Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 11:37
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» NHỮNG NGÀY CẬN TẾT «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1262 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: NHỮNG NGÀY CẬN TẾT
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 2 2021, 19:12
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Một trong những điều mà Tâm hâm mộ chị Tư đó là cái tài gia chánh của chị. Chị chẳng những nấu ăn rất ngon mà còn khéo tay trong việc làm bánh mứt và tỉa tót rau củ. Cái tài ấy khiến chị bận tối mắt, tối mũi ngay từ giữa tháng chạp. Tâm cũng vậy! Vốn ghiền mùi khói bếp, nhứt là khói bếp dịp tết nên mấy ngày nầy hể đi học hoặc dạy kèm về là Tâm chạy qua nhà chị liền không kịp thay đồ.
Tâm rất thích được chị Tư nhờ vả: Sốt sắng đưa cho chị đôi đũa, nhấc cái nồi bự bành ky ra khỏi bếp, bưng cái rỗ thưa mà giủ cho rau ráo nước...nhưng cái công tác mà Tâm hăng hái nhứt là được chị nhờ nếm và ăn thử trước.
Chẳng biết có phải Tâm có cái lưỡi “vàng” như chị phong tặng hay không mà những ý kiến của Tâm đưa ra đều được chị nghe theo răm rắp. Điều nầy khiến Tâm vô cùng hào hứng, tự ví hai người như Tử Kỳ và Bá Nha.
Má thấy Tâm hể đi học về là chạy qua nhà kế bên, cứ cắm đầu vô bếp xà quần bên chân chị Tư hoài thì đâm lo, má nói:
-Làm con trai đừng có ở gần cái bếp quá mà bị nó phá tướng.
Rồi má chép miệng:
-Ba con hồi trước còn không phân biệt được canh chua với canh ngót, con cá trê với con cá ngác còn con bây giờ sao mà tinh tường quá xá! Thậm chí món nào má có bỏ bột ngọt hay không con nếm qua một cái là biết liền, giỏi thiệt!
Rồi má xuống giọng:
-Con cũng đừng hở hở là chạy qua nhà con Tư. Cho dù nó lớn hơn con tới ba bốn tuổi, gọi chị xưng em đàng hoàng nhưng mà không có máu mủ ruột thịt gì hết. Cái hàng rào đó thưa rỉnh hà, chui qua là lọt tót, đừng có thân mật quá mà hổng hay! Má nói trước cho mà biết, má không có thích làm sui với nhà sát vách đâu đó. Ông ngoại má hồi còn sống có dặn con cháu phải tránh hai điều: "Một là bà sui ở gần, hai là con nợ tuổi dần ở xa".
Má cứ lập đi lập lại câu nói đó mỗi ngày ít nhứt là một lần, vì mỗi ngày Tâm qua nhà chị Tư ít nhất là hai lần vào mỗi bữa ăn, để làm cố vấn về hương và vị của các món ăn mà chị nấu.
Trước đưa ông táo mấy ngày chị tư đã chuẩn bị đón tết. Những ngày nầy, Tâm qua chơi không còn bị chị hối về lẹ lẹ nữa mà có khi thấy Tâm dợm cẳng chị còn ráng cầm chân lại. Nhứt là mấy hôm chỉ làm kiệu, làm dưa món, gói kẹo chuối, lột vỏ me…
Thế nhưng cái chuyện mà chị Tư hoàn toàn trông cậy vào Tâm là “vắt”.
Lẫm rẩm mà cái công tác “vắt” ấy lại hết sức quan trọng! Ở một số món, như trộn gỏi chẳng hạn, bất cứ loại gỏi gì mà có những lát, những cọng đem ngâm nước đều phải được vớt ra rồi vắt cho thật là ráo. Điều ấy giúp chúng ngấm được giấm, đường, muối nhiều hơn, mùi vị nồng nàn và đậm đà hơn.
Ngày cận tết, cái khả năng ấy của Tâm được chị tận dụng, nhứt là trong việc làm dưa món! Cái món dưa món đó thường bao gồm hằm bà lằng thứ, nào su hào, củ cải, cà rốt, đu đủ… chúng đều được chị xắt mỏng, ngâm muối cho mềm rồi xã nước cho trôi chất mặn. Kế đó chị cho chúng vô cái bọc bằng vải mùng rồi bảo :
-Em ráng mà vắt cho thiệt là chặt tay, y như người ta cán mía vậy đó!
Tâm nghiến chặt hai hàm răng, vận hết nội công ra xài, khiến mấy con chuột trên cánh tay cong vòng cái lưng, thiếu điều xé thịt chui ra.
Sản phẩm của Tâm lúc nào cũng được chị khen nức nở.
Chị nói:
-Vắt khô như vầy phơi một nắng là khô queo, cho vô hủ rồi nấu nước mắm đường cho thật kẹo mà đổ vô, chừng vài ba ngày là ăn được rồi.
Tâm thích nhứt là vắt mãng cầu cho chị làm mức. Tâm mê mức mãng cầu của chị lắm lắm luôn, đồng thời mê cái nước chắt từ nó ra cũng không kém. Thứ nước nầy có vị ngọt ngọt chua chua, mang một mùi thơm rất đặc biệt mà không có một loại hoa trái nào bắt chước được. Chỉ cần cho vào một muỗng vun đường cát và vài cục nước đá, khuấy vài cái rồi đưa lên miệng thì ôi thôi! Tâm hồn ngất ngây, thiên đường là đây ngay lập tức! Lần nào nhờ vắt xong chị Tư cũng trao cho Tâm một ca đầy nhóc, uống đã gì đâu!
Hôm nay Tâm vừa về đến nhà là nghe tiếng chị gọi :
-Tâm ơi! Qua vắt tiếp chị một tay coi!
Đang khát khô cổ nên nghe tới chữ “vắt” là Tâm lật đật tháo cái ba lô ra khỏi vai rồi vắt giò mà chạy thục mạng ra cửa.
Tâm nghĩ thầm:
-Dưa món chỉ làm hôm trước rồi, chắc chắn bữa nay là vắt mãng cầu.
Má gọi giựt ngược:
-Trở vô rửa mặt rồi hãy đi!
Tâm đáp:
-Khỏi, mặt con đâu có dơ.
Rồi đâm đầu chạy tiếp. Cánh cửa cổng và cửa cái của nhà chị Tư chỉ khép sơ sài. Bước chân qua khỏi cửa, Tâm ngạc nhiên khi thấy nhà vắng hoe, bèn gọi to:
-Chị tư ơi, chị ở đâu?
Tiếng đáp từ trên lầu vọng xuống:
-Chị ở trên sân thượng nè, lên đây luôn đi!
Tâm hì hục leo lên ba cái cầu thang dài thậm thượt, vừa thấy mặt Tâm là chị hỏi liền:
-Đóng cửa lại cho chị chưa?
Tâm giựt mình cố nhớ mà chẳng ra, bèn lẩm bẩm một mình:
-Mới từng tuổi nầy mà bị bịnh đảng trí rồi sao trời. Cái chuyện vừa xảy ra mới tích tắc mà quên mất biệt!
Bèn đáp:
-Hình như là đóng rồi.
Chị Tư hối:
-Chịu khó chạy xuống ngó giùm chị một cái cho chắc ăn đi! Coi chừng tụi du côn nó vô rinh mất cái chậu mai là chị nghe chửi tắt bếp luôn đó!
Tâm chạy ra ban công nhìn xuống, cửa cổng còn mở toang hoác. Tâm phóng một lần hai bậc thang, đóng cửa xong lại chạy lên vừa thở, vừa hỏi:
-Đệ nhứt phu nhân cùng thủ tướng đâu rồi?
Chị thở ra:
-Đi về quê học tráng bánh rồi, ngày mốt mới lên.
Tâm đưa một cánh tay ra rồi nói:
-Tay nè! Tiếp chuyện gì? Sao hổng thấy trái mãng cầu nào hết vậy?
Chị Tư thở dài thườn thượt:
-Năm nay chị không mua được mãng cầu
Tâm ngạc nhiên:
-Sao chị bảo là qua vắt, hổng có mãng cầu thì vắt cái gì?
Chị Tư chỉ vào cái máy giặt đang mở nắp:
-Cái mền! Máy giặt đang chạy thì hư ngang xương, bây giờ mình phải vớt hai cái mền trong đó ra, xã sạch rồi vắt lại thiệt ráo đặng phơi cho kịp khô để tối mới có mà đắp.
Tâm hì hụt vớt hai cái mền ra cho vô cái thau lớn chị để sẵn rồi nhảy vô giậm cật lực. Xã xong, chị một đầu Tâm một đầu, hai người đứng đối diện nhau, cùng gồng hai cánh tay mà xoay cái mền nặng ì vì ướt nhẹp theo hai chiều trái ngược. Nó từ từ xoắn lại như sợi dây thừng, cho tới khi không còn một giọt nước nào rỉ ra chị Tư mới thốt:
-Được rồi!
Nước từ chiếc mền chảy lòn vô hai cánh tay rồi chạy dọc thân hình, khiến chiếc áo đầm bằng lụa màu mỡ gà chị Tư đang mặc ướt nhẹp, biến thành một lớp da ôm sát vào người.
Chao ơi! Cả một tòa thiên nhiên lồ lộ dưới mắt Tâm, đỉnh đồi, cao nguyên, đồng bằng...cả cái ao tròn tròn bé xiú nằm ngay bon chính giữa thung lũng!
Tâm chợt nhớ lại lời dặn dò của má bèn chép miệng:
-Công nhận má mình là người thấy rất xa, trông rất rộng. Cái kiểu nhờ vắt nầy coi bộ nguy hiểm hạng nhứt à nghen! Hổng chừng mình sắp vạch lỗ chó mà chui qua cái hàng rào thưa rỉnh ấy một cái ót!


Sửa lần cuối bởi luu tam binh vào ngày 09 Tháng 2 2021, 22:26 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHỮNG NGÀY CẬN TẾT
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 2 2021, 19:00
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Vắt xong cái mền thứ hai là chị tư hối Tâm:
-Về nhà liền đi kẻo dì năm chờ! Nhớ thay đồ trước rồi làm cái gì thì làm, để hông thôi nhiễm lạnh, cảm rồi là khỏi ăn tết nghe nhỏ!
Mỗi lần nghe chỉ gọi bằng "nhỏ" là Tâm tức y như bị ai thọc tay vô chỗ nhược mà ngoáy.
Bao tử của Tâm bỗng rên mấy tiếng. Tâm nhìn xuống người, cái áo sơ mi tay ngắn dán sát vào mình vì ướt nhẹp, Tâm nghĩ thầm:
-Mình cũng sexy đâu thua gì chỉ!
Thế rồi mặt mũi đỏ bừng, lật đật chạy ào xuống cầu thang.
Chị tư gọi vói theo:
-Đi từ từ thôi! Coi chừng trợt đó, gạch men gặp nước là trơn lắm nhứt là nước có chút xà bông ở trỏng. Thay đồ xong qua đây ăn cơm với chị.
Tâm mở cửa cổng bước ra xong đóng lại liền, còn lòn tay vô gài một cách cẩn thận. Chậu mai nhà chị tư đã nở được vài nụ, bông đậc gậc. Tâm nhìn nó rồi trầm trồ:
-Công nhận cây mai nhà nầy đẹp nhứt xóm.
Tâm gọi vói lên:
-Xuống khóa cửa đi!
Không nghe tiếng chị tư trả lời. Đói bụng quá nên Tâm không thèm chờ mà bỏ về nhà. Cánh cửa cổng nhà Tâm khóa chặt, chàng chép miệng:
-Chắc má giận nên biết mình đi rồi về liền mà cũng khóa cửa, hổng biết tại sợ gần tết trộm cướp rình rập tùm lum hay cố ý nhốt mình bên ngoài cho bỏ ghét!
Nghĩ vậy nên Tâm không dám gọi cửa mà quay trở vô nhà chị tư. Cũng may ban nãy Tâm về vội nên không bóp ổ khóa cánh cổng lại, lần nầy làm giùm luôn cho chắc ăn, khỏi lo cây mai qua nhà khác ăn tết. Tâm vạch đám cây dâm bụt, biên giới giữa hai nhà, thành cái lỗ chó rồi chui tọt qua.
May mà cửa nhà Tâm chỉ đóng chớ không gài bên trong. Tâm đi rón rén, chui vô nhà tắm, trong đó má đã máng sẵn một cái quần xà lỏn và chiếc áo thun cho Tâm từ hồi nào rồi.
Bụng đói ngấu nên Tâm chỉ tắm qua loa, lau mình mặc đồ xong là chạy vô bếp liền. Thường thì má chờ Tâm để cùng ăn chung, hôm nay chắc má giận nên đã ăn trước rồi, trong chậu rửa chén có một cái chén dơ và một đôi đũa nằm trong đó.
Tô canh bầu nấu tôm khô đã nguội, chén cơm má bới sẵn cho Tâm cũng nguội ngắt, cũng may mà ăn với cá lóc muối xả chiên nên càng nguội càng ngon.
Tâm vét tới hột cơm, miếng canh, miếng cá cuối cùng rồi lui cui dọn bàn rửa chén. Rửa chén xong Tâm chạy lên lầu vào phòng má để vấn an từ mẫu.
Má đang cầm điện thoại trên tay mắt chăm chú nhìn vào màn hình, nghe tiếng bước chân Tâm má không thèm nhìn lên mà khoe liền:
-Cái cờ líp làm củ kiệu ngâm nước mắm đường má mới đăng hôm qua bữa nay đã có tới hơn hai chục ngàn người coi rồi đó!
Tâm niệm thầm:
-A di đà phật! Nhờ có vậy mà cái tội bắt má đợi cơm của mình trôi tuốt tuồn tuột, không còn mắc kẹt ngang họng má nữa.
Vẫn không rời mắt khỏi màn hình, má hỏi:
-Ăn cơm chưa?
Tâm đáp:
-Dạ rồi!
Má lại hỏi:
-Cơm với đồ ăn dư có cất trong tủ lạnh chưa?
Tâm lắc đầu:
-Con ăn sạch bách rồi, đâu còn chút nào mà cất!
Má ngước mắt nhìn Tâm một cái rồi chép miệng:
-Ăn như heo, bao nhiêu cũng hết rồi vác thân đi làm mọi cho thiên hạ. Thiệt là nuôi con trai còn thua nuôi con gà, con vịt.
Tâm cự:
-Bây giờ thiên hạ họ ùn ùn nuôi trai lấy ngọc, giàu thấy mà khiếp. Nuôi gà nuôi vịt dễ bị trắng tay vì ba cái "hắt năm anh nờ một", chớ nuôi trai thì thành tỷ phú không hà!
Má bỏ ngang cái chủ đề đó, nói tiếp:
-Vậy rồi chiều nay ăn cái giống gì đây? Má tính nấu ăn sáng chiều luôn đó! Bộ con ăn hết thiệt sao? Có nói dóc má hông vậy!
Tâm đáp:
-Sao mà má "quánh" giá cái tài nấu ăn của mình thấp chủm vậy. Má nấu ngon quá xá! Con ăn bắt trớn làm sao thắng lại được.
Câu nói ấy khiến má hài lòng lắm lắm nên gương mặt tươi hẳn lên liền. Tâm nghiệm thấy mỗi lần mình lồng cái ý ca tụng vào câu trách móc là hiệu nghiệm gấp đôi.
Bèn hỏi thêm:
-Sao má hổng chịu nấu nhiều nhiều một chút?
Má đáp:
-Má thấy con sắp phì lũ tới nơi nên tính cho ăn ít lại một chút! Ăn ít cho đẹp, cơ thể đốt hết ráo mấy thứ cặn bả nên đầu óc minh mẫn, ăn cho cố thì vừa mập, vừa ngu.
Tâm cự:
-Đó là dành cho những người ít vận động. Con thì ngày nào cũng hì hụt đạp xe, đi từ trường nầy tới lớp khác, má cho ăn kiểu đó có ngày con kiệt lực, té cái rầm rồi nằm một đống ngoài đường!
Má lầm bầm:
-Chiều nay nấu món gì đây trời?
Tâm đáp phắt:
-Chiều nay má khỏi nấu cơm, hai má con mình đi ăn bánh xèo miền trung đi! Con mới lãnh tiền dạy kèm nè, con bao!
Má hỏi:
-Có được thưởng tết hông?
Tâm đáp:
-Một chỗ có, một chỗ không.
Má hỏi tới:
-Ai thưởng?
Tâm đáp:
-Cô chủ bán bún mắm!
Má ngạc nhiên:
-Chớ hổng phải bà chủ tiệm vàng sao?
Tâm không trả lời mà hỏi :
-Chiều nay má có đi ăn bánh xèo với con hông?
Má lắc đầu:
-Mua về ăn, má làm biếng đi lắm!
Tâm thở dài, từ ngày làm du túp bơ, má không còn thích ra ngoài nữa, chỉ khi nào có đề tài ngoại cảnh má mới chịu mang điện thoại theo quay.
Tâm gợi ý:
-Sao má hổng đi ăn tại chỗ cho khỏe? Ăn xong trả tiền rồi đứng lên khỏi phải rửa dọn gì hết! Mua đem về là nó bớt giòn, mất ngon!
Thấy má có vẽ xiêu lòng Tâm bồi thêm:
-Chỗ đó bán rẻ nên đắt khách lắm! Hay má đem điện thoại theo đặng làm cờ líp luôn, câu "viu", câu "lai", biết đâu nhờ vậy mà có thêm người "sấp rai".
Má hỏi:
-Ngon thiệt hông? Sạch hông? Đông hông?
Tâm gật đầu:
-Sạch bót, đàn ông đổ mới ác! Ông nội đó đẹp trai y như con bà hai vậy!
Má quyết định cái rụp:
-Rồi! Chiều nay con chở má đi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NHỮNG NGÀY CẬN TẾT
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 2 2021, 20:38
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Buổi chiều, Tâm thay đồ xong liền gõ cửa phòng má, gọi:
-Má dậy chưa ?
Má đáp:
-Dậy rồi! Chi vậy?
Tâm xô cửa bước vào, chưa kịp nói gì thì má đã mét:
-Hổng biết thằng cha, con mẹ nào độc ác quá! Phản hồi mà như chửi vô mặt má vậy!
Giọng má uất ức y như đứa con nít bị ai cướp lấy món đồ chơi yêu quí.
Tâm an ủi:
-Ai làm du tuýp mà không bị! Con đường đó bị đặt mìn đầy nhóc, nổ banh xác có ngày má ơi! Bỏ quách cho rồi!
Má cự nự:
-Mình làm họ hông thích thì đừng có coi nữa, mắc gì mà…
Tâm an ủi:
-Thôi kệ! Họ ngu thì tạo khẩu nghiệp, mai mốt chết đọa địa ngục ráng chịu.
Câu an ủi của Tâm có lẽ khiến má vui lên một chút.
Tâm hối:
-Lẹ lên má! Con đói muốn xỉu rồi!
Má nhớ ra bèn gật đầu:
-Con ra cho má thay đồ!
Tâm bước ra nhà ngoài, móc chiếc khăn ra lau cái bọc ba ga để má ngồi không dơ áo.
Má mặc diện hơn mọi ngày, quần tây trắng với chiếc áo sơ mi chấm bi đen trắng, chiếc điện thoại vẫn khư khư trên tay.
Tâm chợt nghĩ con người ta đang bị săn đuổi tứ phương!
Má Tâm trước giờ sống rất thanh thản, từ ngày Tâm ngu muội đem tặng má chiếc điện thoại thông minh, má bỗng tập trung tất cả sự chú tâm vào nó, lúc nào cũng dán mắt vào cái tên mặt mỏng đó, bỏ rơi thằng con cái một.
Tâm thở dài tự nghĩ:
-Cái tên công nghệ thông tin nầy võ công ngày càng thâm hậu. Nó đã bộc lộ tính thương mại, mục đính chính của nó là quảng cáo, sức bành trướng thật là đáng sợ! Nó thao túng mọi ngành, mọi giới! Chẳng có nơi nào mà nó không len lỏi vào. Ngoài đường rồi bây giờ vô tận nhà, lên giường, chui vô tới cầu tiêu luôn, hết đường thoát! Tâm bỗng rầu rĩ ngang xương!
Tư tưởng đó đeo dính trong đầu đến độ lúc dừng lại ở ngã tư đèn đỏ, đèn xanh bật lên Tâm vẫn chưa hay. Những người phía sau nhứt loạt bấm còi.
Má đấm lưng Tâm:
-Chạy đi! Người ta chửi kìa!
Tâm nhấn mạnh bàn đạp khiến tay lái bị lệch ngang, chiếc xe từ sau chạy tới lướt sát bên cạnh rồi va vào ghi đông một cái bốp khiến Tâm lảo đảo. Ngay lập tức có tiếng quát to:
-Đồ cái thằng cô hồn! Chạy vậy đó hả?
Tâm ấp úng:
-Xin… xin lỗi!
Má thở dài:
-Dân Sài gòn chắc nóng tánh nhứt nước mình!
Rồi hỏi:
-Quán bánh xèo đó xa hông?
Tâm đáp:
-Mình qua ba cái ngã tư, quẹo tay phải chạy một hồi là tới.
Má cằn nhằn:
-Để dành tiền mà sắm chiếc Honđa, có bao nhiêu cứ đem mua tùm lum. Ba cuốn sách đó trên mạng thiếu gì rinh về làm chi cho mất tiền còn chật nhà, chật cửa.
Tâm không dám nói với má là mua để ủng hộ những nhà văn mà mình ưa thích, sợ má lại chê dở hơi.
Tâm hỏi:
-Má đang quay hả?
Má đáp:
-Ai mà dám quay ngoài đường, rủi gặp tụi giựt đồ chạy ngang xớt một cái là tiêu, mất cái điện thoại hổng nói gì, có khi còn té xe rồi bị thương, mang tật nữa!
Lại đến một ngã tư, đèn đỏ lại bật lên. Tâm dừng xe cạnh một cô gái, Tâm đoán là vậy bời bộ móng tay dài ngoằng được sơn và gắn kim cương giả lên đó.
Tâm suy nghĩ:
-Mang bộ móng như thế nầy thì làm cái giống gì được hà trời? Thậm chí ngứa cũng đâu có gãi thoải mái. Mà nghe chị tư nói nó đâu có rẻ, tới bạc triệu lận!
Tâm liếc nhìn xem cô ta mặt mũi ra sao. Cái khẩu trang màu đen che mất nửa khuôn mặt, bên trên là chiếc nón bảo hiểm. Thế nhưng bằng vào chiếc xe cả trăm triệu cô ta đang đi, Tâm đoán đây là một phụ nữ đẹp bởi thời buổi nầy cái giàu và cái đẹp khoác vai nhau cặp kè như bạn bè muối mè rau muống.
Đèn xanh bật lên, cô gái cho xe vọt một cái ào, bỏ lại sau lưng một mùi thơm thoang thoảng. Tâm cấm đầu cấm cổ mà đạp như thể cố tình đuổi theo, được vài trăm thước liền thắng lại cái ét.
Tâm kêu:
-Chết cha!
Má hỏi:
-Cái gì vậy? Cán trúng đinh hả?
Tâm chỉ vô tấm bảng trước một cánh cửa sắt sơn màu xám đóng kín mà nói:
-Má coi nè!
Má lẩm bẩm:
-"Nghĩ bán về quê, mùng sáu khai trương".
Rồi hỏi:
-Vậy là về nhà nấu mì gói ăn phải hông?
Tâm lắc đầu:
-Kiếm thứ gì ăn đại, con đói bụng lắm rồi!
Má chỉ tay vào cái tủ bánh bao đằng trước, nói:
-Mua bánh bao đem về ăn cho gọn!
Tâm tuân theo răm rắp, lại đạp xe nhanh nhanh rồi thắng lại. Người bán, một cô gái khoảng hai mươi, không rời mắt khỏi điện thoại đang cầm trên tay, hỏi:
-Mấy cái?
Tâm đáp:
-Hai!
Cổ hỏi tiếp, vẫn không thèm nhìn Tâm:
-Mười lăm hay hai chục.
Tâm và má đáp một lượt:
-Mười lăm!
-Hai chục!
Cô gái mặc nhiên chấp nhận yêu cầu của Tâm, đưa hai cái bánh rồi nói:
-Bốn chục!
Má thở dài:
-Vậy là không có làm cờ líp bánh xèo được rồi!
Tâm an ủi:
-Để con chở má lại chợ hoa, ở đó đẹp lắm, mặc sức mà quay!
Má kêu lên:
-Bộ con tính chở má ra Nguyễn Huệ hả? Xa lắm đó!
Tâm lắc đầu:
-Chợ hoa nhỏ ở khu vực nầy thôi!
Rồi chỉ tay:
-Đằng kia kìa!
Tâm dừng lại trước một dãy chậu xếp hàng ngay ngắn đặt trên lề, một người đàn ông đang ngóng khách, thấy Tâm thì lật đật chạy ra tới lề đường mà đón, thiếu điều níu xe lại.
Ông ta mời:
-Mua mai chưng đi cậu! Năm mới chưng mai cho may mắn suốt năm.
Tâm chỉ định cho má xem để quay thôi chớ đâu tính mua.
Người đàn ông hình như biết Tâm định bỏ đi nên khẩn nài:
-Ghé vô coi qua đi cậu, biết đâu nhờ hơi hám của cậu mà…
Rồi than:
-Từ sáng tới giờ ai cũng dòm một cái rồi bỏ đi, hổng hỏi han gì ráo! Kiểu nầy chắc không đủ trả tiền xe chở đi chở về. Năm nay dám lỗ thắt họng chớ hổng chơi!
Tâm an ủi:
-Tại có cô vít nên ai ai cũng gặp khó khăn, kiếm tiền hổng ra thì lấy đâu mà mua sắm!
Ông ta thở dài:
-Tui cũng biết vậy nên năm nay làm ít lại, vậy mà rồi cũng còn ê hề! Nói cậu thương chớ từ ba hôm nay không bán được một gốc mai nào! Cậu làm ơn mở hàng lại giùm, cứ coi cho mãn nhãn đi, hổng mua thì trả đại một tiếng chớ đừng có bỏ đi liền mà tụi nó tủi!
Tâm nghe vậy liền chỉ tay vào cây mai trước mặt rồi hỏi:
-Chậu nầy bao nhiêu vậy chú?
Ông ta không trả lời liền mà khen vồ, khen dập:
-Cậu đúng là dân sành điệu! Nội đây nó là gốc đẹp nhứt đó! Cậu coi cái bông nó nè! Bự ghê chưa? Nhiều ghê chưa? Cả ngàn nụ chớ đâu có ít! Nó nở một cái là cả nhà cậu vàng rực luôn! Đúng là người có mắt!
Tâm nghe ổng khen nhưng không khoái chút nào bởi biết đó là lời đãi bôi. Chàng bỗng bức rức vì mang cảm giác mắc nợ ông ta.
Tâm chỉ muốn trả phắc đặng đi cho rồi nên nhắc lại:
-Bao nhiêu vậy chú?
Ổng đáp:
-Ba triệu rưởi!
Tâm hết hồn:
-Cây mai lùn tịt mà mắc dữ vậy?
Ông ta giải thích:
-Cái giá nó nằm ở cái gốc. Gốc càng lớn thì giá càng cao. Chớ cái ngọn thì nhầm nhò gì? Cậu là dân chơi chắc biết quá mà!
Thật ra cái gốc mai đó cũng đâu có to lắm, chỉ lớn bằng ngón cẳng cái.
Ông ta lại gật gù:
-Cậu đúng là có con mắt của dân chơi mai chuyên nghiệp:
Ổng cứ nhắc hoài hai chữ "có mắt" với "dân chơi" khiến Tâm nhột nhạt. Tâm định mở miệng cự rằng mình là dân thiệt chớ hổng phải dân chơi gì ráo thì bị má nhéo vô hông một cái, rồi giục nhỏ:
-Đi đi con!
Ông ta nghe thấy, liền hỏi bằng giọng ngạc nhiên:
-Hai người là má con sao? Tui tưởng là hai chị em đó chớ!
Lời khen làm má đẹp ý biết bao, Tâm đoán vậy vì nghe má đáp:
-Cám ơn anh!
Rồi nói tiếp:
-Con trai út của tui đó!
Người đàn ông lại chắt lưỡi:
-Sao lại có người trẻ dữ vậy? Đẹp dữ vậy?
Rồi năn nỉ:
-Cô trả giùm một tiếng lấy hên đi, không mua tui cũng không đốt phong long đâu, đừng có sợ!
Chắc má cũng có cảm giác mắc nợ ông ta nên nói:
-Một triệu được hông anh?
Ông ta cười như mếu rồi đáp:
-Cám ơn người đẹp! Gía đó chưa xứng với cái công tui bỏ ra! Làm ơn trả thêm giùm một tiếng nữa để tui lấy hên đi, người đẹp ơi! Hà tiện làm chi một câu nói!
Má bị cái chữ "đẹp" đó khống chế, bèn lí nhí:
-Một triệu rưởi nhé!
Rồi đấm lưng Tâm như biểu chạy cho lẹ.
Ông chủ bán mai tinh mắt lắm, liền nói:
-Rồi! Bán cho cô đó! Nói thiệt, cô thì tui mới bán đó nghen!
Tâm hết hồn, bởi định ăn bánh xèo thôi nên đâu đem theo tiền nhiều. Chàng vét túi trên, túi dưới ra đếm rồi nói:
-Xin lỗi chú! Cháu tính đi ăn thôi nên trong túi chỉ có vài trăm, hay là…
Ông ta khoát tay:
-Đừng lo! Để tui kêu người chở tận nhà giao rồi lấy tiền luôn thể.
Nói xong ổng móc điện thoại ra bấm rồi nói:
-Về lẹ! Giao hàng cho khách!
Khoảng mười phút sau, một cô gái đi chiếc xe cũ xì cỡ đời Gia long tới, cô ta lột khẩu trang ra nhìnTâm rồi cười một cái.
Tâm hết hồn tự nhủ:
-Cái cô nầy sao giống chị tư dữ vậy ta!
Nhờ vậy mà cái cảm giác bị sa bẩy cũng vơi đi một chút.
Cô gái nói:
-Em tên Mai, lại bán mai nên ai mua mai của em đều may mắn gấp đôi!
Tâm thở ra nhè nhẹ, tự an ủi:
-Coi như mình mua làm phước vậy đi! Làm phước thế nào cũng được phước! Biết đâu năm nay mình thi ra trường đậu thủ khoa rồi được giữ lại, khỏi phải bôn ba tìm việc!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» NHỮNG NGÀY CẬN TẾT «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu