Một nén hương cho người Thầy cũ
Mùa Xuân đã bắt đầu trở lại, nhưng thới tiết ở đây cũng chưa đủ ấm. Hoa lá đã xum xuê nhưng khí hậu nay lạnh, mai ấm, mưa phùn lất phất suốt cả ngày nên mọi người ai cũng nhức đầu, sổ mũi. Tôi cũng không ngoại lệ nên hôm nay nghỉ một ngày dưỡng lão. Sáng nay thức dậy rất trễ, vì lười biếng nên còn nằm nướng trên giường, bỗng nghe thoang thoảng bản nhạc mà tôi cũng không nhớ tựa và của ai nữa. Lâu quá rồi mới nghe lại:
“Rừng xanh lên bao sức sống, ú u ú u… Ngàn cây xôn xao đón hương nồng Của vừng thái dương hồng Bừng lên trời Đông…”
Đó là bản nhạc mà chúng tôi gồm hai lớp A và B được hát trên sân khấu cuối năm đệ thất, ngày bãi trường để chuẩn bị bước lên đệ lục nên tôi không thể nào quên được.
Hình ảnh Thầy Nhiệm hiện rõ dần trong tôi như mới ngày nào. Bao kỷ niệm thời thơ ấu bừng bừng sống dậy và dồn dập như từng cơn sóng vỗ. Tôi vội nhảy phắt xuống giường để tìm xem bài hát ấy được phát từ đâu. Tôi nhớ rõ từ hình dáng đến lời nói của Thầy kèm theo cây đàn guitar dính liền trên tay mỗi khi Thầy vào lớp. Tôi được gặp gỡ Thầy từ khi còn học tiểu học. Tôi học trường nữ còn Thầy dạy trường nam, nhưng Thầy hay xuống thăm cô giáo tôi lắm, năm đó tôi học lớp năm. Mỗi lần Thầy đến là chúng tôi rất mừng vì biết chắc là sẽ có dịp nói chuyện thả dàn sau khi viết xong bài học thuộc lòng mà cô đã viết sẵn trên bảng. Sang năm đệ thất tôi lại được học với Thầy môn Âm nhạc. Nhớ mỗi lần tới giờ Thầy là chúng tôi rất mừng, vừa được học nhạc lý, vừa được hát, vừa được đùa vui thỏa thích. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười vang trong lớp học, bù lại những giờ toán khô khan và nhức óc, lại còn bị Thầy Nhiều gọi là đồ bư nữa, nghĩ có tức không?
Thầy vui và dễ tính “vì có máu văn nghệ”. Mỗi năm gần tới ngày bãi trường thì Thầy lo chọn học sinh để tập dợt trước cả tháng để lên sân khấu trình diễn văn nghệ. Tôi và cô bạn thân nhất lúc nào cũng được chọn vô ban văn nghệ nên hãnh diện lắm mặc dù tôi hát rất dở. Thầy chọn nửa nam sinh và nửa nữ sinh để thành lập ban hợp ca và hát nhiều bài xôm tụ lắm. Đầu tiên trường tôi chỉ có hai lớp A và B, dần dần mỗi năm, trường có thêm lớp nên mình tự động lên làm bậc đàn anh, đàn chị, thật là oai phong lẫm liệt. Hè năm sau tôi hết năm đệ lục, sắp lên đệ ngũ, chương trình văn nghệ của Thầy dồi dào hơn vì có thêm 2 lớp. Có thêm lớp tức là có thêm nhân tài, thêm nhiều ca sĩ, và đám đàn em có nhiều đứa hát hay đáo để. Tôi nhớ nhất là cô ca sĩ Thái Liên lên hát bài “Những đồi hoa sim” rất hay làm mọi người vỗ tay nhiệt liệt, vẫn còn nhớ mãi cho đến bây giờ. Lúc đó trông cô ta thật đẹp và dễ thương, mặt thì trắng hồng, mắt to, môi đỏ như son (không phải thoa son đâu nhé!, còn nhỏ mà). Tôi và cô bạn thân được Thầy thương nhất (mình nghĩ vậy), hai đứa lúc đó thân nhau lắm, thân đến nỗi không thể nào thân hơn được nữa. Nhớ có lần hai đứa giận Thầy đến cả một tuần vì một hôm Thầy đến nhà Thầy Giáo Út làm gì đó tôi quên mất (nói đúng ra là không được biết), Thầy gặp hai đứa tôi ở vườn hoa rước sân nhà, Thầy tươi cười và xoa đầu hai đứa rồi nói: “đúng là một cặp bài trùng”, xong bỏ vào nhà. Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn rồi hỏi nhau Thầy nói mình cái gì kỳ vậy, tại sao lại gọi hai đứa là hai con trùng? Thế rồi hai đứa đâm ra tự ái và giận Thầy ghê lắm, quyết không thèm nói chuyện với Thầy. Sau mấy tuần lễ mặc dù vẫn học Âm nhạc với thầy nhưng hai đứa quyết làm nghiêm không cười đùa gì cả. Vài tuần sau, Thầy Út (lúc đó vừa là Hiệu Trưởng, vừa dạy Pháp văn) bị bịnh nên không đến trường được nên viết thư bảo hai đứa đem đưa cho thầy Nhiệm, hai đứa tôi từ chối nhất định không mang thư đến thầy Nhiệm. Thầy Út hỏi lý do tại sao, tôi trả lời: “tụi con không còn thích Thầy Nhiệm nữa vì thầy gọi chúng con là hai con trùng” xong kể câu chuyện cho Thầy Út nghe. Cả nhà, kể cả những người chị của nhỏ bạn cười quá mạng làm hai đứa quê muốn độn thổ. Sau đó được thầy giải thích không phải như mình nghĩ nên lấy làm hối hận đã nghĩ oan cho thầy, thật là ngu quá đỗi!
Sang năm đệ ngũ rồi đệ tứ, chúng tôi lớn như thổi, con gái thì trổ mã đẹp ra, dịu dàng, duyên dáng hơn, giọng nói trở nên trong trẻo, còn các anh con trai thì cao hơn nhưng lại đổi giọng ồ ồ mà đám con gái chúng tôi thường gọi lén là giọng ngổng đực. Tôi không nhớ rõ năm đệ ngũ hay đệ tứ, trường giờ đã sung túc lắm, Thầy phải dạy nhiều lớp, rồi còn dạy tiểu học nên bận rộn lắm. Đã vậy còn bận rộn hơn vì phải lo cho những kỳ hè và tất niên. Thầy có người bạn thân cũng có máu văn nghệ cùng mình giúp Thầy tập dợi văn nghệ, đó là Anh Bền “Thời Đại”. Sở dĩ tôi gọi là anh Bền vì là bạn của chị tôi. Chắc ai cũng còn nhớ, năm đó anh Bền và Thầy Nhiệm có dạy cho chúng tôi một điệu múa làm tôi nhớ mãi. Năm đó bọn con gái chúng tôi đã coi đặng gái lắm rồi, Thầy chọn 8 đứa của hai lớp A và B để vũ một diệu vũ độc nhất vô nhị, đó là bài “Gấm vàng”. Chúng tôi được trang bị quần áo, đầu tóc như tám nàng tiên nữ trong phim tàu nên thích lắm. Bộ áo gồm có nhiều lớp màu sắc rực rỡ, hai tay áo lòng thòng màu trắng, mỗi khi múa đánh phất lên, phất xuống rất đẹp. Trong khi chúng tôi đang múa bên ngoài thì ban họp ca sau sân khấu trổi giọng hát bài “Gấm Vàng” mà tôi nhớ một vài câu (hãy thông cảm cho người già cả không còn nhớ nhiều):
“Gấm vàng, một cuộn gấm vàng, Óng a, óng ánh như tóc nàng Huỳnh Tiên, Nàng Huỳnh Tiên ở động đào nguyên, Hàng đêm nàng ra múa hát...”
Tất cả tám bộ đồ đó may rất đắc tiền, nhà trường xuất quỹ ra cũng xót ruột. Chúng tôi tập dợt mỗi ngày rất siêng năng nên cuối cùng buổi trình diễn cho ngày bãi trường rất thành công. Sau một thời gian nghỉ hè thì Thầy lại đến từng nhà để gặp chúng tôi và triệu tập lại tất cả những bạn đã từng múa và hát bài “Gấm vàng” để cho hay một tin mừng. Điệu múa đã được ông quận trưởng thời đó mời đến biểu diễn trong ngày ăn mừng ông thăng chức. Ông sẽ hoàn trả lại số tiền may 8 bộ đồ mà còn được dự tiệc nữa. Ôi không còn gì hãnh diện và sung sướng cho bằng. Tất cả bắt đầu tập dợt lại và đi trình diễn ở trước dinh quận. Họ tạo thêm cảnh núi non, cây cối, có con suối chảy róc rách, có cây cầu bắt ngang qua sân vườn hoa rất thơ mộng. Đã vậy còn có những ánh đèn màu lấp lánh như cảnh tiên giới. Tám đứa tôi từ trong hang động đi ra vừa múa trong tiếng đàn, tiếng hát. Chúng tôi đi qua cây cầu bắt ngang con suối ôi sao mà đẹp quá, tôi cứ ngỡ mình là tiên thật, “Tiên mắc đọa”. Ban hợp ca gồm có Bá, Thái Liên, Lễ, vv...và ai nữa tôi quên rồi. Thế là đêm đó cả Thầy lẫn trò được dịp no nê thỏa thích, tuổi ham ăn mà lị. Thầy và anh Bền đến bên chúng tôi cười tươi như hoa, rất hãnh diện vì đã thành công.
Còn biết bao kỷ niệm mà tôi không thể nào kể hết, giờ Thầy đã ra đi không bao giờ trở lại để lại trong lòng chúng tôi một nỗi nuối tiếc khôn nguôi. Hôm nay ngồi viết lại những dòng nầy như một nén hương gởi đến Thầy. Trong tôi, Thầy vẫn còn sống mãi và mãi mãi. Tôi tin rằng tất cả các học sinh của Thầy ai nấy đều có ít nhiều kỷ niệm với Thầy. Kỷ niệm thì mỗi người mỗi khác, nhưng chung một Thầy. Kể từ đó tôi rất yêu thích cái tên Huỳnh Tiên mà sau nầy tôi đặt tên đó cho đứa cháu gái của tôi vì lúc đó tôi chưa lập gia đình để muôn đời không quên được người Thầy mến yêu của tôi. Nhờ học nhạc lý với Thầy mà học trò của Thầy ai cũng hát rất hay nhưng không ai làm ca sĩ cả vì Thầy đã bỏ đi nửa chừng rồi Thầy ơi!
Mùa Xuân 2008 Thảo
Viết xong bài nầy tôi mới nhớ được tựa của bản nhạc là “Sáng Rừng”.
|