Ở quê của Mít Ướt hớt tóc không cần phải đến tiệm. Mỗi ngày có một bác trạc tuổi ba con Thẹn, nhà ở bên kia sông, đi chiếc xe đầm màu xanh có chở cái thùng bằng cây qua xóm nó để hành nghề cắt tóc. Người ta nhận ra bác ấy bằng tiếng kèn bóp tay kêu" te te" gắn ở ghi đông xe. Mỗi lần có người gọi "hớt tóc" là bác thắng xe nghe một cái " ét", dựng xe vào gốc cây, tháo dây ràng đem cái thùng đồ nghề xuống. Khách hàng từ nhà bước ra hai tay xách theo hai cái ghế đẩu, một để ngồi và một cho bác ấy mượn để kê cái thùng đồ nghề lên cao. Bác làm việc dưới tàng cây có bóng râm hoặc hàng ba của một nhà nào đó. Nếu có chỗ thì treo cái mặt kiếng lên, còn không thì để lại trong rương chờ hớt xong mới đem ra cho khách soi. Khi khách đã ngồi yên trên ghế bác liền cầm tấm vải trắng lớn, giũ mấy cái rồi quàng quanh vai họ để tóc không rơi dính áo. Một tay bác cầm cái tông đơ còn tay kia thì đè nhẹ cái đầu của khách xuống. Bác điều khiển cái tông đơ một cách hết sức thành thạo, vừa làm vừa nói chuyện. Mấy người đàn ông ngồi chồm hổm gần đấy chờ đến phiên cũng tham gia rất rôm rả. Hớt tóc xong bác mở hộp phấn rơm, cầm cái bông phấn chậm đều khắp chân tóc, đưa khách một cái mặt kiếng, cầm một cái khác soi từ sau ót để khách có thể thấy ngay cả phía sau. Nếu khách không ưng, yêu cầu sửa một chỗ nào đó thì bác chỉnh lại ngay. Điều nầy ít khi xãy ra vì bà con đa số tính tình rất dể dãi, chỉ cần gọn gàng mát mẻ là được rồi. Hớt tóc cho con nít thì cực hơn một chút. Tụi nó đâu có chịu ngồi yên. Mấy đứa nhỏ xíu còn giẫy giụa, khóc la chói lói. Má nó phải gồng mình kềm mà cũng không xuễ. Bởi vậy có nhiều đứa mang cái đầu bị sọc dưa tùm lum. Những đứa khó nuôi hay hớt kiểu tóc hai hoặc ba vá để Phật bà Quan Âm độ cho mạnh giỏi. Mấy đứa đau ban mới mạnh, tóc rụng còn le hoe thì được cạo trọc để ra tóc mới khỏe hơn. Người lớn muốn cầu xin một điều hết sức quan trọng, để tỏ lòng thành khẩn họ hay vái xuống tóc. Những người bị oan ức hoặc gặp điều không may cũng cạo đầu để xả xui, hoặc ngược lại. Khi anh Lơ cưới được chị Ba Nết ảnh mừng quá nên đám cưới vừa xong là cạo cái đầu trọc lóc, bị cả xóm chộ quá trời. Có một điều lan truyền trong mấy đứa con nít, nếu mình muốn "ếm xi bùa" đứa nào thì lấy ba sợi tóc của nó gói vô một tờ giấy, nhổ nước miếng vô rồi đem chôn. Bảo đảm đứa đó sẽ xui tận mạng, học bài không bao giờ thuộc và bị đòn liên miên. Một ông bác khác cũng đi xe đạp và dùng cái kèn bóp tay y như vậy nhưng không phải hành nghề hớt tóc mà làm một công việc dữ dằn hơn," máu lửa" hơn, đó là nghề "thiến heo" ! Ông bác nầy thì Mít Ướt quen mặt lắm vì má nó hay gọi đến để thiến heo. Đồ nghề của bác ấy rất gọn nhẹ :một cây dao nhỏ xíu có mũi rất nhọn, một cây kéo nhỏ, một cây kim, ống chỉ trắng, một chai thuốc đỏ và một bịt bông gòn. Mỗi lần nhà có thiến heo là Mít Ướt bỏ trốn vì nó rất sợ máu và tiếng heo kêu, chờ khi nào thấy ông thiến heo chạy xa nó mới dám về nhà. Lúc đó mấy con heo đã mệt phờ, chúng nằm mẹp với một vết rạch chừng ba phân bên hông, được may lại bằng chỉ trắng và xức thuốc đỏ. Có con đau quá nên chiều hôm đó chúng bỏ ăn một bữa. Một người phụ nữ mập mạp hay mặc cái áo bà ba bằng ni lông nền đen, in chi chít mấy cái bông màu tím, màu vàng , màu đỏ...rất to nằm đè lên nhau. Tay xách cái giỏ có hình như cái quạt giấy xòe rộng, làm bằng những nan tre vàng óng, trạc tuổi má Mít Ướt mà bà con hay gọi là cô Hai, xuất hiện điều dặn trong xóm với một cái nghề hết sức đặc biệt: " xỏ lỗ tai", "lể đẹn", bán dầu phong, thuốc tiêu, thuốc tán trị các loại ban như ban đen, ban bạch, ban cua, ban khỉ... Ngoài ra cổ còn kiêm luôn nghề coi bói, coi tay và coi tướng. Những đứa bé gái mới sanh vừa được đầy tháng là người nhà đã mong cô Hai rồi! Hễ nghe cái giọng thánh thót của cổ vang lên :" Nhà ai có em gái nhỏ xỏ lỗ tai, mua dầu phong về xài" là họ lật đật chạy ra kéo cổ vô nhà. Nhà cổ có truyền thống làm nghề nầy. Má Mít Ướt có nói cho nó biết, má của cổ là người ngày xưa xỏ lỗ tai cho nó. Cổ được bà má tận tình chỉ dạy, lại rất mát tay, được bà con tin tưởng cho nên độc chiếm cả cái thị trường nầy luôn! Thao tác của cổ hết sức nhẹ nhàng, chuyên nghiệp: cầm cây kim có xỏ sợi chỉ trắng, nhúng vô dầu phong để sát trùng, thấm dầu phong lên hai trái tai của đứa bé rồi lụi một nhát ngọt xớt. Cây kim xuyên qua bên kia kéo theo sợi chỉ, cột chỉ lại thành một cái vòng nhỏ giống chiếc khoen tai vậy là xong! Chừng đó động tác mà cổ làm chưa đầy một phút. Đứa bé chỉ kịp thét lên một tiếng, mẹ nó lật đật nhét cái vú vô miệng, thế là nó quên đau, thôi khóc kê miệng nút chùn chụt liền. Lể đẹn còn rùng rợn hơn nữa. Cổ cũng lấy kim châm vào mười đầu ngón tay của đứa bé rồi bóp mạnh để nặn ra cái hạt nhỏ xíu trắng trắng như hột tấm. Chấm cái nước màu xanh vào ngón tay trỏ, thọc sâu vô miệng thoa khắp lưỡi của nó nữa. Đứa bé đau dữ dội, khóc ngằn ngặt nghe mà xót ruột quá chừng! Cổ đi tới đâu là nghe tiếng khóc tới đó. Con nít trong xóm đứa nào cũng hết sức sợ cổ, vô tình cổ giống như hung thần của mấy đứa nhỏ. Đứa nào khó ăn khó dạy, khóc hoài không nín là bị nhát " cô Hai tới kìa" thế là tụi nó nín mất liền. Có một người phụ nữ khác, ốm nhom đội cái thúng to đùng trên đó chất những bánh thuốc lá đầy vun có ngọn. Cô nầy nhà ở xa nên mỗi đợt bán hàng thường ghé nhà Mít Ướt để ngủ nhờ. Cổ rất vui tính, hay nói đùa, cả người cổ, dù vừa tắm xong vẫn toát ra mùi thuốc lá nồng nặc nên rất khó đến gần. Cổ biết vậy nên thường nói là sở dĩ không lấy được chồng vì hổng ai chịu nỗi cái mùi thuốc lá trên mình của cổ. Cổ hay nói: "Thà hun cái đít con bán dầu, còn hơn hun cái đầu của con bán thuốc" để trả lời những người trêu ghẹo, cứ hỏi hoài vì sao cổ ngộ như vậy mà không có chồng. Thuốc lá được trồng từ những cù lao phía bên kia sông, và dù chỉ cách một con sông nhỏ nhưng lại thuộc về một tỉnh khác. Ở những cái cù lao nhỏ ấy, cuộc sống và phong cảnh rất êm đềm. Gồm những mái nhà mà hầu hết đều bằng tre lá, nằm dọc ven sông. Những khu vườn trồng đủ các loại cây ăn trái, viền quanh một tấm thảm nhung là những ruộng lúa và các rẫy khoai, bắp, mía, dưa, thuốc lá... Nó y như một chiếc khăn trải bàn với những hoa văn màu nâu, màu đen, màu xanh lá cây xen lẫn. Một đường viền màu nâu đỏ bao quanh, ấy là con đường đất nhỏ, bề ngang chừng hai, ba mét có chiều dài bằng chu vi của cái cù lao. Con đường giống như cánh tay dài lê thê ôm gọn làng mạc vào lòng. Một ngôi trường giống y như trường của Mít Ướt chỉ thiếu cây Me ở giữa. Với cái cột cờ bằng tre đứng ngạo nghễ một mình giữa sân, nhìn xuống mảnh sân nhỏ xíu, chai cứng vì bị cả trăm bàn chân giẩm đạp hàng ngày. Nó chẳng mọc nổi cho dù là một cây cỏ dại! Nhà cửa rất thưa thớt, nơi họp chợ là những doi đất ở đầu cù lao gồm chừng năm, sáu cái chòi lá nhỏ bán những sản vật địa phương. Vào những năm lũ lớn, mấy cái chòi bị cuốn trôi theo giòng nước, hàng hóa được đặt trong mấy cái xuồng cui, bơi tới bơi lui tìm khách. Khi Mít Ướt đã lớn, nó thường hay dắt xe đạp xuống đò qua sông, bởi thích đi trên con đường đất nhỏ ấy. Nó đạp đến mút cái doi đất, nơi con sông phình to ra để làm chỗ hò hẹn cho những nhánh sông từ các nơi khác đến. Nó vừa đạp xe vừa chăm chú nhìn xuyên qua những mảnh vườn bao quanh các căn nhà lá nhỏ. Thời ấy người ta hay trồng Cau ở sân trước, cây ăn trái ở xung quanh và sân sau. Các mái nhà bị đè đầu bởi những dây mướp tính tình phóng khoáng, thích kết bạn với mây trời và gió lộng nên bỏ qua cái giàn bé teo, thấp chủm phía dưới mà leo tuốt lên chót vót mái nhà ! Con đường luôn luôn mát rượi cho dù vào giữa trưa đứng bóng, ấy là nhờ những cây me, cây xoài, cây mận trồng kín hai bên lề. Chúng bạo dạn đến độ dám đưa tay ngang đường để nắm lấy nhau. Các căn nhà phần nhiều vắng lặng vì người lớn ai cũng đi làm đồng cả ngày. Trẻ con đi theo cha mẹ hoặc đến trường học. Chỉ có gió rất là thảnh thơi nên rảo quanh khắp xóm.
|