VỀ NƠI CHỐN CŨ Tiếng điện thoại reo trong đêm khuya, cho tôi cảm giác phập phồng, Má có sao không ở nơi quê nhà?! Nhưng giọng nói quen thuộc của Huy vang lên: - Sao cô, đã nghỉ làm chưa, cô khoẻ không? Tôi suýt bật cười và đáp trả: - Tôi đâu rảnh như ai đó, ngồi trực mà vẫn gọi phá người ta, cậu biết mấy giờ chưa, mười hai giờ đêm đó, tôi đang ngủ đây, cậu nhỏ!
Nhưng chợt nhớ, em đang bận tâm cho việc thất nghiệp của mình mà. Ừ phải rồi, cuối tháng nầy là tôi phải ở nhà, để rồi không biết sẽ ra sao nữa? - Về thăm Má, lãnh tiền thất nghiệp một thời gian? Hay tìm một việc làm mới, phụ giúp gia đình trong hoàn cảnh kinh tế đang khó khăn cả nước?
Mấy ngày nay, con đường mười lăm dặm, từ nhà tới sở làm, sao thấy ngắn ngủi lạ lùng, thoáng chốc phương thảo huyền đã tới. Không như ngày nào, lên xe lái mà lòng cứ ao ước được nằm nhà ngủ nướng cho bằng thích. Rồi đây, mỗi sáng cứ năm giờ thức giấc, loay hoay với mền gối, đến bảy giờ chưa ra tới cửa, hốt hoảng sợ trễ... Để rồi nằm nhà chơi, chán ơi là chán!! Thời hoàng kim đã qua, nhà cửa bây giờ bị đóng băng, việc đóng cửa một vài chi nhánh của công ty địa ốc, là chuyện bình thường. Bình thường như việc ăn, ngủ, đi làm mỗi ngày của người dân xứ Mỹ nầy.
- Cô nhớ là chưa viết bài cho tụi em ở đây đó nha.
Là lớp trưởng của 12AB, lớp tôi chủ nhiệm, Huy tuy hiền nhưng rất nghiêm túc, có năng lực lãnh đạo, có phương pháp hướng dẫn các bạn học... Dạo đó, học sinh thường hay chọn ban Toán (C) hay Sinh Vật (D) để có tương lai khi vào đại học. Ban AB là phần thưởng cho thầy trò chúng tôi, bởi chúng tôi là những người hay mơ, lắm mộng, xem cuộc đời như những bài thơ tuyệt mỹ, nhưng thật ra ở hai ban kia, các cô cậu cũng làm thơ, múa bút ra trò. Tuy vậy, lớp 12AB lúc nào cũng đứng đầu khối trong mọi cuộc thi đua. Nhìn ánh mắt vui mừng, nghe những câu nói hoan hỷ, tôi vô cùng xúc động, bởi tôi biết các em rất cố gắng, và hết sức đoàn kết, để tạo ra những kết quả trên. Và bây giờ, em vẫn như xưa. Vẫn là người tiên phong trong mọi cuộc chơi. Sự nối kết giữa các Thầy Cô, bạn bè là do một tay em tạo ra. Sau lưng người đàn ông thành công, là có sự hiện diện của người đàn bà tốt. Vợ em, tuy chưa tiếp xúc, nhưng tôi vẫn tin rằng, cô ấy rất hiểu em, đứng một bên lặng lẽ, để em tự do làm những điều em muốn, nhưng em ơi, nếu em làm sai, cô ấy sẽ lên tiếng đó. Cô ấy luôn quan tâm đến em.
Buổi tiệc đêm hôm ấy, diễn ra ngoài dự tính của tôi. Về thời gian và con người.
Tôi chỉ ghé thị xã Long Xuyên, thăm dì và dùng cơm cùng người thân, Nhưng sau đó, bất ngờ tôi có được một buổi trưa thật tuyệt vời. Chúng tôi, ba đứa dung dăng tới quán nước gần Sở Giáo Dục, ngồi nhâm nhi ly nước mà nhớ quảng đời qua. Cái thời còn đi chấm thi ở Sở, có giờ rảnh là ra quán chè tại công viên. Ngồi nhìn lá rơi, nhìn người qua lại, dùng những tô bún bò Huế, chao ôi là cay. Ngọt cay của một thời đã qua! Dung dăng, là vì tôi được đi bộ. Cái thú nhất của tôi là đi bộ dưới những tàng cây lớn, bóng mát vừa đủ để những dãi nắng vàng đuổi bắt nhau, hay những cơn mưa bụi không đủ ướt áo người đi. Chúng tôi ghé tiệm vải, mua bộ áo dài để tìm cảm giác ngày nào còn lên lớp. Chiếc áo dài trắng, xanh, vàng, hồng... được ghi vội vào bìa tập của một em gái ngày nào. Tôi hỏi em trong dịp kiểm tra tập. Em bảo, để coi bao lâu thì cô trở lại chiếc áo cũ?? Và chiều lại. Thật bất ngờ. Thật cảm động. Nhìn số lượng người hiện diện lúc nầy, lòng tôi thấy nao nao. Hầu như các em học sinh cũ, đang làm việc tại tỉnh đều có mặt. Tiếng nói cười, lời thăm hỏi vang vang. - Mời cô ly rượu chúc mừng ngày cô về thăm quê. - Cám ơn, nhưng cô không uống được.
Rồi chụp ảnh lưu niệm, tặng quà cho cô. Thời gian qua nhanh, tôi phải về rồi. Nhìn các em đưa tiễn, tôi thấy bùi ngùi. Tôi phải về với Má, Má đang đợi tôi. - Lúc tôi rời trường, cô mình đã nói chuyện và khuyên bảo tôi, sao cho thích ứng với nơi học mới. Tôi không bao giờ quên điều đó.
Câu nói thoáng qua tai, khi nghe một em nói về tôi ở bên kia bàn. Cám ơn em đã còn nhớ.. Ngày xưa, hình như tôi hay tìm cách đến gần, các em có tâm trạng hay hoàn cảnh bất thường nào đó. Tôi ngây thơ với niềm tin bất diệt: lòng thành và tình thương chân thật, sẽ giúp các em giải quyết mọi tình huống. Tôi tự tin trong hành động đó, đến nỗi có học sinh cho rằng tôi đóng kịch để lấy lòng thương mến. Cho đến khi chuyển trường, tôi nhận được cánh thư, với nội dung làm tôi xúc động và vẫn nhớ.
Em viết: “...Trước khi học với cô, em vẫn nghe nhiều về cô. Em cứ nghĩ các bạn khoa trương thôi, hình ảnh bề ngoài không thể mang nội dung cô có. Nhưng càng học cô, em thấy mình lầm. Cô thực sự thương mến học trò, không phân biệt giai cấp, cá tính. Cô vì học sinh trong vấn đề giáo dục làm người... Một lần nữa, mong cô tha thứ cho đứa học trò nầy.”
Cám ơn em gái. Những lời em viết như giòng suối ngọt ngào, tươi mát. Ngày ấy và bây giờ. Cũng vậy thôi. Làm nghề dạy học, có gì vui cho bằng có được người thấy và cảm nhận ra mục tiêu của mình.
Trên đường ngồi xe về, ôn lại những thành công và hạnh phúc của các em. Song song đó, cũng nghe những bất hạnh, đau buồn ở một số em. Buồn, vui, thành đạt, thất bại... Phải chăng đó là cuộc đời. Cuộc đời vây quanh chúng ta.
Về lại Sài Gòn. Tôi đã tìm thấy những gì tôi muốn tìm. Qua Sáu, qua dáng dấp ngày nào, qua tiếng nói nũng nịu không khác xưa. Và nhất là qua phong cách làm vợ của em. Dịu dàng, khả ái, yêu thương và tín nhiệm “người ta”. Chao ơi, tôi ngất ngây trong niềm xúc cảm đó. Tôi ngày xưa, có được như em bây giờ?? Em của tôi, đã là mẹ của hai chàng trai trẻ, đã có địa vị trong xã hội, đã có tiện nghi vật chất đủ đầy. Vậy mà, em tôi vẫn dễ thương, vẫn mộc mạc, vẫn lễ phép ngoan hiền.
“Anh à, lát em đưa cô về, anh ở nhà đợi các con nha.” “Anh à, cô hỏi xe mình mua bao nhiêu vậy?” “Cô biết không, nhà nầy là do tự tay anh ấy trang trí lấy. Nghiên cứu mấy nhà cao cấp, cộng thêm kinh nghiệm sẵn có...”
Kèm theo câu nói, là ánh mắt yêu thương, nể vì và nụ cười nồng ấm. Tôi cứ ngỡ mẫu người như vậy đã không còn tồn tại nữa, vậy mà...
Hãy yêu thương và trân trọng những gì em đang có nha,”người ta” của em tôi.
Sáu của tôi ơi! Buổi gặp gỡ sau mấy chục năm chia cách, tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi một hình ảnh vô cùng đậm nét. Em làm tôi nhớ lại, dòng sông sau nhà ở quê em, buổi đi dạo quanh phố của chúng ta. Và mỗi khi gặp lại, cô bạn em chỉ có một câu: “Thầy biết không, tụi em đi chơi với cô, hai đứa em đều là con gái mới lớn, vậy mà tụi nó chỉ chọc có một mình cô, thiệt là quê.”
Ngày ấy, khi nào có tiệc trong gia đình em, là có mặt tôi. Ngủ một đêm, nhìn cảnh chị của em lạy xuất giá trong sự rộn rịp của người thân, đôi lúc tôi cũng ngậm ngùi. Đám cưới tôi, ở những tháng ngày không yên ổn của đất nước, bạn bè không dám đến vùng biên giới xa xôi, chị tôi cũng không có phép về. Nhà đã ít người, bây chừ chẳng có ai, giờ rước dâu lại quá sớm, một mình tôi tự lo lấy. Nước mắt cứ rơi, không biết vì sắp rời căn nhà thân yêu hay vì quá cô độc.
Tiệc nhà em xong, bên dòng sông hiền hoà, chúng ta cùng nhau rửa chén, thỉnh thoảng một vài chiếc tàu xuất hiện, rồi biến mất. Nước vẫn trôi trôi, em vẫn luôn bên cạnh tôi, đầm thắm, dịu dàng. Để rồi sau đó, đến lượt em về làm dâu nhà người ta. Hình đám cưới em, bây giờ tôi còn giữ. Em yêu kiều trong chiếc áo cưới, môi mỉm cười tràn đầy hạnh phúc.
Trở về Châu Đốc, nơi Má đang chờ tôi cả ngày qua. Má ơi! Con đã về bên Má nè, Má ngủ ngon nha.
Nhìn ánh mắt rưng rưng, khuôn mặt đầy cảm động khi nhận quà của Tiến. Tôi thấy lòng mình chùng xuống, tự giận sao không có nhiều thứ để trao ra. Nói với em những lời dịu dàng như ngày xưa, lắng nghe những tâm sự em chồng chất... Tôi chỉ biết im lặng và ngậm ngùi. Thương em mà không sao diễn đạt, ngôn từ bay mất tự phương nào. Tôi như người máy, vô hồn, không cảm giác. Hình như trạng thái nầy tôi mang đã khá lâu. Lặng thinh trước mọi thứ, đúng sai tùy người dệt chuyện, tôi không có ý kiến. Mấy mươi năm nơi xứ người, làm công việc tay chân, miệng thôi nói, môi không còn dịp nở hoa, phong cách lầm lì khó ưa. Tôi không còn là tôi của ngày nào. Có chăng là ở những phút giây ngắn ngủi của ngày cuối tuần, gia đình họp mặt. Bên cạnh người thân, tôi tìm thấy tôi.
Tôi của ngày xưa ấy. Sao vô tư, hồn nhiên, tin người, tin mình. Tôi như con gái nhà giàu, giàu tình thương, muốn chia sẻ, gánh vác, muốn mọi người cùng vui, không ai phiền muộn. Tôi đi sâu vào từng người một, lắng nghe và san sẻ, phân tích và an ủi, yêu thương và đồng cảm. Nhớ ngày mới đi dạy, đang giờ nghỉ giải lao, một học sinh chạy lên văn phòng, báo tin có bạn xỉu tại lớp. Tôi vội vã chạy xuống lớp, không ngần ngại cạo gió liền cho và săn sóc người bệnh trước sự ngơ ngác của cả lớp, bởi vì lúc ấy đã vào học và không phải lớp tôi đang dạy. Tôi không đặt vấn đề nam hay nữ, lớn hay nhỏ, chỉ biết đó là bệnh nhân, cần phải chăm sóc kịp thời, thế thôi.
Tôi lại còn lo lắng cả người nhà các em. Đứa em nhỏ lỡ dại, lấy cắp bản khai sinh anh mình để đi lính, bị bắt. Tôi nhờ người quen bảo lãnh em ra.
Song song đó, tôi được các em tin cậy và yêu thương nhiều. Những mảnh đời thường, những tâm tình mới lớn, các em đều thỏ thẻ cùng tôi, như một người chị, như một người bạn lớn tuổi. Vậy đó, tôi đã sảng khoái với cuộc sống như trên. Miệng nói, môi cười, cõi lòng ấm áp. Không tính toán, không vụ lợi và không lo sợ cho ngày mai.
Tôi bây giờ. Tuổi già đã gặm nhấm cả tâm hồn. Từng đoạn đường đi qua, với những kinh nghiệm được trả bằng mồ hôi và nước mắt. Lăng kính màu hồng ngày nào, được thay bằng màu xám hoàng hôn. Trời cao càng cao thêm. Gió mạnh, mưa to, rét giá không lường. Im lặng và nghi ngại ở bất cứ tình huống nào, bởi chẳng có niềm tin. Tin người, tin mình. Trải qua gần một đời người, mới thấy mình thật vô tích sự. Không năng khiếu, không tài mọn dù chỉ là một chút khéo tay, nói chi đến chiếc đầu hoàn toàn rỗng tuếch.
Chuyến về thăm nhà lần nầy rất ngắn, tôi định không cho ai hay biết, chỉ muốn dành tất cả cho Má. Người Má ngày nào nhanh nhẹn, lo lắng cho con mọi thứ. Giờ chỉ còn là da bọc xương, nằm trên giường với đôi mắt biết nói và miệng ngậm câm. Đầu óc Má còn rất tỉnh táo, Má nghe được hết và phân biệt mọi thứ đang xảy ra. Má cảm nhận mà không có ý kiến. Vui buồn với Má giờ không còn ý nghĩa. Có ăn cũng được, không ăn cũng chả sao, má chưa bao giờ đòi lấy. Ai cũng nói Má không được rồi, nhưng tôi biết Má còn tinh tường lắm. Bàn tay Má nắm tôi rất chặt, đôi mắt Má nói nhiều lời với tôi, miệng Má cười mà sao méo xệch... Nhưng bây giờ bên Má còn có chị, có em gái, có kỷ niệm của Ba, có quê hương, có chòm xóm, nắng ấm tình nồng, Má ơi!
Mỗi lần tôi đi đâu lâu, nước trong mắt Má rơi ra, chị bảo là nước mắt sống. Nuốt ngược cơn đau, tôi thầm hứa, sẽ không vậy nữa đâu. Mọi cuộc chơi tôi đều từ chối. Tôi còn nhiều thời giờ mà. Má tôi thì không thể đợi chờ.
Nước mắt lại rơi. Tuổi già sao nhiều nước mắt đến vậy. Cũng như người già hay nín câm.
Chiếc lá nhè nhẹ rơi!!!
Phương Thảo Huyền
|