CÔ THƠM : CÔNG-DUNG-NGÔN-HẠNH Chuong Duong
Cô Thơm người cao, gầy, chuyên dạy về may vá thêu thùa, dưỡng nhi, gia chánh; dạy cách đi chợ phải lựa chọn gạo, thịt cá, rau tươi, trái cây...thế nào để vừa rẻ...vừa ngon. Bốn mươi mấy năm, gần năm mươi năm qua rồi mà mình còn nhớ mãi hình ảnh và cách dạy của cô. Cô dạy học trò những bài học khôn để lớn lên dùng sự hiểu biết ấy làm hành trang vào đời.
Hôm nay ngồi lặt đậu đũa để xào tôm, mình bỗng nhớ lại cách cô dạy lựa đậu. Cô bảo đi chợ mua đậu phải chịu khó lựa từng cọng một chớ không nên làm biếng, muốn cho mau, hốt liền cả nắm cho ngay vào giỏ. Cô dạy nên kiên nhẫn, lựa cho được thứ đậu non, không dấu vết, không bầm dập, cọng đậu phải dài, màu sắc xanh tươi, mơn mởn...(Sao mà giống lựa vợ lựa chồng quá !)
Nhớ lời cô Thơm căn dặn, nên dù là đang sống trên cái đất nước mà mọi người đều vội vã, hối hả là cái nước Mỹ này, mỗi lần đi chợ mua đậu, mình đứng lựa từng cọng. Cái kiểu đi chợ mất rất nhiều thì giờ này vừa có lợi lại vừa có hại các bạn ạ! Lợi là chọn được thức ăn ngon cho gia đình, còn hại là khiến cho đức ông chồng của mình đôi lúc "nổi ghè tương", tưởng mình nhẩn nha ngoài chợ cho đàn ông rửa mắt, nghĩ cũng phiền. Mình kể các bạn nghe chuyện này, nghe cho vui thôi nhé: một lần vào chợ, mình gặp một con dê già, dê Mỹ. Con dê bám sau đuôi mình một lúc rồi tiến đến, hai tay cầm hai trái bưởi chìa ngay ra trước mặt mình, hỏi mình có thể dạy ông ta làm cách nào để bảo đảm lựa được bưởi ngon không. Các bạn thừa biết, con dê già này chỉ kiếm cớ để tán tỉnh thôi. Mình thuộc mẫu người luôn sẵn sàng làm việc...phước thiện, bèn trả lời ngay là chọn bưởi phải lựa trái mơn mởn, mọng, mịn, bóng láng và tròn trịa như...cái đít của em bé, đồng thời phải cầm trái bưởi mà vo, bóp, hễ cảm thấy bên trong có nhiều nước như trái vú sữa thì đó là bưởi ngon. Con dê Mỹ này có vẻ rất nể sự hiểu biết về gia chánh, chợ búa của mình nên hỏi xin mình số điện thoại, viện lý do là có thể cần hỏi ý kiến thêm. Mình mau mắn cho ngay lão ta một số điệnn thoại...ma.Hết chuyện ! Còn nói về vấn đề tiết kiệm cho ngân qũy gia đình, bây giờ mỗi khi mình "học khôn" về cách sử dụng tiền bạc, mình lại nhớ cô Thơm vô cùng. Mình có quen một bà người Mỹ tên là Suzy Oman, làm nghề "cố vấn tài chánh", bà ấy cũng khuyên mình nhiều điểm giống y như Cô Thơm dạy ngày xưa. Thí dụ: mỗi lần muốn uống cà phê thì đừng có làm sang đi mua cà phê Starsbucks, hãy chịu khó ở nhà tự pha cho mình một ly, vẫn thơm, ngon mà lại rẻ gấp 10 lần. Cô Thơm cũng từng dạy mình tương tự như vậy. Chẳng hạn cô dạy ăn cơm thì nên...đổ thêm nước nóng vào tô, vừa giúp ăn được nhiều mà lại ấm bụng, lợi cho sức khỏe. Mình nhớ cô Thơm còn dạy mình nên bớt việc giết thú vật để ăn thịt, nên ăn rau quả nhiều hơn, vừa tránh được tội sát sanh mà còn được cái lợi là giữ cho thân hình được mảnh mai, thon thả.Cô dạy còn nhỏ phải lo học, lớn lên cũng phải học, học cho đến ngày xuống lỗ. Cô ơi ! Sao càng học em lại càng thấy mình ngu dốt! Chu cha ơi!
Mình còn nhớ rất rõ cô Thơm còn dạy chúng mình về đề tài Công, Dung, Ngôn, Hạnh của người đàn bà thuần túy Việt Nam, mà điển hình cho đến ngày hôm nay mình thường áp dụng vào cuộc sống hàng ngày trên đất Mỹ.
CÔNG: mình phải tự đi "lao động", cày cuốc thấy mồ tổ mỗi ngày mới mang về được những miếng thịt heo xông khói đặt lên bàn ăn gia đình.
DUNG: Mình đầu tóc lúc nào cũng "highlight", chỗ đậm chỗ dợt, đan xen nhau để tạo tương phản, nổi bật và đẹp hơn. Tóc tai nhuộm vàng, nhuộm xanh, nhuộm đỏ, chải bới tối ngày, rồi còn phải soi gương để bảo đảm tóc mình suông sẽ."Cái tóc là gốc con người".
Cô Thơm dạy phải son phấn chút chút, quần áo...tươi mát chút chút trước khi đón chồng đi làm về. Khi chồng vừa đi làm về tới nhà, còn mệt, đừng có than thở, phàn nàn về chuyện này, chuyện kia đã xảy ra ở nhà (hoặc ở chỗ làm của mình) trong ngày. Chỉ những chuyện vui mới nên kể cho chồng nghe. Mọi thứ chuyện ngồi lê đôi mách thì đừng có bao giờ dạy dột đem ra kể. Chình bản thân mình, bằng sự tưởng tượng, mình đã tự tạo cho mình một cái túi gọi là "Negative Bag". Khi nào buồn phiền, giận dữ chuyện gì, thì mình lấy những cảm giác tiêu cực đó...quăng mẹ vào trong túi ấy, thắt chặt miếng túi lại, nhét vào dưới đít tủ nào đó là quên ngay. Làm như vậy để giành thời giờ quý báu ít ỏi trong những ngày tàn của tuổi già mình còn có được để ..."úm" ông chồng.
NGÔN: Mỗi khi sắp mở miệng nói ra điều gì thì phải cắn răng, cắn lưỡi, suy nghĩ cho chính chắn. Ngôn ngữ và ngòi bút khi phát ra rất bén nhọn, nó có thể giết người ta chết cả tâm hồn, còn hơn là đao kiếm nữa. Cô Thơm dạy khi ông chồng đang nổi nóng về bất cứ chuyện gì, nhất là khi gặp những rắc rối trong công cuộc làm ăn, thì mình phải sẵn sàng cởi mở, tìm hiểu chồng. "Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở thưa anh giận em ...cái khỉ khô gì?" Hoặc là: "Em có thể làm gì cho anh hết giận em không?" Hoặc là "Miễn anh hết giận, anh muốn em làm gì, thì em làm cái đó", vv...và vv...
HẠNH: Có phải là hạnh kiểm không? Có lẽ cô Thơm muốn dạy mình đã là đàn bà Việt Nam thì phải đàng hoàng, đứng đắn,"đừng đứng đái ngoài đường", đừng có lúc nào cũng liếc mắt đưa tình với bọn đàn ông con trai mà phải mang tiếng là thứ đàn bà, con gái "Bay bướm". Cô Thơm còn dạy: "Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp".
Lớn lên, mình ra đời, có gia đình, mình không những có được cái quyền làm ...thợ nấu ăn trong cái nhà bếp mà thôi. Mình còn được quyền tự chọn thực đơn mỗi ngày cho gia đình, "Mẹ nấu cái gì con ăn cái đó". Ở phòng khách mình còn được cái quyền tập tành nói chuyện chánh trị, chánh em, Công Hòa hay Dân Chủ..., như một chánh khách và còn tập nói đủ thứ chuyện trời mây trăng gió "hầm bà lằng" khác nữa. Còn ở phòng ngủ thì thôi, khỏi phải nói: một cái trách nhiệm nặng nề mà muốn "hoàn thành xuất sắc" trách nhiệm này thì người đàn bà phải nghiêm chỉnh học hỏi. Nhưng chu cha ơi ! Hình như những điều mình muốn tâm sự ở đây là những điều "cấm kỵ" ở bên Việt Nam, mình phải hỏi lại ông Bá cho chắc ăn rồi mới dám viết, sợ bị hiểu lầm là thứ ăn nói bừa bãi.
Nói về dưỡng nhi thì xin thành thật cám ơn cô Thơm đã dạy cách thay tả. Ở Mỹ không cần giặt tả, thay rồi là bỏ thùng rác, sướng thì thôi. Cô Thơm dạy khi thay tả cho con thì bà mẹ phải: "ngậm họng"lại. Mình đã từng có kinh nghiệm về chuyện này, đã biết vì sao mà phải "ngậm họng" lại. Khi mình có thằng con trai đầu lòng, thằng Benjamin, mình vui sướng như thể là...đang được yêu vậy, nên mình cứ cười hoài. Một hôm nọ, mình thay tả cho con, vừa làm vừa cười, hả họng chàng hoạc đúng lúc thằng nhỏ "tè". Nó đái búng vào ngay... cổ họng mình. Thế cho đáng đời, ai biểu Cô giáo đã dạy rồi mà không nhớ.
Nói về may vá, thêu thùa thì nhờ Cô Thơm dạy căn bản vỡ lòng, lớn lên mình may vá hoài nên nhuyễn tay nghề.Từ 1970-1975, mình nhìn mấy tờ tạp chí "Paris Match" của Ba đọc ở nhà mà bắt chước kiểu này kiểu kia, lần hồi may được áo dài dạ hội cho mấy cô vũ nữ làm việc trong các vũ trường, kiếm được khá nhiều tiền.
Biết bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa, bây giờ chỉ còn ngồi nhớ lại thôi, chớ không thể nào "sờ mó" được. Nghĩ tới thêm buồn, buồn lắm !
|