Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 06:52
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271086 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 8 2015, 11:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Ngày thường cũng co nhưng ít thôi ,chỉ có tết mới đông tỷ à. Dạ là ông Quan Công.Lúc này SG thế nào rồi hả tỷ? Trời có mưa nhiều không? Chúc tỷ khỏe , để viết haynhe


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 8 2015, 21:34
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Năm nay mưa ít hơn năm ngoái. Mưa rộ có vài đám rồi ngưng luôn tới bây giờ. Cám ơn muội tỷ vẫn khỏe.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ME NƯỚC NGÀY XƯA
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 8 2015, 21:53
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
ME NƯỚC NGÀY XƯA


Me nước, một số miền còn gọi là Me Keo, là loại cây hết sức thân thuộc với mấy đứa con nít nhà quê của tụi tôi ngày trước.
Thưở đó, tôi và mấy con nhỏ bạn rất mê cái trò bún hột Me nước, cho nên đứa nào cũng chế cho mình một cây “cù móc” để thọc mấy chùm trái giống ruột gà ấy để ăn. Ở những trái có vỏ màu xanh vị của nó rất chát. Vỏ càng đỏ càng ngon, ngon nhất là những trái chín khô thịt màu tím đen, lúc đó nó dẽo và ngọt giống như nho khô vậy. Thoạt đầu tôi ăn nó chỉ cốt để lấy hột, thét rồi ghiền luôn, ngày nào cũng rủ mấy đứa bạn gần nhà cùng vác cù móc đi thọc Me nước.
Cù móc thường được làm bằng cây điên điển hoặc những nhánh tre nhỏ, mấy loại khác ít được dùng hơn. Điên điển thông dụng nhất vì mọc khắp đồng, có thân thẳng và nhẹ nên dễ sử dụng. Chỉ cần lấy dao róc sạch mấy cành con dọc hai bên, cột vào cái đọt của nó một khúc nhỏ cở gang tay để tạo thành cái móc là đã có một vũ khí ngon lành, tha hồ mà đi chinh phạt hai hàng Me nước.
Buổi trưa cho dù nắng thế mấy, con đường cộ cũng mát rượi nhờ mấy cây Me nước chen kín hai bên lề. Chúng nhiều chuyện lắm, cứ chụm đầu sát vào nhau mà thì thầm mãi. Nơi ấy giống như cái chợ bày bán những trò chơi nên hết sức ồn ào, huyên náo. Mấy đứa loi nhoi trong xóm hầu như đều có mặt đầy đủ. Đứa nào cũng cùng một tư thế, chôn chân xuống đất, dán mắt lên trời. Con gái thì chăm chú vào những chùm Me nước xanh, đỏ, xoắn tít với những cái mắc phồng to, nức cả vỏ bày lớp cơm trắng và cả cái hột đen bên trong. Hai cánh tay chúng cố giương thẳng cây cù móc, canh làm sao cho cái nhánh nhỏ có chùm me nước bám tòn teng, mắc kẹt vào cái móc rồi kéo mạnh cho nó rớt xuống. Thọc một hơi khi cả tay và cổ đều mỏi rượi thì nghỉ, gom lại rồi ăn chung với nhau. Mạnh đứa nào nấy ăn, ráng cho nhanh, cho nhiều để lấy cái hột nhỏ bằng móng tay trỏ, hình tam giác, đen tuyền, bóng ngời, đẹp như ngọc mà chơi bún lỗ.
Con trai cũng đứng y tư thế đó, nghĩa là cũng ngước ngược cái cổ, có điều chúng chỉ nhìn chòng chọc vào mấy cái tổ chim và tay thì lăm lăm cái ná thun, cố rình bắn mấy con chim se sẻ. Có khi bầy chim được báo động sớm nên trốn mất biệt, tụi nó bèn quay sang chụp bắt mấy con cam, con quít đang bay vù vù dưới đám lá, đem về ghim lên cột buồm của những chiếc tàu làm bằng cây điên điển. Đó là một loại động cơ tối tân không cần dùng nhiên liệu vẫn đẩy tàu chạy vù vù.
Những đứa khác thì sử dụng cái bóng mát đó mà chơi đủ các món như đá lon, cò cò, u, de...Thỉnh thoảng có một chiếc xe bò lộc cộc chạy qua, cả bọn giạt qua hai bên lề để tránh rồi lật đật ngồi xuống tiếp tục cuộc chơi đang dang dở. Có đứa đu vào thùng xe quá giang về nhà. Có đứa đi nửa đường rồi buông tay té ngồi bệt xuống đất, lồm cồm đứng lên phủi quần chạy bay trở lại.
Lá Me nước ngộ lắm, hai mảnh nhỏ bằng ngón tay cái có cùng một cuống tạo thành hình đôi cánh. Khi gió nhẹ thổi qua, chúng lao xao, chấp chới y như một bầy bướm xanh đang múa cùng một điệu, phe phẩy thật nhịp nhàng, đồng bộ! Những cái lá ấy là món ăn đặc sản của hầu hết các loại sâu. Những con sâu bằng ngón tay út, trơn chùi có màu xanh như cẩm thạch hoặc đen thui phủ lớp lông lởm chởm trông rất dễ sợ! Chúng đu tòn ten trên những sợi tơ nhỏ như sợi tóc với một đầu gắn vào lá y như đeo bông cho mấy cái lỗ tai nhỏ xíu. Lông của mấy con sâu ấy rất độc, tụi tôi lâu lâu là bị sâu suôn, da nổi từng dề đỏ lòm như mề đay, ngứa khủng khiếp gải thiếu điều sút móng tay, phải lấy vôi ăn trầu thoa mới hết.
Sâu lại là mồi ngon của các loài chim. Hồi đó tôi cứ thắc mắc, không hiểu tại sao cây Me nước lại có nhiều tổ chim hơn những cây khác? Bây giờ mới hiểu đó là nhờ nguồn thức ăn dồi dào luôn có sẵn, do cây Me nước đầy gai, không ai có thể trèo lên nên những cái trứng bên trong sẽ được an toàn. Bọn chim thức sớm và làm việc chăm chỉ hơn tụi tôi nhiều lắm. Chúng chuyền thoăn thoắt từ cành nầy sang cành kia, mỏ mổ không ngừng, mắt láo liêng, liếc ngang liếc dọc rồi bình luận chí chóe với nhau rất ư rôm rả. Cái món chim rô ti ai mà chẳng khoái cho nên chúng luôn bị truy sát bởi các tên lính nhỏ hết sức là thiện chiến, mắt gườm gườm, tay luôn kéo căng cái ná thun, sẵn sàng nhả đạn vào những con chim sấu xố.
Cây Me nước có rất nhiều gai mọc trên vô số cành to và nhánh nhỏ. Đứa nào mà bị tía, má cầm cây roi Me nước- phải phạm tội nặng lắm mới được xài tới cái roi nầy- rượt là chạy tóe khỏi luôn khỏi có dám vô nhà chịu cúi.
Quê tôi ngày xưa dọc theo con đường cộ bà con trồng đầy Me nước. Nó được đùng để chất chà và làm hàng rào. Hàng rào Me nước có hai loại: Một là gieo hột để chúng lên cây con, cao chừng ngang ngực là bị xén bằng như những hàng rào dăm bụt. Cách kia rất đơn giản bởi người ta chỉ cần đặt những cái nhánh lớn, dài sọc nằm sát đất là xong. Heo, gà, bò và cả con người đều nản lòng trước cái đám gai góc xương xẩu ấy nên chẳng muốn chui qua.
Những cái nhánh may mắn khác được phục vụ ở một nơi rất mát mẻ. Chúng được tắm chung với nhau ở một cái bến nào đó, có điều chỉ chơi trò lặn sát đáy sông chớ không được bơi thoải mái. Lâu lâu nhờ mấy con sóng lớn giúp đỡ, chúng xô ngã cái hàng cột giử chân rồi theo đám lục bình đi giang hồ phiêu bạt. Người chủ bèn la toáng lên “chà trôi” rồi cùng với năm bảy ông hàng xóm bơi xuồng đi gom chúng lại.
Nhưng chung cuộc cho mấy cái đống chà, hàng rào là tiếng nức nở của những tia lửa bị đáy chảo, đáy nồi đè nén, trút ra những hơi thở đen thui bám vào cái đám mạng nhện đeo đầy giàn bếp. Cả cho đến lúc nầy chúng cũng chưa chịu trở thành vô vụng mà biến thành một loại biệt dược cầm máu hết sức là công hiệu. Xác thân tro bụi lại trở về lòng đất tạo chất đạm mà nuôi con, cháu của chúng và cháu con người khác.
Con đường cộ với những hàng cây Me nước ngày xưa là một thế giới riêng của bầy con nít, cũng giống như DISNEY land của mấy đứa trẻ con nhà giàu ngày nay. Nó chẳng những thu hút rất nhiều loài động vật có cánh như ong, bướm, chim, bù cào, cam , quit…mà còn là miền đất hứa của cái tụi có lông như sâu róm, sâu đo, sâu lông, sâu đen…và con người nữa.
Ôi! Những hàng Me nước. Những cây cù móc. Những cái tổ chim… Những bàn tay nhỏ xíu cầm cái vỏ ốc bươu to bằng cườm tay, khoét xuống đất tạo thành một cái lỗ. Những ngón tay cái với cái móng đất bám đen thui, bún mấy cái hột còn đen hơn xuống đó. Những tiếng cười, tiếng nói, tiếng cự nự ngày ấy đang nằm im trong tiềm thức bỗng trổi dậy. Tôi như thấy lại cái dáng ốm nhom với mái tóc lưng lửng, lưa thưa được cột lại bằng những sợi dây thun xanh, vàng, đỏ… tạo thành một chùm nhỏ xíu như đuôi bắp. Như nghe bên tai cái giọng hơi đơn đớt của con nhỏ bạn thân ở khít bên nhà: “ Mầy mà còn ăn gian nữa là tao nghỉ mầy “ga” luôn đó!”


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GHE GỐM
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 8 2015, 05:12
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
GHE GỐM


“Ai tánh nết lẹ làng ra mua cà ràng, ông táo đi! ” Tiếng rao dí dỏm rất quen thuộc của ông Tám làm xao động không gian im ắng của cái xóm nhỏ ven sông đó. Chiếc ghe gốm từ từ cặp bến, nó như một nhánh lục bình mỏi chân ghé lại, giúp cái bờ sông vắng vẻ nầy thêm khởi sắc. Con sông đang ngủ trưa chợt giật mình khua tay, đạp chân quẩy sóng, đẩy trái dừa non bị đuông ăn trôi sát mé nước giạt hẳn lên bờ, chấm dứt chuyến phiêu lưu của một tay giang hồ lừng lẫy. Bầy con nít đang chơi năm mười cũng dừng ngang, kéo nhau đến bến của dì Sáu, nơi ghe gốm vừa đậu. Ông Tám, tay thả cái đòn dầy lên bờ, đầu gật lia lịa “ơi, ừ” đáp lại lời chào rôm rả của bọn trẻ. Một đứa con trai từ phía sau chạy ào tới đẩy thằng bé đứng trước qua một bên rồi ló mặt ra hỏi:
-Thằng “Lu” có trên ghe hông ông Tám?
Ông trả lời:
-Chuyến nầy nó không có đi theo.
- Còn con “Liếng”? Một đứa con gái hỏi tiếp bằng cái giọng hơi rụt rè.
Ông lại đáp:
-Có chớ sao không, nó không đi thì lấy ai nấu cơm, nấu nước?
Con nhỏ đó nghe vậy là lật đật gọi to liền:
-Liếng ơi, lên bờ chơi năm mười với tụi tao đi!
Từ cửa sổ nhỏ xíu ở cái khoang sau lái, nửa gương mặt với hai con mắt đen thui cùng cái trán tóc phủ lòa xòa xuất hiện. Rồi nửa gương mặt còn lại với nụ cười rộng toét phô cái răng lòi sỉ ở góc miệng, nhô hẳn ra:
- Chờ tao chút xíu.
Chưa đầy năm phút sau một con nhỏ ốm nhom, tóc sấp sải ngang vai, mặc cái quần lưng lửng tới đầu gối, chạy như bay trên tấm ván vừa bắt rồi phóng lên bờ một cái ào. Cả bầy con gái bu lại tíu ta tíu tít. Tụi nó bàn cãi ì xèo, con Luyến không chịu chơi năm mười mà lấy một chùm dây thun lộn sẵn trong lưng quần ra rồi rủ mấy đứa kia:
-Tụi mình chơi bún vòng đi, chơi năm mười rủi gặp mấy con chó lạ nó cắn một cái là "xí lắc léo" luôn đó!
Tụi đó nghe có lý bèn ráp nhau ngồi chồm hổm xuống đất, moi trong túi, trong lưng quần, lột ở cườm tay ra mấy sợi dây thun xanh, vàng, đỏ…Một đứa cầm que tre vẽ xuống đất cái hình vuông to bằng miếng gạch tàu, rồi hỏi:
-Chơi một bàn mấy sợ [sợi] ?
-Mừ [mười]!
Con Luyến đáp một cách quả quyết, mấy đứa kia tuân theo răm rắp.
Chiếc ghe gốm của ông Tám cứ vài tháng lại ghé bến dì Sáu một lần. Nó đã trở nên thân thuộc đến mức độ mà sự trễ nải của nó thường làm cho bà con thấp thỏm. Nhất là ở những bà mẹ có nhiều con nhỏ, sóng chén của họ mau thưa và những cái còn lại cũng sứt môi, mẻ miệng. Ở cô con dâu lỡ tay làm bể cái trách đất lên nước đen bóng mà bà má chồng dùng kho cá mỗi ngày. Ở đôi vợ chồng trẻ mới ra riêng cần sắm thêm nồi niêu chén bát …Họ đều mong đợi tiếng rao của người đàn ông, được mọi người yêu thích bởi cái tính khôi hài ấy! Cũng có vài chiếc ghe gốm khác đi ngang qua, nhưng ít ai ngoắt lại, họ cố chờ bởi đã lỡ dành cho ông một mối cảm tình đặc biệt.
Chiếc ghe vừa là phương tiện làm ăn vừa là nơi sinh hoạt của gia đình ông Tám. Cả sáu người cùng sống chung trong ấy: Ông, bà Tám cùng bốn người con, hai trai, hai gái mang những cái tên rất mùi: Nhớ, Thương, Lưu, Luyến. Hai đứa sau cách anh chị chúng gần mười tuổi. Nó như một căn nhà lưu động, chia làm hai khoang: Khoang trước rộng lớn để hàng hóa, khoang sau rất nhỏ chừng bốn mét vuông, dùng làm nơi ăn ngủ chung cho cả gia đình. Kể ra cũng hơi hẹp thế nhưng họ chẳng thấy gò bó lắm! Nhờ những ngọn gió trong lành thổi vào từ bốn phía, cùng bầu trời lồng lộng trên đầu và dòng sông mênh mông dưới chân. Những đêm trăng thanh, gió mát, cả nhà cùng kéo nhau lên mui ghe nằm ngủ.
Cái khoang trước chiếm hơn ba phần tư diện tích ghe dùng để chất lủ khủ mấy món đồ làm bằng đất nung. Phía dưới là các thứ to lớn cồng kềnh như: mái, lu, khạp, chậu kiểng...Kế tiếp là những loại có khối lượng nhỏ hơn như nồi, việm, ông táo, cà ràng…Mấy cái chảo vòng, khuôn bánh khọt, tô chén… được xếp ở trên cùng.
Những chiếc ghe gốm đều làm ăn theo kiểu kéo cưa. Lượt đi họ chở đồ gốm đem bán cho bà con nông dân sống trên các cù lao rải rác phía thượng nguồn. Lượt về họ mua tro đem bán lại cho những nhà vườn ở miệt dưới.
Chuyến nầy ông Tám vắng hơi lâu nên khi ông vừa cột ghe vô gốc sung, đã thấy một người phụ nữ như đang chực sẵn, đội một thúng giạ tro đầy vun đi tới. Chị dè dặt đặt chân lên cái đòn dầy, cố đi thật nhẹ nhàng thế nhưng vẫn làm nó giật mình chới với rồi phản ứng bằng cách nhún nhẩy liên tục như muốn hất chị văng ra khỏi nó. Ông Tám vội đưa hai tay đỡ thúng tro, đặt xuống miếng ván trước mũi ghe rồi hỏi:
-Bán hay đổi lấy đồ xài vậy cô Sáu?
-Tui tính đổi lấy cái khạp da bò đặng ủ cá làm nước mắm.
-Bao nhiêu chắc hổng đủ đâu cô?
-Còn ở trên nhà cỡ hai, ba giạ nữa lận.
Ông Tám thọc tay vào thúng, bốc một nhúm tro đã được sàng kỹ, mịn như phấn thoa sảy, đưa lên mũi ngửi rồi nói:
-Tro kỳ nầy in là hơi ít phân bò phải hông cô?
-Dà! Bị vô mùa nên tui hổng có rảnh đi dọc đường cộ mà gom về đốt
-Tro như vầy không có giá lắm đâu, chỗ quen biết tôi bấm bụng chịu hẹp đổi cho cô, phải bốn giạ mới được.
-Vậy để tui vét hết coi có đủ hông, thiếu chút đỉnh thì lần sau đong tiếp. Nói thiệt, lúc nầy túng quá! Tiền không đủ xài có đâu mà bù thêm cho anh.
Mấy người phụ nữ khác cũng lục đục kéo tới, người thì đội tro đến để bán hoặc đổi, người thì đi tay không, lựa mua mấy món lặt vặt. Một đứa con gái cỡ tuổi con Luyến cầm cái khuôn bánh khọt nhỏ xíu lên hỏi:
-Cái nầy bao nhiêu vậy ông Tám?
-Ba đồng rưởi.
Nó để xuống rồi nói bằng một giọng buồn hiu:
-Con có một đồng rưởi hà!
-Lấy đi, kỳ sau đưa ông thêm một táo tro là được rồi.
Con nhỏ đó mặt mày rạng rở, cầm cái khuôn chạy vù lên bờ khoe với mấy đứa bạn.
Một bà già răng rụng gần hết, miệng móm sọm, không dám bước xuống ghe chỉ đứng trên bờ nói vọng xuống:
-Kỳ nầy chú có đem cái cối xay bột cho tui hông vậy?
-Dạ có! Để chiều chiều, bớt khách tui ôm lại nhà cho bác.
Buổi chiều ăn cơm xong ông Tám biểu con Luyến coi nghe rồi bưng cái cối đến cho bà bảy, ông chưa kịp bước lên bờ thì Tình đi tới. Y lật đật buông túi đồ đang cầm trên tay, giành lấy cái cối rồi hỏi:
-Bác giao cái nầy cho ai vậy? Để cháu đem đi cho.
-Cháu đưa cho bà bảy Hón giùm bác. Cái cối nặng khẳm, bác bưng muốn cụp cái lưng luôn.
Tình hất cầm về phía cái giỏ đệm đặt dưới đất nói:
-Bác đem cái giỏ xuống ghe giùm cháu nghe.
-Có cái gì ở trỏng vậy?
-Dạ mấy con khô với chai rượu đế thôi hà, để bác nhậu cho đỡ buồn.
-Vậy giao xong rồi về liền nghe, để hai bác cháu mình lai rai.
-Dạ!
Tình giao cối xong là quay về liền. Ông Tám ngồi đợi sẵn trên mui với cái mâm nhôm, trên đó có hai cái trứng vịt, chai rượu đế chưa mở nút và hai cái ly còn để trống. Tình móc túi lấy tiền đưa cho ông rồi nói:
-Bà Bảy đưa cho con bây nhiêu đó, đâu bác đếm coi có đủ chưa?
Ông Tám đếm xong rồi nói:
-Đủ y, không dư, không thiếu một đồng nào hết.
Rồi ông hối:
-Ngồi xuống đây, bác gái bây có gói theo cho tao mấy cái trứng vịt ung, cái thứ nầy nhậu “bắc” hạng nhứt đó bây !
Tình ngồi nhậu mà mắt cứ liếc chừng về phía sau lái, ông Tám thấy vậy bèn nói:
-Chuyến nầy chỉ có bác với con Luyến thôi! Mấy mẹ con nó đi ăn đám cưới ở nhà người dì ruột rồi.
Gương mặt Tình thoáng gợn nét buồn. Y uống cầm chừng từng hớp một cách uể oải, không có hứng thú mà nghe chuyện, cũng không năn nỉ ông Tám đem cây đờn ra kéo như mọi bận. Ông Tám làm như vô tình nói thêm:
-Con Thương đâu có chịu đi, ngặt con chị nó năn nỉ dữ quá! Bắt phải làm dâu phụ, chẳng thể nào từ chối được.
Gương mặt của Tình tươi lên một chút, y hỏi:
-Sao bác hổng kiếm một chỗ dựng cái nhà cho hai đứa nhỏ đi học?
Ông Tám thở dài:
-Bác cũng muốn lắm chớ, ngặt một nỗi, vừa để dành được chút đỉnh là có chuyện phải xài, thành ra đứa nào cũng học nhá nhem, chữ chưa đầy lá mít là bỏ ngang.
Tình tằng hắng lấy trớn rồi mới mở miệng:
-Cháu nói có gì hổng phải bác bỏ qua giùm. Phía sau nhà cháu còn miếng đất trống, cháu có hỏi ý tía má rồi. Bác đừng ngại gì hết, tre nhà có sẵn, chỉ cần mua vài thiên lá là xong. Bác mà chịu là bà con ở đây xúm lại dựng liền cho bác.
Ông Tám nghe vậy thì cảm động quá mắt ngân ngấn nước, suy nghĩ một lúc, chập sau mới nói:
-Để bác tính lại coi, mấy thiên lá cũng không tốn nhiều, tiền dành giụm chắc cũng còn đủ, có điều…
Tình mừng húm ngắt lời:
-Không sao đâu bác, bác gật đầu một cái là cháu khởi công ngay lập tức, chuyến sau về là có sẵn nhà ở liền.
Cái giọng nôn nóng của chàng trai si tình nầy làm ông Tám mắc cười, ông nói:
-Nhà chớ bộ chuồng heo, chuồng gà mà làm ẩu, làm tả được, cũng phải coi ngày, coi tháng đàng hoàng. Gấp gì cũng phải đợi qua mùa mưa cái đã!
Khi chai rượu vơi chừng hai phần ba và mặt trăng vừa ló thì Tình xin kiếu. Ông Tám cũng không kềm lại, trăng sáng quá nên ông chẳng muốn đi ngủ sớm. Cái món trứng ung coi bộ Tình không khoái, hay không còn bụng dạ mà ăn nên khui ra rồi không đụng tới. Ông Tám ăn hết cái trứng vịt của Tình bỏ mứa, uống thêm vài chung rượu rồi lấy cây đờn ra chơi vài bản, càng đờn, càng hay, càng có hứng.
Men rượu, ánh trăng, tiếng đàn... làm lòng ông rưng rưng như những con sóng đang lao xao đón ngọn gió nước lên !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: GHE GỐM
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 8 2015, 20:39
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
lamduyen tỷ tỷ ơi!
Hồi đó mỗi lần ghe gốm ghé vô bến là Ốm mừng húm vì được theo má và mấy dì xuống ghe chơi, được ngắm và sờ mó thỏa thích mấy thứ đồ gốm. Chứ có biết nghĩ nhiều đến đời sống của đám trẻ đâu! Thậm chí còn thấy bọn chúng sung sướng vì được đi ghe, được đi đây đi đó nữa!


Tỷ chiên môn nhắc chiện đời xưa, đọc "đã" gì đâu á nhen! :mozilla_tongueout: :rse:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: VƯỜN PHỐ
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 8 2015, 23:04
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
VƯỜN PHỐ


Cuối cùng cuộc hẹn hò từ trước tết của hai đứa tôi cũng được thực hiện. Dù vậy, nó cứ bị hoãn đi hoãn lạị mãi nên chương trình đã được tối giản. Trong tôi đã nhạt bớt sắc màu của sự háo hức, không còn sôi sùng sục như lần đầu khi nghe Thúy rủ:
-Em vừa sửa lại khu vườn, trồng thêm cây ăn trái, nuôi cá và rau sạch để ăn… chị đến ngay đi. Xoài đang chín, cả ổi và mận nữa, em để dành một trái mít nghệ cho chị nè! Tới liền đi kẻo nó chín mùi hết ngon.
Tôi hứa một cái rụp, nghe hết sức là xôm tụ, định xỏ dép đi liền. Thế rồi cứ gặp trục trặc liên miên, hể đứa nầy rảnh, thì đứa kia lại bận, đến độ tôi không còn hi vọng, nhớ đến câu: “Những mơ ước của chuột và người không bao giờ thành tựu” thấy sao quá đúng với mình.
Nhờ đứa cháu chở đi giùm. Ghé cái chợ chồm hổm ngay ngã ba mua trứng vịt lộn giá ba mươi lăm ngàn một chục, được cho thêm một nắm rau răm và hai gói muối tiêu. Ngạc nhiên, thích thú, hồi nào tới giờ đâu có chuyện mua trứng vịt lộn trọn gói như vậy! Người bán hàng nầy chắc đã đọc mấy quyển sách về nghệ thuật kinh doanh hay tâm lý khách hàng rồi đây.
Sài gòn bây giờ siêu thị mọc như nấm thế nhưng những cái chợ tự phát như thế nầy vẫn đông ken, nhất là ở những khu công nghiệp thì nó và nhà trọ là làm ăn khấm khá nhất. Dù là chợ tạm nhưng hàng hóa rất phong phú: thịt cá, rau củ, trái cây được bày lền khênh. Mấy người phụ nữ đang bu quanh đống quần áo bày trên tấm ni lông trải xuống mặt đường của một người đàn ông ngồi giữa, y vừa rao vừa cầm từng món trưng ra.
Bây giờ đang là mùa trái cây, những cằn xé chôm chôm, thanh long, măng cục, sầu riêng, cóc, ổi, cam, xoài, nhản…đứng san sát cuối chợ. Mấy ngày nầy chôm chôm đang rộ, ghé vào một hàng, tôi hỏi:
-Chôm chôm nhản thiệt hông cháu?
Đứa con trai bán hàng nhìn tôi chăm chú rồi bắt bẻ:
-Hồi nào tới giờ tui mới nghe cái câu hỏi nầy! Tiền thì có giả chớ chôm chôm …
Tôi lật đật phân trần rằng có một lần mua chôm chôm nhản, đem về ăn không được vì toàn là chôm chôm non nên bây giờ cảnh giác. Cậu ta không thèm trả lời, bóc một trái lột vỏ cho tôi xem, rồi nói:
-Cứ ăn thử, không đúng là tui cho cô hết cái cằn xé chôm chôm nầy luôn.
Nghe cậu ta nói bằng cái giọng xẵng lè, tôi biết mình đã làm tổn thương một người bán hàng chân chính, cảm thấy hối hận rồi ngại nên không dám hỏi giá mà mua liền hai ký. Vậy là xong, tôi đã hoàn thành cái công việc mà mình sợ nhất: Đi chợ.
Con đường đến nhà vườn của Thúy thay đổi nhiều quá! Mấy năm trước tôi có đi qua vài lần vậy mà bây giờ không nhận ra, xe chạy huốt một đổi phải hỏi thăm rồi quay trở lại. Hai cánh cửa sắt sơn màu vàng cao hơn hai mét chắn hoàn toàn tầm nhìn. Bấm chuông, không nghe tiếng reo bèn móc điện thoại ra gọi. Cô Bé giữ vườn ra mở cửa, vẫn là cô gái ngày xưa nhưng bây giờ đã trở thành thiếu phụ, vác cái bụng to hình như đã mang thai trên bốn tháng. Chưa nghe Thúy nói là Bé đã có chồng nên không dám hỏi thăm, chỉ cười một cái, nháy mắt một cái rồi vừa đi theo vừa đưa mắt soi cái khu vườn mà bây giờ cũng hoàn toàn lột xác, không còn diện mạo của lần đầu gặp gở.
Đây là một kiểu nhà vườn mới, do kiến trúc sư thiết kế hẳn hoi nên cây cối được xếp đặt thứ tự, hợp lý khiến nó trông rất thoáng và đẹp. Bải cỏ xanh mướt, mịn như nhung nằm ngay chính giữa, viền quanh nó là một hàng cây ăn trái, chúng chỉ cao tới đầu mà cho trái đầy nhóc cành. Một con đường nhỏ, lót bằng đá tảng, được uốn một cách rất nghệ thuật chia đôi bải cỏ. Nó chạy dài từ cổng đến giữa vườn thì chẻ ra thành hai hình bán nguyệt, tạo một vòng tròn lớn như mấy cái bùng binh ở những ngả tư. Chúng nhập làm một trở lại rồi chạy liền một mạch đến cái thác nước ở cuối vườn. Cái bùng binh với bụi cây rất to đầy bông trắng làm tâm, vô số cụm hoa mười giờ Thái Lan đủ màu lót nền như trải thảm. Mười hai cụm cúc có hoa và màu rất lạ đứng cách đều quanh chu vi của nó. Con đường với cái bồn bông ở ngay chính giữa nầy trông khá giống chiếc đồng hồ trên cườm tay của một người khổng lồ.
Thác nước là một hệ thống gồm những mỏm đá, bụi dương xỉ, giò lan… bám sát vào tường. Nó được cái máy bơm phía dưới trợ lực, nước tuôn xối xả từ trên đỉnh, đổ xuống suối tạo thành một dòng chảy. Những cụm lục bình bé xíu với những chùm hoa cũng bé xíu, trôi chậm dần rồi từ từ dừng lại.
Một con suối bắt nguồn từ thác chạy ngoằn nghoèo, xuyên ngang qua con đường một cách có chủ ý, để có cớ mà dựng lên một chiếc cầu nho nhỏ xinh xinh bên trên. Con suối bao quanh chân của ngọn đồi nhỏ trồng đầy cỏ lùn, có tượng đức mẹ bồng chúa hài đồng đứng một mình trên đỉnh.
Những loại cây ăn trái như mít, ổi, xoài, mận…đều mang họ ta, tên người. Chỉ có cây ớt hiểm trái nhỏ xíu là vẫn cứng đầu, quyết không chịu đổi tên. Mấy chậu bông sai y như những cái đầu mới được cắt và nhổ tóc bạc, tuổi đời đáng nể nhưng được chăm sóc chu đáo nên trông vẫn trẻ, vẫn đẹp. Chúng được đặt hai bên đường, giống những nhân viên mặc lể phục đứng trước nhà hàng chào đón khách.
Hai luống rau được trồng ven bờ suối, phân chia rạch ròi: một bên là cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau dền, rau muống…để nấu canh. Bờ đối diện là húng cây, húng nhủi, húng quế, kinh giới, tía tô…để ăn sống. Cả hai đều xanh mơn mởn khiến ta ngại không dám hái. Góc bên trái cuối vườn có mấy chiếc bàn đá kê sát nhau với hai băng ghế nối dài chứa được khoảng hai chục người. Một cái lò nướng có chân cao gần tới ngực, bằng inox đứng kế một bên, cái vỉ nướng phía trên khói đen còn bám. Bốn cây sê ri đứng ở bốn góc, tàng được bện thành vòm tròn bao kín phía trên. Những ống nhựa được hóa trang bằng màu xanh lá cây len lỏi giữa những đám lá trên mái, nó có nhiệm vụ phun những bụi nước nhỏ như sương làm mát .
Thúy tíu tít dẫn tôi đi thăm mọi ngóc ngách, giải thích, pha trò rồi sung sướng nhìn vẽ ngạc nhiên, thán phục chắc đang hiện lồ lộ trên nét mặt của tôi. Tôi hỏi:
-Khu vườn nầy chắc tốn nhiều tiền và công sức lắm hả em?
Thúy nói ra một con số làm tôi chới với. Ôi cái giá của một thú vui, một cảm xúc sao mà mắc! Tôi cảm thấy mình quá may mắn vì ngày xưa được hưởng nó no nê và còn để dành một ít, chắc từ nay phải xài nhín nhín cho đủ tới cuối đời. Thúy kể một thôi về những nổi vất vả, những phí tổn không lường trước, những khó khăn phải trải qua để có được thành quả như hiện tại. Tôi cứ nghe mà lắc đầu le lưỡi miết. Bé mang ra một rổ có đủ xoài, mận, ổi, khế ra mời, thứ nào cũng ngon, cũng ngọt. Tôi vừa ăn vừa trầm trồ làm Thúy thêm cao hứng bèn đem những con cá được nuôi trong suối ra khoe, kéo tôi đứng lên đi tiếp rồi xúi:
- Chị cứ lựa con nào thật ngon, thật vừa ý rồi nhúng cái vợt xuống là hớt được liền, dễ ợt hà!
Nói xong liền dúi vào tay tôi một cây vợt, rồi cầm lên cái hộp đựng thức ăn, đi xâm xâm đến chỗ con suối rải xuống. Một bầy cá lớn, nhỏ trên trăm con túa lại: cá diêu hồng, rô phi, trê, chép…xúm nhau đớp mồi, Thúy chỉ một con cá diêu hồng lớn nhất đang ăn hiếp mấy con cá khác, giục:
-Chị hớt nó đi để em trổ tài làm cái món cá hấp cho chị xem!
Tôi thoái thác:
-Chị có mua trứng vịt lộn, với làm bì đem theo nhiều lắm, ăn chưa chắc hết, bắt làm chi.
Thúy cự:
-Em đã nói rồi, đừng có mua bất cứ món gì, ở đây có đầy đủ, cả cá, cả rau, tự tay mình làm rồi ăn liền tại chỗ thú vị lắm!
-Vậy tụi mình đi hái rau làm bì cuốn đi em.
Lúc ngồi hái rau tôi hỏi về Bé, Thúy kể:
-Nó thương đơn phương một người, quyết có con để cột chân hắn lại, thế nhưng…
Rồi không muốn sa vào cái mớ rắc rối đó, Thúy hỏi:
-Chị thấy cái vườn của em như thế nào?
-Đẹp và sang trọng y như một cô gái Sài gòn.
-Chị có thích không?
-Thích làm khách chớ không thích làm chủ.
-Sao vậy?
-Một khu vườn như vầy, muốn nó tươm tất phải tốn nhiều công sức, tiền của lắm! Chị phục em sát đất, chị không kham nổi đâu em.
Tối hôm đó Bé bị động thai, vở ối phải chở vô bệnh viện Hùng Vương. Thúy nhờ tôi giữ nhà giùm để lo chăm sóc Bé. Cả buổi sáng tôi đi lang thang chẳng biết làm gì cho hết thì giờ. Khu vườn có hệ thống tưới tự động nên tôi chẳng phải mó tay vào. Nó hoàn hảo, không chê vào đâu được nhưng chẳng cho tôi nhiều cảm xúc, giống một người phụ nữ trang điểm quá khéo, cái đẹp lồ lộ làm mắt ta bội thực nên chẳng còn muốn khám phá thêm. Hơn nữa chuyện không may của Bé làm tôi cảm thấy như mình có tội khi được hưởng những tiện ích nầy một cách “miễn phí”. Cũng may là Bé có một kệ sách nhỏ, thế là tôi bưng cái giá võng từ trong nhà ra đặt dưới hai gốc xoài mát rượi mà nằm đọc. Mỗi lần sắp lật sang trang lại bóc mấy hột đậu phọng da cá trong cái bịt để sẵn một bên cho vào miệng nhai, lần kế thì tu một ngụm nước từ cái chai “La vie” cũng để sẵn một bên.Thúy gọi điện cho hay Bé không giữ được thai, đang chờ để sanh non hoặc mổ. Thúy có vẽ áy náy vì phải bỏ tôi ở lại một mình, còn hơn về tình trạng của Bé.
Tôi lại lục kệ sách để tìm cái đọc, chợt thấy quyển “Viết cho những bà mẹ sanh con đầu lòng” của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc. Quyển sách nầy tôi tặng Thúy đúng ba mươi năm về trước, trên trang đầu vẫn còn mấy dòng chữ ngày xưa. Chắc Thúy đưa cho Bé tham khảo để chuẩn bị tinh thần. Một cuốn khác cùng chủ đề với cái tựa ”Kinh thánh về việc dạy con”, còn mới chưa khui chắc do Bé vừa mua.
Một nỗi buồn bỗng xâm chiếm lấy tôi, tự hỏi sao ông trời không chịu khó chia đều những ân huệ của mình cho mỗi người một ít. Ông lười biếng làm chi để người thì có đủ thứ, người thì trơ trụi, chẳng có đến cái cơ bản nhất: một người chồng và một đứa con.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NHỮNG GIẤC MƠ CỦA MÁ
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 8 2015, 19:34
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
NHỮNG GIẤC MƠ CỦA MÁ


Má hay nằm chiêm bao, những giấc mơ đó có lẽ đã chứa đựng tâm tư, nguyện vọng và nỗi lòng của má.
Khi con vừa đậu tú tài, một buổi sáng gương mặt má tươi rói, má gọi con đến rồi kể: “Hồi hôm má nằm chiêm bao thấy con mặc cái áo bác sĩ, đeo cái ống nghe tòn teng trước ngực coi ngộ lắm!”
Má thường xuyên mơ thấy những người thân yêu đã mất như ông, bà ngoại và thỉnh thoảng là ông, bà nội. Hể tối gặp là sáng má liền đi chợ rồi nấu một mâm cơm trưa tươm tất cúng. Chắc má cho rằng người quá cố về thăm, nên giữ chân bằng cách nấu mấy món mà ngày xưa người ấy ưa thích để mời.
Nếu gặp ông ngoại má sẽ nấu xôi gà, cá rô nướng rưới mở hành, cá trê kho gừng …. Bà ngoại thì cái món mắm chưng thịt hột vịt ăn kèm với rau tần dầy lá, canh chua, ba khía trộn me chín…Vào mùa xoài khi những trái xoài bắt đầu đổi màu, thì dù chưa nằm mơ, má cũng đi chợ Tân Châu mua cho bằng được con cá Thu nước ngọt về kho cho rục, nước sền sệt để ngoại ăn với xoài chín, đó là món mà ngày xưa cả ông và bà ngoại đều ưa.
Ông nội ngày xưa thích nhậu, nên má luộc hoặc xào phèo heo với khóm, trộn gỏi sầu đâu… còn bà nội thì con không nhớ.
Cái thuở luôn thắt muốn gãy lưng và buộc tới cái bụng lúc nào cũng lép xẹp ấy, con cứ ao ước là ngày nào má cũng nằm chiêm bao.
Khi cậu Út đang đi học tập, một đêm má nằm mơ thấy cậu, không biết thấy gì mà sáng dậy má khóc. Lúc ấy nhà mình nghèo lắm, má nhất định bán đôi bông tiền điếu -món nữ trang duy nhất được giữ lại- để đi thăm cậu tận ngoài trung.
Lúc còn nhỏ, con mà thèm thứ gì thì hay bịa là nằm chiêm bao thấy, má dù không tin nhưng cũng nấu cho con ăn. Có lần con nói với má:
-Má ơi! Hồi tối con nằm chiêm bao thấy ông ngoại cho con một cái bánh bao.
Má bèn gửi chị Hai Sàn đi chợ Tân Phú mua một cái đem về cúng ngoại rồi cho con ăn.
Khi tóc má đã có vài sợi bạc, một lần lên thăm con má bỗng kể:
-Lúc nầy sao má hay nằm chiêm bao thấy mình còn con gái.
Con nghẹo:
-Má có gặp người đầu tiên má thương hay ba con hông?
Má rầy bằng một giọng buồn hiu:
-Đừng có nói tầm ruồng, già rồi ai mà mơ tưởng tới cái chuyện trai gái nữa!
Bây giờ con cũng giống má, mỗi lần nằm mơ gặp ngoại, má, chị Ba… con cũng cúng. Bỗng bùi ngùi khi nhận ra má chỉ ưa những món ăn rất giản dị ít tốn tiền. Chắc cho tới lúc mất má cũng sợ con cực nữa phải không?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MẮT BÒ
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 8 2015, 20:00
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
MẮT BÒ


Một lần nó ăn đòn vì để em té. Nó bị đánh tới tấp bằng cây roi gòn non, nhánh gòn giập nát và nó khóc tức tửi. Má nhìn nó bằng đôi mắt buồn thiu, không dám can, cũng không dám an ủi. Tủi thân quá, nó bỏ ra mả ngoại ngồi khóc tiếp.
Mộ ông ngoại nằm ở cuối vườn, cạnh ông bà cố trên cái nền được đắp cao như gò mối, cây cối um tùm canh gác xung quanh. Khu vườn ban trưa vắng teo chỉ có một con bò với sợi dây vàm quấn qua gốc cây mù u, đang nửa nằm nửa ngồi nhai cỏ. Con bò lông vàng nâu chắc đang tìm người bầu bạn, thấy nó đi qua liền ngóc đầu, ngước nhìn. Đôi mắt đen, ướt, với nỗi cô đơn mênh mông ấy đã giữ chân nó lại. Nó bèn đến ngồi đối diện và lần đầu tiên nhận ra mắt bò rất đẹp.
Mắt bò to cở trái ổi chơi chuyền chuyền, nghĩa là nắm vừa trong lòng bàn tay. Tròng đen chiếm 90%, tròng trắng có màu như sữa vậy. Hàng lông nheo thưa, dài, cụp xuống như tấm rèm trúc che trên cửa sổ, trông an phận, đầy thấu hiểu và buồn lắm! Nó chưa thấy bò khóc lần nào nhưng đoán là chúng rất giàu tình cảm, điều đó bộc lộ trong hai tia mắt êm đềm đang nhìn nó. Nếu không thì cái gì giúp lòng nó nhẹ nhàng đến quên đi những lằn roi rướm máu trên hai cánh tay vậy?
Nó cầm một nắm cỏ đưa sát vào miệng bò, cái lưỡi xám thò ra tém gọn rồi đưa vào mồm. Cái lưỡi nhám, ướt và ấm ấy chạm vào mấy ngón tay của nó như thể cố tỏ bày lòng thương cảm. Nó bèn đáp lại bằng cách lấy tay sờ vào cái mũi đen to. Con bò chắc cũng nhột nhưng gồng mình chịu, không dám tránh vì sợ nó buồn. Nó rà tay trên những vết roi còn in trên lưng, nhiều và chắc cũng đau không thua những vết trên người nó. Nỗi buồn vừa vơi bỗng đầy tràn trở lại, nó cảm thấy khâm phục loài bò hết sức! Chúng bị bắt làm những việc rất nặng nhọc, bị đánh và phỉ báng mỗi ngày vậy vẫn giữ được vẽ hiền lành, bao dung, với đôi mắt như hai hồ nước giúp hồn ta dịu mát khi rơi vào trong ấy. Nó và bò mãi nói chuyện bằng mắt với nhau cho tới khi má đến. Má ngồi xuống, móc túi lấy chai dầu Song Thập ra bôi lên những lằn roi trên tay, trên lưng cho nó. Vết thương rát và xót hết sức nhưng nó nhất định không khóc thêm cho dù là một tiếng. Nó nghe lưng áo ướt nhẹp vì nước mắt của má cứ rơi hoài lên đó.
Hai má con ngồi im bên nhau chẳng nói câu nào. Nó thò tay vào túi áo của má lấy ra chai dầu, mở nấp, trút từng chút một lên ngón tay trỏ rồi bôi lên những lằn roi chi chít trên mình của con bò. Mấy chiếc lông ngắn dựng lên, lớp da dầy cui hơi rung rung nhưng con bò vẫn nằm im chỉ có đôi mắt chớp nhẹ vì cảm động.
Nó yêu mắt bò từ đó!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 8 2015, 12:49
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Tỷ ơi! Đọc bài của tỷ làm em nhớ tới đứa cháu, thằng bé có đôi mắt thật to , một hôm đứa cháu khác đến nhà chơi chung.Đứa cháu con người anh nói với em "con thương nó quá"( thằng bé con của em gái ) em hỏi tại sao,con bé liền trả lời"bởi vỉ nó có đôi mắt bò",con bé điễn đạt thật mắc cười :clap:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 8 2015, 15:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nghe muội kể tỷ đâm thương cả hai đứa cháu của muội. Thương cậu bé có mắt to như mắt bò, thương nhiều hơn cái cô bé thương người em chỉ vì em đó có mắt to như mắt bò.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu