Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 05:50
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271072 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 1 2018, 20:07
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cám ơn Ốm nhiều !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 4
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 1 2018, 19:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tâm ghé mắt vào từng hộp cơm rồi hỏi:
-Sao mầy mua có chỉ một thứ thịt kho hột vịt không vậy? Sao không mua mỗi đứa một món để nhìn đã con mắt, đặng còn múc qua múc lại, đứa nào cũng được thưởng thức mùi vị phong phú và hấp thu đủ loại vi ta min!
Hy phản đối ngay lập tức:
-Ăn cái kiểu đó mất vệ sinh lắm! Tụi bây thì sao hổng biết chớ tao ghét hạng nhứt là được ai gấp thức ăn bỏ vô chén mình.
Tâm xì một tiếng rồi nói:
-Mầy chảnh như vậy coi chừng ông trời ổng ghét rồi ban cho mầy một con vợ sâu răng hôi miệng kinh niên đó!
Dự phụ họa:
-Cơm từ thiện mà đòi có đủ thứ hết, nghe mà bắt ghét!
Công cười hì hì, giải thích:
-Tao cho ăn “đồng phục” để tụi bây khỏi phải giành giựt.
Dự hỏi như trách :
-Vậy sao không mua sườn nướng? Mầy mua món đó là vui vẻ cả làng, ai cũng tâm phục, khẩu phục hết!
Công trề môi, lắc đầu :
-Món đó mắc nhứt, giá gấp rưởi món nầy lận.
Hy cằn nhằn :
-Nghe nói ba cái hột vịt mà kho đi nấu lại hoài nầy, không tốt cho đàn ông con trai tụi mình đâu.
Tâm hỏi:
-Không tốt chỗ nào?
Tâm thật sự muốn biết nhưng Hy lại cho rằng Tâm hỏi móc họng nên đáp bằng giọng quạo đeo:
-Mầy mà ăn hà rằm là hai cái túi đựng ngọc của mầy sẽ lòng thòng như cái bị của ông ăn mày đó!
Tâm không tin, hỏi lại:
-Cái đó là y học hay kiến thức dân gian hay của riêng mầy?
Hy đáp xẳng lè:
-Cả ba!
Tâm trợn mắt:
-Vậy là mầy bị "gánh nước" rồi hả?
Hy lắc đầu, giọng miệt thị:
-Còn khuya! Cho tụi bây biết, má tao là chuyên gia dinh dưởng đó, nhà tao không bao giờ ăn cái món gì để qua đêm.
Tâm nghe vậy thì bắt ghét ráng moi óc tìm một câu thật sâu cay để nói cho Hy bỏ cái tánh tự phụ. Thế nhưng vốn tánh chậm và hiền nên tìm mãi chưa ra, đang cố moi óc bỗng nghe Công cười xằng xặc. Hy biết cái cười đó bắt nguồn từ câu trả lời của mình nên hỏi bằng giọng gây hấn:
-Mắc cái giống gì mà mầy cười như bị thọc lét vậy?
Công ráng ghìm cơn cười lại rồi đáp:
-Tại tao nghĩ nếu điều đó đúng một trăm phần trăm thì đàn ông xứ mình chắc bị "gánh nước" hổng sót một người nào.
Dự nhướng mày, gia nhập cuộc chiến bằng một câu hỏi:
-Tại sao?
Công đáp:
-Bộ bọn mầy không nhớ cái món ăn truyền thống của bà con mình ba ngày tết là món gì hay sao?
Dự "xí" một tiếng dài thòn, ra vẻ xem thường rồi mới đáp:
-Có vậy mà cũng hỏi! Ai mà hổng biết là canh khổ qua, thịt kho dưa giá chớ cái giống gì! Mà mầy hỏi chi vậy? Đâu có mắc mớ gì tới chuyện nầy.
Công cãi:
-Mắc mớ dữ lắm chớ làm sao mà không! Nồi thịt kho tết nhà nào mà hổng có cả chục cái trứng vịt bơi lặn, lội trong đó để trước cúng ông bà sau ăn cho tiện. Cái món đó được ăn hà rầm ít nhứt cũng bốn năm ngày chớ một bữa làm sao mà dứt điểm cho nổi.
Hy lắc đầu:
-Nói chắc tụi bây hổng tin chớ má tao chỉ kho đủ ăn trong ngày mà thôi! Bả tuân thủ nguyên tắc dử lắm, không bao giờ làm thức ăn để ấp lẫm hết! Tụi bây có biết tuy ở xứ nỗi tiếng về mắm mà từ nhỏ tới giờ tao chưa từng biết mùi vị của nó ra sao. Tội nghiệp ba tao, mỗi lần nhớ nó chịu không thấu là ổng tìm cớ đi thăm nội tao đặng ăn mắm cho đã thèm.
Công thở dài:
-Tội nghiệp cho mầy quá! Tụi bây biết không? Ở bên tây cái giới sang nhứt mới biết cầm đũa với ăn mắm đó!
Rồi thúc cùi chỏ vô ba sườn của Hy một cái, nói tiếp:
- Nhà tao chuyên môn ăn mấy cái món để qua đêm. Dì năm sát vách bán cơm bình dân, lâu lâu là bưng ba cái món kho đi, kho lại bị khách chê tới cho má tao, vậy mà tao ăn vẫn thấy ngon như thường cũng chẳng hề bị cái gì hết.
Tâm phu họa:
-Tết năm nào má tau cũng kho một nồi thịt bự chà bá, ăn hết cái, còn nước thịt là má tao mua hột vịt thả vô thêm, năm nào cũng vậy, có khi ăn tới rằm tháng giêng luôn, vậy mà tao đâu có bị lòng thòng như mầy nói.
Công hùa theo:
-Tao cũng vậy, vẫn săn chắc như thường! Hai đứa nó đeo sát rạt như mấy con ốc bám mấy cái nhánh chà dưới sông.
Hy trề môi:
-Cái chuyện đó thì người ngoài làm sao mà biết. Mầy có dám cho tao khám không?
Rồi nói với cả bọn:
-Có khi nó bị rồi nên mới cho tụi mình ăn đặng giống như nó luôn.
Công tuy biết Hy nói đùa nhưng vẫn nổi quạu:
-Mầy nói như vậy thì đưa hết đây tao ăn giùm cho!
Vừa nói vừa chỉa chiếc muỗng qua định múc cái trứng kho bị cắn hết phân nửa trong hộp cơm của Hy. Hy thấy vậy liền né ra xa rồi lật đật múc nửa cái trứng đó cho vào miệng luôn.
Công nhiếc:
-Người ta có lòng hảo tâm cho ăn miễn phí mà còn bày đặt kén cá chọn canh, thấy mà ghét!
Hy cười, rồi khen để xoa dịu Công :
-Làm sao mà mầy lượm được số tiền lớn như vậy, tài thế!
Dự sửa lưng :
-Mầy không quen nịnh thì đừng có nói, nghe ngứa lỗ tai lắm! Lượm tiền là do may mắn chớ tài cán cái quái gì.
Công nuốt vội miếng cơm trong miệng rồi nói :
-Chưa chắc à nghen! Riêng trường hợp này bao gồm cả tài lẫn trí nữa đó, tao nói thiệt chớ không có "nổ" đâu!
Tâm hỏi bằng giọng dè bỉu:
-Đâu mầy kể ra coi ! Cho bọn tao thọ giáo cái chiến thuật “lượm tiền” thâm diệu của mầy.
Công phớt lờ thái độ của Tâm, đáp một cách nghiêm nghị:
-Chuyện nầy ly kỳ lắm ! Tao dám chắc ngàn năm trước đã và trăm năm sau sẽ không thể có một trường hợp tương tợ.
Rồi không chờ hỏi tiếp, Công kể luôn:
-Tụi bây biết không?
Công vốn có cái tật hể bắt đầu kể chuyện là luôn luôn mở đầu bằng câu "tụi bây biết không". Hy nghe quen tai, lần nầy bỗng dưng ngứa miệng nên vừa nghe tới đó là trả lời liền:
-Không!
Công đang cao hứng thì bị Hy ngắt ngang, đáng lẽ phải quạu trái lại còn nghe mắc cười khi nhớ tới cái tật nhỏ khó bỏ đó của mình. Ngờ đâu cái nhếch mép ấy bị Dự hiểu lầm, cho là Công giận nên cười khẩy bèn quay sang Hy mà cự nự:
-Cái thằng nầy, bộ không biết nó có cái tật là hay xài câu đó cho có trớn chớ đâu phải hỏi thiệt.
Rồi xoa dịu Công:
-Mấy cái thằng ưa thọc gậy bánh xe thất đức lắm, khó mà sống lâu, mầy đừng thèm giận, thây kệ nó, kể tiếp đi!
Công nghe vậy thì biết Dư đã hiểu sai, thế nhưng không thèm thanh minh, thanh nga gì hết mà còn vội đổi vui làm giận, lườm Hy một cái rồi nói:
-Tụi bây biết không, tao đang đậu xe sau lưng một cô gái trước cái sạp tạp hóa ở đầu chợ. Cô ta cũng ngồi trên chiếc DREAM màu nho, đẹp như “con bà bảy”, cổ ăn mặc gợi cảm, nhìn mát con mắt luôn, áo thun hai quai bó sát cái mình phô đồi núi chập chùng, cái quần sọt vừa ngắn vừa rách đưa hai cái cẳng dài thòn...
Tâm ngắt ngang:
-Cổ ngồi chớ bộ đứng hay sao mà mầy biết dài.
Công cãi:
-Biết chớ sao không! Chiếc dream Thái nó cao hơn mấy chiếc xe khác, con trai thì ngồi chống hai chân dể ợt chớ con gái thì phải nghiêng người, ngồi nửa cái mông thôi mới có thể một chân chạm đất. Vậy mà cô nàng nầy bỏ cả hai chân xuống tỉnh queo, mà đâu có nhờ đôi giày cao gót trợ giúp, đôi dép cổ mang mỏng dính hà!
Tánh chép miệng:
-Vậy là mầy gặp một cô nàng làm nghề người mẫu rồi! Con gái mà vừa cao vừa đẹp là bị cái tụi săn người mẫu hốt hết.
Hy ngắt ngang:
-Xạo! Mấy con nhỏ đó phải hiến thịt mới được gia nhập cái giới ấy, chớ ở đó mà...Nước mình còn lạc hậu lắm công nghệ người mẫu chưa phát triển cao tới mức đấy đâu.
Dự không còn kiên nhẫn nên cự nhoi:
-Tụi bây có chịu để yên cho thằng Công kể tiếp hay không? Bắt con người ta kể rồi toàn nói chuyện tầm ruồng không hà! Tao ghét nhứt là cái thứ đâm xà lan sét làm cản trở giao thông, hỏi cho đã rồi không chịu nghe...Dự còn định xài xể thêm thì thấy cả bốn tên kia đấm nhau mà cười nghiêng ngả, bèn thắng lại một cái rụp liền.
Công lắc đầu:
-Cô nầy chắc chắn không phải thuộc giới đó đâu!
Hy hỏi một cách khiêu khích:
-Làm sao mầy biết!
-Biết chớ sao không? Mấy cô người mẫu ra đường bỏ rác thôi cũng làm mặt cẩn thận, chẳng ai có diễm phúc chiêm ngưỡng gương mặt mộc của họ, kể cả chồng.
Hy cãi:
-Đó là những anh chồng còn trong thời hạn bảo hành, hết xài rồi là họ không thèm che đậy, bao nhiêu cái xấu phô ra hết, có khi còn bắn pháo hậu ngay trước mặt.
Công nghe Hy nói tới thì dừng nhai mà cười sặc sụa.
Tánh quở:
-Đồ vô duyên, hở hở là cười. Coi chừng phun hết cơm trong miệng ra ngoài bây giờ.
Dự giục:
-Kể tiếp đi mầy !
Công ráng dằn cái cơn cười lại, hỏi:
-Tao nói tới đâu rồi?
Dự đáp:
-Tới chỗ cái quần sọt ngắn ngủn còn rách te tua bày hai cái cẳng dài thòng...
Công liền ra dấu bằng tay tay để cắt ngang lời Dự rồi nói:
-Tao vốn hâm mộ mấy chiếc Dream lẫn người sở hữu nó nên chú ý, ngó chăm chú từng bộ phận một…
Dự ngắt ngang:
-Xe hay người ?
Công đáp phắt :
-Xe ! Tao rà từ trên xuống dưới. Dòm tới cái chỗ...
Nói tới đây chàng bèn dừng lại để múc cơm. Bốn bàn tay của bốn tên kia, đang cầm cái muỗng không từ nãy, giờ cũng nhớ ra rồi xúc vội, xúc vàng .
Hy vừa múc vừa hỏi như hối :
-Chỗ nào?
Công không hề gấp gáp, nhai chầm chậm rất ư thong thả rồi nuốt từ từ, chờ ngụm cơm nằm gọn trong dạ dày xong mới nói, lần nầy cố tình lập lại thói quen:
-Tụi bây biết không? Tao ngó từ cái kiếng chiếu hậu xuống tới cái bánh xe trước thì thấy nó cán lên tờ giấy một trăm. Tim tao đập túi bụi, bơm máu ào ào khiến hai lỗ tai lùng bùng. Bà bán hàng phải hỏi tới mấy lần mua cái gì tao mới nghe ra mà đáp.
Tâm hỏi :
-Cổ có biết được mầy nhìn không? Cổ nhìn lại mầy không? Bật đèn xanh hay đèn đỏ ?
Công lắc đầu :
-Con gái đã đẹp mà còn đi xe xịn thì “chảnh “ số một nghe mậy. Cô nàng biết tao nhìn nên hất cái mặt lên trời .
Dự nói :
-Nhờ cô ta ngó lên trời nên mới hổng thấy, không thôi là chộp rồi chớ đâu còn tới mầy.
Hy phản đối :
-Con gái đẹp, nhà giàu, đi xe Dream, ai mà thèm lượm tiền .
Dự trề môi :
-Mốc xì ! Có lần đi chợ tao thấy một bà tướng tá như đại gia. Bả đeo vàng thiếu điều gãy tay, gãy cổ, vậy mà mua đồ trả giá thấy bắt sợ. Mua có một bó rau mồng tơi một ngàn thôi mà kèo nài người bán phải cho hành. Cho một tép bả chưa chịu đòi cho bằng được một tép nữa đó mầy.
Tâm bực bội :
-Để cho thằng Công nói cho hết đi ! Tụi bây cứ xía miệng bể vô hoài.
Rồi hất càm về phía Công :
-Kể tiếp đi mầy !
Công nói tiếp :
-Tao chờ cô ta chạy đi để lấy tờ tiền, bụng đánh lô tô vì sợ cổ thấy rồi lượm trước, chừng đến khi cổ lấy tiền thối xong rồi rồ ga vọt đi mới thở phào nhẹ nhỏm. Nào ngờ tờ giấy xăng ấy cứ bám dính khắng cái bánh xe. Tao cắm đầu đạp theo, không kịp lấy túi mì, cũng may chưa trả tiền. Bà bán hàng gọi om sòm rồi chửi đuổi theo “đồ cái thứ mê gái “…
Nói đến đây Công lại dừng, xắn một miếng trứng, múc một muỗng cơm đầy nhóc kèm theo rồi cho vào miệng nhai thong thả. Chàng cố tình nhắm mắt lim dim, tảng lờ bốn gương mặt đang nhìn mình một cách căm tức.
Hy hấp tấp hỏi :
-Bao lâu nó mới chịu rớt ra vậy mậy ?
Công lại cười, lần này không ồn ào :
-Cái bánh xe “dâm đảng” đó cứ đè miết tờ tiền. Cổ nhìn vô kiếng chiếu hậu thấy tao bám theo nên quay lại nhìn. Cũng may tao đẹp trai, tướng tá ngon lành, nên cô ta chạy chậm lại, cuộc rượt đuổi cũng đỡ vất vả.
Nói đến đó lại dừng, lập lại cái động tác tay và mồm y như cũ, lần nầy còn từ tốn, chậm rãi hơn, phớt lờ dấu hiệu bất bình trên mặt của bốn vị khán thính giả đang chăm chú lắng nghe.
Hy vốn thiếu kiên nhẫn nên giục, giọng bực bội :
-Kể cho hết đi rồi ăn !
Công không đáp cứ cố tình nhai chậm rì, cho đến khi phát hiện tám tia nhìn nhọn hoắc sắp soi thủng da mặt mình, mới chịu kết thúc bằng một câu ngắn gọn :
-Nếu không có miếng xác sing gum nằm giữa đường lôi nó ra thì trời cứu.
Nói dứt lời liền múc một muỗng cơm, kèm thêm miếng thịt kho chỉ còn lại một mẩu nhỏ xíu đưa lên miệng. Đang há to bỗng khép lại, để cái muỗng xuống rồi gục mặt mà cười sằng sặc một tràng.
Bốn tên còn lại trố mắt nhìn.
Tâm lắc đầu, nói bằng cái giọng ngậm ngùi :
-Cái thằng nầy thiệt... là... Mới lượm có một trăm ngàn mà mừng tới phát khùng. Làm mất mặt cái đám đại trượng phu nhà nầy biết bao !
Dự cho là mình phải có cái nghĩa vụ đền đáp, nên lên tiếng bênh vực :
-Chắc nó yếu bóng vía nên bị con ma cười nhập.
Công ngẩng mặt lên nhìn đám bạn, rồi lắc đầu. Chàng ráng cắt cơn cười rồi giải thích :
-Tại tao tưởng tượng đến cái nét mặt sửng sốt của cổ khi thấy tao đang đuổi theo ráo riết, bỗng dừng phắt rồi quay đầu chạy bán sống, bán chết! Nghĩ tới đó là tao không thể nhịn cười.
Dự hỏi:
-Mầy chạy theo cổ, ý lộn, theo tiền bao xa ?
Công nói:
-Chừng vài chục mét.
Dự gặng :
-Vậy tại sao mất tới mấy tiếng đồng hồ lận ?
Công giải thích :
-Tao đâu dám quay lại sợ bà bán tạp hóa còn nhìn theo, thấy tao lượm rồi nói là tiền của bả, mà biết đâu là tiền của bả thật, nên chạy đi kiếm cái chợ khác. Kiếm muốn lòi con mắt cũng chưa ra. Đi ngang cái quán bán cơm bình dân, chợt nhớ tới tụi bây, tao nghĩ bụng chắc đứa nào cũng đang đói meo, thế là động lòng trắc ẩn, tấp vô mua luôn năm hộp. Nhờ vậy mới khám phá ra hai điều hết sức quan trọng.
Hy hỏi tới:
-Điều gì với điều gì?
Công đáp bằng giọng nửa đùa nửa thật:
-Hôm nay bộ tao có sao đào hoa chiếu mạng hay sao mà gặp toàn là người đẹp, cái cô đứng bới cơm với gắp thức ăn đẹp còn hơn cái cô đi xe Dream nữa, có điều không cao bằng. Cổ thấy tao nhìn nên mắc cỡ cứ bới với gắp quên thôi!
Dự gật gù:
-Hèn chi mà hộp cơm đầy nóc ké! Còn điều thứ hai?
Công trợn mắt:
-Tụi bây biết không, ở đây bán đồ ăn rẻ nhứt Sài Gòn. Cơm nhiều gấp rưởi chỗ khác mà giá thấp hơn.
Tâm hỏi :
-Bao nhiêu ?
Công đáp:
-Cái hộp cơm tao mua đó có thịt, có trứng, có dưa leo, cà chua hẳn hoi mà chỉ có mười ba ngàn thôi. Rẻ nhứt là cơm với tàu hủ muối xả chiên, bao nhiêu tụi bây biết không?
Tâm lập lại câu vừa hỏi:
-Bao nhiêu mà rẻ? Rẻ được bao nhiêu?
-Mười ngàn, có cho thêm một gấp đồ xào.
Tâm trề môi, xí một hơi dài rồi nói:
-Tưởng nhiều, ai dè rẻ hơn có một, hai ngàn. Tao nghe nói có chỗ bán chỉ mười ngàn một dĩa thôi ! Có đầy đủ canh rau, cá, thịt hẳn hoi .
Dự lắc đầu:
-Mấy chỗ đó nghe đâu họ mua thịt thiu, cá ương, rau úng… Ba cái thứ rẻ thúi đem về nấu bán mới có lời đó mầy ơi!
Hy chép miệng:
-Tụi bây đừng có thấy rẻ mà ham, ăn thí mạng cùi rồi ngậm cười nơi chín suối đó! Tụi mầy biết đã có bao nhiêu trường hợp bị ngộ độc phải vô nhà thương, tốn tiền gấp mấy trăm lần không? Đó là chưa kể đến những ca nhiễm nặng tới mất mạng hoặc để lại di chứng vô cùng tai hại.
Tâm cười :
-Đừng có lo, tụi mình là sinh viên nghèo, tự nấu lấy mà ăn, làm gì có cơ hội đó!
Công bổ xung:
-Cho dù có ăn cũng chẳng bị làm sao, bởi mấy con vi trùng nó chê, cái tụi đó nó cũng biết chọn mặt gởi vàng, dân mập mạp, ăn toàn thứ ngon, da thịt béo ngọt, thơm tho tụi nó mới nhào vô, ốm nhom như tụi mình chúng nó đâu thèm rớ! Không tin tụi bây vô nhà thương mà coi, ai cũng...
Hy xì một tiếng thật to rồi nói:
-Mấy người nghèo ai mà được tụi nó chiếu cố đều nằm chết chèo queo trong nhà chớ có lết tới bệnh viện nổi đâu, tụi bây làm sao thấy được mà biết!
Công cãi:
-Theo tao biết thì người nghèo tiếp xúc với tụi nó hà rầm nên sức đề kháng của họ cao gấp mấy lần dân có của. Bởi vậy ông bà ta mới khuyên "ở bẩn sống lâu",bộ mầy quên rồi sao?
Hy cãi:
-Đó là câu trào lộng mầy ơi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGV - Re: XÓM "..."
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 1 2018, 09:27
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Rất vui khi thấy Lâm quán chủ đã bình phục để viết truyện cho bà con thưởng thức.
Chúc Lâm quán chủ một năm mới 2018 bình an, mạnh khỏe và nhiều hạnh phúc.
NGV.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 5
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 1 2018, 18:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tánh nãy giờ không nói tiếng nào, chăm chỉ nhai, chăm chỉ nuốt nên thanh toán hộp cơm nhanh nhứt. Ăn xong liền vào bếp rửa miệng, nghe tiếng nước réo om sòm, thấy cái nấp ấm nhảy tưng tưng thì lật đật tắt bếp rồi hét ỏm tỏi :
-Thằng mắc dịch nào nấu nước mà không chịu canh vậy ? Nước sôi nãy giờ tốn điện quá trời !
Hy đáp giọng tràn trề hối hận :
-Tao đó ! Tao đói bụng quá nên đổ đầy một ấm nước rồibắt sẵn trên lò, vừa thấy thằng Công về là bật bếp liền, tính nấu để chế vô mì, nào ngờ nó mua cơm về thế nhà cắm đầu ăn quên mất tiêu.
Công tiếc hùi hụi :
-Phải hồi nảy tao mua thêm một gói trà, sẵn nước sôi mình châm một bình nhâm nhi cho phong lưu trọn bộ. Xem như mình tân gia kiểu bỏ túi.
Dự chỉnh :
- Ở đây “sắc” ê hề, chỉ thiếu “tửu” thôi. Muốn phong lưu trọn bộ, mầy phải mua thêm rượu nữa.
Rồi bỗng nổi hứng, ngâm thơ bằng cái giọng khề khà, bắt chước mấy vị nho gia :

-Một trà, một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Họa chăng chừa rượu với chừa trà.

Ngâm xong liền gật ngù ra vẻ đắc ý, nói một mình :
-Đọc bài thơ nầy mới biết tại làm sao ông Tú Xương thi hoài không đậu.
Rồi kết luận một cách bùi ngùi:
-Tao phục vợ ổng sát đất! Bây giờ có đốt đuốc đi khắp quả đất nầy cũng tìm không ra một bà tú "quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng", như thế! Tụi bây có đồng ý không?
Hy an ủi:
-Mầy đừng lo, cứ ở yên đây chẳng cần đi đâu hết, chỉ trong ngày hôm nay thôi mầy sẽ được chiêm ngưỡng đủ thứ, tú bà, tú cô, tú ông, tú cậu...tha hồ mà sung sướng.
Công răn đe :
-Tụi mình phải ráng giữ mình nghe tụi bây. Phải nhớ nằm lòng cái câu “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”. Phải ráng bịt mắt bưng tai lại mà học đó!
Tánh trề môi :
-Mầy lo cho cái thân mầy trước đi rồi hãy khuyên tụi tao. Dòm cái mặt ngon lành như ổi sắp chín của mầy là ai cũng muốn cắn rồi. Dám chắc mầy sẽ là mục tiêu tấn công của chị em cả xóm.
Hy dặn chung cả bọn :
-Tụi bây về thăm nhà đừng kể về cái xóm nầy nghe! Tuyệt đối không được tiết lộ cái tục danh của nó với bất cứ ai.
Tâm hỏi gặng:
-Trong gia đình cũng không được sao?
Hy gật thật mạnh, giọng quả quyết:
-Nhứt là với những người trong gia đình.
Công lắc đầu:
-Tao không có giấu má tao được đâu! Nếu bà không hỏi thì thôi, rủi mà hỏi thì tao có sao nói vậy, nói dối mệt óc lắm mầy ơi, giồng như mầy sa vô vũng lầy vậy đó! Ban đầu nó chỉ lún tới mắc cá chưn rồi lên tới đầu gối, tới rún, tới ngực rồi lút đầu hết thở.
Hy trợn mắt:
-Các bậc phụ huynh mà biết mình ở chỗ nầy chắc chắn sẽ thấp thỏm không yên. Má tao bả mà nghe tao ở cái xóm đỉ là té xỉu liền. Thế nào cũng bắt ông già xuống đây áp tải tao lại nhà ông chú ngay lập tức.
Dự hỏi:
-Mầy có ông chú giàu sụ, nhà ngay trung tâm Sài gòn đi học gần xịt, tại sao hổng lại đó ở cho sướng cái thân ?
Hy ngắt ngang :
-Thôi đi mầy ơi ! Nhắc tới cái chuyện đó là tao nổi óc khắp mình đây nè. Ở đậu nhà càng giàu mình càng khổ, mầy không biết điều đó sao ? Cái câu “phú quý sanh lể nghĩa” ông bà nói không sai. Họ dư thì giờ quá, không biết xài vào việc gì nên bày đặt kiêng chuyện nầy, cử chuyện kia cho đặc biệt hơn người khác. Tao ở đó chỉ có nửa tháng để chờ thi thôi mà chịu hết nổi, đến bây giờ nghĩ tới còn ám ảnh. Mầy không chớ thà ăn cực chớ ở cái chổ mà mình cảm thấy ngột ngạt thì khổ không biết bao nhiêu mà nói!
Tâm nói :
-Chắc mầy được cưng quá nên đâm bực phải không?
Hy lắc đầu, nhún vai :
-Hổng dám đâu ! Ai cũng tưởng tao con một nên được tưng tiu ghê lắm ! Đâu có biết mấy thằng như tao khổ nhứt trên cõi đời nầy. Tụi tao có nhiệm vụ bổ khuyết những "sự nghiệp " vĩ đại mà hai đấng sinh thành chưa hoàn tất, bị coi như cái máy chớ không phải là người. Ở nhà thì ông già, bà già áp dụng kỷ luật nhà binh, gò muốn bung luôn. Giờ nào làm cái gì, giờ nào học món gì phải tuân theo răm rắp. Tưởng đâu ở nhà ông chú dễ thở một chút. Ai mà dè !
Dự hỏi :
-Đâu kể nghe thử coi !
Hy thở dài :
-Tụi bây hổng biết chớ, gia đình bên thím tao giàu ghê lắm ! Bả đẹp mà còn học giỏi hơn chú tao nữa. Bả khinh người và kỹ tính không ai bằng. Bước vô nhà, phải bỏ giày từ dưới thềm, bỏ giày ra xong là phải chùi chưn vô tấm thảm. Từ trong toa lét bước ra cũng phải chùi chưn. Trước khi lên cầu thang, chùi chưn. Vô phòng, chùi chưn. Lên giường, chùi chưn. Hể tao quên cái thao tác đó là bả nhíu mày, nhăn trán, ngó lom lom theo mấy cái dấu chưn tao vừa để lại, rồi bắt quay lại cầm giẻ lau liền. Đó chỉ là cái ở thôi ! Cái ăn còn cực gấp bội nữa, lên mâm cơm là phải ngậm miệng lại mà ăn không được nói một tiếng nào hết. Có lần đang ăn tao nhảy mũi, ý là tao lật đật bụm cả miệng lẫn mũi bằng cả hai bàn tay, vậy mà bả bắt chị người làm thay hết thức ăn trên bàn, làm tao xấu hổ muốn chui xuống đất luôn. Nói thiệt với tụi bây tao ghét bả luôn từ lúc đó.
Hy thở một hơi dài rồi nói:
-Còn nữa, hể nghe tiếng chuông cửa reng là im thinh thít, không có chạy ào ra đón khách như dân nhà quê của tụi mình đâu. Bả đọc báo Công An với An Ninh và Pháp Luật nhiều quá nên bị ám ảnh, nghi ngờ hết thảy mọi người kể cả chú tao, chồng của bả. Ai đến nhà mà không gọi điện trước là không thèm tiếp. Chín, mười giờ khuya là bế quan, tỏa cảng liền. Một lần tao lỡ về trễ, thế là bị nhốt ở ngoài cả tiếng đồng hồ, cho tới khi chị người làm thương tình ra mở cửa.
Công thở dài:
-Cũng may mầy là bà con ruột, có ba má giàu mà còn bị đối đãi như vậy. Nghèo mạt rệp như tao chắc bị cho ở ngoài đường tới sáng luôn.
Tâm hỏi:
-Sao ông chú mầy không rầy vợ ?
Hy lắc đầu :
-Chú tao là tín đồ của đạo thờ bà ! Tài sản do một tay bả gầy dựng nên không coi ổng ra cái thá gì hết. Chú tao làm dưới quyền vợ nên tiền lương, tiền thưởng bị bả nắm hết, chỉ được giữ chút đỉnh dằn túi.
Dự triết lý :
-Theo tao thấy mấy ông mà có vợ quá đẹp, quá giỏi hay quá giàu…đều bị vợ đè xếp ve hết ! Tội nhứt là ông nào có bà vợ hội đủ ba yếu tố trên. Chú mầy như vậy là khổ nhứt trên đời. Chắc ổng bị ức chế lắm hả ? Chắc ổng luôn rầu rỉ, quạo quọ hả mậy ?
Hy lại lắc đầu :
-Không hề ! Tao không biết ổng là “siêu nhân” hay “xỉu nhân” nữa. Lúc nào ổng cũng tươi rói. Bả có cằn nhằn cách mấy đi nữa ổng chỉ cười hề hề. Ngày thường đi làm, chủ nhựt là xách cần câu đi câu cá. Ổng phó mặc tiền bạc cho bả nắm, ít khi rờ tới cái bóp nên có lần dắt xe lội bộ về nhà cả cây số vì hết tiền đổ xăng.
Dự hỏi:
-Chắc lúc đó ổng tức giận về nhà quậy tưng rồi giành lấy quyền tự chủ hả mậy?
Tâm bồi thêm:
-Chắc bả hối hận lắm hả mậy ?
Hy lắc đầu lần thứ ba :
-Còn lâu ! Ổng biệt giấu đâu dám nói. Tới chừng bả biết được còn chửi ổng một chập vì cái tánh hậu đậu.
Tâm hỏi:
-Chắc mầy thấy ổng như vậy thì hết dám lấy vợ giàu hả ?
Hy chưa kịp đáp thì Dự đọc liền một câu ca dao cải biên :
-“Củi tre dễ nấu, vợ nghèo, xấu dễ xài.
Ham chi giàu đẹp mà cày hoài tróc da” !
Hy nãy giờ lên án bà thím, bỗng chợt nhớ ra má mình cũng con nhà giàu cũng lấn lướt chồng đâu thua bà thím. Chỉ có cậu mình là dù lấy vợ “củi tre” nhưng khổ đủ kiểu nên phủ nhận :
-Chuyện đó còn tùy thuộc vào cá tính, bản chất của người vợ. Nhiều ông lấy vợ xấu, nghèo, dở vẫn bị đè sát ván như thường. Như ông cậu út tao đó! Bà mợ tau vừa nghèo vừa dốt vừa xấu vậy mà năm gọn ổng trong lòng bàn tay mới ghê chớ! Tao cứ thắc mắc hoài, hổng biết ổng mê bả ở cái chỗ nào?
Dự cười hì hì:
-Thì ở cái chỗ không ai biết chỉ một mình ổng biết chớ còn cái chuyện gì nữa.
Hy gật gù:
-Mầy nói rất có lý, hèn chi mà bả cứ sòn sòn mỗi năm một đứa. Báo hại cây cày của cậu tao càng ngày càng nặng. Ổng làm tới tối tăm mặt mũi.
Dự trề môi:
-Ông ngoại mầy giàu như vậy bộ hổng chu cấp cho ổng sao?
Hy lắc đầu, trợn mắt:
-Lúc ổng đòi cưới bả ông ngoại tau đâu có chịu. Ông ngoại đã nghéo tay làm sui với người bạn của ổng rồi, cô nầy đang học dược chờ ra trường là cưới liền, ai dè cậu tao ổng đi coi hát gặp mợ tao. Ông ngoại tao khuyên hoài không được nên từ luôn, ông ngoại bắt ổng ký giấy chịu nhường toàn bộ phần thừa tự của ổng lại cho má tao không lấy một chút gì. Ổng ký một cái rụp, rồi ra khỏi nhà luôn, từ đó đoạn tuyệt với hết thảy bà con dòng họ, ổng chỉ còn liên lạc với tao thôi.
Công nói bằng giọng mơ màng:
-Mối tình của họ đẹp quá, mãnh liệt quá! Chắc mầy cũng...
-Má tao bả hăm mẻ răng, tao mà bắt chước ông cậu út là bị đuổi ra khỏi nhà liền, gia tài đem cúng chùa hết.
Công hỏi:
-Chắc mầy nghe như vậy lại càng muốn làm theo ông cậu hả?
Hy lắc đầu lia lịa:
-No, no, no...Ngu sao mà giống ổng. Cho dù mà tao có rộng lượng để tao chọn vợ theo ý, tao cũng không để một thứ tình yêu mù quáng che lấp tương lai. Tao quyết định thà lấy vợ đẹp, vợ giỏi, có bị bóc lột cũng đáng.
Dự thở dài:
-Vậy là mầy cũng giống hệt ông chú! Tao khuyên tới chừng đó mầy nên đi xe đạp cho chắc ăn.
Hy trợn mắt:
-Để rồi mầy coi! Tao sẽ đấu tranh giành độc lập đến hơi thở cuối cùng, tự do hay là chết chớ không có nhu nhược như ông chú của tao đâu.
Tâm bình luận :
-Mầy thì chê là ổng nhu nhược còn tao thì ngược lại. Đối với tao,ông chú của mầy là một trong các bậc vĩ nhân, hiếm có lắm. Những đại trượng phu như vậy họ có một tấm lòng vô cùng bao dung, quảng đại. Họ không thèm so đo cao thấp với bất cứ sinh linh nào nên sống thoải mái, không hề thấy khổ tâm hay bị áp lực .
Suy nghĩ giây lát Tâm lại nói tiếp :
-Những người bình thường ai cũng ganh đua, nên căng mạch máu suốt. Tâm, trí không được thảnh thơi. Họ thường bị mấy bịnh về tâm, thể, thần kinh như tim, huyết áp, tiểu đường, bao tử, trĩ…vân vân và vân vân. Kể cả bệnh ghẻ ngứa nữa.
Dư nghe Tâm "triết lý" thì cười đến sặc rồi nói :
-Tao sẽ hy sinh tấm thân bồ tượng nầy. Cố nâng khăn sửa túi cho một tiểu thư vừa đẹp, vừa giàu vừa thông minh...Để cho tụi bây kiểm chứng coi cái lý thuyết mắc dịch của thằng Tâm có đúng hay không. Từ giờ, bốn thằng bây phải đem hết khả năng ra mà tìm đối tượng hội đủ các điều kiện nói trên cho tao.
Tâm trề môi :
-Kiếm được là tụi tao chớp liền chớ ngu sao mà hiến cho mầy.
Dự cười :
-Sao tụi bây ham làm thiêu thân quá vậy ? Có biết đèn càng sáng là càng mau chết hay không ? Có vợ giàu là ở mướn không công. Ráng làm cho có tiền hay lên chức nhanh hơn, nhiều hơn. Phải ganh đua trong mọi lãnh vực. Đã vậy còn có nguy cơ mang tiếng bất hiếu nữa. Tao biết có những trường hợp bà già chồng nghèo tới thăm, con dâu còn không thèm chào nữa đó ! Đừng có tưởng bở. Nghe lời tao đi. Phụ nữ lạ lắm! Thà thua chồng, bị chồng đánh đập rẻ rúng mà hết lòng tôn thờ, chung thủy tuyệt đối. Mấy bà nhà giàu, đẹp, học giỏi, làm ra tiền nhiều hơn hoặc bằng là ngó chồng có nửa con mắt, chảnh lỏn, tai ngược không chịu nỗi. Mấy ông chồng của họ có khi còn không đội nón được nữa đó !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 6
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 1 2018, 20:32
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tâm ngây thơ hỏi :
-Sao vậy ?
Dự cắt nghĩa :
-Thì mọc hai cái sừng dài ngoằn trên đầu rồi, đội sao vô !
Hy tỏ vẻ bất mãn :
-Tụi bây căn cứ vào đâu mà đưa ra cái kết luận lệch lạc đó ? Má tao đó, gia thế, mặt mũi, tài năng đâu có thua thím tao, mà bị ba tao ăn hiếp quá trời, quá đất. Ổng khiến sao là bả nghe vậy. Tao chắc ngoài ổng ra bả không hề để ý đến người đàn ông nào khác !
Dự đáp :
-Má mầy là một trong những người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Họ có tên trong sách đỏ, sắp bị tuyệt chủng rồi đó. Mục đích của phụ nữ bây giờ là chứng tỏ cho nam giới biết, họ không hề thua kém giới mày râu trong bất cứ lãnh vực nào ! Để rồi tụi bây coi, chế độ mẫu hệ sẽ dần dần chiếm lĩnh trái đất. Không chừng tụi mình sắp bị bầm giập dưới những gót giày nhọn hoắc, cao tới mười lăm, hai chục xăng ti mét của họ đến nơi !
Nghe tới đó Công liền trầm trồ, thán phục :
-Tao khâm phục mấy cô người mẫu quá xá ! Họ mang mấy đôi giày cao nghệu mà vẫn bước một cách thoải mái như đi chưn không. Mấy tên đực rựa cỡ tụi mình chắc chắn là té lọi họng.
Hy trề môi :
-Ba cái giày gót cao, nhọn đó có hại cho sức khỏe lắm ! Mang lâu là xương bàn chân bị biến dạng, cột sống bị lệch, dây thần kinh bị chèn…đau nhức dữ lắm ! Không hiểu sao các chị em ta cứ càng ngày càng hâm mộ chúng ?
Tâm hỏi :
-Bộ mầy không biết tuyên ngôn của họ bây giờ là: “Đẹp! Hoặc chết ! “ hay sao ?
Công thở dài :
-Tao thấy tiêu chuẩn cho cái đẹp thay đổi liền xoành xoạch. Từ “anh thấy em nhỏ xíu anh thương” cho tới cô nào mà dưới một mét sáu là hận đời ghê gớm.
Dự cười :
-Cũng may xu hướng hiện nay là càng cao càng đẹp. Nếu đảo ngược lại chắc thiên hạ dám ráp nhau đi cưa bỏ bớt một khúc cẵng lắm !
Hy chêm vào :
-Tao thấy ngoài cái mục tiêu đẹp hơn, họ còn muốn giỏi hơn, thông tuệ hơn các bậc anh thư tiền bối nữa. Mấy bà Võ tắc Thiên, Từ Hy thái hậu...thời nay, được trang bị đầy đủ, sẽ tàn độc hơn xưa gấp trăm ngàn lần. Họ sẽ khiến nam giới chúng ta không còn con đường sống.
Công vốn thương kính má của mình hết lòng nên bênh vực phái nữ:
-Tao thấy hầu hết phụ nữ đều thương yêu, phục tùng, hy sinh cho chồng, cho con. Mục đích của mấy bả là hạnh phúc chớ không phải quyền lực. Việc phụ nữ chuyên quyền, tàn độc chỉ có vài trường hợp hiếm hoi thôi ! Xét ra trong lãnh vực ấy họ cũng thua xa đàn ông kể cả chất lẫn lượng. Phụ nữ ghét chiến tranh, bởi những nạn nhân đều là chồng, là con của mình. Họ mà cầm quyền thì xã hội ngày càng hòa bình, ổn định, nhờ cái đức tính hy sinh, nhẫn nhịn, được trời ban hết sức dồi dào.
Tâm gật gù :
-Thằng Công nói đúng đó ! Chẳng nói đâu xa, trong nhà tao thôi . Má với hai chị tao lúc nào cũng ăn cơm sau chót để nhường thức ăn cho cha con tao. Nhà tao bây giờ chỉ còn cái vỏ. Ba tao lại sĩ diện, ở nhà thì sao cũng được mà ra đường là ai tới đâu, ổng tới đó. Bởi vậy má tao phải hết sức cần và kiệm. Hôm tết về thăm nhà, tao thấy má vẫn mặc những cái áo của mấy năm về trước. Tới bữa cơm thì nhường mấy cái món ngon lại cho cha con tao, má với hai chị chỉ vét mấy thứ còn lại. Thấy vậy ba cha con tao cũng nhịn, thế là bị má tao cằn nhằn, rồi cũng đâu chịu đụng đũa đến, cất lại để chừa cho bữa tới.
Công thở dài:
-Nhà tao chỉ có hai mẹ con thôi mà má tao cũng vậy ! Nhận sự hy sinh lớn lao như vậy tao cảm thấy mình mắc nợ má, nói riêng và phụ nữ, nói chung.
Dự cũng hùn vô:
-Má tao cũng y chang. Ngẫm ra thế giới nầy nợ nữ giới hơn nam.
Tánh nãy giờ im ru, bỗng nói:
-Tao khác với thằng Hy, tao thích có vợ thua tao một chút, miễn là đừng cách biệt quá. Tưởng tượng có bà vợ như thím của nó chắc tao chết sớm. Đi làm đã mệt vì phải cạnh tranh với đồng nghiệp rồi, về nhà còn ganh đua với vợ nữa thì sống làm sao cho nổi.
Thấy chẳng ai hưởng ứng, liền đưa ra một ví dụ :
- Tụi mầy cứ so sánh hai con ngựa thì biết. Một con thì ngày nào cũng gồng mình trên đường đua, một con nhởn nhơ trên đồng cỏ, hỏi con nào sướng hơn ?
Hy đáp :
-Chắc chắn là con ngựa đua rồi ! Nó khỏi lo kiếm cỏ, mà khắp xứ bây giờ làm gì còn cỏ non cho nó kiếm. Mấy con ngựa đua được ăn lúa, yến mạch với mấy cái thứ cao lương mỹ vị khác. Được tắm rửa, kỳ cọ, đấm bóp mỗi ngày. Có nhân viên săn sóc từ sợi lông nheo cho tới cái móng chưn. Mấy ông bác sĩ chạy vắt giò lên cổ mỗi khi nó nhỏng nhẽo không thèm đụng tới thức ăn. Nói thiệt, tụi nó còn sướng hơn tụi mình.
Tâm phản đối :
-Tao thấy sướng nhứt là được thích gì làm nấy, thích đâu đi đó ! Chẳng bị nhốt vào chuồng cho dù là cái chuồng bằng vàng đi nữa !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 1 2018, 23:32
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Cám ơn Trần trang chủ.
Chúc huynh: Tân xuân vạn phúc. Càng lúc càng tươi. Tiền tiêu không hết. Đời ngày thêm vui.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 7
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 1 2018, 21:18
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Thế là cái chủ đề sướng, khổ; Vợ đẹp, vợ xấu; Vợ giỏi, vợ dở; Vợ giàu, vợ nghèo… được họ đem ra mổ xẻ tơi bời.
Bốn tên luân phiên tranh luận ồn ào, chỉ mình Tánh là chăm chú lắng nghe. Cuối cùng để chấm dứt cuộc đấu võ mồm đang ngày càng ác liệt, chàng nói :
-Muốn biết tương lai tụi bây gặp vợ gì thì xòe tay ra, để tao bói cho mỗi thằng một quẻ !
Tánh vốn ít khi phát biểu nên lời nói có trọng lượng nhứt trong nhóm. Cả bọn tuy bán tín, bán nghi nhưng cùng nhao nhao. Hy nhìn Tánh đăm đăm, buông một câu cà rỡn:
-Tụi mình có đúng năm thằng nhưng thiếu một con voi thì làm sao mà bói.
Dự và Công cùng háo hức, cả hai hỏi cùng một câu:
-Bộ mầy biết bói thiệt sao?
Tánh gật đầu đáp lại bằng giọng đỉnh đạc:
-Cho tụi bây biết ông cố tao từng làm quan cho triều đình Nguyễn lên đến chức Thượng thư bộ lại chớ đâu có nhỏ! Ông nội tao khi còn sống có nghiên cứu lãnh vực nầy. Ông để lại mấy pho sách dạy coi tay hết sức hay. Tao vốn ham thích nên mò mẫm từ lúc mới biết đọc cho tới bây giờ.
Chàng nói một cách trịnh trong khiến cả bọn tin sái cổ. Tâm nhìn chầm chầm vào mắt Tánh để coi thằng em mình đòi làm thầy bói chơi hay thiệt.
Tánh đã sửa bộ, ngồi thẳng lưng lên, nét mặt hết sức nghiêm trang, trông dáng vẻ rất uy nghi. Tâm phục lăn, nói thầm trong bụng :
-Ông nội có để cuốn sách bói nào lại đâu trời ! Cái thằng nầy nói dóc không chớp mắt, nói dóc hết sức "đẳng cấp", đáng được “bái sư phụ” !
Tuy không tin, nhưng chàng lại là người xòe tay ra trước nhứt. Ba tên còn lại cũng làm theo răm rắp. Hy tuy ra vẻ nhạo báng thế nhưng sau mấy giây do dự cũng chìa tay ra, nét mặt coi mòi căng thẳng nhứt trong nhóm.
Tánh nhìn một loạt bốn bàn tay trước mặt mình. Rồi cầm một bàn tay có hình thể rất đẹp, ngón rất dài và ở đầu mỗi ngón đều có trôn ốc, đó là bàn tay của Công, ngó chăm chú rồi không nói gì hết mà để xuống. Kế đến nhìn chầm chập rất lâu vào tay Hy, không thèm cầm lên chỉ nhìn rồi phán :
-Mầy lấy vợ sớm, chưa được ba mươi là bị một nàng quàng thòng lọng vô cổ kéo tới phòng đăng ký kết hôn, bị sập bẩy chớ không phải tình nguyện đâu nghen, bởi vậy nên cứ ấm ức trong bụng. Mầy trả thù bằng cách ngoại tình liên tục cho nên gia đạo lục đục chẳng yên, vợ mầy đâu có vừa cũng trả đũa lại. Cưới nhau mới ba tháng thôi mà vợ chồng mầy đã ông ăn chả bà ăn nem rồi. Mầy có hai đời vợ. Vợ đầu giàu, không đẹp, vợ sau nghèo, rất trẻ nhưng không đẹp lắm. Mầy chỉ có ba đứa con gái với vợ sau thôi ! Đứa con bất đắc dỉ với vợ đầu, chỉ tượng hình được mấy tháng là chết. Mầy vốn không tin cái bào thai đó là tác phẩm của mình, cho nên khi vợ bị sẩy thai mày chẳng hề tiếc xót còn tỏ ra nhẹ nhõm. Cuộc hôn nhân lần thứ nhứt của mầy không có đến một ngày hạnh phúc.
Hy bắt bẻ :
-Nếu hạnh phúc thì đâu có lần thứ nhì !
Tánh phán thêm, giọng nói trầm hẳn lại :
-Mầy sẽ là một bác sỹ giỏi, nhưng vì giết vi trùng nhiều quá nên tụi nó xúm nhau báo oán. Năm bốn mươi mốt tuổi, mầy sẽ gặp đại nạn hoặc bị một căn bịnh rất nặng, nếu qua khỏi có thể sống thêm từ hai đến ba chục năm nữa. Tánh mầy rất gia trưởng, thích áp đặt người khác, thay tình nhân như thay áo. Người vợ thứ nhì của mầy bị ức chế triền miên nên sống không thọ, bỏ mầy mà chầu diêm vương trước. Tuổi già của mầy rất cô độc, nếu rủi sống tới già.
Tánh nói hết sức cụ thể, bằng cái giọng chắc lọi như đinh đóng cột khiến cả bọn bắt đầu tin sái cổ. Hy vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi, mặt mày vẫn tỉnh rụi, chẳng biết vì không tin, hoặc muốn tỏ ra ta đây đầy bản lĩnh, bình tỉnh chấp nhận mọi cam go của cuộc sống.
Dự nhích tới gần hơn một chút, chờ Hy rút tay ra là nâng bàn tay lên cao cho Tánh chú ý rồi hỏi:
-Tao thì sao hả mậy ?
Tánh đưa ngón trỏ rà trên mấy đường chỉ tay của Dự đã đời rồi mới nói :
-Số mầy tình duyên lận đận, một lần sắp đến ngày cưới thì bị hồi hôn. Mầy có vợ rất trễ, trên bốn mươi. Vợ mầy nghèo nhưng đẹp, nhỏ tuổi hơn mầy nhiều. Mầy đặng hào của nhưng mất hào con, đường con cái “hẻo “ lắm. Nếu tích cực làm việc thiện thì may ra có được một, hai đứa…
Dự ỉu xìu, Công an ủi :
-Tao nghĩ cái chuyện có con hay không, chẳng ảnh hưởng tới hạnh phúc của mình. Có khi nhờ vậy mà mầy ít bị ràng buộc hơn. Tha hồ sống theo ý, ăn chơi đã đời, báo hiếu cho cha mẹ, lo cho anh Do chu đáo, giúp đỡ bà con họ hàng tới nơi, tới chốn.
Tánh nói tiếp :
-Mầy bị bộ râu phá tướng. Suốt đời nằm dưới quyền xài xể của vợ, bị cưỡi cổ không ngóc đầu lên nổi. Mầy làm ra tiền nhưng bị vợ tóm hết, thuộc loại nô lệ tình nguyện, cũng giống ông chú của thằng Hy.
Tâm vỗ vai Dự, nói:
-Vậy là cái số của mầy bị vợ đè. Chết khổ rồi con ơi !
Công lại bênh :
-Chết cái gì ? Khổ cái gì ? Vợ nó có thương mình thì mới quan tâm, cằn nhằn. Tình thương vượt giới hạn thường biến tướng thành hành hạ. Còn đỡ hơn bị nó làm lơ, mầy muốn sa đà tới đâu cũng mặc kệ.
Dự trề môi:
-Chưa chắc ! Có người cằn nhằn chồng vì xót ruột, lo lắng cho chồng, chăm chút như mẹ lo cho con. Muốn chồng nên người nên “thương cho roi cho vọt “. Có người làm khổ chồng vì cái tánh ích kỹ, tham lam, thích thâu tóm quyền lực.
Tâm nói :
-Tao ngán nhứt là mấy bà coi hiền rụi mà cắm hai cái sừng trên đầu mình hồi nào hổng hay !
Tánh nói tiếp :
-Mầy thọ trên tám mươi, chết bất đắc kỳ tử, rất tốt !
Tâm cãi :
-Bất đắc kỳ từ thì làm sao mà tốt. Bộ mầy không biết là cái câu "bất đắc kỳ tử " nầy, thời trước là dùng để trù ẻo, chửi rủa, thóa mạ nhau hay sao! Mầy có nói lộn không đó ?
Tánh lắc đầu:
-Thời buổi nầy ai cũng sợ nhứt là cái cảnh về già nằm ì một chỗ. Báo đời con cháu. Rủi kéo dài quá lâu thì lòng thương yêu sẽ trở thành oán thán. Cho nên cái câu đó từ lời nguyền rủa thậm tệ, đã trở thành lời chúc đẹp nhứt. Thử hỏi còn gì sung sướng hơn, khi đang sống phơi phới, đang ngủ say sưa, đùng một cái, tỉnh dậy bỗng thấy mình đang ở trên trời.
Hy trề môi:
-Hoặc ở địa ngục.
Tánh gật đầu:
-Nếu như vậy thì càng may mắn hơn, khỏi phải van xin, lạy lục hoặc bị kéo xềnh xêch.
Tâm gật gù :
-Chí lý !
Công đưa bàn tay sát vô mắt Tánh mà hỏi :
-Còn tao thì sao ? Hồi nãy mầy ngó cho đã cái làm thinh luôn. Bộ xấu tệ nên không muốn nói, sợ tao lo rầu hả ?
Tánh đáp :
-Tao ngại nói ra rồi bị tụi nó xuyên tạc là vừa được mầy thí cho một hộp cơm là nịnh liền .
Công lắc đầu :
-Ai nói gì thì nói. Cây ngay không sợ chết đứng. Không cần tụi nó tin, tao tin là đủ rồi.
Tánh gật gù :
-Vậy thì được !
Rồi tằng hắng mội cái cho tăng khí thế :
-Mầy có thuộc tính của đất, hể gieo giống là trổ cây liền, nên vợ mầy sanh một lèo hai trai, hai gái. Từ đó mầy luôn thấp thỏm, vừa làm vừa rung, suốt đời lo chăm chỉ tiết dục.
Cả bọn xúm nhau vỗ lưng, vỗ vai, vò đầu Công mà cười khanh khách.
Tánh lập nghiêm, nói tiếp :
-Mạng đạo trơn tru, ít bệnh tật, sống thọ. Số mầy không giàu, đủ ăn, đủ xài, nhưng hạnh phúc. Vợ mầy con nhà giàu, rất đẹp, rất thông minh, rất hiếu thảo. Mầy có ái lực với phái nữ. Hai người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời của mầy, đều thương yêu mầy hết lòng, hết dạ. Cái mạng mầy có người khuất mặt phù hộ với quới nhơn giúp đỡ.
Hy cười :
-Dòm mặt là biết nó có “cô hồn” theo yểm trợ.
Công chau mày :
-Đừng có nói hổn kẻo bị tổ tiên tao quở phạt đó mầy !
Tâm hỏi:
-Còn tao thì sao ?
Tánh lắc đầu :
-Tay anh đặc biệt lắm ! Thiên cơ bất khả lậu.
Tâm năn nỉ :
-“Lậu” đại đi ! Nếu mạng yểu thì tao phải gấp gấp hưởng cho đủ món không thôi chết đói, chết khát tức tửi lắm !
Tánh lắc đầu đáp :
-Ngu sao mà bói cho anh ? Trúng không ai khen còn sai thì bị chê thậm tệ.
Nói xong liền đi phăng phăng lên gác. Cả bọn lục đục theo sau, cùng kéo nhau ra ban công ngồi hóng gió.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 1 2018, 04:18
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Ốm tưởng tượng tỷ mà coi bói cho người ta thì chắc người ta tin sái cổ luôn!
:rollin: :rollin:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 1 2018, 05:50
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Năm lớp 11 tỷ được bao ăn chè dài dài nhờ tài coi bói đó Ốm!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 8
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 1 2018, 14:25
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Những ngọn gió đang từ giả các con sóng, cùng lần lượt theo nhau lên bờ dạo phố. Chúng bò qua mái thấp của những căn nhà ven kinh rồi tràn vào lòng hẻm.
Gió ở nơi đây điệu đà như phụ nữ, mang trên mình đủ các chất tạo hương : Nước hoa, son, phấn, dầu gội…Chúng tinh nghịch như các cô gái nhỏ, phất phơ trước mũi các chàng trai rồi trốn mất. Khiến họ phải quay đầu, quay cổ, liếc qua, liếc lại khắp phía để tìm.
Con hẻm lúc nãy vắng ngắt giờ đang bắt đầu nhộn nhịp.
Từ trong căn nhà có trưng tấm bảng “ tiệm uốn tóc Ngọc nga “, lác đác vài cô gái bước ra. Họ đội trên đầu cả bộ, gốc lẫn rễ của cái đẹp, với đủ loại hình thù và màu sắc khác nhau. Những mái tóc được duỗi thẳng băng hoặc uốn cong, được cắt sát như con trai hay xù như bờm ngựa ấy đều chối bỏ cái màu đen huyền tự nhiên của dân châu Á. Có lẽ họ đều thích cầu vồng nên biến chúng thành những màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm , tím…
Để đập cái bộp vào mắt thiên hạ chơi. Một cô gái mặt mũi còn non choẹt đã đem toàn bộ mái tóc của mình nhuộm thành màu bạc thếch, trông y như lão bà bà của mấy bộ phim kiếm hiệp.
Họ làm cho năm chàng trai tỉnh lẻ hoang mang, không hiểu tiêu chuẩn của cái đẹp hiện giờ đang nằm ở cái khung “khủng” hay là “khùng”.
Cuộc đột phá về màu móng cũng đã xảy ra song song với màu tóc nên các màu sắc kinh điển như, hồng, san hô, đỏ… bị những màu đen, tím, xanh lá cây, vàng… bức tử. Chưa chịu dừng lại ở cái chiến tích oanh liệt đó, chúng còn được tô vẽ đủ thứ: Cỏ cây, hoa lá; Côn trùng, cầm thú; Gươm giáo, sọ người …
Năm, sáu, bảy, tám… cô gái từ các căn nhà gần đó cũng bắt đầu túa ra. Tất cả đều trang điểm rất kỹ, đi đến đâu là để lại làn hương đặc trưng của mình đến đó. Họ ăn vận đủ kiểu : Áo đầm, áo thun, váy xòe, váy bó, quần sọt, quần jean rách te tua...
Quần sọt đang là mốt. Bắt chước cái nước xuyên tâm đối với nước mình, những đôi chân thon dài được vô cùng ưa chuộng. Bởi thế, những cô gái nào mà đôi chân càng đẹp, thì mang những chiếc quần càng ngắn.
Bị vóc dáng của các cô người mẫu tây phương ám ảnh, cho nên dù cao nhồng hay thấp chủm, họ đều bước đi trên những đôi giày cao ít nhất là một tấc.
Họ giống nhau ở những cặp chân mày cùng được xăm đen thui, cong và dài đậm đuột. Chiếc mũi nào cũng dọc dừa nhờ được tô một đường phấn trắng trên sống.
Những cặp lông nheo giả cong vút, những giọt lệ nhân tạo giúp đôi mắt họ thêm đep, thêm long lanh, ướt át. Những vết than chì tô đen bờ mi, khiến chúng sâu thăm thẳm như lòng giếng, sẵn sàng nuốt chửng và nhận chìm sát đáy các linh hồn tội lỗi lỡ trợt chân rơi tỏm.
Đôi môi họ được thoa một màu son đỏ thắm, bóng mượt trông vô cùng gợi cảm. Họ khai thác chúng một cách triệt để, khép, mở, đẩy đưa như hai cánh cổng thiên đường mời gọi. Nó cũng chính là chiếc bẩy tinh vi của địa ngục, rủi sụp chân vào là mất mạng như chơi.
Đôi tai họ cũng được chăm chút không kém. Chúng bị xuyên thủng không phải một mà những đến hai, ba, bốn lỗ dọc theo vành tai, rồi đeo những chiếc bông nhỏ xíu nằm sát rạt như những con ốc nhỏ li ti bám cọc.
Đối lập với những kiều nữ đương “ thời hoàng kim “ấy, là “những cái chết đã được báo trước” :
-Đó là các cô gái vừa qua tuổi dậy thì, đã nhảy vọt vào ngưởng cửa đàn bà. Cái thân thể còn chưa phát triển đầy đủ mang gương mặt như trái ổi non đầy vết móng tay ấy, dự báo một mùa thất thu toàn tập với những hoa đau, trái héo, bởi chẳng thể khơi gợi lên lòng ham muốn mà chỉ khiến cho những người khách tìm hoa thương hại, e dè. Họ không dám chạm vào vì sợ luật pháp và vì lương tâm cắn rức.
Mấy con thiêu thân đó đã khiến năm chàng sinh viên không khỏi động lòng trắc ẩn, xót xa tự hỏi do đâu, vì ai, nguyên nhân nào đã xui khiến những đóa hoa mong manh ấy sớm bị gió mưa vùi dập? Bởi lẽ gì mà họ phải lìa bỏ gia đình, trường lớp, dấn thân trên con đường trầm luân, khổ nhục nầy gấp gáp đến vậy ?
Nhưng bi đát nhất chính là những nàng kiều đã rời bỏ đỉnh cao, bắt đầu lăn xuống lưng chừng dốc.
Cho dù lợi dụng các phương thức làm đẹp tối đa, để trùng tu, tôn tạo...cái tác phẩm nghệ thuật đã bị thời gian tàn phá. Họ vẫn không thể che lấp dấu vết suy tàn trên thân thể của mình.
Cho dù có bôi lớp lớp phấn trắng, phấn hồng lên đều khắp gương mặt. Cho dù có tô son môi dày cộm, đỏ rực, bóng nhẩy như các cô gái trẻ đi nữa, thì cái mà họ có vẫn chỉ là nét đẹp giả tạo, vô cảm mà thôi !
Họ rất ít cười và nếu có thì những nụ cười sống sượng, gượng gạo đó cũng hết sức đối cảm với niềm vui. Ngôn từ mà họ hay dùng thì mặn và cay như muối ớt. Như thể họ quyết hủy hoại người khác và cả bản thân bằng những lời lẽ thô tục, đắng cay, tàn nhẫn nhất.
Họ hầu như đã mất trắng lòng tự tin, tự trọng. Khoảng trống bị bỏ lại trong tâm hồn được lấp đầy bởi nỗi chán chường, cay đắng. Điều nầy được thể hiện qua hình ảnh của điếu thuốc lá bám lỏng lẻo, giữa hai ngón tay buông thõng như không còn sức sống của họ.
Điếu thuốc có đầu lọc ấy được họ lát lát đưa lên miệng, hóp cả mũi lẫn má hít thật sâu, rồi thở ra một cách từ từ. Đôi khi họ ém hơi giữ khói lại trong miệng, dắt chúng đi quanh vòm họng rồi mới chu mỏ, phun ra một dãy chữ o nối đuôi nhau trông vô cùng điệu nghệ. Họ rít liên tục cho đến khi đốm lửa đỏ rực sắp chạm vào môi mới chịu vất nó xuống đất. Rồi không thèm lấy gót giày dập tắt mà mở liền cái xắc kẹp bên hông, lấy thỏi son ra tô lại đôi môi. Chỉ giây lát sau họ lại moi gói thuốc lá ra, rút một điếu rồi bật quẹt đốt tiếp, hút tiếp.
Đặc biệt nhất là những người tuổi chưa về chiều đã tối, sớm phải giải nghệ, sống dựa vào sự đùm bọc của những đồng nghiệp vong niên.
Một số mang gương mặt thản nhiên như tu sĩ đã đắc đạo, lòng rổng rang không còn gì để mất nên sống rất nhẹ nhàng, không cưỡng cầu, không ham muốn. Những người nầy được lớp hậu sinh, thương yêu, gần gũi, tâm sự. Họ đáp lại bằng cách truyền lại các kinh nghiệm xương máu của mình, hầu giúp các cô gái sớm thoát khỏi nghiệp chướng, ổn định cuộc đời.
Số khác vẫn còn bị lục dục truy sát đến cùng, biến họ thành một loại trái cực đắng, cực độc. Bởi căm hờn mọi người kể cả bản thân nên họ đã trở nên độc ác. Họ không từ một thủ đoạn nào để kiếm tiền hoặc trả thù. Họ khiêu chiến với thượng đế bằng cách hủy hoại các tác phẩm của ngài càng nhiều, càng tốt. Cuối cùng họ đành chấp nhận thua cuộc, kết thúc cuộc đời trong cô đơn, nghèo túng và bịnh tật. Chỉ đến lúc đó linh hồn của họ mới được rửa sạch, bằng những giọt nước mắt cảm thương của nhân loại.
Những người đàn ông thường xuất hiện ở xóm nầy vào buổi chiều, họ chia làm hai nhóm: Một bị hút máu và một kia chuyên hút máu những cô gái tội nghiệp.
Nhóm thứ nhất là những người mua hoa. Họ đi lẻ tẻ với tư thế đề phòng. Người thì ăn mặc hết sức bảnh bao, kênh kiệu ra vẻ là dân sành điệu, lắm bạc, thừa tiền nên không thèm mặc cả. Người thì chẳng thèm giấu giếm cái gốc gác bình dân vốn ăn chắc mặc bền của mình, săm soi món hàng một cách cẩn thận rồi trả giá thẳng thừng, riết róng.
Nhóm thứ hai gồm ba, bốn tên giang hồ tứ chiếng, mặt mũi bậm trợn. Tên nào cũng trang sức bằng một số hình xâm và đeo sợi dây chuyền vàng rất to trên cổ. Họ đều cởi xe gắn máy phân khối lớn, liên tục chạy ra chạy vào để đón từng cô một đem đi, lát sau lại quay về chở cô khác. Họ luôn luôn mở đầu các câu chuyện, câu nói bằng những tiếng chửi thề, cho dù không cần thiết. Thói quen đó đôi khi làm hỏng cái chủ đề có nội dung rất trữ tình mà họ dùng để làm các cô gái xiêu lòng.
Năm chàng sinh viên ngồi miết ngoài ban công và cùng đăm đăm nhìn xuống. Những cánh bướm đêm với hương sắc nồng nàn, rực rở ấy khiến họ vừa xao xuyến, vừa xót xa.
Một cô gái mang chiếc áo cánh tiên rộng thùng thình bằng mút sơ lin màu đen, mỏng dính đang đi tới. Chiếc áo trong suốt ấy phô bày lồ lộ, màu sắc, hoa văn trang trí trên nội y mà cô ta đang mặc. Có lẽ cái tin năm chàng sinh viên mới toanh vừa dọn vào căn nhà nầy đã được phát tán khắp xóm khiến cô ta tò mò nên nheo mắt liếc vào. Nhờ vào cung cách ấy mà họ nhận ra đó chính là cái cô nàng quần áo bèo nhèo, ngồi ăn bún rêu ban sáng ở đầu hẻm: Cái cô gái đã đá lông nheo với họ, cho dù bây giờ cô ta đã mang cánh thành tiên, đã hóa trang đẹp đến không ngờ.
Công chắt lưỡi:
-Cô nào cũng gầy nhom, bụng xẹp lép, mặc đồ hà tiện vải quá chừng ! Họ ăn đâu được bao nhiêu, mặc cũng ít tốn. Họ làm một đêm bằng lương công nhân một tháng. Chắc ai cũng giàu hết.
Hy bác lại:
-Mầy coi khắp xóm có cái nhà nào được xây kiên cố, lên ba, bốn tầng lầu không ? Toàn nhà cấp bốn không hà, mà chưa chắc họ là chủ nữa.
Tâm tiếc hùi hụi :
-Cô nào cũng đẹp hết, dư sức lấy chồng mà làm cái nghề nầy làm chi cho khổ vậy trời !
Hy cự :
-Sướng gần chết chớ khổ cái gì ? Tứ khoái gom đủ chẳng rớt món nào. Tao mà làm con gái là…
Dự hỏi:
-Tao nghe thằng Tánh bói mai mốt mầy có tới ba đứa con gái. Để coi tới chừng đó mầy có dám lập lại câu nói nầy hay không ?
Hy cứng họng làm thinh.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu