Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 29 Tháng 3 2024, 11:40
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271485 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: TỘI NHÂN KINH TẾ
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 6 2015, 21:30
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
TỘI NHÂN KINH TẾ

Sáng sớm gọi điện cho cô bạn, đầu dây bên kia có tiếng trả lời xen lẫn tiếng nhai, bèn hỏi:
-Em đang ôm tô hả ?
-Dạ.
-Ăn món gì vậy?
-Cơm nguội với cá kho.
-Trời đất ! Sao giống hệt nhau vậy, chị cũng ăn y sì .
-Chị ăn cá gì kho vậy ?
-À, hổng phải cá không, mấy món hôm qua còn, chị dồn lại thành một nồi xà bần kho mặn mặn cho nó dễ nuốt .
- Bộ chị thích xà bần hả ?
-Đâu mà có, tại cái bịnh “tiếc”, nên ráng mà ăn.
-Em cũng vậy. Mấy đứa con nó la qúa trời, biểu bỏ đi ăn đồ mới cho ngon mà sao làm hổng được.
-Chị ăn lén lén để hông thôi con gái thấy là cự nhoi. Nó nói chị làm như vậy là đày đọa nó, làm cho nó có cảm giác có tội với chị, thế nên phải chui vô phòng khóa cửa lại ngồi ăn. Sợ con bé giúp việc nó thấy, nó mét lại. Cảm giác y hệt như ngày xưa lén má ăn vụng vậy !
-Thì em có khác gì chị đâu, tới bữa cơm là bới một tô ăn trước để thanh toán mấy cái món cũ, mình hổng ăn là tụi nó bỏ chớ đâu thèm đụng tới.
Những người phụ nữ thế hệ 5x, nhất là xuất thân từ vùng thôn dã, được uốn nắn từ lúc mới lọt lòng lấy cái tính cần kiệm làm cốt lõi, bỗng trở nên lạc lỏng trong cái xã hội mà giá trị của con người không phải là “bạn đã làm gì ?” mà là “ bạn đã tiêu xài như thế nào?”
Không biết bạn bè tôi có ai đã hòa nhập vào cách sống mới chưa, chớ riêng tôi vẫn chưa thể gột bỏ cái tính tiết kiệm mà ông bà truyền lại. Dù biết con cái xót ruột bởi đối với chúng ăn cơm nguội là khổ, mặc bộ đồ cũ mòn là khổ, không đi du lịch là khổ…Cái tính nầy bị coi là “ hà tiện”, là “ngu”, cho nên tôi ráng giấu, sợ làm mất mặt con cái.
Tôi thấy buồn cho những người như ngoại và má tôi biết mấy, bởi những sản phẩm hoàn hảo nhất mà họ để lại cho đời bị xem thường và rẻ rúng như vậy. Nếu họ mà thấy những bữa tiệc thức ăn còn ê hề được thẳng tay vứt vào thùng rác. Những ngôi nhà mới xây ở chưa được bao lâu không ưng ý thế là phá bỏ để làm kiểu khác. Những cái áo, đôi dép còn mới nguyên cho đến ngày giả biệt ra đi vẫn chưa được chủ chiếu cố một lần nào …chắc họ sẽ buồn đến vỡ tim thôi !
Hôm trước tôi gặp Chi, cô bạn láng giềng, vừa mới hỏi :
-Sao lâu quá hổng thấy chị chạy bộ ?
Cổ than:
-Con nhỏ giúp việc nó nghỉ rồi cô ơi ! Chưa kiếm được người mới, tui mệt cầm canh với mấy đứa nhỏ, làm không kịp thở nói gì tới việc chạy bộ.
-Sao nó nghỉ vậy chị ?
Chắc gãi đúng chỗ ngứa nên cổ tuôn ra một nùi liền :
-Cô nghỉ coi có tức hông ? Tui thấy lương nó có ba triệu một tháng hà, mà sáng nào cũng đi ăn sáng, nấu cháu điện thoại cả đêm lại còn đi tiệm duỗi tóc, gội đầu làm móng tay nữa… Cho nên tui mới khuyên, biểu nó sáng ăn cơm giống tui vầy nè ! Bớt xài điện thoại đi, độc hại mà tốn tiền thấy mồ chớ có hay ho gì. Nó trả lời là không ăn nổi cơm nguội, thà nhịn đói chớ hổng thể bỏ cái điện thoại nằm không được. Tui hứng nước từ máy giặt ra chứa, biểu nó lấy nước đó mà rửa dép, lau nhà, giặt nùi giẻ… vậy mà nó chù ụ cái mặt rồi chờ tui không để ý là đổ hết ráo. Tui tức quá rầy nó mấy câu thôi là nó đùng đùng xin nghỉ việc liền.
-Sao con nhỏ nầy nó kỳ vậy chị ?
Chỉ chặc lưỡi kể tiếp :
-Nó ghét tui lâu rồi . Hồi tháng trước nó xin tui ứng trước hai tháng lương đặng mua cái “ma phon” mà tui hổng cho còn rầy một chập, nên nó hầm trong bụng dữ lắm ! Cô nghỉ coi, cái điện thoại của nó còn mới tinh chớ có hư hỏng gì đâu, vậy mà bày đặt đèo bồng. Phải chi gia đình nó khá giả gì cho cam, đằng nầy má nó ở quê trông tiền nó gởi về muốn mòn con mắt mà nở nào nó ăn xài như vậy. Tui cắt nghĩa cho nó nghe, nó không mang ơn còn cự lại là tiền nó làm ra nó có quyền xài. Con nhỏ nầy nó ích kỷ lắm, cứng đầu cứng cổ, không biết tôn trọng người lớn…Bởi vậy tui chán quá cho nó nghỉ phức cho rồi, cực một chút mà đỡ gai con mắt.
Tôi ngậm ngùi khuyên cổ:
-Thời buổi bây giờ nó đảo ngược hoàn toàn rồi chị ơi ! Ngày xưa cái tính hoang phí bị lên án ghê lắm, bây giờ thì ngược lại. Cái xã hội thương mại hóa nầy nó tạo nên một chủ nghĩa hưởng thụ, kích thích tiêu dùng hầu như vô giới hạn. Tụi mình phải ráng thích nghi thôi!
Đem chuyện nầy kể lại cho một cô bạn vong niên nghe [ cổ nhỏ hơn tôi hai chục tuổi] cổ nói nửa đùa, nửa thật :
-Con nhỏ đó là vị anh hùng trong cái chủ nghĩa tiêu thụ hiện nay, rất đáng được tuyên dương. Còn những người như chị bị coi là làm cho nền kinh tế của nước nhà không phát triển, coi chừng bị đem phạt thật nặng để làm gương cho người khác đó !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MA!
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 6 2015, 22:00
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
MA!


Ngày xưa ở quê tôi ma nhiều lắm!
Ngoài đồng, chúng trốn trong những cây gáo, ô môi, me nước…Loại ưa nước như ma da thì chui vô mấy cái đìa, mương, ao, vũng…
Trong vườn, chúng núp trong mấy bụi chuối, tầm vông, mù u…Có con ngồi chót vót trên đọt dừa thả mái tóc dài lòng thòng quét đất. Có con nhét mình trong bụi tre, nghiến răng ken két suốt ngày. Có con giăng võng qua hai cây cau rồi vừa ngồi đưa kẽo kẹt vừa cho con bú.
Thậm chí trong nhà, ma cũng nhóc ké. Chúng chui dưới đít giường, kẹt cửa, tủ, bồ lúa … Chỗ mà chúng tập trung đông đúc nhất chính là cái phòng thờ. Cho nên hồi nhỏ mỗi lần bắt buộc phải đi ngang qua đó, tôi hay nhắm mắt lại mà chạy một cái vù, không ít lần bị vấp té hay đập đầu vào cột thế là tin đến sái cổ là mình bị ma xô. Lật đật đi kiếm mấy đứa bạn, rồi vừa chỉ cái cục u trên trán vừa nói bằng một giọng đầy tự hào:
-Tao mới bị ma xô nè tụi bây !
Chẳng đứa nào thèm tin. Bèn chỉ tay lên trời thề bán mạng là “tao mà nói dóc cho bà bẻ cổ đi”, bắt mấy đứa nó phải tin cho bằng được để chúng phóng đại lên rồi đem rêu rao khắp xóm.
Con nít tụi tôi ngày xưa gần như đứa nào cũng sợ ma. Tôi hay tưởng tượng lắm nên chắc sợ bằng hoặc hơn tụi nó một chút. Thế nhưng đứa nào mà được ma đem giấu hay cho ăn đất sét là sướng ghê lắm ! Được lủ bạn kính nể vô cùng, tên của nó sẽ được nhắc đi nhắc lại hoài trong các câu chuyện và lưu truyền cho hậu thế.
Lúc ở với má, tôi được phân công lau đèn và thay nước cúng trên bàn thờ. Đây là một công việc khiến tôi lo lắng nhất bởi hầu như đồng hóa ma với ông bà khuất mặt. Tôi sợ ma cũng ngang bằng sợ cửu huyền khiển trách, vì cảm thấy mình phạm tội quá nhiều và chẳng thể nào qua mặt những người quá vảng mà tôi cho rằng biết tuốt và hết sức công bằng ấy.
Cứ chạng vạng là tôi phải leo lên thang quét dọn trang thờ. Lần nào vói tay lau mấy bức ảnh cũng sởn óc, lo bị chụp lại mà hỏi tội. Để mua chuộc tổ tiên tôi làm việc một cách hết sức đàng hoàng. Rửa mấy cái chung thật sạch rồi thay nước mới. Hái bông trang, bông điệp về chưng mỗi ngày. Việc chăm sóc mấy cây đèn thì làm thoải mái hơn nhiều, chỉ cần lấy kéo cắt bớt cái tim đèn đã cháy đen, lau bên ngoài cây đèn cho thật sạch, lấy vãi vụn bọc vào chiếc đũa mà ngoái vô mấy cái ống khói [cái động tác lau nầy phải làm thật nhẹ nhàng vì ống khói làm bằng thủy tinh mỏng dính, đầy nhóc bọt khí mà tụi tôi kêu là “mặt trăng” nên rất dễ bễ].
Nhà tôi hồi đó mỗi tối chỉ đốt có ba cây đèn: một cây đèn dầu lớn soi sáng cho cả nhà và hai cây đèn trứng vịt để ở hai cái bàn thờ. Mỗi khi đi ra ngoài vào ban đêm phải xách theo mấy bó lá dừa, đốt một bó cháy phừng phừng rồi vừa cầm vừa đi, hể vừa sắp hết là chăm thêm bó khác.
Cây đèn lớn được đặt ở cái bàn dài giữa nhà. Đó là nơi mấy chị em tôi ngồi học bài và má tôi thường lấy tiền ra đếm. Khi có những tờ tiền bị rách má liền bưng đèn ra chỗ cây vú sữa hái mấy cái lá của nó để lấy mủ dán lại. Căn nhà vừa tối là mấy con ma ập tới liền, chúng chui dưới đít bàn làm ba chị em tôi đều rút chưn lên một lượt, cho đến khi má đặt cây đèn vào vị trí cũ mới dám bỏ giò chạm đất. Cây đèn dầu- với cái chụp bằng bìa vở bị xé cái lỗ hình tròn ngay chính giữa, ôm khít cái ống khói- hắt ánh sáng vàng vọt vào vách. Tụi tôi vừa học vừa ngoái đầu ra phía sau để giỡn bóng, ngoéo hai bàn tay lại làm con chim, con chó… Học xong là lấy trùm mền phủ đầu, giang hai cánh tay thật rộng với những ngón tay thọc vào mấy cái ống thục dài ngoằn để giả làm ma. Đang chơi mà gió thổi tắt đèn là ba chị em rú lên và ôm nhau cứng ngắt.
Hồi đó tôi khoái giả làm ma để nhát mấy bà chị nên hay núp vào kẹt cửa trong căn phòng tối chờ hù cái kẻ vô ý bước vào. Một đôi lần chờ lâu quá lại đâm ra sợ ma, nên khi nghe tiếng một tiếng động, hoặc một cái bóng nào thoáng qua là giật mình thét lên.
Thuở ấy chị Hai tôi lớn nhất nên được má giao cho nhiệm vụ giăng và tấn mùng, chị ghét công việc nầy lắm nên thuê lại tụi tôi rồi trả công bằng cách kể chuyện. Má tôi hay dặn chỉ:
-Đừng có kể chuyện ma nghe hông, tụi nó mà sợ là tối lại đái dầm, mắc công má giặt chiếu lắm !
Thế nhưng chỉ lại khoái cái cảnh tụi tôi nằm sát rạt vào nhau, ôm lấy chỉ cứng ngắt, gồng mình nín thở mà nghe. Ở những đoạn gay cấn chỉ còn minh họa bằng cách lấy mấy ngón tay vuốt nhẹ lên cái ót, hay le lưỡi liếm cái gò má của tôi một cái làm tôi sợ muốn chết điếng luôn.
Ở nông thôn ma hiền lắm, chỉ dắt đi vòng vòng rồi cho ăn đất sét mà thôi. Ai yếu bóng vía hay bị ma mượn xác nhập vào để yêu sách hoặc giải oan, vạch tội một người nào đó. Phải công nhận rằng đó là cái cách hay nhất, chính xác nhất và ít mất lòng nhất !
Có một lần anh Cà Reo trong xóm tôi bỗng dưng bị á khẩu. Anh chẳng thể nói một tiếng và suốt ngày không thèm ăn uống gì ráo. Ba anh mời thầy pháp đến cúng, đốt bùa cho ảnh uống cũng chẳng ăn thua. Đùng một cái cô Sáu So chưa hề lên cốt một lần nào, đang làm cỏ bỗng ngả vật qua một bên rồi ngồi dậy xếp bằng, mắt thì nhắm còn đầu lắc qua lắc lại, nói bằng cái giọng trọ trẹ như người bị ngọng xưng là bà nội của ảnh, mượn xác cô Sáu về để dặn dò con cháu. Bà nói rằng khi còn sống có nợ tiền của nhà bà bảy Ngại, vì ra đi đột ngột nên chưa kịp trả, nay gặp nhau bị bà bảy đòi riết róng, không chịu lấy tiền mà bắt phải cưới cháu nội của bà là chị Tư Tốt cho anh Cà Reo, nếu không bà lấy cái mạng của ảnh luôn. Má của anh Reo hôm đó cũng có mặt, lạy gần sói trán cam kết sẽ làm theo răm rắp. Người ta kể là khi má ảnh đang ở ngoài đồng vừa hứa xong, thì ảnh ở nhà hết bịnh một cái rụp, ngồi dậy rửa mặt rồi đòi ăn cơm liền.
Quê tôi ngày xưa hay có những chiếc tàu kết bằng cây chuối, chở một dĩa ngũ quả, đôi khi thêm vô một con gà, hoặc cái đầu heo luộc, đốt đèn nhang đỏ rực rồi thả trôi trên sông gọi là “tàu tống”, có nghĩa là tống tiễn âm binh đi cho xa. Mỗi khi tụi tôi tắm sông hể thấy chiếc tàu ấy là bỏ chạy lên bờ liền, sợ âm binh hạp nhản rồi dắt theo luôn. Đứa nào mà rắn mắc lấy đá chọi hay kéo tàu vô lấy đồ ăn sẽ bị phạt, nặng là bị vật chết tươi còn nhẹ thì cũng ngu ngơ suốt đời.
Có lần đang tắm tôi bị một con bạn chơi ác lặn xuống kéo giò, sợ quá la chói lói “ma da”, thế là mấy đứa bạn áp nhau bỏ chạy thục mạng.
Lớn lên một chút má hay dặn không được phơi quần áo qua đêm ngoài sào, rủi ma lai lướt qua đụng phải sẽ bị bắt đi theo làm lính cho nó luôn. Cái cổ cao ba ngấn được thi nhân ca tụng là cái cổ đẹp nhất của người phụ nữ, vậy mà dì Út Nhế của tôi ế chồng vì bị cho là ma lai đầu thai, bởi cái ngấn đó là cái vết cắt rời để đến nửa đêm là cái đầu kéo bộ ruột lòng thòng đi kiếm ăn. Người ta nói muốn diệt con ma nầy là phải rình chờ lúc nó rút cái đầu với bộ đồ lòng ra, úp cái mình xuống liền để nó không ráp lại được sẽ biến mất tiêu luôn.
Mấy đứa bạn của tôi, đứa nào cũng kể rằng mình đã bị ma nhát, làm như đó là cái điều đáng tự hào lắm vậy. Riêng tôi một lần bị anh Hai Níu nhát ma chạy gần tóe khói. Từ đó không dám đi ngang chòm mả chỗ ảnh ngồi núp chọi đất. Tôi sợ cho đến nổi ảnh thấy tội nghiệp quá nên khai thiệt.Vậy mà tôi vẫn bị ám ảnh, nhất quyết từ giả luôn con đường đó.
Thuở đó ở quê tôi ai mà mắc bịnh thì ma bị đổ thừa trước tiên. Mọi người đặt bàn hương án giữa trời và ngay trước nhà để cầu nguyện trời, phật, thánh, thần cùng tổ tiên phù hộ, đối đế mới chạy tới bác sĩ. Bây giờ thì ngược lại.
Khi lớn lên, óc tưởng tượng bớt phong phú và cũng biết chút đỉnh về khoa học. Biết ma trơi là do lân tinh phát sáng. Biết ma đè là do lúc ngủ để tay lên ngực. Biết gió đi qua mấy cái khe càng nhỏ thì phát ra tiếng hú càng rợn người. Biết hai thanh tre cọ vào nhau tạo thành tiếng rít chớ chẳng phải do ma, quĩ kêu gào gì ráo…Nên dần dần cũng hết sợ ma.
Những con ma ngày xưa đã mất dần uy lực. Chúng khăn gói cùng nhau rời bỏ trái đất để về một hành tinh mông muội, xa xăm nào đó! Tôi và có lẽ một số người khác đã không còn sợ ma quĩ cũng như thần thánh nữa, tội lỗi chỉ còn bị hạn chế bởi chính lương tâm và pháp luật. Thế giới có tốt lên chăng?
Ngày xưa tôi có những lúc bốc đồng nên làm càng, nói bậy… chỉ cần đổ thừa là do “ ma xui, quỷ khiến” là xong. Chẳng bị trách móc nhiều và bản thân cũng đỡ bẻ bàng , xấu hổ. Thế cho nên tôi cảm thấy hình như, mình nợ ma một lời “cám ơn” và “xin lỗi”.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MA!
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 6 2015, 04:51
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Tỷ ôi! Tỷ kể chuyện đời xưa hay quá! Truyện nào Ốm cũng thấy như có mình trong đó.
Hồi đó Ốm cũng sợ ma và cũng từng đi nhát ma người khác đó tỷ. :mozilla_tongueout:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CẦU VỒNG SAU MƯA
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 6 2015, 21:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CẦU VỒNG SAU MƯA


Ông Tư lò rèn có hai người con gái sanh đôi, cô chị tên Cà còn cô em tên Cải, cả hai đều mang nét đẹp mộc mạc của hoa đồng, cỏ nội.
Cái lò rèn của ông là địa điểm vui nhất trong xóm. Đó là nơi qui tụ đám con nít, thanh niên, cùng mấy ông cụ . Con nít tụm năm, tụm ba chơi đùa quanh đó, chúng hay lượm hột mít, hột điều, củ khoai... thảy vô cái lò đỏ rực. Mấy lão ông thì cặm cụi bên bàn cờ tướng, lâu lâu lấy cây kẹp than gắp một cục lửa mồi điếu thuốc rê.
Ông Tư tuổi gần năm mươi nhưng trông vẫn khỏe như trai tráng. Nhờ quai búa cả ngày nên hai cánh tay ông có hai con chuột bự tổ chảng làm cả đám trai làng đều ngưỡng mộ, những lúc rảnh rổi họ hay đến đây để thục bể, ngắm thân hình vạm vở của ông và lén lút liếc nhìn hai cô gái xinh xắn lui cui trong bếp. Họ nhìn cho đỡ buồn vậy thôi chớ ai mà hổng biết cả hai cô đều có người đặt cọc, cô Cà quen với anh Ngởi còn cô Cải thì quen với anh Mừng, hai anh chàng nầy lại là bạn thân của nhau.
Ông Tư hiền nhưng cộc, cộng thêm tánh ít nói và gương mặt nghiêm nghị cho nên hai chàng trai rắp ranh bắn sẻ chưa bao giờ dám léo hánh quanh cái lò rèn, có lẽ họ ngán cây búa tạ to đùng và cái lò hừng hực lửa. Mấy cô gái trong làng thỉnh thoảng đi ngang, kéo cái nón lá che kín một bên mặt, chân quíu lại bởi tiếng huýt sáo của đám con trai. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe bò lộc cộc chạy qua, vấp cái ổ gà rồi tưng lên giống như mấy đứa con nít mừng đến nhảy cởn khi gặp bè, gặp bạn. Mấy chú bò cũng nghiêng đầu nhìn vô rồi góp vui bằng tiếng rống đùng đục, dài thòn.
Những cù lao rải rác trên mấy con sông lớn miền tây nầy, mỗi năm được nước lũ chở phù sa bồi đấp, mang lại màu xanh cho những cánh đồng bạt ngàn, hoa trái cho các khu vườn râm mát. Các mùa vụ gieo,trồng, gặt, hái... liên tục, tạo cơ hội cho trai gái trong làng gặp gở, làm việc bên nhau và nãy sinh tình cảm. Những mối tình thơ mộng ấy đa số đều suôn sẻ bởi bà con cùng nếp ăn, nếp nghĩ, nếp làm, ai cũng chơn chất và cùng lấy chữ “hòa”làm gốc. Mối tình của hai chị em cùng hai người bạn thân ấy xem ra rất xuôi chèo mát máy, họ còn tính sẽ làm đám cưới chung một lượt cho vui.
Rồi trắc trở xảy ra khi anh Mừng, người thương của chị Cải, đang đi thăm câu trên sông thì bị tàu tuần dương áp lại hốt đi. Chưa được bao lâu thì đất nước thay đổi màu cờ, ảnh bị kẹt trong một chiếc tàu rồi trở thành dân di cư bất đắc dĩ, bỏ lại sau lưng một mối tình đang nồng mặn và một người con gái hết sức đau buồn.
Một hôm má anh Ngởi trợn trắng hai con mắt như hai cái hột gà so khi nghe ảnh thúc bả đi cưới chị Cải cho ảnh, bả hỏi :
-Hôm trước mầy biểu tao đi nói con Cà cho mầy, rồi bây giờ kêu đi cưới liền con Cải là nghĩa làm sao ?
Anh Ngởi cãi lại, ảnh nói bà nghe lộn tên rồi năn nỉ ỉ ôi suốt. Cái đám cưới được tổ chức rất đơn sơ bởi hai nhà đều thuộc dạng chỉ đủ ăn, đủ xài. Đám cưới vừa xong người ta thấy anh Ngởi không ở nhà mà cất cái chòi trong đám rẫy rồi ở lại luôn để ban ngày tưới dưa, còn ban đêm đi giăng câu ở con kinh gần đó. Mỗi buổi sáng chị Cải đem cơm vô cho anh rồi xách cá về bán.
Mấy tháng sau chị Cải sanh một đứa con trai, chị nói mình đẻ non nhưng hổng ai tin bởi thằng nhỏ nặng tới ba ký rưởi. Hồi xưa và hình như bây giờ cũng vậy, con gái đều về nhà cha mẹ ruột để sanh con đầu lòng. Chị Cải cũng về căn nhà có cái lò rèn ấm áp để đẻ rồi ở lại luôn.
Từ đó cách vài hôm anh Ngởi lại bơi xuồng ghé qua một lần, xách cái rộng đựng mấy con cá nhảy soi sói đưa cho bà Tư rồi bồng và hun chùn chụt thằng con mà ai cũng nói là giống anh như đúc. Chỉ có lúc ấy mới thấy anh cười, gương mặt tạm lấy lại nét vui vẻ như xưa. Trên trán anh, giữa hai đầu chưn mày không biết từ hồi nào đã xuất hiện mấy nếp nhăn.
Chị Cà cũng thay đổi tính tình rỏ rệt, đang làm công chuyện chị bỗng thở một hơi dài thậm thượt.Tiếng cười giòn rụm của chị, điều duy nhất để phân biệt với chị Cải, cũng không còn được nghe thấy nữa. Bà con hay bắt gặp trong cái chòi lá giữa đồng có một người con gái ngồi vá áo, nấu cơm, và vì hai chị em song sinh giống nhau như tạc nên chẳng ai biết đó là chị Cà hay chị Cải.
Một hôm má anh Ngởi ghé chòi đưa cho ảnh một cái thơ, ghi địa chỉ người gửi ở tận bên tây, anh Ngởi mở ra và đọc:
“Gởi cái thằng trời đánh!
Tao nghe nói mầy cưới con Cải rồi phải không ? Mầy có phải là bạn tao hông vậy ? Bộ mầy tưởng tao chết mất xác rồi muốn làm gì thì làm hả, thiếu gì con gái mà mầy …”
Anh Ngởi không thèm đọc hết cái lá thơ dài thòn toàn những lời mắng chửi đó. Anh tức tốc về nhà viết trả lời liền một cái thơ như thế nầy:
“Ê cái thằng ôn dịch kia!
Nhận được cái thơ, biết mầy còn sống là tao mừng hết lớn. Mầy chưa biết ất giáp mà chửi tùm lum làm tao tức muốn bể bụng, mầy mà đứng gần chắc bị tao ghì đầu mà đập cho một trận tơi bời.
Mầy gài mìn vô bụng con gái người ta rồi dông mất biệt, báo hại tao lo gỡ gần chết, không biết mang ơn còn chửi tao te tua là nghĩa làm sao ? Thôi, tao không nói dài dòng, mầy ráng lo về đây cho sớm mà nhận lại vợ con của mầy, bảo đảm còn nguyên không mẻ một miếng. Cái thằng con của mầy nó dễ thương hết biết, giống mầy như lột mà ai cũng nói giống tao, làm tao mắc cười quá mạng, hổng lẽ tao với mầy cũng là anh em sanh đôi nữa sao ? Tao mê thằng nhỏ lắm ! Nhớ nó ngang nhớ con Cà, nên ngày nào cũng ghé. Má vợ mầy không biết gì ráo nhưng hình như ông già vợ của mầy đang nghi, ổng hay hỏi tao mấy câu trật búa, bởi vậy tao né ổng gần chết! Tao nói trước cho mầy liệu hồn, coi chừng ổng đang rèn cái liềm bén ngót mà cắt cổ mầy như cắt lúa. Nói chơi vậy thôi, mầy đừng có tưởng thiệt rồi không dám về là chết chùm cả đám.
Mầy ráng về cho thiệt lẹ giùm tao. Bữa trước có gia đình bên Châu Ma qua coi mắt con Cà làm tao lo mất ăn mất ngủ. Cho dù nó hứa đợi tao, nhưng biết đâu năm dài tháng rộng, rủi gặp mối tốt ba má nó ép rồi nó xiêu lòng ưng đại người ta thì tao phải làm sao đây?
Nhận được cái thơ nầy là mầy phải về liền đó nghe, tao lạy mầy !
Bạn mầy
Ngởi.
Năm sau, nhà ông Tư làm một cái đám cưới rất hoành tráng. Cái đám cưới nầy hết sức là đặc biệt có thể nói là vô tiền khoáng hậu, bởi có đến hai chú rễ và hoa Cải, hoa Cà sao mà đẹp lộng lẫy chẳng hề thua các loại bông vương giả.
Chị Cà, chị Cải vốn đã giống nhau lại cùng mặc mấy cái xoa rê cùng màu, cùng kiểu nên ba má mấy chỉ còn nhìn hổng ra huống hồ người khác. Chỉ có thằng nhỏ là biết hơi má nó nên hể lâu lâu chạy ra túm vạt áo của ai thì người ta biết đó là chị Cải.
Anh Ngởi, anh Mừng cùng mặc đồ vét coi hết sức là bảnh tỏn. Anh Mừng thì chắc đã quen nên điệu bộ tự nhiên, ngược lại anh Ngởi cứ ngọ ngọe cái cổ suốt, nhìn mà sốt ruột cứ mong cái đám làm lẹ lẹ cho xong để ảnh cởi phắt bộ đồ ra cho thoải mái.
Cái lò rèn hôm ấy qui tụ hầu hết già, trẻ, gái, trai trong xóm, ai cũng được mời và tiếp đón nồng hậu. Mấy đứa con nít là vui nhất, đứa nào trên tay cũng cầm bánh kẹo. Có đứa lần đầu tiên biết mùi vị của sô cô la, nhăn mặt chê đắng. Có đứa nhả vội cái miếng phô mai vừa cắn trong miệng ra rồi ném luôn cái phần còn lại đang cầm. Có đứa nhai sing gum thấy thơm, ngon quá nên dù được dặn là phải nhả xác ra nhưng tiếc nên nuốt luôn.
Bà con cô bác ai cũng quần áo bảnh bao và mặt mày tươi rói, họ nói cười rôm rả, rồi rỉ tai nhau …Hóa ra bấy lâu nay ai cũng nghi, kể cả vợ chồng ông Tư mà không ai dám nói.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: THA THỨ
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 7 2015, 10:44
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
THA THỨ
Họ học chung từ lớp đệ tam, tại cái tên mà bị bạn bè ghép đôi, ban đầu cự nhoi, rồi từ từ để ý và thương nhau hồi nào hổng biết.
Kỳ thi tú tài một năm đó Thứ đậu, Tha rớt. Thứ tiếp tục học lấy tú tài hai còn Tha ở nhà phụ má bán vãi. Thứ đậu cái vèo rồi lên Sài Gòn ghi danh học luật. Chàng đẹp trai, đàn hay, học giỏi…đã từng khuynh đảo trái tim của nhiều cô gái. Nghe nói con gái Sài Gòn rất đẹp và tính tình cởi mở nên Tha thấp thỏm không yên, buộc Thứ phải làm đám cưới cho xong rồi muốn học cái gì thì học. Cuộc hôn nhân giúp cả hai có một nghị lực phi thường. Họ làm việc hết mình nên mang lại kết quả như ý, khi Thứ có trong tay cái chứng chỉ đầu tiên thì Tha cho ra đời một baby kháu khỉnh.
Thứ chưa kịp lấy cái bằng cữ nhân thì trường luật giải thể. Mang thân phận dở dở ương ương lại mặc cảm vì ăn bám vợ nên Thứ đâm ra đổi tánh, vướng vô rượu chè rồi gây gổ đều đều với vợ. Tha cố nhẩn nhịn vì thấu hiểu tâm trạng của chồng, nhưng cũng không ít lần nghe lòng cồn cào một niềm chua xót.
Rồi Thứ đòi theo bè bạn đi buôn. Tha gom hết tiền đưa chồng làm vốn, ban đầu cũng khá nhờ mấy chuyến hàng trót lọt rồi đùng một cái, hàng bị bắt, bị tịch thu …Thứ trắng tay lại bê tha như trước.
Nhờ có người bà con là cán bộ nên Tha xin cho chồng vào làm văn thư trong một cơ quan. Cuộc sống tương đối ổn định, tuy đôi lần Thứ phàn nàn vì công việc nhàm chán và tỏ ra bất mãn cấp trên.
Đi làm được gần một năm Thứ lại nằng nặc đòi vượt biên. Thời ấy muốn đi là phải chung cho chủ tàu ba cây vàng. Tha làm công cho gia đình, tiền lương chỉ đủ sống nên đâu có khả năng, vì quá thương chồng nên ngày nào cũng đeo dính má mà năn nỉ ỉ ôi. Má Tha cầm lòng không đậu, vét sạch hầu bao để giúp con cú chót.
Thứ đi đã lâu mà chẳng nghe tin tức gì ráo. Tha bồn chồn không yên. Từ ngày chồng đi, đêm nào Tha cũng cúng lạy, tụng hết phẩm Phổ Môn để cầu xin Phật Bà Quan Âm giúp chồng tai qua nạn khỏi, đến bờ, đến bến an toàn. Đúng ba tuần sau, Tha nhận được một cái thơ không ghi địa chỉ người gửi, báo tin rằng chiếc tàu chở Thứ đã bị chìm ngoài biển.
Tha như cây chuối bị chém ngang thân. Đau buồn đến suy nhược thần kinh phải nằm bệnh viện rồi phát hiện mình đã có mang đứa con thứ nhì gần ba tháng. Nhờ cha mẹ, bạn bè hết lòng ủi an, nâng đở mới gom nổi sức mà thổi bùng lên chút nghị lực còn sót lại để sống tiếp. Năm sau, đúng ngày Thứ ra đi, Tha làm giỗ cho chồng.
Từ đó,Tha hay nhắc về chồng với mọi người bằng một niềm thương yêu và tự hào. Những đều không hay, không phải về Thứ được tiềm thức tự động xóa đi tất cả. Tha chỉ nhớ về cái đêm tân hôn mà chồng đưa tay cho mình gối suốt nên đến sáng cánh tay chàng tê cứng. Về những cái bánh khi đi ăn tiệc Thứ lén mang về cho vợ. Về những buổi chiều anh đạp xe chở Tha đi vòng vòng cả chục cây số đường núi còn chưa muốn về. Về cái lần Tha sanh đứa con đầu lòng, chuyển bụng quá lâu làm Thứ sốt ruột gây lộn với mấy cô y tá. Cái hào quang của chồng mỗi ngày như một sáng hơn trong lòng Tha. Mỗi lần giỗ chồng Tha lại khóc, lại kể cho các con nghe là cha của chúng tuyệt vời như thế nào.
Một hôm có người bà con nói với Tha là gặp một người giống hệt Thứ ở Đà Lạt, bà nói:
-Nó đi phớt qua, dì ngạc nhiên quá đổi, sao mà giống thằng Thứ như hai giọt nước vậy! Hổng biết ông già nó có con rơi hông ta?
Tha bác liền:
-Hổng phải đâu dì ơi! Ba chồng con đàng hoàng lắm !
Đêm đó Tha lại khóc, ước thầm phải chi chồng mình còn sống. Tha còn trẻ, lại đẹp và giỏi giang nên dù hai con mà vẫn có mấy người cầu hôn, Tha đều từ chối phắt tuyên bố rằng chẳng ai sánh được với chồng mình.
Sau đó ít lâu một cô bạn cam đoan với Tha là thấy Thứ chở một cô gái bằng xe đạp, cũng ở Đà Lạt khi cô ta đi nghỉ mát trên đó. Tha cười, đáp một cách rất tự tin:
-Người giống người chị ơi! Anh Thứ không phải là loại người như vậy đâu .
Cô bạn hỏi cắc cớ:
-Nếu ảnh đi theo vợ nhỏ thiệt, khi quay về chị có tha thứ hông?
Tha đáp bằng một giọng chắc nịt:
-Miễn ảnh còn sống là được rồi, theo mấy con tui cũng không cần biết.
Thế rồi rằm tháng bảy năm ấy, đúng nửa đêm, mấy mẹ con Tha đang ngủ bỗng nghe tiếng gõ cửa, ban đầu rụt rè rồi mạnh dần lên cộng với tiếng gọi hết sức quen thuộc:
-Tha ơi ! Mở cửa cho anh.
Tha tốc mùng chạy ra, Thứ đứng trước nhà tay bồng một đứa bé người gầy nhom như một xác ve. Tha cứ ngở Thứ là cô hồn, nhìn chồng chầm chập hồi lâu mới mở miệng :
-Anh còn sống hay chết rồi vậy ?
-Anh còn sống.
Tha òa khóc nức nở, ôm chầm lấy chồng làm đứa bé đang ngủ trên tay Thứ giật mình khóc ré. Tha khựng lại :
-Con ai vậy anh?
Thứ trả lời rất nhỏ:
-Con anh ?
Tha đứng ngây người nhìn chồng trân trân. Thứ hiểu cái nhìn của vợ, quỳ sụp xuống nói:
-Xin em tha lỗi cho anh, anh hứa từ nay sẽ hết lòng thương yêu, chăm sóc để đền đáp lại tấm lòng khoan dung, độ lượng của em.
Thì ra Thứ đã gạt Tha, lấy số vàng đó đem xây tổ ấm với người khác, cô gái ấy bị bệnh vừa qua đời. Thứ lại trắng tay, đành phải ôm con về xin Tha đùm bọc.
Kể từ đó Tha thay đổi hẳn tính nết, nụ cười đã biến khỏi gương mặt. Tha tránh mặt cả bà con lẫn bạn bè, ít khi nói chuyện với chồng và khi xưng hô thì gọi Thứ là “ông” rồi xưng “tui”. Không khí gia đình bỗng trở nên u ám.
Thứ đã hoàn toàn khác xưa, hiền lành, siêng năng hết sức, làm tất tần tật mọi việc cho dù vợ không khiến. Tha tìm cách tránh mặt chồng, cứ ở lì ngoài sạp vãi đến tối mịt mới về, chỉ nói với chồng khi cần thiết và hàng năm vẫn cúng giỗ cho Thứ.
Một lần Thứ hỏi vợ bằng một giọng buồn phiền pha trách móc:
-Em định làm đám giỗ cho anh tới chừng nào mới thôi?
Tha trả lời, giọng lạnh như nước đá :
-Cho tới khi ông chết thiệt!
Sự đời oái oăm như vậy đó! Mọi tội lỗi chỉ được tha thứ hoàn toàn khi người ta đã nằm dưới ba tấc đất, cho dù lúc đó họ không còn cần đến nữa.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Tặng Nhà Quê - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 7 2015, 12:38
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Bài này tỷ viết ngày 21/6/2015, Ốm có "ôm" về máy nên giờ gởi lên chỗ cũ đây nè. Ốm nhớ hình như có bài thơ nữa nhưng Ốm ko kịp ôm về, ko biết tỷ có lưu trong máy hay không.
-----------------------------------------
MAY MÀ CÓ EM...
Đang ngồi gõ máy bỗng nghe điện thoại reng. “Hơn mười giờ đêm rồi, ai mà còn nhớ mình giờ nầy vậy ta?” Vừa nghĩ trong lòng vừa cầm điện thoại, mới “a lô” xong là nghe đầu bên kia có tiếng của một cô gái lạ:
-Chị LDY phải hông?
-Dạ phải, xin hỏi…
-Em là L nè !
Tôi mừng quá kêu toáng:
-NQ đó hả ?
Chưa kịp hỏi thêm em đã thở ra một cái khì rồi nói:
-Chèng phẹt ơi! gọi được cho chị em mừng hết lớn luôn.
Cái tiếng “chèng phẹt” và giọng nói mang đầy âm sắc quê nhà của em làm tim tôi chao nhẹ. Tôi như thấy lại trên cánh đồng xanh bạt ngàn, những bông hoa nhỏ xíu bằng đồng một cắc ngày xưa, với những cái cánh mỏng tanh, hoặc một chùm những sợi tơ nhỏ li ti, mang mấy màu trắng, vàng và tím nhạt… đang ngóc cái đầu ra khỏi đám lúa, rung rinh rinh trong gió mà chào đón tôi!
Tôi “kết” em lâu rồi, từ lúc chân ướt chân ráo ghé TÂN CHÂU COM , thấy cái hình em khoe cô cháu tốt nghiệp khóa học tiếng VIỆT, tự nhiên có cảm tình. Sau đó lại biết em trùng tên với người chị thân yêu của mình nên trong lòng đâm ra lưu luyến.
-Chị mừng quá ! Nghe em than gọi cho chị hoài không được, chị bèn vái cúng một nãi chuối, mà em có vái ông địa phù hộ hông vậy ?
-Có…
Tôi chận ngang để thông báo một điều quan trọng:
-Chị nói trước cho em biết. Cái điện thoại của chị thuộc loại “cùi bắp”, nó hay tắt bất tử, lại không gọi ra nước ngoài được cho nên em đừng có giận vì chị bất lịch sự nghe !
-Hổng sao đâu chị. Em cũng nói cho chị biết em gọi thẻ nên chừng nào hết tiền là nó ngắt ngang liền, tụi mình nói chuyện với nhau được tám mươi phút.
Tôi nghĩ thầm “tám mươi phút, tha hồ mà nói”. Rồi bắt đầu hỏi em :
-Em đang ở nhà hay ở trong xưởng ?
-Em ở chỗ làm, đang ăn sáng ?
-Món gì?
-Bánh mì với bơ đậu phọng.
Bắt đầu từ lúc đó hai đứa tranh nhau nói. Em kể cho tôi nghe về những tình huống đặc biệt mà mình đã trải qua, vui có, buồn có. Tiếng cười đệm vào thay dấu chấm. Em rất chân thật và hết sức lạc quan nên dù là chuyện không vui em cũng nhắc đến bằng một giọng nhẹ nhàng hóm hỉnh. Chẳng hạn như cái lần em bị bắt oan phải ngủ bót một đêm cùng với cô bạn ngay trước ngày thi. Lúc đó em khóc thôi là khóc, khóc xong rồi đống một giấc tới sáng bét. Cô bạn trách:
-Mầy khóc mù trời vậy mà ngáy khò khò, còn tao hổng có ngủ được chút nào.
Em kể về những đứa cháu bằng một giọng vui, tràn ngập thương yêu, rằng có một thằng cháu nhỏ đã hỏi em một câu trộn chung tiếng Mỹ và tiếngViệt như sau:
-Quai mình khom hia ?
Hai chị em cười với nhau muốn bể máy luôn. Tôi hỏi :
-Em đi thăm được mấy thắng cảnh ở Mỹ rồi ?
Em trả lời :
-Em chỉ đi với gia đình, vòng vòng quanh nơi mình ở thôi !
-Em về thăm quê được mấy lần ?
-Có một lần vào năm 2008 hà chị. Lần nào sắp về là bên nhà cũng có chuyện cần xài nên đình lại, để lấy tiền gửi về.
Nghe em nói mà thương, mà mừng vì em vẫn còn giữ nguyên bản chất của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Càng nói chuyện càng thấy hợp nhau hết sức nên tám mươi phút trôi nhanh như tên bắn, khi máy chỉ còn tiếng “tít, tít” nghe tiếc làm sao!.
Ngày xưa tôi có học chung với dì út của em từ năm lớp sáu nên được rủ đến nhà ngoại em mấy lần. Thưở ấy đâu đã biết nhau. Bỗng vui khơi khơi khi tưởng tượng, dấu chân tôi đã từng chồng lên dấu chân em trong cái khu vườn rộng mênh mông đó. Cái ca nước đầy Võ Thanh Minh múc cho tôi rửa mặt ngày ấy chắc em đã vô số lần chạm tay vào.
Hôm nay là ngày mùng năm tháng năm âm lịch. Vào ngày nầy quê tôi vui lắm ! Nhà nào cũng đổ bánh xèo rồi bưng cho nhau, cho nên ai cũng ăn hai ba thứ nhưn, nào là bánh xèo nhưn tép, nhưn thịt gà, heo, vịt…Năm nay tôi không làm bánh xèo bởi con cháu dắt nhau ra biển hết. Chỉ nấu xôi gà, món mà ngày xưa ông ngoại ưa nhứt để cúng. Cuộc nói chuyện với em hồi tối vẫn để lại trong lòng tôi một chút ấm áp cho nên không cảm thấy tủi thân khi phải cúng một mình, ăn một mình.
Cám ơn em lắm NQ ơi ! Xin mượn một câu trong bài hát để thay điều muốn nói: ”May mà có em, đời còn dễ thương”.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TÁC DỤNG PHỤ
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 7 2015, 22:41
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
TÁC DỤNG PHỤ


Chị Nơ là một cô gái hội đủ tính chất của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Chị không đẹp, nhan sắc chỉ trung bình nhưng có nét hấp dẫn lạ thường bởi gương mặt, cử chỉ, ngôn ngữ… dịu dàng đầy nữ tính. Chị mồ côi cha, là con gái đầu phía sau còn ba đứa em nữa. Nhà không giàu nhưng nhờ má chị rất đảm đang nên ai cũng được đi học đến nơi, đến chốn.
Đậu tú tài hai xong chị không học tiếp mà xin đi dạy liền ở một trường trung học của quận nhà. Chồng chị người miền trung, tốt nghiệp sư phạm xong được đổi về xứ chị. Họ gặp nhau, thương và tiến tới hôn nhân một cách xuôi rót. Mối tình của họ nhẹ nhàng đằm thắm như cảnh quang của miền đồng bằng thôn dã ấy. Cuộc hôn nhân của họ cũng thế, nhờ cả hai đều cần kiệm, nên với cái đồng lương giáo chức ít ỏi họ vẫn sống tốt. Chồng chị hết sức chịu khó, khi chị phải đi học nâng cao nghiệp vụ ở dưới tỉnh, cách nhà đến mấy mươi cây số, anh đều đưa rước chị bằng xe đạp. Những giọt mồ hôi thấm ướt lưng áo anh ngày ấy làm cho tình vợ chồng của họ ngày thêm mặn nồng.
Thời đó hàng hóa trong nước khan hiếm nên nãy sinh buôn lậu và chợ đen đầy trời! Hai tỉnh gần sát nhau mà giá cả mỗi nơi một khác. Lượt đi anh, chị giấu trong người một món, lượt về lại là một món khác nữa. Số tiền lời kiếm được từ những món hàng ít ỏi đó, tính ra còn hơn tiền lương của cả hai vợ chồng cộng lại, chúng được chắt chiu từng chút một để có thể tạo một mái ấm riêng, nhờ vậy mà chỉ hai năm sau họ đã cất được một căn nhà lá nhỏ trong miếng đất hương hỏa bên ngoại của chị.
Nhà chị nằm cạnh con sông lớn. Bên kia sông, xa mút về phía tây là đất Campuchia. Hè năm sau chị sinh một bé gái, lúc bồng con từ bệnh viện về, đi ngang qua sân trước, nơi có một cây phượng rất to đang trổ bông kín nhánh, một cánh phượng rơi bám vào chiếc nón trắng của bé, như tấm thiệp chúc mừng được gửi từ trên trời xuống vậy! Cái màu đỏ thắm ấy làm lòng chị bỗng nhiên xúc động, hai vợ chồng bèn đặt tên cho con là Hạ Biên, có nghĩa là bông hoa mùa hạ nơi vùng biên giới.
Hạ Biên xinh nhất so với các bé trong xóm và khi đi học thì cũng xinh và ngoan nhất lớp. Hạ Biên mang lại cho cuộc sống của anh chị thêm nhiều màu sắc và hương vị ngọt ngào. Mang lại cho căn nhà nhỏ ấy nhiều tiếng cười trong trẻo hơn và những bữa cơm ngon hơn… Từ ngày có con gái anh chị xới mảnh đất nhỏ quanh nhà, dọn sạch cỏ dại rồi trồng thêm rau, cải trong vườn, đặt những dụng cụ bắt cá dưới sông để bữa cơm có đủ chất đạm, giúp con phát triển tối đa.
Hạ Biên dễ dạy lắm chẳng bao giờ làm ba, mẹ phiền lòng. Một lần bị vuột tay mẹ khi tắm sông, từ đó bé không bao giờ dám đặt chân xuống bến. Anh bèn làm cho con cái nhà tắm, mua một cái lu rồi mỗi ngày gánh nước đổ đầy. Cuộc sống êm đềm ấy bỗng sụp đỗ hoàn toàn khi Hạ Biên bị sốt xuất huyết và mất ngay khi chưa đầy tám tuổi.
Hạ Biên vốn không thích bị ướt nên anh chị chôn con trên sườn núi để tránh mùa nước lớn. Mỗi tuần đều mang bánh trái vào thăm rồi ở lại chơi với con đến chiều mới chở nhau về. Từ nhà đến mộ hơn mười cây số, tuy hơi xa nhưng họ vẫn đi đều đặn chỉ ngưng vào những ngày mưa dầm dề mà thôi. Càng nhớ con chị càng oán trách ông trời, sao sanh làm chi cái loại côn trùng độc ác ấy?
Từ đó, bao nỗi căm hờn trong lòng chị đều trút hết vào loài muỗi. Chị tiêu diệt chúng không nương tay, cái nét dịu dàng trên gương mặt biến mất khi chị vừa trông thấy nó. Chị vắt sẵn một cái khăn trên vai, hể nó vừa bay vút qua là chụp liền cái khăn dồn hết lực vào cánh tay mà quất mạnh. Động tác ấy càng ngày càng thành thục, ít có con muỗi nào thoát được. Con nào may mắn bị chụp hụt ở cái lần đầu sẽ bị chị đuổi theo truy sát đến cùng, cho đến khi nó để lại một vệt máu trên khăn chị mới vừa lòng.
Tết năm ấy anh đưa chị về thăm ba má và họ hàng bên mình vì từ khi cưới đến nay họ chưa về lại lần nào. Anh bị bà con trách móc dữ lắm nhưng đành chịu vì mỗi lần về quê rất tốn kém. Má anh hay gửi những bức thơ đầy lời hờn giận rằng anh đã quên bà mất tiêu kể từ ngày anh có vợ. Chị Nơ biết chồng muốn giúp mình khuây khỏa, lại nghe anh kể về những cảnh đẹp quê anh, về ngọn đồi đầy hoa tím, về những món ăn có hương vị đặc biệt khác xa xứ mình nên có chút háo hức. Trước ngày đi họ lên danh sách đầy đủ bà con nội ngoại, mua quà biếu không thiếu một người nào. Anh không nói ra nhưng chị biết ở ngoài ấy người ta cư xử, nói năng theo đúng lễ nghi, khuôn phép. Chị không muốn chồng mang tiếng là không biết dạy vợ, bị họ hàng chê bai ghét bỏ.
Anh chị về quê được mọi người đón tiếp vồn vã, ai cũng biết họ vừa mất con nên thi nhau an ủi. Má anh đã hết giận con trai và ngày càng có cảm tình hơn với cô con dâu nhu mì, khôn khéo.
Trước ngày chia tay, gia đình anh làm một bữa tiệc rất to mời hết họ hàng và bà con lối xóm. Má anh bắt con dâu phải ngồi cạnh mình [ điều nầy ở quê anh rất hiếm, vì ở ngoài ấy cái vị trí trên bàn tiệc quan trọng lắm, phải ngồi đúng tôn, ti, trật tự, đúng cấp bậc hẳn hoi]. Không biết bà nói cái gì mà chị đang chăm chú lắng nghe, bỗng nhìn mặt mẹ chồng trừng trừng rồi xáng cho bà một bạt tay như trời giáng vào cái gò má trái. Cái không khí ồn ào bị đông cứng lại y như màn hình bị đứng. Chị hết hồn định thần rồi lấp bấp nói không ra tiếng :
-Con xin lỗi má…Con đập con muỗi.
Vừa nói chị vừa xòe tay ra. Cũng may mà con muỗi đã kịp hút chút máu nên trong lòng bàn tay còn lưu lại chứng cứ rành rành.
Cái biệt dược "trả thù" nầy thường có tác dụng phụ ngoài ý muốn lắm!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CHIẾC NHẪN
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 7 2015, 05:15
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHIẾC NHẪN


Thu quen Nụ từ mười năm trước. Khi ấy khu dân cư nầy hãy còn thưa thớt, Nụ là nhân viên duy nhất phụ trách việc giữ vệ sinh cho cả cái chung cư.
Nụ khoảng năm mươi tuổi, ít nói, làm việc rất chăm chỉ. Trên tay, nếu không có cái chổi và đồ xúc rác thì là cây lau nhà, hiếm khi thấy chúng ở không.
Một hôm Thu thấy Nụ đang dắt chiếc xe đạp bị xẹp bánh đi phía trước, vội chạy theo bắt chuyện :
-Ở đây không thấy có người vá xe, chắc phải dắt đi xa lắm hả chị ?
Nụ quay lại nhìn Thu, cười và trả lời:
-Ở quốc lộ 50 mới có.
-Đây tới đó bao xa ?
-Chừng một cây số hà?
-Ở đó có chợ hông vây?
-Có cái chợ chồm hổm ngay ngã tư đó!
-Vậy để tui đi theo chị cho vui, sẵn mua một mớ đồ luôn.
-Giờ nầy cô đi chợ thì chừng nào mới ăn cơm.
-Tui mua cho ngày mai, chớ hôm nay ăn rồi.
-Gần tối rồi, đồ đâu còn ngon nữa. Cô cần cái gì để mai tui đi làm sớm ghé mua giùm cho.
Thu mừng quá vì hồi nào tới giờ ghét thôi là ghét cái chuyện đi chợ, nhưng còn làm bộ mại hơi :
-Sợ làm phiền chị quá!
-Có gì đâu mà phiền.
Thu bèn gửi Nụ mua giùm một nải chuối lá xiêm, một con cá lóc, một bó rau muống.
Nụ cười :
-Cô ở cái đất nầy mà mua rau muống làm chi cho tốn tiền, nó mọc lềnh khênh phía sau, chịu khó hái chút xíu là mặc sức mà ăn.
Cái cách nói chuyện và chất giọng miền tây của Nụ làm Thu khoái quá, thế là kết bạn luôn.
Kể từ hôm ấy, cứ cách vài ngày Nụ lại đi chợ giùm Thu một lần. Hai người ngày một thân hơn, biết tên, biết thứ, biết quê quán, biết hoàn cảnh của nhau. Thì ra cả hai đều giá chồng, Nụ còn bất hạnh hơn Thu vì sống trong trại mồ côi từ nhỏ. Thu cũng hơn Nụ một đứa con trai vì Nụ chỉ có một đứa con gái, đang học sư phạm mầm non sắp ra trường. Nụ nhỏ hơn Thu hai tuổi vậy mà trông già hơn, Thu bèn khai bớt tuổi cho Nụ khỏi buồn.
Một hôm Nụ bị chảy máu tay, ghé nhà Thu xin cái băng cá nhân rịt lại. Thu băng cái ngón tay áp út bị đứt ấy giùm Nụ, rồi phát hiện ở cái lóng cuối cùng của nó có một cái thẹo hết sức sâu, ôm trọn cái ngón, như thể đã đứt lìa ra rồi được nối lại vậy. Thu nhìn thật kỹ rồi hỏi:
-Chắc cái ngón tay nầy bị đứt lìa rồi ráp lại hả chị?
Nụ lắc đầu, giọng nói chợt buồn hiu:
-Hổng phải, đó là cái thẹo do chiếc nhẫn để lại đó!
-Trời đất ! Đeo kiểu gì mà để lại cái thẹo sâu hoắm vậy ?
Nụ ngần ngại có lẽ không muốn trả lời câu hỏi đó, nhưng bị cái mặt tò mò của Thu gợi hứng, nên không dừng được, bèn kể:
-Hồi tui còn ở trong nhà bà phước, có một đứa con gái bằng tuổi tui hay theo má nó vô thăm tụi tui. Nó thương tui lắm, hay cho tui bánh nhiều hơn mấy đứa kia. Cứ cách vài tuần là hai mẹ con lại đến một lần, nó thích làm cô giáo nên lần nào đến cũng bắt tui làm học trò ngồi học.
Không hiểu sao lúc đó tui cứ đinh ninh rằng nó là em, hoặc chị sanh đôi của tui vì hai đứa bằng chang tuổi nhau, mặt mày cũng hao hao. Má của nó là má của tui, chắc tại không đủ sữa nên cho bớt một đứa. Cho nên tui thương họ hết sức, hể tới chủ nhật là chui cái mặt ra ngoài hàng rào mà ngóng. Tuần nào mà họ không tới là buồn hết sức, bữa đó bỏ cơm luôn. Được chừng gần một năm thì một hôm gần tết, hai mẹ con lại đến với cái bao đồ đầy nhóc đựng quần áo và đồ chơi cũ. Cái mặt con bé buồn thiu, không giành nói như mấy lần trước. Tui hỏi:
-Sao hôm nay mầy lạ vậy ?
Nó bật khóc nức nở rồi nói:
-Nhà tao sắp về Sài gòn ở, chắc tao với mầy không có chơi với nhau được nữa rồi !
Tui nghe nó nói mà rụng rời tay chân, vừa khóc vừa xúi nó :
-Mầy nói má mầy cho tao đi theo với !
-Tao có nói rồi mà má tao hổng chịu. Má nói má nuôi nổi một mình tao thôi, tao ráng học cho thật giỏi, làm có tiền rồi nuôi ai thì nuôi.
Tui hỏi liền:
-Tới chừng đó mầy có nuôi tao hông?
-Nuôi chớ!
-Rủi lúc đó tụi mình quên mặt nhau thì làm sao?
Nó liền tháo chiếc nhẫn đeo trên tay đưa cho tui rồi nói:
-Tao cho mầy chiếc cà rá nầy nè, mầy đừng có cởi ra nghe. Mai mốt tao thấy nó thì biết đúng phóc là mầy.
Nó cứ dặn tới dặn lui là tui phải đeo chiếc cà rá nầy hoài, để sau nầy nó nhìn tui cho dễ.
-Vậy rồi chị nghe lời mà đeo luôn vậy hả ?
-Ờ! Mấy ma xơ rầy dữ lắm! Mỗi lần cởi nó ra là tui khóc bỏ ăn nên không ai thèm đụng tới nữa. Cho đến một ngày cái ngón tay nầy nó tím bầm máu không chảy được. Tôi được đưa vô nhà thương rồi bị đánh thuốc mê, khi tỉnh dậy là thấy chiếc cà rá mất tiêu. Tui khóc giẩy tử lên thế là mấy cô y tá ráng tìm rồi đem chiếc nhẫn đứt lại trả cho tui. Tới bây giờ tui còn giữ đó cô .
Nụ hỏi bằng một giọng thương hại:
-Bộ chị còn muốn gặp lại cổ hả?
Nụ không trả lời, không dám nói với Thu về cái hy vọng mong manh ấy của mình. Về niềm an ủi lớn lao mà chiếc nhẫn mang đến cho Nụ khi nghĩ rằng từng có một người, đã yêu thương và đã khóc vì mình.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TIẾNG CHUÔNG ĐỒNG HỒ
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 7 2015, 19:59
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
TIẾNG CHUÔNG ĐỒNG HỒ


Khi tôi nghỉ việc một cô bạn hỏi:
-Chị làm cái chỗ nầy sướng muốn chết, bộ nghỉ hổng tiếc cái gì sao ?
Tôi trả lời:
-Tiếc cái đồng hồ.
Thực ra trả lời như vậy cũng chưa đầy đủ lắm, phải nói là tôi tiếc vì không nghe tiếng chuông báo giờ của nó nữa mới đúng.
Còn nhớ lần đầu tiên nghe tám tiếng gõ ấy tôi cứ ngỡ phát xuất tận nhà thờ Đức Bà, bởi nó trầm, êm, nhẹ, khẽ khàng… như tiếng lục lạc đeo trên cổ của con trừu đang tha thẩn trên đồng cỏ mênh mông hay chiếc lá buông mình từ trên ngọn cây vừa chạm đất. Tiếng chuông ấy xuyên qua tôi như một mạch nước ngầm len lỏi vào từng ngóc ngách ẩn khuất, đánh thức những hạt mầm của hoa trái bị chôn vùi từ lâu tưởng chừng như thui chột, làm cho tôi lặng đi…Cả ngày hôm ấy, ngày đầu của một công việc mới nhưng trong tôi lại tràn ngập những hình ảnh ngày xưa. Cái hào hứng pha lẫn cảm xúc của mối hoài niệm làm tôi mang tâm trạng của một lữ khách vừa đặt chân ở một vùng đất mới, nhưng lại gặp toàn những cảnh vật thân thương quen thuộc.
Hết giờ làm tôi đạp xe lại nhà thờ Đức Bà đứng chờ bên ngoài cả tiếng đồng hồ thế nhưng chẳng nghe gì hết, buồn như bị cho leo cây trong lần hẹn hò đầu tiên vậy!
Thế rồi từ đó tôi cứ đi loanh quanh trên mấy con đường gần đó để tìm nó mãi, cho đến một ngày có việc vào phòng giám đốc mới phát hiện, thì ra nó nằm cách tôi chưa đầy mười mét!
Làm sao mà diễn tả cái cảm giác của tôi lúc ấy. Bạn sẽ cho là rất kỳ cục và sẽ chẳng tin rằng người ta lại có thể rung động và đem lòng gắn bó với một đồ vật, một âm thanh sâu sắc đến vậy!
Thế là tôi yêu luôn cái đồng hồ bằng gỗ màu đen, hình tròn, to bằng cái dĩa mà ngày xưa má tôi hay trộn xà lách ấy. Yêu mấy chữ số La Mã đứng xung quanh như những đứa trẻ đang chơi trò chim bay, cò bay. Yêu cái mặt kính trong suốt. Yêu hai sợi dây thòng ra ngoài để lên dây thiều đang đứng im phăng phắt, chúng trông rất nghiêm nghị làm cho tôi rất muốn chạm tay vào mà không dám.
Trong buổi tiệc chia tay hôm ấy, khi nghe tiếng gõ của nó tôi bỗng trào nước mắt làm mọi người xung quanh cùng xúc động. Tôi biết rằng từ nay trong lòng tôi lại có thêm một lỗ hổng do nó để lại rồi!
Từ đó tôi không còn nghe và gặp lại nó nữa. Một lần chị đồng nghiêp cũ ghé thăm, tôi hỏi :
-Cái đồng hồ trong phòng cô Châu còn không?
Chỉ trả lời bằng một giọng ngạc nhiên:
-Tui hổng biết!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ĐỒNG VỢ ĐỒNG CHỒNG...
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 7 2015, 02:46
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
ĐỒNG VỢ ĐỒNG CHỒNG


Chị Tư có cái sạp bán tàu hủ ở trong chợ nhỏ gần nhà. Hôm ấy ngày rằm, chị và đứa con gái lớn đang bận túi bụi bởi người mua vây quanh đông ken và hối như giặc, mấy miếng tàu hủ vừa vớt trong chảo ra là bán vèo hết liền. Hai mẹ con vừa chiên, vừa gói, vừa bán, vừa thối tiền…làm không hở tay, bỗng thằng con trai út từ trong nhà chạy ra kêu giật ngược:
-Má ơi! Có người gọi điện cho hay ba bị té xe chở vô chợ rẫy rồi!
Chị Tư rụng rời tay chân, đứng như trời trồng. Chị bé Hai gần sát bên nhà đang chờ mua, nghe vậy bèn giục:
-Thôi chị đi liền coi ảnh ra làm sao, để tui bán phụ cho.
Chị định thần rồi không kịp cám ơn chạy ra đón xe ôm đi cho lẹ.
Anh Tư nhậu xỉn bị té gãy cẳng và chấn thương ở đầu, hôn mê cả tuần lễ, phải nằm nhà thương mấy tháng mới được cho về. Khi về nhà cái chân vẫn còn bó bột, mọi sinh hoạt của anh đều nhờ vào vợ kể cả việc đi vệ sinh. Chị tư phải nghỉ bán để chăm sóc anh. Chị lo búa xua, vừa lo mất mối, vừa lo chồng nghỉ lâu bị đuổi việc.
Bà con trong xóm đến thăm, họ hỏi :
-Ảnh bị bịnh gì vậy chị?
Chị trả lời:
-Gảy chưn
-Tại sao mà bị?
-Tại rượu.
Cái chữ “rượu” được chị nhấn mạnh một cách căm hờn như nhắc đến tên một kẻ thù truyền kiếp vậy!
Chị Tư ghét rượu từ hồi còn nhỏ xíu. Hồi đó mỗi lần ba chị nhậu say là về nhà quậy phá lung tung, mấy chị em của chị kéo nhau trốn mất, lớ quớ ổng chộp được là bị xáng một bạt tay lảng nhách. Má chị là nạn nhân chính, bà phải chịu đựng đủ thứ, ổng đi nhậu ba sồn ba sực vừa về tới nhà là lè nhè suốt, có khi say đứ đừ cho chó ăn chè đầy nhà, mấy mẹ con phải lo dọn dẹp. Lâu lâu ổng nổi hứng đăng cai tại nhà bà phải tối tăm mặt mũi, hết lo làm đồ nhậu, lại lo chạy tới chạy lui mua thêm rượu thêm nước đá… Đã vậy đôi khi phải chịu trận với những ông khách say đứ đừ nằm lại luôn tới sáng, hoặc có người bị trúng gió phải kêu xe chở về giao cho vợ con họ…Tóm lại có chồng nhậu là khổ cầm canh luôn. Cho nên bà căn dặn hoài cái đám con gái là đừng có đâm đầu vô chỗ chết mà đi ưng mấy thằng nhậu.
Chị lấy anh vì thấy anh hiền khô và không biết uống rượu. Lúc ấy anh là thầy giáo nên giữ thể diện, đâu có dám sa đà sợ mất mặt với học trò. Chỉ từ ngày anh bất mản gì gì đó, nghỉ dạy đi làm công nhân nên mới bị ông thần ve chai đeo bám.
Lần đầu anh đi nhậu say về, chị khóc lóc, làm mình làm mẩy, anh chỉ tay thề không có lần thứ hai. Lần thứ hai chị đòi ly dị, anh lại thề…nhưng đến lần thứ “n” thì chị không thèm nói nữa, chiến tranh lạnh nổ ra. Anh về nhà cơm nước lạnh tanh, cái mặt chị một đống thế là buồn tình đi nhậu tiếp.
Một đêm trong bệnh viện, anh Tư thức giấc thấy vợ ngồi bên giường đang ngủ gục. Gương mặt bơ phờ với bàn tay gầy đét đang cầm cây quạt của chị làm anh nghe thương hết sức, một niềm ân hận dấy lên…Mười mấy năm trước chị xinh đẹp, tươi mát biết bao mà bây giờ… Dù biết rằng thời gian chính là tên sát thủ nhưng phải chăng anh đã tiếp tay, đã trao cho nó một loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp nên chị mới mau tàn tạ như thế! Anh nhớ đến những trận cãi vã của hai vợ chồng, đến cái tát mà một lần không kìm được đã in vào má vợ, nguyên nhân đều do rượu mà ra. Nhớ chị đã đau đớn thế nào khi trở dạ để sanh cho anh mấy đứa con. Nhớ những buổi cơm với những món mà anh ưa thích, thuở còn nghèo đâu có được nhiều, chị nhường cho chồng cho con bằng cách kiếm chuyện loay hoay sau bếp, ăn cuối cùng để vét nốt những miếng vụn còn bám dĩa. Anh không kìm được mối cảm thương đang dâng trào, đưa tay chạm vào vai vợ. Chị Tư giật mình, chưa kịp mở mắt là quạt lia, quạt lịa cho chồng.
Anh Tư thực ra đâu khoái nhậu. Anh uống vì quá vị nể bạn bè chớ anh thương vợ thương con nên không muốn gia đình xào xáo. Khổ nỗi mấy người bạn nhậu đối với anh rất đậm đà tình cảm! Họ nhất định kéo anh đi cùng xuồng, cho dù anh tình nguyện chạy bộ trên bờ cho nó đỡ khẵm. Họ cứ cương quyết lôi anh lên ngồi cho bằng được, để chết chung một cách vui vẻ còn hơn sống một mình buồn tẻ. Tìm đủ thứ lý do để thuyết phục, vịn vô cái câu “Nam vô tữu như kỳ vô phong” để khuyến khích, rồi ví anh như ví bò, rốt cục anh phải chui vô bàn nhậu cho yên cái thân.
Lần nầy thì cả anh và chị đều quyết tâm, đều nghiệm ra rằng phải đồng tâm hiệp lực mới có thể thoát ra khỏi vòng vây của mấy chiến hữu mà giả từ bia rượu.Thế là họ cùng soạn ra một kế sách để đối phó với mấy ông bạn nhậu tới rủ rê.
Hôm đó khi ngoài cửa có tiếng gọi léo nhéo:
-Hú ì, Tư râu ơi! Có nhà hông ?
Anh lật đật chui vô buồng, chị Tư ra mở cửa, một ông hỏi :
-Có anh Tư ở nhà hông chị?
-Ổng đi công chuyện rồi anh!
-Chừng nào về?
-Ngày mai .
Mấy ông bạn không tin nhưng hổng lẽ đòi cho vô xét nhà đành ra về mà lòng đầy ấm ức.
Lần kế, họ rút kinh nghiệm không gọi từ ngoài cổng mà âm thầm đột kích. Chị đang ngồi xem ti vi, nghe tiếng động ngoảnh lại nhìn thì thấy ba ông đã bước vô tới cửa, một người hỏi:
-Có ảnh ở nhà hông chị Tư?
Chị đáp to bằng cái giọng ngán ngẩm:
-Ổng say quấc cần câu, nằm trong bếp kìa.
Họ đâu chịu tin nên nói:
-Xin phép chị cho tụi tui ra thăm ảnh chút xíu.
Chị Tư cố cầm chân:
-Bộ mấy anh chưa say hay sao mà còn kiếm ổng nữa?
Họ ngạc nhiên:
-Sáng giờ tụi tôi có uống chút gì đâu mà say?
Chị Tư ra vẽ ngạc nhiên không kém:
-Sao ổng nói với tui là đi nhậu với mấy anh mà!
Cả bọn giẩy nẩy:
-Đâu mà có! Cha nội nầy kỳ ghê vậy ta, nhậu với ai rồi đổ thừa cho tụi tui. Đâu để mấy thằng tui vô hỏi ổng cái coi.
Chị Tư phát lo nhưng chẳng lẽ không cho. Anh Tư đang ở sau bếp nghe rõ mồn một nên chuẩn bị lập tức một màn trình diễn, lật đật bưng thau nước đang hứng để rửa rau đổ xuống nền nhà rồi nhắm mắt nằm dài lên đó. Mấy ông bạn bước vào, họ thấy một vũng nước dưới lưng anh Tư là dội ngược liền. Chị Tư đi sau thấy vậy liền tru tréo:
-Trời đất ơi! Ngó xuống mà coi, say cho tới không biết lết vô nhà tắm mà làm một bải ở đây, hỏi có ai chịu nổi hông nè trời!
Cả bọn thấy vậy bèn lật đật quay lưng, chào chị Tư rồi rút lui có trật tự.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu