Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 12:27
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» NHƯ ĐI TRÊN CÁT «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 122 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 8, 9, 10, 11, 12, 13  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 39884 | Trả lời: 121)
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 2 2014, 18:51
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đây có lẻ là thời kỳ "vỡ mộng" trong đời Di. Những sự kiện trái ngược hẳn với những điều mong mỏi liên tục xãy ra. Như thể trái đất đã hình thành một hố sâu và kéo theo một chuổi những sụp đổ chung quanh nó. Di mới có hai mươi lăm tuổi mà đã mang tâm trạng của một người già cỗi lắm. Đã bắt đầu sống với nỗi buồn, đau, luyến tiếc và ân hận. Nhìn những mơ ước, hoài bảo một thời của mình xa dần mà xót xa như tiễn chân những người thương đi vào lòng đất.
Mỗi đêm, sau khi kể chuyện cho hai con để ru chúng ngủ thì cái buồn trong Di lại trổi dậy. Nằm ôm gối, quay mặt vào vách mùng, Di bỗng cảm nhận rằng khoảng cách của hai người nằm sát và đâu lưng với nhau là cái khoảng cách xa nhất trên mặt đất. Nỗi cô đơn quá cụ thể làm cho Di đột nhiên đưa tay ra như muốn xô đổ nó, như thể nó đang ngồi chểm chệ trên ngực, thít chặt lấy cổ và cố làm cho Di ngột thở vậy.
Ngày trước Di rất tự tin vào khả năng, cho rằng mình sẽ, chẳng những sống rất độc lập không cần phải dựa vào ai mà còn có thể lo cho má, ngoại và những người thân nữa. Người chồng trong trí tưởng tượng của Di, là một người có thể chia sẻ với Di, từ những việc lớn lao cho đến những điều nhỏ nhặt nhất. Y có trách nhiệm, tìm thấy niềm vui trong gia đình, có mặt đều đặn trong mỗi bữa cơm và ghiền những món ăn do chính tay Di nấu.
Dù hay mơ mộng nhưng bản chất Di là một phụ nữ á đông truyền thống. Cái đức hy sinh, tận tụy, chung thủy của người phụ nữ cho Di thấy ở họ một tính cách rất cao cả, rất đáng khâm phục và quyết noi theo. Di cho rằng đa số phụ nữ đều sẵn sàng đem lại niềm vui cho gia đình mà dẹp bỏ những lợi ích bản thân. Má, ngoại và dì của Di đều ăn cơm sau chót và nhường thức ăn ngon cho chồng, con và cháu. Hồi đó Di đâu có biết cứ cằn nhằn sao má không chịu ăn cơm một lượt. Bây giờ khi làm vợ, làm mẹ Di mới hiểu ra và càng thương má nhiều hơn.
Theo Di, thất vọng lớn nhất của người phụ nữ, chính là cái thất vọng về tình yêu và nhận ra sự khác biệt quá lớn lao giữa hai nhân vật cấu thành nó. Mục đích của người đàn bà lại là phương tiện của người đàn ông. Người đàn bà hướng đến tình yêu còn người đàn ông chỉ chăm chăm vào tình dục. Điều nầy lý giải tại sao trong xã hội nghề mãi dâm chỉ dành cho nữ giới. Trước đây Di cho rằng những người phụ nữ đó làm xã hội dơ đi, họ là người xấu. Nhưng bây giờ Di nhận ra rằng họ chỉ là nạn nhân, là những người bất hạnh nhất bởi vì đối với Di mãi dâm là thực hiện hành vi tình dục mà không có tình yêu. Đó là một sự hy sinh quá lớn lao, hay một hình phạt quá ác độc dành cho người phụ nữ. Họ cảm thấy thể xác của mình đang bị dày xéo và tâm hồn tan nát. Theo Di bất cứ một người vợ nào, cũng bị làm gái mãi dâm ít nhất là một lần trong đời.
Thời kỳ nầy Di mang tâm trạng của một người nổi loạn. Những điều lệ đã hình thành, được áp đặt cho biết bao thế hệ. Trước đây được Di tuân theo răm rắp, nay bỗng nhiên bị nghi ngờ về giá trị, lợi ích thực sự của nó. Những luật lệ ấy được đặt ra từ tầng lớp thống trị, hầu như chỉ nhầm mục đích bảo vệ quyền lợi của họ. Nó đặt biệt đúng trong các tập tục, trong các nếp nghĩ, nếp làm từ rất lâu xưa được truyền miệng lại.
Di cho rằng cái chế độ ưu việt nhất, hợp lý nhất đó chính là chế độ mẫu hệ. Bởi người phụ nữ có nhiều lòng yêu thương, đức hy sinh và tận tụy hơn nam giới rất nhiều.


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 14 Tháng 3 2014, 03:46 với 3 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 2 2014, 20:21
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cái mơ ước được đi làm hoặc đi học lại như đốm lửa nhỏ nhoi cứ leo lét mãi trong lòng Di. Mỗi lần đạp xe ngang qua trường cũ, bây giờ được đổi tên thành "Đại học tổng hợp", Di lại nghe một niềm tiếc nhớ cao và nhọn như đỉnh núi chọc thủng cõi lòng mình.
Khung cảnh chung quanh vẫn vậy, vẫn hàng cây liêm xẹt chăm chỉ rắc hoa trải thảm khắp sân. Sinh viên lác đác ra vào, khu vực để xe ngày xưa đầy kín xe máy, giờ chỉ còn mấy hàng xe đạp lưa thưa. Những người bạn của Di không biết còn lại bao nhiêu? Ngọn gió giao thời đã làm chuyển hướng và thổi bạt đi vô vàn chiếc lá, có chiếc bay xa rất xa và có chiếc bị vùi lấp ở một nơi ẩn khuất như Di.
Có lần Di đi trên đường Duy Tân, một con đường nổi tiếng nhờ những hàng me già che mát. Hàng me vẫn còn đẹp, vẫn còn vói tay mơn trớn lấy nhau và những chiếc lá nhỏ xíu như hạt mưa rất nhẹ vẫn bay bay... Di bỗng nhớ một bài thơ có nhiều câu đố nghe đâu phát sinh từ trường luật :

Anh đố em mưa gì không ướt áo?
Trời ban trưa lại sáng quá một đôi sao?
Mây thương ai ? Nhà gió ở phương nào?
Đêm anh ngủ chiêm bao về ai vậy?
......
Trường Luật bây giờ không còn nữa, nên Di không biết tìm ai để hỏi về những câu thơ còn lại.
Di đã mua không biết bao nhiêu tờ sơ yếu lý lịch, đem sao y cái bằng cấp tú tài của mình để sẵn, hể nghe chỗ nào cần người là nộp vô liền, rồi chờ dài cổ và ghé hỏi thăm miết. Lúc nầy tiêu chuẩn được chọn không phải trình độ mà là lý lịch tốt, nhất là có người đương chức giới thiệu thì chắc ăn. Lòng nghi kỵ đã làm thui chột biết bao nhiêu cái tài, cái tâm...
Tiền thu được từ việc bán bớt các phần lương thực, nhu yếu phẩm không còn dùng đủ. Có ngày Di phải ngửa tay nhận từng đồng của chồng đưa đi chợ mà nghe buồn tủi hết sức, người chồng hể thấy cơm nhà không ngon là bỏ qua nhà má chồng ăn ké, mâm cơm thường chỉ có ba mẹ con.
Rồi cơ hội kiếm tiền cũng đến, khi cô em chồng bỏ đi vượt biên má chồng kêu Di về phụ và cho Di tiếp thu công việc của cổ. Di bắt đầu tập buôn bán. Cái ly cà phê phin lần đầu khách gọi, Di mang ra trên hai bàn tay run lẩy bẩy, nó kêu lộc cộc làm ai cũng cười.
Số tiền kiếm được lần đầu trong đời ấy Di mua cho con mỗi đứa một bộ đồ, mua cho chị Ba một cây viết, gửi về cho ngoại và má hai cây bánh bía...
Lại đối mặt với những nghi ngờ, soi bói của mấy người chị và cô em chồng. Những câu chọc ghẹo quá thô thiển của mấy ông khách làm Di cảm thấy bị xúc phạm và đau lòng hết sức. Có một ông khách hỏi Di trước khi lấy chồng làm việc gì, Di trả lời:
-Sinh viên.
-Xạo, cái mặt bà mà sinh viên, sinh viếc gì!
Cũng có những người tốt, nhưng những câu hỏi xoay quanh về thu nhập, lời, lỗ ...làm Di phát chán. Cái tật hóng chuyện ngày xưa lại trỗi dậy. Di hay lắng tai nghe coi họ nói cái gì. Quán cà phê là nơi gặp gỡ của cái giới mánh mun, nên những câu chuyện của họ càng làm Di ngao ngán, càng làm Di nhớ về thời vàng son của mình:

Đâu rồi gốc Phượng ngày xưa
Bóng cây, che bớt nắng trưa trên đầu
Áo bay phất phới qua cầu
Đường chiều có bước chân nào đón đưa
Ai đàn trong những đêm thưa
Ai chung chiếc áo đội mưa đi, về...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 2 2014, 19:51
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cái quán cà phê của Di chỉ có khách vào sáng sớm, đến trưa thì hầu như vắng ngắt, khoảng mười hai giờ là Di dẹp.
Một tháng đôi lần, một đôi tình nhân lấy chỗ nầy làm điểm hẹn, họ chỉ đến khi Di sắp về. Không phải vì muốn bán thêm hai ly cà phê, một đen, một sữa đá nên Di nán lại, mà chỉ vì mối thiện cảm Di dành cho họ mà thôi! Cho dù mối tình ấy bị xã hội lên án rất dữ vì cả hai đều là con gái.
Cả hai đều trên ba mươi.
Người đóng vai con trai luôn mặc áo sơ mi tay dài vạt áo bỏ vào trong, bao giờ cũng ôm theo cái bìa đựng hồ sơ to đùng, bên trong chứa mấy bức tranh nên Di đoán y làm trong ngành hội họa. Cô gái có mái tóc rất dài để xỏa, luôn mặc cái áo cổ chữ V khoét rộng và sâu. Cô ta là giáo viên, vì có lần Di nghe cổ mét với người yêu là có một đứa học trò rất hổn hay làm cho cổ khóc.
Qua cách họ trò chuyện và nhìn nhau Di biết họ yêu nhau vô cùng sâu đậm. Hồi trước bạn bè hay gọi Di và Thu là hai vợ chồng. Di băn khoăn, không biết tình bạn của hai đứa có vượt qua mức bình thường không, lấy làm xấu hổ và đôi khi muốn xí Thu ra. Vào thời đó, những người thuộc giới tính thứ ba được coi như bệnh hoạn, bị xem thường và trêu chọc rất dữ. Lúc đó Di không bận tâm về họ lắm, nhưng bây giờ khi trực diện Di mới cảm thấy một sự bất công liên đới, cố nhấn họ chìm sâu trong mặc cảm. Suy cho cùng họ là nạn nhân do sự hớ hênh của ông trời, con người chẳng những không cảm thông mà còn a dua theo để làm cho cuộc sống của họ thêm khốn khổ. Từ đó Di suy rộng ra, những người không may mắn có thân phận và hoàn cảnh hẩm hiu, bị mọi người xa lánh thay vì giúp đỡ. Có khi họ còn bị lợi dụng, bị đem ra làm vật hy sinh.
Hôm ấy Di đang chuẩn bị nghỉ trưa thì cái đôi ấy lại xuất hiện. Biết Di sắp về nên họ nhìn Di một cách van lơn rồi cười lấy lòng và nói :
-Cô chủ quán xinh đẹp ơi! Làm ơn cho hai ly cà phê một đen một sữa đá.
Di cũng cười thật tươi đáp lại để họ không cảm thấy ái ngại. Họ lại ngồi y nơi cũ, ở cái bàn cuối trong góc khuất, chỗ ít ai bước tới. Di mang cà phê xong là ra cái bàn ngoài cùng ngồi cho họ được tự nhiên mặc dù vẫn để tai xem họ nói chuyện gì với nhau. Những câu chuyện trên trời dưới đất được họ kể và nghe một cách say sưa, cô gái nói:
-Hôm qua em đi ngang qua cái nhà sơn màu xanh đầu hẻm, hổng biết ai ở trên lầu liệng cái vỏ chuối rớt trúng đầu làm em hết hồn.
-Em có đứng lại xem ai làm rồi chửi cho nó một trận hông?
-Hông, em đi luôn đã vậy còn bị mấy đứa con nít nó cười nữa chớ!
-Cái tụi mất dạy, anh mà có ở đó là cho tụi nó biết tay!
Họ gọi nhau bằng anh em rất ngọt, rất tự nhiên. Lúc đầu Di nghe cứ thấy gai gai trên da nhưng riết rồi cũng quen. Im lặng hồi lâu rồi người làm anh dựng đứng tấm bìa cứng lên và nói với cô gái:
-Để anh cho em xem bức tranh nầy đẹp lắm!
Di nghe tiếng kéo ghế chắc cô gái ngồi sát hơn để xem cho rõ. Di thôi không thèm chú ý đến họ mà móc tiền trong túi ra đếm và xếp lại cho có thứ tự. Một người đàn ông lao vút vào quán. Di chưa kịp chào ông ta đã đi nhanh đến cái bàn cuối, hất tấm bìa cứng rớt xuống đất. Một cảnh tượng làm Di sửng sốt: Cô gái đang ngồi trong lòng, đầu ngửa ra phía sau tựa vào cổ của người yêu, ngực ưởn cao để đón nhận bàn tay của y đang thọc sâu xuống từ cổ áo .
Cô gái kêu, giọng thảng thốt:
-Ba!
Người cha đứng chết trân. Ba cặp mắt họ giao nhau, căm lặng nhưng lại diễn tả nỗi thống khổ một cách vô cùng hùng biện... Di nhìn cả ba. khi không mà trở thành khán giả trong một vở kịch buồn.
Từ hôm đó họ không còn ghé quán nữa. Di hay nghĩ nhiều về họ, tự hỏi không biết họ có tìm được một chỗ an toàn hơn, hay phải chia tay vì áp lực gia đình.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 2 2014, 15:23
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Một hôm tình cờ khám phá một chỗ cho thuê sách. Di mừng như gặp lại người bạn cũ. Lướt tay lên hàng dãy sách xếp trên giá, tim Di bỗng xốn xang và lòng bùi ngùi thổn thức. Từ ngày lấy chồng đến nay Di chưa đọc lại một quyển truyện nào. Những tờ báo hàng ngày quá khô khan, quá nặng về phần tuyên truyền nên Di không có hứng thú. Tiền thuê không mắc lắm thế là Di lựa cho mình một bộ "Anna Karênina" mang về.
Ngày hôm đó Di vui vô cùng vừa làm việc vừa hát, cũng đã lâu rồi Di không ca lại những bản nhạc ngày xưa. Mấy đứa con của Di ngạc nhiên lắm. Thay vì kể chuyện và hát mấy bài đồng dao để ru con ngủ Di cho chúng nghe những bản nhạc mà Di từng yêu thích. Nước mắt rơi trên má và giọng Di nghèn nghẹn, chúng ngạc nhiên lắm hỏi:
-Sao mẹ khóc vậy mẹ?
-Tại mẹ cảm động quá!
-Cảm động là sao vậy mẹ?
-Là vui, là buồn...
-Vui sao cũng khóc vậy mẹ?
-Có nhiều chuyện vui mình cũng khóc nữa, mà tụi con có thích mẹ hát mấy bản nhạc nầy hông? Có thấy mẹ hát hay hông?
-Có, con thích lắm, mẹ hát hay lắm.
-Con cũng thích, mẹ hát thêm đi mẹ.
Chờ các con ngủ Di mở sách ra đọc liền, lần đầu tiên cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, cuộc đời của Di bỗng trở nên ấm áp, bình yên. Di mang ơn người viết, người dịch, người in...Tất cả những người bỏ công ra để hoàn thành một quyển sách cho Di thưởng thức. Họ chắc phải đắn đo sắp xếp từng ý tưởng, đẻo gọt từng câu chữ, phân vân trước mỗi dấu chấm, dấu phẩy để cố tạo ra một sản phẩm hoàn thiện nhất trong khả năng của mình.
Vừa gấp cuốn sách lại là Di tìm bút viết ngay cho chị Ba một bức thư:

Chị rất thương!
Em vùa đọc xong quyễn" AnNa Ka Rê Ni Na", nó hay đến nỗi mà em không sao ngủ được. Thói quen ngày xưa lại trỗi dậy. Cái nhu cầu muốn chia sẻ, muốn tâm sự với chị khi lòng ngập tràn cảm xúc bắt em phải ngồi dậy viết thơ liền cho chị đây!
Chị còn nhớ ngày xưa, một lần chị từ Long Xuyên, tức tốc về thăm để mang cho em một quyển truyện mà chị vô cùng yêu thích hông? Em còn nhớ nó mang tên "Những bàn tay bẩn". Và cứ mỗi dịp chị em mình gặp nhau là tụi mình đều bị má rầy vì cứ thức sáng đêm mà bàn luận về những quyển sách đã cùng đọc. Hầu như lúc nào hai chị em mình cũng có cùng một cảm nhận, cuốn gì chị thích là em thích và ngược lại.
Bây giờ em ước chi có chị bên cạnh, để chia sẻ với em cái điều đang làm lòng em thổn thức. Em thương An Na quá chị ơi! Cái chết của cổ ám ảnh em đến độ mà em như trông thấy trước mắt cái thân hình nằm vắt ngang trên dường rây, với những vết máu từ từ thấm qua lớp áo. Sao tác giả chọn cho cổ một cái chết thảm thương vậy chị? Sao không để cho cổ mặc cái áo đầm bằng sa ten trắng, nằm trên giường với vô số hoa hồng xếp chung quanh. Sao ổng nỡ làm cho lòng em nhói buốt như thế nầy!
Ở quê mình chị có mượn hoặc mướn được sách mà xem hông? Nếu không hè nầy chị nhất định phải lên thăm em đó! Em vừa tìm ra một chỗ có nhiều sách cũ lắm. Người chủ rất dễ thương, khi em chọn bộ sách nầy ổng nhìn em với đôi mắt thích thú hỏi:
-Cô cũng thích loại sách nầy sao?
Tiền thuê không mắc lắm nhưng tiền thuế chân thì vượt quá khả năng của em, nếu không em đã cuổm luôn mà gửi về cho chị rồi.
Em muốn kể cho chị về An Na nhiều lắm! Nhưng thôi, hãy để chị tìm đọc để tự khám phá, rồi kể cho em nghe những chi tiết mà chị ưa thích nhất, để xem tụi mình còn giống hệt nhau như ngày xưa hông!
....
Ở chỗ mướn sách Di quen được một cô bạn mới, chỉ nghe cái tên "Xuân An" thôi, Di đã dành sẵn cho cổ một mối cảm tình vượt mức bình thường, huống chi cổ còn rất dễ thương và có một cuộc sống bấp bênh, vất vả.
Cổ là người Đà Lạt, hơn Di một tuổi nhưng trông rất trẻ và gọi Di bằng chị, đang học luật thì trường bị bải bỏ. Cổ ở lại Sài Gòn bán chợ trời để kiếm sống, tìm cơ hội để vượt biên vì người yêu của cổ đã đi sang Mỹ. Nghe chuyện cổ mà Di khâm phục cho cái ý chí kiên cường của cổ. Cổ bán đủ thứ hết từ quần áo cũ rồi chuyễn sang sách và cuối cùng là bán thuốc tây. Thuê chung một căn gác với mấy cô gái khác cũng cùng hoàn cảnh. Cổ kể có lần bị công an bắt khi kiễm tra nhân khẩu. Họ nghi bọn cổ làm gái mãi dâm, cứ gặng hỏi mãi làm cổ nhục quá khóc suốt...Di hỏi sao cổ không về ở với má, cổ nó cổ có ba ghẻ tính tình không tốt nên cổ không muốn về nhà. Di gợi ý cho ở nhờ nhưng cổ cương quyết từ chối, chỉ thỉnh thoảng đến chơi và ở lại ăn cơm. Cổ rất thích cái món mắm kho của Di, cứ khen và đòi ăn thêm lần nữa.
Vậy là Di đã có sách, có bạn để cùng trò chuyện, bếp nhà Di, mấy món ăn tinh thần đang tỏa mùi thơm phức!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 2 2014, 16:47
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448
Xin phép cho NGV cà khịa vô một chút nhe!
Đọc tới đây thì NGV cảm thấy vui vui cũng như Di, tinh thần phấn chấn. Nhất là lúc Di hát cho mấy đứa con nghe sao mà hạnh phúc quá chừng luôn.
Đang chờ đọc tiếp đây.
Cảm ơn LDY rất nhiều.
NGV


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 2 2014, 16:27
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đã sáu tháng trôi qua từ ngày Di kết bạn với Xuân An. Một buỗi chiều khi rước hai con ở trường về nhà, Di thấy Xuân An đang đợi sẵn. Cô đứng dựa vào hàng rào phủ đầy dây lá Sâm được Di trồng từ ngày mới về, dưới chân là một cái giỏ đệm to đựng đầy sách. Di mừng lắm ngỡ Xuân An dọn đến ở nên hỏi:
-Đồ đạc có bây nhiêu thôi hả?
-Em mang tặng chị hết sách của em đó, hy vọng chị thích.
-Chớ hổng phải dọn đến đây ở luôn sao? Còn cái túi gì trên tay vậy?
-Em đi chợ mua đồ về cho chị kho mắm, bữa nay phải ăn no cành hông mới được.
-Xời ơi! Làm người ta mừng hụt.
Di mở khóa dắt hai con vào. Xuân An rinh cái túi đệm vào theo. Di mở cái túi thức ăn kiểm tra xem thấy có một con cá lóc cỡ 300 gr, một miếng thịt ba rọi, cà tím, đậu đũa, khổ qua và một bịch rau ghém gồm mấy thứ rau ăn mắm trộn chung như: chuối cây, rau muống, rau sống v...v.. Di hỏi:
-Bộ em hổng mua xả hả?
-Chết cha, em quên mất tiêu, không có xả được hông chị?
-Không được đâu, nó với ớt là gia vị bắt buộc, thôi để chị chạy đi mua.
Di chạy một cái vèo ra chợ chồm hổm nằm trong cái hẻm phía bên kia đường. Mua thêm xả, ớt và một nhúm ngò gai, ăn mắm phải có ngò gai mới ngon. Về đến nhà thấy Xuân An đang tắm cho hai đứa nhỏ rồi lấy mấy bộ đồ mới tinh ra mặc cho chúng, thấy Di ngạc nhiên cổ giải thích:
-Cái nầy em mới mua cho hai cháu.
Hai đứa nhỏ được mặc đồ mới, sung sướng quá cười toe.
Bữa cơm được dọn trên mấy tờ giấy báo trải xuống đất, cả bốn người ngồi xúm xít. Xuân An có vẻ ít nói cắm cúi ăn, Di hỏi:
-Có ngon hông em?
-Ngon quá trời quá đất luôn, mắm nầy do má chị làm hả?
-Ừ, ngoại chị làm mắm ngon nổi tiếng trong xóm, ngoại truyền cho má.
-Chị có biết cách làm không?
-Không, bởi vậy chị sợ nó bị thất truyền luôn. Chị cũng muốn học lắm chớ nhưng mà làm mắm khó lắm, qua rất nhiều công đoạn. Nầy nhé cá làm xong phải bưng xuống sông rửa mới đủ nước cho nó sạch. Trộn muối cho ngấm, đúng thời điểm lấy ra, thắng đường, trộn thính vô gọi là " chao mắm ". Có loại mắm phải cho thêm cơm rượu. Xong xuôi mới nhận vô từng cái gáo dừa. Lấy lá chuối khô dậy trên mặt rồi gài vĩ tre lên, ém cho thật chặt, cuối cùng là sắp vô cái lu. Mắm sẽ từ từ rỉ nước ra, cái nước nầy gọi là nước mắm đồng có màu đậm hơn nước mắm mình mua ngoài chợ độ đạm rất cao.
-Nước mắm đó có ngon không?
-Ăn quen mới thấy ngon. Bà con quê chị tới mùa nước hay kho mắm lắm, vì mùa nầy có đủ thứ rau như điên điển, bông súng, rau dừa...Tính ra nội cái món rau không là cả chục thứ. Ăn mắm mỗi người phải có hai cái chén. Một chén đựng cơm còn một chén cho rau vào, rồi chan mắm vô mà lùa chớ hổng có gắp nhúng vô tô như mình đâu!
Ăn cơm xong hai chị em giành nhau rửa chén, rồi cả hai cùng rửa. Di rửa xà bông còn Xuân An tráng lại bằng nước sạch. Hai đứa con xin đi chơi với mấy đứa bạn trong xóm để khoe áo mới. Di kéo Xuân An lên gác, nhường cái võng cho cổ nằm rồi ngồi sát một bên đưa tay đẩy, đột nhiên cổ kề sát tai Di nó nhỏ:
-Ngày mai em đi rồi!
-Đi đâu?
-Vượt biên!
Di thở hụt một nhịp rồi hỏi:
-Sao hôm trước em nói chưa đủ tiền?
-Chỗ nầy quen với bồ em, họ liên lạc với ảnh rồi, qua tới đó ảnh trả đủ cho họ.
-Bao nhiêu vậy?
-Ba cây.
Một nỗi lo và buồn tràn ngập lòng Di, chắc nó lộ ra nét mặt nên cổ an ủi:
-Chị đừng có lo, em có đi coi bói rồi. Bà thầy nói chuyến nầy đi trót lọt. Em qua tới bển kiếm việc làm rồi sẽ gởi tiền về giúp chị mua sách về cho mướn tại nhà, khỏi đi bán nũa.
-Đừng có lo cho chị, chỉ cần em đi đến nơi rồi báo tin cho chị biết là được rồi. Có cho má em biết chưa?
-Em không dám! Sợ má em can ngăn rồi khóc lóc làm bể chuyện.
Di nghe cổ nói vậy bèn ráng kềm hai giọt nước mắt sắp trào ra. Cổ ngồi bật dậy ôm lấy Di thật chặt rồi nói:
-Em nói cái nầy chị đừng buồn nha! Chị với chồng chị tính không hợp đâu, chị còn trẻ, sống như vầy phí đời lắm!
Di đưa cổ ra tận ngoài đường, nhìn theo cho tới khi mất hút. Nước mắt bây giờ được dịp tuôn ra như bể bờ bao, cảm thương cho phận số của mình, hể thương ai một cái là chia tay liền. Chiều hôm sau đi bán về Di ghé qua ngôi chùa gần nhất, bỏ tờ giấy một đồng vào thùng công đức, rồi quỳ xuống chân phật cầu xin phù hộ cho người tên Trương thị Xuân An hai muơi bảy tuổi ở Đà Lạt, đi đường được bình an vô sự. Bỗng nhớ tới một người nữa cũng tên An, Di lại khấn tiếp;
-Xin Phật nhân tiện che chở luôn cho một người tên Nguyễn An, hai mươi bốn tuổi quê ở Châu Đốc được công thành danh toại, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Cầu nguyện xong Di cảm thấy xấu hổ, vì chỉ cúng có một đồng mà xin đủ thứ nên bỏ thêm vào thùng một tờ giấy năm đồng nữa.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 2 2014, 18:54
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938
Tỷ Lamduyen ơi,

Tỷ làm muội có ý tưởng viết truyện " NHƯ ĐI TRÊN TUYẾT "

NHƯ ĐI TRÊN CÁT & NHƯ ĐI TRÊN TUYẾT - CÓ GÌ KHÁC BIỆT KHÔNG?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 2 2014, 22:39
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938
Tỷ Lamduyen ơi,
Em mới vừa đọc xong về cô bạn Xuân An trong bài viết.
Cô mua quần áo mới cho hai đứa trẻ, nhưng việc cô tắm cho hai đứa rồi mặc quần áo mới cho hai đứa là một cử chỉ rất đẹp, khó mà quên được.

Tỷ viết tả về nồi mắm, em muốn ăn mắm liền, từ nhỏ đến lớn ở VN em ăn mắm kho được 2 lần. Mấy chục năm qua chưa ăn lại. Nhưng Tỷ tả về mắm kho sao mà hấp dẫn quá.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 2 2014, 03:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Dạ lý ơi! NHƯ ĐI TRÊN TUYẾT chắc chắn sẽ đẹp và dấu chân in sâu hơn như đi trên cát nhiều lắm!
Tỷ nấu ăn rất dở nhưng kỳ nầy muội về xin mời ghé qua cái "tệ quá xá " của tỷ, tỷ sẽ trổ hết tài mọn chiêu đải muội món thuần tuý quê mình: MẮM KHO!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHƯ ĐI TRÊN CÁT
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 2 2014, 05:26
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Từ hôm Xuân An đi, ngày nào Di cũng thấp thỏm không yên. Di mong ông phát thơ quá chừng nhưng càng mong ổng càng đi biền biệt. Di gữi cho chị Hai nhà bên cạnh hai đồng, để khi nào chị nhận được thơ từ nước ngoài gữi về cho Di thì biếu ông phát thư giùm. Di không ngờ khỏang trống mà Xuân An để lại trong lòng Di lại rộng lớn đến vậy. Di cảm thấy có lỗi với chị Ba rất nhiều, vì nỗi thất vọng khi nhận ra cái thư trên tay không phải của Xuân An mà là của chỉ!
Xuân An để lại cho Di rất nhiều sách, đa số là những tác phẩm của các văn hào Nga như: Chiến tranh và hoà bình, tuyển tập thơ và truyện của Put kin, Sê khốp, Tội ác và hình phạt, Sông đông êm đềm...v...v...Mỗi lần đọc là Di nghe một nỗi nhớ nhung tràn ngập. Di nhớ đôi mắt nhỏ, dài bộc lộ đức tính của một người hiền thục mà ông bà ta ưa chuộng và gọi tên là "mắt lá Răm". Di nhớ đôi gò má da rất mịn, hồng như da con nít. Cái miệng nhỏ, gọn với viền môi rất rõ, cả cái răng chó nhọn mọc hơi so le trông rất tinh ranh của cổ.
Tin tức được truyền miệng về những chiếc tàu bị bão, bị cướp, bị chìm...v...v...liên tục đến tai Di. Có chiếc trôi giạt lênh đênh hàng tháng trên biển. Những thuyền viên đói đến nổi phải ăn cả giày, dép. Có người phát điên vì thất vọng, làm Di vô cùng lo lắng. Mỗi đêm Di cầu xin thật thiết tha mong cho cổ sớm đến bên người yêu một cách an lành.
Rồi một đêm cách ngày Xuân An đi gần một tháng, Di mơ một giấc mơ mà khi tỉnh dậy Di khóc đến độ chồng và con Di phát hoảng. Di thấy Xuân An nằm trên võng như lần gặp cuối, tóc và quần áo của cổ sủng nước. Những giọt nước từ mái tóc của cổ chảy ròng ròng tạo thành một vũng to dưới võng, nó cứ lan dần và rộng mênh mông như một cái hồ. Cái võng như chiếc thuyền chở cổ trôi về bờ bên kia, còn Di thì đứng chôn chân phía bên nầy cố vói tay mà không thể nào chạm đến. Đôi mắt cổ nhìn về một chỗ nào đó ở thật xa phía sau lưng Di, tia mắt mờ đục như mắt con cá Lóc chết, môi cổ mấp máy. Di cố gọi mà cuống họng như nuốt cục xôi to mắc nghẹn không thốt nỗi một từ.
Di tỉnh giấc nhờ bàn tay chồng lay mạnh rồi nhớ lại giấc mơ liền, linh tính báo cho Di biết đây là một điềm dữ. Ngày Xuân An từ giã Di đã có cảm giác nầy, rất muốn ngăn mà không dám. Thôi chắc Xuân An về báo cho biết để Di thôi không chờ thư nữa. Xuân An đã nằm dưới đáy nước rồi!
Rồi Di khóc. Khóc cho một người bạn đã mang đi một phần hồn của Di. Khóc cho những đau thương mà bạn phải chịu đựng trong cái giây phút sau cùng ấy. Khóc cho cuộc trùng phùng không bao giờ có được, để lại một nỗi ăn năn, ray rức cho người còn sống. Khóc cho một bà mẹ và hai đứa em sẽ cứ mong đợi và trách móc hoài một người con, một người chị vì không về cho dù là ngày giỗ, tết...
Hôm sau Di nấu một mâm cơm để cúng Xuân An, vẫn là cái món mắm kho mà cổ thích, mua thêm mấy bộ đồ bằng giấy và một xấp giấy tiền vàng bạc. Di bưng cái mâm ra ngã ba đường để cúng vì nghe người ta nói những người chết dưới sông không được vô nhà. Di vừa đốt nhang vừa nói thầm với cổ :" Xuân An ơi! Chừng nào em đói và lạnh hay thèm ăn mắm kho thì nhớ báo cho chị biết nhé, chị sẽ gửi cho em".
Kể từ hôm ấy Di không còn mơ gặp cổ nữa, một tia hy vọng bắt đầu leo lét trong Di, biết đâu Xuân An còn sống, biết đâu...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 122 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 8, 9, 10, 11, 12, 13  Trang kế tiếp

» NHƯ ĐI TRÊN CÁT «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 4 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 4 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 275 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:27

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu