Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 15:05
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105 ... 227  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 271192 | Trả lời: 2264)
Tiêu đề bài viết: NT2 - Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 3 2018, 10:30
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Em Diệu!
Mấy năm gần đây thầy thường về vào dịp Tết để góp phần vào việc tế tự trong tộc họ
Thinh thoảng đi thăm viếng vài nơi hoặc tham dự hội đám đền chùa.
Đôi lúc, bất chợt nghỉ về những năm tháng ngày đã qua của một thời vang bóng, buồn vui lẫn lộn...Có lúc cảm thấy xa lạ, bơ vơ, lạc lõng trên chính quê hương mình ....
Thời gian có khi đi qua thật chậm, có lúc đi qua sao quá nhanh;dù nhanh hay chậm, mọi thứ đều theo nó mất hút không giữ lại được.
Thực tại dù thế nào ta cũng phải đối mặt, đương đầu với nó để tìm nguồn vui.
Chúc em sức khỏe và an lành.

NT2

** Diễn Đàn: Mồng một tết vào xông đất, nhưng đi lạc mất tiêu, không biết ở nơi nào?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGV - Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 3 2018, 10:55
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Thầy kính,
Tất cả những email thầy gởi qua bayvetoam@yahoo.com em đều nhận được ngoại trừ email xông đất thầy gởi ngày mồng một Tết. Em không biết nó lạc về đâu. Em vào folder junk mails cũng không thấy.
Năm nay em cũng có dự định về ăn Tết bên nhà nhưng con gái lớn của em dọn nhà nên phải đình lại cho năm sau.
Kính chúc Thầy Cô cùng gia quyến năm mới nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng, mọi điều may mắn.
TCB


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 29
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 3 2018, 19:32
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Lam nói bằng giọng nửa đùa nửa thật :
-Có khi nào Đông về đây, gặp hết mọi người trừ cô không?
Đông làm thinh rất lâu rồi mới nói, giọng nhẹ như hơi thở :
-Như vậy là ác lắm! Cô biết không?
Niềm vui, nỗi buồn cùng cái đau hết sức êm ái, xuất hiện cùng lúc khiến Lam nghẹn ngào. Lam chưa kịp nói câu gì đã nghe tiếng bé An gọi to ngoài cổng :
-Cô Ba ơi! Cơm.
Đông nói :
-Cô đi ăn cơm đi! Nhớ ăn thật nhiều bông bí giùm em luôn thể .
Lam đặt ống nghe lên giá treo, lòng ray rức, nặng nề vì vô tình làm Đông buồn.
Lam lấy cái áo khoác có cả nón, tay rất dài mặc vào. Để chui lỗ chó cho tiện, cô không đội nón lá mà kéo cái nón dính liền vào áo lên che cả đầu lẫn mặt.
Bé An vốn rất mến Lam, bởi thường được cô góp ý trong những bài văn nên không chịu về liền mà đứng ngoài cổng để đợi. Lòng nó vui vui khi liên kết những hồi chuông điện thoại, bó bông bí héo, bàn tay chụp ống nghe vội vả của Lam với một nhân dáng mờ nhạt mà nó nhất định phải là một người đàn ông.
Mười lăm phút sau nó nghe tiếng má nó gọi từ sau lưng :
-Cô Ba qua rồi! Mầy làm cái gì mà đứng như trời trồng vậy?
Nó ba chưn bốn cẳng chạy về, thấy Lam đang ngồi đàng hoàng trên chiếc chõng tre trước mâm cơm thì ngạc nhiên quá đỗi, thô lố mắt hỏi :
-Em chờ cô ngoài cổng để về một lượt cho vui. Bộ cô…
Lam gật đầu :
-Cô chun lỗ chó cho lẹ, đói bụng quá!
Cô Sáu tính chửi cho nó một chập vì cái tánh hể đi tới đâu là chà lết quết xảm tới đó, nhưng nhớ ra hôm nay ăn chay nên ráng dằn xuống.
Lam nhìn tô canh bông bí, chén tương xổi, mấy trái đậu rồng, dĩa tàu hủ muối xả chiên và hai trái ớt hiểm đỏ au nằm gọn trong mâm thì hỏi :
-Hôm nay ngày mấy vậy chị Sáu?
Cô Sáu chép miệng :
-Mười bốn ! Lụi hụi mà tết tới sát sau lưng rồi đó!
Rồi hỏi Lam :
-Cô Ba ăn chay một tháng mấy ngày?
Lam trả lời với đôi chút ngượng ngập :
-Em chưa ăn ngày nào ráo trọi!
Cô Sáu ngạc nhiên :
-Sao vậy ?
Lam cười, pha trò :
-Em tội lỗi đầy mình, cho dù ăn chay trường cũng khó mà thành phật được.
Cô Sáu quở :
-Cô đừng có nghĩ như vậy mà dội ngược. Mình ăn chay dể dằn bớt cái sân, si trong bụng xuống thôi. Hôm nào ăn chay, rủi gặp mấy cái người cà chớn, bị họ chọc giận, đáng lẽ phải chửi cho đã nư, thì mình dằn lại, lầm bầm trong miệng mà thôi! Nhờ vậy mà khỏi gây gỗ, khỏi thành lớn chuyện.
Lam chợt ngộ ra, thì ra bà con mình ăn chay vì mục tiêu thiết thực, đơn giản đến vậy sao?
Lam hỏi :
-Chị ăn chay một tháng mấy ngày?
Chị Sáu đáp :
-Tui thì ăn một tháng mười ngày. Ổng ăn bốn ngày.
Chỉ tay vào bé An, chị nói:
-Con nhỏ nầy thì hổng chừng, hổng đổi: Tháng nầy thì nó theo tui, tháng sau thì nó theo ổng, trồi sụt bất thường. Tui rầy hoài, nói ăn như vậy tội chết mà nó hổng chịu nghe!
Bé An phụng phịu :
-Ai biểu ngày chay mà má làm đồ ăn mặn quá sức ngon thì làm sao con nhịn cho được? Ăn chay mà cứ nhớ tới món mặn rồi tiếc hoài thì thà là ăn mặn cho rồi!
Cô Sáu giải thích :
-Ngày ăn chay người ta bán cá, thịt, nới hơn mọi bữa. Tui cũng không muốn ba con An ổng nghĩ là mình ăn chay nên hổng muốn cho ổng ăn ngon.
Lam bẻ đôi trái đậu rồng, chấm vô chén tương xổi nhai khơi khơi rồi khen :
-Ngon quá ! Chị mua tương của ai vậy ?
Cô Sáu đáp một cách hãnh diện :
-Tui mua tương của tiệm bà xẩm Xín không hà!
Con An cằn nhằn :
-Sao má hổng mua tiệm của chị Hiền ? Con ghét người Tàu lắm ! Họ ăn hiếp nước mình. Con hổng hề bước chưn vô tiệm đó, đối đế lắm bên chị Hiền hổng có con mới ghé mua đỡ.
Cô Sáu nạt :
-Ai quấy có người, mình không có làm như vậy được! Họ không sống nổi xứ họ mới qua đây ở đậu mình, mình phải đối đãi coi cho được. Tao đâu có phải con nít mà giận bắt quàng.
Lam hỏi :
-Bông bí héo queo, chị nấu cách nào mà ngọt vậy?
Cô Sáu đáp :
-Tại nắng chớ đâu phải để lâu mà hết chất ngọt. Tui bỏ có chút xíu bột ngọt với muối thôi. Phải nhầm ngày ăn mặn, nấu với cá lóc còn ngon dữ nữa!
Lam thở dài :
-Cá lóc thiên nhiên mới ngon, cá lóc nuôi ăn không bằng. Kẹt không có cá lóc đồng em mới mua. Đem về không dám nấu canh, chỉ làm món kho với muối xả chiên hoặc chiên tươi gầm nước mắm tỏi ớt không hà. Mấy con cá rô, cá sặc, cá trê... được nuôi cũng vậy.
Cô Sáu gật đầu :
-Tui cũng ghét mấy con cá nuôi như cô vậy! Cái thịt của nó bủn xì, tanh tanh, thà ăn tàu hủ còn ngon mà rẻ hơn ! Khỏi mắc công làm.
Rồi nói :
-Ba con cá nuôi chỉ có con cá ba sa của mình là ngon nhứt, nhờ nuôi bằng bè ngâm dưới sông, lại là nước ở đầu nguồn cho nên sạch, thịt hổng tanh chút nào! Ngon như cá sông .
Lam thở dài :
-Mai mốt cá sông hết, chắc tụi mình phải xài toàn cá nuôi mà thôi! Có tanh cũng phải ráng mà ăn. Có khi ăn riết rồi hết nghe tanh, hay ghiền cái tanh của nó hổng chừng!
Cô Sáu mách nước :
-Tui có cách khử tanh hay lắm!
Lam hỏi tới :
-Cách gì chị chỉ cho em với!
Cô Sáu đáp :
-Nếu như cô xát chanh, chà muối rửa với nước gừng không xong, thì chịu khó lấy một nắm bột, xát cả bên trong, bên ngoài của nó, để một chút rồi đem rửa. Bảo đảm mùi tanh bị bột hút hết!
Bé An hỏi:
-Người ta nuôi, cho nó ăn đồ ngon, đồ bổ không hà. Con nào cũng mập ù mà tại sao tanh hơn, dở hơn mấy con cá thiên nhiên ốm đói vậy cô?
Cô Sáu giành trả lời :
-Cá ngon là nhờ nước chớ đâu phải đồ ăn. Mấy người nuôi cá, họ cho tụi nó ăn đầy đủ mà làm biếng thay nước, nên thịt nó tanh hơn mấy con cá lội tự do ngoài sông.
Thấy Lam chan canh ngập chén, cô Sáu bèn gắp miếng tàu hủ cho Lam rồi nói :
-Canh phải ăn kèm món mặn. Lua một đũa cơm, cắn một miếng tàu hủ, gắp một miếng bông bí lên nhai chung như vậy mới ngon.
Rồi quở :
-Sao cô ăn canh không vậy? Bộ mấy món kia không vừa miệng hay sao?
Lam đáp :
-Đâu có! Tàu hủ thơm xả, mặn vừa phải, còn đậu rồng chấm tương xổi ăn “bắt” lắm! Tại hổm rày nóng trong mình quá nên húp canh nhiều cho mát.
Bé An bắt lỗi :
-Mình ăn cơm chay chớ đâu có ăn mồi nhậu đâu mà cô xài chữ “bắt”.
Lam ngạc nhiên :
-Sao vậy?
Bé An chưa kịp đáp đã bị má nó rầy :
-Cô Ba lớn tuổi hơn lại học cao hơn mầy nhiều, còn làm cô giáo nữa. Cái mỏ ác còn đóng cức trâu mà bày đặt sửa lưng người lớn hả? Đồ cái con…
Lam lật đật can :
-Em không có mích lòng đâu, chị đừng lo. Em không giống như người ta! Có người sửa lưng em còn mừng muốn chết! Nhờ vậy mà mai mốt mình nói mới đúng, làm mới đúng!
Bé An phân bua :
-Tại hôm đầu tháng ăn chay, con cũng nói y như cô cái ba con ổng bắt lỗi. Ổng nói cái chữ đó là của mấy ông nhậu. Họ không khen “mồi ngon” mà nói chữ “bắt “ thôi hà!
Cô Sáu thở dài đánh thượt một cái rồi nói :
-Tui bắt rầu với ba con An. Mắc cái giống gì mà ổng bắt chặt, bắt lỏng hai má con tui từng lời ăn, tiếng nói. Có cái tật tới bữa cơm là đem mấy cái chuyện không vừa mắt ra nói. Bởi vậy bữa nào trong nhà có chuyện, biết ổng bực mình là tui ráng nấu cho thiệt là ngon .
Lam ngạc nhiên:
-Chi vậy chị?
Cô Sáu cười :
-Thì tại bữa nào có món ruột, hạp khẩu là hai tía con họ, ổng với nó, cặm cụi ăn, đâu còn nhớ ba cái chuyện bao đồng để mà cằn nhằn, cử nhử nữa.
Lam lấy làm thú vị, cô nói :
-Em phải xin cái kinh nghiệm nầy của chị mới được!
Cô Sáu buông đũa, nhìn Lam trân trối :
-Bộ cô chịu lấy chồng rồi sao?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: MÙI ỔI - Lâm Du-Yên
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 3 2018, 19:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Thầy kính !

Em rất thông cảm với thầy và anh Bá. Lúc còn xài email, em gửi "meo" cứ bị lạc hoài. Do vậy mà một cô bạn giận, tưởng em không thèm trả lời cổ.
Dù không về quê ăn tết, nhưng khi biết thầy đang ở VN em thấy vui vui.
Thầy ráng giữ gìn sức khỏe để vào diễn đàn đều đều nha thầy. Có như vậy em mới có thêm động lực !
Cám ơn thầy nhiều.

Học trò của thầy
Lâm thị Diệu


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 30
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 3 2018, 17:50
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Lam cười, nói giỡn:
-Chị phải hỏi “bộ có người chịu lấy cô rồi sao?” mới đúng!
Cô Sáu chau mày :
-Cô đừng có bỏ giá thấp mình như vậy. Cô coi còn ngon cơm lắm! Chắc tại cô nghiêm quá cho nên người ta ngại, hổng ai dám mở lời. Đàn ông coi vậy mà hay lắm nghe! Họ để ý con mắt của mấy người phụ nữ, hể thấy ai có cặp mắt đẩy qua, đưa lại, liếc ngang, liếc dọc là xáp vô liền. Mấy người ngó thẳng băng với nhìn xuống đất như cô là họ ngán, biết đeo đuổi cũng hổng ăn thua nên theo làm chi cho mắc công.
Liếc nhanh Lam như để lường trước phản ứng, cô Sáu nói tiếp :
-Nói thiệt với cô, hổm rày nghe chuông điện thoại nhà cô reo tưng bừng là tui nghi lắm! Nó mà reo tới tấp như vậy thì một là cha mẹ lo cho con cái, hai là chủ nợ canh con nợ, ba là những người có tình ý với nhau . Cô thì hai bác đi theo ông bà hết rồi, cũng không mang công mắc nợ ai cho nên tui cũng hơi nghi nghi…
Con bé An hớn hở vuốt đuôi :
-Con cũng vậy đó má! Con cũng...
Cô Sáu lườm nó một cái, nó cụt hứng, nín khe. Cô Sáu giựt cái chén trong tay Lam để bới.
Lam dặn vói :
-Nửa chén thôi chị!
Bé An hỏi :
-Sao cô nói đói bụng mà ăn ít vậy?
Lam đáp :
-Cô để dành bụng đặng ăn canh.
Cô Sáu vừa đưa chén cơm đầy nhóc cho Lam, vừa hỏi :
-Thẩy ở đâu vậy cô? Còn trai hay góa vợ?
Lam xớt bớt cơm qua chén con An rồi đáp :
-Góa vợ được ba năm rồi đó chị .
Cô Sáu khen:
-Đàn ông mà để tang vợ tới ba năm, tốt quá!
Rồi hỏi tiếp :
-Hai người tự quen hay có người mai mối ?
Lam đáp :
-Tự quen .
Cô Sáu chưa chịu thôi, hỏi tiếp :
-Chắc thẩy cũng đi dạy như cô hả?
Lam suy nghĩ hồi lâu, cô muốn gật đầu nhưng lại sợ sa vô cái vũng lầy nói dối. Lam thừa biết là đặt chân vào đó một lần thôi là khỏi có rút ra được nữa. Cô sẽ bị lún từ từ cho tới ngập đầu, thở hết nổi.
Cô mạnh dạn thú thật :
-Trước ba mươi y là học trò của em đó chị! Sau đó y vượt biên, sống ở Úc.
Cô Sáu hỏi :
-Chắc y tài lắm hả cô?
Lam ngạc nhiên:
-Sao chị hỏi vậy?
Cô Sáu đáp :
-Mấy người như cô mà ưng người nhỏ tuổi hơn mình thì người đó phải có cái gì thiệt là hay, thiệt là giỏi làm cho cô cảm phục. Chớ hông thôi dễ gì …
Lam cười :
-Em cũng không biết y có tài hay không nữa. Nhưng nghe y nói là y thương em từ ba chục năm về trước. Y lấy cô vợ trùng tên với em. Y nhớ từng cái áo em mặc, từng lời em nói cho nên…
Cô Sáu chắc lưỡi:
-Vậy là thương dữ lắm rồi đó cô! Y có nói chừng nào về cưới cô hông?
Lam đáp :
-Y có nói là về nhưng không nói chuyện cưới. Em cũng chưa biết mình có chịu lấy y không. Cũng chưa biết có làm đám cưới hay không nữa!
Cô Sáu rầy :
-Phải cưới chớ cô! Đừng có lo, tới chừng đó cô giao cái chuyện nấu nướng cho tui. Nhiều thì hổng dám hứa, chừng hai chục mâm trở xuống là tui dư sức qua cầu.
Lam lắc đầu :
-Em ghét phô trương, cũng ít có bạn bè. Chắc chỉ vài ba mâm thôi!
Cô Sáu gật đầu :
-Cũng được, mình đâu cần làm rình rang, chỉ cần có cái đám để lạy bàn thờ ra mắt ông bà với thông báo cho bà con biết là cô lấy chồng là được rồi.
Bé An nói :
-Cô mặc áo dài màu hồng nghe cô, đừng mặc mấy cái áo soa rê to đùng coi kỳ lắm!
Cô Sáu lại trừng mắt với An.
Cổ nhiếc nó :
-Thứ đồ con nít con nôi ăn hôi bò xít. Bộ đây là chuyện chơi hay sao mà mầy dám xen vô. Cỡ tao đây còn phải xin phép cô Ba mới dám nói nữa là...
Con bé An liền phụng phịu làm mặt giận.
Lam vội đỡ lời, nói giỡn :
-An làm dâu phụ cho cô nghe!
Bé An rút vai, le lưỡi :
-Em mới mười sáu tuổi, má còn chưa cho mặc áo dài màu mà làm dâu phụ cái gì?
Cô Sáu cười :
-Tui cũng có cái ý giống con An vậy đó! Người Việt mình có cái áo dài hết sức là đẹp, hết sức là văn minh, mặc trong ngày cưới với lạy bàn thờ coi phải thế hết sức. Mắc gì phải mặc cái bùng rền? Vừa tốn tiền mướn vừa xấu ơi là xấu! Dài quét đất mà ở nhà quê thì gà vịt chạy tùm lum, ị tùm lum…
Lam thở dài :
-Nói thiệt với chị, nghĩ tới mấy cái cảnh đó là em dội ngược. Em thích làm bạn thôi, lâu lâu y về thăm em rồi nhà ai nấy ở. Em sống một mình, làm theo ý mình quen rồi, bây giờ…Nghĩ đến chuyện phải thích nghi, điều chỉnh cho hợp ý người khác sao chưa gì em đã thấy mệt rồi.
Cô Sáu nói :
-Cô ở một mình thì khỏe rồi đó! Nhưng rủi bịnh bất tử thì khổ lắm! Một mình lập cập, ráng mò xuống bếp nấu cháo. Có khi làm hổng nổi, đâm ra tủi thân rồi bỏ lún hổng thèm ăn, hổng thèm uống thuốc, cái rồi bịnh nhẹ cũng thành nặng. Phải có người bên cạnh đặng để ý, ra vô hỏi han cho vui, cho còn khoái sống.
Thấy Lam có vẻ nao núng, cổ tấn công tiếp :
-Ông bà mình hay nói :” Chén để trong sống còn khua “. Sống chung là phải có đụng chạm. Cô đừng có lo, vợ chồng già như hai cây dao cùn vậy đó! Rủi mà cự nự thì cũng nhẹ nhàng như liếc qua liếc lại để bén đều, chớ đâu còn hơi sức mà chặt chém ào ào cho mẻ.
Rồi cô tâm sự :
-Nói thiệt với cô, ba con An đó, ổng khó vàng trời, tối ngày cứ rầy tui hoài. Nhiều khi bực bội muốn bỏ quách cho xong. Vậy mà ổng đi vắng chừng đôi ba hôm là tui thấy cái nhà nó lạnh lẽo làm sao! Được cái là ghét thì quên lẹ mà thương thì nhớ lâu, nhờ vậy mà sống với nhau cho tới bây giờ.
Rồi cổ hỏi :
-Hồi đó cô có thương y hông?
Lam lắc đầu :
-Lúc đó hồn vía em giao cho người khác giữ rồi, đâu có ngó ngàng gì đến y! Lần đầu tiên nói chuyện, y xưng tên em còn nhớ không ra. Tính gác điện thoại liền vì tưởng y quấy rối. May mà y gọi đúng cái tên “Tím” đi kèm mà mấy đứa học trò ruột gán cho. Y nhắc từng chút, từng chút…Còn nói em là một trong những lý do khiến y liều chết vượt biên.
Chị Sáu chặn hỏi :
-Chắc tại y nghĩ ở lại là suốt đời mang tiếng học trò của cô, cho nên phải ra đi đặng làm Việt kiều cho oai, cho hai người ngang cơ nhau chớ gì?
Lam thấy cô Sáu gán cho mọi sự việc toàn những ý nghĩa tích cực thì cảm động. Biết cổ quá nhiệt tình vì thương mình, sẽ quyết ví mình như ví gà vô chuồng. Nhìn gương mặt của cô Sáu, biết cổ đang mơ mộng, đang bay lơ lửng trên không trung, sợ cổ sẽ như diều đứt dây té lộn đầu, gảy cổ nên Lam đáp :
-Em không chắc là y nghĩ như vậy đâu! Thời điểm đó hể quyết định vượt biên là biết phải chấp nhận "một đi không trở lại", đâu ai dám hy vọng được về thăm lại gia đình, xứ sở. Chắc y chỉ muốn đi để quên, để gặp và thương một người khác, để tạo dựng một cuộc sống khác!
Cô sáu nằng nặc :
-Nếu như vậy thì kiếm cô làm chi?
Lam cười, lắc đầu:
-Em cũng không biết!
Rồi nói tiếp :
-Em có một cô bạn, cũng được người yêu cũ là Việt kiều hứa về cưới. Cổ mơ mộng đủ thứ vậy mà thằng cha đó về rồi âm thầm cưới vợ. Cổ bị một cú đá song phi, nằm chèm bẹp luôn. Phụ nữ cỡ tuổi em ai cũng bị loãng xương. Rủi bị đá một cái như vậy chắc em té như chuối đốn, chết không kịp ngáp.
Cô Sáu nói :
-Trăm ngàn người mới có một người tệ lậu như vậy! Thiếu gì người bụng dạ chắc cứng như cây căm xe, ngâm nước không mục. Tại cô hổng biết đó thôi!
Lam thở dài, chợt nhớ một câu nhạc :” Ứơc mơ nhiều đời đâu bấy nhiêu, vì mơ ước trắng như sương chiều…” mà nghe buồn da diết. Cô không nói gì thêm, chầm chậm nhai cho hết phần cơm trong chén rồi kẹp đôi đũa vào hai bàn tay đang chấp lại, đưa lên ngang ngực.
Bé An nãy giờ im ru, thấy Lam định xá, liền nhắc :
-Cô chưa ăn canh!
Lam lật đật để đũa xuống, múc đầy chén canh rồi tiếp tục ăn.
Cô Sáu tiu nghỉu nhìn chén tương, dĩa tàu hũ, đậu rồng còn gần phân nửa, rồi nói với con gái :
-Mầy ráng ăn tiếp má cho hết nghe An, cơm chay mà bỏ mứa là tội lắm con!
Con An xụ mặt nói :
-Ai biểu má nấu nhiều chi vậy? Cô Ba ốm nhom đâu chứa được bao nhiêu mà má múc ê hề. Ăn sạch bách chén tương với mấy miếng tàu hủ , mấy trái đậu rồng nầy, chắc con uống hết nước trong lu luôn! Chắc cái bụng con bự bành ky như cái trống rồi nổ một cái đùng luôn!
Lam nói :
-Con ăn bao nhiêu hay bấy nhiêu, đừng có ráng.
Rồi hỏi cô Sáu :
-Sao chị hổng để chiều ăn tiếp.
Cô Sáu thở dài, chán nản :
-Cái tật của tui là mời khách là làm cho nhiều sợ thiếu. Trong bếp còn hơn phân nửa lận!
Lam giải quyết cái rụp liền :
-Cái nào còn dư, chị cho em đem về. Chiều em khỏi mắc công làm đồ ăn.
Hai mẹ con cô Sáu mừng rơn.
Cô Sáu nói :
-Để tui vét cơm trong nồi cho cô luôn. Một mình cô ăn chắc nấu chưa tới nửa lon gạo. Nấu ít xịt cơm dính nồi hết ! Cơm nguội ăn với tàu hủ muối xả chiên, với đậu rồng chấm tương xổi ngon lắm cô! Chiều tui lột mấy trái chuối lá xiêm chín nấu canh chua chay, rồi sai con An bưng qua cho cô một miếng.
Con An thoát nạn nên cười tủm tỉm, muốn đền ơn Lam nên nói :
-Một lát cô về con đi theo đặng thọc trái đu đủ giùm cô!
Cô Sáu nghe vậy thì hối :
-Con đi làm liền đi, lấy cái thang rồi leo lên bẻ cho nó không bị giập.
Chờ An đi xong, cô Sáu nhích lại sát bên Lam rồi nói :
-Tui coi vậy mà có cái tánh linh nghê lắm cô Ba! Từ hồi nào tới giờ tui nghi cái gì là có cái đó. Cái chuyện của cô đây, cho dù chưa biết mặt mũi, chưa nói chuyện với người đang để ý cô câu nào. Vậy mà tui tin chắc lọi là y ta thương cô thiệt sự. Không có đá cô đâu.
Lam thở dài :
-Có cái chuyện nầy còn kẹt dữ nữa. Gia đình y bây giờ cũng chẳng còn ai ở đây. Y mà về chắc chỉ ở nhà em thôi! Chưa gì hết mà nhập gia rồi, thấy trái chướng làm sao! Ban ngày hổng nói gì, tối thì …
Rồi phân bua:
-Chị thấy đó, nhà em cái gì cũng có một : Một cái giường, một cái võng, một cái tủ, một cái bàn, ghế thì được bốn cái. Hổng lẽ em nhường cái giường cho y rồi ra võng ngủ. Hổng lẽ…
Cô Sáu ngắt ngang:
-Thì cô qua đây ngủ với con An. Một mình nó mà nằm cái giường bự bành ky, bề ngang tới một thước sáu thì xài đâu có hết.
Rồi cổ xuống giọng nhỏ xíu :
-Cô cứ tính như mình đang chơi bài cào têm vậy đó. Bây giờ bài trên tay mình đang bù trớt, hổng có một núc nào. Cô têm đại biết đâu được chín núc, hoặc bét lắm cũng có cái để đếm với người ta cho đỡ ghiền!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 31
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 3 2018, 14:47
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHƯƠNG SÁU

Khi Lam đã hoàn toàn xiêu lòng bởi những lời xúi giục của cô Sáu thì oái oăm thay, Đông không gọi về nữa. Lam thấp thỏm, cô Sáu thấp thỏm và cả bé An cũng thấp thỏm.
Chiều hôm đó ăn cơm xong, Lam đang rửa chén thì điện thoại đổ chuông. Cô chạy ào ra phòng ngoài, chụp cái điện thoại bằng bàn tay ướt nhẹp rồi hỏi dồn :
-A lô!
Giọng nói của Thắm cất lên :
-Con quỷ! Nói về thăm nhà rồi qua liền mà hơn một tuần nay hổng thấy mặt mày là sao?
Lam đáp ỉu xìu :
-Tui cảm rồi dì ơi!
Rồi ráng rặn ra mấy tiếng ho khù khụ .
Thắm hoảng hốt :
-Tại sao cảm? Cảm làm sao? Nặng hông?
Lam đáp :
-Cũng không nặng lắm! Đủ xài. Có điều đạp xe qua dì hổng nổi.
Thắm đáp :
-Vậy thì nghĩ ngơi cho khỏe rồi hãy qua. Có cần tao nhờ ổng qua coi mạch hốt thuốc cho mầy hông?
Lam hỏi cắc cớ :
-Ổng nào?
Thắm nạt :
-Thì ông Ngươn đó, biết rồi mà còn làm bộ!
Lam từ chối :
-Thôi khỏi! Cái chưn của dì sao rồi?
Thắm nói :
-Bữa nay không nghe đau nữa. Hy vọng lành trước tết.
Lam nói :
-Vậy là đâu có làm mứt me, mứt mận, mứt gì gì ...phải hông?
Thắm cười :
-Làm chớ! Ổng hái cho tao một rỗ đầy. Tao đang ngâm nước muối đây nè, mai lột!
Rồi thông báo :
-Ngày mai mấy thằng đệ tử của ổng qua đây cưa dừa.
Lam hỏi :
-Dì có trồng thiên lý hông?
Thắm đáp :
-Trồng chớ!
Rồi khoe :
-Ổng ươm tới ba mươi mấy gốc thiên lý lận. Ngày mai mấy đứa nó rinh qua luôn. Cưa dừa xong là trồng liền. Để quởn quởn rồi tao biểu ổng đem qua cho mầy mấy cây,
Lam đáp :
-Một cây được rồi, mà đừng có đem qua, để tui tới lấy!
Thắm khoe :
-Nghe nói có một ông gì đó ở Đồng Tháp, bán bông thiên lý mà giàu đó mầy.
Lam đáp :
-Chớ sao! Dì ráng trồng đi, biết đâu mai mốt có một bài báo nói về ông bà tỷ phú “bông thiên lý “.
Thắm mắc cỡ :
-Cái con quỷ nầy! Hở hở là ghẹo. Ông bà gì ở đây?
Lam nói móc:
-Tui đang mạnh cùi cụi, khi không mà bịnh ngang xương. Chắc có hai người nào cầu khấn cho tui bịnh đặng khỏi quấy nhiễu, cản trở họ.
Thắm nhiếc :
-Đồ cái thứ suy bụng ta ra bụng người. Tao ghi mấy cái lời độc ác của mầy vô trong bụng hết rồi. Mai mốt người của mầy về là tao tính sổ với nó. Lúc đó đừng có khóc nghe con!
Lam đáp, giọng buồn thiu:
-Sợ dì chờ mỏi cổ cũng chưa có cơ hội đó!
Thắm hỏi dồn:
-Từ hôm về nhà tới nay y ta có gọi hông?
Lam đáp :
-Có
Thắm hỏi :
-Nói bao lâu?
Lam đắn đo :
-Chừng một, hai tiếng.
Thắm thở phào :
-Như vậy mà mầy còn lo cái nỗi gì? Tao với ổng cả tháng mới nói chuyện một lần, mỗi lần năm phút là tắt, nhiều lắm là bảy tám phút thôi!
Lam hỏi :
-Sao lẹ vậy? Bộ không có chuyện gì để nói với nhau sao?
Thắm đáp :
-Thiếu gì chuyện để nói, tại tao sợ ổng tốn tiền.
Thắm cười hì hì rồi nói :
-Hồi ổng mua điện thoại đó, tao giận quá chừng! Cái rồi ổng nói thứ mình không cần thì một đồng cũng không mua, thứ mình cần thì mấy triệu cũng phải sắm! Tao hỏi ổng sắm làm chi? Ổng nói nghề nghiệp của ổng phải có điện thoại, để xài trong trường hợp cấp cứu, bây giờ người ta lên tăng xông hà rằm. Hôm bữa tao mở cái máy ổng ra ngó thử cái mục danh bạ coi ổng có được bao nhiêu thân chủ. Ai dè chỉ có ba số: Của tao, ông sư phụ với con nhỏ em của ổng thôi hà.
Lam nói :
-Tui thấy ảnh không dám mua cái khăn tắm mới mà dám sắm cái điện thoại là biết ảnh tận tụy với dì hết mình! Là biết thương dì dữ lắm luôn !
Rồi Lam nói một cách rất nghiêm túc :
-Cái nào nói chơi thì nói, cái nào nói thiệt thì nói. Tui khuyên dì đừng có nói lời gì bạc bẻo làm cho ảnh tổn thương nghe ! Trước khi nói dì ráng uốn lưỡi bảy chục lần giùm tui, để không phải hối hận về sau .
Thắm hỏi :
-Có chuyện gì không mà cái giọng mầy nghe bi đát quá vậy?
Lam cười :
-Có gì đâu! Tại tui thấy dì hay nói cái kiểu “dùi đục chấm nước mắm “ nên cảnh báo thế thôi !
Thắm cười :
-Cám ơn “bà già xưa”! Bà đẻ trước tui có năm ngày mà tui tưởng là năm chục năm. Thôi tui cúp đây, để nghe bà dạy khôn một hơi mắc công chột bụng.
Lam vừa máng cái điện thoại lên là thấy bé An ló mặt vô. Nó khệ nệ bưng cái tô kiểu có đựng món gì bên trong, coi bộ đầy nên đi rón rén.
Lam hỏi :
-Má con cho cô món gì nữa vậy?
Bé An nhắc :
-Cô có nhớ bữa nay là hai mươi ba rồi không? Tối nay ông Táo, bà Táo về trời. Má con biểu bưng qua cho cô chè xôi nước với chè ỉ đặng cô cúng ổng bả.
Để tô chè lên bàn, nó nói tiếp :
-Má con dặn là cô có cúng thì cúng chè xôi nước thôi, đừng có cúng chè ỉ.
Lam gật đầu :
-Cô biết rồi! Ông táo nhát lắm, thấy viên chè ỉ giống mấy viên đạn nên sợ không dám ăn đâu!
Bé An thắc mắc :
-Mấy ông thần hổng lẽ cũng sợ như mình sao cô?
Lam chép miệng :
-Ai mà hổng sợ? Mấy người càng có nhiều quyền lực thì càng lo ngay ngáy.
Lam bưng tô chè ra sau bếp, sớt ra tô của mình rồi rửa sạch trả cho bé An.
Lam nói :
-Về nói với má là cô cám ơn nghe!
Bé An cầm tô rồi đứng tần ngần chưa chịu về.
Lam hỏi :
-Có chuyện gì vậy?
Nó kề tai Lam nói nhỏ :
-Hồi nãy má con nghe điện thoại nhà cô reo má con mừng lắm! Bả xúi : “Mầy qua đó cho chè rồi tìm cách hỏi khéo coi phải cô Ba nói chuyện với cái người bên Úc hông?” Con suy nghĩ hoài mà không biết hỏi làm sao cho khéo. Thôi, hỏi đại cho rồi!
Lam phì cười :
-Con về nói với má là không phải nghen .
Bé An lại hỏi :
-Vậy chớ hồi nãy ai gọi cho cô Ba vậy?
Lam đáp :
-Dì Út của cô.
Bé An tiu nghỉu cầm tô ra về.
Lam bỗng gọi :
-An!
Nó mừng húm , quay mặt lại hỏi liền :
-Gì đó, Cô Ba ?
Lam nói :
-Con hỏi má coi có thích trồng bông thiên lý hông cô xin cho vài cây.
Nó lại tiu nghỉu :
-Dạ!
Mấy ngày sau khi Lam đang gội đầu, chuông điện thoại lại reo inh ỏi. Lam lật đật trùm cái khăn lông lên tóc, ba chưn bốn cẳng chạy vào, bụng nghĩ thầm lần nầy chắc chắn là Đông chớ không ai khác.
Lam ráng kềm mà cái giọng vẫn rung :
-A lô!
Tiếng Hương, vợ của Chương, chị dâu của Lam vang lên :
-Cô Ba đó hả? Tui nè!
Lam quá đỗi ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên Hương gọi cho cô :
Lam hỏi gấp:
-Có chuyện gì hệ trọng mà chị gọi cho em vậy?
Hương không trả lời mà hỏi lại :
-Hổm rày dì Út có gọi cho cô không?
Lam vừa đáp, vừa hỏi :
-Có! Mà chị hỏi chi vậy?
Hương vẫn không giải thích, hỏi tiếp :
-Cô thấy dỉ có gì lạ hông?
Lam đáp :
-Bình thường! Hổng có gì lạ hết! Bộ dỉ cự chị nữa hả?
Hương đáp :
-Dỉ cự thì nói gì! Đằng nầy nói chuyện ngọt xớt mới lạ! Tui thấy cái số của dỉ hiện lên là rầu rồi, đang chuẩn bị bịt bớt cái tai, ai dè dỉ hỏi ngọt lừ làm tui chới với :” Vợ thằng Chương đó hả? Con có làm mứt chưa? Chưa thì đừng có làm, để dì làm mứt me, mứt dừa cho hai đứa nhỏ. Tết năm nay dì gói bánh tét, tụi con cần mấy đòn? Nhưn gì ? Để dì gói giùm luôn “. Cha mẹ ơi! Tui ngạc nhiên tới á khẩu! Mọi năm dỉ còn bắt tui làm mứt, làm bánh cho dỉ. Bèn hỏi lại “phải dì đó hông dì Út”. Cái câu hỏi nầy hồi trước lớ quớ dám bị chửi chớ chẳng chơi! Nào ngờ bây giờ bả vừa đáp vừa cười: "Ừa, dì nè, Út trề nè !" Sao tự nhiên dỉ thay đổi dữ vậy cô Ba?
Lam đáp :
-Tại hôm bữa chị làm cái ổ bánh khoai mì nướng ngon quá! Bạn dỉ khen nức nở nên dỉ hãnh diện, rồi cảm động đó mà!
Hương hỏi lại, giọng bán tín, bán nghi :
-Hổng lẽ đơn giản như vậy sao? Có khi nào dỉ trúng số hông cô?
Lam cười :
-Dỉ ghét vé số hạng nhứt, thấy rớt còn hổng thèm lượm chớ ở đó mà mua!
Rồi nói thầm “bả trúng cái nầy còn giá trị gấp mấy lần tiền bạc “.
Thấy không khai thác được gì ở Lam. Hương liền nói :
-Thấy dì Út đổi tánh tui mừng quá! Mà cũng hơi lo lo hổng biết cái hiện tượng nầy có phải do dỉ bị lão suy hay không?
Lam liền chỉnh :
-Phải gọi là “lão thịnh” mới đúng đó chị Hai!
Chờ Hương cúp máy xong, Lam liền gọi cho dì Út. Cô kể cho Thắm nghe những lời của Hương rồi nói :
-Đúng là tình yêu giúp con người ta chẳng những đẹp hơn mà còn tốt hơn. Con mừng cho dì lắm đó!
Thắm cười :
-Tự nhiên cái tao nghĩ " khi không mà mình ghét nó chi vậy ?". Làm cái thằng cháu mình nó khó xử. Mấy đứa chắt cũng sợ luôn mình. Kể ra nó cũng đâu có tệ lắm!
Rồi bỗng tâm sự với Lam bằng giọng ngập ngừng :
-Tao tính tới đám giỗ ba tao, ông ngoại mầy, tao sẽ mời đông đủ bà con, đặng tuyên bố tụi tao sống chung với nhau. Mầy thấy có được hông?
Lam mừng tới chảy nước mắt, cô xúi :
-Sao không làm sớm sớm hơn một chút, ngay mùng một tết luôn đi!
Thắm quở:
-Con nhỏ nầy, mầy nôn còn hơn tụi tao nữa!
Lam kêu lên :
-Mèn ơi! Có người chịu nhận là nôn lấy nhau rồi kìa!
Rồi hỏi :
-Chắc anh Ngươn mừng lắm hả dì ?
Thắm mắc cỡ đáp giọng quạu đeo :
-Hỏi y ta chớ hỏi tao làm chi! Chắc đang thèm được như tao phải hông?
Lam đáp :
-Còn lâu! để dì coi tui sẽ cưới trước dì đúng năm ngày, cho dì tức chơi!
Thắm cự :
-Cưới hay không thây kệ mầy, mắc gì tao phải tức .
Lam nói :
-Để bà con nói tại dì thấy tui lấy chồng nên bắt chước!
Thắm cười :
-Làm được hãy nói con ơi! Mầy mà làm được chuyện đó thì muốn cái gì tao cũng cho hết!
Lam gằn giọng:
-Thiệt hông? Thề đi!
Thắm thề liền :
-Bà bắn!
Lam hăm he :
-Cho bà chết! Thiếu gì người muốn lấy tui. Phen nầy tui sẽ chiếm hết gia sản, lột luôn đôi dép đang mang cho bà đi cẳng không chơi!
Thắm cười hì hì :
-Thách mầy đó!
Cuộc điện đàm với dì Út vừa dứt, Lam lại nghe buồn nghiến. Cảm thấy tủi thân vô cùng. Cho dù chỉ liên lạc với Đông chưa tới một tháng mà Lam đã cảm thấy tràn trề tin tưởng. Cô còn dám nghĩ đến cái câu "chỉ có cái chết mới chia lìa..." vậy mà! Tất cả những thứ như trực giác, linh tính đều đánh lừa cô. Lam nghĩ đến cô Son rồi nghe cảm thông và thương cổ gấp đôi.
Đã vậy vừa treo ống nghe lên chừng mười phút, bé An lại lót tót đi qua. Lần nầy nó xách cho Lam một cái túi ni lông trong đó có một trái dừa xiêm nhỏ xíu; Một trái mãng cầu xiêm cũng nhỏ nhưng đã già, gai nở to; Một trái xoài sống xanh lè có cái cuống lòng thòng; Một chùm sung và một trái đu đủ non, hai thứ nầy cuống còn tươm mủ...
Nó nói :
-Má con biểu đem qua cho cô bày mâm trái cây chưng tết .
Rồi nó đọc :
-Cầu, dừa, đủ, xoài, sung. Năm nay cô phải xài thẳng tay nghe! Cô sắm cái di động với chiếc “ếch hắc” đi!
Lam cười :
-Cô dắt mấy chiếc xe đó có nổi đâu mà sắm!
Thấy gương mặt nó có vẻ đắn đo, muốn nói cái gì mà chưa dám. Lam đoán ra lý do, không đợi nó hỏi mà nói liền :
-Hồi nãy chị Hai của cô gọi điện, hỏi cô có ăn mứt me hông để chỉ làm cho!
Bé An chợt vui hẳn .
Nó hỏi :
-Cô Ba biết làm mứt me hông?
Lam gật đầu :
-Biết! Chi vậy?
Nó cười toe :
-Cô dạy con làm đi. Coi khoái ăn mứt me nhứt hạng.
Lam hỏi :
-Nhà con có me chưa?
Bé An gật đầu :
-Có, mà còn ở trên cây, để con về hái nghe!
Nói xong là vọt liền như sợ Lam đổi ý!
Lam nói to đuổi theo :
-Lấy cây thọc thôi, đừng có leo, cây me hay có rắn lắm!
An không quay đầu cũng không dừng lại, chỉ “dạ” một tiếng thật lớn để Lam biết là nó đã nghe và sẽ vâng lời .
Lát sau An đem me qua, Lam đem ngâm vô nước có bỏ muối hột để thịt me săn lại cho dễ lột.
Sáng hôm sau, nó xách cây dao Thái Lan mũi nhọn bề bản chừng bằng ngón tay cái, có cái cán nhựa màu vàng qua nhà Lam để gọt. Hai cô cháu vừa thoăn thoắt cái tay, vừa thơn thớt cái miệng .
An nói :
-Mai mốt lớn lên con thích ở giá như cô Ba vậy đó!
Lam hỏi :
-Sao vậy?
Nó đáp :
-Lấy chồng lỗ thấy mồ. Ba con một tháng ra đồng có mấy ngày, còn má con ngày nào cũng đi chợ, nấu cơm, xắc chuối cho heo ăn, quét sân... Tóm lại là làm đủ thứ không hở tay. Tiền thì má con giữ, nhưng muốn sắm cái gì thì phải hỏi ba trước, ổng chịu mới dám mua. Ba thì lâu lâu lại nhậu, lại biểu má đưa tiền. Hể má hỏi lấy tiền để làm gì là ba cự thôi là cự, nói ba xài cái gì kệ ba, má không có quyền hỏi. Mỗi lần hết tiền là ba đổ thừa má. Má con buồn lắm, nói biết vậy hổng thèm lấy chồng, đi chơi cho đã đời. Có chồng làm chi cho khổ, làm ra tiền mà hổng được xài.
Lam vừa buồn vừa mắc cười. Thấy thương cho cô Sáu và tủi cho mình quá! Chắc cổ cho rằng Lam đã bị Đông đá, hết đường binh rồi nên sai con An qua an ủi.
Để khỏi phải nghĩ ngợi lôi thôi, Lam tập trung cho cái tết. Ngoài mứt me Lam còn rủ An làm mứt dừa, mứt chùm ruột, củ cải trắng dầm nước mắm, dưa cải, dưa kiệu…Lam mua mấy cái hủ giống hệt nhau rồi để mấy thứ đó vào, sắp chúng thành một hàng coi rất đẹp mắt.
Cô Sáu và bé An hể rãnh là chạy qua hỏi cái nầy, cho cái kia. Cô Sáu rủ mùng hai cổ, Lam và An, cả ba cùng đi viếng ngôi chùa bên kia sông để xin lộc, xin bùa, vì nghe nói cái chùa đó linh lắm!
Lam sợ cô Sáu mang mặc cảm có lỗi nên hể thấy mặt cổ là Lam cười, nói chuyện huyên thuyên. Thế rồi có một lần đang nói tía lia bỗng Lam quên phức là mình đang nói chuyện gì. Cô Sáu nhìn Lam, nước mắt bỗng chui ra, lăn dài xuống hai gò má. Cổ chạy đến ôm hai vai Lam mà nói :
-Thà tụi mình khóc đại với nhau mà tốt hơn đó cô Ba! Chớ đóng tuồng như vầy hoài tui mệt quá!
Thế là cả hai ôm nhau khóc như mưa, như gió. Bé An từ ngoài đường đi xâm xâm vô, không biết ất giáp gì hết, thấy má nó với Lam khóc thì chạy tới dang tay ôm hết cả hai, khóc còn thảm thiết hơn.
Đêm giao thừa Lam bày chiếc bàn nhỏ ra giữa trời. Bưng dĩa trái cây " cầu vừa đủ xài sung" đặt một góc bàn. Bình bông vạn thọ vàng ối đặt ở góc đối diện. Khoảng trống ở giữa là cặp đèn cầy và lon gạo làm lư hương. Ba chung nước trong với ba cái bông điệp màu vàng thả lềnh bềnh trong đó.
Lam bày sẵn nhang đèn rồi vô nhà mở ti vi xem kịch táo quân để chờ cúng giao thừa. Coi mà buồn, mà chán như thể nhìn mấy con thú nhồi bông bày trên kệ từ năm nầy sang năm khác, mỗi ngày một cũ, một mòn đi.
Tiếng ống lói nhà ai vọng đến nghe rất ấm. Lam thầm cám ơn cái người nào đó, đã chịu khó báo tin một cách long trọng cho đất trời biết đã đến giờ hợp cẩn giao bôi của họ. Cô bật hột quẹt đốt ba cây nhang rồi châm lửa vào hai cây đèn cầy.
Lam đưa ba cây nhang lên trán lầm bầm khấn khứa :
-Con xin mừng tuổi ông trời, bà đất. Chúc ông bà chung sống hòa bình vui vẻ. Chúc ông bà hạnh phúc tràn trề, xài không hết xả xuống cho thế nhân hưởng ké mỗi người một tí! Cầu cho con người hiểu nhau mà không cần phải dùng lời nói! Cầu cho con người thương nhau mà không cần nhờ tới tiền bạc. Cầu cho những tâm hồn đồng cảm, đồng điệu không phải lang thang tìm nhau từ kiếp nầy sang kiếp khác.
Ngày mùng một Lam mặc chiếc áo dài màu tím than, chiếc áo mà Lam thương nhứt. Nhớ tới gương mặt anh Hai và lời anh nói năm ngoái mà Lam chạnh lòng :
-“Sao tết năm nào em cũng mặc cái áo dài màu tím nầy hết vậy? Sao không mặc màu tươi tươi một chút? Biết đâu nhờ vậy mà cuộc đời của em sẽ vui hơn!”
Lam chống chế :
-Em cũng muốn mặc cái áo khác mà không hiểu sao cũng lại chọn nó! Chắc tại em với nó đã có cái tình, cái nghĩa với nhau rồi!
Anh Hai rầy :
-Sao em phung phí tình cảm của mình quá đỗi vậy? Thương người thôi cũng đủ mệt cầm canh! Em còn đa mang thêm đủ thứ, nào là cỏ cây, hoa lá, chim chóc rồi tới màu sắc nữa. Thương là khổ. Có là mất. Hợp là tan…bộ em không biết hay sao? Phiên phiến mà sống thôi! Đừng gắn bó sâu sắc với thứ gì, khổ lắm!
Lam đã hứa :
-Để sang năm, sang năm em sẽ…
Năm nay thấy Lam vẫn mặc chiếc áo dài nầy, chắc anh Hai lại phật ý. Sẽ nhìn Lam bằng ánh mắt còn buồn hơn năm ngoái. Lam sẽ giải thích thích với anh :
-Màu tím là màu của cảm thông và an ủi. Màu của tâm linh và ký ức. Màu của những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực và chẳng thể mất đi. Khi mặc chiếc áo nầy em thấy mình ấm áp như thể có một người bạn rất thân đang cầm tay mình, lòng lâng lâng một niềm vui. Cho nên không thể từ bỏ nó .
Lam dắt chiếc xe đạp ra cổng rồi quay vào nhà để lấy chiếc nón lá, mới hay cái quai nón đã tháo ra giặt chưa được cột vào. Lam ra dây phơi, gở cây kẹp màu tím ra khỏi mảnh vải nhung tím ốm nhom, bất giác đưa mắt nhìn những thứ treo trên đó! Bộ đồ tay dài cổ bà lai bông tím; Nội y màu tím; Cái khăn mặt màu tím…Lam đoán hổng chừng trái tim của mình cũng màu tím tuốt.
Ôi! Sao hôm nay tất cả các màu tím nầy lại đẹp, lại buồn đến vậy? Sao ngôn ngữ của màu sắc quá dịu dàng, quá hàm xúc đến vậy? Nó như đang đưa tay vuốt thật nhẹ vào những phím đàn trong trái tim và khiến Lam rung cảm tận đáy lòng
Có tiếng kêu to ngoài cổng :
-Cô Ba ơi! Cô Ba!
Lam nhận ra tiếng gọi của Phương, đứa con gái lớn của anh Hai đang dạy học ở Long xuyên.
Lam nghĩ thầm :
-Con nhỏ nầy sao hôm nay không qua nhà dì Út để chúc tết như mọi năm mà đến nhà mình vậy ta?
Lam chưa kịp lên tiếng. Phương đã gọi tiếp :
-Cô Ba ơi! Con là Phương nè! Cô có ở nhà hông?
Lam đáp :
-Có! Chờ cô một chút!
Rồi lật đật chạy ra mở cổng, một tay cầm cây kẹp, một tay còn cầm cái quai nón màu tím.
Lam mở cổng, ngạc nhiên khi thấy Phương không đi một mình, sau chiếc xe gắn máy của Phương còn một chiếc xe khác có hai người đàn ông chở nhau nữa. Lam nghiêng đầu nhìn rồi bỗng đứng chết trân như bị điểm huyệt, bàn tay cầm chiếc quai nón đưa lên đè ngực như trấn áp trái tim đang đập loạn xà ngầu trong đó.
Phương thấy Lam sửng sốt bèn giới thiệu :
-Đây là anh Hưng, bạn con. Đây là chú Đông bạn của ảnh.
Đâu cần Phương phải giới thiệu. Đông và Lam đã nhận ra nhau, bằng mắt và bằng cả trái tim. Thời gian đã làm dáng dấp của cả hai đổi thay, xô lệch đi đôi chút, nhưng chẳng thể đánh lừa được họ.
Đông bước đến nắm bàn tay đang cầm cây kẹp phơi đồ của Lam, rồi nói, giọng nghẹn ngào:
-Em về rồi nè!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGV - Re: GIÓ ĐÔNG
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 3 2018, 14:59
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Chàng Đông mấy ngày không gọi là NGV tui đã nghi là anh ta đang ngồi trên máy bay về thăm Lam nên không thể gọi được.
Như vậy năm nay Lam và dì Thắm ăn Tết vui lắm vì có người thương yêu kế bên, hạnh phúc thật đó.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 32
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 3 2018, 19:13
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
CHƯƠNG SÁU
Không những cô Sáu mà cả chồng cổ, Bình, cũng hớn hở khi Lam dắt Đông qua giới thiệu.
Lần đầu tiên Lam thấy người đàn ông có gương mặt khó đăm đăm, luôn cau có cho dù đã thôi đau trĩ ấy! Người mà mỗi lần gặp chỉ nói với Lam mỗi một câu "chào cô Ba" rồi tránh mặt, cười hở đúng mười tám cái răng. Khiến cái miệng mang vô số nếp nhăn, tựa như cái bao cột túm của y ta được tháo dây giãn ra đôi chút.
Bình bắt tay Đông bằng cả hai bàn tay, nắm rất chặt và lắc thẳng tay, rồi hỏi một câu làm cả Đông lẫn Lam, có lẽ cả cô Sáu nữa đều ngượng chín cả người :
-Hôm rồi thầy ngủ có thẳng giấc không?
Đông nói :
-Anh Sáu đừng gọi tui là thầy. Ở bên Úc tui làm cu ly, cu leo chớ không có dạy ai một chữ nào hết. Chắc anh lớn tuổi hơn, coi tui như em đi!
Bình gãi đầu sồn sột rồi hỏi lại một câu y khuôn!
-Hôm rồi dượng ngủ có thẳng giấc không?
Đông đáp :
-Cù lao mình cây xanh nhiều nên mát mẻ, yên tịnh quá! Tui ngủ nhiều đến độ đâm tiếc!
Cô Sáu ngạc nhiên:
-Sao lạ vậy?
Đông cười :
-Về thăm nhà mà ngủ hoài là uổng lắm!
Mọi người cùng cười đáp lại cái câu nói hóm hỉnh ấy. Bé An núp sau tấm vách nghe lén, cũng quên phức, ngoác miệng hùn vô mấy tiếng hi hi.
Bình kéo cái ghế gỗ có lưng dựa ra, lấy tay phủi sơ mặt ghế rồi mời :
-Dượng ngồi đây, uống miếng trà với tui.
Quay mặt vào trong, Bình gọi :
-Con bé An đâu! Bưng hộp mứt với châm bình trà nóng cho ba .
Rồi nói như để an ủi :
-Dùng miếng đồ ngọt lấy thảo trước. Một chút rồi anh em mình lai rai, tui có mấy con khô cá sặc, để hái xoài xuống trộn gỏi rồi khui hủ rượu ngâm bìm bịp…
Lam nháy mắt với cô Sáu.
Cổ lật đật cản :
-Cô dượng Ba còn đi cúng bên từ đường nữa. Đáng lẽ cổ phải dắt dưỡng qua ra mắt bàn thờ cữu huyền trước mới đúng lễ. Tại vị bụng nhà mình quá nên mới qua đây. Mình cầm chưn lâu quá coi không được. Để vài bữa nữa đi, tui nhứt định hổng để cái bao tử của dưỡng ở không đâu!
Rồi cổ hỏi Đông :
-Dượng có ăn lươn kho mắm chưa?
Đông đáp một cách phấn khích :
-Dạ chưa!
Cô Sáu nói :
-Ba bữa nầy chưa hợp chợ, chưa ai bán gì hết ráo! Để khoảng mùng bốn, mùng năm gì đó tui đi chợ kiếm thử coi. Nếu như có lươn thì tui sẽ kho một nồi mắm với hái đủ mười thứ rau đãi dượng. Bằng không, tui mua một con cá ba sa thiệt bự, thiệt mập về kho.
Bình lần đầu khen vợ nên có chút ngượng nghịu :
-Bả làm món đó ngon hơn mấy thứ khác. Ăn cũng được lắm!
Bé An mặc bộ đồ màu hồng mới tinh, bưng cái hộp đựng mứt tết ra mời Đông.
Nó bẽn lẽn cười, vừa cúi đầu chào, vừa nói lí nhí :
-Con chào cô Ba, dượng Ba.
Đông móc túi lấy cái bao màu đỏ đưa Lam, cô cầm lấy, trao cho bé An rồi nói :
-Cô lì xì cho con mua bánh, chúc con học hành tấn tới, giỏi đều mọi môn. Siêng tập thể dục để bớt đi vài ký, cao thêm một tấc nữa .
Bé An le lưỡi dài thòn rồi khoanh tay chúc :
-Con chúc cho cô với dượng trăm năm hạnh phúc, sống chung với nhau cho tới răng long đầu bạc.
Câu mừng tuổi mà y như câu chúc tụng trong đám cưới khiến mọi người phì cười. Bé An mắc cỡ quá, đâm đầu chạy tuốt vô nhà sau.
Cái hộp mứt hình tròn chia làm tám ngăn bằng nhau, đựng đủ tám thứ mứt khác nhau. Ngoài mứt me, dừa, chùm ruột, cây nhà lá vườn. Cô Sáu còn mua thêm mứt bí, mứt gừng, mứt mãng cầu, mứt khóm, mứt đậu que nữa, cô chủ ý xếp các màu đậm, lợt xen kẻ nhau nên trông rất đẹp mắt.
Cô bóc hai miếng mứt mãng cầu đã bỏ hột, được gói trong giấy kiếng trong suốt giống như cục kẹo sữa, đưa cho Đông và Lam mỗi người một cục rồi mời:
-Mời cô và dượng ăn một miếng đặng uống trà cho ngon.
Đông có nghe Lam khoe cô vừa dạy An làm mứt. Anh cũng nhận ra mứt me, mứt chùm ruột, mứt dừa y chang nhà mình, nên chiếu cố ba món đó hết sức nồng hậu rồi gật gù khen nức nở làm hai vợ chồng cô Sáu và cả Bé An ai cũng phổng mũi vì hãnh diện.
Uống hết ly trà, Lam và Đông đứng lên xin kiếu để đi sang nhà dì Út, để đốt nhang cho cữu huyền, và ra mắt dỉ. Đáng lẽ Lam phải dắt Đông đến nhà vợ chồng Chương trước vì bàn thờ ba má cô ở đó, nhưng nhà dì Út gần hơn và dỉ là người bà con có vai vế cao nhứt hiện nay, nên Đông phải trình diện đầu tiên.
Đông dắt chiếc xe đạp của Lam ra, trỏ vào nó rồi cười, hỏi:
-Sao chiếc xe nầy không phải là màu tím?
Lam giải thích :
-Của anh Hai cho.
Rồi hỏi lại:
-Còn chở nổi không đó?
Đông không đáp, xăn tay áo lên, co cánh tay lại, gồng hết cỡ rồi nói một cách tự hào:
-Coi đi!
Lam lấy ngón tay trỏ nhấn mạnh vào con chuột trên cánh tay Đông rồi nói :
-Cứng ngắc!
Không cố ý bắt chước dì Út, nhưng Lam không biết xưng hô với Đông như thế nào nên cứ nói trống không. Đông đã nhận ra cái dấu hiệu "xuống nước" ấy nên mừng thầm trong bụng.
Lam mặc lại cái áo dài hôm qua. Cô ngồi một bên, vén tà áo phía sau ra trải lên đùi. Lam, tay trái cầm cây dù để che cho cả Đông, tay phải bám vào cái yên xe.
Con đường đất nhỏ không phẳng lắm! Để cho vững Lam phải tựa vào lưng Đông một tí, đúng ngay chóc cái nơi mà ngày xưa Lam cũng đã tựa vào khiến Đông bất chợt rùng mình.
Có lẽ nhờ Lam cầu nguyện lâm râm từ nhà và suốt lúc đi, nên chiếc đò tuy chật ních nhưng cô không đụng mặt một người quen, hay đứa học trò nào.
Đến nhà Thắm, con Phèn đã nắm sẵn bên cổng để đợi. Nó vừa hực lên một tiếng thôi là Thắm đã đâm đầu chạy ra mà không chờ Lam gọi.
Thắm cười và chào Đông một cách thân mật :
-Chào ông học trò !
Đông cúi đầu rất sâu, rất cung kính :
-Con xin chào dì Út !
Bộ điệu trịnh trọng của Đông làm Thắm không thể nín cười. Để không làm Đông ngượng cô cũng cúi đầu rất sâu để đáp lại cho tương xứng và cũng để giấu bớt nụ cười.
Ngươn, hôm nay mặc bộ đồ tây mới tinh, áo màu khói nhạt, quần màu khói đậm đã đứng đợi sẵn trước hàng ba với nụ cười hiền rụi muôn thuở.
Lam ngạc nhiên trước sự thay đổi của Ngươn, dì Út, ngôi nhà và cả khu vườn. Hết thảy đều mới tinh, đều tươm tất, đều vui tươi và ngồn ngộn sức sống.
Đông buột miệng :
-Nhà đẹp quá! Vườn rộng quá!
Thắm cười rồi kê sát vào tai Lam nói nhỏ :
-Tụi bây xứng lứa vừa đôi quá !
Lam cũng làm y như Thắm, cô nói :
-Dì cũng vậy !
Họ nói nhỏ xíu nhưng hai người đàn ông cũng nghe được hoặc đoán ra. Cả Đông và Ngươn đều nghe máu chạy rần rần dưới làn da mặt!
Thắm cũng mắc cỡ lây. Cô lật đật dắt họ đến bàn thờ rút ba cây nhang thơm màu đen, châm vào ngọn đèn cầy. Mùi trầm tỏa ra nghi ngút. Cô không đưa nhang cho Lam mà đưa hết cho Đông.
Đông tiếp lấy bằng cả hai tay, cầm nhang đưa lên trán khấn khứa một cách vô cùng thành kính. Lam đứng bên cạnh, xá một lượt với Đông rồi ngồi xếp chè he, bỏ chân qua một bên, chờ Đông lạy rồi lạy theo. Cảm xúc thiêng liêng bỗng xuất hiện trong lòng họ. Cả hai không dám liếc nhìn nhau nhưng vẫn có cảm giác như một luồng điện đang chạy xuyên qua cùng lúc.
Thắm nôn khoe mấy dây thiên lý của mình nên tạm gác chuyện trà bánh lại, đi xăm xăm để dắt cả hai ra vườn trước, bỏ mặc Ngươn thủng thẳng đàng sau.
Khu vườn um tùm như mái tóc của người phụ nữ lười chải hôm nào, giờ đã được phát quang sáng sủa. Dưới mấy gốc dừa cao ngang tầm với là những dây thiên lý còn khá mong manh. Cái giàn mướp che sàn nước hôm nay cho trái lúc lỉu, Đông thích quá đưa tay sờ từng trái rồi khen :
-Mướp của dì Út trái nhiều hơn dây mướp của em há!
Thắm trợn mắt ngó Lam.
Lam đọc trong đó câu hỏi ngấm ngầm :
-“ Trời đất ơi! Bộ tụi bây xáp lá cà rồi hay sao mà nó gọi mầy bằng em ngọt xớt vậy?”
Nét mặt kinh hoàng của Thắm bỗng kích thích cái máu nghịch ngợm trong Lam. Cô nghĩ bụng "để mình chọc cho tới cùng coi dĩ phản ứng như thế nào "
Cô liền đáp một cách âu yếm :
-Dạ! Tại em không có người làm giùm cái giàn cho nên nó phải bò lên mái. Trái của nó nằm mẹp trên ấy, tưởng ít chớ nhiều lắm đó anh!
Đông đánh bạo gọi Lam bằng em mà lòng nơm nớp, không ngờ cô hưởng ứng một cách nhiệt liệt nên mừng đến thót bụng, cũng may là hồi sáng xiết dây nịt hơi chật.
Chàng nhủ thầm :
-“Cám ơn trời phật! Cái ải cuối cùng đã được mình nhảy qua một cách ngon lành!”
Chàng đã nghe Lam kể về cái tánh câu nệ của bà dì Út, cũng đoán ra trò nghịch ngầm, khoái trêu của Lam, nên nhìn Thắm bằng đôi mắt hàm ơn!
Thắm thì khỏi phải nói! Hai con mắt thiếu điều lồi ra như mắt cua. Chỉ mỗi mình Ngươn là không phản ứng gì hết, vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi.
Cách xưng hô thân mật của họ khiến Thắm bỗng thấy mắc cỡ ngang xương. Cô lấy cớ chuẩn bị bữa ăn nên đi te te vô bếp, giao cho Ngươn, người đang còn mang chức danh khách, tiếp khách cho mình.
Lam, dù lương tâm hết sức yên ổn vì chẳng làm điều chi khuất tất, cũng nhận thức ra mình đùa hơi quá trớn nên lật đật bỏ giò chạy theo.
Đông ngạc nhiên nhìn Ngươn như hỏi mình có làm sai điều gì hay không.
Nhận ra nét thắc mắc trong ánh mắt của Đông, Ngươn lắc đầu, cười, giải thích bằng giọng hiền khô:
-Chắc hai dì cháu họ vào bếp để chuẩn bị cúng cơm trưa.
Rồi dắt Đông đi xem mọi ngóc ngách trong vườn.
Đông bỗng hỏi :
-Cây me dì Út té nằm ở đâu?
Ngươn dắt Đông lại cuối vườn, một cây me thật to đang đứng đợi họ.
Chàng ngước mặt, chỉ tay lên cái nhánh thấp và xum xuê nhất nói:
-Út rớt từ cái nhánh đó xuống đất.
Dưới đất, ngay nơi Thắm "hạ thổ" có một đống tro nhỏ với vài tờ giấy vàng bạc chưa cháy hết.
Chỉ vào chúng Ngươn giải thích:
-Út đốt tiền âm phủ để hối lộ cho cô hồn các đảng. Xin bọn họ đi chỗ khác chơi, hoặc nếu ở lại thì làm ơn đừng thả rắn vô vườn để ghẹo người ta nữa.
Đông hỏi :
-Dì Út dạy học mà cũng tin dị đoan sao?
Ngươn gật đầu :
-Tin dữ lắm!
Hai người nhìn nhau cười, ngầm coi nhau là đồng minh. Cả hai vừa đi vừa trò chuyện rất tâm đắc, tận cho tới khi nghe tiếng Thắm gọi to :
-Vô ăn cơm!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 33
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 3 2018, 21:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Trên cái bàn khách ở giữa nhà, các món ăn trong mấy cái tô, dĩa, lớn nhỏ khác nhau, mang màu sắc và mùi vị khác nhau, nằm chen chúc khiến Đông tối tăm mặt mũi.
Ngay chính giữa cái bàn dài, hai “nhân vật” quan trọng nhứt, đóng vai đào chánh và kép chánh trong vở kịch "Đoàn viên ngày tết" ngồi chễm chệ bên nhau : Tô canh khổ qua dồn cá thác lát và dĩa thịt heo kho hột vịt. Cạnh đó là dĩa dưa giá với đủ màu sắc, tím, xanh, trắng, vàng, cam, đỏ.
Một dĩa hột vịt bắc thảo màu rêu đỏ đậm đi kèm với cái dĩa những lát gừng non màu kem bào mỏng ủ chua. Cái dĩa kiểu cỡ trung nằm khít bên nó, đựng mấy con tôm khô đỏ đỏ, hồng hồng, lưng cong vòng cặp kè những cọng củ kiệu trắng nõn thẳng băng.
Chiếc dĩa nhỏ hơn đựng củ cải ngâm nước mắm để ăn chung với bánh tét. Cái dĩa lớn thứ nhì đựng bánh tét, được cắt bằng chỉ tơ rất bén nên lát cắt ngọt xớt, chẳng miếng nào bị rỗ mặt, đổ lông. Từng khoanh bánh tròn trịa, với nếp pha nước cốt lá dứa mang màu xanh bao bên ngoài, ôm chặt cứng lớp đậu xanh màu vàng cùng cái cục nhưn mỡ trong veo cỡ một lóng tay nằm ngay bon chính giữa.
Chiếc dĩa bàn to nhứt đựng chỉ một khoanh dưa hấu thôi mà đầy nhóc! Cái mặt tròn vo, đỏ au ấy mang cả trăm cái nốt ruồi đen, chẳng những không làm nó xấu đi, mà còn tôn gấp đôi nhan sắc! Dĩa xoài chín vàng ươm không biết vô tình hay cố ý, nằm ngay trước mặt Đông khiến chàng không thể không tự hỏi: " Hình như hai dì cháu họ kể ráo nạo với nhau mọi thứ!"
Rồi so sánh bàn tiệc thịnh soạn, nồng ấm, đầy màu sắc trước mặt với những bữa cơm giản dị, lạnh lẽo, ăn cho lấy có của mình mà bất giác chạnh lòng.
Thắm hối :
-Cầm đũa đi, mọi người!
Lam kề tai Đông nói nhỏ :
-Ăn lưng lửng bụng thôi! Một lát ghé nhà anh Hai, mình cũng phải ăn cơm với ảnh chỉ nữa đó!
Đông gật nhẹ đầu rồi gắp một khoanh bánh tét vô chén liền.
Vừa nuốt qua khỏi bụng, Đông nói với Lam một cách đầy khâm phục :
-Anh chưa bao giờ được ăn miếng bánh tét nào mà ngon đến rụng rời như vầy!
Lời khen chân thành của Đông làm cái lỗ mũi của Thắm xém “banh ta lông”. Cô cảm thấy hết sức có cảm tình với thằng cháu rể mới tinh của mình.
Lam bồi thêm :
-Bánh tét của dì Út mà không ngon sao được? Dì chịu khó xào nếp với nước cốt dừa trước rồi mới gói, bởi vậy miếng bánh vừa thơm vừa béo.
Đông ăn hết veo khoanh bánh mà không cần một cọng cải mặn nào giúp sức. Chàng định gắp thêm một khoanh nữa thì Lam cản.
Cô nói :
-Anh gắp mỗi thứ một miếng để biết qua cái tài nấu ăn của dì Út. Một lát thế nào dỉ cũng cho mình vài đòn đem về, tha hồ ăn, đừng lo!
Chờ Đông thọc đũa vô dĩa thịt kho, Thắm liền đứng lên nói :
-Khoan, đợi một chút!
Rồi ba chân bốn cẳng chạy ra giàn rau, hái bốn trái ớt, hai xanh, hai đỏ đem vô.
Lam thấy điệu bộ xăng xái của Thắm, liền đoán ra ngay lập tức rằng bà dì của mình cố ý quên để khoe với Đông “món” ớt của mình.
Sợ chàng không nhận ra cái ẩn ý đó, cô vừa nháy mắt vừa nói khi Thắm đưa cho riêng Đông hai trái ớt thon thon, một xanh, một đỏ:
-Đâu anh cắn thử một miếng ớt coi nó ra làm sao?
Đông kết hợp cái nháy mắt của Lam và nét mặt rạng rỡ, háo hức của Thắm, hiểu ra đây là một lớp diễn cực kỳ quan trọng. Chàng “nhập vai “ liền, quyết không phụ lòng cả hai! Cho nên, dù đang mang chứng đau bao tử, phải kiêng các gia vị cay nóng, chàng cũng gồng mình cắn phập một phát .
Đông hít hà rồi nói :
-Đúng là thiên hạ đệ nhứt ớt! Thơm quá, nồng nàn quá!
Thế là con đường đưa Đông vào thế giới tình cảm của Thắm, đã được san bằng mấy cái ổ gà và trải chiếu hoa đón chân ngay lập tức!
Cho dù có sự cảnh báo của Lam, Đông cũng không thể kềm lòng trước các món ăn mang mùi vị, màu sắc quá ư khêu gợi ấy! Món thịt kho tàu mà trước đây chàng cho rằng má mình là "độc cô cầu bại" không ai có thể qua mặt, nay được chàng công tâm nhìn nhận dì Út rất xứng tầm đối thủ. Tô canh khổ qua cũng đâu kém phần quyến rủ : Vị nhân nhẫn, mềm mềm của cái vỏ bên ngoài, kết hợp hết sức hài hòa với khối nhân được làm từ cái ngọt, béo của thịt nạt dăm, cái dẻo của cá thác lác, cái giòn của nấm mèo, cay cay của tiêu... Giúp cho nó cuốn trôi các thứ còn chần chờ trong cổ mà đẩy một cái ọt tới ruột non.
Đông như chiếc xe đã xuống dốc còn bị đứt thắng nên chạy bon bon, chẳng thể kềm lại, đành "nhắm mắt đưa đẩy hàm răng, mặc cho con tạo xoay vần thẳng tay " !
Thắm nhìn thằng cháu rể của mình bằng đôi mắt vô cùng thích thú. Lòng tự ái được bơm căng phồng khiến cô nghe nở từng khúc ruột. Nếu ban nãy cô còn cảm thấy chướng tai trước mấy tiếng “anh anh, em em “ của họ, thì bây giờ lại thấy chúng hợp lý nếu không muốn nói là dễ thương!
Lam chỉ vô dĩa dưa giá, hỏi :
-Dì học ở đâu cái món nầy vậy! Vừa ngon mắt vừa phong phú mùi vị .
Thắm chỉ vào Ngươn rồi nói :
-Ảnh tự làm đó! Món nầy ngày trước do má của ảnh chế ra.
Lần nầy đến lượt Ngươn thót bụng. Bởi cho dù chỉ có hai người, Thắm vẫn chưa bao giờ gọi chàng bằng tiếng ”anh” quý giá đó! Huống chi trước mặt cô cháu cưng và cái anh chàng mới nhập gia còn chưn ướt, chưn ráo. Ngươn không đeo dây nịt, cũng may đã nhét được kha khá vô bao tử.
Bữa ăn thành công mỹ mãn, mấy ly rượu nếp than tự làm của gia chủ khiến Đông, người chưa từng là đệ tử lưu linh nghe máu chạy rần rần, toàn thân mỏi rượi một cách sảng khoái.
Thắm nhìn gương mặt đỏ lựng của Đông rồi nói nhỏ vào tai Lam :
-Mầy dắt nó ra cái võng sau vườn nằm cho mát đi! Giờ nầy mà qua bên nhà thằng Chương thì còn làm ăn gì được nữa. Ngủ một giấc rồi bốn đứa mình qua đó ăn cơm chiều luôn!
Lam vâng lời, vừa dợm cẳng thì Thắm kêu lại :
-Khoan đã, đi theo tao vô đây!
Lam riu ríu bước theo. Thắm dắt cô vào buồng rồi mở tủ đưa cho Lam một cặp áo thun, quần xà lỏn vừa mua hôm trước tết còn mới tinh.
Cô nói :
-Biểu nó mặc cái nầy rồi hãy nằm võng. Mầy máng bộ đồ kia lên cho thẳng, lần đầu đến nhà người ta mà nhăn nheo coi không được. Con vợ thằng Chương nó xét nét dữ lắm!
Lam hỏi :
-Hôm qua dì có nói cho ảnh chỉ biết chuyện của dì chưa?
Thắm gật đầu .
Lam hỏi tiếp :
-Ảnh chỉ nói sao?
Thắm cười giọng ngường ngượng :
-Anh Hai mầy thì chảy nước mắt, lấy tay chùi như con nít. Còn chị Hai mầy, con vợ nó …
Nói tới đó Thắm chợt bật cười khanh khách, ráng ngưng lại rồi mới nói :
-Nó nhìn như thể tao ở trong nhà tắm bước ra mà quên mặc đồ.
Lam tưởng tượng nét mặt của Hương khi sửng sốt, cũng cười rộ theo.
Lam đưa cho Đông bộ đồ, chỉ cho chàng cái chòi lá nhỏ tách riêng ở ngay sau nhà, hơi giống cái chuồng gà, dùng làm nơi tắm cho chàng vào đó thay.
Cô đi lại sào phơi, lấy hai cái móc trống và bốn chiếc kẹp cầm sẵn.
Thay đồ xong Đông bước ra, trên tay cầm bộ đồ đang loay hoay tìm chỗ máng thì Lam đã chạy đến. Cô đón lấy, giũ thẳng từng cái, máng ngay ngắn vào móc, không quên kẹp lại để đề phòng trường hợp chúng nổi hứng chạy đua với gió, rồi đem treo trên dây phơi cho ráo mồ hôi.
Cử chỉ săn sóc đơn giản ấy khiến Đông cảm động đến nghẹn ngào! Nếu không sợ Thắm và Ngươn trông thấy, chắc chàng đã chạy đến xiết chặt Lam để bày tỏ lòng cảm kích.
Phơi đồ xong, Lam trở lại bên Đông rồi dắt chàng lại chiếc võng treo giữa cái tàng mát rượi của cây mận và cây xoài mà cô đã nằm hôm trước.
Cô nói :
-Anh chợp mắt một lát cho đỡ mệt. Chiều mình với dì Út đi qua anh Hai .
Đông rủ:
-Em nằm chung với anh đi!
Lam lắc đầu :
-Ở nhà mình thì sao cũng được, ở đây thì không!
Rồi lật đật bỏ vô nhà.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: GIÓ ĐÔNG 34
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 3 2018, 20:21
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Trong khi đó ở nhà, cô Sáu đang đợi Lam về để thông báo một điều hết sức quan trọng.
Vốn quá nhiệt tình, quá nôn nóng nên cô đã không hỏi ý kiến Lam, tự động đi ênh qua chùa để coi tuổi cho Lam và Đông, quyết xin sư thầy lựa giùm cái ngày thật tốt để tổ chức lễ cưới cho họ
Ngày tết, phật tử viếng chùa đông như kiến. Ai ai cũng ăn vận tươm tất, già trẻ lớn bé đều mang trong lòng một niềm hy vọng tinh khôi như mấy tờ tiền còn mới cứng trong bao lì xì.
Các cụ bà nhân dịp nầy cũng chưng diện đôi chút. Cái quần lãnh Mỹ A láng mướt, đen bóng, để dành dưới đáy rương, một năm chỉ lấy ra đôi ba lần, được đem ra mặc. Chắc chúng cũng đang hồi họp chờ góp mặt với chị em, nôn nao cho đến nổi hai cái ống rộng rinh cứ đập phần phật vào nhau. Mái tóc bạc lưa thưa chẳng những được xức dầu dừa bóng nhẫy, mà còn nối thêm một lọn tóc mượn đen thùi, tạo thành cái búi trắng đen lẫn lộn, trông rất đỗi "mô đen"!
Ở nông thôn hiện nay các cô gái đã xài đầm lai rai, thế nhưng khi tới chùa họ không dám mặc, vì sợ khi quỳ lạy coi không được nghiêm trang.
Chẳng những cái dáng dấp bên ngoài của bà con đều tươi mới, khói hương, không khí thiêng liêng ở đây còn khoác cho tâm linh họ một tấm áo thơm tho, lành lặn.
Người người chen nhau ở những chiếc bàn có ghi mấy chữ "cầu an", "cầu siêu", "cúng sao". Cho dù cái mục, coi tuổi, coi ngày tạm gát lại trong mấy ngày tết nhưng cô Sáu vẫn không nản chí.
Cổ tìm cho bằng được thầy trụ trì, viện lý do là chú rể chỉ còn ở Việt Nam không lâu nên xin thầy chiếu cố. Tất cả Việt kiều đều được bà con ưu ái, kể cả nhà chùa. Sư thầy liền lật quyển sổ cũ sì viết bằng chữ nho, đeo kính lên lật từng trang một cách cẩn thận. Ông dừng lại ở một vài chỗ, đọc lẩm nhẩm trong miệng, rồi nói:
-Hai cái tuổi nầy tốt lắm ! Đáng lẽ để đến hai mươi mốt tháng tư mà cưới thì tốt nhứt, có thể hạ sanh quý tử. Nhưng vì quá gấp nên mùng mười tới đây cũng được.
Biết kết quả rồi cô Sáu hết sức hài lòng. Cô cảm ơn sư thầy, bỏ vào thùng phước thiện đặt trong chánh điện một tờ giấy xăng rồi lật đật ra về.
Cô Sáu ghé qua nhà Lam trước. Cửa cổng, cửa nhà vẫn còn đóng kín. Cổ bèn về nhà ngồi chờ từ trưa tới chiều, rồi từ chiều cho tới tối mịt.
Sáng hôm sau, cô Sáu sai An qua mời Lam sang nhà nói chuyện.
Bé An làm biếng nên chui lỗ chó qua cho lẹ, nhìn vô nhà không thấy Lam nó bèn đi ra phía hàng rào. Cảnh tượng trước mắt khiến nó lật đật quay lưng chạy ù về nhà.
Cô Sáu thấy nó, mặt đỏ lòm, thở hổn hển thì hấp tấp hỏi :
-Mầy làm cái gì mà quýnh quáng vậy? Bộ cô Ba bị chuyện gì hả?
Nó kề tai cổ nói nhỏ xíu :
-Con thấy cô Ba, dượng Ba ngồi chung một cái võng. Hai người ăn chung một trái vú sữa. Cái tay của dưỡng còn quàng qua cái vai của cổ nữa.
Cô Sáu thở hắt ra :
-Có vậy thôi mà mầy cũng …Thì vợ chồng ai mà hổng vậy!
Cô Sáu lấy cái khăn đang đội trên đầu xuống, làm bộ lau miệng để giấu nụ cười của mình. Cổ cười vì thương cái tính ngây thơ của con gái và mừng vì thấy bạn mình hạnh phúc. Cho dù nóng ruột hết sức cổ cũng ráng dằn lại, ngồi nhà mà chờ chứ chẳng dám sai con An mạo hiểm thêm một lần nữa!
Hôm sau, mới sáng sớm Lam đã sang thăm cô Sáu mang theo cái túi giấy xinh xinh, trong đó có một chai dầu xanh, một cục xà bông, một bịch sô cô la, làm quà tặng.
Cổ liền kéo Lam đi tuốt vô buồng rồi kề tai nói nhỏ:
-Cô Ba ơi! Hai người hạp tuổi hết chỗ nói. Nhứt gái lớn hai, ông bà mình nói không “xê”.
Lam hỏi :
- Bộ chị đi chùa rồi hả?
Cô Sáu gật đầu :
-Tui nói ra hai cái tuổi của cô với dượng, nhờ coi ngày nào tốt. Sư ông lật cuốn sách chữ nho ra xem rồi nói mùng mười nầy cưới là tốt nhứt.
Cô Sáu mới nói tới đó thì Lam cười ngất, không dừng được.
Cô Sáu nhìn Lam đăm đăm, tự hỏi : “Đâu mất tiêu rồi cái cô Ba đoan trang, kín kẻ, ăn nói nhẹ nhàng còn cười thì ít khi thấy răng ngày trước? Hổng lẽ mấy cái người đã năm mươi mấy tuổi, sắp lấy chồng đều vui còn hơn con nít được lì xì, đến độ không còn biết ngại ngùng chút nào sao trời?”
Thấy cô Sáu nhìn mình trân trối, Lam bèn đem cái chuyện mình và dì Út thách đố nhau ra kể.
Cổ mừng đến nhảy dựng lên:
-Mèn đéc ơi! Cái chuyện nầy từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ tui mới thấy đó! Có thiệt như vậy hông cô Ba. Có thiệt là hai dì cháu cô sanh một lượt, ở giá một lượt rồi bây giờ cũng lấy chồng một lượt hông?
Lam gật đầu rồi móc túi lấy chiếc điện thoại màu tím, quà của Đông tặng, ra gọi cho Thắm liền để chứng minh cho cô Sáu thấy là mình không hề nói dóc.
Giọng Thắm e dè :
-A lô! Xin hỏi ai gọi cho tui đó?
Lam đáp :
-Con, Lam nè dì Út .
Thắm thở ra nhẹ nhỏm rồi hỏi :
-Mầy mua điện thoại hồi nào vậy?
Lam đáp :
-Của ảnh tặng?
Thắm ghẹo :
-Ảnh gì! Ảnh ương hả? Nghe chữ “ảnh” ngọt xớt mà tao mọc óc cùng mình đây nè!
Lam, giọng đe dọa :
-Dì sắp tiêu tán đường tới nơi mà chưa biết sợ hay sao? Ở đó mà nói hành, nói tỏi tui nữa!
Thắm cười :
-Mắc gì phải sợ? Mầy có đôi, tao cũng hai người. Ảnh của tao tuy ốm yếu nhưng võ nghệ đầy mình, lại có tài trị thương nên ba cái chuyện đánh đấm nầy nhỏ xíu như con cuốn chiếu! Hai thằng bây dám đánh xáp lá cà với hai thằng tao hông? Tao thách đó! Chấp...
Lam chặn họng :
-Quân tử động mỏ, không động thủ. Xin thông báo cho dì biết, tụi tui sẽ làm đám cưới đúng bon mùng mười, trước dì vừa vặn năm ngày.
Thắm nạt :
-Đừng có giỡn nghe mậy! Tụi bây làm cái gì mà gấp dữ vậy? Mới gặp cái a thần phù cưới liền, coi kỳ thấy mồ! Mà có phiêu lưu quá hông con?
Lam cười :
-Gấp cái gì? Kỳ cái gì? Phiêu lưu cái gì? Tụi tui gặp nhau đã ba mươi năm về trước, hổng chừng còn sớm hơn dì với “ảnh” của dì năm ngày. Bây giờ cưới trước năm ngày thì hợp lý quá rồi còn gì!
Thắm hỏi lại cho chắc ăn:
-Bộ thiệt hả?
Lam vừa gật, vừa thề dù Thắm không yêu cầu:
-Tui mà nói dóc cho bà bắn đui hai con mắt!
Thắm kêu lên:
-Trời đất ơi! Có phải vì cái vụ tụi mình cá nhau mà mầy cưới cái rụp không?
Lam đáp chắc lọi :
-Đúng bon!
Thắm thở dài :
-Tao không ngờ mầy còn háo thắng hơn tao! Bây giờ muốn chung thứ gì đây?
Lam đáp :
-Tui chưa nghĩ ra cái thứ gì đáng để hy sinh đời con gái của mình hết, nên dì cứ “không an tâm” mà chờ đó đi! Cứ tha hồ mà phập phồng lá gan đi!
Thắm rên :
-Con quỷ ! Bộ mầy không biết tao là người không có tánh kiên nhẫn, ghét chờ đợi hay sao? Tao đã từng tuyên bố, nếu như tao mà làm cán bộ cao cấp, tham nhũng rồi được xử tù treo là tao sẽ chống án tới cùng. Năn nỉ nhà nước làm ơn bắn tao một cái đùng chớ đừng treo gì ráo!
Lam đáp :
-Tui biết! Tui biết! Dì là người không bao giờ mua đồ trả góp; Không thích chơi hụi vì không muốn chờ đợi lâu lắc; Đem đồ đi may mà thợ hẹn hơn ba ngày là đem tới chỗ khác. Ghét nhứt là ai mượn tiền mình và không bao giờ mượn cái gì của ai. Nếu kẹt quá phải xài đỡ của ai thứ gì, hứa với ai điều gì là phải trả liền, làm liền rồi mới ăn ngon ngủ yên. Bởi vậy cho nên tui đâu thèm đòi nợ gấp làm chi!
Thắm thở dài :
-Hèn gì người ta nói, kẻ hại ta khiến ta không kịp trở tay chính là người thân thuộc nhứt của ta. Bấy lâu nay tao đâu có làm chuyện gì có tội, có lỗi với mầy mà mầy nỡ hạ tao sát ván như vậy hả con kia? Phải thấy tao sống dỡ, chết dỡ mới vừa cái bụng của mày hả?
Lam trề môi :
-Xời ơi! Tui mà kể hết ra chắc hai chiếc xà lan chở cũng hổng hết. Hồi nhỏ đi học, dì làm biếng thấy bà cố! Hở hở là bắt tui ôm luôn cái cặp da nặng ì của dì . Tắm là bắt tui kỳ lưng. Ngoại mà chặt cây mía làm đôi để chia cho hai đứa là dì lựa khúc gốc. Chơi cái gì ngoại cũng bắt tui phải nhường dì. Còn nữa, dì toàn là ép tui trốn học theo dì, khiến tui bị đòn không biết bao nhiêu lần. Chuyên môn cọp pi tui, điểm nhỏ hơn còn xách lên bàn thầy khiếu nại, đã vậy còn nói hai đứa giống hệt nhau khiến thầy cho cả hai ăn trứng vịt. Nhớ chưa?
Thắm nạt :
-Thôi thôi, mầy cũng y chang như vậy chớ có khác gì tao. Mầy chuyên dụ tao mua bánh cho ăn, muốn cái gì toàn xúi tao xin chị Hai, anh Hai giùm. Cái lần tập bơi, mầy ôm cây chuối vuột tay, nhờ tao nắm tóc kéo lại mới còn cái mạng. Chưa đền ơn còn rắp tâm trả oán.
Lam cười hì hì rồi đáp :
-Như vậy mới đã!
Cô Sáu nghe hai người nói chuyện mà ngạc nhiên quá xá cỡ.
Cổ nhủ thầm :
-Hai cái bà cô giáo về hưu nầy, già khằng khú đế rồi mà còn cà rỡn như con nít. Hổng biết hồi đó hai bả dạy học trò kiểu gì vậy trời!

Đám cưới của Lam có thể được “ghi vào nách” với những thể loại : Đám cưới vui nhất, phù dâu trẻ nhất, phù rể già nhất, món ăn giản dị nhất, truyền thống nhất, ngon nhất!
Để làm vui lòng cả bé An lẫn Đông, Lam đã cất công tìm cho được xấp vải có cái màu rất nhạt, nhẹ như khói, như sương để may áo cưới..
Cái màu phơn phớt ấy cứ lưỡng lự, cứ phân vân ở cái ngưỡng của màu hồng và màu hoa cà mà chẳng thể nào quyết định nổi là nghiêng về phía nào. Cái màu đặc biệt ấy không ngờ quá thích hợp với Lam, giúp cô thể hiện nét đơn sơ, trinh nguyên, trong trắng của mình.
Đông thì đúng là có phần không cần gì lo ! Cái khăn đống, áo thụng Thắm may sẵn, được Ngươn nhường cho Đông khai mạc trước một cách hết sức nhiệt tình. Cũng may là khối lượng của hai người không chênh lệch nhau nhiều lắm, nên chẳng ai dám nghi ngờ là chàng rể mặc áo khính.
Lời nói đùa của Lam ngày nào đã gieo lòng cô gái vừa mười bảy tuổi, bé An, một niềm ao ước. Từ khi biết ngày cưới của Lam, An cứ tưởng tượng trong đầu, hình ảnh của chính mình trong chiếc áo dài màu hồng bông dâu, đóng cái vai quan trọng thứ nhì chỉ sau mỗi Lam trong bữa tiệc đó!
Cô Sáu ban đầu không đồng ý, thế rồi những giọt nước mắt của đứa con gái cưng đã làm mềm lòng người mẹ. Cổ đem chuyện ấy kể cho Lam nghe. Lam chẳng chút ngần ngại, còn cố thuyết phục vợ chồng cô Sáu cho bằng được, để tặng An cái áo dài màu đầu tiên.
Chiếc áo ấy đã đóng vai bà tiên, "hô biến" An thành con thiên nga xinh xắn, khiến hai vợ chồng cô Sáu đều nhìn cô con gái út của mình bằng tia mắt hãnh diện. Thậm chí hai mắt của cô Sáu còn rơm rớm, và nụ cười hiếm hoi lại nở trên gương mặt cái ông chồng vốn ưa cau có của cô.
Không biết làm cách nào mà những người bạn của Đông, cũng là học trò của Lam, biết tin. Thế là cái đám đưa rể, gồm những người lưng cong cong; Răng trắng hếu (răng giả); Tóc đen thùi (mới nhuộm), muối tiêu, bạc trắng...nối đuôi nhau thành một hàng dài đến mười mấy người.
Chú rể phụ da xếp li, răng đã rụng bớt vài chiếc, tóc hoa răm, đứng cạnh cô dâu phụ vừa mười bảy tuổi, xinh như nụ hồng hàm tiếu, trông như bức tranh hí họa.
Quá nhiều đề tài để đùa! Quá nhiều kỹ niệm vui trong thời đi học được nhắc! Cho nên trong cái đám cưới ấy người ta nghe cười, được cười hơn nhiều bao giờ hết!
Chỉ có hai người không cười nổi, đó là cô dâu và chú rể!
Đâu phải họ không vui, trái hẳn lại. Thế nhưng không hiểu tại làm sao, khi giấc mơ lớn nhất đời đã trở thành hiện thực, lòng họ cứ rưng rưng, chỉ chực ôm nhau mà khóc!
Khi Đông đề xuất chỉ đãi một món mắm kho, cả Lam, dì Út, cô Sáu đều chới với, chỉ có Ngươn là tán thành với lý do, suy tôn món đặc sản của quê nhà.
Hơn nữa mùng mười tháng giêng là ngày cúng đất, ngày thể hiện lòng biết ơn của bà con đối với bà mẹ đất. Vào ngày nầy các bà nội trợ thường nấu một mâm cơm, không bày trên bàn mà để trong mâm, đặt lên cái ghế nhỏ dọn ra chính giữa nhà trước, kê trên nền đất mà cúng.
Vì tạ ơn đất nên thức ăn bắt buộc là cá lóc nướng trui, cùng các sản vật có từ đất :Rau lang, rau muống hoặc các loại rau thông dụng khác (miệt nào có thứ rau gì thì cúng rau đó). Đặc biệt: Cái chén mắm nêm bắt buộc phải có mặt, cho dù ở địa phương nào!
Xem thế cũng đủ biết bà con miền Nam, nhứt là nông dân, mặc nhiên xem mắm là món ăn căn bản của bà mẹ đất, nước Việt ta.
Mấy người khách đến dự đều phổng mũi để hít, không phải mùi son phấn, nước hoa của phái đẹp mà cái mùi quốc hồn, quốc túy thoát ra từ nhà bếp.
Nỗi lo lắng của Lam, Thắm và cô Sáu nhanh chóng được đánh tan. Nồi mắm và cái rỗ rau bự bành ky được vét sạch bong, không chừa lại chút xíu nào!

Sau ngày cưới, Lam và Đông sang nhà Thắm để lạy bàn thờ trình diện cữu huyền và giúp Thắm, Ngươn chuẩn bị ngày giỗ của ông ngoại kiêm ngày cưới của họ.
Vừa gặp nhau là Lam cụp mắt lại để tránh tia nhìn soi mói của bà dì quá sức tò mò.
Thắm cầm tay Lam, kéo ra nhà sau rồi hỏi :
-Ê! Sao mậy? Nói tao nghe coi cái cảm giác của mầy lúc nầy như thế nào?
Lam buồn xo rồi thở dài đánh thượt :
-Tràn trề hối hận.
Thắm điếng hồn :
-Sao vậy?
Lam sụt sùi :
-Nếu biết có chồng là như vậy, chắc tui…
Nói tới đó Lam nghẹn ngào dừng bặt .
Thắm thở không ra hơi. Nỗi lo sợ làm cổ họng cô như thắt lại.
Lam liếc nhìn, thấy nét mặt Thắm trầm trọng quá liền nói tiếp :
-Chắc tui đã lấy từ ba chục năm về trước!
Thăm xòe rộng bàn tay, tập trung mười tám thành công lực, phát vô mông Lam một cái chát!
Lam nẩy ngược người rồi tay xoa, miệng hét :
- Aí! Làm cái gì mà đánh mạnh dữ vậy? Đau thấy mụ nội !
Thắm nghiến răng:
-Vậy mà tao còn chưa vừa bụng đây nè! Chỉ muốn đập cho mầy sặc máu. Cho bỏ cái tật hở hở là hù, là nhát tao. Có chồng rồi mà...
Đông và Ngươn đang ở nhà ngoài, nghe tiếng hét đau đớn của Lam thì điếng hồn. Họ tưởng hai dì cháu ấu đả thật sự bèn ráp nhau chạy vào can.
Khi thấy Thắm và Lam đang kề vai, bá cổ nhau vừa thì thầm vừa cười khúc khích, cả hai bèn cùng lắc đầu rồi rút lui rất có trật tự.
Thắm móc lá thư trong túi ra đưa cho Lam rồi nói :
-Mầy tràn trề hạnh phúc rồi đó, đọc đi!
Lam cầm lấy không chút do dự, xé cái bao rất cẩn thận theo lằn dán, lấy ra tờ giấy chắc được bóc từ cuốn sổ nên sát lề chi chít những cái lỗ tròn nho nhỏ xếp thẳng hàng.
Cô đọc :
-Lam thương!
Xin cho anh được gọi tên em cho dù chẳng còn cái quyền đó nữa.
Anh vừa nghe bác sĩ thông báo và được biết mình chỉ còn sống nhiều nhất là sáu tháng.
Người đầu tiên, điều đầu tiên mà anh nghĩ đến là Lam và những nỗi đau mà anh đã gây ra cho em.
Gần ba mươi năm qua chẳng lúc nào cái thằng tên lương tâm để cho anh yên ổn. Anh những tưởng ở một khoảng cách diệu vợi, hình bóng Lam sẽ phai nhạt trong anh, tâm hồn anh sẽ bình an để thảnh thơi hưởng hạnh phúc với gia đình. Thế nhưng…
Đây là lá thư thứ ba anh gửi cho Lam, hai lá trước đã bị trả về kèm theo lời giải thích của Chương, anh Hai em, rằng em không nhận.
Lam từ chối có nghĩa là vẫn còn căm hận anh, nghĩa là lòng Lam chưa thanh thản.
Anh không sợ phải mang gông cùm đi xuống địa ngục, chỉ sợ Lam không còn cơ hội tha thứ cho anh để sống một cách vui vẻ, thong dong…
Nước mắt Lam rơi đánh bộp trên lá thư. Quá nghẹn ngào nên cô không thể nào đọc tiếp. Thắm lấy tờ giấy trong tay Lam đọc một mình cho đến hết rồi nói :
-Tội nghiệp quá !
Cô hỏi Lam :
-Mầy có định trả lời cho y không ?
Lam kéo vạt áo lau nước mắt, gật đầu :
-Tối nay con sẽ viết. Nói cho ảnh biết là con đang hạnh phúc để ảnh yên tâm!

HẾT


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 2265 bài viết ] [ 29 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1 ... 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105 ... 227  Trang kế tiếp

» MÙI ỔI - Lâm Du-Yên «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu