Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 11:06
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Giới Thiệu Sách: "NHỮNG MẨU VUN-NỐI" - Phương Thảo Huyền «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 38 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4
Người gửi Nội dung (Xem: 5633 | Trả lời: 37)
Tiêu đề bài viết: VĂN NÓI – VĂN VIẾT - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 1 2021, 12:12
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
VĂN NÓI – VĂN VIẾT

Bẹo má đứa nhỏ, nói bằng những ngôn từ yêu thương, ngọng nghịu, đả đớt... tuỳ tâm trạng mỗi người. Ôi nó đẹp làm sao, đi vào lòng người thật mau.

Chat cùng bè bạn, ghi note bài giảng... cần những dấu hiệu và chữ thu gọn, để kịp giờ.

Nhưng khi viết một bài, kể một câu chuyện, cho mọi người cùng nghe, cùng đọc, thì bản thân tôi thấy, nên viết thật cẩn thận, bỏ dấu đàng hoàng, văn phạm cho đúng, đặc biệt là chính tả (hỏi ngã đôi khi trật, nhưng hình thức chữ không được đổi).

Đó là:

- Mình tôn trọng người đọc.

- Mình tự trọng mình.

- Đặc biệt là mình biết ơn các bậc tiền bối, đã sáng tạo, đã nâng cao Chữ Việt chúng ta, đâu thua Chữ Anh, Pháp, Mỹ trên trường quốc tế...

- Và quan trọng là, thế hệ con cháu mình có được một văn hoá trong sáng, có nguồn gốc minh bạch, chữ viết lại đẹp... từ ngàn xưa để lại.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: VĂN NÓI – VĂN VIẾT - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 1 2021, 10:02
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
tranbc {L_WROTE}:
VĂN NÓI – VĂN VIẾT

Bẹo má đứa nhỏ, nói bằng những ngôn từ yêu thương, ngọng nghịu, đả đớt... tuỳ tâm trạng mỗi người. Ôi nó đẹp làm sao, đi vào lòng người thật mau.

Chat cùng bè bạn, ghi note bài giảng... cần những dấu hiệu và chữ thu gọn, để kịp giờ.

Nhưng khi viết một bài, kể một câu chuyện, cho mọi người cùng nghe, cùng đọc, thì bản thân tôi thấy, nên viết thật cẩn thận, bỏ dấu đàng hoàng, văn phạm cho đúng, đặc biệt là chính tả (hỏi ngã đôi khi trật, nhưng hình thức chữ không được đổi).

Đó là:
- Mình tôn trọng người đọc.

- Mình tự trọng mình.

- Đặc biệt là mình biết ơn các bậc tiền bối, đã sáng tạo, đã nâng cao Chữ Việt chúng ta, đâu thua Chữ Anh, Pháp, Mỹ trên trường quốc tế...

- Và quan trọng là, thế hệ con cháu mình có được một văn hoá trong sáng, có nguồn gốc minh bạch, chữ viết lại đẹp... từ ngàn xưa để lại.

Phương Thảo Huyền


Em hoàn toàn tâm đắc với cô về vấn đề này. Nói chung, những người thuộc thế hệ của em trở lên là còn kỹ lưỡng trong văn viết, chớ nhiều người trẻ ngày nay (40 bó trở xuống) khá dễ dãi với bản thân. Nhiều khi thấy ngứa con mắt mà cũng ráng làm thinh.
Họ cố viết sai, lấy cớ là cho nhanh.
- hiểu/chiều ==> hỉu/chìu
- uống nước ==> uốn nước
Lại có kiểu:
- biêt ==> bít
- thích ==> thk
- chồng ==> ck
- vợ ==> vk
- mình ==> mk
- gọi điện ==> gd
Nếu họ chat với bạn bè thì hổng nói gì, đằng này có khi đăng 1 thông báo cho nhiều người đọc mà cũng viết cẩu thả vậy!
Thôi đành KỆ họ vậy! Phần ta ta ráng viết cho đàng hoàng.
Em chúc cô yêu luôn vui khỏe và an lành. :ros:

(Thêm 1 điều nữa là những bài dài họ rất rất ít hoặc không có đọc đâu cô!)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: THƯƠNG TIẾC - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 02 Tháng 2 2021, 12:57
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
THƯƠNG TIẾC

Mẹ Uyên, Bác thường hay gọi tôi như vậy. Tiếng gọi nghe yêu thương, như ngày xưa ba chồng vẫn gọi “Vợ thằng Út” mỗi khi có bạn ba tới thăm, để giới thiệu đứa dâu nhỏ mà ba yêu thương như con gái ruột.

Bác là bà nội chồng của Uyên, con gái lớn của chúng tôi. Phong cách bác rất ung dung, tự tại. Nhìn Bác thấy rất nghiêm trang, nề nếp nhưng bên trong là lòng thương mến của người hiểu chuyện. Và không biết sao Bác rất yêu mến hai mẹ con tôi. Lâu lâu không gặp, Bác hay nhắc tôi. Riêng tôi, tôi kính thương Bác như người Mẹ đã mất của mình. Bây giờ, ở bên nầy, những người lớn tuổi hơi hiếm, chỉ còn những khuôn mặt đàn anh, chị và chúng tôi... đang lấn chiếm lên phần đa số. Do đó tôi muốn trò chuyện cùng Bác thật nhiều ở những lần gặp mặt, để cả tôi và Bác không thấy cô đơn, để tôi tìm lại Mẹ mình qua Bác.

Những lần gặp mặt ngày càng thưa, vì sức khoẻ Bác ngày càng yếu. Bác không bệnh gì, chỉ cơ thể yếu theo thời gian. Rồi tôi đến thăm Bác ở một buổi chiều thật đẹp. Bác không còn nói nhiều, chỉ nắm chặt tay tôi, ánh mắt đầy yêu thương.

Khi hay tin bệnh viện trả Bác về với gia đình, chúng tôi vội vã đến thăm trong cơn mưa tầm tã của Trởi Thu. Bác đã không còn nói được, nhưng tôi tin Bác vẫn nghe, vẫn nhận được tình thương con cháu dành cho. Tôi nắm tay Bác, ve vuốt bàn tay ấm áp từ khuôn thân sắp lạnh đi, bàn tay bác nhúc nhích như một cảm nhận... Bác ra đi vào đêm ấy.

Bác ơi, hãy thật thanh thản mà đi, Bác thật hạnh phúc khi con cháu từ mọi nơi về đủ. Bác còn nhìn thấy Chúa, thấy Bác Trai trước khi nhắm mắt. Quá đủ đầy cho một kiếp người! Hưởng Nhan Thánh Chúa.

Con thương Bác!!

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: CALIFORNIA, NỖI NHỚ KHÔNG NGUÔI - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 02 Tháng 2 2021, 13:03
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
CALIFORNIA, NỖI NHỚ KHÔNG NGUÔI

HỌC TRÒ.

Tháng 9 mùa khai giảng năm học...

Tháng 9/2018 tuy không dự được lễ như ngày xưa, nhưng bên tôi rộn ràng tiếng học trò của ngày nào.

Garden Grove, trong ngôi nhà ấm áp, với ngôi vườn đầy cây trái, ba mẹ con Hải Vân đón chúng tôi thật nhiệt tình, vợ chồng Lũy sang chơi, mang đủ thức ăn ngon vùng Nam Cali. Và tiễn đưa ra xe đò Hoàng lên Bắc Cali.

Fermon (San Jose) nơi vợ chồng Thao đã tiếp đãi chúng tôi. Rồi Lệ, rồi vợ chồng Hoàng-Sang, sau giờ làm việc cũng không ngại giao thông khó khăn đã đến đưa đón, sang thăm và ăn uống...

Lại trở về Nam Cali vì lý do bão ở quê nhà. Một lần nữa Hải Vân nồng nhiệt đón đưa, có Hoàng Lan, Lũy với món bún cá Châu Đốc, kèm thịt heo quây, trái cây trong vườn đủ loại: nhãn, thanh long, táo tàu, thêm cơm rượu.. rất ngon.

Cảm động nữa, có Cường và Ả từ Los xuống rước Thầy Cô, cho biết China Town, Hollywood...
Màn đêm bao phủ mặt đường, chiếc xe lao vun vút, Thầy trò tâm tình xuyên suốt hành trình. Đêm cuối ở Cali trời lành lạnh, nhưng trong lòng ấm áp làm sao!!!

Các em tôi ơi. Tôi thật sự hãnh diện về nghê nghiệp mình bấy lâu nay. Bây giờ càng thấm thía, càng yêu quý nó hơn. Các em của tôi, thương nhiều lắm!! Và cám ơn nhiều lắm!!!!

BẠN BÈ.

Virginia buổi sáng trời lành lạnh, di căn của trận bão Florence, làm gợi nhớ ngày tháng mới nhập cư vào nước Mỹ, cũng bước vào Thu, cũng nhìn từ trên kính máy bay khung cảnh phi trường Dulles, nhưng tâm trạng hoàn toàn khác biệt:

- Ngày ấy, với nỗi niềm của kẻ xa nhà, ngỡ ngàng trước cảnh huy hoàng, có được đón nhận hoan hỉ không??

-Ngày nay, sau hơn tuần lể du lịch từ Nam ra Bắc California, mệt mỏi thể xác, mà tinh thần phấn chấn vô cùng... Nhìn cảnh vật thấy thân thương, yêu cái lạnh, nhớ hàng cây bên đường, nôn nóng nhìn lại con và cháu. Cảm giác về nhà của kẻ đi xa(?)

Ngày ấy, tôi có những người bạn rất xưa, từ ngày còn bé, đến đón. Vô cùng cảm động khi thấy lại anh Hồng Thái Nguyên, anh chị Trường-Nguyệt, anh chị Phước-Hương cùng vài anh bạn của anh Tài trong đoàn.

Bây giờ, trên đoạn đường dài du lịch, tôi cũng không nén nổi lòng mình, xôn xao trong tình cảm dạt dào của bè bạn: Anh chị Trị với món điểm tâm tại nhà rất thân tình, Anh chị Tỷ-Đường luôn chạy lên chạy xuống, đón đưa ăn chơi mọi chỗ. Anh Ánh-Phượng càng làm hai đứa không nói nên lời, với cách sống hết lòng cùng bạn. Vợ chồng Minh Luân gặp lại cũng rất vui, tặng món ngon quê nhà. Gặp anh Túc cùng vài bạn của ông xã trong Sư Đoàn 9 ngày nào. Vui ơi là vui. Anh Thẩm-Minh, sau bao trở ngại cuối cùng cũng gặp được. Rồi anh Thiện-Dinh nữa, gặp cả Chị Phỉ và Ngà. Ngạc nhiên nhất là cô bạn dạy chung ở Thủ Khoa Nghĩa ngày ấy, giờ thấy lại trên đất người, dưới chân dung nữ tu, vẫn nụ cười dễ mến, vẫn cách nói thân tình cũ, Tố Nga của chúng tôi trông thật thánh thiện...

Ôi, những người bạn cũ của chúng tôi, tất cả đã hao mòn theo thời gian, nhưng vẫn còn đó, những câu mầy tao, vẫn rộn ràng cười và nói những câu thật làm người ta muốn khóc.

Thương lắm và mong mọi an lành đến với bè bạn tôi.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: VỀ NƠI CHỐN CŨ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 2 2021, 13:30
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
VỀ NƠI CHỐN CŨ

Tiếng điện thoại reo trong đêm khuya, cho tôi cảm giác phập phồng, Má có sao không ở nơi quê nhà?! Nhưng giọng nói quen thuộc của Huy vang lên:
- Sao cô, đã nghỉ làm chưa, cô khoẻ không?
Tôi suýt bật cười và đáp trả:
- Tôi đâu rảnh như ai đó, ngồi trực mà vẫn gọi phá người ta, cậu biết mấy giờ chưa, mười hai giờ đêm đó, tôi đang ngủ đây, cậu nhỏ!

Nhưng chợt nhớ, em đang bận tâm cho việc thất nghiệp của mình mà. Ừ phải rồi, cuối tháng nầy là tôi phải ở nhà, để rồi không biết sẽ ra sao nữa? - Về thăm Má, lãnh tiền thất nghiệp một thời gian? Hay tìm một việc làm mới, phụ giúp gia đình trong hoàn cảnh kinh tế đang khó khăn cả nước?

Mấy ngày nay, con đường mười lăm dặm, từ nhà tới sở làm, sao thấy ngắn ngủi lạ lùng, thoáng chốc phương thảo huyền đã tới. Không như ngày nào, lên xe lái mà lòng cứ ao ước được nằm nhà ngủ nướng cho bằng thích. Rồi đây, mỗi sáng cứ năm giờ thức giấc, loay hoay với mền gối, đến bảy giờ chưa ra tới cửa, hốt hoảng sợ trễ... Để rồi nằm nhà chơi, chán ơi là chán!! Thời hoàng kim đã qua, nhà cửa bây giờ bị đóng băng, việc đóng cửa một vài chi nhánh của công ty địa ốc, là chuyện bình thường. Bình thường như việc ăn, ngủ, đi làm mỗi ngày của người dân xứ Mỹ nầy.

- Cô nhớ là chưa viết bài cho tụi em ở đây đó nha.

Là lớp trưởng của 12AB, lớp tôi chủ nhiệm, Huy tuy hiền nhưng rất nghiêm túc, có năng lực lãnh đạo, có phương pháp hướng dẫn các bạn học... Dạo đó, học sinh thường hay chọn ban Toán (C) hay Sinh Vật (D) để có tương lai khi vào đại học. Ban AB là phần thưởng cho thầy trò chúng tôi, bởi chúng tôi là những người hay mơ, lắm mộng, xem cuộc đời như những bài thơ tuyệt mỹ, nhưng thật ra ở hai ban kia, các cô cậu cũng làm thơ, múa bút ra trò. Tuy vậy, lớp 12AB lúc nào cũng đứng đầu khối trong mọi cuộc thi đua. Nhìn ánh mắt vui mừng, nghe những câu nói hoan hỷ, tôi vô cùng xúc động, bởi tôi biết các em rất cố gắng, và hết sức đoàn kết, để tạo ra những kết quả trên.

Và bây giờ, em vẫn như xưa. Vẫn là người tiên phong trong mọi cuộc chơi. Sự nối kết giữa các Thầy Cô, bạn bè là do một tay em tạo ra. Sau lưng người đàn ông thành công, là có sự hiện diện của người đàn bà tốt. Vợ em, tuy chưa tiếp xúc, nhưng tôi vẫn tin rằng, cô ấy rất hiểu em, đứng một bên lặng lẽ, để em tự do làm những điều em muốn, nhưng em ơi, nếu em làm sai, cô ấy sẽ lên tiếng đó. Cô ấy luôn quan tâm đến em.

Buổi tiệc đêm hôm ấy, diễn ra ngoài dự tính của tôi. Về thời gian và con người.

Tôi chỉ ghé thị xã Long Xuyên, thăm dì và dùng cơm cùng người thân, Nhưng sau đó, bất ngờ tôi có được một buổi trưa thật tuyệt vời. Chúng tôi, ba đứa dung dăng tới quán nước gần Sở Giáo Dục, ngồi nhâm nhi ly nước mà nhớ quảng đời qua. Cái thời còn đi chấm thi ở Sở, có giờ rảnh là ra quán chè tại công viên. Ngồi nhìn lá rơi, nhìn người qua lại, dùng những tô bún bò Huế, chao ôi là cay. Ngọt cay của một thời đã qua! Dung dăng, là vì tôi được đi bộ. Cái thú nhất của tôi là đi bộ dưới những tàng cây lớn, bóng mát vừa đủ để những dãi nắng vàng đuổi bắt nhau, hay những cơn mưa bụi không đủ ướt áo người đi. Chúng tôi ghé tiệm vải, mua bộ áo dài để tìm cảm giác ngày nào còn lên lớp. Chiếc áo dài trắng, xanh, vàng, hồng... được ghi vội vào bìa tập của một em gái ngày nào. Tôi hỏi em trong dịp kiểm tra tập. Em bảo, để coi bao lâu thì cô trở lại chiếc áo cũ??
Và chiều lại. Thật bất ngờ. Thật cảm động. Nhìn số lượng người hiện diện lúc nầy, lòng tôi thấy nao nao. Hầu như các em học sinh cũ, đang làm việc tại tỉnh đều có mặt. Tiếng nói cười, lời thăm hỏi vang vang.
- Mời cô ly rượu chúc mừng ngày cô về thăm quê.
- Cám ơn, nhưng cô không uống được.

Rồi chụp ảnh lưu niệm, tặng quà cho cô.
Thời gian qua nhanh, tôi phải về rồi. Nhìn các em đưa tiễn, tôi thấy bùi ngùi. Tôi phải về với Má, Má đang đợi tôi.
- Lúc tôi rời trường, cô mình đã nói chuyện và khuyên bảo tôi, sao cho thích ứng với nơi học mới. Tôi không bao giờ quên điều đó.

Câu nói thoáng qua tai, khi nghe một em nói về tôi ở bên kia bàn. Cám ơn em đã còn nhớ.. Ngày xưa, hình như tôi hay tìm cách đến gần, các em có tâm trạng hay hoàn cảnh bất thường nào đó. Tôi ngây thơ với niềm tin bất diệt: lòng thành và tình thương chân thật, sẽ giúp các em giải quyết mọi tình huống. Tôi tự tin trong hành động đó, đến nỗi có học sinh cho rằng tôi đóng kịch để lấy lòng thương mến. Cho đến khi chuyển trường, tôi nhận được cánh thư, với nội dung làm tôi xúc động và vẫn nhớ.

Em viết: “...Trước khi học với cô, em vẫn nghe nhiều về cô. Em cứ nghĩ các bạn khoa trương thôi, hình ảnh bề ngoài không thể mang nội dung cô có. Nhưng càng học cô, em thấy mình lầm. Cô thực sự thương mến học trò, không phân biệt giai cấp, cá tính. Cô vì học sinh trong vấn đề giáo dục làm người... Một lần nữa, mong cô tha thứ cho đứa học trò nầy.”

Cám ơn em gái. Những lời em viết như giòng suối ngọt ngào, tươi mát. Ngày ấy và bây giờ. Cũng vậy thôi. Làm nghề dạy học, có gì vui cho bằng có được người thấy và cảm nhận ra mục tiêu của mình.

Trên đường ngồi xe về, ôn lại những thành công và hạnh phúc của các em. Song song đó, cũng nghe những bất hạnh, đau buồn ở một số em. Buồn, vui, thành đạt, thất bại... Phải chăng đó là cuộc đời. Cuộc đời vây quanh chúng ta.

Về lại Sài Gòn. Tôi đã tìm thấy những gì tôi muốn tìm. Qua Sáu, qua dáng dấp ngày nào, qua tiếng nói nũng nịu không khác xưa. Và nhất là qua phong cách làm vợ của em. Dịu dàng, khả ái, yêu thương và tín nhiệm “người ta”. Chao ơi, tôi ngất ngây trong niềm xúc cảm đó. Tôi ngày xưa, có được như em bây giờ?? Em của tôi, đã là mẹ của hai chàng trai trẻ, đã có địa vị trong xã hội, đã có tiện nghi vật chất đủ đầy. Vậy mà, em tôi vẫn dễ thương, vẫn mộc mạc, vẫn lễ phép ngoan hiền.

“Anh à, lát em đưa cô về, anh ở nhà đợi các con nha.”
“Anh à, cô hỏi xe mình mua bao nhiêu vậy?”
“Cô biết không, nhà nầy là do tự tay anh ấy trang trí lấy. Nghiên cứu mấy nhà cao cấp, cộng thêm kinh nghiệm sẵn có...”

Kèm theo câu nói, là ánh mắt yêu thương, nể vì và nụ cười nồng ấm. Tôi cứ ngỡ mẫu người như vậy đã không còn tồn tại nữa, vậy mà...

Hãy yêu thương và trân trọng những gì em đang có nha,”người ta” của em tôi.

Sáu của tôi ơi! Buổi gặp gỡ sau mấy chục năm chia cách, tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi một hình ảnh vô cùng đậm nét. Em làm tôi nhớ lại, dòng sông sau nhà ở quê em, buổi đi dạo quanh phố của chúng ta. Và mỗi khi gặp lại, cô bạn em chỉ có một câu: “Thầy biết không, tụi em đi chơi với cô, hai đứa em đều là con gái mới lớn, vậy mà tụi nó chỉ chọc có một mình cô, thiệt là quê.”

Ngày ấy, khi nào có tiệc trong gia đình em, là có mặt tôi. Ngủ một đêm, nhìn cảnh chị của em lạy xuất giá trong sự rộn rịp của người thân, đôi lúc tôi cũng ngậm ngùi. Đám cưới tôi, ở những tháng ngày không yên ổn của đất nước, bạn bè không dám đến vùng biên giới xa xôi, chị tôi cũng không có phép về. Nhà đã ít người, bây chừ chẳng có ai, giờ rước dâu lại quá sớm, một mình tôi tự lo lấy. Nước mắt cứ rơi, không biết vì sắp rời căn nhà thân yêu hay vì quá cô độc.

Tiệc nhà em xong, bên dòng sông hiền hoà, chúng ta cùng nhau rửa chén, thỉnh thoảng một vài chiếc tàu xuất hiện, rồi biến mất. Nước vẫn trôi trôi, em vẫn luôn bên cạnh tôi, đầm thắm, dịu dàng. Để rồi sau đó, đến lượt em về làm dâu nhà người ta. Hình đám cưới em, bây giờ tôi còn giữ. Em yêu kiều trong chiếc áo cưới, môi mỉm cười tràn đầy hạnh phúc.

Trở về Châu Đốc, nơi Má đang chờ tôi cả ngày qua. Má ơi! Con đã về bên Má nè, Má ngủ ngon nha.

Nhìn ánh mắt rưng rưng, khuôn mặt đầy cảm động khi nhận quà của Tiến. Tôi thấy lòng mình chùng xuống, tự giận sao không có nhiều thứ để trao ra. Nói với em những lời dịu dàng như ngày xưa, lắng nghe những tâm sự em chồng chất... Tôi chỉ biết im lặng và ngậm ngùi.
Thương em mà không sao diễn đạt, ngôn từ bay mất tự phương nào. Tôi như người máy, vô hồn, không cảm giác. Hình như trạng thái nầy tôi mang đã khá lâu. Lặng thinh trước mọi thứ, đúng sai tùy người dệt chuyện, tôi không có ý kiến. Mấy mươi năm nơi xứ người, làm công việc tay chân, miệng thôi nói, môi không còn dịp nở hoa, phong cách lầm lì khó ưa. Tôi không còn là tôi của ngày nào. Có chăng là ở những phút giây ngắn ngủi của ngày cuối tuần, gia đình họp mặt. Bên cạnh người thân, tôi tìm thấy tôi.

Tôi của ngày xưa ấy. Sao vô tư, hồn nhiên, tin người, tin mình. Tôi như con gái nhà giàu, giàu tình thương, muốn chia sẻ, gánh vác, muốn mọi người cùng vui, không ai phiền muộn. Tôi đi sâu vào từng người một, lắng nghe và san sẻ, phân tích và an ủi, yêu thương và đồng cảm. Nhớ ngày mới đi dạy, đang giờ nghỉ giải lao, một học sinh chạy lên văn phòng, báo tin có bạn xỉu tại lớp. Tôi vội vã chạy xuống lớp, không ngần ngại cạo gió liền cho và săn sóc người bệnh trước sự ngơ ngác của cả lớp, bởi vì lúc ấy đã vào học và không phải lớp tôi đang dạy. Tôi không đặt vấn đề nam hay nữ, lớn hay nhỏ, chỉ biết đó là bệnh nhân, cần phải chăm sóc kịp thời, thế thôi.

Tôi lại còn lo lắng cả người nhà các em. Đứa em nhỏ lỡ dại, lấy cắp bản khai sinh anh mình để đi lính, bị bắt. Tôi nhờ người quen bảo lãnh em ra.

Song song đó, tôi được các em tin cậy và yêu thương nhiều. Những mảnh đời thường, những tâm tình mới lớn, các em đều thỏ thẻ cùng tôi, như một người chị, như một người bạn lớn tuổi. Vậy đó, tôi đã sảng khoái với cuộc sống như trên. Miệng nói, môi cười, cõi lòng ấm áp. Không tính toán, không vụ lợi và không lo sợ cho ngày mai.

Tôi bây giờ. Tuổi già đã gặm nhấm cả tâm hồn. Từng đoạn đường đi qua, với những kinh nghiệm được trả bằng mồ hôi và nước mắt. Lăng kính màu hồng ngày nào, được thay bằng màu xám hoàng hôn. Trời cao càng cao thêm. Gió mạnh, mưa to, rét giá không lường. Im lặng và nghi ngại ở bất cứ tình huống nào, bởi chẳng có niềm tin. Tin người, tin mình. Trải qua gần một đời người, mới thấy mình thật vô tích sự. Không năng khiếu, không tài mọn dù chỉ là một chút khéo tay, nói chi đến chiếc đầu hoàn toàn rỗng tuếch.

Chuyến về thăm nhà lần nầy rất ngắn, tôi định không cho ai hay biết, chỉ muốn dành tất cả cho Má. Người Má ngày nào nhanh nhẹn, lo lắng cho con mọi thứ. Giờ chỉ còn là da bọc xương, nằm trên giường với đôi mắt biết nói và miệng ngậm câm. Đầu óc Má còn rất tỉnh táo, Má nghe được hết và phân biệt mọi thứ đang xảy ra. Má cảm nhận mà không có ý kiến. Vui buồn với Má giờ không còn ý nghĩa. Có ăn cũng được, không ăn cũng chả sao, má chưa bao giờ đòi lấy. Ai cũng nói Má không được rồi, nhưng tôi biết Má còn tinh tường lắm. Bàn tay Má nắm tôi rất chặt, đôi mắt Má nói nhiều lời với tôi, miệng Má cười mà sao méo xệch... Nhưng bây giờ bên Má còn có chị, có em gái, có kỷ niệm của Ba, có quê hương, có chòm xóm, nắng ấm tình nồng, Má ơi!

Mỗi lần tôi đi đâu lâu, nước trong mắt Má rơi ra, chị bảo là nước mắt sống. Nuốt ngược cơn đau, tôi thầm hứa, sẽ không vậy nữa đâu. Mọi cuộc chơi tôi đều từ chối. Tôi còn nhiều thời giờ mà. Má tôi thì không thể đợi chờ.

Nước mắt lại rơi. Tuổi già sao nhiều nước mắt đến vậy. Cũng như người già hay nín câm.

Chiếc lá nhè nhẹ rơi!!!

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: VÓI TAY CON LỚN - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 2 2021, 13:39
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
VÓI TAY CON LỚN

Chiếc xe đạp cũ, trên có máng cây đèn nhỏ, được anh chở cô đến bệnh viện.
- Em chưa thấy dấu hiệu gì mà, sớm quá không anh?
- Dạo nầy giới nghiêm vào nửa đêm, vả lại không phải con so, mà chiều đến giờ, em cứ ra nước hồng hồng. Đi trước vẫn hơn em à.

Cô nghĩ cũng đúng, nên dặn con gái ngủ sớm, giao nhà cho đứa cháu chồng trông coi, rồi theo anh đi sanh, thật tự nhiên, không hồi hộp như lần sanh đầu tiên, cách đây đã tám năm.
Đến bệnh viện, vào phòng ghi danh, nhìn cô y sĩ thật nghiêm trang, khuôn mặt không lộ cảm xúc vui buồn, cô đành tìm một góc nhỏ để đứng. Nhìn lớp người chung quanh, đứng, ngồi, có cả nằm dài trên hành lang trước phòng sanh, mà cô thật ngao ngán. Tiếng rên, tiếng réo gọi tên chồng, tiếng nghiến răng chịu đựng của các bà sắp đến giờ sanh, ít nhiều làm cô cũng thấy bụng hơi bị lâm râm đau. Ngày xưa, cô nhìn chiếc đồng hồ trên tay, để đợi chờ từng đợt đau tới thăm, khoảng mười phút, rồi năm phút, cô vẫn thản nhiên tiếp nhận, có gì đau đớn đến như phim ảnh đã xem. Ồ, vậy mà, đến khi lên bàn sanh. Đúng, đúng là đây. Đứa con so còn khờ khạo, cứ ra rồi vô. Mẹ thì cứ lấy hơi để tiếp sức, rồi thở ra... Cuối cùng, bám vào bờ vai ai đó, cắn chặt để đưa con tới cuộc đời. Tiếng khóc oe oe, làm mẹ nở nụ cười trên khuôn mặt đẫm mồ hôi. Chuyện ngày xưa nhớ lại, làm cô quên đi cơn đau bụng đang dần dần thôi thúc, nhưng mặt cô dần xanh đi làm nao lòng anh. Anh vào phòng để xin cho vợ vào sanh, cô cũng lần bước đến trước cửa đợi.

- Không được, bao giờ sanh mới được vào. Cô y sĩ lên tiếng.

Cô xót xa, định gọi anh ra. Nhưng “bựt” một dòng nước ấm trào ra bên dưới chân, màu đo đỏ, cô muốn ngất đi, nhưng vẫn cảm nhận anh và cô y sĩ đang nhào đến dìu cô. Vừa lên bàn sanh, tai cô cũng nghe tiếng em bé khóc oà.
- Mẹ đây, con gái của mẹ!!

Không biết quá vui hay sao, trời đổ cơn mưa liền sau đó. Và sáng lại, lội mưa anh đạp xe về nhà báo tin.

Buổi sáng, nhìn con bên cạnh, chung quanh nhiều giường cùng cảnh ngộ, ai cũng trầm trồ tác phẩm tuyệt tác của mình. Cha ngắm con với ánh mắt trìu mến. Bà nhìn cháu ngủ say sưa... Một chiếc băng ca đang được đẩy về hướng cô một cách vội vã, tiếng nói nghe quen:
- Cô ơi, sao không cho em hay khi cô đi sanh?

Khuôn mặt đẹp của Hiền, trong đồng phục y tá, đang phụng phịu, tôi vội nói.
- Cô không nhớ, cô quên hai em làm ở đây, nhưng nhờ Trời, mẹ con cô an lành. Cám ơn em nha.
- Cô qua bên kia phòng nghỉ nha.
- Không sao đâu, đã yên rồi. Em đừng bận tâm.

Dù cho cô từ chối nhiều lần, nhưng Hiền vẫn tìm cách mang cô đi sang phòng riêng. Cô thật sự không vui lắm, vì thấy ngại ngùng trước những đôi mắt “láng giềng”, nhưng nghĩ lại cũng mềm lòng vì tình cô học trò cũ.

Con gái lớn lên trong tình yêu thương của ba mẹ, ông bà, dì dượng và anh chị... Nhưng, bối cảnh nước nhà trong những năm thập niên thứ tám của thế kỷ trước, nên nghèo, bệnh khắp nơi... Con cũng bị ảnh hưởng lớn. Nhìn con uống những ly sữa đặc đường kèm thêm sữa mẹ, lòng cô chùng lại, nhớ ngày xưa, con gái lớn uống sữa Guigoz khi mẹ bận dạy xa, mà đôi khi trễ xe không về được, trăn trở cả đêm vì bầu sữa căng nhức... Rồi bây giờ, với những đêm thức trắng, cô ôm con ngủ ngồi dựa vào thành giường, theo dõi cơn bệnh. Con sốt nóng, kéo theo việc động kinh, ngón tay cô chưa lành thì bị thêm, khi đặt nó vào miệng con, tránh việc cháu cắn vào lưỡi. Con mê man trong vòng tay mẹ, thỉnh thoảng tỉnh, bảo mẹ ngủ đi hay cười một cái cho mẹ an lòng.

Thời gian nầy, cô thật sự thấy mình có lỗi cùng các em học sinh. May mà ban giám hiệu không sắp lớp chủ nhiệm khi ấy. Có khi đang dạy, có tin nhắn về liền vì con bệnh, hay xin phép nghỉ vì đêm rồi thức trắng... Do tác phong cũng khá trong thời gian qua, nên từ ban giám hiệu, đến bạn đồng nghiệp, và học sinh đều cảm thông vẫn yêu mến.

Buổi chiều hôm ấy, cơm nước xong, thấy đứa con nhỏ ngủ yên, anh nói cùng cô:
- Anh ra ngoài uống cà phê chút, sau đó ra Má rước con về.

Hai mẹ con ở nhà đợi. Cô nhìn con ngủ, đôi má hồng hồng, chiếc mủi nhỏ thon gọn cao cao, lòng thầm nhủ: mũi đẹp giống ba, má hồng tựa mẹ... còn gì bằng. Cô vào phòng trong, chuẩn bị sách vở cho ngày mai đi dạy sớm, vừa trở ra đã thấy khác thường. Hơi thở con gấp gáp, mặt đỏ bừng, chuẩn bị cho cơn sốt tới. Cô cho con uống thuốc hạ sốt và ẵm lên mình, nhìn con mà nước mắt cứ chảy. Con vẫn nằm mê, anh và con gái lớn vẫn chưa về, cô thấy lòng quạnh hiu, miệng cứ gọi tên con... Một lát sau, có người bước vào, gia đình Bác Ba khít bên nhà.
- Cháu sao rồi Mợ Út? Tiếng Bác Ba gái.
- Dạ cháu nóng quá, con cho uống thuốc mà vẫn chưa bớt thấy mê man, con lo.

Bác Ba trai ôm cháu lại bàn Phật, và khấn vái, Út Lộc đến bên cô thầm thì:
- Không sao đâu chị, cháu sẽ khỏi thôi. Thấy nhà không đèn sáng nên ba má và em lo cho chị, anh Út chưa về hả chị?

Cô lắc đầu, cùng lúc đó hai cha con anh đẩy cửa vào.

Cả đêm không ngủ, con vẫn không tỉnh lại, nhịp thở yếu dần. Lúc đó, thị xã đang có dịch bệnh, nhà nhà đều có trẻ con bệnh, bệnh viện thì quá đông khách, thuốc men lại không có, phải bỏ tiền ra mua, nên ai cũng không muốn đưa người thân vào nằm viện...

Biết anh không chịu nổi nếu đêm nay không ngủ, nên cô ôm con và bảo anh ngủ đi. Tiếng cô niệm phật đã đưa anh vào giấc ngủ, nhưng con vẫn không chút khá nào. Tiếng gõ kim đồng hồ, làm đêm như dài thêm ra. Cô rã rời thể xác lẫn tinh thần. Nhịp đập tim con yếu lần, đôi khi mất nhịp. Cô bừng dậy, không được, con cô không thể bị gì, cô phải làm bất cứ điều chi để con khoẻ lại. Cô lay anh dậy và nói ý mình muốn đưa con vào bệnh viện, ở đó có nhiều người chuyên môn, có khoa học kỹ thuật, nhất là có nước biển truyền vào để con khoẻ lại, ít nhất là bây giờ.

Hai đứa ôm con đi liền. Trên đường, ngang nhà chị bạn (có chồng là bác sĩ quân y ngày trước) Cô bấm chuông nhà xin ý kiến của anh chị. Anh ấy chỉ nói: bệnh cháu có nằm viện hay ở nhà, cũng vậy thôi!!

Cô thẫn thờ, cùng anh đem con về, với cõi lòng tan nát. Con vẫn trong tay cô, vẫn nhắm khít hai mắt, hơi thở nhẹ đi. Cô vẫn niệm phật xin có được phép mầu cứu con. Đột nhiên, như phép mầu có thật, soi sáng trí óc mơ hồ, cô nói cùng anh:
- Sao anh không châm cứu cho con? Suốt ngày anh châm cứu cho người, mà quên mất con mình.

Anh giật mình:
- Ừ sao lạ vậy. Anh thật sự không nhớ điều nầy đó.

Thế rồi, nhìn anh châm cứu cho con. Con vẫn yên ngủ, mặc cho những cây kim trên cơ thể gầy guộc, đang kêu gọi, đang vực dậy, những mạch máu, những tế bào, hội tụ lại trong trái tim nhỏ bé kia...

Không biết bao lâu nữa, hình như không lâu lắm đâu. Cô đang lim dim với giấc mơ thật đẹp, bên anh và hai con gái ngoan hiền... Thì
- Mẹ ơi!!

Tiếng con bé vang lên trong đêm khuya, tuy nhẹ nhàng nhưng vang dội trong tim của anh và cô. Mắt bé mở rộng, nét tinh anh thấp thoáng đâu đó. Môi bé hé nụ cười tươi, lần đầu tiên nhìn thấy lại, lòng cô như nở hoa.
- Con ngoan quá, con thấy trong người sao rồi?
- Con khát nước, con đói bụng nữa.
- Ba cho con uống nước đây, con ráng khoẻ nha. Ba mẹ thương con nhiều lắm.

... Mặt trời từ từ ló dạng, một ngày mới bắt đầu. Con gái dần hồi phục và lớn nhanh trong tình yêu thương của cả nhà.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: EM, NHỮNG CON SÁO NHỎ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 2 2021, 10:34
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
EM, NHỮNG CON SÁO NHỎ

Tôi không biết nói gì về những người bạn nhỏ, những cô cậu học trò ngày nào của tôi. Hai tiếng biết ơn thôi, chưa đủ nghĩa. Bởi vì ở đó, tôi nhận được rất nhiều, nhiều lắm.

Không chỉ là sự kính phục với người thầy dạy học, mà còn là sự ấm áp của một tình thân. Các em đối với tôi không phân biệt trai gái, qua từng năm học. Bạn bè đồng nghiệp thường trêu bảo tôi là người có nhiều đệ tử nhất. Thật vậy, bên tôi lúc nào, bao giờ cũng có những con sáo nhỏ đó.

Nhớ ngày mới ra trường, nhận nhiệm sở ở một vùng ven biên. Các em nam sinh đã làm đỏ mặt cô giáo trẻ, thay phiên nhau chất vấn lý lịch cá nhân. Nhưng rất mau, tôi là người duy nhất được các em mời tới tham dự buổi tiệc chia tay, để lên đường nhập ngũ. Nói sao hết cảm xúc ngày nầy. Thời điểm của năm 1974 sôi động, trên khắp chiến trường đều vang tiếng súng, người tôi yêu dấu còn miệt mài ở chốn ba quân, tôi nói được gì với các em ngoài câu chúc lành.

Từ thuở đi học cho đến ngày ra trường. Bước chân vào đời, tôi còn được sống trong sự nuông chìu bảo bọc của gia đình và của Anh. Cho đến ngày đất nước hoàn toàn thay đổi. Mọi người chung cùng mệnh số. Thanh niên cả nước đi tù. Anh đi tù. Cũng như mọi người đàn bà miền Nam Việt Nam, tôi phải chuẩn bị cho mình và đứa con mới mười tháng tuổi, một đời sống mới. Tôi cảm thấy lo sợ, mất tự tin, lúng túng. Tôi có gì ngoài số vốn học hành trong trường, một ít kinh nghiệm trong giảng dạy. Cuộc đời chông gai, sóng gió bên ngoài, tôi chưa từng đương đầu, chưa phải là đối thủ nếu phải chịu đựng. Tôi không có tiền để nhảy ra thương trường và cũng chẳng yêu thích gì về mặt nầy. Bấy giờ, chỉ còn tiếp tục việc dạy học để mưu sinh, ở yên chỗ thăm nuôi chồng, và dạy con nên người.

Tôi tiếp tục con đường mình đi, nhưng với mọi sự bắt đầu. Cái gì cũng khác ngày trước. Tôi cố quên hết những bài thơ, câu văn ngày nào, để nhồi nhét vào đầu óc những câu giáo khoa viết sẵn. Vậy mà,các em học sinh của tôi cũng thông cảm, và càng đến gần tôi hơn.

Ngày trước, các em đến với tôi vì tôi còn trẻ, tự nhiên, không kiểu cách. Tôi thật sự trân trọng những ý kiến của các em, nên chúng tôi gần gũi và thông cảm nhau. Các em muốn được tâm tình, muốn được hiểu biết… Nhưng bây giờ, các em đến gần tôi, nhằm vào việc chia sẻ những cơ cực về mặt tinh thần lẫn vật chất của tôi.

Tôi biết cái thế của mình. Các em cũng biết vai trò tôi hôm nay. Là những nhẫn nhục chịu đựng qua ngày đoạn tháng. Tôi biết lắm. Tôi hiểu rất rõ những tâm tình ấy. Làm sao tôi quên được những ngày lao động đầu tiên. Vét kinh trên tận biên giới Kampuchia, đi tàu gần một ngày, đêm ngủ ngoài trời, mưa ướt cả lều, sáng dậy ra đồng. Khi nhìn thấy tôi trong bộ bà ba đen, đầu lại quấn khăn, tay cầm chiếc xẻng, tụi học trò chủ nhiệm bảo cô vẫn không giống người nông dân. Các em muốn cho tôi đừng buồn, nhưng lại càng làm tôi khó chịu. Các em lăng xăng làm hết mọi việc cho tôi. Tôi phát cáu, vừa tức, vừa cảm động, bật khóc. Tôi chưa đủ sức hòa vào đời sống lao động, chân lấm tay bùn…

Các em lặng thinh, một vài tiếng nói nhỏ nhẹ. Thôi cô, đừng buồn làm gì, rồi sẽ quen đi. Tôi biết chứ, rồi sẽ quen đi, hay rồi sẽ quên đi mọi thứ mọi điều.

Làm sao tôi không nhớ, những đêm đi dạy Bình Dân Học Vụ. Đường khuya vắng, buồn tênh lẫn sợ sệt. Với Lê, Lý cận kề để an tâm băng qua sân vận động trước khi đến trường. Những Huỳnh, Nguyễn theo sau nói cười cho quên ngày tháng. Trong tình thân các em, tôi thấy mình tìm gặp lại cái hạnh phúc ngày nào. Ngày xưa ấy, bên cạnh Anh, tôi như một công chúa nhỏ, chẳng phải lo lắng gì. Anh chu đáo dặn dò khi ở xa, và làm tất cả cho tôi khi về phép. Anh tập cho tôi thói quen phụ thuộc vào Anh. Tôi không thể tưởng tượng được, mình sẽ như thế nào khi không có Anh bên cạnh. Vậy mà, điều không tưởng ấy lại xảy ra. Và tôi vẫn có thể đứng vững, lại gồng gánh thêm Anh, con và cha chồng.

Tôi thật không thể được, nếu không có ba mẹ, anh chị em yêu thương đùm bọc, lo cho từng gói quà khi đi thăm nuôi chồng, săn sóc con thơ khi tôi dạy xa nhà. Bên cạnh đó, bạn bè và các em san sẻ, an ủi tôi về mọi mặt. Những trái bầu, bí, ớt, cà, xanh tươi là công lao của thầy trò chúng tôi trên những luống đất cằn cỗi, bên cạnh khu nhà tập thể. Mỗi buổi chiều, sau giờ tan trường, các em thay phiên nhau vào chăm sóc, để chúng tôi “cải thiện đời sống”.

Tôi bây giờ, phải loay hoay với mấy đồng bạc trên tay, để mua thức ăn về cho một tập thể giáo viên trong khu. Một ký cá linh để kho một nồi với thật nhiều nước. Một ký rau muống, luộc lấy nước làm canh, rau chấm nước cá, dầm ớt thật cay lấp đi mùi tanh. Hoặc một nồi canh giá hẹ tàu hủ cho rẻ tiền. Anh Đức bảo tôi, sao lần nào đến phiên, chị cũng cho ăn cỏ vậy? Tôi cười trừ, nghèo mà anh. Và tôi làm sao quên được, những buổi ăn đầy tình cảm gia đình trong nhà Huỳnh. Khuôn mặt dì Sáu hiền từ, bé Nhan dễ thương, gắp cho tôi thật nhiều thịt, để bù lại những ngày kham khổ. Ở đây, tôi có một đời sống gia đình tạm gởi, nhưng ấm áp vô cùng.
Làm sao tôi quên được. Những khuôn mặt của các em, một hàng ngũ mới, cũng những con sáo bao quanh, khi đổi về trường cũ quê nhà. Ở đâu tôi cũng có một tình thân, có những niềm vui, cùng những lo âu hãi sợ. Làm sao tôi quên được cái đêm giao thừa năm ấy, một mình bên đứa con nóng sốt.

Điện không có, dưới ánh đèn dầu leo lét. Tôi lo sợ không biết làm sao. Nước đá không có, chỉ đắp nước lạnh. Thuốc men không phải dễ kiếm ở tình hình lúc bấy giờ… Nghe tiếng gõ cửa, tiếng gọi cô ơi. Tôi mừng rú lên. Học trò đi chơi khuya, đi xông đất nhà cô, hay gì đi nữa, lúc nầy tôi cần có người phụ giúp.. Mở cửa. Khuôn mặt ba đứa học trò thân thương. Thấy nhà cô còn đèn cúng, giao thừa mà- nên vào thăm cô cái giờ rất ư là đầu năm… muốn nói tiếp, nhưng thấy khuôn mặt tôi và cháu bé, chúng đâm hoảng. Tôi không muốn đưa bé đi bệnh viện lúc nầy, nên một đứa ở lại, hai đứa chạy về nhà cầu viện. Cũng may, gia đình hai đứa bán thuốc tây, cái nghề nhiều người sống theo tình hình lúc bấy giờ. Một lát sau, thuốc men đủ đầy. Tôi cũng không còn biết gì hơn, cho bé uống thuốc theo lời dặn của người ơn. Trong đêm khuya, cái đêm giao thừa đáng nhớ của một đời làm mẹ. Không có ai, không còn ai lúc nầy, chỉ có tình nghĩa cô trò.

Những ngày không có Anh kề bên. Tôi có các em, có đời sống bên gia đình các em. Đã tạo cho tôi một tình cảm chân thật trong đối xử. Cuộc đời có những bất hạnh, nghiệt ngã chung, nhưng ở đâu tôi cũng có hạnh phúc. Đó là sự sống thật lòng.

Ngày xưa. Chị Hạnh đến với tôi, có thể vì hoàn cảnh sinh kế nuôi thân. Tôi đến với các em vì nghề nghiệp. Ở chị Hạnh, tôi được yêu thương tuổi nhỏ. Ở các em, tôi là người cô, khác gì chị Hạnh. Khác chăng, tôi được đền bù từ những con sáo sắp bước chân bay nhảy ra cuộc đời. Các em đã đứng chung về một phía của người thua cuộc, của bất hạnh bất ngờ đổ xuống trên vai một người đàn bà.

Bây giờ, tôi không còn đứng lớp gần gũi các em.

Mỗi người mỗi ngã, chí hướng, sự nghiệp. Thật ra, có muốn cũng đâu cưỡng nổi thời gian, huống gì những đổi thay trong cuộc đời mạng số.
Chị Hạnh ra đi từ thuở ấu thời, không bao giờ trở lại để biết tin nhau. Tôi cũng ra đi, biết bao giờ sống lại một thời xưa cũ trên miền đất quê nhà. Ở đây không còn là cô của ai, không còn bên tôi những thật thà, thẳng thắn trong nghĩ suy của tuổi mới lớn. Có chăng là những bất chợt tình cờ, từ một tiếng gọi cô của người học trò cũ. Còn có tiếng gọi, xưng em, là còn có hoài niệm một thời đã qua.

Tôi biết chính mình, tôi mang ơn từ những tình cảm biếu không ngày đó, để hiểu một điều. Ở đâu, chúng ta cũng có một tấm lòng bao dung rộng mở, một con người với nỗi từ tâm. Tấm ảnh chị Hạnh của tôi. Và em, một tấm ảnh cô trò ngày cũ. Biết đâu sẽ chung cùng câu nói. Bây giờ cô chỉ còn trong trí nhớ rất xa.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: VUI TRONG CHUYỆN KỂ - Phương Thảo Huyền
Gửi bàiĐã gửi: 24 Tháng 2 2021, 10:38
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
VUI TRONG CHUYỆN KỂ

Một bà lão bước vào xe không người lái. Động cơ nổ giòn, hai cánh xuất hiện, chuẩn bị bay lên.

Bà lão giật mình:
- Ồ, xe đi đâu thế?

Tiếng vọng trong xe:
- Thưa quý khách, đây là chuyến bay đến Thiên Đàng, còn gọi là Cực Lạc nữa.

Bà lão:
- Vậy còn đi chỗ nào nữa không?

Tiếng vọng:
- Chỉ duy nhứt lên Thiên Đàng hoặc xuống Địa Ngục. Nhưng hôm nay, xe không mang thiết bị xuống dưới.

Bà lão:
- Tôi chỉ muốn ở Trần Gian với người thân thương thôi.

Động cơ tắt, bà lão bước xuống.

Cửa xe được mở, bước ra là một phụ nữ đứng tuổi, mắt sáng môi hồng, với nụ cười như hoa... đi từng bước thong dong.

Phương Thảo Huyền


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 38 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4

» Giới Thiệu Sách: "NHỮNG MẨU VUN-NỐI" - Phương Thảo Huyền «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 5 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 5 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 5 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 5 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu