CÓ NHỮNG MÙA XUÂNTL
Năm nào cũng vậy, cứ tới Tết là anh bán cà phê sát vách nhà tôi lại mở chiếc máy hát second-hand phát mấy bài hát về mùa xuân của cái "thời xa vắng" như
Ly rượu mừng, Xuân này con không về, Thư xuân trên rừng cao... Chứng tỏ nhạc Xuân "ngày ấy" vẫn sống dai, sống khỏe khỏe sau hơn 40 năm. Bài đầu tiên mở màn luôn là
"Ly rượu mừng" của nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương, bài hát tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở mười ba, nó làm tôi nhớ lại những mùa xuân cũ, những mùa xuân sum họp, vui tươi đầm ấm, bên cha mẹ, anh chị, bên các bác, cô, chú, cậu dì, mà nay có người đã không còn, người đã ly hương.
Khởi đầu bài hát
"Ly rượu mừng" là giai điệu rộn ràng, vui tươi đúng kiểu năm mới, Tết đến với lời mời nâng chén chúc mừng những người đã làm ra của cải cho đời. "Giai cấp" nông dân được đưa lên hàng đầu, cũng đúng thôi, Việt Nam là nước nông nghiệp mà, rồi tới giới thương gia, "giai cấp" công nhân đứng thứ ba:
"
Mùa xuân nâng chén ta chúc nơi nơi.
Mừng anh nông dân vui lúa thơm hơi.
Người thương gia lợi tức.
Người công nhân ấm no.
Thoát ly đời gian lao nghèo khó.
Á a a a...
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui...".
Tác giả nhắc ta, Xuân về ta không được phép quên những người lính, những người đang canh gát nơi địa đầu, chiến tuyến, để giữ bình yên cho mẹ, cho em, cho những người dân hiền lành đang đón Tết. Từ giai điệu rộn ràng, vui tươi, bài hát chuyển sang giai điệu hào hùng, bi tráng chúc người binh sĩ:
"Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình..."
Trong thời kỳ đất nước triền miên khói lửa chiến tranh, mẹ luôn hy vọng những đứa con nơi chiến trường xa được về với gia đình, sum họp trong những ngày Xuân. Nếu con không về, những giọt lệ đã nói lên tất cả tình yêu và nỗi nhớ mong của mẹ. Tiếp nối ca từ là hình ảnh đẹp người mẹ Việt Nam với giai điệu tình cảm, sâu lắng:
"Từ nơi xa xa, có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương..." Những đứa con biết mẹ nơi xa mong ngóng, nhưng vì con đang mang trong mình "Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm", thôi thì hãy cùng hát "bài ca người lính" và cầu chúc mẹ yên vui. Cuộc đời người lính tuy gian khổ nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, yêu người, và các anh đã an ủi mẹ:
"Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
Chúc mẹ hiền dứt u tình..."
Mùa Xuân, mùa của sự yêu thương, hòa hợp, tác giả bài hát không quên chúc mừng những người đang yêu nhau và giới văn nghệ sĩ, người sáng tạo ra cái đẹp cho đời:
"Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới..." Mong ước quê hương được sống trong hòa bình, yên vui, không còn chiến tranh, đau khổ, các anh được trở về với mẹ, với gia đình, ấm áp những ngày Xuân, đó chính là niềm khát khao của mẹ và của mọi người. Chuyển sang giai điệu hồ hởi, lạc quan, tác giả mong mọi người hãy cầu chúc cho quê hương, đất nước:
"Bạn hỡi, vang lên, lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi..." Đoạn kết bài hát là lời chúc về một ngày mai tươi sáng, tự do, đất nước sống trong hạnh phúc, thanh bình. Đó chính là mơ ước ngàn đời của người Việt qua những thăng trầm lịch sử:
"Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới" Có thể nói những tình cảm của tác giả gửi gắm vào bài hát mừng Xuân thật đẹp và rất nhân văn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy bài hát mừng Xuân nào hay hơn. Tôi nghĩ những người dân miền Nam vào mỗi dịp Xuân về vẫn thích nghe bài hát này (nếu có dịp), nó nhắc ta về một thời đã qua, một thời để thương, để nhớ và bài hát chắc sẽ còn sống mãi với thời gian.
Bài
"Xuân này con không về" cũng là một hát hay và ý nghĩa, qua giọng hát "dư hơi", buồn man mác của cố nhạc sĩ Duy Khánh. Bài hát nói về nỗi lòng người lính nơi tiền đồn khi không thể về sum họp gia đình những ngày đầu Xuân. Biết rằng mẹ mong con về, nhưng mẹ ơi con không thể, dù
"con biết bây giờ mẹ chờ tin con" và
"nếu con không về chắc mẹ buồn lắm". Con không về bởi vì
"bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm", để rồi:
"mẹ ơi con xuân này vắng nhà".
Bài hát "Xuân này con không về" làm tôi nhớ đến
"Thơ lính chiến miền Nam" của một thời khói lửa (*) mà tôi đã đọc qua. Khi nhớ về mẹ, những người lính đã làm nên những câu thơ buồn đến nao lòng:
“…Ta cũng có mẹ già mòn mỏi đợi
Những mùa xuân biền biệt bóng ta về
Tóc mẹ trắng đã bao chiều sương khói
Mắt đìu hiu sầu mấy dặm sơn khê…”(Chén rượu chiều ba mươi - Huỳnh Kim Sơn)
“…Thương mẹ ngày xưa muốn bỏ đời
Nhớ gian nhà lá đám mồng tơi
Nhớ sân giậu cũ chùm hoa bí
Và mẫu vườn xanh ổi chín mùi…”(Ba năm làm lính về Dakto - Lâm Hảo Dũng)
“…Thôi, má ngủ đêm nay ngon giấc
Con ngồi đưa chiếc võng rách quê nhà
Đạn vòng cầu đừng đi trong đêm tối
Lệ sẽ đầy giấc má nhớ con xa…”(Đêm cuối năm viết cho má - Nguyễn Dương Quang)
"Thư xuân trên rừng cao" cũng là bài đinh trong đĩa nhạc của anh chủ quán cà phê láng giềng. Bài hát nói về nỗi buồn của anh lính chiến nơi
"núi rừng mịt mờ sương". Trong những ngày đầu Xuân, có lẽ vẫn
"không rượu mềm môi, không bánh không trà, chẳng hạt dưa", chỉ có phần lương khô và đón giao thừa trong ánh sáng hỏa châu. Ước ao các anh, các chị cùng em gái hậu phương một lần đến thăm anh nơi tiền đồn heo hút,
"lên đây thăm lính ở trên rừng". Nhưng
"thư xuân đi tính đã bao ngày" vẫn không thấy hồi âm.
"Nhìn mai nở vàng" lòng anh
"sao nghe chơi vơi", để rồi đành ngậm ngùi, tự nhủ:
"Xuân ơi xuân nếu chẳng vui gì. Hãy đừng, đừng tìm đến chi".
Cuối cùng, dù muốn hay không muốn, mùa Xuân vẫn cứ đến, không có gì là toàn vẹn và mùa Xuân cũng vậy. Có những mùa Xuân tươi, hạnh phúc tràn đầy nhưng cũng có những mùa Xuân mất mát, chia ly. Mong rằng mọi nỗi buồn rồi cũng sẽ qua đi như những ngày cuối năm, hãy cùng đón mừng năm mới, hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến với mọi người.
Nhân dịp Xuân mới Bính Thân 2016, xin kính chúc mọi người dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, bình an, thành công mọi mặt. Xin nâng
"Ly rượu mừng" kính chúc người nông dân năm mới không còn cảnh được mùa rớt giá; chúc người thương gia ăn nên làm ra; chúc người công nhân không còn cảnh khó khăn, vất vả; chúc người binh sĩ yên tâm giữ gìn biển đảo tổ quốc; chúc các mẹ già yên vui trong những ngày Xuân; chúc các đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc; chúc người nghệ sĩ thành công trên con đường sáng tạo ra cái đẹp; cầu chúc cho non sông hòa bình, tự do, hạnh phúc./.
(*) "Thơ lính chiến miền Nam" của một thời - Nguyễn Hữu Thời - 8/2012)
Mời thường thức bài hát "Ly rượu mừng" và "Thư xuân trên rừng cao":
https://www.youtube.com/watch?v=mLbdJZ-bR6khttp://www.dailymotion.com/video/x3999rb