Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 12:27
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 44 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 13239 | Trả lời: 43)
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 6 2008, 12:47
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Bắt chước nhăn mặt


Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau, ôm bụng nhăn mặt, thì lại càng đẹp hơn.

Có người đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt. Người làng trông thấy, tưởng là ma quỉ; nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn.

Trang Tử




Lời Bàn:

Chỉ biết nhăn mặt là đẹp. Không biết nét mặt phải thế nào thì nhăn mới đẹp. Thực là đáng tiếc ! Kẻ quên phận mình, chỉ muốn nắt chước người thì có khác gì người xấu muốn bắt chước nàng Tây Thi nói trong truyện này không ? Ôi ! bắt chước là một cái hay, nhưng nếu không chịu suy nghĩ cứ nhắm mắt bắt chước liều như con lừa thổi sáo, con nhái muốn to bằng con bò, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chẳng những không được lợi gì mà lại thiệt đến thân.

Chú Thích:

- Tây Thi hoặc còn gọi là Tây Tử là con gái nước Việt, ở thôn Trữ La, làm nghề dệt vải, cha thì bán củi. Nàng nổi tiếng đẹp, sau vua nước Việt là Câu Tiễn vì thua nước Ngô đem hiến nàng cho vua Ngô là Phù Sai.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 6 2008, 12:52
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Cái được cái mất của người làm quan


Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử. Bật Tử Tiện là học trò đức Khổng Tử, hai nguời cùng làm quan một thời.

Đức Khổng Tử qua chơi Khổng Miệt, hỏi rằng: "Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì ?"

Khổng Miệt thưa:

"Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì, mà đã mất ba điều : việc quan bận, không còn thời giờ học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới; bổng lộc ít, không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ không thân thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không trọn vẹn"

Đức Khổng Tử nghe nói không bằng lòng.

Sau ngài đến chơi Bật Tử Tiện, lại hỏi như hỏi Khổng Miệt.

Bật Tử Tiện thưa: "Từ khi tôi ra làm quan chưa mất điều gì, mà đã được ba điều : những điều trước học nay đem ra thực hành vì thế mà học càng rõ; bổng lộc dù bạc, cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần; việc quan tuy bận song cũng bớt được ít thời giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân."

Đức Khổng Tử nghe nói khen rằng:

"Tử Tiện thật là người quân tử".

Gia Ngữ



Lời Bàn:

Hai đoạn nầy bày ra hai cái cảnh phản đối lại hẳn với nhau. Cũng là làm quan, mà một đàng "mất" một đàng "được" khác nhau chẳng qua là chỉ do tự mình cả, chớ không phải nghề làm quan bó buộc mình phải như thế.

Đức Khổng Tử khen người "được" là quân tử, thì tất bỉ người "mất" là tiểu nhân. Ôi ! Làm quan tuy là bận việc, tuy là ít lương, tuy là hẹp thời giờ, mà vẫn học hành cho rộng thêm trí thức, mà vẫn chu cấp được cả cho bà con, mà vẫn ân cần cả với chúng bạn, thì cũng đáng phục là ông quan quân tử thật.


Chú thích:

- Chu cấp : chu – giúp, cấp – cho, giúp đỡ cho người ta những cái mà người cần đến.
- Thân thiết : gần gũi năng đi lại.
- Thực hành : đem ra làm thực sự.
- Bạc : mỏng, đối lại với hậu, đây là ít ỏi.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 6 2008, 12:00
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Can vua bỏ rượu

Vua Cảnh Công nước Tề hay uống rượu, có bận say luôn mấy đêm ngày, xao lãng cả việc nước.

Huyền Chương can, nói:

« Nhà vua uống rượu say sưa như thế, hạ thần xin can, nhà vua không nghe, hạ thần xin tự tận. »

Ngay lúc ấy Án Tử vào yết kiến nhà vua.

Vua bảo:

« Huyền Chương can ta bỏ rượu, không thì y tự tận. Nếu ta mà nghe, thì ta hóa ra non. Nếu ta không nghe, lỡ Huyền Chương chết thì cũng đáng tiếc. »

Án Tử nói:

« Hay lắm ! May Huyền Chương gặp được nhà vua, chớ như vua Kiệt, vua Trụ, thì chết mất rồi, còn đâu sống được đến bây giờ nữa ! »

Cảnh Công nghe nói, tỉnh ngộ, tự hôm đó chừa rượu.

Án Tử Xuân Thu



Lời Bàn:

- Tính thích uống rượu, nghe người ta can mà chừa được như Cảnh Công, là ông vua hiền; thấy vua say sưa, xao lãng chính sự liều thân mà can vua như Huyền Chương, là bầy tôi trung. Đến như Án Tử vừa là trung trực, lại vừa có tài phùng gián. Cũng là can ngăn mà không nói thẳng, càng bức bách quá làm cho người có tật hổ thẹn không muốn nghe, nhưng gợi cái lòng tự phụ của người, uyển chuyển được bụng người khiến cho phải tỉnh ngộ mà chừa đi ngay thì mới là giỏi.

Chú Thích:

- Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
- Xao lãng: quên bỏ không để tâm đến.
- Hạ thần: hạ: dưới ; thần: bầy tôi. Tiếng bầy tôi xưng với vua.
- Tự tận: tự mình làm cho mình chết.
- Yết kiến: vào hầu.
- Kiệt, Trụ: hai vua tàn bạo, độc ác, say mê tửu sắc, bỏ cả chính sự đến nỗi mất nước.
- Tỉnh ngộ: đang say mê việc gì mà biết hối lại.

Án Tử Xuân Thu: bộ sách ghi chép những công việc cùng lời nói của Án Tử. Án Tử tức là Án Anh, tên tự là Bình Trọng, người nước Tề về thời Xuân Thu, làm tướng ba đời vua Linh Công, Trang Công và Cảnh Công, có tính cần kiệm, một bụng trung thành nổi tiếng thời bấy giờ.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 6 2008, 12:08
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Khéo can được vua

Vua Cảnh Công nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử đang ngồi chầu, thấy thế, ngăn lại, hỏi:

« Vua Nghiêu vua Thuấn xưa phanh người thì bắt đầu từ đâu trước ? »

Cảnh Công ngơ ngác nhìn nói:

« Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội. »

Án Tử nói rằng:

« Tên phạm nầy chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng, là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục. »

Vua nói:

« Phải. »

Án Tử bèn kể tội rằng:

« Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết, là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quý của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục… »

Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng:

« Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân. »

Án Tử Xuân Thu



Lời Bàn:

- Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết, mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn biết nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi là chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay ! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi mà cảm hóa được quân vương.


Chú Thích:

- Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
- Phanh thây: mổ người, róc xương, lấy thịt.
- Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa…: câu nầy hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu Thuấn chưa có tội phanh thây.
- Thôi hãy buông ra: cứ theo sách Án Tử Xuân Thu thì là « Tòng quả nhân thủy » (khởi tự ta ra), theo Hàn Thi Ngoại Truyện thì lại là « Túng chi » (buông ra). Đây dịch là buông ra để ăn nghĩa với câu trên.
- Hạ ngục: đời xưa bao nhiêu tội nhân đã hạ xuống ngục tối, là phải xử tử cả.
- Trăm họ: chỉ nhân dân trong nước.
- Dòm dỏ: ngấp nghé xem người ta hở cơ thì làm hại.

Phụ chú:

Để làm sáng tỏ về định nghĩa ngôn ngữ, chữ PHANH THÂY ở đây nên hiểu theo nghĩa như sau thì đúng hơn:

Trong các hình phạt trọng tội của các tử tù thời phong kiến, ngoài tội tru di tam tộc, hay cữu tộc (xữ chết ba đời hoặc chín đời của tử tù) thì có tội: Tứ Mã Thanh Thây (Xé xác ra bốn mãnh bằng bốn con ngựa kéo) hay Lăng Trì Xữ Giảo (xẽo, cắt thịt da hay lóc xương).

Cho nên chữ phanh thây ở trên nên hiểu: xác tù nhân bị phân ra nhiều mãnh thì đúng hơn!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 6 2008, 12:32
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Chết mà còn răn được vua

Cừ Bá Ngọc là người hiền mà vua Linh Công nước Vệ không dùng. Di Tử Hà là người dở mà vua lại dùng.

Sử Ngư thấy thế, đã răn nhiều lần, mà vua không nghe. Lúc ông có bệnh, sắp mất, dặn con rằng:

« Ta làm quan tại triều nước Vệ, không hay tiến được Cừ Bá Ngọc, thoái được Di Tử Hà thế là bầy tôi không khuyên răn nổi vua, thì khi ta nhắm mắt, không được làm đủ lễ. Cứ để thây ta dưới cửa sổ, thế là xong việc cho ta ».

Lúc ông mất, người con cứ làm theo lời dặn. Vua Linh Công đến viếng thấy vậy, lấy làm ngạc nhiên. Người con đem lời di chúc của cha tâu lại. Vua thất sắc nói rằng:

« Ấy là cái tội của quả nhân ! »

Rồi sai người đem xác ông Sử Ngư vào nhà, bắt khâm liệm và mai táng cho đủ lễ. Sau quả nhiên vua Linh Công dùng Cừ Bá Ngọc mà bãi Di Tử Hà. Đức Khổng Tử nghe truyện ấy, nói:

« Đời cổ những gián quan đến lúc chết là hết cả mọi việc, chưa có ai được như Sử Ngư chết rồi mà còn dùng xác để can vua làm cho vua phải cảm động mà nghe mình. Thế chẳng là trung trực lắm ư ! »

Gia Ngữ



Lời Bàn:

- Đời quân chủ chuyên chế, phải có những gián quan thì mới có người chế hạn được quyền vua, can vua bỏ điều xằng, khuyên vua làm điều hay. Nếu can khuyên vua không được thì chẳng là không làm hết cái chức trách rất trọng của gián quán ư ? Nhưng một đàng vua cứ nhất định không nghe, một đàng mình cố sức can mãi đến lúc chết chưa thôi, còn lấy xác can nữa, thì thực là đáng khen cái tâm chí sâu xa bền chặt ấy ! Xem chuyện Sử Ngư lại nhớ đến chuyện bác sĩ Bergonié suốt đời hết lòng với khoa học, lúc chết, cũng hiến xác cho người ta mổ xẻ để nghiên cứu về y học. Như thế mới thực là những gương sáng tận tâm với chức vụ để thiên hạ soi chung.

Chú Thích:
- Tiến: cử lên làm một chức gì.
- Thoái: trừ bỏ đi.
- Ngạc nhiên: ngơ ngác, kinh hãi không rõ đầu đuôi ra thế nào.
- Di chúc: lời lúc chết dặn lại.
- Thất sắc: mặt tự dưng tái đi.
- Khâm liệm: khâm : đồ bổ khuyết xếp trên, dưới, bốn bên thây người trong áo quần cho chặt; liệm : vải hay lụa để bó thây người chết.
- Mai táng: chôn, đắp thành mồ.
- Gián quan: chức quan chủ việc can ngăn vua mà đàn hặc (phê phán) các quan khi có lầm lỗi.
- Trung trực: trung : hết lòng ; trực : ngay thẳng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 6 2008, 12:37
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Yêu nên tốt, ghét nên xấu

Trước, vua Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy, khen rằng:

« Có hiếu thật ! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân ».

Lại một hôm, Di Tử Hà, theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói:

« Yêu ta thật ! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta ».

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà, như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng:

« Di Tử Hà trước dám thiện tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày, nói xong bắt đem ra trị tội. Ôi ! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần ; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ. Cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay vua ghét tính thế nào rồi hãy nói.

Hàn Phi Tử




Lời Bàn:

Sự yêu ghét thường làm cho người ta mờ đi không rõ hẳn được cái giá trị của người được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người nầy, ghét người nọ, cũng chỉ một người ấy, lúc yêu cho ra thế nầy, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường : yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế. Lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu, yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy, thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về. Sự yêu ghét làm cho ta thiên và nhẩm như thế, cho nên ta muốn cho công bình, khi yêu, khi ghét, phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.

Chú Thích:

- Di Tử Hà: người thời Xuân Thu. Làm quan Đại phu nước Vệ.
- Chặt chân: một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ.
- Thiện tiện: chính mình không được làm như vậy mà cứ làm liều.
- Trị tội: đem luật hình ra mà trừng phạt kẻ phạm phép.
- Thân: gần, đằm thắm, quí hóa.
- Sơ: xa, hững hờ, ghét bỏ
- Đàm luận: nói năng, bàn bạc.

Hàn Phi Tử: Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 6 2008, 13:32
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Hà Bá lấy vợ

Dân đất Nghiệp có tục cứ mỗi năm góp tiền mua một người con gái ném xuống sông để làm vợ cho Hà Bá. Sự mê tín ấy đã có lâu ngày, không ai phá nổi.

Lúc ông Tây Môn Báo, đến làm quan đấy, ông thân hành ra đứng làm chủ lễ cưới cho Hà Bá. Trước mặt đông đủ cả bô lão, hào trưởng, ông đồng bà cốt, ông cho gọi người con gái đến. Ông xem mặt xong, chê rằng : « Người con gái này không được đẹp ! Ta nhờ bọn ông đồng xuống nói với Hà Bá xin hoãn lại hôm khác, để tìm người đẹp hơn ». Ông lập tức sai lính khiêng một ông đồng quăng xuống sông.

Một lúc, ông nói: « Sao lâu thế này ! ». Rồi ông bảo đám bà cốt xuống nói hộ. Lập tức sai lính bắt một bà cốt ném xuống sông.

Một lúc, ông nói: « Sao không thấy tin tức gì cả ! Chừng lũ đồng cốt xuống nói không nên lời. Dám phiền các cụ bô lão đi giúp cho. Lại lập tức sai lính lôi một cụ vứt xuống sông.

Một lúc, ông nói: « Sao mãi không thấy về thế nầy ! Bọn đồng cốt, bô lão dễ đi cũng không được việc. Phải nhờ đến bậc hào trưởng mới xong ».

Lúc bấy giờ bao nhiêu người đều sám xanh mặt lại van lạy xin thôi. Tây Môn Báo nói: « Để thong thả ta xem đã …Mọi người run như cầy sấy. Một chốc ông mới bảo: « Thôi tha cho. Thế là Hà Bá không lấy vợ nữa rồi ».

Thành thử từ đấy dân đất Nghiệp không ai dám nhắc đến truyện Hà Bà lấy vợ nữa.

Sử Ký




Lời Bàn:

- Sự mê tín thường làm hư người, tốn của, nát nhà, có khi mất cả mạng, thật là tai hại. Khi mê tín đã thành tục, thì khó lòng mà phá nổi. Muốn phá, tất phải dụng tâm khéo làm sao mới được. Ông Tây Môn Báo sở dĩ mà phá nổi cái tục cưới vợ cho Hà Bá, là vì ông biết trừ tự cái gốc rễ ; tức là đám đồng cốt quàng xiên, bọn cường hào ngoan cố, xưa nay quen thói cổ hoặc nhũng nhiễu người ta để kiếm ăn, để cầu lợi. Trừ hai hạng ấy để cứu vớt lương dân, chỉnh đốn phong tục thật là công minh và cương quyết vậy.


Chú Thích:

- Nghiệp: tên một huyện đời nhà Hán tức là huyện Lâm Chương tỉnh Hà Nam bây giờ.
- Tục: thói quen lưu truyền lâu ngày đã thành nếp.
- Hà Bá: thần ở dưới nước.
- Mê tín: tin một cách mê muội không còn biết lẽ phải là thế nào nữa.
- Tây Môn Báo: người nước Ngụy thời Chiến Quốc làm quan rất giỏi, trừ được hại, hưng được lợi cho dân.
- Thân hành: chính mình đi làm lấy một việc gì.
- Bô lão: các cụ già.
- Hào trưởng: kẻ có quyền thế, làm bực trên trong làng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 6 2008, 13:38
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Ghét con không giống mình


Doãn Văn Tử sinh được một đứa con, không thấy giống mình, lấy làm giận lắm, thường đánh đập luôn. Một hôm đang cầm gậy đánh, thấy Tử Tư đến chơi bèn nói rằng:

« Nó không giống tôi, không phải là con tôi. Tôi lại ngờ mẹ nó có ngoại tình mà đẻ ra nó, nên tôi muốn bỏ…

Tử Tư hỏi: « Cứ như ông nói, thì vợ vua Nghiêu vua Thuấn cũng chẳng đáng ngờ ư ? Hai ông là bậc thánh đế mà sao đẻ ra Đan Chu và Thường Quân thực không bằng kẻ thất phu. Như thế thì con cứ gì là phải giống cha ? Cái đạo thường thì phần nhiều cha mẹ làm sao đẻ con ra được như ý. Nhưng cha hiền mà đẻ ra con ngu, thì cũng là cái thế thường tự nhiên như thế, chớ nào có phải tội tự người vợ đâu ?…

Doãn Văn Tử nghe hiểu, nói rằng: « Thôi xin ông đừng nói nữa ».

Rồi về sau Văn Tử không bỏ vợ.

Khổng Tùng Tử




Lời Bàn:

- Có cha ấy tất phải có con ấy, thường thì vẫn thế. Nhưng không phải cái lý nhất định bao giờ cũng như thế. Có khi cha mẹ rất hay mà đẻ con ra rất dở. Hổ phụ khuyển tử cũng nhiều, chớ ghét đứa con vì nó không giống mình, cầm gậy đánh nó, rồi lại rắp tâm đuổi mẹ nó đi, thì cũng chẳng là tự ái quá mà hóa ra si ư ? Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, cố nhiên là thế. Nhưng đẻ con phải dạy, dạy con là việc rất cần. Nếu đẻ con chẳng dạy, để vậy mà nuôi, rồi cứ trách con dở, giận con hư, đó là lỗi nặng của người làm cha mẹ vậy.

Chú Thích:

- Ngoại tình: đàn bà có chồng mà ăn ở hai lòng, còn chia tình với người ngoài nữa.
- Thánh đế: vua giỏi tài đức tuyệt vời.
- Thất phu: ngu đần, người hèn.
- Hiền: khôn ngoan tài giỏi hơn người.
- Ngu: đần độn, u mê.

Khổng Tùng Tử: tên bộ sách, ba quyển, 21 thiên của nhà Bác sĩ là Khổng Phụ làm ra.

Khổng Phụ: tên Tử Ngư hay Tử Giáp, cháu đời thứ tám đức Khổng Tử.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 7 2008, 15:11
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Lợn mẹ giết lợn con

Họ Tử Xa có con lợn nái sắc đen tuyền, đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.

Tử Hoa Tử nói : « Gớm thay tâm thuật, hay chuyển di. Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thí bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Đã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư, thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau, kiên cố tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi làm đến thế lợi, chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức, gớm thay ! tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái ».

Tử Hoa Tử



Lời Bàn:

- Cái thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc ! Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng phải nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhơn đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!

Chú Thích:

- Tử Xa: quan Đại Phu nước Tần.
- Lợn nái: lợn cái nuôi để lấy lợi.
- Đen tuyền: tiếng tuyền là chữ toàn nghĩa là vẹn, đọc trạnh ra, đây nói suốt cả thân thể con lợn cùng một sắc đen.
- Loang lổ: chỗ đen chỗ trắng, lợn như thế gọi là lợn lang.
- Tâm thuật: cách nghĩ trong tâm não làm thế nầy thế kia.
- Chuyển di: núng động và thay đổi.
- Hối: lầm lỗi mà biết ăn năn nghĩ lại.
- Bình cư: ngày thường.
- Thân thiết: gần gũi đằm thắm.
- Thề ước: thề nguyền gắn bó với nhau để làm một việc gì.
- Kiên cố: bền chặt.
- Thế lợi: quyền thế, tài lợi.
- Tàn hại: làm cho tan nát khổ sở.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 7 2008, 15:15
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Giáp, Ất tranh luận

-Giáp hỏi Ất : Đúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông tiếng kêu boong boong, thì tiếng kêu ấy là gỗ kêu hay là đồng kêu ?

-Ất đáp : Lấy dùi gõ vào tường vách không kê, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu ở như đồng.

-Giáp hỏi : Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu ở như đồng mà ra không ?

-Ất nói : Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở như các đồ vật rỗng mà ra.

-Giáp hỏi : Lấy gỗ, lấy bùn làm chuông, đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở đồ vật rỗng mà ra không?


Âu Dương Tu



Lời Bàn:

- Cứ xem Giáp, Ất tranh luận thì cũng phân vân, không rõ tiếng kêu là tự chuông hay tự dùi ra. Chuông là đồng vốn kêu ; nhưng không có dùi đánh vào, không kêu. Vậy muốn có tiếng kêu, tất phải có cả chuông cả dùi mới được. Tiếng kêu là gì ? Chẳng qua là cái âm thanh từ hai vật chọi nhau, chạm vào nhau mà sinh ra. Tuy vậy, nếu nói tiếng kêu là tự cả chuông, cả dùi mà ra, thì hình như giữa cái chủ nghĩa « hai phải » trắng, đen là một. Thế mới hay : « Lẽ phải không cùng, càng nghị luận lắm, có khi lại càng như bối rối thêm ra không tài nào gỡ nổi. Nên biết được thế nào, thì hay thế, chớ cứ chấp nhất câu nệ cho mình là phải không biết cái phần phải của người, thì là có tính thiên và lượng hẹp. Nói cho đúng : muốn rõ vật lý, cần phải có khoa học. Không biết khoa học mà bàn luận vật lý, thì không tài nào xác thực được.

Chú Thích:

- Tranh luận: cãi nhau cho ra lẽ.
- Tiền trinh: tiền đồng, có người cho tiền đồng bên Tàu đem sang ta đầu tiên là tiền đồng niên hiệu Càn Trinh, nên gọi là tiền trinh.

Âu Dương Tu: người đời nhà Tống thi đỗ Tiến Sĩ làm quan Hiếu Sư, là một nhà văn chương có tiếng.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 44 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5  Trang kế tiếp

» CỔ HỌC TINH HOA - Ôn Như và Từ An «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 8 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 8 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 8 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 275 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:27

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 8 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu