Bạn, tôi và...ai, ai đó nữa...ĐÃ GIÀ HAY CÒN TRẺ?
Có khi ta hoặc ai đó than thở là mình đã già?
Theo "học thuyết tương đối" thì GIÀ HAY TRẺ còn tùy thuộc vào cái chuẩn mà ta so sánh. Đối với người này thì ta đã già, nhưng đối với khác thì ta vẫn còn trẻ.
Cùng một tuổi với nhau, nhưng VỀ NGOẠI HÌNH, người này già, người khác trẻ,...tùy thuộc vào sắc đẹp (người đẹp thường trông trẻ hơn), trang phục, điều kiện sống; VỀ TÂM HỒN, người này già cỗi, người khác trẻ trung tùy thuộc vào quan niệm sống, lối sống, nghề nghiệp, hoàn cảnh,...Bản thân BD đã từng gặp một ông 68 tuổi nhưng vẫn nhảy lên sân khấu hát hò, nhảy nhót góp vui trong một đám cưới; một cô chưa đầy ba mươi nhưng lúc nào cũng dàu dàu, dáng đi lom khom vì nhiều mặc cảm,...
Nãy giờ Bong Dieu nói đến CHUYỆN GIÀ - TRẺ như vậy là nhằm mục đích gì? Đó là BD muốn "rào đón" để gởi lên cho bà con đọc lại một phần của bài viết mà BD đã đưa lên Diễn Đàn trước đây nhưng đã xóa liền sau vài tiếng đồng hồ vì nghĩ là nó vô duyên.
Mời bà con đọc chơi.
..............................................
2/ VUI! VUI! VUI!Bây giờ nói chuyện vui cho bạn nghe nè.
Bạn là cựu học sinh trường THCLTC, nếu học khóa đầu và là HS lớn tuổi trong lớp thì cao lắm là sinh năm 1951 tức mới có 56 tuổi hà (chứ không phải “lận”), già đâu mà già, vẫn còn trẻ chán đó bạn ạ.
Bây giờ, người từ 45-65 tuổi người ta gọi là tuổi trung niên; từ 65-75 là người cao tuổi; 75 trở lên mới bị gọi là tuổi già đó bạn ơi! (Nghe ai đó nói cô giáo mình “về già” khi cô mới tới tuổi hưu, tôi đã phì cười).
“Già” là để mỗi người tự than, tự trào chứ tôi nghĩ, nên chăng ta hạn chế đem gán cho người khác? VD: một cô bán vải mà nói với một bà khách khoảng 50 tuổi “Già như Bác mặc màu này hợp lắm” thì cô này từ từ mất hết khách là cái chắc, hìhì…; “Ông” con trai nói với người cha 60 tuổi của mình “Ba già rồi, lo thân già của Ba đi, đừng để ý gì đến chuyện xã hội nữa” thì cầm bằng như cầm dao cắt cổ ông già!
Hơn nữa, mình mà than già hoài, không khéo các Thầy Cô lại buồn nữa vì các Thầy Cô còn lớn tuổi hơn chúng ta kia mà. Chúng mình còn trẻ vì vẫn còn có người để mình gọi là Thầy Cô, Ông-Bà, Cha-Mẹ, Chú-Bác-Cô-Dì-Cậu,… Tôi vẫn luôn nghĩ và tự hào là mình còn trẻ lắm đó, dù có khi làm bộ than già với bọn con nít, hìhìhì…Các Thầy Cô của ta vẫn chưa có ai già hết, phải không bạn???
MỘT SỐ CHUYỆN VUI CÓ THẬT 100% liên quan đến GIÀ-TRẺ (Đối tượng để ta cười ở đây là cách ứng xử ngây ngô và tính tò mò của người đời, chứ không cười hình thể, không cười cái “già” trước tuổi. Thật sự là “cười ra nước mắt” đó).
Không như thời xưa, con người nói chung, phụ nữ nói riêng thời nay có điều kiện hơn để giữ mình trẻ lâu và họ không muốn người ta nghĩ mình già. Theo tôi biết, hỏi tuổi phụ nữ (nhất là phụ nữ đã có tuổi) và bảo họ già là một trong những điều tối kỵ trong giao tiếp.
a/ Có một cô giáo nọ, dù mới có 38 tuổi, nhưng do người hơi đẫy đà, nên thoạt nhìn cứ tưởng là cô lớn tuổi. Cô đã “tiếu lâm” kể lại những chuyện sau:
- Khi cô dạy một lớp chuẩn hóa GV, ông lớp trưởng đã hỏi tuổi cô và cô trả lời thật là mình 38 tuổi. Ông này tròn mắt: “Cô có nói nhầm không vậy? 38 hay 48?”. Cô bất bình nhưng còn tếu được: “Trời ơi! Tuổi của tôi làm sao mà tui nhầm được! Chắc tui cho lớp này điểm âm hết quá!”
- Khi đi mua xôi ngoài chợ mỗi sáng, thấy chị bán xôi lớn hơn mình nên cô gọi là “Chị” và xưng “Em”. Một hôm, chị bán xôi vui vẻ: “Thôi, chị đừng xưng em với em nữa, em còn nhỏ hếu hà!”. Cô ngạc nhiên, than thầm và hỏi chị: “Xin lỗi chị, năm nay chị bao nhiêu tuổi?” –“Dạ, em mới có 45 tuổi hà!”. Cô kêu thầm: “Trời ơi! 45 mà không cho tôi xưng em, vậy bả đánh giá mình bao nhiêu tuổi?”. Cô nói với tôi: “Nói thiệt với chị, từ hôm đó em nghỉ ăn xôi luôn!”
- Một lần bị dị ứng, cô vào tiệm thuốc bắc cho người ta bắt mạch hốt thuốc. Ông thầy thuốc cầm tay cô và hỏi (để góp phần chẩn đoán bệnh): “Năm nay cô 50 tuổi chưa?”. Cô đã rụt tay lại và bảo “Thôi khỏi coi mạch hốt thuốc, để tôi uống thuốc Tây!”
- Một lần, ông chủ tiệm tạp hóa, nơi cô thường ghé mua đồ lặt vặt, vui miệng hỏi: “Năm nay cô 50 tuổi chưa?”. Bà vợ ông ta đỡ lời chồng: “Gì dữ vậy ông! Cổ chừng bốn mươi mấy chứ gì!” (Lúc đó cô mới có 37 tuổi thôi).
Một lần, cô cùng tôi đi dạy ở tỉnh khác. Sau buổi tối đi xuống giao lưu với HS trong ký túc xá (tôi thì lười nên ở nhà xem TV), cô trở về phòng, áp gần sát mặt tôi, lúc đó đã thiu thiu ngủ, hỏi: “Chị ngủ chưa? Ê, em báo cho chị hay tin mừng: Hồi nãy tụi nhỏ hỏi rằng em với chị ai lớn tuổi hơn đó!” (Tôi hơn cô đến 7 tuổi!)
b/ Cô khác, sống độc thân, kể: Một HS cũ về trường, gặp cô mừng rỡ và hỏi: “Cô ơi! Cô có chồng chưa?". Thấy ghét quá, cô trả lời: “Rồi!”. Nó tiếp: “Hèn chi em thấy cô già!”!!! Còn câu nào “có duyên” hơn, hở trời!
c/ Một anh bạn học học chung ĐH khi gặp tôi trong buổi họp lớp đầu tiên, sau 21 năm, đã thảng thốt: “Trời ơi! Sao bây giờ chị tàn tạ dữ vậy? Mái tóc dài của chị đâu rồi?”. Ối giời ơi!...Anh ta quên rằng là trong cải lương, sau 20 năm gặp lại, người ta gọi nhau là “Ông lão”, “Bà lão” đó sao! Thấy người ta già, tàn tạ thì làm thinh đi cha...nói thật làm gì nghe buồn quá vậy? Hìhìhì…
Thật là thấm thía!!! Không phải nói đúng những gì mình nghĩ bao giờ cũng là tốt cho người khác, nhỉ! Mà sao người ta cứ thích hỏi tuổi, đoán tuổi người khác? Lạ lùng!!!** Thêm hai chuyện vui khác (BD đọc trên báo, giờ kể theo trí nhớ)
Chuyện nước ngoài:Trong một rạp hát, thấy các bà quí tộc cứ đội cái nón chóp cao (mô-đen thời đó) khi ngồi trong rạp, ông chủ rạp đã tế nhị nhắc nhở:
- Rạp chúng tôi rất tôn trọng các quí bà luống tuổi. Vì vậy, các
quí bà luống tuổi được phép đội nón trong rạp.
Thế là...từ từ...các quí bà lột nón xuống hết!
Chuyện trong nước:Đã gần hết giờ khám bệnh, vị bác sĩ mở cửa phòng khám thò đầu ra ngoài nói:
- Tôi chỉ có thể khám cho một người nữa thôi và sẽ ưu tiên cho chị nào lớn tuổi nhất.
Thế là các bà nhìn nhau:
- Ai vậy ta? Thôi chị vô khám đi.
Bà này từ chối:
- Không phải tui đâu,....
-----------------------------------------------------
BD có cái hạnh phúc là được các con ủng hộ cho cái chất trẻ của mình. Chúng thường nói: "Kệ, như vậy cho nó trẻ Mẹ ạ,..."
Thế còn bạn, BẠN GIÀ HAY TRẺ???