Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 07:14
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271094 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: Re: TIẾNG CHUÔNG ĐỒNG HỒ
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 7 2015, 18:04
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Ai còn yêu một cái gì đó tha thiết tức là rất yêu đời đó, phải hông tỷ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: BỒ CÂU TRONG MƯA
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 7 2015, 17:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
BỒ CÂU TRONG MƯA

Bồ câu là loại chim được nhiều người yêu thích, nhất là ở những con có bộ lông trắng muốt. Cái màu lông trắng như tuyết ấy giúp cho đôi mắt đen láy của chúng trông đẹp, hiền, ngây thơ, trong sáng… đến nao lòng! Cho nên nó được dùng làm biểu tượng cuả hòa bình.
Ngày xưa mỗi lần nhìn cả đàn chim bồ câu sáng cùng bay đi học, chiều cùng bay về tổ là tôi lại thấy nhớ nhà, nhớ quê hết sức! Nhớ những chú chim bồ câu thường quây quần trên sân trước cùng ăn sáng với bầy gia cầm. Chúng hay bị mấy con gà ăn hiếp nên vừa ăn vừa ngó láo liêng, thỉnh thoảng bay vút lên để tránh một cú mổ. Ông ngoại tôi thấy thế bèn rải lúa ra xa hơn cho chúng ăn riêng, có một con dạn lắm, dám lấy thức ăn từ lòng bàn tay của ngoại. Một lần tôi đang bưng một chén bắp rang, một đứa lao xuống ăn cắp một hột rồi bay vút lên như tên bắn, nhớ lại là thấy vui vui. Khi ngoại mất, bầy bồ câu thiếu người chăm sóc đã lần lượt di tản hết. Lúc ấy tôi đã khởi phát cái ý định là sau nầy có nhà riêng hẳn hoi sẽ nuôi thật là nhiều bồ câu.
Ngày đầu tiên con gái tôi về nhà mới, có đôi chim bồ câu, một con đen pha trắng và một con trắng pha đen kéo đến ở chung.
Tục ngữ có câu “thóc lúa tới đâu, bồ câu tới đó”, ám chỉ bồ câu mang tài lộc đến nhà. Ngay ngày đầu đã có bồ câu đến ở nên con tôi mừng lắm, cho là điềm lành nên rất cưng đôi chim ấy. Chúng chẳng những được chào đón hết sức nồng nhiệt, được tặng một cái chuồng có tới tám phòng gắn trên mái của cái nhà xe, còn được cho ăn thực phẩm cao cấp, được chụp hình với mấy đứa cháu...v...v... và… v…v…
Nhưng tình hình ngày một xấu đi khi bà con họ hàng của chúng tìm đến, cả chục tên luôn. Cả bọn không thèm chui vô chuồng mà khoái ở trong máng xối, tha cỏ và các cành cây nhỏ về làm tổ. Một lần về nhà sau mưa, con gái tôi muốn xĩu khi thấy nước tràn vô nhà làm ngập cái sàn gỗ do máng xối bị nghẹt.Từ đó mối giao hảo của hai bên cứ tệ dần, tình cảm giành cho chúng ngày một giảm sút, cái cảnh chim đậu trên tay, trên vai người cũng dần dần biến mất.
Chim bồ câu coi đẹp vậy chớ ăn ở vô cùng bê bối, cái tổ đầy phân hôi rình. Chúng cũng không dùng biện pháp tránh thai, sinh đẻ vô tội vạ, cho nên cái đám con, đám cháu suốt ngày đòi ăn kêu inh ỏi. Khi chim non thay lông còn khổ hơn nữa, gió thổi đám lông tơ bay khắp nhà làm đứa cháu ngoại út của tôi cứ nhảy mũi miết.Thế là hợp đồng cho thuê vĩnh viễn bị hủy ngay lập tức, cái chuồng bị đem cho, cái máng xối được bao lưới nhôm phía trên để chúng không vào được. Chiều hôm ấy khi bầy chim đi học về chúng đứng ngơ ngác trên mái nhà trông hết sức là tội nghiệp.
Rồi cả bọn lần lượt bỏ đi chỉ có cặp bồ câu đầu tiên là vẫn còn nấn ná mãi, chúng biết thân biết phận nên rình chờ không có người mới dám đậu lên cái lan can ngoài hiên mà ngủ.
Một đêm trời mưa, con rễ tôi ra ban công vét rác do chim tha đem bỏ vì sợ nghẹt cống, vợ chồng bồ câu sợ quá bay vụt ra ngoài rồi đứng dưới mưa luôn không dám vô nhà. Nhìn hai con chim ủ rủ trong mưa, lâu lâu lại rùng mình, lắc đầu rũ nước thỉnh thoảng liếc nhìn chúng tôi bằng tia mắt rụt rè làm tôi đau lòng quá đỗi, cứ hối con làm lẹ lẹ sợ chúng bị lạnh mà chết.
Đêm ấy hình ảnh của hai con chim co ro cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi tự hỏi có một thế giới nào mà ở đó muôn loài cùng phát triển song song, cái lợi của nhóm nầy không là mối nguy của nhóm khác hay không?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 7 2015, 18:15
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Mèn ơi ! Tỷ quả là đa sầu đa cảm,xúc động trước mọi hoàn cảnh


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CÂY Ô MÔI
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2015, 17:12
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CÂY Ô MÔI

Ô môi có tàng rất rộng nên được trồng ở giữa đồng để lấy bóng mát. Những buổi cơm trong mùa cấy, gặt thường được bày dưới chân của nó. Nó vô cùng tận tụy, cố dang dài những cánh tay và xòe rộng tất cả các ngón tay hết mức, che chở cho những mái đầu bên dưới một cách tối đa. Nó kéo những ngọn gió mát dịu từ không trung xuống để thổi khô những giọt mồ hôi trên lưng, trên trán của mọi người, dâng hiến cả toàn thân để biến thành những món đồ thượng hạng [bàn, ghế, giường, tủ làm bằng ô môi lên nước đỏ au rất đẹp]. Ngoài ra nó còn mang đến cho mắt ta những buổi tiệc thịnh soạn khi mà vào mùa trổ bông, những cánh hoa màu hồng phấn bay la đà trong gió rồi đáp nhẹ lên thảm lúa xanh, tạo thành một bức tranh vô cùng thắm tươi, sinh động.
Tôi nhớ cây ô môi ở quê mình nhiều lắm!
Nhớ những lần theo dì Bảy ra đồng đem cơm cho ông ngoại. Hai ông cháu ngồi lên cái rễ đã nhẳn bóng của nó rồi mở gói cơm nóng bọc trong lá chuối ra để cùng ăn với nhau. Một lần bông của nó rớt vô cơm, tôi ăn thử thấy chát ngầm. Ăn xong lại cùng ngoại ngả mình dưới bóng mát của nó, bắt chước ông lót tay sau ót mà nhìn lên trời, nheo mắt ngắm những đám mây trắng mập thù lù đang nở từ từ, tưởng tượng như đó là gương mặt của một người khổng lồ cũng đang cúi dần xuống, ngó xuyên qua kẻ lá mà theo dỏi chúng tôi vậy.
Nhớ những cái trái đen thùi to như cây gậy, mỗi lần muốn ăn phải róc bỏ vỏ, nếu nuốn nhanh và ít tốn công thì kê vô kẹt cửa mà kẹp cho nó bung ra. Tôi làm biếng nên hay xài cách đó vì vậy đã một lần bị phạt, phải quì suốt buổi học vì làm sút bản lề cửa lớp.
Nhớ mấy cái mắc tròn xoe như cái bánh làm bằng sô cô la nguyên chất, với hai lớp nhựa đen bọc dính khắn miếng gỗ mỏng vánh ở giữa không thể nào tách ra được, nên khi ăn là phải nhai chung một lượt, tạo ra một vị hết sức đặc biệt: vừa ngọt, vừa chát.
Nhớ cái hột giống như núc áo, hình trái tim có màu hồng với những cái vân màu đỏ đậm mảnh như sợi tóc, vỏ rất bóng nên trông như ngọc vậy. Không biết bao nhiêu cây kim đít vàng đã bị gãy khi tôi cố xâu chúng lại để làm chuổi mà đeo. Nó cứng như đá chẳng thể xuyên qua được vậy mà tôi cứ làm hoài cho đến khi bị má phát hiện cho ăn mấy roi mới chịu bỏ.
Quê tôi, đời sống gắn liền với nước vì con sông ôm gọn cù lao vào lòng như mẹ ôm con. Nước chẳng những ngấm vào rễ của mấy cây sung, dừa, chùm ruột mọc sát bờ, vào mấy cây cột tre của những căn nhà sàn được cất một nửa dưới sông, vào chiếc xuồng ba lá với sợi dây lòi tói lòng thòng tròng vô cọc cầu… mà còn liếm hai bàn chân và ngấm vào thân thể của chúng tôi ngày ấy. Công việc đồng áng luôn làm lưng áo đẫm mồ hôi, tay và chân lúc nào cũng bết bê bùn đất, cho nên cây ô môi hết sức cần thiết để trị cái bệnh mà bà con quê tôi hay mắc phải:”lác”
Còn nhớ tụi tôi hồi đó hay đọc ra rả:
“Khỏi cần tìm kiếm cho xa
Ô môi xức lác bằng ba cây muồng”
Có một hình ảnh rất đẹp về cây ô môi mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn cất giữ. Lần ấy vừa tạnh mưa tôi cùng tụi bạn rủ nhau đi ra đồng bắt ốc, đang cúi đầu nhìn xuống đất bỗng nghe một đứa kêu to: “Mống chuồn kìa tụi bây”, ngước mắt lên nhìn: một cây cầu vồng vắt ngang qua bầu trời trong xanh. Nó bao trùm, tạo thành một vầng hào quang rực rở trên đầu cây ô môi đang trổ bông, đẹp mê hồn làm tôi cứ đứng lặng người.
Xem thế cũng đủ biết cây ô môi đã cung cấp cho chúng tôi một nguồn năng lượng dồi dào biết bao để nuôi dưởng cả tâm và thể. Thế cho nên mỗi lần nghe người ta ca tụng về hoa đào, về cái màu hồng đài các của nó, viết cho nó những bản nhạc, những bài thơ là tôi lại tức giùm cho cây ô môi của mình. Cây ô môi của tôi, nhan sắc không hề thua kém một ai, lại bao gồm nhiều ưu điểm khác, đã vậy không hề được tuyên dương mà còn bị rẻ rúng đến gần như tuyệt chủng, thật là bất công quá đổi!
Một lần về thăm quê, tôi cố ý ra đồng để viếng cây ô môi cũ. Buồn thay, nó đã bị đốn mất rồi, ngay cả rễ cũng bị moi lên. Đất đã bôi xóa hoàn toàn những dấu chân hết sức rộng và sâu của nó. Chỗ ngày xưa hai ông cháu tôi nằm ngủ trưa cạnh nhau nay đã không còn nhận ra bởi bị đám bắp trổ cờ che lấp. Cây ô môi đã vĩnh viển ra đi, bỏ lại một màu xanh mồ côi trên đồng ruộng, bỏ lại trong lòng tôi một cảm giác trống trải, chơi vơi, hụt hẩng...
Ôi! cây ô môi già, chắc đang tỏa bóng để che mát cho ngoại và những người thân đã mất của tôi ở một nơi nào đó!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CÂY Ô MÔI
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 7 2015, 08:04
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Ốm cũng có bài viết ngắn về ô môi và cả hình nữa nè tỷ:

http://phanthingacdct.blogspot.com/2011/04/thu_02.html


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 7 2015, 19:18
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cám ơn Ốm đã cho tỷ gặp lại cây Ô môi. Mấy bức ảnh đẹp quá! Tỷ rất thích bức số bốn, tự hỏi tại làm sao mà tất cả các loài hoa cho dù màu sắc khác nhau nhưng đều có nhụy màu vàng?
Nhà[blog] của Ốm rất ngăn nắp, đẹp và thơm. Nó được trang trí bằng những tác phẩm quí giá rất đáng để chiêm ngưỡng.
Tỷ cũng gặp lại BÙI GIÁNG, vị thi sỹ mà tỷ hằng ngưỡng mộ. Đọc lại bài viết về ông bắt gặp những câu thơ hay đến xuất thần.
Cám ơn Ốm thêm một lần nữa!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CÂY, LÁ CHUỐI
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 7 2015, 21:01
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CÂY, LÁ CHUỐI

Không có ông ngoại và cây chuối chắc tới bây giờ tôi cũng chưa biết lội.
Con nít ở quê tôi thuở trước, chưa biết đi là đã được bồng xuống sông để tắm. Chúng bị kẹp cứng bên hông, bị bàn tay của má, của chị với ngón cái miết mạnh, kỳ cọ khắp người để tẩy sạch lớp bụi đất gọi là “hờm” bám trên da. Chúng được gội đầu bằng cục xà bông [nhà nào sang thì xài xà bông thơm hiệu cô Ba, còn hầu hết đều xài xà bông đá], rồi bị bịt chặc hai cái lỗ mũi để nhúng đầu xuống nước. Mấy lần đầu tụi nó hết hồn chới với nên khóc la chói lói, sau đó lại ghiền cứ đòi ”hụp” hoài. Năm, sáu tuổi chúng được nằm sấp trên hai cánh tay của người lớn rồi “tập tầm vũng” [đạp nước] rầm rầm để tập lội. Khi hai chân đã đạp đều và đủ mạnh, chúng được cho ôm cây chuối để nổi lên mặt nước rồi tự mình xoay sở, chừng vài tháng sau là có thể bỏ cây chuối ra rồi. Những đứa nhát lâu biết bơi phải ráng bắt cho bằng được một con chuồn chuồn, cho nó cắn rún để tiếp thêm niềm tin và sức mạnh.
Cây chuối tốt biết mấy! Cho ta hết thảy những gì mà nó có từ củ, thân, hoa, trái và lá nữa!
Lá, ngoài nhiệm vụ thanh lọc không khí và làm mát đất, còn nhuộm màu xanh thắm cho tuổi thơ, đóng một vai tuy thụ động nhưng hết sức là quan trọng trong những tháng năm thơ ấu của tôi.
Với những bé gái nhà quê, lá chuối là nhà, tiền, y phục, thực phẩm… trong các trò chơi.
Lá chuối được quấn quanh thân để làm quần, làm áo trong những tuồng hát. Chúng được xé thành từng sợi thật nhuyễn máng lên hai vành tai rồi kéo lòng thòng dưới càm để làm thành một bộ râu, được kết thành cái thúng tròng lên đầu giả làm mão. Chúng được gác lên mấy thanh tre, lợp mái cho những căn nhà chòi, vừng xung quanh làm vách và lót dưới đất làm chiếu… Được cắt thành những miếng hình chữ nhật, lớn nhỏ khác nhau tùy theo mệnh giá để giả làm tiền. Hồi đó mì là món ăn cao cấp nhất, nên chúng tôi hay chịu khó xé tan nát tấm lá chuối ra lừng sợi nhỏ như cọng nhang để giả làm mì. Nó bán đắc hơn cái món bùn quậy sệt sệt làm cháo, hay trấu làm cơm.
Với người lớn lá chuối càng được quí hơn gấp mấy lần bởi thiếu nó thì chẳng thể làm được các món bánh truyền thống như bánh tét, bánh ít, bánh ú…Nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là dùng để gói. Những gói cơm mang ra đồng được bọc trong lá chuối. Những món xôi đậu, xôi bắp bán mỗi sáng của dì Ba, mợ Bảy ngày xưa cũng được trét đều lên đó! Những trái chùm ruột, trứng cá, ổi, mận…được túm vào lá chuối bỏ vô cái rổ để trên bốn chân của cái ghế đẩu chổng ngược, đặt cạnh đường lộ cái mà bán với giá năm cắc một gói. Lá chuối còn có mặt trong hầu hết các món bánh quê thuở ấy. Những cái bánh tai yến, chuối chiên, chuối nướng… vừa vớt ra khỏi lò, khỏi chảo là nằm liền lên miếng lá chuối để trao cho những bàn tay nhỏ xíu, với những cái miệng nhỏ xíu vừa chu mỏ thổi, vừa cắn, vừa nhai…Món bánh xèo được đặt cẩn thận trong cái nia to có lá chuối phủ kín, từng cái nằm chồng lên nhau với một miếng lá chuối nhỏ làm vách ngăn để khi lấy ra chúng không dính rách.
Hiếm có loại lá nào được tận dụng tối đa như lá chuối, ngay cả khi chúng đã chết khô, chết héo. Hồi đó mỗi lần con heo nái cắn ổ là ngoại tôi đi cắt một ôm lá chuối khô về trải xuống sàn cho nó nằm. Những miếng kẹo bánh tráng mà ông tôi rất thích được bọc riêng từng cái trong lá chuối khô. Những miếng cốm nếp, cốm chùi [bắp] cũng được hưởng sự chăm sóc chu đáo tương tự. Những bánh thuốc lá cũng được ủ trong nó cho dịu lại. Cả cái hủ rượu ngâm trái chuối hột cũng được nó nút lại cho khỏi bay hơi. Nó còn được chèn cứng mấy gáo mắm để làm thành cái nắp đậy rất kín và theo tôi thì nhờ có nó mà món mắm mới ngon đến vậy! Có những món ăn mà lá chuối còn được dùng như chất xúc tác, giúp cho sự lên men dễ dàng hơn như cơm rượu, mắm thái chay…chẳng hạn.
Cái thời mà bà con còn xử dụng cái dĩa đèn đốt bằng dầu cá thì các món hàng hầu hết đều gói bằng lá, như lá sen, lá chuối…Lá sen hiếm, mềm và khó rách hơn nên được gói mấy món hàng mắc tiền như thịt quay, xá xíu, phá lấu… hoặc những món ăn ướt như bánh tầm bì nước cốt dừa. Lá chuối có nhiều hơn, chúng được dùng gói các món còn lại, cả sống lẫn chín như bắp nướng, bánh bò, thịt heo, rau cải…
Cây chuối ngày xưa hể nhà nào có vườn là có nó. Ngay cả những người từ xứ xa đến ở đậu trên đất của người khác. Họ chỉ dám cất tạm những căn nhà nhỏ nhoi bằng vài chiếc chiếu ráp lại, cũng ráng trồng ở sát sàn nước một bụi chuối cho mát đầu, mát mắt và để lấy thân, lá, trái mà xài.
Hoa [bắp chuối] và trái của nó ai mà không dùng đến.
Bắp chuối có mặt nhiều nhất trong các bữa cơm. Nó thêm mùi, thêm vị cho món canh chua, mắm kho, gỏi…Ngoài bắc thì “con gà cục tác lá chanh” còn trong nam thì “ò ó o chuôi… chuôi… chuối…”. Nồi cháo gà, cháo vịt chẳng thể nào thiếu cái thau gỏi đi kèm mà bắp chuối hoặc cây chuối non cùng rau răm đóng vai nam, có khi là vai nữ chánh.
Chuối chín rộ cả quầy gần trăm trái nên ngoài dùng làm các món bánh, chuối chưng, chuối nướng, chuối nấu…nó còn chen vô những bữa cơm. Nhờ có nó mà cái nồi cơm gạo đỏ với mỗi một tô mắm chưng tóp mở, hay trách cá hủn hỉn kho sền sệt thôi cũng được vét tới tận đáy!
Thân cây chuối cũng không kém phần quan trọng. Những nhà quá nghèo không sắm nổi chiếc xuồng, vào mùa nước thường kết chúng lại thành bè để chống đi từ nơi nầy qua nơi khác. Bẹ chuối của các cây già có những đường gân rất chắc nên được tước để làm chỉ lược. Ở cây con nó được xắt thật mỏng làm rau ghém chấm mắm kho hay trộn gỏi, rất là ngon! Những cây chuối đã trổ buồng là thức ăn chính cho heo. Phải dùng cây dao Dâu thật to, dài cả sải tay, rộng bằng bàn tay người lớn với cái cán dài như cây giáo để thái thành từng lát mỏng rồi đem quyết nhuyễn. Chúng được cho vô cái khạp da bò, chắt nước cơm vo và rải muối vào để lên men vài ngày rồi mới vớt đổ ra máng trộn cám với cặn mắm [cá ủ để làm nước mắm, sau khi nấu thành nước mắm xong, xác được giữ lại, đây là món khoái khẩu của mấy con heo] mà cho heo ăn. Hối đó, mỗi lần má xắt chuối là tôi hay ngồi kế một bên, lấy cái lỏi tròn xoe của nó mà xếp lên cái nia con con giả làm bánh bèo đem bán.
Củ chuối ít được dùng hơn, giữ vai trò của một vị tướng cứu khốn phò nguy nên chỉ xuất hiện trong những hoàn cảnh ngặt ngèo. Ngoại tôi hay nhắc về cái năm Thìn bão lụt xa xưa, khi ấy lúa trong đồng bị chết úng hết bà con phải đào củ chuối lên nấu ăn cho đở đói.
Bây giờ mỗi lần ăn mấy cái bánh đựng trong bịt ni lông là tôi bỗng thấy buồn. Nước tôi lá chuối đâu có thiếu vậy mà bà con, thà đem bỏ chớ chẳng ai thèm dùng, cho dù nó vừa có giá trị về kinh tế vừa giúp ích cho môi trường. Những tấm lá chuối khi mãn kiếp lại được trả về lòng đất rồi nhanh chóng biến thành phân bón. Chúng đến và đi rất êm đềm chẳng để lại một chút hậu quả nào cho người, cho đất. Chúng cho ta nợ rất nhiều mà chẳng bao giờ đòi lại, lấy lại một thứ gì!
Xin cám ơn cây chuối, người bạn hào phóng, hiền lành, tận tụy, thân thương!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: HOA TRÊN SÓNG
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 7 2015, 22:06
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
HOA TRÊN SÓNG


Ngôi chùa mái lá nằm ở đầu cù lao, ngày xưa chỉ là một cái cốc nhỏ của một vị sư từ xứ xa đến. Sư thầy ấy là một vị lãng tu, ông luôn lang thang từ nơi nầy sang nơi khác, khi ghé chùa, khi ở tạm nhà dân. Một hôm, cảnh sông nước mênh mông với cái cù lao nhỏ bé lẻ loi giữa sông làm ông yêu thích. Ông Tư, một nông dân thuộc dạng trung lưu, góa vợ và không có con, chủ căn nhà mà sư tạm trú rất ngưỡng mộ ngài. Lúc đó cù lao nầy hãy còn hoang vắng, chưa có ngôi chùa nào được xây nên ông tự bỏ công, bỏ của ra để cất một căn nhà lá nhỏ rồi cố giữ sư ở lại. Vậy là nơi ấy đã có một ngôi chùa với một vị sư thầy. Ông Tư vừa là vị phật tử đầu tiên vừa làm ông từ coi sóc việc tưới cây và quét dọn.
Tiếng chuông mỏ vọng ra trong những thời cúng khêu gợi tính tò mò của dân làng. Họ lân la tìm đến, ban đầu là những người ở gần rồi dần dà mọi người đều biết. Kể từ đó căn nhà hơi giống cái chùa ấy được bà con đến viếng đều đặn vào những ngày rằm, ngày lễ …Thoạt đầu chỉ có bức ảnh của vị Bổn Sư THÍCH CA được lồng trong khung kiếng, năm sau trúng lúa ông Tư liền thỉnh một bức tượng bằng đất nung về đặt ở chính điện. Từ đó cái chùa không có tên nầy được gọi là chùa “Phật đất”, dần dà bà con gọi là chùa “Đất” luôn cho gọn.
Sư thầy thông thạo y lý nên ngoài Phật sự ông còn trị bệnh và coi ngày giúp cho bà con. Tiếng lành đồn xa, phật tử ngày càng đông, có vài người ở tít bên kia sông cũng đến viếng. Chùa nhỏ nhưng không nghèo vì được cúng dường hậu hỉ nên những ngày lễ lớn đều đông vui lắm! Ngoài ra để khuyến khích mọi người đến chùa và cũng muốn sử dụng hết phẩm vật dâng cúng nên ngày rằm hàng tháng chùa đều đải xôi, chè, bánh, trái…Công việc bếp núc ấy đã có mấy bà lớn tuổi đảm nhiệm, họ làm việc hết lòng và chu đáo nên sư thầy chẳng cần dòm ngó tới. Vào những ngày rằm lớn, con đường đất nhỏ ôm quanh cái cù lao nhộn nhịp hẳn lên. Mấy bà má một tay bưng cái thúng bên trong có một thẻ nhang và mấy lít nếp, một tay dắt con, có khi thêm hai ba đứa lúp xúp chạy theo, cùng đi đến chùa, để, trước đốt ba cây nhang khấn phật trời phù hộ cho yên bụng làm ăn, sau cho mấy đứa nhỏ ăn cơm chùa một bữa đặng sáng dạ.
Một hôm có chiếc đò dọc cặp bến nhà chùa. Bầy con nít xúm lại xem vì lâu lắm nó mới ghé lại nơi đây một lần. Người đàn ông đứng trước mũi ghim cây sào xuống đất cho đò dừng hẳn lại, bắc tấm đòn mỏng lên bờ rồi cõng một đứa bé lên trước. Một bà lão đi sau tay xách một túi đồ trông có vẽ nặng. Mấy đứa con nít nhìn chòng chọc vào thằng bé cao chưa bằng cây đòn gánh, với cái đầu cạo trọc chừa ba chòm tóc phủ lòa xòa trước trán và hai bên mang tai. Thằng bé mắc cỡ níu cứng tay bà lão, mặt cúi gầm nhìn đăm đăm mấy ngón chân đang bấm chặt xuống đất. Bà hỏi đứa đứng gần nhứt:
-Chùa Đất ở đâu hả cháu ?
Thằng bé đó chưa kịp trả lời thì một đứa lớn con nhất đám, đứng sau lưng nó liền đáp một cách sốt sắng:
-Để tui chỉ cho, bà đi theo tui nè!
Vừa nói nó vừa chạy vọt đi, mấy đứa còn lại cũng ráp nhau đi theo. Một đứa bé gái xem ra tử tế, khiêng phụ liền cái giỏ mà không đợi bà nhờ. Đến chùa rồi tụi nó cũng chưa chịu về đứng thập thò ngoài cổng ngó vào. Sư thầy nhìn là biết họ từ xa đến nên kéo ghế mời ngồi rồi bưng một dĩa bánh ít ra mời. Ông Tư cũng ra sau nhà đông nhúm lửa nấu nước chế trà. Bà lão lột cái khăn đội trên đầu xuống, chắp tay xá sư một cái, thằng bé cũng bắt chước làm theo y hệt. Sư bỗng có cảm tình nên đưa tay vuốt cái đầu chừa ba vá của nó rồi hỏi:
-Bà ở nơi khác đến phải không? Viếng chùa thôi hay còn có việc gì nữa?
Bà lão lại chấp tay xá sư thầy thêm một lần nữa rồi nói:
-Chẳng dám giấu thầy! Tui ở cái cù lao Ma cuối sông, hôm nay tới lạy phật với đem thằng cháu đến chùa xin thầy nuôi giùm. Thằng nhỏ nầy mồ côi cả cha lẫn mẹ, ba má nó bị chết đuối nên ở với tui từ ngày còn đỏ hỏn. Tui bây giờ bịnh rề rề, lo thân còn chưa xong nói gì nuôi nấng nó. Xin thầy làm ơn, làm phước cho nó theo thầy, trước là có cái ăn sau là học đạo để cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ mau về miền cực lạc.
Ban đầu sư có ý ngại nhưng rồi thấy thằng bé có cái tướng khôi ngô, mặt mày sáng sủa nên đâm ra có cảm tình. Vốn rành tướng số nên sư biết rằng nó là một loại ngọc thô, nếu được mài giũa sẽ trở thành báu vật.
Vị sư thầy hơn nửa cuộc đời sống thong dong áo không bám bụi, những tưởng lòng chẳng còn vướng mùi tục lụy bỗng trở nên bận bịu, hết lòng dạy dỗ cho đứa học trò nhỏ xíu mà ông thương hơn từng ngày. Ông bắt đầu dạy nó học chữ trước rồi học đạo sau, chăm sóc từng chút giống như uốn nắn mấy chậu bông sai vậy.
Sư thầy tuổi càng nhiều, hy vọng càng cao và càng hài lòng về cậu học trò của mình. Sự thông minh vượt trội và đạo hạnh của cậu như một cây đại thụ mà ngôi chùa là cái chậu nhỏ không đủ sức kềm giữ nổi. Cậu được gửi đến một ngôi chùa lớn ở Sài gòn để học tiếp, ở đó cậu lại được cho sang xứ Phật để nghiên cứu thêm kinh tạng.
Mấy năm sau cậu trở về. Ngôi chùa cũ đã được cất thêm hai cái chái rộng hai bên, một để làm nhà bếp, một làm nơi tiếp khách. Bức tượng phật bằng đất bây giờ không còn đơn độc nữa. Cậu mang về một cái chuông lớn, treo lên cái giá cây rất vững chắc rồi làm cho nó kêu bằng cái chày giống như chày giả gạo. Từ đó tiếng chuông công phu đầu ngày đã vang khắp cù lao, thay thế nhiệm vụ của mấy chú gà trống đánh thức bà con ra đồng mỗi sáng.
Thầy “Nhỏ”, đó là tên mà bà con gọi vị sư trẻ tuổi để phân biệt với vị sư già, cũng được bà con thương kính y như sư phụ của thầy. Thầy còn trẻ, bầu nhiệt huyết còn đầy tràn nên hay tổ chức những buổi thuyết pháp để giảng đạo cho phật tử. Thầy muốn biến cái cù lao nhỏ bé ấy là chốn an lành, thấm đầy tình người và phật pháp. Thầy cất thêm một căn nhà nhỏ ở sát bờ sông vừa làm chỗ ở cho riêng mình vừa làm lớp học để dạy chữ cho bà con lớn tuổi và những đứa trẻ không thích đến trường. Cuộc sống trên cái cù lao êm đềm chỉ bị khuấy động khi lũ đến. Và cho dù dòng sông cứ cách vài năm lại nổi giận như điên rồi tàn phá dữ dội, nhưng đồng ruộng và vườn cây vẫn phục hồi rất nhanh để duy trì một màu xanh bất biến.
Mùa mưa năm ấy, chiếc đò dọc lại cặp bến nhà chùa, lần nầy chỉ có một cô gái lên bờ mà thôi. Cô là cháu của ông Tư, sống ở Sài Gòn từ nhỏ, lâu lâu mới về thăm quê một lần. Cô đến mang theo vài thay đổi nhỏ: Trong các bữa cơm, thay vì chỉ có rau luộc và mấy miếng tàu hủ muối sả chiên thường lệ, cô hay làm những món tỉ mỉ, ngon và đẹp. Mấy cái bình hoa trên bàn thờ không còn cắm duy nhất bông huệ trắng mà thỉnh thoảng lại có những loài hoa không tên góp mặt. Một hôm cô còn cả gan cho mấy cái bông lục bình leo lên đó làm hai thầy trò và ông Tư cứ nhìn mà cười tủm tỉm.
Những buổi thuyết pháp được tổ chức trước sân chùa mỗi tháng một lần vào đúng ngày rằm. Phật tử chia thành hai nhóm, nam bên trái, nữ bên phải. Họ phủi chân cho thật sạch rồi ngồi trên mấy tấm đệm đan bằng những cọng rơm mà ban ngày ông Tư dùng để phơi lúa, bắp. Vị thầy nhỏ ngồi xếp bằng trên cái tọa cụ đối diện với mọi người. Ánh trăng rằm bị hấp dẫn nên không núp dưới rặng xoài nữa mà từ từ đứng thẳng lên rồi nhón chân nhìn chòng chọc. Nó phủ lên khắp người vị thầy trẻ một lớp áo bằng pha lê trong suốt. Cái đầu hơi méo với sáu cái thẹo nhỏ trên đỉnh giống những dấu chấm trên hột xúc xắc bỗng ánh lên như được thắp sáng từ bên trong. Gương mặt rất bình thường, rất quen thuộc của thầy trở nên hết sức uy nghi, thoát tục. Hằng trăm con mắt ngước nhìn thầy một cách chăm chú, như thể ý nghĩa của từng lời giảng đã mượn cái dáng tôn nghiêm của thầy mà chui qua mắt và lấp đầy các khoảng trống bên trong họ vậy.
Lần đầu tiên nghe vị thầy trẻ thuyết giảng cô gái rất ngạc nhiên. Cách sinh hoạt và ngôn ngữ đậm chất nhà quê của thầy thoạt đầu đã làm cô ngộ nhận. Cô là con nhà giàu, đẹp và có học nên cho rằng mình có giá trị hơn những người xung quanh. Thế nhưng những lời giảng mộc mạc bộc lộ ý nguyện chân thành muốn gieo cái đẹp, cái thiện vào lòng mọi người của thầy đã làm cô hết sức cảm phục. Chỉ qua một vài lần dự thính thôi mà thế giới quan và nhân sinh quan của cô đã dần thay đổi. Cô bắt đầu ngưỡng mộ và tôn thờ thầy. Tấm lòng của cô thể hiện qua các món ăn trong những bữa cơm. Cái cách cô lặt từng cọng bông bí, rửa và gọt những trái dưa leo, bằm thật nhuyễn những tép sả hay cho lửa riu riu để làm cái món đậu phọng rang mới cảm động làm sao! Vị thầy nhỏ ấy đã khiến cô làm được cái điều mà xưa nay cô không thực hiện nổi: cô không còn nấu riêng một món mặn cho mình nữa.
Ánh đèn leo lét trong căn nhà sát bờ sông hay đánh thức cô vào lúc nửa đêm. Cô tự hỏi không biết ông thầy nhỏ làm cái gì mà thức khuya hay dậy sớm thế? Tính tò mò thôi thúc dữ dội nên một hôm cô lén đến bên hông nhà rồi vạch vách nhìn vào. Cái dáng ngồi thật thẳng gần như bất động, với hai ngón tay thỉnh thoảng lật từng trang sách của thầy làm cô nhớ đến mấy câu thơ:

Chùa quê mái lá đơn sơ
Mỏ chuông dìu dặt, kệ thơ nhịp nhàng
Thiền sư tựa gối mơ màng
Nửa đêm thắp nến, lần tràng, chép kinh.

Công việc cúng bái ngày trước cô ít khi quan tâm đến, mỗi năm chỉ theo mẹ đến chùa vào ngày rằm tháng bảy mà cũng do bắt buộc chớ chẳng hề tự nguyện, bây giờ đã chiếm hầu hết thời gian của cô trong ngày. Cô thường mượn thầy những quyển sách để xem, lần nào đưa cho cô thầy cũng nói:
-Có chỗ nào cô không biết thì cứ hỏi nha!
Cô hơi phật ý vì cho rằng không lẽ cái người có hơn một cái bằng trong tay như mình mà không hiểu ý nghĩa của những bài kinh đơn giản hay sao? Tới chừng xem mới thấy chới với, đúng là càng học càng biết mình ngu.
Ba tháng hè trôi qua nhanh quá! Lúc đầu cô chỉ định ở chơi tối đa là nữa tháng vậy mà… Trước ngày ra đi cô đem hết tài lực, nấu một bữa cơm chay rất hoành tráng làm mọi người đều tấm tắc. Sư thầy quở:
-Tu mà ăn uống cái kiểu nầy thì đâu có khổ hạnh chút nào!
Thầy nhỏ đỡ lời:
-Thưa thầy, mấy vị đầu bếp giỏi cũng giống như kiếm sĩ vậy! Muốn đạt đến chỗ thượng thừa là phải rèn luyện hàng ngày. Có điều quen dùng những món như thế nầy chừng trở lại những món cũ lại đâm ra thấy khó nuốt mới khổ.
Cô gái bỗng buột miệng:
-Vậy con ở lại đây luôn để nấu ăn, hai thầy có đồng ý không?
Vị thầy già lắc đầu:
-Làm vậy chỉ phí cái tài của cô thôi !Tôi dùng cơm càng ngon thì càng cảm thấy có tội, thầy nhỏ mai mốt cũng đi nơi khác chớ đâu còn ở đây hoài.
Thầy nhỏ hơi ngạc nhiên khi nghe sư nói như vậy nhưng biết thầy mình không hề nói những điều vô ích nên chỉ lặng im. Cô gái hỏi nhanh:
-Thầy đi chùa nào? Chừng nào thầy đi? Đạo hạnh như thầy chắc phải trụ trì một ngôi chùa lớn để tế độ nhiều người chớ ở đây uổng lắm!
Thầy nhỏ đáp bằng giọng từ tốn:
-Tôi thấy mình may mắn lắm mới được ở đây. Còn ngày giờ, nơi chốn thì tùy duyên chớ không nói trước được.
Bữa cơm bỗng trở nên buồn hiu hắt.
Đêm ấy cô gái bỗng nằm mơ. Cô thấy mình bơi trên một con sông rất rộng chẳng thấy bờ với những bông lục bình trôi trước mặt. Cô cố lại gần để hái nhưng những bông hoa ấy lại trôi xa hơn mỗi khi cô sắp chạm tay vào. Cô tỉnh giấc rồi ngồi suy nghĩ hoài về giấc mơ của mình. Khi tiếng chuông công phu vang lên cô đi rửa mặt, thay y phục, xách túi đồ chuẩn bị từ hôm qua. Cô mở cửa thật khẻ để không làm ông Tư thức giấc rồi xuống bến ngồi chờ chuyến đò sớm nhứt.
Đò cặp bến cô ngoái nhìn một lần cuối căn nhà sát mé nước trước khi ra đi. Tiếng chuông công phu vẫn còn ngân thong thả. Nó như những đợt sóng xô cái bông lục bình trong giấc mơ của cô đi xa thêm, xa mãi…


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CÂY, LÁ CHUỐI
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 7 2015, 19:29
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Cây chuối, cây dừa thân thuộc là năm bơ oan mà lị!
lamduyen {L_WROTE}:
Những cây chuối đã trổ buồng là thức ăn chính cho heo. Phải dùng cây DAO Dâu thật to, dài cả sải tay, rộng bằng bàn tay người lớn với cái cán dài như cây giáo để thái thành từng lát mỏng[/b] rồi đem quyết nhuyễn. Chúng được cho vô cái khạp da bò, chắt nước cơm vo và rải muối vào để lên men vài ngày rồi mới vớt đổ ra máng trộn cám với cặn mắm [cá ủ để làm nước mắm, sau khi nấu thành nước mắm xong, xác được giữ lại, đây là món khoái khẩu của mấy con heo] mà cho heo ăn.


Tặng tỷ... ủa mà bán cho tỷ cái DAO DÂU nè:


{L_ATTACHMENT}:
DAO DAU 19-11-2011.jpg
DAO DAU 19-11-2011.jpg [ 54.18 KB | Đã xem 1305 lần ]


lamduyen {L_WROTE}:
Củ chuối ít được dùng hơn, giữ vai trò của một vị tướng cứu khốn phò nguy nên chỉ xuất hiện trong những hoàn cảnh ngặt ngèo. Ngoại tôi hay nhắc về cái năm Thìn bão lụt xa xưa, khi ấy lúa trong đồng bị chết úng hết bà con phải đào củ chuối lên nấu ăn cho đở đói.


Thời nay người ta vẫn ăn củ chuối nè tỷ:

http://baodatviet.vn/suc-khoe/song-khoe ... h-3232848/


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 7 2015, 21:13
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ốm bán thì tỷ mua chớ tặng thì không dám nhận bởi ông bà mình ngày xưa kỵ cái vụ tặng dao lắm.
Phục Ốm quá lúc nào cũng có tư liệu sẵn bên mình.
Cám ơn Ốm đã minh họa cho bài viết của tỷ. Vậy là ở quê mình bà con còn xắt chuối cho heo ăn hả Ốm?
Đọc cái bài nói về củ chuối tỷ bỗng hiểu tại làm sao mà ở quê tỷ ngày xưa ít ai bị tiểu đường và sạn thận.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu