Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 15:56
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271202 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: Re: COI MẮT
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 5 2016, 10:17
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
lamduyen {L_WROTE}:
-Dạ tía đặt đâu con ngồi đó, đâu dám trái ý.

Câu nầy là của thời xưa chứ bi giờ thì phải nói là: “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó”


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TRỐN ĐỜI
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 5 2016, 10:41
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
TRỐN ĐỜI
Hôm trước gặp Thi trong tiệc cưới con gái của người bạn, bèn hỏi thăm đủ thứ, “chuyện chúng mình” vừa xong là nhảy qua “chuyện chúng nó” :
-Ê bộ con H hổng mời con P hả?
Thi chắc lưỡi:
-Nó có còn ở VN đâu mà mời
-Nó đi đâu?
-Nó lấy một ông tây, theo ổng đi Mỹ rồi !
-Trời đất, vậy mà tao đâu có hay! Còn con T sao tao cũng hổng thấy?
Bạn lại chắc lưỡi, lần nầy dài hơn và gương mặt cũng buồn hơn:
-Nó chết rồi.
Ở cái tuổi nầy tử biệt nhiều hơn sanh ly. Cho nên còn một số đứa không có mặt nhưng tôi ngại không dám hỏi tiếp, vì sợ làm hỏng cái ngày “song hỷ lâm môn” nầy . Cái thời mài đủng quần trên ghế nhà trường, đầu giờ thầy cô thường điểm danh, trò nào không có mặt thì coi như trốn học, tôi cũng bắt chước thầy cô thầm điểm danh coi bao nhiêu tên vắng mặt. Bây giờ không gọi là trốn học mà "trốn đời". Ngày xưa tôi chưa trốn học ngày nào cho nên bây giờ trốn đời bù lại, vì vậy bị Thi quở:
-Mầy làm cái giống gì mà biệt tăm, biệt tích y như trốn nợ vậy? Cũng may tao còn nhớ cái số điện thoại của con mầy, hông thôi là bó tay !
Tôi cười cười. Tâm trạng, hoàn cảnh phức tạp của mình nói vài câu không thể diễn tả hết, mà nói nhiều thì không đủ sức và bạn nghe chắc đuối.
Qua rồi cái thời mà có điều gì bức rức là lật đật chạy đi tìm bạn, tìm bè để trút ra cho hết. Nói cho đã miệng rồi thòng một câu:
-Mầy không có được nói cho đứa nào hết nghe?
Bạn gật đầu lia lịa, cái mặt của thị tràn ngập vẻ háo hức nên không yên tâm, bèn gài thêm mấy câu rằng mầy thân với con A, con B lắm ! Mấy con nhỏ đó nhiều chuyện số dzách, phen nầy tao chết chắc. Bạn tức khí, bèn đưa thẳng cánh tay cùng ngón trỏ chỉa lên trời mà thề rằng, nếu thèo lẽo thì cho “Bà” bắn đui hết hai con mắt. Một thời gian sau cả lớp đều biết, nhưng chẳng thể kết tội được vì đôi mắt ngây thơ vô số tội của thị vẫn trong veo. Tự hứa lần sau nhất định có bị cạy miệng cũng không hé môi. Thế nhưng cái nhu cầu tâm sự mạnh ghê lắm, cho nên lại chẳng đặng đừng. Bèn thầm trách “Bà” sao không chịu sử dụng triệt để quyền lực của mình. Bây giờ ngẫm lại “Bà” làm vậy là đúng, nếu không chắc số người tàn tật ở thế giới nầy đầy rẫy, trong đó có cả mình.
Vì trốn đời kỷ quá nên lạc hậu với thời cuộc. Một hôm nghe cô bạn trên mạng nói cái gì ngồ ngộ bèn hỏi lại. Cũng may đứa con trai đọc được bèn giải thích cặn kẽ. Nó nói thêm :
-Hiện nay cả nước đều bức xúc cái chuyện đó, kể cả tụi học sinh cấp một đó mẹ !
Trời ơi! nghe mà buồn, mà đau đến thở hết nổi. Rồi lại tự trách mình, đã quyết trốn đời thì trốn luôn cho rồi đi, còn ló mặt ra làm chi để bị chộp đầu đập nhừ tử.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết:
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 5 2016, 02:30
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Bà hai “HÒ” nhỏ tuổi hơn nhưng tóc bạc và răng rụng nhiều hơn ngoại của tôi. Bà chắc cũng xài ống ngoái trước và nhiều hơn ngoại luôn, nên suốt ngày cứ thấy cặp môi bà đỏ lòm. Các ngón cái và trỏ của bà cũng đỏ bầm như bị giập, bởi bà cứ cầm cục thuốc xĩa chà hoài trên hai hàm răng thưa rỉnh rồi nhét nó vào góc miệng.
“Hò” không phải là cái tên của bà, đó là nghệ danh vì ngày xưa bà hò rất hay. Cô bác trong xóm, hễ nhắc đến bà là người ta lại nhắc luôn cái chữ “HÒ” ấy. Nghe đâu ngày xưa bà rất đẹp. Tiếc rằng bà không có một người con gái nào để kế thừa cái tài, cái sắc đó.
Trong xóm tôi ai cũng gọi nhau bằng thứ, số người trùng thứ rất nhiều nên người ta phải gọi kèm theo tên( chỉ khi nào không có mặt họ). Không hiểu sao cái tên vốn đặt ra để dùng, lại bị gói kín và đem giấu biệt. Trừ cái tụi con nít con nôi ăn hôi bù xít cứ bị réo tên ra rả, chớ người lớn thì chẳng ai dám gọi đích danh. Nếu có cũng chỉ trong những cuộc khẩu chiến mà thôi ! Điều nầy họa hoằn lắm mới xãy ra. Mấy đứa bạn của tôi, có đứa còn chẳng biết tên ông bà của nó.
Thứ chỉ có từ hai đến mười là hết. Thời ấy không có dụng cụ “thắng đẻ” như bây giờ nên con nít cứ chui ra thoải mái. Các bậc cha mẹ cho dù không chắc là sau đứa thứ mười có phải là cái đứa cuối cùng hay không, cũng cứ gọi đại nó là út. Nhiều người nguyên liệu còn dồi dào nên ráng nặn thêm một vài sản phẩm nữa, lúc đó sẽ có Út Thêm, Út Nữa, Út Dứt, Út Mót, Út Nhứt, Út Nhì…
Thứ ít quá nên nhiều người phải xài chung. Để phân biệt, bất đắc dĩ người ta phải trưng dụng cái tên. Muốn tránh xích mích nên hễ ai có một cái nghề, cái tướng, cái tật, cái tánh hoặc cái tài đặc biệt thì mấy thứ ấy được xài thế liền. Cho nên mới có Năm Câu, Baỷ Cao, Chín Móm, Tư Liệu, Tám Kẹo, Ba Đờn…Bà Hai nhờ hò hay quá nên cái chữ “Hò” chiếm hết chỗ, chẳng ai còn nhớ tên bà nữa, hổng chừng cả bà cũng quên béng nó luôn.
Tôi thường tiếc cho mình ra đời sao quá muộn. Không được sống vào cái thời mà những tiếng hò trên đồng, trên sông chan chứa như khí trời. Bây giờ những cảnh miệng hò, tay gặt chỉ thấy được trong những phim tài liệu. Chẳng phải không còn ai ưa chuộng cái món ăn tinh thần đó! Có điều sức người phải chào thua mấy phương tiện nghe nhìn hiện đại. Dù vào thời đó pin con ó khá mắc, nhưng bà con nào ra đồng cũng kè kè cái radio ấp chiến lược bên mình. Nó thuộc hạng con cưng, được cho “ăn” đầy đủ để có sức mà rót đầy lỗ tai của mọi người, ở mọi nơi, vào mọi lúc, chỉ đến khi chủ đi ngủ mới được ngưng. Tôi còn nghiệm ra một điều, những việc hay, việc tốt bà con ta chỉ dám làm lén thôi, ít dám đường đường chính chính, chắc sợ bị coi là ham nghe khen. Nhứt là mấy cái chuyện hát hò lại càng mắc cỡ dữ dội.
Bà Hai không còn ra đồng, cũng không có cháu nhỏ nên chẳng còn cơ hội biểu diễn, tài năng đành mai một. Nhàn cư vi bất thiện, bà sợ ở không, bị rủ đánh tứ sắc riết đâm ghiền, nên làm mấy món ăn vặt để bán lai rai. Khách hàng của bà chủ yếu là tụi tôi, cái đám con nít lúc nào cũng thiếu ăn, lúc nào cũng thèm đủ thứ. Bà làm bánh gì cũng ngon, đặc biệt nhứt là món cơm rượu. Cơm rượu của bà rất thơm, rất dịu, ngọt lừ cho dù chẳng bỏ một hột đường nào. Điều nầy tôi dám khẳng định vì vào thời buổi đó đường cát mắc mỏ lắm. Chỉ nhà khá, nhà giàu mới dám xài.
Hôm ấy tôi ngồi xuống cái ghế tre đặt trước sạp cơm rượu của bà để mua một chén. Bà đang bán ế nên thấy tôi mua là mừng lắm. Lúc nhìn bà lấy cái muỗng nhỏ xíu, cạn xợt xúc thật nhẹ tay từng viên cơm rượu tròn vo, cho vào cái chén cũng nhỏ, tôi chợt nảy ra một ý định nên hỏi:
-Bà Hai ơi, hồi xưa bà hò hay lắm hả?
Bà nhìn tôi, mắt le lói sáng, cười rồi trả lời:
-Ai nói mà con biết?
-Má con. Bà hò cho con nghe một câu thôi có được hông?
Thấy bà chần chừ tôi nói:
-Con thích nghe hò lắm! Ngoại con nói ngày xưa người ta vừa làm công việc vừa ráp nhau hò thiệt là vui. Bây giờ hổng còn nữa con thấy tiếc quá!
Bà nói bằng một giọng bùi ngùi :
-Thời nay thiên hạ thích nghe ca vọng cổ trong “la dô” hơn, có hò cũng hổng ai nghe. Để bà dạy cho con mấy câu.
Bà đưa chén cơm rượu cho tôi, nhổ miếng bả trầu trong miệng ra, đi lại cái lu trước hàng ba múc một gáo nước đầy xúc miệng. Kéo chéo khăn vắt trên vai lau cho khô, rồi không ngồi xuống mà đứng hò:

-“Hò hớ ớ ơ …
Hò chơi cho vui ruộng vui đồng
Nào ai cướp vợ giựt chồng của ai”

Có lẽ mỗi lần hò đối, trước tiên người ta phải nêu rõ mục đích. Ngày xưa chắc bà hay bắt đầu bằng câu nầy, nên bây giờ quen miệng. Làm nghề nông, mỗi lần tới mùa, tới vụ thì cả vợ chồng con cái đều kéo rốc ra đồng cùng làm. Ngay mấy đứa đang đi học cũng phải nghĩ ngang để phụ hái đậu, bẻ bắp, đào khoai…Chồng người nầy hò, vợ người khác đối, cho nên phải nói trước để tránh chuyện ghen tuông. Như để khẳng định điều đó bà lại hò tiếp, lần nầy mục đích lại khác:

-“Hò hớ ớ ơ…
Hò đây cho nên cuộc vuông tròn
Trai son hò với gái son
Ai mà đủ gióng, đủ đòn
Đủ chồng, đủ vợ, đủ con thì đừng hò…”

Tôi đâu ngờ đến giờ bà Hai vẫn giữ được một chất giọng rất truyền cảm đến vậy! Hai bàn tay tôi, một bên bưng chén, một bên cầm cái muỗng bên trong có một viên cơm rượu, đưa gần tới miệng rồi ngưng ngang ở đó. Gương mặt đầy vẻ ngưỡng mộ của tôi khiến bà cười một cách hài lòng. Bà còn định hò tiếp thì dì Sáu La ghé vô (dì nầy cũng hổng phải tên La, tại dỉ nói lớn và nhiều nên bà con đặt cho dỉ biệt danh “Ống tà la”, tức là cái loa, gọi là La cho gọn), dì nói:
-Trời phật ơi! Dì Hai hò hay quá xá, vậy mà lâu nay im ru uổng quá!
Bà Hai cười lỏn lẻn, mắc cỡ như con gái. Dì Sáu hình như là mối ruột của bà Hai, nên khi dì xề xuống, bà Hai không hỏi gì hết mà múc cho dỉ một chén cơm rượu nhiều gấp đôi tôi. Tôi muốn nghe bà Hai hò thêm nên xúi dì Sáu:
-Dì Sáu đòi bà Hai hò nữa đi !
Dì Sáu chắc cũng thích nghe hò nên không chờ tôi nhắc đến hai lần, dì giục:
-Làm thêm vài câu cho hai dì cháu tui nghe đã cái lỗ nhĩ đi dì.
Bà Hai lắc đầu:
-Thôi già cả rồi, hò mấy câu huê tình người ta cười chết!
Dì Sáu năn nỉ:
-Thì dì lựa mấy câu khác mà hò, thiếu gì !
Bà Hai có lẽ cũng muốn ôn lại thời kỳ oanh liệt của mình, nên tằng hắng một cái để lấy giọng. Lần nầy bà không đứng lên, ngồi mà hò tiếp:

-“Hò… hớ… ớ… ơ…
Cái áo gấm đó mặc
đây mua, đây cắt, hai vạt bằng chang
một bên thêu phụng, một bên thêu loan
Cái cổ viền vàng đơm hàng nút đỏ
Trách bạc tình lang vắt chanh bỏ vỏ
Giận sự đời… chớ giận sự đời …vợ nhỏ cưng hơn”

Thấy cái mặt của dì Sáu và tôi ngớ ra thán phục, bà hò tiếp:

-“Hò…hớ…ớ…ơ…
Cô kia bới tóc đuôi gà
Nắm tay cô laị hỏi nhà cô đâu
Nhà tui ở dưới đám dâu
Ở trên đám đậu…Ờ …ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua
Ngó qua đám bắp trổ cờ
Đám dưa trổ nụ…chớ đám cà trổ bông…”

-“ Hò…hớ…ớ…ơ…Tay bưng quả nếp vô chùa
thắp nhang, lạy phật xin bùa cho anh đeo.

Bà càng hò càng hay. Đang có trớn bỗng ông Tư Sói chạy chiếc xe đạp ngang qua. Chắc ổng nghe được câu hò cuối nên dừng lại nói:
-Cô nhớ xin thêm một sợi dây bùa cho tui đeo nghe cô Hai !
Bà Hai cười, mắng giỡn:
-Cái anh mắc dịch nầy. Có hai bà vợ dữ như chằng tinh gấu ngựa mà còn hổng sợ. Gìa cúp bình thiếc còn bày đặt, không sợ thiên hạ chê cười. Bộ hổng nghe người ta nói:“Gìa thì sắm giỏ sắm khăn, già đâu lại sắm linh lăng, đồi mồi”.
Hai câu đó bà nửa hò nửa đọc, âm điệu nghe cũng du dương lắm !
Ông Tư đã không giận mà còn cười khà khà, ông trả lời:
-Cô hai ơi! “Tui đây già mặt già mày. Chưn tay già hết chớ dạ dày còn non”.
Bà Hai chưa kịp lên tiếng thì dì Sáu La đã ra miệng:
-Bộ cậu Tư hổng biết là “Một vợ thì nằm vườn Lèo, hai vợ thì nằm chèo queo, ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm” hay sao, mà còn đòi rinh thêm dì Hai cho khổ vậy ?
Ông Tư liệu sức mình không đương cự nổi, bởi “hai chọi một, không chột cũng què” nên nhấn bàn đạp chạy tuốt. Dì Sáu cũng vét sạch chén cơm rượu, móc tờ giấy một đồng trả cho bà Hai rồi đi. Tôi sờ túi, năm cắc bạc mất tiêu, Hết hồn nói lấp bấp một mình:
-Năm cắc má mới cho đâu mất biệt rồi ? Bây giờ tính làm sao đây trời ?
Bà Hai hỏi:
-Bây trả tiền trước rồi còn năm cắc nào nữa?
Tôi mừng hết lớn, chợt nhớ ra tụi tôi hay bị đòi coi tiền rồi mới bán. Chắc mấy tiền bối con nít ngày xưa hay ăn liều, ăn mạng, nên cái vụ trả tiền trước đã thành truyền thống. Hôm nay tôi bị tiếng hò của bà Hai khuấy đảo tâm hồn nên quên đi mọi sự, thấy dì Sáu móc tiền ra trả bèn bắt chước. Cũng may được bà Hai nhắc, bèn thở một hơi nhẹ nhỏm. Niềm sảng khoái do mấy câu hò của bà Hai đem đến vừa chạy đi, đã chạy ào về còn nhanh và mạnh hơn lúc trước. Tôi vừa đi vừa nhảy tưng tưng, chân nhẹ bổng còn cái hồn bay bổng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: YDI Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 5 2016, 02:40
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)
:rollin: hahahaha.... hay....hay quá :ros: .....bỗng nhớ lối hành văn của Hồ Biểu Chánh hay của Bình Nguyên Lộc quá chừng!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 5 2016, 13:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cám ơn huynh đã khen ! Nghe huynh lên tiếng là mừng hết lớn! Vậy là long thể vẫn an khang, long sàng không có rệp phải hông ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XOÀI TƯỢNG NƯỚC MẮM ĐƯỜNG
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 5 2016, 10:38
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
XOÀI TƯỢNG NƯỚC MẮM ĐƯỜNG
Mới gõ có cái tựa thôi mà nước miếng đã tươm trong miệng. Trái xoài sống đang nằm chờ trong tủ lạnh, lòng phân vân nửa muốn viết tiếp nửa muốn đi xử trái xoài. Nghĩ tới nghĩ lui, viết xong xoài vẫn còn đó, còn ăn xoài xong chưa chắc cái hứng còn đợi mình. Thôi thì tạm thời đành hy sinh cái lạc thú trước mắt mà ráng gõ cho xong, bảo đảm cái bài nầy ngắn ngủn.
Trái xoài mới mua nhỏ thôi, không thuộc cái giống xoài voi. Ăn xoài tượng muốn ngon phải lựa trái thiệt già, thiệt lớn, to bằng trái bí đao thì mới ngon con mắt, sướng cái miệng. Cái món xoài tượng nước mắm đường ngày xưa, mỗi lần ăn là cả nhà phải hợp tác chớ một mình làm không xuễ mà cũng bớt ngon. Cái món nầy phải vận dụng cả năm giác quan. Phải nhìn người đối diện, đưa miếng xoài trắng tinh, nhúng vô chén nước mắm vàng như mật ong bỏ đường kẹo nẹo, với mấy lát ớt đỏ nổi lềnh bềnh, đưa lên miệng cắn một cái rốp rồi nhai rau ráu, mới kích thích tối đa cái bao tử. Cái câu “ăn như đánh giặc” có lẽ phát sinh trong hoàn cảnh nầy. Bởi ai ai cũng hấp ta, hấp tấp, cũng vừa cho miếng xoài vào miệng xong, chưa kịp nhai đã vội chụp miếng khác “sơ cua” liền làm như sợ hết. Mà sợ thiệt chớ còn “làm như” gì nữa!
Xoài tượng nói riêng và xoài xanh nói chung không thể nào ăn riêng rẻ. Ít có ai khoái nhai khơi khơi một mình nó. Vào mùa xoài mấy đứa con nít hay thủ sẵn mấy hột muối trong túi áo, để chực chờ ăn xoài rụng. Mỗi lần trời nổi gió, là ba chưn bốn cẳng chạy ra mấy gốc xoài, ngước ngược cái đầu chờ mấy cái trái đang đánh đu vù vù sút tay rớt xuống. Cuống xoài nhỏ xíu mà chắc ghê lắm! Gió giập tưng bừng mà đâu chịu rụng. Nhìn nó đong đưa mà thèm chịu không nổi, bèn nhìn tới nhìn lui, không có ai là lượm cái miểng sành lia cho đứt cái cuống để nó rơi xuống. Nếu trúng trái hơi hườm hườm thì mừng như trúng số. Lật đật chùi cho sạch rồi ngoạm vô cái gò má nó một miếng thật to, móc cục muối trong túi ra cắn một miếng…thôi không nói nữa !
Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể ăn xoài xanh kèm với muôí ớt hoặc mắm ruốc …nhưng theo ý tôi, nó thích hợp với nước mắm đường hơn, nhứt là đường thốt nốt.
Xoài tượng đem vô lớp ăn với mấy đứa bạn, chỉ có thể đi kèm với mắm ruốc chớ làm sao mà đem theo chén nước mắm đường. Nó cũng ngon, nhưng khổ ở chỗ là họ hàng nhà mắm oai phong lẫm liệt vô cùng, đi tới đâu là dân biết mặt, vua biết tên cho nên đâu thể giấu thầy cô. Bữa nào bà độ, gặp được thầy cô dễ dãi, làm ngơ, hoặc chỉ hỏi kháy “ngon không mấy em?” thì khỏe. Nếu thầy cô khó, e có việc chẳng lành. Gặp thầy cô có lòng “đại bác” còn mệt hơn, tặng liền hai trứng vịt lộn ăn kèm cho có chất đạm, thì ôi thôi ! Nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng vì cảm kích.
Tụi tôi thời đó bị phạt hà rầm mà đâu thể nào bỏ nổi cái tật ăn vụng trong giờ học, nhứt là vào mùa xoài. Hễ cách vài ngày là cái cặp của đứa nầy, đứa kia luân phiên có bầu vì độn trái xoài tượng to đùng trong bụng. Đem vô lớp ăn phải lựa trái xoài to nhứt, chớ xách cái trái nhỏ xíu, chia không đủ rồi đứa có đứa không thì thất đức lắm ! Có lần một nhỏ bạn, có cái hẹn rất rất quan trọng vào giờ ra chơi, nhưng rồi lo chụm đầu ăn xoài nên quên béng. Thế mới biết miếng xoài tuy nho nhỏ mà võ nghệ đầy mình, hại bao nhiêu kẻ bỏ mình như chơi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 5 2016, 11:46
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
cái thú ăn xoài mắm đường ở đây bây giờ bị vơi đi vì nhiều lý do , Một là xoài không chua , hai xoài không cứng hoàn toàn,,bên ngoài rất cứng nhưng trong cùng vẫn hơi bị mềm, còn nữa tụi nhỏ không ăn được mắm đường. vì vậy chỉ ăn xoài muối ớt thôi tỷ ui :rollin: thèm dĩa xoài tượng mắm đường quá đi thôi.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 5 2016, 19:56
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Qua đây ăn chung đi muội !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CÔ LÁI ĐÒ
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 6 2016, 06:00
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CÔ LÁI ĐÒ
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm (Ca dao)

Ngoài đời, nghề chèo đò không kén chọn giới tính và tuổi tác, nhưng trong văn chương chỉ có các cô gái và các ông lái đò mới được nhắc tới. Có lẽ để khoác cho nó một nét lãng mạn, bi tráng?
Chị Hai Thêu cũng làm nghề chèo đò, tuy không đẹp đến độ đi vào ca dao như cô lái của con đò Thủ Thiêm, nhưng cũng khiến bao chàng trai liêu xiêu bởi đôi mắt biết nói, biết cười. Đôi môi của chị với cánh trên hơi đầy, cánh dưới hơi trề, mang nét ngúng nguẩy hết sức có duyên, rất, rất "ăn tiền".
Dáng chị nho nhỏ, thon thon, vô cùng phù hợp với những cái áo bà ba thường mặc. Mỗi dịp tết hay rằm lớn chị thường làm điệu : Thay cái nón te tua hằng ngày bằng chiếc nón bài thơ. Thay cái áo vải bánh ú màu đậm, vai lưng trổ trắng bằng chiếc áo xoa màu tươi rói. Thay đôi dép quai nối, đế mòn bằng đôi dép Lào mới cáu. Lúc ấy chị bỗng trở nên đẹp “hết sẫy con bà bảy" luôn !
Danh sách những người theo đuổi chị cũng khá là dài. Họ thường ngồi đò qua sông viện cớ đi chùa, đi chơi, đi thăm bà con…để chuyện trò rồi thả lời dọ ý. Đối với ai chị cũng chào hỏi, đối đáp đàng hoàng nhưng mắt hơi nhỏ nên chưa ai rơi tỏm vào trong đó.
Người theo đuổi chị kiên trì nhứt là anh ba Sao "Cày". Cái anh nầy nổi tiếng cày rất giỏi nên được bà con gắn thêm chữ "cày" vào cái tên luôn. Cứ cách vài ngày lại thấy anh ôm một bó vạn thọ ngồi đò để qua viếng ngôi chùa Lá bên sông. Lần nào anh cũng tặng chị vài bông để chưng bàn thờ cửu huyền thất tổ.
Anh Ba tánh nhát hích lại hay tự ti. Anh không dám ngõ lời vì nghe chị nổi tiếng kén chọn. Trước anh có bao nhiêu người cũng giỏi giang không kém, lại “đẹp trai con bà hai” hơn anh nhiều, mà còn bị chị cự tuyệt. Cho nên anh thấy mình không có chút hy vọng nào. Thế nhưng chẳng thể thẳng tay nhổ tiệt mấy luống vạn thọ, để khỏi mượn cớ đi chùa mà ngồi đò nhìn chị cho đỡ nhớ.
Chị Hai cũng có để ý tới anh. Cái tính siêng năng, gương mặt hiền rụi của anh làm chị có cảm tình. Thấy anh đi chùa quá thường xuyên, chị nghĩ chắc anh có căn tu nên không dám mơ tưởng đến. Cũng chẳng dám nói xa, nói gần vì sợ mang tội cạnh tranh với trời Phật. Họ gặp nhau đều đều cả năm nay, vậy mà chỉ gói gọn trong những câu mưa nắng bình thường. Một lần vào ngày rằm, chị mặc cái áo bà ba bằng tơ tầm mới tinh màu hồng làm gương mặt sáng trưng, anh bèn buột miệng:
-Cô Hai hôm nay đẹp quá! Y như phật bà Quan âm vậy đó !
Lời khen tột bực ấy, chẳng làm chị xúc động chút nào mà càng áo nảo thêm.
Anh Ba sau khi uống thuốc liều buông ra một câu như cóc mở miệng, chẳng thấy trời chuyển mưa thì càng chui sâu vô hang . Mỗi lần dưng bông lên bàn phật, anh thường lâm râm cầu khấn đức từ bi, nhỏ chút phước phù hộ cho anh được ngồi ăn cơm chung mâm, ngủ chung giường với chị hai trong một ngày gần xịt !
Hôm ấy anh nhổ sạch mấy luống vạn thọ, đem qua chùa một ôm to đùng. Ba má anh sau mấy lần thúc giục, đã chẳng thèm hỏi ý kiến, nhứt định qua rằm sẽ đi bỏ trầu cau một cô gái ở xóm cây Gòn cho anh. Thấy bó bông lớn quá chị Hai quở:
-Chèn ơi! Bữa nay có chuyện gì mà anh Ba cúng nhiều bông dữ vậy ?
Anh trả lời :
-Tui đi đò kỳ nầy là chuyến chót đó!
Chị Hai ngạc nhiên :
-Bộ anh hổng qua chùa nữa sao ?
-Ừa !
-Vậy anh hổng tính đi tu nữa hả ?
Bây giờ lại tới phiên anh Ba ngạc nhiên:
-Ai nói với cô là tui tính đi tu ?
-Hổng có ai nói, tại tui thấy anh cứ dưng bông cúng Phật hoài !
Anh Ba nói bằng cái giọng úp úp, mở mở :
-Tại tui cầu một chuyện sống chết, nên qua chùa xin Phật phò hộ thôi ! Chớ cái người còn nặng lòng trần như tui thì tu sao nổi ?
Chị Hai hỏi tới:
-Anh cầu chuyện gì? Chắc được rồi nên ngưng hả ?
Anh Ba trả lời bằng một giọng ngán ngẫm:
-Không được mới ngưng, còn được là mỗi ngày tui mỗi đi chớ bỏ sao đặng ?
Anh vừa nói vừa nhìn chị, tia mắt bộc lộ nhiều ẩn ý. Chị Hai quá bất ngờ trước câu nói và cái nhìn của anh, hai bàn tay bỗng bủn rủn. Một chiếc o bo chạy hết tốc lực vút ngang, xẻ một rãnh nước rất sâu, mấy con sóng giật mình lồng lên, tức giận nhảy chồm chồm. Những người đang điều khiển các phương tiện trên sông, sợ gặp mấy cái tên phách lối nầy dữ lắm ! Mấy chiếc ghe bầu, ghe cui còn xính vính với nó, thì nói gì chiếc xuồng ba lá mỏng manh của chị Hai ! Bình thường chị rất thận trọng nên tránh né mấy cái luồng sóng hung tợn ấy không khó, nhưng hôm nay bị mấy câu nói của anh Ba làm hoang mang nên chẳng để ý điều gì ráo trọi . Chiếc đò bất thình lình tung cao làm chị Hai chới với, sút tay rơi tỏm xuống sông. Tay còn ôm cái bó bông, anh Ba lật đật phóng theo. Chị Hai vốn là dân chèo đò, phải lội như rái mới dám làm cái nghề nầy. Sau khi hết hồn, chỉ mất vài giây là chị lấy lại bình tỉnh, liền nhô đầu lên khỏi mặt nước. Thấy anh Ba đang loay hoay, cà hụp, cà hưởi, sắp chìm tới nơi bèn bơi riết lại, nắm cổ áo của ảnh lôi lại cái đò.
Hai anh chị, mỗi người bám một bên đò rồi cùng đạp chân về một phía để đưa nó vô bờ. Cả trăm cái bông vạn thọ cũng bơi theo họ, lềnh bềnh đầy mặt nước tạo thành một cảnh rất ngoạn mục. Chị Hai hỏi:
-Anh không biết lội sao liều mạng nhảy theo tui chi vậy?
Anh Ba buột miệng:
-Tại tui thương cô !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGHỀ ĐÚT CƠM VÀ SIÊU NÔ LỆ
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 6 2016, 02:44
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
NGHỀ ĐÚT CƠM VÀ SIÊU NÔ LỆ
Tôi có tật hễ ngồi trước máy là mọc rễ luôn, không ai có thể bứng lên được. Từ ngày có đứa cháu nội út, thói quen đó bị áp đảo. Cái đứa bé nhất nhà ấy đã làm được một điều mà ai cũng bó tay, buộc tôi phải bỏ ngang việc viết lách mà chơi với nó. Bé ung dung xóa bỏ mọi ranh giới, luật lệ mà tôi đặt ra cho chính mình. Khổ một nỗi là những điều mà tôi thậm ghét ở con, cháu người khác, thì ở bé, tôi đều thấy dễ thương hết biết !
Bạn có đọc câu chuyện như ngụ ngôn nầy chưa :
Có một khu rừng đang bị cháy. Cú mẹ không thể bay vào để cứu con nên nhờ bác tiều phu giúp. Vốn chưa biết mặt con của nó nên bác hỏi :
-Trong rừng biết bao nhiêu trẻ con, làm sao ta biết đứa nào là con của mi ?
Cú trả lời:
-Con tôi là đứa đẹp nhất rừng.
Lát sau bác mang ra một con công nhỏ. Cú rên rỉ:
-Đây đâu phải là con của tôi, bác lầm rồi !
Bác tiều phu cãi:
-Nhưng đây chính là đứa đẹp nhất mà !
Cho nên tình thương mù quáng đôi khi rất nguy hiểm !

Chỉ cần nhìn cái gia đình nhỏ xíu của mình, kết hợp những câu chuyện của mấy bà bạn, nghe ngóng trong các buổi họp phụ huynh… Tôi đã dám khẳng định rằng hiện nay, trật tự trong gia đình đã hoàn toàn đảo lộn, mấy đứa bé càng nhỏ tuổi càng nắm quyền tối thượng. Cả ông bà lẫn cha mẹ đều bị chúng xỏ mũi dắt đi, và trên thế giới chẳng có một tên nô lệ nào, trung thành, mẫn cán, hăng hái… như họ.
Tấm bìa trắng kẽ chữ đen, thật to, thật đậm“ Thương nhưng không chìu, dạy chớ không làm giùm”, được tôi treo lên vách để nhắc nhở mình và mấy đứa con trong nhà. Nó đứng chình ình trước mặt, ngáng chưn, ngáng cẳng mọi người. Mỗi lần cháu trở chứng tôi lại liếc nhìn, thế rồi lại cụp mắt xuống, ít khi răm rắp tuân theo mà cứ làm ngược lại. Đôi lúc rất tự thẹn với lòng.
Các con tôi chắc cũng vậy, nên khi thấy tôi, cái kẻ vừa leo cầu thang vừa thở hồng hộc. Nhiều lần gồng mình “xích đu lơ” đứa cháu nặng gần hai mươi ký, hoặc chống tay, chống chân bò lổm ngổm làm ngựa chở cháu đi khắp phòng, chúng hay rầy:
-Mẹ đừng chìu quá mà cháu hư .
Vợ chồng chúng làm tàng vậy thôi chớ cũng bị hai đứa con quay như dế. Ba mẹ con tôi hầu như ngày nào cũng cảnh cáo nhau, nhắc qua nhắc lại hoài mà đâu có ai làm được. Cho nên mỗi lần xãy ra “sự cố” là người nầy lại đổ thừa người nọ.
Con nít bây giờ khôn quá sức tưởng tượng. Mới sáu, bảy tuổi đã biết nghi ngờ ông già NOEL không có thật. Đứa nào cũng có tác phong lãnh đạo, thích sai khiến người khác mà chẳng muốn tự làm. Chúng đã biết điều chỉnh dần những mơ ước của mình cho phù hợp với thời cuộc. Các bé trai từ làm lính cứu hỏa, phi công…bỗng đột ngột muốn làm “TỔNG” của một cái gì đó. Bé gái thì ngược lại không muốn có hai cái cánh mà bay như cô tiên nữa. Chúng tuột xuống đất, mang guốc cao tập đi một cách yểu điệu để trở thành người mẫu, ca sĩ, MC…Chẳng có đứa nào thích làm cái công việc thiêng liêng là làm CHA làm MẸ. Trong mắt chúng hình tượng cha mẹ đã lu căm, chẳng có chút hào quang nào cả. Một điều ai cũng thừa nhận rằng các trẻ ngày nay, dù được cưng chìu hết mức, lại khó ăn, khó dạy hơn con nít “tụi mình” hồi đó nhiều lắm!
Tại sao các trẻ càng được thương, được thỏa mãn mọi thứ, càng trái khoái. Theo ý riêng của tôi, có lẽ ta đã đánh đổi cái chức năng của người dẫn dắt, để chạy lúp xúp theo chúng như những tên nô lệ. Thử hỏi có bao nhiêu ông chủ, bà chủ, tôn thờ mấy tên nô lệ của mình ?
Ta đáp ứng mọi yêu cầu của chúng, mà có khi chúng chưa kịp, hoặc không yêu cầu ta cũng làm, chỉ để chúng không thua sút bạn bè, và bộc lộ cho chúng biết cái tình thương vô giới hạn của ta. Ta mở toang lòng mình chỉ cho chúng thấy cả một kho tàng trong đó và mời chúng xử dụng thoải mái, trách sao chúng không phung phí, xem thường !
Bước vào một căn nhà có trẻ con ta sẽ thấy đồ chơi bầy la liệt, chất đầy tủ, đầy kệ. Trong tủ lạnh, hơn phân nửa các thức ăn là sữa, da ua, phô mai, xúc xích, sô cô la…dành cho chúng. Ngoài xã hội thì các trò chơi khai thác túi tiền của cha mẹ ngày càng nhiều, ngày càng tinh vi. Có những đội ngũ trí thức, dùng toàn bộ chất xám trong việc nghĩ ra những trò chơi, dù chẳng bổ ích, đôi khi còn có hại. Chỉ cần mới, lạ, đủ sức dẫn dắt cái tính tò mò và đua đòi của trẻ là được.
Nhìn tổng quát, có thể cho rằng cha mẹ ngày nay thương con, hy sinh cho chúng nhiều hơn ngày xưa. Nhưng xét kỹ ta thấy họ yếu đuối, thiếu kiên nhẫn hơn các bậc cha mẹ thời trước nhiều lắm ! Cho nên bây giờ sinh ra cái nghề mới là nghề “ ĐÚT CƠM” cho trẻ nhỏ. Có những cô bảo mẫu chuyên nghiệp được thuê để thay mẹ làm việc nầy. Mỗi ngày hai hoặc ba lần đến đút cơm cho cháu nầy xong rồi lật đật chạy qua nhà bé khác. Các cháu nuốt muỗng cơm với sự đe dọa, phỉnh nịnh cùng cái tâm trạng gấp gáp lo âu của người "thợ đút". Trước đây họ chỉ xuất hiện trong những gia đình đặc biệt nhưng bây giờ đã nới rộng phạm vi. Chúng ta ngày càng nghiêng về việc “mua” hơn là “làm”, cốt cho gọn, cho nhanh, cho bớt bận tâm.
Lần nầy tôi quyết định sẽ căng một tấm băng rôn: “ Tăng LÀM, giảm MUA. Quyết không đứng vào hàng ngũ SIÊU NÔ LỆ “ thiệt là lớn, đem treo chình ình ngay chính giữa nhà,


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu