Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 06:08
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271074 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: NGV- Re: CANH CHUA "Ổ Kiến Vàng"
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 10 2015, 08:43
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Món canh chua "ổ kiến vàng" nầy chỉ có dân nhà binh mới dám chơi thôi. Họ học từ người Thượng vùng Đức Phong.
Hồi còn trong vùng Long Nguyên, NGV được lính nấu cho ăn một lần, rất khoái khẩu. Cách nấu rất đơn giản nhưng hơi bị đau vì phải chịu cho kiến cắn khi đi bắt nguyên ổ kiến vàng trên cây. Bỏ mấy con khô lù đù (hay bất cứ loại khô nào cũng được) vô nồi nước chung với bất cứ loại rau cải nào tìm được trong rừng, đa số là măng le. Chờ nước sôi, bỏ nguyên ổ kiến vàng vào. Chờ cho nước canh sôi nổi bọt, nêm nếm cho vừa miệng là sẳn sàng "hẩu sực".


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên... CANH CHUA
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 10 2015, 08:58
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
YouDidIt {L_WROTE}:
Lá Giang xào thit gà hộp nhậu cũng say bí tỉ huh Bá???

Tao quên món đặc sản Lai Khê nầy tới bây giờ nhờ mầy nhắc lại mới nhớ có lần xỉn quắc cần câu cũng vì ngon miệng (hay vì đói). Món nầy mà đi với rượu đế Bình Dương thì hết biết đường về.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên... CANH CHUA
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 10 2015, 10:29
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)
Cảm ơn mầy nha NGV... LamDuYen oi... vậy là YDI hết thiếu nợ Y rồi đó nha!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 10 2015, 12:23
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
ĐSH ơi! Bộ anh vể TC ăn bún nước lèo TC nhiều hay sao , mà mấy tuần nay em và DL no bụng "óc ách" luôn :rollin: anh đã về đến nhà an toàn rồi hả.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 10 2015, 14:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cái món nầy vượt ngoài sự tưởng "tượng" lẫn tưởng "kiến" của Y tui rồi! Nhị vị huynh ơi vậy là ta ăn luôn cả con kiến, cả trứng kiến và cả cái tổ kiến nữa hả?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 10 2015, 15:01
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Người Thượng thì ăn cả trứng kiến, con kiến, và tổ kiến luôn. NGV tui thì chỉ ăn trứng kiến thôi, nhìn mấy con kiến trôi trên mặt là không còn hứng thú nữa nhưng khi gạt nó qua một bên thì cũng ngon lắm.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NHÀ TRỌ
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 10 2015, 02:05
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
NHÀ TRỌ
Lần đầu tiên đặt chân đến cái nhà trọ nầy Sa dội ngược. Dù không hy vọng nhiều bởi biết rằng giá rẻ nhất dỉ nhiên là bết nhất, thế nhưng Sa vẫn hết sức chán nản khi thấy trên nền nhà có một vũng nước do những cơn mưa để lại. Sa quay qua hỏi dì Ba chủ nhà:
-Có cái phòng nào không dột hông dì?
Dì Ba lắc đầu:
-Chỉ còn một phòng nầy thôi.
Thấy Sa có vẻ do dự dì nói tiếp:
-Cô không mướn thì có người lấy liền đó. Dễ dầu gì kiếm được một chỗ ở có giá rẻ bèo như vầy.
Sa ngập ngừng:
-Nhưng nó dột nhiều quá…
Dì Ba chặn ngang:
-Có hai ba chỗ thôi chớ có nhiều nhỏi gì đâu. Năm nay mưa ít xịt mà cũng cuối mùa rồi!
Sa đưa mắt nhìn xuống nền nhà nơi những đốm nắng đang rắc bụi vàng lấp lánh trên vũng nước. Thấy Sa ngần ngại dì Ba nói:
-Tui bớt cho cô hai chục ngàn đó, không chịu thì thôi!
Sa kèo nài:
-Dì bớt thêm chút đỉnh nữa đi, còn hông thôi con trả y giá và dì thay mấy tấm tôn mới giùm con.
Giọng dì Ba chắc nịt:
-Có mấy cái lỗ mọt mà thay cái gì! Để tui mua đồ trám lại. Cô không chịu thì thôi.
Biết không thể năn nỉ Sa đành chấp nhận.
Phòng của Sa nằm chính giữa. Phía ngoài là căn phòng của một cặp vợ chồng trẻ, tấm vách mỏng không ngăn được những tiếng cãi cọ ban ngày và cười khúc khích lúc khuya của họ. Cô vợ có một cách nói hết sức đặc biệt, hay lên giọng khi dứt nên hầu hết các câu trả lời đều biến thành câu hỏi. Sau nầy Sa hiểu ra nên không còn lập đi lập lại các câu nói của mình đến hai, ba lần nữa. Người chồng hay cười hềnh hệch trước khi nói, dù chỉ để trả lời hay hỏi những câu hết sức bình thường. Căn phòng phía trong im ru, suốt ngày khóa cửa, đến tối mịt chủ mới về. Đó là người đàn ông rất nhỏ con, lúc nào cũng dắt chiếc xe đạp cũ, đầu cúi gầm đi ngang qua phòng Sa mà chẳng bao giờ nhìn vào. Y mở cái ổ khóa một cách rón rén như lén đột nhập vô nhà người khác vậy. Bộ dạng, cung cách ấy làm Sa chẳng yên tâm, nên mỗi lần đi làm cô đều dồn tất cả những món đồ đáng giá của mình vào túi xách và mang theo.
Một hôm Sa xin dì Ba miếng giẻ lau, dì đưa cho Sa cái áo thun ba lỗ rách tùm lum. Sa hỏi:
-Cái anh mướn căn phòng cuối ở đây lâu chưa hả dì?
Dì Ba biết Sa lo nên đáp:
-Nó tên Lai, ở đây lâu nhất đó! Coi vậy chớ hiền khô hà!
Sa thắc mắc;
-Ảnh làm nghề gì, sao con thấy về nhà trễ lắm, có khi đến nửa đêm mới nghe mở cửa. Mà cái dáng đi cũng lạ hơn thiên hạ, cúi cái cầm chấm ngực mà đi.
Dì Ba chép miệng:
-Tại nó có cái thẹo sâu ngay giữa trán nên ngại, không muốn đưa ngay mắt người ta. Cô có thấy nó xách một xâu có mấy miếng sắt mỏng hông, đó là cái thứ tạo ra cái tiếng lốc xốc của mấy người làm nghề đấm bóp, cạo gió, giác hơi. Người đàng hoàng lắm, tháng nào cũng trả tiền nhà đúng ngày, không thiếu một đồng.
Chiều hôm ấy Sa đi làm về muộn, chưa kịp bắc nồi cơm thì nghe bụng đau quặn. Sa vứt hai miếng tàu hủ cùng mấy trái cà chua qua một bên rồi đi nằm liền, dằn cái gối và cả túi đồ lên bụng để đè cái đau xuống mà không được. Lát sau có tiếng gõ cửa, giọng dì Ba hỏi lớn:
-Trong mình có sao hông Sa?
Sa vừa đáp vừa rên:
-Con đau bụng quá dì Ba ơi !
Dì Ba bước vào sờ trán Sa rồi kêu:
-Nóng như lửa ! Kiểu nầy hổng êm rồi, đi nhà thương liền mới được.
Dì lòn tay vào nách Sa nâng lên rồi dìu về phía cửa. Sa vói tay ôm cái túi đồ. Vừa ra khỏi cửa thì một cơn đau dữ dội làm cô ngất xĩu.
Sa tỉnh dậy trong căn phòng lạnh ngắt, rất yên lặng dù chứa hơn hai chục giường bệnh. Một cô y tá mang chai nước biển đến giường Sa để thay cái chai đang treo tòn teng sắp hết. Sa thều thào:
-Tui bị bệnh gì vậy cô?
Cô y tá trả lời, tay vẫn không dừng:
-Cô bị vỡ ruột thừa, cũng may là đưa vô kịp, chậm là chết rồi đó !
Sa hỏi tiếp:
-Vậy là tui bị mổ hả cô? Phải nằm bao lâu mới đi làm được ?
Cô y tá vừa gật đầu vừa trả lời:
-Chắc phải nửa tháng. Nếu cô đến bệnh viện sớm, khi ruột thừa chưa vỡ thì đâu đến đổi.
Sa hỏi tiếp:
-Ai đưa tôi tới đây vậy cô?
Cô y tá nhìn Sa bằng ánh mắt ngạc nhiên:
-Chồng cô chớ ai .
Sa chới với, lẻ nào… tim Sa bỗng dưng tăng tốc. Buổi chiều y tá thông báo cho Sa biết sẽ đưa cô ra phòng thường, không nằm trong phòng săn sóc đặc biệt nầy nữa. Cô ta đứng trước cửa gọi to:
-Ai là người nhà của Nguyễn thị Kim Sa đâu ? Chuẩn bị theo bệnh nhân nghe !
Sa đưa tay vuốt tóc, bỗng cám ơn căn bệnh đã cho mình gặp lại Hưng. Sa nhổm người lên khi chiếc giường vừa đẩy ra khỏi cửa. Người đàn ông nhỏ bé ôm túi đồ của Sa đứng ngay trước mặt, trên trán y có một cái thẹo sâu hoắm.
Nước mắt cứ rơi hoài trên má của Sa làm Lai ái ngại, chẳng biết nói gì để an ủi. Nhân viên bệnh viện cứ ngở Lai là chồng nên hướng dẫn cách săn sóc cho Sa. Chờ họ đi khỏi Lai nói:
-Xin lỗi cô nghe. Đêm qua tui nghe tiếng cô rên nên chạy đi kiếm dì Ba. Dỉ nhờ tui đưa cô đi cấp cứu. Rồi họ nói phải có thân nhân ký giấy mới mổ được nên tui nhận đại là chồng.
Sa lắc đầu:
-Tui mang ơn anh không hết, làm sao dám bắt lỗi. Chắc tốn tiền nhiều lắm hả anh ? Tui chỉ còn chưa tới một triệu, chắc là không đủ.
Lai trả lời:
-Cô đừng lo, chừng mạnh khỏe đi làm trả lại tôi cũng được mà.
Lai săn sóc Sa hết sức tận tâm, chu đáo. Những công việc tế nhị Lai nhờ y tá làm giùm chớ không dám chạm vào Sa. Khi Sa ra viện về nhà đã thấy dì Ba thay tôn mới và căn phòng không còn bị dột.
Nửa tháng sau Sa đi làm trở lại. Chủ nhật ấy Sa đi chợ nấu một mâm cơm tươm tất rồi mời Lai sang ăn chung. Lai mặc bộ đồ còn mới tinh cả đôi dép cũng mới, gương mặt trông sáng sủa hơn ngày thường. Khi Sa đưa cho Lai chén cơm, chàng cầm bằng hai bàn tay run nhẹ làm Sa thấy tội làm sao!
Kể từ hôm ấy Lai không còn cúi mặt khi đi ngang qua căn phòng của Sa nữa.Thỉnh thoảng Sa lại mời Lai qua ăn cơm cùng mình, thế nhưng Lai vẫn chưa dám mời lại Sa. Một hôm Sa hỏi:
-Em muốn qua thăm chỗ anh ở có được không?
Lai mừng quýnh, mời ngay lập tức. Sa hết sức bất ngờ trước sự sạch sẽ ngăn nắp trong căn phòng ấy. Có cả bàn ghế, quạt máy và ti vi. Một kệ nhỏ bằng kính gắn vào tường để làm bàn thờ với cái lư hương bằng gốm, ba ly nước đặt trước hai tấm ảnh một nam, một nữ chưa già lắm. Sa hỏi:
-Hình ai vậy?
Lai trả lời:
-Ba má tui đó!
Sa chép miệng:
-Anh sướng hơn tui, còn có ba má để thờ.
Lai ấp úng:
-Cô mồ côi sao?
Sa gật đầu. Lai chẳng nói gì thêm, chỉ nhìn cô bằng đôi mắt hiền từ với tia nhìn thật dịu dàng ấm áp. Lần đầu tiên có người nhìn Sa như thế! Lần đầu tiên Sa nhận ra mình được trân trọng và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bắt đầu từ lúc ấy Sa không còn thấy Lai xấu nữa. Tính lương thiện, trong sáng và lòng nhân hậu đã lấp đầy cái thẹo sâu trước trán. Thân hình nhỏ bé đó bỗng vững chắc như bức tường đá và Sa rất muốn dựa lưng vào.
Mấy tháng sau, họ nấu một mâm cơm rồi mời hai vợ chồng phòng bên và dì Ba đến dự. Dì Ba tặng cho Sa một bao thơ, trong đó chứa đúng số tiền mà Lai bỏ ra để lợp lại căn phòng cho Sa. Căn phòng ấy được trả lại cho dì Ba và được một đôi vợ chồng không còn trẻ đến thuê, họ gây nhau suốt. Căn phòng cuối cùng thì ngược lại, người ta thường nghe tiếng Sa cười, đôi khi vào cả lúc nửa đêm.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 10 2015, 07:43
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Nha Que {L_WROTE}:
ĐSH ơi! Bộ anh vể TC ăn bún nước lèo TC nhiều hay sao , mà mấy tuần nay em và DL no bụng "óc ách" luôn :rollin: anh đã về đến nhà an toàn rồi hả.

Cảm ơn em hỏi thăm. Anh đã về nhà an toàn hai hôm nay nhưng vẫn còn bị sai giờ ngủ nên ban ngày đi làm mà cứ ngật ngừ còn ban đêm thì thức trắng mắt.

Anh ăn đủ thứ bún Nam Trung Bắc. Nam có bún nước kèn, bún nước lèo, bún mắm, bún tôm nướng, bún ốc, và bún thịt xào. Trung thì bún nuốc, bún bò Huế. Bắc thì bún thang, bún mọc. Trước đầu hẽm nhà má anh trên Sài Gòn có tiệm bán bún bò Huế ăn ngon hết chổ chê.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ĐỐNG UN
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 10 2015, 15:09
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
ĐỐNG UN
Quê tôi đống un nhiều lắm! Đống un là đống lửa đốt các chất thải dễ cháy thành tro để làm phân bón. Thành phần chủ yếu của nó là lá khô và phân bò. Một đống un chất lượng nhất, phải có phân bò nhiều nhất.
Khi tôi khoe với cô bạn vừa quen là quê tôi sạch lắm, không có rác như thành thị, cổ liền nhìn tôi bằng tia mắt ngờ vực, như thể đang nghe một người cuồng tín nói về tôn giáo của cô ta vậy. Không tin cũng đúng thôi bởi nông thôn là khu vực canh tác, chắc chắn phải thải bỏ nhiều rác. Hơn nữa đời sống văn hóa ở quê thấp, thu nhập thấp hơn đô thị, cho nên phải lem luốt hơn, và ở đâu có người là phải có rác. Người ta đã tính ra rằng mỗi một người trong suốt cuộc đời, thải ra một số rác lớn gấp cả trăm, ngàn lần khối lượng cơ thể của họ. Cuộc sống càng văn minh thì rác càng nhiều và toàn những loại rác độc hại không thể phân hủy. Rác đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng và tôi rất mừng là cho đến bây giờ, cái cù lao nhỏ của chúng tôi vẫn chưa có những bải rác to, hôi nồng nặc làm nhiểm ô không khí.
Nói cho chính xác thì quê tôi không có bải rác, bởi chúng được tiêu hủy ngay lập tức bằng hai cách: chôn và đốt
Bà con nông dân vốn rất tiết kiệm. Hoang phí và lười biếng là hai tật xấu bị lên án nhiều nhất. Nhớ hồi nhỏ, tôi mót từng nhúm lông gà lông vịt, từng cái ống khói bể để bán cho người mua ve chai. Những mảnh giấy vụn, thậm chí những cọng rơm, lá tre khô cũng được mấy bà, má, chị... gom hết lại đốt thành tro đem đổi lấy đồ dùng. Cho nên số khói của đống un tỏa ra xấp xỉ với số khói bay phất phơ trên những mái nhà thời ấy, bây giờ chắc còn nhiều hơn vì bà con ở quê tôi, hơn phân nửa đã xài bếp ga và nồi cơm điện. Phân gia súc được chôn, ủ để làm phân bón cho cây. Tóm lại tất cả những chất thải đều được hóa kiếp khi chúng còn tươi rói, không kịp thối rửa để gây ung nhọt cho mặt đất.
Tôi nhớ ngày xưa gió bấc còn hoành hành nhiều lắm! Vào những buổi chiều mùa lạnh, trời vừa sụp tối, lủ nhóc tụi tôi hay tìm đến một cái đống un nào đó, đứa nào cũng mặc áo ấm (nếu không có thì mặc thêm một cái áo tay dài nữa). Tụi tôi ngồi chồm hổm sát vào nhau cho đủ chỗ vì thường chỉ tụ lại quanh một đống un thôi, để vui và ít sợ ma hơn. Người chị lớn nhất trong nhóm sẽ lấy bánh phồng ra nướng rồi chia cho mỗi đứa một miếng. Tụi tôi vừa ăn vừa nghe chị ấy kể chuyện ma, quê tôi hầu như ai cũng có một kho chuyện ma trong bụng.
Hình như thời điểm ấy trùng với mùa khoai vì tôi nhớ mỗi đứa thường hay chọn một củ khoai đèo nhất trong cái đống khoai dưới gầm giường đem ra nướng. Tại sao phải là khoai lang đèo? Bởi nó kịp chín bên trong khi cái vỏ chuyển tiếp giữa màu vàng sang đen. Tụi tôi lấy cái que dài khều ra rồi xuyên ngang qua củ khoai, đưa ngang miệng thổi cho nguội và sạch tro rồi mới cắn. Đứa nào không có thì ăn ké đứa khác, chúng tôi chia thức ăn cho nhau, nên chẳng đứa nào để cái miệng ở không. Món nướng ngon nhất của chúng tôi là hột điều – trái điều còn có tên là đào lộn hột, bởi cái hột của nó không nằm ở giữa bụng mà nhảy tót lên đầu- tụi tôi ném hột điều vào đống lửa rồi vội lui ra. Hột điều khi cho vào lửa sẽ kêu xèo xèo và bắn những giọt dầu nhỏ ra rất xa, nếu bị văng trúng sẽ tạo thành những vết phỏng. Hột điều nướng thơm, ngon, giòn, béo nên tụi tôi mê nhất!
Nhảy qua đống un là trò chơi thịnh hành hồi đó.( Có lẻ nhờ chơi môn nầy thường xuyên nên trong các môn thể dục, tôi nhảy xa giỏi nhất). Con gái chỉ dám nhảy qua mấy đống un đã nguội, không thể sánh nổi với mấy đứa con trai, chúng nhảy qua những đống un đang cháy phừng phừng. Trò chơi nầy đã có lần khiến tôi bị một trận đòn nhớ đời ngay mùng một tết.
Những đống un ngày xưa với những tia lửa đã đời đời tàn lụi vẫn mang lại hơi ấm cho tôi khi nhớ đến. Mỗi lần mấy đứa cháu đòi nghe chuyện ma, tôi lại moi từ trong ký ức của mình những câu chuyện còn thơm mùi khói ấy. Rồi trong đầu tôi những hình ảnh nhạt nhòa dần hiện rõ nét: Những gương mặt bè bạn ấu thơ lập lòe bên ánh lửa, với những đôi mắt mở to hết cỡ nhìn chăm chú, cùng những cái miệng hé sẵn, chờ hét to khi nghe đến đoạn rùng rợn; Những đôi chân chạy nháo nhào khi bị bọn con trai giả làm ma, ngồi trên cây xoài ném từng cục đá rơi sát sau lưng; Những miếng bánh phồng xốp xộp, mỗi lần bẻ hay rơi ra những mẩu vụn nhỏ xíu làm tụi tôi tiếc hùi hụi; Những củ khoai vàng ươm còn bốc khói, nhảy liên tục từ tay nầy sang tay khác, mang lại vị ngọt bùi nóng hổi trong miệng; Những tia lửa nhỏ bắn ra từ mấy hột điều cùng với tiếng kêu rên của nó. Cái vị béo, giòn và cực kỳ thơm ấy, vẫn nhắc tôi nhớ lại cái mơ ước tối thượng của mình ngày xưa: có nguyên một túi hột điều để ăn cho thỏa. Và tất cả những kỷ niệm càng đẹp càng vui, lại càng làm lòng tôi xót xa, tiếc nuối. Tôi bỗng ao ước giá mà mình được đóng băng cùng với khoảng thời gian ấy mãi.
Khu dân cư nơi tôi ở có những ngôi nhà đang xây. Khi một căn nhà nào đó đã hoàn thành, những người thợ trước khi rút đi thường đốt rác để khỏi mắc công đem bỏ. Những đống rác ấy tỏa mùi hết sức khó chịu của chất ni lông bị cháy, mỗi lần đi ngang qua tôi phải nín thở chạy cho nhanh. Những lúc đó tôi lại nhớ mùi thơm của lá và rơm khô, trong những đống un ngày xưa quá đổi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 10 2015, 10:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ
Có một người phụ nữ, không còn trẻ nhưng cũng chưa già lắm, sống một mình trong căn hộ nhỏ. Căn hộ nầy nằm trên tầng chín của một toà chung cư cao mười hai tầng ở rất xa trung tâm thành phố.
Ngày cô mới về, khu nhà nầy hãy còn vắng vẻ, có chưa đến mười gia đình dọn tới. Một mình cô chiếm trọn một tầng lầu. Không gian tĩnh lặng mang lại cho cô cái cảm giác hết sức tự do, an bình . Mỗi sáng cô mở toang cửa để gió tràn vào. Thò mặt ra cửa sổ, căng hết ngực ra mà hít cho đầy không khí trong lành, rồi ra ban công tập mấy động tác thể dục quen thuộc. Dù bữa sáng chỉ là một gói mì hay tô cơm nguội nhưng cô ăn vẫn thấy ngon. Rồi cô vừa làm việc nhà, vừa hát hoặc đọc thành tiếng những bản nhạc, bài thơ xuất hiện trong đầu mà không sợ có ai nghe thấy. Điều cô thích nhất là ở đây hoa, cỏ, rau dại tràn trề, mình cô hưởng hết chẳng lo ai tranh mất. Những hôm trời mưa, cô chầm chậm đi dọc theo cái hành lang dài. Thỉnh thoảng dừng lại trước ô cửa kiếng, nhìn những dòng nước chảy từ trên xuống. Chúng là những “ ngón tay dài như lệ sa” của một người con gái rất đẹp, rất gầy đang gõ mãi vào cửa để xin vào trú mưa.
Vào buổi chiều, thiên nhiên sẽ mang đến cho cô một món quà mỗi ngày một khác. Đó là sân khấu hết sức hoành tráng với tấm phông là chân trời rộng mênh mông. Chỉ có hai diễn viên chính là ánh sáng và mây thôi, thế nhưng kịch bản vô cùng phong phú. Chẳng bao giờ diễn lại đến hai lần, cho dù ta cố yêu cầu. Khi thì vui với tia sáng đỏ tươi như son môi của cô gái trẻ. Khi thì gom hết khói lại mà tạo thành một màu bàng bạc, gợi ta nhớ tới những kỷ niệm êm đềm. Cô đi dạo trên những con đường trải đá mi lởm chởm, hai bên lề cỏ lau mọc vượt qua tầm với. Có lần một con chim lạ màu nâu pha đỏ bay vút qua đầu làm cô ngạc nhiên vui thích. Thỉnh thoảng cả bầy chuồng chuồng bay tà tà thật thấp như định đáp xuống mà hôn mặt đất. Chúng chạm cả vào tóc, vào mặt khi cô đi qua. Có những buổi chiều, một màu tím tràn ngập không gian: mây tím, bằng lăng tím, cỏ tím … Những cái cây mắc cở tím hết toàn thân với lá ngủ gục, hoa ủ rủ tàn tạ y như những đào kép già trong buổi diễn sau cùng khi màn kéo lại, làm cô xúc động đến trào nước mắt. Cuộc sống đơn độc, cùng cảnh hoang sơ mang đến cho cô vô vàn cảm xúc.
Thế rồi nửa năm sau có hai vợ chồng trẻ dọn đến ở căn hộ đối diện. Họ có một đứa con gái nhỏ tên Minu. Những đứa trẻ bây giờ có những cái tên gọi ở nhà hầu như đều lai lai giữa tiếng tây và tiếng ta. Cái quan niệm phải đặt tên con cho thật xấu để không bị quở đã bị triệt tiêu. Những cái tên cũng bộc lộ phần nào nếp sống, nếp nghĩ của xã hội. Tên của những đứa trẻ ngày nay bao gồm nhiều yếu tố như độc đáo, đẹp, thể hiện kỳ vọng của cha mẹ hoặc đặt tên theo phong thủy …Chữ “văn” lót cho tên con trai, chữ “thị” lót cho tên con gái đã gần như biến mất. Mi nu rất xinh và ngoan. Ban đầu cô thấy cái tên Minu đó giống tên của mấy con thú cưng, nghe hơi chối lỗ tai, sau nầy lại thấy nó dễ thương, nên khoái gọi hết sức! Minu gợi lên trong cô một niềm thương mến dạt dào, nhắc cô nhớ đến đứa cháu ngoại nhỏ xíu mà lâu lâu cô mới được bồng.
Hai vợ chồng ấy đi làm cả ngày, Minu cũng đi học suốt, chỉ đến chiều tối họ mới cùng về nhà. Cô kết thúc những buổi đi dạo của mình trước bảy giờ tối vì không muốn bỏ lỡ một tiếng cười, câu nói nào của cô bé hết.
Chỉ có mỗi hai hộ trên một tầng lầu rộng thênh thang nên cô và gia đình Minu nhanh chóng trở nên thân mật. Thấy cô và Minu mến nhau, nên một hôm mẹ của Minu nhờ cô dạy tiếng Việt giúp cho con gái. Vì học trường nước ngoài nên Minu chỉ nghe và nói tiếng Việt rành thôi, còn đọc và viết hãy còn kém lắm!
Thế là đúng bảy giờ tối từ thứ hai đến thứ sáu cô dạy chữ cho Minu. Mỗi buổi học được ấn định là một giờ đồng hồ, nhưng rồi cứ dài ra từng chút y như sợi dây thun luồn quần, xài càng lâu càng dãn. Có khi đến hơn chín giờ tối cô bé mới chịu về nhà. Không phải vì quá say mê học tập, ngược lại là khác. Minu rất lười ! Mỗi lần cô bắt mở cuốn tập ra là xụ mặt xuống, phải dỗ ngon, dỗ ngọt mới chịu cầm lên cây viết. Ban đầu cô nản lắm nhưng rồi nghĩ ra một cách, đó là kể chuyện đời xưa để đổi lấy bài học.
Cô moi ra từng câu chuyện đã được nghe rất lâu, may mà chúng vẫn còn nằm yên ở tầng dưới cùng của ký ức. Cùng những bài tập đọc trong quyển “QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ” mà ngày xưa đã học như :” Con Tấm, con Cám”, “ Nàng Út ống tre”,”Công chúa cá, phò mã cùi “, “ Đôi hia bảy dậm”, “Rừng cây biết đi “...ra kể. Minu nghe một cách say sưa. Cô bé thích nhất là chuyện “ Con cóc đi guốc”, cứ đòi nghe đi, nghe lại. Còn năn nỉ cô bắt giùm một con cóc để hóa trang cho nó.
Những câu chuyện đời xưa dần dần cũng cạn. Cô phải đặt ra những câu chuyện mới, lồng thêm những chi tiết có tính giáo dục, nhầm mục đích thay đổi tật xấu bằng thói quen tốt. Thỉnh thoảng cô lại yêu cầu Minu kể cho mình nghe một câu chuyện mà bé nghĩ ra. Những mẩu chuyện ấy rất ngộ nghỉnh, đôi khi chúng làm cô ngạc nhiên trước trí tưởng tượng quá phong phú của trẻ con.
Bây giờ Mi nu đã định cư ở Ca na đa nhưng thỉnh thoảng vẫn gọi điện, vẫn hát bài “Happy birthday” mỗi năm một lần để chúc mừng sinh nhật cho cô. Điều làm cô vui nhất là bé còn nói rành tiếng việt và đã đọc tất cả những câu chuyện được ghi trong cuốn tập hai trăm trang mà cô viết tặng .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu