CHƯƠNG TÁM
Quê của Mít Ướt, chùa là nơi gần gũi, thân thuộc được bà con lui tới nhiều nhất. Có thể nói đó là một ngôi nhà chung, một bà mẹ chung cho tất cả mọi người. Hầu như ngày nào cũng có người đến viếng, vào những ngày rầm thì đông hơn đến gấp trăm lần . Một năm có bốn ngày rầm lớn : Rầm tháng giêng, rầm tháng tư, rầm tháng bảy và rầm tháng mười. Vào những ngày nầy, không khí trong làng sống động hẳn lên, một niềm vui bàng bạc khắp nơi. Ở ngoài đường, nhất là bến đò lúc nào cũng có đông người, già, trẻ, gái trai mặt mày rạng rở, ai cũng mặc những bộ quần áo vừa may trong dịp tết. Chị Cà chèo đò hôm ấy cũng diện hơn ngày thường. Thay cái áo bà ba vải ú màu đen hàng ngày bằng chiếc áo tơ Bắc màu xanh lá mạ. Cái nón lá dầy cui có lót thêm một lớp lá chuối khô ở giữa đã bung vành cũng được nghỉ giải lao ít hôm. Thế chỗ nó là cái nón bài thơ có viền lớp vải xoa màu tím quanh vành với cái quai cũng bằng nhung tím. Chị chải tóc thật tươm tất, hai bên mép tai được vén cao kẹp lại bằng bốn cây kẹp xước chia đều mỗi bên hai cây. Mái tóc dài chấm eo được tóm gọn lại giữa lưng bằng cây kẹp ba lá. Đuôi tóc đen bóng với mùi dầu dừa phảng phất, ló ra ngoài cái nón lá cứ đong đưa theo từng nhịp chèo của chị. Hai hàm răng cũng được chị chùi trắng bóng bằng vỏ cau chấm than Đước cà nhuyễn. Hai trái tai có hai chiếc bông tòn ten với hai hột bẹt. Hột phía trên nhỏ gắn sát vào lỗ tai, phía dưới lớn hơn nằm trong cái lồng bằng vàng mười tám, làm gương mặt của chị sáng hẳn lên. Những cô gái trong xóm đều ăn mặc đẹp, chải đầu, kẹp tóc và đeo bông na ná giống chị. Mấy chàng trai cũng diện sơ mi tay ngắn, quần tây hẳn hoi chớ không ăn mặc tuềnh toàng như ngày thường, bởi đây là dịp để họ gặp gở, thăm dò nhau một cách kín đáo. Mấy ngày nầy chị Cà mệt lử, chèo không ngớt tay vì khách đi đò lúc nào cũng đứng chờ đầy bến. Anh Ba Đực thấy vậy bèn đem xuồng qua chở giúp. Đến trưa thì chị Cà Em, em của chị Cà ra thay cho chỉ còn anh Hai Hỉ thay cho anh Ba Đực. Đến tối thì lại có thêm hai người khác nữa ra chèo thế. Thường thì quá chạng vạng đò không đưa nữa, nhưng vào những ngày rầm lớn có quí thầy thuyết pháp bà con nán lại chùa để nghe. Họ lác đác ra về nên đò phải đưa lai rai đến tận nửa đêm. Cái nghề chèo đò có thể nói là cực nhất vì giờ giấc co giản, luôn bị kêu ca hối thúc. Có khi ngồi chờ cả buổi chẳng thấy ai, vừa chèo đến nửa sông để rước khách đang kêu inh ỏi bên bờ bên kia, thì nghe tiếng gọi giật ngược của một vị vừa mới tới. Thế là phải quay mũi đò, chèo ngược lại để rước. Có những người khách nóng tính vừa chờ một chút là kêu réo om sòm, đò rước chậm thì cự nự õm tỏi. Lắm khi vừa bưng chén cơm lên tay chưa và được miếng nào, lại phải lật đật bỏ xuống vì khách cần đi gấp để bắt kịp xe. Nhà Mít Ướt ở sát bến đò. Có những đêm khuya lơ, khuya lắc cả xóm đều chìm trong giấc ngủ, kể cả mặt trăng cũng không còn thức. Bỗng nghe tiếng kêu đò lồng lộng. Tiếng kêu đò trong đêm khuya nghe rờn rợn làm sao! Nó mang mùi vị của chết chóc, của điềm dữ, của bất trắc làm người nghe cứ cồn cào trong ruột. Sáng ra mọi người tìm đến chị Cà để hỏi thăm, thường đó là những trường hợp bệnh nặng hoặc tai nạn phải đi rước thầy khẩn cấp. Khi ông ngoại Mít Ướt còn sống vào những ngày rầm ông thường bao đò trọn hai ngày, mười bốn và mười lăm âm lịch để chở bà con đi chùa miễn phí, vì cả hai ngôi chùa : Ngói và Lá đều nằm bên kia sông. Chùa Ngói lâu đời hơn chùa Lá. Gọi chùa Ngói vì mái chùa được lợp bằng ngói. Chùa rộng và lớn gấp đôi, gấp ba chùa Lá, lại nằm ở giữa một khu vườn sầm uất trồng rất nhiều cây ăn trái, nên trông đầy vẽ thâm u, cổ kính. Vị sư trụ trì đã già lắm ! Ông có rất nhiều đệ tử đang tu ở các ngôi chùa trong nước, chỉ giữ lại bên mình có hai vị sư trẻ, mà bà con hay gọi là "thầy Lớn" và "thầy Nhỏ ". Mỗi năm đến ngày rầm tháng bảy, các vị đệ tử cùng trở về chùa thăm thầy. Nhiều vị trên đầu có những dấu phỏng hình tròn như đầu đũa, do đốt "lều" để lại. Người ba chấm, người sáu chấm, người chín chấm. Vị cao niên nhất còn có đến mười hai chấm. Vào hai đêm mười bốn, mười lăm các vị nầy đăng đàn thuyết pháp cho bà con. Ai có thắc mắc về đạo cứ hỏi thoải mái các thầy sẽ trả lời rốt ráo cho đến khi bà con thông suốt. Những buổi giảng ấy thường kéo dài đến hơn nửa đêm mới dứt. Dịp nầy chùa được trang hoàng và làm mới lại. Những lớp rêu trên mái ngói được cạo xuống. Cổng được sơn màu đỏ chói, cờ ngũ sắc được giăng dọc lối đi. Mấy cây cột tròn rất to được phết dầu bóng lưỡng, bệ thờ cũng được đánh Vẹc Ni lại. Chánh điện thật lộng lẫy với những pho tượng được phết thêm lớp nhủ. Tất cả như vừa tắm gội và mặc áo mới nên trông hết sức uy nghi, sinh động. Khu vườn cũng được dọn sạch cỏ, lá vàng được gom lại đốt, thậm chí cả cây, hoa và lá hầu như cũng tươi hơn, đẹp hơn và xanh hơn. Nhà bếp ngày thường rộng rinh, hôm nay như nhỏ lại bởi chất đầy phẩm vật và tấp nập người nấu nướng. Mấy miệng lò với những cái nồi rất to đang bốc hơi thơm phức, được nấu liên tục. Chủ yếu là để đải khách thập phương vì các tăng, ni chỉ thọ thực mỗi ngày một bữa vào đúng ngọ. Mít Ướt, con Thẹn, Sáu Ngón và con Ý rủ nhau đi chung. Đứa nào cũng mặc đồ mới, mặt mũi tóc tai gọn gàng sạch sẽ. Bà Sáu, bà dì của Sáu Ngón hổm rày ở luôn trong chùa để lo việc bếp núc. Bà nấu ăn rất khéo nên những dịp lễ lạc rất được trọng dụng. Sáu Ngón dựa hơi nên hôm nay cũng được nhóm bạn nể mặt, tụi nó kéo nhau vào bếp tìm bà. Bà đang ngồi tét bánh vào những chiếc dĩa to. Mấy đòn bánh tét nầy được nhuộm nhiều lớp màu, màu tím từ lá Cẩm, màu xanh từ lá Dứa, màu đỏ cam của trái Gấc và màu vàng của Nghệ. Bà cho mỗi đứa một khoanh đầu đòn bánh, mấy khoanh nầy không đẹp nên không được chưng trong dĩa. Ăn xong tụi nó còn được bà cho thêm mấy miếng bánh bò nướng, bánh da lợn, bánh khoai mì ...cái nào cũng hết sức là ngon. Trước rầm mấy ngày, bà con đã mang thực phẩm đến cúng dường. Trong chùa có rất nhiều người lớn tuổi đến làm công quả, gương mặt người nào cũng hết sức rạng rỡ. Hầu như ai cũng ao ước khi về già được khỏe mạnh, được làm việc cho nhà chùa để tích phước lại cho con cháu. Câu " ráng để đức lại cho con cháu" là điều mà những ông già bà cả hay khuyên nhủ với nhau, thường được lập đi lập lại trong các câu nói nhiều nhất, cũng như câu "làm lành lánh dữ", "một câu nhịn chín câu lành" và " có đức không sức mà ăn" vậy ! Cả làng hầu như đều tập trung ở chùa vào ngày rầm tháng bảy. Đây là ngày lễ "Vu Lan" còn gọi là "Báo Hiếu", là dịp để con cái cầu an , cầu siêu cho cha mẹ. Ở nông thôn chữ Hiếu được đặt lên hàng đầu, ca dao có câu : Mỗi đêm, mỗi thắp đèn trời Cầu cho cha mẹ sống đời với con Thế nên nhà nhà đều chong một ngọn đèn trứng vịt suốt đêm trước bàn thông thiên để cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Những người con có hiếu được xem như đạt tiêu chuẩn làm dâu, làm rễ, khỏi có lo ế vợ, ế chồng. Người lớn đến chùa để nghe giảng về giáo lý, để trình bày nguyện vọng và xin ơn trên gia hộ. Trai, gái đến chùa ngoài việc lễ Phật còn có mục đích gieo duyên với nhau. Đám loi choi thì đến chùa để được ăn chè, xôi, bánh, trái thả dàn [điều nầy phổ biến đến nỗi cái chữ "chùa" đi theo sau một động từ, thường mang ý nghĩa là một hành động miễn phí. Thí dụ như "ăn chùa" là ăn khỏi trả tiền, "làm chùa " là làm không tính công...].
|