liệu, Nguyễn Chánh Sắt sinh năm 1869, mất ngày 6.6.1947 (thọ 78 tuổi). Tuy nhiên tại mộ chí do con cháu ông lập thì ông sinh vào năm 1871 (Tân Mùi) và mất ngày 18.5.1946 (18.4, Bính Tuất), tức chỉ thọ 75 tuổi. Ngoài chủ bút Báo “Nông cổ mín đàm”, ông còn dịch gần 20 bộ truyện TQ và sáng tác hơn chục bộ tiểu thuyết, như: “Nghĩa hiệp kỳ duyên” (kim thời tiểu thuyết), Sài Gòn 1920; “Gái trả thù cha” (trinh thám tiểu thuyết), Sài Gòn 1920; “Tình đời ấm lạnh” (lý tưởng tiểu thuyết), không đề năm; “Việt Nam Lê Thái Tổ”, Sài Gòn...
Link bài gốc: http://laodong.com.vn/Phong-su/Thon-thuc-ben-mo-chu-but-Nguyen-Chanh-Sat/122393.bld
|