Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 08:26
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271108 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: XÓM "..."9
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 1 2018, 18:06
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đột nhiên, từ căn nhà đối diện bỗng xuất hiện một giai nhân tuyệt sắc. Cô gái nầy chắc hẳn là hoa khôi của xóm.
Cô ta mặc chiếc áo màu đỏ tươi với hai cái quai dài thòng treo trên vai. Chiếc áo thun ngắn ngủn dài độ chừng hơn gang tay dính sát vào người cô ta y như một lớp da. Nó phô hết những đường cong, nét lượn của một cơ thể rất đẹp, rất trẻ trung, vô cùng mềm mại ấy.
Cái quần sọt màu đen, lưng xệ thấp tới nổi, bày trơ trơ cái chấm phạt đền. Chao ôi! Sao mà có cái rún xinh đến thể! Cái quần sọt ấy ngắn đến độ nếu cắt bỏ bớt chừng một xen ti mét thôi, sẽ phải đổi cái tên “sọt” thành “xì” mất, cặp đùi được phô ra gần hết, suôn đuột như thân cây chuối hột tráng mịn, gợi cảm cho đến múc khiến mấy ngón tay của các chàng trai nhồn nhột như có kiến bò trên đấy! Họ chợt hiểu ra tại làm sao mà ông bà ta ghép chữ 'trắng" với chữ "bóc"!
Cô ta ngồi bệt xuống nền nhà, một chân duỗi thẳng, một chân co sát vào người để tròng đôi giày cao nghệu, gót nhọn hoắc mà quai trước lẫn quai sau là cả một hệ thống dây chằng chịt y như chiếc cầu treo. Cô ta hết sức chăm chú, đeo từng chiếc một cách cẩn thận vào từng bàn chân một.
Con hẻm chật đến độ hai người đứng ở ban công của hai căn nhà đối diện có thể nhô người ra để cầm lấy tay nhau, nên cô ta hầu như ở ngay dưới mắt họ.
Từ trên nhìn xuống, làn da trắng ngần, mịn màng, trơn láng trên vai, trên cổ của cô gái trông quá đỗi hút hồn. Cả bọn chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một người đẹp đến vậy, ở một khoản cách gần gũi đến vậy ! Gần đến độ mà họ e sợ cô ta có thể cảm nhận cái làn hơi nóng hổi, thoát ra từ hai lá phổi đang co bóp tối đa của họ, nên ngưng thở liền mấy nhịp.
Mười tia mắt say chếch choáng đó, té nhào trên người cô gái rồi trượt dần xuống. Nó bị chặn lại ở cái hẻm núi nằm giữa hai quả đồi trọc trắng tinh, tròn lẳng bằng chang nhau. Cái hẻm ấy như có nam châm, phát ra một lực hút vô cùng mãnh liệt, khiến các tia nhìn cho dù lạnh lẽo như kim loại cũng bị chôn vùi nơi đó.
Dự bất giác buông một tiếng huýt sáo lảnh lót. Cô gái ngước mắt lên nhìn, bắt gặp những tia mắt đắm đuối có phần sổ sàng ấy, chẳng những không hề mắc cỡ tí nào còn đưa tay lên vẫy.
Cả bọn hoảng hốt, liền hụp đầu xuống để nhờ mấy thanh lan can che chở. Phản ứng ấy khơi dậy cái tính tinh nghịch của cô gái.
Cong hai bàn tay lại làm loa, cô ta hỏi to :
-Có anh nào chịu mở hàng cho em lấy hên không ?
Năm tên con trai im thinh thít.
Cô ta cười khanh khách rồi nói:
-Đàn ông, con trai gì mà…
Câu nói đó làm Công nóng mặt, liền ló đầu lên đáp :
-Tụi tui không đủ tài, đủ sức để…
Cô ta ngước ngược cái đầu, ngữa mặt lên nhìn đăm đăm Công, rồi không chờ nghe hết câu đã ngắt ngang, còn nói to hơn lần trước:
-Em cho trả góp đó, chịu chưa?
Công lại lật đật hụp đầu xuống, lần nầy cúi thật sâu cốt giấu đi gương mặt đang phừng phừng, đỏ lựng của mình.


CHƯƠNG HAI

Công cao nhồng, hơi gầy, mặt mũi sáng trưng, làn da láng mịn như bánh ướt khiến các cô bạn cùng lớp đều đem lòng ganh tỵ.
Chàng vốn giống mẹ nhiều hơn cha, thừa hưởng ở bà chiếc mũi thanh thanh. Cái miệng với đôi môi đầy, cong cong ấy, nếu được nằm trên gương mặt của một cô gái sẽ khiến cho bao chàng trai chết đuối. Ông bà ta có câu : "Mỏng môi hay hót, dày môi hay hờn", nên ở Công nó tố cáo cái tính dễ bị tổn thương, hay tủi thân, chẳng phù hợp với con trai, khiến chàng bị trêu ghẹo suốt. Đặc biệt nhất là đôi mắt rất đẹp, rất thơ, do tròng đen hơi chếch lên phía trên nên lúc nào cũng trông như đang mơ màng, buồn ngủ.
Các nét ấy hợp lại tạo cho gương mặt chàng một vẻ đa cảm, khiến ai thoạt nhìn cũng đoán ngay ra, chàng là người rất dễ xúc động, bị tình cảm chi phối nhiều hơn lý trí.
Ông trời chẳng những ban cho Công một giọng nói rất truyền cảm, còn cho thêm vào máu chất trào lộng. Những cuộc họp bạn có chàng tham dự chẳng bao giờ thiếu tiếng cười. Công nói chuyện rất có duyên nên được bạn bè ưa thích. Chàng hầu như đảm nhiệm vai trò hoạt náo viên trong các dịp tiệc tùng, nhờ cái tài thổi bùng sức sống cho các không gian chết.
Chàng là người hướng nội thế nhưng lại tỏ ra hướng ngoại. Cái tật, cái tính nhún nhường và hay chìu lòng mọi người khiến Công được xem như tài sản công cộng. Điều nầy thường mang đến cho Công niềm tự hào, thích thú, nhưng đôi khi cũng gây ra lắm nỗi phiền hà và làm lòng chàng chua xót !
Nụ cười mỉm chi thường trực tạo cho gương mặt chàng cái nét vui tươi nhẹ nhỏm. Nhờ tính cách ấy nên tuy mồ côi cha, nhà nghèo, nhưng trông chàng vẫn yêu đời phơi phới.
Ba Công làm thầy giáo, ông chết vì bệnh lúc vừa hai mươi bảy tuổi. Chàng mồ côi cha khi chưa đầy tháng. Má Công ở vậy nuôi con bằng nghề thợ may. Điều nầy giải thích tại sao mấy bộ đồ khi còn nhỏ của chàng, cùng các cái quần xà lỏn đang xài hiện giờ, giống như những bức tranh lập thể. Chúng đều được nối bằng mấy miếng vải có kích thước, màu sắc khác nhau một cách rất mỹ thuật. Điều nầy chứng tỏ trình độ thẩm mỹ của má chàng vượt xa mức trung bình.
Việc thi đậu của Công vừa là niềm vui vừa gánh nặng cho má mình. Cái nghề thợ may của bà đang bị cạnh tranh hết sức khốc liệt. Những người thợ lớn tuổi, chuyên may y phục truyền thống đã không còn nhiều khách hàng, bởi áo dài, nhứt là áo bà ba, cho dù ở nông thôn đã không còn được các cô gái ưa chuộng nữa.
Số nữ trang mà bà cất giữ, định truyền lại cho con dâu phải đem bán bớt để trang trải cho chuyến đi thi của Công, giờ lại đem bán nốt để trả tiền học phí và ăn ở cho chàng.
Mấy nếp nhăn trên trán cùng những sợi tóc bạc trên đầu của má khiến Công ray rức. Cho nên vừa đặt chân đến đất Sài Gòn là chàng lật đật đi tìm chỗ dạy kèm để có thể tự lo tiền học, tiền ăn.
Sinh viên miền châu thổ sông Cữu Long, được cho là mang trong mình cái đặc tính bình dị của đất, của nước. Tính ganh đua ít hơn cư dân ở miền núi cao, thác sâu, rừng thẩm, nên được thương yêu nhiều hơn nể phục.
Công, một chưn ráo, một chưn còn ướt, ăn nói thật thà, tinh tình chơn chất, có sao nói vậy. Đâu thể cạnh tranh với các tên dẻo mỏ khác. Lại chưa quen biết nhiều nên dù có khả năng, có lương tâm nhưng chẳng được ai tin tưởng. Cho nên dù lết mòn dép cũng vẫn chưa hành được cái nghề phụ đạo.
Một người bạn cùng khoa tiến cử chàng cho một người bà con. Vừa trình diện là chàng bị bà má của cô học trò từ chối phắt vì lý do : “ Ông thầy đẹp trai quá, sợ con nhỏ mê rồi học hết nổi”. Điều nầy khiến cho cái điều mà chàng ngầm hãnh hiện bỗng trở nên dễ ghét, Công bỗng cầu xin mình xấu đi một chút.
Công muốn sớm làm ra tiền để báo hiếu cho má. Mấy lúc sau nầy chàng thấy má mình thỉnh thoảng dừng ngang công việc, vói tay ra phía sau đấm đấm vào lưng. Công lo má bị bệnh nghề nghiệp. Nghe nói mấy người thợ may vì ngồi suốt ngày, chết cứng một tư thế nên cột sống bị lệch, các đốt sống bị chèn gây ra chứng đau lưng. Chàng muốn bà được nghỉ ngơi, không phải cong lưng may vá nữa mà tha hồ đi đây đi đó, thăm thú những danh lam, thắng cảnh trong nước. Vì vậy nên nổ lực học tập hết mình, cốt ra trường nhanh nhanh rồi về quê dạy học, mở lớp dạy thêm để hoàn thành tâm nguyện của mình càng sớm, càng tốt.
Má Công là một phụ nữ Việt Nam truyền thống, tính hy sinh rất cao. Góa chồng khi còn rất trẻ lại có nhan sắc, thương con hơn cả bản thân nên kiên tâm từ chối cả chục người theo đuổi. Trong đó có một người đàn ông đeo đẳng từ lúc bà còn con gái, đến giờ vẫn chưa chịu lấy vợ. Công biết vậy nên cứ có dịp là xúi má bước thêm bước nữa. Bà đành hẹn khi nào chàng ra trường đi dạy hẳn hoi rồi mới tính.
Má Công không nuôi nhiều tham vọng, chỉ mong đứa con trai của mình trở thành người tốt. Mơ ước duy nhứt của bà là có một cô con dâu, ngoan, hiền, cần kiệm cùng sức khỏe dồi dào để sanh cho bà một bầy cháu gái, trai lủ khủ.
Tuy nghèo nhứt trong đám nhưng tính Công lại hào sảng hơn hết. Có được thứ gì đều đem mời ráo ! Mấy món khô, dưa mắm, cá chà bông của má gửi lên chàng mang ra chia cho cả bọn ăn cùng. Công thích đem lại niềm vui cho người khác, cho dù bị thiệt thòi một chút cũng không sao. Có lẽ điều nầy là do má Công luôn dạy chàng phải “ăn ở cho bà con thương “; “một câu nhịn là chín câu lành “; “có đức không sức mà ăn” và “người ta ăn còn, mình ăn hết “…v…v…
Chỗ ở mới nầy vừa ổn định là chàng cũng lập tức, treo tấm bảng được đem theo từ căn nhà trọ cũ lên cánh cổng trước nhà, trên đó viết “ Nhận dạy kèm tiếng Anh từ lớp 12 trở xuống”.
Chiều hôm ấy, mấy cô gái trong xóm đi qua, dừng lại đọc rồi cười khúc khích .
Một cô nói to :
-Có người đem lược bán cho chùa nè tụi bây ơi !
Cả bọn lại ráp nhau cười rần.
Công nghe vậy thì nản và rầu thúi ruột. Thế nhưng sáng hôm sau, cô gái áo đỏ xinh đẹp nhà đối diện đã đứng trước cổng gọi rất to :
-Thầy giáo ơi, thầy giáo !
Công “dạ” lớn rồi lật đật chạy ra mở cửa.
Hôm nay cô ta mặc một bộ đồ thể thao, quần dài, áo thun cũng màu đỏ nhưng kín đáo, nên trông rất nề nếp, lịch sự, khác xa lần trước.
Vừa thấy cổ, Công liền hỏi :
-Cô định học hả ?
Cổ lắc đầu, móc trong ngực áo ra một tờ giấy gấp nhỏ xíu rồi nói :
-Thầy làm ơn đọc giùm em coi lá thơ nầy viết cái gì ở trỏng.
Tờ giấy đã được hơi người ủ ấm ấy đang làm mặt Công ửng đỏ. Chàng cố kềm hai bàn tay bớt rung rồi mở ra xem. Nó được viết bằng tiếng Anh, hèn chi !
Công hắng giọng rồi đọc :
-My dear…
Cô gái lắc đầu :
-Thầy khỏi đọc, em không có hiểu một chữ nào đâu, dịch giùm là được rồi.
Công lại tằng hắng thêm một lần nữa :
-Em yêu ! Đây là lá thư thứ năm anh gửi cho em. Em có nhận được chúng hay không mà chẳng hồi âm cho anh ? Số tiền anh gửi cho em –năm trăm đô- để đóng học phí em đã nhận được chưa ?
Em yêu !
Anh khao khát được gặp em, được hôn em, được ân…
Cô gái vội xua tay :
-Thôi thầy đọc tới đây được rồi.
Công gấp lá thư thành mười sáu mảnh như cũ rồi đưa cho cô gái . Cổ vừa nhận vừa hỏi:
-Thầy dạy tiếng Mỹ cho tụi học trò biết đọc, biết viết thơ được rồi thì “ăn” bao nhiêu một đứa?
Công ngần ngừ :
-Còn tùy theo việc học nhanh hay chậm. Hể ai học lâu thì tốn nhiều hơn người học mau. Dạy tính tháng chớ không có “mão” được !
Cô gái hỏi:
-Một tháng bao nhiêu ?
Công đã định trước trong bụng nên đáp gọn :
-Nếu mỗi tuần học ba ngày, mỗi ngày hai tiếng thì một trăm ngàn một tháng.
Cô gái hỏi tới :
- Học các ngày nào ?
Công trả lời :
-Ngày thứ ba, bảy, chủ nhựt.
Cô gái hỏi tiếp:
-Lúc mấy giờ ?
Công vừa đáp vừa hỏi :
-Từ bảy giờ sáng tới chín giờ được không ?
Cô gái lắc đầu :
-Giờ đó em chưa dậy nổi.
Công hỏi :
-Mấy giờ thì tiện ?
Cô gái suy nghĩ giây lâu rồi đáp :
-Mười giờ trở đi. Có được không thầy ?
Công gật đầu lia lịa :
-Được chớ, được chớ.
Rồi nắm liền cơ hội :
-Hôm nay là thứ bảy. Có thể bắt đầu được rồi đó !
Cô gái lắc đầu :
-Chưa chuẩn bị tập viết, chưa cúng kiến gì hết, học sao được ?
Công cười :
-Tập, viết mua là có liền. Đâu có cần cúng…
Cô gái gạt phắt :
-Không được, phải cúng cho tổ độ. Ngày mai học được hông thầy ?
Công mừng húm gật lia, gật lịa :
-Được, được mà…
Khoảng hai tiếng sau cô gái lại đến. Hình như vừa đi chợ về nên hai tay xách hai túi ni lông: Một túi đựng hoa và mấy thứ trái cây, túi kia cũng căng phồng nhưng vì đen thui nên không biết bên trong chứa thứ gì.
Cổ đưa cho Công cầm giùm cái túi đen, rút bó bông cúc tím ra trao :
-Thầy cắm vô ly giùm !
Rồi hỏi tiếp :
-Nhà thầy có cái nồi nào bự bự để luộc gà không ?
Công gật đầu, tháo cái nồi lớn nhứt có đường kính độ hai mươi lăm xen ti mét dùng để nấu cơm, đang treo trên vách, đưa cho cô gái mà hỏi :
-Cái nồi nầy được không ?
Cô gái gật đầu :
-Được.
Cổ lấy con gà đã được làm sẵn trong túi ra vừa đưa cho Công vừa hỏi :
-Thầy có biết rửa gà không ?
Công thường phụ má làm bếp, nên đáp :
-Cô để đó đi, tui làm hết cho.
Các chàng trai đã được Công thông báo nên đang thấp thỏm chờ đợi. Họ vừa nghe tiếng trò chuyện lao xao ở nhà dưới là vuốt lại mái tóc, chỉnh trang y phục để chào khách.
Tâm bước xuống thang trước rồi đến Dự và Tánh, chỉ mình Hy là còn nằm trùm mền. Họ chưa kịp cất tiếng thì cô gái đã chào trước:
-Em xin chào mấy thầy !
Cả bọn chưng hửng. Họ không ngờ cái cô gái ăn nói “bậm trợn” nầy, hôm kia đã làm cả bọn kinh hồn bạt vía giờ lại lễ phép đến vậy.
Tánh khoát tay :
-Gọi bằng anh được rồi ! Tụi tui mà thầy bà gì .
Cô gái lắc đầu :
-Em đâu dám hổn ! Mấy thầy là bạn của thầy em, thì cũng là thầy của em, cũng dạy được em vậy .
Công bỗng nổi máu tếu, bèn chỉ tay vào Tánh trước rồi nói :
-Để tui giới thiệu với cô. Đây là bốc sư Tánh, coi chỉ tay hay số dách; Đây là pháp sư Tâm, chuyên làm bùa phép; Đây là võ sư Dự, võ nghệ cao cường. Còn tui tên Công.
Cô gái không chờ hỏi, tự nói ra tên mình :
-Em tên Hà. Xin chào mấy thầy !
Tánh lại phản đối :
-Tụi tui đâu có dạy cô thứ gì, gọi thầy kỳ lắm !
Hà khăng khăng :
-Thế nào em cũng có dịp nhờ mấy thầy chỉ bảo, giúp đỡ mà.
Rồi nói thêm :
-Làm cái nghề nầy nguy hiểm lắm ! Em rất muốn học võ để đánh mấy thằng ma cô. Học coi bói để sau nầy giải nghệ có cái nghề kiếm sống. Học pháp thuật để bỏ bùa mấy ông tỷ phú…
Nghe Hà nói tới đó cả bọn đều cười như bị chọt lét.
Tâm kề tai Dự nói nhỏ xíu :
-Đã đẹp mà còn nói chuyện rất có duyên nữa, uổng quá !
Chẳng biết có thấu tai hay không mà gương mặt của Hà bỗng lộ vẻ buồn buồn.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 10
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 1 2018, 19:15
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Công liền để con gà vô thau, đỡ cái bọc trái cây trên tay Hà rồi pha trò:
-Cái nầy cúng ai đây ? Cúng thầy ? Cúng thấy? Cúng quần thay ?
Hà ngớ ra. Công vừa cười vừa giải thích :
-"Cúng thầy, cúng thấy, cúng quần thay", nói láy lại là thành : Cái thùng, cái thúng, cái quần thung đó, biết chưa ?
Hà cười thôi là cười. Tiếng cười giòn rụm như những tiếng bắp nổ trong chảo rang làm không khí tưng bừng như tết. Cười xong Hà nói:
- Lâu lắm rồi em mới có dịp vui như thế nầy. Cám ơn thầy.
Dự xăn tay áo lên rồi hỏi :
-Có việc gì khó nhứt mà hai người làm không nổi hông ? Cần tiêu diệt tên nào cứ đưa đây đi, tụi tui sẽ ra tay.
Tâm và Tánh nghe Dự nói vậy lật cung tay rồi khuỳnh chưn xuống tấn, thủ thế như sắp giao chiến đến nơi.
Hà vừa cắt được cái cơn cười thấy vậy lại bật lên khanh khách. Cô đưa cho Dự một bó hành, Tâm cái bắp cải, Tánh gói rau răm rồi nói:
-Nhờ ba thầy trị giùm em mấy tên nầy.
Dự bỗng kêu to:
-Hy, Hy, xuống đây đi, phụ tụi tao một tay, giờ nầy mà ngủ cái gì.
Từ mười lăm phút qua Hy cố vận nội công để kềm chế cái bàng quang đang căng phồng. Chàng trông cho Hà đi về để xuống nhà “giải quyết nỗi buồn…” của mình, thế nhưng…Tiếng kêu của Dự y như chiếc phao cứu sinh. Hy chỉ chờ có vậy là chạy ào xuống thang. Hà ngước mắt lên, chuẩn bị sẵn nụ cười để chào. Cô bị tẽn tò vì Hy không thèm nhìn mình mà chạy thục mạng vào toa lét và …xã ....
Công chờ Hy bước ra rồi chỉ vô Hà để giới thiệu :
-Đây là cô Hà, còn đây là Hy, thầy thuốc.
Hy đưa tay ra bắt, không hiểu do ban nãy quê vì bị Hy làm lơ hay vì bận sắp trái cây ra dĩa, hoặc lý do gì gì đó, mà Hà không thèm nhìn Hy, không cầm bàn tay chìa ra mà chỉ nói trống không:
-Xin chào !
Không khí lại bị đóng băng và Công tiếp tục nổ lực làm cho nó tan chảy :
-Hà có cái tên nào khó trị nhứt hông ? Cứ đưa cho cái thằng thầy thuốc nầy nè. Nó là cao thủ võ lâm đó !
Hà quay lại cười tươi rói, lấy gói củ hành tím đưa cho Hy rồi nói:
-Ông thầy thuốc lột, rửa rồi xắt thiệt là mỏng giùm nghe !
Hy cầm gói củ hành rồi nhìn Công đăm đăm .
Công cười, hỏi:
-Mầy biết lột hông ?
Hy lắc đầu.
Công liền hướng dẫn :
-Mầy lấy cây dao, cắt bỏ rễ, bỏ đuôi. Lột cái lớp vỏ khô bỏ rồi đem đi rửa. Xong rồi lấy tấm thớt, để nó lên rồi cắt thành từng lát mỏng.
Hy hỏi:
-Mỏng cỡ nào ?
Hà đáp:
-Càng mỏng càng tốt !
Hy mới lột được hai, ba củ là nước mắt chảy ròng ròng. Tâm ghẹo :
-Mới làm có chút xíu mà bù lu rồi ! Vậy mà đòi làm cao thủ võ lâm .
Hy cự :
-Cái đó là do thằng Công tự đặt à nghe ! Tao không có đòi, có xưng cái gì hết.
Nói vừa xong là hít mũi một cái rột khiến ai cũng phì cười.
Công lật đật chạy lên gác, lấy cặp kính đưa cho Hy rồi bảo :
-Mầy đeo vô đi, cho bớt cay mắt.
Cách nầy khá hiệu quả, Hy không còn vừa làm vừa thút tha, thút thít nữa.
Công hỏi Hà :
-Hà có mua muối không ?
Hà hỏi :
-Chi vậy ?
Công đáp:
-Xát vô mình gà, để một lát rồi rửa là sạch bong.
Hà lắc đầu :
-Em không có mua muối. Bộ nhà mấy thầy không có xài muối sao ?
Công gật:
-Có chớ ! Nhưng còn ít lắm nên để dành nêm cháo.
Chợt nhớ hôm qua hết gạo, cả nhà phải ăn mì gói bèn hỏi tiếp :
-Hà có mua gạo nấu cháo không ?
Hà gật đầu rồi đưa cái túi gạo nhỏ xíu lên khoe.
Tâm tiu nghỉu :
-Có bây nhiêu gạo thì ai ăn, ai nhịn ?
Hà ái ngại, nói như xin lỗi :
-Em tính mua nhiều mà xách không nổi nên mua đủ nấu cháo thôi !
Tâm thở dài :
-Bây nhiêu đây làm sao mà đủ ?
Công cười, giải thích :
-Cháo chớ bộ cơm sao ? Cái túi gạo nầy cũng cỡ một lon sữa bò có dư chớ không ít. Nấu hết chỗ nầy là xúm nhau ăn tràn bản họng còn chưa hết, ở đó mà sợ thiếu !
Rồi bảo Hà :
-Hà đổ nước thật ít để vo gạo thôi nghe! Cái nước gạo đó thoa lên mình gà cũng sạch không thua gì muối.
Hà khen :
-Sao thầy là đàn ông mà cái gì cũng biết hết vậy !
Dự đùa :
-Nó mà là đàn ông cái gì ? Nó là phụ nữ mà bị mụ bà nắn lộn đó thôi !
Hà góp thêm :
-Hèn gì ! Nếu thầy mà để tóc dài và cạo râu cho thiệt láng, trang điểm lên là ăn đứt con gái xóm nầy. Lúc đó chắc tụi em thất nghiệp hết ráo.
Dự cười ha hả, mở miệng sắp nói bỗng thấy Công trừng mắt nên im ru luôn.
Công đổi đề tài :
-Hà học tới lớp mấy rồi ?
Hà ấp úng :
-Em chưa được đi học !
Công kêu lên:
-Sao vậy ?
Hà đáp giọng buồn thiu :
-Đời em có nhiều uẩn khúc lắm thầy ơi ! Nói ra chắc mấy thầy không tin. Em bị bắt cóc từ nhỏ. Ba em ngày xưa bội tình với một cô gái. Cô ta tự tử chết. Má cô ta trả thù, bà ta tìm cách thâm nhập vào gia đình em dưới danh nghĩa ô sin. Bả lấy lòng mọi người trong nhà nên được tin tưởng. Một hôm bả đến trường mẫu giáo để rước em rồi dắt đi luôn. Để không ai biết bả dắt em tuốt lên tây nguyên ở với mấy người thượng. Em bị bỏ đói, còn không được ăn no nói gì đến chuyện đi học.
Nói đến đây Hà gục mặt lên gối, hai vai run lên. Không khí đang sôi động bỗng nặng nề như một tảng băng. Năm chàng thanh niên bất giác bước tới đứng bao quanh cô. Trước nỗi buồn quá lớn lao ấy, họ chẳng biết phải nói câu gì để an ủi.
Công hỏi :
-Làm sao mà Hà biết tường tận …
Hà vẫn không ngước mặt lên đáp :
-Trước khi chết bả bị lương tâm cắn rức nên có trối lại. Bà cho em địa chỉ rồi bảo em lên Sài gòn tìm ba má ruột. Sài Gòn đã đổi tên đường, đổi số nhà, em lại không biết chữ nên hỏi thăm không ai biết. Thế rồi bị vướng vào cái nghề nầy cho đến bây giờ.
Công ngậm ngùi :
-Hà còn nhớ số nhà, tên đường, tên ba má hông ?
Hà hỏi :
-Chi vậy thầy ?
Công đáp :
-Để tụi tui đi kiếm giúp, may ra.
Hà lắc đầu :
-Em quên hết rồi !
Công thở dài :
-Vậy là cho tới nay Hà vẫn hoàn toàn chưa biết chữ hay sao ?
Hà đáp :
-Em mà biết chữ rồi thì đâu có làm cái nghề nầy nữa .
Công hỏi :
-Hà có muốn học thêm tiếng Việt không hay chỉ học tiếng Anh thôi ?
Hà lắc đầu :
-Em không học tiếng Anh đâu, em chỉ muốn học tiếng Mỹ thôi ! Thằng bồ em ở Mỹ mà !
Công giải thích :
-Tiếng Anh là tiếng Mỹ đó. Hai cái nước ấy họ nói cùng một thứ tiếng.
Rồi hỏi thêm:
-Hà không biết chữ thì quen với cái ông bồ ở Mỹ bằng cách nào ? Làm sao cho ổng địa chỉ để thư từ qua lại ?
Hà đáp :
-Em làm tiếp viên trong một cái “ba”. Chỗ đó mấy người nước ngoài tới nhiều lắm. Thằng bồ bên Mỹ gặp em ở đó, nó gửi thư về đấy cho em. Em nhận thư rồi cất một chỗ chớ đâu có biết chữ mà xé ra đọc. Nghe mấy chị nói có mấy anh sinh viên vừa về xóm, mở lớp dạy ngoại ngữ nên em đem qua nhờ đọc giùm. Em ráng biết đọc, biết viết để biên thơ biểu nó bảo lãnh em qua đó !
Hà lại hỏi :
-Tiếng Mỹ có khó hông thầy.
Công lắc đầu :
-Không đâu, nếu Hà cố gắng, mỗi ngày mỗi học thì chừng năm, ba tháng là đọc, viết được liền.
Dự nói :
-Mầy có nổ không vậy ? Mầy còn tới lớp nữa thì lấy thì giờ ở đâu mà dạy Hà mỗi ngày ?
Công nói :
-Tụi mình thay phiên nhau. Hể đứa nào rảnh là phải dạy cho Hà. Phải ráng giúp cho Hà học cành nhanh càng tốt.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 11
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 1 2018, 18:59
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Dự bỗng đưa tay vỗ vào ngực mình một cái bốp, cố thu hút sự chú ý của Hà rồi dùng ngôn ngữ sặc mùi kiếm hiệp:
-Đoàn Dự nầy sẽ truyền hết võ công, để Hà cô nương giết sạch bọn ác ma và lục lâm thảo khấu, trừ họa cho giới giang hồ.
Tâm cũng rít lên một tiếng dài nghe rùng rợn, âm u như kêu ma gọi quỷ :
-Ta sẽ giúp cho cô nương thâu tóm linh hồn và túi tiền của các tên tỷ phú Bill Gates, Lary Page, Sergey Brine…
Hy sửa lưng :
-Làm gì có cơ hội đó ! Sao mầy hổng kể tên mấy thằng cha đang giàu nhứt Việt Nam.
Dự hùn vô:
-Mầy đúng là cái thằng mất gốc. Tôn thờ ngoại bang. Mầy có biết các tỷ phú nước mình không hề thua kém ai hông ?
Tâm gật đầu :
-Tao biết, nhưng ngu sao mà nói !
Bốn tên ngẫm nghĩ một lát, rồi cùng gật đầu :
-Ừ hén !
Tánh và Hy tuy không đưa ra tuyên ngôn như hai tên kia, nhưng vỗ tay chan chát, rất lớn, rất lâu để hưởng ứng.
Công chấm dứt cơn phấn khích ấy bằng một câu hỏi :
-Tụi bây có đói bụng chưa ?
Cả bọn cùng gật đầu, cùng đáp:
-Đói !
Công giục :
-Đói thì làm cho lẹ lẹ đặng kịp cúng rồi ăn chớ !
Hà chợt nhớ là mình có mua điểm tâm cho họ nên vội lấy trong chiếc túi màu đen ra một cái bịt đựng năm trái bắp. Cô đưa cho Dự, Tâm, Tánh, Hy mỗi người một trái, lột trái còn lại rồi mới đưa cho Công.
Dự phản đối :
-Hà không công bằng. Tại sao “cưng” thằng Công hơn bọn nầy ?
Hà đáp tỉnh queo :
-Tại thẩy là thầy ruột của em mà !
Công không cầm mà bảo Hà :
-Hà để vô dĩa đi, tui mắc tréo cánh gà chưa ăn được đâu.
Thấy Công bẻ ngược hai cái cánh gà, cho chúng ngoéo vào nhau rồi nhét cái đầu vô chính giữa. Cái đầu gà cứ ngã qua một phía, Công phải chỉnh tới, chỉnh lui hoài… Hà ngứa mắt bèn hỏi :
-Bộ để nguyên mà cúng không được sao thầy ?
Công đáp, giọng dứt khoát:
-Gà cúng phải tréo cánh, phải làm cho đẹp để thể hiện lòng trân trọng của mình.
Tréo cánh xong, Công lại dùng dao cắt cái gân ở đầu gối của con gà, bẻ ngược lên, cắm mấy cái móng lên lưng để chúng nằm yên cho vừa đẹp, vừa gọn.
Hà nói :
-Tội nghiệp con gà quá, chết rồi vẫn còn bị làm tình, làm tội !
Dự phản đối :
-Chết rồi mà còn được trang điểm cho đẹp, được để lên dĩa một cách trịnh trọng thì sướng quá trời chớ khổ cái gì. Con người đâu có được như nó !
Hy nói :
-Bây giờ có rồi đó mầy. Mấy nhà tang lể họ có nhân viên trang điểm cho thân chủ thiệt đẹp trước khi an táng. Nếu mầy thích thì nhớ trối lại để con cháu nó làm cho.
Nồi cháo bắt lên bếp đang sôi bùng.
Công bảo:
-Hà hứng một ca nước đổ vô giùm.
Hà ngạc nhiên :
-Nước đang sôi sao không cho gà vô đặng chín cho lẹ vậy thầy ?
Công giải thích :
-Nước nóng hổn mà cho vào liền thì da gà dễ bị rách lắm !
Rồi hỏi :
-Hà có mua ớt không ?
Hà đáp :
-Làm sao mà thiếu được .
Cô lấy một gói nhỏ đựng chung cả ớt lẫn tỏi đưa ra. Công lựa một trái to nhất, liếc thấy Dự đã lột xong bó hành lá, đang ngồi chơi xơi nước liền bảo:
-Mầy chạy lên gác lấy cho tao mượn cây dao rọc giấy của mầy coi.
Dự hỏi :
-Chi vậy ?
Công đáp :
-Tao tỉa trái ớt nầy thành bông, một lát cắm lên lưng gà để cúng cho đẹp.
Dự vùng vằng :
-Nhiều chuyện !
Rồi không thèm nhúc nhích cái cẳng.
Hà muốn xem Công trổ tài nên nói :
-Để em đi cho.
Công vội ngăn :
-Hà đừng đi, ở trển bầy hầy lắm !
Rồi vừa nguýt Dự một cái vừa chạy u lên gác.
Hà nhìn Công thao tác bằng tia mắt thán phục. Chàng rạch những đường dao sắc ngọt từ đuôi trái ớt lên gần đến cuống, cố lách thật nhẹ để tách chúng ra khỏi cùng giữ nguyên cái ruột có hột bám vào. Công đặt trái ớt đã tỉa vào cái tô đã đổ ngập nước. Nó từ từ biến thành cái bông với những cái nhánh tách ra, uốn cong với cái nhụy ở giữa, trông rất đẹp, giống na ná cái bông bụp, loại ở quê bà con thường trồng làm hàng rào.
Hà trầm trồ :
-Ông thầy khéo tay ác.
Khi gà đã chín, Công vớt ra rồi đưa ngay vào vòi nước để rửa.
Hà lại hỏi :
-Gà luộc chín rồi, tại sao còn phải rửa ?
Công lại phải cắt nghĩa :
-Làm như vậy cho cái da nó giòn.
Nồi cháo đã nhừ, Công nhắc xuống. Trước khi đặt cái chảo tay cầm lên bếp để làm hành phi, chàng hỏi Hy :
-Mầy xắt xong chưa, sao lâu quá vậy ?
Hy đưa nguyên cánh tay lên gạt mồ hôi trên trán rồi cự :
-Mầy có giỏi thì xắt đi, sai tao làm chi rồi chê chậm.
Hà nghe vậy thì đến xem Hy đã xắt tới đâu.
Cô bỗng kêu lên :
-Trời đất ơi !
Bốn chàng trai nghe cái giọng thảng thốt ấy thì hết hồn ngỡ là đã xảy ra đại họa. Họ đinh ninh rằng Hy đã làm hư đống củ hành, hay bị đứt tay rồi để lại một vũng máu lên đó, nên lật đật chạy đến. Trên tấm thớt là những lát củ hành được thái mỏng dính đến độ không còn trọng lượng, đều tăm tắp.
Dự thở hắt ra, nói bằng giọng thán phục :
-Mầy là một thiên tài thái củ hành. Trong tương lai sẽ là một bác sĩ ngoại khoa số một !
Lúc trang trí cả bọn lại bất đồng quan điểm : Công, Hy, Tánh thích gắn cái bông trên lưng. Hà, Dự, Tâm lại thích cho con gà ngậm cái bông cho đẹp. Nhờ Hà cãi rất hăng nên bọn họ thắng.
Mâm cúng trông rất tươm tất, sang trọng. Thế nhưng vì thiếu bàn nên họ phải kê cái mâm lên mấy cục gạch. Cái lon sữa bò dùng đong gạo được biến thành lư hương. Kiếm không ra cát để đổ vào nên Tâm cắt bìa tập đậy lên rồi đâm sẵn ba lỗ để lúc cúng cắm nhang vào.
Công lấy báo cũ lót xuống đất thay chiếu. Chàng đốt hai cây đèn cầy cắm hai bên lon nhang, đốt ba cây nhang đưa cho Hà rồi nói :
-Hà vái đi.
Tâm ngăn lại:
-Ông thầy cúng trước rồi mới tới học trò.
Hà trả nhang lại cho Công. Công đưa ba cây nhang lên ngang trán khấn khứa rất thành kính.
Chẳng biết Hà tinh nghịch hay vì đói bụng nên muốn cúng một lượt cho lẹ. Cô bước đến đứng cạnh Công rồi chấp tay hỏi nhỏ :
-Ông tổ tên gì vậy thầy ?
Công đáp :
-Ông tổ chung cho cả nước là Vương sĩ Nhiếp. Còn ông tổ của riêng của người miền nam là Võ trường Toản.
Hà hỏi thêm:
-Còn ông tổ tiếng Mỹ ?
Công bí, chàng chữa quê bằng cách rầy Hà:
-Mình là người Việt, chỉ cần vái ông tổ của mình là được rồi.
Để khỏi mích lòng Hà vái tên cả hai vị, giọng hết sức thành khẩn :
-Con xin hai ông tổ Vương sĩ Nhiếp và Võ trường Toản phù hộ cho con mau biết chữ Việt, chữ Mỹ.
Chờ Công vái xong, cắm nhang vào lư hương đàng hoàng, chuẩn bị lạy là Tâm liền xướng to :
-Nhứt bái thiên địa.
Công quay lại trừng mắt rồi mới quỳ xuống lạy.
Tâm làm lơ, đọc tiếp :
-Nhị bái cao đường .
Công đưa tay lên dọa đánh.
Tâm chạy vừa hét :
-Phu thê giao bái …ái…ái…ái…!
Trừ Công và Hà ra, ai cũng cười nghiêng ngã. Mặt Công quạu đeo, chàng giận Tâm vì đã làm vơi bớt tính thiêng liêng, chế nhạo lòng thành của cả hai.
Tâm biết mình đùa quá trớn nên nói:
-Xin lỗi nghen. Tại tao thấy hai thầy trò tụi bây xứng …
Tánh đấm nhẹ lên lưng Tâm rồi nói :
-Anh càng nói càng trật, thôi đừng cố chữa lỗi nữa.
Tâm tiu nghỉu, cố vớt vát :
-Ai biểu tụi nó làm giống như cô dâu chú …
Lần nầy Tánh xòe tay đập cật lực vào lưng Tâm nghe đến chát tai.
Tâm quay qua sừng sộ:
-Đau ! Sao đánh hoài vậy ?
Công bật cười, chẳng hiểu là cười thật hay muốn cắt gọn cái mối dây lòng thòng đã bắt đầu rối rắm. Hà cũng cười thế là cả bọn cùng cười. Những nụ cười thường có tác dụng của một chất keo. Chúng kết dính cái niềm vui đang bị sức mẻ của họ liền vo như cũ.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 12
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 1 2018, 19:07
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ai nấy cùng trông cho nhang tàn nhanh nhanh. Có lẽ thấu hiểu và cùng tâm trạng ấy nên Hà mua loại nhang ngắn nhất, dài chừng hai tấc.
Chẳng mấy chốc nhang đã tàn. Cả bọn mừng khắp khởi. Công vừa thanh toán xong trái bắp của mình, còn no, muốn ghẹo họ nên cứ đứng tỉnh rụi.
Đã vậy còn nói:
-Cúng bằng cái loại nhang nầy nhanh quá, không biết mấy vị tổ có kịp thưởng thức hay không ?
Rồi lấy thêm ba cây nhang nữa định đốt.
Tâm lật đật chặn tay lại nói :
-Mầy mà bắt tụi tao chờ nữa là huynh đệ tương tàn đó !
Công nói :
-Không cúng thì thôi, đã cúng thì phải cúng cho đàng hoàng, cái kiểu ăn gian nầy là không có tốt, không thể hiện lòng tin nên thầy tổ đâu có độ.
Tâm vốn biết cái chuyện cúng tổ nầy là do Hà chủ trương, Công chỉ hùa theo thôi mà bày đặt … nên nổi nóng. Trừng mắt nhìn Công mà hỏi :
-Mầy có tin là mình cúng như vậy là được tổ độ hay không ? Rồi nhờ vậy mà ông thầy nói tới đâu là học trò hiểu tới đó. Mầy thì dạy ro ro còn Hà thì học rót rót hả ?
Công đáp :
-Cho dù không độ cũng không làm hại, không ảnh hưởng…
Tâm cắt ngang :
-Sao mầy biết không ảnh hưởng. Tao nhớ có lần mầy nói là đức tin che mờ chân lý. Mầy còn nói rằng các nước châu Á, châu Phi…Sở dĩ nghèo, chậm tiến hơn châu Âu, châu Mỹ vì tin tưởng, dựa giẫm vào quyền lực của các vị thần quá mức, không chịu khai thác hết khả năng của bản thân họ kia mà !
Công cãi :
-Mầy phải phân biệt sự mê tín với lòng tri ân, trân trọng. Tao cho rằng cúng tổ cũng giống như cúng cửu huyền của mình. Những vị đã khai sáng, đã để lại cho chúng ta những di sản về tinh thần cũng như vật chất. Đây là những dịp thể hiện lòng kính trọng, biết ơn, đối với tiền nhân, rất đáng được khuyến khích. Nó mang nét đẹp của một nền văn minh nặng tính nhân bản. Nó giúp con người ngày càng gắn bó với nhau hơn. Nó làm cho cái bộ rễ tinh thần của chúng ta bám sâu, lan rộng vào xã hội. Ngược lại, những nghi lễ phát xuất từ lòng mê tính chỉ khiến người ta u mê, bạc nhược. Mầy có thấy giới trẻ hiện nay, càng có học thì càng xa lìa nguồn cội. Có mấy đứa biết tên ông tổ của nghề dạy học ? Có khi còn không biết tên ông cố, bà cố của mình. Có người càng được học cao lại càng xem thường những giá trị có tính truyền thống của người xưa để lại.
Ngừng lại một lát Công nói :
-Tao chưa dạy Hà một chữ nào, mà đã học từ Hà một bài học hết sức quý báu. Bữa cúng tổ nầy do Hà nghĩ ra chớ nào phải tao.
Hà đính chánh:
-Thật ra nếu hỏi em có tin tổ độ hay không, em cũng chưa chắc trả lời là mình tin tưởng hoàn toàn. Em chỉ mượn cớ cúng để ra mắt và làm quen với cả nhà thôi ! Nhưng khi đứng trước bàn thờ, em thấy xúc động thật sự, thấy vui vẻ, phấn chấn và lòng tự tin tăng lên nhiều lắm.
Dự đang đói meo nên nói :
-Cúng như vậy là đủ rồi. Các vị tiên, thánh chỉ ngửi hương để chứng giám thôi, có nhai nuốt như người trần mắt thịt đâu mà lâu !
Tánh chêm vô:
-Mầy coi ba cây nhang đều có cái tàn nhang cong vòng hết kìa. Hai ông tổ của mình với ông tổ tiếng Mỹ đã chứng giám tấm lòng thành của hai thầy trò bây rồi đó !
Hy cũng biểu đồng tình :
-Thôi xé gà ra trộn gỏi đi mầy ! Bộ mầy không thấy thằng nào cũng đang ở trong tâm trạng vô cùng "bức xúc" hay sao ? Để càng lâu mầy càng bị nguyền rủa, càng tổn đức, càng ... Không khéo lại bị đánh hội đồng rồi tổn thọ thêm. Có khi còn bỏ mạng một cách oan uổng nữa !
Công phì cười, không đốt thêm nhang, bước lại bàn cúng xá ba xá rồi kêu Hà :
-Hà xá đi !
Hà vừa xá xong là Tâm bưng dĩa gà vô bếp liền, chưa kịp đụng tới là Công kêu :
-Rửa tay cho thiệt sạch đi mầy.
Tánh lật đật ra tay ngăn cản cái ông anh quá sốt sắng của mình. Giựt cái dĩa gà Tâm đang cầm lại, giữ khư khư bằng cả hai bàn tay rồi nói :
-Thằng Công nó rành mấy chuyện nầy lắm để cho nó làm đi ! Anh đừng có đụng tay vô.
Tâm cự :
-Xé gà chớ cái làm cái giống gì mà rành với không.
Công nói :
-Mầy xé tùm lum là thịt bầy nhầy không ngon, phải coi theo sớ mà xé.
Tâm nghe vậy thì dội liền, phủi tay :
-Thôi mầy làm đi !
Cả nhà chỉ có hai cái thau, cái lớn nhất để giặt đồ, cái thau trọng trọng để rửa đủ thứ. Hà thấy Công dùng cái thau ban nảy dùng rửa gà, rửa rau, rửa ... để trộn gỏi thì hỏi :
-Bộ trộn gỏi trong cái thau nầy sao ? Nhà thầy không còn cái nào nữa hả ?
Công cười cười, đưa tay gãi gãi đầu, mặt ngường ngượng, đáp:
-Tụi tui ăn uống đơn giản lắm ! Mì gói nhiều hơn cơm, cho nên đâu có cần sắm nồi, nêu, thau rỗ chi cho nhiều.
Tánh quan sát Hà một cách kín đáo, thấy cô nhăn mặt thì cười nhẹ.
Cái mâm được đặt trên nền gạch, cả bọn ngồi xếp bằng chung quanh. Bốn chàng trai nhường Công ngồi bên phải Hà, bên trái cô Tâm đã nhanh chân chiếm giữ.
Hà mời :
-Xin mời quý thầy cầm đũa.
Dự gõ đũa lên miệng chén để cả bọn chú ý rồi nói một cách trịnh trọng :
-Bữa cháo gà hôm nay là nhờ công sức của Công và Hà . Xin cám ơn hai thầy trò. Chúc cho Hà học thiệt là giỏi, nhanh chóng gom hết chữ bỏ vô túi.
Cả bọn vỗ tay ào ào khiến Dự nheo mắt hiu hiu, tự khen là mình là người biết cách cư xử có giáo dục. Ngược lại Công và Hà không khỏi đỏ mặt vì mắc cỡ và cảm động.
Nhờ có sự hiện diện của một cô gái đẹp nên năm tên đều ra vẻ từ tốn. Họ không dám phát huy hết thực lực, vừa ăn vừa giỡn như quỷ sứ giống mọi ngày.
Thế nhưng cái máu tếu trong Tâm không chịu nằm yên mà bắt đầu trổi dậy.
Gắp cái đầu gà vào chén Công, Tâm nói như ngâm:
-Trai thời trung hiếu làm đầu.
Rồi gắp miếng huyết và phao câu cho vào chén của Hà, đọc tiếp :
-Gái thì tiết hạnh, phao câu giữ mình.
Câu nói đùa ấy lại khiến Công lo lắng, lại nhìn Tâm bằng đôi mắt trách cứ.
Dự hăm he :
-Bớ cái thằng Tâm kia, hãy liệu cái thần hồn! Đừng có ỷ lại vào pháp thuật cao cường của mình rồi tỏ ra khinh xuất. Không biết chừng ông Nguyễn đình Chiểu cũng được hai ông tổ chủ nhà rủ tới dự. Nghe mầy đem hai câu thơ của ổng ra trộn gỏi. Ổng nổi sùng rồi bẻ cho cái mặt mầy quay ra sau lưng đó !
Tâm cười :
-Bậc vĩ nhân ai mà để tâm ba cái chuyện nhỏ nhặt mầy ơi !.
Công thấy Hà nhìn chầm chập cái phao câu trong chén một cách ngán ngẫm thì hỏi:
-Hà có ăn được nó không ?
Hà lắc đầu.
Công liền gắp qua chén mình rồi thế vào cái đùi gà, nói :
-Để tui ăn giùm cho, Hà ăn món nầy nè !
Tâm cự nự :
-Sao mầy dám ăn cái phao câu của Hà ?
Câu nói hàm hồ của Tâm khiến Công lại sợ Hà suy diễn lung tung rồi giận, nên nhìn cô bằng tia mắt áy náy như người có lỗi.
Bắt gặp tia nhìn ấy, Hà bỗng cảm thấy lòng mình ray rức quá . Lần đầu tiên Hà được một người con trai quý trọng đến vậy. Hà xúc động rưng rưng và tràn trề hối hận. Cô muốn dừng ngay cái trò đùa mà mình đang bắt đầu nầy lại, trước khi nó tiến quá xa.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 13
Gửi bàiĐã gửi: 14 Tháng 1 2018, 19:46
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tâm biết mình đã lỡ lời nên cố chuộc lỗi, định mở miệng khen chén nước mắm Hà làm ngon lắm. Thế nhưng vừa động môi thì đã bị một bàn tay đè chặt cái miệng.
Dự nói như năn nỉ :
-Tao lạy mầy ! Mầy làm ơn ăn thôi, đừng có nói tiếng nào giùm tao !
Cái hoạt cảnh ấy khiến Hà không nín được, bật cười khanh khách. Nhờ vậy sự ngượng ngập vừa hình thành được nhanh chóng đánh tan.
Cả bọn chỉ chờ có vậy là tiếp tục tập trung vào cái việc ăn, nói và cười.
Tâm lại quên mất lời dặn dò của Dự, vẫn là người khai khẩu đầu tiên :
-Ước gì ngày nào cũng có một nồi cháo gà như vầy.
Dự nói như trút gánh nặng :
-Dễ thôi ! Mỗi ngày mầy góp vô năm chục ngàn là được liền.
Tâm cười khổ :
-Vậy là ăn được mười ngày rồi bơ mỏ.
Hà dựa trên mấy câu đối đáp ấy rồi phỏng đoán số tiền họ được cung cấp hằng tháng. Cô bỗng chạnh lòng. Vậy là khác xa với điều cô nghĩ. Họ bắt buộc phải ở xóm nầy vì nghèo chớ nào phải thuộc loại đồi trụy.
Hà lại cảm thấy có lỗi, lại hối hận vì nghĩ xấu cho họ. Cô muốn chuộc lỗi nên ngỏ ý giúp bằng cách giới thiệu việc làm cho họ.
Cô hỏi :
-Mấy anh có định tìm việc làm thêm không ? Em giới thiệu cho .
Cả bọn nhao nhao :
-Làm việc gì ? Có khó không ? Lương hậu không ?
Hà đáp :.
-Phục vụ nhà hàng, chỉ bưng thức ăn cho khách. Lương tương đối, nhưng phải nghe, nói được tiếng Anh lưu loát thì người ta mới chịu thuê.
Tâm thở dài :
-Bồi bàn ! Cái công việc đó mà cũng đòi giỏi ngoại ngữ …Thời buổi gì mà xin làm cái giống gì cũng bắt buộc phải biết tiếng Anh hết vậy trời !
Hà cắt nghĩa :
-Tại chỗ đó chuyên phục vụ cho du khách.
Dự bắt bẻ :
-Đáng lẽ họ tới nước mình thì phải học tiếng Việt chớ !
Tánh chép miệng :
-Tủi cho cái dân An nam mít của mình quá !
Hy cắt nghĩa :
-Tiếng Anh bây giờ đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu rồi. Họ đến nước mình, muốn tiếp họ mình phải nói tiếng Anh. Mình mà đi du lịch qua nước họ, hoặc các nước khác muốn người ta hiểu, cũng phải nói tiếng Anh.
Tâm trách :
-Tại cái ngành du lịch mà tiếng Anh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Công lắc đầu :
-Không riêng gì lãnh vực du lịch đâu. Bây giờ trong tất cả các ngành, cái vị trí quan trọng nhất đều dành cho người giỏi ngoại ngữ.
Tâm nói:
-Tao thì thấy mấy CEO đó bắt buộc phải có cái khả năng nầy.
Công hỏi :
-Khả năng gì ?
Tâm đáp, dứt khoát:
-Giao tiếp !
Hy gật gù :
-Chí lý ! Bởi vậy cho nên khi đi phỏng vấn, nhứt là ở các công ty nước ngoài. Cái thằng có cái bằng loại giỏi lại rớt mà cái thằng trung bình lại đậu.
Tâm cao hứng đăng đàn phát biểu thêm:
- Còn nữa, khi ra đời những đứa có thành tích học tập xuất sắc lại ít thành công hơn những đứa trung bình. Tại vì sao tụi bây biết không ?
Cả bọn nhao nhao :
-Tại sao ? Tại sao ?
Tâm khoái chí :
-Tại vì tụi nó chơi với sách vở nhiều hơn bè bạn. Tụi nó dở giao tiếp với hơn mấy thằng kia. Xem ra bây giờ muốn thành đạt, ngoài nghiệp vụ ra tụi mình phải giỏi tiếng Anh nhưng quan trọng nhứt là phải giao tiếp tốt.
Dự nói:
-Tao thì cho là việc giỏi ngoại ngữ quan trọng hơn hết ! Chắc tao phải đóng tiền cho thằng Công rồi bắt chước Hà làm học trò của nó. Sau nầy cho dù có nằm ở bộ phận giao tiếp hay không, ngoài nghiệp vụ ra, tao mà muốn thăng tiến ắt bắt buộc phải biết tiếng Anh. Nó chính là cái thang, muốn leo cao chót vót thì phải vịn vào thôi.
Tánh thở dài :
-Biết vậy tao theo ngành của thằng Công cho sướng. Học Tài chánh kế toán, mai mốt suốt ngày cứ ngồi nhìn mấy con số, riết rồi chắc khùng luôn.
Công an ủi:
-Mấy cái ngành đó là ngon hạng nhứt nghe mậy. Mầy mà làm kiểm toán là làm giàu nhanh chóng, là đi máy bay chớ không có cuốc bộ như tụi tao đâu !
Tánh thở dài :
-Đồng tiền đó nặng mùi lắm mầy biết không ? Tao nghe mấy tiền bối nói va chạm với đồng tiền riết rồi ai cũng bán linh hồn cho "bác" hết. Mấy cái công ty quốc doanh, bị mấy chả rút ruột, lỗ te tua, vậy mà nớm tiền rồi năm nào cũng báo khống là lời. Còn công ty tư nhân cũng nớm tiền nhưng để được báo cáo lỗ.
Hy thở dài :
-Xã hội mình còn cái lãnh vực nào chưa bị tha hóa không ta ?
Công đáp :
-Tao thấy hình như chỉ có ngành giáo dục…
Dự bật cười hô hố rồi nói :
-Bộ mầy không có đọc báo hay sao mà nói nghe như từ cung trăng rớt xuống vậy ? Bộ không nghe hai chữ “chạy trường” hả ?
Công ỉu xìu.
Hy bỗng ngồi thẳng lưng, đưa tay vỗ vào ngực bồm bộp và nói:
-Chỉ có cái ngành của tao là còn coi được được, làm ăn đàng hoàng nhứt trong cái đám lộn xộn.
Dự xí một tiếng dài thòng rồi nói:
-Cái đồ trơ trẽn, nói mà hổng biết mắc cỡ !
Hy cự lại :
-Mắc cỡ cái gì ? Bộ tao nói không đúng sao ?
Tánh nói :
-Không phải mầy nói không đúng mà là nói sai !
Hy gặng :
-Sai chỗ nào ?
Tánh đáp :
-Mầy tới nhà thương hoài, bộ hổng thấy khám bệnh xong. Ai ra về đều xách theo cái túi to đùng, đựng một đống giấy xét nghiệm với một bọc thuốc bự bành ky sao ?
Hy đáp :
-Thì phải xét nghiệm mới tìm ra bệnh chớ.
Tánh mỉa mai :
-Chớ không phải kiếm cớ để vắt máu bệnh nhân hả ? Bệnh gì không biết ! Có cần thiết hay không cũng phải làm ít nhứt ba món : Chụp hình, siêu âm, thử máu. Mấy ông bác sĩ bị tụi trình dược viên xinh như mộng dụ dỗ. Vừa ăn huê hồng vừa được vui vẻ nên kê đơn cả đống toàn là ba cái thuốc giá trên trời.
Dự thở dài :
-Rốt cuộc ai cũng biến thành cái máy đếm tiền hết ráo !
Công lại thở dài sườn sượt nói :
-Theo cái đà nầy tao thấy con người ta càng sống lâu càng tạo tội.
Hy hỏi:
-Tại sao tội ?
Công đáp :
-Bộ mầy không biết là cái con đường đua mang cái tên" danh" và "lợi" nầy không có đích đến hay sao ? Họ càng có càng muốn nhiều hơn, cho nên càng độc ác hơn.
Tâm bàn thêm :
-Suy rộng ra, nếu mục đích con người ta là kiếm tiền, thì mấy cha nội ngồi trên chóp bu, càng già càng tham, càng có kinh nghiệm, càng nhiều vây cánh, càng là mối nguy cho đất nước.
Dự đưa tay vò cái đầu của Tâm cho tóc dựng đứng lên hết rồi khen :
-Cái thằng miệng đít vịt xiêm nầy, bữa nay sao ăn nói ra vẻ "có học" dữ vậy ta !
Hà ngó Dự, thắc mắc :
-Tại sao gọi là miệng đít vịt xiêm vậy thầy ?
Dự xúi:
-Đâu Hà hỏi ông thầy ruột của mình, coi nó có biết không ?
Hà quay mặt về phía Công.
Công cắt nghĩa :
-Câu nầy bà con nông thôn hay dùng để rầy những đứa bạ đâu nói đấy. Tại cái tụi vịt xiêm đó, chúng nó cứ vừa đi, vừa "phẹt" tùm lum.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 14
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 1 2018, 19:39
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHƯƠNG BA
Làn sóng học tiếng Anh đã và đang xâm chiếm, bao trùm khắp Sài Gòn.
Trước đây những học sinh từ lớp năm chuyển sang lớp sáu, em nào được xếp vào loại giỏi đều được tập trung vào các lớp Nga văn. Khi nền kinh tế nước ta thay da, đổi thịt , chuyển từ bao cấp sang thị trường, tiếng Anh trở nên hết sức cần thiết, thì điều nầy được bải bỏ.
Khắp đường phố, các trung tâm ngoại ngữ đang mọc lên như nấm. Tiếp đó, khi các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tiếng Anh đã đánh bạt các ngoại ngữ khác, chiếm lỉnh hầu như toàn bộ thị trường.
Những ông thầy dạy tiếng Anh ngày trước, thậm chí những nhân viên, tư chức mà ngày xưa phải dùng tiếng Anh trong công việc, đều được các trung tâm nầy thu dụng.
Ở đại học, Khoa Anh văn đột ngột “lên giá”. Sinh viên đăng ký dự thi ngày càng nhiều. Tình trạng thiếu giảng viên khiến số sinh viên ra trường không đủ đáp ứng cho nhu cầu xã hội về chất cũng như lượng.
Nền công nghiệp không khói được nhà nước chú ý, quyết tâm phát triển nên quảng cáo rầm rộ. Du khách bắt đầu xuất hiện trên các vỉa hè ở Sài gòn. Những vị “tây ba lô” đầu tiên, quần sọt, đầu trần, đeo túi sau lưng…Họ đi lang thang khắp các đường phố, ngồi lắc lẻo trên mấy chiếc xích lô, hoặc đứng ở những ngã tư đèn xanh đèn đỏ hỏi thăm đường bằng cách vừa nói vừa quơ tay liên tục.
Người được hỏi thường là công an hoặc một phó thường dân nào đó, rất nhiệt tình cũng giải thích bằng miệng, bằng tay…Bằng tất cả những gì có thể cử động được.
Điều nầy được xem như một hiện tượng lạ, luôn là mục tiêu của những ánh mắt hiếu kỳ quanh đó. Một đôi khi vị khách may mắn nào đó, gặp được người biết được ngôn ngữ mà mình xử dụng. Thế là y mừng như gặp cứu tinh. Họ chuyện trò ríu rít khiến bà con đã đi qua, còn ngoái đầu nhìn cái vị đồng bào tóc đen thui của mình bằng ánh mắt tràn trề khâm phục.
Từ việc ngưỡng mộ ngôn ngữ tây phương bà con dần ngưỡng mộ tất cả những thứ gì xuất xứ từ trời tây. Các quán ăn, khách sạn đang mang bảng hiệu tiếng Việt cũng đổi sang tiếng nước ngoài để thu hút khách.
Nếu ngày xưa các cô gái “lấy Mỹ” bị coi là mối điếm nhục của họ hàng, thì giờ lại được trân trọng vì mang lại niềm vinh hạnh cho cả gia đình và bà con lối xóm.
Tuy khách nước ngoài được nhiệt liệt chào đón. Nhưng tiếc rằng ta mở cửa quá sớm mà không kịp chuẩn bị kỹ lưỡng. Chưa dọn dẹp sạch sẽ căn nhà của mình chớ nói gì tới việc trang trí. Nhà cửa còn bề bộn, nên khách đến chẳng ở lâu, khách đi không hẹn ngày trở lại.
Xóm “…” tuy hầu hết là dân lao động, thu nhập ít ỏi nhưng cũng nhanh chóng nắm bắt được ngọn gió của thời "mở cửa". Họ khuyến khích con em mình chuyên chú vào việc học tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Cái giấc mơ con mình trở thành bác sĩ, kỷ sư, dược sĩ, mà ai ai cũng ấp ủ được điều chỉnh lại. Họ hướng chúng đến các nghề nghiệp mà tiền lương được lảnh bằng đô la .
Ngày học đầu tiên chỉ có mỗi mình Hà. Công buồn thiu, mắc cỡ nữa, nhưng tự an ủi thôi thì một cũng còn hơn không.
Công lấy lý do là Hà đã bỏ công sức, tiền của ra chiêu đãi cả bọn nên nhất quyết từ chối, không chịu nhận học phí. Hà phải nhón chưn nhét nó vào tận đáy túi áo sơ mi của ông thầy.
Cái cảnh ấy bị những cô gái đang ngồi ăn chè trước hiên căn nhà đối diện trông thấy, thế là rộ lên cái tin là họ “hun” nhau giữa thanh thiên bạch nhựt.
Thời buổi nầy hể có tiếng là có tiền, cho nên nhờ vậy mà buổi học kế đó số học sinh tăng lên gấp bội. Đa số là đồng nghiệp của Hà. Họ đến để xem mặt mũi ông thầy như thế nào mà cưa đổ cô gái xinh đẹp, nổi tiếng thông minh, tinh nghịch nhứt xóm ấy.
Vừa may có một cô trong xóm được đổi đời. Cô gái đó nhờ biết chút đỉnh tiếng Anh nên làm quen với một ông tây, rồi được ông chồng ngoại quốc ấy rước theo về miền đất hứa.
Thế nên các cô còn lại bắt đầu nhen nhúm hy vọng. Họ rủ nhau học tiếng Mỹ để tìm vận may tương tợ. Cái lớp học của Công hội đủ ba yếu tố “ thiên thời, nhơn hòa, địa lợi “ nên phất lên như diều gặp gió.
Thoạt đầu bà con e ngại vì lớp học chỉ toàn các cô gái buôn hương bán phấn, họ không dám cho con vào học.
Các cô học trò vô tình đã quảng cáo miễn phí cho Công, khi đi đến đâu cũng ca tụng ông thầy trẻ dạy vui, dạy giỏi. Họ khen Công hiền khô, chẳng những không dám la rầy mà thỉnh thoảng còn có biểu hiện nể sợ học trò.
Vợ chồng chủ tiệm uốn tóc “Ngọc Nga” bắt đầu yên tâm, bèn cho hai đứa con gái nhỏ lên bảy, lên chín của mình đến học thử coi ra làm sao.
Hai đứa nhỏ đó đều mê tít thò lò !
Thế là các gia đình khác cũng noi theo. Mấy đứa nhóc còn lại thấy mấy đứa nó xí xô với nhau, đâm ra thích, cũng nằng nặc đòi đi học với tụi kia cho bằng được.
Cái tính a dua xem ra đóng góp hơn năm chục phần trăm sĩ số.
Lớp học không bàn, không ghế mà bà con gán cho cái tên “bụi đời“ ấy bắt đầu đông dần.
Học sinh đủ mọi lứa tuổi và thành phần. Ngoài các cô gái còn có một tên choai choai chưa có nghề nghiệp cùng mấy đứa cà nhỏng khác nữa.
Người lớn tuổi nhất là cô bạn ở cùng một nhà với Hà. Đứa bé nhất mới học lớp một, cháu ngoại của một “má mì” kiêm luôn nghề cho vay.
Thoạt đầu Công gom chung vào một lớp. Thế nhưng các cô gái ăn mặc, nói năng thoải mái quá khiến mấy đứa nhỏ bị phân tâm, nhất là cái cậu choai choai. Công chẳng thể nhét chữ gì vào đầu chúng, chàng phải tách ra làm đôi. Tụi nhỏ học trước, các cô gái học sau.
Sự thành công trong nghề dạy một phần là nhờ Công triệt để áp dụng cái nguyên tắc “không bao giờ làm học trò tổn thương dưới bất cứ hình thức nào”. Nhưng cái tính khôi hài mới giúp chàng nhiều nhất.
Nhờ những tiếng cười mà giờ dạy của chàng không hề nặng nề nhàm chán. Chàng hay pha trò cho không khí vui nhộn. Để học trò hiểu và nhớ, Công hay lồng những cử chỉ, lời nói có tính trào lộng vào bài giảng để thu hút sự tập trung và giúp chúng dễ nhớ. Phương pháp ấy vô cùng hữu hiệu.
Lớp học đó khiến bà con trong xóm hết sức ngạc nhiên.
Họ hỏi nhau:
-Cái ông thầy nầy dạy cái kiểu gì mà tụi nhỏ như bị thọc lét vậy trời ?
Bởi thỉnh thoảng họ lại nghe những luồng sóng cười từ trong lớp tuôn ra từng đợt.
Công luôn làm cho giờ học sinh động bằng nét mặt vui tươi, minh họa bài học bằng những câu nói đùa dí dỏm. Chàng thường đặt ra các câu hỏi và khuyến khích họ trò hỏi lại mình.
Mỗi lần dạy phát âm chàng thường há miệng thật to, cho học trò thấy cách vận dụng môi và lưỡi rồi bắt làm theo cho đúng.
Những lúc thất vọng, buồn bực chàng thường biểu lộ bằng cách vò cho cái đầu của mình rối tung lên. Học trò biết đó là cái dấu hiệu cho thấy ông thầy mình sắp đứt gân máu, liền chuộc lỗi bằng cách ngồi thẳng lưng chăm chú học.
Hầu hết con nít (và người lớn chúng ta) đều khoái vui nhộn, đều thích được cười. Cho nên cái tánh cà rỡn, những câu nói đùa cùng những mẫu chuyện khôi hài của ông thầy khiến họ đi học đều đặn không nghĩ một buổi nào.
Từ những đứa bé tí mang tâm hồn còn mới nguyên như tờ giấy trắng, cho đến các cô gái phong trần mà cuộc đời đã để lại trong lòng họ những vết thẹo như các luống cày sâu hoắm, đều bị Công thu hút.
Thậm chí ở những cô mà mục tiêu ban đầu là đi tới lớp để trêu chọc cái ông thầy trẻ măng, đẹp trai cho vui. Cũng dần bị sự chân thành, nhiệt tình của Công cảm hóa. Những nụ cười gặt được các trong giờ học đó, đã giúp lòng họ nhẹ nhàng. Khiến đóm lửa của hy vọng, của niềm vui dần dần le lói.
Tâm hồn trong sáng, cùng cuộc sống nghèo nhưng lành mạnh, ( nhứt là cách cư xử trân trọng của Công đối với họ) đã khiến các cô gái chai sạn ấy thay đổi từng chút một.
Họ không còn ăn mặc hở hang, đến lớp với áo quai, quần sọt như trước nữa. Những câu chửi thề nói tục cũng dần giảm bớt. Cái lớp học ấy không ngờ đã giúp mấy cổ phục hồi nhân phẩm một cách nhanh chóng và manh nha cái tư tưởng đổi nghề dù chưa thể.
Điều nầy khiến cho những gia đình trong xóm mừng còn hơn trúng số.
Lớp “BỤI ĐỜI” ngày thêm đông nhưng cơ sở vật chất chẳng hề cải thiện, bởi học phí rẻ rề nên tiền kiếm được vừa đủ cho Công trang trải việc ăn học, đâu có dư mà sắm bàn, sắm ghế.
Học sinh vẫn phải đến lớp, với một tay ôm tập, một tay xách ghế. Chiếc ghế nhựa thấp thấp ấy được dùng thay bàn học.
Cái cảnh trò ngồi chồm hổm trên nền nhà, ông thầy thì cúi gập người để sữa những chữ viết sai của trò, vẫn tiếp diễn khiến ai trông thấy cũng thương thương, tội tội.
Ông chủ tiệm uốn tóc mừng rơn khi hai đứa con mình ngày càng ham học và tiến bộ rõ rệt. Vốn có nghề thợ mộc nên rủ bà má mì bỏ tiền ra mua ván, ổng góp công, tự tay đóng tặng cho “nhà trường” bốn cái băng thật dài. Hai cái cao làm bàn còn hai cái thấp hơn làm ghế.
Cha mẹ của đám trò nhỏ và bà con trong xóm đều tỏ ra ưu ái năm chàng trai trẻ, đặc biệt là Công. Cho nên thỉnh thoảng đang ăn cơm, một người trong họ phải bỏ đũa chạy ra xem ai gõ cửa, rồi lại quay vào với tô canh chua, mắm kho hoặc dĩa tép rang ngon lành trên đôi tay.
Một em học trò có má bán trái cây ngoài chợ. Thế là lâu lâu hệ thống miễn dịch trong cơ thể của họ được tăng cường nhờ chuối, chôm chôm, cam, xoài, vú sữa…v…v…
Mấy cô học trò đôi khi được khách hàng mời đi ăn. Chạnh nhớ tới ông thầy và mấy người bạn ốm đói của ổng, thế là kêu cả đống thức ăn để mang về biếu.
Có khi nửa đêm họ rón rén gõ tay lên cửa, trao vội mấy cái bánh bao hoặc vài ổ bánh mì thịt, hay một hộp xôi mặn to đùng, khiến cả bọn đều mũi lòng, ấm bụng .
Năm chàng trai đền đáp lại tấm thạnh tình đó bằng cách hăng hái giúp đỡ khi được bà con nhờ đến, như đi dự những cuộc họp phụ huynh mà nhà trường bắt buộc, viết thư tình giùm cho các cô…v…v…
Giá mà bọn Công biết được bà con trong xóm hãnh diện về cái lớp học và mang ơn họ nhiều như thế nào, chắc sẽ mừng và cảm động đến phát khóc.
Danh tiếng cái lớp của ông thầy vui tính đã bay xa. Bởi giúp bà con vơi bớt mặc cảm, nên đi tới đâu họ cũng đem nó ra khoe.
Như một loài hoa lạ đột nhiên xuất hiện giữa đám cỏ dại. Cái lớp học ấy được mọi người hết lòng yêu quý.
Điều nầy chẳng những khiến các chàng trai phơi phới tinh thần mà Hà cũng vô cùng vui sướng. Cô ngấm ngầm tự hào khi Công nửa đùa, nửa thật bảo rằng, nhờ cúng tổ và cô mở hàng mát tay nên chàng mới “ăn nên làm ra “ như vậy.
Những vị thầy có lương tâm rất “cưng” mấy đứa học trò thông minh, siêng năng, ngoan ngoãn. Công là một người thầy rất có lương tâm và Hà là cô học trò rất thông minh, chuyên cần, không nghĩ học buổi nào.
Bởi thế nên cái công việc vỡ lòng cho cô học trò xinh đẹp ấy đối với Công như một niềm vui, một chuyến du hành, mà nhờ đó chàng khám phá ra một sứ sở đầy màu sắc và vô cùng thú vị.
Khi Tánh hỏi chàng về việc học của Hà. Công đáp :
-Tao dám chắc không có người thứ hai nào thông minh bằng cô ấy. Trong đầu cổ như có một viên kim cương rất to ở trỏng. Nó rọi sáng trưng, hể tao dạy qua một lần là cổ biết liền. Mới tập viết mà nét chữ rất cứng, rất đẹp.
Tánh cười cười rồi nói :
-Tao thấy Hà thông minh và giỏi lắm đó ! Có khi còn hơn mấy thằng mình cộng lại.
Công lại nói :
-Điều tao khâm phục nhứt là thái độ lạc quan, yêu đời của cổ. Tuy làm cái nghề bị mọi người rẻ rúng mà cổ vẫn ngẩng cao đầu. Chẳng chút tự ti mặc cảm, có cái nhìn hết sức độc lập, phóng khoáng khác xa người thường.
Tánh cười, phụ họa :
-Hà quá tự tin, gần như tự tôn nữa là khác. Cổ làm như được trúng tuyển vô cái nghề tủi nhục hạng nhứt đó chớ không phải lỡ bước sa chưn vào đấy. Không chừng còn cho rằng nếu có xấu hổ thì chính nam giới tụi mình, người mua mới chịu, chớ người bán như cổ thì chẳng can hệ gì. Đúng là một cá nhân rất độc đáo.
Công bênh vực :
-Xét ra cái nghề nầy bị lên án hết sức oan uổng. Theo tao chuyện đó cũng giống như ăn, uống và các nhu cầu cần thiết khác. Tại người ta gán cho nó một ý nghĩa xấu xa. Xã hội loài người lại hùa nhau nghiêm cấm nên thiên hạ càng bị kích thích. Điều nầy khiến cái nhu cầu về nó ngày càng cao mà lượng cung cấp thì hiếm hoi, nên các cô gái có hoàn cảnh không may ấy phải hành nghề lén lút. Họ mang mặc cảm phạm tội, trở nên tự ti rồi bị bốc lột, lợi dụng tối đa. Nếu nhà nước cho họ hoạt động công khai, cấp cho họ cái giấy phép hành nghề và kiểm tra đều đặn như các ngành ăn uống, giải trí khác thì biết đâu xã hội được lành mạnh hóa. Họ cũng không có nguy cơ trở thành nạn nhân của những mụ tú bà, những tên ma cô và mấy tên cuồng dâm .
Tánh vỗ vai Công rồi nói :
-Mầy đừng có lo, theo cái đà nầy tao thấy trước sau gì nó cũng được hợp thức hóa rồi lành mạnh hóa. Biết đâu còn được coi như một môn thể thao, được thi đấu ở thế vận hội đàng hoàng.
Cả hai bá vai nhau cười nghiêng ngã.
Công nói :
-Tao nghe thằng Hy nó nói ba cái chuyện đó rất tốt cho sức khỏe, giúp người ta giải stress, tim khỏe lên, tăng cơ, giảm mỡ...Có đúng hông mậy ?
Tánh lắc đầu:
-Tao đâu có biết ! Nhưng nghe cũng có lý vì đa số dân độc thân hay bị chết non !
Rồi nói một cách nghiêm túc :
-Hổng chừng nó sẽ được mấy ông bác sĩ kê vô đơn cho bệnh nhân. Quy định họ phải thực hiện đều đặn mỗi tuần mấy lần, mỗi lần bao nhiêu phút nữa đó !
Công cười đến ho. Chàng ráng dừng lại rồi nói :
-Biết đâu nó được đưa vào giảng dạy, có thi cử hẳn hoi ! Tới chừng đó mấy cô trong xóm mình trở thành giáo sư nổi tiếng hoặc chuyên gia hết ráo. Hổng biết chừng tụi mình phải sắp hàng xin chữ ký của mấy cổ.
Tánh bỗng đổi giọng hăm he :
-Mầy liệu hồn đó nghe ! Tao thấy cái cô Hà nầy không đơn giản đâu. Những người có một tuổi thơ bi đát, dễ gì có nét mặt tươi rói, thái độ tự tin như cổ. Nghe cái cách cổ nói chuyện ai mà tin là dân mít đặc…
Không để Tánh nói hết, Công bác ngay :
-Bộ mầy không nghe cổ nói là cổ làm trong cái bar mà khách toàn là dân có tiếng, có tiền và người nước ngoài hay sao ? Ở bầu thì tròn, gần đèn thì sáng, có gì đâu mà lạ ! Hơn nữa kiến thức đâu chỉ có trong sách vở. Hiện giờ các phương tiện thông tin đang bùng nổ, lan rộng đến tận mấy cái hốc bà tó. Nhà nào cũng có ra dô. Ti vi đâu còn là của hiếm. Cho nên cứ chịu khó mở tai, mở mắt ra là khai trí mấy hồi !
Tánh trề môi :
-Coi bộ mầy tin tưởng cổ tuyệt đối, nên bênh chầm chập. Ráng mà giữ cái tình thầy trò cho trong sáng nghe chưa ! Đừng có để nó đổi màu, rồi giúp đâu không thấy mà hại nhau cùng khổ đó nghe mậy !
Công làm thinh, chàng không dám nói với Tánh rằng chàng đã sớm phát hiện ra Hà nói dối. Ngay dòng chữ đầu tiên nàng viết, Công đã nhận ra nó y hệt như nét chữ trong lá thư tiếng Anh mà nàng nhờ Công đọc.
Chàng đã biết rằng Hà vô cùng tinh nghịch. Cái tính thích gì làm nấy, có phần nông nổi đó chứng tỏ nàng là đứa con được cưng chiều rất mực. Những câu nói cố làm ra vẻ ngây ngô dốt nát, chẳng thể che đậy kín mít cái tia sáng thông minh, hóm hỉnh thỉnh thoảng lóe lên trong ánh mắt của Hà.
Công cũng vậy ! Chàng đang đóng vai một ông thầy ngờ nghệt, giả vờ tỏ vẻ tự hào rằng nhờ mình dạy hay mà Hà mới biết chữ nhanh đến vậy. Công ví Hà như một con chim quý, lìa bỏ vườn ngự uyển để ghé thăm. Chàng không dám đánh động vì sợ nó giật mình rồi bay đi mất tiêu, mất biệt.
Dù biết Hà nói dối, dù nghi ngờ nàng mang mình ra đùa cợt. Dù vẫn hoang mang về mục đích của nàng khi cố ý tiếp cận mình. Công vẫn không thể không quý mến Hà.
Cái tình cảm ấy đã vượt quá mức bình thường, đang lao đi với vận tốc của ánh sáng, Công muốn cản cũng không thể được.
Công biết rằng dù sao nầy Hà có cư xử với mình như thế nào đi nữa, chàng vẫn mãi trân trọng những gì nàng mang đến cho mình. Chẳng những không hề oán trách, Công còn cảm thấy tràn ngập một niềm tri ân đối với Hà.
Chàng thường âm thầm gửi đến nàng lời cám ơn chân thành của mình: Cám ơn nàng đã khiến chàng chờ đợi ngày mai bằng một tấm lòng háo hức; Cám ơn nàng đã cho chàng cảm giác tràn trề hạnh phúc; Cám ơn về chiếc áo nàng mặc, tiếng cười nàng gieo, cả mùi nước hoa nàng xức lên người...Để chàng được nhìn ngắm, nghe và cảm nhận hình dáng, âm thanh, hơi thở của nàng đang chui vào mắt, tai, tim, phổi của mình.
Nhờ có nàng mà chàng dốc hết khả năng yêu thương của mình ra ban phát cho vạn vật. Nhờ có nàng mà thế gian đối với chàng như chốn thiên đường. Nhờ có nàng mà chàng có đủ năng lượng và lòng hăng hái để đáp ứng mọi đòi hỏi của loài người và cả ông trời (nếu ổng ra chỉ thị rõ ràng) !
Sức mạnh ái tình giúp Công khám phá nơi ẩn nấp của hạnh phúc. Khám phá ra cái chân lý quan trọng nhất của cuộc đời mình. Khám phá ra điều kiện giản đơn để duy trì cuộc sống trên trái đất và cải thiện bản chất con người chính là tình thương yêu !
Lời cảnh báo của Tánh quá trễ nên đã trở thành vô dụng mất rồi !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGV - Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 1 2018, 22:56
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
hi hi hi... sắp đến hồi hấp dẩn rồi nhe.
NGV tui ráng chờ đọc tiếp chuyện tình giữa thầy Công và cô học sinh Hà đây.
Cảm ơn Lâm quán chủ nhiều lắm lắm.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 15
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 1 2018, 20:16
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHƯƠNG BỐN
Nếu tình trường là đấu trường, thì e rằng Công sẽ phải đánh xáp lá cà với không biết bao nhiêu tên mà nói. Một trong số đó lại chính là Hy, người bạn thân nhứt của chàng.
Hy học trường Y, chiều cao đứng thứ nhì trong bọn, chỉ kém Công chút xíu. Chàng có nét đẹp đầy nam tính với mũi cao, cầm vuông, trán rộng.
Hy thuộc gia đình khá giả, tiền bạc dồi dào. Lý do khiến y phải “giả dạng thường dân”, chui rút vào nơi hang cùng ngõ cụt nầy là vì Công.
Nhà Hy ở gần nhà Công nên họ chơi thân với nhau từ cấp một. Cho dù tính cách cả hai vô cùng khác biệt nhưng họ lại gắn bó với nhau như hai cực trái dấu của nam châm. Vì vậy nên Hy cố thuyết phục ba mẹ cho ở chung với cái nhóm bạn nghèo. Chàng được chấp nhận nhưng phải cam kết tuân theo các điều kiện : Tốt nghiệp loại giỏi, không vướng vào tệ nạn, không được có bạn gái, không quan hệ nam nữ khi chưa công thành danh toại.
Đại dịch si đa đang lan tràn là lý do chủ yếu giúp Hy toại ý. Ba mẹ Hy hy vọng năm chàng trai sẽ kiểm soát lẫn nhau và cùng tranh đua lành mạnh. Nhờ mấy đứa bạn nầy họ sẽ được cung cấp thông tin về thằng con một cách chặt chẻ và nhanh chóng, để kịp thời điều chỉnh nếu Hy đi chệch quỹ đạo mà họ đã vạch ra.
Cũng như những người giàu có khác, họ luôn nơm nớp, sợ con mình bị lủ bạn nghèo bòn rút, nên hết sức khắt khe về tiền bạc. Họ lại quan niệm nhiều tiền dễ mua tật, nên chỉ cung cấp cho chàng vừa đủ xài. Tuy mang tiếng con nhà giàu, ngoài chiếc xe đạp “xịn” hơn các bạn, số tiền dằn túi của chàng cũng chẳng hơn họ là bao.
Cái quan niệm “ đặng hào của, đông hào con” nay chỉ còn được giữ lại cái vế đầu. Mục tiêu cuộc sống đã dần thu gọn lại. Nỗi lo nhân mãn cùng lối sống tiêu thụ, khiến chẳng ai còn muốn sanh năm đẻ bảy nữa. Cái câu chúc “đầu năm sanh trai, cuối năm sanh gái” trong các lễ cưới, bị coi như lời như trù rủa. Vậy nên dù ba của Hy có một phòng trồng răng, mẹ có tiệm thuốc tây, dư sức nuôi cả bầy, Hy bắt buột phải làm đứa con duy nhứt.
Ba mẹ Hy không muốn sanh thêm vì sợ không thể chia đều các thứ. Tuy là con một nhưng Hy không hề được nuông chiều, muốn ngăn nào được ngăn nấy như những cậu ấm con cầu tự khác. Đôi khi chàng có ý nghĩ là mình được sanh ra để thực hiện những dự định mà hai đấng sinh thành hằng ấp ủ .
Họ khá thành công trong việc rèn cặp đứa con trai duy nhất của mình. Thể lực, trí lực của Hy đều được phát triển tối đa. Chàng là miếng đất được dọn cỏ, cày xới cẩn thận, hết sức mầu mỡ nên các hạt mầm tham vọng được gieo vào đều nẩy mầm, đâm chồi, trổ lá um tùm. Ba mẹ Hy nghiêng nặng về việc khuyến khích chàng trau dồi trí dục, thể dục hơn đức dục.
Tiêu chuẩn được Hy đặt ra cho chàng là phải ngoi lên hàng đầu trong mọi lãnh vực. Điều đó khiến Hy bị áp lực trong suốt thời niên thiếu của mình. Như một vận động viên điền kinh cắm đầu miệt mài trên đường đua, Hy chỉ chăm chăm qua mặt người phía trước và không để người chạy sau lưng đuổi kịp. Chàng chẳng có thời giờ đâu mà nhìn ngắm trăng sao và thưởng thức hoa thơm cỏ lạ quanh mình. Cách giáo dục ấy sẽ cống hiến cho xã hội một công cụ tuyệt hảo hơn là một con người hoàn thiện.
Vốn “con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi” nên từ khi học cấp ba Hy đã được các nữ sinh trong trường hâm mộ. Hy không để một bóng hồng nào lọt vào mắt xanh nên bị nghi ngờ là có vấn đề về phái tính.
Hy và Công thường kè kè bên nhau nên bị Liễu, cô bạn học cùng lớp, gán cái biệt danh “pê đê”, khiến họ bị rớt giá thê thảm, mất trắng thị trường tiêu thụ. Trong khi Công chỉ đỏ mặt đính chính thì Hy nghiến chặt răng, mặt lạnh như tiền và quyết chí trả thù.
Hy thực hiện bằng cách theo đuổi, chinh phục Liễu cho bằng được. Nghe đâu sau khi chứng tỏ cho cô ta thấy cái nam tính của mình rồi –Có người khẳng định là họ đã…với nhau - Hy liền lập tức chia tay. Hành động ấy khiến Liễu suy sụp tinh thần đến bỏ học, còn Hy thì bị hầu hết đám bạn trong lớp tẩy chay. Điều đó chẳng ảnh hưởng đến việc học của Hy một chút xíu nào. Bằng chứng là Hy đậu tốt nghiệp với số điểm tối đa. Bay một cái vèo vào trường Y, tuy không đậu cao chót vót nhưng cũng thuộc một trong những cành gần đọt.
Xem thế cũng đủ biết Hy là người không dễ để ai qua mặt hay làm bẻ mặt. Có thể so sánh Hy với một cây dao bén ngót, được làm bằng một loại thép cực tốt. Tùy mục đích sử dụng mà rất hữu ích hay vô cùng nguy hiểm.
Hy có lẽ là người có tiết tố testosterone cao nhứt trong nhóm. Chàng thích cạnh tranh, ưa quyền lực và là người duy nhứt đã thử qua trái cấm.
Hy không lãng mạn như Công. Tình yêu của Hy hết sức trần tục. Hy bị lôi cuốn bởi Hà có ngoại hình hấp dẫn, bị kích thích tính cạnh tranh vì cô được nhiều người theo đuổi.
Vốn tính ngạo mạn nên chàng đặt Hà đứng thấp hơn mình một bậc. Hy xem Hà như trái chuối chín vừa đủ độ, vàng ươm, thơm phức, chỉ muốn lột bỏ vỏ rồi cắn phập vào và ngấu nghiến giữa hai hàm răng. Chàng không tin Hà dốt đặc cán mai, nhưng cho rằng cô là gái làng chơi cao giá nhất trong xóm.
Hy xác định ngay từ đầu rằng Hà chỉ thuộc típ người giúp chàng thỏa mãn dục vọng mà thôi, chưa đáng tầm để làm người tình thì nói gì được cái danh phận vợ.
Hà đã nhận ra cái tính cách “con đực” của Hy nên đối với chàng bằng thái độ nửa khinh thường nửa khêu khích. Thế là Hy càng bị thiêu đốt trong ngọn lửa do chính mình tạo ra. Chàng hay nói xa, nói gần cho Hà biết rằng mình thuộc loại con nhà giàu, tương lai cao vời vợi như đỉnh Hy mã lạp sơn, hòng gieo cho Hà lòng ham muốn rồi tự nguyện hiến thân cho mình.
Biết Công thích Hà nên Hy không bao giờ để lộ ý định của mình. Trước mặt bạn bè Hy luôn tỏ vẻ cao ngạo, nhìn Hà có nửa con mắt. Thế nhưng hể thấy Hà ở nhà một mình là liền trèo ban công qua tán tỉnh.

Một đối thủ khác của Công cũng ở trong nhóm của họ. Dự đó !
Ba má Dự chỉ có hai người con trai mà thôi. Họ làm chủ cái tiệm tạp hóa vừa vừa trong quận. Họ là những người đi tiên phong trong xóm với việc dạy con không dùng roi vọt và đẩy chúng tiến lên bằng những lời khen.
Dự có một người anh tuy không sanh đôi nhưng lại cùng một tuổi. Người anh tên Do nầy, theo như má Dự nói, khi còn nằm trong bụng đã hành hạ bà khủng khiếp. Hể ăn thứ gì vào là ói ra ngay lập tức cho nên bị suy dinh dưỡng ngay từ lúc chưa chào đời. Sau đó lại bị dứt sữa sớm vì bà lại cấn bầu.
Dự bị sinh thiếu tháng nên được má chăm sóc tối đa. Hai bầu sữa của bà ưu tiên dành cho Dự, Do chỉ bú ké phần dư rồi uống sữa đặc bù thêm. Từ ngày có Dự, thân phận Do lại càng hẩm hiu.
Dự cho là tại mình hấp tấp ra đời nên Do phải chịu thiệt thòi. Phát xuất từ suy nghĩ đó, chàng tự thấy mình mắc nợ anh nhiều lắm ! Tình thương Dự dành cho anh hết sức sâu sắc. Do cũng thế, thần tượng hóa em mình hơn bất cứ ai.
Họ học chung lớp, Do bị tim bẩm sinh, hay xỉu nên lâu lâu Dự phải bỏ ngang buổi học để cõng anh về nhà. Các cô thầy trong trường thường đem anh em Dự ra làm gương cho học trò. Cái cảnh Dự săn sóc, che chở anh mình khiến ai cũng cảm động.
Học trò tánh vốn tinh nghịch, đôi khi độc ác một cách vô thức, thích hành hạ những đứa yếu kém hơn mình. Chúng hay ném những lời nói hoặc cử chỉ trêu chọc vào Do. Có lần Do đi toa lét trong trường, bị bọn chúng chặn ngoài cửa nên không ra được. Dự phải tả xông, hữu đột để cứu anh mình. Kể từ đó Dự theo kèm Do sát rạt ở mọi lúc, mọi nơi. Để đối phó với bọn trẻ tai ác ấy, Dự cố rèn luyện thân thể thật khỏe và xin ba má cho đi học võ.
Để bảo vệ anh không ít lần chàng giáng cho bọn trẻ những cú đá, cái đấm tóe máu. Chúng bèn liên kết nhau lại để tấn công Dự. Chàng thường về nhà với quần áo rách bươm, mặt mày xây xát. Tuy bị thương nhưng Dự không hề nao núng. Với cái quyết tâm không để cho Do bị rụng đến một sợi tóc Dự dốc sức rèn luyện võ nghệ. Thế là cái hổn danh “độc cô cầu bại” như tấm huy chương được gắn lên áo Dự.
Con người tạo ra huy chương rồi bị những cái huy chương ấy đóng dấu lên họ. Dần dần Dự cho là mình có nhiệm vụ "thế thiên hành đạo". Sẵn có sức mạnh và vài đường quyền lận lưng, Dự hể “giữa đàng thấy chuyện bất bằng” là ra tay liền.
Ngoài sắc đẹp ra, số phận nghiệt ngã của Hà còn khiến chàng càng chìm sâu trong dòng thương cảm. Dự phóng đại chúng lên gấp trăm lần rồi quyết tâm sẽ xã tấm thân anh hùng của mình để cứu độ mỹ nhân.
Thời kỳ nầy cái đẹp của cơ bắp được tôn vinh cao chót vót. Các cậu trẻ ráp nhau đi tập thể hình. Các cô gái bắt đầu ưa chuộng mấy chàng trai “sáu múi” hơn các ông nghè, ông cống có bộ khung lỏng lẻo. Dự cho rằng chỉ với cơ thể rắn chắc như sắt, mình dư sức lọt vào mắt Hà và nằm luôn ở trỏng. Huống chi lại văn võ song toàn.
Tự tin là bản tính nồng cốt của Dự, nên nếu có ai nói cho chàng biết là Hà chú ý đến chàng chỉ hơn cái cột đèn ngoài đường một chút, chắc Dự sẽ ngạc nhiên đến té xỉu.
Vốn có tinh thần thể thao nên Dự đã công khai việc theo đuổi Hà với Công. Chàng tuyên bố họ sẽ cùng nhau cạnh tranh lành mạnh. Cho dù thắng hay thua, tình bạn của họ sẽ không hề giảm sút.

Người thương Hà một cách vô điều kiện, hết mình chính là Tâm.
Tánh lại là người lên tiếng cảnh báo ông anh khờ khạo của mình, lại cầm sẵn bông băng để chờ chực cứu chửa như những lần khác.
Hai anh em sinh đôi Tâm và Tánh giống hệt nhau ở hình dáng bên ngoài như các cặp song sinh chung nhau một trứng khác. Thế nhưng tính nết lại hoàn toàn khác biệt. Tâm tuy làm anh nhưng do cái tật nói trước suy nghĩ sau nên hay bị Tánh, vốn điềm đạm hơn, sửa mũi mấn hoài hoài.
Đã vậy Tâm lại còn học kém hơn em vì thiếu khả năng tập trung. Trong mọi kỳ thi, do xếp chỗ theo alphabet nên hai anh em được ngồi gần nhau. Lợi thế đó giúp Tánh có điều kiện chuyền bài cho anh, nhờ vậy mà cả hai đều vượt qua một cách trót lọt. Càng ngày Tánh càng có uy thế, càng được Tâm trân trọng. Tâm dần phát sinh tính ỷ lại, thường nhường quyền quyết định cho Tánh, nên ai gặp lần đầu cũng ngỡ Tánh là anh, Tâm là em.
Ông cố, ông sơ của họ là những người đầu tiên theo chùa Nguyễn vào Nam mở đất. Từ hai bàn tay trắng họ dần dần gây dựng một cơ ngơi.
Ông nội của Tâm ngày xưa rất có vai vế trong làng. Ông là điền chủ, giàu có lên nhờ ruộng đất. Thế nhưng không cho con trai duy nhứt của mình, ba của Tâm, cầm cuốc, cầm cày mà buộc phải dùng cây viết và cục phấn kiếm cơm.
Ngẫm ra cái câu " nhứt sĩ, nhì nông... " đã vô tình làm giới nông ngóc đầu không nổi.
Nông dân tuy được xếp thứ nhì, nhưng thật ra đâu được tôn trọng đúng với công sức họ đóng góp cho xã hội. Những câu chê bai "đồ nhà quê" hay "quê rít, quê rang" thường ám chỉ những người, những sự vật có xuất xứ từ đồng sâu, nước mặn. Bà con lại nhiễm nặng cái tinh thần "nhứt sĩ" đó, nên hể ai giàu lên là lập tức xúi cháu, con mình bỏ đất.
Sự bạc bẻo ấy được thể hiện rõ rệt ở chỗ, dù là một nước nông nghiệp, nhưng đại học Nông lâm lại là lựa chọn sau cùng của hầu hết thí sinh đại học.
Có lẽ vì vậy mà nền nông nghiệp của nước ta tụt hậu thê thảm.
Ông Toàn, ba họ, được cho ăn học đến nơi, đến chốn. Ông thi đậu vào trường Đại học Sư Phạm rồi ra trường và dạy ở quận nhà. Thời đó giáo viên dạy từ lớp đệ Thất trở lên được gọi là giáo sư, được tôn trọng rất mực.
Vì là con trai duy nhứt nên ông bà nội Tâm kén dâu dữ lắm! Họ cố tìm cho đứa con cầu tự của mình một người vợ, chẳng những công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn, mà còn phải "môn đăng, hộ đối" nữa. Thế nhưng những chỗ ông cha ưng bụng thì ông con không vừa ý. Nơi ông con thích thì ông cha chẳng ưa. Giằng co qua lại cho đến khi ông nội, bà nội Tâm bị tai nạn rồi qua đời một lượt vẫn chưa được thỏa nguyện.
Khi ông nội còn sống, thường thổ lộ với mọi người cái tâm nguyện của mình. Đó là có ít nhứt một thằng cháu trai nối dõi, để không bị tổ tiên đang chờ sẵn ở suối vàng quở trách. Vì vậy nên khi ông chết mắt cứ mở, vuốt hoài không khít. Bà con đều đổ thừa tại thằng con chưa có vợ nên ông cha chẳng yên tâm nhắm mắt.
Ngay sau khi xã tang, ông Toàn kết hôn lập tức với một cô giáo dạy chung trường kém mình hơn một con giáp. Cô ta là cháu ngoại của người lực điền chăn trâu cho ông nội ngày trước.
Mẹ họ mang mặc cảm tự ti nên tôn thờ chồng như lãnh chúa. Bà không đẹp lắm nhưng rất có duyên, tánh nết hiền hậu, ôn nhu.
Làm vợ trong một gia tộc theo đúng tập tục trọng nam, nên bà chịu rất nhiều áp lực. Ông lại là người coi sóc cái phủ thờ của cả dòng họ nên khi bà mang thai cả hai đều hết sức vui mừng. Họ cùng ngày đêm khấn khứa, cầu xin ơn trên ban cho một đứa con trai đầu lòng làm vốn.
Khi hai người con lần lượt chui ra đều là gái, bà ngán ngược hết muốn sanh nữa, tính ngưng luôn nhưng ông nhứt định không cho đóng máy. Ông dựa vào tâm nguyện của ông nội mà năn nỉ bà hãy chìu ông, sản xuất thêm lần nữa. May mắn thay, sản phẩm sau cùng của bà là hai đứa con trai sinh đôi.
Khỏi phải nói là họ mừng như thế nào. Thế nhưng trong cái may lúc nào cũng có cái rủi bám theo. Vì có hơn hai con nên ông, bà bị hạ tầng công tác. Ông đang dạy cấp ba hạ xuống cấp hai, bà đang dạy cấp hai tụt xuống cấp một. Ông bất đắc chí nên bỏ dạy. Đất vốn bao dung, mở rộng vòng tay đón ông quay lại.
Bà ước mơ được đi làm cô giáo từ lúc nhỏ, hơn nữa cũng muốn có những khoảnh khắc thoát ra khỏi sự ràng buột của chồng, nên năn nỉ ông cho mình tiếp tục bám nghề, lấy lý do để tiện rèn cặp con cái sau nầy.
Trách nhiệm của bà từ đó nặng nề hơn, cũng may chỉ đến lớp một buổi trong ngày, nên có thì giờ ra đồng cùng chu toàn việc nội trợ.
Ông không có kinh nghiệm, lại không yêu nghề nông, nên mấy năm trời bỏ công sức vào ruộng rẫy mà chỉ lỗ hoặc may lắm là huề vốn. Năm nào may mắn trúng mùa thì lại bị ép giá sát ván. Để hai cậu quý tử được ăn học tới nơi, tới chốn. Hai người con gái đầu phải bỏ học góp sức kiếm tiền. Ngôi vườn được hai chị em trồng thêm rau cải bầu mướp để hái bán. Cả bốn người đều dốc sức trau dồi cho hai viên ngọc quý là Tâm và Tánh, sao cho chúng lên nước bóng ngời để thiên hạ phải chói mắt .
Người ta thường nói trong hai đứa con sinh đôi hể đứa nầy dư thì đứa kia thiếu. Và cái đứa bị đá văng ra trước thường bị lép vế hơn cái đứa ra sau. Điều nầy ứng dụng ngay chóc vào trường hợp của hai anh em họ.
Tâm hấp tấp bao nhiêu thì Tánh thận trọng bấy nhiêu. Tâm hời hợt thì Tánh sâu sắc. Tâm “miệng đít vịt xiêm” thì Tánh là con cóc mà hể nghiến răng một cái là ông trời tối tăm mày mặt.
Tánh thấy Tâm hay thừ người nhìn Hà, vẽ đủ tư thế của nàng trong quyển tập thì rầu hết biết. Tánh nói xa nói gần cho Tâm hiểu là chàng chẳng bao giờ lọt vào mắt của Hà đâu, và cha mẹ mình cũng không thể nào chấp nhận một người con dâu làm cái nghề bán… nuôi miệng. Thế nhưng chẳng thể ngăn Tâm bước vào tử huyệt.
Tánh thở dài, nhìn gương mặt bèo nhèo vì bị ái tình hành hạ của anh mình một cách chán nản. Rồi lại nghĩ đến cha mẹ, hai chị mình đang vất vả kiếm tiền mà xót ruột biết bao nên tức tối quát to :
-Trời ơi ! Tội nghiệp cho cha mẹ, chị Hai, chị Ba làm đến thúi móng tay rồi dành dụm từ đồng từ cắc để nuôi anh ăn học. Họ trông cho tụi mình đổ đạt, nên người để tự lo thân, để họ được nghĩ ngơi một chút. Tội nghiệp cho ông nội dưới suối vàng biết mấy ! Nếu biết thằng cháu đích tôn của mình cam tâm tình nguyện chết dưới tay một cô gái giang hồ, chắc ông sẽ đội mồ sống dậy mà bẻ anh lọi cổ.
Không những giận anh mình, Tánh còn ghét lây cả Hà. Mối ác cảm dành cho cô bắt đầu hình thành trong chàng từ đó!
Tánh rất tự hào về ông nội. Vốn có tâm nguyện khôi phục cái quá khứ vàng son của gia đình, nên Tánh rất chăm chỉ học hành, không lãng phí thì giờ vào việc theo đuổi các bóng hồng.
Tánh nhớ nằm lòng lời mẹ dặn:
-“Làm con trai phải đặt sự nghiệp lên hàng đầu. Con mà công thành danh toại rồi thì tụi con gái nó đứng xếp hàng trước mặt, tha hồ muốn chọn đứa nào cũng được”.
Tánh đã thấy bao nhiêu cuộc hôn nhân lấy nhau vì tình rồi thất vọng và chia tay nhanh chóng. Chàng tự hứa với lòng rằng chàng sẽ cưới trước rồi yêu sau cho chắc ăn.
Tánh gần gũi với mẹ nhiều hơn cha. Sự hy sinh của mẹ khiến Tánh quyết học tập hết mình để sớm đền bù lại công lao trời biển ấy. Chàng muốn đem lại niềm vui cho mẹ thật nhanh và thật nhiều.
Một lần khi hai mẹ con trò chuyện, chàng đã tâm sự :
-Sau nầy con sẽ để cho mẹ chọn dâu.
Mẹ cười :
-Tiêu chuẩn của mẹ khác con. Người già nhìn bên trong, người trẻ nhìn bên ngoài. Rủi con không hợp nhãn, không có hạnh phúc lại trách móc thì mẹ buồn lắm !
Tánh lắc đầu, hứa chắc :
-Con sẽ thương bất cứ người nào mà mẹ chọn. Bởi muốn mẹ vui, con sẽ yêu vợ hết lòng và nhờ vậy gia đình ta sẽ rất hạnh phúc, đầm ấm.
Câu nói ấy đã khiến bà rơi nước mắt
Tánh là người thận trọng. Chàng không thi vị hóa Hà như Công. Không ham muốn Hà như Hy. Không tự cho mình là anh hùng rồi ôm mộng cứu độ Hà như Dự. Không mù quáng như Tâm. Tánh khảo sát Hà qua lớp kính hiển vi rồi phân loại từng con vi trùng một !
Những cô gái như Hà, Tánh cho là nguy hiểm nhứt đối với đàn ông và xã hội.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 16
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 1 2018, 16:25
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHƯƠNG NĂM

Cứ khoảng mười giờ sáng trở đi là tiếng rao lảnh lót : “ Chè đậu xanh, nước cốt dừa, đường cát trắng đây ! “ vang lên khắp xóm.
Cho dù không có người gọi, Nụ cũng dừng bước rồi đặt cái gánh chè dưới bóng mát của cây trứng cá. Từ ngày năm chàng sinh viên chuyển đến, Nụ giữ ý nên không còn ngồi ké dưới mái hiên của căn nhà Hà trọ, đối diện lớp “bụi đời”. Nụ tháo cái nón lá xuống, quạt phần phật để nhanh chóng làm khô những giọt mồ hôi trên mặt.
Hai cô gái cao cao, gầy gầy như nhau từ từ đi tới. Nụ rút mấy cái ghế nhỏ giắt quanh gióng ra, lau sơ sơ rồi đặt trước mặt mình. Họ biết nhau rành quá nên cô chẳng cần hỏi han, mời mọc, thản nhiên múc chè vào chén đưa cho khách.
Huê, cô gái có mái tóc ngắn và làn da nâu, đưa bàn tay với năm cái móng sơn trắng ra cầm chén chè rồi nói:
-Sao mầy hổng nấu chè khác ? Ăn quanh năm, suốt tháng cái món chè đậu xanh hoài ngán thấy bà cố.
Nụ cười :
-Em nấu nó quen tay rồi, đổi thứ khác sợ không ngon, bị chê, bán ế nhệ.
Rồi múc chén chè thứ nhì đưa cho Phụng. Cô gái tóc dài, da trắng, móng tay sơn đen nầy nói:
-Nấu thứ khác làm chi. Chè đậu xanh ngon mà mát nhứt, nhiều người ưa nên dễ bán. Em mà đổi thứ khác là chỉ có một mình nó ăn thôi.
Nụ cười :
-Có lần em thử nấu chè đậu đen, bán khắp xóm chỉ được có hai chén. Mấy chỉ nói ăn chè đậu đen xui lắm, kiếm khách không ra còn đánh bài thì lủng túi. Làm bữa đó em gánh vòng vòng tới Sài Gòn, chừng bán hết về tới nhà là đỏ đèn rồi. Hai cái chưn muốn rụng còn bị chửi thê thảm.
Huê hỏi Phụng :
-Hồi tối mầy được mấy “quắn” ?
Phụng đáp:
-Một thôi, bao suốt đêm .
- Bao nhiêu ?
-Một triệu.
-Sướng nhé !
Phụng đưa chén chè cho Nụ cầm giùm rồi vén tóc, kéo cổ áo thấp xuống chỉ những vết răng trên ngực cho Huê thấy rồi nói:
-Sướng gì, mầy coi nè !
Huê xót xa :
-Trời đất ơi ! Mầy gặp cái thằng có bệnh rồi. Mấy thằng thuộc loại nầy tàn nhẫn lắm ! Phải nó đi chiếc TOYOTA màu trắng hông ?
Phụng gật đầu:
-Tao thấy nó có vẻ sang trọng nên mừng húm, ai mà dè.
Huê thở dài :
-Tao còn thù nó thấu xương. Lần đó tao bị nó châm tàn thuốc khắp mình hết trơn. Tới bây giờ còn mang thẹo nữa đó. Tao mà gặp nó lần nữa là thủ sẵn dao rồi đâm cho nó một nhát.
Phụng can:
-Đừng có nói ẩu, rủi nó bị con nào thanh toán là mầy lãnh đủ đó ! Khi không bị ở tù oan mạng.
Nụ nghe hai cô gái đối đáp với nhau mà bất giác rùng mình. Hoàn cảnh Nụ không sáng sủa, bị má nuôi hành hạ chẳng nương tay, mấy lần Nụ định bỏ đi nhưng khi nghe mấy cô gái như Huê, như Phụng tâm sự, Nụ hết dám.
Nụ bỗng buột miệng:
-Sao hai chị không bỏ cái nghề nầy rồi kiếm việc khác mà làm ?
Huê thở dài :
-Ai mà thèm mướn tụi tao? Với lại ở không, nằm ngửa quen rồi, ra đường bon chen chịu sao nổi. Ước gì có một ông thiệt là già, thiệt là giàu, cưới tao. Tao sẽ sử dụng hết ngón nghề, khiến cho thằng chả ngũm sớm rồi ôm trọn tài sản.
Nụ cười:
-Sao chị ác dữ vậy ?
Huê trợn mắt:
-Ác cái gì ? Đó là cái chết sung sướng nhứt! Thằng cha nào mà không khoái.
Phụng can :
-Thôi mầy ơi, đừng có đầu độc nó bằng mấy câu chuyện tầm phào. Con người ta còn nhỏ, đang là tờ giấy trắng, tay tụi mình lấm lem hết rồi, đừng có đụng vào.
Huê cười :
-Nhỏ gì mà nhỏ. Hồi bằng tuổi nó là tao bị bà má bắt đem bán rồi.
Huê trả cái chén cho Nụ rồi móc gói thuốc lấy ra một điếu đốt.
Phụng rầy :
-Tao thấy cỡ nầy mầy hay ho dữ lắm đó, hút thuốc cho dữ vô !
Huê mỉa mai :
-Coi bộ mầy yêu cái nghề nầy dữ dội. Ráng giữ sức khỏe để làm cho lâu phải hông ?
Phụng đáp, giọng buồn buồn :
-Đời tao coi như bỏ đi rồi. Có điều lỡ có con thì phải ráng sống mà nuôi cho nó nên người.
Huê nói:
-Tao coi bộ mầy rồi cũng giống như chị Đông Sương.
Phụng hỏi:
-Chị đó là ai ?
Huê đáp :
-Chỉ cũng như tụi mình vậy đó ! Cũng có con, gữi cho người ta nuôi như mầy.
Phụng hỏi tiếp :
-Tao giống chỉ chỗ nào ?
Giọng Huê bùi ngùi:
-Ở cái chỗ là phải bỏ đi biệt xứ để cho con khỏi xấu hổ.
Phụng hỏi :
-Bây giờ chỉ ở đâu ?
Huê lắc đầu :
-Không biết ! Năm kia con Vy nó nói gặp chỉ ở cái chùa trên núi Trà Cú, chỉ cạo cái đầu trọc lốc hà, chỉ cố tránh mặt nên nó không dám hỏi.
Huê rít một hơi thuốc thật sâu rồi nói:
-Mấy tháng sau tao với nó lên đó kiếm mà không gặp chỉ.
Phụng nói:
-Chắc chỉ không muốn gặp tụi mầy để khỏi nhớ chuyện cũ chớ gì ?
Huê gật đầu :
-Tao cũng nghĩ vậy nên không đi tìm chỉ nữa.
Phụng hỏi tiếp:
-Chỉ có mấy đứa con ?
Huê đáp:
-Một thôi ! Con gái !
Phụng lại hỏi:
-Làm sao nó biết chỉ làm nghề nầy ?
Huê đáp :
-Ông già chồng tương lai của nó là khách hàng quen thuộc của chỉ. Khi hai gia đình giáp mặt chỉ mới té ngửa. Ổng cũng tốt, chịu đi cưới nó cho con trai, với điều kiện chỉ không được xuất hiện trong đám cưới, bỏ nghề và tuyệt đối không được đến thăm con gái.
Phụng tức tối :
-Như vậy mà tốt sao ?
Huê cười gằn :
-Như vậy là tốt lắm rồi đó mầy ơi ! Ổng không nói huỵt toẹt ra cho con trai ổng với con gái chỉ biết, là phước ba mươi đời của chỉ rồi đó !
Huê thấp giọng :
-Chuyện nầy chỉ có một mình tao biết. Chỉ buồn quá nên mới tâm sự. Dặn đi, dặn lại hoài là đừng hé môi với ai.
Phụng cự :
-Chỉ tin tưởng mầy như vậy thì kể cho tao nghe làm chi ?
Huê cười :
-Thì tao cũng tin tưởng mầy nên mới kể cho mà nghe. Ba cái chuyện buồn để hoài trong bụng nặng nề lắm, nói ra cho nhẹ bớt.
Phụng rầu rầu :
- Đây rồi mai mốt tới phiên tao, chắc mầy cũng đi nói tùm lum…
Huê chận ngang :
-Mầy đừng có lo, tới chừng mầy làm xui là tao xí lắc léo từ hồi đời nào rồi !
Phụng đánh vào vai Huê thật mạnh, rầy :
-Nói bậy không hà !
Ngẫm nghĩ giây lâu cô nói :
-Cũng may tao có con trai.
Huê cười khùng khục :
-Đừng có mừng sớm ! Có con trai mầy còn khổ bằng hai con gái. Con trai sĩ diện lắm ! Lại thần tượng hóa mẹ mình. Nó mà biết mầy làm nghề nầy thì thương đổi thành hận. Dám từ mầy luôn, nếu tại mầy mà nó không cưới được đứa con gái nó yêu. Con gái nghiêng về cảm tính, con trai nghiêng về lý tính.
Phụng trêu:
-Biết rồi ! Đừng nói nữa “bà giáo sư” ơi !
Huê vốn thích đọc sách, hay nói “chữ” nên bị mấy cô bạn gọi mỉa như vậy.
Loan, cô gái thứ ba xuất hiện. Vừa thấy cô ta ngồi xuống là Nụ vói tay cầm cái chén lên lau, Loan xua tay:
-Tao ngồi chơi nói chuyện thôi, không ăn đâu !
Huê cự :
-Ăn giùm nó một chén đi, để rủi bán ế nó đổ thừa là tại tao mở hàng .
Rồi nháy mắt với Nụ :
-Cứ múc cho nó đi cưng ! Con nhỏ nầy nó hà tiện lắm ! Thèm gần chết mới lếch ra đây mà còn làm bộ.
Nụ cười cười làm thinh.
Loan thấy vậy liền nói :
-Bán cho chị hai ngàn thôi !
Rồi quay lại nhìn Huê mà nói :
-Cái con Hà em cưng của mầy đó! Coi bộ nó mê thằng cha thầy giáo rồi phải hông ?.
Huê đáp :
-Hổng dám đâu mầy ơi ! Nó kén lắm ! Không ai lọt vô mắt nó đâu !
Loan hạ giọng:
-Tao thấy hình như nó dính bầu rồi đó!
Huê hỏi :
-Sao mầy biết nó dính bầu ?
Loan đáp :
-Không dính bầu sao nó mặc đồ rộng rinh, mang dép thấp ?
Huê lắc đầu, giọng chắc nịch :
-Tao ở sát bên nó nên biết, họ không có gì với nhau đâu !
Loan cười mai mỉa :
-Hai căn nhà cụng đầu nhau, tụi họ leo qua cái một. Họ rình cái lúc mầy đi vắng hoặc ngáy khò khò mới xáp lá cà thì làm sao mầy biết được ?
Huê vẫn lắc đầu nguầy nguậy :
-Nó mà có bầu, cho dù với thằng cha nào đi nữa, tao cũng hiến cái đầu cho tụi bây làm ghế ngồi chơi !
Phụng hỏi:
-Sao mầy dám nói như đinh đóng cột vậy ?
Huê gật đầu:
-Nó còn chưa làm qua cái chuyện đó thì có bầu sao được ?
Loan cười hô hố :
-Trời ơi ! Nó là tiếp viên trong quán ba mà mầy làm như…
Huê ngắt lời:
-Con nhỏ nầy nó ngược đời hơn ai hết. Tao thấy nó ăn mặc sếc xy như vậy, tưởng đâu là nó dâm với thuộc loại dữ. Chừng đụng tới mới biết là nó sợ chuyện đó tới nổi da gà. Nó có võ đó nghe tụi bây.
Phụng hỏi :
-Võ gì ?
Huê lắc đầu :
-Tao không biết, nhưng giỏi lắm ! Mấy lần tao với con Lý bất thình lình xông lại ôm rồi đè nó xuống. Nó bức ra cái một còn làm cái tay tao đau muốn chết. Nó năn nỉ dạy tao hoài mà tao không thích, nên không chịu học.
Loan trề môi :
-Nó có nanh có vuốt mà mầy nói nó còn trinh làm tao mắc cười quá ! Hôm bữa chính tai tao nghe nó mời mấy thằng xin ăn, ý lộn, sinh viên mở hàng, còn đòi cho trả góp nữa kìa !
Huê cười :
-Con nhỏ đó nó hay làm ra vẻ dữ dằn lắm ! Nó nói cách phòng thủ tốt nhứt là tấn công ! Bởi vậy nó đổi chỗ ở, chỗ làm liền xoành xoạch. Hễ ở đâu xém lộ cái cốt "cọp giấy" ra là nó vọt liền.
Loan lắc đầu :
-Mầy ăn bùa mê, thuốc lú của nó rồi, nên nó nói cái gì cũng tin. Chơi lửa là phải phỏng tay, tao dám chắc là nó đã rách te tua, hổng chừng còn hơn tụi mình nữa.
Huê tức tối :
-Tao hỏi tụi bây nè ! Vậy chớ hai đứa mầy làm cái chuyện đó là vì thứ gì ?
Phụng đáp:
-Ngày xưa thì vì tình còn bây giờ thì vì tiền mà thôi !
Loan đáp :
-Tao thì một trăm phần trăm vì tiền.
Huê thở dài :
-Con nhỏ nầy không cần tiền mà cũng chưa có tình. Nó không xài tới cái vốn tự có là chuyện đương nhiên .
Loan gặng :
-Vậy nó lăn lộn trong mấy cái ba, ở cái xóm nầy để làm chi cho mang tiếng ?
Huê đáp :
-Nó đi tìm người.
Phụng hỏi :
-Nó tìm ai vậy ? Đàn ông hay đàn bà ?
Huê đáp :
-Đàn bà, hình như là chị ruột của nó.
Rồi lãng qua việc khác :
-Chuyện của con Nhung sao rồi ?
Loan đáp:
-Nó đi nạo rồi !
Huê thở dài :
-Nghĩ cũng tội nghiệp cho nó, tưởng cột cẳng được cái thằng cầu thủ đó, ai dè phải đi nạo.
Loan lắc đầu :
-Ai biểu nó ngu ! Tao đã nói trước rồi. Cái tụi đó nó chảnh lắm! Tụi mình chỉ để khi kẹt họ xài đỡ thôi, chừng muốn lập gia đình là chúng nó chọn mấy đứa có học với con nhà giàu không hà !
Huê nói :
-Nó bị trả quả rồi ! Ai biểu nó moi tiền của ông già, hành hạ ổng đã đời rồi bỏ nên bây giờ ông trời ổng phạt, cho nó bị cái thằng đó đá tơi bời.
Loan lắc đầu :
-Ông trời đâu thèm ngó tới tụi mình cho dơ con mắt. Tại nó u mê nên mới bị.
Phụng hỏi :
-Sao tao thấy nó tỉnh bơ vậy mậy ?
Huê cười :
-Mấy cái đứa không dám bộc lộ ra ngoài như nó dễ tự tử lắm nghe ! Có điều nó còn đẹp, còn nhiều người mê, còn có cơ hội làm lại cuộc đời hơn mình nhiều.
Loan chắc lưỡi :
-Làm cái nghề nầy nhan sắc mau phai tàn lắm mầy ơi ! Tuột dốc mấy hồi.
Rồi nói với Phụng :
-Tao thấy mấy năm trước mầy cũng đâu có thua nó.
Câu nói có ý ngợi khen đó càng khiến Phụng thêm tủi. Gương mặt cô bỗng buồn hiu hắt.
Huê an ủi:
-Mầy bây giờ cũng còn đẹp lắm, còn có giá lắm ! Đừng lo !
Loan vét sạch chén chè đưa lại cho Nụ rồi nói:
-Múc cho tao thêm hai ngàn nữa đi !
Huê cười:
-Vậy sao hồi nãy hổng chịu ăn, chờ tao ép !
Loan cự nự :
-Mai mốt tao bị tiểu đường, mù mắt là mầy nuôi đó nghen.
Huê bỗng nói như hỏi một mình :
-Không biết con Chi bây giờ sao rồi hén ! Nó có nhập quốc tịch chưa ta ?
Loan ra vẻ sành sỏi :
-Chưa đâu mầy ơi ! Tao nghe nói phải thi tới, thi lui, khó lắm mới được vô.
Phụng nói, giọng nao nức :
-Trong xóm mình không có đứa nào may mắn bằng nó. Tưởng tiêu tùng ai dè.
Huê gật đầu :
-Nó nhờ gặp được cái ông nầy thương nó thiệt tình. Cho nên mới có nghị lực mà bỏ thuốc.
Loan trề môi :
-Ai nói đàn ông nước ngoài sòng phẳng, thiếu tình cảm. Tao thấy không ai tốt cho bằng cái ông đó. Nghe nói ổng trả hết tiền đứng cho nó gần hai trăm triệu lận đó.
Phụng giật mình :
-Dữ vậy sao ?
Huê hiểu nên nói rành rọt :
-Nó mượn có mười triệu thôi, mỗi ngày đóng cho bả năm chục ngàn tiền lời. Tụi bây tính coi, bốn năm là được bao nhiêu. Nó năn nỉ trả vốn mà bả nhứt định không cho, hăm he đủ thứ. Ông bồ nó xúi nó dọa mướn luật sư bả mới chịu nhả. Mười triệu tiền đứng để bốn năm thành một trăm sáu chục triệu. Tụi bây nhớ nghe, hể bả xáp tới là tránh liền, để bả dụ là chết.
Loan cay cú :
-Tao mà tới đường cùng là làm một vố thiệt to. Mượn bả cả trăm triệu, ăn chơi cho đã rồi nhảy xuống sông, quỵt luôn. Cho bả muốn đòi thì theo tao xuống thăm bà thủy.
Nụ hỏi :
-Tiền đứng là tiền gì vậy chị ?
Huê giải thích :
-Đó là đồng tiền mà mình vay rồi để đó đóng lời hoài chớ không được trả vốn!
Nụ kêu lên:
-Vậy thì ai mà dám mượn ?
Loan cười :
-Vậy chớ trong xóm mình nhiều đứa dính dữ lắm ! Con Hằng khi bị si đa, tự tử chết còn thiếu con mẹ Bảy cả bốn, năm chục triệu. Nghe kể lại đám ma nó, bả cầm cây nhang đốt rồi nói to “tiền con nợ má, má cho luôn đó “. Thế rồi cái tàn nhang đỏ rực rớt lên tay làm bả la chói lói. Tụi bây để ý coi, trên lưng bàn tay trái của bả còn cái thẹo đó !
Chờ Loan ăn xong, Huê móc túi trả tiền cho cả ba rồi nói :
-Thôi đi về, để cho con Nụ còn đi bán. Ăn có mấy chén chè mà kềm chưn con nhỏ cả tiếng đồng hồ. Báo hại nó về trễ rồi bị bà má nuôi dữ như chằng lửa của nó đập cho mềm xương.
Họ đứng lên một lượt. Loan bẹo má Nụ. Cô nói :
-Cưng đẹp gái quá trời, còn mơn mởn đào tơ như vầy mà dầm mưa dãi nắng làm chi cho khổ cái thân. Cỡ như mầy là kiếm tiền triệu triệu chớ đâu có ít. Đá phức cái gánh chè nầy rồi đi theo mấy chị cho sướng ! Đừng có yêu nghề như tụi tao, làm vài tháng kiếm tiền làm vốn rồi nghĩ. Nếu may mắn gặp gặp người tốt thì làm vợ nó luôn !
Huê đấm vào lưng Loan một cái thật mạnh rồi nói :
-Mầy xúi nó làm…bộ không sợ thất đức hay sao.
Phụng thở dài:
-Tao cũng nghĩ y như nó vậy, tính làm nhiều lắm là một năm, đâu dè dính chấu tới tận bây giờ.
Rồi khuyên Nụ :
-Cái nghề nầy vô thì dễ mà ra thì khó nhứt. Đừng có tin lời nó !
Huê nói thêm :
-Đừng nghe cái con quỷ nầy xúi bậy nghe mậy. Nó khùng mà ác nữa đó !
Loan đáp :
-Tao thấy cái thân con nuôi không ra con nuôi, con ghẻ không ra con ghẻ của nó, trước sau gì cũng bị bán đứng thôi hà ! Rồi cũng lâm vô cái cảnh “Cũng liều nhắm mắt dang chân…” như tụi mình thôi ! Ngu sao để cho người ta bán, thà mình bán mình cho đỡ tức.
Chờ ba người họ đi khuất rồi, Nụ mới đặt cái gánh lên vai uể oải bước đi. Cô nghe lòng sầu rười rượi nên tiếng rao “chè đậu xanh, nước cốt dừa, đường cát trắng đây”, nghe đặc quánh vị buồn.

Nụ là cái tên của Huê đặt cho cô gái bán chè hiền lành xinh xắn ấy.
Lần đầu tên gánh gánh chè tới cái xóm nầy, Nụ gặp Huê trước nhứt. Nghe Nụ xưng cái tên “Lủng”, Huê liền kêu lên:
-Trời đất ơi ! Bây giờ đâu ai còn đặt mấy cái tên như vầy cho con gái nữa.
Rồi hỏi tiếp :
-Bộ mầy là con cầu tự, con cưng, khó nuôi lắm hay sao mà ổng bả đặt cái tên kỳ cục như vầy cho khỏi bị quở ? Khỏi bị mấy người khuất mặt, khuất mày bắt cóc vậy ?
Nụ, lúc đó còn mang cái tên Lũng kia, lắc đầu :
-Em đâu phải là con ruột, em là con nuôi, ba em ổng lượm em ở cái đống xà bần trong công trường, lúc đó em vừa mới được sanh ra chừng hai ba ngày gì đó. Ba nói cũng may mà em khóc dử quá nên ba mới nghe tiếng rồi dừng xe lại coi thử. Lúc đó là buổi chiều ba đang đi làm về, nếu em ngủ khì thì ba đâu có phát hiện, tối đó chắc bị mấy con chuột xơi tái, tại ở công trường chuột cống nhiều lắm, con nào cùng bự bằng con mèo.
Huê hỏi tiếp :
-Ba má nuôi của mầy đó, họ có thương mầy không ?
Nụ gật, rồi lắc.
Huê trừng mắt hỏi:
-Có thương hay không ?
Nụ cắt nghĩa :
-Ba thì thương còn má thì không .
Huê hỏi :
-Tại sao vậy ?
Nụ đáp :
-Tại má nghi em là con riêng của ba. Lúc ba bồng em về thì má đang có thai. Má ghen quá trời cho rằng ba ngoại tình, ăn nằm với một người đàn bà khác nên mới có em. Má nhứt định bắt ba bồng em đem trả lại chỗ cũ, ba không chịu thế là má tự làm, hai người xô xát làm má bị té rồi cái thai bị sẩy. Từ đó mà má thù ba dữ dội. Nghe mấy người trong xóm nói má đổi tánh là tại vì em, họ cũng nói em giống hệt ba nên má nghi là phải.
Huê chép miệng:
-Tội nghiệp ba mầy quá! Chắc ổng bị bả hành hạ dữ lắm hả?
Nụ đáp:
-Dạ! Nhưng mà người bị má hành nhiều nhứt là em. Má nói tại em mà má không đẻ được nữa. Khi em hơi lớn lớn ba đòi gởi em về nội thì má lại không chịu. Có lần ba lén dắt em về quê giao cho cô hai, em sướng được có mấy ngày là má về bắt lại, dắt em về nhà rồi hăm ba mà làm như vậy một lần nữa là má châm ữa đốt nhà.
Huê thở dài:
-Coi bộ ba mầy chắc hổng sống yên với bả , chắc gia đình mầy ì xèo nhứt xóm hả! Còn ba mầy ổng có thương mầy không?
Nụ gật đầu:
-Ba thương em nhiều lắm ! Lúc còn đi làm hồ ba hay cho tiền rồi biểu em ăn cho hết đừng có để dành. Em không chịu nghe, ăn nhín nhín, để dành tiền rồi mua búp bê. Thế là má biết được, má gây lộn với ba dữ lắm, rồi đòi đem em đi cho người khác nuôi, lần nầy còn quyết liệt hơn. Ba năn nỉ, hứa đưa tiền hết cho má, má mới chịu. Từ đó ba không cho tiền em nữa. Nhưng hể má không ở nhà là ba dắt em đi chơi, cho ăn thả cửa mới thôi !
Ngừng một lát, Nụ rơm rớm nước mắt nói tiếp :
-Từ ngày ba bị té từ trên giàn giáo xuống, nằm một chỗ, em không được đi chơi, được ăn mấy cái món ngon đó nữa, mà còn bị đòn hà rầm. Bị bắt đi bán chè. Gánh cái gánh nặng muốn xệ vai, cao hết nổi !
Huê xúi :
-Chắc bả cho mầy ăn cực lắm hay sao mà mầy ốm nhách, ốm nhom vậy? Mầy xén bớt tiền lại rồi ăn cho đã đời chớ tội gì mà nhịn.
Nụ lắc đầu:
-Má em canh kỹ lắm. Má lường hết rồi! Mỗi ngày em phải đem về cho má đúng một trăm hai chục ngàn.
Huê lại hỏi:
-Tên của mầy là do bả hay ổng đặt ?
Nụ đáp:
-Chắc là má. Tại má thích gọi em bằng cái tên đó lắm. Còn ba chỉ kêu em là con thôi hà !
Huê nói :
-Cái tên quan trọng lắm ! Có khi mình bị xem thường chỉ vì nó. Đặt cái tên ma chê, quỷ hờn như vầy cho mầy, chứng tỏ bả ghét mầy dữ dội, liệu hồn đó con !
Rồi lắc đầu, nói một cách tiếc rẻ :
-Mầy xinh đẹp quá trời ! Còn nguyên vẹn như thế nầy mà mang cái tên như vậy thiệt là uổng.
Rồi cô xúi:
-Bây giờ mầy lớn rồi sao không tự mình tìm về quê nội mà ở?
Nụ thở dài:
-Em mà đi chắc ba em buồn lắm! Không ai nói chuyện với cũng đâu ai đem tiền về cho má đi chợ.
Huê chặc lưỡi:
-Bộ bả không có làm cái gì hết hay sao?
Nụ đáp:
-Má em lãnh giấy tiền vàng bạc về nhà làm thêm, em đi bán về xong là làm phụ má, có khi chủ họ đòi lấy sớm sớm em phải thức tới sáng mà làm cho xong nữa. Bởi vậy tối em cũng đâu có rảnh mà đi học cho biết chữ với người ta.
Suy nghĩ một lát, Huê nhận xét:
-Xem ra mầy chỉ có mỗi cái mặt, cái mình là có giá trị mà thôi! Để tao đặt cho mầy cái tên khác nghe ?
Thấy Nụ do dự, Huê liền thuyết phục:
-Mai mốt chết cái danh “con Lủng bán chè” nghe kỳ thấy bà cố !
Nụ lắc đầu:
-Má em mà biết chắc giận lắm ! Thôi, em hổng dám đâu !
Huê nằng nặc:
-Làm sao mà bả biết được ? Mầy bỏ cái tên “Lủng” đó ở nhà để bả xài cho đã đời đi. Đi bán có ai hỏi thì mầy xài tên khác. Thử nghĩ mà coi ! Rủi có thằng nào nó thích mầy, nó hỏi “em ơi em tên gì ?” . Mầy mà trả lời “em tên Lủng” là nó dội ngược liền.
Nụ cãi:
-Cái tên đâu có ăn nhầm gì, đâu phải tên làm sao người làm vậy! Xóm em đó có ông hai làm nghề mài dao, ổng tên giàu mà nghèo quá cỡ!
Huê cắt nghĩa:
-Bộ mầy không biết con gái còn nguyên mới có giá hay sao? Mầy bị lủng rồi thì ai mà thèm rớ tới. Bả cố ý đặt cái tên đó cho mầy ở giá suốt đời, hoặc có chồng cũng bị nó nghi ngờ rồi hành hạ cho mầy sống không được mà chết cũng không xong.
Nụ rút vai:
-Nếu mà thiẹt như vậy em không lấy chồng đâu!
Huê nạt:
-Bộ mầy tưởng muốn là được hay sao? Tao hồi đó cũng vậy, cứ tuyên bố với tụi bạn là nhứt định ở giá trọn đời, còn lập ra cái hội "không lấy chồng" nữa, ai dè mới mười bảy tuổi là bị bà má đem đi bán liền.
Nụ hỏi bằng giọng thương cảm:
-Tội nghiệp chị quá! Sao bả ác quá vậy?
Huê thở dài:
-Bả mê đánh bài quá cở! Ông già tao lúc còn sống khuyên hoài không được, ổng chán quá nên bỏ đi chầu diêm vương. Từ đó đồ đạc trong nhà bị bả đem bán hết không còn thứ gì có giá trị, căn nhà cũng bị bả đem cầm luôn, không bán tao để lấy tiền chuộc là ra đường mà ở.
Rồi khoe:
-Cho mầy biết, nhờ bán tao mà bả có tiền chuộc lại cái nhà còn sang được cái xe nước mía nữa.
Nụ hỏi tới:
-Vậy sao chị không bán nước mía mà làm cái nghề nầy?
Huê thở dài:
-Tao đâm đầu vô yêu một thằng ma cô, nó xài cho đã rồi đem tao đi bán. Mầy coi đó! Cái số tao nó khổ còn gấp mười lần cái bà Kiều của ông Nguyễn Du nữa, bả chỉ vô nhà chứa có hai, ba lần còn tao cả chục bận luôn. Bả còn được cái ông Từ Hải mê rồi nhờ ổng mà trả được thù...còn tao thì...
Nụ ngắt ngang:
-Chị Kiều là ai vậy chị, chỉ còn ở xóm nầy hông?
Huê nhìn Nụ rồi hỏi một câu lạc đề:
-Mầy có mê đọc thơ, đọc truyên không?
Nụ cười, lắc đầu, nhắc:
-Em đâu có biết chữ mà đọc mấy thứ đó! Bộ chị quên rồi sao?
Huê thở dài:
-Mầy đã dốt còn mang cái tên đó nữa thì coi như cuộc đời sau nầy thúi hoắc như hột gà un rồi con ơi! Không có thằng nào thèm thích mầy đâu!
Nụ cãi lại:
-Thích thì người ta thích cái mặt mình chớ bộ !
Huê lắc đầu, giải thích :
-Cái tên như cái quần, cái áo vậy mầy ơi ! Phải đẹp, phải sạch, người ta mới có cảm tình, mới chịu chơi với mình. Chớ mầy mặc quần lủng, áo lủng giống mấy con khùng thì ai mà cho tới gần.
Huê hăm:
-Mấy con nhỏ ở đây mê tính lắm đó nghe mậy ! Tụi nó mà biết mầy tên Lủng là không dám ăn đâu, sợ lủng túi. Hể đánh bài là thua, hể "đi" là bị khách "xù".
Cái tên Nụ được khai sinh từ đó.
Người ta thường nói gần mực thì đen, thế nhưng hàng ngày Nụ nhờ nghe chuyện của mấy nàng ở đây nên đã biết giữ thân, không sa vô cái nghề tủi cực nầy. Nụ đã từng nghe những lời mời mọc của mấy mụ tào kê rất nhiều lần nhưng cô vẫn lắc đầu từ chối.
Cái gương mặt còn xa lạ với son phấn, cùng chiếc áo bà ba, quần đen, nón lá ấy, khiến Nụ trông thật hiền, thật thuần khiết giữa những chiếc áo dây và quần jean lưng xệ rách te tua. Vẻ tương phản đó khiến Nụ được cư xử khác hẳn. Được các cô gái ở đây bảo bọc.
Thân phận của Nụ khiến các nàng Kiều cảm động. Hể có dịp là họ giúp đỡ, dạy dỗ, khuyên bảo…Họ không dùng lời ngọt ngào, trau chuốt mà thể hiện tình thương bằng những hành động cụ thể. Gánh chè đậu xanh của cô được họ ủng hộ tối đa. Có hôm họ cá độ với nhau, hể ai thua là đãi cả xóm ăn chè. Mấy dịp đó Nụ chẳng cần quảy gánh đi xa, bán một lát hết veo, tha hồ ngồi hóng chuyện.
Sự xuất hiện của Nụ trong xóm trở nên cần thiết đối với họ. Nhờ thương yêu, che chở cô mà họ phát triển nhân tính, rồi tìm thấy ở Nụ những điều tốt đẹp của mình. Điều đó giúp họ gột bỏ bớt cái mặc cảm tự ti, thỏa hiệp với đời và yêu quý bản thân hơn.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: XÓM "..." 17
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 1 2018, 19:02
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHƯƠNG SÁU.
Gần tết, thời tiết hay thay đổi bất thường. Nó mang tính khí của một cô gái đẹp đỏng đảnh, khi vui, khi giận, chẳng ai có thể lường trước được.
Đây là thời điểm mà không gian và thời gian như cùng bịn rịn.
Tiết trời se se, bầu trời đùng đục và những tảng mây vừa trôi vừa ngủ gục ấy như cùng phối hợp để gợi lên một xúc cảm không tên, đứng bấp bênh ở giao điểm của các cung cảm xúc.
Những ngày sát đáy năm, Xóm “…” như con sông với hai dòng nước ngược chiều bên trong, bên đục.
Những căn nhà của các cư dân lao động bình thường đã được tu bổ lại để đón tết. Những bức tường loang lổ, những khung cửa xệu xạo được sơn sửa lại. Hầu hết chúng đều mang màu xanh, màu được ưa chuộng nhất, kế đó là màu trắng và vàng nhạt.
Tiệm uốn tóc chật kín khách. Tấm bảng "cần thợ phụ, lương cao" được treo trước cửa cho biết, mùa tết là mùa hái ra tiền của cái nghề làm đẹp cho phụ nữ nầy.
Những khách hàng từ trong tiệm bước ra. Họ chẳng những mang mái tóc mới, gương mặt mới mà cả một tâm hồn mới để chuẩn bị đón tiếp một nàng xuân cũng mới tinh luôn !
Ngược lại, những căn nhà trọ hình như xấu thêm, cũ thêm, buồn thêm...
Chúng và những cô gái trong ấy giống như con kinh vào thời điểm con nước ròng sát đáy, phô bày hết thảy mấy thứ tích tụ lâu đời. Những cô gái cho dù vẫn điểm trang, ăn mặt là lượt nhưng lồ lộ vẻ chán chường mệt mỏi. Với những nụ cười đông cứng trên môi, trông họ như mấy ma nơ canh bằng nhựa đứng trong tủ kính của các tiệm may.
Không khí trong lớp cũng uể oải, kém sinh động hơn mọi khi. Công cố gắng pha trò nhưng chỉ thu được những nụ cười gượng gạo. Nét mặt các cô gái cũng như tấm bảng xóa chưa sạch đang treo trên tường, vẫn còn giữ lại vết tích của một tâm hồn sứt sẹo. Những đôi mắt mà nét chì bôi chưa hết ấy như sâu hơn, âm u hơn. Trông nó mới mệt mỏi và buồn bả làm sao !
Huê, người hay trêu chọc ông thầy trẻ, ngày thường vừa vào lớp là nả đạn tới tấp cũng ngậm hột thị im ru, không thèm phát ra bất cứ một âm thanh gì.
Để phá tan cái bầu không khí ảm đạm. Công, người luôn thành công trong việc gieo và gặt những tiếng cười, tằng hắng một tiếng rất to rồi hỏi:
-Đố mấy chị ở bên Mỹ giờ nầy người Việt mình đang làm gì ?
Chẳng ai trả lời, chỉ có Lý, cô gái có tánh lanh chanh nhất hỏi lại:
-Họ đang làm cái gì hả thầy ?
Công đáp tỉnh rụi :
-Tui cũng không biết !
Nếu hôm khác chắc cả lớp cùng cười. Hôm nay, Công chỉ thu hoạch được vài cái nhếch môi !
Chưa chịu thua, Công lại cố gắng :
-Đố mấy chị tại sao người ta hay nói câu “ chờ tới tết Công gô”.
Lý lại đáp:
-Tại Công gô không có tết .
Rồi không tin mình trả lời đúng nên hỏi lại:
-Họ có ăn tết không thầy?
Công gật đầu :
-Có, nhưng năm chục năm mới ăn tết một lần, mỗi lần kéo dài ba tháng.
Một cô hỏi :
-Họ có cúng giao thừa không thầy ?
Công lắc đầu :
-Giao thừa họ đổ ra đường nhảy múa, đón năm mới bằng không khí vui vẻ tưng bừng chớ không ở nhà cúng lạy ông bà, một cách trang trọng như nước mình.
Một cô hỏi:
-Tết nầy thầy có về quê ăn tết không ?
Công đáp :
-Về chớ. Còn mấy chị ?
Hỏi xong là Công hối hận liền vì biết đa số họ đều bị gia đình từ bỏ.
Huê đáp :
-Ai có gia đình thì về, ai không thì ở lại.
Hà hỏi Huê:
-Năm ngoái chị làm gì ?
Huê đáp gọn lỏn:
-Đánh bài.
Rồi nói tiếp:
-Không có cái thứ gì đốt thời gian nhanh bằng đánh bài. Tao ngồi suốt ! Đứt chến nầy, đậu chến khác. Từ sáng tới tối, rồi từ tối tới sáng. Trước khi đánh là tụi tao giao hẹn, đánh hoài tới chừng nào hết tiền hoặc gục tại chỗ. Tao nhờ ngồi dưới tay con Nương, nó mới biết chơi nên trên tay cầm lá bài gì cũng bị tao đoán ra tuốt luốt. Con nhỏ ngồi dưới tay tao chơi dỡ ẹc. Nó cũng bị tao ém bài nên không tới nổi. Tao tội nghiệp nên hể thấy nó sắp khô máu là nhả ra nớm cho chút chút.Tụi bây có tin không? Tao gom sạch tiền của ba đứa nó. Rả sòng xong tao ngủ một lèo. Mở mắt ra là sáng mùng ba. Đói meo, ráng lết ra tiệm mì ăn liền hai tô .
Hà hỏi:
-Chị đánh bài giỏi như vậy sao không giàu ?
Huê hỏi :
-Mầy có nghe chữ “bài bạc” không ? Cái tiền ăn bài nó bạc lắm mầy ơi ! Nó không có chịu nằm lâu trong túi mình đâu. Năm ngoái mấy ngày tết tao ăn cả chục triệu, vậy mà mới qua tháng hai thì vét hết mấy cái túi gom lại cũng không đủ tiền để ăn một dĩa cơm.
Lý thở dài :
-Bà đâu có xui bằng tui !
Huê hỏi :
-Mầy xui cỡ nào, nói nghe thử coi.
Lý nói :
-Nói ra thêm tức chớ ích gì !
Chẳng ai van nài. Có lẽ bị chính sự thờ ơ ấy kích thích, Lý lại nói:
-Thôi để tui kể ra cho mấy bà rút kinh nghiệm. Cái nầy mới đúng là "kinh nghiệm xương máu" đó nghe! Nó chui rúc trong xương, trong máu nên rút ra đau điếng !
Nói xong Lý lại làm thinh, như muốn trêu chọc mọi người
Huê liền thúc cùi chỏ vô hông Lý rồi hối:
-Kể đi, sao im ru vậy ?
Lý lắc đầu:
-Tui hết muốn nói rồi !
Huê đưa bàn tay với ngón trỏ và ngón giữa cong vòng sát vô mặt Lý rồi hỏi :
-Mầy có tin là bị tao móc hai con mắt, rồi ném ra đường cho chó ăn hông ?
Lý ngước đầu như cố nuốt cục cơm đang chẹn họng xuống. Bỗng khi không quay ngược, nhìn ngay chóc vô mặt Công mà hỏi :
-Thầy có biết tại sao tui vô đây học không ?
Công cười :
-Chắc chị muốn học tiếng Anh để đổi đời…
Lý lắc đầu:
-Tui sợ chữ từ hồi nhỏ lận. Tui vô đây đây với một mục đích là phá cho thầy sập tiệm.
Công ngạc nhiên :
-Tôi làm cái gì mà chị ghét dữ vậy ?
Lý không đáp. Cô bắt đầu câu chuyện của mình :
-Năm kia, tui có quen một thằng trước tết độ hơn tháng. Nó tự xưng là sinh viên. Nó rất trẻ, đẹp trai, tướng tá như ông thầy của mình, cái mặt cũng hiền khô nên tui tin răm rắp. Nó nói có căn nhà ở Bảo Lộc, rủ tui về đó ăn tết. Tui đồng ý. Hai mươi chín nó chở tui bằng xe gắn máy, đi vòng vèo cả ngày trời mới tới một căn nhà nằm trong cái vườn trồng cà phê. Nhà đẹp lắm, tiện nghi đầy đủ. Nó biểu tui ở nhà để nó đi mua đồ về cúng giao thừa. Tui mừng mừng, nghĩ bụng năm nay mình ăn cái tết ra tết hẳn hoi. Lát sau nó về với bốn thằng bạn nữa.
Thấy năm thằng đều đi tay không, tui hỏi :
- “Đồ cúng đâu ?”.
Nó nói:
-“ Trễ quá chợ dẹp rồi.”
Rồi giới thiệu mấy người vừa đến nói là bạn học. Tụi nó đều trẻ măng nên tui hơi xem thường. Tui có chuẩn bị mấy gói mì với một đòn bánh tét nên nói :
-“Thôi khỏi cần, để tới giao thừa mình nấu nước châm một bình trà, tét bánh cúng cũng được. “
Thế rồi tụi nó rủ nhau đánh bài. Chúng moi trong túi ra mỗi đứa một cọc tiền rất to khiến tui tối mắt. Thế là nhảy vô giành một tụ. Ban đầu thắng liên tục, sau đó chắc chúng thông đồng với nhau nên đánh bài gì tui cũng thua hết. Tiền hết, tui nóng máu tháo dây chuyền, cà rá ra chơi luôn. Cuối cùng không còn thứ gì tui đem luôn cây nhà lá vườn ra đặt.
Nói tới đó Lý dừng lại, không ai dám mở miệng hỏi, bởi đã đoán trước đoạn cuối.
Lát sau Lý kể tiếp:
-Nghe tụi nó nói chuyện tui biết chúng đều là con của mấy thằng cha đại gia. Cái bọn nầy còn nhỏ mà ăn chơi sành sỏi, kiểu gì cũng biết. Tui biết mình đã rơi vào bẩy. Tụi nó ra tay vùi giập tui không thương xót. Tới mùng năm, tui lết về Sài gòn với cái thân tàn ma dại. Vừa hết tiền vừa sợ dính bầu nhứt là sợ bị nhiễm si đa, bởi liên tục phục vụ cho tụi nó để trả nợ thua bài nên áo mưa đem theo đâu có đủ.
Huê rùng mình :
-Tao thuộc loại “trâu già không sợ dao phay” mà nghe mầy nói cũng ê hết hai hàm răng.
Công tức tối :
-Sao Lý không đi thưa ?
Lý cười khổ :
-Thưa cho bị còng đầu hả ?
Lý kể tiếp :
-May mà cái thằng chở tui nó còn chút lương tâm. Cho lại hai trăm ngàn, không thôi là chết đói nhăn răng, chớ mấy ngày tết làm ăn gì được ?
Hà hỏi :
-Tại sao mấy ngày tết không làm ăn được vậy?
Huê lắc đầu :
-Mùa tết là cái mùa "hẻo" nhứt. Mấy người khách quen, họ tránh mình như tránh hủi. Đầu năm kỵ gặp gái, mà gái như tụi mình thì còn xui gấp mấy lần. Bởi vậy tết là nằm nhà húp cháo trắng.
Huê hỏi lại Hà :
-Năm ngoái mầy ăn tết ở đâu ?
Hà đáp :
-Cam pu chia !
Huê gặng :
-Thiệt hông ? Qua bển làm gì ?
Hà cười :
-Đuổi theo một người.
Công bỗng nghe nhói trong ngực một cái.
Huê hỏi tiếp :
-Gặp không ?
Hà lắc đầu, buồn thiu:
-Không !
Hà bỗng hỏi Công :
-Ngày mấy thầy về quê vậy ?
Công đáp :
-Hai mươi bảy.
Phụng nói :
-Thầy về nhà chắc ba, má, chị em thầy mừng lắm hén !
Công đáp:
-Tôi chỉ còn má thôi, ba chết khi má vừa có tôi, nên không có anh, chị em gì hết ?
Lý nói :
-Thầy sướng quá, khỏi bị ba đánh. Tui mới khổ nè, bị ông già tía say rượu rượt đánh hoài. Hồi nhỏ tui cứ ước mình là con mồ côi cho đỡ khổ.
Phụng nạt :
-Đồ khùng ! Đồ bất hiếu ! Con mồ côi làm sao sướng bằng mấy đứa còn đầy đủ mẹ cha?
Hà buột miệng :
-Có đứa còn đầy đủ cha mẹ mà khổ hơn con mồ côi nữa đó !
Công nhìn Hà đăm đăm, đôi mắt Hà thật là buồn. Lại một dấu hỏi nữa hình thành trong đầu chàng. Câu nói đó đâu thể có trên môi của những người mồ côi cha lẫn mẹ như Hà ? Như vậy là ngược lại. Công bỗng nghe thương Hà quá, bởi còn gì đau xót hơn là làm con mà phải kết án cha mẹ mình.
Câu chuyện của Lý khiến không khí càng nặng nề. Công bận suy nghĩ nên không cố tìm để tài để khuấy động. Nét mặt ủ dột, giọng nói chua xót của Hà khiến chàng không yên tâm nên cứ hướng mắt nhìn Hà như dọ hỏi. Điều nầy ngày thường chàng rất cố tránh bởi biết cả chục cặp mắt đang theo dõi họ sát sao.
Các cô gái quá dày dạn nầy, biết rất rõ là Công và Hà đang ở vào giai đoạn “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” nên cứ rình rập miết.
Có một lần Hà mới gội đầu, Công đi ngang qua, cố hít thật sâu hương chanh vào tóc. Cái động tác nhẹ nhàng ấy cũng bị Huê phát hiện nên trêu:
-Cột tóc lại đi Hà, coi chừng gió thổi rụng hết đó !
Lại có lần Hà ra về bỏ quên cái túi giấy. Huê không thèm nhắc , nhưng về đến nhà là trêu liền :
-Mầy cố tình để lại cho ông thầy phải không ? Có ém xi bùa cái gói nho khô đó hông vậy ?
Hà chửa thẹn bằng cách làm bộ giận, hỏi lại:
-Bộ chị cho rằng em phải bỏ bùa mới được ổng thương hả ?
Hôm nay, Công nhìn Hà một cách tha thiết mà chẳng ai để ý, hay có phát hiện nhưng không buồn ghẹo.
Thường thường sau khi tan học, Công hay tìm cách giữ Hà ở lại lâu hơn một chút, bằng cách hỏi chuyện. Cho dù những câu hỏi ấy hết sức ngô nghê như: Sáng nay vừa ăn điểm tâm món gì ? Đang xài dầu gội hiệu gì ? Bao lâu cắt tóc một lần? Hà thích ăn trái cây chín mềm ngọt hay chua chua giòn giòn ?... Thế nhưng Hà vẫn chịu khó trả lời cặn kẻ. Hình như họ chỉ cần nhìn nhau và nghe nhau là đủ.
Khi mọi người đã ra về hết Hà vẫn còn nán lại. Người mở miệng trước không phải là Công mà là Hà.
Hà hỏi:
-Tối vừa rồi thầy có thấy em không vậy ?
Công lắc đầu :
-Trước khi đi ngủ có nhìn qua nhưng thấy nhà Hà còn tối thui.
Hà hỏi :
-Lúc đó mấy giờ ?
Công đáp:
-Đúng mười một giờ bốn mươi.
Hà cười :
-Khoảng hai giờ sáng thầy làm gì ?
Công đáp :
-Giờ đó thì ngủ chớ còn làm gì nữa !
Hà nhướng cặp chưn mày lên cao hết cỡ rồi hỏi:
-Có gặp em không ?
Công phì cười :
-Ngủ thì làm sao mà gặp cho được ?
Hà gục gật cái đầu :
-Em gặp thầy, nói chuyện với thầy rõ ràng mà tại sao thầy nói là không gặp em ?
Công trố mắt :
-Gặp ở đâu ?
Hà đáp, không cười :
-Trong chiêm bao chớ đâu.
Công hỏi, vừa tò mò, vừa cảm động :
-Chiêm bao ra sao, kể nghe thử coi !
Hà lắc đầu :
-Thôi mắc cỡ lắm !
Công nhìn Hà chăm chú, năn nỉ:
-Kể đi mà !
Bỗng dưng Hà đỏ bừng cả mặt. Nhớ lại từng chi tiết của giấc mơ ấy. Thật là một giấc chiêm bao đẹp và hoang đường hết chỗ nói ! Giấc mơ trong một giấc mơ, cho nên Hà bùi ngùi nuối tiếc đến cả hai lần.
Hà bỗng hỏi :
-Thầy đã hôn ai chưa vậy ?
Công lắc đầu.
Hà nói nhỏ như lời tự sự :
-Em cũng vậy !
Thấy Công trố mắt, Hà gặng :
-Thầy không tin phải không ?
Công ấp úng.
Hà nói, giọng buồn buồn :
-Có nhiều điều về em mà cho dù có nói thật thầy cũng không tin.
Rồi Hà lại hỏi :
-Thầy biết đàn bà chưa ?
Công lại lắc đầu, kèm theo cái mặt đỏ như gấc chín.
Hà lại nói :
-Em cũng chưa biết đàn ông !
Rồi lại hỏi :
-Thầy có tin em không ?
Lần nầy thì Công gật đầu, rất sâu.
Rồi cả hai cứ làm thinh mãi miết. Công chợt nhớ câu :” Không nói là nói rất nhiều”, nhận ra hết sức đúng trong trường hợp nầy.
Trước khi ra về, Hà bỗng nhìn sâu vào mắt Công rồi nhấn mạnh từng chữ :
-Em xin thầy nhớ cho là tất cả những lời em nói với thầy hôm nay, đều là sự thật.
Hôm sau, Hà bỗng nhiên biến mất.
Điều nầy khiến Công bức rức. Lớp học thiếu Hà khiến mặt Công ỉu xìu như không còn sinh khí.
Lý hỏi:
-Sao thầy buồn như chết vậy thầy ?
Huê nói như nạt :
-Cái con nhỏ nầy, biết mà còn làm bộ giả nai. Bữa nay hoa không chủ đó, đứa nào muốn hái thì lẹ tay lên.
Cả lớp cười rần rần, Công cũng cố rặn ra một nụ cười …khờ…ổ…khổ…
Hôm sau nữa, cô gái bán chè đang thối tiền cho khách, thấy Công dắt xe ra cổng bỗng cắm đầu chạy qua. Công không để ý, cứ lui cui khóa cổng. Nghe tiếng tằng hắng sau lưng. Công ngạc nhiên quay mặt lại nhìn rồi hỏi:
-Bộ bữa nay chè lại bị mặn nữa hả ?
Chẳng là một hôm Nụ lỡ tay, bỏ muối vào nồi chè hơi nhiều nên bán không được. Hà và Công thấy tội nên mua hết rồi đãi cả nhà, cả lớp. Mấy thầy trò ăn căng cả bụng.
Nụ lắc đầu, thò tay vào túi áo lấy ra một phong thư dán kín, đưa cho Công rồi bỏ đi.
Công lật đật gọi lại:
-Sao không chờ tui đọc cho nghe !
Nụ lắc đầu:
-Chị Hà nhờ em đưa nó cho thầy đó !
Công ngạc nhiên:
-Sao cổ không gửi cho chị Huê mà đưa cho cô ?
Nụ đáp nhỏ :
-Chắc tại em không biết chữ nên …
Công giật mình, lật đật bóc ra xem.
Hà viết :
Anh Công thương !
Đây là bức thư trần tình, thú thật, nên cho phép em thay cái danh xưng “thầy” bằng “anh”, vì đó là lời xưng hô rất thật với lòng em.
Trước hết em xin lỗi vì đã nói dối anh từ trước đến giờ.
Em không phải trẻ mồ côi. Và em được đi học đàng hoàng.
Chắc anh đang tự hỏi do đâu mà em lạc bước vào nơi nầy. Và vì lý do vì mà em cố tình xâm nhập vào đời sống của anh.
Bức thư nầy là để giải thích hai câu hỏi đó .
Em sinh trong một gia đình có thể gọi là trí thức. Ba em, mẹ em có địa vị, tiếng tăm trong tỉnh và được nhiều người kính nể.
Em là con gái út, chỉ có một người anh hơn em đúng một con giáp.
Năm em mười hai tuổi, nhà em đột nhiên phất lên. Mẹ em phá bỏ căn nhà ngói xưa đã cũ rồi xây lên căn lầu bốn tầng. Nhà cao sinh thêm nhiều việc, mẹ em phải thuê người giúp. Từng ô sin đến rồi đi, họ chẳng ở được lâu bởi mẹ em vô cùng khó tánh.
Năm em học lớp tám mẹ em thuê được một cô gái tây nguyên người kinh lai Hmông tên Non. Chị Non tuy lớn tuổi hơn nhưng lại thấp và nhẹ hơn em đến mấy ký, cũng hiền lành và nhút nhát hơn em gấp mấy lần.
Ngày đầu khi mới đến trông chị như trái gòn khô. Chị mặc cái áo có miếng vá trên lưng và chiếc quần đã ngắn. Hành lý chị mang theo là một cái túi ni lông trong đó chỉ có mỗi một bộ quần áo. Bộ đồ nầy rách nhiều hơn cái bộ chỉ đang mặc.
Sở dĩ em nhớ cái chi tiết đó vì ngay hôm sau mẹ biểu em :
-Con coi có bộ đồ nào không mặc nữa thì cho nó. Để khách tới nhà mà thấy người làm của mình ăn mặc rách rưới người ta khinh.
Em soạn ra bốn năm bộ gì đó, đem xuống cho chỉ. Chắc chỉ mừng lắm vì em thấy khi nhận cái chồng quần áo từ tay em, tay của chỉ rung rung từng ngón.
Em vốn thích có chị nên mê chị Non lắm. Chỉ lại mang cái phong vị của rừng, của núi là lạ nên thu hút em mãnh liệt. Em cứ đeo theo chỉ mà hỏi hết cái nầy đến cái khác. Chị Non vừa bỏ lại đứa em gái trạc tuổi em nên thương và chìu em rất mực.
Em mê chỉ cho đến nổi tan học là chạy u về nhà để nói chuyện với chỉ, thậm chí còn rủ chỉ tắm chung để được gội đầu, kỳ lưng cho nhau. Chỉ lớn hơn em nên mắc cỡ, tụi em chỉ bỏ áo ra để tắm chung. Chị Non kỳ lưng, chải tóc cho em nhẹ nhàng còn hơn mẹ. Chỉ còn dạy cho em thổi kèn lá và hát những bài có âm điệu rất hay, rất lạ. Từ ngày có chị Non đời sống của em được lấp đầy những niềm vui. Em chỉ nhận, nhận và nhận thôi chứ chưa cho chỉ lại thứ gì.
Chị Non thương gia đình lắm ! Chỉ dành hết tiền lương để gởi về nhà chớ không xài một đồng nào, không dám mua sắm bất cứ thứ gì. Sáng nào chỉ cũng ăn điểm tâm bằng cơm nguội. Những lần mua hủ tiếu cho em, chỉ hay lựa cái tô thật to, xin thêm nước lèo thật nhiều. Em ăn hủ tiếu xong, chỉ bới cơm vào nước lèo còn dư rồi ăn một cách ngon lành. Bây giờ mỗi lần nhớ tới là em rơi nước mắt chớ hồi đó thì chẳng hề quan tâm.
Đang là một con vịt còi xấu xí, đùng một cái chị Non trở thành nàng công chúa thiên nga vô cùng xinh đẹp. Chỉ cao phổng lên, da trắng bóc, mịn màng, với đôi mắt gần như toàn tròng đen, ướt rượt như giầm trong nước.
Một đêm kia đang ngủ, em bỗng giựt mình vì nghe tiếng lao xao ở nhà dưới. Kế đó là tiếng tát tay rất mạnh và tiếng mẹ quát to :
-Mầy dụ dỗ ổng bao lâu rồi?
Em nghe tiếng chị Non nức nở rồi tiếng mẹ hăm dọa :
-Tao sẽ cho công an còng đầu mầy. Tao sẽ mời ba mầy lên đây nói chuyện.
Chị Non năn nỉ :
-Con lạy cô, cô đừng cho ba con hay. Ba con mà nghe chuyện nầy chắc giết cho con chết.
Em nghe tiếng chân anh Hai chạy từ trên lầu ba xuống, ảnh hỏi em :
-Có chuyện gì vậy nhỏ?
Em vừa khóc vừa trả lời :
-Mẹ đánh chị Non.
Ông anh của em đâm đầu chạy xuống.
Chị Non thấy ảnh thì ôm chầm lấy và khóc to:
-Anh ơi! Cứu giùm em, mẹ anh đòi thưa công an bắt em.
Mẹ em cười gằn:
-Vậy ra hai cha con nhà nầy chui chung một lỗ!
Em nghe tiếng anh Hai quát to :
-Non, vậy cái thai trong bụng em là của ai?
Chỉ khóc ròng, còn mẹ em thì nắm tóc chỉ trong tay rồi đập cái đầu của chỉ vô tường nghe bốp bốp. Anh Hai và ba em, những người đẩy chỉ vào hoàn cảnh nầy vẫn im thinh thít đứng nhìn, chẳng ai ra tay hay lên tiếng ngăn cản.
Khuya đó em nghe tiếng gõ nhè nhẹ trên cửa phòng mình. Em mở cửa ra, chị Non đứng trước mặt em với mái tóc rối nùi và đôi mắt sưng húp.
Chỉ nói nhỏ xíu :
-Chị muốn trốn đi mà không có tiền. Em cho chị xin …
Em vội hỏi :
-Chị về nhà hả?
Chỉ lắc đầu :
-Chị đâu dám về nhà, ba chị giết chết.
Em nói:
-Chị ở lại đây đi, em năn nỉ mẹ giùm cho.
Chỉ lắc đầu :
-Cô Út nói sáng nay cổ sẽ đem chị ra công an, chị sợ ở tù lắm! Em cho chị mượn đi, mai mốt thế nào chị cũng làm ra tiền, chị sẽ đi tìm em rồi trả lại.
Em moi hết tiền trong ống heo ra đưa cho chỉ. Lát sau nghe tiếng đẩy cửa rất nhẹ rồi tiếng khép cửa mạnh tay hơn và tiếng dép xa dần.
Ngay sáng hôm ấy, mẹ em làm đơn báo với công an là chỉ đã trộm hết tiền và vàng của nhà em rồi bỏ trốn.
Từ đó em không còn kính trọng ba mẹ nữa.
Một hôm dì Năm, người bà con bên mẹ đến thăm. Dì nói rằng thằng Phong con của dì đang học ở Sài gòn hôm tết về thăm nhà, nó nói có gặp chị Non vác cái bụng to đứng ở con đường Huyền Trân Công Chúa, là tụ điểm đón khách của mấy cô gái ăn sương. Mẹ em nghe vậy đã không ăn năn còn rủa chỉ một chập.
Từ khi nghe chị Non rơi vào cái nghề đó. Em hay tìm hiểu về những cô gái bất hạnh như chỉ. Qua sách vở, báo chí và những câu chuyện thật nghe được, em hết sức đau lòng và thương xót họ. Em nuôi ý định sẽ đi tìm chị Non cho bằng được.
Bây giờ, khi đã biết những cô gái giang hồ phải chịu đựng tủi cực như thế nào em càng căm giận cái việc chị Non bị anh Hai em dụ dỗ, ba em cưỡng bức và mẹ em vu khống.
Em cho rằng vì thương và không muốn xa em mà chị Non đã nấn ná, chịu đựng lâu đến vậy. Em quyết thay gia đình đền tội, nên vào Sài gòn học với mục đích đi tìm chỉ. Em biết phải thâm nhập vào mấy chỗ ăn chơi mới có cơ hội, nên xin vào làm trong mấy cái ba mục đích tiếp cận với những người giống chỉ để hỏi thăm. Thế nhưng bóng chim tăm cá.
Em tìm đến xóm nầy với hy vọng có người biết tin tức của chỉ. Càng hiểu rõ tình cảnh những chị ở đây, em càng nhận ra rằng những kẻ may mắn như mình, không ít thì nhiều, đều nợ những người phụ nữ bất hạnh ấy. Em cho rằng những người càng sở hữu nhiều thứ, càng có hạnh phúc đều càng phải gánh trách nhiệm giúp đỡ họ.
Em được chu cấp đầy đủ, không phải lo về chuyện tiền nong, nên không cần phải bán thân. Chuyện của chị Non khiến em kinh sợ đàn ông, nên dù giao dịch thường xuyên với họ, em chưa bao giờ rung động.
Hai người đàn ông mà em đã hết sức thương yêu, tôn trọng: Ba và anh Hai của em. Họ đều có cái vỏ bọc trí thức, tuy chưa được dán các mác đạo đức nhưng đều được mọi người cho là có phẩm hạnh. Ấy vậy mà cùng lợi dụng một cô gái hết sức trong trắng, ngây thơ. Họ đã khiến em có thành kiến về giới nam, nhất là những người thuộc tầng lớp trên. Cho nên em chỉ muốn thay chị Non mà đánh họ cho một trận tơi bời để họ tởn, không dám đụng tới phụ nữ nữa .
Lần đầu gặp các anh, em đã vội vã kết luận rằng đây là bọn đồi trụy, tìm đến xóm nầy để nhìn cho đã mắt, sờ cho đã tay, nên rắp tâm hành hạ cho bỏ ghét.
Thế rồi em nhận ra, các anh, nhất là anh, hoàn toàn tương phản với cái thành kiến mà em khắc trong đầu.
Dù em đang mang lốt gái giang hồ, anh vẫn đối xử với em hết sức trân trọng như với một cô tiểu thư trinh bạch, đoan trang, nề nếp. Điều nầy khiến em vô cùng cảm kích, lần đầu tiên em đã rung động. Em suy nghĩ về anh liên tục, đến độ khi ngủ cũng gặp anh trong giấc chiêm bao.
Anh như tia nắng ấm khiến tảng băng trong em dần tan chảy. Càng biết về anh em càng quý mến thêm. Đã bao lần em định thú thật mọi việc với anh. Đã bao lần em định từ bỏ mục đích tìm kiếm chị Non. Tự xóa nợ cho mình để cùng anh bắt đầu một cuộc đời mới.
Thế nhưng đôi mắt sưng vù và mái tóc rối bù của chị Non lại hiện lên rõ rệt trong đầu em. Em chưa tìm ra được chị Non, món nợ ấy chưa trả xong, em chưa thể yên tâm đáp lại tấm tình của anh.
Hôm qua em nghe một ông khách kể lại rằng, ổng có gặp một cô gái rất đẹp, làm trong quán rượu ở Hải Phòng có biệt tài thổi kèn lá rất hay.
Linh tính cho em biết đó chính là chị Non. Lần nầy em quyết không vuột mất chỉ như bao lần trước. Em tin rằng ơn trên sẽ cảm chứng cho lời cầu xin chân thành của mình, rồi cho em gặp chỉ. Chúng em sẽ có một cái tết ý nghĩa nhất và vui hơn bao giờ hết !
Vì vậy mà em quyết định lên đường ngay hôm nay. Khi anh đọc bức thư nầy chắc em đang ngồi ngủ gục trên một chiếc xe đò đang bon bon Bắc tiến.
Chuyến đi nầy quá vội vàng nên em mang theo rất ít hành lý, thế nhưng lòng em lại hết sức nặng nề bởi mang nặng cảm giác có lỗi với anh. Xin anh hãy tha cho em cái tội nói dối, trêu chọc, giả vờ bất hạnh nhầm thâu tóm lòng thương của anh. Trời đã phạt em rồi ! Ngay lúc nầy, em đang cảm thấy vô cùng đau khổ khi sắp phải xa anh.
Có một điều em muốn xin anh. Đó là hãy cố duy trì cái lớp học bụi đời nầy giùm em. Anh hãy làm một ông thầy thật tốt. Hãy giúp học trò của mình một cách tận tình, làm bất cứ điều gì cần thiết chớ không chỉ cho họ những con chữ. Đó là cách mà anh đã đi vào tim em. Đó cũng là cách anh thay em trả nợ.
Em hứa khi tìm gặp chị Non, yên tâm về chỉ rồi, em sẽ về đây cùng anh dạy học.
Thương và kính trọng anh rất nhiều !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu