Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 29 Tháng 3 2024, 09:22
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271437 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: DÌ SÁU THỌ
Gửi bàiĐã gửi: 31 Tháng 5 2015, 21:32
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
DÌ SÁU THỌ
Tôi học ở người giàu cách thành công, nhưng người nghèo khó lại cho tôi những bài học bổ ích hơn về cách sống, và bài học quí giá nhất mà tôi được nhận, chính từ dì Sáu Thọ.
Ông bà ta hay nói “KHÔNG AI GIÀU BA HỌ, KHÔNG AI KHÓ BA ĐỜI”, điều nầy hầu như đúng 90% , nhưng lại không xãy ra cho gia đình dì Sáu.
Lúc bà ngoại còn sống, ngoại hay sai tôi mang cau qua cho bà Ba , má của dì. Muốn bước vô nhà dì, tôi, một đứa bé chín, mười tuổi phải khom lưng, cúi đầu chun qua tấm liếp. Vào thời ấy , có những căn nhà cất rất đơn sơ, không làm cửa mà chỉ lấy lá kết thành một tấm vách, che suốt chiều ngang căn nhà, được cột dính vô mái , rồi dùng hai cây tầm vông chống lên làm cửa.
Bốn mươi năm sau tôi về thăm, nó vẫn là căn nhà nhỏ, tuy cửa nẻo hẳn hoi nhưng vẫn là một trong những căn nhà lá duy nhất còn lại trong xóm.
Dì tên Thọ nhưng hễ ai hưởng hết tuổi thọ thì lại cần đến dì, bởi dì chuyên khâm, liệm người chết.
Đó không phải là nghề của dì, nhưng nhà nào có người vừa trút hơi là dì vội tìm tới liền để lo cái việc mà ít ai dám làm. Thoạt đầu dì chỉ làm giúp họ hàng, lối xóm khi được nhờ tới, rồi sau đó dì bỗng phát tâm, xem việc đó như bổn phận của mình. Dì hay nói:
-Tui nghèo lắm ! chắc tại kiếp trước sống hổng tốt. Bây giờ còn một chút hơi sức làm được cái gì cho bà con được là làm, kiếm chút phước để lại cho con, cho cháu.
Cho nên hể nghe ở đâu có người vừa qua đời là dì tìm đến, nếu không được người nhà của họ đến rước,thì cuốc bộ bằng đôi chân ốm nhom nhưng dẽo như tre của dì.
Và dì làm việc ấy bằng tất cả tấm lòng của mình. Cái cách dì nhúng khăn vào nước nóng pha rượu để lau từng kẻ tay, kẻ chân cho người vừa quá cố. Cái cách dì xỏ cái tay cứng đơ của họ vào cái áo liệm, sửa tới sửa lui cho y phục chỉnh tề, nắn nhẹ cho hai cánh tay dãn ra để xuôi theo hai bên sườn, rồi sửa lại cách nằm sao cho thật thư thái. Cái cách dì vuốt mái tóc của họ lại cho thật gọn gàng. Cái cách dì xếp đồ dùng một cách thứ tự, rải những lá trà khô một cách nhẹ nhàng xung quanh, như sợ làm họ nhột rồi giật mình trong giấc ngủ êm đềm,làm cho ai trông thấy cũng phải đem lòng kính phục. Dì làm với sự tận tâm, tỉ mỉ từng chút một như thể muốn đưa tiển người vưa ra đi một cách vô cùng trân trọng, để họ còn mang theo một chút hơi ấm của tình người vậy.
Rồi dì bị bịnh làm bà con nhốn nháo. Ai cũng lo, cái bàn cầu nguyện đặt ra trước sân nhà dì đêm nào cũng có đông đủ bà con đến dự. Người ta mang cá lóc, sữa, cam…đến tặng để dì dùng cho có sức mà đẩy lui bịnh tật.
Đám ma của dì ai cũng khóc, hầu như cả xóm đều đến tiển dì. Dì không biết chữ nhưng đã dạy cho tôi một bài học quí giá, rằng chẳng những phải làm điều tốt đẹp với người sống mà cả với người đã khuất nữa .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ANH HAI CÒN
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 6 2015, 00:38
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
ANH HAI CÒN


Lúc tôi còn nhỏ đa số đàn bà con gái trong xóm đều bới, hoặc kẹp tóc. Đàn ông con trai thảy đều hớt ngắn, chỉ một vài người già như ngoại tôi và mấy người bạn của ông còn bới tóc, và duy nhất, chỉ có gia đình cậu Bảy Của là cả nhà trai gái đều bới tóc hết ráo !
Cậu Bảy có bốn người con, hai trai đầu, hai gái cuối. Ngoài làm ruộng cậu còn có thêm cái nghề làm dụng cụ bắt cá như lọp, nơm, dớn…để bán. Cậu vẫn giữ nguyên cung cách lề thói cũ. Khi đi đồng hoặc ở nhà cậu ở trần mặc quần ngắn. Qua nhà lối xóm, cho dù sát bên nách cậu cũng phải mặc vào một bộ bà ba đen. Đến những buổi tiệc quan trọng như cưới, gả… cậu vận áo dài khăn đóng hẳn hoi.
Thời đó thanh niên hâm mộ cái chữ “tân thời” lắm ! Cho nên những người con của cậu Bảy ít được trân trọng. Mấy chị gái còn đỡ, chớ mấy anh trai, với cái cục "xi nhon" tròn như trái cam sau ót, với bộ đồ bà ba đen cùng đôi guốc mộc có cái quai bằng vỏ xe… họ trở nên lạc lỏng trong đám bạn cùng trang lứa. Ít thấy họ xuất hiện trong những buổi đờn ca tài tử, những đám nhậu nhẹt mà chỉ góp mặt trong những việc làm vằn công như lợp mái, cất nhà, gặt hái…
Anh hai Còn là một người đặc biệt sống trong gia đình đặc biệt. Anh ít nói, tướng lù đù, bị trêu chọc chỉ nhăn răng cười đáp lại chớ chẳng hề tức giận. Anh ít được thiếu nữ trong làng để mắt tới dù nổi tiếng cắt lúa, làm ruộng giỏi nhất vùng.
Cậu Tư Nêm của tôi là người có cặp mắt tinh thông. Chẳng những cậu biết lựa bắp, lúa, heo, bò… tốt về làm giống, mà còn biết nhìn người. Cho nên từ lâu ổng đã nghoéo tay hứa làm sui với cậu Bảy, gã con gái út của cậu cho anh hai Còn. Chị Út phản đối cái chuyện nầy dữ lắm ! Chỉ thương anh Xưng ở tuốt trên xóm chợ cho nên đến gần ngày đám nói, chỉ không thèm xin phép tía má, tự tiện đi lên chợ quận uốn cái đầu quăn tít.
Khỏi phải nói là cậu Tư giận tới chừng nào. Ổng bắt chỉ cúi nằm dài trên bộ ngựa gõ rồi quất không thèm đếm đến giập cây roi làm bằng nhánh tre non. Chị Út không khóc một tiếng. Tối đó chỉ xách gói, bỏ nhà đi luôn.
Cả hai nhà đều xính dính, họ cố bưng bít chuyện nầy. Cậu Tư cùng gia đình túa ra đi tìm chị Út. Cậu đến nhà anh Xưng không thấy cả hai ở đó. Ba má anh Xưng chưng hửng họ nhất quyết không chấp nhận vì đã bỏ hàng rào thưa một cô gái khác cho ảnh rồi !
Gần một tháng sau chị Út mới về nhà, chị không dám về liền mà ghé nhà bà dì ruột rồi nhắn má chỉ qua đón. Chỉ xác xơ, tiều tụy như tàu chuối héo, ai hỏi câu gì cũng không trả lời, nước mắt chảy ròng ròng mà không hề bật ra một tiếng khóc nào.
Mấy ngày sau anh hai Còn bưng mâm rượu, mặc áo dài khăn đóng qua nhà xin cậu Tư cho ảnh cưới chị Út. Ảnh đi một mình vì tía má ảnh vẫn chưa nguôi giận.
Một thời gian sau cái đám cưới rất nhỏ được tổ chức, chủ yếu là họ hàng cùng vài người láng giềng thân thích mà thôi. Chị Út làm dâu chẳng bao lâu thì được bên chồng cho ở riêng, anh chị cất cái nhà lá nhỏ trong miếng đất tuốt sau hè, để tiện tưới tiêu, chăm sóc cho mấy công rẫy xung quanh.
Chị Út bây giờ là người phụ nữ hạnh phúc nhất xóm. Qua một lần nông nổi chị đã biết nhận xét một cách chính chắn. Chị đã thấy được cái giá trị của chồng. Đối với chị, anh đúng là một trang quân tử, hơn hết thảy những người chị gặp ngoài đời và cả các nhân vật trong những quyễn truyện tàu mà chị từng đọc nữa!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: LỤC VÂN TIÊN
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 6 2015, 23:33
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
LỤC VÂN TIÊN
Đã hơn một tháng nay, Nam mới ghé vào siêu thị. Từ ngày chia tay với bạn gái thì những nơi hai người thường lui tới chàng đều cố tránh. Hôm nay bắc đắc dĩ Nam phải vào đây vì cái tủ lạnh đã trống, chàng lại phải mua một món quà mừng tân gia cho một đồng nghiệp, nên chẳng đặng đừng được nữa.
Đẩy xe đồ đầy nhóc, chàng đứng xếp hàng sau một hàng người dài sọc. Cuối tuần, siêu thị đông gấp mười ngày thường. Nam lấy điện thoại ra xem cho đỡ sốt ruột, bị cuốn hút vào nó cho đến khi nghe tiếng cô thu ngân, nói với người khách đứng ngay trước mặt chàng:
-Còn ba mươi lăm ngàn nữa mới đủ!
Một giọng nói đặc sệt chất miền tây làm Nam chú ý:
-Sao mà mắc dữ vậy, hôm trước tui mua đâu tới giá đó! Cô ngó lại giùm coi có ghi lộn giá hông?
Cô thu ngân trả lời bằng cái giọng cố kềm chế:
-Không có lộn đâu, chai rượu nầy là mắc nhứt ở đây, hay cô lấy chai khác đi.
Cô gái ấp úng:
-Tôi được dặn phải mua cái hiệu nầy, cô có thể cho tôi thiếu hông, ngày mai tôi ghé trả liền?
-Xin lỗi cô, không được. Mời cô lần sau đến mua vậy.
Cô ta vừa nói vừa đưa mắt nhìn An, giục chàng tiến lên để xua cô gái kia một cách gián tiếp.
Long tiến lên một bước đứng ngang cô gái rồi liếc nhìn, ngay lập tức lảo đảo liền! Chao ôi người đẹp như vầy mà bị quê thì tội quá! Trong lòng Nam chợt bật dậy một niềm thương cảm, nghĩ thầm, cô gái nầy chắc quen với nếp sống ở thôn quê, nơi mà người ta có thể ra chợ với cái túi ít xịt tiền, có thể mua thiếu chịu rồi hôm nào ghé trả. Chàng giữ cô ta đứng lại bằng một câu nói:
-Để tôi cho cô mượn nhé!
Cô gái quay lại nhìn Nam, mặt đỏ ửng, giọng bối rối, cô giải thích:
-Tại tui cần gấp quá nên đành làm phiền anh vậy!
Rồi ngập ngừng hỏi:
-Làm sao tôi trả cho anh?
Nam cười:
-Cô và tôi còn tới chỗ nầy hoài mà, chừng nào gặp nhau thì trả.
Thấy cô gái còn ngần ngừ, cô thu ngân mách nước:
-Thì cô xin số điện thoại của ảnh, hẹn gặp để trả lại, dễ ợt mà!
Thế là cô ta chấp nhận với lời cám ơn ngượng nghịu và gương mặt đỏ thêm một chút.
Trả tiền xong, vừa bước chân ra khỏi siêu thị, cái điện thoại bỗng run bần bật trong túi áo. Nam lấy ra xem, một dãy số lạ hoắc, chàng không muốn bắt nhưng chẳng hiểu sao lại bấm nút nghe, đầu giây bên kia tiếng một người con gái lạ:
-Xin lỗi, tôi lại làm phiền anh nữa rồi!
-Cô là ai?
-Dạ tôi là người vừa mượn tiền anh trong siêu thị. Anh có thể cho tôi mượn thêm một ít không vậy?
-Cô định mua thêm món gì nữa hả?
-Dạ hổng phải. Tôi chỉ mượn năm ngàn để đi xe buýt thôi hà. Hồi nãy tôi vét hết tiền để trả nên…
Nam phì cười, thầm nghĩ cô gái nầy coi bộ thuộc cái típ người hậu đậu đây:
-Cô đang ở đâu?
-Dạ tôi đang ngồi ở cái chỗ đợi xe buýt trước siêu thị.
-Tôi thấy rồi, tôi cũng đang tới đó đây.
Cô gái đứng lên đón Nam với bộ dạng của cô học trò không thuộc bài trước ông thầy giáo. Nam hỏi:
-Cô đi tuyến số mấy?
-Dạ một trăm lẻ hai.
-Tôi cũng vậy.
Xe tới, hai người lên ngồi cạnh nhau trên cái băng ghế kê gần sát cửa. Qua chuyện trò Nam được biết cả hai ở cùng một khu chung cư, khác lô và vì cổ mới dọn về nên chàng chưa có dịp gặp. Thế là cả hai cùng đứng chờ, cùng lên xe và ngồi cạnh nhau. Lúc họ xuống xe thì cái nét bẽn lẽn trên mặt cô gái đã biến mất, thay vào đó bằng vẻ tinh nghịch, láu lỉnh rất dễ thương. Ngoài cái tên ra họ còn biết thêm một số đều về nhau.
Nam chợt nghĩ:
-Mình với cô gái nầy con bộ có duyên. Nếu không sao hôm nay xe lại hư bất tử nên phải dùng xe buýt?
Tối đó, khi đang lui cui nấu ăn, Nam lại nghe điện thoại reo và tiếng Như, cô gái ấy:
-Xin lỗi! Anh có ở nhà hông đặng em đem tiền tới trả?
Nam tự nhủ “ chà cái cô nầy tiến nhanh ghê ta, chuyển qua xưng em ngọt xớt “. Chàng vừa cười vừa trả lời :
-Anh đang ở nhà đây.
Mấy phút sau Như đến, tay còn xách theo cái gà mên. Nam hỏi:
-Làm cái gì mà gấp dữ vậy? Mai mốt còn gặp dài dài mà.
-Dạ tại cái tánh của em hể thiếu nợ là bức rức lắm, trả rồi trong mình mới yên. Với lại hôm nay em có làm mắm kho. Biết quê anh nổi tiếng về mắm nên em đem qua mời, hổng biết có vừa miệng anh hông?
Nam cố kìm mà cái giọng vẫn nghe háo hức:
-Sao Như biết tôi đang thèm mà cho hay quá vậy?
-Thiệt hả anh?
Như vừa hỏi vừa nhìn Nam bằng đôi mắt sáng rở .
Mùi mắm kho thơm phức đánh thức cơn cuồng nộ của cái bao tử từ lâu bị bạc đãi. Nam rủ:
-Như ăn cơm chưa, ở lại ăn chung với tôi cho vui?
-Anh nấu cơm có nhiều hông mà mời vậy?
Nam mở nắp nồi cơm điện, Như ngạc nhiên:
-Trời đất! Bộ anh ăn như Thạch Sanh sao mà nấu một nồi đầy nhóc vậy?
-Tôi nấu một lần ăn cả tuần luôn.
-Nấu kiểu đó ăn ngán chết!
-Cơm hơi dở nhưng khỏi mắc công mỗi ngày mỗi nấu, chỉ cần bới một tô rồi cho vô máy vi sóng quay lại là xong.
Như liếc mắt nhìn vô cái nồi Nam bắt trên bếp rồi hỏi:
-Anh làm món gì vậy?
-Tôi kho thịt.
-Bộ anh không bỏ nước màu hay sao mà thịt trắng nhách vậy?
-Bỏ nước mắm không hổng được sao?
-Hổng mấy thơm, mà màu cũng không đẹp nữa.
Rồi Như biểu Nam tránh qua một bên, nàng nhắc liền nồi thịt xuống, bắc chảo lên cho đường vào thắng nước màu để sửa cái món thịt kho nhợt nhạt ấy.
Món mắm kho của Như nấu ngon hết sức. Cách nấu ăn của Như cũng giống nhà Nam. Trong tô mắm có đủ thứ, cá lóc,thịt ba rọi, cà tím, đậu bắp, khổ qua. Như còn cho thêm đậu đũa nữa. Rau ghém có gần chục thứ nào là giá, bông súng, dưa leo bầm ngang cắt sợi nhỏ rí, kèo nèo, chuối cây, rau sống các loại và cả ngò gai xắc nhuyễn.
Nam ăn ngấu nghiến làm mặt mày Như rạng rở. Trước khi về Như còn xăn tay áo rửa hết cả đống chén cho Nam dù chàng cố ngăn. Nồi thịt kho Như chế biến lại vừa thơm, vừa ngon, màu vàng óng nhìn rất hấp dẫn. Nam định ăn cả tuần vậy mà mới ba ngày là sạch bách. Nhận xét ban đầu của Nam về Như bỗng đảo ngược 180 độ. Nam ngày càng thấy mến Như hơn, chợt nhớ tới người mẹ quá cố của mình. Má của Nam nấu ăn ngon lắm nên bữa cơm nhà chàng bao giờ cũng ngập tràn sinh khí. Ba của Nam có lần nửa đùa, nửa thật bảo chàng:
-Cái bao tử của đàn ông ở gần trái tim. Con ráng lựa cho được một cô vợ biết nấu ăn như má mà nhờ!
Kể từ hôm ấy cách vài tuần Như lại sang chơi, chủ yếu mang thức ăn qua khoe và nấu giùm vài món cho Nam để dành ăn suốt cả tuần. Mới có bốn tháng thôi mà sự hiện diện của Như trở nên quá cần thiết. Nam cứ mong đến cuối tuần để được gặp Như, và nếu Như không đến thì cả mấy ngày sau đó Nam đều ủ dột. Cái vết thương của cuộc tình ba năm vừa để lại, mà Nam cho rằng sẽ biến thành ung thư và kết liễu luôn sự nghiệp tình ái của chàng, bây giờ chẳng còn hành hạ nữa. Nó lên da non rồi liền sẹo nhanh chóng quá làm Nam ngạc nhiên rồi đâm ra bất mãn với chính mình.
Mấy lần Nam muốn ngỏ lời cùng Như, nhưng không hiểu sao cái cô gái mà ngày nào Nam cho là hậu đậu ấy cứ mỗi ngày lại “tăng giá “ trong lòng chàng. Nam đâm ra tự ti, chàng bỗng nhận ra rằng Như đẹp, Như hiền, Như trong sáng hơn tất cả những cô gái mà chàng đã gặp và một người tuyệt vời như Như chắc đã có người “xí” mất rồi.
Một hôm cả hai đang ngồi nói chuyện bỗng điện thoại của Như reo. Như nghe máy, không biết người bên kia nói cái gì mà Như chỉ trả lời có ba chữ “Lục vân Tiên”. Như gọi cái tên ấy một cách âu yếm làm Nam chú ý. Nhiều tò mò cộng một chút ghen tuông thôi thúc làm Nam đành dẹp cái phép lịch sự qua một bên mà hỏi Như:
-Lục vân Tiên là ai mà nghe Như gọi có vẻ trìu mến dữ?
Như cười, giọng pha chút tinh nghịch như cố chọc tức Nam:
-Đó là người mà em quí nhất .
Nam bỗng nghe buồn, gương mặt thiểu não của chàng làm Như thấy tội, Như hỏi:
-Anh muốn biết người đó là ai không?
Nam chưa kịp trả lời đã thấy Như cầm điện thoại lên bấm bấm rồi đưa cho Nam xem. Dưới cái tên Lục Vân Tiên là số điện thoại của chàng. Nỗi mừng vui như sóng dâng lên làm Nam bị ngợp. Phải mấy phút sau Nam mới trả điện thoại lại cho Như và nói :
-Chắc anh phải tặng Như cái thẻ ATM quá!
Như ngạc nhiên :
-Chi vậy?
Nam đáp bằng giọng âu yếm:
-Để không có một anh chàng “Lục vân Tiên “ tương tự nào xuất hiện nữa.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: THƯƠNG MUỘN
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 6 2015, 20:15
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
THƯƠNG MUỘN


Mỗi năm Ti được về thăm bà nội một lần vào dịp nghỉ hè. Đây là thời điểm mà nó yêu thích nhất bởi mê khu vườn trồng toàn cây ăn trái, con mương đầy cá, cánh đồng mênh mông cùng bầu trời xanh lồng lộng với những chiếc diều bay lượn.
Những đứa bạn ở quê dễ thương hết sức! Chúng chia cho Ti từng củ khoai, trái ổi. Chặt cây điên điển làm cù móc để nó thọc mấy chùm me nước. Bắt con quýt, con cam, lấy chỉ cột rồi quay vòng vòng cho chúng dang rộng hết mức đôi cánh mà bay vù vù, để nó khoái chí cười toe.
Ti chẳng những được nội, mấy đứa bạn nhỏ thương yêu, chiều chuộng hết mức mà còn được dì út Xíu bán bánh tai yến rất cưng, cho ăn bánh thả giàn và còn làm cho nó thật nhiều đồ chơi nữa.Thế cho nên lần nào Ti xuống đò để về nhà đi học là con sông như mặn hơn bởi những giọt nước mắt. Ti cứ khóc mãi, đến độ ba nó phải trách:
-Bộ con không nhớ má sao?
Có chớ, Ti nhớ má lắm, nhưng má cứ bận bịu suốt ngày với cái tiệm tạp hóa, nên đâu có thì giờ chơi với nó như lũ bạn. Má cũng ít khi chuyện trò cùng Ti, chắc tại tánh má quá ít nói. Cho nên Ti khao khát mùa hè bằng tất cả tấm lòng của mình, để lại được về lại ngôi nhà lá bên dòng sông nhỏ êm đềm ấy. Nội sẽ đứng đón nó dưới cái giàn mướp trĩu trái lòng thòng chen mồng tơi xanh mướt. Mấy đứa bạn cũng chuẩn bị sẵn cần câu và ngay khi nó vừa đặt chân lên bờ thì hầu như chúng đã chực sẵn. Ti chỉ kịp khoanh tay chào rồi hun lên cặp má nhăn nheo của nội một cái là bị tụi bạn kéo ra bờ mương liền. Bao giờ cũng vậy, dì út Xíu lại xuất hiện với mấy món đồ chơi được dì nặn từ bùn, tết từ rơm, đẻo gọt từ tre, gỗ và gói bánh tai yến nóng hổi được gói trong lá chuối. Nó và mấy đứa bạn reo lên, chúng hấp tấp cầm lên rồi cắn ngập răng những cái bánh còn tươm dầu ướt nhẹp ấy. Ti nói:
-Tụi bây sướng ghê, ngày nào cũng được ăn bánh.
Tụi bạn cự nhoi:
-Có đâu mà ăn. Chừng nào mầy về tụi tao mới được ăn ké thôi!
-Sao kỳ vậy ? Nó ngạc nhiên hỏi.
-Tại dỉ thương mầy, cho mầy bánh nè, đồ chơi nè, đủ thứ hết.Tụi tao gặp dỉ hà rầm hoài mà dỉ hổng có cho gì ráo!
Nó lấy làm hảnh diện quá, chấp nhận cái sự ưu ái ấy chẳng chút bận lòng.
Khi Ti được mười tuổi thì nội mất. Lần ấy có cả má cùng về để chịu tang cho nội. Nó khóc nhiều hơn tất cả những người có mặt. Nó thương nội và linh cảm rằng, cùng với nội, những trò vui, những tháng hè êm đềm cũng sẽ ra đi. Mở cửa mả cho nội xong, mấy đứa bạn rủ nó ngồi nán lại bên chòm mả. Lúc ấy dì út Xíu lại xuất hiện, dì ôm chầm lấy nó, lần nầy không có những cái bánh tai yến mà chỉ là những lời lấp bấp:
-Tội nghiệp… Con còn về nữa hông? Con có thương dì hông ?
Nó gật đầu thay cho câu trả lời. Dì lấy trong cái giỏ đệm ra một con búp bê to bằng trái bầu đưa cho nó rồi dặn:
-Con giữ kỹ mà chơi, đừng có nói với ai là dì cho hết nghe?
Nó mừng đến quên cả cám ơn, sao dì biết Ti thích búp bê mà cho nó vậy ! Mấy đứa bạn cũng vui lây, đứa nào cũng xin được bồng con búp bê một lần và đều đưa mặt vào sát cái gò má của con búp bê mà hun đến móp mũi.
Ti bồng con búp bê vào nhà bằng cả hai tay, cái nỗi buồn về nội đã tạm lùi xa. Bỗng má hỏi nó :
-Ở đâu ra con cúp bế nầy vậy ?
Nó ấp úng:
-Người ta cho con.
-Ai cho ?
Nó nhớ lời dì út dặn nên đành nói dối:
-Tụi nó cho con.
Má nó không hỏi nữa nhưng nét mặt lại hiện vẻ không vui.
Hè năm đó nó không được về thăm quê. Ngày giỗ nội ba của Ti đòi dắt nó theo nhưng má không cho, má sợ nó mất bài vở rồi học thua bè bạn.
Ba về, mang cho nó một gói bánh và mấy chiếc khăn tay thêu bông rất đẹp, ba nói:
-Có người gữi cho con đó.
Nó hỏi:
-Ai vậy ba? Có phải dì út hông?
Ba nói:
-Ai cũng được, hỏi làm gì.
Mỗi năm ba lại về giỗ nội một lần, chẳng bao giờ Ti được đi theo, lần nào ba cũng đem bánh và đồ chơi về cho nó. Dần dần nỗi mong mỏi được về quê để thăm bạn bè và dự những trò chơi cũ đã tắt ngấm. Gương mặt của những đứa bạn và các trò chơi ngày xưa đã thưa dần thôi thúc. Mấy chiếc bánh tai yến ba đem về bị thiu vì nó ăn không hết.
Ngày sinh nhật mười sáu tuổi của Ti, ba cho nó một sợi dây chuyền vàng có cái mặt hình phật bà quan âm ngồi trên bông sen. Ba nói:
-Cái nầy mắc tiền lắm nghe, để bên trong áo chớ đeo lòng thòng bên ngoài là bị giựt đó !
Tối hôm ấy Ti nghe ba và má gây lộn. Nó đã lớn nên qua câu chuyện, biết rằng dì út là bồ của ba ngày xưa và đang cố tìm cách mua chuộc nó bằng cách tặng nó những món quà nho nhỏ và cả sợi dây chuyền đắc tiền nữa.
Nỗi thắc mắc mơ hồ trong nó bây giờ đã được giải tỏa, chút tình cảm dành cho dì út đã đổi thành lòng căm ghét. Ti gom hết mấy món quà dì cho đem bỏ chỉ giữ lại sợi dây chuyền, nhưng không đeo mà để dưới đáy cái hộp thiếc đựng đồ cũ rồi cất vào trong tủ.
Ba của Ti hầu như không còn về quê nữa, ngày giỗ nội được cúng tại nhà. Một hôm chú Tư đột ngột lên thăm, chú nói cái gì với ba không biết mà ba bắt Ti nghỉ học về quê gấp. Má không phản đối, còn giục Ti :
-Đi liền đi con để má xin phép cho.
Ba không dắt Ti về thẳng nhà nội mà ghé qua nhà thương tỉnh. Ba hỏi cô y tá ở bàn tiếp nhận rồi quay liền trở ra nói với chú Tư:
-Đưa về nhà rồi.
Chú Tư chạy ra bến tàu, thuê trọn một chiếc đò máy rồi hối người chủ đò :
-Anh làm ơn chạy thiệt nhanh giùm tui .
Chiếc đò lướt sóng chạy băng băng, khoảng hai tiếng sau mới cặp vào một cái doi đất, nơi ấy có một căn nhà lá nhỏ xíu cạnh bờ sông với vài người đứng lô nhô trước cửa. Thấy chiếc đò đậu lại, một người phụ nữ kêu to :
-Tới rồi, tới rồi.
Ba Ti lôi nó đi như chạy vào căn nhà lá nhỏ, vừa trông thấy ba con nó. Dì bảy Nhỏ, chị ruột của dì Út đang ngồi trên ghế đẩu đặt sát bên cái chõng tre bật khóc nức nở thốt:
-Trễ rồi Hai ơi, nó vừa mới đi tức thì. Trời ơi phải chi tới sớm hơn một chút cho nó thấy mặt con nhỏ.
Ba đẩy Ti đến sát bên cái chỏng, lật tấm vải đậy mặt của một người nằm trên đó rồi nói với Ti:
-Lại nhìn mặt má con lần cuối đi Ti.
Ti điếng hồn. Nó bỗng hiểu vì sao có một lần dì út cứ theo năn nỉ nó gọi dì bằng má hoài, và vì nó không chịu nên dì buồn đến rơi nước mắt. Vì sao mỗi khi dì thắt bính cho Ti, trên đầu nó hay có những giọt nước âm ấm rơi liên tục mà dì giải thích là nước miếng của con chim se sẻ.
Trên vách lá, sát bên cái chõng dì đang nằm là tấm hình của Ti chụp vào ngày tết khi còn rất nhỏ được ép nhựa cẩn thận. Một chồng khăn tay thêu mới tinh được xếp ngay ngắn, đặt cạnh dì, giống hệt những chiếc khăn ngày xưa ba đã đem về, chắc dì làm cho nó và chẳng có dịp đưa. Mấy bộ đồ cũ mèm được để cạnh chồng khăn. Dì Bảy thấy Ti nhìn chăm chăm mớ đồ thì chép miệng nói:
-Tội nghiệp, đồ đạc ít ỏi quá! Để dì về nhà lấy gòn đem qua chèn cái hòm cho chặt để hông thôi lỏng le, khiêng lắc qua, lắc lại là không có tốt.
Ti cầm xấp khăn lên tay, thấy không ai chú ý liền cho vào túi xách. Nó ngồi xuống cái ghế dì Bảy vừa bỏ lại, đầu cúi sát vào cái thân hình gầy xọp, nằm thẳng đơ với hai bàn tay chồng lên nhau úp trên bụng. Hai bàn tay ngày xưa đã cầm những cái bánh tai yến, đưa sát vào miệng cho Ti cắn từng chút chút một. Hai bàn tay từng lòn vào tóc Ti vuốt nhẹ. Hai bàn tay đã làm những món đồ chơi. Nắn nót từng đường kim mũi chỉ, thêu lên những chiếc khăn tay nho nhỏ, xinh xinh những cành hoa, con chim, con bướm…Ti nhìn thật lâu gương mặt của dì. Đôi mắt dì còn chưa nhắm chặt, khép hửng hờ như vẫn đang trông đợi. Đôi mắt ấy ngày xưa đã trao cho Ti những cái nhìn u buồn chan chứa một tình thương sâu nặng. Đôi mắt với những giọt lệ rưng rưng mà mỗi khi Ti bắt gặp là dì lại quay sang một bên rồi lau vội. Trời ơi ! Sao lại có một gương mặt đầy nét khoắc khoải, với đôi mắt xót xa câm lặng đến vậy!
Tiếng “ má” và hai giọt nước mắt của Ti bỗng rơi xuống cùng một lúc.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Bà năm bánh mì
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 6 2015, 21:00
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
BÀ NĂM BÁNH MÌ


Kể từ khi trong xóm xuất hiện một người phụ nữ ốm nhom, tuổi độ lục tuần, bưng cái caí cằn xé to đùng rảo khắp xóm vào lúc tờ mờ sáng, vừa đi vừa rao :
-Bánh mì nóng giòn đây !
Thì Ni không cần phải chạy ra cái xe bán bánh mì đầu hẽm để mua hai ổ bánh mì không về làm món bánh mì ốp la cho cả nhà ăn sáng nữa.
Tâm hồn người phụ nữ cũng như những lạch nước nhỏ hay chảy về chỗ trủng, nên hể thấy ai khổ hơn mình [đoán thôi] thì thương lắm và hay tìm cách lân la hỏi chuyện. Một hôm Ni mua vét cho bà bốn ổ bánh mì cuối cùng để trưa ăn với cà ri. Thấy bà đổ mồ hôi ướt áo, có vẻ mệt, bánh hết rồi nên cũng rảnh, Ni bèn mời bà vô nhà ngồi nghỉ chân. Bà hơi ngại nhưng rồi cũng chìu, bỏ đôi dép nhựa trước thềm rồi đi chân không qua cái sân nhỏ mà vào nhà :
-Sao dì hổng mang vô luôn, bỏ ngoài đó rủi mất rồi làm sao?
Ni vừa nói vừa quay ra xách dép vô, bà lật đật can :
-Dép cũ rồi không ai lấy đâu, cô đừng cầm dơ lắm !
-Cũ gì cũ cũng bán ve chai được hết dì ơi !
Cầm đôi dép lên, Ni biết liền tại sao bà bỏ dép ngoài nầy. Hai chiếc dép gót đã mòn mỏng dính, quai bị đứt mấy chỗ phải dùng dây điện nhỏ xíu cột lại, nên bà không muốn ai để ý đến nó, vậy mà …Ni để đôi dép trước thềm nhà, vô rót hai ly nước lạnh mang ra, mở cái quạt trần cho mát. Thấy bà còn đứng Ni giục :
-Dì ngồi đi ! Mời dì uống với con miếng nước cho đở khô cổ.
Chắc bà khát lắm nên chẳng khách sáo bưng ly lên uống cạn. Ni hỏi :
-Con nói có gì hổng phải dì bỏ qua nghe, dì ở một mình hay ở chung với con cháu vậy ?
-Chẳng giấu gì cô, mấy bà cháu tôi ở Bến tre mới lên Sài gòn được mấy năm. Hai thằng cháu nội của tui đi học trên nầy, ban đầu tụi nó mướn nhà ở để đi học, tốn kém quá tui lo hổng xuễ nên bán hết ruộng vườn mua một căn nhà nhỏ, mấy bà cháu sống chung với nhau, để tiện lo cơm nước cho chúng luôn. Ban đầu tui đi giúp việc quán ăn, mấy đứa nó không thích nên biểu đổi qua buôn bán. Tính tới tính lui hoài hổng biết bán thứ gì, tui bỗng nghĩ mình tên Mì hổng biết chừng hợp với món bánh mì, với lại nó cũng nhẹ, đở tốn sức mà cũng không cần nhiều vốn.
Ni nghe bà nói mà bắt thương, nên hỏi tiếp:
-Ba má tụi nó đâu mà dì phải đi theo ?
-Hai vợ chồng nó bị xe tải ủi té xuống sông nên đi bán muối một lượt rồi. Tụi nó ở với tui gần mười năm nay.
-Có kiếm đủ sống hông dì ?
- Thì cũng đấp đổi qua ngày, ông bà độ bán hết thì đở, ế là phải ăn bánh mì trừ cơm, tụi nhỏ than quá cở!
-Ăn bánh mì ngon quá trời mà than cái gì ?
-Coi vậy chớ ăn hoài cũng ngán ngược đó cô. Tui chế biến đủ thứ, nào là bánh mì hấp ăn với mỡ hành nước mắm tỏi ớt. Bánh mì nướng chan nước cốt dừa. Bánh mì nhúng tôm, bột chiên…để làm mấy món mặn. Món ngọt thì bánh mì trộn chuối lá xiêm chín mùi nướng, bánh mì khô bẻ vụn khấy chung với nước cốt dừa đem hấp…Ban đầu tụi nhỏ khoái lắm, nhưng ăn miết rồi ngán tới cổ. Còn một túi bánh mì khô ở nhà tui hổng biết làm sao cho hết đây ?
-Dì đem đây con mua hết cho. Nghe nhắc mấy thứ bánh dì làm, con thèm muốn rớt miếng nè !
Bà mừng quá hỏi dồn:
-Cô nói thiệt hông ?
-Thiệt chớ !
-Vậy để mai tui gom hết cho cô, cô ăn giùm khỏi bỏ mang tội tui mừng muốn chết chớ ở đó mà bán chác gì ?
-Dì hổng bán thì con cũng đi mua chỗ khác mà, dì phải lấy tiền hông thôi con hổng nhận đâu !
Hôm sau bà đem tới cho Ni một túi bánh mì xắt lát phơi khô bự tổ chảng, tính giá rẽ rề. Ni không chịu, hai dì cháu cù cưa qua lại, cô bạn sát bên nhà Ni tưởng lầm nên khuyên:
-Thôi chị chịu hẹp một chút đi, người ta nghèo hơn mình mà !
Ni dặn bà hễ có bánh ế thì đem đến cho Ni vì nhà cô khoái ăn bánh mì dữ lắm. Mỗi lần bà đem bánh tới, Ni đều mời bà ngồi nán lại, hai dì cháu hay tâm sự đủ thứ chuyện. Ni biết bà thứ Năm, góa chồng từ năm hai mươi tám tuổi rồi ở vậy nuôi bốn người con, ba trai, một gái. Biết hai đứa cháu nội của bà học rất giỏi và ngoan, vừa đi học vừa dạy kèm. Ba bà cháu còn lãnh hột điều về lột vỏ để kiếm thêm tiền mua gạo.
Ni học ở bà nhiều thứ lắm! Nào là giặt thế nào cho bay cái vết vàng vàng bám ở cổ áo sơ mi. Nào là lựa trái cây phải nhìn cái cuống và cái vỏ như thế nào. Nào là kho cá phải thêm nước sôi chớ đừng thêm nước lạnh…Bà còn dạy Ni cái món cháo trắng nước dừa, tép rang nước cốt dừa, mắm kho chế nước cốt dừa… [dân Bến Tre mà!]. Ni làm theo thấy món nào cũng ngon, chỉ có món mắm kho chế nước cốt dừa là Ni không áp dụng vì đã quá hài lòng với cái cách của má rồi.
Mỗi lần về quê đám giỗ bà hay mang nước màu dừa, kẹo dừa, mắm tép…cho Ni. Thứ nào cũng ngon. Nhất là cái món mắm tép, nó độc đáo hết sức, cả nhà Ni ai cũng khoái. Mấy con tép đỏ au với những sợi đu đủ mỏ vịt, ngâm chung trong nước mắm cùng gừng, tỏi, ớt ấy có đủ vị cay, chua, mặn, ngọt...ăn kèm thịt ba rọi luộc cùng rau sống rất hợp với cơm. Lần nào có nó là Ni cũng phải nấu thêm một lon gạo vì sợ thiếu, vậy mà lúc nào cũng phải vét nồi. Ni hỏi bà cách làm và được truyền hết bí quyết nhưng chẳng thể nào làm ngon như thế được. Bà nói chắc có lẻ nhờ ở quê xài tép vừa xúc lên còn nhảy xoi xói, cùng đu đủ mới hái từ trên cây xuống nên mới ngon, mới giòn dữ vậy .
Dù sống ở Sài Gòn đã mấy năm bà vẫn giữ nguyên bản chất nông dân của mình. Bởi cái búi tóc có cây lông nhím giắt ngang. Bởi cái áo bà ba trắng[không biết bà giặt cách gì mà cái áo của bà, cho dù bị sờn chỗ cùi chỏ, cứ trắng tinh hoài y như mới]. Bởi vẫn vừa trùm khăn vừa đội nón lá và cách phát âm đặc biệt của xứ dừa.
Ngày chia tay Ni bà buồn lắm, mắt rơm rớm nói “ Cô đi rồi chắc mấy bà cháu tui phải ăn bánh mì trừ cơm nữa”. Ni an ủi, biểu bà cứ phơi khô để dành, lâu lâu bà đến thăm, hoặc Ni về thăm thì lấy. Ni viết cho bà cái địa chỉ nhà mới của mình, còn bà thì tả chỗ nhà bà ở, bà nói gần mười lăm phút mà Ni cũng không biết nó nằm ở chỗ nào!
Thế cho nên, cái duyên của Ni với bà chỉ kéo dài vỏn vẹn một năm rưởi là hết! Thỉnh thoảng ăn cái món mắm tép với thịt luộc, mấy mẹ con Ni hay bảo nhau“không ngon bằng mắm tép của bà Năm”.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: DÌ ƠI! BÂY GIỜ...
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 6 2015, 21:24
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
DÌ ƠI! BÂY GIỜ…
Hôm đứa cháu gái ghé thăm, khi ra về tôi đưa cháu ra trạm xe buýt bên kia đường để đón xe ra xa cảng.
Mùa hè ngày dài nên mới tám giờ sáng mà nắng đã vàng ươm, giòn rụm. Hai dì cháu lật đật kiếm bóng mát chui vô tránh nắng. Phụ nữ mà! “sợ xấu, sợ già, hơn sợ chết”. Vừa nhìn xuống chân tôi vừa nhắc cháu:
-Coi chừng kiến đó con.
Bỗng thấy dưới chân vô số trái tròn đỏ au to cỡ hạt chuổi nằm lăn lóc trên mặt đất. Vội đưa mắt nhìn lên, thì ra tôi đang đứng dưới tàng cây trứng cá.
Lòng bỗng nao nao, bùi ngùi như đang gặp lại một người bạn vô cùng thân thiết. Ôi ! Cái cây trứng cá nầy chắc đã đứng đợi cả chục năm ở đây mà tôi nào hay biết. Chỉ tại nó đứng phía đối diện với con mương đầy lục bình và sen nên chẳng bao giờ được tôi nhìn đến, mãi cho đến hôm nay. Tôi cảm thấy có lỗi nên nói bằng một giọng ngậm ngùi:
-Tội nghiệp cái cây trứng cá nầy ghê ! Trái chín đầy cành mà không ai thèm hái. Phải nó biết khôn mà mọc ở dưới quê mình là được bầu bạn suốt ngày với cái đám nít nhỏ. Tụi nó hái không còn một trái chớ đâu có rơi rụng lăn lóc như thế nầy?
Cô cháu nói một cách hồn nhiên:
-Dì ơi ! bây giờ tụi nhỏ đâu có thèm ăn trứng cá nữa.
Tôi nghe buồn nhưng cũng ráng hỏi tiếp:
-Vậy tụi nó còn đi thọc me nước, rung cây chùm ruột cho trái rớt xuống, lấy đá chọi xoài, hay lượm mót trái cây hông con?
-Hông đâu dì ơi ! Tụi nó hết mê mấy thứ đó rồi!
-Chớ chúng mê cái giống gì ?
-Tụi nó bây giờ chỉ thích ăn bánh “nách”, kẹo dẽo, sô cô la, da ua, kem…
Hóa ra nếp ăn, nếp nghĩ của thành thị đã len lỏi vào tận ngóc ngách của quê tôi rồi !
Dẫu biết buồn nhưng tôi vẫn cố hỏi ráng:
-Chúng còn chơi năm mười, cò cò, tạt lon ở cái sân…
Không chờ tôi nói hết câu, đứa cháu đáp phắt :
-Hông. Tụi nó khoái bấm “gêm” không hà !
Thôi ! Rác, rác thành thị đã bay đầy trời, che lấp rồi cái khung trời thôn dã trong lành ngày trước. Nỗi lo sợ của tôi đã thành sự thật. Sao tôi cứ mơ mộng hảo huyền là quê tôi vẫn giữ nguyên bản chất cũ, hóa đá để chờ tôi vậy chớ !
Lần về trước, tôi đã cảm nhận được sự thay đổi, nhưng không ngờ nó sâu sắc đến vậy. Tôi vẫn còn thấy mừng cho mấy đứa con nít nông thôn, chúng sống gần gũi thiên nhiên, vẫn được tụm năm tụm ba cùng chúng bạn, chơi đùa thỏa thích chớ không bị gò bó, nhồi nhét đủ thứ như trẻ con thành thị.
Tôi bỗng nhớ tới một đứa con trai bởi đặc biệt có cảm tình với nó. Tôi biết nó trong lần về quê làm đám tang cho má. Một hôm tôi đang cố lấy cành tre để khều cái bông lục bình, thì không biết ở đâu có một thằng bé, mặt mày sáng sủa lội xuống vớt đem lên cho tôi liền. Hết sức cảmđộng tôi hỏi :
-Con tên gì ?
Nó trả lời:
-Dạ, con tên Thiện.
A! Bây giờ con nít quê tôi nói năng lễ phép quá, không cụt ngủn, cụt nghỉu như tụi tôi ngày xưa. Tôi có thấy có cảm tình với nó quá nên hỏi tiếp:
-Nhà con ở gần đây hông ?
Nó chỉ tay về phía cầu ván rồi nói:
-Nhà con ở đàng kia kìa, con là cháu nội của bà bảy Tiềm.
Thì ra nó có họ hàng với tôi. Tôi với bà nội cùng một đầu ông cố. Tôi hỏi tiếp :
-Con mấy tuổi, học lớp mấy ?
-Con mười ba tuổi, học lớp bảy.
Tôi lân la hỏi thêm đủ thứ nên biết nó thích coi phim Tề thiên đại thánh, thích đá banh. Chỉ tại cái điểm văn, chớ hông thôi là được xếp vào loại giỏi. Sau nầy thích làm bác sĩ. Hơn mười năm trôi qua chắc nó đã lớn và oai phong lắm ! Tôi bèn hỏi thăm:
-Thằng Thiện, cháu nội dì bảy Tiềm nó ra trường chưa con ?
Đứa cháu hỏi lại bằng cái giọng ngạc nhiên:
-Nó có học cái gì đâu mà ra trường hả dì ?
Lại một lần nữa, câu trả lời của cháu làm tôi chới với, tôi cự:
-Sao nghe nói nó học giỏi lắm mà ! Bà nội nó khá giả bộ hổng cho nó đi học nổi sao?
-Dì ơi! Bây giờ nhà nó nghèo lắm ! Ba nó mê đá gà với đánh đề nên đất đai đem cầm cố gần hết rồi.
Biết là càng hỏi càng buồn mà không hiểu sao tôi hổng thể nào dừng được :
-Trời ơi ! Mấy cái món đó quê mình cũng có nữa hả con ?
-Dì ơi! Bây giờ chỗ nào mà hổng có !
-Còn thằngThiện, chắc nó lên Sài Gòn làm công nhân hả ?
-Đâu mà có, nó bảo kê cho cái trường gà đó dì .
Nghe tới đó tôi hết dám hỏi nữa. Cô cháu như còn ngon trớn, nói tiếp :
-Dì ơi! Bây giờ nó …
Tôi cố bảo vệ cho trái tim nhỏ bé của mình nên lật đật chận ngang :
-Thôi đi con!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: DÌ ƠI! BÂY GIỜ...
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 6 2015, 20:19
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
:(
Cũng phải bảo vệ cho trái tim nhỏ bé của mình thôi tỷ ơi!

Ốm thì tìm dịp để tập cho cu Tin ham gần gũi với cỏ cây hoa lá zì nè... Và hạn chế cho nhìn vào màn hình tivi, vi tính, điện thoại,... Được chút nào hay chút nấy tỷ à.

{L_ATTACHMENT}:
Cu Tin lao dong gioi (1).jpg
Cu Tin lao dong gioi (1).jpg [ 149.31 KB | Đã xem 1965 lần ]


{L_ATTACHMENT}:
Cu Tin lao dong gioi (2).jpg
Cu Tin lao dong gioi (2).jpg [ 169.61 KB | Đã xem 1964 lần ]


{L_ATTACHMENT}:
Cu Tin lao dong gioi (3).jpg
Cu Tin lao dong gioi (3).jpg [ 125.38 KB | Đã xem 1967 lần ]


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 6 2015, 13:28
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Bà ngoại tập cho cháu ngoại tưới hoa đó hả , giỏi quá thưởng cho bé Tin Tin nè :rose1:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 6 2015, 18:55
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tỷ rất khâm phục cách dạy con, dạy cháu của mấy muội ! Theo tỷ đó chính là điều đẹp nhất mà chúng ta làm trên cõi đời nầy. Chúc mấy muội luôn gặt hái những kết quả mỹ mãn.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: nhà vui
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 6 2015, 18:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
NHÀ VUI

Ngày trước, mỗi khi đi học về gần tới đầu cái chợ nhỏ, nơi căn nhà có hai cánh cổng sắt trắng cùng giàn bông giấy màu cánh sen là Y đạp xe chậm hẳn lại, ráng lắng tai thu hết những tiếng cười trong ấy vọng ra. Ít khi nào nó để Y thất vọng, lúc thì chỉ có tiếng cười, lúc thì có cả hai ba giọng nói cùng chen vào đón Y. Có khi chỉ là những câu đối thoại giữa chừng… thế nhưng chúng giúp Y có một niềm vui nho nhỏ, trước khi về căn gác trọ của mình.
Và thế là Y đâm ra tưởng tượng đủ thứ. Y đoán chủ nhà chắc là một đôi vợ chồng trung niên vui tính. Những đứa con của họ đều mạnh khỏe, đáng yêu, tự tin, học giỏi…Người cha có một công việc rất tốt, còn người mẹ thì đảm đang và nấu ăn rất khéo. Những tiếng cười mà Y nghe lóm được có lẻ được phát ra trên bàn ăn, khi cả nhà cùng quây quần tay chan, tay gắp…Y bỗng ước ao được sống trong căn nhà ấy, hay ít ra cũng được làm bạn cô con gái của họ [ không hiểu sao Y cứ tin rằng họ có đông con, và nhất định phải có một cô con gái trạc bằng tuổi với Y. Có lẻ cái kệ giày trước nhà với những đôi guốc xinh xinh giúp Y có cơ sở tin vào điều đó ].
Một hôm Y ghé vô chợ mua vãi. Cái sạp vãi đầu chợ có một người phụ nữ dáng đẫy đà nhưng chắc khỏe, cùng hai cô con gái rất xinh đứng bán. Họ vừa trông thấy Y bước đến là chào mời liền. Bị giọng nói ngọt ngào cùng sắc mặt vui vẻ của cả ba mẹ con thu hút, Y chẳng thể nào rứt ra được, thế là dốc túi mua cả hai, ba xấp vãi một lượt dù ban đầu chỉ định may một cái áo sơ mi mà thôi. Rồi Y làm quen với hai cô con gái, Thi, Thơ. Y xưng em với Thi, xưng tên với Thơ, còn bà mẹ chắc lớn tuổi hơn mẹ của Y nên Y gọi bằng bác.Thi cô chị lớn [mà thoạt đầu Y cứ cho là em út] lớn hơn Y hai tuổi, còn Thơ nhỏ hơn Y một tuổi, cả hai đều có làn da nâu hồng hết sức mịn và mái tóc rất dày, rất mượt. Cả hai đều ngồn ngộn sức sống với nụ cười chờ sẵn trên môi. Y thấy mến họ quá nên cứ ngồi nán lại nói chuyện mãi.
Mỗi khi về quê má hay bắt Y xách trái cây vườn nhà có sẵn cho các bạn. Cái tính thơm thảo ấy đã thành tập tục, tạo cho Y có tật hay hỏi thăm nhà của những người mới quen. Khi nghe Y hỏi địa chỉ, Thi cười đáp :
-Chờ chút xíu để chợ vãn bớt, Thi đem đồ về nhà làm cơm rồi dắt Y lại chơi cho biết, nó ở sát một bên nè !
Theo chân Thi tự nhiên lòng Y bỗng hồi họp lạ. Thi đi ngang qua căn “nhà vui” không ghé, cũng không nhìn vào làm Y thất vọng quá ! Đến một căn nhà có bày bán rau trái trước cửa Thi dừng lại. Một người con gái đang ngồi thấy Thi liền lật đật đứng lên, chạy tuốt vô nhà lấy một bọc ni lông to phồng đựng rau và mấy thứ trái cây ra đưa cho.Thi hỏi :
-Bao nhiêu tiền vậy Út ?
-Năm mươi lăm ngàn đó chị.
Thi móc túi lấy tiền ra trả rồi dắt Y đi ngược trở về, đến đúng căn nhà quen thuộc ấy Thi dừng lại nhấn chuông. Y nghe mừng đến nổi tim giật thót lên một cái, cảm giác như người vừa định vứt bỏ tấm vé số bỗng phát hiện nó trúng giải độc đắc vậy. Y hỏi thêm cho chắc ăn:
-Nhà ai vậy Thi ?
-Nhà Thi .
Rồi chỉ người con trai đang ra mở cửa nói tiếp:
-Anh Hai của Thi đó !
Người con trai dáng cao ráo, gương mặt rất hiền hỏi :
-Bộ có khách hả Thi ?
-Dạ có cô bạn mới quen, cổ ở gần quê ngoại của mình đó anh Hai.
Người con trai gật đầu chào, gửi cái nhìn và nụ cười huốt qua đầu của Y làm Y hơi chột dạ. Thi giải thích rất nhỏ:
-Anh Hai bị mù.
Y sửng sốt không nói được một tiếng. Anh Hai có lẻ đoán được tâm trạng của Y nên pha trò :
-Vô nhà đi em, để anh dẫn đường cho.
Rồi anh đi phăng phăng phía trước, chẳng hề vấp vào cái bộ bàn ghế đá trước thềm, cũng không cần dò dẫm khi bước lên bậc tam cấp .
Hôm ấy Thi mời cho được Y ở lại ăn cơm với cả nhà. Ngược với sự tưởng tượng của Y, ba của Thi không đi làm mà ở nhà giữ vai trò nội tướng còn bà mẹ thì lo buôn bán. Đúng mười hai giờ cả nhà trừ anh Hai ra chợ giúp bà mẹ dọn hàng, rồi cùng ngồi ăn cơm với nhau. Hôm ấy có Y nên họ dọn hàng sớm hơn một chút vì sợ Y đói bụng. Còn lại hai người anh Hai bắt chuyện trước :
-Em còn đi học hay đã đi làm rồi ?
-Dạ em học Sư Phạm năm đầu ?
-Em ở An giang hả ?
-Dạ sát một bên thôi, em là dân Sa Đéc.
-Xứ em nổi tiếng về bánh phồng tôm và nem lắm phải hông?
-Dạ! Anh có thường về thăm quê ngoại không vậy ?
-Khi chưa bị tai nạn anh có đi, ba năm nay không có về đó nữa .
Khi Y hỏi thăm anh về cái tai nạn ấy, anh bèn kể về nó bằng một giọng bình thản, như thể anh chỉ là người chứng kiến chớ không phải là nạn nhân vậy. Biết anh không thể thấy mình nên Y trở nên bạo dạn, nhìn anh chăm chú rồi phát hiện anh có vẽ mặt rất đặc biệt. Mắt anh rất trong và đen, Y vẫn thấy gương mặt mình thu nhỏ trong đôi đồng tử. Đặc biệt là đôi môi anh chẳng thể nào ngậm khít, nó chỉ chạm nhẹ vào nhau. Giữa hai môi hơi dầy có một kẻ hở nhỏ như sợi chỉ vắt ngang trông như đang chuẩn bị sẵn nụ cười. Nó nhắc cho Y nhớ đến những pho tượng của đền ANGKOR với nụ cười thật nhẹ nhàng, thanh thoát.
Bữa cơm hôm ấy đã để lại trong lòng Y một ấn tượng rất đẹp về gia đình đó. Hai người đàn ông, người cha và anh Hai luôn pha trò làm mọi người cười nghiêng ngã. Y cố kềm hết sức mà cứ cười miết, còn dài và to hơn ở nhà mình. Trong căn nhà nầy hình như mọi người đều cho là họ phải có nhiệm vụ làm cho người khác thoải mái và vui, nhất là anh Hai. Y bỗng nghiệm ra một điều, đôi khi ta vui chỉ vì biết những người xung quanh muốn thế và ngược lại .
Dần dà Y thấy mến tất cả mọi người, thấy như mình đã trở thành một bộ phận trong cái cơ thể chung ấy ! Thấy xúc động trước nét biểu cảm của một đôi mắt, mà có lẻ do không bị cản trở bởi cảnh quan bên ngoài, nên những cảm xúc sâu thẩm được bộc lộ hết sức mạnh mẻ, vì thế mỗi lần nhìn vào, Y thấy lòng vô cùng xao xuyến. Có một lần Y đã cầm tay anh Hai đặt lên đầu mình để anh biết chính xác cái chiều cao khiêm tốn của Y mà điều chỉnh tầm nhìn. Bắt đầu từ lúc đó tia mắt họ hay gắn vào nhau, Y và có lẻ cả anh Hai đều lâng lâng cảm xúc.
Bây giờ Y đã đạt được cái điều mình từng ao ước. Chồng Y, anh Hai, có một lần đã hỏi :
-Sao em bằng lòng lấy anh vậy ?
Y trả lời không một chút đắn đo :
-Em bị thu hút bởi không khí trong gia đình anh, bởi tính trào phúng và nhất là bởi nụ cười của anh.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 3 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 3 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu