Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 10:04
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271130 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: BẠN CÂU
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 11 2016, 23:28
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Dù đã về hưu, mỗi ngày ông Hai vẫn ra khỏi nhà vào sáng sớm. Lúc nào cũng tay xách nách mang một cái túi to, trong đó có một cái võng, một cuốn sách, một chai nước, một bịt đậu phọng da cá... Với cây cần câu vắt vẻo trên vai, ông cuốc bộ đến con kinh cách nhà vài ba trăm mét.
Hôm nay bà Hai ra đóng cổng, không cằn nhằn là ông không chịu ở nhà cho khỏe thân như mọi bữa, mà dặn vói theo :
-Ông ráng câu một con cá lóc trộng trộng đặng tui hấp lá bầu. Cái giàn bầu ra lá nhiều quá, phải ngắt bớt cho nó tức mình mà trổ trái.
Ông gật đầu mà cười thầm trong bụng "đi câu mà bả làm như đi chợ, lựa cá, lựa cỡ, đủ thứ ".
Đến chỗ ngồi quen thuộc, việc đầu tiên ông làm là cột cái võng lên hai cây trứng cá rồi mới sửa soạn đồ nghề.
Lấy từ túi quần ra một cây dao xếp, ông xới lớp đất ngay dưới chân, moi lên một con trùn mập bằng ba, bốn cọng chưn nhang gộp lại. Móc vào lưỡi câu xong, ông vút cần một cái thật mạnh. Cục chì rơi cái tỏm, xa mút chỉ tới hơn nửa con kinh.
Cắm cây cần câu xuống đất, ông đứng tập vài động tác thể dục, mắt vẫn nhìn đăm đăm vào cái phao đang nằm bất động. Đang tập tới động tác "xuống tấn" thì cái phao chìm lĩm. Ông lật đật giật câu, một con cá rô phi to bằng bốn ngón tay, quẫy đuôi tưng bừng khi vừa ra khỏi mặt nước.
Ông lấy sợi dây ni lông trong túi ra, gở con cá thật khéo, sao cho cái môi của nó không bị rách rồi xỏ sợi dây qua mang cột lại. Ông tròng vòng dây vào gốc bần, con cá nhỏ tưởng đâu được phóng sanh, mừng quá vọt một cái vù, bị sợi dây kéo lại, nhận ra hoàn cảnh của mình, nó buồn rũ, đứng im lìm như chết.
Miếng mồi vẫn còn nguyên, ông bỗng thấy thương cho con cá, chép miệng nói một mình :
-Tội nghiệp, nó chưa kịp ăn một miếng nào !
Ông lập lại động tác cũ, cục chì lại tạo ra một tiếng ngắn ngủn cùng những vòng tròn đồng tâm lan hoài trên mặt nước, lần nầy nó rơi gần bờ hơn một chút.
Ông quay trở lại bài tập dưỡng sinh đang bỏ dở, quên béng là mình đang tập đến đâu, nên trở lại từ đầu. Lần nầy cũng đến "Xuống Tấn" là cái phao lại chìm, ông chợt nhớ ra hồi nãy mình tập đến chỗ này.
Lại một con cá rô phi, nhỏ hơn con trước một chút, ông nghĩ thầm :
-Con nầy chắc là con vợ, thấy chồng đi lâu quá nên sanh nghi đi kiếm.
Lần nầy miếng mồi bị rỉa sạch, lương tâm ông bớt cắn rứt một chút.
Bắt đầu động tác "Ngồi trên gót" thì nghe có tiếng động sau lưng, ông ngưng ngang, quay mặt lại nhìn. Một chiếc xe đạp đang dừng lại, ngồi trên xe là một chàng trai khoảng chừng trên dưới hai mươi tuổi. Y ta chào ông rồi nói:
-Bác làm ơn cho cháu ngồi câu ké, có được hông bác ?
Ông trả lời :
-Đất, nước, là của ông trời, ai ngồi, ai câu cũng được tuốt, tui lấy quyền gì mà cấm cản ?
Thấy câu trả lời của mình có vẻ miễn cưỡng, ông bèn nói tiếp bằng một giọng khá thân mật:
-Có người câu chung bác mừng hết lớn, chớ một mình buồn lắm !
Người con trai trả lời rất lễ phép:
-Dạ, cám ơn bác.
Rồi ông tiếp tục bài tập thể dục của mình.
Cậu ta cho xe dựa vào cây trứng cá, lấy từ cái bao dài dài ra một cây cần câu máy hẳn hoi, lại moi ra một bọc đựng mấy con tôm nhỏ làm mồi. Liếc thấy, ông rầy:
-Ở đây trùn thiếu gì, mua tép làm chi cho tốn tiền !
Chàng trai cười như xin lỗi, nói:
-Cháu đâu có biết, mai cháu khỏi mua, đào trùn câu như bác vậy.
Cái phao lại chìm, ông Hai lại bỏ dở động tác "Vòng càn khôn", chạy đến giật câu, lần nầy cũng vẫn là cá rô phi có điều lớn hơn hai con trước. Ông cằn nhằn :
-Ráng câu con cá lóc về cho bả hấp lá bầu, mà cứ gặp cái thứ nầy miết !
Chàng trai móc gói thuốc lá trong túi ra, hai tay cầm bao thuốc mở sẵn mời ông. Ông Hai xua tay:
-Bác kỵ cái nầy dữ lắm !
Nghe ông nói vậy y ta cũng không hút, đút gói thuốc vào túi trở lại. Điều nầy khiến ông Hai có cảm tình, bèn lấy túi đậu phọng da cá ra đưa cho y:
-Ăn mấy hột cho vui cái miệng đi cháu !
Chàng trai không dám từ chối, nhón đúng ba hột nhai rồi khen nức nở:
-Đậu của bác ngon quá, bác mua hiệu gì vậy bác ?
Ông Hai cười, nói một cách đắc ý :
-Bà sắp nhỏ làm, chớ mua đâu có được như vầy !
Chàng trai lại khen lấy, khen để :
-Bác gái khéo quá ! Đậu da cá thơm và giòn như vầy lần đầu tiên cháu mới được ăn đó bác.
Nụ cười của ông Hai còn rộng hơn nữa, ông nói một cách hãnh diện :
-Bác ưa cái món nầy lắm ! Bả sợ người ta chiên bằng dầu cũ, ăn nhiều sanh bịnh nên làm cho chắc ăn.
Rồi cao hứng ông trút vào tay chàng trai cả một bụm đầy nhóc.
Thế là sợi dây tình cảm của họ được thắt chặt. Chờ chàng trai ăn hết đậu phọng, ông lại đưa cho y chai nước :
-Uống đi cháu, ăn ba cái thứ nầy khát lắm !
Chàng trai vừa cầm chai nước lên là đặt xuống liền, cái phao trên cần câu của y đang bị kéo phăng phăng. Một con cá lóc bằng cườm tay, đang vùng vẫy một cách điên cuồng. Ông Hai tiếc ngẩn ngơ, làm như thể không có chàng trai thì nó sẽ cắn câu của ông vậy.
Chàng trai đưa con cá cho ông rồi nói :
-Cháu tặng bác nè !
Ông Hai xua tay :
-Bác có cá rồi, cháu đem về ăn đi !
-Cháu câu cho vui thôi, cháu ở nhà trọ, ăn cơm bụi, không có biết nấu nướng gì hết ! Chàng trai nói.
Nghe y nói vậy ông Hai không từ chối nữa, vừa xỏ mang con cá vào xâu cá của mình, ông vừa hỏi :
-Cháu có ăn qua món cá lóc hấp lá bầu chưa ?
-Dạ thưa bác chưa .
-Vậy thì một lát theo bác về nhà, ăn cho biết !
Khi nắng thu ngắn và sắp chôn bóng cây trứng cá xuống dưới gốc, xâu cá đã có hơn hai chục con. Họ ngưng câu, chàng trai chở ông về trên chiếc xe đạp của mình.
Thấy dáng ông ngoài cổng, từ trong nhà bà Hai hỏi vọng ra liền :
-Có cá lóc hông ông?
Ông Hai đáp to:
-Có, có cả khách nữa , bà nấu cơm chưa ?
Bà Hai vừa đi ra cổng đón khách vừa trả lời :
-Rồi, tui chờ ông về, coi có cá gì rồi mới nấu đồ ăn.
Chàng trai dựng xe rồi khoanh tay, cúi đầu chào bà :
-Cháu chào bác !
Bà Hai gật đầu đáp lễ, chưa kịp hỏi thăm thì ông Hai nói liền :
-Cháu nầy là bạn câu của tui. Con cá lóc là của cháu hùn vô đó ! Bữa nay tui toàn là câu trúng cá rô phi với diêu hồng thôi hà!
Bà Hai cười, giục :
-Hai bác cháu vô rửa tay, rửa mặt đi !
-Bà hái lá bầu chưa ? Ông Hai hỏi.
-Ai mà biết có cá hông mà hái !
Rồi bà xăm xăm đi ra vườn. Ông Hai kêu giựt ngược :
-Bà vô làm cá liền đi, hai bác cháu tui đói meo rồi, để tui hái cho !
Ông quay lại chàng trai, chỉ cái khạp nước trước hiên, nói:
-Cháu đi rửa mặt, rửa tay, rồi lên võng nằm nghĩ, chờ bác đi hái lá bầu một chút.
Chàng trai đi lại cái lu, thấy chiếc gáo dừa cán dài thòn mắc trên cọc tre bỗng dưng xúc động, mừng như gặp một nhân vật từ trong cổ tích chui ra. Chàng nghĩ thầm :
-Ông bác nầy chắc là người miền tây. Cố tái tạo cái kiểu sống thôn dã ngày xưa đây mà !
Khi mâm cơm dọn ra thì chàng trai đã ngủ khì. Ông Hai vừa lắc đầu võng vừa kêu :
-Cháu ơi, dậy ăn cơm !
Chàng trai vẫn mê mãi ngủ. Ông Hai tự trách mình quên hỏi tên chàng trai, để kêu đúng tên đặng hoàn hồn cho lẹ. Ông đành dùng cách của đàn bà, gải nhẹ vào lòng bàn chân của y. Chàng trai tống một đạp, may mà ông né được, nói:
-Đừng có giỡn tụi bây, để tao ngủ một chút.
Rồi như chợt nhớ ra, chàng ta bật dậy một cái rột, xin lỗi rối rít :
-Cháu xin lỗi bác, cháu tưởng đang ở trong nhà trọ với mấy người bạn.
Ông Hai cười hề hề, tỏ ra mình không chắp nhặt, nói:
-Rửa mặt cho tỉnh ngủ đi cháu. Xúc cái miệng đặng ăn cơm cho nó ngon, mà cháu tên gì vậy ?
Chàng trai đáp:
-Dạ cháu tên Tân.
Ông Hai phát tay vào đùi nghe đánh "chách" một tiếng. Cười khà khà một cách hết sức thích thú rồi nói :
-Bác tên Châu. Hai bác cháu mình ghép lại là thành tên quê của bác đó. Xem ra hai bác cháu mình là "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ " rồi !
Tân nhìn mâm cơm là nghe đói liền. Con cá lóc trắng tinh phơi mình trên mấy lá bầu xanh đậm. Một dĩa cá rô phi chiên giòn cạnh dĩa rau sống tươi rói, xanh rờn và chén nước mắm tỏi ớt vàng trong màu tơ óng. Màu sắc của các món ăn vừa tương phản, vừa bổ xung cho nhau, làm cho mâm cơm trông vô cùng hấp dẫn. Cái ngon từ mắt té xuống miệng, rồi té luôn xuống dạ dày khiến nước bọt cùng dịch vị văng ra tung tóe.
Tài nấu ăn của bà Hai, Tân đã đoán trước qua mấy hột đậu phọng da cá, thế mà vẫn bị bất ngờ. Cái định kiến rằng má mình độc nhất vô nhị trong lãnh vực ẩm thực, đang lung lay sắp bật gốc.
Bà Hai thấy Tân ăn khí thế quá bèn dừng đũa khi bụng vừa lưng lửng. Nồi cơm được vét sạch nhẵn. Tân vừa cười vừa nói với ông Hai :
-Đi câu mà được như vầy hoài chắc ngày nào cháu cũng xin đi câu với bác.
Ông Hai khoái chí đáp:
-Cứ việc !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 11 2016, 15:27
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)
Phen này khi về VN, tui phải sắm 2 cái cần câu đó nha!

Cá Lóc hấp lá bầu... mới và hấp dẫn quá đi thôi!

:clap: :cheer: :cheer: :cheer: :clap:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 11 2016, 19:29
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cái món cá lóc hấp lá bầu nầy hồi nhỏ tui ăn hà rầm. Rất độc đáo ! Để tui bày cho huynh cách làm.
Việc đầu tiên là huynh phải trồng trước một giàn bầu. Lá bầu còn tươi hấp mới ngon, và thơm.
Cá làm sạch, để ráo cho vào tô có lót sẵn hai chiếc lá bầu (huynh nhớ lựa lá vừa vừa, không non quá và nhất là không già, cỡ tụi minh là được rồi), đấp lên mình nó hai ba cái lá nữa.
Nước hơi sôi, huynh đặt tô cá vô, chi tiết nầy là để lá bầu có mầu đẹp. Trong khi chờ cá chín huynh lấy một cái chén, rót chừng ba muỗng xúp giấm, cho thêm chút xíu muối và đường, rưới hổn hợp nầy vào trước khi nhắc xuống.
Món nầy ăn với nước mắm tỏi ớt và rau sống.
Nhớ cho chút xíu tiêu nữa !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 11 2016, 19:14
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Tỷ ơi cá lóc qua tới Mỹ ăn tanh chụi không nổi , mặc dù thằng em làm rất kỷ


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 11 2016, 21:42
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đâu muội thử xát bột vô mình nó, chờ năm phút rồi đem rửa thử coi. Nếu rửa giấm, rửa chanh, rửa muối, rửa rượu, rửa nước mắm hổng thành công .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 11 2016, 16:59
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 20 Tháng 6 2010, 09:54
Bài viết: 1058
Để hôm nào thử lại xem


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TRIỆU ĐÓA HOA HỒNG
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 11 2016, 01:04
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
KÍNH TẶNG THẦY CÔ. KÍNH CHÚC QUÍ THẦY CÔ TRÀN NGẬP NIỀM VUI TRONG NGÀY 20-11 THIÊNG LIÊNG !


Chiếc đồng hồ vừa gõ đúng năm tiếng là cô ngồi dậy liền. Vỗ tay lên cái khối hình trụ bên cạnh, cô gọi:
-Dậy thôi ông ! Đi sớm để về cho kịp.
Thầy lầu bầu :
-Thiếu gì ngày, tự nhiên mà lựa hôm nay để làm thôi nôi cho thằng nhỏ !
Cô cự lại :
-Ông nói nghe mới kỳ, đúng ngày là phải làm cho nó chớ. Lỡ trùng thì mình đành chịu, cằn nhằn lãng xẹt !
Đèn đường còn chưa tắt. Mấy dãy phố, hàng cây đứng co ro, cúm rúm. Ngọn gió mồ côi đuổi theo từ phía sau, thầy rùng mình một cái rồi nói với cô:
-Bà ngồi tình hơn một chút cho ấm cái lưng coi ! Hôm nay sao lạnh mà dữ vậy ?
Cô ép sát người vào lưng thầy, cảm nhận mấy đốt xương sống chạm vào da, nghe xót ruột nên cằn nhằn :
-Than lạnh mà mặc cái áo mỏng dính, còn không chịu khoác thêm cái áo gió vô nữa.
Thầy chống chế :
-Tại bà hối hoài nên tui quýnh, quên đầu, quên đuôi hết trọi.
Đến nhà con gái, thầy cô hấp tấp bắt tay ngay vào việc. Bày xôi, chè ra bàn để cúng mười hai mụ bà và mười ba đức thầy. Hối con gái bồng cháu ra, đặt nó đứng trước bàn thờ rồi biểu chấp tay lại xá. Cúng xong, cô bưng ra một cái mâm, trên đó đựng lủ khủ nào là cây viết, kéo, ống nghe, cục đất, cây thước, vắt xôi...và cả một viên phấn nữa.
Cô đặt cháu ngồi tề chỉnh trước cái mâm đựng đồ nghề ấy. Chàng con rễ cầm sẵn máy chờ chụp ảnh để làm kỷ niệm.
Thằng bé nhìn cái mâm bằng đôi mắt hiếu kỳ, nó đưa tay sờ hết món nầy tới món khác. Có lẽ nó cũng nhận thức được, đây là giây phút quan trong nhứt nên hết sức đắn đo : Chọn một nghề cho cả môt đời. Ông bà ta đã chẳng răn đe " gái khổ vì chọn lầm chồng, trai khổ vì chọn lầm nghề" đó sao ?
Thấy thằng cháu cứ dùng vằng hoài cô giục :
-Chọn một món đi con, nghề nào cũng tốt, cũng cần thiết hết !
Thằng bé nghe lời bà ngoại hối nên không dám chần chờ. Nó cầm cái ống nghe, rồi chắc sợ phải chịu trách nhiệm về sinh mạng của người khác nên để xuống. Cầm cây viết nhìn hồi lâu rồi cũng buông ra. Có lẽ muốn lấy lòng ông bà ngoại, hay tại vì nó tưởng đó là xúc xích nên cầm cục phấn lên và cho vào miệng. Cả thầy và cô đều kêu "ồ" một tiếng thích thú. Cô lật đật móc miệng nó để lấy mẩu phấn trong ấy ra, rồi tịch thu luôn cái phần còn lại đang cầm trong tay.
Khách mừng thôi nôi còn chưa đến là thầy, cô tức tốc quay về nhà liền để tiếp học trò. Mặc cho cô con gái phụng phịu, phân bì là ba mẹ thương học trò còn hơn con cháu.
Thầy tạm gát cái tính cẩn thận của mình qua một bên, chạy xe với tốc độ cao gấp đôi ngày thường. Cô ngồi phía sau, ôm chặt cái eo gầy guộc của thầy bằng cả hai tay. Nếu ngày thường chắc cô sẽ phản đối ghê lắm, nhưng hôm nay cô chẳng nói tiếng nào. Cũng như thầy, cô sợ học trò mình phải phơi nắng đứng chờ ngoài cổng. Cũng may cả hai về đến nhà an toàn và học trò chưa đến.
Vừa vào nhà, bỏ nón bảo hiểm, khẩu trang ra xong là cô lo đi rửa tay để gọt, cắt dưa hấu, đu đủ cho vào tủ lạnh liền. Vừa làm vừa lắng tai chờ nghe tiếng gọi "cô ơi!"
Trước ngày nhà giáo một hôm, cô đã mua bánh trái, nước ngọt để đãi học trò. Cho dù nhà cửa đã được lau chùi sạch bong, hôm ấy nó cũng bị xoi mói đến từng ngóc ngách, nhất là cái phòng khách. Thầy cô náo nức chuẩn bị như đón tết vậy ! Có điều là những cái bình bông trong nhà, được bày sẵn nhưng chưa có một đóa hoa nào trong ấy. Không phải thầy cô quên mua, chỉ vì mai là ngày 20 tháng 11, ngày mà cả triệu đóa hoa hồng được học trò mang tặng cho các thầy cô. Những cái bình ấy ngày mai sẽ chứa đầy những đóa hoa đó ! Nó tượng trưng cho tấm lòng của thầy cô, đang dọn sẵn để dung chứa, những tình cảm quí giá mà học trò sắp đổ đầy cho mình.
Những bông hồng của mấy mươi năm trước, khi còn đi dạy, mang đến cho cô những nụ cười. Ngược lại các đóa hoa nhận được khi đã về hưu, thường khiến cô cảm động đến rơi lệ. Có một lần thầy đã chế nhạo về những giọt nước mắt ấy, khiến cô, người hiếm khi giận, đã không nói chuyện với thầy đúng một tuần.
Những cô, cậu học trò ngày xưa, nay đã không còn nhỏ nữa. Họ không còn tìm đến để nhờ thầy, cô giảng giải những bài tập hóc búa, mà ngược lại.
Có em rành đường lối làm ăn, thường được thầy cô hỏi ý kiến về việc sử dụng số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi của mình cách nào cho có hiệu quả.
Có em hành nghề y, đưa ra những lời khuyên, hoặc mang đến những tài liệu về việc giữ gìn sức khỏe để thầy cô tham khảo.
Có những em khi còn ngồi trong lớp, chẳng bao giờ thể hiện tình cảm, thế nhưng lại làm thầy cô hết sức bất ngờ, hết sức cảm động vì đã cất giữ, trao lại cho thầy cô những kỷ niệm quí giá mà họ trân trọng có hình ảnh thầy cô trong đó.
Có những em ngày xưa cúp cua, trốn học đều đều, vậy mà bây giờ cứ cách vài ngày lại ghé thăm một lần, được thầy cô nhờ làm giúp thứ gì là mừng thôi là mừng!
Có em vừa nói chuyện vừa ngó dáo dát, thấy cái chậu cây để hơi choán lối đi, lật đật xăn tay áo lên dời qua một bên cho rộng chỗ.
Có em từ bên kia đại dương, vừa gặp mặt là ôm chầm cả thầy lẫn cô, rồi miệng cười, mắt ướt !
Chẳng có niềm an ủi nào lớn lao cho bằng, được nhìn thấy những mầm non, có khi rất èo uột, qua nhiều bàn tay chăm sóc, trong đó có bàn tay của thầy, cô, nay đã trở nên xanh tốt. Có những thân cây còn cao vượt qua cái đọt của những gốc, cội mà ngày xưa đã chở che, đùm bọc chúng.
Đa số đều rất thấu hiểu tâm trạng của thầy cô mình, nên thường kèm theo bó hoa là những thành quả mà họ đạt được trong cuộc sống. Họ biết đó mới chính là món quà quí nhất!
Thầy dựng xe xong, lột nón treo lên cẩn thận, vào bếp pha cho mình một phin cà phê. Bưng khay cà phê ra phòng khách, thầy hớp một ngụm rồi đặt xuống. Đứng lên lấy mấy quyển album trên kệ, lau bụi rồi lật ra. Trong đó, những tấm ảnh được xếp thứ tự theo thời gian, từ ngày bắt đầu đi dạy, cho đến bức ảnh mới nhất vừa chụp với học trò vào ngày nầy, năm ngoái.
Thầy gọi cô đến rồi cả hai cùng xem. Những trang đầu chỉ toàn là những tấm ảnh trắng đen, với những mái tóc ngắn dài xếp theo thứ tự : Mấy đứa tóc ngắn, mặc áo ngắn ngồi ở hàng trước. Mấy đứa tóc dài, mặc áo dài đứng sau. Hàng cuối cùng là các thầy cô, cũng đứng thứ tự theo hàng ngang, nam một bên, nữ một bên. Cô chỉ tay vào một nam sinh trong ảnh, nói :
-Cái em nầy hồi đó học giỏi nhứt lớp, vậy mà lại thi rớt rồi đi lính, mới đánh trận đầu là chết liền !
Cô chắc lưỡi hai ba cái, thở dài :
-Nghe nói hôm chia tay với bạn bè, nó còn nói giỡn, kêu mấy đứa bạn năm sau nhớ ghé ăn đám giỗ của mình. Nào ngờ có thiệt !
Cô lại chỉ vào một nữ sinh đứng hàng trên, cũng trong tấm ảnh đó, lần nầy giọng nói còn trầm và đục hơn :
-Cái em nầy vượt biên, tới bây giờ cũng chưa nghe tin tức.
Thầy nhớ năm ngoái lật đến tấm hình nầy, cô cũng chỉ tay vào hai người học trò đó và cũng nói những câu y hệt.
Để xua cái buồn đang phảng phất bay đi cho lẹ, thầy vội lật trang cuối. Ngón tay trỏ của thầy dừng lại trên gương mặt của một người đàn ông, ốm nhom, đứng cạnh thầy. Trông y giống đồng nghiệp hơn học trò, bởi nét mặt quá khắc khổ nên già trước tuổi. Thầy nói với cô:
-Cái em nầy năm ngoái đến thăm, mang tặng một giò lan màu cà phê sữa mà mình đang trồng đó !
Cô nhìn đăm đăm rồi nói :
-Em nầy hình như chỉ đến có một lần phải hông?
Thầy gật đầu, nhận ra trong lời nói của cô có pha đôi chút trách móc nên nói :
-Em nầy hoàn cảnh không may. Ngày xưa nổi tiếng đẹp trai, học giỏi. Bây giờ thua kém bạn bè, gia đình cũng không hạnh phúc nên đâm ra mặc cảm. Bởi vậy ít về thăm quê, cũng không dự những dịp họp lớp. Nhưng mà nặng tình với thầy cô, bè bạn lắm !
Rồi thầy lại chỉ một bức ảnh khác và nói :
-Cái em nầy mới thiệt là "quái kiệt" nè ! Hồi đi học thì lười, vô lớp không chịu học, lo chọc thầy, chọc bạn. Khoái làm trò hề. Vậy mà bây giờ hết sức thành đạt.
Thầy bỗng bật cười rồi nhắc cô :
-Nhớ cái vụ ông già noel mà tui cứ mắc cười, không ngờ tới bây giờ mà cái tật giỡn hớt cũng không bỏ.
Cô cũng cười rồi nói :
-Hổng biết năm nay y có hóa trang đến ghẹo tụi mình không hả ông ?
Thầy trả lời :
-Chắc không đâu. Mấy chuyện như vậy chỉ thực hiện một lần cho nó độc đáo.
Cô chép miệng, giọng buồn buồn :
- Tính ra tụi mình dạy cũng cả mấy ngàn đứa học trò, vậy mà thành đạt chỉ năm, ba chục !
Thầy hỏi:
-Bà căn cứ vào đâu mà kết luận như vậy ?
Cô đáp :
-Thì căn cứ vào số học trò đến thăm đó ! Đứa nào mọc mũi sủi tâm thì mới dám đến thăm thầy cô, góp mặt với bạn bè. Đứa nào mà công không thành, danh không toại, hoặc gia đạo trục trặc thì ngại đâu dám đến.
Thầy nhắc cô :
-Vậy sao cái cậu học trò cưng của bà, thành đạt quá trời mà chẳng thấy đến thăm, để bà nở mặt nở mày với bà con lối xóm vậy?
Cô ngạc nhiên :
-Ông muốn nói đứa nào ?
Thầy trả lời :
-Thì cái cậu...mà có lần tui đang tắm bà cũng gọi ra cho bằng được để khoe. Hôm đó y ta xuất hiện trong nhà nầy, ngồi trước mặt tui mà đâu có chào một tiếng nào.
Cô nhíu mày :
-Làm gì có chuyện đó. Làm gì có đứa nào như vậy?
Thầy khẳng định :
-Vậy là bà bị ây zem mơ rồi. Hôm trước bà chỉ tay vô ti vi, khoe nào là nó là học trò cưng của bà. Nào là ngày xưa nó chạy giỡn sao đó, đứt hết bốn cái núc áo, bà phải đơm lại giùm.
Cô cười xòa :
- Tui nhớ ra rồi. Hổng ngờ học trò của tui mà ông còn nhớ hơn tui nữa. Cái lần đó tụi nó chơi u, nó bị nắm áo kéo giựt ngược nên đứt hết nguyên một hàng nút. Tui thấy vậy mới chạy đi kiếm cô dạy nữ công, mượn cây kim với xin sợi chỉ đơm lại giùm.
Kỷ niệm ấy làm cô vui nên cười mãi, chờ dứt cơn cô lại nói thêm :
-Nó làm lớn nên chắc bận rộn lắm ! Ba cái chuyện trước mắt còn giải quyết chưa xong, hơi sức đâu mà nhớ mấy cái chuyện xa lơ, xa lắc. Mà cho dù có nhớ cũng đâu có thì giờ, mình phải thông cảm. Gặp được đứa nào là mừng cho đứa đó, nếu không thì cũng đừng nên trách...
Thầy vội đính chính:
-Chọc bà cho vui, chớ ai mà trách. Thời buổi nầy khó mà giữ trọn cái tình, cái nghĩa lắm ! Những đứa không ghé thăm, đâu có phải là bội bạc. Đôi khi có những lý do mà chúng không thể nào bộc lộ.
Thầy đang ngon trớn nên ghẹo tiếp :
-Nói gì thì nói. Học trò của tui có hiếu hơn cúa bà. Nghèo rớt mồng tơi mà kiếm được nhánh lan quí là mang tặng thầy liền. Ai như...
Cô không để cho thầy nói hết, cãi lại liền :
-Vậy còn cái lần ông bệnh, được học trò tui chữa trị tận tình, về nhà gặp ai cũng khoe, sao hổng tính ? Nào là nhờ có học trò của bả nên khỏi chờ lâu lắc. Nào là học trò mà có hiếu hơn con, ngày nào cũng vào thăm điều đặn. Nào là cái nghề giáo tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng khỏe một cái là đi đâu cũng có học trò giúp đỡ...
Thầy đang định đem học trò mình ra đối lại, bỗng nghe tiếng gọi cửa rộn rã :
-Cô ơi ! Tụi em đến thăm cô nè !
Thầy, cô nhìn ra, năm sáu cái đầu lố nhố ngoài cổng. Cô nhìn thầy ra vẻ đắc ý, trước khỉ ra mở cổng còn kề miệng vào sát tai thầy nói nhỏ :
-Để coi bữa nay, học trò ai có hiếu hơn ai nha !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: BÀN TAY ĐẸP
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 11 2016, 01:09
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
BÀN TAY ĐẸP
Oanh, cô bạn vong niên, chỉ lớn hơn đứa con gái đầu lòng của tôi có ba tuổi nhưng gọi tôi bằng chị.
Khỏi phải nói là tôi khoái cổ như thế nào ! Ngay cái tiếng “chào chị” đầu tiên, cổ đã chui tọt vô trái tim của tôi rồi. Kế đó cổ chui vô bao tử luôn ( cổ rất thích nấu ăn lại khoái được khen, nên cứ hai ba ngày là lại cho tôi nếm thử một món ). Từ ngày quen cổ tôi không còn phải đi mua sắm. Cái việc mà tôi rất ghét.
Chắc tại cái tên có chữ "thị" nằm ngay chính giữa cho nên cổ quá ghiền đi chợ ( đây là điều khác biệt lớn nhất giữa tôi và cổ). Hầu như ngày nào cổ cũng ra đó ít nhất là một lần. Những buổi chiều có mưa, không chạy bộ ngoài trời với nhau được, cổ lại chở tôi vô siêu thị. Đi vòng vòng trong đó làm một công hai việc, để, theo y lời cổ là "vừa đã con mắt, vừa đẹp cái eo".
Hậu quả là màng túi bị viêm trầm trọng. Lúc nào cả hai cũng vác về cả đống hàng khuyến mãi. Một người tự cho là đã triệt tiêu con vi trùng mua sắm như tôi, mà còn có đôi lần để "lòng mềm như chiếc lá", xách mấy túi to đùng về rồi cả tháng trời không "xóa dấu thương đau" nổi, huống chi là cổ.
Nhưng nhờ vậy mà cổ hết sức sành sỏi trong việc lựa chọn hàng hóa. Trong tay cổ toàn là những thứ ngon, bổ, rẻ, nhất là trái cây. Những trái bưởi nhỏ xíu cổ mua giùm. Được tôi chưng trên bàn thờ cả tháng, vỏ teo nhách còn bằng cỡ trái cam sành. Nhìn tưởng hư nào ngờ ăn rất ngọt và cho thật nhiều nước. Những trái xoài cổ lựa, càng xấu mặt càng thơm ngon. Gía cả thì ôi, rẻ đến bất ngờ. Thậm chí tôi còn nghi rằng cái ông chủ sạp trái cây nầy phải lòng cổ, tra hỏi hoài mà cổ cứ chối đây đẩy.
Tôi nghi như vậy là có cơ sở. Cổ hết sức là đẹp, một vẻ đẹp rất thơ. Khiến ta không chỉ no nê hai con mắt mà còn tươi hóa tâm hồn. Tôi mê nhất là đôi mắt của cổ, với tròng trắng hơi xanh còn tròng đen thì ướt rượt. Ni ni, cháu nội của tôi, lúc hơn một tuổi đã chỉ vào cô người mẫu trên bìa một tạp chí, gọi toáng lên ”bác Quanh, bác Quanh”.
Cổ vừa đẹp người lại vừa tốt bụng. Mấy lần tôi dọn nhà cổ cũng đều đến giúp cả hai tay. Tôi không biết đi xe gắn máy nên cổ thường xung phong làm tài xế không lương.
Những buổi chiều đi bộ cùng cổ là lúc tôi vui nhất và được cười nhiều nhất. Chỉ cần nghe cổ nói những từ như “mình ên”, “bỏ giò chạy”, "bành ky", “xa mị” (xa tít mù)…là tôi có cảm giác khoan khoái y như mình đang hít ngọn gió đồng vậy ! Cổ là một chất không bị xâm thực và khó hòa tan. Dù đã nhập cư vào Sài gòn cả chục năm, nhưng vẫn giữ nguyên cách nói năng, nếp sống, nếp nghĩ của một cô gái nông thôn.
Hồi trước, nghe nhiều người khen gái Cần thơ đẹp, có duyên nhưng tôi không tin lắm. Chừng quen cổ mới chưng hửng. Những “nàng” trong gia tộc của cổ hầu như đều đẹp. Từ má cổ, mấy bà dì cho tới hàng con, hàng cháu đều là giai nhân hết ráo ! Bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp, nhưng cái khiến tôi gắn bó với cổ chính là tính hiền lành, chân thật, luôn chịu thiệt thòi bởi không muốn làm ai buồn, mà thời nay bị coi là khờ dại.
Ngày đầu tiên thấy cổ chạy bộ, tôi như bị hút hồn bởi gương mặt thanh tú và thân hình thon gọn. Cổ quá đẹp nên tôi không dám làm quen. Tôi đoán có lẽ cổ làm trong lãnh vực cần đến ngoại hình như diễn viên chẳng hạn. Chúng tôi chỉ liếc nhau một cái rồi thôi. Mấy hôm sau cổ chủ động chào tôi trước. Tim tôi đập rộn rã, như vừa được tặng một hạt kim cương (hồi còn nhỏ xíu, có lần tôi lượm được một chiếc cà rá có gắn hột xoàn giả, mừng đến rối loạn nhịp tim luôn !). Thì ra cổ cũng y như tôi. Tôi thì ngại vì cổ đẹp, còn cổ thì ngại vì cái mặt tôi, theo đúng nguyên văn của cổ là “ có vẻ “có học” quá ! “ .
Cái duyên của cổ ở chỗ là không biết đem cái đẹp của mình ra xài. Cũng không tận tụy, tưng tiu, tỉa tót cho nó. Có sao để vậy, không bỏ thì giờ, công sức vào đó nhiều, chỉ tập trung vào việc là làm sao cho Yến Nhi, con gái cổ, ăn học thành tài, có công việc tốt và sau đó là tạo được một gia đình hạnh phúc.
Phải công nhận cổ là một bà mẹ cưng con nhất trong các bà mẹ chìu con. Cổ làm tất tần tật cho đứa con gái duy nhứt của mình, từ chuyện ăn mặc, học hành, thậm chí làm đẹp cho nó nữa. Con gái cổ chẳng phải động móng tay vào bất cứ việc gì, kể cả đắp dưa leo lên mặt. Chỉ cần so sánh bàn tay của hai mẹ con cổ là thấy ngay điều đó !
Bàn tay của Yến Nhi, với những ngón thon dài trắng tinh như bạch lạp, đẹp một cách tinh khiết đến độ tôi chẳng dám chạm vào. Có lần tôi nói một cách ẩn dụ rằng ai mà có bàn tay như thế nầy, sẽ có mọi thứ trong tay. Hai mẹ con cổ bật đều cười hinh híc. Hỏi ra mới biết, Yến Nhi đã làm mất đến bốn, năm chiếc cà rá, vì tay không có mắc, suông đuột, nên bị tuột hồi nào không hay! Cho nên có lẽ suốt đời sẽ không dám đeo một thứ gì nữa hết !
Bàn tay của cổ, tuy vẫn còn giữ lại dáng dấp của một thời oanh liệt, thế nhưng khi cầm vào tôi hết sức chạnh lòng. Nó thô ráp như tờ giấy nhám, bởi công việc trong nhà thứ gì cũng đều qua tay cổ.
Là một người phụ nữ Việt Nam truyền thống, cổ hết lòng chăm chút công việc nội trợ. Luôn giữ cho nhà cửa, bếp núc không một chút bụi và bàn ăn luôn hấp dẫn với những món vừa thơm, ngon, bổ, đẹp vừa nóng sốt. Do sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa, tiếp xúc với lửa nóng và dao bén hằng ngày, nên những vết thẹo do phồng rộp, phỏng, đứt …đầy khắp. Cứ vài ngày là tôi lại thấy một, có khi hai, ba…cái băng cá nhân đeo trên hai bàn tay cổ. Tôi thường gọi đùa cổ là khách hàng tiềm năng của các loại băng dán đứt tay.
Từ ngày xa cổ, cái “áo” lòng vốn đã te tua của tôi lại rách thêm một miếng. Mỗi lần cần mua món gì, phải ra chợ, là tôi lại nhớ cổ quá trời!
Hôm kia cổ vượt một quãng đường dài thậm thượt ra thăm, mang tặng cho tôi mấy trái ổi chín thật thơm. Cảm động quá, tôi hỏi cổ:
-Sao em biết chị thích mùi nầy ?
Cổ nói:
-Cái bài nào chị viết mà em hổng đọc. Chị nhắc nó lềnh khênh ở trỏng.
Tôi ngạc nhiên quá xá cỡ ! Bởi hầu hết các cuộc chuyện trò giữa chúng tôi bao gồm tất cả mọi lãnh vực, trừ thơ văn. Bấy lâu nay tôi cứ xem cổ là người ngoại đạo, nên chưa đọc cho cổ nghe bài viết nào của mình. Tôi đoán, có hơi chủ quan, rằng sở dĩ cổ lân la tìm đọc, 90% xuất phát từ tình bạn giữa hai đứa mà thôi !
Chợt nhớ lúc chị tôi còn sống. Có những buổi trưa vừa ngủ dậy, tôi thường nghe được bản nhạc mà mình yêu thích nhất. Tôi vô cùng sung sướng, biết chị đã canh sẵn bản nhạc đó, vừa thấy tôi dậy là bấm nút cho cái máy cát sét chạy liền.
Tôi cầm trái ổi trên tay, áp nhẹ vào má rồi đưa lên mũi hít một cái thật sâu. Mùi thơm của nó lan tỏa khắp châu thân. Dâng lên mắt làm chúng rưng rưng, rớt xuống tim làm nó xao xuyến. Đã lâu lắm rồi tôi mới có lại cái cảm giác nầy. Như thể đang đắm mình trong không gian của thời thơ ấu!
Khi trong khu vườn của bạn bỗng bất ngờ xuất hiện một nụ hoa rất lạ, rất thơm, rất đẹp... Bạn sẽ thấy lòng vô cùng xúc động. Thầm cảm ơn ngọn gió đã mang đến cho bạn cái hạt giống bé xíu. Thầm cảm ơn mặt đất ấp ủ cho nó nẩy mầm. Thầm cảm ơn mặt trời hào phóng, ban phát ánh sáng để kích thích cho nó chịu mở mắt nhìn đời. Thầm cảm ơn những giọt mưa giúp nó tạo thành nhựa nguyên, nhựa luyện. Thầm cảm ơn những tiếng sấm phóng thích ni tơ cho nó mát da, mát thịt.
Cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui và đầy ấp thương yêu ! Tôi cầm tay cổ rồi thay vì nói tiếng cám ơn, lại thốt ra một lời khen:
-Tay em đẹp ghê đó Oanh !
Cổ nhìn xuống tay mình rồi nói :
-Tay em đâu có đẹp, chị nhớ lộn tay con Yến Nhi rồi !
Tôi cãi:
-Tay em đẹp hơn, vì nó biết làm ra cái đẹp, biết mang lại cái đẹp cho người khác!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGHĨA CỬ
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 11 2016, 01:13
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Sau mấy ngày mưa tầm tả, sáng nay trời rất đẹp ! Thư đặt con vào chiếc xe đẩy nhỏ xíu, không mui. Hai mẹ con đi trên con đường trồng toàn cây liêm xẹt.
Đây là con đường mà Thư thích nhất, với một bên là con kinh nhỏ, yên lặng như mặt hồ bởi có rất ít ghe xuồng đi lại. Phía bên kia là một lô đất trống. Rau muống, cỏ đuôi chồn, cỏ mần chầu, cỏ may... bao quanh một ngôi nhà duy nhứt, có cái hàng rào sắt giả gỗ cao mút đầu, sơn toàn màu trắng.
Ngôi nhà nầy lúc nào cũng đóng cửa kín bưng. Thư chẳng hề thấy người trong nhà đi lại hoặc ngồi trên ghế xích đu, băng đá ngoài sân. Nếu cây cối không xanh tươi, cô đã cho rằng nó bị bỏ trống.
Khoảng sân trước khá rộng với những chậu hoa được bày thành hai hàng dọc theo lối rộng rải sỏi. Mỗi loại đều đủ đôi, đủ cặp : Bốn cụm hồng mỗi thứ một màu, được trồng trong mấy cái chậu sứ giống hệt. Hai cây mai đứng đối diện nhau trong hai cái chậu đất rất to. Hai cây sứ Thái Lan với cả một bộ rễ đồ sộ, thu hút hết sự chú ý vào nó, khiến mấy nụ hoa ganh tỵ đến teo quắt lại. Hai gốc bông giấy, loại mới nuôi cấy về sau, trổ bông đủ màu trắng, cam, hồng, vàng, đỏ, được trồng sát cổng. Nó cố rướn mấy nhánh le hoe lên cái giàn sắt đồ sộ. Thư tự hỏi, không biết có phải họ trồng những cây có màu khác nhau vào chung, hay chỉ một cây mà trổ đủ năm màu.
Lề đường trước nhà cũng phủ đầy bông mười giờ, hoa chi chít, tím ngắt một bờ đất.
Hiện giờ đang có phong trào trồng cây sa kê. Nhà nầy cũng trồng một cây trên lề bên kia để làm cảnh và lấy trái. Gốc của nó chỉ to bằng cái gối ôm của con nít thôi mà cho trái nheo nhóc. Có một trái cỡ cái tô, vừa bị gió ngắt cuống, rơi cái bịch, nằm giữa lối đi. Thư cầm lên, phủi sạch bụi, nghĩ ngay đên món sa kê tẩm bột chiên mà Kha, chồng Thư, rất thích.
Gió bỗng thổi mạnh hơn và mưa bắt đâù bỏ hột. Thư bối rối nhìn quanh. Chẳng có một chỗ nào để hai mẹ con cô có thể đụt. Bé Thăng, con Thư vừa trải qua một đợt viêm phê quản, nếu bị nhiễm lạnh, bịnh chắc chắn sẽ tái phát và có thể đe dọa tính mạng. Thư nghiến răng, tự trách cho cái tật hậu đậu của mình và cái tánh tráo trở của ông trời. Đang lúc lo đến sắp khóc thì cánh cổng của ngôi biệt thự bật mở. Một cô gái quá là xinh với cây dù màu đen giương sẵn chạy vội ra, che cho cả hai mẹ con Thư và đưa họ vê đến tận nhà.
Chẳng có đủ lời để diễn tả lòng biết ơn của Thư dành cho cô gái. Thư nghe cô ta xưng tên Lan và nàng nghĩ thầm sao mà cái tên hợp với cô ấy quá thể ! Cũng như hoa lan, cô gái mang một vẻ đẹp hết sức tinh khiết. Chỉ gương mặt và nụ cười thân thiện ấy thôi, cũng đủ chiếm trọn tình cảm của Thư rồi, huống chi Lan còn có thêm một tấm lòng nhân hậu nữa. Thân hình Lan tuy mảnh mai, nhưng đủ sức mang đến cho Thư niềm phúc lạc to bằng cả bầu trời! Thư bỗng thấy tình yêu dành cho hoa lan, tăng gấp đôi trong lòng mình.
Từ nỗi lo sợ đến niềm vui, khoảng cách chỉ bằng chiều ngang sơị tóc. Cô gái đã về mà Thư còn đứng bàng hoàng mãi, cứ tiếc rẻ là chưa kịp bày tỏ hết lòng cảm mến của mình.
Đêm đó, Kha đi làm về rất muộn. Chàng chuẩn bị sẵn những câu trả lời để giúp vợ hạ hỏa. Thư chẳng những không cằn nhằn đến một câu, mà còn chịu khó chiên sa kê liền cho chồng ăn. Kha bị bất ngờ trước tình huống nầy nên hỏi :
-Bộ bữa nay em trúng số hả ?
Thư nguýt chồng một cái dài thòn rồi hỏi lại:
-Anh có thâý em mua vé số, dù chỉ một lần chưa.
Kha cừơi :
-Vâỵ thì lý do gì khiến gương mặt em sáng trưng như cái bóng đèn 1000 quát vậy ?
Thư kể cho chồng nghe là mình đã gặp được quới nhân như thê nào. Không ngớt lời ca tụng cô gái âý, nào là ngừơi đẹp, dáng đẹp, nết đẹp, tên đẹp và…nhà đẹp. Kha phụ họa theo cho Thư vui lòng, trong bụng lại thầm trách vợ sao hời hợt quá, chăm nom con không cẩn thận, hèn chi thằng bé đau rề rề hoài.
Kha làm tài xê riêng cho một ông đại cán, công việc không cực nhọc nhưng rất tốn thì giờ. Suốt ngày phải đi hết chỗ nầy đến chỗ nọ. Ông ta thuộc típ sống hưởng thụ, thích săn lùng người đẹp. Kha thường than phiên với vợ về sự bất công của ông trời và ông chủ. Chàng hay đem số tiên ông ta cho gái ra so sánh với đồng lương của mình, sau cùng lại kết luận :
-Không hiểu ông trời làm ăn cái kiểu gì mà để cho một kẻ sâu dân, mọt nước như hắn mỗi năm mỗi sắm nhà, thay đổi bồ như thay áo, cô sau đẹp hơn cô trước ! Còn mình thì suốt đời ở nhà thuê...
Thư cướp lời :
-Chỉ có một con vợ thôi mà còn xấu hoắc !
Kha chống chế :
-Cái khoảng vợ thì anh không có khiếu nại chỗ nào hết. Chỉ có buồn một nỗi là không biết bao giờ mới được an cư đây ! Mỗi lần bị sai đi ngó chừng mấy căn biệt thự đóng cửa bỏ không của ổng là tủi thân quá mạng !
Một hôm Kha vừa về đến nhà là hỏi Thư liền :
-Em nói " ân nhân" của em tên Lan phải hông ?
Thư gật đầu :
-Đúng rồi !
Kha hỏi tiếp :
-Cổ tóc dài, gò má có đồng tiền và dạy đàn piano phải hông ?
Thư trả lời :
-Em không biết cổ có dạy đàn hay không nhưng tóc dài và đồng tiền là đúng. Mà có chuyện gì với cô ta vậy anh ?
Kha chắc lưỡi :
-Cổ lọt vô tầm ngắm của thằng cha chủ yêu râu xanh của anh rồi !
Thư thót ruột :
-Sao anh biết ?
-Anh với ổng mới đưa cổ về căn biệt thự mà em nói đó. Nghe ổng gọi tên Lan, anh chợt nhớ câu chuyện em kể nên chú ý. Ổng ra sức dụ dỗ cổ khiến anh tức mình và lo giùm. Ổng nói đối là chưa có vợ, đã từng đi du học, làm công tác từ thiện đủ thứ... Coi bộ cổ cảm động lắm !
Thư quýnh lên:
-Vậy mình phải làm sao đây anh ?
Kha lắc đầu :
-Mình thì làm được cái giống gì ! Có phải anh, chị em ruột hay họ hàng đâu mà đút cái miệng vô can.
Thư cãi :
-Rồi hổng lẽ để ổng hại cổ sao ?
Kha không trả lời, Thư bỗng thấy ghét cho cái tính vô ơn cúa chồng. Nghĩ thầm người ta vừa cứu con mình, mà bây giờ làm ngơ coi sao được. Đêm đó Thư suy nghĩ rồi quyết định sẽ viết thơ cho Lan biết. Trước hết Thư làm như vô tình, hỏi Kha về mấy cô bồ nhí của ông ta, để trưng ra những bằng chứng cụ thể.
Hôm sau Thư đi chợ mua một trái sa kê về rồi làm món bánh sa kê. Chiều hôm đó Thư lại đẩy xe cho con đi dạo trên con đường quen thuộc. Cô mang theo hộp bánh rồi bậm gan, nhấn cái nút chuông ngoài cổng. Lan ra mở cửa, trông thấy Thư thì cười và mời vào nhà. Thư để xe bên ngoài rồi bế con vào. Phòng khách rộng rinh chỉ có một bộ sa lông và một cây đàn piano mà thôi. Thư hỏi:
-Nghe nói Lan có dạy đàn phải hông ?
Lan cười :
-Em còn đang học chưa ra trường. Dạy vài chỗ quen thôi !
Thư đưa bánh cho Lan rồi nói:
-Hôm qua chị có lượm được một trái sa kê trước nhà Lan. Trưa nay làm cái bánh sa kê, đem lại mời Lan ăn thử.
Lan ngạc nhiên :
-Bộ sa kê cũng làm bánh được hả chị ?
Thư cười :
-Nó cũng như khoai tây, khoai mì vậy đó. Chiên, nấu súp, nấu cà ri, hấp chế nước cốt dừa, làm bánh...đều được hết.
Lan thích thú:
-Vậy chị cho em cái công thức đi, để em đi lấy cây viết !
Thư xua tay:
-Khỏi, chị có viết để sẵn trong đó rồi, Lan nhớ lấy ra xem liền nghe! Cái bánh nầy có nước cốt dừa, Lan cất vào tủ lạnh cho khỏi thiu.
Bé Thăng thèm đi chơi nên cự nự, Thư vội chào Lan rồi bồng con ra về. Lan đưa Thư ra cổng. Trước khi đi, Thư ghé vào tai Lan nói nhỏ :
-Có một cái thơ chị viết, Lan nhớ đọc liền nghe, quan trọng lắm đó !
Không để Lan kịp hỏi, Thư quày quả đẩy con đi liền.
Một tuần lễ sau Kha đi làm về, tay xách một giò lan màu nâu thơm mùi cà phê và một cái bánh kem loại lớn nhất. Thư trợn mắt hỏi:
-Còn lâu lắm mới tới sinh nhựt của em, bộ anh nhớ lộn của ai hả ?
Kha cười, giải thích :
-Bộ em tưởng anh là đại gia hay sao mà bỏ bạc triệu ra mua hoa, mua bánh. Mấy món nầy là của ông chủ. Hôm nay là sinh nhựt của cô Lan. Cổ cho ổng leo cây, ổng biểu anh đem bỏ. Anh tiếc quá đem về xài.
Thư hỏi liền :
-Bộ cổ bỏ ổng thiệt hả anh ?
Kha gật đầu, xác nhận:
-Chưa bao giờ anh thấy ổng tức đến vậy. Hổng biết cổ nói cái gì mà ổng nổi khùng, đập cái điện thoại luôn. Hình như bị cổ lật tẩy nên quê quá hóa quạu. Mà anh hỏi thiệt nghe, trong chuyện nầy vợ có nhúng tay vô hông vậy ?
Thư tròn mắt nhìn Kha, vẻ ngơ ngác như nai vàng chánh hiệu hỏi lại :
-Sao anh hỏi lạ vậy ? Em có biết cái gì đâu mà nhúng tay, nhúng chưn hả chồng?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CẦU VỒNG ĐÊM
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 11 2016, 11:13
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Họ vừa cưới xong và quyết định bắt đầu cuộc sống chung bằng một tuần lễ đầu tiên thật độc đáo. Thay vì đắm mình trong khung cảnh sang trọng của các rì sọt. Phú quyết định cắm trại ở nơi mà lần đầu tiên họ đã gặp nhau.
Lâm chìu theo chồng với ít nhiều lo lắng. Dù họ khởi hành đúng vào ngày trăng tròn, Lâm vẫn nơm nớp sợ trăng mờ, mật đắng. Biết vợ không an tâm Phú đã chuẩn bị hết sức chu đáo. Cuộc hành trình của họ rất thuận lợi, trôi chảy.
Họ căng lều giữa cánh đồng cỏ với dãy núi sau lưng và biển mênh mông trước mặt. Những ngôi nhà núp sau rặng cây, ở một khoảng cách vừa phải, xoay lưng về phía họ như những tên lính canh, thi hành nhiệm vụ một cách lặng lẽ để không ảnh hưởng đến không gian riêng tư của chủ.
Chiếc lều nhỏ cùng tiện nghi tối thiểu khiến họ càng thích thú, thay vì tập trung vào sự tiêu hóa, mắt họ no nê với cảnh quang mà thiên nhiên dọn sẵn.
Buổi chiều họ tắm biển rồi cùng đi dạo dọc theo bờ để nhờ gió hong khô tóc. Lâm nhặt một nhánh san hô, có hình dáng như một người tí hon đứng dang tay để làm kỷ niệm. Nàng bổ sung cho bộ sưu tập của mình bằng những đóa hoa bồ công anh mà dân địa phương gọi bằng cái tên rất mộc mạc là "mũi mác".
Buổi tối họ ghé vào một nhà hàng nhỏ nằm sát bờ biển. Không phải là mùa du lịch nên họ là hai thực khách duy nhất. Thức ăn ngon và rẻ đến bất ngờ khiến họ thêm thích thú.
Họ trở về lều với tâm trạng vô cùng thanh thản. Ly rượu vang trong bữa ăn khiến Lâm chếch choáng, nó mang đến cho nàng cái cảm giác mỏi rượi một cách dễ chịu. Dù vẫn còn đi vững nhưng nàng rất vui khi Phú tình nguyện cõng. Vừa chui vào lều, nàng nằm vật xuống và ngủ ngay lập tức .
Lâm nghe lòng bàn chân hơi nhồn nhột, giật mình choàng tỉnh, mở mắt ra và trông thấy Phú đang nhìn mình với nụ cười trên môi. Phú bảo:
-Em ra đây xem cái nầy đẹp lắm !
Lâm ngạc nhiên, hỏi chồng :
-Cái gì vậy anh ?
Phú đáp bằng giọng háo hức:
-Ra xem là biết, bảo đảm em sẽ nhớ suốt đời luôn.
Lâm vén cửa lều rồi bước ra. Cánh đồng cỏ hiền lành lúc ban ngày, dưới ánh trăng mang một vẻ bí ẩn, như khoác tấm áo choàng của nhà ảo thuật. Trăng mười bốn có gương mặt thật tròn, thật to đang đứng ngay trước mặt, nhìn nàng như kinh ngạc. Lâm xuýt xoa:
-Ui ! Trăng đẹp quá !
Phú cười, tán đồng bằng một câu :
-Trăng mật mà em !
Lâm liếc chồng một cách tình tứ, nàng hiểu Phú muốn kết hợp vầng trăng ngọt ngào ấy với tuần trăng mật của họ.
Phú giục :
-Có cái nầy còn đẹp hơn trăng nữa nè!
Chàng vừa nói vừa dùng cả hai bàn tay, xoay vai của vợ về hướng ngược lại. Lâm vẫn nhìn lên cao rồi bỗng nín thở. Một mảnh lụa trắng trong suốt, thêu bảy sợi chỉ mang màu khác nhau vắt ngang qua bầu trời, đẹp như trong thần thoại. Chiếc cầu vồng xuất hiện, vượt cả sự mong đợi, ngay trong đêm đầu tiên, khiến họ có cảm giác như được cả trời ban phúc.
Lâm đứng im như bị điểm huyệt. Mấy giây sau hơi thở của nàng mới tự phục hồi theo phản xạ, rón rén thoát ra như sợ cây cầu mong manh ấy tan mất.
Mãi cho đến khi Phú đắp chiếc mền lên vai cô, Lâm mới nhận ra mình đang run nhẹ. Nhìn chồng bằng đôi mắt biết ơn, Lâm hỏi:
-Nó có hồi nào vậy anh ?
-Anh không biết. Vừa thấy là anh vô gọi em liền.
Chàng nhìn sâu vào mắt vợ, khám phá ra chúng đang ướt đẫm. Ánh trăng đang bềnh bồng trong ấy. Phú nói, giọng trầm hẳn lại:
-Có cầu vồng trong mắt em nữa nè !
Lâm cười, nụ cười quá dịu dàng khiến Phú bỗng dưng cảm thấy lòng mình xao xuyến. Chàng áp sát người vào lưng vợ, vòng tay ôm nàng rồi nói thật khẻ như sợ trăng nghe thấy:
-Nụ cười của em là cái bóng của chiếc cầu vồng đó, em biết không ?
Lâm đặt đầu lên vai chồng, đêm tĩnh lặng đến nỗi họ đếm được tiếng tim của nhau. Phú trao cho Lâm một thông điệp bằng mắt, Lâm ngập ngừng một tí rồi theo chồng vào lều.
Khoảnh khắc đẹp nhất trong đời của họ đã xảy ra giữa mùi thơm của hoa đồng cỏ nội, với không khí trong và lạnh của đêm, với bầu trời lồng lộng cùng ánh trăng rực rỡ. Cây cầu vồng như chiếc đũa thần, chạm vào khiến họ và cảnh vật xung quanh đều thăng hoa cùng lúc. Cảm xúc trong Lâm chợt nở bung như một đóa hoa quỳnh. Nàng đang tan trong trăng, những giọt mật đang thấm dần vào huyết quản khiến lòng nàng tràn ngập một niềm hạnh phúc.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu