Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 14:30
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271185 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: CHỈ TẠI ÔNG TRỜI QUÁ NHANH NHẨU
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 8 2016, 02:13
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHỈ TẠI ÔNG TRỜI QUÁ NHANH NHẨU
Họ làm bạn với nhau từ hồi học lớp 12, thân còn hơn anh em ruột. Học một lớp, ngồi chung một giảng đường rồi ra trường thì cùng góp vốn mở công ty địa ốc “Tân Khoa”.
Họ hàng, bè bạn đều rất ngạc nhiên về sự gắn bó đó, bởi cho rằng nước với lửa chẳng thể nào ở chung một chỗ.
Tính ít nói, điềm đạm của Khoa khó mà hòa hợp được cái thói ba hoa, bốc đồng của Tân, nên ai cũng rất ngạc nhiên khi họ chịu đựng nhau được lâu đến vậy. Thế rồi khi người ta không còn chờ đợi một sự thay đổi nơi họ nữa, khi nó đã được chấp nhận như một điều tất yếu, thì cái chết được báo trước của cái mối quan hệ ấy đã thực sự xuất hiện: Họ cùng yêu và theo đuổi ráo riết một cô gái !
Trước ngày cưới của mình một tuần,Tân bị tống giam vì tàng trữ ma túy, chàng một mực kêu oan nhưng tang chứng rành rành. Tân bị kết tội, thọ án tù mười hai năm. Tân biết chắc đây chính là mưu kế của Khoa nhầm chiếm đoạt những gì chàng có: Công ty và cả Phương, người vợ sắp cưới của chàng. Điều nầy được khẳng định, khi ít lâu sau chàng nghe tin cả hai đã cưới nhau. Từ đó Tân liên tục bị cách ly trong căn hầm đóng kín, nơi dành cho những phạm nhân nguy hiễm. Chàng như điên, như loạn. Liên tục gây gổ, đập phá, miệng không ngớt nguyền rủa, bởi một nỗi căm hận ngút trời lúc nào cũng chiếm hết tâm trí. Chàng bị dày vò đến độ quyết định quyên sinh.
Ngay trên bờ vực cái chết một bàn tay đã giữ chàng ở lại. Đó là Khiêm, người bạn tù cùng phòng, bị oan khuất như chàng, có tuổi tù gấp đôi và tuổi đời gấp rưởi
Khiêm, trước khi ngồi tù đã là một phật tử hết sức mộ đạo. Nghịch cảnh càng làm chàng củng cố niềm tin nơi tôn giáo. Khiêm dựa vào phật pháp để đối phó với những ma lực trói buộc mình vào nỗi thống khổ. Chàng tận tụy chăm sóc , an ủi, dành cho Tân một mối quan tâm sâu sắc và cảm tình đặc biệt. Lòng tốt, tính kiên trì và đạo hạnh của Khiêm đã giúp Tân dần chuyễn biến. Tân giảm bớt thù hận, mở lòng ra và đã có được một vài nụ cười. Tân cảm phục Khiêm cho đến độ tự nhận mình học trò và tôn Khiêm làm thầy. Từ chối mãi chẳng được Khiêm đành phải chấp nhận.
Một hôm Tân nhận được bức thư của người bạn, báo tin Khoa đang bị ung thư ở giai đoạn cuối và sắp chết. Cái tin ấy đối với Tân như một liều tiên dược. Chàng cảm thấy hết sức nhẹ nhỏm, thầm cám ơn trời phật đã trừng phạt kẻ hại mình.
Khi Tân đem chuyện ấy kể cho mọi người nghe bằng một giọng hễ hả, chàng đã làm cho Khiêm hết sức phiền muộn. Khiêm cho rằng chàng vẫn còn vướng mắc vào cái ngã nhiều quá, tâm của chàng còn nặng trĩu sân si. Khiêm khuyên Tân hãy tha thứ cho bất cứ kẻ thù nào, không phải vì họ mà chỉ cốt để lòng chàng thanh thản. Để giúp Tân thực hiện điều đó, mỗi ngày Khiêm đều buộc Tân ngồi thiền với mình. Cả hai cùng tụng một bài kinh Dược sư để phù trợ cho Khoa mau khỏi bệnh.
Những lời thầy giảng dạy, những giờ thiền quán, cùng căn bệnh nặng của Khoa đã giúp Tân dần phát triển lòng trấc ẩn, thậm chí chàng đã cầu xin ơn trên phù hộ cho Khoa một cách chân thành.
Tân được giảm án vì thi hành tốt. Chia tay vị thầy, chàng hứa sẽ tuân theo lời khuyên của ông, đến gặp Khoa để trực tiếp nói lời tha thứ, với hy vọng là nhờ vậy mà Khoa sẽ hết bệnh, hoặc ra đi với lòng thanh thản.
Nhà của Khoa là một căn biệt thự ở một khu dân cư sang trọng. Phương và ba đứa con, hai trai, một gái của họ trông tràn trề hạnh phúc. Khoa, cả thể trạng lẫn tinh thần đều hết sức tương phản với những gì Tân tưởng tượng, đã tiếp chàng một cách hết sức ân cần. Gương mặt thanh thản ấy, chẳng có vẻ gì là của một người bị tội lỗi gậm nhấm lần mòn đến nỗi mang bệnh và sắp chết.
Khoa kể cho Tân nghe mình đã khỏi bệnh một cách thần kỳ như thế nào, đã điều hành công ty và gia đình ra sao, bằng cái giọng tràn trề hạnh phúc. Khoa còn cho Tân rất nhiều lời khuyên và đề nghị giúp đỡ về nhân lực, tài chánh để Tân đủ điều kiện bắt đầu một cuộc sống mới.
Phương, khi tiễn Tân ra cửa, đã nói bằng một giọng vô cùng xúc động :
-Có lẽ trời phật đã tha thứ cho những lỗi lầm mà chúng em mắc phải. Bây giờ hai vợ chồng em đều ăn chay trường, đi chùa và làm từ thiện đều đặn.
Phương nói thêm bằng giọng ngài ngại:
-Nếu gặp khó khăn anh phải đến tìm tụi em đó nghe ! Chúng em sẽ giúp anh hết lòng, hết sức .
Tân ra về với cả một tâm trạng ê chề, nghe lòng buồn và đau hơn bao giờ hết. Chàng đâm ra oán trách ông trời, cái tính hấp tấp của ông khiến chàng lâm vào tình cảnh vô cùng khốn khổ. Như thể ông đã gom hết những tảng đá nặng, nhọn mà trước đây chàng cố vứt bỏ, chất lên người chàng một lần nữa. Nếu ông cứ bắt Khoa chịu đựng bệnh tật và lương tâm cắn rức thì hay biết mấy. Tại sao ông lại tha thứ cho hắn ta quá dễ dàng như vậy? Điều đó rất bất công và quá độc ác đối với chàng. Gía ông nhường cái cơ hội đó cho chàng, để chàng có thể bắt đầu cuộc sống mới, bằng một tấm lòng cao thượng và đầy lòng nhân ái ? Thay vì ban tặng cho chàng một dòng sông tươi mát của lòng vị tha, thì với cái tật nhanh nhẩu ấy, ông đã xô chàng vào cái ao chứa đầy hắc in của sự phẩn nộ ?
Có phải chàng đã được ông tuyển dụng, nên phải chịu sự huấn luyện một cách khắc nghiệt, bị tẩy rửa hết sức rốt ráo? Đây phải chăng chính là cái cặn dưới đáy chén thuốc đắng, mà chàng phải uống để diệt hạt mầm tự mãn sắp đâm chồi ? Tân cố an ủi mình bằng cách suy luận như vậy, nhưng một nỗi tức tối cứ nhảy chồm chồm trong lòng chẳng thể nào đè nén. Tân ngữa mặt nhìn trời rít qua kẽ răng:
-Tại sao ông không thể nhường tôi ra tay trước một lần ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CHÙA THỊ KÍNH
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 8 2016, 02:47
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHÙA THỊ KÍNH
Vượt qua vàm sông rộng, Ân cho chiếc xuồng ba lá của mình cặp sát mạn phải. Một ngôi nhà lá nhỏ, đứng một mình ở cái voi nhô ra trên đầu cù lao, xuất hiện một cách bất ngờ ngay trước mặt. Con đường đất rộng độ một bước chân, dài chừng ba mươi bước, từ bờ sông dẫn vào nhà chia mảnh đất phía trước thành hai phần bằng nhau : Bên trái là những giồng khoai lang lá xanh thẫm pha sắc tím, bên phải là những luống đậu phọng có lá mang màu cẩm thạch.
Mùa nầy đậu phọng đang trổ bông. Một màu vàng rất nhẹ, rất dịu của những nụ hoa như núc áo ấy khiến mắt Chi vừa chạm đến là nghe cả người mát rượi như ngậm một muỗng kem. Có phải vì vậy mà người ta gọi nó là “màu kem” ? Chi chợt mĩm cười trước câu hỏi thầm đó. Những đóa hoa mỏng manh ấy, chen chúc nhau núp dưới lá, chỉ có những cô nàng tò mò, bạo dạn lắm mơí dám ló mặt ra nhìn lại Chi thôi !
Sát bờ sông, cái giàn cao mút đầu với bốn cẳng không đồng đều. Một cái to cỡ nửa vòng ôm vốn là thân của một cây gáo đang xanh tốt. Ba cái cẳng còn lại bằng tre, ốm nhom thẳng đơ. Lá, bông và trái chi chít trên giàn. Những trái mướp mặc áo sọc xanh đậm, những trái bầu mặc áo bông trắng đứng im ru vì trời đứng gió. Màu trắng tinh của bông bầu và màu vàng sọng của bông mướp làm nền cho nhau, khiến nhan sắc cả hai cùng được tôn lên rất nhiều, làm mấy chú bướm, chú ong phân vân chẳng biết chọn ai.
Chi, cô dâu mới, lần đầu tiên về thăm quê chồng, chợt nghe lòng dạt dào thương mến. Chẳng cưỡng lại được sự thu hút của cảnh vườn tược sông nước yên bình, tĩnh lặng nầy, nên kêu giựt ngược:
-Ghé vô, ghé vô đây một chút đi anh, căn nhà thấy thương quá !
Ân phì cười bởi tiếng “thấy thương” vợ vừa thốt. Đối với Ân, cái căn nhà nhỏ xíu mà mái đã đen thui một màu lá mục nầy, phải dùng chữ ”nghèo” mới đúng. Chàng hỏi:
-Nó cũng giống y như mấy căn nhà khác, “thấy thương “ ở cái chỗ nào ?
Chi trả lời:
-Nó nằm một mình trên cái voi đất, trông như đứa bé bị bỏ rơi, thấy thương lắm, ghé thăm nó một chút đi anh !
Ân nhìn quanh rồi gật gù ra vẻ đồng ý với sự so sánh của Chi. Chàng phóng mắt nhìn xa hơn luống rẫy trước mặt : Một hàng chuối đứng sau ngôi nhà cố vươn dài cánh tay như để gãi lưng cho nó; Mấy cây dừa ở xa hơn, có lẽ người ta sợ trái rụng làm thủng mái nhà; Một vườn rau khá lớn chiếm hết khoảng đất giữa hàng chuối và hàng dừa.
Căn nhà được bao quanh bởi những cây chuối, cây dừa, vườn rau ấy, trông như một đứa bé giữa các cha mẹ nuôi. Hoặc ngược lại, nó chính là cha mẹ chở che cho một bầy con khác giòng, khác họ. Chúng đã gắn bó với nhau biết bao đời. Người chồng trẻ bỗng dấy lên một niềm ước ao về một tổ ấm đơn sơ giữa cỏ cây hiền hậu.
Ân sinh trưởng ở nông thôn mà còn thấy lòng nao nao thì nói gì một cô gái thành thị như Chi, vốn đói khát thiên nhiên. Chi bị cái đẹp bình dị hớp hồn rồi, nên muốn đặt chân vào căn nhà ấy cho bằng được dù chỉ trong giây lát. Cô nài nỉ :
-Ghé vào cho em xem một chút đi mà !
Lòng đã xiêu nhưng Ân vẫn cự:
-Có gì đâu mà xem, trời sắp tối rồi, nước ngược bơi xuồng lâu lắm.
Chi năn nỉ:
-Một chút xíu thôi ! Em muốn…
Ân cho xuồng ghé vào cây cầu ván nhỏ. Chàng cẩn thận không để nó chạm mạnh mũi vào cọc cầu. Chi lột dép cầm tay, thận trọng đặt chân lên cây cầu trơn và ướt ấy.
Nước còn đọng ở những chỗ trũng do dấu chân để lại khắp con đường. Chủ nhà chắc vừa gánh nước tưới rẫy xong. Một đứa bé trai chừng tám chín tuổi, có cái đầu chừa ba vá, chạy ra đón hai người. Nó chấp tay lại rồi nói:
-Mô phật !
À thì ra đây là một cái chùa, cả hai ngạc nhiên hết sức ! Chi càng thích thú hơn, bởi cái việc khi không mà đi xâm xâm vô nhà người lạ thì cũng kỳ, còn đối với chùa thì bất cứ lúc nào khách thập phương cũng được nhiệt tình chào đón.
Một vị sư trên tay còn cầm cái xuổng bám đầy đất đứng trước hiên. Ông nói:
-Hai cháu vô thấp nhang đi, bác còn lỡ tay.
Cả hai ngạc nhiên vì cái cách xưng hô ấy, tự hỏi không biết đây là chùa hay là nhà ở?
Căn nhà gồm có hai gian. Gian trước được dùng làm chánh điện. Bàn thờ đóng bằng gỗ thao lao rất đơn giản, không phủ khăn, mặt nhẳn thính như gương không dính đến một hột bụi. Hai cây đèn cầy to bằng ngón chưn cái, còn hơn phân nửa, tắt ngấm được đặt ở hai đầu. Bộ tự sự bằng gỗ đen chắc được chùi thường xuyên nên lên nước bóng lưỡng. Bình bông bằng đất nung cắm ba cây bông huệ chỉ mới nở vài nụ dưới chót. Cái dĩa sành khá to đựng gọn lỏn một nải chuối lá xiêm lớn tột bực, vỏ còn xanh. Bức ảnh đen trắng của Đức phật Thích Ca được treo ngay chính giữa. Trong bối cảnh quá giản dị nầy, ngài bỗng rất gần gũi, giống như vị chủ nhà hết sức đôn hậu, hiếu khách. Chi nghĩ thầm:
-Chùa tuy nghèo nhưng được chăm sóc cẩn thận. Ít đồ đạc nhưng cái nào cũng sạch. Bông trái đơn sơ nhưng rất tươi, rất đẹp.
Đứa bé ban nãy cầm hai cây nhang châm vào ngọn đèn trứng vịt chong trên bàn thờ. Nó không lấy ống khói ra nên khói nhang bay lòng vòng trong ấy một lúc rồi mới chui ra được. Đưa cho mỗi người một cây xong, nó lật đật lấy chiếc chiếu bông còn mới trải xuống nền đất để cả hai quỳ lạy. Không có thùng phước sương như mấy chùa khác nên họ đặt tiền lên cái dĩa đựng nãi chuối.
Ở gian sau họ thấy một cái phòng nhỏ xíu có một tấm giạt tre, chiếu được cuốn lại tròn vo chắc mền mùng nằm trong đó. Sau chót là căn bếp với ba cái nồi kích cỡ khác nhau cùng một cái chảo đã gãy mất một quai.
Họ đi tuốt ra sau hè. Ân phát hiện cái mãng xanh rất rộng mà khi nãy chàng ngỡ là vườn rau ấy, là những vị thuốc nam như thuốc cứu, lá lốt, nhãn lòng, tần dầy lá, xã, gừng, cùng rất nhiều cây lạ khác. Giữa đám ngò gai, húng quế, húng cây, húng nhủi… chiếm diện tích rất khiêm nhường, một cây ớt trái sai quằn, đỏ rực nhô cao như muốn khẳng định vị trí chủ soái của mình.
Vị sư ban nãy đã rửa tay và đang ngồi đợi ở cái bàn tròn ngoài hiên, ông hỏi ngay khi thấy họ:
-Hai cháu hình như mới đến đây lần đầu hả ?
Cả hai đáp cùng một lúc :
-Dạ.
Chi hỏi tiếp liền :
-Thưa thầy, chùa mình tên gì ?
Ông khoác tay:
-Chùa cái nổi gì ! Chỗ nầy là cái cốc riêng của bác thôi, đâu có tên tuổi.
Đứa bé bưng ra một dĩa khoai lang đã nguội, củ trắng có, củ tím có. Ông mời:
-Hai cháu dùng lấy thảo.
Chi và Ân mỗi người cầm lên một củ, họ định lột vỏ thì ông cản:
-Khỏi lột, bác rữa sạch dữ lắm để ăn luôn cái vỏ cho bổ.
Khoai khá ngọt, họ vừa ăn vừa nói chuyện, hỏi thăm ông như thể đến nhà người bà con đã quen biết từ lâu lắm vậy ! Chi khen:
-Thầy lập cốc ở đây hợp quá ! Yên tĩnh, mát mẻ…Ở vùng nầy phật tử đông hông thầy ?
Thằng bé bưng khay trà ra đặt lên bàn. Ông vừa rót ra ly cho họ, vừa trả lời:
-Hai cháu uống hớp trà cho trơn cái cổ. Ở đây bà con đều theo đạo phật không hà !
Ân hỏi:
-Họ có tới đây thường hông thầy ?
Ông đáp rất khiêm tốn :
-Có, nhưng để nhờ bác trị bệnh thôi. Chỉ rằm lớn mới đông, tại mấy ngôi chùa khác đều ở xa lắm !
Chi chưa uống xong ly trà là hỏi liền:
-Trà ngon ghê, ướp bằng gì mà thơm quá vậy thầy ?
Ông chỉ tay vào bụi lá dứa mọc chen với khóm bông huệ trắng, trồng gần lu nước trước hiên, nói :
-Bác xắt lá dứa, phơi cho khô rồi nấu chung với mấy lá trà tiên, toàn là cây nhà lá vườn. Cháu có thích thì hái một mớ đem về dùng.
Chi nghe cảm thương quá ! Xem ra chùa nghèo nên ông hết sức hạn chế tiêu xài, tự trồng lấy tất cả những thứ cần thiết. Miếng đất bên hông và sau lưng chùa cũng trồng toàn khoai và đậu phọng, Chi hỏi:
-Sao chỉ trồng có hai thứ nầy, mà không xen loại khác hả thầy?
Ông đáp:
-Tụi nó dễ trồng, không cần tưới nước nhiều cũng khỏi xịt thuốc trừ sâu.
Ân ngước mắt tìm những lỗ thủng trên mái rồi hỏi:
-Nhà có bị dột hông thầy, con thấy màu lá chắc đã trên ba năm .
Ông gật đầu:
-Cũng dột bộn chỗ, chắc phải lợp lại trước mùa mưa.
Họ chào từ giã ông khi bị bầy nhóc nhen thúc giục inh ỏi. Chú bé xách bịt khoai đi sau lưng, Chi ngạc nhiên khi thấy chú đặt nó vào xuồng, bởi khi nãy nàng đâu nghe ông thầy ra lịnh. Ân giải thích:
-Chắc khi khách đến thăm, thầy hay tặng cây nhà lá vườn ăn lấy thảo. Điều nầy đã thành lệ rồi nên đâu đợi biểu.
Tới nhà người bà con thì trời đã tối. Chú Năm đang nằm lơ mơ. Cuộc viếng thăm bất ngờ của họ làm chú tỉnh ngủ. Chú lật đật đi nhúm lửa liền để nấu cơm. Bắt nồi cơm lên bếp xong, chú ra nhà sau lấy trong cái lu to ra một gáo mắm. Chờ cơm sôi vài dạo, chú chắt nước cơm ra cái tô lớn rồi đặt cái chén có con mắm cá lóc nêm sẵn tiêu, đường vào nồi cơm chưng luôn một lượt. Thấy chú cập rập, Chi nói như xin lỗi:
-Tại con cứ bắt ảnh ghé vô coi cái nhà ở đầu cù lao, nên mới về trễ.
Chú Năm hỏi:
-Nó có cái gì ngộ hông?
Ân đáp:
-Cái nhà đó không ra nhà mà cũng không ra chùa. Chỉ có hai thầy trò …
Chú Năm hớt lời:
-Thì ra là chùa Thị Kính !
Chi ngạc nhiên:
-Sao ông thầy nói nó không có tên?
Chú Năm cười hóm hỉnh:
-Người ta kêu lén sau lưng, làm sao mà ổng biết được !
Chi tò mò;
-Tại sao phải kêu lén, mà tại sao nó có cái tên đó vậy chú ?
Chú Năm cắt nghĩa:
-Thì cũng hao hao giống chuyện thị Mầu, thị Kính vậy mà! Đâu chừng bảy, tám năm trước, chú tiểu đó bị bà má ẳm tới bỏ đại trong chùa. Bà con nghe tiếng con nít khóc mới ghé vô coi. Họ thấy thằng nhỏ hao hao ông thầy. Nhứt là cái lỗ tai có một cục thịt dư giống y như ổng. Người ta đồn rần rần. Ổng rầu sẩu mình nhưng không nở đem bỏ đứa nhỏ. Chừng sau nầy ba má nó tới xin lại, ổng mới được giải oan. Tội nghiệp! Ổng trị bịnh, hốt thuốc nam làm phước đâu có nhận tiền của ai. Xóm nầy nghèo lắm, bà con không có dư để cúng dường hậu hỉ. Thằng nhỏ bây giờ đang sức lớn, ổng lại không làm ra hột gạo, sắp tới lo ăn cho nó chắc ổng mệt hết hơi !
Ân hỏi:
-Sao nó không về nhà cha mẹ mà vẫn còn ở với ổng vậy chú ?
Chú Năm chép miệng:
-Nó mến tay, mến chưn của ổng rồi. Chắc cũng có căn tu, nên hễ ở chùa là mạnh sân sẩn, mà về nhà là bịnh liệt giường, liệt chiếu. Bởi vậy họ cho nó ở với ổng luôn.
Chi hỏi tiếp:
-Chùa nghèo quá, chắc cha mẹ nó phải phụ vô thêm chớ làm sao ổng nuôi nổi nó há chú ?
Mùi cơm chín lẫn mùi mắm tỏa ra thơm phức. Chú Năm vừa nhắc nồi cơm xuống vừa trả lời:
-Nghe nói họ nghèo lắm! Làm không đủ ăn nên hồi đó mới đem con đi bỏ.
Chú mở nấp nồi cơm, dùng hai ngón cái và trỏ nhấc cái chén mắm ra, đặt lẹ vô mâm rồi chụp liền lên trái tai cho khỏi phỏng. Chú nói:
-Ăn đỡ nghe, sáng mai chú đi đặt lộp kiếm mấy con tôm càng về đãi tụi con.
Mùi mắm thơm nghi nghút làm Ân càng đói bụng, vừa hấp tấp cầm đôi đũa bếp xới cơm vừa nhắc vợ :
-Nhớ cái nồi mắm má kho mà em khen nức nở hông ? Thím Năm làm đó !
Chi chợt nhớ ra liền hỏi:
-Thím với mấy em đâu rồi chú ?
Chú Năm cười :
-Bữa nay có ghe bán thuốc Sơn Đông về biểu diễn ở xóm dưới. Mẹ con bà cháu nó kéo nhau đi xem hết rồi !
Bới đến lần thứ ba, Ân mới để ý đến chén cơm còn gần phân nửa của Chi, chàng nhìn vợ rồi hỏi :
-Sao em không lo ăn, suy nghĩ gì mà thừ người vậy ?
Chi bỗng hỏi :
-Lá lợp nhà có mắc hông anh ?
Ân ngạc nhiên:
-Chi vậy ?
Chi đáp bằng vẻ ngài ngại :
-Để coi mình có đủ tiền mua lá lợp lại cái chùa không !
Ý định đó cũng đã manh nha trong lòng Ân từ lúc nghe chú Năm giải thích về cái tên “Thị Kính”. Chàng hết sức cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của vị thầy ấy, muốn thay mặt mọi người đền đáp lại cho ông, muốn gieo hạt giống tốt lành lên mảnh đất hôn nhân còn mới tinh của họ.
Ân nhìn vợ âu yếm :
-Chắc hổng thiếu đâu em, chùa cũng nhỏ, chừng vài trăm lá là đủ. Tiền công thì khỏi tốn…
Chú Năm tiếp lời;
-Cái vụ kêu người lợp để chú lo. Bà con ở đây ham làm công quả lắm ! Tụi cháu muốn góp bao nhiêu thì góp, còn lại chú bao chót.
Rồi chú vỗ vai Ân, khen:
-Con biết chọn vợ lắm đó!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MẤT VỢ
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 8 2016, 02:06
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
MẤT VỢ
Thấy ông Ba đi xâm xâm vô quán, mắt ngó dáo dác tìm một chỗ trống, ông Sáu kêu:
-Lại đây ngồi nè !
Ông Ba đang dợm bước lui, lập tức đưa mắt nhìn về phía tiếng gọi. Ông Sáu liền quơ quơ bàn tay, ông Ba cười tươi như hoa rồi vừa tiến đến vừa phàn nàn:
-Quán đông quá ! Không có anh chắc tui …
Ông Sáu giải thích:
-Quán nầy có cái món canh chua cá bông lau với cá rô mề kho tộ rất nổi tiếng, ngày nào mà khách không nườm nượp ?
Chờ ông Ba an tọa xong, ông hỏi:
-Sao bữa nay không ăn cơm nhà mà lại ra đây?
Ông Ba trả lời bằng cái giọng rầu rĩ:
-Tui mất vợ rồi!
Ông Sáu chưng hửng, nhìn đăm đăm vào mặt ông Ba. Ngày nào ông cũng đi ngang nhà ông Ba, nếu có đám ma, một sự kiện huyên náo vào bậc nhất thì làm sao ông không nghe, không thấy, hổng lẽ, hổng lẽ ??? Ông nhìn ông Ba bằng con mắt vừa tò mò vừa thương hại.
Nhà ông Ba ở đầu hẽm, nhà ông ở mút trong sâu. Thỉnh thoảng hai ông gặp nhau nơi quán cà phê cây trứng cá của cô Năm Ngọt, chào hỏi, trò chuyện qua loa, bạn xã giao chớ không thân mật lắm. Nghe ông Ba than thở như muốn tâm sự, ông Sáu có chút ngạc nhiên.
Hai người gia cảnh khác hẳn nhau. Vợ chồng ông Ba thuộc vào hạng có máu mặt trong xóm. Họ sống trong căn nhà gồm một trệt với ba tầng lầu đúc. Chẳng bù với gia đình ông, năm người gồm : Bà má vợ, hai vợ chồng ông cùng hai đứa con, chui vô một chỗ nhỏ bằng bàn tay. Có lần nghe ông phân bì, ông Ba than:
-Hồi tụi tui xây nhà ba đứa con gái còn nhỏ. Đứa nào cũng nói mai mốt tụi nó có đi lấy chồng là về ở với cha mẹ ruột thôi, nhứt định không có chịu làm dâu nhà ai hết. Cho nên hai vợ chồng mới xây tới ba tầng. Tầng nào cũng làm bếp, phòng khách, phòng ngủ, nhà tắm đầy đủ hết. Tính sao cho tụi nó đứa nào cũng có phần. Ai mà ngờ chúng đòi đi du học rồi lấy chồng ở bên đó luôn. Báo hại bây giờ ngày nào hai vợ chồng cũng cực muốn chết ! Chỉ cái việc quét dọn lau chùi thôi là đủ mệt đến ná thở.
Chờ ông Ba an tọa xong, ông Sáu mới nói bằng một giọng e dè:
-Ai ngờ ở từng tuổi nầy mà chỉ còn sanh tâm…
Ông Ba ngắt lời:
-Bả đâu có đi theo thằng cha nào. Bả qua Úc nuôi con nhỏ thứ ba, nó mới sanh.
Ông Sáu trút ra một hơi thở nhẹ nhỏm, y như vừa may mắn lách xe qua cái ổ gà nguy hiểm chết người. Ông hỏi:
-Sao anh không theo chỉ luôn. Sẵn dịp nầy đi du lịch luôn thể.
Ông Ba ngán ngẩm:
-Rồi cây kiểng, chim chóc của tui ai coi ?
Đứa con trai phụ việc bưng một mâm với cơm, canh, cá kho đầy đủ đặt lên bàn của họ. Ông Sáu nhắc:
-Anh ăn món gì, kêu luôn đi !
Ông Ba nhìn tô canh chua với khứa cá dứa trắng phau, nằm ngữa trên mấy miếng khóm, cà chua, giá, bạc hà… mà ứa nước miếng. Ông gọi một cách dứt khoát:
-Cho tui một phần y như vầy !
Thấy khách có vẻ sang trọng, chú phục vụ “dạ” một cách rất lễ phép.
Ông Ba hỏi ông Sáu:
-Sao bữa nay anh cũng hổng ăn cơm ở nhà mà đi ra quán ?
Ông Sáu thở dài:
-Tui cũng mất vợ như anh vậy đó !
Ông chờ ông Ba hỏi mình một câu tương tự, thế nhưng ông ta chỉ nhin ông lom lom mà không thèm nói một lời nào. Ông bèn giải thích :
-Bả đi theo ông Phật rồi. Tháng nầy chùa bận rộn lắm! Bả nằm trong ban nấu bếp nên ở kiềng trong đó cả tuần lễ nay.
Ông Ba hỏi:
-Vậy rồi cả nhà anh đi ăn ngoài hết ráo sao ?
Ông Sáu lắc đầu:
-Đâu mà có! Bà má vợ tui đứng ra thủ bếp. Ngặt nỗi tháng nầy bà ăn chay kỳ. Hai bữa trưa, chiều, toàn tương, chao, tàu hủ không hà. Tui quá ngán nên xé rào một bữa.
Ông Ba giục:
-Anh ăn trước đi để canh cá nguội hết hổng ngon.
Ông Sáu lắc đầu:
-Chờ chút xíu có chết chóc gì đâu ! Đợi anh ăn luôn cho vui .
Quán đông nên cái tên bồi bàn ấy chạy bở hơi tai. Họ chờ hơn mười lăm phút mà chưa tới phiên. Ông Ba sốt ruột, bức rức vì thấy ông Sáu đợi, sắp hối thì người phục vụ ban nãy xuất hiện. Ông liền quở:
-Sau lâu dữ vậy chú em ?
-Dạ bác thông cảm giùm !
Người phục vụ vừa đặt mâm xuống vừa xin lỗi rối rít.
Cả hai ông chẳng còn hơi sức đâu mà mời chào nhau khách sáo nữa, mạnh ai nấy xúc cơm vô chén. Ông Sáu hỏi khi đang bới chén cơm thứ nhì:
-Anh thấy tui nói có đúng hông ? Ngon hết sẩy hén !
Trông ông Sáu ăn “khí thế” quá nên ông Ba miễn cưởng gật đầu. “ Thua xa vợ mình nấu”, ông nghĩ vậy mà chẳng nói ra.
Thấy ông bỏ mứa thức ăn, ông Sáu quở:
-Anh hổng ráng ăn hết đi, bỏ uổng quá !
Ông Ba cười:
-Tui ăn như vầy là gấp rưởi bữa thường rồi đó !
Thừa lúc ông Sáu không để ý, ông lũi ra quầy trả tiền cho cả hai rồi trở lại chỗ ngồi. Ông Sáu hỏi:
-Anh đi đâu vậy ?
Ông Ba nói dối:
-Tui đi vệ sinh !
Rồi ông nói tiếp:
-Cái quán đông ì xèo mà hổng thấy một bóng hồng nào. Từ người bán cho tới người ăn đều là dân đực rựa không hà !
Ông Sáu cười hóm hỉnh:
-Chắc họ cũng mất vợ như tụi mình.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: YDI Re:MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 8 2016, 05:57
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)
Đêm mất ngủ, thao thức vào diễn đàn (1:55am giờ cali).... đọc bài "mất vơ", YDI tui bỗng tức cười muốn té ghế luôn... Thì ra mất vơ cũng có nhiều kiểu quá hén... kẹt cái là mình không giống ai!!!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 8 2016, 06:29
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Có nghĩa là huynh không mất vợ hay là mất kiểu khác ?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 8 2016, 15:24
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Tỷ ơi ! Mắc cừoi chết đi được , NSH mà "mất vợ" thì mì ly , mì tô , mì kim chi hàn quốc đầy nhà , không cần ra quán như ông ba và ông sáu, ở đầy nhà nào ít nhất cũng có 3 thùng mì loại khác nhau, có lần ông anh bạn của anh em từ VN qua chơi , thấy nhà xe tui em chất mấy thung mì anh ấy hỏi bộ tụi em ăm mì trừ cơm hả . Khà khà " liềm bám thì lỳ một lam ( ly mì)". Mất vợ kiểu tỷ mắc cừoi quá trời


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 8 2016, 17:44
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Sao mà "mất vợ" ở bển với "mất chồng " ở VN giống nhau quá xá! Mấy bà bạn của tỷ bây giờ làm biếng nấu ăn lắm ! Hể hôm nào ông chồng "có độ" là mấy bả khỏi nấu cơm, làm một tô mì ăn liền rồi luyện phim hoặc tám miết !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MẤT VỢ
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 8 2016, 19:53
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Ốm thì "tự mất mình" (giờ đâm ra làm biếng qtqđ) nên cũng ăn mì gói thường xuyên. Mà Ốm ăn sống chứ ko nấu - còn tiện ác hơn ai kkk...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 8 2016, 04:39
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ốm ơi ! Bây giờ tỷ đang nhai cơm cháy chà bông đóng gói nè!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 8 2016, 16:47
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Ốm nói mì sống làm mình chợt nhớ Andy, hôm trước soạn cặp cho Andy đi học minh bắt gặp 2 gói mì sống, bình thường không cho nó ăn mì sống, la nó sao đi học mang mì sống theo , nó nói bạn nó thích muốn ăn như vậy nên nó mang theo cho bạn.Andy hảo ăn thiệt , nhưng mình không cho mang đi vì sợ mấy thằng Mễ ăn vào đau bung thì là lớn chuyện
Tặng tỷ LD hình Andy hồi nhỏ, không tìm mà thấy


Tập tin đính kèm:
image.jpg
image.jpg [ 102.73 KB | Đã xem 1141 lần ]
image.jpg
image.jpg [ 104.23 KB | Đã xem 1140 lần ]
Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu