Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 18:41
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271236 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: HIỂU VÀ THUỘC, HỌC VÀ HÀNH
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 6 2016, 02:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
HIỂU VÀ THUỘC, HỌC VÀ HÀNH

Cho đến hôm nay, hai từ “cải cách” vẫn còn được xài nhiều nhất trong lãnh vực giáo dục. Điều nầy chứng tỏ rằng, nền giáo dục của chúng ta vẫn còn đang bế tắc. Vẫn như một con đường ngoằn nghoèo, đi lòng vòng rồi cũng quay về điểm cũ. Tôi nghĩ như thế khi quan sát lối học của con rồi đến cháu mình.
Xã hội chúng ta từ xưa đến giờ, rất trân trọng việc học. Cái giới “sĩ” được xem là tinh hoa, rường cột của nước nhà. Cha mẹ nuôi con dù cực khổ cách mấy, cũng ráng cho đi học đến nơi đến chốn. Thầy cô, giữ một vị trí tối ưu trong việc đào tạo, đã dốc hết tâm huyết truyền lại kiến thức cho học trò. Để không phụ lòng của cha mẹ, thầy cô, những đứa học trò chúng ta đã nổ lực rất nhiều trong học tập. Chúng ta như những trang giấy trắng tinh chưa một vết mực lem, mảnh đất trinh nguyên chưa mọc lên một cọng cỏ dại. Thầy cô gieo từng hạt mầm, rồi chăm bón ráo riết bằng các phương pháp được truyền lại. Đáng lẽ phải trổ toàn hoa thơm, trái ngọt. Thế nhưng kết quả thì sao ?
Thời còn đi học và ở với má, mỗi lần xin đi đâu chơi là bị hỏi: “Học bài thuộc chưa mà đòi đi chơi ?” Tôi bèn nhắm mắt lại đọc ro ro, thế là má yên tâm, gật đầu cái rụp. Trong tập của tôi, những lời phê của thầy cô bằng mực đỏ bên lề, thường là những câu “đã thuộc” hoặc “chưa thuộc”… Thầy cô chẳng phê ”chưa hiểu” hay “đã hiểu”… Bởi khảo sát bằng cách bắt trả bài, chỉ có thể đưa ra cái kết luận như vậy mà thôi.
Ngay từ thời chúng tôi, giữa những năm sáu mươi, bảy mươi, cách học nầy đã bị thầy cô chỉ trích gay gắt. Thầy cô rất khổ tâm, nhưng lại bế tắc trong cách giải quyết. Cái lối học thụ động ấy đã mọc rễ quá sâu. Nó như cây cổ thụ nằm chình ình giữa lộ chẳng thể nhổ bật lên, và con đường dẫn đến tri thức đến giờ vẫn chưa thông thoáng.
Khi cầm cái bằng tú tài trên tay, tôi cứ ngỡ mình đã hóa rồng. Thế rồi bàng hoàng khi biết mình vẫn là con cá nhỏ bé bơi trong cái ao cạn xợt. Bây giờ kiểm điểm lại mới thấy hình như cái môn được tôi hấp thu, áp dụng hữu hiệu nhất trong cuộc sống chỉ là môn “nữ công”. Những môn học khác, đa số đều vẫn nằm lại trong quyển tập chớ chưa chịu đồng hành, cùng đi vào cuộc sống. Bởi tất cả đều dừng lại ở mức thuộc, chưa tiến đến phạm vi hiểu, thì nói gì đến thực hành. Ngay cả cái môn ngoại ngữ, khi đi thi đạt 19/20, vậy mà đọc một bài báo bằng thứ tiếng đó, vẫn không hiểu gì hết. Đó lại là cái môn hầu như chủ yếu chỉ cần cái miệng đọc, cái tay viết. Nó chẳng cần dụng cụ tinh vi gì ráo mà còn như vậy huống hồ những môn khác. Lòng bỗng hết sức bùi ngùi khi cảm thấy công sức cha mẹ, thầy cô bỏ ra trở nên uổng phí, cảm thấy tiếc cho cha mẹ, thầy cô hết sức !
Một lần đứa cháu hỏi tôi về những vị vua của nhà Nguyễn. Tôi ú ớ như ngậm hột thị, chỉ dám nói chắc khởi đầu là vua Gia Long và chấm dứt là Bảo Đại. Những vị vua còn lại thì nhớ lộn xộn, chẳng có thứ tự gì hết. Môn đia lý cũng thế, những địa danh nằm trên quốc gia nhỏ bé của mình, bị tôi dời chỗ lung tung. Chỉ có cái ải Nam Quan và mũi Cà Mau là đứng yên thôi. Tiện đây xin nói, mũi Cà Mau thì tôi vừa biết còn ải Nam Quan thì chỉ nằm trong tưởng tượng. Khi đứng ngay dưới cái cột mốc cuối cùng của lãnh thổ VIỆT NAM, trong lòng bỗng nãy sinh một cảm giác nao nao. Tôi tự hỏi nếu không học và biết đây là điểm cuối cùng của đất nước, liệu mình có xúc động như thế nầy không ?
Khi nhà trường niêm yết kết quả thi tú tài phổ thông niên khóa 73-74, thầy Đấu và thầy Khương, hai vị thầy quí kính, dạy môn Lý Hóa cho tôi vô cùng hãnh diện. Tôi là đứa học trò duy nhất của hai thầy đạt điềm tối đa 20/20 môn đó. Học thì như thế, như thế… mà tôi đâu có áp dụng được chút nào ! Mớ kiến thức tôi thu nạp được như những viên gạch rời rạc, thiếu sự hiểu biết tựa như thiếu xi măng nên chẳng thể xây nên thứ gì. Tất cả các trục trặc về điện trong nhà đều nhờ ông thợ điện quen giải quyết. Thấy ông thao tác thành thục, cái gì cũng biết, vừa làm vừa giải thích cặn kẽ, tôi phục lăn. Càng khâm phục hơn, khi tận mắt thấy ổng chế biến tại chỗ những phụ tùng để thay thế mấy món mà cửa hàng không có sẵn. Tôi chắc mẫm ổng phải có vài cái bằng lộn lưng, chừng hỏi thăm mới biết ổng học chỉ tới lớp ba thôi!
Những năm tám mươi, nhiều con đường được làm thêm, mở rộng. Ai mà nằm trong diện dời nhà là lo sốt vó. Nhà tre nhà lá thì dễ thôi, chỉ chịu khó tháo ra ráp lại. Gia chủ của những ngôi nhà xây kiên cố thì lo rầu đến mất ăn, mất ngủ. Vị cứu tinh của họ là một người, được bà con phong cho danh hiệu “thần đèn”. Ông “thần đèn” Cẩm Lũy nầy tuy học rất ít nhưng đã nghĩ ra cách dời nhà hết sức hiệu quả. Các căn nhà được ông ta bứng lên rồi đem tới chỗ mới trồng lại một cách êm ru.
Hai nhân vật điển hình trên làm cho tôi tủi thân hết sức ! Để tự an ủi tôi bèn đổ thừa, tại cái nền giáo dục lạc hậu đã khiến một con dao được làm từ thép tốt cũng như ai của tôi, bị mài không đúng cách nên cùn nhụt chẳng làm nên trò, nên trống. Nếu mấy ổng cũng bị một giòng sông chữ nghĩa cuốn đi, chưa chắc những sáng kiến ấy không bị nhấn chìm tận đáy.
Con sông ấy ngày nay dòng chảy lại càng dữ dội. Học sinh đứa thì bơi bán sống, bán chết. Đứa đuối quá thả nổi, hoặc cho chìm luôn chớ chẳng thèm động đậy. Ngoài mấy cái nút thắt thâm căn cố đế, còn nãy sinh ra rất nhiều vấn đề khác nữa. Tất cả các trường tư và công hiện nay đều cố tạo ra tiếng tăm cho riêng trường họ. Nhồi nhét kiến thức cho một vài trò, chăm sóc chúng như những con ngựa đua để giành giải thưởng, nhầm mục đích trục lợi nhiều hơn bồi đắp tài năng. Nền giáo dục trả lại cho xã hội đa số là những sản phẩm méo mó, xộc xệch. Chúng được xài thí mạng rồi hư tới đâu sửa tới đó !
Tối tối nhìn đứa cháu gò lưng học bài, lập đi lập lại hoài một câu, rồi nhờ dò bài y như mình của bốn, năm chục năm về trước, tôi bỗng nghe buồn hết biết ! Tự hỏi không hiểu sau nầy cháu có thất vọng như mình hiện giờ, bởi cái học dưới con mắt của tôi chẳng có gì thay đổi. Chỉ có những dụng cụ trợ giúp trong học tập ngày càng phong phú hơn mà thôi. Chúng ta đang hy vọng, rằng tấm bảng thông minh sẽ mang lại hiệu quả hơn bảng gỗ ngày xưa, nền giáo dục sẽ hoàn thiện nhờ nó. Gía mà được như vậy !
Chính cái lối học như được nớm ăn, cho bú ấy đã hình thành cái tính lười suy nghĩ, nhắm mắt đi theo lối mòn, sinh ra cả một thế hệ mập mờ thiếu sắc.
Ngày nay mọi cánh cửa đều rộng mở, ta có thể vay mượn những nền giáo dục tối ưu khác, mỗi nơi một món để cải thiện ngôi nhà của mình, thế mà cũng không làm được, thử hỏi tại làm sao?
Hiện nay sinh viên Việt Nam đi du học khá nhiều. Số người thật sự có tài, có khả năng vận dụng sự học, những thành phần ưu tú, ít có ai trở về phục vụ cho đất nước. Không phải tất cả bọn họ đều thiếu cái tâm. Vài người ôm về cả một bầu nhiệt huyết sôi sùng sục, thế rồi cứ nguội dần, nguội dần, có khi bị đóng băng luôn.
Tôi tự hỏi, cái sự “cãi” rồi “cách” hoài hoài nầy, là do những người "lớn" làm công tác giáo dục của chúng ta thiếu cái tâm hay thiếu cái tài ? Hổng chừng họ thiếu cả hai !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 6 2016, 22:53
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 62
Sinh nhật: 28-03-1962
Ngày tham gia: 29 Tháng 5 2010, 02:19
Bài viết: 136
Quốc gia: Vietnam (vn)
Kính thưa bà chị.
Giáo dục VN ngày nay càng cải cách, càng rối hung. Lý do; vẫn còn những cái đầu rất bảo thủ, không chịu học hỏi những cái hay người ta đã thành công mấy chục năm nay (chắc tại bệnh "sĩ" và nếu bắt chước i sì thì làm sao ăn tiền "dự án" được). Nội cái phương châm giáo dục đền nay còn chưa có. Phương châm giáo dục ngày xưa rất hay "Nhân bản, dân tộc và khai phóng".
Bài viết của chị đã nói lên căn bệnh trầm kha của GD VN (lý thuyết suông). Kết nhứt đoạn: "Hiện nay sinh viên Việt Nam đi du học khá nhiều. Số người thật sự có tài, có khả năng vận dụng sự học, những thành phần ưu tú, ít có ai trở về phục vụ cho đất nước. Không phải tất cả bọn họ đều thiếu cái tâm. Vài người ôm về cả một bầu nhiệt huyết sôi sùng sục, thế rồi cứ nguội dần, nguội dần, có khi bị đóng băng luôn." Quả đúng như vậy!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 6 2016, 02:59
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cám ơn em đã đồng cảm.
Không biết cho đến ngày đi "bán muối", mình có được hưởng cái niềm vui là nền GD của nước nhà đã chấn hưng hông hả em ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XIN LỖI TÔ TÔ !
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 7 2016, 02:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
XIN LỖI TÔ TÔ !

Ông là cư dân đầu tiên của khu quy hoạch nầy. Nơi đây thuộc ngoại ô Sài Gòn, xưa là một vùng trũng với rất nhiều kinh rạch. Khi cơn sốt đất dâng cao tới mức động kinh, Sài gòn co giật toàn thân. Những vùng ven, nơi đất lâu nay ngủ yên bỗng bừng tỉnh. Nhà bắt đầu mọc lên giành chỗ của bọn bình bát, cỏ tranh, rau muống, rau ngổ, bông sen, bông súng …
Miếng đất cỡ ba mẫu tây nầy chỉ có mỗi căn nhà của ông. Ở một mình nên ông không cất theo kiểu mẫu qui định là một trệt hai lầu. Ông xây một bức tường gạch kiên cố, không tô xi măng mà trồng dây thằn lằn bao quanh làm áo. Căn nhà nhỏ xíu với cái nóc được ông lợp ngói để dây mướp, thiên lý có thể bò lên. Nó nằm gần con kinh, cách xa đường lộ hơn một cây số.
Về nơi ở mới, ông tưởng như mình đã lột xác để trở thành một con người khác. Sáng sáng ông dậy sớm, thể dục bằng cách đạp xe vài cây số, dọc theo con đường lộ lớn đi về hướng miền quê. Trên đường về ông ghé cái quán cóc bên đường, ăn một dĩa bánh khọt, bánh tầm, hoặc tô bánh canh… Nếu thấy ngon ông mua thêm một bịt mang về để trưa khỏi nấu.
Một hôm đang ngồi húp tô cháo lòng, ông nghe bà chủ quán sai đứa cháu đem bỏ mấy con chó con vừa mở mắt. Ông bèn xin lại con chó đực lông đen như tóc, có vẻ to khỏe nhất, đem về nuôi cho có bầu có bạn. Tối hôm đó, con chó nhỏ nhớ mẹ suốt đêm rên rỉ. Chịu không thấu, ông bèn đem gửi lại để nó được bú mẹ thêm, ít lâu sau mới rước về.
Từ đó ông và Tô Tô, tên con chó, đi đâu cũng có nhau. Sáng ông cho nó nằm trên cái giỏ trước xe, cùng đi dạo rồi ghé cái quán cũ. Trong khi hai mẹ con Tô Tô thủ thỉ, ông trò chuyện với bà chủ quán. Bà thường khen ông khéo tay nuôi chó và hay dạy ông cách ngăn ngừa dán, chuột. Bà chủ quán ra vẻ hài lòng vì có thêm một thực khách, bởi điểm tâm món gì ông cũng mua một phần y hệt cho Tô Tô. Ông luôn dặn dò đừng bỏ tiêu, bỏ ớt vào cái tô của nó.
Khi Tô Tô được gần một năm, ông không đạp xe đi dạo buổi sáng nữa vì con đường cái ngày càng đông đúc, xe tải chạy ầm ầm làm ông phát ngán. Ông cùng Tô Tô loanh quanh trong khu đất. Tô Tô nhớ mẹ, thỉnh thoảng chạy ào ra đường, ông vừa đuổi theo vừa gọi giựt ngược cho nó quay trở lại.
Bây giờ Tô Tô đã trở thành một chàng trai, khỏe, đẹp, có giáo dục hẳn hoi. Tô Tô biết nồ mấy con chuột cho chúng chạy xa, biết xách dép cho ông mang trước khi ra vườn, cũng biết ghiền cà phê như chủ nữa. Cuộc sống của những kẻ độc thân trôi qua rất êm đềm, hai con tim đêm đêm ngủ yên không thèm trăn trở.
Buổi chiều kia khi đi dạo, ông phát hiện một chòi lá mọc lên phía gần con lộ. Người ta đang cúng động thổ trên miếng đất đối diện. Toán người gồm chừng một chục đàn ông và hai, ba phụ nữ. Họ đều là công nhân xây dựng. Vốn không thích ồn ào, ông không dắt Tô Tô về hướng đó nữa mà đi dọc theo con kinh. Ông đi sớm hơn vào buổi sáng để né những chiếc xe chở vật liệu, cùng tiếng búa máy đóng cọc khủng bố hai cái lỗ tai. Những chuyến đi bộ vào buổi chiều của ông cũng trễ hơn, thường bắt đầu khi những người thợ đã dừng tay và trời đang gom gần hết nắng lại.
Sáng hôm ấy cả hai đang đi tà tà, bỗng Tô Tô cắm đầu chạy một mạch ra đường. Mặc tình ông réo om sòm nó chẳng thèm quay đầu nhìn lại. Ông vừa chạy theo vừa thở hổn hển. Giận cành hông khi thấy chàng ta đang đứng trước căn nhà của những người thợ hồ, nhìn đắm đuối vào một cô nàng có bộ lông trắng muốt. Tô Tô chỉ chịu quay về khi thấy ông cúi xuống lượm một nhánh cây. Ông lầm bầm :
-Đồ cái thứ mê gái !
Vừa về nhà Tô Tô liền túc trực cạnh cổng. Nó rình suốt ngày, hễ cửa vừa mở là chạy vù ra khỏi nhà. Cái cảnh ông tay xách cây, miệng hăm dọa cứ xãy ra liên tục. Một ngày có đến mấy lần phải đi tìm nó. Mỗi buổi đi dạo nó đều chạy theo hướng ngược lại, làm ông phải lúp xúp đuổi theo mà trong lòng vô cùng bực bội. Cuối cùng ông bèn sắm một sợi dây lòi tói, trước khi ra khỏi nhà là xích nó lại. Những buổi đi dạo kết thúc sớm hơn trước vì ông chỉ đi một mình.
Tô tô phản đối bằng cách bỏ ăn, không thèm đụng tới cả cái món cà phê ưa thích nữa. Suốt ngày nó nằm sát đất, đưa mắt nhìn qua chân cánh cổng, thờ ơ với những cái vuốt ve và tia nhìn âu yếm của ông.
Sáng hôm ấy, Tô Tô đang nằm đúng vị trí với cái dáng rầu rỉ quen thuộc, chợt lồng lên nhảy tưng tưng. Nó chồm lên cánh cổng, đứng trên hai chân sau, hai chân trước quào liên tục vào mấy song sắt. Tiếng sủa dồn dập của nó làm ông đang ở trong bếp, lật đật chân không chạy vội ra. Bên kia cánh cổng, con chó trắng đang ghé mắt nhìn vào, thấy dáng ông nó đứng lùi xa một chút. Tô Tô quay lại nhìn ông, đôi mắt nó chan chứa một lời cầu xin thầm lặng. Ông không chịu được bèn mở bung cánh cổng. Tô Tô vọt ra với tốc độ tên lửa, đuổi theo con chó cái. Chạy một đổi chúng dừng lại, quay đầu nhìn rồi chạm mũi vào nhau. Tô Tô liếm khắp mặt của con chó trắng. Con chó kia rung rẩy toàn thân, ngước hẳn đầu lên cho Tô Tô liếm dài theo cổ. Nó cũng đáp lại, liếm nhè nhẹ lên má, lên mắt, lên tai của Tô Tô, chắc nói nho nhỏ câu gì nên hai đứa cùng tháo chạy. Chúng không chạy ra căn nhà của những người thợ, không chạy về nhà ông mà rẽ vào một nơi ... Chúng dừng chân trên một tấm thảm dầy bện bằng cỏ chỉ, cỏ đuôi chồn, cỏ may, cây mắc cỡ, rau bợ, rau trai...
Hai con chó bày tỏ sự phấn khích của chúng bằng cách cùng lăn trên cỏ, cọ sườn, gác mõm lên nhau. Đang nằm lim dim chúng bỗng bật dậy, chạy như điên một vòng rồi lại cùng nằm xuống. Chúng âu yếm nhau quá nồng nàn làm mấy bụi trinh nữ bên cạnh mắc cở quá ! Cả bọn đều nhắm tịt mắt lại.
Bộ tịch si cuồng của Tô Tô làm ông cảm động. Ông nghĩ một cách hóm hỉnh, nếu cái con chó trắng kia đòi nó phải nhảy vào chiếc xe tải đang phóng vù vù trên đường, chắc nó cũng làm theo. Ông hối hận đầy mình, chợt nhận ra, trong mấy ngày qua, đã trở thành cái con người mà cho đến bây giờ ông vẫn còn căm ghét : Người đã thẳng chân giậm nát mối tình đầu trong trắng của ông. Ông buột miệng:
-Xin lỗi mầy nghe Tô Tô !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CÁI CỐI GIÃ GẠO CỦA NGOẠI
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 7 2016, 03:42
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CÁI CỐI GIÃ GẠO CỦA NGOẠI

Cái cối nằm ngoài sân cạnh cầu thang, nơi lỏm vô của căn nhà cầu có không vách. Từ khi tôi biết nhớ cho đến ngày xa quê, khoảng hai mươi năm, cái cối vẫn ở yên một chỗ. Đó là vị trí lý tưởng, được cả cây me cổ thụ và cây vú sữa che mưa, che nắng. Nhưng có lẽ cái lý do khiến nó bất di bất dịch, phần lớn vì nó hết sức nặng, cho dù được làm từ cây.
Tôi nghe ngoại kể rằng, ngày xưa khi ông của ông đặt chân đến đây, quê tôi hãy còn hoang sơ lắm ! Trong lúc đào đất để làm đìa chứa nước tưới ruộng và giữ chân mấy con cá khi mùa lũ qua đi. Ông cố đã phát hiện một khúc cây hết sức to, đen thui, cứng như đá, được chôn sâu dưới mấy thước đất. Hầu như phải gom hết nhân lực và vật lực của cả xóm mới đưa được nó về nhà. Một người thợ cối, được ông mời về để biến nó thành cối giã gạo. Công việc đó kéo dài cho đến nổi, cung cấp đủ thời gian cho anh thợ cối và cô con gái út của ông cố thương nhau. Người thợ ấy sau nầy đã thành con rể của ông.
Cối rất to, cao khoảng bảy, tám tấc. Chỉ làm từ một khúc gỗ duy nhất. Cái lỗ hỏm tròn quay trong cối có đường kính khoảng bốn tấc, chứa hơn hai chục lít. Vành bao quanh dày hơn hai tấc, với bốn góc được đẻo vuông vức. Ở nơi hai cạnh gặp nhau tạo thành một góc vuông, cách miệng cối chừng hai tấc, bị khoét sâu vào khoảng năm phân, tạo cho phần chân có hình trụ. Phải chăng dạng cối theo cái kiểu dưới tròn trên vuông ấy, thể hiện lòng mong cầu mọi sự đều được vuông tròn, bền bỉ, như trời, như đất?
Cái cối giã gạo của ngoại, cực gấp đôi người bạn láng giềng của nó là cái cối xây bột. Ngày nào nó cũng bị rêm mình bởi bà con trong xóm, người đang giã gạo, người chờ quết chuối. Cái cối có thể chịu đựng được những nhát chày liên tục, nên ngoại đẻo tới ba, bốn cái chày. Người ta có thể giã một mình hoặc cùng hai ba người nữa. Một trong những kỷ niệm êm đềm nhất của tôi, là cảnh giã gạo trong những đêm rằm: Tiếng chày nện trong cối, gõ trên miệng của những nhịp chày đôi, chày ba; Tiếng cười nói của người lớn; Tiếng chân dồn dập, tiếng kêu ré lên của những đứa trẻ rượt bắt nhau trong các trò chơi… Tạo thành một chuổi các âm trầm, bổng, nhịp nhàng, khiến bầu không khí trở nên vui tươi, ấm áp .
Cái cối ấy cũng bị chi phối bởi những biến chuyển của xã hội, cũng có những tao ngộ và chia ly, cũng có những mùa đi qua đời nó.
Thoạt đầu thức ăn của nó chỉ là lúa gạo, nhưng theo thời cuộc, đã được thêm vào những món khác và thay đổi dần.
Vào thời của ngoại, chưa có nhà máy xay. Lúa được chế biến thành gạo trong cái cối xay hình chữ thập, quay bằng tay.
Cối xay gồm có hai phần, đặt chồng lên nhau. Hai thân cối đều có hình trụ, thân dưới cao khoảng sáu, bảy tấc, thân trên ngắn hơn, chúng đều được những nan tre vót mỏng bao quanh. Tay cối được gắn vào thân trên, gọi là tay vì nó khiến cho cái cối có dáng của một người đứng dang tay. Ở mỗi cánh tay có khoét một lỗ nhỏ, vừa đủ để cái mỏ của giàn xay hình chữ T móc vào. Bên trong, những nan tre được xếp đồng tâm như mấy cây căm trên bánh xe. Khoảng cách từ hai nan tre rất nhỏ, được đổ đất sét vào để lấp kín. Ở mặt tiếp xúc giữa hai thân cối, những nan tre hơi nhô lên chưa tới một ly.
Lúa được trút vào cái miệng hình phểu của thân trên, nhờ lực quay nó bị lùa xuống rồi rải đều lên mặt cối phia dưới. Những nan tre hơi nhô lên trên cả hai mặt sẽ chà xát vào hột lúa làm nó tróc vỏ. Lúa ngoan ngoản cởi bỏ cái áo màu vàng mặc bên ngoài, nhưng vẫn còn giữ rịt chiếc áo lót bằng cám bao quanh. Nhiều hột còn mắc cỡ, nhứt định không chịu cởi. Tất cả bọn chúng được cho vào cối, giã cho đến khi chỉ còn lại một thân hình trần trụi.
Đến thời của má, quê tôi đã có nhà máy xay lúa. Lâu lâu má và tôi lại khiêng một bao lúa xuống bến sông. Tôi ngồi trên bao lúa, chờ chiếc tàu của nhà máy Nhan Đồng hú còi, ngoắc cho nó ghé vào rồi đi theo để lấy gạo đem về. Gạo được xây miễn phí nếu chúng tôi để cám lại cho nhà máy. Nhà nào có nuôi heo, đem cám về thì phải trả tiền.
Cái cối tưởng đâu bị nhà máy cho ra rìa được ngồi chơi xơi nước, ngờ đâu lại bận bịu hơn. Má tôi bắt đầu làm nghề nhuộm hàng nên nó lại được dùng để quết mặc nưa. Thức ăn của nó bấy giờ là những trái mặc nưa có màu xanh ngắt như cẩm thạch, tròn và chỉ to như viên bi. Chất nhựa màu vàng của nó, vừa ra gió là đổi thành đen thùi lùi liền. Mủ mặc nưa hòa với nước thành một loại thuốc nhuộm độc đáo, giúp quê tôi làm nên lãnh MỸ A TÂN CHÂU nức tiếng. Cái cối lúc bấy giờ thay vì ăn gạo đỏ, gạo trắng, lại ăn ròng trái mặc nưa, đắng nghét, đen thùi.
Mùa lãnh Mỹ A rồi cũng qua đi. Cối lại trở về với món ăn thường trực của mình, đó là cây chuối.
Ở xóm tôi, hầu như nhà nào cũng có nuôi một, hoặc hai con heo. Bà ngoại tôi đã góp công rất lớn trong việc xây nhà, tạo ruộng nhờ cái tài nuôi heo nái của mình. Thức ăn chủ yếu của mấy con ủn ỉn, phân nửa là cám và cháo gạo lức, phân nửa là cây chuối. Điều nầy cũng góp phần giải thích, tại làm sao cây chuối chiếm chỗ nhiều nhất trong những ngôi vườn của xóm tôi.
Chuối sau khi đã trổ buồng thì tuổi thọ cũng hết. Khi buồng chuối không còn đậu trái nữa, người ta cắt cái mà người bắc gọi là “hoa chuối”, còn người nam gọi là “bắp chuối” đi.( Cái bắp chuối ấy được trộn gỏi, nấu canh chua hoặc ăn sống. Ngoài ngon miệng nó còn giúp làm tan sỏi thận, nhứt là ở loại chuối hột). Khi những trái chuối sắp chín, buồng chuối được tách ra khỏi thân cây. Những cây chuối chỉ cho trái một lần trong đời, nên sau khi buồng chuối được lấy xuống rồi nó liền bị đốn bỏ (phủ phàng quá !). Để nó khỏi tủi thân bà con vác về, tháo bỏ mấy lớp bẹ gìa héo bên ngoài, xắt lát thật mỏng rồi đem bỏ vô cối quết thật nhuyễn ủ cho heo ăn.
Muốn xắt chuối bà con cần có hai dụng cụ : Dao dâu và cây liếc.
Dao dâu lớn gấp ba, bốn, năm lần cây dao yếm làm cá. Bề rộng khoảng một tấc còn bề dài gấp năm, sáu lần bề rộng. Cái cán của nó rất dài để có thể tựa lên đùi của người sử dụng. Cây liếc dài chừng năm tấc, mặt cắt hình chữ nhật, chỉ đủ cầm vừa gọn trong tay, làm bằng loại gỗ xốp (tôi đoán là từ cây gòn, không biết có đúng không). Cây liếc nầy có công dụng lấy đi nhựa và tơ chuối bám trên lưỡi dao để giúp dao bén trở lại. Những lát chuối mỏng như ren với cái lõi ở giữa, tròn xoe như miếng bánh phồng tôm chưa chiên. Tụi con nít chúng tôi ngày đó, hay gom những cái lỏi ấy lại, giả làm tiền xu để mua mấy cái bánh làm bằng đất. Chuối sau khi xắt xong được cho vào cối, quết thật nhuyễn rồi đem ngâm.
Sau lưng mỗi căn nhà đều có cái giạt tre kê trên bốn cây cột cao cở bảy, tám tấc để làm chỗ rửa chén, gọi là sàn nước. Cạnh cái sàn nước có hai, ba, bốn cái lu và một nhánh tre cắm bên cạnh. Ở mút đầu nhánh tre có máng cái gáo dừa với cán rất dài để có thể múc mà không cần khom người, khi nước cạn gần sát đáy lu. Cái lu lớn nhất đựng nước để nấu ăn, rửa chén. Cái lu nhỏ hơn dùng để ủ chuối (chuối giã nhuyễn xong cho vào đó, nước vo gạo sẽ được chắt vào khiến nó lên men, giúp mấy con heo tiêu hóa tốt). Cái lu nhỏ hơn nữa đựng xác mắm ( xương cá còn lại sau khi đem mắm đi nấu. Thịt đã rã thành nước mắm ), đây là món ăn mà mấy con ột khoái nhất. Những người tiết kiệm như ngoại, còn để dành lớp bột cá, cùng nước giặt đầu tiên của cái bao bồng bột lượt mắm lại cho heo ăn, trong một cái lu nhỏ hơn nữa.
Nghề chăn nuôi gia súc bây giờ phần lớn đã đi vào công nghệ. Bà con trong xóm không nuôi heo nữa. Bên lề đường, cái chõng tre ngày nào đã bị dẹp, mấy gốc gòn cũng bị san bằng. Không còn những đứa bé gái vừa ngồi thắt dây thun trên đó vừa lắng tai nghe ngóng. Hễ tiếng kèn bóp tay, tiếng rao của người thiến heo, bán heo con hay lái heo vang đến, là nhảy phóc xuống, chạy ra chặn chiếc xe đạp của ông ta lại liền. Rồi đâm đầu chạy u ra hè gọi má inh ỏi như tôi ngày xưa nữa .
Cuộc gặp gỡ đột ngột sau mấy mươi năm bặt vô âm tính làm tôi không khỏi bùi ngùi. Cái cối già nua đã làm xong phận sự. Nó không còn ở chỗ cũ nữa mà lùi vào nơi xa xăm nhất của khu vườn. Cái dáng vững chải ngày xưa bây giờ đã tiều tụy lắm ! Trên mặt cối đã có những vết rạn do những nhịp chày bỏ lại. Trong cái bụng tròn vo của nó, nước đã lên rêu và mấy chục con lăng quăng đang bơi thi trong đó. Xác lá, bụi, đất …đọng một lớp dầy dưới đáy nhưng nước lại trong veo. Tôi đặt thật nhẹ bàn tay vào để không làm cặn vấy lên, nước lạnh ngắt như một linh hồn cô quạnh ! Những hình bóng ngày xưa đã vĩnh viễn từ bỏ nó. Từ lâu rồi, nó không còn được cho ăn dù chỉ một mảnh vụn. Con trăng, khi chịu khó vén những tàu lá chuối, lá tre, ghé thăm, có khiến lòng nó ngậm ngùi khi nhớ đến các bữa tiệc thịnh soạn của những mùa trăng cũ ?
Bàn tay rút lên cùng một lúc với hai giọt nước trên má tôi rơi xuống. Cái cối hoàn toàn bị quên lãng ấy giật mình. Những con lăng quăng bỏ chạy loạn xạ, một vài con còn va vào nhau. Giây phút xao động ấy cũng từ từ trôi qua, mặt nước lại bình lặng, bầy lăng quăng trở về công việc bình thường. Cái cối lại chìm trong giấc cô miên.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CÚ NGÃ
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 7 2016, 02:08
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CÚ NGÃ

-Lăng, nắm dây cho chắc nghe, để chị kéo !
Thùy Anh, cô cháu ngoại mười tuổi vừa nói vừa trao sợi dây cho Lăng, đứa cháu nội ba tuổi của tôi. Lăng đang nằm sấp, xem hình trong quyển sách dạy tô màu, vội buông xuống rồi cầm dây bằng cả hai tay. Thùy Anh kéo nó khắp phòng. Lăng cười toe, vẻ mặt sung sướng như ăn thịt nướng làm Ni, chị của nó, bắt thèm nên năn nỉ:
-Chị Thùy Anh, kéo em đi.
Thùy Anh chưa kịp gật đầu, sự chấp thuận vừa hiện lên mắt là Ni nhận ra liền. Nó lật đật nằm úp bụng xuống sàn, giựt sợi dây từ tay đứa em. Thùy Anh bậm môi, gồng mình kéo, con cá sấu mắc cạn Ni vẫn không nhúc nhích. Cái mặt tiu nghĩu của chúng làm tôi chạnh lòng nên ra tay nghĩa hiệp:
-Thùy Anh đưa dây đây, ngoại kéo cho.
Thùy Anh, một cây phát minh ra các trò chơi, vội chụp lấy cơ hội :
-Vậy thì ngoại kéo con, Ni nắm chưn con, Lăng nắm chưn Ni. Mình chơi tàu hỏa đi ngoại.
Hai đứa kia đều tán thành sáng kiến của Thùy Anh. Cả ba nhảy tưng tưng, hớn hở như sắp đi ăn phở. Tôi làm sao có thể tước mất niềm vui của chúng ?
Từ con cá sấu nãy sinh ra chiếc tàu, trọng lượng tăng gấp mấy lần. Hy vọng là gạch trơn, ma sát triệt tiêu, kéo ro ro.
Tập trung toàn bộ sức lực vào hai cánh tay, tôi bậm môi mà kéo. Chiếc tàu hỏa không hề nhúc nhích. Con dâu và con gái ngồi xem, vừa cười vừa vỗ tay khích lệ :
-Cố lên ! Cố lên ! Cố lên !
Tôi gồng mình, vận một trăm lẻ một thành công lực, quyết kéo cho bằng được… Thế rồi điều đó đã xãy ra… Cái điều tôi lo sợ nhất, cố tránh nó trong những thao tác bình thường, nhưng lại quên khuấy trong trò chơi chừng như vô hại nầy. Sợi dây tuột khỏi tay Thùy Anh, tôi ngã !
Ngay khi người chưa chạm đất, tất cả ý niệm cùng hình ảnh minh họa về hậu quả của cú ngã, hiện lên cùng một lúc trong đầu tôi: Cái kệ gỗ căm xe màu nâu đỏ dưới chân cửa sổ, chạy dọc theo bức tường. Tôi biết mình đang đứng gần nó. Nếu té, cổ hoặc đầu tôi có thể va vào, chấn thương sẽ rất nặng, cầu mong được chết chớ đừng bị liệt ; Buồn khi chưa thấy được sự trưởng thành của các cháu ; Nuối tiếc vì chưa kể cho hết những điều muốn kể, nói cho hết những điều muốn nói ; Ân hận vì chưa nối lại những sợi dây đã đứt ; Mắc cỡ khi nghĩ đến các con phải giải thích với mọi người rằng tôi bị thê thảm như vậy, chỉ vì chơi kéo co với mấy đứa con nít. Cầu mong chúng nói khác đi, tìm một lý do khả kính một chút (đây là điều ám ảnh nhất, và có phải vì sợ mất mặt mà tôi cố ngóc cái đầu thật cao khi té?).
Bây giờ nằm trên giường với cái hông nhức nhối và một cục u bầm tím, tôi vừa tự trách vừa cảm thấy thú vị. Không ngờ xương của mình còn khá chắc và cơ chế tự bảo vệ hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Tôi đã ngã với một tư thế rất oai: Ngẩng cao đầu ! Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chỉ trong một tíc tắc, tôi lại có được nhiều ý niệm đến vậy ! Như thể chúng đã mọc sẵn trên đầu như tóc và cú ngã như một cơn gió lốc, thổi bay cái nón và phô bày tất cả. Cũng giống như một tia chớp lóe lên trong đêm đen, thấp sáng vạn vật trong cùng một lúc. Nhờ vậy mà chỉ trong một “ sát na”, tôi “ngộ” về mình còn hơn mấy chục năm mày mò tìm kiếm.
Đôi khi tai nạn cũng có khía cạnh tích cực của nó.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGV - Re: CÚ NGÃ
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 7 2016, 09:06
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Chúc Lâm quán chủ sớm bình phục.
Ở tuổi của mình sức khỏe là quan trọng. Mỗi lần NGV leo trèo hay làm việc nặng là cứ sợ đủ thứ. Cũng vì sợ mà ít vận động rồi từ đó kéo theo đủ thứ phản ứng phụ, nhất là lên cân. Vì sợ lên cân nên ráng tập thể dục như chạy bộ. Hồi đó còn chạy bộ 9, 10 miles, bây giờ cố gắng lắm thì được 6 miles là hay lắm rồi. Nhưng khi về đến nhà là ngồi thở không ra hơi.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 7 2016, 12:17
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Mấy cái vụ này có lần em đã kể cho mọi ngừoi nghe chuyện xích du lơ gảy tay gần 2 năm trời mới hết , không thể từ chối với gương mặt cầu khẩn chơi chung nên thân già nhiều phen hú vía. Bay giờ kinh nghiệm chỉ chơi trò trốn tìm và tay nào có tay nào không thôi . Chúc tỷ chóng bình phục


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 7 2016, 14:31
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cám ơn Trần trang chủ, Nhà Quê.
Từ rày quyết chẳng bị rủ rê
Ai biểu mình già còn chơi dại
Nên giờ cái cẳng xi cà que!

:lol: :lol: :lol:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TRỢ TỬ
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 7 2016, 02:05
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
TRỢ TỬ
Những ngày nầy tôi bỗng nhớ người chị thân yêu của mình quá đỗi ! Chị tôi qua đời vì căn bệnh ung thư. Mấy tháng sau cùng, chị phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp. Tôi nhớ gương mặt tiều tụy với những nếp nhăn hằn sâu, do những thớ cơ co rút khi đau đớn. Nhớ giọng chị thì thào ngắt quảng: “Cho chị chết đi em”, mà mỗi lần nghe, tôi đau như thể bị ai đâm vào xương thịt mình rồi xát muối lên đó.
Dù biết y học đã bó tay nhưng trong tôi, hy vọng vẫn còn lóe sáng. Tôi cho rằng chị tốt và hiền đến vậy thì trời phật chẳng thể nào rẻ rúng. Chị chỉ bị thử thách thôi rồi sẽ đâu vào đấy. Chị sẽ bình phục và sống đến trăm tuổi bên tôi. Chúng tôi sẽ đi du lịch cùng nhau, nghe nhạc cùng nhau, đọc sách cùng nhau…Cho nên ngay khi vị bác sĩ đề nghị giúp chị ra đi một cách êm đềm, tôi chẳng những từ chối mà còn giận ông ấy. Tôi thà để chị đau đớn để nuôi dưỡng niềm hy vọng mỏng manh của mình…
Đó là khoảng thời gian mà mỗi lần nhớ lại, tôi như sống trong địa ngục một lần nữa. Nỗi ân hận lại kéo hết lực lượng ra mà xâm lăng, đổ đầy những khoang trống bên trong cơ thể của tôi bằng loại acid độc hại, cố giết sạch những tế bào còn lành mạnh. Tôi căm thù lòng vị kỷ, ngu dốt, thiếu can đảm, mơ mộng, và niềm tin vào luật nhân quả của mình. Tất cả bọn chúng đã khiến chị tôi sống những ngày sau cùng trong đau đớn. Lúc ấy tôi cố vịn vào những điều phi thường, vào những vị thuốc “phương ngoại” được mọi người mách bảo, vào những giấc mơ tốt đẹp có lẽ xãy ra do lòng mong mỏi của tôi. Tôi quấy nhiểu ông bà ngoại và ba tôi mỗi ngày, kêu gọi khẩn thiết sự giúp đỡ của những linh hồn quá đỗi mong manh ấy, như một đứa bé con chưa biết bơi sắp chết đuối giữa sông kêu gọi mọi người cứu vớt.
Tôi không dám thổi tắt ngọn lửa leo lét, vì hy vọng nó còn có thể cháy bùng lên một lần nữa. Tôi sợ rằng ngay khi tôi vừa chấp thuận việc trợ tử, thì xuất hiện liền một vị cứu tinh với phương thuốc thần diệu giúp chị tôi hết bịnh.
Sau ngày chị ra đi, tôi cứ liên tục nằm mơ về chị. Trong giấc mơ chị rất buồn, nhìn tôi như trách móc. Tôi thức dậy với hai má đầy nước mắt. Nhớ lại tất cả những điều chị làm vì tôi, những thứ chị đã cho tôi, vậy mà tôi chẳng thể đáp đền trong muôn một !
Giờ đây tôi đang tự hỏi: Sự chần chờ của tôi là do quá thương chị, hay thương chưa đủ để giúp chị chấm dứt cơn đau khủng khiếp ? Cái thứ tình thương vị kỷ ấy, chỉ khiến chị chịu đựng thêm đau đớn, vì chắc chắn nếu không có tôi, mọi người sẽ làm theo ý chị. Trong suốt mười chín năm lúc nào tôi cũng bị cái ý nghĩ ấy dày vò. Tôi nhận ra một điều, phải cực kỳ thương yêu, ta mới có đủ tàn nhẫn đối với chính bản thân mình, để giúp người mình thương kết thúc cuộc đời.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu