Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 16:03
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271203 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)33
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 5 2017, 23:38
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Thấy ông bác đi về hướng bến phà, Tư hỏi:
-Sao bác không nhân dịp nầy ghé thăm gia đình một chút ?
Ông lắc đầu :
-Ghé rồi đi liền coi hổng được. Cũng không có chuẩn bị quà cáp gì hết, hai bàn tay chỉ cầm có hai nải chuối tòn teng, kỳ lắm !
Tư ngạc nhiên hỏi:
-Chuối gì ? Cháu đâu có thấy bác mua chuối...
Ông cười khà khà, hóm hỉnh, xòe rộng một bàn tay, đưa ra trước mặt Tư rồi đáp :
-Thì tại bàn tay của người ta cũng giống cái nải chuối nên nói vậy cho vui. Ý bác muốn nói là mình chỉ có hai bàn tay không đó ! Biết chưa ?
Tư nghe ông giải thích, không nín được liền bật cười khoái trá. Nghĩ bụng :"Ông bác nầy đúng là có óc tưởng tượng vô cùng phong phú ".
Tư bỗng nhớ ra lâu lắm rồi, từ hồi má mất tới giờ, mình chưa được cười một cách hồn nhiên như vậy. Ước gì chàng được gần gũi bên ông mỗi ngày để lây nhiễm cái tánh trào lộng ấy. Đối với Tư đó là điều quý báu nhứt mà thượng đế trao cho con người. Nó chính là cái bộ giảm xóc, tản nhiệt cực kỳ hữu ích, giúp chiếc xe không bị gãy, không bị cháy khi sụp ổ gà hoặc chạy quá tải.
Ông bác Hai nầy quá may mắn được trời ban phát rộng rãi cái món quà vô giá đó. Nhờ vậy mà dù gặp đủ chuyện không may, ông vẫn vượt qua một cách vững vàng, đến bây giờ vẫn còn giữ được nét trẻ trung, láu lỉnh trong ánh mắt. Ông khiến Tư nhớ đến mấy bụi lau bên con rạch ở ngoại ô, nơi có lần Tư theo nhà trường đi cấm trại. Chúng ốm yếu, quặt quẹo, chẳng cây nào đứng thẳng. Chúng làm Tư lo lắng phập phòng, sợ rằng chỉ một cơn gió nhẹ phớt ngang, cũng ngã rạp không ngóc đầu dậy nổi. Thế nhưng chính những ngọn gió ấy lại giúp chúng dẻo dai, vững mạnh, kiên cường hơn.
Nhưng điều mà chàng quý nhứt ở ông, đó là lòng nhân hậu, nhạy cảm trước những nỗi khó khăn của người khác và làm giảm nhẹ chúng trong khả năng của mình.
Tuy tiếp xúc với ông chưa được một ngày, Tư có cảm giác như mình vừa trải qua một đoạn đường dài lắm ! Ở đầu đoạn đường, chàng là người đang vác trên vai cái túi đựng đầy sỏi đá. Những viên sỏi, hòn đá đó đã được ông dần dà đẩy bật ra, bằng chất hài hước trong giọng nói khi kể cho Tư nghe những cơn bỉ cực của cuộc đời mình. Ở cuối đường, cái túi ấy đã trống, được lộn ngược và giũ sạch để chỉ còn lưu lại những dấu vết mờ nhạt. Những dấu vết ấy có thể không mất đi, nhưng chúng sẽ chẳng còn làm chàng trầy vai, bật máu nữa.
Mối tình chàng dành cho Ý đang từ trạng thái vô vọng cũng bắt đầu le lói mầm xanh.
Tư bỗng ao ước giá mà mình có một người cha như vậy! Chàng sẽ được gần gũi hằng ngày, để cuộc sống đầy màu sắc và tâm hồn thêm phong phú.
Tới bến phà mưa đã tạnh nhưng trời lại tối hẳn. Chiếc phà không còn chòng chành, quăng quật nữa. Những con sóng đã qua cơn hờn giận nên nằm im thiêm thiếp.
Phà cập bến, ông Hai chở Tư chạy thẳng lên bờ. Ghé vào chỗ bán vé, Tư chưa kịp nhắc đã thấy ông móc tờ giấy mười đồng ra đưa rồi nói :
-Hồi nãy gấp quá nên qua chưa trả tiền bận đi, tính luôn đi chú em.
Người bán vé là một thanh niên trạc tuổi Tư, nhìn ông một cách ngạc nhiên. Y xé mấy tờ giấy nhỏ xíu đưa cho ông rồi thối lại một mớ tiền lẻ.
Chạy đến một cái sạp có mái che, có lẽ được dựng lên để phục vụ cho khách bộ hành hoặc bày bán thứ gì đó. Ông Hai cho xe tấp vào rồi bảo Tư:
-Hai bác cháu mình nằm nghĩ lưng một chút rồi đón xe đò về Sài gòn.
Tư hỏi :
-Còn chiếc xe Hon Đa thì sao hả bác ?
Ông đáp:
-Người ta kéo nó lên mui rồi cột lại, tới xa cảng mình lấy xuống chạy về nhà, tiện lắm !
Họ nằm chưa nóng lưng đã nghe tiếng xe vọng tới. Ông Hai lồm cồm bò dậy liền, ông hối Tư :
-Dậy lẹ lên đi cháu, trễ chuyến nầy là năm giờ sáng mới có xe đi lận !
Tư hỏi:
-Sao lạ vậy bác ?
Ông hỏi lại:
-Giới nghiêm mà, bộ cháu không biết sao ?
Tư chợt hiểu ra là vì sao ở chuyến xe trước, đến bến bắc qua Châu Đốc xe phải nằm lại chờ đến mấy tiếng đồng hồ, khiến chàng đã sốt ruột rồi âm thầm oán trách bác tài.
Tư thầm khen mình đã nghĩ ra cái sáng kiến nhờ ông bác Hai nầy chở giùm, đồng thời nghe mang ơn ông biết mấy. Nếu không có ông, chàng phải mất thêm ít nhất là một hoặc hai ngày nữa. Anh chàng Tân chắc chắn sẽ phát hiện, Tư sẽ gặp rắc rối vì khó giải thích cho người công an khu vực ấy tin .
Xe vừa dừng, anh lơ liếc thấy chiếc xe của họ, liền trèo lên mui thoăn thoắt rồi hối như giặc. Ông bác và Tư đứng dưới đất, lật đật nâng chiếc xe cho anh ta kéo lên. Họ chưa kịp đi tới hàng ghế trống ở cuối xe để ngồi vào, bác tài đã cho xe chạy vù đi liền. Cả hai loạng choạng ngã vào nhau, may mà Tư nắm được cái lưng ghế rồi trụ lại kịp.
Vừa ngồi xuống ghế là Tư liền than:
-Ngồi chỗ nầy chắc tới khi xuống xe xương sống thành cây đàn ắc cọt.
Ông bác rầy:
-Mình đi vào giờ nầy nên mới có chỗ ngồi. Nếu chờ tới sáng cho dù sắp hàng chen lấn mua được tấm vé cũng chưa chắc trèo vô xe nổi. Họ xô đẩy nhau, người trên xe chưa xuống người dưới đất đã trèo lên để xí chỗ. Đi xe đò mà cực như đi hành quân vậy.
Tuy khởi hành vào giờ trái khoáy, trên xe vẫn đông người, hàng hóa chất đầy, choán cả lối đi. Hành khách hơn phân nửa là dân đi buôn. Họ đi giờ nầy để trốn mấy cái trạm gác, nếu không trốn được thì cũng dễ đút lót hơn. Đêm tối là trợ thủ đắc lực cho những hành động mờ ám. Điều nầy giải thích tại sao trạm gác mọc lềnh khênh nhưng ở Sài Gòn hàng lậu vẫn tràn ngập thị trường. Chúng có mặt không chỉ ở mấy cái chợ nổi tiếng ở trung tâm, mà cả những cái chợ chồm hổm ở hốc bà tó cũng nhan nhản.
Tư và ông bác ngồi ở cái băng ghế sau cùng, xung quanh họ toàn là phái đẹp. Giới đi buôn đa số là phụ nữ. Chàng lo sợ phập phồng. May quá ! Không có ai nhờ giấu hàng giùm.
Người lơ xe đến thu tiền, Tư hỏi :
-Bao nhiêu vậy anh ?
Y đáp :
-Một chiếc xe, hai người. Năm chục !
Tư ngạc nhiên trước cái giá rẻ bất ngờ đó.
Trả tiền xong, chờ anh ta đi khỏi Tư quay sang bác Hai hỏi nhỏ:
-Ảnh tính có lộn hông bác? Hôm trước một mình cháu đã gần ba chục rồi .
Bác Hai cười giải thích :
-Đường nầy gần lại không qua bắc nên rẻ hơn.
Ông lấy túi ấu ra đưa Tư rồi nói:
-Cháu ăn đi cho đỡ đói.
Tư mời lại:
-Bác ăn với cháu cho vui.
Ông cười hết cỡ, lấy ngón tay trỏ chỉ vào hai cái răng cửa rồi nói:
-Răng cỏ đâu mà cắn. Hai cái nầy là răng giả chỉ để làm kiểng thôi ! Cắn tàu hủ, sưng sa, sưng sáo thì được, chớ gặp ba cái thứ cứng cồng như vầy là chịu chết !
Tư chẳng nói, chẳng rằng, cầm lên cắn giập từng trái, đoạn cẩn thận bóc hết vỏ chỉ lấy cái ruột bên trong ra đưa cho ông.
Được chừng sáu, bảy trái, ông liền ngăn lại:
-Thôi bác không ăn nữa đâu!
Tư chia túi ấu ra làm hai, đưa cho ông một phần rồi nói :
-Bác đem bọc nầy về cho bác gái, cháu ăn bây nhiêu đây là no tràn họng rồi.
Bác Hai vừa cầm vừa nói:
-Bả cũng trồng mấy cái răng cửa y như bác. Đem món nầy về chắc bả cười tới mắc nghẹn luôn vì nghĩ bác cố tình chọc ghẹo.
Rồi ông nói thêm:
-Chắc bác phải lấy cái chày đâm tiêu đập cho bể ra rồi lột giùm. Phải làm như vậy may ra bả mới chịu ăn cho hết, hông thôi dám còn nguyên lắm !
Tư hỏi:
-Bác gái có nghĩ là bác chơi xỏ rồi giận hay không ?
Ông cười :
-Ba cái chuyện đó để giành cho tụi con nít ! Cái bọn già của bác, còn hơi sức đâu mà phung phí vô mấy cái vụ hờn giận tầm ruồng đó .
Tư lại hỏi:
-Từ hồi cưới tới giờ, hai bác có khi nào đòi chia tay với nhau không?
Ông gật đầu, giải thích:
-Cưới được hơn một tháng là vợ bác bị bịnh rất nặng. Bác có cầu xin trời phật cho bả qua khỏi, rồi muốn cái gì bác cũng chìu hết, bỏ bác cũng được. Bác nghĩ cái bịnh ấy chắc tại thất tình mà ra. Bác bèn hỏi bả coi nếu đúng như vậy thì khi bả hết bịnh, bác sẽ đưa trả về gia đình, rồi xin với ông nhạc cho bả được lấy người bả thích, để bả vui vẻ mà sống. Nói thiệt khi đó bác buồn hết sức, ráng cầm lòng mà nước mắt cũng chảy ra.
Nói tới đây ông bỗng dừng lại. Tư quay sang nhìn thấy trái cổ của ông liên tục chạy lên chạy xuống, như thể đang ráng nuốt thứ gì sắp sửa trào ra.
Ông kể tiếp:
-Nào ngờ nhờ vậy mà bả cảm động. Lúc ấy da bả xanh rờn, ốm nhom, ốm nhách, đi không muốn nổi, tưởng chừng sắp chui xuống lỗ. Bác bỏ hết công việc để ở gần một bên mà săn sóc. Người ta đồn uống trứng gà so là bổ hạng nhứt. Cái trứng nầy phải dùng khi nó vừa chui ra khỏi cái bụng con gà, còn nóng hổi mới tốt. Bác để tai nghe ngóng. Hể nghe mấy con gà mái tơ cục tác là rình để lấy liền cái trứng còn nóng đó. Bác ủ trong túi rồi lấy cái lông nhím chọc thủng hai đầu bắt bả hút cho hết. Ở quê, bà con nuôi gà để ăn thịt chớ không ai nở ăn trứng. Chừng nào nó ấp xong rồi bỏ lại mấy cái trứng ung, trứng vữa không nở thành con được mới đem luộc chấm muối mà ăn. Má bác khó tánh và tiết kiệm lắm ! Ngày nào bà cũng kiểm coi có con gà nào đẻ hông. Thấy nguyên bầy gà mái tơ, nghe cục tác rân nhà mà không có cái trứng nào bà sinh nghi. Hết rình mấy con gà rồi rình luôn tới bác. Bữa đó bắt gặp bác lộn cái trứng gà trong lưng quần, bà rầy cho một chập, đòi lại mà bác nhứt quyết không đưa, làm bà tức tới nổi trợn trừng hai con mắt. Mấy ngày sau bà lại bắt gặp nữa. Lần nầy bà giận quá, rút cây chổi lông gà ra quất bác tới tấp. Bị đòn thì bị, bác nhứt định không bỏ cái tội ăn cắp trứng gà, cho tới khi vợ bác ngán tới ói bác mới chịu thôi. Nhờ hút cả chục cái trứng gà so mà vợ bác khỏi bịnh. Nhờ cây chổi lông gà te tua nên bả mới bắt đầu thương bác.
Tư nghe ông kể rồi tưởng tượng cái cảnh ông bác lớn chồng ngồng, có vợ rồi mà bị đòn thì mắc cười quá chừng. Không dám bật thành tiếng, ráng nén xuống nên nghe tức bụng.
Ông Hai đang nhìn về ký ức nên gương mặt tràn đầy cảm xúc, ông nói tiếp :
-Cái lần đó bác tưởng đâu hai đứa rả rồi, nào ngờ khi hết bịnh bả không về nhà mà lại đổi tánh không còn lạnh nhạt với bác nữa. Vậy mà bác cũng chưa dám leo lên giường ngủ chung. Một hôm bác đang nằm dưới đất như mọi lần thì bả xuống nằm kế rồi ôm bác. Trời ơi ! Bác mừng muốn đứng tim luôn. Hai đứa ôm nhau mà rung bần bật. Bác biết liền là từ đây về sau, hai vợ chồng bác sẽ thương nhau cho tới chết.
Cơn cười bỗng dứt hẳn, thay vào đó là một nỗi xúc động làm Tư nghẹn ngào.
Nếu bây giờ đức mẹ có giáng lâm, rồi nói sẽ ban cho chàng chỉ một điều duy nhứt. Tư sẽ chẳng ngần ngại, xin đức mẹ ban phép cho mình và Ý thương yêu, gắn kết bền chặt, mãi mãi bên nhau như hai vợ chồng ông bác Hai nầy, chớ chẳng cầu mong bất cứ thứ gì khác.
Ông Hai thấy Tư ngồi im như tượng, bèn thoi nhẹ một cái rồi nói:
-Bộ buồn ngủ rồi sao ?
Tư lắc đầu, nói:
-Cháu thức khuya lắm ! Giờ nầy dễ gì ngủ nổi.
Ông bèn nhắc :
-Vậy thì ăn đi, để bụng đói còn khó ngủ hơn nữa.
Tư cầm trái ấu lên, bắt đầu cắn rồi nhai từ từ. Chàng ngạc nhiên hết sức ! Ban nãy khi bà chủ quán đưa mời, bụng còn no nên Tư nghe nó dở òm, ăn ngán ngược. Bây giờ lại thấy ngon một cách lạ thường. Chàng cứ cắn nhai, cắn nhai liên tục cho đến trái cuối cùng.
Tư lấy chai nước của bác gái trao cho họ ban nãy ra, mở nắp rồi đưa lên miệng uống. Hình như cái vị của nó ngọt hơn chai nước của mình, cho dù cả hai đều xuất thân từ thủy cục.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)34
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 5 2017, 23:03
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Chiếc xe đò như đua với thời gian. Nó chạy quá nhanh, bác Hai và Tư ngồi hai chỗ cuối ở băng ghế sau cùng nên cứ bị hất tung lên từng chập.
Cơn mưa tạm nghĩ lấy sức giờ bắt đầu hoành hành trở lại, mạnh gấp đôi lúc trước. Mưa to và bóng tối đã át tiếng và làm nhạt nhòa hình dạng của chiếc xe đò. Mấy trạm gác đóng cửa để tránh mưa, tránh gió, càng giúp nó đi qua chúng một cách êm đềm, suôn sẻ.
Bác tài tận dụng lợi thế đó, bắt chiếc xe năm mươi chỗ nầy chạy hoài không nghĩ, càng nhanh càng tốt. Nó bị buộc phải phi liên tục chỉ dừng lại một lần khi bị hành khách phản đối. Họ cần giải quyết một nhu cầu bức thiết nhứt, nên buộc lòng ông ta phải tuân theo.
Chiếc xe chưa kịp dừng lại, hành khách trên xe đã rời khỏi chỗ. Họ đổ dồn ra cửa, người nào cũng lăm le xuống xe trước tiên. Một phụ nữ trung niên đứng ngay sau lưng người phụ xế, người căng thẳng, miệng mím chặt, y như một chưởng môn nhân sắp so tài trong một trận đấu sống mái, đang tập trung mười tám thành công lực để sẵn sàng tung ra một đòn chí mạng.
Cuối cùng cái ông tài xế ngoan cố ấy cũng cho xe dừng lại. Người lơ, vốn cẩn thận và nhiều kinh nghiệm, chờ bốn cái bánh hết lăn mới chịu mở cửa xe. Mọi người đẩy lưng nhau, hối hả bước xuống. Anh chàng nào mà nổi máu ba gai, cố tình chơi ác đứng chặn ngang cửa, chắc chắn sẽ bị họ đập chết tươi rồi giẫm lên người hắn mà đi.
Trời tối và mưa nên sợi dây thần kinh mắc cỡ trùm mền đi ngủ sớm. Chẳng ai thèm đi xa. Họ ngồi ngay trên lề, nam một bên, nữ một bên giải quyết nỗi buồn một cách nhanh chóng rồi leo lên xe liền. Lúc nầy ai cũng cúi đầu, nhìn xuống chân, chẳng dám ngước mặt và đưa mắt nhìn người khác.
Chiếc xe lại lên đường, hấp ta, hấp tấp lấy lại thời gian đã mất. Nhờ chạy nhanh nên chưa đầy bốn giờ sau, nó đã ghé vào xa cảng.
Bác Hai năn nỉ người lơ, nhờ anh ta thả chiếc xe Hon Đa của mình xuống trước tiên. Bác nổ máy, chạy một lèo ra cây xăng gần đó liền, để đổ đầy cái bình xăng sắp cạn.
Trong khi Tư móc tiền ra trả thì bác cho máy nổ. Tiếng tạch tạch của nó nghe giống tiếng hối thúc Tư phải làm lẹ lẹ. Lấy tiền thối xong chàng leo lên xe ngay lập tức.
Bác vừa gài số vừa quay đầu căn dặn:
-Cháu ôm thật chặt nghe, mưa tạnh rồi nhưng bác chạy nhanh nên lạnh lắm đó !
Con đường vắng người nên rộng thênh thang. Hai chiếc xe gắn máy từ phía sau chạy qua mặt bác Hai một cái vèo. Ông cảm thấy mất mặt đối với Tư, bèn tăng ga để đuổi theo lấy cái mặt lại. Cả ba cùng phóng ào ào như muốn thi nhau nuốt trộng con đường trước mặt.
Giờ nầy những người vô gia cư cũng không còn lang thang trên đường phố. Họ đang nằm trên những tờ báo lót trên nền nhà, dưới những mái hiên của những căn phố đã tắt đèn, đóng cửa.
Chỗ nầy, dưới mái hiên thấp và tối om : Một khối tròn, to, dài của hai người đang nằm ôm nhau với tấm mền trùm kín, chỉ chừa từ cái mũi trở lên.
Chỗ kia, trên nền nhà cao được ngọn đèn nê ông ba tấc chiếu sáng : Một gia đình năm người với ba đứa bé nằm giữa, cha và mẹ chúng nằm hai bên. Cây quạt trong tay họ phe phẩy liên tục để xua muỗi cho bầy con. Cái cảnh màn trời chiếu đất ấy tuy thương tâm nhưng cũng đượm đôi phần ấm áp, khiến Tư nghe tận đáy lòng mình, đang dâng lên một niềm cảm xúc dào dạt khó tả!
Điều khiến trái tim Tư nhoi nhói là hình ảnh của các cụ già. Họ thích yên tỉnh hay ngại làm phiền người khác mà không chịu ngồi sát bên nhau ? Những cụ bà đầu trùm khăn, những cụ ông tóc lưa thưa, rối bời bời. Mỗi người đều ôm một cái bóng âm thầm của chính mình mà nép vào một góc.
Cụ thì ngồi tựa lưng vào cánh cửa sắt, một chân duỗi thẳng, một chân gập lại với hai cánh tay ràng cái đầu gối nhọn hoắc để giữ cho nó yên vị.
Cụ thì ngồi cong lưng, vòng tay bó cả hai gối lại làm một, đầu cúi gập, tựa hẳn lên hai cái đỉnh tròn tròn, nhọn nhọn đó. Bất động y như một khối đá.
Cụ thì nằm cong quắp, mang cái dáng quắt queo của một con tôm kho đi kho lại nhiều lần.
Cụ thì nằm ngửa, duỗi thẳng người, tay chân dang ra như trẻ nhỏ.
Cái túi nho nhỏ tròn tròn bằng vải ni lông dầu màu cứt ngựa, kích thước và hình dạng như nhau, được xem như đồng phục của các cụ. Nó phân biệt các cụ với những người cao tuổi không cùng một đẳng cấp. Chúng được ôm trong lòng, gối lên đầu để không thể rời bỏ các cụ một cách dễ dàng.
Đa số những người nầy là nạn nhân của buổi giao thời. Nhà nước áp dụng chính sách giản dân và kinh tế mới một cách vội vả, thiếu trù bị, nên chẳng những không có hiệu quả mà còn dẫn đến cái hậu quả tai hại. Tạo ra những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ.
Sài gòn chỉ thưa người ở giai đoạn đầu rồi nhanh chóng được lấp đầy. Nó như một viên kẹo quá ngon, quá ngọt, quá đẹp, quá hấp dẫn... Bầy kiến đen nhỏ bé, nhút nhát nầy vừa bị xua đi, thì ngay lập tức bầy kiến vàng to lớn, dữ dằn, bậm trợn khác bu lại liền sau đó.
Hiện giờ Sài Gòn giống như một thai phụ đang lâm vào cảnh bần hàn, mang gương mặt nhem nhuốc và cái bụng căng phồng trông rất tội !
Tất cả những điều nầy đều do "công" của vị thần chiến tranh tạo dựng.
Người ta lên án chiến tranh, cho rằng nó là cái giải pháp ngu xuẩn nhất, thế nhưng nó đều được thực hiện bởi những người được ca tụng là thiên tài và giàu lòng nhân ái.
Quốc gia nào cũng phải trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử. Đâu phải vô tình, vô lý khi người ta ghép bốn chữ "núi, sông, xương, máu" chung lại với nhau.
Tư không biết bắt nguồn từ đâu mà từ hạnh phúc gắn liền với chữ giàu, chữ mạnh...Khiến con người ta phải tranh, lấn nhau triền miên không dứt.
Đất nước của Tư, như phần đông những quốc gia nhược tiểu khác. Cùng mang thân phận của một bà mẹ nghèo, không đủ thức ăn để phân chia cho bầy con. Sự thiếu thốn khiến bọn chúng luôn khao khát, hướng mắt nhìn chăm chăm vào những căn nhà to và đẹp của láng giềng, ao ước sẽ được sống trong đó. Trớ trêu thay, chính những đứa con khỏe mạnh, giành giật được nhiều miếng ngon hơn, được mẹ cưng chiều hơn, lại là những đứa nuôi ý định xa bà nhiều nhất. Chúng chẳng những không trả lại vô số vật thực mà bà đã hết sức rộng lòng ban cho, để đền đáp công ơn dưỡng dục, còn nhẫn tâm vơ vét cho bằng hết !
Thấy Tư làm thinh, vòng ôm lỏng le, nên bác Hai tưởng lầm.
Ông nhắc:
-Đừng có ngủ quên rồi té xuống xe nghe hông? Nguy hiểm dữ lắm đó !
Tư trả lời cho bác yên tâm:
-Cháu đâu có buồn ngủ...
Ông ngắt :
- Không phải buồn ngủ, sao ngồi im ru vậy ?
Tư đáp, mượn cái giọng têu tếu của bác :
-Cháu buồn cái khác, cái nầy sâu và rộng hơn nhiều.
Bác Hai gặng tiếp:
-Cái gì ? Đâu nói bác nghe thử coi !
Tư thở dài, vừa chỉ tay vào hai bên lề vừa nói :
-Cháu thấy những người không nhà, không cửa, không công ăn, việc làm, phải sống lang thang như thế nầy thì rầu giùm cho họ lắm. Cái cảnh "du" mà không có "mục" nầy sẽ đưa họ đến đâu. Người già thì không nói gì, nhưng thanh niên và những đứa trẻ thì sao? Không khéo họ lại bị kẻ xấu rủ rê, gia nhập vào thành phần bất hảo, trở thành mối nguy cho xã hội. Khi ấy chẳng những khổ cho họ mà còn khổ lây cho những người khác nữa !
Ông Hai chép miệng :
-Cháu mà ra đường mỗi ngày, gặp đủ thứ chuyện, đủ thứ người như bác chắc sống không nổi. Ở cái đất Sài gòn nầy, giàu nghèo chênh lệch nhau nhiều quá, khiến tâm tánh thiên hạ dần dần điên đảo. Ngẫm ra người ta chết đói đâu có nhiều bằng chết vì mấy thứ khác.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)35
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 5 2017, 00:11
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ý đang buông mùng thì nghe tiếng cậu Ba gọi ngoài cửa:
-Út ơi! Ý ơi ! Có đứa nào còn thức đó hông ?
Dì Út tốc mùng chui ra trước, hỏi bằng giọng hớt hơ, hớt hãi:
-Má có sao hông anh?
Cậu Ba đáp :
-Má không có bị gì hết ?
Dì hỏi tiếp:
-Vậy sao tối hù, trời mưa ào ào mà anh còn đạp xe vô đây ?
Cậu Ba gắt :
-Cô mở cửa lẹ đi ! Cho tui vô nhà rồi muốn hỏi cái gì thì hỏi.
Bà ngoại của Ý đã gần tám mươi, sức khỏe giảm sút nhiều nên khi nghe tiếng cậu Ba gọi cửa, cả dì Út lẫn Ý đều lo. Nghe bà không sao nên hai dì cháu đều trấn tỉnh lại.
Dì Út nghe ông anh hối mở cửa, bèn đi lò mò trong bóng tối, tiến thẳng về hướng giữa nhà để lấy cái hột quẹt đá, đang nằm kế bên cây đèn dầu hôi đặt trên đầu tủ thờ.
Dì bật quẹt, kề ngọn lửa vào tim đèn. Vừa cháy lên là dì lật đật chụp thật nhanh cái ống khói vào. Động tác nầy phải làm thật nhanh, nếu không mấy ngón tay bám vào ống khói sẽ bị phỏng, bởi nó- ống khói- làm bằng thủy tinh trong và rất mỏng nên nóng hết sức nhanh..
Dì Út thấp sáng cây đèn xong liền rút cây then bằng gỗ me nước nặng trịch ra.
Vừa mở cửa dì vừa hối :
-Anh vô lẹ đi, dắt chiếc xe theo luôn đặng em đóng cửa liền hông thôi mưa tạt.
Cậu Ba dắt xe đạp vào nhà. Trên cái bọc ba ga là một gói rất to có miếng ni lông trùm kín, được ràng bằng sợi dây thun đen thùi làm bằng ruột xe hơi.
Dì Út hỏi:
-Anh chở cái gì mà kềnh càng dữ vậy ?
Cậu Ba móc tờ giấy trong túi ra đưa cho Ý . Cậu vừa tháo sợi dây ràng vừa nói:
-Có một thanh niên đem thùng quà nầy tới giao cho cậu. Y nhờ chuyển cho cháu gấp.
Ý cầm tờ giấy lịch mỏng te, bị thấm nước mưa nên ướt nhẹp lên tay một cách e dè. Cô chưa chịu mở ra xem liền mà hỏi:
-Y ta có nói tên gì và ở đâu hông cậu ?
Cậu Ba giục:
-Y không xưng tên, cậu cũng không có hỏi. Cháu coi thơ là biết liền mà .
Ý cẩn thận mở thư ra, mực ngấm nước bị lem nên chữ nầy gác chữ kia rất khó đọc. Ý đang mò mẫm thì cậu Ba đã đặt thùng hàng lên bộ giạt tre.
Ý nhìn thùng quà trân trân, mặt tái nhợt như đang thấy ma. Rung giọng hỏi:
-Cái thùng nầy sao lại ở đây ?
Cậu Ba trả lời:
-Cái người viết cái thơ nầy đem tới đó
Ý nghe hai chân rung bắn, đứng hết nổi nên ngồi phịt xuống tấm giạt.
Cậu Ba thấy Ý thất thần liền lấy tờ giấy trong tay Ý lại. Cậu mang lá thơ đến gần sát ngọn đèn rồi đọc to để mọi người cùng nghe.
Phải mấy phút sau Ý mới định thần.
Cô hối dì Út:
-Dì lấy cho cháu mượn cây kéo để cắt mấy sợi dây nầy ra liền đi.
Dì Út bưng cả cái rỗ may ra cho nhanh. Dì lấy cái kéo màu đen, được rèn từ thanh sắt của cái nhíp xe đã gảy, không đưa nó cho Ý mà tự cắt.
Những cái hủ nhựa đựng mắm ruốc, thịt, cá chà bông và mấy gói kẹo vẫn còn nguyên chưa mở. Ý moi cái gói cà phê lên, tháo sợi dây thun cột miệng rồi trút ra. Bột cà phê đã kết lại thành một khối, nó thấm một lượng nước rất ít nên không tan chảy nổi.
Chưa yên tâm, Ý mở nắp hộp thịt cà bông, xóc hoài cho đến khi tờ giấy nằm dưới đáy trồi lên mặt. Ý không mở ra đọc, nắm chặt nó trong tay mà khóc một cách tức tửi.
Dì Út và cậu Ba nhìn Ý rồi nhìn nhau với nét mặt chưng hững. Họ không hiểu tại sao đứa cháu gái của mình lại khóc một cách thê thảm như vậy.
Dì Út thấy Ý không thèm đưa tay lau những giọt nước ràn rụa trên mặt thì thương quá. Dì kéo vạt áo của mình lau mặt cho cháu rồi cầm lòng không đậu cũng khóc theo rấm rức.
Cậu Ba nhìn Ý rồi nói :
-Hôm cháu về đây cậu đã thấy nghi rồi. Cháu hay tránh trả lời mấy câu hỏi về anh chị Hai và con Thu con Bích. Cũng không chịu ngủ với ngoại, còn đòi đi thăm dì Út liền nên cậu biết ngay là có chuyện chẳng lành. Bây giờ không có bà ngoại ở đây, cháu nói hết cho dì với cậu nghe cho nhẹ lòng đi. Có như vậy mọi người mới biết để tránh chạm tới cái vết thương trong lòng của cháu.
Ý vẫn khóc mùi mẫn. Cô không dừng được, cũng không mở miệng nói nổi một lời nào.
Dì Út bỗng nức lên rồi kể thay Ý:
-Anh Hai, chị Hai với hai đứa kia vượt biên chết mất xác rồi anh Ba ơi ! Con Ý nhờ thương một ông sĩ quan đi học tập. Nó không nở bỏ cậu ta mà đi nên trốn trên bờ, không chịu xuống tàu với gia đình . Nó định về đây ở luôn với má và mấy anh em mình đó !
Cậu Ba buông người xuống tấm giạt, nghẹn ngào không thốt nổi một lời. Cậu muốn đưa tay vuốt tóc đứa cháu để bày tỏ sự cảm thông của mình mà cũng làm không nổi.
Dì Út như chợt nhớ ra nên hỏi Ý:
-Phải đây là thùng quà có cái gói cà phê mà cháu nói đó hông ?
Ý gật đầu.
Dì Út chợt hiểu ra ý nghĩa của những chữ trong bức thư ngắn ngủi đó. Dì ôm chầm Ý bằng cả hai tay rồi nói thật to gần như hét :
-Cháu thoát tội rồi Ý ơi ! Cái thùng hàng chưa mở ra. Mấy gói đồ ăn còn nguyên. Bịt cà phê cũng còn nguyên, nó không có giết ai hết !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)36
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 5 2017, 21:31
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ông cậu ngồi như tượng bên cạnh đứa cháu gái mà mình thương nhứt. Ý vẫn khóc mùi, khóc mẫn.
Dì Út đưa mắt nhìn ông anh một cách cầu khẩn. Bắt gặp tia mắt đó, ông biết cô em gái đang đòi hỏi ở mình điều gì nên lắc đầu thật nhẹ để đáp lại.
Có những bức tường rất cao, rất dày...Có những nỗi buồn quá sâu... nên ngôn ngữ đành bất lực, chẳng thể xuyên qua, chẳng thể chạm vào tận đáy.
Nỗi buồn tuy vô biên nhưng nước mắt lại hữu hạn.
Khi hai vạt áo của dì Út không còn có thể thẩm thấu thêm được nữa ! Khi cây đèn ống khói đã uống cạn cái lượng dầu trong bình, bắt đầu ăn đến cái tim của nó rồi cho ra mấy lọn khói đen xì... Ý cũng thôi khóc, hay vẫn khóc mà không còn nước mắt để rơi thì cậu Ba đứng lên đi về.
Cậu nói với Ý bằng giọng tâm tình :
-Cậu biết mất người mình yêu là buồn đến mức nào. Nhưng cuộc đời là một dòng sông, phải vứt hết hành lý để ngoi đầu lên mà bơi thôi ! Bây giờ cháu hãy nghĩ đến những món nợ tình cảm phải trả cho thân quyến, bạn bè của mình. Cháu cần phải ráng sống, ráng vui. Đừng để cho ngoại, dì, cậu... cùng những người thương cháu phải chịu cảnh đau lòng giống như cháu hiện giờ.
Dì Út gật đầu :
-Cậu Ba nói đúng đó ! Cháu mà buồn rồi bịnh, dám bà ngoại cũng bịnh vì buồn theo luôn.
Dì Út nhìn cậu Ba rồi hỏi:
-Bây giờ mình phải nói với má như thế nào đây anh Ba.
Cậu Ba đáp liền:
-Má yếu lắm rồi, phải giấu nhẹm chuyện nầy. Không nói cho má cũng không hở môi cho ai biết hết ! Nếu má có nghi ngờ mà tra hỏi gắt gao thì cô phải lựa cách nói sao cho má yên tâm.
Ngẫm nghĩ một lát, ông nói tiếp:
-Cô cứ nói anh chị Hai lúc nầy bận làm ăn hay buôn bán gì đó! Không có rảnh như lúc trước nên sai con Ý về thăm, bảo nó phải ở lại săn sóc bà ngoại.
Ông nhìn dì Út rồi gằn giọng:
-Cô nhứt định không được nói cho ai cái vụ gia đình chị Hai chết ngoài biển nghe hông ! Tới tai chính quyền là không những con Ý mà gia đình mình cũng gặp rắc rối nữa đó ! Mấy cái chuyện nầy ai mà nghe được thì khó mà giữ trong bụng lắm. Nhứt là cái thằng chồng của cô đó !
Ý hết hồn ! May mà ông dượng đi vắng nên không nghe được, nếu không...
Dì Út phật ý, giọng quạu đeo :
-Sao anh xem thường ảnh quá vậy ? Nghèo đâu đồng nghĩa với xấu. Người học ít hơn anh đâu có phải họ ngu hay thấp hèn hơn anh! Ảnh trót sanh ra trong cảnh cơ hàn, ông trời vốn đã bất công rồi còn bị thiên hạ rẻ rúng nữa. Thiệt là tàn nhẫn hết sức !
Cuộc hôn nhân của dì Út khiến gia đình mất mặt. Đến bây giờ ông anh vợ vẫn không ưa người em rể. Kẻ mà ông cho rằng rắp tâm phá hoại gia đình mình.
Ông nhìn dì Út bằng nửa con mắt rồi nói :
-Thì cái tình thương mà ổng và mọi người dành cho nó bị cô gom hết rồi. Còn chút nào nữa đâu mà chia cho người khác? Bởi vậy bây giờ mới phải chui về đây ở. Đang là giáo viên trường lớn, cái rồi xin chuyển về đây dạy ở cái trường nhỏ xíu, lèo tèo có mấy đứa học trò.
Dì Út cũng chẳng vừa, đốp chát lại liền :
-Nhờ vậy mà tha hồ sống theo sở thích, làm việc theo lương tâm mình. Không cần chạy theo thành tích. Khỏi bị ai xăm xoi bắt bẻ. Khỏe re.
Dừng lại một lát rồi dì nói tiếp:
-Nhờ vậy mà thanh thản đầu óc, lâu già. Còn anh đó, ôm cái trường bự tổ chảng nên tóc bạc trắng.
Thấy cô em gái còn chưa đã nư, mở miệng định nói nữa, ông liền át giọng:
-Bây giờ cái chuyện quan trọng nhứt là lo cho má đây nè ! Không lo nghĩ cách nói cho xuôi, ở đó mà lo đôi co. Cái miệng cứ tươm tướp...
Dì Út định cự lại bỗng bắt gặp tia mắt buồn thiu của Ý nhìn mình như van xin liền tắt tiếng. Nỗi xấu hổ vụt dâng trào như sóng, chụp tắt ngay lập tức ngọn lữa giận đang phừng phừng trong lòng dì. Dì Út cảm thấy mắc cỡ, nhủ thầm: "Cháu mình đang trong tâm trạng buồn thảm như thế nầy mà hai anh em còn gây lộn được sao?"
Dì Út hỏi, giọng đã dịu lại :
-Rủi má đòi mình đưa lên Sài gòn thăm ảnh chỉ thì sao?
Cậu Ba đáp:
-Thì mình nói là mắc đi dạy nên chưa rảnh.
Trầm ngâm một chút cậu lại nói:
-Dè chừng vậy thôi chớ má dễ gì chịu đi xa. Má ghét ở Sài gòn lắm ! Má nói cái xứ gì mà ở nhà như ở tù. Đi vô, đi ra gì cũng phải mắc công mở ra, đóng vô hai, ba lớp cửa...
Rồi quay lại nhìn Ý, ông nói :
-Con ở chơi với dì Út một ngày nữa thôi rồi về liền để ngoại khỏi nghi. Người lớn tuổi tinh ý lắm ! Ngoại cũng đang nhớ con, cứ hỏi chừng nào con về.
Ý nghe vậy thì nói :
-Vậy con về với cậu luôn để khỏi mắc công dì Út đưa ra.
Ánh sáng hấp hối của ngọn đèn cứ mòn mỏi dần rồi tắt rụi. Dì Út lại mò mẫm đi vào buồng, cầm theo cái hột quẹt để đốt cây đèn trứng vịt mà dì vừa mới tắt trước khi đi ngủ.
Ý đi theo dì, lấy bộ đồ mới giặt hồi chiều còn ướt, đang máng trên sợi dây kẽm treo cặp vách, xếp lại rồi cho vào túi xách. Khăn tắm của dì Út đã quá cũ ! Ý cố tình bỏ quên cái khăn còn mới tinh của mình đang phơi chung một chỗ với bộ đồ, để lại cho dì dùng.
Dì Út biết vậy nên rút cái khăn xuống đưa cho Ý mà nói:
-Khăn là tang, là chế đó con. Đi tới nhà ai nhớ đừng bỏ lại, người ta kỵ lắm đó ! Mai mốt đừng tặng khăn cho người mà mình thương...
Nói tới đó dì biết mình đã lỡ lời nên nín ngang.
Ý đáp, giọng buồn thiu :
-Chắc con không thương ai nữa đâu dì!
Dì gạt phắt:
-Chuyện nầy không có nói trước được đâu. Hồi chồng chưa cưới của dì tử trận, dì cũng nghĩ mình không còn có thể thương ai được nữa. Vậy mà...
Dì lại bỏ lửng. Ý cũng chẳng buồn gặng hỏi.
Mưa đã tạnh. Bên ngoài, trời đã hơi sáng lên một chút, nhờ ánh trăng đang vạch đám mây mỏng, đưa gương mặt mới tròn được một nửa của mình ra ngoài.
Cậu Ba vừa dắt xe ra, vừa hối:
-Mình về lẹ đi con ! Để ngoại ở nhà một mình, cậu không yên tâm chút nào.
Ý vừa leo lên ngồi là bị dì Út kêu giựt ngược :
-Khoan, khoan...Còn cái thùng hàng nữa.
Ý lắc đầu nói :
-Con không đem theo đâu. Dì muốn để lại dùng hay cho ai tùy ý.
Dì Út năn nỉ:
-Đem hủ cá với thịt chà bông về cho ngoại ăn cháo trắng. Nhiều quá dì ăn không hết mà bỏ thì uổng lắm ! Đem bịt cà phê cho cậu ...
Ý ngắt lời, nói một cách cương quyết :
-Để con mua cá, mua thịt về làm cho ngoại, mua cà phê khác cho cậu.
Dì Út biết Ý chịu không nổi khi thấy chúng nên thôi không ép nữa. Dì đứng nhìn theo cho đến khi con đường lầy lội nuốt chửng họ. Nhìn lên trời thấy mây đen bắt đầu tụ lại sắp che lấp mặt trăng, dì Út sợ trời lại mưa nên lẩm bẩm : " Đừng mưa nữa ông ơi, tội nghiệp cháu tui".
Ông trời chẳng thèm đoái hoài tới lời van xin khẩn thiết ấy. Bắt đầu giáng một tiếng sấm chát chúa, làm xẹt ra mấy tia lửa điện ngoằn ngoèo. Sau màn mở đầu hết sức hoành tráng đó ổng mới bắt đầu nhúng tay vào thau nước mà vẫy đều bốn phương, tám hướng. Những hạt mưa lưa thưa bắt đầu rơi nhè nhẹ rồi từ từ nhanh dần và dày đặc.
Dì Út nghe thương Ý quá, nghẹn ngào mà không khóc nổi. Chắc cái cơn tức do ông anh gây ra vừa rồi, đã khiến nước mắt của dì bốc hơi hết ráo !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)37
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 5 2017, 21:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Vừa đặt chân đến cổng, Chơn đã nghe tiếng võng cọt kẹt từ trong nhà vọng ra. Đưa tay xô nhẹ, hai cánh cửa đang đóng mở ra ngay lập tức. Biết vợ để sẵn cửa rồi nằm đưa võng để đợi mình, Chơn vô cùng cảm động, chàng rón rén bước đến, ngồi xuống rồi ôm cả vợ lẫn võng bằng cả hai tay.
Chơn kề sát miệng vào tai Út hỏi nhỏ:
-Chưa ngủ sao cô giáo ?
Khi nào nghe thương vợ dào dạt trong lòng, Chơn lại gọi Út bằng "cô giáo". Tiếng gọi đó nhắc cho cả hai cùng nhớ, cái cơ duyên đã gắn kết họ vào nhau.
Út hỏi :
-Đi đám ma có vui hông?
Nghe cái giọng quá "bằng phẳng" của Út. Chơn không hiểu là vợ đang cà rỡn hay đổ quạu nên không dám trả lời mà chỉ hỏi lại:
-Sao không vô mùng nằm với cháu ? Nằm ngoài nầy muỗi cắn chết.
Út đáp:
-Nó về ngoải rồi !
Ánh trăng chiếu qua cửa cho chàng thấy chiếc xe đạp vẫn đang dựng sát vách nên hỏi:
-Đi bằng gì ?
Út trả lời :
-Anh Ba chở.
Chơn hiểu ngay vì sao vợ khó ngủ. Những người trên tay có mang vết thương, khi nhúng vào nước có vị cay, chua, mặn...Hoặc khi thời tiết chỉ hơi se lạnh một chút là họ nghe xót liền .
Chơn nghe thương vợ quá ! Chàng vốn nghèo từ vựng để diễn tả cảm xúc, nên chỉ biết ghì chặt vợ vào lòng mạnh hơn một chút mà thôi !
Út hiểu Chơn biết cô buồn nên rất muốn chia xẻ và an ủi. Cô đoán trong lòng Chơn đang đầy ấp cái mặc cảm tự ti, lương tâm đang vừa cắn, vừa rức vì cho mình là người có lỗi.
Muốn anh vui nên cô hỏi :
-Tía nó đói bụng hông ?
Họ thường dùng hai chữ "tía nó", "má nó", trong những trường hợp đặc biệt, để bày tỏ ước muốn gắn bó lâu dài với nhau. Tiếng gọi tuy bình dị mà đầy âu yếm đó, y như con thuyền vững vàng chở họ qua mưa bão. Dù cưới nhau chưa được lâu, chưa có con nhưng họ thích gọi nhau bằng cái từ mộc mạc của thời xa xưa ấy. Cái thời mà tình nghĩa vợ chồng như một khối đá hoa cương, tròn trịa, trơn tru không một vết rạn, hình thành một cách tự nhiên, không cần đẽo gọt.
Chơn là một tay đờn trong ban nhạc của xóm.
Ở quê, hầu hết các đám như đám ma, đám cưới, đám hỏi...đều có ban nhạc đến góp vui. Đám ma cần thiết nhất, bởi gia chủ phải thức suốt đêm canh chừng, sao cho trên lư hương lúc nào cũng có ba cây nhang tỏa khói, để giúp người vừa ra đi khỏi tủi thân và ấm áp vong linh. Câu "nhang tàn khói lạnh" thường dùng để tránh móc sự thờ ơ của người sống đối với người chết. Những gia đình theo đạo phật, bàn thờ phải thắp nhang liên tục đến đủ bốn mươi chín ngày.
Để duy trì lòng nhiệt tình của nhóm tài tử. Gia chủ thường nấu cháo gà, cháo vịt...châm trà, rót rượu... phục vụ hết sức chu đáo để họ chơi hết mình cho xôm tụ. Cho nên cái câu "ăn cháo khuya" cũng giống như mấy chữ "chầu diêm vương", "đi mua (bán)muối", "ngũm củ tỏi"...đều ám chỉ ai đó đã qua đời.
Chơn không đói chút nào nhưng biết vợ rất thích thể hiện tình cảm bằng cách săn sóc và đáp ứng mọi nhu cầu của mình nên gật đầu.
Út liền bỏ chưn xuống võng, Chơn lật đật đứng dậy rồi cầm cả hai bàn tay vợ kéo lên. Thấy Út không vô bếp mà đi xăm xăm ra cửa anh hỏi:
-Má nó đi đâu đó ?
Út đáp:
-Đi hái ớt với đậu rồng.
Chơn lật đật kéo vợ lại rồi nói:
-Để anh hái cho, ngoài đó mưa mới tạnh nên trơn lắm !
Út liền quay lưng đi theo hướng ngược lại. Cô ghé vào buồng, lấy cây đèn trứng vịt ra thấp sáng rồi mang vô bếp. Cô bưng cái nồi cơm đang treo trên gióng xuống. Mở nắp vung nhìn vào thấy chỉ còn một ít cơm nạt, độ chừng hơn một chén mà thôi !
Út lấy ra hai cái chén. Chén của chồng thì cô ém cơm lại cho chặt, còn chén của mình thì không, nên tuy chén cơm của Chơn nhiều gấp đôi nhưng trông chúng vẫn bằng chan nhau.
Chơn hái hai trái ớt và mấy trái đậu rồng xong thì không đi vào cửa trước mà vòng ra cửa sau, lại cái lu bên sàn nước để rửa rau, tay lẫn chân cho sạch.
Mùi thơm của mắm ruốc xào xả ớt từ bếp bay ra làm hai cánh mũi Chơn phập phồng. Chàng ngạc nhiên, hồi chiều cả nhà ăn cơm với rau lang, rau trai luộc chấm cá kho mà !
Chơn đứng tại chỗ hỏi vọng vào:
-Mắm ruốc ở đâu ra vậy má nó ?
Út nhớ lời anh Ba căn dặn làm bộ không nghe nên không đáp. Nhưng cô lại để lộ tẩy vì lật đật mở cửa sau cho chồng vào. Thấy hai trái ớt một đỏ, một còn xanh chồng đang cầm trên tay thì cau mặt, kiếm chuyện cự nự để Chơn khỏi lập lại câu hỏi.
Cô gắt :
-Anh hái làm chi trái ớt còn non xèo vậy ? Cây ớt trái nhỏ xíu nầy vốn là cái thứ hay để bụng nên người ta mới gọi nó là "ớt hiểm". Mình hái trái chín thì không sao, chớ hái trái non là nó giận đó !
Chơn nghe vợ nói có duyên quá nên ghẹo :
-Sao em biết nó giận.
Út cắt nghĩa:
-Hồi nhỏ em có tự mình trồng một cây ớt. Nó vừa có trái, chưa kịp chín thì em nôn quá nên hái liền. Thế là nó giận, tự mình ngắt hết mấy cái trái trên cây rồi không thèm trổ bông, đậu trái nữa.
Chơn nói:
-Không riêng gì ớt đâu. Cây nào mới ra trái "chiến" (trái đầu) người lớn đều cấm con nít đụng tay vô hái. Má anh hồi xưa trồng bầu còn cấm tụi anh nhìn trái của nó nữa. Má nói nhìn hoài nó không lớn nổi.
Đưa trái ớt xanh cho Út xem, Chơn nói:
-Anh cố ý hái trái ớt xanh cho em ăn để biết nó ra làm sao ?
Út cười :
-Ớt non thì có gì mà ngon. Cũng giống ổi non, mận non, chuối non...ăn chát ngầm có ngọt gì đâu ?
Chơn cười:
-Ậy ! Trái ớt nầy coi non như vậy mà giòn, thơm, nồng nồng ...cay vừa phải chớ không xé họng như khi chín. Một chút ăn rồi biết liền. Bảo đảm em ghiền nó luôn!
Bốn tên: mắm ruốc, cơm nguội, đậu rồng và ớt, đặc biệt là ớt xanh hết sức hợp tính, hợp tình nhau. Hai vợ chồng vét cho đến hột cơm cuối cùng vẫn còn nghe thèm. Út thấy chồng ăn ngon miệng quá nên hỏi:
-Anh còn đói hông ? Để...
Chơn gạt phắt:
-Anh no rồi, không ăn nổi nữa đâu !
Út đặt mấy cái chén vô nồi định bưng ra sàn nước để rửa, Chơn liền ngăn lại:
-Để anh rửa cho, em vô giăng mùng đi !
Út nói:
-Em giăng mùng, tấn mùng xong xuôi từ nãy rồi. Thôi để em đi pha cà phê...
Chơn lại hỏi:
-Cà phê ở đâu vậy ?
Út lại làm bộ không nghe, cô chẳng thèm trả lời, trả vốn gì hết. Bước lại cái bàn dài trước nhà, nơi bày sẵn bình trà, bộ tách và một cái bình thủy Trung quốc đựng nước sôi. Cô nhấc cái bình thủy lên tay, thấy còn nặng thì nhớ ra mình vừa châm đầy vào lúc nấu cơm chiều.
Út để phin cà phê vào cái tô lớn, chế nước sôi vô tô để làm nó nóng cả trong lẫn ngoài rồi lấy đũa gấp ra. Cô cho nó ngồi lên cái ly "xây chừng" dùng để uống trà, chỉ cho một muỗng canh cà phê vào phin rồi mới chế nước sôi vô đầy tới miệng. Một mùi thơm phưng phức bay ra khiến tinh thần cô vô cùng sảng khoái.
Chơn xuýt xoa :
-Cà phê thơm quá ! Thứ nầy chắc mắc tiền lắm đây.
Rồi ghẹo vợ :
-Giờ nầy mà uống cà phê chắc anh ngủ hết nổi. Em sẽ mệt lắm đó !
Út làm bộ ngây thơ, nói:
-Anh uống thì anh mệt chớ mắc mớ gì tới em mà em mệt.
Chơn hăm he, giọng rất tuồng:
-Để coi lát nữa ai mệt thì biết !

Vừa thức dậy, Út liền phát hiện ra cái mùi thơm của cơm và thức ăn đã chui vào mũi mình mà trốn từ hồi nào. Bước vào bếp cô thấy Chơn đang cầm đôi đũa bếp xới tung nồi cơm đang bốc khói.
Út kêu to:
-Đừng có giầm nát miếng cơm cháy của em.
Chơn quay lại nhìn vợ, cười rồi đưa cái dĩa đựng nguyên một dề cơm cháy trên tay cho Út thấy, nói :
-Đừng có lo ! Anh khựi hết ra đây rồi, không còn sót một miếng nào ở trong nồi hết .
Trong mâm đã có đủ ớt, đậu rồng, dưa leo và tất nhiên cả nửa chén mắm ruốc nữa.
Chơn lại hỏi:
-Ai xào mắm ruốc mà ngon quá vậy em ? Toàn là thịt không hà !
Út biết sẽ đối mặt với câu hỏi nầy nên đã nghĩ ra một cách trả lời từ đêm qua.
Cô nói:
-Cái nầy là của anh Ba đem vô cho. Chắc cô nào làm cho ảnh, ảnh không thích hay ăn không hết nên đem vô cho mình .
Chơn tròn mắt, thích thú:
-Thiệt vậy sao ? Vậy là rốt cuộc ảnh cũng chịu kiếm vợ rồi.
Út dập tắt ngúm ngọn lửa háo hức trong mắt chồng:
-Không ăn thua gì đâu anh ơi, đừng có mừng quá sớm. Ảnh hổng có thương cái cô đó đâu, nếu thương đâu có đem mấy món cổ làm mà cho mình hết trọi vậy ?
Chơn thở dài:
-Bộ hồi nào tới giờ ảnh chưa hề thương ai sao em?
Út thở còn dài hơn chồng:
-Thương quá trời, quá đất mới khổ !
Rồi cô hỏi Chơn:
-Anh có biết nhà ông Năm Tiền ở mương lấp hông ?
Chơn lắc đầu:
-Anh ít ra đó nên không biết.
Út nói:
-Bà vợ ổng đẻ một dọc năm cô con gái đầu, đặt tên theo thứ tự là : Ngọc, Ngà, Châu, Báu, Kim. Trong đó cô Kim là đẹp nhứt. Anh Ba với cổ thương nhau. Cô nầy hồi nhỏ đau hoài nên ốm nhom. Cha, má em có ít con trai nên kén dâu dữ lắm ! Sợ cái bụng cổ sát rạt không đủ chỗ có con nên không chịu. Anh Ba đòi bỏ học đi lính nên cha, má em phải bấm bụng mà đi cưới. Nào ngờ hai cái tuổi nầy là "bất sang tuyệt mạng", cưới xong là chết liền nên hai bên không tiến tới nữa. Có một người con trai thương cổ, đeo hoài mà cổ nhứt định không chịu. Bên gia đình cổ bèn mạo chữ của anh Ba, viết cái thơ chia tay với cổ. Cổ hận quá nên ưng anh chàng kia. Nào ngờ đến ngày cưới, khi đàng trai đang rước dâu thì anh Ba em lù lù xuất hiện, thế là cổ té xỉu. Chú rể liền bồng cô dâu xuống tàu chở đi luôn.
Chơn hỏi:
-Cô đó bây giờ ở đâu ?
Út đáp :
-Ở Sài gòn ! Chắc chồng cổ thấy hai người nặng tình quá, sợ họ xáp lại với nhau nên dắt vợ, bồng con, bỏ xứ mà đi xa như vậy.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)38
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 5 2017, 22:54
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Sáng hôm sau, Chơn trút lộp được một con tôm càng xanh. Anh mừng rơn, bắt bỏ vô cái rộng đeo bên hông rồi chạy về khoe với vợ liền :
-Má nó ơi, ra đây mà coi nè !
Út lật đật chạy ra, nhìn con tôm to bằng cườm tay đang nằm quơ qua, quơ lại mấy cái càng trong rộng thì cười toe toét, nói với chồng :
-Má thích ăn tôm càng nấu canh khoai ngọt lắm, để em đem ra cho má liền !
Chơn chạy vào bếp lấy cái túi đệm ra, cho con tôm vào rồi đưa cho vợ.
Út đeo cái túi đựng đồ nghề dạy học lên vai rồi nói với chồng:
-Em đem tôm ra nhà má, trên đường về sẽ ghé trường luôn ! Em chiên cơm rồi đó anh ăn đi.
Vừa ngồi lên yên xe, cô chợt nhớ ra nên nói với chồng:
-Anh đem hủ chà bông cá qua đưa cho chị Hai, nhớ dặn chỉ cất để dành cho má ăn cháo. Đem bịt kẹo dừa qua chia cho mấy đứa con của anh Ba phân nửa, anh Tư phân nửa .
Nói xong là hối hả đạp xe đi liền, không kịp quay lại cười với Chơn như mọi bữa. Cô không thể thấy gương mặt vui tươi và đôi mắt nhìn theo mình một cách đầy trìu mến của chồng.
Sợ trễ giờ đến trường nên Út không leo lên cầu thang để lên thăm má. Cô ngồi trên xe, chống một chân xuống đất mà kêu hối hả:
-Ý ơi, lẹ lẹ ra đây mà cầm cái nầy giùm dì !
Ý lật đật chạy ra. Cô nói liền :
-Con biết sáng nay thế nào dì cũng ra kiếm con .
Út ngạc nhiên :
-Sao con biết ?
Ý đưa bàn tay ra trước mặt dì Út, chỉ vào chiếc nhẫn đang đeo ở ngón trỏ, hỏi:
-Dì kiếm nó phải hông ?
Út lắc đầu, rồi thắc mắc :
-Sao con lại đeo nhẫn vào ngón nầy ?
Ý xòe rộng bàn tay trái ra, chỉ vào từng ngón, bắt đầu từ ngón cái rồi đếm:
- Buồn, vui, xui, tình, bạn. Ngón nầy là ngón tay vui đó dì. Bởi vậy mấy người kết hôn rồi đều đeo nhẫn ở cái ngón áp úp, là ngón "tình" không hà !
Rồi lột chiếc nhẫn ra đưa cho dì và nói:
-Trả cho dì nè!
Út ngạc nhiên thêm một lần nữa, hỏi:
-Sao lại trả cho dì ? Nó đâu có phải của dì !
Ý trợn mắt hỏi:
-Vậy thì ai đặt vô túi đồ của cháu. Ngoài dì và cháu ra đâu có ai đụng tới nó !
Dì Út lắc đầu:
-Dì hổng biết !
Ý hỏi:
-Bộ có chuyện gì hay sao mà dì ra đây sớm vậy ?
Út chợt nhớ ra, đưa cái túi đệm có con tôm càng đang bún tanh tách trong đó rồi nói:
-Cháu nói cậu Ba ra ngoài hè, đào lên một củ khoai ngọt. Chuyện nầy phải nhờ ảnh mới được, chớ cháu không biết dây nào có củ, dây nào chưa đâu! Cháu làm con tôm nầy, lột vỏ, lấy cái mình bầm ba sồn, ba sực để nấu canh với khoai ngọt cho ngoại. Nhớ nấu lỏng lỏng cho ngoại dễ nuốt. Còn cái đầu thì kho tàu, để nước ít thôi, kho cho nó hơi kẹo kẹo, chấm dưa leo, đậu rồng mới ngon.
Ý hỏi:
-Kho tàu là làm sao? Cháu chưa biết !
Út hấp tấp nói :
-Lấy gạch trên đầu ra cho sạch. Đặt cái trách đất lên bếp trước, cho một muỗng mỡ nước vào phi một tép tỏi cho thơm rồi bắt xuống. Chờ mỡ nguội, cho gạch vào rắc tiêu, hành củ bầm nhuyễn, nước mắm, đường vô chung. Đặt lên lửa nhỏ, quậy đều tay cho nó sôi, có màu đỏ au thì nhắc xuống. Cho cái đầu vô liền ướp để đó cho thấm. Cho thêm một muỗng nước mắm, chút xíu nước vô rồi bắt lên bếp kho lại, kho nhanh thôi. Tôm chín cho hành xắt nhuyễn vào rồi nhắc xuống liền. Cháu đừng có trộn để cho nó thơm và có màu xanh cho đẹp.
Ý vừa nghe vừa thắc mắc về xuất xứ của chiếc nhẫn nên câu được câu không. Định hỏi lại mà thấy dì Út có vẻ vội vàng quá nên đành làm thinh.
Út vừa nhấn bàn đạp thì Ý chận tay lại, gặng thêm một lần nữa:
-Chiếc nhẫn không phải của dì thật sao?
Út gật sát cái càm xuống hết cỡ rồi nói:
-Chắc chắn! Lương cô giáo của dì đâu đủ sống. Làm gì có dư mà sắm nó ?
Rồi leo lên xe chạy như ma đuổi.
Ý vừa xách cái giỏ đệm bước lên thang, vừa moi óc ra mà nghĩ. Cô cố nhớ xem, ngoài mình và dì Út ra thì còn có ai chạm tay vào cái túi đó nữa.
Dáng dấp một người con trai, hai vai đeo hai túi xách, đi từ phà lên bờ như chạy, để tránh mấy người bán hàng rong đang đuổi theo bỗng hiện ra rõ ràng trước mặt.
Ý buột miệng kêu lên một cái tên :
-Tư !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)39
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 5 2017, 22:49
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nửa đêm, mưa về !
Trên mái tôn, cả triệu gót chân nhỏ xíu đang dận rào rào. Tư tốc mùng chạy vào bếp, lấy cái thau nhựa và nồi nhôm đặt dưới hai chỗ dột. Tiếng hai giọt nước chạm vào vật chứa nghe rất khác nhau: một thanh, một trầm y như một nam, một nữ cùng song ca với nhau vậy.
Những tạp âm đó khiến Tư nhận ra, cùng bắt nguồn từ những giọt mưa nhưng âm thanh, cảm xúc và cả tác dụng của chúng mỗi nơi mỗi khác. Nhất là về cảm xúc !
Thường thì mưa ít có khả năng gợi lại những kỷ niệm vui, trừ trường hợp nhờ nó mà ai đó đứng đụt mưa rồi quen, rồi thương được một người.
Nhưng cái vui do cơn mưa đưa đến chẳng giản dị như những niềm vui có tính cụ thể khác. Nó như một ly nước chanh có vị ngọt, vị chua, vị mặn và vô số vị khác nữa nếu ta có sở thích cho thêm chút muối hoặc bất cứ gia vị tinh tế nào đó vào, để tạo cho nó một chút độc đáo.
Mừng thì có, nhất là vào mùa nắng. Khi mái tôn cong lên như con cá chiên trong chảo. Khi hai tay Tư chẳng thể ở không, phải cầm cả hai cây quạt để quạt phành phạch... Lúc ấy chẳng riêng gì Tư mà với tất cả mọi người mưa đều được chào đón hết lòng, hết dạ.
Tư thường viện cớ tiết kiệm, khi có người hỏi là tại sao phải giầm mưa hứng nước. Thực ra Tư vẫn còn thích được tắm mưa như khi còn là con nít. Những lúc đó Tư thấy mình trẻ lại rất nhiều, nét mặt căng tràn một nỗi hân hoan vì cất trong lòng không hết !
Buồn cũng nhiều lắm ! Buồn thuần túy thôi, chẳng hề dính dấp đến cái cô nàng "bực" thường nhì nhằng bám theo. Giọt buồn trong veo như giọt mưa rơi thẳng từ mây xuống. Có thể gọi là buồn "đẹp"!
Nhất là vào những lúc đêm sâu và lành lạnh như thế nầy !Tư có cảm giác như trong lòng mình đang có cái chậu đựng thứ nước có tên là quá khứ và mưa là những chiếc đũa thọc vào khuấy đảo. Lớp cặn nằm sát dưới đáy từ từ trồi lên. Ban đầu là những chấm bụi li ti rất nhỏ, rất nhẹ. Cuối cùng cả những hạt cát, hòn sỏi cũng góp mặt. Những chất trầm tích ấy đại diện cho những kỷ niệm gần gũi hoặc hết sức xa xôi. Chúng đến ồ ạt chẳng theo thứ tự về thời gian, không gian. Cũng không thèm xin phép hoặc báo trước.
Cái buồn thường có tính ôm đồm. Có khi buồn cho mình chưa thỏa, Tư còn buồn giùm cho người khác, và cả những sinh linh khác nữa.
Cái buồn trong mưa tuy sâu và rộng như vậy, nhưng lại không nguy hiểm lắm, có khi còn trái lại.
Qua một đêm thức để tai nghe mưa, hồn tắm táp, kỳ cọ trong mưa. Sáng ra ta thấy hình như mình trong trẻo, nhẹ nhàng, tươi mới lên một chút.
Đối với Tư mưa mang mùi vị của kỷ niệm. Nó chẳng những gợi lên những hình ảnh, âm thanh mà cả hương vị, cảm xúc xa xưa nữa.
Ngày trước, mỗi đêm mưa, Tư thường nhớ đến dáng lưng cong cong như tàu lá chuối của má. Nhớ tiếng mưa rơi trên chiếc nón lá của má đang đội. Tiếng nước tạt mạnh vào lề khi mấy chiếc xe gắn máy chạy băng qua vũng nước. Nhớ mùi thơm của những bụi bông sứ, bông công chúa, dạ lý hương, nguyệt quế ...khi đi dọc theo công viên.
Nhưng cái mà làm Tư xúc động đến bùi ngùi chính là cảm giác yên lành khi vòng tay ôm eo má, áp chặt ngực vào lưng má để đón nhận hơi ấm được truyền qua.
Tư cho rằng không chỉ dẫn nhiệt, điện, âm thanh...nước còn là môi trường dẫn truyền cảm xúc rất tốt. Tư khẳng định một điều, tuy không căn cứ theo một luận chứng khoa học nào hết, chỉ theo cảm tính của riêng mình mà thôi! Rằng nếu trời mưa và ta đang tha thiết nhớ một ai, thì chắc chắn người ấy cũng đang nhớ đến ta, với cùng một cường độ. Như lúc nầy đây Tư đoán má và Ý cũng đang nhớ Tư !
Ngay thời điểm nầy Tư đang ngồi trước màn hình để làm khán giả độc nhất đang xem lại cuốn phim chỉ có mỗi một diễn viên là Ý.
Cuốn Phim bắt đầu bằng cái hình ảnh đã khiến Tư xao xuyến khi được Ý ngồi ngay sau lưng để cạo gió giùm. Khoảng cách khá gần nên hơi thở âm ấm của Ý phả vào lưng đã khiến Tư nổi da gà.
Nó bỗng chiếu trở lại cái buổi chiều chàng lần gặp Ý đầu tiên. Lúc đó trời mưa, gánh cháo gà nằm trong một mái hiên rất rộng. Mục đích Tư ghé vào là để đụt mưa, tình cờ bắt gặp một người con gái có cái nốt ruồi trên mặt giống như má mình rồi cảm mến luôn từ đó.
Tư nhớ đến gương mặt thật hiền và ít khi cười ấy. Bàn tay với những ngón suôn đuột đưa cái khăn lên mũi hít rồi trao Tư lau mặt. Nhớ cái dáng mềm oặt khi Ý té xỉu. Nhớ tiếng tim đập rất nhẹ như thể nó vốn đã quá nhỏ nhoi, lại phải chịu đựng nặng và nhiều quá nên đã mệt mỏi lắm rồi! Nó đã cố tình nép sát bên ngực chàng như tìm chỗ nghỉ ngơi, khi Tư ôm cô ngồi trên chiếc xích lô. Nhớ khuôn mặt xanh xao, thân hình gầy nhom, bất động của Ý trên giường bịnh...
Những hình ảnh đó quá sinh động. Khiến Tư chẳng thể ngăn mình lấy tập ra ghi lại khi chúng hãy còn ràng ràng trong tâm, trong trí.
Tư vẽ liền ba bức: Một Ý ngồi giữa gánh cháo. Một Ý quay nghiêng nhìn vào bờ sông, với cái búi tròn như trái cam trên ót, với mấy sợi tóc con trên trán và tóc mai bên tai bay phơ phất lúc ở trên phà. Bức thứ ba vẽ theo tưởng tượng, cảnh Ý ngồi hai chân đặt cùng một bên, trên cái bọc ba ga xe đạp, ngay sau lưng chàng.
Tư vẽ một mạch, không hề dừng tay để xóa một lần nào. Với cảm giác gần như xuất thần, với những hình ảnh trong óc như được chạm nổi và tô bằng một loại mực rất đậm, mới nguyên chưa kịp ráo. Tư vẽ không một chút nhọc nhằn. Như thể chỉ cần đưa những tấm giấy trắng vào rồi ấn nhẹ, giúp chúng hiện lên rõ ràng từng nét.
Tư xoa tay hết sức hài lòng vì ba bức vẽ đều trung thực với hồi ức. Một cảm giác quá tuyệt vời khiến tâm hồn chàng thăng hoa, đến nổi hai mắt bỗng rưng rưng...
Tư đã hiểu vì sao những họa sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ...sẵn sàng chết cho niềm đam mê của mình. Đó chính là vì những giây phút như thế nầy mà thôi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)40
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 5 2017, 18:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
-Tư ơi ! Có ở nhà hông?
Không nghe tiếng trả lời, bác Hai gọi lớn hơn:
-Tư ơi ! Bộ đi vắng rồi hả ?
Tiếng "dạ" rất to từ trong nhà vang ra làm ông bật cười khan.
Cánh cửa mở ra liền ngay sau đó. Tư còn cầm cái bàn chải đánh răng trên tay, đi như chạy ra cổng, đầu tóc bù xù vì chưa kịp chải.
Bác Hai hỏi:
-Bộ hồi tối thức khuya lắm sao mà giờ nầy mới dậy ?
Tư cười, gãi đầu :
-Gần sáng con mới đi ngủ lận. Hôm nay bác nghĩ chạy xe hả?
Bác Hai đáp:
-Bác được người ta bao, đi từ sáng sớm tới giờ nầy mới về.
Tư mời:
-Mời Bác vô nhà ngồi chơi, uống nước. Để cháu dắt xe vô cho.
Bác Hai lắc đầu :
-Thôi khỏi. Bác phải đem cái nầy về nhà cho bả làm liền.
Bác đưa cái bọc ni lông trong đó có một con cá lóc khá to lên cho Tư thấy.
Tư hỏi:
-Bác mua hay câu dính nó vậy ?
Bác Hai cười khà khà :
-Bác chở một ông khách về Long An thăm bạn. Họ cho ổng cá, ổng chưa về nhà còn ở khách sạn, không tiện nấu ăn nên cho lại bác.
Rồi ông mời Tư:
-Chiều nay lại nhà bác ăn cà ri cá nghe.
Tư ngạc nhiên:
-Bộ cá lóc cũng nấu cà ri được sao bác ?
-Được chớ . Con cá lóc coi vậy mà dễ sai, dễ khiến hơn hết thảy. Nó là diễn viên số một mà, đóng vai nào cũng giỏi, cũng ngon lành.
Rồi bác bật mấy ngón tay lên kể:
-Canh chua nè, nướng trui nè, hấp nè, chiên nè, nấu cháo nè...Nấu cà ri ngon chỉ thua cá trạch lấu chút xíu thôi hà ! Tại cái thịt không dai bằng.
Bác bổ xung thêm:
-Sở trường của nó là món gì cháu biết hông?
Tư hỏi:
-Món gì vậy bác ?
Bác Hai gật gù:
-Kho. Món kho nào xài nó cũng ngon !
Rồi bác lại bật ngón cái lên một lần nữa:
-Kho tiêu, kho hành ớt, kho xả, kho tương, kho mắm...
Chắc còn nữa nhưng bác làm biếng dùng đến bàn tay kia nên dừng tại đó.
Tư nói:
-Cháu thấy nó không đóng cái vai xào.
Bác Hai cự liền :
-Vậy là cháu chưa ăn cái món cá lóc xào cần ống phải hông?
Tư lại hỏi:
-Món đó ra làm sao vậy bác?
Hai mắt ngời ngời, bác Hai kể:
-Cá lóc làm cho sạch rồi lạng lấy hai miếng thịt ở hai bên lườn, bỏ đầu và xương. Cắt mỏng chừng hai, ba li, ướp tiêu củ hành, đường, nước mắm vô cho thấm. Bắc chảo chờ thiệt nóng rồi bỏ vô một muỗng mỡ, một tép tỏi đập giập. Để lửa to, chảo nóng hực rồi vớt cá cho vô liền, nước ướp chừa lại. Xào cho cá hơi vàng vàng, cho rau cần vô, cọng trước lá sau, nêm rồi nhắc xuống liền. Món nầy coi vậy mà làm hơi khó, cá phải còn nguyên miếng không bị bể mới ngon, mới khéo. Bởi vậy lúc xào cháu không được xài đũa, phải dùng cái sạn có mép thiệt mỏng, xúc lên rồi lật qua nhẹ nhẹ.
Tư định hỏi nữa, nhưng bác xua tay:
-Bác phải về liền kẽo nó chết ngợp, hết ngon.
Bác khởi động cho chiếc xe nổ phành phạch rồi vừa gài số vừa dặn thêm lần nữa :
-Nhớ tới nghe hông ! Mà đừng có mua bia như hôm bữa. Lần nầy mà đem đổi lấy đường, bột ngọt nữa chắc lỗ nhiều hơn mà còn bị họ chửi nữa quá !
Tư cười, gật đầu đáp :
-Dạ ! Cháu nhớ.
Chờ bác Hai đi một đổi, Tư mới quay lưng định đi vào nhà, lòng nghe dào dạt một niềm vui.
Thấy ông phát thơ đi ngang qua, Tư gọi:
-Bác phát thơ !
Ông lắc đầu, không chờ Tư hỏi mà nói :
-Hôm nay cháu không có thơ đâu!
Tư lại kêu:
-Bánh tét !
Ổng thắng xe cái két rồi cười và hỏi:
-Mấy cái ?
Tư đưa hai ngón tay rồi nói :
-Bác chờ chút xíu để cháu vô lấy tiền.
Ông ta hỏi vói theo:
-Nhưn đậu hay chuối ?
-Một đậu, một chuối.
Trả tiền xong Tư hỏi :
-Mấy giờ rồi bác ?
Ông đùa:
-Hơn hồi nãy một giờ.
Rồi chỉnh lại liền:
-Hơn hai giờ rồi đó cháu !
Tư buộc miệng:
-Trời đất !
Nghe Tư kêu trời ông liền hỏi:
-Làm cái gì mà giựt mình dữ vậy?
Tư xòe tay ra đếm rồi nói:
-Cháu ngủ liền một mạch gần tám tiếng đồng hồ.
Ông nói bằng giọng ao ước:
-Ngủ được như vậy là tiên đó cháu. Bác bây giờ một đêm ngủ có bốn, nhiều lắm là năm tiếng. Nghe người ta nói ngồi thiền hay bị ngủ gục, bác cũng bắt chước. Ngủ đâu không thấy mà đau lưng, đau vai quá mạng. Thế là bác bỏ ngang luôn. Thây kệ tới đâu thì tới.
Tư an ủi :
-Vậy là bác sống nhiều gấp rưởi người ta rồi.
Ông cười :
-Ờ hén!
Hai cái bánh tét loại nhỏ nhứt nên chẳng an ủi được cái bao tử chút nào. Tư định thay đồ ra quán dì Ba nhưng khi đếm lại tiền thì bỏ cái ý định đó. Đành uống nước cầm cự tới chiều.
Giặt xong thau quần áo dơ dồn lại của cả tuần là đã đến bốn giờ. Tư tắm gội thay đồ rồi đến nhà bác Hai, không quên lấy chai dầu con ó của mẹ học trò mới tặng, bỏ theo túi để đem tặng lại cho bác gái. Hổm rày hai vợ chồng bác Hai cứ rủ Tư đến ăn cơm hoài. Bác Hai gái biết Tư ngại nên nói: "Cháu tới ăn cơm chung, bác mừng và mang ơn nhiều lắm ! Có cháu nói chuyện, ổng vui miệng nên ăn cơm cũng nhiều hơn một chút. Đừng có bày đặt mua cái nầy cái kia đem lại nghe hông ! Đem cái bụng lép tới là được rồi, nói không nghe là hai bác giận đó !"
Tư biết bác ấy nói thật lòng nhưng chẳng lẽ lần nào đi ăn chực cũng chỉ xách theo hai nải chuối- nói theo kiểu của bác Hai trai- thì kỳ quá !

Đến trước cửa Tư đã nghe mùi cà ri và nước cốt dừa bay ra khiến cái bụng kéo biểu tình dữ dội. Chưa kịp gọi bác Hai ra mở cổng, đã nghe tiếng ông gọi :
-Dắt xe vào nhà rồi đi vô bếp luôn đi cháu !
Tư "dạ" một tiếng to, vói tay mở cái móc gài cổng rồi dắt xe vào nhà.
Dựng xe kế chiếc Hon đa xong Tư đi xâm xâm vào bếp luôn. Vợ chồng bác Hai đang đứng chụm đầu, cùng nhìn vào cái nồi bắc trên bếp.
Bác gái lấy cái vá đang nằm úp mặt vào cái tô để cạnh bên nồi, bà nhúng nó vào nồi rồi đưa cái vá sát vào miệng ông và nói:
-Ông nêm giùm tui coi vừa ăn chưa .
Bác trai thổi phù phù, hớp một miếng, chép chép miệng rồi nói :
-Hết sẩy !
Cái cảnh ấy khiến Tư xúc động quá, đứng chết trân một chỗ.
Bác Hai quay lại thấy Tư đang nhìn mình đăm đăm thì hơi mắc cỡ bèn hấp tấp nói :
-Ngồi đi, ngồi đi ! Sắp ăn được rồi.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)41
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 5 2017, 22:18
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tư lấy miếng giẻ lau xuất thân từ cái áo thun ba lỗ tuy đã rách nhưng vẫn còn trắng ngần của bác Hai, để lau cái bàn ăn vốn đã rất sạch.
Chàng hỏi :
-Mình ăn bằng tô hay chén vậy bác?
Bác gái trả lời:
-Ăn bằng tô.
Tư mở sóng chén, lấy ra ba cái tô, cầm cái khăn vải mùng treo trên ống đũa lau từng cái cho sạch. Bày chúng lên bàn rồi lau tiếp ba đôi đũa, ba cái muỗng.
Bác gái cho rau ghém gồm bắp chuối xắt thật nhuyễn, giá sống, rau húng cây...lót dưới đáy từng tô, rồi gấp một đũa to bún để lên trên. Bác cho cái vá vào nồi cà ri, khuấy một vòng rồi múc một đầy vá cho vào. Những miếng cá vàng ươm, đã được bỏ hết xương, xé dọc theo xớ. Chúng to và dài cỡ ngón tay nằm chồng lên nhau trên mặt tô bún. Bác xếp lên một nhúm hành thái sợi, đã ngâm nước nên cong cong, rối rối. Trên cùng là mấy lát ớt sừng trâu đỏ au thái mỏng.
Tô bún trông quá hấp dẫn với bốn màu trắng, xanh, vàng, đỏ. Thơm phưng phức khiến Tư cố kìm mà không thể không nuốt vì nước miếng ứa đầy nhóc miệng.
Bác gái đưa cho chồng tô bún đầu tiên, hối :
-Ông ăn liền đi, ruột cá ăn nóng mới ngon !
Rồi lật đật bưng chén nước mắm với chén ớt xanh để trước mặt ông.
Kế tiếp bác múc một tô đầy tú hụ những cá là cá đưa cho chàng khiến Tư phát ngại. Đã vậy bác còn nói:
-Cháu phải ăn hai tô mới được đó!
Tư đùa:
-Cháu định xin bác ba tô.
Bác Hai cười sảng khoái :
-Cứ việc !
Đây là món bún cà ri cá Tư được ăn lần đầu. Mùi vị rất đặc biệt khiến Tư phải trầm trồ:
-Bún nầy lạ và rất ngon. Ở Sài gòn hình như chưa thấy có chỗ bán.
Bác gái giải thích :
-Món nầy quê bác gọi là bún Nước Kèn. Nó với bún Nhâm, bún Nước Lèo là của người Cam Pu Chia. Chỗ nào họ ở nhiều mới có.
Tư hỏi:
-Nó có dễ nấu hông bác ? Ngoài cá ra là thứ gì nữa hả bác ?
Bác gái gật đầu :
-Dễ ợt ! Nó đơn giản lắm, chỉ cần cá với dừa khô thôi hà ! Cháu làm cá cho thật sạch, để trong rỗ thưa cho ráo nước. Dừa nạo xong đem vắt lấy nước cốt, nước giảo để riêng. Luộc cá trong nước giảo dừa với ba tép xả đập giập để khử mùi tanh của cá. Cá chín, cháu vớt ra, gỡ bỏ hết xương. Bắt chảo lên bếp, đợi chảo nóng cho chút mỡ vào phi tỏi, củ hành cho thơm rồi cho bột cà ri, rắc một muỗng đường cho nó có màu đẹp rồi cho cá vô. Xào hơi săn săn thì chắt liền nước luộc cá ban nảy vào. Chờ nước sắc xuống một chút cháu cho nước cốt dừa vào rồi tắt bếp.
Tư lắc đầu, nói :
-Món nầy ngon, dễ nấu nhưng chắc cháu không làm được vì đâu có biết nạo dừa .
Bác gái cười :
-Đừng có lo, ngoài chợ người ta có bán dừa nạo sẵn mà.
Bác Hai chợt hỏi:
-Cháu có ăn ruột cá lóc chưa ?
Tư đáp:
-Dạ chưa .
Gấp cái ruột cá trong tô mình qua cho Tư, bác bảo :
-Cháu nhai thử coi, thích thì ăn, không thì trả lại. Đừng có vị bụng bác, ráng mà nuốt thì uổng lắm! Cái chuyện khẩu vị nầy rất khó nói. Nó y như tôn giáo vậy đó! Kẻ ưa, người kỵ. Ai ai cũng cho món mình thích là ngon nhứt, tôn giáo mình theo là tốt nhứt, nên hay cãi vã liên tu bất tận.
Tư chấm chùm ruột đã bị xẻ tanh banh đó vào chén nước mắm ớt rồi đưa vô miệng nhai. Nó vừa giòn, vừa béo, vừa cay, mùi vị khá đặc biệt. Nuốt xong Tư gật đầu :
-Ngon hết xẩy, hèn gì bác gái nhường cho bác .
Bác gái đính chính :
-Bác đâu có nhường, tại ăn hổng được nên nhờ ổng ăn giùm.
Bác gái có ý chờ sẵn, thấy Tư ăn vừa xong thì giựt liền cái tô để làm thêm nữa.
Tư nói :
-Bác cho cháu lưng lưng thôi, đừng múc đầy cháu ăn hổng nổi uổng lắm !
Bác trai gật đầu, ông nói :
-Cháu nó nói đúng đó bà! Cái lần đầu mà ăn bắt tới ngán là vô tình giết chết tươi cái món đó luôn. Phải có cái cảm giác thiếu thiếu mới còn muốn gặp lại nó nữa.
Ăn xong Tư không năn nỉ để được bác gái cho phụ rửa chén như lần đầu nữa. Bởi biết chắc chắn bác chẳng chịu nhường cái đặc quyền đó cho ai.
Bác Hai buộc chàng nằm xuống cái võng giăng song song bên cạnh cái võng của ông. Hai bác cháu vừa no phè nên chỉ nói những câu chuyện vui vui tếu tếu, không mang những chủ đề rắc rối, khó tiêu, những màu sắc ảm đạm cùng những tệ nạn nhức nhối khác.
Tư bỗng nhớ ra, móc túi đưa chai dầu xanh còn mới nguyên cho bác, rồi nói:
-Bác làm ơn đưa cho bác gái chai dầu nầy giùm cháu.
Thấy bác ngần ngừ chàng bịa :
-Má đứa học trò nầy có người bà con bên Mỹ gửi đồ "viện trợ" dài dài. Hôm trước chỉ mới cho cháu một chai, xài chưa hết nay lại cho nữa. Bác nói bác gái nhận giùm, để cháu không xài kịp nó bay hơi uổng lắm !
Bác Hai cười nói:
-Không hiểu tại sao thiên hạ khoái xài cái thứ dầu nầy dữ quá ! Ai cũng kè kè trong túi một chai. Hổng biết họ thích cái mùi của nó thiệt hông hay chỉ để lòe thiên hạ.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CUỘC PHIÊU LƯU... CỦA THẰNG CÒI
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 5 2017, 00:19
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Tỷ ôi!
Sau này có hứng tỷ viết "HẬU cuộc phiêu lưu... của th. Còi" nữa đi!
Chứ Ốm thấy nó mang cái mặc cảm tội lỗi hoài Ốm lo quá tỷ à! :(
Nói thiệt với tỷ, Ốm ở gần cu Tom cháu nụi thường xuyên nên rất hạn chế online. Có lần Ốm mở D Đ ra đọc đoạn gần cuối và đoạn cuối Ốm thấy cảm xúc của nó lúc thấy má mình từ xa mà ko được gặp, Ốm đau lòng qtqđ tỷ ôi!
(Lát nữa xem tin nhắn nha tỷ)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu