CHỊ EM CHÚNG MÌNH. ĐBVA Ngày xưa, ngày xa xưa ấy, có nhiều cô sinh viên từ các trường đại học Sài Gòn, Cần Thơ tung bay về một chốn, để xây dựng mùa Xuân. Và mùa Xuân thật sự nở hoa, ở ngôi trường trung học Nguyễn Chánh Sắt Tân Châu vào niên khoá 1972-1973. Và như một an bài của tạo hoá, các cô gái ấy lại gặp nhau lần nữa, ở tại căn phòng cuối dãy, của các lớp học mới cất bên hông trường, vào những năm sau 1975. Chúng tôi gồm tất cả sáu người. Đầu tiên phải nói đến cô gái có mái tóc tém, đến từ Cần Thơ, dạy môn Anh Văn. Cô nầy rất bình dị, hay giúp đở mọi người, thích vui nhộn, có tính chỉ huy, nên mọi cuộc chơi đều phải có cô ấy, và rất ư là độc tài đó nhé. Người kế tiếp đến từ Châu Đốc, dạy môn Sử, dáng cao cao, tóc dài dài, ngoại trừ lúc nào cũng là sứ giả hoà bình, thì cô không có gì đặc biệt để liệt kê. Người con gái Sa Giang với nụ cười thật tươi, đôi má hồng hồng, dạy môn Sinh Vật, ít nói, duyên dáng không ai bì. Môn Sinh Vật lại có thêm một cô thật dễ thương, đến từ Châu Đốc, là chủ nhân của một giọng nói thật nhẹ nhàng, cô rất tài hoa và khiêm tốn, tốt với bè bạn. Cũng từ Châu Đốc, người con gái có mái tóc chấm vai, mang dáng dấp xa xăm, đầy vẻ suy tư của cô giáo Việt Văn, ngược với nụ cười thật trẻ thơ trên khuôn mặt ấy, rất nhiều tình cảm nên cô hay buồn vu vơ. Cuối cùng phải kể đến cô “ký điệu” nhà mình, từ quê hương Thốt Nốt bay đến Tân Châu, để dạy môn Pháp Văn. Dáng cao, tóc dài, tánh tình bộc trực, thấy việc cần nói là làm liền, nhưng không ác ý, ca hay hát giỏi... Tuy tính khí khác nhau,, tuy xuất phát không cùng nguồn, tuy hay tranh cải...nhưng chúng tôi rất thương nhau, lo lắng và nghĩ về nhau. Kể từ khi trường mang tên Phổ Thông Trung Học Tân Châu, chúng tôi có khu ở tập thể. Từ lúc không có gì, đến khi có nhiều thứ, chắc hẳn phải trải qua nhiều khó khăn, mà nếu như không có sự yêu thương, gắn bó, chia sẻ lẫn nhau, thì làm gì có kêt quả tốt đẹp (?) Ngay từ đầu, chỉ vấn đề vệ sinh cá nhân, điện nước không thôi, cũng đủ làm nao lòng nhi nữ. Chúng tôi phải đợi đến lúc học sinh về hết, mới khiêng từng thùng nước để dành cho ngày mai, phải thắp sáng những ngọn đèn dầu leo lét để soạn bài, chấm bài. Giường ngủ là ba bốn băng ghế ngồi của học sinh nhập lại, mỗi cá nhân được ngăn cách bởi những tấm vải treo, trông giống như một đoàn hát đang lưu diễn. Nhưng chúng tôi không buồn (nếu có, chỉ là những giọt nước mắt rơi rụng ở lúc đêm về) Chúng tôi có những nồi chè bo bo, hay khi có lương, chúng tôi lại có thêm hột vịt lộn rất ngon, chúng tôi tâm sự, ca hát cùng nhau... Rồi cũng ở căn phòng ấy, chúng tôi dần dần có đủ: một phòng tắm có nước máy, điện có thường xuyên trong phòng ở, ghế bố, mền mùng tuy không hoàn hão, nhưng cũng ấm lòng những đứa con xa nhà. Chúng tôi có thêm những người bạn mới từ xa đến, gia nhập đại gia đình nầy. Căn phòng tuy nhỏ, nhưng rất ấm áp tình người. Cũng đã có rất nhiều em học sinh vào đây tịnh dưỡng, sau những giờ lao động mệt nhọc. Và chúng tôi cùng nhau làm việc, cùng nhau vui đùa, cùng nhau la ó...cũng được gần ba năm. Rồi chúng tôi cùng nhau chia tay. Lâu lắm, gặp lại một em học sinh cũ. Em kể chuyện về thăm trường, hỏi các cô giờ thế nào? Em được biết: Cô Điệp về Sở Giáo Dục làm phó phòng chuyên môn. Cô Huỳnh Hoa, cô Hương thì về Sở làm cán bộ. Cô Hoanh giờ làm bà Hiệu Trưởng (theo chồng) trường cũ. Cô Xuân Hoa chưa biết tin. Còn cô Binh của em thì...thì vẫn như cũ. Là vẫn đi dạy như ngày nào thôi, có làm được gì đâu.!! Đã nói mà, cô ấy không có gì để liệt kê. ĐBVA
|