HẠNH PHÚC VÂY QUANH
Tuổi Dì hơn tôi gần đôi mươi, nhưng với tuổi đó, người con gái quê mình ngày xưa, có con là chuyện bình thường, nên xưng hô nầy cũng tạm ổn. Tôi gặp lại gia đình Dì, sau mấy năm ở xứ người, mừng mừng tủi tủi vì không ngờ trái đất cũng không lớn lắm, để chúng tôi được gặp lại nhau, Dì cũng không khác mấy so với lúc còn ở quê nhà...
Bây giờ, sau mười mấy năm dài làm việc không ngừng nghỉ, cả nhà tôi đi du lịch xứ người. Và tôi lại gặp Dì, trên quê hương thứ hai của Dì. Tôi thật lúng túng khi buột miệng gọi Dì, bởi trước mắt tôi, ngoài mái tóc đã bạc trắng (rất đều, giống như các phụ nữ Tây Phương) còn nhân dáng Dì hoàn toàn khác xưa, thon thả, nhanh nhẹn của một người ưa hoạt động, ánh mắt linh hoạt, da mặt căng tròn của người đủ đầy hạnh phúc, không dấu tích của thời gian, nhất là giọng nói, tràn đầy sức sống và rất vui.
Thật bất ngờ, tôi ngạc nhiên trước sự thay đổi kia... Chỉ một thoáng tiếp xúc với gia đình Dì, qua những câu nói của các thành viên, qua những ân tình trao nhau... tôi đã biết vì sao.
Người con gái Việt Nam, con dâu của Dì. Lần đầu tiên gặp mặt, tôi cảm nhận được một nội tâm vô cùng sâu sắc, dễ vui cũng như dễ tủi buồn. Em chăm chú nghe tôi kể về ngày xưa của một nửa mình, và bây giờ lại chăm chút lo cho con... để rồi tuyên bố cộng thêm điểm vào cho ảnh. Em đăm chiêu, lo lắng cho buổi tiệc ngoài trời, và nhanh chóng cười tươi khi mọi sự đã qua. Cám ơn em gái. Em rất lịch sự và tế nhị.
Ước mong hai em mãi mãi tay trong tay.
Người con gái Đài Bắc, dâu kế của Dì. Ngôn ngữ là điều quan trọng để đến gần nhau, vậy mà chỉ cần Dì đưa dĩa muối, là em mang đến miếng chanh liền. Hiểu là một chuyện, còn thấu hiểu nhau lại là từ Tâm mà ra. Em đơn giản, mộc mạc, ngay cả tình yêu dành cho chồng. Em kể: lần về quê vừa rồi, em bị bệnh và ba mẹ em đã chăm sóc thật chu đáo. Tôi nói sao chồng em không sang khi nghe em bệnh. Em mau mắn bênh vực, bởi vì công việc quá bận rộn mà thôi. Tôi ôm em trong vòng tay, thấy thương làm sao, người đàn bà Châu Á nào cũng vì chồng con cả. Mong em có được tất cả những gì em muốn.
Đứa con trai, rể của Dì, nhìn chỉ khoảng hai mươi mấy thôi, vậy mà đã là cha của cô con gái mười sáu rồi. Em lại cho tôi sự bất ngờ, về việc nhận xét rất tinh tế thời sự thế giới, nhất là khi rời quê hương, em còn nhỏ. Em rất quan tâm đến tương lai con mình, và say sưa kể về con với cả tấm lòng người làm cha.
Một gia đình, với những “một nửa” của các con mình. Thỉnh thoảng mới họp mặt, nhưng nhìn thấy những đối xử, những tình ý, những khôn ngoan của chúng, làm mẹ nào không thấy an lòng. An lòng để hưởng những ưu đãi kế tiếp.
Đứa con trai Dì, học trò của tôi, khi được hỏi về Mẹ ở lần gặp sau: - Mẹ em có khoẻ không? - Mẹ em dư sức để rủa tụi em, một cách thanh thản đó cô.
Và Dì nói về con trai cưng của mình: - Thằng con tôi, tôi biết quá mà, nó mời mười người, thì chỉ mua đủ năm người ăn thôi. Còn dâu tôi thì phải lo tới hai mươi phần ăn lận...
Những mẩu đối thoại nghe khác lạ, nhưng tràn đầy yêu thương giữa Mẹ và Con. Sức khoẻ của mẹ cha quan trọng làm sao, một hiền nhân Trung Hoa ngày xưa, đã khóc khi thấy ba mẹ đánh mình không còn đau như trước nữa.
Hạnh phúc vây quanh, dù không muốn trẻ cũng không được. Huống chi, mỗi ngày Dì lại có thời khoá biểu, tập thể dục xong thì cùng bạn bè đi tiệm ăn điểm sấm, sau đó đi câu cá.
Tôi hỏi có câu được cá không? Dì cười và ra điệu bộ xoè bàn tay. Ồ thì ra vậy, chỉ là giải trí thôi, thỉnh thoảng để vui chút, cho quên tuổi già đang sồng sộc chạy tới.
Một cuộc sống không bận lòng, thoải mái mọi thứ, vui bên niềm vui con cháu, lấy việc làm tốt cho người, cho đời làm chuẩn. Hỏi sao Dì không trẻ, không khoẻ??
Con trai lớn của Dì, là anh của những đứa học trò mà tôi thương mến. Thú thật khi mới biết em, tôi rất dị ứng bởi phong cách và con người em. Em rất “tây” trong cử chỉ, mà tôi lại rất “quê”. Nhớ ngày đầu tiên đi làm ở xứ người, Sếp là người Mỹ nên rất tự nhiên trong cách chào nhau, thấy tôi đứng hơi xa và chỉ gật đầu... nên Sếp cũng chào y vậy. Hú hồn!
Em lại hay nói chơi, kiểu móc họng, kiều ngang ngang. Và khi mời chúng tôi dùng bữa ở tiệm, em không ăn gì, cho tôi cảm giác mình đang được cho ăn. Tôi không nghĩ có dịp gặp lại em. Vậy mà có đó. Lần nầy trông em tươi tỉnh hơn, cử chỉ vẫn vậy, vẫn không dùng gì dù là tôi mời. Nghe em nói vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, nhưng không chi tiết lắm. Cảm giác về em vẫn còn chút xa cách.
Và bất ngờ, em đến thăm gia đình tôi mà không hẹn trước. Cả gia đình tôi đã vui vẻ đón chào. Chúng tôi đã mang lại cho em, một không khí ấm áp của gia đình. Ngôi nhà nhỏ, nhưng tình cảm chan hoà, đã làm động lòng em.
Cơn bệnh làm em dần mất sức, bác sĩ không tìm ra căn nguyên. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm gan mật, một cô y tá đến nhìn (em đã giúp cả nhà cô trong thời gian mới định cư) và đề nghị em xét nghiệm bao tử. Đúng là vấn đề từ bao tử, em đã điều trị kịp thời và hồi phục nhanh chóng. Đó là do nhân lành em gieo, giờ đạt quả tốt vậy.
Cho nên ngày xưa em không dám ăn uống gì cả, giờ ăn nhiều cho bỏ ghét. Lời lẽ ngang ngạnh ngày nào, được thay bằng những câu nói chân tình, mang đúng tâm trạng người tình cảm, biết đúng, biết sai. Có gần gũi, có tiếp xúc lâu dài, có đổi trao tâm sự, mới biết về nhau, mới thông cảm nhau. Chỉ có chân tình là đáng nói, tiền bạc chỉ phụ thuộc thôi. Ngồi trên đống tiền, mang chức vụ cao, khi bệnh không ai cận kề, tội nghiệp lắm. Bây giờ tuy không sớm, nhưng cũng không quá trễ, để chúng ta tự nhìn lại, qua cách đối xử với người chung quanh. Cho nhau những nụ cười thân thương, bao dung và tha thứ.
Phương Thảo Huyền
|