Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 20:52
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 97, 98, 99, 100, 101, 102, 103 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271264 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 19
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 2 2018, 19:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Tiếng sủa rân của con Phèn vừa trổi lên, Lam bỏ cái khăn trên tay vô thau nước rồi đâm đầu chạy ra đón Ngươn. Cửa cổng mở sẵn nên Ngươn cho xe chạy vào luôn.
Thấy anh định xuống xe, Lam lật đật vừa kêu vừa ngoắt :
-Dì Út nằm ngoài nầy nè!
Ngươn cho xe chạy thẳng ra sau vườn. Lúc qua mặt Lam, anh hỏi mà không dừng lại :
-Ở đâu?
Lam đáp :
-Dưới gốc cây me bự .
Con Phèn cũng chạy theo, hả miệng to cố táp cái ống quần của khách.
Lam chận nó lại, cô hét :
-Phèn, phèn, quay lại đây! Quay lại đây!
Con Phèn không chịu vâng lời, cứ cắm đầu đuổi theo. Ngươn vừa dừng xe là nó nhảy lên liếm mặt, liếm cổ ra vẻ mừng rở còn hơn đối với Lam. Ngươn nâng con Phèn lên, ôm sát vào lòng rồi để xuống. Ngươn vỗ vô mông con phèn một cái nhẹ. Anh vừa xô, vừa nói:
-Đi chơi đi!
Con Phèn thấy Thắm nằm thì không chịu bỏ đi mà chạy đến, hít hít như hỏi thăm. Thắm chỉ tay xuống đất, nó hiểu ý nên ngồi chò hỏ bên cạnh chủ.
Ngươn dựng xe, lấy cái nón bảo hiểm ra khỏi đầu rồi máng lên ghi đông. Lam nhìn Ngươn chăm chú rồi hiểu vì sao Thắm cứ năn nỉ mình đừng ghẹo anh ta.
Người đàn ông trước mặt đã xóa tan cái nhân dáng mù mờ của một chàng thanh niên rất cao, khá đẹp trai, vững vàng như đá tảng còn sót lại trong đầu cô.
Lam bỗng tự hỏi :
-"Tại làm sao anh ta có thể thấp xuống như vậy được? Tại làm sao anh ta thay đổi hẳn như lộn trái cái bao bồng bột như thế được?“.
Lam chợt liên tưởng đến nhân vật Hoàng tử Bé trong quyển sách của Exupery. Cô so sánh rồi đưa ra kết luận: Một người già lạc lõng đáng thương hơn một đứa bé lạc lõng.
Ngươn thấy Lam nhìn mình đăm đăm thì cười, anh hỏi :
-Phải cô Lam đây không?
Lam gật đầu, nụ cười hiền khô của Ngươn làm Lam bùi ngùi.
Ngươn quỳ xuống bên Thắm, hai người bỗng buột miệng hỏi nhau một lượt.
-Xe của ai vậy?
-Sao rồi?
Họ dừng lại hồi lâu, người nầy nhường người kia nói trước rồi đáp cùng lúc :
-Khỏe!
-Mượn!
Lần nầy Lam cũng cười hùn với họ. Cả ba cùng cười ngặt ngoẽo rồi cũng cùng dừng lại.
Ngươn đặt tay lên trán Thắm rồi nói :
-Không sốt, chắc không bị nội thương .
Rồi hỏi Thắm :
-Út leo cây giỏi lắm mà! Sao lần nầy để cho té vậy?
Thắm đáp :
-Tại con rắn làm hết hồn.
Ngươn giựt mình :
-Bị cắn chưa?
Thắm lắc đầu :
-Thấy là té liền nên nó cắn hổng kịp.
Ngươn hỏi tiếp :
-Đau chỗ nào trong mình?
Thắm chỉ lên cánh tay phải. Ngươn vén tay áo của Thắm lên tận vai, nhìn vào rồi nói :
-Cánh tay bị trật khớp rồi!
Lam hỏi :
-Anh sửa được hông? Có cần đưa dỉ vô nhà thương hông?
Ngươn đáp :
-Tui sửa cái tay được nhưng phải đưa vô nhà thương để chụp hình coi còn bị cái gì nữa hông.
Thắm nói :
-Chắc không còn bị thêm cái gì đâu. Đưa vô nhà thương làm chi cho mắc công.
Lam nằng nặc :
-Cái đầu phải bị sao đó nên dì mới chóng mặt tưng bừng như vậy chớ!
Thắm khăng khăng :
-Không có sao đâu mà! Nhờ có cái tấm bố cản lại nên té nhẹ bớt với không có bị đập đầu!
Ngươn vắt nước cho khăn thật khô, lau lên bả vai của Thắm rồi nói :
-Ráng chịu đau nghe, tui chỉnh cái xương lại cho khớp.
Hai bàn tay của Ngươn vừa đặt lên vai, Thắm bất giác gồng cứng người .
Ngươn rầy :
-Thả lỏng đi, gồng như vậy đâu có tốt .
Thắm hỏi:
-Thả lỏng là sao?
Ngươn đáp :
-Hít thật sâu rồi thở ra từ từ, nghe người lỏng le, hơi mỏi mỏi là đúng.
Rồi căng ngực, phình bụng mà hít, làm mẫu cho Thắm bắt chước.
Thắm đang tập trung vào việc hít thở, bỗng hét to:
-Ui da!
Thì ra Ngươn rình lúc Thắm không để ý, chỉnh một cái rụp liền.
Lam thấy Thắm chảy nước mắt ròng ròng bèn hỏi :
-Chắc dì đau dữ lắm hả?
Thắm gật đầu, nói :
-Thiếu điều xỉu thêm một lần nữa.
Rồi biểu Lam:
-Lau giùm tao cái mặt, rồi tẩm nước vô khăn, đắp lên cái vai cho nó bớt đau
Ngươn cười, an ủi :
-Xong rồi! Một lát là hết đau liền. Bây giờ chỉ cần treo tay lên để cái khớp cố định, không bị trợt ra nữa. Ráng chờ ít hôm là trở lại bình thường.
Rồi dặn thêm :
-Phải cử mang, đeo, xách nặng cả tháng nghe!
Lam hỏi :
-Lấy cái gì để treo bây giờ.
Thắm bảo :
-Mầy mở cái tủ đựng quần áo trong phòng tao, lấy cái áo gối ôm còn mới trong đó đem ra đây.
Chờ Lam đi khỏi, Thắm hỏi Ngươn:
-Xe của ai vậy?
Ngươn đáp :
-Của một em phật tử trong chùa.
Thắm hỏi thêm :
-Vậy là phải đem xe về để trả cho người ta hả?
Ngươn gật đầu :
-Cậu ta biểu tới sáng trả cũng được, đêm nay cậu ta ngủ lại trong chùa.
Thấy Thắm làm thinh, Ngươn bèn nói :
-Họ tử tế mà nói vậy, nhưng mình phải biết điều, xong việc là phải đem trả liền.
Rồi giải thích:
-Để qua đêm mắc công lo, hồi họp hoài, sợ mất chắc không ngủ được .
Thắm khen :
-Bây giờ ít còn ai tốt như vậy lắm!
Lam mở tủ lấy cái áo gối ôm màu hồng trong chồng đồ còn mới tinh. Cô định quay ra vườn thì nghe tiếng người gọi vang dội ngoài cổng :
-Có ai trong nhà không? Cho hỏi thăm một chút!
Sực nhớ cổng chưa đóng Lam đi te te như chạy ra liền.
Một người con trai rất trẻ, dắt chiếc xe đòn giông cũ sì, vừa thấy Lam là hỏi :
-Phải đây là nhà của cô giáo Thắm hông vậy dì?
Lam gật đầu, hỏi lại :
-Em là học trò của cô Thắm hả?
Người con trai lắc đầu :
-Tui là học trò của thầy Ngươn, đem cái xe đạp nầy qua cho thẩy, đổi lấy chiếc xe kia về.
Y nhìn quanh quất, thấy không có chiếc xe của mình đậu trong sân thì da mặt đang hồng hào bỗng tái mét.
Y rung giọng hỏi :
-Thẩy có ghé đây không dì?
Lam đáp :
-Có.
Rồi ngoái đầu lại gọi thật to :
-Anh Ngươn ơi! Có người kiếm nè!
Ngươn lật đật đi ra. Người thanh niên thở phào nhẹ nhỏm.
Y ta nói liền:
-Má em kêu về bất tử, bả nói ở nhà có công chuyện, em đem xe của thầy qua nè!
Ngươn lại lật đật quay vào đem chiếc xe gắn máy ra trả lại.
Người con trai có vẻ mắc cỡ. Y phân bua với Lam :
-Tính tụng kinh rồi sáng mới về nhưng mà…
Ngươn vừa ra là Lam bỏ vào với Thắm để hai thầy trò đỡ ngại.
Thắm hỏi :
-Ai kiếm vậy Lam?
Lam đáp :
-Học trò của anh Ngươn, người cho ảnh mượn xe. Đem xe đạp của ảnh qua đổi lấy chiếc xe của y về.
Thắm cười lạt :
-Chắc cho mượn xe xong thì hết hồn, sợ bị gạt nên chạy theo đòi lại chớ gì!
Lam hiểu ra ngay là tại sao y ta tỏ vẻ lo lắng rồi chuyển sang ngại ngùng. Cô bỗng thấy ngậm ngùi, thương cảm cho Ngươn thêm một chút.
Trả xe xong, Ngươn đóng cổng quay vào. Lam nhìn lén Ngươn, thăm dò coi anh có bị tổn thương hay không. Ngược lại với Thắm và Lam, Ngươn tỏ vẻ cảm động, anh nói :
-Tội nghiệp thằng nhỏ ghê! Nó tốt hết sức! Cho mượn xe rồi còn đem xe đạp qua giùm. Khỏi cần phải quay về sớm để trả xe cho nó!
Thắm trề môi :
-Chớ hổng phải nó sợ bị gạt nên chạy theo đòi lại liền hả?
Ngươn cãi :
-Đừng có nghĩ xấu cho người ta mà mang tội. Nếu sợ mất thì nó đâu có cho mình mượn.
Câu nói của Ngươn làm Lam suy nghĩ. Mỗi sự việc thường được suy diễn, được nhìn nhận theo quan điểm của từng người. Hình như Ngươn quá hiền, quá lành để thấy những cái xấu, cái ác xung quanh.
Nếu sự thành công trong cuộc sống chỉ gói gọn trong một chữ "giàu", thì nhìn Ngươn, người ta dễ dàng nhận ra, anh thuộc típ người chỉ làm "mẹ" của cái tên "thành công" đó mà thôi !
Bộ quần áo Ngươn mặc tuy sạch nhưng quá cũ, với cái cổ áo sơ mi đã sờn. Chiếc xe đạp đòn giông với lớp sơn bị tróc nham nhở cùng những cây căm sét sẹt chứng tỏ điều đó một cách hùng hồn. Thế nhưng khó tìm thấy ai có nét mặt nhẹ nhỏm, thanh thản đến vậy!
Cô chợt nhận ra, đức hạnh được hình thành từ những nỗi bất hạnh. Ngươn là một trong những người mà càng gặp khổ đau, ngang trái trên đường đời, lại càng tốt đẹp hơn, khoan dung hơn.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 20
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 2 2018, 18:52
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ngươn bảo Thắm :
-Bây giờ để tui với cô Lam đây, mỗi người một bên đỡ Út ngồi dậy coi còn chóng mặt hay không nghe ? Phải vô nhà liền, chớ ở ngoài vườn lâu quá không tốt.
Thắm gật đầu. Ngươn ra hiệu cho Lam để cả hai nâng Thắm lên cùng lúc.
Chẳng biết do bộ óc đã ổn định, hay do Thắm yên tâm vì biết mình được đến hai người cùng đỡ, cô chỉ nghe choáng váng một tí, không còn thấy trời đất quay mòng mòng nữa. Khi bắt đầu bước, Thắm mới phát hiện là cái chân bên phải của mình rất đau, không thể đi nổi.
Cô rên to một tiếng rồi nói :
-Cái chưn nặng như cái cối xay bột! Nhúc nhích là đau thấu tim gan.
Ngươn thở dài rồi nói với Lam :
-Vậy thì tui với cô phải nắm tay lại cho chặt để làm kiệu cho Út ngồi rồi từ từ đưa vô nhà mới xong.
Lam nhìn cái bộ vó ốm tong, ốm teo của Ngươn rồi hỏi bằng giọng lo lắng :
-Anh nhắm mình làm nổi hông?
Ngươn gật đầu :
-Không sao đâu! Út chừng năm mươi ký chớ mấy. Hôm trước tui còn cộ một người nặng gắp rưởi Út lận, mà có bị hề hấn gì đâu!
Cả hai bèn vận hết nội công, nội lực đưa Thắm đến buồng ngủ một cách an toàn.
Đặt Thắm nằm lên giường xong, Ngươn nói:
-Chắc tui phải coi thử cái cẳng của Út có bị cái gì hay không quá!
Thắm gật đầu rồi đưa mắt ngó Lam, Lam biết ý nên lật đật xăn ống quần của Thắm lên cao hết cỡ. Ngươn đưa tay ấn nhẹ từng chút, đến một chỗ ở giữa đùi thì Thắm nhăn mặt kêu đau.
Ngươn lắc đầu, thở ra thêm lần nữa :
-Xương chỗ nầy bị rạn rồi, phải bó thuốc cho nó liền lại.
Nhìn Thắm như đo lường mức chịu đựng tới đâu.
Ngươn nói tiếp :
-Coi bộ nằm lâu lắm đó nghe!
Thắm xịu mặt hỏi :
-Lâu là bao lâu?
Ngươn đáp :
-Chắc phải cả tháng.
Thắm than một cách áo não :
-Sao mà xui dữ vậy hả trời? Một tháng nằm ngay đơ thì làm sao chịu nổi?
Ngươn an ủi :
-Không bị gãy lìa là may lắm đó!
Rồi hỏi Thắm:
-Đám thuốc cứu với ngọc anh ngoài vườn còn không?
Thắm gật đầu :
-Còn!
Ngươn cười, nhẹ nhỏm :
-May quá! Tui có đem theo mấy vị, chỉ còn thiếu hai thứ đó thôi!
Rồi lại hỏi :
-Út có nuôi giấm hông?
Thắm đáp :
-Có! Chi vậy?
Ngươn giải thích :
-Mấy vị thuốc nầy phải đem sao lên, tẩm thêm giấm với muối vào rồi mới bó lại.
Lam đùa :
-Có cho thêm đường, củ hành tây, bột ngọt hông?
Ngươn lắc đầu lia lịa:
-Khỏi, khỏi, đâu cần mấy thứ đó!
Rồi nói :
-Để tui đi hái thuốc vô rồi làm liền.
Chờ Ngươn đi khỏi, Thắm nhiếc Lam :
-Con quỷ nầy! Người ta đau gần chết mà còn giỡn được . Bộ mầy tính đem cái chưn tao ra trộn gỏi hay sao mà đòi thêm đường, củ hành, bột ngọt tùm lum?
Lam đáp :
-Ừa ! Nhìn cái đùi trắng hếu của dì sao tui thấy giống tròng trắng trứng vịt luộc, muốn đem làm món xà lách với rau càng cua quá!
Thắm thở dài :
-Nói tới đồ ăn mới nhớ. Một chút mầy lo cúng giùm tao nghe ! Hái trái mướp mầy chỉ đó với ba, bốn trái mướp non nữa, nấu một tô canh với tôm khô là đủ rồi.
Lam hỏi:
-Bỏ cái vụ đốn chuối xắt làm ghém hả?
Thắm gật đầu :
-Khỏi!
Lam ghẹo:
-Sao hồi nãy không cho đụng tới mấy trái mướp đó? Sợ tui ăn uổng, còn bây giờ thì biểu hái. Đối với người thương thì hổng tiếc thứ gì hết phải hông? Tình cho không, biếu không…
Thắm nạt nhỏ :
-Thôi đừng nói cái giọng cà chớn đó nữa. Y ta mà nghe được, mắc cỡ bỏ về là một mình mầy nuôi tao sặc máu đó ! Ở đó mà lách chách cái miệng!
Lam trề môi :
-Già khằng khú đế rồi, da dày quá rồi còn mắc cỡ cái giống gì?
Rồi hỏi tiếp :
-Y có ăn chay hông? Hay là luộc mướp rồi làm tương kho xả cho y chấm?
Thắm lắc đầu :
-Hình như là không. Hể đụng bữa là gặp gì ăn nấy, hổng có đòi hỏi cái gì hết.
Lam cằn nhằn :
-Tu kiểu gì lạ vậy, vô chùa ở mà hổng ăn chay?
Thắm cự :
-Bộ ở chùa, ăn chay mới tu hả? Mầy không thấy cái bức tranh chăn trâu sao? Đạt đạo rồi thì xách cá vô chợ mua rượu cũng hổng sao! Tao ghét nhứt mấy người hể mở miệng là khoe ăn chay vậy mà tính toán ke re, cắc rắc thấy mà sợ. Mà mầy cũng đừng có đem chữ tu ra gán cho y nghe, y hổng có thích đâu.
Lam bắt lỗi :
-Hổng thích sao để người ta kêu mình bằng thầy?
Thắm cắt nghĩa :
-Thầy đây là thầy dạy chớ không phải thầy chùa.
Rồi Thắm thở dài :
-Khi không mà xui tận mạng. Gần tết rồi mà nằm một chỗ như vầy!
Lam an ủi :
-Trong cái rủi có cái may, rủi nhiều thì may cũng lắm!
Rồi lấy ngón tay trỏ xỉ nhẹ lên trán Thắm mà ghẹo :
-Biết đâu dì mất cái tết mà được một ông chồng ngon lành! Có người hú hí, nhờ gãi lưng với xối nước gội đầu. Hương lửa mặn nồng...
Thắm nạt :
-Tao đang rầu muốn chết đây nè! Ở đó mà giỡn hoài! Từng tuổi nầy rồi, còn lửa khói gì nữa?
Lam cãi :
-Sao không còn. Rơm ướt nhẹp mà lửa táp hoài cũng cháy đùng đùng. Tui nói thiệt chớ không có giỡn đâu đó! Lần nầy mà dì không tận dụng, để vuột mất thì ngu còn hơn con Phèn nữa đó!
Thắm nạt :
-Con quỷ nầy, càng ngày càng hổn. Tao là dì mầy, em của má mầy thì cũng như má mầy đó biết chưa? Nói cái giọng đó là bất hiếu, tổn thọ nghe con!
Lam trề môi ngắt ngang:
-Còn lâu! Bà bú sữa má tui, còn nhỏ hơn tui năm ngày, xem ra về mặt trí lực chưa phát triển bằng tui, bởi vậy phải nghe lời không được cãi.
Rồi gằn giọng :
-Tui hỏi thiệt, dì còn thương ổng không? Còn muốn lấy ổng hông?
Thắm nạt :
-Thương sao được mà thương! Lấy sao được mà lấy? Bà con mà lấy nhau để thiên hạ cười cho thúi đầu hả? Rồi làm sao mà sống?
Lam lại nhớ tới Đông, cô đáp một cách cứng cỏi :
-Dì hy sinh hai phần ba cuộc đời của mình cho dư luận rồi, biết còn sống được bao lâu nữa đâu! Thích cái gì thì cứ làm đại đi. Cái tuổi nầy thì cầu cho có người làm cho mình hư, chớ đâu còn cái gì mà sợ nữa? Tui thay mặt ông Trịnh Công Sơn mà khuyên dì: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ “.
Thắm cười, có vẻ nao núng.
Lam tấn công thêm:
-Những người đẻ ra mấy luật lệ ấy đã quy tiên hết rồi! Cho dù còn sống biết đâu họ cũng đã thay đổi quan điểm, chẳng những không cản mà hổng chừng còn đốc xúi nữa. Dì không thấy là có vô số điều ngày xưa mình cho là đúng, là tốt… Giờ biết ra là xấu, là sai be, sai bét hay không?
Thắm hỏi :
-Cái gì đâu? Kể thử coi!
Lam nói :
-Thì cái chuyện sản phụ nằm lửa, cử ra gió, ra nắng, ăn muối tiêu đó! Cái chuyện kỵ tuổi. Cái chuyện đốt phong long. Cái chuyện cắt lể. Cái chuyện nhỏ nước ốc vô lỗ tai, vắt chanh vô mắt...
Thắm cự :
-Đó là tập quán chớ đâu phải tập tục?
Lam cãi phăng :
-Tập quán, tập tục gì cũng vậy, hiện nay đâu còn gò bó như ngày xưa nữa. Thậm chí đàn ông cưới đàn ông, đàn bà cưới đàn bà nhan nhản khắp nơi, họ sống ngang nhiên. Thiên hạ bây giờ đâu còn khắc khe, đàm tiếu, coi chuyện đó là kỳ khu, dị hụ nữa đâu!
Thắm thở dài :
-Cho dù tao hết ngán, hết sợ ông bà quở phạt, nhưng không lẽ biểu thằng chả…Mà biết đâu người ta sống tự do quen rồi, thích cơm chùa chớ hết thích cơm nhà…
Lam xấn tới :
-Thì dì cứ hỏi đại đi! Bữa nào ổng đang lui cui chẻ củi, dì vỗ mông ổng một cái chát rồi hỏi : “Ê! Ông còn thương tui hông? Còn muốn cưới tui hông?”
Thắm cười hinh hích :
-Mắc cỡ thấy bà cố! Ai mà làm vậy cho được?
Lam hỏi tới :
-Dì mắc cỡ thì để tui hỏi giùm nghe, chịu hông?
Thắm làm thinh.
Ngươn đã đi được nửa chừng, bỗng quay trở vào để lấy cái nón lá. Nghe lóm được mấy câu Lam khuyên Thắm thì khoái chí quá, cười tủm tỉm một mình.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 2 2018, 01:57
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Tỷ xem tin nhắn của Ốm nha tỷ! Ốm gọi đt cho tỷ ko được!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 21
Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 2 2018, 19:46
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Sợ họ phát hiện anh đang nghe lén, mắc cỡ đâm ra quê rồi ghét . Ngươn đành để đầu trần, bước rón rén, đi một mạch...Ra đến vườn mà nụ cười vẫn chưa rớt xuống.
Hái thuốc xong, Ngươn đem sao, tẩm rồi nói với Lam :
-Cô kiếm giùm tui một miếng vải nữa đặng bó cái chưn cho Út.
Lam mở tủ lấy cái áo gối trắng tinh đưa cho Ngươn.
Ngươn lắc đầu :
-Lấy miếng nào thiệt là cũ đi, xài cái nầy uổng lắm!
Lam xua tay:
-Xài đại đi mà !
Ngươn cương quyết:
-Dính mủ cây giặt không ra đâu!
Lam lắc thật mạnh cái đầu :
-Xài đại đi, tui kiếm rồi, không có cái nào khác nữa .
Ngươn trả lại rồi nói một cách dứt khoát :
-Cô đem cất đi, tui có rồi!
Anh lập tức đi lại chỗ treo túi đồ của mình, lấy trong túi ra cái khăn tắm được xếp rất cẩn thận.
Lam nhìn cái chàng tắm mỏng tanh, mắt cô bỗng xon xót như có một hột bụi nào đó vừa rơi vào. Cái khăn ấy chẳng những nói với cô là Ngươn rất nghèo, mà còn nhắc cô nhớ lại những nhân vật của một thời xa lắc!
Ở nông thôn ngày xưa, chẳng có nhà nào thiếu cái khăn sọc rằn ấy! Đàn bà thường đội nó trên đầu suốt ngày để che nắng khi ra đồng, tránh tro, khói và mùi thức ăn khi vào bếp, lau tay, lau mặt khi rửa ráy…Họ còn lót nó lên vai khi gánh lúa, gánh khoai...cho đỡ đau, đỡ mòn vai áo.
Đàn ông, người thì đội như phụ nữ, người thì xếp hoặc xoắn nó lại như sợi dây, rồi cột lên trán để ngăn mồ hôi rịn từ chưn tóc xuống mắt.
Cái khăn đeo dính họ suốt từ sáng cho tới chiều. Cho đến khi họ đi tắm nó mới được tháo ra, máng lên cái cọc tre đóng cạnh cây cầu. Cái cọc ấy được giữ lại những cái nhánh nhỏ chừng một gang tay để bà con treo áo quần khi tắm. Tắm xong họ vói tay lấy cái khăn ấy xuống lau cho khô tóc rồi vấn ngang hông mà đi lên nhà.
Cái chàng tắm đó cứ ngày một thưa rỉnh, cho đến độ mà mấy cái sọc đã mờ hẳn đi, gần như trong suốt vẫn chưa được hóa kiếp! Thời đó bà con mình nghèo lắm, quần áo rách còn vá lại mặc thì nói gì…
Cho đến bây giờ Lam mới hiểu ra, tại sao ông ngoại và ba mình thuở đó, thường đi tắm lúc tối hù, còn cấm phụ nữ trong nhà xuống sông khi trời chạng vạng. Có lẽ ngoài lý do sợ âm binh quấy nhiễu, còn có ý không muốn họ thấy cái thân thể được che không mấy kín đáo của mình?
Lam nhìn cái khăn tắm không thể nào cũ hơn nữa ấy mà bùi ngùi quá đổi. Cô nghĩ thầm chắc từ ngày bỏ nhà đi, Ngươn chưa sắm nổi cho mình một món đồ dùng nào!
Bó chưn cho Thắm xong, Ngươn liền vào bếp lấy cây mác mũi nhọn cầm trên tay rồi đi ra vườn. Lam nhớ ngày xưa cô cũng té cây ổi một lần, ba cô sợ có huông nên đốn luôn cây ổi.
Bèn lật đật chạy theo kêu to :
-Đừng có đốn cây me!
Ngươn quay lại nhìn Lam một cách ngạc nhiên:
-Đốn cái gì? Cây me nào?
Lam đáp :
-Thì cây me làm dì Út té đó!
Thấy nét chưng hửng trên mặt Ngươn, cô hỏi :
-Anh xách cái mác ra vườn làm chi ?
Ngươn đáp :
-Tui đi kiếm cây làm cái nạng cho Út chống đặng đi tới đi lui.
Lam tiu ngỉu:
-Vậy mà tui tưởng đâu anh giận cây me nên đốn phăng nó chớ!
Ngươn cười :
-Cây me lớn như vậy tui làm sao đốn xuể.
Rồi nói thêm:
-Cô đừng có xúi Út đốn nghe! Trên đó có nhiều tổ chim lắm!
Lam gật đầu, quay trở vào để chuẩn bị nấu cơm cúng chiều. Cô vô bếp lấy cây dao nhỏ ra cắt bốn trái mướp, ngắt thêm vài cọng hành để bỏ canh.
Bỗng cao hứng, cải biên hai câu ca dao:

-Ví dầu câu cá nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm.

Thành ra :

-Chiều chiều cắt mướp nấu canh
Bỏ tôm cho ngọt, bỏ hành cho thơm.


Ngay từ nhỏ Lam đã bức rức vì câu ca dao đó ! Cô cho là bỏ "tiêu" thì chỉ cay và thơm thôi chớ làm sao mà "ngọt" cho được.

Lam đang gật gù, hài lòng với sự sửa đổi hết sức hợp lý của mình thì nghe tiếng Thắm kêu :
-Lam ơi, Lam!
Cô lật đật bỏ cái rỗ mướp xuống sàn nước, rửa sơ cái tay, chùi lẹ lẹ ba bốn lần lên quần rồi chạy vô. Vừa thấy mặt Lam là Thắm nói như rên :
-Tao mắc tiểu quá! Làm sao đây?
Lam hết hồn, nói đại :
-Không được đâu, nín đi!
Thắm cau mặt rồi phì cười :
-Làm sao mà nín?
Lam nói :
-Một mình tui vác dì không nổi đâu. Chờ anh Ngươn phụ mới được .
Thắm nạt :
-Đồ vô duyên! Ai mà nhờ y mấy chuyện như vầy?
Rồi hỏi tiếp :
-Thằng chả đi đâu vậy?
Lam hù Thắm :
-Tui thấy ổng đi vô bếp, rút cái mác ra cầm lăm lăm trong tay, mặt hầm hầm, đi xăm xăm ra vườn…
Thắm hớt hải :
-Đừng có nói là y leo lên cây kiếm con rắn mà chặt nghe mậy!
Rồi năn nỉ :
-Mầy chạy theo liền đi, biểu y trở vô liền để tao nói cái nầy .
Lam cười ghẹo :
-Chưa kịp nghe gì hết mà đã sợ đến xiêu hồn, bạt vía. Ổng xách mác ra vườn đi kiếm cây để đẽo cho dì cái nạng đó!
Thắm nhiếc :
-Con quỉ nầy, mầy mà ở đây lâu, chắc tao chưa lành bịnh là đã ngủm củ tỏi vì bị hù.
Lam làm mặt giận :
-Vậy là muốn tui về phải hông? Để hai người tù ti, tú tí thoải mái phải hông?
Để có hiệu quả hơn Lam chì chiết :
-Có tình, bỏ bạn. Được rồi tui về liền nè, khỏi đuổi!
Lam đóng kịch hơi lố nên phản tác dụng.
Thắm cười sằng sặc rồi thách:
-Mầy có giỏi thì về đi! Tao ngồi dậy không nổi chớ cũng ráng làm vịt nấu cháo đãi liền tay.
Lam hơi quê quê, bèn đem chuyện Ngươn hy sinh cái khăn tắm của y ra kể cho Thắm nghe.
Thắm biểu Lam :
-Trong tủ còn mấy cái khăn tao mua để sẵn, mầy lấy một cái nhét vào túi y giùm tao.
Rồi hối :
-Làm liền đi để không kịp!
Lúc Ngươn đem cái nạng vào là Lam đã cúng cơm xong, nhang cũng sắp tàn.
Lam bước lại châm trà vô ba cái tách một lần chót rồi vái bổ sung :
-Cửu huyền thất tổ, ông cố, bà cố, ông ngoại, bà ngoại cùng ba má con. Xin chư vị phù hộ cho con và dì Út đều lấy được người mình thương và thương lại mình.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 22
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 2 2018, 18:59
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Lam bỗng nhớ đến một câu lộng ngôn của Pháp: “Tuổi trẻ yêu như điên, tuổi già điên mới yêu”, mà buồn!
Từ xa xưa người ta đã mặc định rằng cái chuyện yêu đương là đặc sản của tuổi trẻ. Những người đã rụng vài cái răng, bạc gần hết tóc mà còn thèm rồi ăn mót cái món đó là bị lên án dữ lắm! Họ bị xem là không có lý trí, bị liệt vào hàng ngũ của những kẻ thiếu tư cách và thiếu đạo đức.
Lam có một cô bạn đồng nghiệp là góa phụ, cổ không dám tái hợp với người xưa vì sợ bị mất danh dự, sợ ảnh hưởng đến tiếng tăm và hạnh phúc của con cái.
Với những người còn độc thân như Thắm và Lam thì “dễ thở” hơn một chút. Họ được khoan hồng vì từ trước tới giờ chưa được nếm qua. Dư luận đành mắt nhắm, mắt mở để họ chấm mút chút đỉnh. Thế nhưng cái nghiệp giáo lại là sợi dây trói tay, trói chân khiến họ đành án binh bất động.
Lam còn đang phân vân không biết có nên dọn mâm cúng xuống rồi ra vườn mời Ngươn vào không, thì đã nghe tiếng Thắm vang ra từ trong buồng.
Thắm nói nhỏ thôi nhưng cũng lọt thỏm vô cái lỗ tai đói nghe lóm của cô :
-Đi tắm đặng ăn cơm. Có cái khăn mới đó! Lấy lau mình đi đừng có trả lại.
Lam nhận ra dì Út của mình hết sức nữ tính, cho dù chỉ có hai người vẫn cứ mắc cỡ, nói trống không chẳng thèm xài chủ từ, túc từ gì ráo.
Hình như Ngươn cũng thế! Câu nói của họ cứ thả lững lơ, để đối phương tha hồ điền vào chỗ trống tùy theo ý thích. Và đối với Lam điều đó hết sức lãng mạn.
Lam nghĩ thầm :
-Tội nghiệp y ta quá! Chắc biết mình nhìn thấu ruột gan nên e dè, rón rén. Y vô buồng dì Út mà không gây ra một tiếng động, làm mình đâu hay.
Rồi chắc lưỡi, lầm bầm :
-Cũng may là mình không bô bô với dì Út về mấy cái ý vừa có đó!
Cô liếc thấy Ngươn lấy cái khăn mới ra, úp lên mặt rồi vắt lên vai. Y rút từ cái túi bằng vải ra một bộ đồ màu "dà", màu lá cờ truyền thống của những người theo đạo “phật giáo Hòa Hảo” để mặc. Cái túi bấy giờ lép xẹp chắc chỉ còn nhiều nhất là một bộ đồ trong ấy.
Chờ Ngươn đi vào nhà tắm xong, Lam mới bước vô buồng Thắm.
Cô hỏi nho nhỏ :
-Sao dì hổng tặng cho ổng vài bộ đồ? Tui thấy hình như ổng chỉ có “nhứt y, nhứt hưỡn”.
Thắm lắc đầu :
-Mầy hổng biết chớ tánh y sĩ diện lắm! Càng nghèo thì càng tự ái. Tao mà sắm chắc chẳng những không nhận mà còn không ghé nữa đó!
Lam hỏi tiếp :
-Ảnh kiếm tiền bằng cách nào ?
Thắm lắc đầu :
-Tao đâu dám hỏi. Hình như cũng được ăn thừa tự. Cái phần đất của mình, y giao cho đứa em làm rồi nó đưa bây nhiêu xài bấy nhiêu thì phải.
Lam thở dài, cảm thấy lo lo. Cho dù Thắm có sẵn cơ ngơi, huê lợi từ ruộng vườn và lương hưu cũng đủ cả hai sống thoải mái. Nhưng với cái tính sĩ diện quá cỡ thợ mộc của y, liệu Ngươn có chấp nhận sống dựa vào Thắm và ngược lại Thắm có đủ khôn khéo để không lỡ lời làm y tổn thương hay không? Liệu cuộc tình quá đẹp khi dang dở nầy, lúc vẹn câu thề lại mất vui hay không? Liệu cuối cùng cả hai phải kết thúc nó bằng những câu bắt đầu bằng hai chữ “phải chi!” không?
Đồng tiền mang tính cách của một cô gái đẹp. Chàng trai nào không thèm để ý, tỏ vẻ say mê, theo đuổi, ca tụng mà phớt lờ là nó bị tổn thương liền.Thế là rắp tâm phục thù, hành hạ đủ kiểu. Có khi còn chưa vừa dạ, bèn rình đúng lúc để đập cho cái tên tội phạm đó nhừ xương mới ưng bụng.
Tiếng gọi của Thắm nghe êm ái khác thường:
-Lam ơi!
Lam bước vô phòng.
Thắm vừa thấy mặt cô là bảo :
-Tao hết chịu nổi rồi!
Lam cuống lên vì chẳng biết phải làm sao! Ngươn trong nhà tắm vừa bước ra, thấy bộ tịch lăng xăng, lít xít như gà mắc đẻ của Lam thì trố mắt ngạc nhiên.
Anh hỏi:
-Có chuyện gì đó cô Lam?
Lam đáp nhỏ, ngập ngừng :
-Dì Út mắc…
Ngươn gật đầu lẹ lẹ như muốn bảo "biết rồi đừng nói nữa ".
Chàng nói thầm đủ để nghe ên:
-Đáng lẽ phải làm cái chuyện nầy trước.
Rồi hỏi :
-Trong nhà có cái ghế đẩu nào không?
Lam gật đầu :
-Có chớ, năm sáu cái lận !
Ngươn liền giục :
-Lấy một cái đem liền lại đây! Lựa chiếc nào vững chưn nhứt nghe !
Lam lật đật mang ghế tới. Ngươn ngồi thử rồi gật đầu.
Y lấy mũi mác bẩy cho mặt ghế rớt ra, đưa cho Lam rồi nói :
-Cô cho Út ngồi lên đây, lót thêm cái gì ở dưới.
Rồi hỏi :
-Cô đỡ một mình nổi không?
Lam gật đầu.
Ngươn vừa bỏ đi, vừa nói :
-Vậy cô phải hết sức cẩn thận nghe! Tui đi giặt đồ rồi ra giàn rau hái mấy trái ớt.
Ngươn đứng ngắm giàn rau cho thỏa mắt rồi mới hái hai trái ớt, một xanh, một đỏ. Vừa bước vào bếp, mũi y đã bị tấn công dồn dập bằng một mùi thịt kho thơm ngát.
Cảm giác lâng lâng pha trộn giữa niềm phấn khích và lòng hoài cảm chợt dấy lên trong lòng chàng. Ngươn bỗng nhớ đến bữa cơm đầu năm, với những món ăn đầy mùi vị và màu sắc. Cho dù thức ăn ê hề nhưng cái món duy nhất bị chàng xà xẽo là tô thịt kho và dĩa dưa giá.
Má Ngươn là thợ nấu nên cái dĩa dưa giá trong mâm cơm ở nhà chàng điệu đà hơn các nơi khác. Nó chẳng những ngon miệng mà còn ngon cả mắt.
Nó gồm có dưa cải xắc trọng trọng cỡ cọng bánh tầm; Củ cải đỏ xắc nhỏ như cọng tăm xỉa răng; Gừng xắc chỉ; Giá sống chưa ngâm; Hẹ, củ hành tím, tỏi, ớt, giấm, đường, muối…
Cái món rất cân đối giữa mỹ thuật và mỹ vị ấy! Với kích thước đa dạng, với các sợi trắng, đỏ, cam, xanh, vàng, tím…bối rối bên nhau đó, đã không phụ công phu của người chăm chút chúng. Chính những mùi vị khác nhau: Cay, chua, giòn, mặn, ngọt… được pha trộn một cách hài hòa ấy, đã đem đến cho chàng một cảm xúc gần như thiêng liêng. Nó cũng đang làm cho nước miếng ứa ngập mấy cái chân răng của Ngươn cùng nước mắt đang thập thò quanh khóe, cho dù chỉ hiện diện trong ký ức.
Lam đã bày sẵn các món ăn lên bàn.
Thấy Ngươn là cô nói liền :
-Anh dùng cơm một mình đi nghe, tui đút dì Út rồi ăn luôn với dĩ cho vui.
Nói xong liền bưng cái mâm vô buồng của Thắm.
Ngươn ngồi xuống ghế, một tay bưng chén, một tay cầm đũa. Chàng đưa chén cơm lên trán để kỉnh ông bà trước, lim dim mắt rồi hạ xuống ngang mũi, hít sâu như cố gom hết hương vị bằng đường thở.
Chàng rỉa một miếng thịt cho vào miệng rồi vít một đũa cơm lên nhai từ từ. Những ngày đói đã cho Ngươn biết giá trị của thức ăn, nên chàng đối với chúng một cách thập phần trân trọng.
Lúc một mình một mâm như thế nầy, không sợ ai phê phán, chàng thường thưởng thức rất từ tốn, nghiêm trang và gần như kính cẩn.
Cái bùi, cái béo của miếng thịt vàng nâu, cùng lớp mở trong vắt nhờ được kho cho tới rục trong nước mắm và nước dừa tươi, ngấm vào từng gai lưỡi. Chúng đánh thức mọi dây thần kinh, khiến làn da chàng gờn gợn. Chúng thâm nhập vào cơ thể rồi chia làm hai hướng: Một xông thẳng lên óc, một chảy vào tim.
Có đôi khi chàng nghĩ. Tại sao người ta quá suy tôn cái cảm xúc phỉnh phờ của tôn giáo, điều mà chưa chắc thiết yếu bằng thực phẩm. Họ bỏ cả đời nghiên cứu những triết lý cao siêu trong đó, rồi mang ảo tưởng là mình cao, đẹp hơn thiên hạ. Sao họ không nhín bớt chút thời gian để chiêm nghiệm về tính chân, thiện, mỹ của thực phẩm.
Nếu con người chỉ tiến dần theo từng mức ăn no, ăn ngon, ăn đúng, ăn đẹp... thì đâu cần phải chà đạp lên người khác! Trái hẳn với giáo điều, thực phẩm khiến người ta liên kết chớ không khích bác lẫn nhau. Cái cảm xúc mà nó mang đến cũng rất thánh thiện chớ chẳng dung tục như từng bị hiểu lầm. Thay vì dạy chúng ta đi tìm thức ăn cho tâm linh, mà kết quả là càng bội thực thì càng đói khát. Sao không có một tôn sư nào dạy cách cư xử đúng mực với thực phẩm? Dạy họ sống tốt bằng cách làm ra thực phẩm tốt và sử dụng một cách nghệ thuật, để biết đâu qua đó họ cảm nhận được niết bàn ngay trong cuộc sống?
Ngươn nhớ có lần, trong một bữa ăn lúc chàng chưa lớn lắm. Hôm ấy má chàng đã nấu cái món giò heo giả cầy ngon nhức nhối mà ba chàng ưa nhứt.
Thấy Ngươn gấp một khoanh giò, cắn ngập răng rồi nuốt chửng. Ba chàng liền rầy :
-Cái đồ “thực bất tri kỳ vị “. Ăn ào ào như vậy làm sao mà biết hết cái ngon? Chưa no đã ngán rồi. Phải ăn từ từ nó mới kịp thấm chớ!
Rồi ông tập cho chàng cách ăn, ông nói :
-Thức ăn quý lắm! Nhai ba sồn ba sực rồi nuốt là không xài hết cái chất bổ, chất ngon của nó. Như vậy là phụ công của người nấu, uổng lắm! Tội lắm!
Từ đó Ngươn bắt chước ông, chắc lọc hết tinh túy của thực phẩm không bỏ sót chút gì.
Cách thưởng thức bữa ăn của Ngươn khiến một số người ngứa mắt.
Có người đã nói thẳng vào mặt chàng :
-Ăn uống lề mề như vậy thì biết chừng nào mới rồi bữa. Ăn rút rút để còn làm việc khác nữa. Ăn để mà sống chớ đâu phải sống để mà ăn!
Câu nói ấy đã theo đuổi chàng đến nửa cuộc đời. Nó khiến chàng mang mặc cảm tội lỗi trước những bữa ăn ngon. Chàng phải tập trung nghị lực để tuân theo những điều giả dối, phản nhiên tính như thế. Chàng đã sai lầm, đã a dua với họ, gán cho những điều bình thường một tính cách hết sức lệch lạc.
Bây giờ chàng đã tiến bộ lên một bậc, đã "ngộ" về cái "ăn". Còn cái "yêu" thì...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 2 2018, 02:10
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Tỷ ơi! Tin đã nhận của Ốm đã đầy, cần phải xóa bớt mới đọc được tin mới. Vậy mà mỗi lần Ốm xóa thì nó bảo LỖI TỔNG QUÁT!
Ốm "bó chưn chấm com" rồi tỷ ơi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 2 2018, 04:11
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ốm mà bó tay thì tỷ cũng bó luôn hai cái chưn, cái lãnh vực nầy tỷ dốt hạng nhứt ! Tỷ cũng thử gọi cho Ốm. Nó reo một lần rồi im ru luôn !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ĐBVA - Re: GIÓ ĐÔNG
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 2 2018, 09:20
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Lamduyen ơi.
Cám ơn bài viết nha. Em tui quá giàu chữ nghĩa và ý tưởng phong phú ghê...Đã in được quyển sách nào chưa? nhớ chừa chị một quyển nha.

Hai câu ca dao:
Ví dầu câu cá nấu canh,
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm.


Chị lại nghĩ khác em, cái nồng cay của tiêu sẽ lấn áp mùi tanh (cố hữu) của cá, và đem cái ngọt ngon(bản chất) của cá trở lại, làm nồi canh trở thành tuyệt vời, với sự trợ giúp của hành thơm...
Mong ý nghĩ của chị được em chấp nhận.

Thương. - ĐBVA


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NT2 - Re: GIÓ ĐÔNG
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 2 2018, 15:39
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Tôi có cảm tình sâu đậm anh chàng Ngươn.
Nhưng người tín đồ P G H H không dùng vãi màu dà ( đà )để may quần áo mặc
Màu dà tượng trung cho vô vi ..tam bảo..


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGV - Re: GIÓ ĐÔNG
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 2 2018, 15:45
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
NGV tui thích nhứt là món giò heo giả cày chấm với tương hột, đậu phộng đâm nhỏ và nước cốt dừa trộn chung. Mỗi lần về thăm nhà là má hay nấu món nầy cho tui ăn. Nhất là nấu với măng tre tàu, vị ngọt, không nhân nhẩn đắng như măng tre rừng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 97, 98, 99, 100, 101, 102, 103 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu