NW9 có lẽ là chữ cái viết tắt của North West khu vực số 9, bản đồ số 9, hay gì đó... 9 của vùng biên giới Cambodia-Thái Lan! Trại nằm trên đất Cambodia, ngay bên đường giao thông hào chống tăng của lực lượng biên phòng Thái Lan. Trại được nối với đất Thái qua một cây cầu tre nhỏ bắt trên giao thông hào, bên kia là dầy đặc lính Thái bảo vệ biên giới, trại cũng có một đơn vị nhỏ lính Thái trong coi an ninh những người vượt biên đường bộ bị tạm giữ ở đây chờ được mở hồ sơ tị nạn. Trại cũng có một ban đại diện người Việt chăm lo các vấn đề sinh hoạt trong trại, mà quan trọng hơn hết là sự liên lạc qua các tình nguyên viên quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ QT, Cao Ủy Tị Nạn QT...
Người vượt biên đường bộ đến được đây là một may mắn, hẳn nhiên, nhưng mỗi người là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, hầu hết các câu chuyện có chung tính đau thương, chua xót..., cái đau thương, chua xót của dân tộc! Và có lẽ họ cũng có quá nhiều cái chung nên cuộc sống trong trại mang nhiều cảm thông, hòa đồng và đoàn kết. Cái chung dễ thấy nhất là họ không còn gì để gọi là tài sản, tất cả đều mất hết, bị lột sạch trên đường đi, tới được với thân thể nguyên vẹn là một đặc ân của thượng đế. Hầu hết lều trại tại đây được người trong trại tự dựng theo một bản đồ qui hoạch tổng thể khá ngăn nắp, chủ yếu tre đòn dong và lá dừa, kết nối nhau bằng dây kẽm. Diện tích trại không lớn lắm mà phải chứa khoảng 4 ngàn dân nên chổ ăn, chổ ngủ khá chật hẹp, các dãy nhà lá thấp dài nối nhau chia làm hai khu, A,B, khoảng giữa là khu sinh hoạt chung của trại, được mở rộng như một bùng binh với căn nhà bếp ở giữa, chung quanh bùng binh là phòng y tế, phòng bưu điện, văn phòng đại diện, phòng thông tin, thư viện... đầy đủ để gọi là một cộng đồng nho nhỏ. Trong các dẫy nhà lá được chia ra nhiểu ô đan xen nhau, mỗi ô khoảng 2 thước ngang, 2 thước rộng là chổ ở cho khoảng 4 người, do diện tích nhỏ như vậy nên dân trại chờ xin từng bao bố đựng gạo về làm võng ngủ, ngủ võng còn tránh được rắn bò vào từ ven rừng.
Tôi tới trại vào những ngày đầu tháng Sáu, vì đây là trại đường bộ, những người đến đây từ các tỉnh biên giới Tây Nam nên tôi gặp không ít đồng hương, có người tới trước, có người tới sau. Những người Việt gốc Kmer thông thạo tiếng Cambodia thường không gặp nhiều khó khăn như người Việt thuần túy. Cuộc sống trong trại thời gian đầu rất khó khăn, vì cho tới thời điểm tôi tới trại, người vượt biên đường bộ chưa được một qui chế tị nạn như những người vượt biên đường biển, chưa có một hội đoàn quốc tế nào biết sự hiện hữu của trại, nên việc tiếp tế cho sinh hoạt căn bản hàng ngày chủ yếu được chia sẻ lại từ những trại tập trung người Cambodia lánh nạn chiến tranh dọc theo biên giới Thái-Cambodia. Mỗi ngày một người có khoảng 1/2 lít nước, một chén cơm, ít khô hay muối, ít dầu ăn, cơm chiên với chỉ dầu ăn và muối là món đặc trưng và dễ nuốt nhất mỗi ngày! Ngoài những thiếu thốn vật chất thì sinh hoạt trại cũng khá phong phú về tinh thần, cũng có một sân đá banh, có nơi cầu nguyện tôn giáo, ngay cả cho những người Chăm theo đạo Hồi!
"Đại lộ Hoàng Hôn" là con đường rộng dọc theo giao thông hào phía trước trại, mỗi chiều sau bữa cơm, mọi người thả bộ đi lên, đi xuống khoảng đường đất hơn 100 thước. Từ phía cao con đường, hoàng hôn thấp dần xuyên qua các táng cây rừng đẹp như tranh vẽ, cái đẹp núi rừng thiên nhiên làm quên đi nổi cơ cực, tâm lý chờ mong của mọi người! Hy vọng là thứ thực phẩm không thể thiếu cho tinh thần mọi người, ai đến đây mà không hy vọng, hy vọng và chờ mong một ngày được bước qua cây cầu "Biệt Ly"! Qua được cây cầu đó thì dù có bao nhiêu luyến tiếc, bao nhiêu nhớ thương, kỷ niệm ở trại, bạn cũng không bao giờ muốn quay lại! Đã bốn mươi năm trôi qua, có những thứ tôi đã quên, nhưng khoảng thời gian tám tháng ở đây không bao giờ xóa nhòa trong tâm thức tôi! Đó thật sự là khoảng thời gian của những thử thách, chịu đựng, chờ mong và hy vọng, có ai rời bỏ quê hương trong thời điểm đó có thể biết mình về đâu, đi đâu! Những bước chân cứ âm thầm từng bước rời xa quê hương, rời xa bao nhiêu kỷ niệm, những bước chân càng lúc càng xa, đường về càng lúc càng mất dấu...
Đàn cá hồi tung tăng khắp đại dương biển cả, qua bao nhiêu dòng nước đổi chiều rồi một ngày cũng quay về nơi chúng được nở ra thành con, rồi lại tiếp tục sản sinh các thế hệ tiếp theo, những chùm trứng căng tròn, hồng tươi. Đàn voi già sau bao nhiêu bước chân chinh phục thảo nguyên, qua bao nhiêu lục địa, một ngày trước khi chết cũng tìm về nơi chúng sinh ra để bẻ gãy đôi ngà và dấu thân dưới cánh rừng nơi chúng được sinh ra. Con người rồi cũng thế, những người như chúng tôi, dù có lưu lạc bốn phương trời, có ai muốn gửi xương mình nơi đất khách! Ra đi rồi lại quay về, nhưng không đi, làm sao mà lớn như bầy cá hồi vượt biển cả, làm sao chinh phục năm châu lục địa như đàn voi! "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", nhưng đi, tôi chỉ mong các thế hệ sau không phải đi như chúng tôi đã từng, và về, có lẽ tùy vào hoàn cảnh và thời gian của mỗi người! Với tôi, về trong ngày vui của riêng mình thì cũng chẵng ý nghĩa gì, tôi vẫn ao ước một ngày về trong niềm vui chung của cả dân tộc!
Để nhớ tháng Sáu, tanchau
|