CHƯƠNG MƯỜI
Ngồi sau lưng An trên chiếc xe đạp mini lùn tịt, chiếc xe từ thời còn đi học được Di giữ lại, sơn đã tróc nhiều trơ khung sắt. Di chỉ thay cái sàn nước phía sau, bằng cái yên bọc nệm rất dài để chở hai đứa con. Cái yên thụp xuống rất thấp nên lưng An như bức tường che kín phía trước. Di ngồi một bên vặn ngang cái eo để quay mặt nhìn vào đó. Kéo cái nón lá che kín gương mặt vậy mà cứ run. Phải nhắm mắt lại tự đánh lừa rằng, nếu mình không trông thấy ai, thì cũng chẳng ai trông thấy mình. Một lát sau nghe tiếng An hỏi: -Di thấy con đường nầy có giống đường Lê lợi của tụi mình không? Mở mắt ra. Di thấy mình đang đi trên con đường mát rượi giữa hai hàng me: -Cũng giống nhưng không đẹp bằng vì thiếu một dòng sông bên cạnh. -Di ơi! Di có nhớ Châu Đốc nhiều không? Di nói một cách ví von để giảm bớt tầm quan trọng của nó: -Di chỉ nhớ Châu Đốc mỗi năm có hai lần thôi và mỗi lần kéo dài sáu tháng. Di không kể cho An mỗi lần trời mưa, Di như thấy lại con đường nhựa trong đêm vắng tanh và loang loáng nước, như nghe lại tiếng rao thôi thúc cuả đứa bé bán bánh mì. Cũng không kể cho An nghe cái lần Di khóc dù đang đi ngoài đường khi nghe lại bài "Đố Ai". Cũng không nói về nỗi buồn đến nhói tim, khi đi qua ngôi trường có cây phượng to vào mùa hoa nở. An nói bằng một giọng trầm trầm: -Còn An thì nhớ Phú Lâm gần như là mỗi ngày. -An có giận, có trách Phú Lâm nhiều lắm không? -Đau và hụt hẩng nhiều hơn. Thỉnh thoảng An lại mơ thấy mình đạp xe trong đêm mưa, tối thui như lần đầu qua nhà Di vậy. Rồi An hỏi thêm sau mấy phút ngập ngừng: -Di có vui khi ở Sài Gòn không? Di suy nghĩ hồi lâu, cố tìm những từ thích hợp để diễn tả tâm trạng của mình : -Di cảm thấy lạc lỏng, lo lắng nhiều hơn. Như thể một người đi xe không có vé, cứ sợ bị trục xuất. Hay như một vật lạ thâm nhập vào một bộ phận nào đấy, liên tục bị đào thải, không muốn ở lại mà cũng không thể bỏ đi. -Cái gì làm Di vui nhất. -Con. -Bây giờ Di mong mỏi điều gì nhất? Phải mất năm phút sau Di mới trả lời: -Di mong một lần ngồi sau lưng An, mà không phải lo và hồi họp như thế nầy! Di nghe tiếng An thở nhẹ và dài. Rồi An hỏi: -Di còn sợ ngồi quán như ngày xưa không? -Cũng giảm nhiều, không gắt gao như trước nữa. -Vậy mình ghé vô đây nghe? Di lại mở mắt ra. Một cái quán cà phê khuất sau giàn bông giấy, chỉ có hai người khách mà thôi. -An mỏi chân rồi phải không? Di cũng mỏi lưng rồi đó! An dựng xe trước quán rồi bảo Di đưa chìa khoá để khoá xe lại. Di cười: -Cái ổ khoá đó mất chìa từ lâu rồi. An cứ bỏ đại đi, xe cũ xì chẳng ai thèm lấy đâu! An kéo ghế cho Di ngồi, cử chỉ ấy làm Di cảm động, gọi cho mình một ly cà phê đen rồi không hỏi mà gọi cho Di một ly đá chanh. Vừa cầm muỗng khuấy ly cà phê An vừa nói: -Mấy lần An định ghé quán Di, uống thử cà phê của Di pha mà không dám. Di ngớ ra, hỏi dồn: -Bộ An biết chỗ Di bán sao? -Biết chớ! An còn biết Di dọn hàng rất trễ, biết Di có cái áo mưa Ba đờ suy màu vàng, biết có lần Di té xe phải đi cà nhắc mấy ngày. Di nghe hai dòng nước mắt dâng lên, cố hết sức kềm chúng lại, rồi hỏi An bằng giọng nghẹn ngào: -Lâu chưa, ai cho An địa chỉ vậy? -Cũng lâu rồi, nhờ đưa thơ giùm chị Ba nên biết. -Sao lúc đó An không vào thăm Di? -An cũng rất muốn mà không kềm được cơn run. Chỉ đưa cái thơ thôi mà bàn tay cứ run lẩy bẩy, cô em chồng của Di cứ nhìn chầm chập. -Làm Di cứ thắc mắc từ đó đến nay. -An có thấy Di chạy ra nhìn dáo dác. -Lúc đó An ở đâu mà Di không thấy? -An núp sau chiếc xe mì. Di vô nhà rồi An vẫn còn đứng mãi, đến chừng ông bán mì với bà vợ nghi ngờ. Họ nhìn An rồi nói tiếng Hoa với nhau, thế là An ngại quá, bỏ đi luôn. -An có nhận ra Di liền hông? -Có, dù Di ốm hơn lúc trước nhưng gương mặt vẫn không thay đổi. Di có bệnh gì không mà ốm quá vậy? -Bây giờ là đỡ lắm đó, chớ có lúc Di còn chưa tới bốn chục ký! Rồi Di kể cho An nghe cái lần Di sinh con gái đầu vừa được bốn tháng, cứ đến mười hai giờ trưa là Di sốt mê man. Ai cũng cho là Di bị bệnh Lao, đi chụp hình phổi, thử đàm, thử máu đều không phải. Di sụt gần cả chục ký lô, đến chừng đi y tế phường mới phát hiện viêm Amidal phải mổ. Di lại kể cho An nghe cái điều mà bấy lâu nay Di giấu kín, không nói cho ai biết cho dù với chị Ba hay má: -Di còn nhớ cái lần Di một mình đi mổ. Cái hạch sưng to quá nên phải chụp thuốc mê. Người ta kê cái lon inox cho máu chảy vào. Những người có thân nhân theo nuôi, người nhà phải cầm cái lon sát miệng bệnh nhân để máu trào ra đầy thì đem đổ liền. Di nằm mê man máu chảy ướt cả áo. Hôm ấy Di mặc cái áo bà ba màu trắng, khi xuất viện Di đón xích lô về không ai chịu chở vì tưởng Di điên. Bởi cái bệnh viện Di nằm sát bên nhà thương điên chợ Quán. Di phải đi bộ về, cũng may là nhà ở gần. An nhíu mày nên Di phát hiện có mấy nếp nhăn giữa hai chân mày: -Mấy người trong nhà không ai theo nuôi Di sao? Di lắc đầu, An hỏi tiếp: -Di có thân, có nói chuyện với ai không? -Có cậu em trai út là có thiện cảm với Di thôi ! Cẩu còn nhỏ xíu hà, tánh hay mắc cỡ chỉ quanh quẩn bên Di chớ không có nói gì nhiều. -Còn người kia, có quan tâm đến Di không? -Cũng có, nhưng mê bạn nhiều hơn. -Vậy Di còn sinh con nữa làm chi? Di không trả lời cái câu hỏi gần như là trách móc đó. Hai người khách ngồi trước đã ra về. An đứng lên đến gần người chủ quán nỏi nho nhỏ. Di thấy ông ta gật đầu rồi thay cái băng nhạc hòa tấu vào, không gian ngày xưa cũng theo tiếng nhạc ùa về. Di như đang ngồi trong lớp học vào những buổi chiều của năm lớp mười một. Thuở ấy, cứ vào khoảng ba, bốn giờ là quán cà phê đối diện trường lại cho nghe mấy bản nhạc Pháp thịnh hành. Di như thấy lại ánh nắng chiếu hắt lên hàng cây ven đường làm mấy đọt cây như được thấp sáng. Con đường vắng ngắt với một vài chiếc xe lôi không có khách uể oải lướt qua rất chậm, tiếng thước gõ lên bảng và tiếng đọc Anh văn rời rạc của cái lớp bên cạnh. Sân trường rộng vắng tanh trong giờ học, gió liên tục xô những chiếc lá chòng chành làm những đốm nắng trên lưng chúng rơi xuống, nằm run run trên mặt đất. -Nhớ trường quá An ơi! An không trả lời, móc túi lấy thuốc ra hút. Di hỏi: -An cũng còn hút thuốc hả? An nói như xin lỗi: -Ráng nhịn sợ Di buồn mà chịu hết nổi. -An cứ hút đi, Di bây giờ không còn cầu toàn như trước nữa. Có phải khi mình buồn hút thuốc thấy ngon lắm hả? -Nó cũng cho mình sự phấn chấn và tự tin nữa. Nhờ nó mà An sắp nói với Di một điều mà An ấp ủ từ lâu lắm. -Điều gì ? -An thèm một lần được nắm tay Di, một lần được hôn Di, được ôm Di... Giọng nói của An như kéo Di trở lại con đường đất gập ghềnh giữa hai rẫy Bắp trong cái buổi chiều của bảy năm về trước, lòng Di lại rưng rưng. An cắn môi, rồi đưa điếu thuốc lên rít một hơi dài. Di chià bàn tay trái của mình ra phía trước, nhìn sâu vào mắt An mà không nói một lời nào cả. An chụm ba ngón tay: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa lại, chỉ cầm một ngón giữa trên bàn tay của Di mà mơn man rất nhẹ.
Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 13 Tháng 3 2014, 07:16 với 1 lần sửa trong tổng số.
|