DÌ, DƯỢNG TƯ VÀ CÁC ANH CHỊ HỌ CỦA TÔI
Tôi muốn viết về thuở ấy. Cái thuở mà chúng tôi còn chơi búng lổ bằng hột ô môi, bằng cọng thun vòng, chơi tán u, chơi nhảy dây bằng dây chuối, chơi trốn tìm năm...mười...mười lăm...hai chục….một trăm (hoặc có đứa lười không đếm đàng hoàng mà chỉ "chụa...chụa... chuạ…chụa...chụa........"chăm"). Cái thuở mà khi ở nhà làm bánh ăn chơi (bánh xèo, bánh da lợn,…), được má sai đi cho dì, chú,… tôi vừa đi vừa lầm rầm nhắc lại (sợ quên) lời má dặn khi đến nhà dì, chú,...(lỡ vấp té một cái là...quên!). Cái thuở mà còn nôn nao, trông cho mau tết đến (chứ không phải rầu rĩ như bây giờ vì….hi hi….sợ tuổi càng cao sẽ thành…."người cao tuổi”) vì đến tết sẽ có tiền lì xì, sẽ được má may cho mỗi đứa ít nhất ba bộ đồ mới, là vải loại tốt (như “teteron”) hoặc “batit” hoặc xấu nhất là vải “xe lửa” cũng được, miễn sao là có bông hoa sặc sỡ để diện vào chiều ba mươi, mồng một,…kèm theo là xức tóc bằng dầu dừa (có khi xức lộn dầu ăn!), rồi đánh bài cào, có khi bị mấy anh lớn hơn làm cái chơi ăn gian cào vùa của mấy đứa nhỏ hết. Cái thuở mà mấy chị em cùng mấy đứa trong xóm rủ nhau lội bộ gần hai cây số đi ra Miễu Hội để xem hát bội, mỗi lần nghe một hồi trống là náo nức, nôn nao đến mức...không đi mà chạy lúp xúp cho mau tới nơi.
Những điều tôi sẽ kể không liên quan gì đến cái chung nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ ở đây, với những người là độc giả của trang web này.
Thuở ấy, vào những ngày nghỉ hoặc lúc tết, hè, hay lúc Má sai đi chợ Tân An bổ hàng tạp hóa, chúng tôi thường ra nhà Dì Tư chơi (Má tôi thứ năm và có hai người chị là Dì Ba ở gần nhà và Dì Tư ở cồn Thầy Cai). Đường ra nhà dì tôi khoảng trên hai cây số, phải qua hai con đò, một đò qua chợ Tân an (chợ Lê Hồng Tươi), một đò gần mộ Sư Ông (đường lên xã Vĩnh Hòa) để qua cồn Thầy Cai. Khá xa như thế, nhưng chúng tôi thường đi bộ dù nhà có hai, ba chiếc xe đạp, có lẽ chúng tôi còn bé, nên việc dắt xe qua đò khó khăn hơn là đi bộ. Đất đai ở đây rất màu mỡ do năm nào cũng ngập nước, được phù sa bồi đắp. Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy và trồng dâu nuôi tằm. Tiền kiếm được rất dễ dàng do đất tốt, trồng gì cũng trúng, cuộc sống rất sung túc, vả lại trường học xa, cách sông cách đò nên ít ai nghĩ đến việc cho con cái đi học, vì vậy anh chị con dì tôi có người không biết chữ, có người chỉ biết đọc, biết viết. Khi thấy chúng tôi tới, cả nhà rất mừng rỡ, mấy anh chị tôi con dì kẻ chạy lo bắt gà làm thịt, người lo ngâm gạo để làm bánh (có bông điên điển thì làm bánh xèo, bánh khọt, hoặc không có thì làm bánh lọt, bánh ướt, bánh tằm, bắp hầm, bắp chà,….), bọn nhóc cỡ tôi thì ra rẫy bắt cào cào, đào dế cơm đem về nướng hoặc chiên dòn, dỡ khoai lang để “lùi” vào tro nóng, bẻ bắp non và lải hột ra để rang. Dượng tôi thì đem máy hát dĩa lên dây thiều (hồi đó gọi là dĩa chứ không phải đĩa như bây giờ) và một rương đầy ắp dĩa hát ra để chúng tôi lựa chọn. Về tuồng thì có Hoa Mộc Lan tùng chinh, Tuyệt tình ca, Thuyền ra cửa biển, Cung đàn trên sông lạnh, Tình chú Thoòn, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài, Phạm Công-Cúc Hoa…..; ca cổ thì có Đêm mộng hồ tây, Cô hàng chè tươi, Nấu bánh đêm xuân, Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà, Nếu anh là lính chiến, Tình anh bán chiếu, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài….ôi không sao nhớ hết... Có nhiều lần, bọn tôi vui chơi thỏa thich, đến xế chiều mới xin phép dì dượng về, thì được cả nhà “cầm” lại: "Ăn cơm chiều rồi hãy về cho mát". Chúng tôi nghe lời, nhưng ăn cơm chiều xong thì dì dượng và các anh chị lại nói: "Trời sẫm tối rồi, mơi về sớm cho sáng sủa". Chúng tôi nghe bùi tai, ở lại ngủ một đêm. Sáng ra, chuẩn bị về thì cả nhà lại nói: "Ăn cơm xong hãy về"... Và thế là chúng tôi ở chơi đến hai ba ngày (cũng do lúc đó rổi rãnh). Đã vậy, khi về, các anh chị còn bắt chúng tôi khiêng khệ nệ nào bí rợ, cà gió (cà chua), cà tím, ớt, bắp,.đem về. (Nghĩ lại, thời nay mà đi chơi kiểu đó chắc cha mẹ lo sốt vó rồi)
Đáp lại, các anh chị họ tôi cũng lội bộ vào nhà chúng tôi chơi, hoặc Dượng Tư lấy ghe máy dầu (dượng tôi sắm để đi "hốt kén" hoặc chở đồ rẫy nhà và mua thêm của bà con hàng xóm xuống Long Xuyên bán) chở cả gia đình và cả máy hát vào thăm nhà chúng tôi, rồi cũng làm đồ ăn ngon, làm bánh, nghe hát, chuyện vãn,….Những lần viếng thăm qua lại thường xuyên ấy càng làm đậm đà thêm tình bà con, thân tộc. Một buổi sáng, chúng tôi như bị sét đánh ngang tai khi hay tin dượng tư tôi mất do bị đạn lạc (năm đó dượng mới có bốn mươi bốn tuổi). Chúng tôi chết điếng trong lòng. Chỉ có Ba Má và chị hai tôi đi đám, chúng tôi còn nhỏ nên không được đi. Ở nhà, mấy chị em tôi cứ khóc rấm rứt mãi vì thương tiếc Dượng Tư.
Thời gian dần trôi, anh chị họ tôi lần lượt có vợ, có chồng ra ở riêng, chúng tôi thì đi học xa, những cuộc thăm viếng thưa dần. Đang học năm thứ nhất ĐH, tôi được thư của chị năm báo là Dì Tư mất đã hơn một tháng (năm mươi sáu tuổi), chị tôi bảo chúng tôi đang ôn thi nên không cho hay. Chúng tôi chỉ còn biết tìm một nơi vắng để khóc với nhau. Nghỉ hè năm đó, chị em tôi ra nhà dì tư thắp nén nhang cầu xin người tha thứ cho sự vô tâm của mình, vì khi dì ngã bệnh, chúng tôi (hai đứa cháu học cao nhất cũng là hai đứa cháu bất hiếu nhất), không hề hay biết và dĩ nhiên không một lần thăm viếng. Thời đó xe cộ hiếm hoi, di lại khó khăn nên khi đi học ĐH, chúng tôi rất ít về quê. Nói thật đến giờ tôi chưa thấy người đàn bà nào chất phác hơn Dì Tư tôi và người đàn ông nào hiền và tình nghĩa như Dượng Tư tôi, hai người knông hề làm mích lòng bất cứ một ai. Nhìn cách đối xử, nếu ai không biết cứ nghĩ dượng là con ruột của bà ngoại. Ở Dì Dượng tôi, gần như tập trung tất cả những đức tính điển hình, đáng quí của người nông dân nơi thôn dã.
Sau đó, chỉ đến khi nghỉ hè, chúng tôi mới đến nhà dì tôi, lúc bấy giờ chỉ còn vợ chồng người anh thứ chín ở nhà. Tuy ít học, nhưng cách đối nhân xử thế của anh thật tuyệt vời. Chẳng những anh hết mực hiểu thảo với mẹ (là dì tư tôi) mà còn với hai người dì (Dì ba và má tôi). Nhà có món ngon vật lạ nào anh cũng đạp xe qua hai con đò mang vô cho má tôi và dì ba. Sau này, dì dượng ba, Ba Má tôi cũng lần lượt ra đi. Không đám giỗ nào (đám ông ngoại, bà ngoại, dì ba, dượng ba, Ba tôi, Má tôi) mà vắng mặt anh chín tôi. Nhớ có lần vào dịp hè, chúng tôi kéo ra thăm, anh chín tôi rượt bắt con gà làm thịt và bị vướng sợi dây kẽm (giăng làm sào phơi áo) rướm máu cái cổ, chúng tôi nói đùa: "Sợ đứt cổ ông đó". Tới giờ tôi còn nhớ mãi cái cổ rướm máu của anh chín tôi. Tôi thầm nói: Phải chi chúng tôi còn nhỏ hoài để các chị em bạn dì luôn quây quần bên nhau thì vui biết chừng nào, không phải chia xa mỗi người một ngã. Dịp đám giỗ Ông Ngoại, bà Ngoại thì có đứa về, đứa không, đó là chưa nói đến trường hợp có người làm ăn khá giả rồi đổi tính, trở nên kiêu kì, hách dịch với anh chị em...
Đó là chuyện xưa - chuyện quan hệ thâm tình gắn bó giữa các anh chị em họ với nhau. Còn thời nay? Đời sống vật chất của con người đầy đủ hơn, con người được sung sướng hơn nhưng dường như cái tình, cái nghĩa giữa những người họ hàng nó không còn đậm đà như trước. Tôi biết có trường hợp khi có cô, bác, cậu, dì,…(ở xa) đến thăm, mấy đứa trẻ trong nhà chúng không thèm ra chào hỏi chứ đừng nói chi đến việc mừng rỡ, săn đón mà cứ mải miết ở trong phòng với cái máy vi tính. Chẳng hạn, bạn tôi chưa có gia đình nên rất cưng cháu. Em trai nó có vợ ở TPHCM, vì công việc làm ăn bận bịu nên gởi hai đứa con về cho cô chăm sóc, dạy dỗ, đưa đón đi học, đến nghỉ hè cha mẹ nó rước về nhà. Cô nàng nhớ cháu quá lên thăm, thì thằng anh (bảy tuôi’) nói: "Về mau! Về càng sớm càng tốt!". Bạn tôi kể lại cho tôi nghe mà rơm rớm nước mắt. Tôi an ủi: "Nó con nít biết gì, chắc tại mày ép nó học bài hoài mà bản thân nó là Bùi Kiệm nên nó ghét chứ gì". Hôm trước tôi về thăm nhà, lại nghe chị hai tôi bức xúc nói: "Mày coi, chồng con Th. (cháu rể-rể người chị con cô) lúc nó đi công tác ghé nhà, tao làm thịt gà đãi nó, tối đến lại nấu chè thưng cho nó ăn, mà khi tao xuống nhà (TP Long Xuyên), nó không mời tao được một ly nước lã nữa, đúng là dân thị thành thực dụng!" Anh tôi nghe vậy châm chọc: "Nó mà cho người nhà quê như bà vào nhà là phước đức ông bà để lại đó". Còn tôi thì hay thông cảm cho người khác nên làm “luật sư biện hộ” miễn phí: "Tại vì chị đến thăm chị ba (má vợ nó) là chủ yếu, nên nó nghĩ mọi việc từ ăn uống đến nghỉ ngơi đã có má vợ nó lo tất nên không thèm lo lắng, chứ không phải nó bủn xỉn đâu".
Tôi thì quan niệm: người có học hay không có học, ở nông thôn hay thành thị cũng có người vầy, người khác, người nhiệt tình hay không nhiệt tình, thực dụng hay tình cảm tùy cái tâm của mỗi người. Chị năm con cô tôi (ở LX) cả đời ở thành thị mà đã cưu mang (nuôi nấng, dạy dỗ rồi cho học nghề) hết đứa cháu này đến đứa cháu khác (do cha mẹ nó quá nghèo, không lo nỗi hoặc do bị cha mẹ bỏ rơi). Mấy người bạn của tôi rất thành đạt ở TPHCM nhưng đã không quên những người bạn nghèo thời áo trắng, đã nhiệt tình giúp đỡ các bạn cơ nhỡ, khó khăn, đau ốm. Cho nên mỗi khi mời họ hàng, bạn bè đến nhà tôi chỉ mời dịp lễ, dịp nghỉ hè để tiếp đón cho chu đáo. Tôi có đứa bạn thân thời sinh viên ở Bạc Liêu, nó rủ tôi xuống chơi, tôi bảo: "Chờ đến khi cả mày và tao nghỉ hưu, chứ bây giờ nghỉ hè tao xuống mày thì được rồi, nhưng mày bận làm giám đốc NH, mày bỏ tao bơ vơ ở nhà tao đâu chịu". Nó cười: "Đến chừng đó có đi nổi hay không hay bị các chứng bệnh của “người cao tuổi” nó hành hạ hoặc theo ông theo bà thình lình thì có nước gặp nhau ở Cửu tuyền là chắc ăn nhất". Tôi nói: "Ít nhất cũng gặp nhau qua điện thoại chứ mậy".
Cám ơn các bạn đã kiên nhẫn nghe những chuyện riêng tư của vân Phan. Vân Phan
Sửa lần cuối bởi Vân Phan vào ngày 09 Tháng 4 2008, 23:05 với 1 lần sửa trong tổng số.
|