Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 19:07
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271241 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 5 2017, 01:45
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tỷ xin tiếp thu ý kiến của Ốm. Chờ chừng nào gió nổi đùng đùng tỷ sẽ ráng chấp cánh bay lên coi có nổi hay không nhé!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)42
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 5 2017, 22:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Chờ Tư về bác Hai mới đưa chai dầu cho vợ. Ông nói:
-Tặng cho bà nè !
Bác gái hỏi:
-Ở đâu mà ông có? Ai cho vậy ?
Ông trả lời :
-Mua tặng hổng được sao ? Để bà xức cho ấm cái mỏ ác .
Bà "xì" một tiếng dài thòng, nói:
-Ông mà chịu bỏ tiền mua chai dầu nầy chắc tui cùi xức móng luôn quá !
Ông bèn hỏi:
-Vậy bà nói thử coi ai cho ?
Bà đáp, hơi trù trừ :
-Chắc cái ông cho con cá lóc, phải hông? Chớ mình đâu có quen ai giàu và thân đến nổi tặng cho mình một chai dầu mắc tiền mà còn nguyên như vầy !
Ông cười hóm hỉnh, lắc đầu:
-Trật lấc, cho bà nói thêm một lần nữa đó !
Giọng bà mang vẻ ngờ vực:
-Hổng lẽ của thằng cháu Tư ?
Ông gật đầu :
-Đúng đó, nó sợ bà hổng chịu lấy nên nhờ tui đưa giùm .
Nét rạng rỡ trên mặt biến mất, bà cằn nhằn:
-Ông nhận làm chi ? Tiền dạy học của nó đâu có được bao nhiêu. Thầy, cô giáo có bằng cấp hẳn hoi, dạy trường nhà nước đàng hoàng mà còn chạy gạo mệt cầm canh. Họ có cả mấy trăm đứa học trò mà còn không đủ sống. Nó chỉ dạy cho mấy đứa học trò lèo tèo, chắc chắn là nghèo sặc máu. Mình mà nhận một lần, mai mốt nó phải ráng mua thứ khác đem tới nữa. Cực cái lòng nó quá !
Ông nói:
-Món nầy của má học trò cho chớ nó đâu có mua. Mà bà cũng ngộ, người ta được tặng quà thì mừng, thì cảm động, thì cười, còn bà thì bức rức, cằn nhằn.
Bà nói:
-Ai mà không thích được tặng quà. Tui cảm động dữ lắm đó chớ, nhưng hổng biết tại làm sao mà nghe cái ruột nó xót quá chừng !
Ông cắt nghĩa:
-Chắc tại bà coi nó như con của mình, lại là cái đứa nghèo nhứt nên không nỡ xài tiền của nó đó mà ! Tui nói vậy đâu bà rà lại cái bụng coi có đúng hông?
Bà suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
-Chắc kiếp trước tui với nó là mẹ con hay sao mà kiếp nầy mới gặp là thấy thương liền. Ông có nhớ cái hôm nhà mình cùng nó ăn mắm kho với nhau hông ? Thấy nó cắm cúi nhai mà tui nghe thương đứt ruột, y như bị bỏ đói ba ngày. Ông hổng thấy chớ bữa đó tui đâu có ăn cho no. Nhai nuốt cầm chừng để nó đừng có ngại thôi hà !
Ông trợn mắt nhìn bà rồi hỏi lại:
-Sao bà biết tui hổng thấy ? Ngay cái tia nhìn đầu tiên là tui biết bà với nó hợp nhau rồi. Vợ chồng mình có nhiều thứ giống nhau lắm. Tui để ý hể tui thương ai là bà cũng thương, tui ghét ai thì bà cũng ghét. Bà coi nó như con thì tui cũng vậy. Cái cuốc xe về quê rồi lên liền đó, gặp người khác là tui đâu có đi. Hôm bữa nó nhét hai trăm vô túi năn nỉ tui lấy trọn mà tui đâu có chịu, nhứt định chỉ lấy đủ tiền xăng mà thôi!
Tưởng được khen, ngờ đâu ông lại bị bà cằn nhằn:
-Có năm ba chục mà lấy làm chi cho nó mất cái tình, cái...
Ông ngắt lời:
-Ai mà hổng biết, nhưng làm quá coi hổng được, nó ngại trốn biệt thì sao?
Ông liếc bà một cái rồi nói:
-Hèn gì ông bà mình hay ví lòng cha, lòng mẹ thương con y như lòng sông : "Bình thiên không bình địa ". Bà biết câu đó có ý nói cái gì hông?
Bà cự nự :
-Hở hở là xổ nho. Ai mà biết ? Sao hổng chịu nói tiếng của mình cho ai cũng hiểu ? Tui ghét hạng nhứt là mấy cái bà móng tay tô đỏ, cái miệng ăn nước mắm mà nói chuyện với cái dân lao động, mua gánh, bán bưng như tụi tui cứ chêm tiếng tây, tiếng u vô lùm xùm. Nghe điếc con ráy mà hổng hiểu cái gì ráo trọi !
Ông cười thẹn, gãi đầu :
-Tại quen miệng thôi bà ơi ! Ai mà thèm khoe khoang cho mỏi miệng mà còn bị ghét. Bà có thấy con sông nào cũng có cái mặt phẳng lì, bằng chan hông?
Bà gật:
-Thấy chớ sao không. Rồi sao ?
Ông không trả lời mà hỏi tiếp:
-Còn cái đáy, bà thấy nó có bằng phẳng hông?
Bà lắc đầu:
-Chỗ lồi, chỗ lõm chớ làm sao bằng được. Mà ăn nhậu gì tới cái chuyện ...
Ông lại ngắt lời:
-Tại tụi mình có một đứa thôi nên bà không biết. Ba má tui có một bầy con nên tui để ý thấy ổng bả thương con Út nhiều nhứt. Không phải tại nó là con gái Út. Chỉ bởi nó nghèo hơn hết nên ổng bả lén bù xớt cho nó nhiều gấp mấy lần mấy đứa khác. Cũng như cái đáy sông vậy, chỗ nào có hố chỗ đó sâu hơn, nước nhiều hơn, lớ quớ bước hụt cẳng dám chết chìm chớ đừng tưởng...
Ông nói tiếp:
-Tui thấy thằng cháu Tư nầy mồ côi, lại mất cha từ nhỏ nên thương lắm ! Muốn nhận nó làm con để vong hồn con Nho được thanh thản. Nó thấy mình có người an ủi mới chịu đi đầu thai. Tui tính thăm dò từ từ coi cậu ta có giống mình hông rồi mới bàn với bà...
Bà cướp lời :
-Cái ý tui cũng y chang như ông.
Chỉ tai lên đôi bông đang đeo, bà nói:
-Tui mà được đóng vai má chồng, đi cưới cái cô gì ở quê mình cho nó là tui mừng lắm luôn. Tui để dành đôi bông tiền điếu nầy với hai chiếc xuyến má cho lúc đi cưới tui cho vợ nó.
Bà dừng lại để nén nổi xúc động rồi nói tiếp:
- Nghĩ tới lúc đó tui nôn quá ông ơi ! Mình ngồi sui phải nói chuyện theo cái kiểu rào qua đón lại, đưa tới đẩy lui...chắc mắc cười lắm ông hén !
Nhớ tới gương mặt đằng đằng sát khí của thầy ba Cương khi chạm trán với mình hôm trước, ông bỗng nhìn bà, cười mỉm chi rồi nói:
-Chưa chắc !
Rồi ông nói tiếp :
-Tui sợ lúc đó bà má chồng té xỉu mới ngộ !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MƯA (tt)43
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 5 2017, 16:21
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đúng ba tháng từ ngày đưa Ý về quê, Tư không nhận được lá thơ nào của nàng hết!
Nỗi mong đợi không còn khiến chàng khoắt khoải như những ngày đầu, nhưng cũng không lặn mất. Tư bỗng hình thành một thói quen, chẳng thể ngồi yên ở nhà trong những buổi chiều trời mưa. Chàng phải trùm áo, xách xe đạp chạy lòng vòng: ra ngỏ, quẹo qua xóm đình, rồi quay trở về...
Mối tình dành cho Ý vẫn âm ỉ trong lòng. Như biển, như sông chẳng bao giờ lặng sóng. Đôi lúc lao xao, gờn gợn như ru. Khi lại nổi giận đùng đùng, gào thét, vật vã, làm mình làm mẩy...
Có những đêm cơn nhớ dâng lên ào ạt trong lòng, nhân dáng và những kỷ niệm về Ý tái hiện rõ ràng như khúc phim chiếu chậm. Thế là Tư lại lấy chiếc cặp tóc trong túi ra, đưa lên mũi để cố tìm một mùi tóc đã bay đi xa lắm. Hoặc ngồi dậy, tốc mùng lật đật chui ra lấy giấy, bút ghi lại lập tức những đường nét đang lung linh trong đầu.
Bây giờ Tư đã hiểu tại sao cuộc đời của các danh họa luôn ba chìm bảy nổi. Chính những bước thăng trầm, nghiệt ngã của cuộc sống- như những mũi dao khoét sâu vào đáy lòng- khiến cái đau, cái buồn trong họ thăng hoa thành nghệ thuật. Đôi khi Tư còn cho là họ cố dấn thân vào nỗi cô đơn, sầu muộn để tìm chất liệu cho sản phẩm của mình.
Cái buồn thất tình, nếu chẳng đủ sức giết được ta, chúng sẽ mang lại rất nhiều xúc cảm và ở một số người được trời thương, còn ban cho đôi phần thi vị. Có lẽ nhờ vậy mà những bức ảnh chàng vẽ, càng về sau càng làm chàng nhồn nhột ở sống lưng khi xem lại .
Con người ta (có lẽ các sinh vật khác cũng vậy), hể tập trung vào mặt nầy thì lơ là vào các thứ khác. Điều đó giải thích vì sao các nghệ nhân có chữ "sĩ" đính kèm thường có phong cách thiếu chỉnh chu (điều nầy loại trừ ca sĩ, bác sĩ, dược sĩ...những nhân sĩ mà nghề nghiệp khiến họ không thể sống lẻ loi ).
Tư không hề muốn học đòi theo các biệt nhân ấy, nhưng rõ ràng lúc sau nầy, cái ăn, cái mặc của chàng không còn tươm tất như lúc trước, nó không còn quá quan trọng đối với Tư như ngày xưa nữa.
Gần đây Tư cũng ít ra quán dì Ba. Nếu không có sự tiếp tế của của bác Hai chắc chàng đã gầy còm như xác ve sầu từ lâu. Cách vài ngày, bác Hai lại kéo Tư qua nhà ông ăn cơm. Khi thì xách cái gà mên bốn ngăn đem qua cho Tư đủ món. Điều đó chẳng những giúp cơ thể Tư không hao hụt mà còn vực dậy cái tinh thần đang trên đà suy sụp của chàng. Nhờ vậy mà cuộc sống của chàng dần cân bằng, bình thường trở lại.
Càng ngày Tư càng đâm ra ghiền những món ăn của bác gái, ghiền cái tính trào phúng của bác trai, ghiền luôn hơi ấm trong căn nhà ấy. Càng ngày chàng càng gắn bó với họ hơn, nhất là đối với bà.
Những cử chỉ chăm sóc kín đáo, những lời nói mộc mạc nhưng đầy ấp thương yêu, những chén cơm bới đầy vun, những ly nước chanh của bà khiến Tư nhớ má mình quá đỗi...Nhất là những ly nước chanh!
Ôi ! những ly nước chanh...chúng hình như đều do những bàn tay nhỏ nhắn của mẹ, chị, vợ, bạn gái... làm ra. Họ ít khi dành nó cho bản thân, chỉ để cho con, chồng, người yêu...mát lòng thêm sức. Từ ngày má mất đi rồi Tư chưa uống lại nước chanh, cho nên một lần cầm ly nước chanh bác gái đưa cho Tư bỗng thốt câu "cám ơn má !".
Cái tiếng "má" thốt ra một cách bất ngờ ấy đã khiến cả hai cùng bùi ngùi. Bác gái bỗng lặng người rồi quay đi để giấu hai giọt lệ sắp rơi.
Một hôm Tư đi dạy về trời đã tối, con hẻm vắng teo, những người bán hàng ăn đã dẹp. Theo thói quen Tư lại đưa mắt nhìn vào cái mái hiên sát cột đèn. Chỗ của Ý bây giờ đã có một người phụ nữ trung niên lấp vô. Bà ta không bán cháo gà mà cháo trắng và cháo đậu. Tối nào Tư cũng thấy bà ngồi thui thủi một mình, cái đầu gục xuống bật lên như người ta nhấp cá, chắc đợi khách quá mỏi mòn nên bà ngủ gục. Tư bèn ghé vào gọi một tô cháo đậu ăn với dưa mắm. Nhìn cây cột đèn trơ trọi, Tư bỗng nhớ cái dáng phất phơ của chiếc khăn mặt ngày nào. Cái nhớ, cái đau quá cụ thể khiến Tư không kham nỗi...Tư nhủ thầm từ nay sẽ không nhìn hay ghé vào nữa.
Dãy hàng ăn đối diện còn lại mỗi dì Ba. Chắc gặp người mở hàng nặng bóng vía, bán ế cho nên dì phải làm người dẹp hàng trễ nhứt.
Không thấy Ngon, con gái của dì phụ như mọi bữa, một mình dì lui cui...
Tư dựng xe nói:
-Dì cho cháu phụ một tay.
Dì sai liền :
- Cháu bưng cái ông lò đặt vào cái thùng xe giùm dì. Nó nặng quá dì sợ khom xuống rồi đứng lên không nổi, bị cụp cái lưng thì khổ.
Tư làm xong dì lại sai bưng tiếp cái nồi còn một ít cơm dưới đáy để trên lò ; Đặt cái rỗ chén đã được rửa sạch kế bên ; Đặt khay đựng mấy hủ gia vị lên trên rỗ chén....
Dì Ba nhìn Tư khệ nệ rinh từng món bằng ánh mắt trìu mến rồi hỏi:
-Lúc nầy sao khó gặp cháu quá vậy ?
Tư cười :
-Cháu mắc lo kiếm tiền tới tối tăm mặt mũi luôn, không có thì giờ...
Dì ngắt lời:
-Bận tới đâu cũng phải ăn uống đàng hoàng cho có sức chớ ! Đừng có nói là bây tự nấu ăn nghe, dì không có tin cái chuyện đó đâu.
Rồi dì gặng:
-Dì thấy có một ông chạy chiếc xe Hon đa 67, hay đem cái gà mên lại cho cháu. Bộ đặt cơm tháng, họ đem giao tận nhà hả? Một tháng bao nhiêu vậy?
Tư lắc đầu:
-Không phải người đưa cơm tháng đâu, ba nuôi của cháu đó!
Dì Ba ngạc nhiên :
-Thiệt hông ? Quen bao lâu mà kết tình lẹ quá vậy ?
Tư gật đầu:
-Thiệt đó dì ! Quen được đúng ba tháng, còn mới gọi ba má mới được mấy ngày thôi!
Bì Ba hỏi tiếp:
-Họ có nhà cửa, con cái gì hông ?
Tư hiểu ý dì Ba nên nói:
-Ba má nuôi của cháu có nhà ở xóm lò mổ. Có một cô con gái nữa, bằng tuổi cháu nhưng mấy năm trước bị xe hàng đụng chết rồi.
Dì Ba lại nói:
-Dì thấy ông già đó ốm nhom ! Ngó bộ không khỏe. Coi chừng mai mốt ổng bịnh tới, bịnh lui, cháu phải cưu mang mệt lắm đó!
Tư biết dì Ba thương mình mà nói vậy nhưng không khỏi phật ý, bèn đáp:
-Ba má nuôi cháu là người thật thà lắm, không có tính vụ lợi đâu. Không biết mai mốt cháu có trả hiếu lại cho đủ không, chớ hiện giờ cháu thấy toàn là mình được săn sóc không hà !
Dì Ba lắc đầu :
-Đời còn dài lắm cháu ơi!
Ngẫm nghĩ một lát dì lại nói:
-Ông bà mình hay nói: "Dò sông, dò biển dễ dò. Nào ai lấy thước mà đo lòng người". Tính cháu hiền lại dễ tin, khiến người ta cầm lòng không đậu.
Tư bỗng thấy buồn và có lỗi với ba má nuôi quá! Chàng bỗng lầm bầm tự trách : "Ai biểu mình có cái bộ vó khờ khạo làm chi, khiến ba má nuôi phải bị nghi ngờ. Thiệt là bất hiếu hết sức !".
Cũng may hàng đã dọn xong, dì ba nói:
-Cám ơn cháu nghe. Bữa nay con Ngon nó về quê ăn đám cưới nên dì phải dọn một mình.
Tư định hỏi thăm vài câu về Ngon cho dì Ba vui, nhưng lại sợ dì quay về cái chủ đề cũ, lại gợi ý cho Tư làm quen với Ngon như lúc trước nên chỉ nói:
-Cháu mang ơn dì hổng hết, lâu lâu có dịp trả lại chút xíu là mừng hết lớn.

Hôm nay Tư ăn cơm trưa với ba má nuôi rồi đạp xe ra về. Vừa dắt xe vô nhà là mưa tuôn như trút nước. Chưa kịp đóng cổng đã thấy bác phát thơ đạp xe bám sát, chạy tuốt vô nhà theo chàng luôn.
Tư vội mời :
-Bác đem xe vào nhà để khỏi ướt cái túi đựng thơ.
Ông ta vừa lấy cái túi ra khỏi xe vừa cằn nhằn ông trời:
-Khi không mà trở mặt bất tử làm người ta trở tay không kịp.
Thấy cái giá võng để giữa nhà ông nói:
-Bộ cháu cũng thích nằm võng nữa sao ?
Tư cười:
-Cháu mới thích đây thôi !
Cái giá võng được làm từ mấy cây sắt nhà binh rất dày và nặng, ông hỏi:
-Cháu mua hay tự làm vậy ?
Tư đáp :
-Cháu mua ở mấy cái chỗ bán xác nhà.
Lúc nầy ở Sài gòn, người ta ráp nhau hồi hương hoặc đi kinh tế mới. Có người bỏ nguyên căn nhà lại, khóa cửa để đó. Có người tháo dở ra để bán từng món.
Ai đi thì bán nhà mà đi. Ai còn ở lại thì mua mấy cánh cửa, mấy tấm tôn, cây cột, miếng ván...để tu bổ căn nhà của mình. Có cung, có cầu nên hình thành một nghề mới. Mấy người đàn ông chạy xe đạp khắp xóm rao: "Ai bán xác nhà, bàn ghế cũ hông?".
Tư giũ cái võng cho hết bụi rồi mời:
-Bác nằm võng nghĩ lưng, chờ mưa tạnh rồi hãy đi.
Bác phát thơ chợt nhớ ra, móc trong túi lấy một xấp thơ được cột thành bó bằng sợi dây thun, rút cái thơ nằm trên cùng đưa cho Tư, nói:
-Cháu có thơ nè !
Nhận ra nét chữ của Ý, Tư nghe tim mình đập loạn xạ liền đi lẹ vô phòng lấy con dao rọc giấy lòn vào mép rồi rọc một đường dài.
Tư chùi hai bàn tay vô quần một lần nữa cho thật khô rồi móc lá thư ra đọc. Lá thư không dài như Tư mong đợi nhưng cũng đủ giải tỏa những nỗi thắc mắc trong lòng chàng. Tư đọc thêm ba, bốn lần, đứng ngẩn ngơ một hồi lâu mới xếp lại cẩn thận, đúng theo cái nếp đã gấp, cho vào bao thơ như cũ.
Tư đang chìm đắm vào một nơi nào rất xa. Tiếng cười, nói, la hét ì xèo của cái đám tắm mưa chẳng lọt vào tai chàng đến một tiếng. Mấy đứa trẻ trong xóm mỗi lần mưa là vừa tắm vừa tha hồ đá banh, không sợ ai rầy. Chúng tranh giành, hò hét, gọi nhau om sòm... cuối cùng cũng khiến Tư chợt tỉnh.
Tư móc tiền trong túi ra đếm rồi đi ra nhà ngoài. Bác phát thơ đang ngáy o o trên võng. Tưởng bác ngủ say lắm, nào ngờ Tư vừa chạm vào võng là bác mở banh hai con mắt ra liền.
Bác hỏi:
-Gì vậy cháu ?
Tư đáp:
-Bác bán cho cháu hết chỗ bánh nầy đi.
Bác trố mắt hỏi:
-Mua làm chi nhiều vậy ? Ăn làm sao nổi?
Tư cười chỉ tay ra đường:
-Cho mấy đứa nó ăn giùm .
Ngạc nhiên và mừng rỡ, ông đếm từng cái đưa Tư rồi nói :
-Mười tám đồng !
Trả tiền cho bác xong, Tư để đầu trần chạy ra cổng gọi :
-Mấy nhỏ, lại đây ăn bánh nè !
Cả đám dừng ngay trò chơi, chạy ùa về phía Tư. Chùm bánh trong tay chàng hết vèo.
Một đứa lớn nhứt trong bọn hỏi:
-Bộ lần nầy cũng thi đậu nữa hả anh Tư?
Tư lắc đầu, kê vào sát tai nó mà thì thầm. Thằng bé bỗng hét toáng lên:
-Anh Tư sắp lấy vợ, anh Tư sắp lấy vợ. Xóm mình sắp có đám cưới rồi tụi bây ơi !

HẾT


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 6 2017, 10:47
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 62
Sinh nhật: 28-03-1962
Ngày tham gia: 29 Tháng 5 2010, 02:19
Bài viết: 136
Quốc gia: Vietnam (vn)
Truyện Feuilleton của bà chị hay ghê. Kết thúc có hậu


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 6 2017, 04:11
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cám ơn thaitv nhiều lắm !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CHÙA KHÓI
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 6 2017, 23:27
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tiếng xe thắng gấp khiến Nho chới với, tỉnh rụi liền. Giấc ngủ hiếm hoi như con sẻ non chết nhát, nghe tiếng động là bay xa biệt dạng.
Mấy chục cái miệng trên xe cùng rú lên một cách kinh hoàng. Nho nhìn ra cửa sổ, hoảng hốt đến đứng tròng khi thấy bánh xe cách bờ vực chỉ bằng chiều dài cánh tay của mình.
Mọi người tuy nhốn nháo nhưng không dám động tay động chân. Họ ý thức mối nguy lật xe đang rình rập, nên sau khi phát ra tiếng thét một cách vô thức cùng vội vàng im bặt.
Nho cố kìm con tim đang muốn phá bung lồng ngực để chạy ra. Hai hàm răng của Nho cứ cụng đầu vào nhau, chúng không thể nào ngồi yên một chỗ.
Bác tài cố giữ giọng nói thật tự nhiên:
-Bà con xuống xe từ từ, đừng chen lấn.
Cửa xe cách bờ vực không xa. Người lơ xuống trước để dắt tay từng người một. Nho xuống sau cùng, chẳng phải do phép lịch sự mà vì tận đến lúc đó đôi chân của cô mới hết run.
Bác tài thở dài ngao ngán sau khi khám bệnh cho chiếc xe. Thấy mọi người chú mục vào mình ông lắc đầu, nói một cách thiểu não:
-Hư nặng lắm! Phải có thợ với đồ nghề đầy đủ mới sửa được.
Một người buột miệng hỏi:
-Vậy là sao ? Phải trả tiền lại cho tui đón xe khác chớ, hổng lẽ đứng đây chờ cả ngày sao ? Cũng chưa chắc có sửa được hay không nữa !
Bác tài năn nỉ :
-Bà con thông cảm giùm. Tui sẽ cho chú lơ đón xe về Đà Lạt rước thợ xuống sửa liền, mất chừng vài ba tiếng đồng hồ thôi !
Tiếng cự nự vang lên ì xèo. Người ta thi nhau trút lên bác tài những lời trách móc. Một người phụ nữ đứng tuổi chép miệng than:
-Thôi đúng rồi ! Hôm nay là ngày mùng năm, bởi vậy mới...
Cô gái trẻ có mái tóc uốn xoăn tít cắt ngang:
-Mùng năm thì sao hả bác?
Người phụ nữ khác trả lời:
-"Mùng năm, mười bốn, hai mươi ba. Đủ ba ngày ấy chớ ra khỏi nhà". Ông bà ta có căn dặn rõ ràng. Bộ em chưa nghe câu đó bao giờ sao ?
Chiếc xe khách ngược chiều dừng lại để đón anh lơ. Cô gái chỉ vào nó nói trống không:
-Sao chiếc xe nầy vẫn chạy bon bon, chẳng bị gì hết !
Chẳng ai buồn giải đáp nỗi thắc mắc ấy. Họ kéo nhau đi về phía cái quán cách đó vài trăm bước chân. Nho cũng máng cái túi đang cầm lên vai, lủi thủi đi theo. Mắt cô dừng lại trước một con đường mòn chạy lên đồi. Con đường khá dốc nhưng một chòm cây bông tím bám sườn đồi đẹp hút hồn khiến Nho không thể nào thẳng tiến. Thấy Nho sắp rẽ vào, cô gái tóc xoăn liền hỏi :
-Chị đi đâu vậy ?
Chỉ tay về hướng chòm cây, Nho đáp:
-Chị lên xem đó là cây gì .
Rồi rủ:
-Em đi với chị hông?
Cô gái hỏi :
-Có rắn không chị ? Em sợ rắn lắm !
Nho lắc đầu:
-Chị cũng không biết. Nhưng rắn ít khi ra đường lắm ! Nó sợ mình còn hơn mình sợ nó nữa, hể nghe tiếng người là chúng chui vô bụi trốn cho chắc ăn.
Cô gái hơi do dự rồi cũng đi theo.
Hai bên đường những bụi dã quỳ cao quá đầu đứng chen chúc. Mấy cánh hoa vàng rực bằng bàn tay của đứa con nít năm, sáu tuổi, đang xòe rộng hết cỡ cố níu tóc họ để giữ chân, nhưng rồi cứ để lọt qua kẻ tay . Nho thương cái tên của nó còn nhiều hơn sắc hoa, định ca ngợi thì cô gái đi bên cạnh bỗng nói:
-Ba cái tụi "quỷ già" nầy đi đâu cũng gặp.
Nho cảm thấy hụt hẩng, nghe tội cho loài hoa dễ tính, yêu người nầy quá !
Khi mồ hôi bắt đầu rịn khắp lỗ chân lông thì họ đã đến nơi.
Thì ra chòm cây đó làm giàn cho một loại dây leo. Những đóa hoa màu tím rất nhạt, có bốn cánh mỏng và nhẹ như hai con bướm châu đầu, cọ râu vào nhau, là do sợi dây leo ở nhờ tạo ra. Nó mang màu đất, nhỏ như dây cáp coi khô khan, gầy guộc vậy mà trổ hoa đầy cành, chắc dồn hết sinh lực để trả công cho mấy vị chủ nhà bằng cách điểm trang cho chúng thêm xinh đẹp.
Một câu hỏi vang đến làm cả hai giật mình:
-Mấy cô đi mua thuốc hả ?
Tiếng nói phát ra từ sau lùm cây. Nhìn qua kẻ lá Nho phát hiện một căn nhà gạch mái tôn rất nhỏ, nằm cách chòm cây khoảng mười thước. Nho đi xăm xăm về hướng đó. Một người đàn bà độ chừng trên năm mươi tuổi, đang cầm chổi đứng trước sân nhìn cô đăm đăm. Bà ta chắc vừa quét sân xong vì ngay dưới chân là một đống lá to đùng.
Cái đầu trọc tóc mới ra lúp xúp của bà khiến Nho đoán đây là một ni sư nên chấp tay chào:
-Con xin chào cô.
Bà không chấp tay niệm phật đáp lại mà hỏi :
-Hai cô có người nhà bị rắn cắn hả ?
Cả hai đều ngơ ngác đáp :
-Dạ đâu có !
Nho chỉ tay xuống đường:
-Tụi con là hành khách của cái xe đò chết máy đó ! Thấy cái bụi cây nầy có bông đẹp quá nên leo lên xem. Nó là cây gì vậy cô ?
Bà chép miệng đáp :
-Ở đây người ta kêu nó tên gì không biết, còn ông xả tui thì gọi nó là "Tử Yên".
Nghe hai chữ "ông xã" cả hai đều ngớ ra, cùng hỏi một lượt:
-Cô không phải ni sư sao?
Bà cười, lắc đầu, chỉ lên cái chỗ hói ngay đỉnh đầu rồi nói :
-Tui nhổ tóc ngứa riết thành ra cái đầu sói sọi. Xấu quá nên cạo luôn chớ đâu phải là người xuất gia.
Nho tấm tắc :
-Con chưa thấy ai không cần tóc mà vẫn đẹp như cô vậy !
Cô gái tóc xoăn phụ họa:
-Cô may mắn quá, khỏi cần nhuộm tóc, cũng khỏi cần đội tóc giả.
Bà cười đắc ý nói:
-Ổng hồi còn sống cũng nói y như hai cô vậy .
Cả hai ngạc nhiên thêm một lần nữa.
Nho lại hỏi :
-Dượng mất hồi nào vậy cô ?
Bà nói với giọng buồn hiu:
-Hôm qua tui mới cúng một trăm ngày cho ổng.
Rồi chỉ cái gò cao cao trồng đầy bông mười giờ gần đó :
-Ổng nằm đây nè !
Bà vồn vả mời :
-Hai cô vô nhà ngồi nghỉ chưn uống nước .
Rồi te te đi trước dẫn đường.
Căn nhà lót gạch men màu kem trông rất sạch. Giữa nhà là bức ảnh của một vị phật ngồi kiết già nhưng tai không dài và gương mặt cũng chẳng giống phật Thích ca hay bất cứ một vị phật nào.
Cả hai lấy nhang trong bó đặt sẵn trên bàn thờ, châm vào ngọn đèn chong nhỏ xíu, đưa lên trán niệm lăm răm rồi cắm vào lư hương. Nhìn quanh quất chẳng thấy thùng phước điền đâu, Nho bèn đặt tờ giấy bạc trong tay vào chân đèn, cô gái cũng bắt chước làm theo.
Bà chủ nhà tay bưng dĩa hồng chất đầy có ngọn từ nhà sau bước ra vội kêu to:
-Ở đây không phải chùa đâu, không có nhận tiền, mấy cô cất vô đi.
Thấy cả hai nhìn mình rồi nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ bà vội giải thích :
-Đó là tấm ảnh của ông xả tui. Ổng tự vẽ cho mình, tui thấy giống còn hơn mấy tấm hình chụp nên đem ra làm ảnh thờ. Mấy cô coi kỹ đi, đâu có giống hình phật.
Cô gái cãi:
-Con thấy giống phật Thích ca lúc tu khổ hạnh lắm !
Nho nhìn kỹ rồi nói:
-Con lại thấy giống chúa Giê su hơn, nhứt là ở sống mũi cao và hai con mắt sâu sâu.
Bà chủ nhà gật đầu :
-Cô nói đúng đó, hồi ổng để tóc dài ai cũng nói ổng giống cái ông bị đóng đinh trong nhà thờ.
Rồi bà chép miệng :
-Coi vậy mà ở con người ta, cái mái tóc ảnh hưởng tới nét mặt nhiều nhứt ! Hể ai mà cạo trọc là ra đường được người ta gọi bằng thầy liền.
Cô gái tóc xoăn cãi:
-Không hoàn toàn như vậy đâu cô ơi. Mấy người mặt thẹo, đầu trọc, xăm mình... thì người ta đâu có nghĩ là thầy tu, họ nghi là ở tù ra đó chớ .


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CHÙA KHÓI (TT)
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 6 2017, 19:09
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nho hỏi vội vàng để khỏa lấp câu phản đối thẳng thừng ấy:
-Ở một mình chắc buồn lắm! Nhớ dượng lắm hả cô?
Bà gật đầu đáp:
-Buồn lắm ! Ban ngày còn kiếm chuyện nầy, chuyện kia làm cho quên, chớ tối thì vừa buồn, vừa lạnh nên khó ngủ lắm ! Thế là cứ nằm mà nhớ ông bà, ông vải từ hồi đời nào rồi rầu muốn thúi ruột.
Chỉ tay về phía đống lá bà nói:
-Có khi nửa đêm cô chui ra đốt lá cho đỡ buồn, bởi vậy bà con ở đây mới đặt tên là chùa khói.
Cái tâm trạng nầy Nho đã trãi qua rồi nên nghe lòng bồi hồi thương cảm. Không khí bỗng như cô đặc lại, cũng may nó được cô gái tóc xoăn phá vỡ bằng cách chỉ vào dĩa hồng mà hỏi:
-Hồng nầy ở nhà trồng hay mua vậy cô ?
Bà đáp:
-Mấy người được ổng trị bịnh mang tới cúng đó. Nhiều quá ăn đâu có hết nên gặp ai tới cô cũng bưng ra mời, ép họ ăn được chút nào là mừng chút nấy.
Nho hỏi:
-Bộ dượng là bác sĩ hả cô?
Bà cười :
-Ổng hồi trước là y sĩ. Ổng có cái tài trị rắn cắn hay lắm ! Cứu sống cả chục người nên được dân ở đây thương. Lúc ổng chết họ khóc quá chừng !
Cô gái hỏi:
-Vậy cô không phải là người ở địa phương nầy sao ?
Bà lắc đầu :
-Vợ chồng cô có tiệm thuốc tây ở Sài Gòn. Ổng thích phong thổ vùng nầy nên cho mướn cái tiệm rồi về đây sống. Cũng được gần mười năm rồi đó !
Cô gái hỏi tiếp :
-Cô có tính về Sài Gòn lại không?
Bà trả lời bằng một câu hỏi :
-Bỏ ổng nằm ở đây một mình sao ?
Nho góp ý:
-Sao cô không rủ bà con, họ hàng đến ở cho vui?
Bà lắc đầu:
-Một mình thì buồn, đông người thì bực. Hồi ổng mới mất cô cũng kêu con nhỏ cháu về ở. Cái tính nó chộn rộn quá làm cô lo canh chừng mà bắt mệt. Mới ở chưa được bao lâu mà qui tụ một đám con trai. Cô sợ nó hư rồi ba má nó trách mình. Tánh tình thì tâm hơ, tâm hất, làm đâu bày bừa đó, cô theo dọn muốn chết. Cô chịu hết nổi nên khi má nó lên thăm, cô gửi trả lại liền. Buồn còn chịu nỗi chớ bực bội hoài khó sống lắm ! Coi vậy chớ bà con ở đây rất biết điều. Họ thấy cô ở một mình nên làm bộ lại mua thuốc để nói chuyện cho cô bớt buồn.
Ngừng lại hồi lâu bà mới nói tiếp :
-Cũng may xung quanh đây còn nhiều đất trống, cô trồng thêm rau, thêm bông, thêm trái. Nhìn chúng tăng trưởng mỗi ngày cũng thấy vui vui.
Cô gái hỏi:
-Cô có nuôi gà, nuôi vịt gì không cô ?
Bà lắc đầu :
-Cô ăn chay, với lại nước ở đây hơi hiếm, cô xài vừa đủ đâu có dư mà nuôi.
Nho chợt buột miệng:
-Phải chi con được ở gần để đến chơi với cô mỗi ngày.
Rồi Nho hỏi tiếp:
-Gần đây có trường học không cô ?
Bà nhìn Nho rồi vừa đáp, vừa hỏi:
-Có nhưng xa lắm ! Bộ cháu làm nghề dạy học hả ?
-Dạ !
Cô gái chen vào :
-Ngó bộ vó của chị chắc học trò không sợ đâu phải không?
Nho gật đầu, đáp:
-Chị không muốn làm cho chúng sợ.
Bà chủ nhà nhìn Nho rồi nói:
-Cháu mà chịu ở với cô thì khỏi cần đi dạy. Cô truyền cho cái nghề bán thuốc, chích thuốc với cái nghề coi bói nữa là dư sức sống.
Cô gái reo lên :
-Cô biết coi bói nữa hả cô ? Cô coi giùm con một quẻ đi cô.
Rồi lật đật xòe bàn tay phải ra.
Bà cầm lấy, nhìn vào rồi nói:
-Cháu là con gái út phải hông ? Cháu có số hoạnh tài, từ trước tới giờ tuy chưa làm ra đồng xu cắc bạc nào nhưng trong túi chẳng bao giờ thiếu tiền. Tình duyên hơi trắc trở, cứ gần cưới là lại phá ngang, không do bên nầy thì cũng tại bên kia. Cái số của cháu phải trên hai mươi lăm tuổi lấy chồng mới sống bền với nhau.
Cô gái trợn tròn hai con mắt nhìn bà rồi hỏi :
-Bộ cô có phép hay sao mà ...
Bà cười rồi nói:
-Thiệt ra ba cái chuyện coi bói nầy chỉ cần nhìn tính cách con người rồi suy luận ra thôi, chớ có bùa phép gì đâu. Tính tình đưa tới vận mạng của mình mà !
Cô gái tay mở bóp, miệng hỏi:
-Để cháu đặt tiền rồi cô coi thêm giùm một quẻ nữa nghe cô ! Cháu muốn biết người chồng tương lai của mình như thế nào? Cháu sẽ có mấy đứa con? Có được giàu như...
Bà vội ngắt lời:
-Nói chơi chớ cô đâu có coi bói ăn tiền. Thấy ai gặp chuyện buồn thì bày đặt mượn chuyện coi bói để an ủi và giúp họ hy vọng. Cô khuyên cháu nghe, đi coi bói là để nghe người ta nịnh cho sướng cái lỗ tai. Hể nghe ai nói nghịch ý, xui xẻo là cháu phải cự liền, để họ đổi tông. Ngu dại gì mà vừa mất tiền vừa rước cái buồn, cái lo vô bụng.
Rồi chỉ ngón tay trỏ vào Nho, bà nói:
-Còn cháu từ trước tới giờ chắc chưa hề coi bói phải hông ?
Lần nầy thì đến lượt Nho ngạc nhiên, nhìn bà trân trối.
Bà lại cười và giải thích:
-Cháu nhát lắm, sợ đủ thứ hết. Sợ đi coi bói, nghe người ta đoán sai rồi mắc cỡ và tội nghiệp giùm họ. Được ai thương là cháu lo lắm vì sợ làm cho họ thất vọng. Cháu rất tự ti, tự ái, quá dễ tổn thương nên cũng sợ thương người khác. Cô nói có đúng không?
Nho gật đầu lia lịa, rồi không nén được cũng hỏi :
-Tương lai của cháu như thế nào hả cô ?
Bà chép miệng :
-Cháu nhìn xuống chớ không nhìn lên nên người cháu thương sẽ bị gia đình phản đối quyết liệt. Mà hình như cháu đang gặp chuyện không may ? Cháu đừng lo, đúng một năm sau cháu sẽ có tin vui. Lúc đó phải đến tạ lễ với mời cô uống rượu đó nghe !
Nho mừng khắp khởi hỏi:
-Thiệt vậy hả cô ?
Bà gật đầu, đưa cho cả hai mỗi người một trái hồng rồi giục :
-Ăn đi !
Cô gái vừa cắn, vừa nhai. vừa khen:
-Hồng ngon quá cô ơi, ngọt lịm hà !
Bà khuyến khích:
-Tụi cháu ăn hết dĩa hồng nầy giùm cô, một lát cô cho mỗi đứa một chục đem theo xe ăn lai rai trừ cơm.
Cả hai đều lắc đầu ngoầy ngoậy:
-Ăn bây nhiêu là đã thèm rồi cô, ăn ráng mất ngon uổng lắm !
Ăn xong Nho xin bà dắt mình đến viếng mộ. Tấm bia bằng gỗ khắc ba chữ " nguyễn văn do" không viết hoa, không để năm mất chỉ có năm sanh.
Không chờ Nho hỏi, bà đáp trước :
-Ổng tự khắc cho mình một cái, cô một cái. Ổng nói nếu cô đi trước chắc ổng cũng không sống lâu, chừng đó sẽ khắc cái năm mất cho chính xác. Tuy bây giờ tấm bia thiếu cái năm mất nhưng cô lại mừng vì ổng đi trước, cô lo cho ổng được mồ yên mả đẹp nên có nhắm mất cũng toại nguyện. Về phần mình sống tới đâu hay tới đó. Cô ráng sống thêm chừng năm, ba năm nữa. Cầu cho ổng đi đầu thai sớm để kiếp tới ổng hơn cô vài tuổi cho đỡ trục trặc.
Nho nói :
-Dượng có bịnh gì hông cô ?
Bà đáp :
-Ổng bị bịnh tim mới ra đi sớm như vậy, mới năm mươi bảy tuổi chớ có nhiều nhỏi gì đâu ?
Cô gái vọt miệng :
-Cô chắc nhỏ tuổi hơn dượng nhiều lắm !
Bà lắc đầu :
-Cô sáu mươi mốt rồi, lớn hơn ổng tới bốn tuổi lận!
Cả hai, Nho và cô gái cùng buộc miệng :
-Vậy sao ?
Nho nói thêm:
-Con nghĩ cô chừng năm ba, năm bốn là cùng.
Cô gái hào phóng hơn :
-Con còn đoán cô chừng năm mươi đổ lại.
Biết họ tâng bốc cho mình vui bà vẫn thấy thích nên cười một cách sung sướng.
Nắng đã lên cao, đám bông mười giờ Thái Lan trên mộ trổ đủ màu trông vô cùng vui mắt. Cả hai đang tìm lời ca ngợi thì tiếng còi xe đã vang lên giục khách khiến họ giật mình.
Nho nắm tay bà, giọng cô hơi rung:
-Gặp cô con mừng lắm ! Hy vọng cái duyên của hai cô cháu mình đến đây chưa dứt. Chừng nào bải trường con sẽ lên ở chơi với cô thiệt lâu, tới chừng nào bị đuổi mới đi.
Rồi lật đật móc cái cạc vi zit ra đưa và nói:
-Trong nầy có địa chỉ và số điện thoại của con. Khi nào cô thấy buồn hoặc cần điều gì xin cứ gọi.
Cô gái tóc xoăn cũng cầm bàn tay còn trống của bà và lập lại lời Nho đúng y từng chữ.
Bà xiết mạnh tay cả hai rồi nói:
-Nhứt định hai đứa phải lên thăm cô một lần nữa nghe. Cô còn nhiều chuyện hay, còn nhiều bức tranh đẹp đang đợi tụi cháu đó.
Xe chạy rồi Nho còn ngoái đầu nhìn lại. Một làn khói bốc thẳng từ lùm cây bông tím, trời không gió nên trông nó như một hình người nhón chân, kéo dài thân ra để nhìn theo. Càng xa nó càng vươn cao thêm mãi, cho đến khi hòa quyện vào cụm mây trắng lơ lửng trên đầu.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Ốm Re: MƯA
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 6 2017, 00:22
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Tới nay Ốm mới đọc xong truyện MƯA đó lamduyen tỷ tỷ ơi! Chắc ko có ai bb như Ốm hé?
Cảm ơn tỷ đã cho người đọc có dịp thả hồn về "hồi đó" (dù có vài chi tiết ko được "hồi đó" cho lắm hehe...).
Tặng tỷ nè...
:rse: :rse: :rse:


NHỚ XEM TIN NHẮN TRONG DĐ NÀY NHA, TỶ ƠI!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên HÌNH
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 6 2017, 01:06
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Khoe BỐN PHẦN LỜI của Ốm nè tỷ (hình đi đám cưới đứa cháu gái)
{L_ATTACHMENT}:
FB_IMG_1497321314848.jpg
FB_IMG_1497321314848.jpg [ 92.83 KB | Đã xem 1347 lần ]


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 6 2017, 20:40
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tỷ thay mặt ban giám khảo, công bố cuộc thi hoa hậu năm 2017 :
Từ trái qua phải : Hoa hậu, á hậu 2, á hậu 1.
Giải đặc biệt giành cho hai hoa vương, trẻ, đẹp trai, vui tính... tương lai chắn chắc sẽ sáng trưng tất cả các ngọn đèn cao áp gọp chung lại vậy !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu