Vào khoảng đầu những năm 1970, ba tôi được tặng quyển sách “Tân Châu”, loại ấn bản đặc biệt in trên giấy trắng dày với lời đề tặng ở trang đầu: “Thân tặng LM” của thầy Nguyễn văn Kiềm. Sách loại sưu khảo, nghiên cứu rất công phu, thật hay và thật phong phú về đất nước, con người, phong tục tập quán và sinh hoạt của vùng quê hương Tân Châu xứ lụa. Lúc ấy tôi còn nhỏ, mới học khoảmg lớp 7, 8 đã đọc và rất mê quyển sách này, nó giúp tôi hiểu thêm rất nhiều điều về nơi sinh ra và nuôi dưỡng tôi trong suốt 18 năm đầu đời. Nội dung quyển sách rất phong phú, được chia ra nhiều tiểu mục. Về địa danh, tôi biết thêm về nguồn gốc của kênh Vĩnh An, Giồng Trà Dên, Núi Nổi, Chùa Giồng Thành, … Danh nhân có nhà văn tiền bối Nguyễn Chánh Sắt, Đông y sĩ Võ An Hà, soạn giả Thái Thụy Phong, … Phong tục tập quán tôi biết thêm về “Gác cu”, thú chơi tao nhã của miệt vườn Nam bộ, không thua gì những thú chơi tao nhã khác mà Nguyễn Tuân đã ghi lại trong “Vang bóng một thời”. Đặc biệt nhờ quyển sách này mà tôi biết và hiểu được từ “Tân Châu Quốc”, một cuộc khởi nghĩa bi hùng chống thực dân Pháp của Đạo Tưởng, tuy thất bại nhưng cũng nói lên ý chí bất khuất, lòng tự hào của người dân xứ lụa. Cuộc khởi nghĩa này đã được nhắc lại ở một đoạn trong phim “Đất rừng phương Nam” thực hiện sau này. Và còn rất nhiều, rất nhiều điều về Tân Châu, những tư liệu quý giá làm đầy quyển sách hơn 300 trang được dày công sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn đầy tâm huyết của một con chân chính của quê hương viết về đất mẹ. Nhớ năm học lớp 10, nhân ngày Hiến chương các nhà giáo, trường tổ chức nhiều cuộc thi trong đó có báo tường (bích báo). Chó ngáp phải ruồi, tờ báo của lớp đoạt giải nhất, chủ nhiệm lúc đó là thầy Lê văn Đỡ rất vui vì là lớp chuyên toán, lại là em út mà qua mặt các anh chị lớp 12 chuyên văn. Thừa thắng xông lên, thầy giao chỉ tiêu mỗi tháng phải ra một tờ báo mới. Ban đầu thì sung nhưng chỉ được 1, 2 tháng mới thấm thía, dân toán trong đầu chỉ có con số, chữ nghĩa, văn chương chỉ lỡn vỡn một chút rồi bay đi mất tiêu, cộng tác viên rơi rụng, cuối cùng chỉ còn lại tôi và Lê Bá Nhàn gồng gánh. Cứu tinh lúc đó là quyển Tân Châu, tờ báo tường có thêm mục sưu tầm (gần 50% nội dung của báo) là những tư liệu trích ra từ quyển sách này. Vậy mà ổn, thầy Đỡ còn khen nhờ vậy giúp các bạn hiểu thêm về quê hương mình. Xa quê hương 5 năm để lên TP học, năm 1983, tôi chọn Sở Xây dựng An Giang là nơi thực tập trước khi làm Đồ án tốt nghiệp. Tiếng là về tỉnh nhà chứ thật sự có biết Long Xuyên là gì đâu. Cũng may có Thón, bạn học chung hồi phổ thông đang công tác ở UB Kế hoạch, tìm đến bạn tá túc. Hành trang mang theo là vài bộ quần áo và quyển Tân Châu khi về thăm nhà lấy theo để đọc lại. Một ngày, để quên quyển sách trên bàn Thón, trưa về thấy mất, tìm hoài không gặp, tiếc và đau quá vì đó là kỹ vật của ba. Vài hôm sau, thủ trưởng của Thón vào hỏi: cuốn sách này của thằng nào? Im thin thít vì sợ, sao tôi lại dại dột mang sách của chế độ cũ vào cơ quan? Ông nhìn tôi vì chỉ có tôi là người lạ: của mày phải không? Tôi chỉ biết lí nhí: dạ! Ông hỏi tiếp: thằng M. là gì của mày? Dạ, là ba. Nghe vậy ông đổi giọng: cho chú cuốn này đi, sách viết hay lắm, chú cũng là dân Tân Châu, ở xóm Chùa Ông. Hồi xưa ông Nội mày có quán café ở đầu chợ, gần Chùa Ông, hồi đó ba mày với chú rất thân nhau. Chừng nào thằng M. xuống Long Xuyên mày chở nó lại nhà chú chơi. Mãi vài năm sau mới có dịp chở ba tới gặp chú, hai ông già sau hơn 40 năm mới gặp lại, mày tao rôm rã, ôn lại những kỹ niệm “hồi thời tắm ở truồng”. Không ngờ quyển Tân Châu còn có giá trị tinh thần, nối kết những người con xã xứ. Thế là tôi mất quyển Tân Châu kể từ dạo ấy, thời gian trôi nhanh cuốn theo trí nhớ, những trang tư liệu ngày xưa cũng phai nhạt rất nhiều. Sau này có nghe nhiều chuyện lùm xùm quanh việc tranh cải tác giả thật sự của quyển “Tân Châu xưa”. Chuyện buồn cười, chỉ có một “Tân Châu” của thầy Nguyễn văn Kiềm, còn “Tân Châu xưa” hay “Tân Châu nay” của ông Mít, ông Soài thì kệ ổng, nội dung quyển sách có ăn cắp trọn bộ nguyên tác hay xào nấu, thêm mắm dặm muối cho khác đi chút ít để xem đó là tác phẩm của mình thì sự thật vẫn là sự thật. Giá như có ai đó còn giữ được quyển Tân Châu của ngày xưa, với tấm lòng tha thiết yêu quê hương, không vì lợi, vì danh, có điều kiện, hãy xin phép gia đình thầy Nguyễn văn Kiềm được tái bản quyển sách trên đúng theo nguyên tác và chỉ duy nhất một tác giả, như một nén hương tưởng nhớ đến bậc tiền bối đã có công sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép lại những tinh hoa một thời của vùng đất nơi địa đầu biên giới.
VH78
* Cảm hứng viết sau khi đọc bài Re: “Giới thiệu sách Vàm Kinh Cũ - Nguyễn thị Lộc Tưởng” của thầy NT2
|