Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 10:10
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271131 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 6 2016, 21:09
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
NHÀ QUÊ ơi ! Theo ngu tỷ nầy thì ước mơ phải được xài nhín nhín, kéo dài càng lâu càng tốt. Có lẽ nên gặp nó ở ngày cuối cùng cho chắc ăn!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: DẤU CHẤM HẾT
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 6 2016, 02:55
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
DẤU CHẤM HẾT.
Những ngày hè tôi tự nhận việc dạy kèm cho đứa cháu nội. Một hôm cho cháu viết chánh tả, đọc hết bài tôi biểu cháu chấm hết. Cháu ngẩn ngơ hỏi lại:
-Dấu chấm hết ra sao hả nội ?
Tôi nhìn vào quyển sách tiếng việt lớp 2, lật từ trang đầu cho đến trang cuối, những bài tập đọc, học thuộc lòng đều kết thúc mà không xài tới dấu chấm hết.
Cháu cứ hỏi tới, khăng khăng là chưa bao giờ nghe nói và rất muốn biết nó. Con nít bây giờ đa nghi hơn chúng mình ngày xưa nhiều lắm. Cái gì thấy tận mắt tụi nó mới tin, cho nên tôi phải “ nói có sách, mách có chứng” đàng hoàng. Bèn cố tìm cho ra để chỉ cho cháu mặt mũi của cái dấu chấm hết như thế nào. Vừa lật sách tôi vừa khẳng định với cháu rằng, nó có thật và được giao một công tác vô cùng quan trọng. Cái chỗ đứng của nó như cái chốt chặn, không ai có thể thay thế, một mình một cõi, rõ ràng minh bạch, không mập mờ như các đồng nghiệp khác. Cháu có vẻ nghi ngờ, cứ lập đi lập lại câu “vậy sao cô không dạy con cái dấu đó ? “ làm tôi tức khí, lục tung tất cả những quyển truyện cổ tích trong nước và nước ngoài để cháu mục sở thị. Hởi ôi! Dấu chấm hết đã biến mất từ khi nảo, khi nào!
Khi tôi bằng cháu, sách còn hiếm lắm, hầu như chỉ thầy cô mới có. Những đứa học lớp vỡ lòng chỉ có hai cuốn tập. Một cuốn hàng chiếc để cô giáo viết những chữ thật to thật đẹp vào, bắt chỉ tay đọc theo từng chữ một (đố bạn ngày xưa ta học chữ gì đầu tiên “o”, ” i” hay “a” ). Một cuốn tập hàng đôi mà ở mỗi hàng cô đều viết mấy chữ làm mẫu, rồi chấm chấm cho ta đồ theo. Ngày xưa chúng ta nói thương thầy, thương cô, thật ra phải gọi là tôn thờ như thần tượng mới đúng. Chừng bắt đầu dạy con, dạy cháu, mới biết thương thầy cô thật sự. Phải cầm tay chúng để uốn mấy chữ “r”, ”b”, “k”. Phải dạy chúng phát âm từng chữ, đọc từng câu, sửa đi sửa lại cho đúng. Phải bắt chúng ngồi thẳng lưng, không được ngậm viết chì…mới nghe thương thầy cô thấm thía làm sao! Thầy cô ngày xưa không chỉ đứng trên bục giảng mà còn theo ta về nhà nữa. Chúng ta vâng lời thầy cô hơn cha mẹ. Móng tay dài, bị thầy cô chê dơ là về cắt liền. Cái tật cắn móng tay, ngậm tóc bị rầy mất vệ sinh cũng bỏ. Đang ngồi dí sát mặt xuống cuốn tập, nhớ cái roi quất vào lưng khi nãy trong lớp bèn lật đật ngồi thẳng lên liền. Có những điều cha mẹ dạy ta nghe như nước đổ lá môn, chừng xuất phát từ miệng thầy cô mới có hiệu quả. Chẳng hạn như đi học về khoanh tay chào từng người. Rót nước, đưa tăm cho ông bà, cha mẹ sau bữa cơm cũng chờ thầy cô dạy mới làm theo. Có những đứa ở nhà cứng đầu cứng cổ, cha mẹ sai bảo chuyện gì cũng chẳng chịu làm, phải hăm vô mét thầy cô mới sợ. Cho nên khi đứa nào phá phách, nghịch ngợm, hổn hào… hay bị mắng là cái thứ có học mà còn thua con nít lên ba.
Có lần đọc truyện của ông Võ Hồng, kể về một vị thầy hết sức tận tâm. Mỗi tối ông thường đi ngang qua cái xóm có nhà của mấy đứa học trò xem chúng có học bài không, nghe cảm động làm sao bởi tấm lòng của thầy cô !
Thưở đó bài học được thầy, cô viết trên bảng cho tụi tôi chép lại. Trong một lớp chắc có chừng mười đứa thích học. Trong mười đứa đó chưa chắc có được một đứa thích chép bài. Cho nên khi thầy, cô, bỏ cái dấu chấm hết xuống một cái độp thì cả lớp đều thở ra một cái phào. Dấu chấm hết, lúc nào cũng được nhiệt liệt hoan nghinh, được chào đón y như một vị cứu tinh.
Bỗng nhớ đến một cô bạn, có thói quen trang hoàng cho dấu chấm hết của mình một cách thật lộng lẫy. Trong quyển tập của cô, nó không bao giờ ở nguyên trạng thái cha sanh mẹ đẻ, một gạch thẳng với hai dấu chấm nằm ngang hai bên hông ( viết đến đây tôi cố tình tìm ký hiệu để minh họa mà đành bó tay). Cổ cho nó biến hình, ngụy trang đủ kiểu: Khi thì như một lực sỉ hai tay đang cầm hai cục tạ. Khi thì như một cây cột với hai cái bóng đèn đối xứng. Khi thì uốn éo như nàng vũ nữ trong điệu “Áp sa ra”. Bây giờ nhớ lại tôi tự hỏi, không biết có phải bạn hết lòng mong đợi cái dấu chấm hết nầy, nên khi nó xuất hiện bèn dồn hết tình cảm và khả năng sáng tạo của mình cho nó.
Tôi không nhớ và cũng không biết là các quyển sách giáo khoa ngày xưa có in dấu chấm hết ? Có bạn nào biết không? Hay nó chỉ được truyền miệng, chỉ sống trên bảng và trên tập mà thôi. Cũng đâm ra nghi ngờ không biết có phải cái dấu nầy mang quốc tịch Pháp, chỉ có vào thời nước ta bị bảo hộ chớ không phải là vốn chung của nhân loại. Cho nên khi qua thời Pháp thuộc nó cũng dần bị đào thải?
Cái dấu chấm hết đã ra đi một cách âm thầm lặng lẽ. Xin chấm hết cho bài viết về dấu chấm hết nầy ./.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: DẤU CHẤM HẾT
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 6 2016, 19:51
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Tỷ đã đưa ra một câu hỏi thật thú vị! :clap:
Ốm thì để ý thấy bi giờ chỉ có lứa tuổi trung niên mới sử dụng dấu này. Và chưa chắc ai cũng hiểu nguồn gốc của nó!
Từ từ tìm hiểu thêm mới được ta ôi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 6 2016, 04:36
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
ỐM ơi! Hồi đó Ốm có thường xài câu "un point final " hông?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: DẤU CHẤM HẾT
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 6 2016, 13:58
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Hồi đó Ốm có nói "point final" chứ ko phải "un point final" tỷ ôi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: SANH NGHỀ, TỬ NGHIỆP
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 6 2016, 02:37
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
SANH NGHỀ, TỬ NGHIỆP
Dân Sài Gòn có tập quán ăn uống khá đặc biệt, buổi nào món nấy. Những người bán hàng rong biết rất rành điều đó.
Vào những năm 70 các món thường thấy trong mấy gánh bán thức ăn cho buổi điểm tâm thường là cơm tấm, bún rêu, bánh canh, xôi…Các món ăn lỡ bữa trong buổi xế, khoảng hai ba giờ chiều gồm : nem nướng, gỏi khô bò, tàu hủ nước đường, bánh bột, bánh bèo… Những món dành cho buổi tối thì có bột chiên, cháo gà, hột vịt lộn, mía hấp, mì gõ…Riêng món chè thì chia đều cho ba buổi, ngoại trừ chè đậu đen, nó hầu như chỉ có mặt vào buổi tối.
Có một cô gái xuất thân trong một gia đình đã ba đời bán chè, bà ngoại, má cô rồi tới cô. Cái gánh chè của cô, có mặt đều đặn mỗi ngày trong các xóm lao động vào khoảng tám giờ tối hoặc khuya hơn. Cô hay mặc cái áo bà ba màu trắng có in mấy bông mười giờ nho nhỏ, tim tím nằm rải rác. Trên vai có lót một cái khăn màu xanh lá, giữ nhiệm vụ vừa chêm cho cây đòn gánh không khứa vào vai, vừa dùng để lau tay, lau mặt. Tính cô hiền lành, ít nói, dáng vóc mảnh mai nhưng tiếng rao rất khỏe khoắn, tràn trề sinh lực.
Có một chàng sinh viên trọ trên căn gác nhỏ để đi học và dạy kèm. Chàng là dân miền tây, con nhà nông nên chỉ thích ăn chắc mặc bền. Ngày ba bữa xơi cơm tự nấu với dưa leo chấm trứng vịt luộc dầm nước mắm. Vốn không thừa tiền và ít hảo ngọt nên về đây gần ba năm mà chẳng hề bị cái tiếng rao ấy lay động. Đối với chàng nó như cái móc thời gian, nhắc nhở chàng đứng lên vươn vai vặn người, đi tới đi lui cho giản gân, giản cốt một chút rồi ngồi xuống học tiếp. Thỉnh thoảng mùi chè thơm leo đến tận căn gác, chui vào mũi, chàng bèn hít sâu vào, nghe nhớ má thế thôi ! Chẳng hề sanh lòng thèm muốn đến độ phải cầm tiền, xách chén đi mua về ăn.
Cô gái có tiếng rao ngọt, bùi không thua cái món chè cô bán. Nó có khả năng xáo trộn tính nhịp nhàng của cái cục thịt đang đập thon thót giữa ngực của người nghe, rồi ảnh hưởng tới cái bao tử nằm gần đó. Cô khá xinh, điều nầy giải thích lý do tại sao ở cái xóm “Chợ nhỏ” nầy, đa số mấy cậu trai đều ghiền cái món chè ngọt lừ đó. Và cho dù đôi khi cô đến rất trễ, họ cũng ráng thức chờ để ngồi bên gánh chè, miệng nhai từng hột đậu, mắt liếc vào cái miệng cười rất tươi, với cái đồng điếu nhỏ xíu nằm sát khóe. Họ kéo dài thời gian cho đến khi cô sốt ruột phải nhắc khéo mới chịu đứng lên, móc túi lấy tiền ra trả.
Lại nói về chàng sinh viên kể trên. Một hôm trời khá nóng, chàng ra ban công ngồi học cho mát, nhìn vu vơ xuống đường, bỗng phát hiện cô bán chè đang ngồi dưới cột đèn. Cô đang cấm đầu vào quyển tập, trong lúc hai đứa bé gái đang ăn. Cái dáng cần cù với chiếc khăn trên vai như mảnh vá, làm chàng liên tưởng đến hình ảnh của một “Trần Minh khố chuối “. Chàng nghe lòng ngập tràn một niềm thương cảm, bèn phá bỏ cái lệ không ăn ngoài đường, hấp tấp xuống mua rồi hết sức ngượng nghịu ngồi ăn tại chỗ. Cô gái thấy thương thương cái gương mặt hiền khô, cùng bộ tịch lúng túng của vị khách mới toanh, nên bắt chuyện:
-Hình như anh mới về đây ở phải hông ?
Chàng lắc đầu:
-Tôi ở đây được ba năm rồi đó.
Nàng cười:
-Tui cũng đi qua, đi lại con hẽm nầy, hơn ba năm rồi mà mới gặp anh lần đầu.
Chàng không trả lời mà hỏi lại :
-Xin lỗi nghe ! Cô học trường nào vậy?
Nàng ngạc nhiên:
-Sao anh biết tui đi học.
Chàng trả lời bằng giọng ngại ngùng:
-Hồi nãy tôi đứng trên kia nhìn xuống thấy cô học bài.
Nàng trả lời:
-Tui học trường “Trần hưng Đạo”, anh có biết trường ấy hông ?
Chàng gật đầu:
-Biết chớ, tôi đang dạy kèm cho một nam sinh học lớp mười trường đó.
Nàng hỏi dồn:
-Anh dạy môn gì?
-Đủ hết các môn, toán hình học, đại số, lý, hóa. Dạy luôn sinh ngữ nữa.
-Bộ anh là thầy giáo hả?
-Tôi chỉ là sinh viên thôi.
Rồi chàng nói tiếp với chút ít e dè:
-Có bài nào hổng hiểu cô cứ hỏi tôi, biết tới đâu tôi chỉ tới đó, đừng có ngại nghen. Tôi ở đây nè ! Vừa nói chàng vừa đưa tay chỉ vào căn nhà trọ của mình.
Cô gái cười, chính nụ cười ấy đã làm chàng mê mẩn chớ chẳng phải chén chè của nàng. Kể từ hôm ấy chàng đã trở thành vị khách thường trực. Để ngân quỹ không thâm thủng, chàng đành hy sinh, bớt một cái trứng vịt để bù vào chén chè buổi tối. Khi biết nàng học khá giỏi thì mối thiện cảm dành cho nàng lại pha thêm một ít cảm phục. Những ngày ế ẩm, ngó thấy nồi chè chỉ vơi đến phân nửa, chàng bèn ủng hộ thêm một, hai chén làm nàng cảm động vô cùng.
Chàng ăn đều và nhiều đến độ nàng đâm ngại nên đã vài lần nhắc khéo:
-Người ta nói ăn ngọt nhiều quá dễ mắc bịnh tiểu đường lắm đó!
Chàng nói đùa:
-Vậy cô bán món khác đi !
Cái câu nói, gần như là một lời tỏ tình ấy, được buông ra một cách đột ngột làm cả hai cùng đỏ mặt.
Không biết chén chè trong tay chàng có ngày một nhiều hơn không mà thì giờ dành cho nó cứ ngày một dài thêm. Chàng ngày càng ngồi nhai lâu lơ, lâu lắc. Nàng không hề tỏ vẻ sốt ruột như đối với những người khác. Sự thân mật ấy đã làm một tên ba trợn trong xóm ngứa con mắt. Một hôm hắn rình lúc họ đang trò chuyện vui vẻ, bèn đứng trước cửa nhà kêu lớn:
-Cho một chén “đè em giữa đường” đi em!
Cô gái giận rung không thèm trả lời, hối chàng ăn lẹ vô nhà, rồi không bán tiếp mà bỏ đi te te.
Hôm sau và hai hôm sau nữa không thấy nàng ghé. Đêm kế chàng ra đầu hẽm đứng đợi rồi lò dò đi theo về tận nhà nàng. Kể từ đó chàng không làm khách ăn nữa. Đoán rằng nàng phải chịu đựng và đối phó những tên sàm sỡ, chàng cảm thấy không yên tâm. Thế là đêm nào không đi dạy kèm, chàng đón nàng ở đầu hẽm, giành xách cái xô nước cho bằng được, rồi lang thang theo nàng khắp hang cùng ngõ cụt. Để nàng không e ngại, chàng viện lý do, muốn đi bộ để tăng cường sức khỏe. Cái tính chơn chất của chàng khiến nàng yên tâm. Cái tạng rắn rỏi của chàng cũng giúp nàng thoát khỏi sự trêu ghẹo, dây dưa của những tên gà tồ khác. Buổi bán nhờ vậy kết thúc sớm hơn, tuy có mất đi một ít khách. Nàng cũng nhân lúc ấy nhờ chàng giải giùm mấy bài toán khó. Sự học nhờ vậy tiến bộ rõ rệt.
Một tuần lễ trước ngày thi, nàng nghỉ bán để ở nhà ôn bài. Mỗi ngày chàng mang đến cho nàng một bịt chè đậu đỏ. Sợ nàng không hiểu ý, chê mình chở củi về rừng nên chàng giải thích :
-Cô biết không, chè đậu đỏ bổ mà hên lắm đó ! Khi tôi học thi, má tôi nấu cho ăn hoài nên lần nào cũng đậu. Cô ráng ăn cho nhiều đặng kỳ nầy đậu "tối ưu" nghe !
Nàng nhìn chàng với tia mắt hết sức dịu dàng rồi nói bằng một giọng thật ngọt ngào:
-Chè nầy ngon lắm ! Anh ăn thử chưa ?
Ánh mắt và giọng nói của nàng giúp chàng trở nên bạo dạn. Chàng trả lời, lần đầu tiên dám xưng anh nên cái giọng rung rung:
-Anh ghiền món chè đậu đen mất rồi, nên sẽ không ăn thứ chè nào khác nữa đâu!
Kỳ thi đó nàng đậu, dù chỉ xếp hạng “bình thứ” . Chàng cũng chui trót lọt vào hai cánh cửa sổ, dành một vị trí “tối ưu” trong lòng nàng.
Đúng là “sanh nghề, tử nghiệp”. Biết bao chàng trai đã chết dưới món chè đậu đen của nàng, nên cuối cùng nàng phải bỏ mình trước món chè đậu đỏ của chàng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NT2 - Re: DẤU CHẤM HẾT
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 6 2016, 20:46
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Vài ý về "Dấu chấm hết" tìm thấy trên http://www.dactrung.com
Các Diễn Đàn › [Học Hỏi] như sau :

PhuDung -> RE: Dấu chấm hết (8/28/2007 7:08:41 PM)

./.
Hmm...không biết có phải viết như thế này không...?
...anh ở bên ni...em ở bên tê...
...đường tình...ngăn cách...bởi con đê...
...hết thấy...hết nghe...thương cũng hết...
...chờ lũ con sông lụt nẻo về...Hello Mockdio,
Dấu chấm hết
. /. phải được dùng một lần ở cuối bài "luận văn" của học trò Việt Nam "ngày xưa". Sách vở văn phạm Việt Nam dạy vậy. Dường như đây là một ký hiệu của Pháp ngữ thời xưa thì phải vì tôi có nhớ là phần cuối của bài nghe và viết chánh tả tiếng Pháp, thầy giáo báo hiệu bài viết chấm dứt bằng lời nói: Un point final - Chấm hết (./.). Không biết tôi nhớ có đúng không mà giờ tìm chữ point final trong từ điển Pháp - việt thì không thấy.

SongCon -> RE: Dấu chấm hết (8/31/2007 7:18:05 PM)

Tìm thấy được cái này ở cuối bài của ông Trương Minh Hòa đăng trên Vietnam Exodus:
công khai hoạt động theo kiểu" xanh vỏ đỏ lòng", lập lờ nữa nạc nữa mở. Tuy nhiên, cây kim dấu trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra thôi
./.

linhvang -> RE: Dấu chấm hết (8/31/2007 11:22:40 PM)

Cũng tìm thấy trong nhiều truyện ngắn của Lê Thị Nhị, như Yêu Dấu Xưa trong kho Truyện Đặc Trưng:

Có lẽ, hình ảnh Toàn già nua, tiều tụy với đôi mắt mệt mỏi, mái tóc bạc phơ, vẻ buồn vương vấn của Thủy, căn bếp chật chội cũng như bó rau muống có ngọn nhỏ xanh non sẽ theo Thúy trong suốt những tháng năm còn lại của nàng nơi xứ lạ quê người
./.
_ _ _ _ _

**** Và cũng thấy dấu
./. trên Tin Paris :

........ Điểm cần lưu ý là: sở thuế hoàn toàn bảo mật danh tánh, địa chỉ những người báo cáo kẻ gian lận, trốn thuế, đó là cái lưới an toàn giúp cho những người muốn làm sạch xã hội và cộng đồng
./.


TRƯƠNG MINH HÒA
Ngày 19.06.2016

*****************

Nhớ thời còn là học sinh Trung Học Đệ Nhất cấp: cuối bài viết chánh tả tiếng Việt,hoặc tiếng Pháp mà thiếu dấu
. /. (dấu chấm hết, point final) thì bị 1 lỗi, tức là mất 2 điểm (0 lỗi đươc 20 điểm)

Thân mến
NT2


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 6 2016, 21:22
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
THẦY KÍNH !

Cứ mỗi lần đọc bài re của thầy là mắt em lại rưng rưng. Đối với em, những bài re ấy là một niềm an ủi, khích lệ rất lớn lao, quí giá.
Em vô cùng cảm ơn, vô cùng trân trọng mối quan tâm mà thầy đã dành cho.
Cầu xin ơn trên gia hộ cho thầy luôn vui tươi và khỏe mạnh.

Học trò của thầy

Lâm thị Diệu


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: BD Re: DẤU CHẤM HẾT
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 6 2016, 03:55
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Có lẽ có đến 99% các vị U50, U60, U70, U80 và hơn nữa đều biết nguồn gốc của dấu chấm hết ./., nhưng BD vẫn muốn chia sẻ để những ai chưa biết tham khảo thêm.
BD nhớ có lần một thầy hay một cô nào đó (dường như là thầy Lê Bá Tòng?) đã nói cho lớp BD nghe là ký hiệu / (sur) trong dấu chấm hết chính là chữ f (viết tắt từ final), ban đầu viết cong cong như chữ f, về sau mới viết thành nét /.
BD rất mong được nghe ý kiến của thầy cô và các anh chị em.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MỘT GÓC BÊN TRỜI
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 6 2016, 03:17
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
MỘT GÓC BÊN TRỜI

Anh sang lại cái quán cóc ở một miền núi heo hút. Vùng nầy nhà cửa lưa thưa, đồi núi trọc bị đủ loại cây cỏ hoang dại thống trị. Con đường là vạch phân chia giữa biển và núi. Quang cảnh đẹp tuyệt vời với biển xanh, cát trắng và dãy núi tím thẵm. Đất pha nhiều sỏi cát, khô khan như làn da của một cụ già. Nó không còn màu mỡ, mất tính đàn hồi, khô queo cạn dần sức sống. Những con bò gầy trơ xương, đi lang thang mót từng ngọn cỏ. Cái quán xem ra không cần thiết ở nơi nầy. Người chủ trước của nó, chắc hẳn không lập ra vì mục đích mưu sinh, mà do một lý do nào đó.
Người khách đầu tiên của anh là một đứa bé trai ốm nhom, đen nhẻm, nhân đi tìm một con bò bị lạc, ghé quán xin nước uống. Anh múc cho nó đầy nhóc cái ca nhựa một lít. Nó uống ừng ực, đổ số nước còn dư vào cái chai nhựa rổng để đem theo. Anh làm quen rồi lâu lâu nhờ nó mua giùm thực phẩm và các thứ khác. Thằng bé nầy cũng giống anh ở chỗ, ít khi mở miệng hỏi những điều chẳng liên quan đến mình.
Từ ngày dời đến đây anh bỗng thấy mình sao giàu có quá! Sở hữu cả một vùng biển mênh mông trước mặt, mấy ngọn đồi với cơ man hoa dại sau lưng và một bầu trời lồng lộng trên đầu. Thỉnh thoảng anh bỏ mặc cái quán, cửa khóa lại theo thói quen còn sót, đi lang thang suốt cả ngày trên đồi. Anh thích các buổi sáng sau những đêm biển động. Lúc đó bờ cát như một bãi chiến trường với vô số những sinh vật bị sóng đẩy lên bờ như san hô, rong, sứa…Ngược lại với sự bề bộn đó, bầu trời trong veo như thể vừa được lau sạch mọi ngóc ngách. Biển hết sức hiền lành, im ru như đang ngủ, chắc mơ thấy lại những cơn gió dữ đêm qua, nên cau mặt và rùng mình liên tục.
Caí quán ở không xa đường lộ, nên thỉnh thoảng có một vài khách du lịch ghé ngang. Họ chụp hình mấy mỏm đá nằm chênh vênh hoặc vạt hoa tím ven đồi. Họ suýt xoa khen rồi buột miệng hỏi sao anh lại chọn cái nơi chó ăn đá, gà ăn muối nầy mà sống. Có người còn nhìn anh bằng tia mắt e dè, như đang đối mặt với một tên thảo khấu trá hình.
Một hôm có hai người, tạm gọi là vợ chồng vì một nam, một nữ. Mỗi người một chiếc xe đạp, một ba lô trên lưng. Họ ghé quán nghỉ chân, uống chung một ca trà rồi gửi xe đi bộ lên đồi. Chiều hôm ấy họ quay về với bốn nắm rau dại trong tay, mượn anh cái nồi để luộc rồi mua mấy gói mì ăn liền thả vào. Họ để nguyên trong nồi mà ăn, từ chối mấy cái chén để sẵn trên bàn. Tối đó họ xin anh cho ngủ nhờ trên nền đất trong quán. Nửa đêm, tiếng sột soạt của tấm ni lông họ dùng thay chiếu, khiến anh trằn trọc và thấy đêm dài thậm thượt.
Sáng hôm sau khi anh thức dậy họ đã bỏ đi rất sớm. Hai chiếc xe đạp vẫn còn nằm cạnh vách. Anh bỏ dỡ buổi sáng, buổi trưa rồi cả buổi chiều, buổi tối của mình. Chút thiện cảm dành cho họ khiến anh lo âu, bực bội. Anh, kẻ chạy trốn những câu hỏi vụn vặt bỗng đối mặt với một câu hỏi hết sức trầm trọng. Sự hoang mang như ngón tay vụng về, phá hỏng cái giai điệu êm đềm quen thuộc. Anh như chú cá nhởn nhơ, khi không bị vướng lưới, vẫy vùng cố thoát.
Hôm sau cũng chẳng thấy họ về. Anh nhờ thằng bé chăn bò lên đồi tìm giùm nhưng chẳng thấy tăm hơi. Khi nỗi lo lắng lên đến tột đỉnh thì họ bỗng xuất hiện. Bồi thường cho anh bằng cả một niềm vui. Họ lại mượn cái nồi để luộc rau nấu mì, tấm ni lông lại sột soạt trong đêm.
Hôm sau họ ra đi, lần nầy cởi xe đạp và đi trên đường lộ. Anh đứng nhìn theo bất chợt nhận ra, trong suốt thời gian qua họ chưa hỏi câu nào và anh cũng vậy. Đôi bạn ấy bỗng gợi lên trong anh một niềm khao khát, đốm lửa leo lét ngày xưa bỗng bùng cháy mãnh liệt. Anh bỗng nhận ra rằng thực ra anh đã rơi vào cái hố tự đào. Anh cố xa lánh con người để rồi nhận ra con người càng trở nên hết sức quí giá đối với mình. Đêm đó anh thức trắng rồi viết một lá thư, sáng ra đi gửi liền mà không nhờ thằng nhỏ.
Ít lâu sau, trong quán cái quán ấy có thêm một người nữa. Mỗi sáng khi mặt trời vừa mở mắt, cả hai cùng đi dạo trên bờ biển vắng teo, ngày nào cũng vậy. Ngoại trừ sau những đêm biển động, bởi mấy hôm đó họ dậy rất muộn !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu