Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 18:14
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5, 6 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271230 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: GIỖ CHỊ
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 8 2014, 10:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Hôm qua 29 tháng 7 âm lịch là ngày giỗ chị Ba tôi. Nó rơi vào ngày chủ nhật thế là con, dâu, cháu nội, cháu ngoại có mặt đầy đủ. Tôi " xung gà tre" nên thay vì nấu mấy món đơn giản lại trổ tài làm chả giò và cơm hấp lá sen.
Con dâu vốn quá biết cái tạng của tôi, nên can :
-Mẹ đừng làm mấy món phức tạp, để con mua mắm thái chay, mình nấu cơm canh nữa là được rồi.
Tôi trả lời, hơi phật ý :
-Mẹ làm được mà ! Dì ba con thích món chả giò lắm ! Cái món cơm hấp lá sen nầy hồi dĩ còn sống chưa có, bây giờ cúng cho dĩ dùng để biết với người ta.
Biết con dâu cản vì sợ không rảnh mà phụ và tôi làm một mình không xuễ, tôi nói:
-Con giúp mẹ bằng cách giữ hai đứa nhỏ cho nó đừng đeo mẹ là được rồi .
Ba giờ sáng tôi đi gọt củ sắn, khoai, bầm củ hành. Cho dù ăn chay kỵ hành nhưng tôi và chị Ba ngày xưa, thường tự gọi mình là dân "chay đụng". Nghĩa là đụng gì ăn nấy nên xài "tạp xị", miễn không dùng động vật là được. Sơ chế xong là đến giờ đi tập thể dục, tập vừa dứt là vọt lẹ liền. Mấy cô bạn rủ ở lại đi ăn sáng chung. Tôi ấp úng từ chối, không dám nói về gấp vì có đám giỗ bởi đâu có dám mời ai. Một cô ghẹo :
-Làm gì mà vội về dữ vậy, bộ có ông nào chờ sẵn hả ?
-Có một bầy ong trên cây liêm xẹt, chớ có ông nào đâu ! Tôi vừa cười, vừa trả lời vừa đi như chạy.
Về đến nhà không kịp thay đồ, ăn sáng mà đi cắt rau. Tôi trồng mấy bụi vấp cá, húng cây, đinh lăng...để làm rau ăn sống. Hái được một nắm đầy. Ăn rau do chính tay mình trồng, thích lắm! Rửa rau, ngâm nước muối rồi lấy xấp bánh tráng ra ngồi cuốn từng cuốn nhỏ bằng ngón tay cái. Lần nầy tôi cải tiến bằng cách hấp đậu xanh đải vỏ trộn thêm vào nhưn, cùng với củ sắn, khoai, nấm mèo để ăn cho bùi. Cuốn xong đem chiên, bánh tráng quá mỏng nên bị bể lại làm bằng bột năng nên không giòn, tôi quá đỗi thất vọng, con dâu khuyên:
-Mẹ đừng buồn, để con chạy đi mua bánh tráng chuyên dùng làm chả giò. Mình tháo cái vỏ ra cuốn lại.
Rồi sợ tôi can nên vọt xuống siêu thị luôn. Vậy là hai mẹ con lột hết mấy cái đã cuốn ra làm lại bằng bánh tráng mới. Tôi chiên thử một cuốn, thổi nguội rồi đưa con dâu:
-Đâu con ăn thử coi nó ra làm sao.
-Ngon lắm mẹ ơi!
Tôi mừng quá lấy lại tinh thần, cái bần thần trong người bay đi mất.
Đến cái món thứ hai thì nói không ngoa đâu nghe, trên cả tuyệt vời luôn. Chỉ có điều quên đi hái lá sen, vì hồi sáng né bạn chạy vội về nhà. Thế là cái món cơm hấp lá sen mà hổng có mùi lá sen gì hết! Thôi hẹn lại sang năm vậy !
Món thứ ba là bông cải xanh hấp. Một người bạn chỉ cho cái cách hấp rau, vừa vớt ra, rau còn nóng là cho vô ngăn đá trong tủ lạnh liền. Nhờ vậy mà cái dĩa rau xanh ngắt trông hết sức là hấp dẫn.
Nấu xong vừa kịp giờ cúng. Nhờ con trai đốt nhang vì khi chị tôi còn sống thương nó nhiều nhứt. Mấy đứa cháu nhỏ xíu cũng xin mỗi đứa một cây nhang xá xá, lạy lạy trông dễ thương hết sức !
Đây là cái đám giỗ tương đối thành công của tôi. Nhờ có con dâu mà tôi làm trót lọt, chớ thường khi gặp trắc trở là tôi hay bỏ ngang. Tôi tỏ lòng biết ơn con dâu bằng cách nói:
-Mẹ nấu ăn mà có con một bên là yên tâm lắm !
Con gái và cháu ngoại đi bơi về nghe mùi thức ăn là kêu lên:
-Thơm quá, đói bụng lắm rồi mẹ ơi!
-Xá bàn thờ đi mấy đứa, chờ nhang tàn rồi ăn.
Chị Ba nhìn tôi, cười rất nhẹ.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 8 2014, 07:57
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)
Làm giỗ gọn, nấu vài món ngon và chỉ những người thân quây quần với nhau như vậy là hợp lý quá đó tỷ tỷ ơi!

Tỷ tỷ à, hôm nào tỷ tỷ hướng dẫn lại cách làm cơm lá sen (kiểu của tỷ, chứ kiểu khác trên mạng thiếu gì) cho Ốm và mọi người học hỏi nha. Nghe tỷ kể thấy thèm quá!


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Sửa lần cuối bởi TNP vào ngày 26 Tháng 8 2014, 09:12 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 8 2014, 08:19
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ốm ơi ! Còn nhớ cái lần bày Ốm làm cơm gà hông ? Bộ hổng tởn sao còn đòi học tiếp ? Cơm hấp lá sem gồm có: gạo dẻo, hột sen tươi, đậu xanh bỏ vỏ, nấm đông cô, cà rốt, nấm mèo, bột nêm, tỏi, củ hành tím, ngò rí, hành lá, một miếng lá sen.
Cho gạo và hột sen tươi nấu chung, đậu xanh nấu riêng sao cho chín còn nguyên không bị nát.
Tỏi băm nhuyễn phi vàng vớt ra, cho hành tím bằm nhuyễn vào phi thơm, cho cà rốt, nấm đông cô, nấm mèo [ba thứ nầy đều xắt hột lựu] vào xào vừa chín nêm bột nêm vào, cho cơm sen, đậu xanh vào trộn đều, hành lá và ngò rí xắt nhuyễn trộn vào 1/2.
Lá sen rửa sạch lau khô, lót vào tô, cho hổn hợp vừa trộn cho vào ém hơi chặt tay gói lại, úp ngược qua cái tô khác rồi đem hấp, khoàng 10 phút đem ra khoét lá sen trên mặt một lổ hình tròn, rắc thêm hành ngò, tỏi phi...[chú ý : đừng cho dầu nhiều nghe!]
Chúc Ốm thành công


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ÁO VÁ
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 8 2014, 00:03
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Bây giờ nếu có ai nổi hứng, mở một cuộc thi vá áo hay trưng bày những chiếc áo vá đẹp nhất, chắc tìm đui con mắt cũng không ra đành bó tay thúc thủ, bởi thời buổi nầy đâu ai còn mặc áo vá. Những cái áo vá đã biến mất hoàn toàn và người vá áo cũng đà tuyệt chủng. Cho nên hôm qua khi soạn mớ đồ cũ, tìm thấy cái áo nỉ bị rách cùi chỏ được má vá lại, tôi bỗng bùi ngùi hết sức !
Rồi hình ảnh má và bà ngoại lại hiện về cùng một lúc. Nhất là ngoại vì thời tôi vừa lớn ngoại đã già. Công việc bếp núc dì Bảy tranh làm hết nên vào những buổi trưa, trên cái bộ ngựa gõ dầy cui, bóng lưỡng, tôi bị bắt nằm im để ngủ. Ngoại lại mang cái rổ may ra ngồi sát một bên, vừa canh chừng không cho tôi trốn đi chơi, vừa vá áo cho cả nhà, thỉnh thoảng ngoại lại hỏi :
-Ngủ chưa con?
-Dạ chưa, có gì hông ngoại ?
-Xỏ giùm ngoại cây kim.
Tôi mừng húm ngồi phắt lên liền. Dù biết không được chạy đi chơi nhưng ngồi lên một cái cũng cảm thấy thoải mái, bớt nóng lưng nên cũng đỡ buồn một chút. Ngoại đưa tôi cây kim đít vàng. Tôi cầm lấy rồi ngậm đầu sợi chỉ trong miệng, thấm nước miếng cho nó se lại cho dễ xỏ bởi cây kim nầy là loại nhỏ nhứt, khó luồn chỉ qua nhứt. Ngoại chuyên dùng nó để vá, vì đường chỉ khít khao sẽ làm miếng vá thẳng băng. Nếu miếng vá trùng màu với áo thì nhìn gần mới biết.
Má tôi vá áo đã khéo mà còn thua ngoại một bực. Ngoại vá từng mũi một, đều rí. Có miếng rách được phủ vải ra ngoài để vá. Có miếng ngoại lòn vào trong rồi mạng lại, khó mà phát hiện nếu đứng cách chừng mấy mét. Cứ mỗi lần vá xong ngoại lại dùng kéo cắt đứt sợi chỉ [có lẻ thời nhỏ động tác nầy ngoại thường dùng răng, nên một đôi lần ngoại quên, cứ đưa sợi chỉ lên miệng mà nghiến hoài không đứt], rồi ghim cây kim với sợi chỉ lòng thòng lên cái búi tóc trên đầu.
Ngày xưa, khi còn nhỏ tôi rất là hiếu động, đã vậy đa số vải thuở đó đều làm từ bông gòn kéo sợi nên rất mau sờn. Cứ lần nào chơi u, chơi de hoặc mấy môn có giằng, kéo là đều bị đòn vì làm rách quần hay áo, có khi rách cả hai thứ một lượt. Quần áo rách liền xoành xoạch như vậy nên chỉ riêng đồ của tôi thôi, ngoại vá cũng đủ mỏi tay rồi.
Sau nầy khi lớn lên đi học xa, mỗi lần qua thăm ngoại lại lôi đồ tôi ra mà vá lại. Hồi đó tụi tôi hay mặc áo dài bằng tơ, quần sa ten. Áo thì hay bị rách cùi chỏ hoặc tét eo, còn quần thì rách lai là nhiều nhất. Tôi vá đồ cũng tạm nhờ những năm đệ nhứt cấp học với cô Thơm, cô giáo dạy nữ công rất tận tâm, phải nói là vá đẹp nhất so với các bạn vậy mà cũng không vừa mắt ngoại. Ngoại tháo ra rồi vá lại hết. Hình ảnh ngoại ngồi cong lưng cắm cúi, thỉnh thoảng lại ngước lên lấy tay chỉnh lại cặp kiếng sắp rơi, hoặc thấm nước miếng vào ngón tay trỏ để gút chỉ là những hình ảnh đẹp nhất mà tôi còn lưu giữ được.
Bây giờ khi mà hàng ni lông hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường. Những cái áo, cái quần mặc hoài không rách. Nên khi mặc ta cũng không cần phải gượng nhẹ, và khi vứt bỏ cũng không phải ngậm ngùi tiếc từng miếng vá. Quần áo hiện thời chỉ mặc một mùa là bị loại bỏ, đã làm tôi mất đi cơ hội để nói với con cháu, cái câu mà xưa ngoại và má hay dỗ khi thấy tụi tôi không muốn mặc áo vá vì sợ bạn cười:
-Đứa nào mà cười thì con nói với nó là "Tiền vãi áo chị không bằng tiền chỉ áo tôi ".


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: ÁO VÁ
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 8 2014, 17:07
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
:clap: :ros: :clap: :rse: :clap: :rse: :clap: :ros: :clap: :rse: :clap: :rose3:

Tỷ thiệt là có tài mô tả và kể chuyện, gợi muội nhớ đến ngày xửa ngày xưa... có bà nội, bà ngoại, có má, dì, có cô Thơm,...
Nhớ hồi xưa má hay nhắc đến cụm từ "áo vá trăm cặp" :roll:
Ngày nay ko ai mặc áo vá, thậm chí áo quần chưa rách, chưa cũ người ta đã bỏ đi rồi...
Kể chiện đời xưa nghe nữa nghen tỷ!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ÔNG TƯ "VÁ ĐƯỜNG"
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 8 2014, 23:24
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tụi tôi hay gọi ông là ông Tư "vá đường" vì mỗi lần đi học về hay thấy ông lui cui lấp mấy cái ổ gà trên đường.
Con đường cái ở quê tôi giống như đa số những con đường làng thuở ấy. Đều là đường đất rải đá cho nên khi đến mùa mưa. Trên mặt đường đầy những dấu chân bò chi chít, nước đọng lại từng vũng y như cái khuôn bánh khọt đã đổ bột đều khắp.
Ông Tư làm nghề gánh đất đắp nền nhà. Cái việc vá đường là làm thí công thôi chớ không ai trả cho ông một đồng xu, cắc bạc nào hết. Thời ấy quê tôi hầu hết nền nhà đều bằng đất, cho nên phải nói ông chính là người đặt viên đá đầu tiên hay đúng hơn đổ ky đất đầu tiên, khởi động cho công trình. Ông rất có kinh nghiệm nên trong xóm tôi ai làm nhà cũng đều thuê ông đắp nền.
Khi má tôi nhờ ông đắp cái nền nhà mới, tôi được chỉ định ngày hai buổi mang cơm ra cho ông. Tôi thường đặt cái mâm lên chỏng rồi chạy ra mời :
-Mời ông Tư ăn cơm .
Ông gật đầu. Cuốc thêm vài nhát cho đầy ky đất, gánh đổ lên nền nhà xong rồi mới phủi tay. Đi lại cái khạp đựng nước, múc một ca để rửa mặt, rửa tay. Tháo cái khăn bịt đầu xuống lau khô rồi mới ngồi vào mâm. Đôi khi tôi không chạy về liền mà ngồi xước mía, chờ ông ăn xong rồi bưng mâm về luôn. Mâm cơm dọn cho ông có kèm thêm một cái chai xá xị con nai đựng nửa xị rượu trắng[ hồi đó và bây giờ tôi hay tự hỏi cái từ "xị", có phải do ngày xưa người ta hay dùng mấy cái chai xá xị rổng để đong không ?]. Ngoài cơm canh má tôi hay làm thêm cho ông một món để nhắm rượu. Một dĩa gỏi sầu đâu hoặc có khi chỉ là con khô sặc bổi nướng mà thôi.
Ông Tư lúc ấy chắc cũng đã hơn năm mươi tuổi, bởi tóc ông đã bạc đều và má tôi gọi ông bằng chú. Ông không cao lắm, có lẽ tại cái lưng còng do thường xuyên gánh nặng. Da ông nâu đỏ, cái màu mà vào thời buổi nầy hầu hết phụ nữ phương tây đều mơ ước. Ông ở trần suốt ngày nên tôi được thấy ngay ở giữa bụng ông, phía trên rún có một cục thịt to bằng cái trứng ngỗng nhô cao. Mỗi lần ông nuốt hay uống rượu là nó cứ phập phồng. Còn nhớ lúc đó tôi hết sức muốn được sờ coi nó ra làm sao nhưng không dám vì thấy ông nghiêm và ít nói quá. Lúc đó tôi nghĩ là trong mình ông chắc sắp mọc ra cái nhánh như nhánh cây, nên mỗi ngày tôi hay nhìn chăm chăm xem nó có nhô ra thêm một chút nào không. Như biết được sự thắc mắc của tôi, một lần ông giải thích:
-Cái cục nầy là do ông gồng bụng để gánh đất nên máu tụ lại đó !
Ông Tư sống một mình trong căn nhà rất nhỏ. Đi đắp nền nhà thiên hạ cao ráo chớ cái nền nhà ông chỉ cao hơn mặt sân chút xíu, khi trời mưa lớn nước có thể dội ngược vô nhà. Cửa nhà ông làm bằng một tấm liếp dựng trên cây sào. Ai muốn vào nhà phải khom cái lưng, cúi đầu xuống chui vô.
Trong xóm tôi, ông là người đàn ông duy nhất sống thui thủi.Một lần tôi hỏi má :
-Má ơi, sao ông Tư không có vợ con gì hết vậy !
Má tôi chép miệng:
-Nghèo quá làm sao mà cưới nổi vợ hả con !
Rồi má đọc luôn một câu ca dao :
-Ví dầu nhà dột cột xiêu
Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn.
Thuở ấy và chắc ngay cả bây giờ nữa. Những người lớn khi làm điều tốt, đều nói rằng họ làm vậy là muốn tích đức lại cho con cháu hưởng. Riêng ông Tư, ông vá đường không biết vì lý do gì ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: BÀ CHÍN
Gửi bàiĐã gửi: 02 Tháng 9 2014, 09:04
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nhờ có bà Chín mà mấy đứa nhỏ xíu ở xóm tôi không đứa nào dám ở truồng.
Con nít hồi xưa nhất là mấy đứa con trai, chừng năm tuổi trở xuống là ghét mặc quần áo dữ lắm ! Tôi như vẫn còn thấy lại cái cảnh chị Hai Sàng, tay cầm cái quần xà lỏn vừa rượt theo thằng Mum vừa quát :
-Mặc quần vô lẹ đi, coi chừng bà Chín trét cứt bò vô đít đó !
Nó lật đật thắng lại liền. Thế mới biết bà Chín có uy với tụi con nít biết chừng nào !
Nhưng tôi nhớ mình chưa hề chứng kiến đứa nào bị bà phạt cả, không biết trước đó có ai đã là nạn nhân? Hay bà Chín được nhờ đóng vai nầy để hù dọa cho tụi nhỏ sợ mà ăn mặc đàng hoàng. Giống như mấy ông "kẹ" vô hình, mà cứ mỗi lần mấy đứa con nít khóc là được đem ra nhát cho tụi nó nín? .
Bà Chín là một trong số những người từ xứ khác đến quê tôi làm ăn rồi ở lại luôn. Những người nầy thường được gọi là dân "tản cư". Bà và chồng đến quê tôi gặt mướn theo thời vụ [ngày xưa vào mùa lúa chín thường có những người thợ gặt từ nơi khác đến gặt thuê]. Từ khi ông Chín chết vì bị phong đòn gánh, bà chôn cất ông trên mảnh đất của cậu Hai Đua rồi ở lại đây luôn.
Căn nhà của bà cặp sát hông nhà ngoại. Những buổi trưa tôi được "sút chuồng" [vì chuồng không gài cửa và người giữ chuồng ngủ gục]. Tôi đi một cách hết sức rón rén ngang nhà bà, vậy mà mười lần hết chín là bị kêu lại:
-Ê con nhỏ kia vô bà biểu coi!
Tôi lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề nhưng vẫn sợ bà lắm! Cho dù đã ở ngoài tầm khống chế của bà vẫn riu ríu bước vô. Không chờ tôi hỏi bà đánh phủ đầu liền:
-Giờ nầy không ngủ trưa mà đi đâu vậy hả ?
Tôi ấp úng chưa biết phải trả lời ra sao, thì bà kéo áo lên rồi quay người đưa cái lưng cho tôi, nói:
-Gãi giùm bà cái lưng coi .
Tôi nhìn cây gãi lưng bằng cái sóng tàu cau bà gài sẵn bên vách mà tức muốn phát ách. Biết cái sự uất ức của tôi, bà nói:
-Con có móng tay gãi mới đã ngứa.
Thật ra móng tay tôi bị má cắt trụi lũi đâu còn chút xíu nào. Tôi cố bấm sát mấy cái đầu móng lên lưng của bà quào thật mạnh, làm cho lẹ để vọt đi chơi. Bà luôn miệng điều chỉnh :
-Lên phía trên một chút chỗ gần cái bả vai đó.
Hoặc:
-Xuống dưới nữa đi, sát lưng quần...
Tôi vừa gãi vừa đếm mấy cái nốt ruồi son mọc chi chít trên lưng bà, vừa thắc mắc là tại sao người lớn nói ai có nốt ruồi son là quí tướng, giàu có lắm mà bà Chín lại nghèo rớt mồng tơi như vậy?
Thật sự là bà nghèo đến nỗi không có mồng tơi để mà rớt. Bà sống bằng sự đùm bọc của lối xóm, của những người bạn già và láng giềng lân cận. Tôi còn nhớ lâu lâu ngoại hay sai tôi mang cơm, mang bánh qua cho bà. Nhà ai làm bánh khọt, nấu cháo gà hay bánh canh cá lóc... đều múc cho bà [bà già lắm, răng rụng hết trơn nên chỉ ăn được mấy món mềm mềm đó thôi]. Căn nhà bà ở nhỏ bằng cái chuồng gà. Tài sản gồm một cái chỏng tre, chiếu, gối, mền và cái mùng bằng vải thưa giăng sẵn, ban ngày vắt lên, tối bỏ xuống.
Lâu lâu má tôi, mợ Hai Đua hay mợ Ba Úi lại thay phiên nhau dìu bà vô nhà tắm của ngoại tôi để tắm cho bà, vì chưn bà run lắm không đi xuống sông được.
Tôi vừa gãi lưng vừa trả lời những câu hỏi liên tục của bà. Bà hay hỏi những câu quen thuộc như:
-Hôm nay đi học có bị thầy giáo đánh hông?
-Ăn cơm với món gì, ăn mấy chén ?
-Có rửa chân sạch sẽ rồi mới chui vô mùng hông? Có niệm Phật trước khi ngủ hông...?
Tôi trả lời thật là ngắn gọn:
-Không.
-Ăn cơm với canh chua, ba chén.
-Có.
Khi khắp lưng của bà đầy những vệt móng tay kéo dài như mấy luống cày trên ruộng. Bà không còn nghĩ ra câu gì để hỏi và không còn lý do để giữ tôi lại, lúc ấy bà mới chịu buông một câu phóng thích :
-Thôi được rồi, về nhà ngủ đi, đừng có dang nắng coi chừng bịnh đó !
Tôi dạ một tiếng rồi cắm đầu chạy miết.
Hồi đó tôi chỉ tội nghiệp và sợ bà Chín thôi chớ không có thương nhiều. Bà cứ thấy mặt là đặt tên nên tôi né bà dữ lắm! Cho nên lúc đi học xa ít khi nào tôi nhớ đến bà.
Một lần về thăm má, ra sau đồng hái rau. Khi đi ngang qua nơi bà ở thấy căn nhà biến mất và cái nền đã trở thành miếng đất trồng rau với mấy bụi hành, ớt. Tôi nghe tim thót lại một cái, quày quả chạy vô hỏi má :
-Má ơi bà Chín đâu rồi ?
Má tôi đáp :
-Bà chết lâu rồi, bộ má chưa nói cho con biết sao?
Bây giờ sao tôi hay nhớ tới bà quá! Tôi cũng hiểu ra rằng ngày xưa bà thường bắt tôi gãi lưng không phải muốn làm khổ tôi như tôi đã nghĩ, mà chỉ vì bà quá cần một chút hơi ấm, từ bất cứ một bàn tay nào đem đến !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: SÁCH CŨ
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 9 2014, 16:15
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cái xóm tôi ở ngày xưa mỗi ngày có gần một chục gánh ve chai đi thu gom, đa số do phụ nữ đảm nhiệm.
Một hôm, tôi thanh trừng mớ đồ phế liệu, ngoắc một cô đi ngang (mới sáng sớm mà cái gánh đã đầy nhóc) vừa đặt gánh xuống cổ vừa hỏi :
-Bán cái gì vậy cô ?
Tôi bưng ngay ra một cái thùng giấy to chứa hầm bà lằng nào là bịt nilon, tập cũ, dép nhựa hư...Trong khi chờ cổ phân loại từng thứ để cân và tính tiền, tôi bỗng chú ý đến mớ sách cũ trong gánh nên e dè hỏi cổ :
-Cô cho tui soạn coi có cuốn nào xem được hông nghe ?
-Ừ cô cứ coi đi !
Tôi lấy ra từng cuốn rồi bắt gặp trong đó một quyển sách mỏng nhất và cũ nhất của một tác giả mình hằng hâm mộ. Tôi đưa cho cổ :
-Cuốn nầy bao nhiêu vậy ?
Cổ nhìn quyển sách rồi chép miệng:
-Có mấy cuốn mới tinh sao cô hổng lấy? Cuốn nầy cũ thấy mồ, mỏng te, thôi cho cô đó !
Tôi cám ơn rối rít, đáp lại bằng cách gỡ ba cục nước đá bỏ vô cái lon cho cổ đem theo uống.
Thế là từ đó mỗi lần đi ngang nhà tôi cổ không rao :"Có ve chai bán hông?" mà :" Mua sách cũ hông cô?"
Tôi mê sách cũ từ lâu lắm! Từ những ngày đầu tiên mới chân ướt chân ráo đến Sài Gòn được chị chở đi mua. Thuở ấy nó được bày bán trên các vĩa hè dọc bên đường, do rẻ, hợp với túi tiền của tụi tôi. Còn sau nầy, nó cho tôi có cảm giác như được kết giao với những người đồng điệu, tuy không cùng không gian và thời gian.
Ôi ! Những quyển sách cũ ấy! Có những cuốn được cất giữ rất cẩn thận từ lâu lắm, nên dù giấy đã ngã màu vẫn còn rất thẳng, không bị sờn bìa, cong mép. Những cuốn như thế, thường khi mở ra, ngay từ trang đầu, đã tìm thấy bút tích của người chủ thứ nhất qua mấy câu có kèm theo chữ ký như: " Sông Hương ngày tao ngộ!", hoặc " tặng Mỹ, đừng quên mình nhé!"...Cứ mỗi một câu lại hình thành trong đầu tôi một cốt chuyện. Tôi tưởng tượng ra tâm trạng của họ khi mua nó, tình cảm của họ dành cho người đề tặng... Có một câu mà tôi vừa đọc vừa rưng rưng nước mắt :" Con dành tiền lương đầu để mua tặng mẹ quyển sách nầy, mong rằng mẹ yêu thích nó. Con nhớ mẹ nhiều !" và tôi đã chọn nó chính vì những lời đề tặng ấy !
Có những quyển mang thân phận của nàng cung nữ chưa hề được vua sủng ái, vì tuy sách đã rất cũ, nhưng những trang giấy vẫn còn dính liền chưa được rọc !
Có những quyển sách có một cuộc đời bi đát giống như Thúy Kiều với lời đề tặng hết sức trân trọng của người mua đầu tiên, rồi bên trong bị hủy hoại bằng những nét chữ khác nhau cùng lời ghi thô thiển !
Có những quyển sách dành cho tôi một niềm ngạc nhiên thú vị vì nó hay và hợp với tôi quá, như thể tác giả viết riêng cho tôi đọc vậy. Đó là cái lần tôi gặp "Bếp lửa " của Thanh Tâm Tuyền.
Có những quyển sách với những câu ghi chú rất ngộ nghỉnh làm tôi vừa đọc vừa cười như :" xạo vừa vừa thôi cha nội " hoặc "ai biểu ngu"...
Cũng có những cuốn làm tôi tức muốn phát ách vì đang đọc tới chỗ hấp dẫn lại bị xé rách mấy trang, hoặc chen vào những lời bình vô duyên hết chỗ nói.
Cái chồng sách cũ được tôi thu thập và lưu giữ như một báu vật ấy một ngày kia cũng rời bỏ tôi. Bởi tôi cho một đứa bạn rất thân của con gái mượn, không hiểu vì lý do gì đòi hoài y không thèm trả rồi đi đâu mất biệt.
Nơi tôi ở hiện giờ thiếu vắng những gánh ve chai nên thỉnh thoảng tôi nghe lòng buồn nhớ. Tôi nhớ cô bán ve chai mà mỗi lần ghé lại hay xin một ca nước lạnh rồi lót dép ngồi bệt xuống đất vừa uống, vừa kiên nhẫn chờ tôi lựa từng cuốn vừa cầm cái nón lá quạt liên tục. Nhớ cảm giác hồi họp khi lật tìm và niềm vui khi gặp một quyển sách hay. Nhớ những câu đề tặng hoa mỹ được viết một cách nắn nót gói ghém nhiều tình ý. Nhớ cái chồng sách cũ bị mất đi... nhớ tất cả thật thắm thiết y như nhớ những người bạn cũ...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: VH78 - Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 9 2014, 12:38
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Kính đại tỷ,

Đọc bài ‘Sách cũ” của đại tỷ, đệ mới nhớ lại. Năm 1978, một thằng nhà quê lỡ thi đậu nên phải lên Sài thành học. 18 đồng học bổng trường giao về ký túc xá, vậy là yên tâm về chuyện ăn ở. Nhưng tật (hơn bệnh) mê sách (nhất là sách cũ) thì quá tầm. Vậy là mỗi khi rãnh rỗi, đệ mò ra chợ sách cũ ở một hẽm nhỏ bên đường Calmette nhìn để đỡ thèm. Một lần, trong túi có được vài đồng, đệ chạy ra chợ sách. Hữu duyên. Tỷ biết đệ tìm được gì không? “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, 1 trong 15 ấn phẩm đặc biệt của nhà xuất bản Cảo Thơm, giấy trắng, dày, có đánh số thứ tự và đóng dấu triện đỏ. Chỉ vài đồng mà mua được kho vàng.

Nhưng chưa hết, đệ còn vui hơn nhiều vì:
Nghỉ được nửa tháng hè (thời đó nghỉ hè chỉ được nửa tháng), đệ về nhà, khoe quyển sách với Thái Lý, thằng em ruột. TL nói: anh cho em đi. Thương em, đệ vẫn phải nói: quyển sách này rất quý, em phải giữ (dịp khác đệ sẽ kể tại sao TL phải giữ quyển sách này). TL: anh cứ yên tâm.

Vài tháng sau, nghỉ Tết, về quê. Mùng 3 (Tết Thầy), vào trường thăm các Thầy Cô, trường rất vắng vì ai cũng về quê ăn Tết. Ra dãy nhà tập thể, quá may mắn gặp được cô Mai (tỷ còn nhớ cô Mai dạy văn?). Mừng gặp được cô, chỉ nói được vài câu cô đã cắt ngang: cám ơn D. đã tặng cô quyển “Vang bóng một thời”. Nghẹn lời, tự nhủ thầm: cám ơn TL, thằng em …
Tỷ ơi, vậy là quyển sách của đệ có mất cũng không bao giờ nói “rất tiếc” phải không tỷ.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 9 2014, 21:51
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
VH78 đệ ơi! Tỷ ước gì làm con trai để "nhậu" một bữa với đệ mà nói về cái đề tài nầy cho đã!
Cuốn " Vang bóng một thời ", tỷ mua tới hai lần. Lần đầu lúc còn học ở Tân Châu, mua ở cái nhà sách gần trường. Lúc đó tỷ mê nhất là sách củaTHẠCH LAM và NGUYỄN TUÂN. Khi lên SG học tỷ để tất cả sách lại nhà, má tỷ đem nộp cho nhà nước hết.
Một lần lục cái chồng sách cũ trong gánh ve chai của cô Ngọc, tỷ gặp lại nó, mừng muốn khùng luôn, tỷ giữ nó đến bây giờ. Tỷ quá thích cái nét khinh khoái của các nhân vật trong đó, cái tuổi già tao nhã, cái không gian êm đềm, cái cảm xúc nhẹ nhàng của vị trà buổi sáng. Cuốn sách ấy cho tỷ một hình ảnh đẹp về hoàng hôn của cuộc đời mà ngay từ thuở bé tỷ đã hằng ao ước !
Cám ơn đệ đã đọc, cám ơn đệ đã đồng cảm...Đời đẹp quá phải không? [Tỷ không có học cô Mai nhưng hết sức ngưỡng mộ và thương cô, tỷ không có nói xạo đâu ! Tỷ là vậy đó !]


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5, 6 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu