Khi có dịp thuận lợi, bọn SV thường nài nỉ tôi kể cho chúng nghe chuyện tình yêu hoặc chuyện cười. Những gì tôi biết về hai đề tài này đều do góp nhặt từ sách báo và thực tế cuộc sống của người khác là chủ yếu (còn kinh nghiệm bản thân thì cực kỳ nghèo nàn). Riêng chuyện cười, trước khi kể hay cho các em kể tôi đều phải dài dòng văn tự: “Các em ạ, có nhiều nụ cười. Có nụ cười sảng khoái, hồn nhiên, vô thưởng vô phạt, chủ yếu là do “giải mã không đúng” tức là do hiểu lầm. Có nụ cười phê phán những thói hư tật xấu của người đời. Có nụ cười để đấu tranh giai cấp (cười bọn vua chúa, quan lại hư đốn, ngu dốt, tham lam, "dê xồm"; trong gia đình thì cười người chồng vì trong thời phong kiến thì “chồng chúa vợ tôi”),... Tuyệt đối không nên cười những bất hạnh của con người như sự già nua, bệnh tật, nghèo đói, xấu xí, cô đơn,… Các em phải lưu ý điều này khi kể. Cô thấy có một số tiểu phẩm hài trên TV thật vô duyên, cô đã thầm cho chúng điểm âm!” Chuyện trên sách báo thì nhiều, nhưng thường thì NL đọc rồi cũng quên liền. Chỉ những chuyện NL thấy thích rồi kể lại cho người khác nghe thì NL mới nhớ luôn. Tiện đây xin kể lại cho bà con nghe một số chuyện mình đã đọc hoặc đã nghe từ lâu. ==================================================
I. MỘT SỐ CHUYỆN VUI SÂN KHẤU
(Những chuyện này NL đọc trong cuốn “100 chuyện vui sân khấu”. NL đã làm mất cuốn này lâu rồi nên không nhớ nguyên văn và tựa chính xác của từng chuyện. Do vậy, các tựa này là do NL đặt lại và nội dung câu chuyện có thể hơi bị thêm thắt hoặc cắt bớt, thiếu tên diễn viên, tên đoàn hát thật)
1/ Kính thưa quí quan khách... Sắp đến giờ mở màn nhưng các diễn viên hóa trang chưa xong. Thấy vậy, ông bầu ra chào và chậm rãi giới thiệu cùng khán giả: “Kính thưa quý quan khách, quý cụ, quý ông, quý bà, quý cô, quý bác, quý chú, quý thiếm, quý cậu, quý mợ, quý anh, quý chị và quý em, Trước hết, tôi xin đại diện đoàn hát “Viễn Thông Bá” nhiệt liệt chào mừng quý quan khách, quý cụ, quý ông, quý bà, quý cô, quý bác, quý chú, quý thiếm, quý cậu, quý mợ, quý anh, quý chị và quý em và cảm ơn tấm thịnh tình mà quý quan khách, quý cụ, quý ông, quý bà, quý cô, quý bác, quý chú, quý thiếm, quý cậu, quý mợ, quý anh, quý chị và quý em đã dành cho đoàn chúng tôi. Kính thưa quý quan khách, quý cụ, quý ông, quý bà, quý cô, quý bác, quý chú, quý thiếm, quý cậu, quý mợ, quý anh, quý chị và quý em, hôm nay đoàn chúng tôi sẽ trình diễn cho quý quan khách, quý cụ, quý ông, quý bà, quý cô, quý bác, quý chú, quý thiếm, quý cậu, quý mợ, quý anh, quý chị và quý em xem một vở tuống mà quý quan khách, quý cụ, quý ông, quý bà, quý cô, quý bác, quý chú, quý thiếm, quý cậu, quý mợ, quý anh, quý chị và quý em rất yêu thích. Có lẽ quý quan khách, quý cụ, quý ông, quý bà, quý cô, quý bác, quý chú, quý thiếm, quý cậu, quý mợ, quý anh, quý chị và quý em cũng biết rằng….(còn nữa, nhưng NL quên rồi) Tất nhiên sau một tràng “quý” nhiều hơn là “ý” thì cũng sẽ phải đến lúc nói câu sau cùng: “…Và bây giờ vở tuồng xin được phép bắt đầu….” (Tất nhiên lúc đó diễn viên hóa trang đã xong). (Lời bàn thêm: NL rất cảm thông việc “câu giờ” của ông bầu gánh này. Trong thực tế, NL đã chứng kiến nhiều lần cái cảnh câu giờ của diễn giả. Khi đó người ta không cảm thông, không cười nỗi và trong đầu luôn hiện lên dòng chữ: “Nói dài, nói dai, nói dại. Nói dóc, nói dở, nói dỏm!”)
2/ Hú vía Anh kép đóng vai Trương Phi, trong khi chờ đến lượt diễn, cảm thấy đói bụng nên ra gánh phở rong “làm” một tô. Do bộ ria giả vướng víu khó chịu khi ăn nên anh tháo ra máng đỡ trên quang gánh. Nghe tiếng trống báo hiệu đến màn trình diễn, anh ta vội vã chạy vào hậu trường và vù lên sân khấu. Anh kép cùng diễn chung vừa thấy bạn đồng diễn đã biết ngay là cha này quên mang ria nên quát hỏi: - Nhà ngươi là ai? Mau xưng danh tánh cho ta biết! Anh kép “Trương Phi” hơi ngạc nhiên vì câu này không có trong kịch bản nhưng cũng trả lời (vừa trả lời vừa đưa tay vuốt ria): - Như ta đây a...là Trương…Phì, em của Trương Phi! - Trương Phì là ai? Ta không nói chuyện với đồ vô danh tiểu tốt như ngươi! Hãy mau vào gọi Trương Phi, anh của nhà ngươi ra đây gặp ta. Chỉ chờ có vậy, anh kép “Trương Phì” chạy ra gánh phở rong chộp lấy bộ ria mang vào (Cũng may là gánh phở rong vẫn còn ở đó. Hú vía! Nhưng khán giả thì cứ ngờ ngợ: "Ủa, Trương Phi có người em tên là Trương Phì nữa à?)
3/ Đóng y như thật! Thời đó, do cái gì cũng thiếu thốn nên có khi mấy bộ râu giả được làm từ đuôi bò. Người ta cắt đuôi bò, đem giặt xà bông cho hết mùi hôi, mùi khai và phơi khô rồi dùng keo dán lại và dán vào cằm diễn viên. Có lần, một đoàn hát sắp đến giờ mở màn mới hay bộ râu giả lạc đâu mất, tìm hoài không thấy. Thế là đành “chữa cháy” bằng cách nhờ người chạy ra chuồng bò gần đó cắt đuôi con bò đang ngủ trong chuồng. Gấp quá nên không kịp giặt, cứ để vậy mà dán vào cằm diễn viên. Nhân vật mà diễn viên này đóng là một ông già bệnh hoạn, ho hen. Do mang bộ râu đuôi bò quá hôi và khai, dù cố quên đi để tròn vai diễn nhưng diễn viên này không khỏi ho và nhảy mũi (hắt hơi) liên tục. Thế là khán giả hôm ấy cứ tấm tắc khen “Anh kép này đóng y như thật” chứ họ có biết đâu….
4/... ........................ (Còn tiếp. Nãy giờ bà con có cười không nhỉ? Bà con có muốn nghe NL kể tiếp không? NL còn cả một kho nữa đấy, đủ loại chủ đề. NL sẽ không kể nữa khi chưa có ai là THÀNH VIÊN MỚI trả lời (vì biết người ta có thích nghe không, hay là lại bảo là NL "Nói dài, nói dai,..."). À, NL nhớ lúc trước Chị Bảo Toàn hứa sẽ sưu tầm chuyện cười đưa lên web. Bà con xa gần và NL YAMAHAVU này đang đợi đấy Chị bảo Toàn ơi! NL gượng chút hơi tàn để gào lên lần nữa đấy!)
************************************ "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"
Sửa lần cuối bởi Ngoc La vào ngày 24 Tháng 4 2008, 21:08 với 1 lần sửa trong tổng số.
|