Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 12:25
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 126 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 9, 10, 11, 12, 13  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 44058 | Trả lời: 125)
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 6 2014, 09:14
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Mít Ướt ăn "chùa" ở chùa Lá nhiều hơn chùa Ngói. Má nó qui y ở chùa nầy nên vào ngày rầm và thỉnh thoảng ngày thường hay dắt nó đi theo để thắp nhang lạy Phật.
Chùa lá chỉ có một vị Sư Ông vừa làm từ vừa trụ trì. Ông rất già nhưng trông vẫn còn khỏe, gương mặt có nhiều nép nhăn và ánh mắt rất tinh anh, hay mặc cái áo vạt hò màu nâu và quần đáy nem cùng màu. Ông ít nói, ít giảng dạy, nhưng chính cái đức bình dị, tính hiền từ của ông làm cho mọi người kính mến muốn gần gũi, thân cận.
Chùa cất ở giữa cánh đồng, theo kiểu một gian hai chái. Mái và vách đều bằng lá dừa nước chầm lại thành từng tấm, chỉ hơi rộng hơn các căn nhà bình thường một chút. Nếu không có tấm bảng để tên chùa và hai ông Thiện, Ác đứng trước cửa thì người ta sẽ cho đó là một căn nhà để ở bởi nó không có vẽ gì đặc biệt.
Xung quanh chùa là một khu vườn với những cây xoài đã già cổi lắm. Trước sân trồng toàn hoa và kiểng. Hôm tết mấy chậu Mai trổ hoa đầy kín các nhánh. Vô số cánh hoa vàng ngủ nướng trên tấm thảm xanh làm bằng Cỏ Sữa, Càng Cua, Me Đất...chắc êm ái lắm nên chúng nằm hoài không chịu dậy!
Mùa hè nầy những cây Lựu gom hết màu sắc của từng tia nắng lại, tô hết lên những cánh hoa có hình dáng như chiếc kèn nhỏ xíu bằng ngón tay cái. Màu đỏ hừng hực ấy làm chúng trở nên quá đỗi rực rở, kêu sa. Những trái lựu to, nặng trĩu kéo mấy cái cành ốm nhom la đà gần sát đất. Tụi con nít cứ nhìn chầm chập, xốn con mắt và ngứa tay quá chừng mà đâu dám bẻ. Chúng sợ bị đòn và nhất là sợ mang tội "phá chùa" vì đó là cái tội lớn nhất. Phạm phải là bị thiên lôi đánh chết tươi liền và không bao giờ được đi đầu thai, suốt đời nằm dưới mười tám tầng địa ngục!
Dù chỉ có một vị sư nhưng chùa và vườn đều được chăm sóc kỹ bởi hàng ngày đều có người đến làm công quả. Ngày rầm, người đến viếng đông không thua gì chùa Ngói. Lúc ấy Sư Ông mới mặc cái áo choàng màu nâu dài phết gót, mang đôi giày vải và cầm trên tay một xâu chuỗi dài có đến một trăm lẻ tám hột.
Nhà bếp nhỏ nên mấy dịp nầy các ông táo phải dời gót ra bên ngoài, tạo cơ hội cho mùi thức ăn len lỏi vào chánh điện. Mít Ướt ngồi sát bên má cứ phồng mũi đánh hơi, nào là mùi Cà Ri, mùi tương xào nước cốt dừa xả, ớt, đậu phọng, mùi chè Thưn, mùi xôi Vị...làm cho nó cứ nuốt nước miếng thay vì niệm Phật.
Ngày thường chùa vắng lắm, có nhiều khi má và nó vô chùa chẳng gặp ai. Hai má con cứ tự tiện ra sau bếp mượn dĩa sắp bánh, trái cây, nhang đèn dâng lên bàn thờ, lấy nhang đốt cúng lạy xong rồi về. Nếu có việc cần hỏi ý kiến Sư Ông, má dắt nó ra ngoài vườn tìm. Sư Ông hay nằm trên chiếc võng giăng ở hai cây xoài tận cuối vườn để đọc sách. Nó khoanh tay lại chào:
-Thưa Sư Ông con mới tới !
Sư Ông vói tay kéo võng, đu mình ngồi lên, bỏ chân xuống đất rồi vừa đi vừa hỏi:
-Tụi con lễ Phật chưa?
-Dạ rồi! Con định nhờ thầy xem giùm ngày cất chuồng heo với ngày bắt heo, con tính nuôi một con heo nái.
Đây là một trong những lý do mà má nó và bà con trong xóm thích đến chùa Lá, vì ngoài việc lễ Phật họ còn nhờ Sư Ông coi tuổi, coi ngày, cúng sao, giải hạn...Tóm lại, những điều không hoàn toàn thuộc phạm vi đạo Phật.
Sư Ông lật quyển sách rất dày để sẵn trên bàn. Nó rất cũ được viết bằng chữ Tàu. Sửa lại cặp mắt kiếng đã gãy mất một gọng, phải cột sợi dây thun vòng ra phía sau đầu cho nó nằm yên trên mắt, nhìn chăm chú rồi nói :
-Ngày mốt dựng chuồng là hay nhứt, nếu không kịp thì để qua mùng bảy tháng sau cũng được nhưng không tốt bằng, còn bắt heo thì...
Trong khi má ngồi hầu chuyện, Mít Ướt lẻn ra vườn để tìm trái rụng. Nó đi dọc theo con mương cho đến cuối vườn. Cái võng Sư Ông nằm khi nãy bỏ trống đong đưa rất nhẹ như mời gọi. Nó hơi e ngại nhưng rồi không cưỡng lại được, leo lên nằm lót tay sau ót nhìn xuyên qua lớp lá. Tàng cây rộng y như cái rây lọc bớt ánh sáng làm nắng trở nên rất dịu. Những đám mây trắng trôi bềnh bồng giữa bầu trời xanh thẫm trên kia đang cố nghiêng đầu nhìn lén nó qua từng kẻ lá. Tiếng chim ríu rít và mùi ổi chín thoang thoảng làm tai và mũi nó mở to nhưng mắt thì cứ từ từ nhắm lại. Nó ngủ cho tới khi nghe nhột dưới lòng bàn chân cùng tiếng thôi thúc của má liên tục bên tai:
-Dậy lẹ, dậy lẹ đi con, vô thưa Sư Ông rồi về !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 6 2014, 09:05
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448
Hồi đó NGV tui thích đi lễ chùa ngày mùng một và ngày rằm để được ăn kiểm. Không biết bây giờ bên nhà có còn ai nấu món nầy không chứ bên Mỹ thì không ai biết. Nhiều người còn không biết kiểm là gì vì món nầy đặc biệt của người miền sông nước Cửu Long. Thích nhất là có bí rợ, khoai lang, tàu hủ ki, tàu hủ, bột bán. Kiểm mà chan với cơm ăn hoài không ngán.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 6 2014, 10:21
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Cất chuồng xong, má lên nhà dì ÚT Hơn mua một con heo con về để nái. Dì Út Hơn giàu nhờ nuôi heo, dỉ toàn là nuôi heo nái. Heo của dì đẻ khỏe, đẻ sai. Một bầy từ mười con trở lên, có bầy lên tới mười bốn mười lăm bởi vậy bán đắc lắm. Ai muốn mua đều phải dặn trước.
Hôm má đi bắt heo có cho Mít Ướt đi theo. Má xách theo cái bao bố để lát nữa bỏ nó vô trùm lại. Đến nơi gặp lúc con heo mẹ đang cho bầy con bú. Nó nằm nghiêng đám heo con xúm xít bên mình, mỗi con ngậm một cái vú màu hồng hồng căng tròn của con heo mẹ mà nút chùn chụt. Tội nghiệp mấy con chọn những cái vú nằm phía dưới. Tụi nó phải nằm sát xuống đất mà bú, tư thế không hề thoải mái, đã vậy cứ bị mấy con kia giẫm lên mình. Chúng vừa bú vừa húc mỏ thật mạnh, có con tinh nghịch cắn và kéo cái vú dài ra hết cỡ. Con heo mẹ bị đau, ngóc cái đầu lên nạt to một tiếng nó mới thôi không kéo nữa. Hẩm hiu nhất là cái con heo đèo. Nó xí nhầm cái vú lép bú chút xíu là sữa cạn queo, cứ chạy tới chạy lui năn nỉ mấy đứa kia cho nó bú chực một miếng mà không có con nào chịu hết. Dì Út thấy vậy lấy cái bình sữa, đổ nước cơm sôi có bỏ đường vào rồi bồng nó lên tay cho bú y như con nít vậy. Bú no nê xong tụi nó bỏ đi, một vài con nán lại không biết vì còn đói hay ghiền bú. Dì Út chỉ một con heo Lang [heo lông trắng có những đốm đen], đang chúi đầu bú mãi miết nói:
-Dì bắt con heo nầy nè, nó tham bú nhất đàn đó, có tới mười sáu cái vú, con heo nầy để nái tốt dữ lắm !
Má Mít Ướt bồng con heo đó lên, nó kêu "ét, ét" và cong người cố vùng ra. Thấy má đếm mấy ngón chân của nó, dì Út bèn nói:
-Dì đừng có lo, bầy heo của tui hổng có con nào năm móng đâu !
Mít Ướt hỏi:
-Heo năm móng thì sao hả dì ?
-Mấy con heo đó đâu có ai dám nuôi. Lỡ mua rồi cũng đem thả thôi chớ bỏ tiền, bỏ công nuôi tới lớn cũng đâu có ai dám mua xẻ thịt. Tại cái cốt của nó là người ta đầu thai lộn chỗ đó con.
Má kêu Mít Ướt banh miệng cái bao bố ra rồi bỏ con heo vào. Dù được má ôm thật nhẹ trên tay nó vẫn cứ kêu suốt dọc đường, chỉ khi về đến nhà bỏ vô chuồng mới im miệng lại.
Mấy hôm sau má qua nhà dì Sáu Tý đổi lúa lấy một giạ nếp ngon đem về xay để mang qua chùa cúng tạ lễ. Má đem cái cối xay ra lau chùi cho thật sạch .
Cối xay lúa cũng tương tợ như cối xay bột, gồm hai phần: Thân dưới cố định, thân trên có khoét một miệng cối rộng khoảng một gang để đổ thóc vào đó. Hai thân cối có đường kính bằng nhau, khoảng chừng năm tấc, bộ khung làm bằng tre với cả hai mặt cối trám bằng đất sét. Trên hai mặt cối những nan tre xếp đồng tâm nhô lên chùng nửa li, miệng cối rất rộng. Thân cối trên có hai tay quay, mỗi tay quay có khoét một lỗ nhỏ để cắm cái mỏ của càng xay hình chữ T vào.
Má đổ thóc vào miệng cối rồi hai má con đẩy càng xay thật đều tay tạo thành một lực giúp thân cối trên quay tròn. Thóc lọt xuống rãi đều trên mặt cối, được mấy nan tre nhô lên xát vào nhau làm tróc vỏ. Nếp và trấu văng ra xung quanh hông cối, rớt vào tấm đệm lót sẵn phía dưới.
Xay xong má đổ nếp còn lộn trấu vào máy giê để tách trấu ra. Nếp vẫn còn lẫn một ít thóc, má cho vào cối để giả. Cối làm bằng thân cây to khoét một hố tròn ở giữa. Má đổ nếp vào đó rồi dùng chày cây giả thật đều tay cho đến khi cám bay ra mới dừng chày lại. Cuối cùng má sàng để tách cám ra khỏi nếp.
Đầu tiên má dùng cái sàng lỗ rộng gọi là "sàng bắt tấm" để lấy nếp còn nguyên hột. Tay má xoay chiếc sàng thật tròn và thật đều tay. Nếp chạy theo vòng xoáy hướng tâm đẩy thóc gom lại thành một nhóm ở giữa. Má hốt thóc ra rồi trút nếp vào bao bồng bột để hôm sau mang qua chùa tạ lễ .
Phần nếp nát còn lẫn cám được má dùng cái sàng lỗ nhỏ hơn gọi là "sàng bắt cám" để lọc lấy tấm. Tấm nầy được ngâm nước rồi xay thành bột để làm bánh Ít Trần, bánh Ú, bánh Tai Yến...còn cám thì trộn chung với chuối cây giả nhuyễn để cho heo ăn.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 6 2014, 22:19
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Trần trang chủ ơi ! Nếu huynh muốn ăn Kiểm thả giàn thì đến ngày rầm tháng bảy về quê đi chùa vì hầu như chùa nào cũng đều nấu món đó.
Năm ngoái Y tui đi một cái chùa ở Sài Gòn, chùa nhỏ thôi mà nấu đồ chay ngon phải nói là "thần sầu" luôn ! Đặc biệt là món kiễm có tới hơn mười thứ, ngoài các thứ huynh kể còn có : hột sen, mít, khoai môn, mướp, táo tàu, nấm mèo, khoai mì bào nhuyễn vắt cục cở ngón tay cái, bột khoai[ mềm và dẽo hết sức ngon]...Dân SG ăn kiểm với bún, kèm với tương hột bầm nhuyễn xào với xả và đậu phọng, nước cốt dừa béo ngậy, có thể nói là hiếm thấy nồi Kiễm nào độc đáo đến như vậy !
Bửa đó tui toàn ăn cơm chan Kiểm với mắm thái chay, con gái xót ruột nói:
-Món ngon ê hề mà sao mẹ cứ ăn hoài một thứ ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 6 2014, 09:54
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448
Lâm quán chủ ơi! Cảm ơn quán chủ đã gợi ý về thăm nhà ngày rằm tháng bảy. Mấy lần trước về thăm nhà thì thời gian rằm tháng bảy cũng là lúc bên này vào niên học mới (khoảng đầu tháng chín) nên phải lo cho mấy đứa nhỏ nhập học. Bây giờ tụi nó đã lớn hết rồi nên có thể NGV sẽ thu xếp công việc về thăm nhà vào dịp nầy.

Hồi Tết rồi, NGV và bà xã đi chùa Linh Sơn bên Massachusetts cách nhà khoảng 2 tiếng lái xe. Sau khi lễ Phật xong, chùa có cho ăn bún riêu chay ngon bá cháy luôn. NGV có hỏi món kiểm nhưng người ta không biết món đó. Ở Boston có nhà hàng bán cơm chay mà không có kiểm trong thực đơn làm NGV thất vọng vô cùng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 6 2014, 08:09
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Việc cởi bỏ cái áo cho hạt lúa qua nhiều công đoạn vất vả như vậy [ấy là còn chưa tính đến việc gieo trồng, gặt hái...], cho nên người nông dân rất quí trọng, chẳng những lúa gạo mà tất cả những sản vật được thiên nhiên ban tặng hay do con người tốn sức làm ra. Trong các tính xấu, tính hoang phí, lười biếng được coi là hành vi vô đạo đức, bị lên án nhiều nhất.
Hồi đó mỗi lần theo ông ngoại ra đồng, Mít Ướt thấy ông cứ lượm từng hột lúa rơi bỏ vào túi áo, nó hỏi:
-Nhà mình lúa nhiều lắm rồi, ngoại lượm thêm làm chi vậy ngoại !
Ông ngoại liền rầy:
-Con không được xem thường mấy hột lúa nầy. Nó là hột ngọc của ông trời cho mình, phải biết quí trọng, bỏ là ông trời giận lắm, không cho có cơm ăn đó con !
Từ đó nó cũng bắt chước ông, hễ gặp lúa là cúi xuống lượm, ăn cơm không dám bỏ mứa, ăn xong là vét cái chén sạch bách không chừa một hột cơm nào sót lại.
Chẳng riêng gì nó mà hầu hết con nít trong xóm đều được dạy bảo y như vậy! Đứa nào lỡ hái trái ổi còn chát cũng ráng ăn cho hết chớ liệng bỏ là bị la dữ lắm!
Ngoài ra chúng còn được dạy phải biết yêu thương mọi người. Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, hạt mầm nhân ái đã được gieo vào. Khi lớn lên, biết nói bập bẹ và đi chập chửng, mọi người giúp phát huy thêm bằng cách cứ hỏi đi hỏi lại hoài cái câu:
-Con thương má[ ba, ông, bà...] không? Để ở đâu ?
Rồi dạy chúng trả lời :
-Thương, để trên đầu.
Quê của Mít Ướt không có đội cứu hỏa. Không có những tổ chức cứu tế, từ thiện bởi đó là bổn phận chung của tất cả mọi người. Tính lương thiện của hầu hết cư dân giúp cuộc sống luôn an ninh, chẳng ai lo chuyện bị mất mát và cho dù ra đồng suốt ngày cũng không nhà nào đóng cửa. Ai cần mượn món gì cứ vào lấy tự nhiên, xài xong đem trả lại liền.
Bà con hay đặt rau, trái, "cây nhà lá vườn" bày bán trong những cái rỗ để trên ghế đẩu chổng ngược đưa bốn cái chân lên trời đặt sát lề đường. Bỏ đó rồi đi làm công việc, ai mua thì cứ lấy rồi để tiền vô rỗ. Giá cả được mặc định là năm cắc bạc một bó rau. Các thứ trái cây như ổi, mảng cầu, vú sữa...được bọc trong lá chuối thành từng gói, giá mỗi gói cũng là năm cắc bạc. Có lẽ nhờ thế mà ông trời thương, quê Mít Ướt không có ai bị đói. Trời còn cho tôm cá đầy sông, nhà nào hầu như cũng biết cách bắt cá và giữ gìn không cho nguồn cá nầy cạn kiệt. Ai hớt tép mà lỡ dính cá đòng đòng [cá lóc con] là phải bắt ra đem trả lại sông liền.
Có một lần Mít Ướt thấy má Hai Ốm lấy cục đất sét bọc buồng trứng cá, gói vào tấm lá chuối rồi thả vào nước. Nó hỏi:
-Mợ bọc trứng vô đất để chi vậy mợ ?
Má Hai Ốm trả lời:
-Để nó nở ra cá con .
-Sao mợ hổng ăn cái chùm trứng luôn ?
-Ăn như vậy uổng lắm, lủm một miếng là hết, để nó nở ra cả trăm, cả ngàn con cá nữa mặc sức mà ăn.
Từ lúc đó Mít Ướt không còn thích ăn trứng cá nữa. Khi nào thấy con cá có trứng bị giết là trong lòng nó không vui.
Nông dân, kẻ làm ra lương thực để duy trì cuộc sống ấy, đều là những người chân chính. Họ sống lành mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng, nhiều tình thương và lòng trắc ẩn, luôn chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Có thể nói họ là tác phẩm hoàn hảo nhất của thượng đế, nếu người muốn tạo ra ra một sinh linh sống hài hòa, thân thiện với muôn loài khác.
Dân tỉnh, thành thường đem cái tính đơn sơ chơn chất của họ ra trêu. Hễ thấy người nào ngơ ngác, dễ tin, ăn mặc không đúng mốt thì gọi là dân " lúa, ruộng, quê", và thường cho họ là những người thiếu văn hóa. Thực ra họ chính là những người ứng xử văn minh nhất, nhân đạo nhất, ít xâm hại thiên nhiên nhất. Họ không bòn rút đến cạn kiệt tài nguyên của trời ban rồi hoàn lại toàn những thứ độc hại. Họ là người gánh chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi hơn những ngành nghề khác, công sức bỏ ra rất nhiều mà thu nhập chẳng đáng là bao !
Cần, kiệm là tính chất căn bản của người nông dân, má Mít Ướt là một trong những nhân vật điển hình cho hai đức tính nầy. Hai bàn tay của má hầu như chẳng được nghỉ ngơi trừ lúc ngủ. Hai bàn tay với mười cái móng cắt sát rạt đầy những dấu chai, luôn luôn chạm vào một thứ gì đó. Hai bàn tay thoăn thoắt như đôi chân trên đường đua bất tận ấy, không phải lúc nào cũng được tưởng thưởng bởi nghề nông luôn gặp nhiều bất trắc. Bà con hay ví là " bưng cơm đưa tới miệng còn chưa ăn được". Rất nhiều lần trên mặt má đầm đìa nước mắt, vì bầy heo chết, vì đám đậu xanh bị sâu, rầy triệt hạ... Rồi cũng phải chùi nước mắt và tiếp tục làm lại bởi đâu ai đành lòng nhìn đất bỏ hoang !
Tính tiết kiệm của má được thể hiện mọi lúc mọi nơi, bằng những cây tăm được chẻ từ những lóng tre vụn. Bằng từng chiếc lá , cọng rơm được gom lại để đốt thành tro làm phân bón. Bằng mấy cái ống khói đèn bị bể, mảnh kính, chiếc dép đứt, hủ chao, lon sữa bò... để dành bán ve chai.
Trên sợi dây phơi giăng giữa hai cây Sầu Đâu trồng cặp sát bên vách nhà, xen giữa mấy cái quần đen, áo bà ba của má, áo kiểu cổ lá sen của Mít Ướt là những cái bọc ni lông trong suốt được má giặt đến lần thứ hai, thứ ba gì đó! Chúng được lộn trái, giũ thẳng, bị ghìm chặt trên dây bởi nhũng chiếc kẹp làm bằng cây, chúng cứ chặn đường những cơn gió lại, vẫy tay mãi miết xin quá giang nhưng nào có được, đau lòng quá nên chúng cứ cất tiếng rên "phần phật" mãi không thôi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 6 2014, 05:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Những cơn gió đa tình, chẳng những làm tan nát lòng mấy cái bọc ni lông ấy, còn mang theo rồi bỏ lại phía sau vô số thân xác và trái tim khô héo của những chiếc lá vàng. Lôi cuốn tất cả những gì bắt gặp trên đường kể cả cái ca nhôm treo tòn ten trên nhánh điệp, vốn hết sức chung tình, cũng rung động vì chúng. Nó cứ đu đưa qua lại như chực bay theo, cho nên cái khạp da bò đứng ngay bên dưới nó, sát gốc điệp, cạnh cái cầu thang đúc bằng xi măng rất to dẫn lên nhà ngoại, cứ lặng người đi vì hồi họp.
Cái khạp ấy có tên là " khạp rửa chân", nó chứa được gần hai đôi nước. Mỗi ngày Mít Ướt có nhiệm vụ xách cái thùng thiếc nhỏ dung tích năm lít - vốn là cái thùng đựng dầu cải đã xài hết- xuống bến múc lưng thùng rồi mang lên đổ cho đầy khạp. Cầm cái ống tre có đục mấy cái lỗ nhỏ, chứa sẵn một cục phèn chua nằm gọn bên trong, khuấy đều trong nước. Động tác nầy gọi là "lóng phèn" mục đích làm cho đất kết tủa lại, chìm xuống giúp nước được trong. Mít Ướt rất thích ngắm những cái xoáy nước bị hút sâu như bột chạy trong họng cối xay ấy nên cứ khuấy mãi mê. Có lần tan hết cả cục phèn to bằng ngón chân cái làm cái lu nước chua lè, cũng may là nước rửa chân nên không bị đổ bỏ.
Miếng gạch Tàu được kê sát gốc cây Điệp để đứng rửa chân trước khi bước lên sàn gỗ. Mục đích tận dụng nước để tưới cho cây, nhờ vậy mà bông của cây điệp rất đỏ và trái rất lớn.
Cái ca nhôm được treo tòn ten trên nhánh thấp nhất của cây, những ngày đầu Mít Ướt phải nhón chân mới chạm tới rồi lần lần lấy xuống dễ dàng. Mỗi lần đi ra ngoài về đến cầu thang là bị nhắc rửa chân cho dù có mang dép hẳn hoi. Nó rửa chân rất nhiều lần trong ngày nên khi ông ngoại còn sống, sợ cây điệp bị úng nước, ông cứ luân phiên dời miếng gạch Tàu theo thứ tự qua gốc cây lý, ổi "Xá Lỵ", vú sữa rồi trở về dưới gốc cây điệp lại.
Từ ngày ông ngoại mất đi miếng gạch ấy cứ ở hoài dưới gốc cây lý, cái cây ấy bắt đầu rụng dần lá rồi chết, không biết vì bị ngộp nước hay vì nhớ ông. Chẳng riêng gì nó cả cây mai, cây ổi "Xá Lỵ", cây lồng mứt, cây xoài "Tàu"... cho dù đã được để tang ông, chúng cũng bỏ đi theo chớ không thèm ở lại.
Cứ mỗi lần "ông già E" [người ta gọi ông già bị câm đi xin bằng cái tên ấy] ghé vào, ổng hay lại cái khạp đó múc nước rửa mặt, tay rồi uống.
Mặc dù nước trong khạp nầy cũng giống hệt như cái lu nước uống đặt trước hiên, cũng được gánh từ dưới sông lên rồi lóng phèn cho trong. Nhưng vì bị gọi là "khạp rửa chân", nên khi thấy ổng uống nước trong ấy là Mít Ướt không chịu được. Nó canh ổng vừa tới là ba chân bốn cẳng chạy ra hàng ba múc một ca nước uống đem xuống cho ổng, rồi mới chạy vô bếp xúc cho ổng nửa lon sữa bò gạo.
Có một lần ổng dùng ca nước của nó đưa để rửa mặt rồi múc nước trong cái "khạp rửa chân" uống làm nó tức muốn phát khóc. Nó bèn nghĩ ra một cách. Hễ nghe tiếng gậy khua từ ngoài cổng là rót liền một ly cối nước trà mang ra đợi sẵn, riết rồi ổng quen, chờ uống nước trà rồi mới đi.
Bà con trong xóm hay mượn cây gậy của "ông già E" để chọc vô cái rún bị lồi của mấy đứa con nít, đây gọi là chửa mẹo. Người ta cho rằng cứ mỗi lần ổng giộng cây gậy xuống đường là cái rún được đè thụt vô một chút, rồi từ từ sẽ trở lại bình thường. Mấy người có bầu hơn chín tháng mười ngày mà chưa nằm ổ, phải đi xin gạo khắp xóm ăn để đẻ. Thay vì vậy họ xin lại của ổng một nắm gạo để khỏi mắc công vác cái bụng đến từng nhà. Mỗi lần có ai mượn gậy hay xin gạo là ổng vui lắm, chỉ ghét mấy đứa con trai hay le lưỡi giả câm để ghẹo. Thằng Mum, thằng Mại bị ba của tụi nó đánh quá chừng vì cái tội nầy nên từ đó không dám chọc ổng nữa.
Cái lối chữa mẹo được bà con tin dùng lắm ! Mỗi lần Mít Ướt bị nổi mục lẹo trên mí mắt, má đều lấy sợi chỉ trắng cột vào ngón tay áp út. Hễ mắt trái thì cột tay mặt và ngược lại, không hề uống hay xức một miếng thuốc nào vậy mà mấy ngày sau cái mục ấy lặn mất tiêu mất biệt.
Chị Tư Thợn bị trúng gió méo mặt được chửa bằng cách lấy máu lươn phết lên cái phía không méo [cơ bên đó bị liệt], làm vài lần là trở lại bình thường liền, rất ư hiệu nghiệm !
Ngày mùng năm tháng năm, đúng lúc đứng bóng. Mít Ướt cùng tụi con nít trong xóm đứng chùm nhum lại với nhau. Cùng ngước mắt nhìn mặt trời, nháy mấy cái để đảm bảo năm đó không bị nhặm mắt. Rồi kéo hết xuống sông tắm để giải mấy lời thề ẩu và trút hết mọi tội lỗi.
Tắm xong nó cảm thấy trong lòng hết sức nhẹ nhàng, tự hứa sẽ sống thật đàng hoàng, không nói dóc, không thề tùm lum... Nhưng rồi sang năm, đến ngày ấy, nó lại xuống sông và xem ra còn lội nhiều hơn năm trước.
Cái lối chữa "mẹo" ấy còn áp dụng cho cây cối. Chiều ba mươi tết, để hù mấy cái cây không chịu có trái người ta hay cho một đứa bé leo lên cây rồi gia chủ cầm cái rựa đứng dưới gốc ngước lên hỏi:
-Dạ xoài [ Nhản, Cam, Bưởi...]
Thằng bé đó trả lời :
-Dạ !
-Năm nay mầy chịu có trái hông?
-Dạ chịu !
-Nhiều hông?
-Dạ nhiều !
-Thiệt hông ? Mầy mà nói láo là tao đốn bỏ đó! [vừa nói vừa đưa cái rựa lên cao như sắp chém xuống]
Thằng bé ngồi trên cây nói lẹ:
-Ông đừng đốn con, năm nay con trổ trái đầy cành cho ông.
Thế rồi nó leo xuống, chắc chắn năm ấy cái cây đó sẽ có trái, mọi người tin như đinh đóng cột vậy!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 6 2014, 06:57
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Ngoài ông già "E", hàng năm dưới bến dì Sáu Tý đều xuất hiện một chiếc ghe tam bản chở hai vợ chồng của một ông bác lớn tuổi với cô con gái trạc bằng chị Hai Bé. Đó là một gia đình hành khất.
Lần đầu gặp họ Mít Ướt rất ngạc nhiên. Họ không nói những câu gợi lòng thương của mọi người mà chỉ ngắn gọn mấy tiếng: "Mỗi năm đáo lệ một lần..." rồi chìa cái bị có hai cái túi ra. Nó chưa biết phải làm sao thì má bảo:
-Vô múc nửa lon gạo ra cho đi con!
Nó ngạc nhiên đực mặt ra đến mấy giây, vì trong đầu nó những người đi xin phải rách rưới, tiều tụy ...Còn ba người nầy mặt mũi tươi tắn, ăn mặc tươm tất gọn gàng.
Chờ cho họ đi khỏi, má mới giải thích rằng đó là những người có ông bà hay cha mẹ đi xin ăn nên theo tục lệ, mỗi năm gần đến ngày giỗ của thân nhân [người ngày xưa đi hành khất], họ phải đi xin gạo, tiền về làm đám giỗ. Má nói thêm:
-Coi bộ cái gia đình nầy giàu dữ lắm !
-Sao má biết vậy má? Nó ngạc nhiên hỏi.
-Thì hai mẹ con đều mặc quần Mỹ A láng mướt , bộ con hổng thấy sao?
Lãnh Mỹ A, niềm hãnh diện của quê hương Mít Ướt, là một loại tơ lụa nổi tiếng nhất vùng. Nó bắt nguồn từ những sợi tơ bé xíu được nhả ra từ miệng con tằm, được kéo sợi, dệt thành những tấm lụa, rồi đem nhuộm bằng mủ của trái mặc nưa để có màu đen tuyền. Lúc đó mới được mang cái tên là "Lãnh Mỹ A".
Để có những sợi tơ ấy việc đầu tiên là phải nuôi tằm hay thường gọi là "chăn tằm".
Chăn tằm là một nghề rất cực, được so sánh với nghề nông bằng hai câu:
Làm ruộng ăn cơm nằm
Chăn tằm ăn cơm đứng.
Thật vậy, để có được những mãnh lụa mềm sờ tay vào nghe như lướt trên mặt nước ấy, ta phải vất vả qua rất nhiều công đoạn:
Trước tiên tằm được ươm từ mấy cái trứng nhỏ xíu cho đến khi nở thành những con giống hệt con sâu. Những cánh đồng dâu bạt ngàn là nguồn thức ăn của nó. Lá dâu được hái khi trời bắt đầu hửng nắng, đem về xắt nhuyễn rải vào những cái nong tre chứa tằm trong đó. Mấy con sâu nhỏ xíu ấy tiêu thụ một lượng lá dâu nhiều gấp mấy mươi lần trọng lượng cơ thể của nó. Chúng chỉ nằm một chỗ và làm một công việc duy nhất là ăn ! Chúng nhai lá dâu suốt ngày, phát ra tiếng rào rào êm tai y như tiếng mưa rơi rất đều rất nhẹ. Để chỉ một người ăn không biết mệt bà con thường ví "ăn như tằm ăn rổi".
Khi con tằm bắt đầu chuyển sang màu đỏ, gọi là tằm "chín", nó sẽ bắt đầu nhả tơ bao phủ khắp thân. Lớp tơ nầy dầy dần lên lấp kín toàn bộ cơ thể nó, tạo thành một khối hình bầu dục to cỡ cái trứng cúc gọi là kén. Kén thường chỉ có hai màu vàng và trắng. Những cái kén nầy được lấy tơ bằng cách thả vào nồi nước đang sôi trên bếp để nó bung cái mối tơ ra. Người ta dùng đũa để vớt mối tơ đó ra khỏi nồi nước, quấn vào ống, cho vào Guồng quay rồi mới dệt thành những tấm tụa.
Những tấm lụa màu trắng hoặc vàng óng, có chiều dài hơn hai mươi thước ấy được đem nấu cho mềm đi, rồi mới được mang đi nhuộm.
Để nó có màu đen tuyền người ta phải dùng đến mủ của một loại trái nhỏ, tròn như viên bi có màu xanh như cẩm thạch, thường trồng ở Campuchia và các miền gần biên giới có tên là mặc nưa.
Trái mặc nưa được cho vào cối quết nhuyễn, nhồi trong nước để lấy cho hết chất mủ màu vàng chứa bên trong nó, rồi vắt y như vắt dừa nạo cho đến khi sạch hết mủ, nước trắng bóc họ mới thôi. Những tấm lụa được đem nhúng vào đó, vắt khô, đem phơi, xả, nện, hồ bóng ...Cho đến khi nó đen tuyền, bóng mượt và phải mất cả tháng trời mới xong.
Mủ mặc nưa chẳng những làm tấm lụa trở thành màu đen, mà làm đen luôn móng tay của những ai làm nghề "nhuộm hàng", kể cả mấy đứa con nít hay lượm hột Mặc Nưa ăn. Mấy cái hột nầy màu trắng, to cỡ gấp hai, gấp ba hột gạo, ăn lạt nhách, dẻo dẻo như trái Dừa Nước. Móng tay và răng của chúng cũng đen thui luôn! Phải tẩy bằng thuốc, nếu không sẽ mất một thời gian rất dài chúng mới trắng trở lại như xưa.
Do cần nhiều công sức để hoàn thành nên lãnh Mỹ A đẹp và mắc tiền hơn tất cả loại vải vóc, tơ lụa khác. Giá trị của nó vượt qua công dụng, hầu như không còn là hàng hóa nữa mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Cho nên nó được xem như một món quà tặng vô cùng quí giá. Thể hiện tình thương và lòng trân trọng của người tặng một cách rất hùng hồn. Thậm chí trở thành một sính lễ bắt buột mà nhà trai phải mang qua nhà gái, cùng với đôi bông cưới, để khẳng định giá trị của cô dâu.
Và hầu như tất cả phụ nữ vào thời ấy, ai ai cũng đều mong có một cái quần bằng lãnh Mỹ A. Bởi khi làn da chạm vào lớp lụa mát rượi mềm mại ấy, nó sẽ cho họ một cảm xúc ngọt ngào, êm ái y như được ve vuốt. Giúp họ có cảm giác như mình được nâng niu, được đẹp hơn, trở nên hãnh diện và tự tin hơn !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 6 2014, 03:30
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
CHƯƠNG CHÍN

Đám cưới của anh Ba Đực và chị Hai Bé được tổ chức trước tết chừng mười bữa. Sáu tháng trước, hôm đám nói, hai họ đã ấn định ngày cưới nên bà con trong xóm đều biết. Kể từ hôm ấy ai cũng nôn nao nhất là cái đám con nít loi choi .
Từ ngày nhà Hai Ốm chuyển đi, khoảng trống do ba nó bỏ lại được anh Ba Đực lấp bớt một phần. Dù ngón đờn và giọng ca chưa được điêu luyện, nhưng bù lại cái lòng nhiệt tình, sốt sắng và gương mặt rạng rở của người đang yêu giúp ảnh giành được cảm tình của hầu hết bà con trong xóm.
Những người có chân trong nhóm đưa dâu đã được cậu Sáu Sung cho biết khi đến mời từng nhà. Người ta chọn những người vợ chồng đề huề có con đàn, cháu đống để lấy hên. Má Mít Ướt không có chân trong nhóm nầy nhưng bù lại Mít Ướt được cho đi đưa dâu cùng với Sáu Ngón [tụi nó là hai đứa nhỏ duy nhất trong đoàn người đi đưa dâu ấy]. Mít Ướt mừng không biết để đâu cho hết, nhân dịp nầy má nó cùng mợ Chín Nêm cho hai đứa nó đi uốn tóc.
Phong trào uốn tóc đã tràn về xóm của Mít Ướt từ năm trước nhưng được đón tiếp một cách rất ư dè dặt, hầu như chỉ có mấy đứa nhỏ xíu tham gia mà thôi. Cả mấy làng mà chỉ có mỗi một tiệm uốn tóc của cô Tư Ngọt ở tại chợ Tân Phú, vậy mà ngày thường nó cũng vắng teo, chỉ ì xèo vào mùa tết.
Hôm ấy Mít Ướt và Sáu Ngón được hai bà mẹ dắt đi, mọi người ngồi xe lôi của ba con Thẹn. Má con Thẹn thấy vậy cũng cho nó đi theo để uốn tóc luôn làm tụi nó mừng hết lớn. Ba đứa nó hết sức hồi họp khi đứng nghe người lớn bàn cải về kiểu tóc và giá cả, má Sáu Ngón hỏi cô Tư :
-Cô ăn bao nhiêu một cái đầu vậy cô Tư?
-Kiểu tóc quắn là ba đồng. Tóc dợn là năm đồng.
-Kiểu nào quăn lâu hơn ?
-Kiểu tóc quắn.
-Sao quăn lâu hơn mà lại rẻ hơn, kỳ vậy?
-Tại ít tốn công hơn.
-Vậy cô mần hết kiểu đó cho ba đứa nầy đi.
Má Sáu Ngón quyết định một cái rụp, rồi nói với tụi nó:
-Tụi bây ngồi cho đàng hoàng à nghen! Đừng có nhún nhít cái mình, lúc lắc cái đầu là kéo cắt đứt lỗ tai đó. Mần xong ngồi đây chờ tao đi chợ rồi ra rước.
Trong tiệm có năm đứa cũng cỡ tụi nó. Bốn đứa đầu trùm túi ni lông, tay cầm cây quạt, vừa phe phẩy vừa chăm chú coi hình trong mấy cuốn sách. Một con bé quấn một miếng vải trắng lớn quanh cổ phủ tới lưng quần, đang ngồi nhìn chăm chú gương mặt của nó trong cái mặt kiếng to đùng để chờ cắt tóc. Cô tư chạy vội đến để tiếp tục công việc bị bỏ dở, đang nhấp kéo bỗng cổ ngừng tay bắt một con chí trên đầu con bé đó, đặt và giữa hai móng tay cái rồi ép lại. Một tiếng nổ nhỏ cùng lúc với tia máu bật ra, con chí bị banh xác ! Cái hình ảnh ấy bỗng làm cho Mít Ướt rùng mình, niềm háo hức được có mái tóc quắn tan như bọt xà bông thay vào đấy là một nỗi lo sợ bâng quơ. Khi cô Tư vừa chạm tay vào tóc của nó, nó liền giật nẩy lên một cái rồi gồng mình ngồi thẳng băng, cả người căng ra như sợi dây đàn vậy!
Động tác đầu tiên của cổ khi cắt tóc là nhúng cây lược vào thau nước, chải đều khắp đầu để tóc ướt nằm sát xuống cắt cho dễ. Cổ dùng cán lượt vít từng nhúm tóc ra kẹp vào hai ngón tay trỏ và giữa rồi đưa kéo cắt xoẹt một nhát. Cắt xong cổ lấy mấy cây tre chẻ nhỏ như cọng chưn nhang, một đầu có cột dây thun để cuốn tóc nó lại. Lót một miếng giấy kiếng dưới từng nhúm tóc, chấm bông gòn vào chén nước thuốc uốn tóc phết lên, cuốn thật chặt tay rồi ràng dây thun rất căng. Từng chân tóc ê buốt mà nó đâu dám rên, thậm chí mùi thuốc uốn tóc cay sè, khai ngấy phả lên làm nước mắt chảy ròng ròng, nó cũng không dám đưa tay lên quẹt. Cuốn tóc xong cổ lấy cái bao ni lông trùm kín cái đầu nó lại, đưa cho nó một cây quạt lá dông rồi nói:
-Cưng cầm cây quạt nầy quạt cho tóc mau khô nghe.
Mấy đứa bé đến trước nó được lấy cái bao trùm tóc khỏi đầu, tháo cây tre xổ cho tóc bung ra rồi đi gội đầu. Cô Tư dùng cái ống cuốn tóc bằng nhựa có gai xung quanh để quấn tóc chúng lại, lấy cây kẹp xẹt kẹp cho tóc dính chặt vào ống, rồi biểu chúng ra ngồi trên những cái ghế đẩu để sẵn ngoài nắng. Cổ đưa thêm mỗi đứa một cây quạt nữa rồi nói:
-Tụi cưng quạt hết hai tay nghe, quạt thiệt mạnh cho tóc mau khô.
Một lát sau ba đứa nó cũng gia nhập vào cái nhóm đó, tụi nó ngồi một hàng dài trước cửa tiệm, dưới ánh nắng, mắt nheo lại và tay quạt liên hồi...
Khi ba bà má đến tiệm đón chúng nó, cả ba người đều cười rủ rượi, bởi gương mặt của tụi nó trông ngộ hết sức với mái tóc xoăn bung tròn, xù ra y như trái Gáo vậy ! Má Mít Ướt hỏi nó:
-Mai mốt con có muốn uốn nữa hông?
-Hông, con uốn một lần nầy thôi!
Nỗi ân hận của nó còn tràn đầy hơn khi về đến xóm bị mấy đứa con nít vừa vỗ tay vừa hát ghẹo:
Đầu tóc quắn như lông chó xù
Xách bóp đầm hổng có đồng xu
Miệng thoa son như té giập môi
Đầu bao lưới như chài mắc gốc.

Người lớn ghẹo tụi nó bằng cách khuyên tối đi ngủ phải nằm sấp để tóc không hư, vậy mà có đứa cũng tin !












-


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 6 2014, 11:23
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Ở quê của Mít Ướt hớt tóc không cần phải đến tiệm. Mỗi ngày có một bác trạc tuổi ba con Thẹn, nhà ở bên kia sông, đi chiếc xe đầm màu xanh có chở cái thùng bằng cây qua xóm nó để hành nghề cắt tóc.
Người ta nhận ra bác ấy bằng tiếng kèn bóp tay kêu" te te" gắn ở ghi đông xe. Mỗi lần có người gọi "hớt tóc" là bác thắng xe nghe một cái " ét", dựng xe vào gốc cây, tháo dây ràng đem cái thùng đồ nghề xuống. Khách hàng từ nhà bước ra hai tay xách theo hai cái ghế đẩu, một để ngồi và một cho bác ấy mượn để kê cái thùng đồ nghề lên cao.
Bác làm việc dưới tàng cây có bóng râm hoặc hàng ba của một nhà nào đó. Nếu có chỗ thì treo cái mặt kiếng lên, còn không thì để lại trong rương chờ hớt xong mới đem ra cho khách soi.
Khi khách đã ngồi yên trên ghế bác liền cầm tấm vải trắng lớn, giũ mấy cái rồi quàng quanh vai họ để tóc không rơi dính áo. Một tay bác cầm cái tông đơ còn tay kia thì đè nhẹ cái đầu của khách xuống. Bác điều khiển cái tông đơ một cách hết sức thành thạo, vừa làm vừa nói chuyện. Mấy người đàn ông ngồi chồm hổm gần đấy chờ đến phiên cũng tham gia rất rôm rả. Hớt tóc xong bác mở hộp phấn rơm, cầm cái bông phấn chậm đều khắp chân tóc, đưa khách một cái mặt kiếng, cầm một cái khác soi từ sau ót để khách có thể thấy ngay cả phía sau. Nếu khách không ưng, yêu cầu sửa một chỗ nào đó thì bác chỉnh lại ngay. Điều nầy ít khi xãy ra vì bà con đa số tính tình rất dể dãi, chỉ cần gọn gàng mát mẻ là được rồi.
Hớt tóc cho con nít thì cực hơn một chút. Tụi nó đâu có chịu ngồi yên. Mấy đứa nhỏ xíu còn giẫy giụa, khóc la chói lói. Má nó phải gồng mình kềm mà cũng không xuễ. Bởi vậy có nhiều đứa mang cái đầu bị sọc dưa tùm lum. Những đứa khó nuôi hay hớt kiểu tóc hai hoặc ba vá để Phật bà Quan Âm độ cho mạnh giỏi. Mấy đứa đau ban mới mạnh, tóc rụng còn le hoe thì được cạo trọc để ra tóc mới khỏe hơn. Người lớn muốn cầu xin một điều hết sức quan trọng, để tỏ lòng thành khẩn họ hay vái xuống tóc. Những người bị oan ức hoặc gặp điều không may cũng cạo đầu để xả xui, hoặc ngược lại. Khi anh Lơ cưới được chị Ba Nết ảnh mừng quá nên đám cưới vừa xong là cạo cái đầu trọc lóc, bị cả xóm chộ quá trời.
Có một điều lan truyền trong mấy đứa con nít, nếu mình muốn "ếm xi bùa" đứa nào thì lấy ba sợi tóc của nó gói vô một tờ giấy, nhổ nước miếng vô rồi đem chôn. Bảo đảm đứa đó sẽ xui tận mạng, học bài không bao giờ thuộc và bị đòn liên miên.
Một ông bác khác cũng đi xe đạp và dùng cái kèn bóp tay y như vậy nhưng không phải hành nghề hớt tóc mà làm một công việc dữ dằn hơn," máu lửa" hơn, đó là nghề "thiến heo" !
Ông bác nầy thì Mít Ướt quen mặt lắm vì má nó hay gọi đến để thiến heo. Đồ nghề của bác ấy rất gọn nhẹ :một cây dao nhỏ xíu có mũi rất nhọn, một cây kéo nhỏ, một cây kim, ống chỉ trắng, một chai thuốc đỏ và một bịt bông gòn.
Mỗi lần nhà có thiến heo là Mít Ướt bỏ trốn vì nó rất sợ máu và tiếng heo kêu, chờ khi nào thấy ông thiến heo chạy xa nó mới dám về nhà. Lúc đó mấy con heo đã mệt phờ, chúng nằm mẹp với một vết rạch chừng ba phân bên hông, được may lại bằng chỉ trắng và xức thuốc đỏ. Có con đau quá nên chiều hôm đó chúng bỏ ăn một bữa.
Một người phụ nữ mập mạp hay mặc cái áo bà ba bằng ni lông nền đen, in chi chít mấy cái bông màu tím, màu vàng , màu đỏ...rất to nằm đè lên nhau. Tay xách cái giỏ có hình như cái quạt giấy xòe rộng, làm bằng những nan tre vàng óng, trạc tuổi má Mít Ướt mà bà con hay gọi là cô Hai, xuất hiện điều dặn trong xóm với một cái nghề hết sức đặc biệt: " xỏ lỗ tai", "lể đẹn", bán dầu phong, thuốc tiêu, thuốc tán trị các loại ban như ban đen, ban bạch, ban cua, ban khỉ... Ngoài ra cổ còn kiêm luôn nghề coi bói, coi tay và coi tướng.
Những đứa bé gái mới sanh vừa được đầy tháng là người nhà đã mong cô Hai rồi! Hễ nghe cái giọng thánh thót của cổ vang lên :" Nhà ai có em gái nhỏ xỏ lỗ tai, mua dầu phong về xài" là họ lật đật chạy ra kéo cổ vô nhà.
Nhà cổ có truyền thống làm nghề nầy. Má Mít Ướt có nói cho nó biết, má của cổ là người ngày xưa xỏ lỗ tai cho nó. Cổ được bà má tận tình chỉ dạy, lại rất mát tay, được bà con tin tưởng cho nên độc chiếm cả cái thị trường nầy luôn! Thao tác của cổ hết sức nhẹ nhàng, chuyên nghiệp: cầm cây kim có xỏ sợi chỉ trắng, nhúng vô dầu phong để sát trùng, thấm dầu phong lên hai trái tai của đứa bé rồi lụi một nhát ngọt xớt. Cây kim xuyên qua bên kia kéo theo sợi chỉ, cột chỉ lại thành một cái vòng nhỏ giống chiếc khoen tai vậy là xong! Chừng đó động tác mà cổ làm chưa đầy một phút. Đứa bé chỉ kịp thét lên một tiếng, mẹ nó lật đật nhét cái vú vô miệng, thế là nó quên đau, thôi khóc kê miệng nút chùn chụt liền.
Lể đẹn còn rùng rợn hơn nữa. Cổ cũng lấy kim châm vào mười đầu ngón tay của đứa bé rồi bóp mạnh để nặn ra cái hạt nhỏ xíu trắng trắng như hột tấm. Chấm cái nước màu xanh vào ngón tay trỏ, thọc sâu vô miệng thoa khắp lưỡi của nó nữa. Đứa bé đau dữ dội, khóc ngằn ngặt nghe mà xót ruột quá chừng! Cổ đi tới đâu là nghe tiếng khóc tới đó. Con nít trong xóm đứa nào cũng hết sức sợ cổ, vô tình cổ giống như hung thần của mấy đứa nhỏ. Đứa nào khó ăn khó dạy, khóc hoài không nín là bị nhát " cô Hai tới kìa" thế là tụi nó nín mất liền.
Có một người phụ nữ khác, ốm nhom đội cái thúng to đùng trên đó chất những bánh thuốc lá đầy vun có ngọn. Cô nầy nhà ở xa nên mỗi đợt bán hàng thường ghé nhà Mít Ướt để ngủ nhờ. Cổ rất vui tính, hay nói đùa, cả người cổ, dù vừa tắm xong vẫn toát ra mùi thuốc lá nồng nặc nên rất khó đến gần. Cổ biết vậy nên thường nói là sở dĩ không lấy được chồng vì hổng ai chịu nỗi cái mùi thuốc lá trên mình của cổ. Cổ hay nói: "Thà hun cái đít con bán dầu, còn hơn hun cái đầu của con bán thuốc" để trả lời những người trêu ghẹo, cứ hỏi hoài vì sao cổ ngộ như vậy mà không có chồng.
Thuốc lá được trồng từ những cù lao phía bên kia sông, và dù chỉ cách một con sông nhỏ nhưng lại thuộc về một tỉnh khác.
Ở những cái cù lao nhỏ ấy, cuộc sống và phong cảnh rất êm đềm. Gồm những mái nhà mà hầu hết đều bằng tre lá, nằm dọc ven sông. Những khu vườn trồng đủ các loại cây ăn trái, viền quanh một tấm thảm nhung là những ruộng lúa và các rẫy khoai, bắp, mía, dưa, thuốc lá... Nó y như một chiếc khăn trải bàn với những hoa văn màu nâu, màu đen, màu xanh lá cây xen lẫn. Một đường viền màu nâu đỏ bao quanh, ấy là con đường đất nhỏ, bề ngang chừng hai, ba mét có chiều dài bằng chu vi của cái cù lao. Con đường giống như cánh tay dài lê thê ôm gọn làng mạc vào lòng. Một ngôi trường giống y như trường của Mít Ướt chỉ thiếu cây Me ở giữa. Với cái cột cờ bằng tre đứng ngạo nghễ một mình giữa sân, nhìn xuống mảnh sân nhỏ xíu, chai cứng vì bị cả trăm bàn chân giẩm đạp hàng ngày. Nó chẳng mọc nổi cho dù là một cây cỏ dại!
Nhà cửa rất thưa thớt, nơi họp chợ là những doi đất ở đầu cù lao gồm chừng năm, sáu cái chòi lá nhỏ bán những sản vật địa phương. Vào những năm lũ lớn, mấy cái chòi bị cuốn trôi theo giòng nước, hàng hóa được đặt trong mấy cái xuồng cui, bơi tới bơi lui tìm khách.
Khi Mít Ướt đã lớn, nó thường hay dắt xe đạp xuống đò qua sông, bởi thích đi trên con đường đất nhỏ ấy. Nó đạp đến mút cái doi đất, nơi con sông phình to ra để làm chỗ hò hẹn cho những nhánh sông từ các nơi khác đến. Nó vừa đạp xe vừa chăm chú nhìn xuyên qua những mảnh vườn bao quanh các căn nhà lá nhỏ. Thời ấy người ta hay trồng Cau ở sân trước, cây ăn trái ở xung quanh và sân sau. Các mái nhà bị đè đầu bởi những dây mướp tính tình phóng khoáng, thích kết bạn với mây trời và gió lộng nên bỏ qua cái giàn bé teo, thấp chủm phía dưới mà leo tuốt lên chót vót mái nhà !
Con đường luôn luôn mát rượi cho dù vào giữa trưa đứng bóng, ấy là nhờ những cây me, cây xoài, cây mận trồng kín hai bên lề. Chúng bạo dạn đến độ dám đưa tay ngang đường để nắm lấy nhau. Các căn nhà phần nhiều vắng lặng vì người lớn ai cũng đi làm đồng cả ngày. Trẻ con đi theo cha mẹ hoặc đến trường học. Chỉ có gió rất là thảnh thơi nên rảo quanh khắp xóm.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 126 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 9, 10, 11, 12, 13  Trang kế tiếp

» MỘT LẦN "CHUYỀN" LẠI «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 4 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 4 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 230 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 11:49

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu