Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 15:36
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Tản mạn : LỆ ĐÁ XANH & NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU-NVT «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1002 | Trả lời: 0)
Tiêu đề bài viết: Tản mạn : LỆ ĐÁ XANH & NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU-NVT
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 12 2014, 05:17
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 24-11-1957
Ngày tham gia: 29 Tháng 6 2012, 12:52
Bài viết: 377
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Tản mạn về hai bài hát
LỆ ĐÁ XANH & NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU
Nguyễn văn Thắng

Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) tên thật Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13/3/1936 tại Vinh, Nghệ An và mất ngày 22/3/2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ do bệnh ung thư phổi . Ông vừa là một nhà thơ và cũng là một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam trước 30/4/75.

Vài bài thơ của Thanh tâm Tuyền đã được hai nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ nhạc và rất nổi tiếng, như Bài ngợi ca tình yêu, Đêm,Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng, Lệ đá xanh…

Nhiều người cho rằng nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền nhưng thực ra không phải hoàn toàn như vậy.

Nhạc sĩ Cung Tiến giữ nguyên tựa bài thơ “Lệ đá xanh” khi phổ nhạc, còn Phạm Đình Chương chỉ “mượn “ hai câu cuối để kết cho nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” của mình.
Ngoài đời hai ông là những người bạn tri âm tri kỷ.

Phạm Đình Chương ((Hoài Bắc - 1929 – 1991)


Ca sĩ, nhạc sĩ, ông là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt nam thuộc dòng nhạc tiền chiến,cuộc đời ông gắn liền với một bi kịch trong tình yêu và sự tan vỡ để rồi từ đó ông đã sáng tác những nhạc phẩm bất hủ như: Đêm cuối cùng, Người đi qua đời tôi, Đôi mắt người Sơn Tây, …Nhất là bài hát Nửa hồn thương đau đã trở thành biểu tượng cho khúc bi ca về một tình yêu tan vỡ và nỗi cô đơn trong tận cùng tuyệt vọng …

Trong tuyển tập “Mộng Dưới Hoa,” trang 14,Phạm Đình Chương kể lại :
“Viết xong (Nửa hồn thương đau) năm 1970, tại Ðêm Mầu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của anh Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, để dùng cho cuốn phim Chân
Trời Tím do Lê Hoàng Hoa đạo diễn. Ðoạn cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Ðá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến.” (Du tử Lê}

Ông cho biết thêm chỉ đến khi thời hạn giao nhạc đã cận kề mà ông không thể viết xong phần Coda thì tình cờ ông thấy phần Coda bài Lệ đá xanh của Cung Tiến viết tặng Ông trong tập nhạc để trên đàn Piano, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền rất phù hợp với bài hát ‘Nửa hồn thương đau’ và vì cả hai là những người bạn rất thân nên ông không ngại ngùng mà mượn hai câu cuối này để kết cho bài nhạc và có ghi rõ là mượn của Cung Tiến…

Và cô em gái Thái Thanh bằng sự đồng cảm thâm sâu với nỗi niềm thương đau của người anh,đã hát bài này với tất cả tâm tình!

Tuy nhiên trong Những Câu Chuyện Bên Lề , Lê Tấn Lộc đã kể lại rằng bài thơ Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền, được 2 nhạc sĩ tài danh Cung Tiến và Phạm Đình Chương cùng phổ nhạc với tựa là bài Lệ Đá Xanh và Nửa Hồn Thương Đau, là một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong một đêm Sài Gòn tầm tả mưa rơi tại nhà nhạc sỹ Cung Tiến.

Đêm ấy thành phố Sài Gòn mưa như trút nước, khi vũ trường Đêm Màu Hồng đã tàn cuộc vui Ông lái xe đưa hai người bạn (PĐC và KT?) đến nhà nhạc sĩ Cung Tiến.
Nhạc sĩ Cung Tiến, dù đã chếnh choáng hơi men vẫn cố gắng dìu đỡ hai ông bạn đã say khướt vào an tọa nơi phòng khách.

Ông cho biết vừa phổ nhạc xong bài thơ Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền,
Ông vừa dạo nhạc vừa khẽ hát bài Lệ đá xanh. Hai ẩm sĩ choàng tỉnh, chăm chú lắng nghe… hát xong ông rời dương cầm, rót rượu mời bạn.

Ly rượu trên tay, Phạm Đình Chương thong thả bước tới ngồi vào piano dạo nhạc mở đầu… cất tiếng hát buồn bã:

"Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa…
Cho tôi về đường cũ nên thơ…
Cho tôi gặp người xưa ước mơ…
Giọng hát trở nên vô cùng tha thiết, đến đoạn điệp khúc:
"Đôi khi anh muốn tin
Đôi khi anh muốn tin
Ôi những người
Ôi những người
Khóc lẻ loi một mình
Khóc… lẻ loi… một… mình……….".


Phạm Đình Chương ngồi bất động trước dương cầm. Chúng tôi bồi hồi xúc động… Sáng tác Nửa hồn thương đau của PĐC chào đời như thế đấy, muộn màng về sáng, sau một đêm mưa ồ ạt, dai dẳng…(Lê Tấn Lộc )

Có điều Lê Tấn Lộc không nói rõ thời điểm của đêm mưa gió này,trong khi Cung Tiến viết bài Lệ đá xanh tận năm 1957 thì PĐC viết Nửa hồn thương đau vào năm 1970, khoảng cách là 13 năm sao lại có thể “là một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong một đêm Sài Gòn tầm tả mưa rơi tại nhà nhạc sỹ Cung Tiến” được?Với lại chính nhạc sĩ PĐC cũng đã xác nhận trong tuyển tập Mộng dưới hoa về thời điểm và nguyên nhân ra đời của bài hát rồi còn gì!

Cung Tiến (1938 – )


Ông là nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng trong dòng nhạc tiền chiến khi còn rất trẻ. “Hoài cảm” được Ông viết năm 14 tuổi. Cung Tiến chỉ xem âm nhạc như một thú tiêu khiển và xem những sáng tác của mình như những ”bài tập” nho nhỏ nhưng đó lại là những nhạc phẩm tiêu biểu cho dòng nhạc tiền chiến với phong cách trữ tình lãng mạn của nền âm nhạc Việt nam thập niên 1950 của thế kỷ trước như “Hương xưa”, “Hoài cảm”, Nguyệt Cầm, Lệ đá xanh”…

Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm và phối cụ tại nhạc viện Sydney.Và trong tập nhạc “Ca Khúc Cung Tiến” do nhà xuất bản Kẻ Sĩ ấn hành vào tháng 11 năm 1972,bài Lệ đá xanh được ghi viết tại Sydney vào năm 1957, có ghi rõ là tặng Phạm Đình Chương.

Trong phần trả lời phóng viên Mặc Lâm của đài RFA vào Ngày thứ Năm, 13 tháng 4, năm 2006,nhạc sĩ Cung Tiến đã nói :
Tôi thấy bài thơ Lệ đá xanh rất buồn và rất độc đáo. Bài thơ này tôi phổ ở Sydney năm 1957 với mục đích gửi tặng Phạm Đình Chương…(Mạc Lâm)

Còn một điều nữa đã gây ra nhiều bàn cãi trong giới âm nhạc, phê bình đó là câu đầu tiên của bài hát:
Tôi biết những người sống/khóc lẻ loi…
‘Sống’ hay ‘khóc’ mới đúng ?

Trong tập bài hát “Ca Khúc Cung Tiến” do nhà xuất bản Kẻ Sĩ ấn hành vào tháng 11 năm 1972, thì câu này là :
Tôi biết những người sống lẻ loi…

Tuy nhiên theo bản gốc thơ Thanh Tâm Tuyền thì:
Tôi biết những người khóc lẻ loi…
Và các ca sĩ thể hiện bài này đều hát như thế!

Theo thiển ý, tôi thấy nếu là“ sống lẻ loi”thì không hay bằng “khóc lẻ loi”, tâm trạng hơn và mang hơi hướng của một nỗi bi thương,cô đơn cùng cực!

Trong 70 năm tình ca Việt nam, Hoài Nam cho rằng Lệ đá xanh là một bản nhạc rất khó sáng tác,khó hát,khó thưởng thức và khó cảm! Bởi vì nó lẫn lộn giữa nhạc và thơ,thơ và nhạc…

Tôi lại thấy bản nhạc này thực sự đúng như Cung Tiến đã nói về các bản nhạc của mình : Là các bài tập! Có thể xem bản nhạc này như một thử nghiệm thú vị của ông trong cái tự do, khoáng dật của giai điệu và cái tự do, khoáng dật này phụ thuộc vào cái nền căn bản,đầy cảm xúc tình yêu tuyệt vời của tứ thơ, tứ thơ dẫn dắt giai điệu,giai điệu nâng bước tứ thơ trải dài, phiêu linh qua các nhịp điệu thay đổi liên tục từ 4/4 sang 3/4 rồi lại 4/4,3/4,4/4…trên nền hợp âm C major rồi bất ngờ kết thúc lửng lơ bằng hợp âm E major kỳ lạ,còn hơn cả một sự thảng thốt,ngẩn ngơ tuyệt vọng …

Lệ đá xanh ở một cấp độ khác hoàn toàn so với Hương xưa,Hoài cảm hay các bài hát khác của Ns Cung Tiến!

Có hai ca sĩ hát bài Lệ đá xanh, với hai phong cách, chất giọng đối lập và khác nhau hoàn toàn!Người đầu tiên là ca sĩ Khánh Ly,người thứ hai là ca sĩ Camille Huyền (tên thật là Huyền Tôn Nữ Cẩm Hồng,là họa sĩ và ca sĩ tự do người gốc Huế, hiện sống ở Thụy Sĩ.

Bà cùng nhạc sĩ W.Giger hợp tác sản xuất ra Album Cung Tiến Art Songs khá thành công .

Ca sĩ Khánh Ly hát Lệ đá xanh với phong cách điềm đạm, khá lạnh lùng hát như không hát của mình và như giữ vai trò của một người kể chuyện,một câu chuyện tình buồn không phải của mình,hoặc của mình nhưng như là đã từ lâu lắm vậy, đã là kỷ niệm!
“Tôi biết những người khóc lẻ loi, hồn không nguôi, sầu không nguôi, đời quên yên bình cho người…”

Bà phiêu cùng dòng nhạc Cung Tiến lúc bay bỗng ngỡ ngàng:
“Nghẹn ngào không nói là những đêm nao, người ngắm trăng sao bềnh bồng. là những đêm mắt lệ, là những đêm mắt dâng lệ đá xanh…”

Lúc tiếc nuối buông xuôi nhưng tuyệt đối không sầu thảm,bi ai mà như những lời thầm thì,tự sự :
“Lệ đá xanh, ôi những đêm buồn một mình, ôi những đêm lẻ loi, sầu nâng chênh vênh tâm hồn…”

Niềm đau biến những giọt lệ thành những viên đá xanh vô tình,để rồi con tim rả rời trong trạng thái lửng lờ khắc khoải của câu kết:
“Đau đớn lệ, đau đớn lệ là những viên đá xanh. Tim rũ rượi...”

Và Bà đã thành công ngoài mong đợi với phần thể hiện tuyệt vời bài hát này!

Mời các bạn thưởng thức Nửa hồn thương đau do ca sĩ Thái Thanh hát trước 1975 và Lệ đá xanh do ca sĩ Khánh Ly hát.

LỆ ĐÁ XANH
(Thơ Thanh Tâm Tuyền-Nhạc Cung Tiến)

Tôi biết những người khóc lẻ loi, hồn không nguôi, sầu không nguôi, đời quên yên bình cho người.
Đời không yên vui là đó: lệ khóc không rơi ngoài hồn, lệ khóc không rơi ngoài hồn, hồn cô đơn...
Nghẹn ngào không nói là những đêm nao, người ngắm trăng sao bềnh bồng. là những đêm mắt lệ, là những đêm mắt dâng lệ đá xanh.
Lệ đá xanh, ôi những đêm buồn một mình, ôi những đêm lẻ loi, sầu nâng chênh vênh tâm hồn.
Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin ngoài đời chỉ còn trời sao đáng kể, mà bên vì sao lấp lánh đôi mắt em, và đôi mắt em lấp lánh không thôi đến ngày cuối...
Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin, ngoài đời thơm thơm, cỏ hoa ươm hương dịu hiền. mà bên trái cây ngọt ngào đôi môi em, ngọt ngào đôi môi em, ngọt ngào đôi môi em ...
Nguồn sữa mật khởi đầu.
Đôi khi anh muốn tin ngoài đời cỏ hoa tinh khiết, mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em, vòng ân ái, vòng âu yếm.
Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin...
Ôi những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình.
Đau đớn lệ, đau đớn lệ là những viên đá xanh.
Tim rũ rượi...


NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU

Sáng tác: Phạm Đình Chương –
(mượn hai câu cuối thơ Thanh Tâm Tuyền)

Nhắm mắt
Cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời

Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu? Em ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu

Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt…

Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người ôi những người
Khóc lẻ loi một mình
Khóc …lẻ loi …một mình!

NVT



Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Tản mạn : LỆ ĐÁ XANH & NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU-NVT «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 6 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 6 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 6 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 6 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu