Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 12:34
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 126 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 8, 9, 10, 11, 12, 13  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 44061 | Trả lời: 125)
Tiêu đề bài viết: LÀNG QUÊ (RE: MỘT LẦN CHUYỀN LẠI) - Dạ Lý
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 5 2014, 22:59
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938
Tỷ Lamduyen thương, mấy tuần nay DL dồn cục Một Lần Chuyền Lại, đọc cho nó phê. Lối tả cảnh, tả tình, kể chuyện của Tỷ về Làng Quê của mình thật là hay. Sự tưởng tượng của Tỷ quá phong phú, đầy sắc màu vui tươi trong sáng, đậm nét tình làng nghĩa xóm, ... lối viết của Tỷ rất giống cách hành văn của Mark Twain trong Huckleberry Finn (nhà văn Mỹ) và của bà L.M. MONTGOMERY qua tác phẩm Anne of Green Gables (nhà văn Canada)

Cảm ơn Lamduyen đã cho DL sống lại thời tuổi thơ và những kỷ niệm của quê mình. Ừ, mà Tỷ tả mấy món ăn cũng làm DL " phát điên " vì nhớ, hihi. Tỷ nhắc lại chuyện mài hột trái thị, mèn ơi - DL tưởng có mình ên mình làm việc này chớ. Hồi đó chắc khoảng 5 tuổi, DL chui xuống sàn nhà mài hột trái thị. Nhớ lúc đó đang là mùa nước đổ nên mé nước lúp xúp sàn xi măng dưới sàn nhà, DL lấy hột thị nhúng nước sông rồi mài mài cho nó mòn đi màu nâu của hột thị. Mài hột trái thị không phải là chuyện dễ, vì khó đều nên hột nó bị đốm đốm nâu, phải mài cho nó trắng đều. DL nhớ là đang ngồi mài thì anh thứ Ba của DL đi xuống sàn nhà, anh đi đôi dép, nhìn mấy móng chân của anh trắng sạch, không phải như mấy móng chân của mình do đóng phèn nên màu vàng, DL hỏi anh làm sao móng chân của anh trắng sạch như thế? anh trả lời - anh lấy bàn chải với xà bông chà vô bàn chân nên móng mới sạch. Thế là từ đó DL biết cách giử bàn chân sạch tới lớn luôn, hihi. Hy vọng DL nhắc lại những kỷ niệm này làm cho Tỷ cũng vui lây, có thêm sức mà ham viết tiếp.

À, DL đọc cái đoạn vừa bắn cu ly vừa đọc quảng cáo xe Suzuki. - DL cười quá chừng luôn, nhất là cốp cốp cốp.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 5 2014, 23:04
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Tụi nó thi lặn coi đứa nào ngồi lâu dưới nước. Cái trò nầy hay bị ăn gian. Có đứa ngoi lên mà thấy chưa có ai là lật đật hụp xuống liền, bởi vậy phải cử một đứa làm trọng tài. Mít Ướt thường đóng vai nầy, nó không muốn thi bởi chắc chắn sẽ thua vì hơi ngắn ngủn. Đang chuyên tâm vào nhiệm vụ bỗng nó thấy mợ Chín Nêm, má Sáu Ngón cầm cây roi đi xâm xâm xuống bến, mở hỏi nó :
-Có con Nếm ở đây hông con ?
Nó bối rối quá chưa biết trả lời làm sao thì Sáu Ngón đã trồi lên, vừa thấy mợ Chín là nó hụp xuống liền, mợ Chín quát:
-Mầy mà hổng lên liền là tao xuống đè đầu cho mầy uống nước cành hông đó !
Con Ý vừa ngoi đầu lên bị mợ nạt :
-Má mầy kiu om sòm trên nhà kìa, coi chừng bị đòn đó !
Con Ý lội lên bờ liền, con Thẹn vừa ngóc cái đầu- nó là đứa nín thở lâu nhất nên lần nào thi cũng thắng- thấy mợ Chín cầm roi chờ sẵn nó hết hồn. Mợ Chín chờ hoài hổng thấy Sáu Ngón, thì ra nó đã lặn qua bến dì Sáu Tý rồi lồm cồm bò lên. Mợ xách roi chạy cái vù qua đó. Con Sáu Ngón liền bị má nó nắm cái lỗ tai lôi xềnh xệch, đét vô mông mấy roi nên vừa đi vừa khóc hu hu.
Còn lại hai đứa, con Thẹn hết hứng. Nó đòi thôi tắm, Mít Ướt năn nỉ:
-Tao với mầy chơi thả tàu đi Thẹn.
"Thả tàu" là nằm ngửa để người trôi theo dòng nước, đây là cái kiểu nó thích nhất. Nó với con Thẹn nằm im nhìn bầu trời rất xanh ở trên cao. Mấy đám mây trắng bóc trôi thật chậm làm nó tưởng tượng bầu trời cũng là một con sông và những đám mây kia cũng đang tắm và "thả tàu" y như nó vậy.
Tụi nó nằm im ru để mặc dòng nước cuốn đi. Một cảm giác bình yên tràn ngập khắp người làm hai đứa cũng thôi không nói chuyện. Nó đắm mình tận hưởng cho đến khi đầu va vô cây cầu của cái bến kế bên, cùng lúc đó tiếng má con Thẹn bỗng vang lên lồng lộng :
-Thẹn ơi ! Bớ Thẹn .
Con Thẹn lật đật chạy về nhà, không kịp nói với nó một tiếng. Nó còn đắm đuối với cảm giác bồng bềnh nên chưa muốn lên bờ vội. Nó thấy mình như tan loảng, như hòa nhập làm một với dòng sông, thân xác trở nên nhỏ bé còn tâm hồn như dàn trãi mênh mông và bao trùm tất cả. Lúc nầy chỉ có nó, bầu trời, con sông hiện hữu mà thôi. Có một cái gì như nỗi nghẹn ngào dâng lên từ từ làm mắt nó đầy ắp nước như đang khóc...
Cho đến khi nghe tiếng má kêu nó mới chịu lên nhà rồi khóc thật vì bị má đánh ba roi, bởi cái tội tắm lâu tới mình mẩy" đóng rong, đóng rêu ".
Ôi ! con sông quê đã cho nó biết bao nhiêu niềm vui cùng những trận đòn chịu thuế. Thuở ấy nó bị đòn, bị bịnh nhiều nhất vì tắm sông. Những trận đòn năm xưa từng làm nó tủi thân, mắc cỡ vì bị bạn bè trêu chọc, vậy mà bây giờ nó vẫn cảm thấy như còn thiếu thốn nên thèm quá một lần trở lại!
Gía mà nó có thể đổi những thứ mình đang có để có được những giây phút êm đềm với con sông, với ngôi nhà lá nhỏ, với những đứa bạn hay làm cho nó bị đòn và cũng thường bị đòn vì nó.
Và nhất là với má, người ban cho nó hầu hết cái gia tài kỹ niệm mà nó đang có. Bằng những bữa cơm mà mùi vị như vẫn còn trong miệng, ngon đến nổi nhớ lại vẫn còn ứa nước miếng. Bằng những lời rầy dạy hay chen vào mấy câu ca dao có vần, có điệu. Bằng những chén thuốc bắc do chính tay má quạt than, canh lửa, gạn sao cho đúng " ba chén còn lại tám phân ". Bằng những món cháo ăn lúc bịnh cứ luân phiên thay đổi để nó không ngán, khi thì cháo cá, cháo thịt bầm, cháo trắng cá kho tiêu... và lời má vỗ về :"Ráng ăn đi con, chừng hết bịnh rồi, thèm gì má cho ăn nấy ".
Kỷ niệm xưa như những trái dừa Xiêm đong đưa trên cao, ngọt ngào, tươi mát, quá xa tầm tay với. Nó bỗng ngước mắt nhìn lên, trời đang mùa hạ và lòng thì khao khát quá !


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 30 Tháng 5 2014, 21:27 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 5 2014, 10:31
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Dạ Lý thương ! Xem ra hai thằng mình có nhiều thứ trùng hợp lắm đó, hồi xưa và bây giờ tóc của tỷ ít khi gọn gàng thẳng thớm như người ta lắm . Cái chữ " cốp, cốp, cốp " đó tỷ vừa gỏ vừa cười.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 5 2014, 00:23
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Ngoài những chiếc cầu hai bờ sông còn được trang điểm bằng các dụng cụ bắt cá như: chất Chà, đặt Bò, Vó, Đăng, Dớn ...nhiều nhất là chất chà.
Tháng giêng, tháng hai vỡ Chà cá nhiều hơn mấy tháng khác. Mỗi lần vỡ Chà mấy người đàn ông trong xóm, đã được thông báo trước, đều tập trung đông đủ dưới bến. Họ mang theo một chiếc xuồng chở một cái lưới rất to, dưới chân lưới có cột những cục gạch để giữ nó bám chặt đáy sông.
Đầu tiên, họ đứng trên xuồng thả tấm lưới xuống để quây kín ba mặt của đống Chà, chừa một phía cặp sát bờ làm cửa. Kế đó mấy nhánh chà bị vứt hết lên bờ. Một nhóm người lặn xuống nước kéo chân lưới sát về phía bờ, cho đến khi tấm lưới trùm sát đáy sông thì cầm mép lưới để thu nhỏ miệng lưới lại và gom cá về chính giữa. Một cảnh tượng ngoạn mục hiện ra, mấy con cá từ từ phơi mình trên mặt nước. Chúng quẩy đuôi, cong người nhảy vọt lên để tìm cách thoát thân. Một vài con may mắn phóng ra khỏi miệng lưới, thế là mấy người xung quanh vừa tiếc rẻ vừa trầm trồ nói:
-Cái con cá đó, chắc nó phải mời gánh hát bội về diễn để ăn mừng.
Cậu Sáu của Mít Ướt cũng có chất một đống Chà ở dưới bến. Quanh đống chà thường có một vài người rải cám cho cá bu lại, cầm cần câu để "giựt" cá Lòng Tong. Họ làm lưỡi câu bằng dây thắng xe, chỉ mài cái mũi cho nhọn và không có ngạnh [để cá bung ra dễ dàng khỏi mắc công gở]. Họ gắn một hột cườm vào đó, mấy con cá vừa đớp vào là bị giựt lên thật nhanh và mạnh. Chúng hết hồn há miệng định kêu là bị văng ra rồi nằm giãy đành đạch trên bờ. Cánh tay của người câu cá cứ vung lên quất xuống đều đặn như vậy làm cái đứa đi theo, lượm cá bỏ vô rỗ không kịp !
Đẹp nhất là cảnh chài lưới lúc bình minh: Sáng sớm trời còn mờ sương đã thấy mấy chiếc xuồng bơi xung quanh đống chà vãi chài bắt cá. Những chiếc xuồng chài ấy với một người đàn ông đứng ngay trước mũi. Cổ tay trái cột sợi dây để giữ cái chài, tay bên kia nắm gọn mép chài đã được gấp lại thành từng nếp. Sao cho khi xoay người vung tay, cái chài sẽ bung tròn, rộng tối đa y như một chiếc dù được thả từ trên trời cao xuống vậy! Họ để cho cái chài chìm dần xuống nước khoảng vài phút sau mới từ từ kéo lên, mấy con cá dần xuất hiện. Chúng nhô đầu ra mắt lưới, mắt chớp lia lịa y như những đứa trẻ nghịch ngợm thò đầu ra ngoài cửa xe vẫy tay chào khách qua đường. Mỗi lần có một con vùng ra được là Mít Ướt thấy lòng vui mừng hết sức !
Mặt nước luôn xao động làm ông mặt trời rơi xuống sông bị bể nát. Vô số mãnh vỡ của chiếc dĩa vàng ấy bắn tung tóe khắp mặt sông. Người thợ chài vội vả vung chài thật nhanh cố gom lại và vớt chúng lên, vô ích thôi ! Hành động của họ làm chúng càng vỡ nát và khi họ kéo chài lên, những mảnh vụn ấy lọt qua mắt lưới rồi từ từ rơi trở lại dòng sông...
Quê Mít Ướt cá nhiều lắm, đến nổi khi tắm bị cá rỉa chân là sự thường. Mỗi lần đem cá đã làm xuống sông rửa, bầy Lòng Tong hay bu lại để ăn móng. Má hay mang thêm một cái rỗ để hớt chúng, lắm khi cũng đủ một món nữa.
Mùa nước trong tắm sông rất dễ bị cá Nóc cắn. Hồi ông ngoại còn nhỏ, một lần tắm sông đã bị nó cắn đứt nửa ngón chân út. Ông hay chỉ vào cái ngón chân đó để dặn dò con cháu phải cẩn thận. Ông còn làm một cái nhà tắm sau nhà, khuyến khích mấy đứa cháu vô đó tắm mà đâu có đứa nào chịu. Cực chẳng đả khi nào bịnh không lết xuống sông nỗi mới xài đến.
Những lần nó bị cảm dai dẳng má thường nấu một nồi xông gồm lá xả, bưởi, ngũ trảo...bưng vô nhà tắm rồi cõng nó vô đó. Má đặt nó ngồi lên cái ghế thấp, trùm cái mền với cái nồi nước xông trước mặt. Nắp nồi được mở hé từ từ, hơi nóng thoát chậm để nó quen dần. Má đứng bên ngoài vén mền thò tay đưa cho nó chiếc đũa bếp biểu:
-Con mở vung ra rồi khuấy chiếc đũa cho thuốc bốc hơi, ngấm vô lỗ chân lông đặng đẩy chất độc ra ngoài.
Nó làm theo lời má, một mùi thơm ngào ngạt xông vào mũi rồi dâng lên trán. Mồ hôi tràn khắp mặt, chảy xuống mắt cay sè. Nó không chịu nổi tung cái mền ra, hơi mát bên ngoài cùng cảm giác nhẹ nhỏm như được phóng thích làm nó thấy sức lực hầu như đã phục hồi đầy đủ. Mấy con vi trùng bị càn quét vẫn cố bám vào da. Phải chờ đến khi má tiếp tay, pha nước lạnh vô nồi xông cho bớt nóng rồi xối lên người, kỳ cọ cho đến khi da nó đỏ bừng lên, chúng mới bị cuốn theo lớp hờm.
Khi bịnh đã bỏ đi nó cũng không được xuống sông tắm liền vì sợ bị trúng nước trở lại. Phải tắm trên nhà bằng nước nóng và cách một ngày mới tắm một lần. Ngày không tắm nó được má lau mình bằng cách nhúng cái khăn sạch vô thau nước nóng, vắt khô, lau khắp người rồi lấy cái khăn sạch khác, nhúng vô nước nóng lau thêm một lần nữa. Má làm hết sức tỉ mỉ, không bỏ sót trên người nó một mi li mét nào chưa được lau qua.
Những ngày bịnh tuy không được đi ra ngoài, má lại cho nó mặc toàn đồ đẹp, được uống sữa, ăn bánh tây lạt, cà na, xí muội những món mà ngày thường ít được rớ tới. Tụi con Thẹn con Tíu thập thò ngoài vách đút cái ngón tay út qua kẻ vách cho nó cầm rồi nói thầm thì :
-Mầy hết bịnh lẹ lẹ đặng đi chơi với tụi tao nghe.
Con Thẹn thông báo:
-Cái trứng Thằn Lằn tụi mình lượm đó, nó nở ra con Thằn Lằn nhỏ xíu đỏ lòm rồi !
Nó háo hức :
-Mầy đem cho tao dòm một cái đi, coi nó ra làm sao !
-Má mầy hổng cho đâu, má mầy biểu tao đừng có rủ mầy đi chơi nữa, mầy dễ bị bịnh lắm !
-Mầy đưa qua kẹt vách nầy nè, đừng để má tao thấy !
Con Thẹn chạy vù về nhà mang cái hộp quẹt diêm đến nhét qua kẻ vách. Nó mở ra thấy một con thằn lằn mới nở với làn da trong suốt ửng đỏ bởi những đường gân máu, cái đầu nhọn bằng cái hột dưa hấu và hai con mắt đen rất to chiếm gần hết mặt.
Hồi nhỏ nó hay té xĩu làm cả nhà hết hồn, đi coi thầy, họ nói nó con của người cỏi trên sớm muộn gì cũng bị bắt về. Má nó nghe vậy sợ quá, đem nó qua ký bán cho Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, nhờ vậy mà nó mới còn sống [đó là lời của má]. Trong xóm hầu như đứa nào cũng được ký bán cho Bà như nó. Hễ có đứa nhỏ nào chết yểu thì bà con hay nói " bị bà Cố bắt". Cái danh từ " Bà Cố, Bà Hồng" là để chỉ không phải một người mà cả một thế lực siêu hình hết sức mạnh, hết sức bí ẩn rình chụp mấy đứa con nít hổn hào, ăn vụng, nói láo, ăn cơm bỏ mứa, hay kêu trời...tóm lại những đứa đầy thói hư tật xấu. Cho nên tụi nó sợ lắm, cố đẩy những thứ ấy ra càng xa càng tốt .


Sửa lần cuối bởi lamduyen vào ngày 30 Tháng 5 2014, 22:29 với 3 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 5 2014, 09:58
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448
Đọc thấy vụ mắc xương NGV tui muốn viết vài dòng mà lu bu tới hôm nay mới viết được.

Tui nhớ hồi nẵm bà con mình hay nói nếu bị mắc xương thì nhờ người nào đẻ ngược quàu cần cổ thì hết. Cho nên hồi đó thình thoảng NGV tui có công việc "quàu cổ" người ta kiếm tiền. Trong xóm Nguyễn Công Nhàn có Cô Hai tiệm vàng Kim Lợi. Lâu lâu cô hay gọi tui tới quàu cổ cho cô vì bị mắc xương. Sau đó cô cho tui một đồng. Hồi thời đó một gói xôi đậu chỉ có 5 cắc thôi.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 5 2014, 22:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Nghe kể mà Y tui ganh tỵ quá đi nè !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 5 2014, 01:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Đến mùa mưa tắm sông bị tụt xuống hàng thứ nhì, tắm mưa thứ nhất. Tụi nó hễ cứ có mưa là rủ nhau ra tắm, bất kể giờ giấc, chỉ trừ những cơn mưa đêm. Mưa càng lớn tắm càng thích.
Mùa nầy xoài đang có trái, chúng xúm nhau đứng dưới mấy góc xoài. Cả bọn ngước mắt nhìn hoài những trái còn non, xanh lè đu đưa trong gió. Cứ mỗi lần nghe một tiếng " bịt" là tranh nhau chạy tới giựt, có khi té dồn một cục rất vui ! Có một lần Mít Ướt đang đứng chờ xoài rụng, bỗng bị một trái to bằng cườm tay rớt trúng đầu. Thế là mấy đứa đứng gần đó nhào tới, hất nó té chổng gọng rồi ngã đè lên làm ê ẩm cả người. Đã vậy nó còn không kịp chụp trái xoài. Thằng Đức "cạp" bắt trúng rồi ăn liền tại chỗ, nhai rau ráu làm nó tức ơi là tức !
Đám mưa đầu mùa năm nay lớn quá! Con Thẹn từ trong nhà gọi to:
-Ướt ơi! Tắm mưa hông ?
Nó lật đật đáp:
-Tắm!
Nó vừa trả lời con Thẹn vừa quay sang nhìn má bằng tia mắt van nài, vừa nói:
-Má cho con đi tắm nghe má !
Thấy bộ tịch nôn nao của nó má đành gật đầu không quên kèm thêm một câu:
-Tắm lẹ à nghe!
Cái tiếng " dạ" liền bị bỏ rớt lại phía sau, cả người của nó đã lao vút ra đuổi theo con Thẹn.
Nước từ các nơi cao đổ dồn vào chỗ trũng làm con mương đầy ấp, tạo thành một giòng chảy mạnh như suối.
Dọc theo mương một đám con nít bò toài trong đó, vài đứa nằm ngữa để nước đẩy đi, gần một chục đứa con trai chơi đánh trận. Chúng vừa moi bùn ném vào nhau, quay lưng khum hai bàn tay lại khoát nước ra phía sau túi bụi. Có đứa vừa cầm mủng vùa để tạt thẳng nước vào mặt nhau, vừa rượt đuổi chạy té lên té xuống. Mặt mày đứa nào cũng tèm lem còn tay chưn thì đầy vết xây xát. Mấy đứa con gái vừa tắm vừa canh lượm xoài, lượm mận. Chúng giành nhau, cãi chí chóe. Con Ý còn chơi rắn mắt, ném cục đất làm cả bọn tưởng xoài rụng đua nhau tìm hoài không thấy, chừng nghe nó cười ngặt ngẻo mới biết bị lừa.
Nhưng vui nhất là lúc sắp hàng đứng chờ dưới máng xối. Phải lựa máng xối của những căn nhà lợp tôn, lợp ngói hoặc vừa thay lá thì nước mới sạch. Xóm Mít Ướt chỉ có hai căn nhà ngói, một của ông ngoại nó và một của dì Sáu Tý. Mấy chục đứa chen nhau chờ đến phiên đưa đầu vô gội. Mít Ướt tức lắm vì cho dù là máng xối nhà nó cũng không được ưu tiên.
Con Thẹn với nó vừa đợi, vừa kỳ lưng vằn công cho nhau. Lưng đứa nào cũng đóng cả lớp đất bởi chúng vùi mình trong mương lúc nãy.
Tắm xong nó chạy lẹ về nhà. Má đã chờ sẵn, cầm cái khăn lông chà xát cái đầu nó cho thật khô, lượm những mảnh lá mục còn bám trên tóc rồi mới lau tới cái mình.
Nó nghe bụng đói cồn cào nên mặc đồ nhanh như chớp. Chụp cái lược lia nhanh ba, bốn nhát rồi tót ra sau bếp. Nhón chân lấy nồi cơm và trách cá kho đang treo trên gióng xuống. Chỉ còn một miếng cơm cháy dưới đáy nồi và một khứa cá lóc kho tương với chút nước còn sót lại. Vét miếng cơm cho qua cái ơ cá rồi bưng nguyên cái ơ ra ngạch cửa phía sau ngồi ăn. Nó bỗng nhớ lại năm ngoái, cũng tắm mưa xong và ngồi ăn cơm đúng cái chỗ nầy. Hai Ốm bên kia hỏi vọng qua:
-Mầy ăn cơm với gì vậy Ướt ?
Hai Ốm cũng đang bưng cái tô ngồi ở ngạch cửa trước, nó vừa nhai vừa đáp:
-Cá kho, còn mầy ?
-Đường thẻ .
- Ngon hông ?
-Ngon lắm, còn mầy ?
-Ngon quá trời, quá đất luôn!
Nó nhìn cái ngạch cửa trống hoác trước mặt, tự hỏi không biết Hai Ốm có tắm đám mưa nầy không? Có đang ăn cơm như nó không? Phải chi có Hai Ốm ở đây cùng tắm thì vui biết mấy, miếng cơm nó đang ăn trong miệng chắc cũng ngon hơn gấp mấy lần...
Hôm sau con Thẹn lại rủ nó đi bắt cua, bắt ốc. Mỗi đứa xách theo một cái rộng nhỏ bằng tre, đi chân đất, xăn ống quần lên tới bắp vế, mặc áo cũ và đội cái nón lá te tua. Chúng rủ thêm con Ý và Sáu Ngón, tụi nó không bao giờ khoái đi một mình ra đồng. Thường thì hai, ba đứa đi chung cho vui.
Mùa nắng bọn cua, ốc, thường chui sâu xuống đất, qua vài trận mưa đất mềm chúng mới ngoi lên. Nếu mưa lớn ruộng, rẫy bị ngập, ốc bám vào thân cây mía, thân lúa hoặc nổi lềnh bềnh trên mặt nước bắt rất dễ. Mưa nhỏ đất bùn sền sệt phải chịu khó nhìn kỹ tìm hang, thọc tay vô moi nên cực hơn. Có một lần Mít Ướt cũng bắt chước thọc tay vô hang. Nó đâu phân biệt được hang cua, hang ốc cho nên bị cua kẹp đến chảy máu.
Đó là còn may, nghe nói có đứa còn moi đúng hang rắn, bị rắn cắn sùi bọt mép chết liền. Từ khi bị cua kẹp và nghe chuyện rắn cắn chết nó không dám thọc tay vô hang nữa.
Đi bắt cua, ốc cực lắm. Đất gặp nước trở thành sình lầy trơn chùi, mười ngón chân bấm chặt mấy cục đất cày mà cứ trợt lên trợt xuống. Có chỗ bùn sâu tới đầu gối rút lên rất khó, về tới nhà cả người nó đều nghe ê ẩm. Vậy mà hễ được rủ là đi liền. Bởi nó mê không gian bao la của cánh đồng, mê bạn, mê nghe chuyện. À mà không hiểu tại làm sao, ra đồng là chúng cứ kể chuyện ma, làm đứa nào cũng hồi họp, đi gần sát bên nhau vẫn còn sợ.
Con Thẹn là cái đứa rất mát tay trong cái việc câu cá, mò cua, bắt ốc. Lúc nào cái rộng của nó cũng nặng nhất. Mít Ướt thì khỏi phải nói, nó dở nhất nhóm lại đi chậm nữa nên cứ bị bỏ lại sau lưng, lượm mót mấy con ốc bị tụi kia bỏ sót. Có lúc cái rộng của nó trống rổng tụi kia phải sớt mỗi đứa vài con cho nó.
Nó thích bắt ốc hơn cua. Dù rất khoái ăn càng cua luộc, nhưng vừa thò tay ra là con cua đưa hai cái càng lên nghinh chiến liền nên lâu lâu mới dám chộp một con. Hết sức cẩn thận mà cứ bị cua kẹp miết. Nhưng bù lại, cảm giác khi đạp trúng cái gì trơn trơn và moi lên là một con ốc bu thật lớn mới sung sướng làm sao!
Mấy con ốc ấy đem về rửa sạch, cho vô nồi phủ lá me, lá ổi lên trên rồi đổ nước săm sắp để luộc. Ốc rất mau chín chỉ cần sôi vài dạo là cái mày rớt ra, nhắc xuống liền vì để chín lâu thịt sẽ dai. Ra vườn bẻ gai cam, gai bưởi vào để lể. Ốc mùa mưa mập lắm ruột trắng phau, chấm ngập vô chén nước mắm me, nhai dòn sừng sực, ngon nhức nhối. Nhất là những con ốc do chính tay mình bắt thì ăn càng ngon hơn nhiều. Bởi vậy mặc dù má không cho đi, nó cứ đeo theo năn nỉ ỉ ôi cho bằng được, má nó hay nói :
-Con bắt nhiều lắm cũng được chừng hai vợ chồng con ốc chớ mấy. Có thèm để má mua về luộc cho mà ăn, đi làm chi cho cực còn tốn xà bông giặt đồ, có khi còn đổ bịnh nữa!
Lần nào nó cũng trả lời:
-Con thích ăn ốc của con bắt hà !
Ở nông thôn công việc cũng là thú vui, chơi đùa cũng là một cách tập tành làm việc. Má nó nghĩ vậy nên cho nó chơi đùa thỏa thích.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 31 Tháng 5 2014, 01:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Nó bắt ốc, cua dở nhưng cũng còn đở hơn "bắt hôi". "Bắt hôi" là mót cá từ những miệng đìa đã bắt cá lên rồi .
Qua tết, những khẩu đìa được lần lượt tát hết nước ra để bắt cá. "Đìa" là mấy cái ao hình chữ nhật được đào trong ruộng để khi nước lên cá chui vào đó ở. Mấy con cá bị mắc kẹt khi nước rút, sinh sôi nẩy nở đầy trong ấy. Vào thời trước, khi chưa có cái máy bơm hiệu COOLER, người ta phải dùng gàu để tát nước trong đìa ra. Công việc nầy rất tốn công có khi phải thức thâu đêm làm mới kịp.
Bà con trong xóm không tát đìa trùng ngày với nhau, vì cá nhiều lắm! Phải tập trung hết nhân lực làm cho xong trong một ngày để cá không bị ương. Trước khi tát đìa gia chủ thường báo cho chòm xóm biết để họ hoãn việc lại mà làm giúp.
Ngày tát đìa là ngày hội đối với bọn con nít. Chúng nôn nao chờ đợi nên trời vừa hừng sáng đã đứng đầy sân, đứa nào cũng cầm sẵn một nhánh tre bằng ngón tay cái đã được chặt từ hôm trước. Một vài đứa được nhờ quét sân, những đứa khác đi chặt lá chuối đem về lót để đổ cá lên đó.
Khi chiếc xe bò chở cá vừa về đến là cái bọn xây lố cố bu kín. Cá được trút ra bằng cách chổng ngược xe. Mấy người phụ nữ tay dao, tay thớt vội vã túa lại ngồi vòng quanh đống cá. Đám con nít cũng bu lại với nhánh tre được vạt nhọn. Người lớn bắt cho tụi nó mỗi đứa một con cá lóc cỡ cườm tay của chúng. Banh cái miệng cá ra, xiên cái đầu vạt nhọn của nhánh tre từ miệng cho tới thấu qua đuôi cá rồi ló ra ngoài một khúc, lấy rơm quấn xung quanh cá. Ghim cây tre sao cho cái đầu cá cách đất chừng một gang. Dúi bó lá dừa đang cháy xuống dưới, ngọn lửa bén vào rơm. Con cá bốc cháy phừng phừng, một mùi thơm bốc ra, rất đặc biệt bởi hổn hợp từ rơm, từ lớp vảy cá bị cháy đen quyện với mùi cá nướng. Lửa tắt, cá cũng vừa kịp chín. Lấy chiếc đũa cạo cho cái lớp vảy cháy đen thui bám bên ngoài rơi hết, lớp da vàng giòn lộ ra. Cầm đưa lên ngang mũi hít. Một mùi thơm tõa ra làm mồm ngập nước. Chúng cầm cái que, cắn xung quanh mình cá như cạp bắp, móc từ túi áo ra một hột muối bỏ vô miệng nhai chung cho nó thêm đậm đà mùi vị. Chúng vừa ăn vừa cười giỡn, vừa ghẹo mấy con chó đang đứng ngóc mỏ, le lưỡi, chờ đớp những phần còn lại được dành cho chúng.
Mấy người phụ nữ hết sức bận rộn, tay và miệng thoăn thoắt, vừa làm vừa cười nói. Họ lựa cá "Trắng " ra làm trước [cá trắng là những con cá có vảy, hoặc da trắng như cá linh, cá lăn, cá leo, cá mè dinh...]. Những con cá nầy ươn nhanh hơn cá trê, lóc, rô, trạch...là những con được gọi là "cá đen". Gia chủ lựa mấy con cá Lóc còn mạnh đem rộng để dành ăn từ từ và biếu bà con lối xóm.
Đàn ông hốt cá đã làm xong cho vô cằn xé rồi khiêng xuống sông để rửa. Họ lấy cây chổi làm bằng những nhánh tre nhỏ xíu bó lại mà sọt, đâm liên tục vào cái giỏ cá được đặt ngập trong nước để làm cho nó tróc vảy. Những con cá nầy, thường là cá Sặc, cá Linh được rửa thật là sạch. Đải thật lâu để không còn sót đến một cái vãy mới thôi. Chúng được lắc cho ráo nước, ướp muối rồi cho vào lu để làm mắm. Một thời gian sau khi cá đã ngắm muối, lúc nầy người ta mới tiến hành việc "chao mắm". Chao mắm là trộn vô những con cá đã ngấm muối ấy một lớp đường đã được thắng "có chỉ". Nghĩa là nấu cho đường chảy ra, kẹo lại cho đến khi ta cho hai chiếc đũa nhập lại nhún vào rồi tách rời ra, giữa hai chiếc đũa ấy có những sợi đường nhỏ như sợi chỉ. Cho gạo rang vàng xay nhuyễn gọi là "thính" vào, trộn thật đều rồi cho những con cá đã được "chao" đó vào từng cái gáo dừa, nhận xuống cho thật dẽ dặt, trên miệng ém lá chuối khô, gài lại bằng những thanh tre để chúng không bung ra. Ở cá Lóc người ta còn ướp thêm cơm rượu vào để lên men cho nó, loại mắm nầy được gọi là "mắm chao".
Những người đến phụ ai muốn bắt bao nhiêu cá đem về cũng được, thường bà con chỉ bắt đủ ăn trong ngày mà thôi !
Mấy con cá nóc không xài đến bị vất ra ngoài. Đám con trai dùng ngón chân cái chọt vô cái bụng chọc cho nó giận, phình cái bụng no tròn căng cứng như quả bóng để hù lại. Chừng đó chúng mới giẩm thật mạnh làm cái bụng vở ra kêu "bốp" một cái thật to rồi xúm nhau cười khoái trá!
Khi cá đã được xúc ra khỏi đìa rồi, chủ đìa ra dấu bằng cách khoát tay một cái. Mấy người đang chực sẵn với cái rộng đeo bên hông vội phóng ngay xuống.
Mít Ướt lần đầu đi bắt hôi, được má trang bị một cái quần ngắn có lòn dây thun dưới lai để cái ống túm chặt vô đùi. Nó đứng khom lưng lấy tay mò trong lớp bùn để tìm bắt cá. Mấy lần chạm vào một con nhưng khi nắm lại là cứ bị vuột. Mấy đứa bên cạnh thỉnh thoảng lại bỏ một con cá vô rộng, cái rộng của chúng nặng dần lên trong khi của nó vẫn nhẹ hều vì chẳng có một con nào. Mồ hôi ròng ròng trên mặt chảy vào mắt rủ nước mắt rơi theo. Nghĩ tới nỗi thất vọng của má khi nó mang cái rộng không về làm nó bật khóc. Tiếng khóc của nó làm một thằng bé đi bên cạnh chú ý, liếc nhìn qua thấy cái rộng của nó trống rổng bèn bỏ con cá Lóc khá to đang cầm trên tay vô rồi nói:
-Thôi đừng có khóc nữa để tao bắt giùm cho !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 6 2014, 08:42
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Nhờ có thằng bé đó hôm ấy má Mít Ướt mới có cá để làm cái món "cá lóc hấp lá bầu". Một trong những món nó ưa thích nhất.
Cái món nầy được kết hợp giữa cá và lá bầu: Một con cá lóc cỡ cườm tay được làm và rửa cho thật sạch. Lá bầu không già và cũng đừng non quá. Ngắt cái lá thứ ba, thứ tư tính từ đọt xuống là vừa. Ướp vào bụng cá một chút củ hành băm nhuyễn, muối, đường, bột ngọt, tiêu rồi lấy lá Bầu gói tròn lại. Không cần phải gói chặt tay. Cho vào cái tô hấp để nước không tràn vô. Khi cá chín sẽ bốc mùi thơm, rưới đều lên mình cá một muỗng giấm nuôi rồi nhắc xuống. Lá bầu ngấm nước cá rỉ ra nên gồm đủ mùi vị, ngọt, chua, thơm, bùi...ăn kèm với bộ ruột cá có cái bao tử giòn giòn, béo béo chấm nước mắm chanh, tỏi, ớt cay cay phải nói là ngon thiếu điều "bể mỏ".
Cái món ngon và sự may mắn ấy đã bắt nó trả bằng một cái giá rất đắc. Chẳng là mấy đứa trong xóm đi bắt hôi chung với nó hôm ấy, đã thấy thằng bé kia bắt giùm cá nên xúm nhau ghẹo. Chúng chỉ cái cầu vồng trên trời rồi kêu nó:
-Móng Chuồng kìa Mít Ướt !
Nó nhìn lên. Cả bọn liền xúm nhau cười rồi chộ :
-Muốn chồng, con Mít Ướt muốn chồng!
Con gái ở quê bị mang tiếng "muốn chồng" là nhục lắm nên nó giận đỏ mặt cự liền:
-Tao muốn chồng hồi nào, tụi bây đừng có nói láo, nói xược !
-Hổng muốn chồng sao hôm bữa bắt hôi mầy đeo xà nẹo thằng Tỏ "đèo" ở dưới mương lấp? Nó còn bắt cá giùm mầy nữa nè, đừng có chối, tụi tao thấy hết trơn, hết trọi rồi ! Con Ý vừa nói vừa lấy ngón tay trỏ quyẹt vào gò má để lêu lêu nó.
Mít Ướt tức quá nổi gân cổ lên cãi:
-Tại nó thấy tao khóc nó mới bắt cá giùm, chớ tao đâu có biểu, đâu có đeo xà nẹo nó hồi nào. Tao mà có muốn nó cho bà bẻ lọi cổ còn tụi bây nói oan cho tao là bị bà bắn đó!
Thấy Mít Ướt phản ứng quá quyết liệt tụi bạn không chọc nữa. Từ đó nó bị "cấp đôi" với thằng bé kia, làm nó đâm ra ghét thằng nhỏ đó quá mạng. Thằng bé ấy đâu có biết ất giáp gì. Một hôm tụi nó đi mót khoai lại gặp nhau. Thằng bé đó thấy nó moi được có mấy củ đèo ngắt, bèn cầm cho nó một củ khoai lang Dương Ngọc rất to vừa đào được. Nó ném trả lại liền còn nguýt một cái rồi nói bằng cái giọng xẳng lè:
-Hổng cần !
Làm y ta ngớ người nhìn nó chưng hửng.
Kể từ hôm đó nó rất ngại đi xuống xóm dưới. Trước đây mỗi lần đi bổ thuốc ở tiệm cậu Ba Lê tụi nó hay rủ nhau đi một bầy ba bốn đứa. Đứa nào cũng được cậu Ba cho một miếng Quế, chúng bỏ vô miệng ngậm liền. Mùi thơm và vị ngọt ngọt cay cay làm tụi nó rất thích. Bây giờ nó đành phải hy sinh cái món quà miễn phí ấy. Có được rủ cũng không dám đi vì một lần tụi nó gặp má thằng Tỏ đi bổ thuốc. Con Ý đứng bên cạnh lấy cùi chỏ thúc vô hông nó một cái thiệt mạnh, chỉ bả rồi nói:
-Má chồng của mầy kìa !
Bả nhìn nó đăm đăm làm nó mắc cở muốn chui xuống đất luôn !
Hổng biết tại làm sao mà con nít ở dưới quê hầu như đứa nào cũng bị cấp đôi hết trọi! Mấy đứa bạn của nó, con Thẹn thì bị ghép với thằng Reo, con Ý với thằng Muôn, Sáu Ngón với thằng Bảy Ghẻ... không chỉ con nít ghẹo nhau mà đôi khi người lớn cũng tham gia. Họ rủ nhau làm sui thế là cứ kêu tụi nhỏ bằng "dâu", "rễ" , làm cho chúng ghét và tránh mặt nhau gần chết, vì sợ bị bạn bè ghẹo tơi bời.
Có một lần hai bên con trai và con gái đều chơi năm mười. Mặc dù trai, gái chơi riêng nhưng khi con Ý chui vô bụi chuối trốn thì gặp thằng Muôn cũng trốn chỗ đó nữa. Xui làm sao hai đứa nó bị bắt gặp đứng gần nhau thế là bị chọc tơi bời, làm con Ý thì khóc hu hu còn thằng kia đổ quạo chửi rồi đánh lộn tùm lum.
Sáu Ngón còn phản ứng dữ dội hơn Để chứng tỏ sự "trong sạch" của mình hể nó gặp thằng Bảy Ghẻ là chửi xối xả có khi còn chọi đá nữa. Nó càng phản ứng càng bị chọc dữ và ngược lại. Ban đầu thằng Bảy Ghẻ còn nhịn, nhưng rồi chịu hết thấu nên nó sùng quá chửi lại. Thế là hai đứa nó nhào vô đánh xáp lá cà. Hậu quả là đứa nào cũng bị ăn đòn hết ráo!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 6 2014, 04:38
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
CHƯƠNG TÁM

Quê của Mít Ướt, chùa là nơi gần gũi, thân thuộc được bà con lui tới nhiều nhất. Có thể nói đó là một ngôi nhà chung, một bà mẹ chung cho tất cả mọi người. Hầu như ngày nào cũng có người đến viếng, vào những ngày rầm thì đông hơn đến gấp trăm lần .
Một năm có bốn ngày rầm lớn : Rầm tháng giêng, rầm tháng tư, rầm tháng bảy và rầm tháng mười. Vào những ngày nầy, không khí trong làng sống động hẳn lên, một niềm vui bàng bạc khắp nơi. Ở ngoài đường, nhất là bến đò lúc nào cũng có đông người, già, trẻ, gái trai mặt mày rạng rở, ai cũng mặc những bộ quần áo vừa may trong dịp tết.
Chị Cà chèo đò hôm ấy cũng diện hơn ngày thường. Thay cái áo bà ba vải ú màu đen hàng ngày bằng chiếc áo tơ Bắc màu xanh lá mạ. Cái nón lá dầy cui có lót thêm một lớp lá chuối khô ở giữa đã bung vành cũng được nghỉ giải lao ít hôm. Thế chỗ nó là cái nón bài thơ có viền lớp vải xoa màu tím quanh vành với cái quai cũng bằng nhung tím. Chị chải tóc thật tươm tất, hai bên mép tai được vén cao kẹp lại bằng bốn cây kẹp xước chia đều mỗi bên hai cây. Mái tóc dài chấm eo được tóm gọn lại giữa lưng bằng cây kẹp ba lá. Đuôi tóc đen bóng với mùi dầu dừa phảng phất, ló ra ngoài cái nón lá cứ đong đưa theo từng nhịp chèo của chị. Hai hàm răng cũng được chị chùi trắng bóng bằng vỏ cau chấm than Đước cà nhuyễn. Hai trái tai có hai chiếc bông tòn ten với hai hột bẹt. Hột phía trên nhỏ gắn sát vào lỗ tai, phía dưới lớn hơn nằm trong cái lồng bằng vàng mười tám, làm gương mặt của chị sáng hẳn lên.
Những cô gái trong xóm đều ăn mặc đẹp, chải đầu, kẹp tóc và đeo bông na ná giống chị. Mấy chàng trai cũng diện sơ mi tay ngắn, quần tây hẳn hoi chớ không ăn mặc tuềnh toàng như ngày thường, bởi đây là dịp để họ gặp gở, thăm dò nhau một cách kín đáo.
Mấy ngày nầy chị Cà mệt lử, chèo không ngớt tay vì khách đi đò lúc nào cũng đứng chờ đầy bến. Anh Ba Đực thấy vậy bèn đem xuồng qua chở giúp. Đến trưa thì chị Cà Em, em của chị Cà ra thay cho chỉ còn anh Hai Hỉ thay cho anh Ba Đực. Đến tối thì lại có thêm hai người khác nữa ra chèo thế.
Thường thì quá chạng vạng đò không đưa nữa, nhưng vào những ngày rầm lớn có quí thầy thuyết pháp bà con nán lại chùa để nghe. Họ lác đác ra về nên đò phải đưa lai rai đến tận nửa đêm.
Cái nghề chèo đò có thể nói là cực nhất vì giờ giấc co giản, luôn bị kêu ca hối thúc. Có khi ngồi chờ cả buổi chẳng thấy ai, vừa chèo đến nửa sông để rước khách đang kêu inh ỏi bên bờ bên kia, thì nghe tiếng gọi giật ngược của một vị vừa mới tới. Thế là phải quay mũi đò, chèo ngược lại để rước. Có những người khách nóng tính vừa chờ một chút là kêu réo om sòm, đò rước chậm thì cự nự õm tỏi. Lắm khi vừa bưng chén cơm lên tay chưa và được miếng nào, lại phải lật đật bỏ xuống vì khách cần đi gấp để bắt kịp xe.
Nhà Mít Ướt ở sát bến đò. Có những đêm khuya lơ, khuya lắc cả xóm đều chìm trong giấc ngủ, kể cả mặt trăng cũng không còn thức. Bỗng nghe tiếng kêu đò lồng lộng. Tiếng kêu đò trong đêm khuya nghe rờn rợn làm sao! Nó mang mùi vị của chết chóc, của điềm dữ, của bất trắc làm người nghe cứ cồn cào trong ruột. Sáng ra mọi người tìm đến chị Cà để hỏi thăm, thường đó là những trường hợp bệnh nặng hoặc tai nạn phải đi rước thầy khẩn cấp.
Khi ông ngoại Mít Ướt còn sống vào những ngày rầm ông thường bao đò trọn hai ngày, mười bốn và mười lăm âm lịch để chở bà con đi chùa miễn phí, vì cả hai ngôi chùa : Ngói và Lá đều nằm bên kia sông.
Chùa Ngói lâu đời hơn chùa Lá. Gọi chùa Ngói vì mái chùa được lợp bằng ngói. Chùa rộng và lớn gấp đôi, gấp ba chùa Lá, lại nằm ở giữa một khu vườn sầm uất trồng rất nhiều cây ăn trái, nên trông đầy vẽ thâm u, cổ kính. Vị sư trụ trì đã già lắm ! Ông có rất nhiều đệ tử đang tu ở các ngôi chùa trong nước, chỉ giữ lại bên mình có hai vị sư trẻ, mà bà con hay gọi là "thầy Lớn" và "thầy Nhỏ ".
Mỗi năm đến ngày rầm tháng bảy, các vị đệ tử cùng trở về chùa thăm thầy. Nhiều vị trên đầu có những dấu phỏng hình tròn như đầu đũa, do đốt "lều" để lại. Người ba chấm, người sáu chấm, người chín chấm. Vị cao niên nhất còn có đến mười hai chấm.
Vào hai đêm mười bốn, mười lăm các vị nầy đăng đàn thuyết pháp cho bà con. Ai có thắc mắc về đạo cứ hỏi thoải mái các thầy sẽ trả lời rốt ráo cho đến khi bà con thông suốt. Những buổi giảng ấy thường kéo dài đến hơn nửa đêm mới dứt.
Dịp nầy chùa được trang hoàng và làm mới lại. Những lớp rêu trên mái ngói được cạo xuống. Cổng được sơn màu đỏ chói, cờ ngũ sắc được giăng dọc lối đi. Mấy cây cột tròn rất to được phết dầu bóng lưỡng, bệ thờ cũng được đánh Vẹc Ni lại. Chánh điện thật lộng lẫy với những pho tượng được phết thêm lớp nhủ. Tất cả như vừa tắm gội và mặc áo mới nên trông hết sức uy nghi, sinh động. Khu vườn cũng được dọn sạch cỏ, lá vàng được gom lại đốt, thậm chí cả cây, hoa và lá hầu như cũng tươi hơn, đẹp hơn và xanh hơn.
Nhà bếp ngày thường rộng rinh, hôm nay như nhỏ lại bởi chất đầy phẩm vật và tấp nập người nấu nướng. Mấy miệng lò với những cái nồi rất to đang bốc hơi thơm phức, được nấu liên tục. Chủ yếu là để đải khách thập phương vì các tăng, ni chỉ thọ thực mỗi ngày một bữa vào đúng ngọ.
Mít Ướt, con Thẹn, Sáu Ngón và con Ý rủ nhau đi chung. Đứa nào cũng mặc đồ mới, mặt mũi tóc tai gọn gàng sạch sẽ. Bà Sáu, bà dì của Sáu Ngón hổm rày ở luôn trong chùa để lo việc bếp núc. Bà nấu ăn rất khéo nên những dịp lễ lạc rất được trọng dụng. Sáu Ngón dựa hơi nên hôm nay cũng được nhóm bạn nể mặt, tụi nó kéo nhau vào bếp tìm bà. Bà đang ngồi tét bánh vào những chiếc dĩa to. Mấy đòn bánh tét nầy được nhuộm nhiều lớp màu, màu tím từ lá Cẩm, màu xanh từ lá Dứa, màu đỏ cam của trái Gấc và màu vàng của Nghệ. Bà cho mỗi đứa một khoanh đầu đòn bánh, mấy khoanh nầy không đẹp nên không được chưng trong dĩa. Ăn xong tụi nó còn được bà cho thêm mấy miếng bánh bò nướng, bánh da lợn, bánh khoai mì ...cái nào cũng hết sức là ngon.
Trước rầm mấy ngày, bà con đã mang thực phẩm đến cúng dường. Trong chùa có rất nhiều người lớn tuổi đến làm công quả, gương mặt người nào cũng hết sức rạng rỡ. Hầu như ai cũng ao ước khi về già được khỏe mạnh, được làm việc cho nhà chùa để tích phước lại cho con cháu. Câu " ráng để đức lại cho con cháu" là điều mà những ông già bà cả hay khuyên nhủ với nhau, thường được lập đi lập lại trong các câu nói nhiều nhất, cũng như câu "làm lành lánh dữ", "một câu nhịn chín câu lành" và " có đức không sức mà ăn" vậy !
Cả làng hầu như đều tập trung ở chùa vào ngày rầm tháng bảy. Đây là ngày lễ "Vu Lan" còn gọi là "Báo Hiếu", là dịp để con cái cầu an , cầu siêu cho cha mẹ. Ở nông thôn chữ Hiếu được đặt lên hàng đầu, ca dao có câu :
Mỗi đêm, mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Thế nên nhà nhà đều chong một ngọn đèn trứng vịt suốt đêm trước bàn thông thiên để cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Những người con có hiếu được xem như đạt tiêu chuẩn làm dâu, làm rễ, khỏi có lo ế vợ, ế chồng.
Người lớn đến chùa để nghe giảng về giáo lý, để trình bày nguyện vọng và xin ơn trên gia hộ. Trai, gái đến chùa ngoài việc lễ Phật còn có mục đích gieo duyên với nhau. Đám loi choi thì đến chùa để được ăn chè, xôi, bánh, trái thả dàn [điều nầy phổ biến đến nỗi cái chữ "chùa" đi theo sau một động từ, thường mang ý nghĩa là một hành động miễn phí. Thí dụ như "ăn chùa" là ăn khỏi trả tiền, "làm chùa " là làm không tính công...].


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 126 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 8, 9, 10, 11, 12, 13  Trang kế tiếp

» MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu