THƯ ĐỌC CHẬM
Con của mẹ. Đã lâu lắm rồi, mình không có dịp nói chuyện với nhau, đúng hơn là mẹ nói con nghe, hay mẹ nói với mẹ, ở những đêm buồn cô độc. Tháng ngày xa xưa, với đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con mới chào đời, trong một bối cảnh ngả nghiêng của đất nước. Con được hưởng gì, với mười tháng tuổi đã xa cha, xa mẹ. Với tuổi lên hai, tô những vòng tròn bảo gởi hột vịt cho ba. Với tuổi lên năm, lúp xúp theo chân mẹ, lội bộ vào rừng thăm cha, ngây thơ giận dỗi hỏi sao ba không về. Tuổi thơ con đó.
Con còn nhớ không? Những câu mẹ ru con ngủ. Không là những câu ca dao, tục ngữ. Mẹ ru con bằng bản cửu chương, từ bài hai đến bài chín. Con xoay người, từ lúc mới thôi nôi đến khi bập bẹ biết nói, tai con vẫn hoài nghe âm vang toán học. Mẹ đâu mộng ước mai sau con trở thành thiên tài. Mẹ chỉ muốn, đầu óc con sáng suốt, thực tế, không đau buồn, lãng mạn như mẹ như ba. Mẹ còn nhớ, chưa đi học, con đã giỏi cửu chương, mọi người trong xóm đến thử con và thích thú. Ánh mắt của đứa bé khi bị cha nó đánh (vì con trả lời trôi chảy mọi đáp số bất chợt của ông) đã làm mẹ và con khiếp sợ. Con sợ mất người bạn lớn tuổi. Mẹ sợ mình đã sai đường...Và sau đó, mẹ lại ru con, dù con không cần mẹ ru nữa. Mẹ ru con bằng những bài thơ mới nhất, mà mỗi lần vào thăm nuôi, ba lén trao ra cho mẹ. Mẹ nắn nót từng dòng chữ vào tập thơ, và rót vào hồn con những tâm huyết ấy. Phần con, con đã làm mọi người rơi nước mắt, khi con “trình diễn” lại. Mẹ dùng chữ trình diễn, vì thực sự con có tài ấy. Con đọc chậm,lên, xuống giọng, như những điều cha con muốn nói. Lúc đó con mới học lơp một.
Mỗi buổi sáng trên đường đi làm, mẹ luôn dõi mắt tìm một cột đèn. Một cột đèn của nhiều cột đèn trên đường phố ở Mỹ nầy, thì có gì là lạ. Một cột đèn có chậu hoa tươi làm bạn...Chuyện đứa con bị tai nạn xe chết tại đấy, và người mẹ khổ đau không ngừng đến đó với những chậu hoa ngập tràn yêu thương. Chưa bao giờ mẹ thấy có cánh hoa tàn trên cỏ. Màu đỏ, màu vàng của hoa, chen lẫn màu xanh của lá...tạo thành một bức tranh tình thương. Tình thương của Mẹ.
Con. Khi còn ở bên nhà, mẹ thật sự ấm êm trong tình thương của ông bà ngoại con. Ông bà như một cây cỗ thụ, vươn dài thân rễ, lá cành, để bảo bọc gia đình...Mẹ muốn được chia sẻ điều nầy với những ai đã mất mẹ cha, và nhắc nhở cùng những ai còn đang bên cạnh cha mẹ: Hãy trân trọng và giữ lấy. Đó phải chăng là lý do, mà mẹ đã do dự trong quyết định đi và ở. Mẹ muốn ngụp lặn trong niềm hạnh phúc vô vàn kia, để thấy mình hoài trẻ thơ. Nhưng, cuối cùng mẹ cũng phải rời xa, phải chối bỏ những gì thân thương nhất. Vì con. Vì ba con. Mẹ không muốn kiến thức con của mẹ, chỉ gói gọn trong một tỉnh lỵ bé nhỏ, hay nhiều lắm là ở một thành phố quen thuộc. Mẹ không muốn nhìn thấy ba con bàng hoàng, trong những cơn sốt của một nước. Và mẹ cũng không đủ sức, đủ tài, để đem lại cho con một tương lai như mẹ mong muốn, cho ba con tìm lại được chốn bình yên. Mẹ ra đi.
Bây giờ con đã thành tài. Ước vọng mẹ đã đạt, nhưng lòng mẹ vẫn nao nao. Kiến thức con có chuyên môn làm nền tảng, còn các khía cạnh khác, sao vẫn vụng về. Phải chăng, dưới mắt người mẹ, đứa con nào cũng mãi bé thơ. Hay tại một đất nước quá dồi dào nhân lực và vật lực, có khoa học kỹ thuật hiện đại, có những cái hay nhất, đồng thời có những cái dở nhất, đã làm cho con người có cảm giác ta đây là nhất, hoặc co đầu rút cổ tự chế lấy mình...Dù con vụng về với mẹ, hay khéo léo với người khác. Mẹ chỉ mong con, sống phải ngẩng cao đầu mà đi. Không rụt rè bước tới tương lai, cũng chẳng quay đầu với quá khứ. Hành động quang minh, không nhút nhát như tiểu thư phong kiến, chẳng phóng túng như kẻ ham vui. Đồng tiền sẽ không là trọng tâm của cuộc sống con, mẹ mong thế.
Dự định gì về tương lai hở con? Một việc làm thật an nhàn với số lương hơn hẳn ba mẹ cộng lại. Một mái ấm gia đình với người con thương, hay với hoài bảo to lớn, phục vụ đất nước quê nhà...Dù sự chọn lựa của con thế nào, mẹ cũng chẳng ngăn cấm, như ngày xưa, ông bà ngoại không phản đối, khi mẹ chọn nghề dạy học, thay vì tiếp tục gia đình theo nghề thương mãi. Vừa tốt nghiệp đại học, chưa một ngày đi làm trả hiếu, mẹ đã lập gia đình, ông bà ngoại cũng cười và chúc phúc đứa con yêu.
Và rồi, những tháng ngày phập phồng lo sợ của người vợ trẻ, có chồng là lính chiến, qua cơn sốt “Bình Long- An Lộc” những đêm thức sáng, nhìn hoả châu soi sáng cả góc trời, nghe tiếng pháo đạn như bên tai ì ầm, chưa kể cảnh mẹ từng chứng kiến, ngôi trường đang giờ học bị pháo kích. Tiếng la hét, bỏ chạy nhốn nháo của học trò, người ngất xỉu, kẻ khóc than tạo thành bức tranh bi thảm cực cùng. Mẹ tái tê trong cơn khiếp đảm của con người không còn tri giác. Con là chứng nhân của thời đại. Con ra đời, khi ba con đang ở chốn hành quân. Đêm mộng, hình ảnh thiên thần áo trắng với đôi cánh nhỏ, từ trên cao bay xuống, nằm trên cánh tay mẹ, ở chiếc giường bên cạnh cửa sổ, làm mẹ ngất ngây. Khuôn mặt con thanh thoát, trong sáng như ánh trăng đêm rằm ngày con hiện hữu. Đó cũng là ngày chào mừng Lễ Độc Lập của nước Mỹ. Cả một sự kiện tốt đẹp liên tục như thế, vẫn không làm biến chuyển được tình thế, một tình thế hoàn toàn làm thay đổi gia đình, thay đổi vận mệnh Miền Nam Việt Nam năm 1975.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai. Con đã ra trường, sau mấy năm làm bạn với sách vở nơi xứ người, con đã làm mẹ không hỗ thẹn với ông bà ngoại, với lương tâm của chính mình. Dù là gái, mẹ vẫn thấy mình có trách nhiệm với mẹ cha, không như ông bà ngoại vẫn thường khách khí cám ơn mẹ, khi nhận được tiền, và bảo rằng tiền cậu con nuôi là dĩ nhiên, còn tiền mẹ nuôi thì xót xa lắm. Nghe qua thì buồn cười, nhưng nghĩ kỹ lại thấy thấm thía câu “nam trọng nữ khinh”. Đó là quan niệm của dân mình, cho dù ông bà ngoại con rất là cấp tiến vẫn không ngoại lệ.Mẹ muốn con đả thông được tư tưởng đó. Nam hay nữ cũng là con người, cũng có bổn phận và quyền lợi như nhau.
Biển học mênh mang, biết đâu là bến bờ. Mình giỏi, còn có người giỏi hơn. Phải khách quan nhận thức sự việc cho rõ ràng, phải biết khiêm tốn nhưng không bợ đỡ, thấy cái hay của người để bắt chước, thấy cái dở của họ để không vấp phải. Trong sở làm, học hỏi ở những người giàu kinh nghiệm, chỉ dẫn những người mới hơn để trau dồi tay nghề. Tất cả bằng chân tình, không kiêu căng, không sợ sệt. Bước đầu con sẽ thấy vô cùng khó khăn, bởi lẽ thực tế đâu phải trơn tru như mộng tưởng. Con sẽ chao đảo, con sẽ thất vọng, đôi khi muốn bỏ cuộc. Nhưng con ạ, bên con còn có mẹ có ba, có cả một sức mạnh để giữ vững lấy con. Rốt cuộc con sẽ thắng. Cũng như ngày còn bé, chưa thuộc bài con ngủ không được, mẹ phải đọc cùng con, từng câu từng chữ, con lẩm nhẩm đến lúc ngủ say. Sáng dậy, con đã thuộc bài tự lúc nào. Con của mẹ đó.
Mẹ nói với con tự bấy giờ, sao chẳng thấy những gì xấu xí nơi con. Con ham ăn, thích nói, nhỏng nhẻo, lý sự, dỗi hờn và xấu nữa... Cũng như bao đứa trẻ khác, con cũng có tánh tốt và cả tánh xấu. Nhân chi sơ tánh bản thiện mà, vả lại người mẹ nào cũng nhìn thấy cái tốt của con mình nhiều hơn, thấy con mình xinh đẹp và dễ thương hơn. Mẹ cũng vậy. Và mẹ hằng cầu mong: con của mẹ khi ra đời thật lành lặn, không bệnh hoạn, không tật nguyền và thật dễ thương. Dù thật mệt nhọc, mẹ vẫn cố nhìn cho được, khuôn mặt bé thơ bụ bẩm, trắng hồng, với ngón tay cái đang cho vào miệng nút. Mẹ săm soi từng ngón chân,bàn chân, kéo thẳng hai cánh tay...Mẹ không bao giờ mơ, con mẹ đẹp như những nhan sắc được sách vở ca tụng. Mẹ chỉ muốn, con mẹ thật dễ thương và duyên dáng. Chỉ cần một khuôn mặt cân đối, cái nhìn trong sáng, cái miệng biết cười và tiếng nói dịu dàng, biết tâm ý người mà xử sự. Con phải đến với mọi người bằng sự thành tâm và thiện ý. Phong cách và cử chỉ con, để lại ấn tượng suốt đời cho họ. Duyên là ở chỗ đó vậy.
Chuyến về thăm quê hương sau ngày con tốt nghiệp. Khi trở về, mẹ thấy con trưởng thành và chín chắn hơn, ở cái nhìn cân đo giữa hai xã hội, hai phương trời. Phải chăng cuộc sống xa hoa của người thành phố, tương phản nỗi cơ cực lầm than của người dân nghèo nông thôn. Bọn nhà giàu xem tiền như rác, giao dịch nào cũng có gái đẹp hầu hạ, rượu thịt phủ phê. Trong lúc kẻ nghèo không việc làm, bán sức mình gò lưng chạy xích lô tìm từng bửa ăn, trẻ thơ vô gia cư, tranh giành nhau từng bát cơm thừa của khách...Dạo trước, con còn nhỏ, có nhìn nhưng chưa tiếp nhận được.Hay bây giờ sự việc nhiều hơn và nhất là con đã lớn lên ở đất nước nầy. Cái đất nước mà mỗi cái nhích kim đồng hồ, là giá trị của hiện kim. Người ta miệt mài làm việc và chi xài trong gói ghém. Ở đây mới thực sự là lao động, nhất là đối với những di dân chúng mình. Người có học, lao động bằng trí óc, để chi trả những ngôi nhà sang trọng, những chiếc xe đời mới và những nhu cầu khác cần thiết cho vai trò của họ trong xã hội. Người không có văn bằng, phải cố sức lao động bằng thể xác, làm việc gấp hai, để kiếm đồng lương thật khiêm nhường. Đời sống ở đây, mọi thứ đều vừa đủ trong bill chi trả. Hiếm hoi thì giờ để mẹ con gần gũi, nói nhau nghe...
Cánh thư đọc chậm. Lời tâm tình chậm có, nhưng còn hơn không. Bài tập đọc vỡ lòng, luân lý giáo khoa thư...sá gì với tiếng nhạc vần thơ. Sau những thất bại, con quay về với ai? Một mái ấm gia đình. Còn không là với mẹ. Câu ca dao ngày nào mẹ ru :
Ầu ơ...Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẽo, gập ghình khó đi. Khó đi, mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Nay con đã lớn, mẹ và con cùng một trường đời, cùng hơi thở, cùng nhịp sống. Giòng sông chảy xuôi về biển, lớn dần khát vọng cho con thành người. Đừng quên kỷ niệm tuổi nhỏ. Lời nhắc tâm tình. Đừng quên quê nhà, cội nguồn. Con không thể có được, nếu không có từ chỗ bắt đầu, không thể lẩn trốn giòng máu dân tộc con đang mang, ngôn ngữ bắt nguồn từ mọi gia đình. Có thể con không đọc những dòng nầy, những dòng chữ thầm lặng, như một đời mẹ chịu đựng nuôi con.
Thư đọc chậm. Chậm hơn, không cơn gió thoảng. Lặng lẽ lúc nào, tờ giấy mỏng rớt ra. Tâm tình còn đó. Một đời mẹ với con.
Phương Thảo Huyền
|