Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 14:00
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Giới Thiệu Sách: "NHỮNG MẨU VUN-NỐI" - Phương Thảo Huyền «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 38 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 5664 | Trả lời: 37)
Tiêu đề bài viết: CHỊ EM CHÚNG MÌNH - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 1 2021, 14:20
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
CHỊ EM CHÚNG MÌNH

Ngày xưa, ngày xa xưa ấy, có nhiều cô sinh viên từ các trường đại học Sài Gòn, Cần Thơ tung bay về một chốn, để xây dựng mùa Xuân. Và mùa Xuân thật sự nở hoa, ở ngôi trường trung học Nguyễn Chánh Sắt Tân Châu vào niên khoá 1972-1973. Và như một an bài của tạo hoá, các cô gái ấy lại gặp nhau lần nữa, ở tại căn phòng cuối dãy, của các lớp học mới cất bên hông trường, vào những năm sau 1975.

Chúng tôi gồm tất cả sáu người. Đầu tiên phải nói đến cô gái có mái tóc tém, đến từ Cần Thơ, dạy môn Anh Văn. Cô nầy rất bình dị, hay giúp đở mọi người, thích vui nhộn, có tính chỉ huy, nên mọi cuộc chơi đều phải có cô ấy, và rất ư là độc tài đó nhé.

Người kế tiếp đến từ Châu Đốc, dạy môn Sử, dáng cao cao, tóc dài dài, ngoại trừ lúc nào cũng là sứ giả hoà bình, thì cô không có gì đặc biệt để liệt kê.

Người con gái Sa Giang với nụ cười thật tươi, đôi má hồng hồng, dạy môn Sinh Vật, ít nói, duyên dáng không ai bì.

Môn Sinh Vật lại có thêm một cô thật dễ thương, đến từ Châu Đốc, là chủ nhân của một giọng nói thật nhẹ nhàng, cô rất tài hoa và khiêm tốn, tốt với bè bạn.

Cũng từ Châu Đốc, người con gái có mái tóc chấm vai, mang dáng dấp xa xăm, đầy vẻ suy tư của cô giáo Việt Văn, ngược với nụ cười thật trẻ thơ trên khuôn mặt ấy, rất nhiều tình cảm nên cô hay buồn vu vơ.

Cuối cùng phải kể đến cô “ký điệu” nhà mình, từ quê hương Thốt Nốt bay đến Tân Châu, để dạy môn Pháp Văn. Dáng cao, tóc dài, tánh tình bộc trực, thấy việc cần nói là làm liền, nhưng không ác ý, ca hay hát giỏi...

Tuy tính khí khác nhau, tuy xuất phát không cùng nguồn, tuy hay tranh cãi... nhưng chúng tôi rất thương nhau, lo lắng và nghĩ về nhau. Kể từ khi trường mang tên Phổ Thông Trung Học Tân Châu, chúng tôi có khu ở tập thể. Từ lúc không có gì, đến khi có nhiều thứ, chắc hẳn phải trải qua nhiều khó khăn, mà nếu như không có sự yêu thương, gắn bó, chia sẻ lẫn nhau, thì làm gì có kêt quả tốt đẹp!

Ngay từ đầu, chỉ vấn đề vệ sinh cá nhân, điện nước không thôi, cũng đủ làm nao lòng nhi nữ. Chúng tôi phải đợi đến lúc học sinh về hết, mới khiêng từng thùng nước để dành cho ngày mai, phải thắp sáng những ngọn đèn dầu leo lét để soạn bài, chấm bài. Giường ngủ là ba bốn băng ghế ngồi của học sinh nhập lại, mỗi cá nhân được ngăn cách bởi những tấm vải treo, trông giống như một đoàn hát đang lưu diễn.

Nhưng chúng tôi không buồn (nếu có, chỉ là những giọt nước mắt rơi lúc đêm về) Chúng tôi có những nồi chè bo bo, hay khi có lương, chúng tôi lại có thêm hột vịt lộn rất ngon, chúng tôi tâm sự, ca hát cùng nhau...

Rồi cũng ở căn phòng ấy, chúng tôi dần dần có đủ: một phòng tắm có nước máy, điện có thường xuyên trong phòng ở, ghế bố, mền mùng tuy không hoàn hảo, nhưng cũng ấm lòng những đứa con xa nhà.

Chúng tôi có thêm những người bạn mới từ xa đến, gia nhập đại gia đình nầy. Căn phòng tuy nhỏ, nhưng rất ấm áp tình người. Cũng đã có rất nhiều em học sinh vào đây tịnh dưỡng, sau những giờ lao động mệt nhọc.

Và chúng tôi cùng nhau làm việc, cùng nhau vui đùa, cùng nhau la ó... cũng được gần ba năm. Rồi chúng tôi cùng nhau chia tay.

Lâu lắm, gặp lại một em học sinh cũ. Em kể chuyện về thăm trường, hỏi các cô giờ thế nào? Em được biết: Cô Điệp về Sở Giáo Dục làm phó phòng chuyên môn. Cô Huỳnh Hoa, cô Hương thì về Sở làm cán bộ. Cô Hoanh giờ làm bà Hiệu Trưởng (theo chồng) trường cũ. Cô Xuân Hoa chưa biết tin. Còn cô Binh của em thì... thì vẫn như cũ. Là vẫn đi dạy như ngày nào thôi, có làm được gì đâu!!

Đã nói mà, cô ấy không có gì để liệt kê.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: KHÁCH TRỌ KHÔNG MỜI - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 1 2021, 17:29
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
KHÁCH TRỌ KHÔNG MỜI

Ngày còn bé, má hay dẩn chị em tôi lên thăm ngoại, ở mỗi mùa hè. Đó là dịp để chị em tôi tha hồ trổ tài. Vì lúc đó mấy cậu, dì chưa lập gia đình, nên hai đứa cháu nầy là nhỏ nhất, nên được cưng nhất, cái gì cũng xướng tên hai đứa ở mỗi lúc họp mặt cả nhà. Thua tôi hai tuổi, nhưng em gái lanh lợi và giỏi hơn tôi nhiều thứ, đi đâu cũng có nhau. Em ca hay, múa giỏi, nói chuyện lanh lẹ. Tụi tôi hay được phân công đi mua cà phê mỗi sáng, gọi hủ tiếu ở tiệm Chang Chang đầu đường về điểm tâm. Và ông ngoại hay dắt em đi chợ Bình Tây gần nhà...

Hôm đó, ông ngoại đổi ý, gọi tôi xách giỏ theo ông. Qua từng nơi bán hàng mua thức ăn, đến chợ cá, tôi không thấy ông nữa, nên cố gắng kiếm tìm. Chợt, tôi cảm thấy khó chịu, chóng mặt và không biết gì nữa... Một thoáng, tôi nghe xôn xao tiếng người:

- Cạo gió đi, mặt con bé xanh quá.
- Coi nè, vậy mà tay nó không chịu buông cái giỏ, còn tay kia cứ nắm chặt vạt áo hà...
Tôi mở choàng đôi mắt, thấy chung quanh toàn người là người, những nụ cười âu lo đang dành cho tôi, cổ tôi đang bị giữ lại để cạo giỏ, tôi định lên tiếng thì nghe:
- Nó đây rồi.
- Ồ, cháu của Ông Hai à.

Ông tôi lại đỡ lấy tôi và cám ơn mọi người. Tôi lồm cồm ngồi dậy từ trong lòng một Dì, rồi lắp bắp tiếng cám ơn, theo ông về. Sau đó, má cho ăn cháo thịt gừng, ngủ một giấc... là hết bệnh. Tôi bị trúng gió.

Khi còn học Tiểu Học, chúng tôi hay biểu diễn Thể dục đồng diễn ở mỗi dịp lễ lộc. Học sinh trong bộ đồng phục, áo trắng quần cụt đen, đi theo nhịp còi của cô giáo, nhanh nhẹn, hào hùng hình thành lá cờ quốc gia, nêu tên ngày lễ... Rất đẹp, rất hay. Vậy mà, ngày Lễ Hai Bà Trưng năm nào đó, Trường Nữ chúng tôi bị rơi rụng mấy đứa học trò “dở hơi” trong đó có tôi... Vì sáng sớm đã đến nơi hành lễ, bụng đói, lại đợi đến trưa, nắng nóng... nên xỉu.

Về nhà được cho ăn là tỉnh ngay, cũng không phải uống viên thuốc nào.

Trong thời gian đi dạy, chiếc xe gắn máy kéo thùng là phương tiện di chuyển của tôi, thông thường chỗ tốt nhất là sau lưng bác tài, thông thoáng chân tay, nhưng vì mặc áo dài nên tôi hay chọn vị trí ngồi giữa trong lòng xe, vừa kín đáo vừa an toàn... Vậy mà cũng bị tai nạn.
Chiếc xe sụp xuống, mấy cây sắt gẫy đập vào vai. Tôi ngất đi một chút, tỉnh lại thì chỉ còn một mình với mấy chú xe lôi đang nhìn.
- Cô đi bệnh viện không?
- Dạ không cần, nhà tôi gần đây.
- Tôi biết nhà cô nè, lên đây tôi chở cô về.

Chiếc xe lôi lòn lóc trên con đường ngắn nhất, mà bận bịu nhất của phố nhà, để kịp đưa tôi về. Hai bên đường, người nhìn, người giãn ra, “cô ấy sao thế?”

Về đến nhà, nhìn mặt tôi, mấy chị bán gạo hoảng hốt, dìu tôi vào. Tôi ngất thêm lần nữa, may không có máu chảy. Lần nầy, tôi phải uống thuốc và điều trị cái vai hơi lâu chút.

Chúng tôi hay đi Costco gần nhà để mua sắm cho gia đình, ông ấy vào là đến chỗ thuốc tây, tôi thì đẩy xe mua trái cây, thực phẩm... Đang đi, thấy bụng không yên, ngậm viên kẹo bạc hà cho khoẻ, nhưng thấy không ổn, nên đẩy xe theo hướng bán thuốc, vừa nhìn ra anh là quỵ xuống, nhưng nhờ tay còn nắm thành xe đẩy, nên không bị ngã xuống đất...

Lấy hẹn đi bác sỹ thôi.

Hẹn chưa tới, lại bị chóng mặt, xỉu tại Mall. Lần nầy lớn chuyện đây, họ gọi cả xe cấp cứu tới. Tôi tỉnh lại thấy toàn khuôn mặt lạ đang nhìn mình. Định ngồi lên thì có tiếng cô nhân viên cấp cứu bảo nằm yên. Một loạt câu hỏi được đề ra, tôi trả lời xuôi cả. Sau cùng, tôi bảo mình đã ổn, không có gì nữa, muốn được về, và từ chối dùng xe cấp cứu.

Ra ngoài đường, nhìn những xe chớp đèn sáng lấp lánh, cấp cứu, cứu hoả... đang đậu, mà lòng buồn thênh. Chỉ cần ngất đi không tỉnh lại được, là những chiếc xe nầy có việc làm. Một người ra đi, bỏ cuộc chơi rồi.

Chóng mặt, xỉu đã có từ ngày còn bé. Lớn lên vẫn đa mang. Về già thêm phát tác. Ngất đi trong tích tắc, tỉnh lại như không có gì.... Tự nhiên và bình thường. Đó là bệnh. Đó là báo hiệu thời gian không còn bao. Chỉ xin được ra đi thật an lành và thanh thản, không làm phiền người ở lại.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 1 2021, 17:22
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ
Chị Hạnh


Khi tôi lớn lên, chị Hạnh chỉ còn trong trí nhớ. Bây giờ tôi cũng không nhớ mặt mũi chị ra sao nữa. Chỉ còn tấm ảnh ghi chú ở bìa sau: Chị Hạnh và em. Trong hình là cô gái ốm yếu, tóc uốn quăn, đang âu yếm nhìn đứa bé. Chị Hạnh và tôi của thời thơ ấu đó.

Mấy mươi năm qua, tôi vẫn nhớ, thêm nữa gia đình tôi hay nhắc chuyện ngày cũ, thời thanh bình êm ả, giã gạo hát hò dưới những đêm trăng.

Ngày ấy, gia đình tôi sống ở một quận lỵ nhỏ. Đời sống chưa văn minh lắm, nhưng tấm lòng người dân chất phác ở miền thôn dã chan chứa tình người. Con đường chánh là con đường duy nhất chạy dài từ cơ quan hành chánh quận đến xóm Chùa. Một dãy phố lầu đối diện con sông, với những căn nhà sàn nho nhỏ. Sinh hoạt thành thị, hay đúng ra là khu thương mại chỉ có con lộ nầy. Số còn lại, họ cất nhà rải rác trong đất ruộng, gần gũi, tiện cho việc đồng áng.

Tôi nghe kể lại. Có một ngày, người đàn bà trọng tuổi dắt cô gái đến nhà ba mẹ tôi hỏi xin việc làm. Nghe xôn xao phía trước, tôi chạy ra, bị vấp ngã. Cô gái mau mắn đén nâng tôi dậy. Có thể đó là lý do tốt để mẹ tôi nhận lời. Chị vừa làm một người chị để chơi trò với tôi, đồng thời cũng là người vú trẻ, quá trẻ nếu so lại tuổi đời lúc bấy giờ… Theo năm tháng, tình cảm yêu quý chân thành cũng lớn dần lên. Không gì bằng sự gần gũi mỗi ngày. Chị lo lắng cho tôi mọi thứ, trong lúc mà gia đình tôi nặng chuyện bán buôn, không kề cận con cái nhiều lắm. Những lúc tôi bệnh, chị là người chăm sóc cho tôi. Tuy còn nhỏ nhưng tôi nhận biết được tình cảm thiêng liêng ấy. Có lần tôi hỏi mẹ: Chị Hạnh có phải là con của mẹ không? Trong ý nghĩ non nớt ngày ấy, tôi cho là chỉ có tình ruột thịt, máu mủ mới đưa đến sự yêu thương. Mẹ nói không phải, chị Hạnh là người vú em, giống như chị vú của em tôi, chị là người dưng đến ở nhà mình. Lúc đó, tôi không biết sao gọi là người dưng, hai tiếng ấy còn quá mơ hồ với tôi. Chỉ biết có một tình săn sóc, lo toan từ phía chị, và tôi là người thụ hưởng. Và như vậy, không cần thiết phải là ruột thịt máu mủ. Bài học đầu đời của thời thơ ấu từ chị, dạy cho tôi cái tình người chân thật.

Ngày đi học đầu tiên. Chính tay chị dắt tôi, đưa đến tận cửa lớp và nhanh chân chạy trốn trước tiếng khóc sợ hãi của tôi. Tôi len lén nhìn ra cửa, chị lấp ló ngoài lớp chưa chịu về. Bài học vỡ lòng cũng từ chị.

Cứ tưởng dòng đời trôi theo như vậy. Nhưng không. Có một ngày cũng như mọi ngày, chị đưa tôi đi học. Sao hôm nay trông chị buồn quá, mắt chị ướt đỏ, thẫn thờ không nắm chặt tay tôi như mấy lần trước. Tôi giận chị, vuột tay ra, một mình ôm cặp đi, chị vẫn không hay biết. Tôi thắc mắc và nhớ lại có người đàn bà ban sáng đến tìm chị. Tôi nghe được:
- Mầy phải về nhà, con gái lớn rồi là phải lấy chồng.
- Tui không muốn về, tui không muốn lấy chồng.
- Trước sau cũng phải về, người nhà không ở, sao lại muốn theo ở với người dưng. Tôi không biết “lấy chồng” là nghĩa gì. Cũng như chữ “người dưng” mù mờ kia. Nhưng tôi cảm thấy chị lấy chồng là không tốt, sẽ có hại cho tôi, bởi chị Hạnh không muốn lấy chồng. Còn người dưng chắc phải liên quan đến tôi, vì chị Hạnh muốn ở lại với người dưng mà…

Tôi đi một mình cảm thấy sợ, quay lại nắm tay chị:
- Chị ơi, sao vậy?

Cái câu hỏi không đầy đủ nghĩa, nhưng chị Hạnh đã nói bằng nỗi lòng của chị:
- Chị phải xa em rồi, chị phải lấy chồng cho cha mẹ vừa lòng.
- Tại sao phải lấy chồng hả chị?
- Sau nầy lớn lên em sẽ hiểu, em cũng phải lấy chồng.
- Lấy chồng là lấy người dưng??
- Ừ.

Tiếng ừ của chị là chấp nhận. Chị ôm tôi khóc suốt mấy ngày sau đó. Để rồi, tôi không biết tin tức gì về chị nữa. Tuổi nhỏ mau quên. Chị cũng không trở lại. Chị Hạnh chỉ còn trong trí nhớ tuổi thơ cho đến sau nầy.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CHUYỆN CỔ ĐỜI THƯỜNG - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 1 2021, 17:27
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
CHUYỆN CỔ ĐỜI THƯỜNG

Ngày xa xưa đó, ở một làng chài lưới nhỏ của vùng ven biển, có đôi vợ chồng và đứa con gái lên năm, sống dựa vào những buổi ra biển. Hôm nào biển yên, thì có cá có thịt. Hôm nào biển động thì... có khô (do bàn tay khéo léo của người vợ) Cuộc sống tuy không đói khổ, nhưng nhìn đứa con, người cha không khỏi ngậm ngùi, đứa bé đen nhẻm, còi cọc... Mong con đến tuổi đi học, biết chút văn minh, hơn cha mẹ nó, hầu đời được tốt hơn.

Và, đời tốt hơn thiệt. Theo cơn xoáy của dòng lịch sử, cả gia đình bon chen, cũng có ngày đã đặt chân lên xứ người khác.

Cũng trên vùng đất biển, nơi gia đình Chú tạm dung, nhưng với kỹ thuật tiên tiến, hàng loạt cá tôm mực... được thu về với số lượng lớn. Vợ và con gái Chú (sau nầy) nương đó mà có việc làm. Riêng Chú, loanh quanh đi khắp khu nhà gần đó, xem có gì cần làm, để tìm thêm thu nhập. Khi thì dọn bãi đất trước sân cho sạch, lúc làm lại cái hàng rào bên hông nhà, ngay cả đi mua gạo, nước mắm cho những nhà neo đơn. Công việc tuy đơn giản, nhưng vì chưa có xe, đường lại dốc, vác từng bao gạo lên đến nhà, là mồ hôi tuôn như nước... Có đôi lúc Chú định bỏ, nhưng nhớ tới ngày mới định cư, nằm chờ duyệt xét, cả nhà đói chỉ uống nước cầm lòng trong cái nắng chói chang, trong khi người có tiền, họ ăn uống đủ thứ, không màng người chung quanh.

Chú đi từ sáng đến chiều về, là có đủ tiền cho vợ con tiêu cả ngày, bù lại cả tuần vợ mới có lương. Lúc đầu, dù đói Chú cũng không dám ăn, chỉ uống nước chờ về nhà dùng cơm. Nhưng về sau, chịu không nổi lại thêm có dư chút, nên Chú hay dừng chân vào tiệm cơm của vợ chồng người Đài Loan gần đó.

Một hôm đang ngồi ăn, ông chủ lại hỏi Chú có muốn vào làm không, vì đứa cháu giúp việc phải đi học xa. Sau khi bàn bạc với vợ nhà, Chú đồng ý vào làm tiệm cơm, với lương $2.00/giờ không tiền tip gì cả. Từ 9 giờ sáng ra tiệm, đến 9 giờ tối về nhà. Chú miệt mài làm tất cả công việc. Chú học rất nhiều thứ từ hai vợ chồng nầy. Từ việc lấy xương đùi gà đông lạnh, đến việc cắt lát nhỏ miếng thịt bò, xắt rau cải đúng món, và nghiệm ra rằng ở tiệm ăn không bỏ thứ nào...

Hôm ấy, một ngày nắng thật đẹp. Ông chủ bảo Chú nhìn và nhớ để rồi làm theo những gì ông ấy sắp làm. Sau nầy Chú mới biết ý tốt của ông. Tiệm ăn nào cũng có món nước nêm đặc biệt của riêng mình, và đó là điểm hơn thua giữa các tiệm, tuy nhiên họ thề với Tổ là không được truyền lại bằng lời nói, dù với ai.

Sau đó, Chú kiêm luôn việc biến chế nước nêm mỗi khi cần. Và hai ông bà chủ yên tâm đi du lịch, về thăm quê... Để rồi sau đó, ông hỏi:
- Chú có muốn làm chủ căn tiệm nầy không?
Chú ngỡ ngàng, không hiểu, ông tiếp:
- Nếu muốn, chúng tôi để lại cho chú mà nghỉ hưu thôi.
- Nhưng tôi không có tiền...
- Ồ không sao, cứ nhận. Bao giờ có thì đưa, có bao nhiêu đưa bấy nhiêu, nhiều lần cũng được.

Thế là Chú có cửa tiệm, đang thời trung niên, Chú sung sức nên món ăn được xào nấu ngon hơn. Vợ con Chú tiếp tay, gọt tỉa rau cải thành những món chua cay, làm thay đổi khẩu vị trước đây... Khách càng thêm đông.

Trời thương, nên cho Chú thêm cặp song sinh, một trai một gái, đẹp như thiên thần. Càng lớn, hai đứa càng đẹp, lại thông minh học giỏi. Trong trường lúc ấy, ít người tỵ nạn, nên vẻ đẹp Đông Phương của hai đứa là điểm lạ, nổi bật...

Đứa gái học Dược, đứa trai học Y, đứa gái đầu lòng cũng thành chủ tiệm ăn... Gia đình Chú quá đủ đầy. Chú không ngừng cám ơn Phật Trời đã thương xót.

Cuối năm học Dược, đứa con gái đưa về nhà giới thiệu người thương, một bác sỹ mới ra trường. Sau khi nghe gia cảnh, là con trai một sỹ quan cấp Tá, Chú cảm thấy không ổn rồi. Mà không ổn thật, người mẹ của bác sỹ nhất định không đồng ý. Chọn tôi hay chọn cô ấy?? Câu hỏi lạnh lùng kia đã cướp mất sinh mạng đứa con trai. Lọ thuốc còn lại và bức thư tuyệt mệnh, đã làm cho “cô ấy” nửa sống nửa chết.

.... Chú nhìn khuôn mặt đẹp, ánh mắt vô hồn của đứa con gái út. Quay sang ánh mắt tinh anh trên khuôn mặt đầy hạnh phúc của con gái đầu lòng. Chú thẫn thờ. Phải chăng Chú đang nghĩ về ngôi làng chài, trên chiếc ghe nhỏ, ba người đang thả hồn theo một ước mơ (?)

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NIỀM ĐAU CỦA LÁ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 1 2021, 10:38
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
NIỀM ĐAU CỦA LÁ

Từng đoàn xe chạy chầm chậm trên những dốc núi cao. Từng dòng người nối tiếp, thi nhau chụp ảnh... Những hàng cây đang thay lá, hân hoan chào đón. Những chiếc lá xanh, vàng, đỏ trên cành đung đưa làm dáng, trêu chọc ánh nhìn đầy ngưỡng mộ của người xem...

Hồng Diệp đang nheo mắt cùng anh chàng nắng: “chiếu cho thật sáng để mọi người nhìn thấy màu da ngời bóng của em đi”

Huỳnh Diệp liếc nhìn Thanh Diệp, với ánh mắt đầy trìu mến: “ngày nào mình cũng đầy sức sống, căng tràn nhựa sống như y ta đây”

Thanh Diệp reo vui cùng những làn gió heo may, hoà theo những bài ca hùng tráng... Ôi vui quá đi! Mọi người đang làm gì kìa. Vẽ đó, chụp hình đây, suy tư thành thơ ca nầy.

... Mây đen lừng lững đi tới, những tia nắng le lói rồi mất hẳn, ánh chớp tia sét liên hồi, gió không còn mơn man mà đã rít lên từng chập. Mưa như trút nước. Cây oằn người, ngả nghiêng. Lá lạnh, lá sợ... Và lá rơi.

Huỳnh Diệp buông tay, Hồng Diệp cố gượng cười, mong sắc diện mình dễ coi hơn, trước khi sa xuống. Thanh Diệp đưa tay ra nắm giữ lại, chỉ có hư không. Không Huỳnh, không Hồng, và không cả bản thân.

... Một buổi sáng, cây trơ cành đứng lặng, dưới đất ngổn ngang những chiếc lá khô vàng, đỏ, lẫn xanh xanh. Niềm đau của lá!

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: THƯ GỞI NGƯỜI EM NHỎ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 1 2021, 10:43
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
THƯ GỞI NGƯỜI EM NHỎ

Em là ai? Là đứa bé ngây thơ, giương đôi mắt đầy yêu thương, khi cô vào lớp, của mấy mươi năm trước. Hay em là đứa nhỏ, chưa học cô ngày nào, chưa quen biết nhau khi còn ở quê nhà, rồi tình cờ thân thiết nhau ở chốn xa nầy?? Là ai cũng được, bởi thật sự cô đang cần một nơi để gởi gắm tâm sự mình.

Là người không biết nói năng giỏi, chỉ sợ làm phật lòng các anh chị, các bạn bè... những người đã từng rất lo lắng cho mình ở những ngày qua. Nên đành tâm sự cùng em vậy.

Em có biết, cô thật sự không cam tâm, không thể chấp nhận, cái sự thực hiển nhiên của y học: cecum cancer mà cô đang mang lấy.

Chỉ trong vòng nửa tháng, từ cuối tháng hai đến giữa tháng ba, một người thật bình thường (thỉnh thoảng đau ngầm ở bụng một chút) đã trở thành người bệnh, một bệnh không ngờ tới, không bao giờ nghĩ mình lại phải mang nó cả... Hụt hẩng, lao đao, thất vọng vô vàn, em có biết?!!

Đứa cháu nhỏ nghe “cancer” từ trong điện thoại của bác sỹ với ông ngoại, đã chạy vào phòng khóc, sau đó sang phòng làm việc của mẹ báo tin, rồi ngây thơ hỏi mẹ, cancer là gì?

Không biết là gì, nhưng cháu vẫn lo, vẫn sợ cho bà của cháu.... Vậy thì em ơi, làm sao cô đứng vững được đây, cả một bầu trời đầy đen tối, cô đã vẫy vùng, hay cô đã xuôi tay, nước mắt cô có rơi hay cô cắn phải mà môi miệng nghe mằn mặn...

Ba mẹ đã cho cô một hình hài thật khoẻ mạnh, không tỳ vết. Suốt tuổi ấu thơ vui chơi, chẳng bệnh gì đáng kể, cảm mạo sơ sài chỉ cần cạo gió, nằm nghỉ là xong. Thời thăm nuôi chồng, hai giờ sáng cầm tờ công lệnh, xếp hàng ở bến xe... Đợi đến chín giờ sáng mới lên được xe, nếu không, lại phải chạy kiếm xe đi từng đoạn một... Cả một ngày dài, đội sương dãi nắng, mà cô có bị gì đâu. Khi về già, cô lại là điểm tựa của chồng mình, anh ấy biết bao là bệnh... Vậy mà... Cô thật không cam tâm!! Không muốn làm gì nữa, không muốn tiếp xúc cùng ai, không muốn nghe bất cứ chuyện chi. Bên cạnh cô, mọi việc vẫn diễn biến, mọi nỗ lực vì cô mà có.

Rồi tự dưng, cô thấy mình thật đáng ghét, mình thật ích kỷ, cô không xứng đáng với những yêu thương, lo toan của người thân. Khuôn mặt anh đầy nét hằn của những đêm mất ngủ, đứa con gái cũng muốn bệnh vì lo lắng... Và cô đã trưởng thành trong suy tính. Chấp nhận.

Em thương yêu. Cô đã nghe và trả lời phone từ mọi người, bằng giọng nói thật lạc quan của mình, để tìm lại sự bình yên.

… Nhưng tận sâu trong góc khuất: Vẫn là sợ.

Hôm nay Lễ Phật Đản.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Niềm tin tôn giáo ở bản thân, sự cầu nguyện Phật Trời, lời xin Chúa ban ơn của những người thân thương, cùng những lo toan của gia đình về thuốc men, thực phẩm hàng ngày... đã tạo ra sự nhiệm mầu. - Hiện nay, tế bào ung thư không còn nữa, không cần hoá trị, xạ trị, chỉ về ăn để lấy lại sức khoẻ...

Lời bác sỹ chuyên khoa cancer làm tôi ngỡ ngàng, y như những điều tôi thầm cầu nguyện ở những ngày qua.

Khoa học và tâm linh, là hai lãnh vực khác nhau, không thể giải thích cho nhau. Nhưng với tôi, hai điều nầy thật sự hoà quyện cùng nhau, trong hoàn cảnh nầy của tôi, và đưa tôi đến sự may mắn nầy sang may mắn khác.

Nếu bác sỹ gia đình tôi không kịp thời phát hiện và lấy hẹn ngay cho tôi đến bác sỹ nội soi ruột. Và bác sỹ nội soi đó đã không tận tuỵ gọi điện cho bác sỹ chuyên khoa mổ, khi phát hiện cancer... thì làm gì có ngày nay. Hình ảnh đăm chiêu, lo lắng của hai vị đã cho tôi thấy bệnh mình thật nghiêm trọng. Nhưng bù lại, bác sỹ giải phẫu, với tác phong tự tin, năng động đã làm tôi cố vượt lên, sau bao lần muốn bỏ cuộc.

Hai tuần trước khi mổ, tôi phải ăn kiêng (diet) với thực phẩm chọn lọc. Con gái quá đau lòng khi thấy mẹ ngày càng đuối sức, nên tham vấn cùng bác sỹ, chỉ nghe câu: sợ bà không qua nổi. Vậy mà, tôi đã bước qua một cách không ngờ. Chín viên trụ sinh, uống liền từ 4:00pm, 5:00pm và 10pm trong cái bụng hoàn toàn trống rỗng, tôi đau rát cả ngực và thầm gọi tên từng người yêu thương... Rồi ói ra tất cả và lịm đi

Sáng dậy sớm, mang máy sưởi cá nhân vào tận phòng tắm, làm vệ sinh theo yêu cầu bác sỹ, trong mọi nỗ lực của mình.

Và trong không khí sôi sục mùa dịch Covid-19, tôi đã vào bệnh viện, một mình chống chọi...
Chỉ ba ngày, tôi đã xuất viện, trong sự ngạc nhiên của mọi người. Và chưa đầy ba tháng, bệnh được phát hiện đến bệnh hết... Nếu không có khoa học đại tài, kết hợp sự yêu thương cầu nguyện của tâm linh, thì làm sao tôi còn ngồi đây.

Cám ơn các bác sỹ: Trần văn Sáng, Suresh Malhotra, Caroline Sanchez và Alex Spira.

Cám ơn các cô y tá trong bệnh viện Fairfax và Alexandria.

Cám ơn Thầy Cô, các anh chị, bạn bè, em cháu. Nhất là các học trò cũ và anh chị bạn văn nghệ cùng ông xã... đã cầu nguyện cho.

Ba tháng sau, chụp hình lại (sẽ có gì?)

Một năm sau, nội soi ruột lại (sẽ ra sao?)

... Chỉ biết, bây giờ tôi thật nhẹ lòng, trút đi một gánh nặng ngàn cân. Khuôn mặt đầy nước, nhưng nụ cười rạng rỡ làm sao!!!

Hôm nay Lễ Phật Đản.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TỰ SỰ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 1 2021, 11:20
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
TỰ SỰ

Anh bạn, một trong những người luôn ủng hộ sách ông xã viết, bao giờ cũng mua cả chục quyển, bảo là tặng bạn bè, những kẻ yêu thơ văn Hoài Ziang Duy... Theo anh, nhìn giá tiền in trên sách, mà thương cho cuộc sống của nhà văn Việt Nam, nó thật khiêm nhường so với các sản phẩm ngành nghề khác, và nhất là đối với tâm huyết của các tác giả.

Tôi đồng ý, vì tuy không phải mang nặng đẻ đau như bào thai của một kiếp người, nhưng thời gian hình thành một tác phẩm không phải ngắn, không phải dễ...

Nhưng, bên cạnh đó là những niềm vui không ít. Có những thi tứ, áng văn đến bất chợt khi đang làm việc, lúc đang ngủ... vội vội vàng vàng tìm bút mực ghi lại, để đó. Khi bài viết chỉnh sửa xong, in ra cho người tri kỷ đọc đầu tiên, nghe góp ý không chút nhân nhượng, mà sảng khoái. Rồi, đến nhà in nhận sách. Mùi giấy mới, mực thơm, làm thời gian đong lại, chỉ còn lại TA với MI (sách trên tay)

Sách gởi tặng đến bạn văn nghệ, bạn bè thân thương để chia sẻ, nhưng còn hạn hẹp quá, phải nhân rộng ra, đành “sale” thôi, để phổ biến.

Chưa hết đâu, anh bạn mình...

Mỗi sáng mở hộp thơ, nhìn vài ba lá thơ với nét chữ lạ, mà lòng vui vui. Tín hiệu vui khi có email vang lên từng chập, tiếng điện thoại thỉnh thoảng làm rộn ràng căn phòng nhỏ. Thư mua sách, và những góp ý của bè bạn văn chương, bè bạn thời đi học, và cả đọc giả... Làm sao kềm lòng được khi nghe giọng nói run run (vì già hay xúc động?) khi bày tỏ lòng cám ơn với tác giả bởi câu chuyện gợi nhớ ngày đã qua, rất thực, rất sống động. Đôi khi còn được nghe kể những câu chuyện đời khác, qua giọng nói hào hứng hay sụt sùi trên điện thoại.

Tiền bán sách nhận được rất vui, rất thực tế. Nhưng so với nguồn vui có từ những tấm tình của bạn văn nghệ, bạn học, đọc giả từ xa, ngay cả những học trò cũ (luôn mở hàng sách cho ông xã của cô giáo mình) thì chắc không bằng. Niềm vui không cánh, nhưng chúng tôi cũng ngất ngây.

Cám ơn anh, người bạn tốt của chúng tôi.

Cám ơn tất cả, những người yêu thơ văn Hoài Ziang Duy.

Tiếng Việt còn, Chữ Việt còn. Còn người Việt.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 1 2021, 16:54
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ

Mái tóc búi cao cộng thêm bộ đồ xẩm may thật khéo, tạo nên vóc dáng của Thiếm Trân trông thật bắt mắt. Đó là ý nghĩ của cô bé mười mấy tuổi đầu, Tôi, ở ngày xưa thân ái. Mặc dầu thời gian tiếp xúc không dài vì Thiếm rất bận bịu trong công việc mua bán, thiếm thay chú (đang làm việc ở Sài Gòn) coi sóc cây xăng và chăm lo cả nhà (trên 10 người) một cách dễ dàng, nên tôi rất phục Thiếm. Mầy nhớ không Mai? Năm học lớp Nhất, hai đứa mình đến nhà Xuân Lan chơi, má nó dạy mình làm bánh sửa, Lan làm hư còn đang lo sợ thì Má nó ôm nó vào lòng, hôn nó liên tục, lại còn nói: "Tội nghiệp con của tôi" Hai đứa mình nhìn nhau và giả bộ không thấy. Nhưng tao biết mầy cũng đang nghĩ như tao: Sao má mình không ôm hôn mình như thế? Mình đang nghi ngờ tình yêu thương của Má? Thời gian trôi qua, tao đi học Đại học, mầy có chồng, rồi sanh đứa đầu lòng và tao đã có câu trả lời, qua đôi mắt của Má mầy, Đôi mắt Thím Trân sáng long lanh, chan chứa tình yêu thương của người làm Mẹ hạnh phúc.

Và hai đứa mình lại lưu lạc sang xứ người, mỗi đứa một nơi không liên lạc nhau, tao may mắn ở nơi có nhiều bè bạn cũ, nhưng không bằng mầy có Má bên cạnh. Có nhiều khi quá vất vả, hay nhiều phiền muộn, tao rất thèm một vòng tay yêu thương, một nụ cười ấm áp của Má, nhưng xa xăm quá, tao đã tìm đến Má anh Khoa để nghe nhắc về Má, có lần trong Lễ Mẹ tao được tặng một cánh hoa hồng, tao đã đem tặng lại Má của Hương để thấy nụ cười của Mẹ. Rồi những người Má của bè bạn cũng lần lượt ra đi. Ở quê nhà Má của Nhẫn cũng rủ Má tao đi, bây giờ nghe tin Má mầy mất. Buồn.

Mai ơi, hy vọng mầy không giống tao. Cái ân hận lớn nhất của tao là chưa một lần tao ôm hôn Má và nói: "Con rất thương Má". Tao tệ quá phải không? Với Ba, có thể do xã hội phong kiến làm mình xa cách, vậy mà với Má, tao chỉ nói được trong đêm về ở một nơi thật xa. Tao nghĩ, nếu tao làm vậy, chắc Má tao sẽ đẩy tao ra và bảo bộ mầy khùng hả, nhưng sẽ có tiếng cười thoải mái và có ánh mắt thật long lanh... Người Mẹ nào cũng vậy, yêu con rất nhiều mà nhận lại chẳng bao nhiêu, và những ai còn có Má bên mình, hãy vì chúng tôi, những người đã mất Má, làm cho những khuôn mặt nhăn nheo hồng hào trở lại, cho ánh mắt nụ cười héo hắt trở nên tươi trẻ và đầy tin yêu...

Má ơi, con yêu má nhiều lắm!!

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: TRỞ VỀ TRƯỜNG XƯA - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 1 2021, 16:58
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
TRỞ VỀ TRƯỜNG XƯA

Màu hồng cánh sen của chiếc áo bà ba, được hổ trợ thêm cái mượt mà của chiếc quần sa ten đen bóng, lại thêm chiếc nón bài thơ trên mái tóc đen dài: dịu dàng, ôn nhu.

Tôi thầm hài lòng với nhân dáng mình, trong buổi dạy đầu tiên, khi trở về quê nhà.

Tôi trở về quê, vào thời điểm chiến tranh biên giới, từng loạt đạn pháo của Khờ Me Đỏ xuống thị xã thân yêu, mọi người đều di tản, trường lớp cũng di tản theo, đến vùng ngoại ô, học nhờ trường bạn.

Loay hoay suy nghĩ, tôi đã đến điểm hẹn, để đi xe buýt đến trường. Chợt nghe câu nói bên tai: ”Chị mới đổi tới à? ”Và một thanh niên lạ mặt đang tiến lại, chưa kịp trả lời thì xe buýt đã tới, mọi người cùng hối hả, tôi cũng hối hả lên xe.

Đây là chiếc xe khách chạy đường dài, nên có nhiều chỗ ngồi, được điều đến để chở chúng tôi. Vậy mà thoáng chốc đã không còn chỗ...

Xe từ từ lăn bánh, không khí trong lành len lõi vào thịt da, đưa tôi về cảm giác ngày xưa theo mẹ lên thăm ngoại...

Xe ngừng. Mọi người lại hối hả đua nhau xuống, tiếng nói cười vang lên như pháo. Tôi nhìn, để rồi lại nhớ, cũng hình ảnh nói cười trong trẻo kia, ở ngôi trường nhỏ, khi tôi đến nhận niệm sở của ngày nào. Nhưng sao khác quá, cái không khí, cái gì đây? Đứng ngoài cổng nhỏ chờ mở cửa trường, tôi đã ngất ngây với từng nhóm nhỏ học sinh túa ra sân trường, những chiếc áo dài trắng lượn lờ, những lời qua tiếng lại, những bước đi chầm chậm trên sân cỏ... hình ảnh như tranh, ồn ào mà yên lành, ngây thơ vô tư lự.

Đó, đó là điều khác đây sao! Chiếc áo dài trắng cho em nét dịu dàng, thư thái, trong khung cảnh an bình. Bây giờ, cũng màu trắng học trò, nhưng áo ngắn tạo cảm giác mạnh mẽ, xốc vác hơn, trong hoàn cảnh loạn lạc.

Thương quá những áo ngắn, đang nhanh chân vào trường tìm lớp học, và tôi cũng nhanh chân, bước tìm phòng giáo viên.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: HẠNH PHÚC VÂY QUANH - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 1 2021, 12:08
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
HẠNH PHÚC VÂY QUANH

Tuổi Dì hơn tôi gần đôi mươi, nhưng với tuổi đó, người con gái quê mình ngày xưa, có con là chuyện bình thường, nên xưng hô nầy cũng tạm ổn. Tôi gặp lại gia đình Dì, sau mấy năm ở xứ người, mừng mừng tủi tủi vì không ngờ trái đất cũng không lớn lắm, để chúng tôi được gặp lại nhau, Dì cũng không khác mấy so với lúc còn ở quê nhà...

Bây giờ, sau mười mấy năm dài làm việc không ngừng nghỉ, cả nhà tôi đi du lịch xứ người. Và tôi lại gặp Dì, trên quê hương thứ hai của Dì. Tôi thật lúng túng khi buột miệng gọi Dì, bởi trước mắt tôi, ngoài mái tóc đã bạc trắng (rất đều, giống như các phụ nữ Tây Phương) còn nhân dáng Dì hoàn toàn khác xưa, thon thả, nhanh nhẹn của một người ưa hoạt động, ánh mắt linh hoạt, da mặt căng tròn của người đủ đầy hạnh phúc, không dấu tích của thời gian, nhất là giọng nói, tràn đầy sức sống và rất vui.

Thật bất ngờ, tôi ngạc nhiên trước sự thay đổi kia... Chỉ một thoáng tiếp xúc với gia đình Dì, qua những câu nói của các thành viên, qua những ân tình trao nhau... tôi đã biết vì sao.

Người con gái Việt Nam, con dâu của Dì. Lần đầu tiên gặp mặt, tôi cảm nhận được một nội tâm vô cùng sâu sắc, dễ vui cũng như dễ tủi buồn. Em chăm chú nghe tôi kể về ngày xưa của một nửa mình, và bây giờ lại chăm chút lo cho con... để rồi tuyên bố cộng thêm điểm vào cho ảnh. Em đăm chiêu, lo lắng cho buổi tiệc ngoài trời, và nhanh chóng cười tươi khi mọi sự đã qua. Cám ơn em gái. Em rất lịch sự và tế nhị.

Ước mong hai em mãi mãi tay trong tay.

Người con gái Đài Bắc, dâu kế của Dì. Ngôn ngữ là điều quan trọng để đến gần nhau, vậy mà chỉ cần Dì đưa dĩa muối, là em mang đến miếng chanh liền. Hiểu là một chuyện, còn thấu hiểu nhau lại là từ Tâm mà ra. Em đơn giản, mộc mạc, ngay cả tình yêu dành cho chồng. Em kể: lần về quê vừa rồi, em bị bệnh và ba mẹ em đã chăm sóc thật chu đáo. Tôi nói sao chồng em không sang khi nghe em bệnh. Em mau mắn bênh vực, bởi vì công việc quá bận rộn mà thôi. Tôi ôm em trong vòng tay, thấy thương làm sao, người đàn bà Châu Á nào cũng vì chồng con cả. Mong em có được tất cả những gì em muốn.

Đứa con trai, rể của Dì, nhìn chỉ khoảng hai mươi mấy thôi, vậy mà đã là cha của cô con gái mười sáu rồi. Em lại cho tôi sự bất ngờ, về việc nhận xét rất tinh tế thời sự thế giới, nhất là khi rời quê hương, em còn nhỏ. Em rất quan tâm đến tương lai con mình, và say sưa kể về con với cả tấm lòng người làm cha.

Một gia đình, với những “một nửa” của các con mình. Thỉnh thoảng mới họp mặt, nhưng nhìn thấy những đối xử, những tình ý, những khôn ngoan của chúng, làm mẹ nào không thấy an lòng. An lòng để hưởng những ưu đãi kế tiếp.

Đứa con trai Dì, học trò của tôi, khi được hỏi về Mẹ ở lần gặp sau:
- Mẹ em có khoẻ không?
- Mẹ em dư sức để rủa tụi em, một cách thanh thản đó cô.

Và Dì nói về con trai cưng của mình:
- Thằng con tôi, tôi biết quá mà, nó mời mười người, thì chỉ mua đủ năm người ăn thôi. Còn dâu tôi thì phải lo tới hai mươi phần ăn lận...

Những mẩu đối thoại nghe khác lạ, nhưng tràn đầy yêu thương giữa Mẹ và Con. Sức khoẻ của mẹ cha quan trọng làm sao, một hiền nhân Trung Hoa ngày xưa, đã khóc khi thấy ba mẹ đánh mình không còn đau như trước nữa.

Hạnh phúc vây quanh, dù không muốn trẻ cũng không được. Huống chi, mỗi ngày Dì lại có thời khoá biểu, tập thể dục xong thì cùng bạn bè đi tiệm ăn điểm sấm, sau đó đi câu cá.

Tôi hỏi có câu được cá không? Dì cười và ra điệu bộ xoè bàn tay. Ồ thì ra vậy, chỉ là giải trí thôi, thỉnh thoảng để vui chút, cho quên tuổi già đang sồng sộc chạy tới.

Một cuộc sống không bận lòng, thoải mái mọi thứ, vui bên niềm vui con cháu, lấy việc làm tốt cho người, cho đời làm chuẩn. Hỏi sao Dì không trẻ, không khoẻ??

Con trai lớn của Dì, là anh của những đứa học trò mà tôi thương mến. Thú thật khi mới biết em, tôi rất dị ứng bởi phong cách và con người em. Em rất “tây” trong cử chỉ, mà tôi lại rất “quê”. Nhớ ngày đầu tiên đi làm ở xứ người, Sếp là người Mỹ nên rất tự nhiên trong cách chào nhau, thấy tôi đứng hơi xa và chỉ gật đầu... nên Sếp cũng chào y vậy. Hú hồn!

Em lại hay nói chơi, kiểu móc họng, kiều ngang ngang. Và khi mời chúng tôi dùng bữa ở tiệm, em không ăn gì, cho tôi cảm giác mình đang được cho ăn. Tôi không nghĩ có dịp gặp lại em. Vậy mà có đó. Lần nầy trông em tươi tỉnh hơn, cử chỉ vẫn vậy, vẫn không dùng gì dù là tôi mời. Nghe em nói vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, nhưng không chi tiết lắm. Cảm giác về em vẫn còn chút xa cách.

Và bất ngờ, em đến thăm gia đình tôi mà không hẹn trước. Cả gia đình tôi đã vui vẻ đón chào. Chúng tôi đã mang lại cho em, một không khí ấm áp của gia đình. Ngôi nhà nhỏ, nhưng tình cảm chan hoà, đã làm động lòng em.

Cơn bệnh làm em dần mất sức, bác sĩ không tìm ra căn nguyên. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm gan mật, một cô y tá đến nhìn (em đã giúp cả nhà cô trong thời gian mới định cư) và đề nghị em xét nghiệm bao tử. Đúng là vấn đề từ bao tử, em đã điều trị kịp thời và hồi phục nhanh chóng. Đó là do nhân lành em gieo, giờ đạt quả tốt vậy.

Cho nên ngày xưa em không dám ăn uống gì cả, giờ ăn nhiều cho bỏ ghét. Lời lẽ ngang ngạnh ngày nào, được thay bằng những câu nói chân tình, mang đúng tâm trạng người tình cảm, biết đúng, biết sai. Có gần gũi, có tiếp xúc lâu dài, có đổi trao tâm sự, mới biết về nhau, mới thông cảm nhau. Chỉ có chân tình là đáng nói, tiền bạc chỉ phụ thuộc thôi. Ngồi trên đống tiền, mang chức vụ cao, khi bệnh không ai cận kề, tội nghiệp lắm. Bây giờ tuy không sớm, nhưng cũng không quá trễ, để chúng ta tự nhìn lại, qua cách đối xử với người chung quanh. Cho nhau những nụ cười thân thương, bao dung và tha thứ.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 38 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4  Trang kế tiếp

» Giới Thiệu Sách: "NHỮNG MẨU VUN-NỐI" - Phương Thảo Huyền «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu