Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 13:05
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Giới Thiệu Sách: "NHỮNG MẨU VUN-NỐI" - Phương Thảo Huyền «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 38 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang 1, 2, 3, 4  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 5643 | Trả lời: 37)
Tiêu đề bài viết: Giới Thiệu Sách: "NHỮNG MẨU VUN-NỐI" - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 10:33
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề


Hình ảnh

Vài nét về tác giả: Phương Thảo Huyền

Tên thật: Đỗ Binh, sinh năm 1949 và trưởng thành tại Châu Đốc (VN).
Cựu hs Trường Nữ Tiểu Học Châu Đốc
Cựu hs Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc
Tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa tại Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn
Dạy Trường Trung Học Nguyễn Chánh Sắt Tân Châu (1972-1978)
Dạy Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc (1979-1991)
Hiện định cư tại Virginia (USA) cùng chồng và hai con.

Hình ảnh

LỜI MỞ

Là những mẩu vụn, vỡ ra từ trong mảng ký ức của tuổi thơ hồn nhiên, được nối lại. Ở đó, từng chút một, hình ảnh của ba mẹ, người thân, bạn hữu, nhập nhoà trong nỗi nhớ theo thời gian. Con đường xưa, cuộc sống cũ ẩn hiện trong tâm tư. Tất cả như giòng suối lặng lờ trôi, qua từng ngõ ngách, triền miên chảy suốt. Rồi những con chữ tuôn tràn, theo từng phím bấm, được ghi lại.

Không có tham vọng là một tác phẩm văn học trình làng. Tất cả nội dung ở đây, chỉ là kỷ niệm của thời ấu thơ, của gia đình, sống với bạn bè, vui buồn với học trò trong tháng năm còn đứng lớp. Do viết trong cảm hứng bất chợt, trong tình thân gần gũi, những tâm tình rất thật, nên bài viết ngắn, ngắn như những ý nghĩ vừa tìm đến và ở lại.

Hoàn cảnh, ý định in ấn cũng khá hy hữu. Sau cơn bệnh nặng, được tương trợ bằng tình thương, lo lắng, hỏi thăm từ bạn bè, học trò thân thiết... mới thấy được ý nghĩa, giá trị cuộc sống để gìn giữ. Tôi không có gì gởi đến bạn, nên gom góp chút chữ nghĩa. Cùng lúc được các anh chị, bạn bè, học trò cũ, kêu gọi việc in sách, nhất là cô bạn thân đã tìm dùm lại các bài viết cũ. Ngoài ra, việc thực hiện được người chị bạn mới quen, tận tình lo toan giúp đở. Trước những chân tình trên, xin được tri ân tất cả.

Tôi dùng bút hiệu Phương Thảo Huyền, ở thời còn đi học, tập tành viết lách mộng mơ, nối dài kỷ niệm xưa và gởi qua Những Mẫu Vụn- Nối, để được gần với bạn, với gia đình, với học trò nhỏ (nay không còn trẻ nữa) như một gìn giữ gần gũi sau nầy.

Virginia tháng 10 năm 2020

Phương Thảo Huyền.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NƠI NĂM THÁNG BẮT ĐẦU - Phuơng Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 10:35
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
NƠI NĂM THÁNG BẮT ĐẦU

Chiếc xe đổ bến trên đường Nguyễn Tri Phương,người chủ chỉ đường sang trường học, bằng cách băng qua chiếc cầu Lê Tân. Chúng tôi đứng trước cổng trường vào giờ ra chơi. Từng cánh áo dài trắng của nữ sinh, xen kẻ một ít quần xanh của nam sinh, tiếng nói cười, tiếng chọc phá vang lên từng chập, những hoa nắng trên tàng cây cao giữa sân trường, rơi trên vai áo tạo cho tôi một cảm giác ngây ngây. Ngôi trường thật nên thơ, tôi thấy thật gần gũi. Nhưng, không phải ngôi trường tôi muốn tìm. Chúng tôi lại lên đường.

Trên con đường Nguyễn Công Nhàn, chúng tôi từng bước sánh vai.
- Em có sợ không? Tiếng Duy thì thầm.
- Sợ chứ. Em sợ không biết nói gì trước mặt ông Hiệu Trưởng. Em sợ cả những đôi mắt... Anh nhìn kìa.
- Họ nhìn vì mình đẹp đôi đó. Duy chọc tôi.

Tà áo dài màu nghệ bay bay, với suối tóc dài tung rối, lại thêm cặp kính mát trên gương mặt trắng mịn, làm tôi trông là lạ. Cái giõ vuông đan mây trên tay, càng làm vóc dáng tôi vốn cao cao, trở thành đối tượng của những đôi mắt chung quanh. Người dân địa phương, nhanh chóng khám phá “người lạ” đang đi vào đời sống yên tỉnh, của thị trấn vùng biên giới mình. Từ lúc xuống xe, đi bên Duy để tìm trường, tôi đã phải chạm trán với biết bao cái nhìn, vừa ngưỡng mộ, vừa ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên vì vào thời điểm nầy, cái thời điểm nồng nặc mùi thuốc pháo ở vùng sát cận biên giới nầy, lại có được một cặp tình nhân đang dung dăng dung dẻ. Cô nàng ăn mặc thật thời trang, cùng màu trắng tinh khôi của áo Duy, hoà quyện trong buổi chiều vàng, tạo nên nét chấm phá cho bức tranh an bình, trong thời kỳ nóng bỏng của năm 1972.
Đó cũng là tại Ba tôi. Ông thấy Sự Vụ Lệnh của Bộ Giáo Dục gởi đến đã lâu, nên khi tình hình chiến sự hơi lắng dịu, là hối thúc tôi đi nhận nhiệm sở. Thêm vào đó, Duy lại về phép, nghỉ dưỡng thương nhẹ sau một trận đánh.

- Em không muốn đi. Thứ nhất là thời gian khá lâu, chắc họ đã trả sự vụ lệnh về Bộ rồi. Thứ hai, em chưa biết nơi đó thế nào và chẳng ai quen cả. Em sợ.

- Anh biết, nhưng ý Ba muốn vậy. Sẳn anh rảnh đưa em đi. Mà chắc gì còn chỗ trống cho em...

Thế là, sau gần một tiếng đồng hồ vừa run vì chiếc đò nhỏ, vừa khó chịu bởi sự dằn sóc của chiếc xe kéo thùng. Tôi đã đến Tân Châu.

Chúng tôi đi qua chiếc cầu sắt tại chợ, gần đó là Bưu Điện, có tiệm vịt quay nổi tiếng gần bên. Băng qua con đường, vào lối nhỏ hai bên là nhà, để vào sân banh. Cuối sân banh, tôi thấy ngôi trường nhỏ nằm thật khiêm nhường, bên phải có ngôi nhà thờ Tin Lành, bên trái là trường Tiểu Học. Chúng tôi theo lối sân banh, để vào cổng sau của Trường Trung Học Nguyễn Chánh Sắt. Ngôi trường của tôi đó.

- Cô thật may mắn. Lẽ ra tôi gởi sự vụ lệnh trả về Bộ, sau một tháng không có người đến, nhưng chẳng biết sao, tôi vẫn còn giữ lại đây(?)

Hiệu Trưởng, người đàn ông không cao lắm, nét mặt cương nghị, vừa cười vừa nói với tôi và hỏi bao giờ bắt đầu. Lúng túng, tôi ngước mắt hỏi ý kiến Duy.

- Thôi thì đầu tuần tới vậy, để thu xếp việc ăn ở trước. Duy trả lời.

Má tôi, người má lúc nào cũng lo cho chúng tôi đủ mọi thứ, nhất là tôi. Má bảo tôi quá khờ (dù tôi vừa lập gia đình) không ra đời được đâu, hoạ chăng là chỉ đi dạy học. Cho nên, dù có tờ giới thiệu của chú hàng xóm gởi cho người quen, để tôi có được chỗ trọ tốt ở Tân Châu, Má cũng muốn tự đưa tôi đi cho yên tâm. May mà có Má, bởi khi đến tìm, không gặp ông chủ ấy, cô em gái không dám quyết định. Và hai mẹ con tôi ra về trong tâm trạng chán nản.

Tôi cắm cúi đi trên đường về bến xe. Má nhìn quanh các cửa tiệm, như linh cảm tìm được một nơi thật tốt để gởi đứa con yêu. Và Má đã làm được, Má kéo tôi vào một cửa tiệm. Nhìn khuôn mặt vui mừng và đầy cảm động của Má, tôi thấy nao nao, sao tôi làm phiền Má nhiều đến thế!! Tôi chào ông bà chủ tiệm, mà tôi phải gọi là Ông Chú và Bà Thiếm, các Cô, Chú trong nhà cũng rất vui. Họ nhìn tôi một cách trìu mến và ân cần bảo tôi cứ đến ở, khi sang đây dạy. Tôi lúng túng, tôi cảm động trước tình người, không nói được gì, ngoài hai tiếng cám ơn lí nhí trong miệng.

Khi về, tôi hỏi Má sao biết bà con mà vào tìm. Má cười và giải thích. Thì ra, trên bảng hiệu cửa tiệm, có ghi chữ Tàu, một tộc chi mà người cùng họ, ai cũng đều biết (nếu không có Má, thì làm gì tôi biết được) Và Má đã gởi gắm tôi cho người họ hàng mình.

Vậy là tôi đã có nơi chốn để tạm yên khi đi dạy. Ngày đầu tiên đến với gia đình Ông Chú, tôi đã hoà đồng với cái không khí bán buôn đông người. Tôi không xa lạ với tính ít nói, nhưng thương con cháu của Ông, tính vui vẻ mến khách của Bà. Chú Ba và Chú Năm lo tiệm sửa xe và bán phụ tùng.Thiếm Ba có con nhỏ, lo việc bếp núc. Cô Tư và Cô Sáu có quán cháo khuya ở chợ rất ngon. Cô Út thì đang đi học...Cả gia đình cho tôi cảm giác thật ấm cúng ở nơi đất khách quê người. Tôi thật sự không ngờ có những tấm lòng tốt đến thế, chỉ một câu nói nhìn họ hàng, là đã trao ngay tấm lòng, không cần so đo, kiểm chứng. Không phải chỉ có một người, mà cả một gia đình...

Bây giờ, Ông Bà đều mất, các Cô Chú đã lập gia đình cả rồi, các em chắc cũng lớn và thành tài. Một chút lòng thành, kính quý, và biết ơn, xin được gởi đến cả gia đình.

Tân Châu ngày nay đã đổi thay, con kinh cũ không còn, cây cầu sắt mất tăm. Nhưng tâm tình nầy còn mãi.

Phuơng Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MỘT MÌNH, BUỒN LẮM AI ƠI! - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 11:49
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
MỘT MÌNH, BUỒN LẮM AI ƠI!

Tôi giật mình, tai nghe tiếng động khắp nơi trong phòng, nhưng đôi mắt không sao mở nổi, nhọc nhằn cố nhướng để nhìn xem mình đang ở đâu, và việc gì đang xảy ra. Vô ích thôi, tôi lại chìm vào cơn mê.

Đôi mắt như hờn dổi, như xót xa, nhìn vào mà lòng tê tái. Tôi nhắm mắt lại, tựa vào thành ghế, bên tai vẫn nghe tiếng con gái đùa:”ba làm như chuyện tình của mấy mươi năm trước vậy”. Chiếc xe lao bánh ra đường, bỏ lại hình ảnh anh hụt hẩng đứng trước hiên nhà.

Tôi lại tỉnh giấc, lần nầy mở mắt ra, đã thấy cô y tá thật xinh đứng cạnh giường, cô giới thiệu tên mình là Kimberly, y tá trực đêm nay ở khu hồi sức nầy và chúc tôi khoẻ. Tôi cám ơn cô và muốn được liên lạc cùng gia đình.

Chuông reo, nhưng không người bắt máy, lòng chút không vui vì cứ ngở anh phải chờ lắm cú phôn nầy. Gọi sang con gái, bảo mẹ tỉnh rồi nhưng chưa khoẻ lắm, con nhắn dùm ba sáng mai mẹ gọi về. Chưa kịp cất máy, anh đã gọi vào, giọng nói hối hả, chờ em suốt buổi, vừa đi tắm thì em lại gọi...Đầu em nặng, miệng em khô, em chỉ muốn nhắm mắt ngủ thôi - Vậy em ngủ đi, ảnh hưởng của thuốc mê còn đó.

Một giấc ngủ dài không mộng mị.

Tôi vươn vai thoải mái, quên mất cảm giác hơi đau nơi bụng và giây chuyền nước biển trên tay... Sức khoẻ tôi phục hồi nhanh chóng, tôi đi bộ từng vòng, dọc khu hồi sức, để ruột sớm hồi phục sau cơn phẩu thuật. Khu hồi sức ở tận lầu 12, các căn phòng xếp theo hình vuông, ở giữa là phòng trực của y bác sĩ, nên phòng nào cũng được chiếu cố tận tình và kịp thời. Một không khí ấm cúng, an ủi người bệnh từ đó.

Buổi chiều, sau giờ khám bệnh, tôi được chuyển ra phòng bệnh thường vì sức khoẻ khá hơn. Cái cảm giác lẻ loi, buồn bả của ngày xưa lại đến. Ngày ấy, khi sanh con gái đầu lòng, anh không được về vì công vụ, ba má bận việc buôn bán, nên chỉ có chị bà con nuôi bệnh, đến tối là chị phải về nhà. Cái đáng nói là con gái ban ngày ngủ suốt, vừa đúng đêm tối tràn về là hai mắt mở sáng ra. Nhà thương tư dạo ấy ít người đến sanh, nên trống vắng đến rợn người. Lần đầu tiên làm Mẹ, làm người lớn, nhìn đôi mắt mở to, ngây thơ trong vắt của con, như dò hỏi, như mong chờ...Thú thật lòng tôi rối bời, sợ bóng đêm, sợ đủ thứ, muốn khóc mà không dám, cứ đêm đến là run rồi...Vậy mà cuối cùng tôi cũng ôm con trên mình, hai mẹ con cùng ngủ. Ôi, đôi mắt con tôi, như ánh sao sáng trong đêm tối, ngọt ngào yêu thương, an ủi và thêm sức mạnh cho người làm Mẹ.

Thời Covid 19 làm khuynh đảo thế giới. Cuối 2019, khởi đầu tại Vũ Hán (TQ) đến đầu năm 2020 qua Châu Âu, sang Châu Á, Châu Mỹ, làm thiệt hại biết bao sinh mạng con người...Mọi sinh hoạt đều dừng lại, cuộc chiến với bệnh tật mở ra, không cân sức và đơn độc. Không thuốc trị, không thuốc chủng, vướng là phải luỵ thôi. Ra vào bệnh viện, chỉ một mình thôi.

Ừ, một mình thôi. Chúng tôi, thông thường đi đâu cũng có nhau ( kể từ khi sang Mỹ). Vậy mà, khi tôi đi bệnh viện phẩu thuật ruột, anh ấy không được đi vì lý do lớn tuổi, kháng thể yếu, sợ nhiểm dịch bệnh. Con gái cũng không được vào, chỉ đưa đến bệnh viện thôi. Đôi mắt con gái nhìn Mẹ, lo lắng, xót xa. Đôi mắt anh nhìn tôi, buồn bả, thờ thẩn.

Tôi một mình đi, anh nhìn theo.
Tôi một mình về, anh ngồi trên xe đợi.
Cuối cùng mình vẫn có nhau.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CÔ TIỂU THƯ QUẬN SÁU - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 14:12
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
CÔ TIỂU THƯ QUẬN SÁU

Không biết sao khi nghĩ về Má, thì hình ảnh người con gái có mái tóc “ bum bê”, khuôn mặt thật sáng, trắng mịn, với đôi mắt long lanh, trong bộ đồng phục của cô học sinh trường Tàu, lại hiện ra. Đó là tấm ảnh Má ngày xưa ở nhà ngoại mà tôi tình cờ nhìn thấy, Má ngồi trên chiếc xe kéo, ngây thơ đến trường mỗi ngày. Nhà Ngoại tôi nằm trên bến Lê Quang Liêm, Bình Tây, ngó xuống dòng kinh, nơi mà mỗi ngày ghe tàu chở lúa gạo từ các tỉnh miền Tây đậu lại, và dĩ nhiên là Ngoại buôn bán lúa gạo lúc bấy giờ, và đó cũng là định mệnh của Má sau này.

Má tôi, người con gái lớn của Ngoại, đứa con gái mà Ông cưng nhất nhà, tuổi đời chưa đến hai mươi đã bỏ cuộc vui để đi lấy chồng, sau câu quyết định của Ông. Bà tôi phản đối, các cậu, dì và cả Má tôi ngẩn ngơ. Bởi người đàn ông đó chỉ là một trong số những khách hàng rộn rịp tới lui ở dưới nhà, nơi mà Má và các dì không được tới xem. Bởi người đàn ông đó, lớn hơn Má tôi đến mười một tuổi. Bởi người đàn ông đó (quan trọng nhất mà Bà tôi phản đối) là người góa vợ và có tới bốn người con nhỏ. Chắc hẳn Má tôi buồn lắm, vì làm con gái mới lớn, chưa kịp vui với bạn bè, chưa kịp vẽ ra chân dung người tình trong mộng (?) Lại xinh tươi, học giỏi…Ông Ngoại chỉ nói một câu khi đưa ra lệnh quyết định. Đó là người ông đã chấm: Một người hiếu đễ với cha mẹ, uy tín trong thương trường, chân thành với bạn, bao dung với người làm, là đủ làm rể quí của ông, ngoài ra không kể.

Vậy là Má tôi chia tay với tất cả mình có: tuổi trẻ, mộng mơ và đàn em nhỏ… để về làm vợ người ta ở tận một vùng xa xôi gần biên giới Campuchia. Không biết ngày đám cưới Má có khóc không? Chắc phải có, những giọt nước mắt lo âu của người con gái chưa biết gì về người chồng tương lai, giọt nước mắt sợ sệt, luyến tiếc từ một nơi thành thị đủ đầy về nơi xa hun hút. Và Má có cười tươi không? Khi thấy đoàn ghe kết hoa rước dâu thật tưng bừng. Lúc đến nhà, Má có sợ không? Khi mọi người tìm tới để coi cô dâu Sài Gòn như thế nào. Cuối cùng là Má thế nào nhỉ? Khi Má gặp Bà Nội và bốn người anh chị khác mẹ của con. Đúng, người cưới Má là Ba của tôi.

Suốt thời gian làm vợ, làm dâu, làm mẹ kế, chắc phải khó khăn và đau buồn lắm. Bởi Ba là người lấy sự nghiệp làm đầu. Bởi Bà Nội rất yêu thương các cháu còn thơ dại mà mất mẹ sớm. Bởi Anh Chị được cưng chiều hết mực. Chắc cũng có lúc Má lấy nước mắt làm bạn qua đêm. Chắc cũng vì sợ Ngoại buồn nên đôi khi Má phải im lặng. Con thật sự không hiểu được những nỗi niềm này. Bởi vì đến thời con, tuy Ba còn chút “ phong kiến” nhưng Má thật sự dân chủ ở mọi phương diện. Con chỉ thấy ở Má một sự hoàn chỉnh của người đàn bà Châu Á. Má lo cho chồng, cho con, cả cháu và người xung quanh nữa. Mỗi lần hè, Má đều dẫn tụi con về Ngoại, và mỗi khi Má có mặt là nhà Ngoại vui hẳn lên, các cậu, dì đều về nhà. Đủ cả trò vui, đủ cả thức ăn uống, Má lo toan tất cả, không lời phàn nàn, con cháu đều bu bên Má. Trên căn lầu nhìn xuống con kinh tàu hũ, dưới nhà không còn rộn rịp như ngày xưa, nhưng bên trên chan chứa ân tình của cô tiểu thư ngày ấy.

Má thường hay nói với con. Làm người phải có một nghề trong tay để không phụ thuộc vào chồng, phải cố gắng học để đi làm việc, vợ chồng phải có ngày cuối tuần để ở bên nhau, chứ bán buôn tiền thì có, nhưng đâu có thì giờ cho nhau, còn gì là hạnh phúc nữa. Không ngờ những điều ấy con đều có và đã giúp con nhiều ở sau này. Cám ơn Má của con. Má không học chữ Việt, chỉ nghe chúng con đọc bài thôi , vậy mà Má đã đọc được báo, Má xem cả những chuyện kiếm hiệp của Kim Dung và say mê theo dõi từng ngày, Má viết cả toa kê hàng cho Ba. Má của con thật thông minh. Má cũng có nói, duyên ai nấy gặp, Má không ép, nhưng các con phải chịu trách nhiệm ở sự lựa chọn của mình. Và Ba đã nhường Má trong các cuộc hôn nhân của tụi con.

Khi đứa thứ hai của con ra đời, Má bảo không thể chăm sóc cho cháu được (nhưng vẫn giữ khi con nhờ) lúc đó con hơi buồn, bây giờ thì đã hiểu (sức người đã kém đi, dù tuổi đời chưa bằng Má lúc đó) Con xin lỗi Má. Má đã lo cho gia đình con quá nhiều. Từ việc thăm nuôi chồng con, cho đến việc mang cơm hay món ngon vào nhà cho ba chồng con, khi con bận dạy ở xa. Cả việc chăm sóc con gái con. Nói sao hết những gì Má đã làm…

Con không biết ngày ấy giữa Ba Má có tình yêu hay không? Nhưng từ khi con biết đến giờ thì Ba Má con rất là hạnh phúc. Ba không làm một điều gì để Má có thể trách được, và ngược lại Má cũng rất lo cho Ba. Má Ba lúc nào cũng có nhau. Má còn nhớ không ở ngày Ba mất, Ba đã nói gì với Má. Má kể con nghe là: Tao đã ngủ một giấc, nghe ba mày nói là bà đừng buồn nha, tôi đã không cho bà được gì hết. Tao tưởng ổng mớ nên bảo thôi ngủ đi ông, mai hãy nói, nào dè, ổng nói lần chót với tao. Sáng dậy là ổng đã mất.

Sau đó, Má cũng ít nói luôn. Má sống với câu nói cuối cùng của Ba thêm mười một năm nữa. Ba Má cùng mất ở tuổi chín mươi. Ba Má đã gặp nhau ở một nơi nào đó, có hoa thơm cỏ đẹp, có không khí trong lành, Ba trong bộ đồ lớn màu trắng, Má trong chiếc áo đầm, tay trong tay như ngày đám cưới. Và Má nói với Ba rằng: Ông yên tâm, ông đã cho tôi rất nhiều rồi, tôi rất vui vì đã làm vợ ông.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: BÓNG MÁT ĐỜI TÔI - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 14:15
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
BÓNG MÁT ĐỜI TÔI

Không biết từ bao giờ tôi nhận ra tình thương Ba dành cho tôi? Ở một lần về, sau mấy năm định cư xứ người, cái đêm hôm tôi đang soạn đồ đạc cho chuyến trở về Mỹ, tôi nghe tiếng động dưới bếp, nhìn lên đồng hồ đã thấy hai giờ sáng, ai làm gì vào giờ nầy? Tôi chạy xuống lầu xem sao.Ba đứng đó, bên cạnh bếp lò nghi ngút khói:
-Ba đang làm gì vậy?
-Ba nấu cháo cho con ăn, trước khi lên xe đi Sài Gòn.

Nỗi nghẹn ngào dâng lên, nước mắt lưng tròng, nói không ra tiếng. Ba tôi đó, người Ba mà Má tôi thường bảo là chỉ đứng bên ngoài phòng sanh, hỏi trai hay gái, nếu trai thì bước vào, còn gái thì quay về (ở mỗi bận Má đi sanh).

Nhưng hình như không phải lần đó. Mà là ở buổi chia tay năm nào khi gia đình chúng tôi lên đường theo diện HO. Mấy lần hai cháu năn nỉ ông bà ngoại đưa ra Sài Gòn để kéo dài thêm thời gian gần nhau, nhưng Ba Má nhất định không, bảo là trong người không khoẻ, mẹ con tôi chỉ biết rưng rưng. Hôm sau, khi sắp ra phi trường, thì Ba xuất hiện, Ba bảo: “ Thấy tụi con bỏ quên mấy bức tranh, nên Ba bao xe đem lên cho”. Người cha già tám mươi hai tuổi, lặn lội qua hai chiếc phà, vượt hai trăm bốn mươi lăm cây số đường dài, chỉ để đưa con cháu mình mấy bức tranh!!! Ba ơi, con thật sự không hình dung được Ba đã thương con đến thế, con muốn ôm Ba thật chặt, muốn nói là con rất thương Ba, nhưng con bất động, con không dám, dù lòng con rất muốn. Bởi vì trong con, Ba rất tôn quí, con vừa kính nể Ba, vừa thương yêu Ba.

Ba tôi. Người mà Má tôi hay kể cho chị em tôi nghe và luôn bắt đầu là: Có ai mà mới mười mấy tuổi đầu đã được giao chìa khóa cửa tiệm ? Thật đó, dù có hai người anh trai , nhưng khi Nội mất, Ba tôi được giao tất cả sản nghiệp, luôn cả việc chăm sóc Bà Nội, cùng người cô bệnh hoạn của tôi. Việc hiếu đễ với Bà, tôi chỉ nghe nói ( bởi Bà mất khi tôi còn quá nhỏ), nhưng với người em gái bệnh hoạn, Ba đã không phụ lòng kỳ vọng của Nội, chính tôi đã chứng kiến cảnh Ba Má lo lắng cho cô như thế nào. Vào những năm bảy mươi mấy, khi bọn Khờ Me Đỏ rót xuống hàng loạt pháo vào Châu Đốc, mọi người đều di tản về Long Xuyên, tôi từ Tân Châu xin phép về thăm gia đình. Không một chiếc xe lôi nào dám chạy lên chợ ïcả (lúc đó phà Châu Giang cập bến dưới hảng nước mắm) Tôi phải năn nỉ và trả tiền thật cao, mới có một em trai chịu chở, trên đường chỉ có một chiếc xe tôi, thỉnh thoảng nghe tiếng rít của pháo ( kinh nghiệm cho biết nghe tiếng rít là đã qua) hai chị em quá sợ, may mà không có gì để tôi phải ân hận. Cuối cùng lên đến Chợ Cá, cậu nhỏ bảo thôi không chở nữa, chị cũng nên quay lại đi, không còn ai đâu, và vòng đầu xe lại, tôi chỉ kịp nhét tiền vào túi áo em, rồi chạy vào hiên phố cạnh Chùa Ông. Từng bước chậm chạp tôi theo chiều dài con phố mà về nhà, bởi tôi linh cảm có người đang chờ tôi, con đường ngày nào ngắn và đông vui, bây giờ chỉ có mình tôi và dài kinh khiếp…Tôi gõ cửa, nhìn Ba.
-Sao con về đây?
-Sao cả nhà không đi vậy Ba?
-Má con và bé Thanh đang đợi con ở LX, con mau đi, ở đây nguy hiểm lắm.
-Con muốn Ba và cô cùng đi, nếu không con cũng không đi.

Ba quay mặt đi và nói: “ Ba già rồi, vả lại…” Tôi biết vì cô tôi nên Ba không muốn đi đâu cả, sợ làm phiền người khác, dù sinh mạng mình đang bị đe dọa. Tôi không muốn Ba thấy nước mắt tôi rơi, nên chạy nhanh lên lầu. Từng mảng ánh sáng phát ra từ lỗ những viên ngói bị pháo, tạo những hình thù kỳ dị trên sàn nhà, chiếc tủ áo dài bị ran mặt kính dầy năm ly, gach ngói chưa kịp quét dọn , tạo nét thê lương trước cái nhìn buồn tủi của tôi. Tôi trở xuống lầu, đến bên cạnh cô mình đang ngủ, cô nắm tay tôi, không líu lo như ngày nào, ánh mắt cô đầy vẻ sợ sệt, tôi không dám nhìn cô, vội đưa cô ổ bánh mì thịt, cô vui mừng và quên đi tất cả. Và Ba đã ở bên cô, nuôi cô cho đến ngày cô tôi mất (1982)

Trước mắt Má, Ba là người rất có uy tín trong thương trường. Lúc còn mua bán lúa gạo, dù tình thế ra sao, khi đã thoả thuận giá xong là Ba không thay đổi. Lúc đổi sang bán rượu, nước ngọt, Ba không cho người làm chọn riêng những chai la ve trái khóm để làm giá, hay lên giá hàng khi vào dịp Tết. Vì vậy mọi việc làm ăn đều tốt, mọi người đều hảo cảm với Ba. Và nước suối Vĩnh Hảo đã chọn Ba làm đại lý cho họ. Tôi còn nhớ những ngọn đèn xanh đỏ quảng cáo chớp tắt liên hồi, gắn bên hông nhà. Ba là niềm hãnh diện của chúng tôi.

Khi rời quê lên tỉnh để lập nghiệp. Người bạn cũng là người bà con xa rủ Ba hùn hạp, sau đó tìm cách qua mặt Ba. Ba biết nhưng không nói gì, đến khi chia lời, Ba đã đưa thêm phần tiền để ông nuôi con, ông ấy chắc hối hận nên xin rút lui. Ba sử việc thật tế nhị. Những điều Má nói, cùng những việc Ba làm, lúc nào cũng muốn viên tròn cho người ta. Ngày Má về làm vợ Ba, Ngoại có gởi theo một cô gái nhỏ để giúp việc nhà, sau đó lớn lên, Ba Má đem gả cho người làm trong nhà, cả gia đình họ đều ở với chúng tôi đến ngày anh ấy mất (1974). Một anh người làm khác, rất được Ba Má và chúng tôi thương mến, cũng chính tay Ba Má đứng ra cưới vợ cho anh và giúp anh ra làm ăn ( những ngày cuối đời của Ba Má, đều có anh hiện diện, và bây giờ mỗi lần tôi về, anh đều đến thăm) Tôi đã đổ rất nhiều nước mắt cho những chân tình trên và mong mọi sự an lành đến với anh.

Ba tôi,với dáng người cao to, gương mặt nghiêm nghị, ít nói đùa, khiến người đối diện e dè. Ngày còn bé tôi không dám lại gần Ba, chỉ quanh quẩn bên Má hay chị vú. Mỗi lần nghe tiếng tằng hắng của Ba từ xa, là tôi nín lặng, tay chân dư thừa. Tôi nghĩ Ba không thích con gái thì làm gì thương được tôi. Và tình thương tôi dành cho Ba, mãi đến một đêm (có lẽ năm lớp Nhất) tôi đói bụng, xuống bếp định tìm gì để ăn, chợt thấy đèn trước nhà còn sáng, lần theo đó, tôi thấy tấm lưng Ba trong chiếc áo thun trắng đang cặm cụi ghi chép, thỉnh thoảng giơ tay đập muỗi. Tự dưng, nước mắt tôi rơi, tôi thấy thương Ba vô cùng, tôi tự hứa với mình sau nầy lớn lên tôi sẽ cố gắng làm ra thật nhiều tiền để Ba không còn cực nữa. Và cũng từ đó tôi thấy mình hơi gần với Ba.

Thanh Thanh, đứa con gái bé bỏng, mới mười tháng tuổi đã xa cha. Bé là cầu nối, là điểm phát hiện bóng mát đời tôi. Má nói hoài: “Tao chưa thấy ba mầy lo cho đứa con nào như đứa cháu nầy”. Bé được Ba cho ngủ chung, Ba thay tả cho bé, Ba dỗ bé ngủ, Ba cười tươi khi nghe bé nói chuyện ngô nghê. Ba cho tiền để mẹ con tôi đi thăm nuôi cha nó và ân cần han hỏi đủ điều. Ba làm tôi muốn khóc. Ba đâu khô khan như tôi tưởng. Ba thương mẹ con tôi lắm mà!

Lần về thăm nhà trước khi Ba mất, tôi đớn đau khi nhìn thấy Ba chỉ còn là bộ xương khô, thịt da của Ba ngày xưa đâu cả, ở tuổi 90, tay chân Ba đã cứng,không đi đứng được, trong đôi mắt Ba có nước mắt long lanh (lần đầu tiên tôi thấy Ba rơi lệ) nhưng sao tôi không biết lau nước mắt và ôm chầm lấy Ba, mà chỉ lẳng lặng ngồi bên bóp đôi chân Ba và không nói được gì. Để rồi từ đó tôi không còn trông thấy Ba nữa.

Nếu có ai hỏi. Tôi thương ai nhất trên cõi đời nầy. Tôi sẽ bảo là Ba Má, đáp không cần suy nghĩ, không cần hậu quả. Bởi vì ai cũng có thể làm mình đau lòng, nhưng Ba Má mình thì chỉ biết cho ra và ủ ấm những đứa con yêu. Làm tất cả những gì họ có thể làm.

Nếu tình Mẹ bao la như những dòng nước biển, trôi đi khắp mọi nơi. Thì công Cha như ngọn núi cao vời vợi, nhìn thấy ngoài tầm tay với, ngỡ rất xa, nhưng thật gần, thật thắm thiết.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CÁI NẮM TAY - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 17:06
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
CÁI NẮM TAY

Đối với tuổi trẻ bây giờ, cái nắm tay có gì lạ, nếu không nói là quê mùa nữa. Nhưng với chúng tôi, cái thế hệ của thế kỷ 20, thì thật tuyệt vời.

Cái nắm tay, tự nó đã có ý nghĩa, ngoài việc tiếp xúc với tha nhân, còn là sự gởi trao, là mong ước một tương lai tốt đẹp ... Hãy nhìn đứa bé nằm trong lòng Mẹ, môi cười mắt sáng, tự tại với bàn tay Mẹ nắm. Đứa nhỏ khác đang tập đi, những bước chân xiêu vẹo, cùng ánh mắt âu lo, nhưng đôi tay vẫn nắm tay Ba, để được đến nơi như mong ước...

Cô bé mới vừa lớn, đang ngập ngừng khi thuyền cập bến, một bàn tay mạnh mẽ vươn ra, nắm hay bỏ một bàn tay tốt bụng kia (?) Chỉ phút giây lựa chọn cho sự mắc cở cố hủ, đã làm lạnh một bàn tay.

Và khi tình yêu lên ngôi, chỉ cần tay trong tay, đủ thấy hạnh phúc giăng đầy. Tay em, anh nắm qua đường phố đông...Và cũng tay anh mang nhẫn cưới vào tay em.
Cái nắm tay làm nên lịch sử ân tình.

Và bây giờ..

"...Có khi là màu đen, tối hù trước mắt.

Có khi là một khoảng không hun hút cuốn lấy người anh. Anh không biết phương hướng. Anh không biết mình đang ở đâu....?" Lời anh yếu ớt trong đêm. Cứ đến giờ lên giường là anh lo lắng, nằm xuống là choáng, là run ( bởi trước đó, cơn choáng đã làm gảy mấy xương sườn anh)

-Anh yên tâm, em luôn bên cạnh. Tay em luôn nắm tay anh. Miệng em luôn gọi tên anh. Và chuẩn bị tư thế tốt nhất để anh không hốt hoảng.

...Anh đã ngủ ngon, tay anh vẫn còn nắm rất chặt một bàn tay.

Cái nắm tay có đúng là tuyệt vời không nhỉ?!

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: THÁNG BA, MÙA SINH NHẬT - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 17:08
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
THÁNG BA, MÙA SINH NHẬT

Con số 3 với hai vòng cong, không hoàn chỉnh, như đang chờ đợi, như đang thiêu thiếu một thứ gì...trông thật dễ thương đến tội nghiệp.

Tôi thương con số 3 từ lâu lắm rồi, thương mà chẳng biết vì cớ nào. Chỉ biết, cái vòng khép kín của con số 0, cũng như cái hoàn hão của số 8, không làm tôi chú ý. Hay như, cầu kỳ của số 2, số 4, số 5. Hoặc đơn giản như số 1, số 6, số 7, số 9, tôi cũng chẳng lưu tâm.

Tôi chỉ thích con số mà tôi thích.

... Cầu chúc mọi người sinh vào Tháng Ba, mọi sự an lành và như ý.

Mẹ dạo chơi ở buổi chiều mùa Hạ, vườn hoa muôn sắc khoe nhau trước gió, thoang thoảng đâu đây mùi hương lạ, quyến rủ đôi chân mẹ kiếm tìm...Không là mùi thơm nồng nàn của hoa hồng, cũng chẳng ngọt ngào của hoa cúc, hoa lan...Đây rồi, trên cành cây đang đu đưa hai quả chín, toả mùi hương nghe nức lòng mẹ. Chẳng chần chừ, mẹ hái trái, hé miệng thưởng thức ngay. Ôi chao! Một cảm giác lâng lâng khi trái chín va vào miệng, nuốt vội vàng nghe khúc ruột hoan nghênh. Thơm quá! Ngon quá!! Mẹ định hái trái nữa, nhưng... mẹ chỉ nằm mơ thôi.

Trái chín thơm ngon vào lòng mẹ. Mẹ chắt chiu nuôi dưỡng, qua mùa Thu với lá vàng gió nhẹ, sang mùa Đông lạnh giá, con hình thành ấm áp trong tình thương Mẹ. Và mùa Xuân có chim hót, có hoa tươi, con hiện diện trên cõi đời nầy.

Cám ơn Mẹ, đã chịu 9 tháng cưu mang con trẻ.

Cám ơn Ba, đã vất vả nuôi con nên người.

Cám ơn Ba Mẹ, đã cho con hình hài nây, cuộc sống nầy. Con rất hạnh phúc với những gì mình đang có ( tuy không bằng nhiều người, nhưng cũng nhiều người còn khổ lắm) Con không ham những gì ngoài tầm tay, chỉ mong con cháu nên người, biết điều hay lẽ phải mà sống có tình.

Thương yêu gởi về Ba Mẹ của con.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: THƯ ĐỌC CHẬM - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 17:16
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
THƯ ĐỌC CHẬM

Con của mẹ. Đã lâu lắm rồi, mình không có dịp nói chuyện với nhau, đúng hơn là mẹ nói con nghe, hay mẹ nói với mẹ, ở những đêm buồn cô độc. Tháng ngày xa xưa, với đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con mới chào đời, trong một bối cảnh ngả nghiêng của đất nước. Con được hưởng gì, với mười tháng tuổi đã xa cha, xa mẹ. Với tuổi lên hai, tô những vòng tròn bảo gởi hột vịt cho ba. Với tuổi lên năm, lúp xúp theo chân mẹ, lội bộ vào rừng thăm cha, ngây thơ giận dỗi hỏi sao ba không về. Tuổi thơ con đó.

Con còn nhớ không? Những câu mẹ ru con ngủ. Không là những câu ca dao, tục ngữ. Mẹ ru con bằng bản cửu chương, từ bài hai đến bài chín. Con xoay người, từ lúc mới thôi nôi đến khi bập bẹ biết nói, tai con vẫn hoài nghe âm vang toán học. Mẹ đâu mộng ước mai sau con trở thành thiên tài. Mẹ chỉ muốn, đầu óc con sáng suốt, thực tế, không đau buồn, lãng mạn như mẹ như ba. Mẹ còn nhớ, chưa đi học, con đã giỏi cửu chương, mọi người trong xóm đến thử con và thích thú. Ánh mắt của đứa bé khi bị cha nó đánh (vì con trả lời trôi chảy mọi đáp số bất chợt của ông) đã làm mẹ và con khiếp sợ. Con sợ mất người bạn lớn tuổi. Mẹ sợ mình đã sai đường...Và sau đó, mẹ lại ru con, dù con không cần mẹ ru nữa. Mẹ ru con bằng những bài thơ mới nhất, mà mỗi lần vào thăm nuôi, ba lén trao ra cho mẹ. Mẹ nắn nót từng dòng chữ vào tập thơ, và rót vào hồn con những tâm huyết ấy. Phần con, con đã làm mọi người rơi nước mắt, khi con “trình diễn” lại. Mẹ dùng chữ trình diễn, vì thực sự con có tài ấy. Con đọc chậm,lên, xuống giọng, như những điều cha con muốn nói. Lúc đó con mới học lơp một.

Mỗi buổi sáng trên đường đi làm, mẹ luôn dõi mắt tìm một cột đèn. Một cột đèn của nhiều cột đèn trên đường phố ở Mỹ nầy, thì có gì là lạ. Một cột đèn có chậu hoa tươi làm bạn...Chuyện đứa con bị tai nạn xe chết tại đấy, và người mẹ khổ đau không ngừng đến đó với những chậu hoa ngập tràn yêu thương. Chưa bao giờ mẹ thấy có cánh hoa tàn trên cỏ. Màu đỏ, màu vàng của hoa, chen lẫn màu xanh của lá...tạo thành một bức tranh tình thương. Tình thương của Mẹ.

Con. Khi còn ở bên nhà, mẹ thật sự ấm êm trong tình thương của ông bà ngoại con. Ông bà như một cây cỗ thụ, vươn dài thân rễ, lá cành, để bảo bọc gia đình...Mẹ muốn được chia sẻ điều nầy với những ai đã mất mẹ cha, và nhắc nhở cùng những ai còn đang bên cạnh cha mẹ: Hãy trân trọng và giữ lấy. Đó phải chăng là lý do, mà mẹ đã do dự trong quyết định đi và ở. Mẹ muốn ngụp lặn trong niềm hạnh phúc vô vàn kia, để thấy mình hoài trẻ thơ. Nhưng, cuối cùng mẹ cũng phải rời xa, phải chối bỏ những gì thân thương nhất. Vì con. Vì ba con. Mẹ không muốn kiến thức con của mẹ, chỉ gói gọn trong một tỉnh lỵ bé nhỏ, hay nhiều lắm là ở một thành phố quen thuộc. Mẹ không muốn nhìn thấy ba con bàng hoàng, trong những cơn sốt của một nước. Và mẹ cũng không đủ sức, đủ tài, để đem lại cho con một tương lai như mẹ mong muốn, cho ba con tìm lại được chốn bình yên. Mẹ ra đi.

Bây giờ con đã thành tài. Ước vọng mẹ đã đạt, nhưng lòng mẹ vẫn nao nao. Kiến thức con có chuyên môn làm nền tảng, còn các khía cạnh khác, sao vẫn vụng về. Phải chăng, dưới mắt người mẹ, đứa con nào cũng mãi bé thơ. Hay tại một đất nước quá dồi dào nhân lực và vật lực, có khoa học kỹ thuật hiện đại, có những cái hay nhất, đồng thời có những cái dở nhất, đã làm cho con người có cảm giác ta đây là nhất, hoặc co đầu rút cổ tự chế lấy mình...Dù con vụng về với mẹ, hay khéo léo với người khác. Mẹ chỉ mong con, sống phải ngẩng cao đầu mà đi. Không rụt rè bước tới tương lai, cũng chẳng quay đầu với quá khứ. Hành động quang minh, không nhút nhát như tiểu thư phong kiến, chẳng phóng túng như kẻ ham vui. Đồng tiền sẽ không là trọng tâm của cuộc sống con, mẹ mong thế.

Dự định gì về tương lai hở con? Một việc làm thật an nhàn với số lương hơn hẳn ba mẹ cộng lại. Một mái ấm gia đình với người con thương, hay với hoài bảo to lớn, phục vụ đất nước quê nhà...Dù sự chọn lựa của con thế nào, mẹ cũng chẳng ngăn cấm, như ngày xưa, ông bà ngoại không phản đối, khi mẹ chọn nghề dạy học, thay vì tiếp tục gia đình theo nghề thương mãi. Vừa tốt nghiệp đại học, chưa một ngày đi làm trả hiếu, mẹ đã lập gia đình, ông bà ngoại cũng cười và chúc phúc đứa con yêu.

Và rồi, những tháng ngày phập phồng lo sợ của người vợ trẻ, có chồng là lính chiến, qua cơn sốt “Bình Long- An Lộc” những đêm thức sáng, nhìn hoả châu soi sáng cả góc trời, nghe tiếng pháo đạn như bên tai ì ầm, chưa kể cảnh mẹ từng chứng kiến, ngôi trường đang giờ học bị pháo kích. Tiếng la hét, bỏ chạy nhốn nháo của học trò, người ngất xỉu, kẻ khóc than tạo thành bức tranh bi thảm cực cùng. Mẹ tái tê trong cơn khiếp đảm của con người không còn tri giác. Con là chứng nhân của thời đại. Con ra đời, khi ba con đang ở chốn hành quân. Đêm mộng, hình ảnh thiên thần áo trắng với đôi cánh nhỏ, từ trên cao bay xuống, nằm trên cánh tay mẹ, ở chiếc giường bên cạnh cửa sổ, làm mẹ ngất ngây. Khuôn mặt con thanh thoát, trong sáng như ánh trăng đêm rằm ngày con hiện hữu. Đó cũng là ngày chào mừng Lễ Độc Lập của nước Mỹ. Cả một sự kiện tốt đẹp liên tục như thế, vẫn không làm biến chuyển được tình thế, một tình thế hoàn toàn làm thay đổi gia đình, thay đổi vận mệnh Miền Nam Việt Nam năm 1975.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai. Con đã ra trường, sau mấy năm làm bạn với sách vở nơi xứ người, con đã làm mẹ không hỗ thẹn với ông bà ngoại, với lương tâm của chính mình. Dù là gái, mẹ vẫn thấy mình có trách nhiệm với mẹ cha, không như ông bà ngoại vẫn thường khách khí cám ơn mẹ, khi nhận được tiền, và bảo rằng tiền cậu con nuôi là dĩ nhiên, còn tiền mẹ nuôi thì xót xa lắm. Nghe qua thì buồn cười, nhưng nghĩ kỹ lại thấy thấm thía câu “nam trọng nữ khinh”. Đó là quan niệm của dân mình, cho dù ông bà ngoại con rất là cấp tiến vẫn không ngoại lệ.Mẹ muốn con đả thông được tư tưởng đó. Nam hay nữ cũng là con người, cũng có bổn phận và quyền lợi như nhau.

Biển học mênh mang, biết đâu là bến bờ. Mình giỏi, còn có người giỏi hơn. Phải khách quan nhận thức sự việc cho rõ ràng, phải biết khiêm tốn nhưng không bợ đỡ, thấy cái hay của người để bắt chước, thấy cái dở của họ để không vấp phải. Trong sở làm, học hỏi ở những người giàu kinh nghiệm, chỉ dẫn những người mới hơn để trau dồi tay nghề. Tất cả bằng chân tình, không kiêu căng, không sợ sệt. Bước đầu con sẽ thấy vô cùng khó khăn, bởi lẽ thực tế đâu phải trơn tru như mộng tưởng. Con sẽ chao đảo, con sẽ thất vọng, đôi khi muốn bỏ cuộc. Nhưng con ạ, bên con còn có mẹ có ba, có cả một sức mạnh để giữ vững lấy con. Rốt cuộc con sẽ thắng. Cũng như ngày còn bé, chưa thuộc bài con ngủ không được, mẹ phải đọc cùng con, từng câu từng chữ, con lẩm nhẩm đến lúc ngủ say. Sáng dậy, con đã thuộc bài tự lúc nào. Con của mẹ đó.

Mẹ nói với con tự bấy giờ, sao chẳng thấy những gì xấu xí nơi con. Con ham ăn, thích nói, nhỏng nhẻo, lý sự, dỗi hờn và xấu nữa... Cũng như bao đứa trẻ khác, con cũng có tánh tốt và cả tánh xấu. Nhân chi sơ tánh bản thiện mà, vả lại người mẹ nào cũng nhìn thấy cái tốt của con mình nhiều hơn, thấy con mình xinh đẹp và dễ thương hơn. Mẹ cũng vậy. Và mẹ hằng cầu mong: con của mẹ khi ra đời thật lành lặn, không bệnh hoạn, không tật nguyền và thật dễ thương. Dù thật mệt nhọc, mẹ vẫn cố nhìn cho được, khuôn mặt bé thơ bụ bẩm, trắng hồng, với ngón tay cái đang cho vào miệng nút. Mẹ săm soi từng ngón chân,bàn chân, kéo thẳng hai cánh tay...Mẹ không bao giờ mơ, con mẹ đẹp như những nhan sắc được sách vở ca tụng. Mẹ chỉ muốn, con mẹ thật dễ thương và duyên dáng. Chỉ cần một khuôn mặt cân đối, cái nhìn trong sáng, cái miệng biết cười và tiếng nói dịu dàng, biết tâm ý người mà xử sự. Con phải đến với mọi người bằng sự thành tâm và thiện ý. Phong cách và cử chỉ con, để lại ấn tượng suốt đời cho họ. Duyên là ở chỗ đó vậy.

Chuyến về thăm quê hương sau ngày con tốt nghiệp. Khi trở về, mẹ thấy con trưởng thành và chín chắn hơn, ở cái nhìn cân đo giữa hai xã hội, hai phương trời. Phải chăng cuộc sống xa hoa của người thành phố, tương phản nỗi cơ cực lầm than của người dân nghèo nông thôn. Bọn nhà giàu xem tiền như rác, giao dịch nào cũng có gái đẹp hầu hạ, rượu thịt phủ phê. Trong lúc kẻ nghèo không việc làm, bán sức mình gò lưng chạy xích lô tìm từng bửa ăn, trẻ thơ vô gia cư, tranh giành nhau từng bát cơm thừa của khách...Dạo trước, con còn nhỏ, có nhìn nhưng chưa tiếp nhận được.Hay bây giờ sự việc nhiều hơn và nhất là con đã lớn lên ở đất nước nầy. Cái đất nước mà mỗi cái nhích kim đồng hồ, là giá trị của hiện kim. Người ta miệt mài làm việc và chi xài trong gói ghém. Ở đây mới thực sự là lao động, nhất là đối với những di dân chúng mình. Người có học, lao động bằng trí óc, để chi trả những ngôi nhà sang trọng, những chiếc xe đời mới và những nhu cầu khác cần thiết cho vai trò của họ trong xã hội. Người không có văn bằng, phải cố sức lao động bằng thể xác, làm việc gấp hai, để kiếm đồng lương thật khiêm nhường. Đời sống ở đây, mọi thứ đều vừa đủ trong bill chi trả. Hiếm hoi thì giờ để mẹ con gần gũi, nói nhau nghe...

Cánh thư đọc chậm. Lời tâm tình chậm có, nhưng còn hơn không. Bài tập đọc vỡ lòng, luân lý giáo khoa thư...sá gì với tiếng nhạc vần thơ. Sau những thất bại, con quay về với ai? Một mái ấm gia đình. Còn không là với mẹ. Câu ca dao ngày nào mẹ ru :

Ầu ơ...Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre lắc lẽo, gập ghình khó đi.
Khó đi, mẹ dắt con đi.
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.


Nay con đã lớn, mẹ và con cùng một trường đời, cùng hơi thở, cùng nhịp sống. Giòng sông chảy xuôi về biển, lớn dần khát vọng cho con thành người. Đừng quên kỷ niệm tuổi nhỏ. Lời nhắc tâm tình. Đừng quên quê nhà, cội nguồn. Con không thể có được, nếu không có từ chỗ bắt đầu, không thể lẩn trốn giòng máu dân tộc con đang mang, ngôn ngữ bắt nguồn từ mọi gia đình. Có thể con không đọc những dòng nầy, những dòng chữ thầm lặng, như một đời mẹ chịu đựng nuôi con.

Thư đọc chậm. Chậm hơn, không cơn gió thoảng. Lặng lẽ lúc nào, tờ giấy mỏng rớt ra. Tâm tình còn đó. Một đời mẹ với con.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CON HẺM NHỎ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 17:18
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
CON HẺM NHỎ

Khi anh chị tôi ra tỉnh để tiếp tục việc học, thì ba mua căn nhà nhỏ cho mẹ con tôi. Ngôi nhà trong chiếc hẻm, sau căn tiệm ba buôn bán, chạy dài từ tiệm uốn tóc Hong Kong đến phòng ngủ Huỳnh Hải. Bề ngang hẻm rộng đến hai chiếc xe lôi chở hàng qua lại được, lại chia nhánh sang hẻm khác nữa ( qua hẻm nhà Mai, qua hẻm nhà nội Chị Vân Khanh) Và an ninh hơn nữa là, trời sụp tối, các chủ nhà cuối hẻm khoá cửa lại...Một đời sống thật sự yên bình diễn ra trong xóm nhỏ, chúng tôi vui chơi như ngày nào ở quê nhà: chơi cò cò, nhảy dây, bắn thun...Đặc biệt, hẻm nhỏ của chúng tôi có những con mương, bình thường nước dơ từ trong các nhà đổ ra nên đen kịnh, phải dùng chổi quét đi những giấy, rác. Nhưng khi trời mưa lớn, những giọt nước trong lành từ trên cao rơi xuống, những mương nước ôi trong trẻo lạ lùng, sỏi bọt từng đợt, chúng tôi gấp những chiếc tàu giấy, gởi gấm mọi mơ ước cho giòng nước cuốn đi....

Chị em tôi lớn dần theo con hẻm nhỏ, đến khi thấy con mình đọc vanh vách hết quyển sách giáo khoa, má tôi nhờ người đưa vào trường học. Vì là người buôn bán, nên má đâu biết luật giấy tờ nhiều, nên tôi học sớm hơn tuổi đã định. Lúc đó, có mấy chị bạn anh tôi, từ trường Tàu chuyển sang học chữ Việt, như chị Dương Ngọc, chị Lâm Hung, rất thương tôi, kể cả mấy chị bạn người Việt khác. Rồi, một buổi sáng như mọi buổi sáng khác, sinh hoạt trong hẻm cũng an nhàn, cũng lặng lẻ, chúng tôi đang chơi ở sau hè, má từ bếp bước ra, mang cơm cháy mở hành cho chúng tôi, thì từ đầu hẻm Hồng Koong, hai bóng người đang vội vả đi tới.

- Mầy chỉ coi đứa nào lấy của mầy.

Tiếng người đàn bà vang dội bên tai chưa kịp dứt, bàn tay ngập ngừng của đứa con gái kế bên chỉ ngay tôi. Chuyện gì??- Một tiếng “bốp” vang lên, đứa con gái ôm mặt khóc:

- Sao má đánh tui?
- Đi về ngay.

Người đàn bà quay ra, tay kéo cô gái theo sau. Nhưng má tôi đã chặn lại và ôn tồn hỏi lý do. Thì ra, má chị Lệ, người bạn học lớn tuổi của tôi, đã phát giác chiếc vòng tay mình khổ cực sắm cho con gái cưng đã mất, và muốn gặp kẻ cắp như con gái kể. Nào dè, khi nhìn thấy tôi...bà bảo:

- Con người ta còn nhỏ hơn mầy. Cái gì người ta không có, mà phải lấy của mầy chớ.. Về rồi, mầy biết tao.

Bóng hai mẹ con chị Lệ từ từ xa. Tiếng bé Tám đuổi theo:” Nhìn mặt rồi hãy nói đi, giỏi đổ thừa bậy...”

Tôi im lặng, sợ hay buồn??

Con hẻm nhỏ vẫn vậy. Buổi sáng được mở cửa hai đầu cho mọi người lui tới, cho bọn nhỏ vui chơi. Bạn bè đâu đó được thêm vài người láng giềng nữa.

Dương Lục, cô bạn có khuôn mặt trắng, hiền lành rất dễ thương.

Trần Ngân, cô bạn lớn hơn tôi một tuổi, nhà buôn bán, nhưng Thiếm Ba dạy con rất chu đáo, nhìn hình ảnh ba mẹ con dưới bếp mà ấm lòng. Từng cọng giá, ngọn rau như được chăm chút, sợ bị giập giả. Thiếm hay bảo tôi:”Con ăn gì nhớ nói nó ăn với nha.” - Tôi hồn nhiên: Dạ, mà không biết vi sao.?

Thu Lan, cô bạn lớn hơn hai tuổi, một hình ảnh vô cùng ấn tượng trong tôi. Mẹ bệnh, đứa em trai còn nhỏ, nhà lại buôn bán, nên cô nàng tiếp ba mình rất tốt. Tính tình lại khoan dung, hiếu hạnh. Tôi thường đến đây nhiều hơn để chia sẻ cùng bạn......

Chúng tôi lớn lên từng ngày, hiểu nhau từng chút và chung nhau từng kỷ niệm. Những ngày cuối năm, rủ nhau đi chợ Tết, mua dưa hấu về ăn. Những ngày đầu năm, thì hùn tiền đi”ghê ghịch” trên những chiếc xe lôi, ngồi trên ghế nhỏ dùng hột vịt lộn, khô cá đuối trước nhà...Và, có một lần.

- Tụi mình đi Long Xuyên chơi đi.
- Sáng đi, chiều về, chắc không sao đâu.

Thế là cả bọn cùng hùn nhau tiền ở một sáng Mùng Một năm nào ấy. Và đi Long Xuyên ( có thêm Huỳnh Mỹ nữa)

Chúng tôi đi dạo trên phố LX một chút thì gặp người quen của Lục. Chị Hai rất dịu dàng, rủ chúng tôi về nhà nghỉ ngơi. Ở đây, chúng tôi đã vào mê hồn trận. Cả một tủ sách văn chương trong phòng, làm chúng tôi ngẩn ngơ.Tự Lực Văn Đoàn, sách Thiếu Nhi...từng thư mục liệt kê trên giấy, làm háo hức bao con tim tuổi trẻ. Nằm đọc, ngồi đọc, cong lưng, bẻ gối, đủ tư thế để nhốt từng con chữ, từng nghĩa chuyện vào trong...Không còn nhìn đồng hồ, không còn sờ bụng, không còn lo má đợi, ba trông...Đến khi, chị Hai hắng giọng. Nhìn ra bên ngoài, trời sụp tối, hối hả chia tay, thì đã muộn rồi.

Không còn xe về.Chị Hai phải tìm cách đưa thư tay về cho mọi người yên tâm. Một đêm chờ sáng. Cả bọn đều rung.

Và hình ảnh người chị gái thật đáng nhớ: Cả đoàn người bước vào tiệm Vạn Hoà Nguyên, tiệm Quảng Phong, tiệm Chánh Dân, tiệm Hoa Thành và sau cùng là tiệm Huỳnh Hải...chỉ để làm một công việc duy nhất là đưa em gái nhỏ ham đọc sách, đến với gia đình một cách an toàn và yêu thương ( em không bao giờ quên chị Hai ơi)

Bây giờ đây, sắp Tết đến rồi, nhìn bức ảnh hai chị em của ngày xưa ấy, khuôn mặt thật dễ thương, làm gợi nhớ chuyện con hẻm nhỏ, nơi đã hình thành biết bao là kỷ niệm. Của tuổi nhỏ không biết gì, của tuổi mới lớn luôn vô tư, và của tuổi biết yêu, tiếng lịch kịch khoá xe sau hè...

Bây giờ chỉ còn lại mình tôi.!!

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NHỚ XUÂN NÀO... - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2021, 17:20
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
NHỚ XUÂN NÀO...

Tiếng của Chảy " tới rồi, tới rồi" làm bao cặp mắt trong nhà đổ dồn ra đường. Trên chiếc xe lôi, cô gái với chiếc bím dài, mắt kính nâu, đang bận bịu cùng đống túi xách, tìm cách xuống xe.

Chúng tôi chạy ra mừng. Năm nào cũng vậy, khoảng sau ngày đưa ông Táo, là cả nhà tôi đều cùng tâm trạng đón chị về. Chị làm cho công ty du lịch nước ngoài ở Sài Gòn, nên mỗi năm chỉ về thăm nhà vào dịp Tết. Đó là lúc má vui nhất, cả ba và tôi cùng em gái nữa.

Cái không khí trầm buồn của miền tỉnh lẻ, được chị chan hoà thêm sự vui nhộn của thành phố. Chị kể chuyện đủ mọi vấn đề, từ hảng xưởng đến khu vui chơi, từ thầy cô đến bè bạn mới ( chị học trong TTVH Pháp) Nhưng, chúng tôi thích nhất là những món quà chị mua từ các nước ngoài về. Và năm ấy, tôi có chiếc áo đầm đẹp của Nhật

Màu lá mạ tươi mát trên thân vải thun dầy của vùng Phú Sĩ Sơn, cho cảm giác ấm áp vừa phải. Chiếc cà vạt giữa cổ bay bay trong gió,tạo dáng dấp thiên thần. Chiếc áo không ngắn củn cởn, nhưng không dài quá che mất nét đẹp đôi chân. Và tay áo vừa đủ dài để tôi không ngượng nghiu,không quê mùa trong cánh áo dễ thương...

Chiếc áo được nhớ nhiều, vì đây là cánh áo mặc đi thăm anh đầu tiên ở quân trường, vào mùa Xuân năm ấy.

Tôi không sao quên được, cùng cái trố mắt của hai chúng tôi. Mái tóc ngày nào anh rất quý, săm soi chăm sóc, bây giờ còn đâu (?) Trông anh là lạ, không quen mắt, nhưng dần dần cũng hay hay, có chút gì của nắng gió, của gian lao...Thời gian " huấn nhục" đã làm anh trưởng thành. Màu trắng áo dài tuổi học trò, anh quen. Giờ trước mắt chỉ còn mái tóc đen dài ngày xưa, em kiêu sa trong nhân dáng mới, đôi hài đen được thay thế đôi giày cùng màu áo...Anh lạ lùng, anh ngất ngây khi nhìn em đi trong nắng, và một chút hảnh diện trước những đôi mắt trầm trồ...

Có nói được gì ngoài việc bảo anh ăn nhiều đi, anh có ăn được gì ngoài việc ừ ào gắp cho có lệ. Chỉ có chị tôi nói và hai đứa tôi nghe. Rồi cũng xong lần gặp mặt, hứa hẹn cho những lần sau để vơi bớt nhớ thương

Cũng Xuân năm nào, cứ đến 28 Tết là má nấu một nồi bún tàu súp gà thật lớn, có đủ đồ lòng heo từ tim, gan, cật và trứng gà. Gọi là mừng sinh nhật con trai cưng của má, dù anh toi có về hay không, và cả nhà cùng chúc anh mạnh khoẻ, tai qua nạn khỏi trong cuộc chiến đầy hiểm nguy. Ánh mắt ba buồn buồn khi anh tôi không kịp về.

Chiều 30 Tết, lần duy nhứt trong năm, đóng cửa sớm để rửa nhà, sửa sang đón Tết. Đây là dịp chị em tôi trổ tài phá, từng thùng nước đổ ra, từng cây chổi lớn nhỏ, từng giẻ lau dầy mỏng, được tận dụng tối đa. Những tiếng cười nức nẻ, tiếng kêu nói ỏm tỏi, vang lên không dứt...Một mâm cơm dọn cúng ông bà tiếp đó, để những người làm ăn uống và về sớm với gia đình.

Một Năm Mới lại đến vào ngày mai. Ngày mai mồng Một, ngày chị em tôi trông đợi và lo sợ nó đi qua, khi nhìn kim đồng hồ đang quay và ánh chiều sắp tắt.

...Đã bao nhiêu ngày Mồng Một sắp đến. Đã bấy nhiêu chiều 30 Tết đã qua. Cuộc đời quay cuồng theo năm tháng, ngụp lặn với công việc làm, theo đuổi bao lý tưởng...Để rồi, có một ngày, ngồi không, nhìn đàn con cháu trước mắt và nhớ mẹ cha, anh chi em ngày nào. Buồn da diết.!!!

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 38 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang 1, 2, 3, 4  Trang kế tiếp

» Giới Thiệu Sách: "NHỮNG MẨU VUN-NỐI" - Phương Thảo Huyền «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 6 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 6 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 6 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 6 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu