Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 29 Tháng 3 2024, 09:13
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271435 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: BẾN ĐÒ, BẾN ĐỢI
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 11 2015, 16:40
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
BẾN ĐÒ, BẾN ĐỢI
Chiếc đò hôm ấy chở nhiều người quá! Hàng ngày vào giờ nầy nó thường đông vì vừa tan học, nhưng hôm ấy lại nhiều gần gấp đôi bởi có một đoàn nam sinh từ Sài Gòn ghé thăm xứ lụa.
Nhu xuống đò sau cùng nên đành phải đứng chênh vênh trước mũi. Sau lưng là một nhóm con trai lạ hoắc nên Nhu ngại chẳng dám len vào bên trong.
Thuận gọi:
-Nhu đến đây ngồi nè ! Đứng đó nguy hiểm lắm !
Mọi người tự động nép sát vào nhau, tạo một lối hẹp vừa đủ cho Nhu nghiêng mình lách qua. Thuận đứng lên nhường chỗ, hơi ấm của chàng còn để lại làm đỏ cả hai gò má của Nhu. Thuận cất tiếng, phá bỏ cái không khí sắp đóng băng giữa hai người:
-Hôm trước có một người đứng trước mũi như Nhu. Đò cặp bến mạnh quá làm anh ta rớt xuống sông luôn, cũng may là sát bờ nên leo lên được.
Nhu hỏi bâng quơ:
-Hổng biết làm sao mà hôm nay đò đông dữ dội ?
Thuận trả lời một cách sốt sắng:
-Có đoàn khách nơi khác về thăm xứ mình:
Một cậu dáng ngổ ngáo đứng trong nhóm khách ấy, chừng như muốn “làm nổi” nên lên tiếng:
-Ê, tụi bây, con gái xứ nầy đẹp ác !
Tên đứng gần y liền giải thích bằng giọng tự phụ:
-Bộ mầy không nghe câu: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu” sao? Con gái quê tao từ trước đến giờ, có tiếng là đẹp người, đẹp nết.
Tên kia trả lời :
-Mới ghé đây lần đầu làm sao mà biết mậy? Tao nhứt định làm rễ xứ nầy, mầy phải làm may cho tao một cô đó nghe !
Thì ra trong nhóm đó có một tên là dân bản địa, chắc ở xóm khác nên Nhu không biết. Cái câu chớt nhả ấy làm mấy cái nón lá, trong đó có cái nón của Nhu kéo sụp xuống thêm một chút.
Thuận hơi khó chịu nhưng không phản ứng. Tánh chàng hiền, không thích bị chú ý nên chỉ dùng tấm thân của mình mà che, chặn mấy viên đạn bằng mắt đang bắn về hướng Nhu lia lịa.
Nhu thầm mang ơn Thuận, tưởng tượng mình đang đứng giữa bọn họ rồi bị ghẹo làm Nhu sởn da gà. Đây là lần đầu tiên nàng tiếp xúc với Thuận, Nhu hay mắc cở nên cả hai dù nhà cùng xóm và đi chung đò cả mấy năm nay, vẫn chưa nói với nhau câu nào.
Thuận để ý Nhu từ lâu lắm ! Hình như Nhu đoán biết nên hể có mặt Thuận trên đò là nàng bẻn lẻn, đang nói chuyện với bạn cũng dừng ngay lại. Họ thích nhau nhưng bị cái tánh sĩ diện ngăn trở. Thuận học giỏi nhưng lại sợ Nhu chê mình là con nhà nghèo. Nhu thì sợ Thuận khinh mình học dở, năm nào cũng thi đi, thi lại. Đây đúng là dịp may hiếm có, Thuận quyết định khai thác triệt để. Chàng lựa những câu hỏi buộc Nhu phải trả lời. Câu chuyện của họ cũng giống con đò, hơi loạng choạng lúc đầu rồi dần dần xuôi chèo mát mái. Khi đò cặp bến thì bức tường vô hình giữa họ đã thủng một lỗ rất to!
Từ hôm ấy, hầu như ngày nào họ cũng đi, về cùng chuyến. Dù chưa dám ngồi cạnh nhau, nhưng hai ánh mắt không còn khoảng cách. Một hôm Thuận vờ làm rớt sách, cúi xuống lượm rồi nhét vào chiếc hài của Nhu một mảnh giấy nhỏ. Trống ngực Nhu đập đùng đùng, nàng cũng cúi xuống sửa lại vạt áo rồi kín đáo kẹp tờ giấy vào tay.
Chiều chủ nhật đó ! Nhu hồi họp vô cùng vì lần đầu tiên hò hẹn. Nàng cứ mặc vào cởi ra không biết bao nhiêu cái áo, cuối cùng chọn chiếc áo tơ Bắc màu mỡ gà.
Đến quán chè trên bến đò, đúng chỗ hẹn chẳng thấy Thuận đâu, Nhu thất vọng tràn trề. Nàng cố tình đi trễ mười lăm phút vậy mà Thuận còn đến trễ hơn. Rất muốn bỏ ra về nhưng Nhu nán lại, không phải nàng đã chờ đợi cái dịp nầy từ rất lâu đó sao?
Ly chè đậu đỏ bánh lọt chỉ còn trơ mấy cục nước đá. Khi những viên đá trong veo đã tan thành nước đục thì lòng kiên nhẫn của Nhu cũng tan, nàng đứng lên trả tiền rồi đi về, mặt bừng bừng sắc giận.
Hôm sau cả hai lại chạm mặt nhau trên đò, tia mắt của Nhu không còn vẽ êm dịu, nàng nhìn soi mói vào mặt Thuận. Thuận nghênh mặt nhìn lại, hai con mắt y như hai cục nước đá trong ly chè đậu đỏ hôm qua.
Kể từ đó họ cố tránh mặt nhau, nếu có đi chung đò thì người trước mũi, người sau lái…Rồi Thuân đi lính, rồi Nhu đi lấy chồng, vết thương đã lên da non và hóa sẹo thế nhưng khi gió trở mùa, tay lỡ chạm vào vẫn nghe xon xót.
Một hôm Nhu dắt con về thăm nhà bỗng gặp lại Thuận trên con đò cũ. Chiếc đò ngày xưa không còn mỏng manh với người chèo, người chống nữa. Nó chạy bằng máy và lớn đến nổi có thể chở được cả một chiếc xe hơi. Thuận bây giờ là chủ của chiếc đò ấy. Họ vẫn nhận ra nhau. Sau cái gật đầu ngượng ngập Thuận mở lời:
-Nhu dắt con vào đây ngồi cho mát, con nít đứng ngoài nắng không tốt !
Nhu lưỡng lự một lát rồi đưa con vào ngồi trên cái băng gỗ trống, chỗ nầy ít ai thích vì khói phun ra từ máy hay bị gió thổi bạt vào. Thuận bỗng hỏi:
-Nghe nói chồng Nhu mới mất hả ?
Nhu gật đầu. Thuận hỏi tiếp:
-Ảnh bị bệnh gì vậy?
Nhu cố trả lời càng gọn càng tốt:
-Ung thư gan.
Thuận chắt lưỡi:
-Mắc cái bịnh đó thì trời cứu chớ người ta thì bó tay rồi! Chắc tốn kém dữ lắm hả Nhu?
Nhu định đáp là mình đã bán hết đất để lo cho chồng, nhưng rồi không muốn mở miệng chỉ gật đầu. Nhìn gương mặt tiều tụy của Nhu, Thuận bỗng nghe lòng cồn cào một nỗi xúc động. Ôi, phải chi. Bỗng Thuận buột miệng:
-Sao hôm đó Nhu không đến chỗ hẹn?
Nhu trợn mắt nhìn Thuận, nỗi căm tức cũ bị đè nén bấy lâu bỗng dâng cao ngùn ngụt rồi lan rộng như đám lửa đốt đồng. Nhu ráng dằn xuống mà noí bằng cái giọng lạnh ngắt, cứng như nước đá cục:
-Tui phải hỏi câu đó mới đúng !
Thuận ngớ người... Thì ra họ cùng chờ nhau, có điều mỗi người ở một bên bến đò.
Tiếc thay! Một mối tình có thể trở nên bất tử bỗng bị bức tử một cách lảng xẹt. Chỉ vì sợ tốn một chút công, một chút mực cùng vài bước chân. Nhưng tên thủ phạm chính là cái lòng tự ái cao ngùn ngụt như bức tường, đã chắn ngang con đường đưa họ đến với nhau.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ĐỜI ROI
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 11 2015, 15:14
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
ĐỜI ROI
Hôm ấy tôi đang nằm vắt vẻo trong gánh. Tiếng rao êm ái nhịp nhàng: “Ai mua rổ, nia, sàng, thúng, đũa, roi mây, chổi lông gà hơ...” sắp đưa tôi vào cõi mộng. Bỗng tiếng gọi giựt ngược của một người phụ nữ làm tôi bừng tỉnh:
-Roi mây !
Cái gánh được đặt xuống đất, tụi tôi liền bị nắm đầu lôi ra, trao cho một người phụ nữ. Bà ta rút từng đứa một ra mà ngấm nghía, cầm lên vụt thử vài cái rồi cuối cùng chọn tôi. Bàn tay bà ta vuốt nhẹ khắp người làm tôi rởn óc. Linh tính cho biết là tôi sắp phải giã biệt những ngày ăn không ngồi rồi. Từ nay tôi sẽ là một công dân chân chính, có những bổn phận phải chu toàn. Cái nỗi buồn chia tay bè bạn bị niềm vui trở nên người hữu dụng, cùng sự hãnh diện vì mình là cây roi duy nhất được chọn, đè bẹp. Phải nói là tôi cũng không ngạc nhiên lắm bởi tự biết mình trẻ đẹp và dẻo dai nhất bó.
Bà ấy mang tôi vào nhà, lấy miếng vải vụn màu đỏ quấn quanh chân, cột thật chặt rồi treo lên cây đinh ba phân đóng trên vách, nơi đó đã có một chị chổi lông gà đang nằm ngủ nướng. Cái chị chổi nầy, thân hình te tua, xác xơ thấy mà tội. Sự đụng chạm của tôi làm chị giật mình thức dậy. Chị dụi mắt, liếc nhìn, cái mặt quạo đeo, thúc cùi chỏ vô hông tôi một cái thật mạnh rồi hỏi một cách xách mé:
-Ê ! ở đâu tới vậy nhỏ?
Tôi nhủ thầm trong bụng: “Aí chà! đang dở trò ma cũ ăn hiếp ma mới đây mà ! Thằng nầy không ngán ai đâu nhá !” . Bụng nghĩ vậy nhưng vốn xuất thân từ một gia đình nề nếp, được học hành cẩn thận. Trước khi lìa xa gia đình,tôi đã được tía, má dạy cách đối nhân xử thế, nên nghĩ tốt nhất nên”dĩ hòa vi quý”. Tôi áp dụng chiến thuật “tiên lễ, hậu binh”, ban đầu hãy trả lời rất từ tốn lễ phép, sau đó sẽ ra tay chẳng muộn. Từ trước đến giờ tôi theo sát chủ, ngày ngày rong ruổi trên đường, tai lúc nào cũng nghe tiếng cổ rao réo rắc. Mỗi đêm đều nằm trong xó nhà mà nghe chồng cổ vừa kéo đờn vưà ca mấy bài vọng cổ mùi mẫn, nên nhiễm cái máu văn nghệ rất nặng, câu nói của tôi luôn lên bổng xuống trầm. Để tạo ấn tượng tốt, tôi cất giọng rất du dương:
-Kẻ hèn mọn nầy được sinh ra từ miền núi cao, sông sâu, rừng thẳm… Làm bạn cùng trăng sao và gió núi…mây…
Tôi chưa kịp xuống “xề” cái chữ “ngàn” thì bị chị ta ngắt ngang liền:
-Thôi, thôi, cái giọng như thùng thiếc bể mà cũng bày đặt! Nè ta báo cho biết trước để đừng có hí hửng vội. Đây rồi đời mi sẽ vất vả nhọc nhằn lắm đấy ! Thấy ta đây không ? Trước đây áo xanh, áo đỏ mượt mà, mà bây giờ còn thân tàn ma dại như thế nầy, nói chi nhà ngươi mình trần trùi trụi không manh áo che thân.
Nghe chị ta nói thế tôi giựt thót mình hỏi dồn:
-Công việc nặng nhọc lắm hả chị?
-Cũng không thể gọi là nặng nhọc, tuy nhiên có phần thất đức vì mang lại đau đớn cho con người, nhất là con nít. Tụi nó căm thù và nguyền rủa ghê lắm! Vì vậy mà tâm trạng không vui nên hay sinh ra nhiều bệnh tật.
Tôi hỏi tiếp:
-Tụi mình có bị đau đớn hông chị?
Chị lắc đầu:
-Đánh người chớ bị người đánh đâu mà đau.
Tôi mừng rú:
-Vậy thì đâu có gì mà sợ .
Chỉ thở dài:
-Đúng là cái bọn ích kỷ, tầm thường. Chỉ nghĩ đến bản thân mà chẳng hề quan tâm đến người khác!
Chỉ lắc mạnh đầu làm rơi mấy sợi lông gà rồi nằm im, nhắm mắt cố ngủ tiếp.
Thái độ của chỉ làm tôi đâm lo, thực lòng tôi không muốn mang lại đau đớn cho ai bởi nhớ câu :”Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Nhưng ở đời mấy ai có thể sống theo ý mình, đời người còn khó nói gì đời roi !
Ngay hôm ấy tôi đã nhận liền công tác. Sự việc xãy ra bởi một cậu bé đi học về trễ làm cả nhà phải đợi cơm.
Ở nông thôn người ta ăn cơm chiều rất sớm. Điều nầy một phần do tính tiết kiệm, chẳng riêng gì chuyện ăn uống, tất tần tật các công việc khác đều được hoàn tất trước khi ông trời đi ngủ để đỡ tốn mấy giọt dầu
Chiều hôm đó, mâm cơm dọn ra từ lâu mà chưa ai đụng đũa. Nó cứ nằm chờ trên bộ ngựa kê sát bên tôi. Trong mâm gồm có: Một tô canh bầu nấu với tôm khô; một tô nước cơm nhỏ hơn tô canh một chút; một trách cá lóc kho với một dĩa dưa leo xắt khoanh không gọt vỏ. Bốn người, hai vợ chồng tuổi sồn sồn, một đứa con gái lớn, một thằng con trai trọng trọng đang ngồi quanh mâm có vẽ sốt ruột. Riêng thằng bé thì mặt mày nhăn nhó, có lẽ đói meo nên rất nóng ruột chờ ăn. Má nó –người mua tôi hồi sáng- hỏi nó:
-Sao giờ nầy thằng Út chưa về hả?
Nó đáp bằng cái giọng cự nự:
-Con đâu có biết !
Bà nói tiếp:
-Sao mầy không bắt nó về một lượt, nó đi một mình rủi bị mấy thằng du côn ăn hiếp rồi sao?
Thằng nhỏ đó làm thinh, ông tía cầm đũa lên rồi nói:
-Thôi ăn đi má nó, mấy đứa bây cũng ăn đi, đừng có chừa cơm, chừa cá gì ráo! Cho nó nhịn đói để lần sau không dám đi học về trễ nữa.
Hai đứa nhỏ chắc nãy giờ đói bụng lắm, chụp liền tay chén, tay đũa. Tụi nó tranh nhau cái muỗng nhôm, múc canh chan ngập chén, gắp cá bỏ vô rồi lùa cơm lia lịa. Bà má miệng nhai cầm chừng, mắt không ngừng liếc ra cửa. Bữa cơm nặng nề hơn ngày thường, thiếu tiếng râm ran vì ông tía đang bực bội, ai cũng cắm đầu lo ăn cho xong. Khi trong nồi chỉ còn một lớp cơm mỏng sát đáy và cái mâm như một bãi chiến trường với mấy cọng xương cá nằm rải rác, tô canh bầu lỏng bỏng, tô nước cơm đã gần cạn với mấy hột gạo chưa bung hết nằm sát đáy, cái trách cá kho còn mỗi cái đuôi mỏng lét, dĩa dưa leo sạch bách, thì ông tía buông đũa đứng lên trước. Đứa con trai vói tay bới cơm định ăn tiếp, bà má liền ngăn lại:
-Chừa cho thằng Út với, ăn như vậy đủ rồi !
Nó ngoan ngoãn để đôi đũa bếp xuống rồi bưng cái tô nước cơm uống một cái ót.
Tới lúc nầy thằng Út mới về, nãy giờ có lẽ nó đứng nhìn qua kẹt cửa, thấy tía nó đi ra nhà ngoài mới dám vô. Nó không dám đi cửa trước mà lòn cửa sau và men theo vách như ăn trộm vậy. Xui cho nó, bất thình lình tía nó quay vô bếp, trông thấy nó ổng liền gầm lên:
-Mầy làm cái giống gì mà bây giờ mới về tới nhà hả?
Má nó vội can:
-Thôi cho nó đi rửa mặt, ăn ba hột cơm rồi …
Tía nó nạt ngang:
-Không có ăn, uống cái gì hết ! Bà dẹp phức cái mâm cho tui.
Hất càm về phía nó ông ra lịnh:
-Mầy lau cái bộ ngựa cho sạch rồi lên cúi liền cho tao.
Thằng Út riu ríu làm theo. Tía nó bước lại chỗ tụi tôi. Ông định dùng chị chổi nhưng rồi thấy tôi ngon lành hơn nên chọn. Thằng Út lấy cây chổi lông gà quét cái bộ ngựa rồi mới cầm nùi giẻ lên lau, nó làm rề rề chắc cố ý chờ tía nó hạ hỏa mà tha chăng ? Cái mặt tía nó vẫn còn hầm hầm, nó bèn cúi sát vách, tía nó quát:
-Mầy nhích ra sát mép bộ ngựa cho tao !
Thầy Út lăn qua hai vòng là đúng chấm phạt. Tía nó hỏi tiếp:
-Mầy ở lại chơi bắn cu ly phải hông ?
Thằng Út bắt đầu thút thít:
-Dạ tại tụi nó rủ con.
Câu trả lời không làm tía nó ưng bụng chút nào. Ông nạt:
-Tụi nó biểu mầy ăn … mầy cũng ăn nữa hả? Cái tội nầy đáng mấy roi?
-Dạ hai roi.
-Hai roi với mầy hổng nhầm nhò gì hết, phải quất năm roi thì mầy mới tởn.
Thằng Út bắt đầu rống lên:
-Con lạy tía, tía ơi tía đánh con ba roi thôi ! Từ giờ sắp tới con không dám nữa.
Má nó cũng nói vô giùm:
-Đánh dằn mặt nó ba roi được rồi ông, nó vừa mới hết bịnh…
Má nó tưởng đâu đưa cái lý do đó ra nó sẽ được châm chước, ngờ đâu như thêm dầu vào lửa( mấy lần sau nầy cũng vậy, hễ bà má mà can là ông tía lại càng giận hơn). Ổng gầm lên:
-Mới hết bịnh mà mầy còn đi vọc đất, vọc cát, áo quần mình mẩy lấm lem, tắm rửa kỳ cọ lâu lơ lâu lắc nhiễm bịnh trở lại. Tao phải quất thêm mầy một roi cho chừa cái tội ngu.
Thằng Út khóc hu hu, má nó xót ruột quá trời mà không dám nói thêm tiếng nào, sợ ổng lại gia tăng hình phạt.
Tía nó nói vậy chớ ổng chỉ quất nó có ba roi rồi dừng lại nói:
-Cho mầy thiếu chịu ba roi, giữ mình không xong là lần sau tao cộng dồn đánh luôn một lượt.
Thằng Út quì thẳng lưng trên bộ ngựa, khoanh tay vừa nói vừa khóc:
-Dạ thưa tía … hức… hức…mai mốt con không… hức…hức… dám vậy nữa.
Tía nó quát lớn:
-Đi tắm rửa sạch sẽ. Lần nầy cho mầy ăn cơm, lần sau là bỏ chết đói luôn biết chưa?
Chờ tía nó đi khuất nó mới dám quay sang cự bà má:
-Má mua cây roi mây nầy chi vậy?
Vừa nói nó vừa chộp cái đầu của tôi mà ném tuốt ra sân. Tôi đâm sầm vào cây me rồi té nằm bẹp trên mặt đất, toàn thân ê ẩm.
Tôi nghiến răng, cố nén tiếng rên, than thầm trong bụng: “ Chị chổi ơi! Chị chổi ơi! Chị nói sai rồi, đánh người ta mình cũng đau thấy mồ chớ bộ!”


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: BÓNG TRONG ĐÊM
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 11 2015, 17:07
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
BÓNG TRONG ĐÊM
Vừa xuống hết dốc cầu, thấy cái quán cà phê đầu hẽm còn sáng trưng So bèn thắng xe, rồi quay ngược trở lại và dắt lên dốc. Cái mệt mỏi, chán nản, bất ngờ chụp lấy cùng một lúc làm đôi vai So trĩu xuống, hai chân thì nặng nề như đeo đá. So lẩm bẩm:
-Mười hai giờ hơn mà còn chưa chịu đóng cửa nữa, biết chừng nào mới được vô nhà mà thả cái lưng xuống giường hả trời?
Trên cầu vắng teo không một bóng người. So cho chiếc xe đạp dựa vào lan can rồi lót hai chiếc dép xuống đất, ngồi duỗi chân cho đỡ mỏi. Hai gót chân chạm xuống mặt đường lổn nhổn những mảnh kính bể làm So giật mình, không còn hơi sức để đứng lên dời chỗ, chị thu chân lại rồi ngồi gục mặt lên gối và vòng tay ôm chắc hai ống cẳng.
Từ ngày thằng Đo, đứa con trai duy nhất của So, bị xử tử vì tội danh cướp của giết người, thì cuộc đời của So trở nên vô cùng tăm tối. Ánh sáng và những niềm vui trong cuộc sống cũng theo nó mà chui luôn vào mộ. So không dám gặp một người nào, chị đi làm khi trời chưa sáng và về nhà khi mọi người trong xóm đã ngủ hết. Cái tướng đi của chị cũng thay đổi, tội lỗi của đứa con như cái gánh vô hình chất đầy đá đè nặng lên vai. Lưng So cong hẳn xuống như thể chị cố làm cho mình ngắn đi và nhỏ lại, giọng nói cũng rụt rè khác trước. Chị bỗng trở nên câm lặng, vật vờ như một cái bóng.
Con hẽm thân thương dần trở nên xa lạ, nó không chào đón So nữa. Những đứa trẻ trong xóm không còn mượn cái sân nhỏ của chị để chơi đùa. Mấy đứa con trai choai choai cũng không còn đứng trước cửa nhà chị để hút thuốc, nói chuyện phiếm và trêu ghẹo những cô gái đi ngang như trước. So có cảm giác như mình đang mang một căn bệnh hiểm nghèo, hay lây, không chỉ qua tiếp xúc và hơi thở mà cả đến tia mắt nữa. Một đôi lần mắt So đậu vu vơ trên gương mặt của một người quen cũ, họ vội quay đi làm chị vô cùng hụt hẩng, tủi thân.
Như để xua tan cái nỗi cô đơn vừa dấy lên trong lòng So, một ngọn gió mồ côi vội bỏ lòng sông mà xoắn xít quanh chị. Nó lòn vào vạt áo, quét quanh thân làm chị thoáng rùng mình. So liền gập sát người và kéo hai chân ép vào ngực sát hơn. So thèm được ngã mình trên cái giường ọp ẹp của mình biết mấy! Giấc ngủ hiện nay quan trọng nhất đối với So, nó cho chị những giấc mộng mà chỉ ở trong đó chị mới được cười, nói, nhìn thẳng vào mắt mọi người không chút e dè.
Bỗng chị thầm oán giận con trai. Phải chi nó bị tai nạn, hoặc chết bởi một căn bệnh hiểm nghèo thì chị đâu đến nỗi quá xấu hổ và bị mọi người xa lánh như vậy! Sao nó nỡ đành tước mất luôn cái quyền được thương yêu, được chia sẻ, được cảm thông của chị chớ!
Rồi chị lại nghe thương con đến trào nước mắt, tự trách:
-Trời ơi ! Cả cái thế giới nầy ghét nó chưa đủ hay sao mà mình còn hùa theo họ. Mình mà ghét nó nữa thì tội cho cái vong hồn của nó biết chừng nào. Khi đói, lạnh nó đâu dám về nhà, rồi bị mấy thằng cô hồn khác chà đạp đến bầm dập chịu làm sao thấu!
Nghĩ đến đó chị không dằn được, ngực phập phồng. Cái tiếng nấc bị dồn nén hết mức, chịu không nổi nữa, xé toang hai lá phổi mà chui tọt ra ngoài. Trong tiếng khóc nghẹn ngào những lời từ đáy lòng trào ra như suối:
-Con ơi sao con ngu khờ dữ vậy ? Cũng tại má hết, khi con hỏi má có thích ở nhà lầu, đi xe hơi không, rồi hứa mua cho má, má đã cười sung sướng. Má đâu có ngờ cái cười của má đã xúi con vô con đường tội lỗi. Tại má hết, tại má không biết dạy con. Tại má ngu dốt không lường trước việc con sắp làm mà ngăn cản. Cái oan nghiệt má gieo từ kiếp trước, kiếp nầy trời bắt má phải trả làm con bị vạ lây. Ai cũng nói cái số má xui, cái mặt má hãm tài, hại ba con rồi tới hại con. Bây giờ trong xóm không ai dám lại gần má, họ sợ má đem cái khổ, cái xui vô nhà của họ. Bà Bảy không cho má làm cho bả nữa, má phải đi lượm ve chai. Con cũng đừng có lo cho má, làm cái nghề nầy coi vậy mà sướng, khỏi bị ai nói hành, nói tỏi…Mỗi ngày ăn cái gì má cũng kêu con về ăn với má, má không có đốt nhang, chỉ nói thầm thôi, con phải ở sát một bên má mới nghe được. Thôi con đừng có đi xa má, con là ma mới không có chụp giựt lại người ta đâu, ráng đeo theo má rồi có gì ăn nấy.
So đắm chìm trong nỗi buồn thương của mình mà không để ý là cả tiếng đồng hồ đã trôi qua. Khi nước mắt đã khô và lòng nhẹ bớt, So đứng dậy, leo lên xe đạp ra về.
Cái quán đã tắt đèn tối thui. So cho xe chui vào con hẽm sâu vắng ngắt. Cái bóng của So cũng rón rén theo sau, khi ẩn, khi hiện. Đến trước nhà của So nó mới dừng lại và cùng chị đi vào.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CẠM BẪY NGÔN TỪ
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 11 2015, 04:32
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CẠM BẪY NGÔN TỪ
Đôi khi nhìn cái miệng của con người, cho dù họ đang cười hô hố, đang bậm môi giận dỗi, đang mở trống hoác để tống ra một cái ngáp, hay khép kín mít trong pháp môn tịnh khẩu… tôi cứ thấy đó là một cái bẫy. Có thể điều nầy bắt nguồn từ những sự kiện rất xa xôi trong tiềm thức. Khi tôi còn bò lổm ngổm, đang cho tay vào miệng của một người nào đó để lấy viên kẹo màu đỏ đặt trên lưỡi họ, thế rồi giật mình khóc ré lên khi bị hai hàm răng chận lại.
Đó là nói về những sự việc cụ thể, còn trừu tượng thì cái miệng chính là nhà máy sản xuất, lấy nguyên liệu từ ý nghĩ, tạo ra lời nói để đưa đến hai lỗ tai của người tiêu thụ. Nó chính là cái bẫy hết sức nguy hiểm với độ hủy diệt sâu và rộng chẳng kém một loại vũ khí nào. Ngôn từ là những sản phẩm được làm từ những chất liệu khác nhau và sử dụng với nhiều mục đích chẳng giống nhau. Khi thì nó là cục kẹo sô cô la M&m ngọt ngào đầy màu sắc mà cả con nít lẫn người lớn cùng mê. Đôi lúc lại là một viên đạn có độ sát thương rất cao khiến cho đối phương chết liền tại chỗ. Nó có thể là thần dược hàn gắn những vết thương sâu hoắm, cũng có thể là thanh gươm bén ngót chẻ đôi ta theo chiều dọc hoặc chiều ngang.
Nó rất nguy hiểm vì biết biến đổi tinh vi, có khi từ miệng người nầy là kẹo mà đến tai người kia đã trở thành đạn. Nó không phải là chất rắn nên đôi khi trong quá trình vận chuyễn, bị bóp méo làm mất đi hình dáng ban đầu đến nổi chính cha mẹ ruột cũng ngỡ ngàng nhận không ra.
Không hiểu các bạn có mang cái tâm trạng giống như tôi? Hễ mười lần là hết chín, sau các cuộc gặp gỡ, chuyện trò… khi về ôn lại là tôi lo ngay ngáy. Cứ sợ mình nói câu nọ, câu kia vô tình gây hiểu lầm cho người nầy, người khác. Vậy mà rồi hổng sao. Ngược lại, nhiều khi tâm hồn thơ thới, chẳng gợn chút lo âu. Bỗng một ngày kia được rỉ tai, rằng cái hôm đó đó, bà nói cái câu đó đó làm cho cái chị đó đó giận cành hông, tuyên bố không thèm nhìn cái mặt mo của bà nữa. Thế là thề với lòng là từ nay quyết kéo phẹt mơ tuya cái miệng lại, "thủ khẩu như bình" không dám hó hé một tiếng nào nữa hết.
Cạm bẫy của ngôn từ thiên hình vạn trạng, ngụy trang dưới nhiều hình thức. Nó thường vượt qua tầm kiểm soát của ý chí, mục tiêu của nó cũng khó lường, lắm khi quay trở ngược mà đập cho chính chủ một đòn chí mạng.
Có hai bà thông gia nọ, một bà người Bắc và một bà người Nam. Một hôm bà sui người Nam ôm một bó cây thuốc đến cho con gái. Bà sui người Bắc hỏi:
-Cây gì vậy chị?
Bà sui người Nam, không có cây cù móc nào trong bụng, trả lời rất hồn nhiên:
-Dạ, chó đẻ chị!
Thế nhưng bà sui người Bắc cho là bà sui người Nam chửi xéo mình. Từ đó mối quan hệ của hai bên cứ xấu dần lên, họ ghét nhau thậm tệ đến độ hết nhìn mặt nhau luôn.
Lại có một bà nọ, đang trong tiệc cưới bỗng quay qua hỏi bà sui còn mới tinh đang ngồi sát một bên: “ Nhà chị có nuôi chồn hông chị sui ?”. Bà sui kia giận tái mặt đáp một cái cộp: “ Hông”, rồi suốt buổi ngồi im không thèm hé miệng để ăn hoặc nói! Tiệc tan bên nhà sui về hết, ông chồng liền cự bà vợ:
-Sao bà ăn nói vô ý, vô tứ quá vậy, bộ hổng biết cái câu “ chị sui có nuôi con chồn….hay sao”.
Bà vợ hết hồn:
-Trời phật thánh thần ơi, chết tui rồi! Tại nghe bả than bị mấy con chuột phá cái bồ lúa dữ quá, tui mới tính xúi bả nuôi chồn cho nó bắt chuột. Hèn gì cái mặt bả một đống.
Bút đàm thì an toàn hơn một chút, nó được bào tới, bào lui, thật trơn láng mới cho xuất xưởng thế nhưng chưa chắc không xảy ra tai nạn, đôi khi cũng bị dầm đâm đau điếng, phải rút ra, nặn máu, bôi dầu hèn lâu mới hết !
Cùng một câu nói trái tai, nhưng nếu chui ra từ miệng một người tính cục mịch thô sơ, thì đôi khi rất khôi hài làm cho ta cười chảy nước mắt. Bằng không thì cũng chỉ lắc đầu bảo nhau : “Ôi dào, cái tính của bà (ông) nội đó, hay ăn nói lục cục, lòn hòn chớ chẳng nghĩ ngợi sâu xa gì đâu, để bụng làm chi cho mệt !” . Thế nhưng hậu quả lại khác biệt hoàn toàn đối với người được cho là khéo ăn khéo nói. Mọi sự lỡ lời đều bị coi là cố ý, họ không được hưởng một chút xíu khoan hồng, nếu xãy ra sự cố.
Trong trong lớp học của tôi hồi xưa có một tên tử vì đạo. Khổ cho cái đứa nầy, nó tự cho rằng mình có nhiệm vụ phải mang đến niềm vui và tiếng cười cho nhân loại, bởi vậy hay pha trò luôn miệng. Đôi khi được bạn bè tán thưởng, hăng máu xã hết ga nên hay xãy ra tai nạn, bị thầy cô phạt hà rầm vì cái tội lanh chanh ăn bánh canh không chừa cặn…Nếu hôm nào vì một lý do gì đó, nó ngồi im ru thì không khí trong lớp bỗng hết sức nặng nề, u ám, thế là bị bạn bè xúm nhau trách móc… Bây giờ nghe đâu tính tình nó đã hoàn toàn thay đổi, nói năng từ tốn, tiếng nào là chắc lọi tiếng đó. Tôi đoán là phải xãy ra một biến cố kinh thiên động địa lắm mới làm nó xoay 180 độ như vậy.
Ngôn từ có một sức hấp dẩn, lôi cuốn ghê gớm lắm! Và chắc chắn ai cũng hơn một lần sụp bẫy. Người ta thường cho rằng phụ nữ là người thích nói chuyện phiếm, nhưng riêng tôi lại thấy cái lãnh vực nầy nam giới qua mặt chị em ta một cái vù. Bạn hãy thử một lần ghé mấy cái quán nhậu đi sẽ thấy. Thậm chí tôi còn cho rằng họ rủ nhau nhậu để có cớ gặp gỡ hầu nói cho đã miệng. Và trước hàng đống mấy cái bẫy giăng rộng như thế, hiếm có buổi tiệc nào không xãy ra mích lòng, gây gỗ.
Thưở nhỏ tôi cũng hay bị rầy hoài vì cái tội ăn cơm hớt, nên khi đi làm dâu má cứ dặn tới dặn lui:
-Về nhà người ta nhớ đóng bớt cái miệng lại, ngoái sạch cái lỗ tai ra mà nghe cho kỹ thì mới đỡ khổ cái thân nghe con.
Đến bây giờ tôi vẫn thấy lời má khuyên rất là chí lý, thế nhưng đã thành tật mất rồi, đành ráng hạn chế được tới đâu hay tới đó. Tổng kết lại cuộc đời của mình, tôi thấy hầu hết tai họa mắc phải đều từ miệng đi ra. Nhiều khi lời nói của mình thô sơ như gỗ, bỗng được một tay thợ khéo chuốt thành mũi tên nhọn hoắt. Thế là bị buộc tội cố sát hết sức là oan uổng.
Từ những kinh nghiệm xương máu của một người nhiều lần bị thương chí tử do bẫy của người và của chính mình. Xin thành tâm cảnh báo các bạn trẻ:” Hãy luôn luôn cảnh giác trước ngôn từ”. Bạn càng ít nói thì càng được an toàn, khỏi bị sụp bẫy và "chết" một cách thảm thương!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NHỮNG CÁI ĐẸP CHẾT NGƯỜI
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 11 2015, 17:48
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
NHỮNG CÁI ĐẸP CHẾT NGƯỜI
Nhi, con dâu tôi, đi chợ xách về một nải chuối lá xiêm trái đèo ngắt, mét chằng, nhìn chẳng muốn ăn. Nhi giải thích:
-Chuối nầy coi xấu mặt chớ tốt bụng lắm mẹ, nó không bị bỏ phân và xịt thuốc nên khỏi lo ngộ độc.
Hiện nay thực phẩm ô nhiễm đã trở thành căn bệnh ung thư của xã hội. Lâu lâu lại rộ lên nào là thịt gà bệnh, thịt heo có chất tăng trọng, cá nhiểm kháng sinh, hoặc ướp bằng phân u rê …Rồi thì rau, củ, quả có hàm lượng hóa chất độc hại và thuốc diệt cỏ, trừ sâu vượt mức. Giá sống tưới thuốc mập lù. Rau muống chỉ qua một đêm mà cao ba, bốn tấc, lá non xèo nước luộc trong veo vì bón thuốc quá mạng. Đậu cô que dài thòn nhờ thuốc kéo. Khổ qua “khổ lòng” vì được ngâm trong nước có pha thuốc nên nở phình thiếu điều tét áo…Riết rồi nhìn mâm cơm ngon lành mà như thấy thần chết đang ẩn núp trong đó, ăn một cách e dè sợ đánh động ông ta !
Nhưng tai họa lớn nhất là các mặt hàng dùng cho trẻ em như sữa, thực phẩm và đồ chơi. Phải thừa nhận rằng các cháu nhỏ ngày càng được chăm sóc, nuông chiều hết mức. Sản phẩm dành cho trẻ em có sức mua rất lớn. Các ông cha, bà mẹ cùng bà ngoại, bà nội… thà nhịn ăn nhịn xài nhưng không để cho con cháu thiếu thốn thứ gì. Các khách hàng tí hon rất đông cho nên mấy mặt hàng dùng cho chúng cạnh tranh nhau ráo riết. Nhà sản xuất bỏ chi phí rất lớn vào quảng cáo, để có lợi nhuận tối đa họ đành hy sinh sự an toàn của trẻ nhỏ, dùng chất tạo màu, tạo muì, tạo vị xấu. Lợi dụng kiến thức hạn chế và lương tâm hạn chế hơn của các vị “tôi đòi” của chúng ta, các mặt hàng được làm giả, làm gian tha hồ hoành hành, khiến vô số trẻ em bị bệnh, gây căm phẩn cho mọi người. Các biện pháp, kiểm soát, ngăn chặn chẳng hiệu quả mấy. Bộ mặt xã hội ngày càng nhếch nhác còn dân chúng thì ngày càng mất niềm tin.
Trước kia một sản phẩm muốn được lòng khách hàng phải hội đủ ba yếu tố : Rẻ, đẹp, bền. Từ ngày có những cuộc thi hoa hậu liên miên xãy ra, thì cái tiêu chuẩn “đẹp” trèo lên vị trí độc tôn, bỏ hai thứ kia xa lơ, xa lắc. Người cung cấp bất chấp hậu quả, dùng hóa chất độc hại một cách vô tội vạ để tạo màu, tạo dáng, tạo da… sao cho sản phẩm của họ thật bắt mắt để dụ dỗ người tiêu thụ. Các xảo thuật quảng cáo cũng góp phần không nhỏ. Bà con lúc đầu tối tăm mặt mũi xài ào ào, tới chừng được báo động thì người nào cũng đã dính hai, ba thứ bịnh. Khổ nổi biết là độc mà không thể không dùng, đành nhắm mắt đưa chân…vô bệnh viện.
Ngày nay nhờ mạng lưới truyền thông bủa khắp, mọi người đã ý thức được cái tai hại của các thực phẩm không lành mạnh. Họ bắt đầu cảnh giác với những củ cà rốt, trái cà chua “ lộng lẫy”, những “chùm nho ân hận “, những con cá “ sát thủ”, những miếng thịt đã “ta ngàn năm đợi”…Nghe đâu các chàng trai có suy nghĩ chính chắn, cũng từ chối cưới vợ đẹp vì chi phí bảo quản quá cao.
Nhìn nải chuối treo lủng lẳng tôi bỗng thấy mừng. Hy vọng được quay về thời kỳ “cái nết đánh chết cái đẹp “, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn “… Người mua bắt đầu tẩy chay các hàng hóa bẩn. Xã hội phát huy cái vai trò kiểm soát của mình, buộc người bán phải cung cấp những sản phẩm đúng chất lượng. Công việc tuy khó khăn nhưng với lòng kiên định chúng ta chắn chắn sẽ đạt được kết quả. Hãy chịu khó bắt từng con kiến ra khỏi hủ đường. Hãy kiên nhẫn gột từng chút một những vết bẩn bám dai trên áo.Hãy cùng nhau lấy lại cho bằng được, cái mùi vị trinh nguyên và màu sắc trong lành cho cuộc sống !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TRÒ NHỎ, TÌNH...
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 11 2015, 17:15
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
TRÒ NHỎ, TÌNH…
Từ ngày con Mơ bị bọn săn bắt chó bắt mất, việc làm ăn của ông Tư gặp nhiều trở ngại. Thiếu người “bạn đường” ông không dám đi xa, chiều chiều quơ gậy, ôm đàn, lòng vòng mấy cái quán gần hẽm nhà mà thôi. Khách ăn ở đó đã quá quen với ông nên hầu như chẳng còn cảm động nữa, có nhiều đêm ông phải đi ngủ với cái bụng lép xẹp.
Cũng may mà còn có thằng Nhỏ, người bạn vong niên và cũng là đệ tử ruột của ông.
Nhỏ theo ông Tư từ lâu lắm, ngay khi vừa về đây ở. Trước đó nó là một đứa có máu ba gai, hay chọc giận bà má và chị của mình. Từ lúc dời về xóm cây sung, ở cặp vách nhà ông Tư, nó bỗng đổi tánh, không còn đánh lộn rồi bị mắng vốn hà rầm như xưa, đi học đều đặn làm má nó mừng hết biết!
Thật ra ông Tư rất ít khi dạy bảo hay khuyên nhủ nó. Ông vốn ít nói lại cho rằng mình không có đủ tư cách, thế nhưng cây đàn của ông đã làm thay điều đó. Cái tiếng đàn ấy như những giọt nước mát ngọt, giúp mảnh đất khô trong lòng nó trổ đầy hoa cỏ dại mượt mà. Đi học thì thôi chớ ở nhà là nó đeo ông miết. Ông Tư bị mù nên hễ giúp được cái gì là nó làm liền. Bất luận đang ở đâu và bận chuyện gì, thấy trời mưa là nó chạy u về nhà ông, gom hết mấy cái thau, nồi, tô, chén…đặt dưới những chỗ dột trong nhà, rồi không về mà ở rốn lại. Hai thầy trò ngồi chùm nhum trên tấm giạt tre, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Đôi khi ông lôi cây đàn ra và ca chung với nó.
Nó mê nghe đờn, lại khoái ca vọng cổ- nên năn nỉ ông dạy cho bằng được. Ông Tư đành phá lệ, đem hết mấy món ruột ra truyền.
Thế là tối nào nó cũng học bài thật sớm, chờ khi ông về xin má cho qua học đờn. Ông Tư dù mệt nhưng chưa bao giờ từ chối những lời yêu cầu của nó. Khi dạy đàn, ông để hết tâm ý vào. Tiếng đàn khi ấy hết sức du dương, lay động từng sợi dây thần kinh cảm giác, nó nghe một cách say sưa. Đôi khi hai thầy trò đều xuất thần, không ai thấu tai tiếng gọi giựt ngược của má nó, tận cho đến khi bà vô nhà xách lỗ tai nó lôi về.
Ông Tư thương nó cũng ngang con Mơ. Nó thì thương ông ít hơn má nó một chút, một chút xíu thôi hoặc có khi bằng chan bởi khó mà cân đo cho chính xác. Nó cũng thương con chó nhưng ghét cái tên thậm tệ, cứ cằn nhằn ông:
-Nó là con chó đực mà ông đặt làm chi cái tên “lại cái” dữ vậy?
Ông Tư cười cười, chưa lần nào cắt nghĩa cho nó biết là từ ngày bị mù, những giấc mơ đối với ông trở nên vô cùng quí giá.
Một buổi tối nọ ông về rất sớm, bởi không khỏe trong mình và bị mấy người khách nạt nộ làm ông buồn tủi. Ghé cái tiệm hàng xén đầu hẽm, ông mua một gói mì ăn liền, cầm trên tay rồi đi lần về nhà. Một bàn tay nắm lấy cây gậy của ông, giọng nói hết sức quen thuộc cất lên:
-Hôm nay bộ vô mánh hay sao mà về sớm quá vậy ông Tư?
Ông chẳng muốn giải thích chỉ gật đầu kèm theo tiếng “ừ” nhỏ xíu. Nhỏ hỏi tiếp:
-Được bao nhiêu hả ông?
Ông Tư đưa gói mì ngang mặt:
-Nè!
Nó dắt ông Tư về nhà, mở cửa giùm rồi chạy u đi. Hôm đó, quán ăn chỗ má nó làm bán ế nhệ. Bà gom hết mấy dề cơm cháy, cả thau cơm nạt và những món ăn thừa đem về. Nó bới một tô cơm đầy nhóc, cho vào hai khứa cá lóc kho, một gấp su xào, chan thêm mấy muỗng nước cá rồi chạy qua nhà ông Tư.
Ông tư vừa chế nước sôi vô gói mì xong, mùi bột nêm bốc lên thơm phức làm nó nuốt nước miếng, vốn thính tai nên ông hỏi:
-Ăn hông nhỏ?
Nó ngập ngừng hỏi lại:
-Con đổi cho ông cái tô cơm được hông?
Ông Tư gật đầu, nó bèn đưa cái tô đặt cả cái muỗng vào tay cho ông nữa. Ông Tư bưng cái tô lên sát mũi hít rồi nói :
-Chà, mùi cá kho khô thơm quá!
Ông xúc cơm ăn một cách ngon lành trong lúc nó rút một đôi đủa trong ống ra, không thèm để ý hai chiếc đủa đó so le, gấp một đũa mì đầy nhóc cho vào mồm hút mạnh. Mấy cọng mì tự động chạy vào miệng, không khí cũng ùa theo, chúng va mạnh vào nhau phát ra tiếng rồn rột rất gợi thèm. Xem ra hai thầy trò đều hết sức hài lòng với cuộc giao dịch nầy.
Mấy hôm sau nó cứ mang cơm qua nhà ông Tư ăn đều đều. Thấy nó bới một tô bự tổ chảng, chị hai nó rầy:
-Mầy bới nhiều ăn không hết bỏ mứa là ăn giòi ngập mặt đó!
Nhưng thấy nó đem cái tô sạch bách, không một hột nào còn sót về thì không để ý nữa. Ban đầu ông Tư không biết dụng ý của nó tới chừng ăn hoài thấy cơm chưa hết, đôi khi còn có mấy món lạ thì ông rầy:
-Con làm như vầy, má với chị con mà biết là ông mang tiếng là dụ ăn con nít đó!
Nó bỗng hỏi:
-Sao lúc nầy con thấy ông nấu cơm ít quá vậy?
Ông Tư thở dài:
-Từ ngày không có con Mơ ông chỉ đi lòng vòng mấy cái quán gần thôi. Quen mặt quá nên họ hết cho.
Nhỏ nghe ông nói vậy thì buồn lắm! Ráng tìm một con chó để lấp cái chỗ trống mà con Mơ bỏ lại. Có chủ ý ấy nên hôm nay theo gạ thằng Bốn ( nhà thằng nầy nuôi rất nhiều chó, ba nó là dân nhậu nên nuôi để ăn thịt) chơi bắn bi với nó. Thằng Bốn cũng mê chơi cái món nầy lắm, nhưng tay nghề còn thua xa. Lần nào chơi cũng được nó chấp “hai hồn” mà rồi cứ vét túi ra chung hết. Hôm nay thằng Bốn cũng “cúng” cho nó đến viên bi cuối cùng. Nhỏ liếc cái mặt tiu nghĩu cùng tia mắt thèm thuồng của thằng Bốn đang đè lên cái túi đầy nhóc của mình một cái, rồi nói:
-Mầy chịu đổi cho tao con chó nầy lấy mười viên bi hông?
Thằng Bốn nhìn con chó lông màu đen đang chúi mũi ngửi đất, suy nghĩ một chút rồi nói:
-Mầy đưa hết bi trong túi tao mới chịu.
Hai đứa cò kè, rốt cuộc thằng Bốn chịu cho nó giữ lại một viên bi chủ. Nhỏ ôm con chó trong tay, con chó nằm im ru chẳng hề cự nự, để chắc ăn, nó hỏi:
-Rủi ba mầy biết, ổng đòi lại thì sao?
Thằng Bốn lắc đầu:
-Ba tao hổng biết đâu, ổng đi nằm nhà thương rồi!
Nó hỏi:
-Ba mầy bị bịnh gì vậy?
-Tao nghe má tao nói ổng uống rượu nhiều quá nên bị hư gan. Má tao còn biểu đem mấy con chó đi cho hết để ổng khỏi nhậu nữa.
Nhỏ nghe vậy thì mừng húm, ôm con chó chạy vù về liền. Ông Tư đang nằm thiu thiu bỗng nghe tiếng nó gọi vang từ ngoài đường:
-Ông Tư ơi con kiếm được con Mơ rồi nè!
Ông Tư quýnh lên, không kịp xỏ chân vô dép, cũng không kịp cầm gậy, lật đật đi ra. Ông đưa thẳng cả hai tay ra ôm chầm con chó. Tiếng rên xa lạ rồi những thớ thịt không run run mừng rỡ, mà căng cứng lại vì sợ làm ông hụt hẩng. Giọng ông Tư hết sức buồn :
-Con nầy hổng phải con Mơ. Con bắt nó ở đâu thì đem lại đó trả đi, cẩn thận, đừng để chủ nó thấy là họ đánh con đó!
Nó cười:
-Con đổi hết mấy viên bi của con cho thằng Bốn để lấy nó chớ đâu có ăn cắp. Ông đừng lo.
Ông Tư hỏi:
-Ba má nó có biết hông?
Nó lập lại câu trả lời của thằng Bốn. Ông Tư có vẻ yên tâm, nó hỏi:
-Mình đặt nó tên gì đây ông?
Ông Tư trả lời, giọng đầy trìu mến:
-Tên Mơ.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: TRÒ NHỎ, TÌNH...
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 11 2015, 12:00
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Truyện còn nữa, đúng hông tỷ? :clap:
Ốm ngồi bẹp dưới đất chờ nè!
:mozilla_sealed: :rse:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 11 2015, 16:31
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
ỐM làm thinh lâu quá làm tỷ lo lo. Vậy là bận túi bụi nên không ghé nhà ai hết phải hông ? Kỳ nầy đi thăm con phải chụp hình nhiều nhiều cho bà con coi ké nha !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: BÁNH BÒ
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 11 2015, 18:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Bánh bò
Ngày xưa có một người phụ nữ, ngâm bột rồi bỏ quên, khi chợt nhớ thì bột đã dậy và tràn ra ngoài. Không nỡ đổ bỏ bèn cho đường vào và đem hấp lên. Thế là trở thành một loại bánh có mùi vị vô cùng độc đáo. Do cái hiện tượng mà bà con gọi là bột “bò” ra ngoài mà nó mang tên “bánh Bò” từ đó!
Bánh bò có hai loại:
- Bánh Bò Bông: Có màu trắng như bông gòn, bông súng trắng. Vị mềm xốp, được đổ trong những chung uống trà. Nó thường có mặt cùng con heo quay trong những buổi lễ hỏi, hoặc các đám cúng long trọng.
-Bánh bò Trong : Còn gọi là bánh bò dai, bánh bò rễ tre, có màu trong veo như nước mắt, ăn dai, bụng chứa nhiều rãnh rổng nhỏ li ti, thường ăn kèm với bánh tiêu. Người ta đổ trong những khuôn to bằng cái dĩa bàn, khi bán cắt từng miếng hình tam giác. Người miền tây thắng nước cốt dừa cho bồng con rồi rưới lên ăn chung, rất ngon!
Nhờ cái tính chất trương nở của nó, nên chỉ cần một vá bột nhỏ ta có thể tạo ra một chiếc bánh to đùng. Có một câu ca dao:
“Bánh bò một vốn ba bốn đồng lời
Khuyên anh ở nhà cứ việc ăn chơi
Để em bán bánh kiếm lời nuôi anh.”

Bà Ba rất hãnh diện về tài làm bánh của mình nhất là loại bánh bò trong ăn với nước cốt dừa.
Điều nầy cũng đúng thôi! Chính những ổ bánh làm từ bột gạo lên men, chứa vô số những con đường hầm nhỏ xíu nằm trong bụng (bà con gọi cái hệ thống chằng chịt ấy là rễ tre, nên nó còn có tên là bánh bò “rễ tre”), có màu vàng và thơm mùi đường thốt nốt ấy đã giúp mấy má con bà tồn tại, sau khi mất hết tiền vì bị kẻ gian lừa đảo.
Bà đã bắt đầu lại từ con số không, có lẽ còn dưới con số không vì những cái bánh đầu tiên được làm bằng những đồng tiền vay mượn. Bốn đứa con gái lúc đó hãy còn đi học. Có người khuyên bà nên cho chúng nghỉ, đi làm kiếm tiền, nhưng bà quyết không nghe. Mục tiêu của bà là thấy con ăn học nên người chớ không phải muốn riêng mình sung sướng.
Những ngày đầu mức tiêu thụ không ổn định. Có khi hôm trước không đủ bán, hôm sau làm nhiều hơn một chút thì chẳng thấy ai mua, mấy má con bà cứ vài hôm là phải ăn nó trừ cơm một bữa. Cái lần bà nản lòng, tự hứa hôm ấy sẽ là ngày kết thúc mối duyên của bà với món bánh bò, bỗng có một cô bé ghé lại mua và ăn liền tại chỗ. Cái cách cô bé ấy ăn trông rất thích: Cắn một miếng bỗng trợn mắt khen “ngon ác!”, nhai lách chách luôn miệng rồi liếm sạch từng vết trắng đục bám trên tấm lá chuối, liếm luôn mấy ngón tay còn dính nước cốt dừa nữa. Cái hình ảnh đó làm bà Ba xúc động đến nở ruột, nở gan, hả lòng, hả dạ... đến độ cho cô ta một thêm một miếng chẳng tính tiền. Nó giúp bà tin rằng mấy má con có thể sống dựa vào cái món bánh quê mùa nầy.
Dần dà bà có một nhóm khách ruột, họ ăn thấy ngon nên mua biếu người thân, vô tình làm đại sứ thương mại cho bà. Thị trường từ từ mở rộng. Miếng bánh bò rễ tre của bà, không còn chỉ nằm khép nép bên những món tráng miệng khác trong bữa cơm gia đình, mà đã đường đường sánh vai với các bè bạn năm châu trên các bàn tiệc sang trọng nữa.
Khi tóc đã bạc và những đứa con đã thành tài, họ năn nỉ bà nghỉ, thế nhưng niềm say mê của bà vẫn chưa tàn lụi. Bà ghiền làm bánh mất rồi, nên dù mục tiêu đã đạt bà vẫn không dừng lại. Một vận động viên hãnh diện về cái huy chương vàng OLYMPIC của anh ta chưa chắc bằng bà Ba tự hào về những cái bánh của mình. Ban đầu mấy người con rất cương quyết, nhưng khi thấy bà thật sự đau khổ khi không được làm cái công việc yêu thích, thì thôi không cản nữa.
Bánh bò của bà vẫn ngon như thuở nào thế nhưng sức mua cứ dần giảm sút. Trong mắt bà bộc lộ nét buồn khi nhìn những miếng bánh ế ngày càng tăng. Và cho dù những người con đã giải thích với bà đó là vì trào lưu ẩm thực bây giờ đã bị “toàn cầu hóa”, hay nói cách khác là “tây hóa”, nhưng chẳng an ủi bà mấy tí. Mỗi lần mấy đứa cháu nhỏ không thèm cầm miếng bánh bà cho mà chỉ đòi ăn bánh “nách”, bà lại cảm thấy tổn thương một cách sâu sắc ! Bà hay cằn nhằn mấy đứa con:
-Má nghe nói cái bánh đó không tốt cho con nít. Họ làm sẵn cả đống, để ắp lẫm từ năm nầy qua tháng khác cho nên phải xài nhiều “quá” chất. Ăn cái thứ đó lâu ngày ruột gan mấy đứa nhỏ làm sao chịu thấu. Tụi con đứa nào cũng có học vậy mà bị mấy thằng quảng cáo dụ dỗ, thiệt là má hổng hiểu nổi !
Bà đem bỏ mấy gói bánh có bao bì rất bắt mắt ấy đi, quyết tập cho mấy đứa cháu ăn cái món bánh bò lành mạnh. Kết quả là đành phải bó tay, bởi một mình bà đâu thể thắng cả mấy tập đoàn quảng cáo, họ toàn qui tụ những nhà trí thức không chớ bộ !
Những cái bánh của bà vẫn bị những đứa cháu cưng của mình từ chối, mấy bịch bánh nách lại xuất hiện trong nhà, hổng chừng còn nhiều hơn lúc trước.
Con gái út của bà Ba làm cô giáo. Cô rất thương và hiểu nỗi lòng của má mình. Cô mở lớp dạy thêm tại nhà. Từ ngày có cái lớp học ấy, tủ bánh của bà Ba không còn bị ế nữa, bà vui ra mặt, trong trẻ khỏe hơn trước. Cô út mừng lắm ! Cô không hề tiếc số tiền lén bỏ ra hàng ngày cho học trò mua bánh chút nào!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: HAI NGƯỜI BẠN
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 11 2015, 17:21
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
HAI NGƯỜI BẠN
Vì cùng học một lớp lại ở cùng xóm nên Trứ và Tung thân nhau lắm! Hoàn cảnh gia đình tụi nó khác xa nhau. Trứ ở căn nhà lầu hai tầng đầu xóm.Tung sống trong căn nhà mút hẽm. Cái căn nhà mái lá, vách được làm từ mấy cái thùng gỗ ghép lại ấy, chỉ gác hờ đầu lên mép đường còn cái mình thì nằm trọn trong lòng kinh. Những ngày triều cường, bà thủy đem binh tôm tướng cá chiếm lỉnh hoàn toàn cái hẽm nhỏ, sàn nhà bị ngập lên tới đầu gối. Lúc nầy ba thằng Tung có thêm một nghề mới: đưa đò! Chiếc xuồng hàng ngày được ba nó bơi đi vớt rác, thả câu, moi trùng… tạm biến thành chiếc đò chở mấy người trong xóm ra cái chợ nhỏ đầu hẽm.
Đó là những ngày tuyệt vời đối với hai đứa nó. Thằng Trứ bất chấp những lời hăm he của ba má, suốt ngày bám theo thằngTung bởi nó quá khoái ngồi xuồng và lội nước. Mấy đứa trong xóm cũng thế, tụi nó theo năn nỉ thằng Tung cho đi ké một cuốc, có đứa nó cho đi miễn phí, có đứa nó bắt phải nộp một món gì đó, có đứa nó từ chối thẳng thừng. Thằng Tung ngồi giữa thuyền như vua trên ngai. Trứ ngồi bên cạnh, mặt căng ra với nỗi tự hào vì có một thằng bạn làm chủ một chiếc xuồng duy nhất trong xóm.
Lúc nhỏ hai đứa cùng chơi chung mọi trò. Thằng Trứ ăn mặc sạch sẽ nên những trò chơi có xô xát, làm dơ hay rách quần áo thường không dám tham dự. Thằng Tung thì thí mạng cùi, nó chẳng ngán trò nào và thằng nhóc nào hết, mấy đứa trong xóm nể nó lắm! Và không hiểu sao càng sợ thằng Tung thì tụi nó càng ghét thằng Trứ, hể khi nào gặp thằng nầy đi mình ên là xúm nhau trêu chọc, có khi đập cho một trận. Như thể thằng nầy phải hoàn trả, tất cả những thứ mà tụi nó cúng cho thằngTung vậy! Cho nên thằngTrứ ít khi đi đâu thiếu thằngTung, nó bám dính thằng kia như hình với bóng.
Thằng Tung trừng phạt thẳng tay mấy cái đứa, giựt cặp, xé tập, chọi dép vào lưng thằng Trứ. Khi cái nón của thằng Trứ bị một tên chộp lén, liệng tuốt lên đọt cây, thì thằngTung liền bảo nó là “mầy đừng có lo” rồi leo lên lấy đem xuống. Không ít lần chúng bị mấy đứa du côn ở xóm khác chặn đường, thằng Tung luôn đẩy thằng Trứ ra sau lưng mình để nó được an toàn hoặc ít bị trầy trụa hơn, nó đảm nhận nhiệm vụ che chở, phục vụ cho thằng Trứ một cách tự nguyện và vô cùng sốt sắng.
Khi chúng đã lớn cái tình bạn trong veo ấy bị con mắt và miệng lưỡi người đời làm vẫn đục. Tung bị mang tiếng “bợ đít” nhà giàu, thậm chí má Trứ cũng dặn dò nó là phải để ý và đừng để cho thằng Tung lợi dụng, nhất là không cho mượn một đồng nào. Trứ đâm ra e dè, nó cứ nơm nớp lo bị thằng Tung dụ khị nên thủ thế lắm! Mang tiếng nhà giàu nhưng chẳng bao giờ bỏ tiền ra “bao” Tung cả.
Thằng Tung thì khác hẳn, nó chẳng nghĩ ngợi so đo gì hết! Lâu lâu bưng vác giùm ai được cho mấy đồng là nó liền rủ thằng Trứ đi coi hát hay ăn mấy cuốn bò bía. Trứ đi với tâm trạng hài lòng rằng mình đang ban ơn cho bạn.
Khi Trứ dời đi xóm khác Tung buồn lắm! Hôm chia tay nó cứ dặn dò:
-Mầy nhớ về thăm rồi dắt tao ra chơi cho biết nhà mới của mầy nghe?
Trứ gật đầu nhưng chẳng bao giờ làm.
Nhiều năm sau, Tung, giờ đã có thằng con trai học đến lớp năm, đột nhiên đụng mặt Trứ. Nó là người nhận ra đầu tiên và gọi giật ngược :
-Trứ, Trứ, phải mầy đó hông ?
Một người đàn ông vừa bước xuống xe hơi sát bên Tung ngoái đầu, đảo mắt tìm. Tung chộp tay Trứ lắc lia lịa :
-Tao nè, Tung nè mầy nhớ chưa ?
Nó lật đật tháo cái nón bảo hiểm trên đầu ra để Trứ nhận ra. Trứ đáp, giọng miễn cưởng:
-Uả! mầy đó sao? đi đâu vậy?
Tung đáp:
-Tao đi nộp đơn cho thằng con vô đây học, nghe nói trường nầy dạy giỏi lắm!
Trứ xua tay:
-Ai nói mầy vậy? Cái trường nầy dạy dở ẹt mà hay bắt học sinh đóng tiền đủ thứ, kỷ luật lỏng lẻo lắm! Tụi con trai đánh lộn liên miên, nghe nói còn đánh nhau bằng dao nữa đó!
-Trời đất! May mà gặp mầy, chớ hông thôi tống thằng con vô đây là mệt rồi. À mà mầy vô đây làm chi? Coi bộ giàu quá ta đi xe bốn bánh ngon lành ác!
-Ngon gì mầy ơi! Xe cũ xì rồi, mầy bây giờ làm gì? Còn ở xóm cũ hông?
Tung cười đắc ý:
-Còn chớ sao không! Có điều tao được tiền đền bù khi giải tỏa nhà ven kinh, nên mua nhà của ông Tư đờn cò rồi cất lại! Đúc được một tấm đó mầy. Vợ chồng tao lập tổ may gia công, vợ tao gỏi lắm ! Bả coi thợ còn tao chạy vòng ngoài. Còn mầy sao rồi ?
Trứ trả lời khỏa lấp:
-Tao cũng làm lum thứ ! Vợ tao không giỏi như vợ mầy đâu, trong ngoài chỉ mình tao lo thôi, cực gần chết.
Điện thoại trong túi Trứ reo, y lật đật móc ra nghe, rồi nói lia lịa:
-Được rồi, tới liền, tới liền…
Quay sang Tung, Trứ nói:
-Tao phải đi liền, chào mầy há!
Tung nói vói theo:
-Bữa nào mầy ghé tao chơi nhe ! Tụi mình nhậu một bữa.
Trứ gật đầu mà không quay lại, vừa đi vừa nghĩ thầm :
-Mình có nên xin cho thằng con học trường nầy không đây?
Tung vui quá! Về tới nhà là khoe liền với vợ:
-Tui mới gặp thằng Trứ, cái thằng mà tui hay kễ cho ông nghe đó! (Tung gọi vợ bằng ông). Coi bộ bây giờ nó giàu lắm, đi xe hơi láng cón. Ông coi dọn mấy đống đồ cho gọn gọn, hổng chừng ít bữa nữa nó ghé chơi .
Trứ về nhà mặt rầu rầu, vợ hỏi:
-Có chuyện gì mà quạu đeo vậy ?
Trứ chắt lưỡi:
-Gặp thằng bạn xóm cũ, nó mời ghé nhà mà chắc không đi, đây rồi mai mốt khó tránh đụng mặt .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu